728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    NHỮNG CA KHÚC TIÊU BIỂU VINH DANH NGƯỜI LÍNH VNCH - Vương Trùng Dương & Giờ thứ 25 ... Giờ giữa tử sinh

     NHỮNG CA KHÚC TIÊU BIỂU VINH DANH NGƯỜI LÍNH VNCH - Vương Trùng Dương

        Trong hai thập niên (1954-1975) về lãnh vực âm nhạc ở miền Nam Việt Nam rất nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng và sự ngưỡng mộ, biết ơn người lính VNCH.

    Năm 2018, tôi viết bài Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Người Viết Sử Thi Cho Nhạc Lính, trong phần dẫn nhập trích bài viết của Trần Doãn Nho về Nhạc Lính đã ghi nhận: “Có khá nhiều tác giả viết về người lính: Y Vân, Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Nguyễn Văn Đông, Lê Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Hoài Linh, Huỳnh Anh, Đinh Miên Vũ, Phạm Đình Chương, Phạm Thế Mỹ, Tuấn Khanh, Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyên Đàm, Nguyên Diệu, Phan Trần… Trong số đó, Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ viết nhiều nhất…”. Còn có thêm Văn Giảng (Nguyên Đàm), Song Ngọc, Anh Thy, Duy Khánh, Mạnh Phát, Nhật Lệ, Hùng Cường, Mạc Phong Linh, Anh Việt Thu…

    Trước khi vào lính, Nhật Trường đã sáng tác các ca khúc: Anh Về Với Em (1964), Bảy Ngày Đợi Mong (1964), Ngày Anh Đi (1964), Đồn Vắng Chiều Xuân (1964), Không Bao Giờ Ngăn Cách (1964), Người Yêu Của Lính (1965)… Và, sau đó khi “khoác áo treillis” sáng tác rất nhiều nhạc phẩm với các quân binh chủng Hải, Lục, Không Quân VNCH.

    Qua những ca khúc tiêu biểu của Nhật Trường vinh danh người lính như Tình Thư Của Lính, Màu Mũ Anh Màu Áo Em, Anh Không Chết Đâu Anh (người hùng Pháo Đội Trưởng Nguyễn Văn Đương), Bắc Đẩu (anh hùng mũ đen Bắc Đẩu Nguyễn Ngoc Bích), Bay Lên Cao Đi Anh (Đại Úy phi công Trần Thế Vinh), Phút Giao Muà & Giấc Ngủ Trên Đồi Xanh (Trung Úy Nhảy Dù Trần Duy Phước)… Ca khúc Người Ở Lại Charlie (Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh tại Charlie ngày 12 tháng 4 năm 1972 khi vừa đúng 35 tuổi), là một trong những ca khúc được mọi người ái mộ, ca ngợi hình ảnh rất đẹp của người lính dấn thân nơi chiến trường. Ngoài ra với những ca khúc về người lính với tâm hồn lãng mạn qua hình ảnh người yêu nơi hậu phương và tiền tuyến.



    Với các ca khúc tiêu biểu về lính của các nhạc sĩ:

    Gót Chinh Nhân, Lạy Mẹ Con Đi, Nếu Vắng Anh, Nửa Đêm Biên Giới, Huynh Đệ Chi Binh (Anh Bằng), Khi Người Lính Trở Về, Tìm Anh, Tôi Nhớ Tên Anh (Hoàng Thi Thơ), Lá Thư Người Chiến Sĩ, Anh Đi Chiến Dịch (Phạm Đình Chương), Bức Thư Trên Lô Cốt, Đi Bên Lính, Lính Du Xuân, Người Lính Yêu Em, Thăm Lính (Y Vân), Các Anh Đi (Văn Phụng), 24 Giờ Phép, Tình Người Chiến Binh, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật (Trúc Phương), Bức Tâm Thư, Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân, Rừng Xưa (Lam Phương), Lính Tâm Sự, Ngày Phép Của Lính, Tâm Sự Hai Giờ Gác (Thanh Sơn), Mười Ba Tuổi Lính, Cánh Thiệp Đầu Xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Làm Quen Với Lính, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Chúc Thư Viết Từ Chiến Trường, Lời Người Lính Xa Xôi (Nhật Ngân), Quân Trường Vang Tiếng Gọi, Đêm Di Hành, Mưa Trên Poncho (Trầm Tử Thiêng), Biển Tuyết, Một Đêm Hải Hành, Tâm tình người lính thuỷ (Anh Thy) và Hoa Biển (viết chung), Mừng Anh Chiến Sĩ, Thư Về Em Gái Thành Đô, Người Anh Giới Tuyến (Duy Khánh), Một Chuyến Bay Đêm, Người Ra Vùng Hỏa Tuyến (Song Ngọc)…

    Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đầu năm Mậu Tuất (2018), tôi viết bài Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai, ca khúc Chiều Mưa Biên Giới sáng tác từ năm 1956, và tiếp theo với những ca khúc về người lính miền Nam Phiên Gác Đêm Xuân, Mấy Dặm Sơn Khê, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Lá Thư Người Lính…

    Kể từ khi Hiệp Định Genève 1954, chia cắt hai miền Nam/Bắc với con sông Bến Hải, nơi miền giới tuyến (vỹ tuyến 17) nầy có vài ca khúc, trong đó ca khúc trữ tình Gởi Người Giới Tuyến của Nhật Lệ vào giữa thập niên 50:

    “Tôi không quên anh, mưa nguồn về chiều đi biên giới

    Thương anh xông pha, đem thanh bình yên vui đời mới

    Mong sao biên cương, chiều nay không gió không mưa

    Niềm tin anh giữ trong tim, ngày còn ánh sáng bình minh”

    Hồi đó, thời còn đi học nơi phố cổ Hội An, trong lớp tôi có cô bạn hát ca khúc nầy rất tuyệt, tôi nghĩ rằng sau nầy cô sẽ trở thành ca sĩ nhưng không hiểu vì lý do gì không tiếp tục “kiếp cầm ca”. Đây là một trong những ca khúc tôi thích nhất.

    Bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa trong tình yêu của tuổi học trò, được Anh Bằng dựa vào ý thơ để phổ thành ca khúc Nếu Vắng Anh (1962) hình ảnh người em gái hậu phương với người lính nơi tiền tuyến:

    “Có những đêm âm thầm nghe tin vang xa ngoài tiền tuyến.

    Nhớ đến anh oai hùng xông pha gian nguy vòng chinh chiến.

    Phút luyến thương em chắp hai tay lên nguyện cầu.

    Mộng ước quê hương thôi hận sầu ta sớm gần nhau”.

