Tác giả: Tùng Phong
“Bóng tối không thể xua đi bóng tối, chỉ có ánh sáng mới
làm được điều đó. Hận thù không thể xua đi hận thù, chỉ có tình yêu mới có thể
làm được điều đó” – Martin Luther King.
48 năm sau chiến tranh, những người “bên thắng cuộc” vẫn
“hát trên những xác người”, vẫn tổ chức ngày “Chiến thắng”, ngày “Thống nhất đất
nước”, “Giải phóng miền Nam” với lễ hội, bắn pháo hoa, ca múa nhạc hoành tráng.
48 năm sau chiến tranh, hàng triệu người miền Nam vẫn tiếc nuối cuộc sống tươi
đẹp mà họ từng có.
Đối với nhiều người miền Nam, 30 Tháng Tư 1975 là ngày Quốc
hận, ngày Gãy súng, là Tháng Tư đen với những ký ức tù đày, vượt biển, đau khổ,
mất mát cùng cực kể từ khi những chiếc xe tăng Bắc Việt lăn bánh trên đường phố
Sài Gòn. Quê hương đã bỏ lại sau lưng, nhưng đối với hàng triệu người Việt tha
phương sau ngày “Giải phóng”, quá khứ vẫn còn ám ảnh họ với bao oán hờn. Đã 48
năm qua đi, vấn đề chia rẽ Nam Bắc, với những nỗi đau vẫn còn đó như vết thương
đến khi trái gió trở trời lại đau nhức nhối, hành hạ xác thân. Ngày “triệu người
vui, triệu người buồn” như lời của ông Võ Văn Kiệt lại là thời khắc để mà cả
hai “bên thắng cuộc” lẫn “thua cuộc” đào sâu thêm hố ngăn cách.
Ai cũng có lý lẽ riêng của mình. Phía bên thua cuộc là
hơn 20 triệu người dân miền Nam phải trải qua một cuộc bể dâu kinh hoàng. Hàng
triệu dân miền Nam trong chốc lát trở thành người vô gia cư trên chính mảnh đất
quê hương. Nhà cửa, gia sản bị tước đoạt, cha anh bị tù đày, gia đình phiêu
tán, vợ mất chồng, con mất cha. Đối với họ, chiến tranh mấy mươi năm không phải
là điều kinh khủng nhất mà cuộc đọa đầy thời hậu chiến mới thực sự man rợ, hãi
hùng.
Chính sách trả thù, khủng bố, cô lập của “bên thắng cuộc” đối
với các cán binh, viên chức, trí thức, doanh nhân liên quan đến chế độ cũ đã để
lại cho ký ức miền Nam những tổn thương không bao giờ phai mờ. Thậm chí, sự
phân biệt đối xử vẫn còn đeo đẳng tới con cháu họ cho tới tận hôm nay. Họ có lý
do cả về mặt tình cảm lẫn lý trí để từ chối cái gọi là “hòa hợp, hòa giải” chỉ
có giá trị khẩu hiệu và đầu môi chót lưỡi. Đã 48 năm, thời gian đủ dài để cho
thấy thực tâm của “bên thắng cuộc” là gì. Nước mắt của triệu người Việt ngót nửa
thế kỷ đã chẳng thể “lay lòng gỗ đá” và những nguồn lực để xây dựng một đất nước
hùng cường từ tro tàn chiến tranh vẫn nghẽn dòng, đứt mạch.
Phía “bên thắng cuộc”, những người đã nắm trọn quyền lực cai
trị một quốc gia bằng nhà tù và súng đạn, họ có nỗi lo sợ riêng. Họ sợ sự thực
lịch sử, sợ sự dối trá và tội ác trong quá khứ bị phơi bày, sợ một cuộc hồi tố
có thể xảy ra khi chế độ hiện thời sụp đổ. Họ sợ một cuộc trả thù bởi hàng triệu
người là nạn nhân từ chính sách tàn ác của họ. Họ cũng sợ chính những kẻ là “đồng
chí” giựt mất những tài sản khổng lồ mà họ đã đánh đổi lương tri và cả xương
máu để chiếm đoạt. Như một sự châm biếm của Lịch sử, sau khi đã đánh cho “Mỹ
cút, Ngụy nhào”, những người cộng sản năm xưa lại âm thầm lẫn công khai đưa con
cháu họ lưu vong sang chính những quốc gia cựu thù mà họ đã “đốt cháy cả dãy
Trường Sơn” và hy sinh cả triệu thanh niên tuổi hai mươi để đánh đuổi.
Thay vì thực lòng thực hiện một cuộc “hòa hợp, hòa giải” để
xoa dịu vết thương sau cuộc binh lửa tương tàn thì đảng cộng sản vẫn kiên định
đường lối cai trị bằng bạo lực và tuyên truyền dối trá. Chiến tranh đã đi qua
nhưng Cách mạng thì vẫn chưa thôi thét gào. Thứ chủ nghĩa sắt máu mà người cộng
sản tôn vinh dường như luôn cần lòng hận thù, hiềm khích, sự tham lam của con
người để dung dưỡng.
