728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    Mẹ chồng… hắc ám

    Mẹ chồng… hắc ám
    Nữ Sĩ NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG
    **
    Mẹ chồng… hắc ám

    Nguyễn Thị Thanh Dương

    Hôm nay đi chùa Liên sẽ về sớm hơn mọi ngày, nàng nói với tôi:
    – Chiều nay vợ chồng em cần đi xem vài địa điểm apartment nữa để chọn chỗ thuê mướn cho vừa ý vừa túi tiền chị ạ. Chúng em đã hỏi vài chỗ, thuê căn hai phòng cũng hơn một ngàn một tháng quá đắt với chúng em.
    Nhìn vẻ mặt Liên thoáng lo buồn tôi càng thương cảm nhưng chỉ biết an ủi suông:
    – Chúc em chọn được căn vừa ý nhé. Thôi thì tuy tốn tiền mà ở riêng tinh thần thoải mái hơn ở với mẹ chồng…
    Liên là bạn vai em, chúng tôi gặp nhau và quen biết nhau ở chùa. Mỗi Thứ Bảy cuối tuần tôi thường đi lễ chùa và Liên cũng thế. Thỉnh thoảng nàng hay than thở về bà mẹ chồng khó tính khó ưa.
    Liên mới sang Mỹ được chừng 5 năm, có hai đứa con, nàng làm nail, chồng tên Hải làm thợ hàn trong hãng xưởng. Vợ chồng con cái đang ở chung với cha mẹ chồng thì đùng một cái bà mẹ chồng tuyên bố “đuổi” gia đình Hải ra ở nơi khác.
    Liên đã vừa khóc vừa kể:
    – Mẹ chồng em hắc ám lắm chị ơi, hồi đó bà phản đối không cho anh Hải về Việt Nam cưới em. Bởi vậy bà ghét em, chê em con nhà nghèo, bà nghi ngờ em đi làm  dấm dúi gởi tiền về Việt Nam cho cha mẹ anh em.
    – Nhưng bà cũng đã cho vợ chồng em ở chung 5 năm nay rồi còn gì?
    – Ôi, ở chung cũng cực khổ trăm bề, muốn ăn muốn ở gì theo ý mình đâu có được, bà kiểm soát, chỉ dạy em đủ thứ nghe mà bắt mệt.  Nhưng tụi em chưa sẵn sàng tiền bạc để ra ở riêng thế mới khổ chứ.
    Tâm hồn tôi cũng bị ngả nghiêng theo chiều gió, tôi trách bà mẹ chồng của Liên:
    – Làm cha mẹ phải đỡ đần cho con cháu, giận gì thì giận nỡ lòng nào đuổi con cháu ra khỏi nhà cái rụp vậy. Bà mẹ chồng của em đúng là…hắc ám.
    Liên bùi ngùi:
    – Em thật vô phước gặp bà mẹ chồng kiểu này. May mà còn có chồng thương em…
    Tôi thuơng cảm cho Liên và cũng thấy ghét bà mẹ chồng của nàng dù chưa gặp mặt lần nào.
    Cuối cùng thì vợ chồng Liên đã ra ở riêng, họ thuê căn apartment hai phòng giá $1,200 một tháng. Ngoài tiền thuê nhà, còn tiền gởi hai con, Liên gởi con cho bác người Việt ở ngay bên cạnh, cũng may bác hàng xóm thông cảm hoàn cảnh vợ chồng Liên nên lấy giá rẻ hơn nhiều so với nơi khác.
    Từ ngày ra ở riêng Liên ít đi chùa, có khi cả một hai tháng tôi không gặp Liên, có lẽ nàng bận rộn làm việc nhiều hơn và lo chuyện nhà nhiều hơn. Lúc trước ở chung với nhà chồng, có cha mẹ là có thêm người, thêm tay chân đỡ đần chuyện nhà cửa con cái nên vợ chồng Liên mới rảnh rang.
    Tuy không gặp Liên thường xuyên nhưng tôi nghĩ gia đình Liên đang sống yên vui nơi ở mới là tôi cũng vui theo.
    o O o
    Một Thứ Bảy tôi đi chùa như thường lệ, lúc giờ ăn trưa có một bác tìm hỏi đúng tên tôi, bác giới thiệu là mẹ chồng của Liên và đưa tôi một tấm thiệp mời:
    – Nè cô, con Liên dặn dò tôi trao tận tay cô tấm thiệp mời ăn tân gia.
    Tôi ngỡ ngàng nhìn tận mặt bà mẹ chồng… hắc ám, đó là một bà mẹ quê nét mặt hiền lành chất phác, vậy mà qua những lời Liên kể tôi đã hình dung ra một “ác phụ”, một “bà chằn” đối xử tàn tệ với con dâu. Tôi thật sự ngạc nhiên:
    – Ủa bác… là mẹ chồng của Liên??
    – Tôi ít khi đi chùa, trừ khi dịp lễ lớn như Phật Ðản, Vu Lan, cô không biết tôi là phải, hồi nào tôi mắc ở nhà lo cơm nước chồng con rồi phụ trông cháu. Lâu nay con Liên cũng bận rộn quá chừng nhưng nó vẫn nhớ đến cô.
    Tôi ngạc nhiên lần nữa:
    – Vợ chồng Liên đã mua được nhà rồi sao? mới hôm nào cô ấy còn than thở với cháu là tiền thuê nhà, tiền gởi con và đủ thứ tiền khác hao tốn lắm mà, làm sao vợ chồng Liên để dành tiền nhanh thế?