    Gần đây, tôi đọc bài viết về Nhạc Tâm Lý Chiến Việt Nam Cộng Hòa 1954 -1975 của Lê Thiên Minh Khoa, bài viết cho rằng “Nhạc lính tâm lý chiến là loại nhạc ca ngợi “chính nghĩa quốc gia”, chống Cộng một cách gián tiếp, tế nhị, khéo léo hơn và được phổ biến sâu rộng hơn trong công chúng. ‘Ca từ’ của nhạc lính thường là ngôn ngữ giản dị, bình dân, dễ hiểu, nội dung vẽ lên hình ảnh oai hùng, phong sương, hào hoa, có khi “chịu chơi”, ra trận chịu đựng gian khó bởi lý tưởng “vì yêu quê hương” của người lính cộng hòa. Phải xác định rõ rằng, trong dòng nhạc tâm lý chiến VNCH có nhạc lính, nhưng không phải tất cả nhạc lính đều là nhạc tâm lý chiến, như một số nhà nghiên cứu âm nhạc hiện nay đã không khách quan khi quy kết, đồng hóa, do định kiến chính trị và cũng do chưa từng thâm nhập vào sự đa dạng, phong phú của các dòng nhạc Miền Nam thời chiến.

    Do hoàn cảnh khách quan tác động trực tiếp vào khung nhìn, tầm nhìn, trước hết và cụ thể là ở đâu cũng thấy bóng dáng người lính trong thời ly loạn nên hầu hết các nhạc sĩ miền Nam thời đó đều có bài hát về lính, tuy số lượng ca khúc, giá trị tư tưởng – nghệ thuật, quan điểm chính trị, không gian nghệ thuật trong từng ca khúc, từng tác giả có khác nhau. Nhiều nhạc phẩm viết về người lính nhưng không phải ca ngợi họ mà qua đó nói lên tâm tư của con người trước cuộc chiến, thân phận con người trong chiến tranh. Hoặc do đề tài thời thượng của người lính, nên có nhạc sĩ viết về lính vô tình phục vụ cho chính sách dân vận của chế độ. Hoặc viết ra do mối ân tình riêng sâu đậm với một con người vừa khuất, mà người ấy là nhân vật có vai vế  trong quân lực VNCH. Thậm chí, cả nhạc sĩ phản chiến hàng đầu là Trịnh Công Sơn cũng có bài hát về lính: Cho một người vừa nằm xuống viết về một người bạn của nhạc sĩ là đại tá không quân VNCH Lưu Kim Cương tử trận trong trận Mậu Thân…”.

    Tác giả đề cập ở phần nầy tương đối khách quan nhưng sau đó có phần phiến diện vì “Viết theo đơn đặt hàng của chính quyền Sài Gòn và cơ quan International Voluntary Service – IVS (tiền thân của Peace Corps – Đội Quân Hòa Bình sau nầy)” là sự ngộ nhận.

    Thật ra, các nhạc sĩ ở miền Nam VN tự do sáng tác theo nguồn cảm hứng của họ (trong đó có nhiều nhạc sĩ chưa từng khoác áo lính) vào hoàn cảnh chiến tranh, từ hậu phương nghĩ đến người lính VNCH vì bảo vệ quê hương, dấn thân nơi chiến trường với bao gian nguy, khổ cực để chiến đấu. Tuy nhiên trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, vài nhạc sĩ sáng tác để động viên, khích động tinh thần người chiến sĩ trong những lần “Sinh Hoạt Chính Huấn” ở đơn vị cùng các chiến hữu.

    Đây là sự khác biệt giữa nhạc sĩ ở miền Nam và miền Bắc (theo chỉ thị cấp trên và tuyên truyền). Với tôi, cùng suy nghĩ và đồng cảm về quan niệm bài viết Nhạc Lính của Trần Doãn Nho:

    “Nhạc lính, trước hết, nói về người lính, đã hẳn. Mà cũng là nói về chiến tranh. Về một xã hội vùng vẫy để tồn tại, để thích nghi với hoàn cảnh bom đạn. Và mơ ước. Những gian khổ, nhọc nhằn, vất vả, tiếc nuối, buồn chán, thất vọng, cay đắng, tủi nhục cùng với ước mơ – những gì vô cùng đời thường, vô cùng dân dã, tất cả đều được bày tỏ qua lời ca mà không cần phải sử dụng một ẩn dụ xa xôi nào. Do đó, khác với nhạc đỏ – thứ nhạc để chỉ nhạc Cộng Sản nói chung thường mang tính tuyên truyền – nhạc lính đầy tính cách nỗi niềm và mang tính nhân bản rõ nét…

    Vài đặc điểm của nhạc lính
    :

    Lời ca nhạc lính, phần lớn hay hầu hết, chủ yếu mô tả đời lính, nghiệp lính, những gian khổ của đời lính, mô tả sự chia cách, nhớ nhung, mơ ước ngày đoàn tụ, mơ ước hòa bình.

    Nhạc lính có tính cách động viên hơn là tuyên truyền; có tính tâm sự hơn là thúc đẩy, có tính cách chia sẻ hơn là lên án; có tính cách than thở nhưng không chủ bại.

    Đặc biệt, khác với nhạc đỏ, nhạc lính không nhằm gây căm thù. Không những thế, trong một số trường hợp, còn kêu gọi xóa bỏ căm thù, kêu gọi tình thương, kêu gọi hòa bình. Lời ca phần lớn và chủ yếu nói về nhiệm vụ, về lòng hăng say, sự hy sinh, ca ngợi sự chịu đựng gian khổ và lòng quả cảm của người lính. Và ngay cả khi đề cập đến  cái chết anh hùng của những người sĩ quan chỉ huy trên chiến trường, ta cũng không hề thấy khêu gợi chút căm thù nào. Chỉ nói về cái chết, về sự hy sinh và nỗi tiếc thương.

    Nhạc lính đồng thời cũng là nhạc tình. Cũng là nhạc quê hương. Nói về lính cũng chỉ để nói về tình. Mặt khác, trong một số bản tình ca thuần túy, hình ảnh người lính cũng hiện diện. Có lẽ vì đời lính, tự bản chất, chứa đựng sự xa cách, nhớ mong, niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu”.

    Với các ca khúc của các nhạc sĩ như đề cập ở trên, không có lời ca nào với lời lẽ sắt máu “phanh thây, uống máu quân thù” mà nói lên tình cảm, nỗi lòng nhớ thương của người lính (có khi bị cho là ủy mị) nơi giới tuyến, tiền đồn xa xôi, nơi rừng sâu hiểm trở… chia se nỗi buồn, vui về với hậu phương. Và, những lời ca lãng mạn, trữ tình với giai điệu nhẹ nhàng dễ quyện vào hồn người.

