728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    Người ăn mày đến Tây Thiên cầu Phật và bài học làm người sâu sắc của trường đời

     Người ăn mày đến Tây Thiên cầu Phật và bài học làm người sâu sắc của trường đời

    Vũ Dương 

    Mục lục bài viết

    Trước đây, có một người ăn mày, mỗi ngày đều đi xin ăn. Anh không muốn ngày tháng của mình cứ mãi như thế này, mà khao khát có được một cuộc sống tốt hơn. Thế là, người ăn mày quyết định tích lũy từng chút lương thực xin được mỗi ngày, anh ta nghĩ: “Mình cần phải kiên trì, tiết kiệm gạo để đổi lấy chút tiền, rồi mình sẽ mở một tiệm buôn bán nhỏ, được vậy thì mình có thể tự nuôi sống bản thân rồi”.

    Trong mệnh chỉ có tám ký gạo

    Thế nhưng, người ăn mày dù đã tích cóp nhiều năm, trong kho vẫn chỉ có vài ký gạo. Anh ta không hiểu nguyên nhân vì sao, nên quyết định tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.

    Một hôm, vào ban đêm, anh ta lặng lẽ nấp kín ở một góc trong kho gạo để rình, kết quả phát hiện một con chuột lớn đến ăn vụng lương thực của mình. 

    Anh ta rất tức giận liền quát hỏi con chuột: “Những nhà giàu có thiếu chi lương thực, sao nhà ngươi không đi ăn, mà lại cố tình ăn vụng số lương thực mà ta vất vả tích góp bấy lâu nay?”.

    Đột nhiên con chuột cất tiếng, nói một cách hùng hồn rằng: “Trong mệnh của anh chỉ có tám ký gạo, dù anh có đi khắp thiên hạ cũng không tích được chục ký đâu. Cái tôi ăn chính là số gạo không đầy chục ký của anh thôi”.

    Người ăn mày sững sờ một lúc, rồi hỏi con chuột rằng: “Nhà ngươi dựa vào đâu mà nói như vậy? Mà sao nhà ngươi biết được trong mệnh ta chỉ có tám ký gạo thôi?”.

    Con chuột thở dài mà than rằng: “Chuyện trong số mệnh, anh hỏi loài chuột như tôi đây thì có tác dụng gì? Anh cứ đi hỏi Phật Tổ thì sẽ rõ”.

    Ba vấn đề khó của những người khác nhau

    Như được chỉ ra con đường sáng, người ăn mày hạ quyết tâm muốn đi Tây Phương gặp Phật Tổ để hỏi cho rõ ngọn ngành? Ngày hôm sau, anh đã khởi hành.

    Người ăn mày dọc đường xin ăn, vừa đói vừa mệt. Khi trời đã tối, may thay nhìn thấy phía trước có một ngôi nhà, liền tiến đến gõ cửa. Người quản gia hỏi anh ta có việc gì, người ăn mày nói là đến xin chén cơm. Lúc đó, vị viên ngoại đi ra nhìn thấy mới hỏi người ăn mày vì sao trễ như vậy rồi mà còn đi đâu? Người ăn mày liền nói vận số của mình không tốt, muốn thay đổi nên đến Tây Thiên hỏi Phật Tổ cho rõ đầu đuôi. Viên ngoại nghe vậy vội vã mời người ăn mày vào trong nhà ngồi xuống, cho anh tắm gội thơm tho, thay quần áo mới, rồi đãi anh một bữa thịnh soạn.

    Người ăn mày từ khi sinh ra chưa từng có ai đối tốt với mình như vậy, bèn ngạc nhiên hỏi tại sao? Viên ngoại nói rằng, ông có một cô con gái xinh xắn, năm nay đã 18 tuổi nhưng vẫn không nói chuyện, ông vì chuyện này mà đau xót không thôi, nên ông đặc biệt thỉnh cầu anh, nếu anh có gặp được Phật Tổ thì nhân tiện hỏi giúp ông nguyên nhân tại sao? Người ăn mày nghe nói vậy, cảm thấy dù sao mình cũng đi Tây Thiên, thuận tiện giúp ông ấy hỏi Phật Tổ một chút cũng chẳng hề gì, người ăn mày bèn nhận lời. Viên ngoại chuẩn bị cho anh thật nhiều lương khô và một ít bạc trắng.

