Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa
Anh Trực là anh của Bảo, người bạn thân thân thiết của tôi thuở học trường kỹ sư. Tôi gặp anh mùa thu 1965, khi từ Ban Mê Thuột về Sài gòn học. Anh mới đi du học bên Úc về, ban ngày đi học Đại học Văn khoa, ban đêm đi dạy Anh văn, và những buổi tối đi về khuya, sang ngủ nhà người bà con là nơi tôi ở trọ. Nhờ đó hàng đêm tôi có dịp tán gẫu và cãi vã về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với anh. Về mặt tính tình, có lẽ tôi hợp với anh hơn với Bảo vì bạn tôi nghiêm trang như ông cụ non, trong lúc tôi thích đùa giỡn và cứng đầu – gần giống anh. Sau năm 1975, anh dời qua Hoa Thịnh Đốn làm việc trong ban Việt ngữ đài VOA. Kỳ này, tôi gọi điện thoại hẹn gặp trước, và mặc dù công việc bề bộn, anh dành buổi tối đưa tôi đi chơi và trò chuyện bù khú.
Hoan hô đồng chí Lê Vương,
Thoại ta bị bắn tại trường
Văn khoa.
Bút Tre là người làm thơ theo kiểu dân
gian ở miền Bắc trước năm 1975; thơ ông gồm những câu thơ ngắn ngô nghê và
không câu thúc quy luật chữ nghĩa, nhưng dễ nhớ như,
Vào thăm lăng Bác âm u,
Các chị bộ đội ngả mu ra
chào. [mu = mũ]
Hoài Bích tiếp lời anh Trực nói với tôi,
“Hồi
đó tui học Văn khoa với Thoại. Hắn
cởi mở, nhún nhường, và mê đàn đúm đấu láo với bạn bè. Từ ngày tui quen hắn ở Văn khoa
đến thời gian tỵ nạn ở xứ Mỹ, khi mô hắn cũng dễ thương như rứa.”
“Năm
trước anh Thoại bị bắn thì năm sau đến lượt anh Hồng học Triết Đông, chủ tịch ban
Đại diện Sinh viên Văn khoa, bị bắn. Hồng
hồi đó trồng cây si cô bạn tôi, bây giờ hai người lấy nhau đã có bốn đứa
con,” tôi nhắc chuyện xưa để nhận người quen.
“Vào
thời điểm đó, khủng bố Việt Cộng gia tăng nỗ lực ám sát các nhân vật quốc gia,”
anh Trực xen vào, “Vụ ‘làm ăn’ lớn nhất của chúng là sát hại ông Yyyy Băng, viện
trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh (‘HVQGHC’), khi biết tin ông sắp được bổ
nhiệm làm thủ tướng chính phủ. Sợ cải
cách ông sẽ thực hiện đem lại bất lợi cho chúng.”
Tháng Mười Một năm 1971, hai tên Việt Cộng thuộc toán
ám sát T4 đèo nhau trên xe Honda và ném cái cặp da chứa bốn kí chất nổ C4 kết với
ba quả lựu đạn xuống gầm xe ông Băng khi xe ngừng đèn đỏ ở ngã tư Cao Thắng -
Phan Thanh Giản. Xe nổ tung và bốc cháy;
ông Băng, tài xế, và nhân viên bảo vệ thiệt mạng. Tên lái xe Honda là Hùng sinh viên Đại học
Khoa học Sài gòn, và ngồi sau là Châu trung úy quân đội Việt nam Cộng hòa (“VNCH”)
nằm vùng. Vài tháng sau, chính phủ điều
tra tóm được cả tên. Đồng bọn gồm kẻ
cung cấp lựu đạn là Thái cựu sinh viên Đại học Kiến trúc từng được bầu làm chủ
tịch Tổng hội Sinh viên Sài gòn và đang nằm vùng dưới lốt trung úy chiến tranh chính
trị VNCH. Cả bọn bị đưa ra tòa xử có luật
sư biện hộ, nhưng cảnh sát trưng chứng cớ vững chắc nên chúng bị tuyên án tù.
Anh Trực đưa tay đẩy nhẹ cặp kính cận mắt
kính dày cộm,
“Lúc
ấy ông Băng mới 42 tuổi, trẻ hơn tôi bây giờ.
Ông mất, để lại vợ và ba con nhỏ.
Hai đứa con lớn là cặp trai gái sinh đôi lên sáu, cậu con út lên bốn. Bà vợ kém ông 11 tuổi tên là Vân Hà – chữ Hán
nghĩa là mây trắng và ráng đỏ.”
“Ai chớ
chị Vân Hà thì thân với em lắm,” Hoài Bích thân mật vịn tay anh Trực, “Chừ
chị lập gia đình lại, lấy tên là Jackie Băng-Wrigley, và hết lòng giúp đỡ dân tỵ
nạn người Việt ở vùng ni. Thỉnh
thoảng em cũng góp sức với chị và đi thông dịch cho người đồng hương.”