    Người lính tuy gian nguy, đối diện cận kề với cái chết nhưng vẫn đa tình như ca khúc Anh Là Lính Đa Tình của Y Vân:

    “Anh là lính đa tình

    Tình non sông rất nặng

    Tình hải hồ ôm mộng

    Tình vũ trụ ngát xanh

    … Có lúc muốn lấy hoa rừng

    Anh gửi về em thêu áo

    Cà ngàn vì sao trên trời

    Kết thành một chuỗi em đeo

    Dù rằng đời lính không giàu

    Mà chắc không nghèo tình yêu”

    48 năm qua, sống nơi hải ngoại, hình ảnh người lính VNCH vẫn luôn luôn như ca khúc Có Những Người Anh  của Võ Ðức Hảo:

    “Có những người anh tôi chưa biết tên

    Tha thiết cuộc đời đôi môi thắm duyên

    Quê hương trong khói lửa mùa chinh chiến

    Quên tình yêu riêng xong pha chiến tuyến

    … Các anh là nguồn thơ vô song

    Các anh là tình thương mênh mông

    Là muôn tiếng ca vang vang tận cõi lòng

    Là trong tiếng chim vui líu lo ngoài sân

    … Yêu sông yêu núi tươi cười ra đi

    Anh là người tôi thương mến muôn đời”.

    Dù thời gian có phôi phai nhưng trong tâm tưởng người em gái hậu phương vẫn vọng về chân dung người lính VNCH như trong ca khúc Tìm Anh của Hoàng Thi Thơ:

    “Tôi đi tìm anh người lính quá hiên ngang

    Cầm súng giữ giang sang xây Cộng Hoà

    Tôi đi tìm anh dòng máu thắm vô cùng

    Hình bóng những anh hùng thiên thu không nhoà”

    Trong thời chinh chiến, các nhạc phẩm về người lính VNCH, theo Huy Phương: “Tôi không nghĩ đó là những dòng nhạc tâm lý chiến thúc đẩy người lính luôn luôn lao về phía trước như những tiếng kèn thúc quân hay những khúc quân hành… Đây không phải là những bài nhạc viết theo đơn đặt hàng hay chỉ là một sự thù tạc, nó viết lên bởi những xúc động thật sự của người nghệ sĩ có tâm hồn”. Đúng vậy, đây là nhạc thời chinh chiến được sáng tác trong tâm hồn nhân bản của nhạc sĩ để cùng nhau hòa điệu giữa âm nhạc và cuộc sống, giữa quân, dân trong hoàn cảnh chiến tranh.

    Và, người lính với suy nghĩ rất đơn giản như ca khúc Lính Nghĩ Gì của Hoài Linh:

    “Tôi là lính, âm thầm tôi nghĩ thế thôi.

    Trăm lần, không bao giờ tôi giận cuộc đời.

    Xin đừng oán mà hãy mến thương tôi,

    Trong tình yêu người và người,

    Cho đời lính một niềm vui.”

    Đời lính với mộng bình thường như ca khúc Chúng Mình Ba Đứa của Song Ngọc với lời của Hoài Linh như lời gởi tặng khi bước chân vào quân trường:

    “… Mình có ba người

    Mà kiếp sống buông trôi

    Đứa này ở ven trời

    Thì đứa khác ra khơi,

    Hợp xong lại tan

    Trong giây lát xa không đành

    Thế mới thương đời lính

    … Chia tay thế là đường ai nấy đi

    Cũng là màu xanh chiến y”.

    Qua lời chia sẻ của Song Ngọc qua cuộc phỏng vấn của tôi, anh cho biết: “Tôi ưa đi lang thang như một nhạc sĩ giang hồ, mỗi lần có hoàn cảnh thường đi khắp đó đây, ngoài ra thì cũng đi nhiều nơi vì công tác. Nơi đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nơi thôn quê bát ngát, trăng thanh dịu dàng, chốn đô thành thì nhộn nhịp, tưng bừng. Tới vùng chiến tranh thì súng đạn tơi bời, bao nhiêu đau khổ, người bạn vừa gặp nhau, chuyện chưa nói hết thì anh ta đã chết. Vì đời gian truân, lăn lộn, nên mỗi khúc nhạc đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó”.

    Đời lính là vậy và tình người lính, tình chiến hữu thì không không thể nào kể hết khi sát cánh sống chết bên nhau trên chiến địa.

    Tác phẩm Drei Kameraden của nhà văn Đức Erich Maria Remarque (1898-1970) xuất bản năm 1936, Tâm Nguyễn dịch với tựa đề Chiến Hữu, Kinh Thi ấn hành năm 1972 ở Sài Gòn.

    Sau cuộc chiến thảm khốc, ba người lính bại trận trở thành ba người bạn gánh chịu những mất mát tổn thương khi trở về không được người thân, bạn bè chào đón. Họ sống sót trở về với hai bàn tay trắng, không tiền bạc tài sản, không nhà cửa, sống lang thang ở tận đáy của xã hội. Họ cùng nương tựa để sống bên nhau, nói lên tình bạn và tình yêu của những người lính sau chiến tranh, vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống, nhưng luôn sống và yêu hết mình. Tình chiến hữu của họ với tình bạn thiêng liêng rất cảm động và khâm phục qua ngòi bút của nhà văn đến nay gần một thế kỷ….

    Trong âm nhạc cũng vậy, những nhạc phẩm thời chinh chiến viết về người lính VNCH đã hơn nửa thế kỷ… vẫn in sâu vào tâm hồn người Việt nơi viễn xứ.

    Little Saigon, Memorial Day, 2023

    Vương Trùng Dương

    http://chinhnghiavietnamconghoa.com/nhung-ca-khuc-tieu-bieu-vinh-danh-nguoi-linh-vnch-vuong-trung-duong/

                                                                 ***

    Giờ thứ 25 ... Giờ giữa tử sinh

    Lời tác giả: 

    Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếm phụ nữ rất man rợ! 

    Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. 

     Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau.


    “Giờ Thứ 25… Giờ Giữa Tử Sinh” được biên soạn bởi tác giả Vương Trùng Dương về một đại tác phẩm nói lên thảm hoạ của chiến tranh và nhất là sự tàn ác, đầy thú tính của quân đội Nga thời Thế chiến, và hiện nay đang lập lại ở chiến trường Ukraine.

     ****

    Giờ Thứ 25… Giờ Giữa Tử Sinh.