Trong khi kêu gọi về một cuộc “hòa giải dân tộc” để thu hút
hàng trăm tỷ đôla từ cộng đồng kiều dân Việt Nam ở hải ngoại về đầu tư trong suốt
mấy mươi năm thì nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đập phá mồ mả những người
lính VNCH đã vùi sâu ba tấc đất. Mới đây thôi, họ còn phá tan ngôi miếu nhỏ tưởng
nhớ Đại tá Nguyễn Đình Bảo trên đồi Charlie. Họ vẫn truy cùng đuổi tận những
người thương phế binh ở vườn rau Lộc Hưng, phá tan căn nhà tạm là nơi chốn cuối
đời của họ. Tại sao lại có thể ác độc như thế? Bởi vì, thể chế này luôn cần những
“thế lực thù địch” để tạo nên cái gọi là sự chính danh cho sự tồn tại cỗ máy
đàn áp khổng lồ và tàn bạo của bộ máy cai trị.
Tổng thống Abraham Lincoln từng nói một câu bất hủ “Khi viên
đạn xuyên vào một người lính, dù thuộc bên nào đi nữa, thực ra nó đã xuyên vào
trái tim của một người mẹ”. Chính tư tưởng bác ái và nhân văn đó đã thấm đẫm trong
bản tuyên ngôn của một quốc gia, một nhà nước thực sự “do dân và vì dân”. Người
Mỹ đã kết thúc một cuộc chiến Nam Bắc tương tàn bằng việc làm tôn vinh tử sỹ cả
hai miền như những anh hùng, thực tâm tôn trọng những người lính miền Nam. Họ
đã xóa bỏ thù hận và cùng hướng về một nước Mỹ chung nhất bằng tinh thần Bình đẳng,
Bác ái. Cả hai bên đều chiến thắng. Dân tộc và Tổ quốc đã chiến thắng. Nước Mỹ
đã trở nên hùng cường hơn tất cả vì có những lãnh đạo tử tế, có một thể chế
nhân bản như vậy.
Còn với Việt Nam, thể chế cộng sản đã kết thúc cuộc chiến của
48 năm trước bằng sự thù hận và phân biệt dai dẳng. Điều đó đã biến dân tộc Việt
Nam trở thành dân tộc thất bại, một quốc gia thất bại. Khi đến nghĩa trang Trường
Sơn hay nghĩa trang Biên Hòa, chứng kiến khung cảnh rợn ngợp, bi tráng của cái
gọi là “núi xương, sông máu”, ai còn lương tri và suy nghĩ thì không thể nào
không đau đớn.
Tất cả họ, những chiến sỹ đã nằm dưới mộ phần, tuy khác nhau
chiến tuyến, chẳng phải cũng cùng chung một lý tưởng muốn Độc lập – Tự Do – Hạnh
Phúc cho dân tộc hay sao? Tất cả họ đều là người Việt Nam, không phải là người
Mỹ, người Tàu mà đều là máu xương của một dân tộc. Bốn triệu người đã nằm xuống
ở cả hai miền Nam Bắc cho một cuộc đối đầu sinh tử của hai hệ tư tưởng, giữa
người cộng sản miền Bắc và những người bảo vệ giá trị Tự do ở miền Nam. Để rồi
cái giá phải trả cho một thứ Hoà Bình và Thống Nhất hôm nay là một dân tộc bị
phụ thuộc phương Bắc, Dân quyền mất Tự Do và Hạnh Phúc chỉ là bến bờ ảo vọng.
Không cần cách mạng thét gào nữa. Hãy ngưng tổ chức những lễ
hội kỷ niệm ngày chiến thắng, ngưng xây dựng những tượng đài ngàn tỷ cho một
quá khứ đau thương, mất mát. Những người “bên thắng cuộc” đừng tiếp tục ngạo
nghễ, giẫm đạp và cướp bóc. Hãy biết cúi xuống để nghe được tiếng kêu khóc của
người dân. Hãy tử tế hôm nay và thành thật gieo những hạt mầm nhân ái cho ngày
mai.
Bởi lẽ, không có một thể chế, triều đại nào có thể muôn năm,
chỉ còn lòng nhân ái là mãi mãi được vinh danh. Và khi đó, khi người Việt không
phân biệt Nam Bắc, không phân biệt “bên thắng cuộc” hay “thua cuộc”, sẽ biết
nói lời yêu thương thành thật. Khi đó, đất nước này mới thực sự có thể hướng đến
một tương lai tươi sáng, hạnh phúc và cường thịnh. Khi đó, đất nước này mới thực
sự bắt đầu một cuộc tái sinh.
Tùng Phong