    – Ðúng vậy đó cô, để vợ chồng nó ra ở riêng mới biết lo….
    Bà mẹ như gặp được chỗ để thở than:
    –  Cô ơi, có cha mẹ nào mà không thương con thương cháu mình? Ban đầu thằng Hải con tôi đòi cưới vợ ở Việt Nam tôi có phản đối vì chẳng biết rõ gia đình người ta thế nào, nhưng đã lấy nhau, trở thành con cái trong nhà tôi cũng ráng đùm bọc chúng, cho ở chung  và trông con cái cho vợ chồng nó đi làm hầu tiết kiệm được tiền sau này mua nhà mua cửa và lo cho con, nhưng có dư đồng nào là hết đồng đó. Cô coi, con Liên mới theo chồng sang Mỹ được 5 năm mà nó mang con về Việt Nam thăm cha mẹ nó tới 3 lần, tiền bạc nào chịu cho thấu. Thằng chồng thương vợ không dám nói gì, tôi khuyên nhủ thì bị con dâu giận hờn chê trách tôi ích kỷ nhỏ nhen không muốn nó về thăm cha mẹ….
    Tôi đã hiểu phần nào câu chuyện và tin những lời người mẹ này kể. Một chuyến về thăm Việt Nam của 3 mẹ con Liên tiết kiệm lắm cũng phải tốn năm, bảy ngàn, vung tay hơn nữa là tốn chục ngàn như chơi. Nếu cha mẹ Liên ở Việt Nam biết hoàn cảnh tiền bạc Liên không dư dả gì mà về Việt Nam liên tục như thế chắc gì họ đã vui? Thà rằng cứ thăm hỏi qua điện thoại, qua thư từ, biết tin nhau mạnh khỏe bình an là vui rồi. Thay vì thường xuyên về Việt Nam, Liên có thể gởi biếu cha mẹ tiền vẫn nhẹ nhàng đỡ tốn kém hơn rất nhiều..
    Bà mẹ kể tiếp:
    – Tôi đành đoạn… đuổi chúng ra khỏi nhà. Quả thật sau hai năm ở riêng dù phải trả tiền nhà, tiền gởi con nhưng vợ chồng nó biết lo làm ăn, tiết kiệm, để dành được một món tiền nhỏ, vợ chồng tôi phụ thêm vào cho chúng tiền để pay down mua một căn nhà.
    – Bây giờ mẹ chồng nàng dâu đã thông cảm nhau rồi hả bác?
    Bà mẹ tươi cười:
    – Chắc con dâu đã hiểu ra tấm lòng tôi, mỗi ngày thấy nó thân với tôi một chút tôi cũng mừng, nó còn nói phải chi con không về Việt Nam mấy chuyến là có tiền down nhà từ sớm rồi. Hồi đó mỗi lần về Việt Nam chơi là một hai tháng, đã không kiếm được tiền một hai tháng, lại mất việc khi trở lại Mỹ, tiệm nail cũ không nhận vì đã mướn người khác, nó lại phải tìm việc nơi khác và làm lại từ đầu.
    Tôi tiếc rẻ giùm cho Liên:
    – Hèn gì nghèo là phải, mỗi lần Liên đi chùa thường hay cầu khấn trời Phật phù hộ kiếm được chỗ làm tử tế là thế. Nhưng làm chưa ấm chỗ lại xin nghỉ về Việt Nam thì chủ nào chịu nổi.
    – Tôi trông hai cháu nội cho vợ chồng nó đi làm. Bây giờ con Liên đã yên ổn một chỗ làm, nó siêng làm lắm, không mấy hồi mà trả hết nợ nhà, có căn nhà của chính mình mà ở là sướng nhất phải không cô?
    – Dạ, bác nói đúng.
    Bà mẹ cởi mở:
    – Chừng đó, không mắc nợ nhà nợ xe gì nữa, rủng rỉnh tiền bạc thỉnh thoảng vợ chồng con cái thằng Hải con Liên có về Việt Nam thăm bên vợ ai cấm cản làm chi…
    Tôi khen:
    – Bác… càng nói đúng..
    Bà nhìn tôi với vẻ biết ơn vì đã lắng nghe và hiểu nỗi lòng của bà. Trút xong tâm tình bà mẹ chồng… hắc ám của Liên vui vẻ nhắc nhở tôi:
    – Cô nhớ đến chung vui tân gia với chúng tôi nha, căn nhà nó mua tôi ưng hết sức, vợ chồng con cái nó ở tha hồ thoải mái. Căn nhà là tổ ấm mà cũng là của cải vốn liếng, chứ đi thuê mướn nhà trả tiền tháng nào là bay mất tiêu tháng đó.
    Tôi cầm tấm thiệp mời, chẳng cần biết căn nhà cũ mới thế nào nhưng đã hình dung ra một căn nhà ấm cúng của vợ chồng Liên.
    Bà mẹ chồng Liên chào tạm biệt và hẹn tái ngộ.
    Tôi thấy bà mẹ chồng…hắc ám này thật hiền hòa dễ thương mà hôm nay mới gặp lần đầu tôi đã nhiều cảm mến. Tôi thầm nói với theo bóng dáng bà đang khuất dần phía xa:
    –  Bác ơi, bác là bà mẹ chồng tuyệt vời của cô Liên đấy.
    Nguyễn Thị Thanh Dương
    --

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: Mẹ chồng… hắc ám Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