     Wednesday, June 14, 2023  Biên Khảo ĐSLV Vương Trùng Dương

     Vương Trùng Dương

    (Đặc San Lâm Viên)

     Lời Ngỏ: Về tên gọi nước Nga kể thời thời Sa Hoàng trở về trước. Liên Xô hay Liên Bang Xô Viết từ năm 1922 đến cuối năm 1991. Trong tác phẩm Giờ Thứ 25 của nhà văn Virgil Gheorghiu trong giai đoạn Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) và những năm sau đó nhưng trong bản dịch và các bài viết ghi là Nga… Nay ghi lại là Liên Xô mới chính xác thời điểm.


    Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếm phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau.

     Bài thơ Trong Trại Cải Tạo của Mai Trung Tĩnh ở trại tù Long Khánh năm 1976:

     “… Đêm là đêm của thở dài

    Ngày là ngày của kẽm gai thân tù

    Tàu đi rồi bỏ ta ư?

    Đời ta chắc sẽ như ‘Giờ 25’

    Thân tàn qua các trại giam

    Thương chàng Mô-rít lầm than tháng ngày”

     (Nhà thơ chú thích: Moritz là nhân vật trong tác phẩm Giờ Thứ 25 của nhà văn Virgil Gheorghiu).

     

    Tựa đề tác phẩm “Giờ Thứ 25” thoạt đầu nghe rất khó hiểu nhưng tác phẩm nầy đã ảnh hưởng đến nỗi từ danh từ riêng thành danh từ chung khi gọi “giờ thứ 25” để đề cập giờ của tử sinh, thời khắc từ cái chết cận kề đến sự sống.

     Trong đơn vị thời gian với quy trình theo chu kỳ được tính từ thiên niên kỷ (1000 năm) đến giây (1 giây  có 1000 mili giây). Một ngày có 24 giờ là quy ước thời gian, kéo dài từ nửa đêm trước đến nửa đêm sau (00.00 giờ đến 23 giờ 59). Sau nầy, ngoài thời gian vật lý, có thời gian tâm lý theo tâm trạng, suy nghĩ của mỗi người tùy theo hoàn cảnh. Giờ thứ 25 không ở trong thời gian vật lý và thời gian tâm lý.

     Trước khi đề cập tác phẩm nhà văn Virgil Gheorghiu, ngược dòng thời gian, nhắc đến vài dòng lịch sử đất nước của nhà văn Gheorghiu vào thập niên bốn mươi.

     Lỗ Ma Ni (Rumani, Romania, Roumania) ở vị trí Đông Nam Châu Âu, với diện tích khoảng 240.000 km². Bắc và Đông Bắc giáp với Ukraine và Moldova, Tây Bắc giáp với Hungary, Tây Nam giáp với Serbia, Nam giáp với Bungary, Đông giáp với Biển Đen.

     Đất nước nầy có lịch sử lâu đời từ thời lập quốc Vương Quốc Dacia vào thế kỷ thứ V trước công nguyên nhưng đất nước nầy không được may mắn, gặp nhiều bất hạnh kéo dài bởi sự sự xâm lăng nên bị phân chia ra nhiều phần. Đến thế kỷ XIII, đế quốc Ottoman hình thành, xâm chiếm lãnh thổ các nước Đông Âu và đến thế Kỷ XVI, triều đình Ottoman thống trị, đàn áp người dân trên lãnh thổ nầy… Sau đó đế quốc Nga và đến đế quốc Áo – Hung cai trị với chính sách tàn ác.

     Năm 1877, chiến tranh Nga – Thổ bùng nổ, Rumani chớp thời cơ tuyên bố độc lập nhưng vẫn ở trong giai đoạn mong manh. Trong Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918), ban đầu Rumani trung lập nhưng sau đó quyết định tham gia phe Đồng Minh (8/1916). Tháng 11 năm 1918, chấm dứt cuộc chiến 4 năm đẫm máu, Rumani tuyên bố độc lập ngày 1 tháng 12 năm 1918, Ngày Quốc khánh - ngày thống nhất 3 miền của dân tộc Rumani được chọn là Ngày Quốc Khánh.

     Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, thời kỳ đầu chính quyền Antonescu của Rumani ủng hộ phe Phát-Xít nhưng vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, chính quyền Antonescu bị lật đổ, Rumani nghiêng về phe Đồng Mình. Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra do phe trục Trục (Phát-Xít Ý, Đức, Nhật) tấn công các nước từ Tây sang Đông.

     Những quốc gia thuộc phe Đồng Minh hầu hết các nước ở Âu Châu, trong đó có Liên Xô, Canada, Hoa Kỳ (trong thế trung lập)… Sau khi Nhật oanh tạc Trân Châu Cảng (7/12/1941), Hoa Kỳ tham chiến cùng với phe Đồng Minh… (Từ trước đến nay, HK chưa bị nước nào tấn công nhưng khi bị tấn công vào lãnh thổ thì bằng mọi giá trả đũa đến cùng)

     Trong những năm đầu của cuộc chiến, Liên Xô bị Đức tấn công nên bị kiệt quệ. Kinh tế lâm vào hoàn cảnh khó khăn, Hồng Quân LX thiếu vũ khí, đạn dược, phi cơ, xe tăng… để có khả  năng chống cự.

    Trước tình cảnh bi đát đó, Hoa Kỳ cứu nguy cho chế độ Cộng Sản LX vì mối hiểm nguy của phát xít nên HK đành chọn giải pháp nầy.

     Tổng Thống Mỹ Roosevelt ký thỏa thuận Lend-Lease vào ngày 11 tháng 3 năm 1941. Tổng giá trị của chương trình Lend-Lease là 50,1 tỷ đô la cho các nước đang lâm chiến ở Âu Châu (tương đương với khoảng 600 tỷ đô la năm 2023). Liên Xô nhận 3,2 tỷ đô la (khoảng 40 tỷ đô la hiện nay). Nhờ khoản viện trợ quân sự nầy, Quân Đội Liên Xô được  trang bị thêm vũ khí, đạn dược, hàng trăm nghìn xe vận chuyển do Mỹ sản xuất, đến năm 1945, gần một phần ba số xe vận chuyển của Hồng Quân là do Mỹ chế tạo. Không Quân Liên Xô đã nhận được 18.200 phi cơ. Hồng Quân LX cũng sử dụng khoảng 7.000 xe tăng Mỹ viện trợ qua chương trình Lend-Lease (cộng với hơn 5.000 xe tăng Anh)… Ngoài ra với nguồn tài trợ dồi dào về nông sản, lương thực, thực phẩm mà trong chiến tranh, Liên Xô đã mất nhiều cơ sở nông nghiệp; gia súc, trang trại chăn nuôi bị Đức chiếm đóng, phá hủy toàn bộ.