* * *
Vân Hà, con thứ chín và con gái nhỏ nhất trong một gia
đình mười người con sống những năm đầu đời trong nhung lụa ở đồn điền cao su khổng
lồ do công ty Pháp Les Terres Rouges (“Xứ đất đỏ”) làm chủ ở tỉnh Kampong
Cham, Cam Bốt. Cha mẹ nàng người Gò
Công, nhưng cha nàng sang Cam Bốt làm việc, lên đến chức phụ tá quản đốc đồn điền,
cai quản trên 4,000 người, và được chính quyền thuộc địa rất trọng vọng. Gia đình sống trong dinh cơ rộng lớn, mỗi đứa
con có một bà vú riêng, trong nhà có cả một đội tài xế và bồi bếp giúp việc, và
mỹ phẩm của phụ nữ, đồ chơi trẻ em, áo quần, và đồ gia dụng đều đặt mua từ Pháp
gửi sang.
Mùa hè 1940, năm Vân Hà ra đời, Đệ nhị Thế chiến xảy
ra, quân đội Nhật chiếm đóng Đông dương bên cạnh chính quyền đô hộ. Tháng Ba năm 1945, Nhật đánh úp Pháp, và bộ
máy cai trị của chế độ cũ sụp đổ. Ở Kampong
Cham, Nhật bắt giam viên quản đốc đồn điền người Pháp và chỉ định cha Vân Hà lên
thay thế. Đến mùa thu, Nhật đầu hàng, quân
đội giải giới và rút về nước. Pháp trở lại
cầm quyền, thả viên quản đốc cũ ra, và đuổi việc cha Vân Hà và trục xuất ông ra
khỏi Cam Bốt.
Gia đình Vân Hà về Sài gòn sinh sống, tuy có sa sút hơn
thời Kampong Cham, nhưng vẫn còn khá giả.
Vân Hà học tiểu học và trung học đệ nhất cấp ở trường nữ Marie Curie và
được gọi bằng tên Pháp Jaqueline. Sau
khi đậu brevet (bằng Trung học Đệ nhất cấp Pháp), nàng lên Đà Lạt học nội
trú trường dòng Le Couvent des Oiseaux (“Ngôi tu viện của loài chim”)
hay Les Oiseaux, dân Đà Lạt gọi gọn là “trường cu-văng.” Trong ba năm học dưới sự dạy dỗ của các mère
(“mẹ” tiếng Pháp dùng để gọi các nữ tu), cô con gái nhỏ nhất trong gia đình
phát triển khả năng chỉ huy và dung hợp với bạn bè. Cha nàng qua đời trong thời gian này.
Sau khi đậu Tú tài Pháp, Vân Hà sang Âu châu du học, học
văn chương tại Đại học Sorbonne ở Paris, Đại học Bordeaux ở Bordeaux, và chi
nhánh của một đại học Pháp ở Luân Đôn, Anh quốc. Đầu năm 1963, trong đám cưới một người bạn ở
Paris, nàng gặp Băng. Hữu duyên thiên
lý năng tương ngộ (có duyên nợ thì dù xa ngàn dặm cũng gặp nhau), hai người
có cảm tình sâu đậm từ phút đầu tiên và khiêu vũ với nhau suốt buổi tối. Sau vài ngày hẹn hò, họ chia tay; Băng về nước
phục vụ, và Vân Hà trở lại Luân Đôn học tập.
Băng sinh năm 1929 ở Gò Công và thuở bé ở với ông bà nội
vì cha mẹ ly dị năm ông lên ba. Học giỏi
nhưng nhà nghèo, từ năm 12 tuổi, ông làm đủ thứ việc lặt vặt như sửa xe đạp,
quét trường, và phụ đánh máy để kiếm tiền.
Sau mấy năm làm việc, ông gom đủ tiền mua vé tàu thủy hạng ba đi Pháp để
thực hiện giấc mơ du học. Ở Paris, ông
làm nhiều nghề khác nhau như hầu bàn, khuân vác, và giặt ủi để có tiền đi học. Sau khi đỗ Tú tài, ông vào Đại học Sorbonne học
luật và chính trị học, đậu một lúc hai bằng tiến sĩ, một về luật và một về chính
trị học, và được cấp danh hiệu thạc sĩ công pháp quốc tế.
Về nước, Băng được bổ nhiệm dạy luật hiến pháp và
chính trị học tại Đại học Luật khoa Sài gòn và HVQGHC. Ông đến thăm mẹ Vân Hà thường xuyên, hàng tuần
viết thư cho nàng, và cuối cùng, sáu tháng sau đêm gặp gỡ của hai người, chính
thức cầu hôn. Mùa hè 1963, xa quê hương
gần ba năm, nàng vâng lời mẹ về Sài gòn sửa soạn lấy chồng và dự tính hoàn tất học
trình tại Đại học Văn khoa Sài gòn. Đám
cưới cử hành đầu năm sau, ông giáo sư đại học và bây giờ là viện trưởng HVQGHC nghèo
nên chỉ đi cưới một chiếc nhẫn vàng. Nhưng
mẹ nàng đã dành sẵn bộ hoa tai – theo tục lệ cổ truyền tượng trưng cho “hoa con
gái” – kim cương quý giá cho con gái cưng mang về nhà chồng.