     Chương trình Lend-Lease của Hoa Kỳ tạo cơ hội, điều kiện cho Liên Xô phản công, giải tỏa các vùng bị chiếm đóng, và cuối cùng mặt trận miền Đông (Âu Châu) Liên Xô mới có đủ thực lực để phản công với quân Đức.

    Ngày 6/8/1945, pháo đài bay B-29 thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, ngày 9/8/1945, thả xuống xuống Nagasaki, ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh. 

     Thống Tướng HK Douglas MacArthur chấp nhận tuyên bố chính thức đầu hàng của Nhật Bản trên chiến hạm Missouri vào ngày 2/9/1945. Mặt trận miền Đông chấm dứt.

     Hè năm 1944, Hoa Kỳ, Anh và các nước Đồng Minh mở mặt trận ở Tây Âu bằng cuộc đổ bộ tại Normandy và tiến vào giải phóng Pháp, Bỉ, Hà Lan… chuẩn bị tấn công Đức. 

     Trận chiến Normandy, 6/6/1944 (D-Day). Chỉ trong một ngày này, về phía Hoa Kỳ có khoảng ba mươi ngàn chiến binh tử trận và khoảng một trăm ngàn người bị thương hoặc mất tích. Nhờ sự tham chiến của HK trong trận Normandy mới đánh bật được quân Đức nên mới lật ngược thế cờ.

     Mùa Xuân năm 1945, Liên Xô tấn công Đức. Ngày 9/5/1945, nước Đức ký văn bản đầu hàng không điều kiện.

     Ngày 23/8/1944, Hồng Quân Liên Xô tiến chiếm Rumani. Ngày 30/12/1947, Liên Xô thiết lập chế độ XHCN ở Rumani.

     Hậu quả tai hại khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến mà các quốc gia Đồng Minh “trao” cho Liên Xô thôn tính 9 nước Đông Âu dưới chế độ Cộng Sản (trong đó có một nửa của Đức và một nửa thành phố Bá Linh với Bức Tường Ô Nhục)! 

     Dưới sự thống trị của Stalin ở Liên Xô, lịch sử đã ghi lại với các tên gọi: Diệt chủng (Genocide), Thanh trừng chính trị (Politicide), 

    Giết người thảm sát (Democide), Tội ác chống lại nhân loại (Crime against humanity), Thanh trừng giai cấp (Classicide), Khủng bố (Terror), 

    Giết người hàng loạt (Mass killings), Thảm Họa Cộng Sản (Communist Holocaust hay Red Holocaust)… hàng trăm triệu người bị lao tù khổ sai, giết chết rất thảm khốc! 

    Năm 1957, nhà văn Gheorghiu viết Les Sacrifices du Danube (Những Kẻ Hy Sinh Vùng Sông Danube), nói lên nỗi cay đắng uất hận của những nước Đông Âu trong vùng Danube như Hung Gia Lợi, Nam Tư, Lỗ Ma Ni, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi… đã bị Đồng Minh Tây Phương, Hoa Kỳ nhường cho Liên Xô chiếm đóng năm 1944, 1945 khiến cho trên 150 triệu người đã bị tan gia bại sản, trở thành nô lệ, làm thân trâu ngựa cho Liên Xô vô cùng tàn bạo… 

     Năm 1960 Gheorghiu viết quyển La Cravache (Chiếc Roi Ngựa), trong đó ghi lại ngày 23/8/1944, ngày đen tối dài nhất của lịch sử Rumani khi xích sắt của xe tăng Liên Xô tràn qua nghiền nát quê hương ông với biết bao tội ác dã man ghê rợn. 

     Người dân Rumani không thể nào quên lịch sử đất nước chìm trong địa ngục, hoang tàn vì cướp bóc, bắn giết, hãm hiếp man rợ… của quân xâm lược diễn ra khắp nơi khởi đầu cho 46 năm nô lệ của người dân Rumani (1944-1990). 

     oOo

     Nhà văn Gheorghiu (1916-1992) sinh tại Moldavie, Bắc Rumani mất ngày 22-6-1992 tại Paris. 

    Ông học trung học từ 1928-1936, sau đó học thần học và triết học tại đại học Bucharest và Heidelberg, Đức, năm 1939 lấy vợ là nữ sĩ, năm 1942, 1943 hai vợ chồng phục vụ tại Bộ Ngoại Giao Rumani ở Zagred, xứ Croatie, phía Bắc Nam Tư.

     Khi Liên Xô xâm chiếm Rumani ngày 23/8/1944, Gheorghiu và vợ lưu vong. Đệ Nhị Thế Chiến Thứ Hai kết thúc ông và vợ là dân Rumani nên bị người Mỹ giam giữ năm 1945 mỗi người một nơi lý do kẻ thù của Liên Xô cũng là kẻ địch của Mỹ (vì Mỹ và Liên Xô là đồng minh).

     Năm 1947 mới được thả ra, hai vợ chồng đoàn tụ tại Heidelberg, Đức. 

    Không thể sống tại Đức, vợ chồng ông đi bộ sang Pháp. 

     Trong thời gian ở tù ông viết cuốn “Ora 25” bằng tiếng Lỗ Ma Ni, năm 1949 cho dịch ra tiếng Pháp lấy tên La Vingt-Cinquième Heure (Giờ Thứ Hai Mươi Lăm) xuất bản tại Paris, dày khoảng 460 trang, được nhà văn, triết gia Gabriel Marcel viết tựa giới thiệu và nổi tiếng ngay. 

     Sau đó dịch ra tiếng Anh: The Twenty-Fifth Hour, và với nhiều ngôn ngữ khác. Tác phẩm nầy không được xuất bản ở Romani cho đến năm 1990 khi Liên Xô và các nước Cộng Sản Đông Âu sụp đổ (Ora 25 xuất bản lần đầu ở Rumani bởi Editura Omegapres, Bucharest, 1991).

     Tác phẩm nầy, Gheorghiu viết trong thời gian bị giam cầm, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất giữa thế kỷ XX. Toàn bộ tác phẩm qua những mẩu đối thoại thay vì mô tả. Và chính những lời đối thoại mới diễn tả hết suy nghĩ, tâm trạng, thân phận của các nhân vật trong tác phẩm.

     Tại miền Nam VN, bản dịch Giờ Thứ 25 của Lê Ngọc Trụ và Võ Thị Hay (Gió Bốn Phương - Khai Trí ấn hành năm 1967) theo bản dịch La Vingt-Cinquième Heure của Monique Saint-Côme.

     Tác phẩm La Vingt-Cinquième Heure bán chạy nhất Châu Âu, ngay vài tuần lễ đầu đã bán được hơn nửa triệu cuốn, đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới.

     Bản dịch Giờ Thứ 25 xuất hiện trong thời binh đao khói lửa ở miền Nam VN và hiểm họa của đất nước nên độc giả tìm đọc và suy ngẫm trước cuộc chiến thảm khốc.

     Năm 1967, La Vingt-Cinquième Heure được quay thành phim, nhà sản xuất Ý Carlo Ponti và đạo diễn Pháp Henri Verneuil thực hiện, hãng MGM phát hành. 

     Tài tử nổi tiếng Mỹ Anthony Quinn đóng vai Moritz, Virna Lisi vai Suzanna, Liam Redmond vai mục sư Koruga, Serge Reggiani vai Traian… Cuốn phim nầy được chiếu các rạp ciné ở miền Nam VN, thu hút khán giả cho đến lần chiếu cuối cùng.

     Sau trận chiến ở Normandy, quân Đức thảm bại, ngày 23/8/1944, Hồng Quân Liên Xô mới có cơ hội phản công với chiến xa và bộ binh Nga vượt biên giới chiếm Rumani. 

     Bản chất bạo tàn của Hồng Quân LX, dân làng Fontana (Chương I của tác phẩm) hốt hoảng ghê sợ bọn ngoại xâm vô cùng tàn ác, nhiều người trốn vào rừng kháng chiến không để giặc bắt. 

     Quân Liên Xô thả tù và dùng bọn tay sai thân Cộng Sản lập tòa án nhân dân xử tử hình mục sư Koruga, trưởng đồn an ninh, và tám người nhà giàu… Tiếp theo sau chân Hồng Quân là những chuyện kinh hoàng: đàn bà bị hãm hiếp, đàn ông bị đánh đập ngoài đường phố, ngoài chợ…, cướp bóc bắn giết ngay giữa ban ngày y như quân Hung Nô Mông Cổ từ châu Á tràn sang làm cỏ châu Âu từ những thế kỷ xa xưa. 

     Như đã đề cập ở trên, hậu quả không thể nào lường khi Liên Xô có dịp chiếm đóng các nước Đông Âu và trở thành cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới đã đe dọa EU, NATO… cho đến khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. 

     Thế rồi nước Nga dưới ách cai trị độc tài của Putin lại theo vết xe cũ, Nga xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, thế giới bất lực nên thừa thắng xông lên, tháng 2/2022 đem đạo quân hùng hậu xâm lăng Ukraine, gây ra cuộc chiến tàn khốc, phá nát đất nước Hoa Hướng Dương chìm trong biển lửa! Quân Nga với bản chất tàn ác, man rợ như thời Liên Xô, đã và đang mang tội diệt chủng, bất chấp sự lên án của Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

     Trong quá khứ, trước thảm họa tàn ác do Hồng Quân gây ra, người dân chạy bán sống bán chết, họ liều mình thoát thân để sang phía Mỹ, phía Anh hay Pháp. Hàng vạn người đã bỏ thây trên những đoạn đường vượt thoát dưới bom đạn của Hồng Quân! 

     Thì nay, hàng triệu người dân Ukraine cũng lâm vào tình cảnh như vậy, đành bỏ nước ra đi!

     Tác phẩm Giờ Thứ 25, gồm 5 chương chính, phần phụ và đoạn kết. Trong tác phẩm nầy, nhà văn Gheorghiu chỉ ghi nơi chốn xảy ra, không ghi rõ thời điểm nên sau nầy, có các bài viết về tác phẩm Giờ Thứ 25 chỉ nêu ra giai đoạn trong Đệ Nhị Thế Chiến. Dựa vào tác phẩm Gheorghiu viết năm 1948, ngược dòng thời gian, nhân vật Moritz đã trải qua 13 năm lao tù thì thời điểm bắt đầu vào khoảng năm 1935. 

     Năm 1934 Hitler cầm quyền nước Đức, lập nên Đức Quốc Xã đàn áp, sát hại dân Do Thái. Rumani và Hungary lúc đó lệ thuộc Đức, khi Moritz bị ghi nhầm gốc Do Thái nên bị phân biệt chủng tộc dẫn đến vòng lao lý… 

     Rồi đến khi Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra, Moritz bị cưỡng ép phục vụ trong quân đội của Phát-Xít Đức nên lúc Liên Xô chiếm Đức thì Moritz bị liệt kê trong thành phần diệt chủng và lần thứ hai bị kết tội.

      Trong chiến tranh xảy ra biết bao oan trái, nghịch cảnh cho thân phận làm người, và trường hợp của Moritz là nạn nhân bất hạnh đó. Tác phẩm nầy, nhà văn Gheorghiu cũng là nạn nhân của thời thế nên dựng nên câu chuyện thấp thoáng qua hình ảnh của Moritz.

     Chương I khởi đầu ở làng Fontana ở Rumani. Ngôi làng Fantana hiền hòa xứ, Johann Moritz, chàng nông dân chất phác có người yêu Suzanna, con gái địa chủ giàu có, không được cha chấp nhận cuộc hôn nhân nàng đã trốn theo Moritz. 

     Moritz nhờ Traian, văn sỹ, nhà ngoại giao, con mục sư Koruga giúp đỡ tiền bạc đã mua đất, làm nhà xây tổ ấm gia đình, có hai con.

     Traian, con trai của Linh Mục Koruga, người đã thuê Moritz tại ngôi làng ở Rumani của họ, là nhà văn và nhà ngoại giao. Traian có lần thực tập đầu tiên khi bị người Nam Tư bắt giam. Eleonora, gốc Do Thái kết hôn với Traian để có chỗ tựa vì chàng người Rumani nhưng tai họa giáng xuống chàng.

    Trong khi bị giam cầm, Traian, bị tra tấn dã man nên lên án sự vô nhân đạo với những phe nhóm trong chiến tranh. 

     Traian đang viết dang dở cuốn sách mang tên Giờ Thứ 25, về Johann Moritz và những hệ lụy xảy ra trong chiến tranh… Traian bị tù trong trại giam của Mỹ-Ba Lan. Trại giam nằm giữa cánh đồng hoang vu,  chứa khoảng mười  lăm ngàn người, 

    Traian gặp lại Moritz nơi nầy. 

    Traian bị giam trong lao tù, anh tuyệt thực phản đối, họ đưa vào nhà thương điên. 