Hưởng hạnh phúc được vỏn vẹn có bảy năm, Băng bị ám
sát. Trước cái chết bi thảm của chồng, Vân
Hà gục ngã. Người đàn bà 31 tuổi nằm bẹp
trên giường, khóc sưng húp mắt, mất ngủ, và bỏ ăn. Nhưng rồi nghĩ tới các con và được hình ảnh
người chồng đầy ý chí và kiên trì khích lệ, nàng bật dậy, tự nhủ mình phải can
đảm và mạnh mẽ để lo cho con. Nàng nhận
lời làm giám đốc văn hoá cho hội Việt Mỹ với nhiệm vụ tổ chức và điều hành các
buổi thuyết trình, hội nghị, hòa nhạc, và triển lãm, và mở các lớp dạy nghề. Ngoài việc làm chính thức, người quả phụ trẻ cố
gắng hỗ trợ các quả phụ chồng tử trận và các bà mẹ nghèo đông con gặp khó khăn
trong cuộc sống hàng ngày.
Với nỗ lực phi thường, Vân Hà và các bạn cổ động
chương trình kế hoạch hóa gia đình và vận động bộ Y tế đệ trình sang Quốc hội đạo
luật cho phép phụ nữ dùng thuốc ngừa thai và các phương pháp ngừa thụ thai an
toàn khác và do đó có quyền lựa chọn nếu, và lúc nào, muốn mang thai. Vân Hà bị nêu danh chỉ trích nặng nề, nhưng
được bà mẹ – người đàn bà mang nặng đẻ đau và nuôi dưỡng mười người con – tán đồng
và khuyến khích. Luật mới được thông qua
và thi hành; dân miền Nam bắt đầu làm quen với thuốc viên Lyndiol và vòng xoắn
ngừa thai. Đây là một điểm son của Đệ nhị
Cộng hòa: Lần thứ hai trong lịch sử, người
phụ nữ Việt nam được giải phóng khỏi ràng buộc vô lý của nền luân lý cổ hủ. Lần thứ nhất là luật cấm đa thê ban hành dưới
thời Đệ nhất Cộng hòa.
Di tản sang Hoa kỳ năm 1975, một tay cắp ba đứa con dại,
Vân Hà bắt đầu lại từ đầu. Nhưng bước đầu
của nàng dễ dàng và suôn sẻ hơn hầu hết những người tỵ nạn khác cả trăm lần, nhờ
những người Mỹ giàu có quyền thế quen thân hồi Sài gòn tận tình giúp đỡ. Thí dụ, cựu Đại sứ Hoa kỳ tại Việt nam là Elliott
Banker đã give away (“đưa dâu,” nghi thức khoác tay cô dâu đưa tới cho
chú rể trong lễ cưới) khi nàng thành hôn với Larry Wrigley, một nhà ngoại giao
từng phục vụ tại Việt nam. Sau khi lập
gia đình, nàng lấy tên chính thức là Jackie Bang-Wrigley; “Jackie” là tên tắt của
Jaqueline.
Khi làn sóng người Việt vượt biên đến Hoa kỳ lên cao,
Jackie và các bạn vận động Quốc hội Hoa kỳ chấp thuận ngân sách giúp người tỵ nạn
định cư. Nàng thành lập tổ chức Dịch vụ
Xã hội cho Người Tỵ nạn Đông dương để tìm nhà tạm trú, tổ chức lớp dạy nghề,
tìm việc, thông dịch, v.v. cho người mới tới.
Sau khi thấy mình đã ít nhiều chu toàn nghĩa vụ xã hội, nàng trở lại đại
học, học lấy bằng Cao học về bang giao quốc tế tại Đại học Georgetown ở Hoa Thịnh
Đốn.
Cuộc đời cô tiểu thư “Mây Trắng và Ráng Đỏ” tựa
như chuyện cổ tích. Với lòng nhân ái và niềm
tin vào luật nhân quả, nàng được “quới nhơn” giúp vượt qua nghịch cảnh và
cuối cùng sống hạnh phúc với người chồng đùm bọc
yêu thương.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 22 tháng Ba, 2023
***
Truyện ngắn mới: "Mây Trắng và Ráng Đỏ" (Tháng Ba
2023) -- Nguyễn Ngọc Hoa *
* Xin gửi lại vì lần trước, không hiểu vì lý do gì, các dòng
chữ chạy ra ngoài màn hình, muốn đọc hết phải xê dịch lui tới cái cursor ở
đáy màn hình. Sorry!
Mời đọc truyện ngắn đầu tiên
trong loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau," tên lấy
từ câu ca dao,
Trông về quê mẹ ruột
đau chín chiều.
Để tránh ngộ nhận đáng tiếc, một lần nữa, xin nhắc lại:
Những truyện ngắn của chúng tôi không phải là hồi ký, tự
truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Nhân vật xưng
"tôi" được dùng làm nhân chứng thuật lại chuyện cũ, không phải chính
tác giả. Mọi nhân vật khác đều được dựng nên và tiểu thuyết hóa cho
phù hợp với chuyện kể, không tương ứng với nhân vật thực ngoài đời.
lhttps://dconnect.co.jp/friend/
Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.