     Khi được thả ra khỏi nhà thương điên, Traian đi ra cổng chính, đến hàng rào kẽm gai. Lính gác bắn hai phát súng, phát thứ hai khiến Traian ngã gục. Anh đã tự ý đi tìm cái chết. Và, họ dàn dựng cho rằng Traian tự sát. Đó là tựa đề cuốn sách của Gheorghiu trong ý nghĩ của Traian.

     Nhân vật chính Moritz, nông dân Rumani chân chất, trong lúc tao loạn trốn sang Hungary, chính quyền Hungary “bán” sang Đức và bước qua một ngã rẽ bất ngờ khi Đại Tá người Đức quả quyết Moritz thuộc giống thuần chủng Aryan, “giống dân anh hùng của Đức”. Khi Moritz bị lao tù thì quy kết là giống dân Do Thái rồi khi “bán” cho Đức thì thuộc thành phần Đức Quốc Xã… Những đoạn đường chông gai, oái ăm đó đã đẩy Moritz cam chịu 13 năm trong vòng lao lý, bị đày ải cả trăm trại giam từ nước nầy đến nước khác…

     Cuộc tình Moritz và Suzanna đang êm thắm thì sóng gió nổi lên. Lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng, tên trưởng đồn cảnh sát (hiến binh) làng Fontana mê cô vợ trẻ Suzanna bèn giở thủ đoạn làm giấy đưa Moritz đi đào kênh phòng thủ để hắn ở nhà dụ dỗ nàng. 

     Lúc đầu, anh ta được gắn thẻ là ‘Jacob Moritz’, một người Do Thái. Sau đó, anh ta và những người bạn tù Do Thái trốn thoát đến Hungary, nơi anh ta bị giam giữ như người dân của nước kẻ thù.

     Họa vô đơn chí, Moritz ở trại tập trung, bởi ghi nhầm anh là  gốc Do Thái, thế là không còn hy vọng ngày về. 

     Ở nhà Suzanna bị ép buộc phải làm giấy ly dị để giữ căn nhà, nàng vẫn chờ đợi Moritz. Lúc đầu Suzanna không thể chấp nhận nhưng lâm vào tình thế khó xử nên đành ký vào giấy ly dị! Trong tác phẩm nầy, qua các mẩu đối thoại của các nhân vật đều ép buộc Moritz là dân Do Thái.

     Bốn ngày sau khi Traian chết, Moritz nhận được thơ Suzanna gửi qua Hồng Thập Tự. Trong thư Suzanna kể hết bao nỗi thống khổ, nhục nhã phải cam chịu. 

    Khi Hồng Quân Liên Xô xâm chiếm Rumani. Hình ảnh đó, nàng Suzanna kể: 

     “Khi quân Liên Xô đến chúng bắn mục sư Koruga và mấy người khác, em và mẹ anh đã lôi mục sư ra đường, ngài chưa chết, em và mẹ đã giao cho đoàn xe nhà binh Đức chở ngài đi. Hôm sau mẹ bị bọn tay sai bắn chết vì cứu mục sư, em phải dẫn con trốn khỏi làng sợ chúng giết, em chạy xa đến tận nước Đức. Hồng Quân bắt được em…, bốn ngày sau em bị bệnh thì một bọn lính tông cửa vào nhà tìm đàn bà con gái, chúng bắt em và cô con ông chủ nhà mới mười bốn tuổi, chúng bắt tụi em uống rượu và cưỡng hiếp chúng em cho đến sáng!

     Suzanna ngất xỉu khi tỉnh dậy thì các con than khóc, đêm sau bọn lính trở lại hãm hiếp. Suzanna trốn xuống hầm nhưng chúng cũng tìm được và lại làm chuyện tồi bại như mọi khi, hai tuần liên tiếp dù trốn ngoài vườn, bên những nhà lân cận chúng cũng đều tìm được và cưỡng hiếp trước mắt các con. Suzanna định tự tử cho xong nhưng nghĩ tới các con, nếu chết chúng sẽ bơ vơ xứ lạ nên bỏ ý định quyên sinh nhưng khi ấy tự coi như đã chết rồi.

     Suzanna chạy trốn về vùng chiếm đóng của quân Anh hay Mỹ nhưng dọc đường Hồng Quân bắt được nhiều lần, hãm hiếp trước mắt trẻ con, đàn bà con gái nào bị chúng bắt được đều chịu chung số phận. Trước khi vào được vùng do Anh kiểm soát bọn Hồng Quân giữ lại ba ngày và hãm hiếp suốt ngày đêm, lần chót Suzanna có thai với chúng nay đã năm tháng."

     Bức thư của Suzanna viết cho người chồng như đề cập ở trên với tất cả nỗi lòng tan nát và “Anh có thể tha thứ cho em được không, mình còn nhìn nhận em là vợ nữa hay không? Em khóc ròng khi viết thư này và chờ tin anh…”. Đây là thảm cảnh quá đau lòng qua ngòi bút linh động của Gheorghiu, chỉ có những kẻ bất lương. Man rợ mới không rơi lệ.

     Moritz uất hận cho kẻ xâm lược và coi Suzanna chỉ là nạn nhân bất hạnh như bao người khác dưới sự tàn bạo vô nhân tính của Hồng Quân Liên Xô.

     Chuyện Hồng Quân Liên Xô hãm hiếp đàn bà dã man tại các nước Đông Âu nay cũng chẳng xa lạ gì, sáu năm trước đây, phim ảnh, sách báo đã tố cáo năm 1945 có tới hai triệu phụ nữ Đức bị Hồng Quân LX hãm hiếp nhưng bức thư của Suzanna vẫn gây xúc động hơn bao giờ hết, sau thế chiến nó đã khiến Tây phương vô cùng kinh ngạc, người ta không thể ngờ Hống Quân mọi rợ dã man đến thế.

     Gheorghiu thể hiện nỗi ám ảnh sâu xa của người Đông Âu với chế độ độc tài Liên Xô cũng như niềm cay đắng oán hận Hoa Kỳ, Tây phương đã “bán đứng” Đông Âu cho quỷ đỏ Liên Xô trong phe Đồng Minh để họ phải làm thân nô lệ cho Cộng Sản gần nửa thế kỷ chiếm đóng, cai trị dưới bức màn sắt trong cơn ác mộng.

    Moritz, Suzanna, Traian, Koruga… đều là những nạn nhân xảy ra trước và trong cuộc chiến phải cam chịu nhiều thống khổ, bất hạnh, oan khiên đầy đọa vô cớ chụp lên thân phận làm người giữa bóng đêm. 

     Trong nỗi tuyệt vọng đó, đoạn cuối của Giờ Thứ 25, nhà văn Virgil Gheorghiu mô tả cảnh  đoàn tụ gia đình của Moritz:

     “Rốt cuộc, rồi Moritz cũng được ra khỏi trại giam. Anh đã vắng mặt mười ba năm trường. Trong khoảng thời gian ấy, anh bị giam cầm trong hàng trăm trại giam của nhiều quốc gia. Hiện giờ anh đã tìm được vợ con.

     Lúc ấy đã mười giờ tối. Đêm sum họp đầu tiên. Moritz ăn xong, ngồi chống tay trên bàn, ngó con cái.

    Petre, thằng con trai đầu lòng, được mười lăm tuổi rồi. Moritz ngó nó một hồi lâu. 

    Anh dụi mắt để chắc ý rằng anh không chiêm bao. 

    Và anh không thể làm sao tưởng được nó là con trai anh. 

    Thằng Petre mặc bộ đồ Mỹ, vải xanh; nó hút thuốc và cũng có cặp mắt giống cha.

     Thằng Petre cũng vậy, nó không làm sao tin được người đàn ông ốm yếu, tóc hoa râm, ngồi trước mặt nó, mà từ trước đến giờ nó không hề thấy, lại là cha đẻ nó…

     Moritz ngó qua thằng Nicolae, đứa con gái thứ của anh. Nó giống Suzanna, cũng trắng hồng và có cặp mắt dịu dàng như nhung.

     Moritz ngó tới đứa thứ ba, lên bốn tuổi. Nó không thuộc con anh. Suzanna có thai nó với quân lính Liên Xô. Song Moritz đã tha thứ cho nàng, vì không phải lỗi nơi nàng…”

    Suzanna vẫn ám ảnh với mặc cảm tội lỗi, nàng không dám nhìn cặp mắt Moritz, khi các con đã ngủ rồi, Suzanna ngước mắt ngó chồng, gặp lúc Moritz đang ngó nàng. Bốn mắt gặp nhau, quyện lấy nhau hồi lâu, như không thể rời được…

     - Em cũng như lúc nào! Không thay đổi gì hết, vẫn còn là Suzanna của anh, như hồi trong vườn làng Fontana. Làm cách nào em giữ được nguyên vẹn như vậy?

     - Anh nói không đúng! Em già rồi. Chỉ có anh không thay đổi mà thôi.

     Suzanna dang ra. Moritz ôm sát nàng lại:

    - Em cũng đang ra như lúc xưa. Dường như không có mười ba năm xa cách chút nào!...

     Suzanna nói:

    - Anh thơm mùi cỏ làng Fontana quá! Anh còn giữ mùi cỏ mùi rơm ấy luôn… Em chỉ nhớ đến anh mà thôi. Em xin thề. Ngày đêm em nhớ đến anh luôn, với tất cả tâm hồn em. Em xin thề với anh. Anh là vừng đông, là mặt trời, là chồng yêu quý của em. Chỉ một mình anh mà thôi…

     Sau đêm hội ngộ đó, quân đội Mỹ đến nhà nhắc nhở ngày mai cả gia đình sẽ tụ tập để đi đến… một trại tập trung. Họ giải thích:

     “Vì biện pháp chính trị, các ngoại kiều miền Đông Âu Châu đều bị giam giữ, bởi mấy xứ này đang gây chiến tranh với các nước Đồng Minh Tây phương. Nhưng không sao đâu, các người sẽ sống sung sướng trong trại giam, ăn uống như dân Mỹ. 

    Chỉ là một sự đề phòng thôi. Đừng sợ gì hết, không ai bắt bớ các người đâu!”

     Moritz thầm nghĩ, mới tự do chỉ được có mười tám giờ, bây giờ phải vô trại giam trở lại. Lần này không phải bị bắt vì là dân Do Thái, dân Rumani, Hungari hay Đức mà vì là dân của xứ Đông Âu. Nước mắt Moritz lại tuôn trào khi giờ thứ 25 đã đến.

     Thời điểm kết thúc chiến tranh, Moritz bị giam giữ bởi trại tù của Mỹ mới được may mắn không bỏ thây trong ngục tù mà có “lối thoát cuối cùng” cũng như nhà văn Gheorghiu có cơ hội trốn sang Pháp. 

     Nếu Gheorghiu và Moritz ở Đức trong lao tù của Liên Xô thì không có Giờ Thứ 25… Giờ giữa tử sinh.

     Ở hải ngoại có bài viết Người Góa Phụ Giờ Thứ 25 của nhà văn Phạm Tín An Ninh, Giờ Thứ 25, hồi ký của Đại Tá Phạm Bá Hoa… nội dung rất ý nghĩa.

     Nhưng có điều ngạc nhiên, nhà thơ Phạm Đương, tác giả tập thơ Giờ Thứ 25, được giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2012, trong nước.

     Với tập thơ nầy, Trần Mạnh Hảo viết: 

     Tại sao ban sơ khảo của giải thưởng này toàn những nhà thơ nổi tiếng, và ban chung khảo gồm các nhà văn nhà thơ nổi tiếng hơn, chẳng lẽ chưa ai từng đọc một tác phẩm vào hàng kiệt tác thế giới “Giờ thứ 25” của văn hào Rumani – một linh mục Chính Thống Giáo tên là C. Gheorghiu? 

    Đây là cuốn tiểu thuyết có một tên gọi độc đáo nhất thế giới, không dễ có một ai chưa từng nghe tên cuốn sách này mà có thể sáng tạo ra tên gọi: “Giờ Thứ 25”.

     Mấy ông nhà văn, nhà thơ trong Hội Nhà Văn Việt Nam trong nước chắc chắn không đọc tác phẩm chống Cộng của nhà văn Gheorghiu (qua bản dịch đã ấn hành ở Sài Gòn trước đây) nên thấy cái tựa tập thơ “lạ và độc đáo” của ông Phạm Đương hội viên hội NVVN và tập thơ nầy do Hội NVVN ấn hành thì phe nhóm với nhau… trao giải thưởng!

    Sau bài viết phê phán của Trần Mạnh Hảo năm 2013 như “đàn gảy tay trâu”, ông Phạm Đương được “thăng quan tiến chức” Ủy Viên Hội Đồng Thơ Hội Nhà Văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Hết ý. 

    Rất tiếc bài thơ năm 1976 của thi sĩ Mai Trung Tĩnh không được “vinh danh” trong nước.

     Little Saigon, June 2023

    Vương Trùng Dương

    (Đặc San Lâm Viên)

     

     



    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: NHỮNG CA KHÚC TIÊU BIỂU VINH DANH NGƯỜI LÍNH VNCH - Vương Trùng Dương & Giờ thứ 25 ... Giờ giữa tử sinh Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top