    Ngày hôm sau, người ăn mày lại tiếp tục lên đường, vượt núi băng đèo, nhìn thấy đằng trước có một ngôi chùa, liền vào xin nước uống. Có một lão hòa thượng lấy nước cho  người ăn mày uống, bảo anh nghỉ ngơi một lúc, rồi hỏi anh muốn đi đến đâu.

    Người ăn mày nói rõ nơi mình muốn đến, lão hòa thượng vội khom mình hành lễ rồi nói: “Khi đến Tây Thiên, cậu làm ơn hỏi Phật Tổ giúp lão, lão đã tu hành đã 500 năm rồi, theo lý đã sớm thăng thiên rồi mới phải, nhưng vì sao mãi cho đến nay vẫn chưa tu thành chánh quả?”. Người ăn mày lại nhận lời.

    Người ăn mày lại tiếp tục lên đường, lần này anh lại đi qua rất nhiều vùng đồng bằng, sông suối. Một hôm, người ăn mày đi đến một con sông lớn, trên sông không có lấy một con thuyền, người ăn mày tuyệt vọng, lớn tiếng khóc than rằng: “Chẳng lẽ vận mệnh của ta thật phải khổ như vậy sao?”.

    Đột nhiên giữa sông có một con rùa già trồi lên mặt nước. Cụ rùa hỏi anh cớ sao lại ngồi khóc ở đây? Người ăn mày đem đầu đuôi sự tình kể cho lão rùa nghe, lão rùa nghe xong liền nói: “Ta tu hành đã vạn năm rồi, theo lý mà nói thì đáng ra ta đã sớm hóa rồng bay đi rồi, nhưng vì sao đến nay vẫn còn là một con rùa già. Nếu anh sang Tây Thiên có gặp được Phật Tổ thì làm ơn giúp ta hỏi rõ chuyện này, ta sẽ cõng anh qua sông”. Người ăn mày hớn hở nhận lời.

    Giải đáp của Phật Tổ

    Người ăn mày lại lên đường, đi không biết bao nhiêu ngày tháng, đi rách hết cả bàn chân, sức cùng lực kiệt, cuối cùng đã đến được Tây Thiên.

    Đức Phật Tổ từ sớm đã biết được ý nguyện của anh, bèn cho vào diện kiến, rồi hỏi anh ta: “Nhà ngươi  từ nơi rất xa đến đây nhất định là có chuyện gì quan trọng phải không?”.

    Người ăn mày nói: “Thưa vâng. Con có mấy vấn đề thật sự khiến con không cam tâm, nếu không làm rõ được thì dù con có chết cũng không nhắm mắt, nên con muốn được thỉnh giáo Người, mong Người có thể giải thích cho con hiểu rõ ngọn ngành”.

    Phật Tổ nói: “Được thôi! Nhưng ta cũng không thể tùy tiện quản việc của nhân gian, niệm tình nhà ngươi đã không quản ngại đường xa, nếm trải đủ bao khổ cực để đến được đây, ta sẽ giải đáp khúc mắc cho nhà ngươi, nhưng có điều kiện, chính là nhà ngươi chỉ được hỏi nhiều nhất ba câu hỏi mà thôi!”.

    Người ăn mày chẳng nghĩ nhiều, nhớ đến cụ  rùa cõng mình qua sông, đau xót cho ông tu hành đã cả vạn năm thật không dễ dàng gì, chàng liền hỏi: “Cụ rùa tu hành cả vạn năm rồi, vì sao vẫn không thể hóa rồng được?”.

    Phật Tổ cho anh ta biết: “Bởi vì lão rùa đó không nỡ bỏ cái mai rùa trên lưng nên không thể nào biến thành rồng được, bởi vì bên trong chiếc mai có báu vật. Nếu bỏ cái mai ấy đi là có thể biến thành rồng”.

    Người ăn mày lại nghĩ, lão hòa thượng tu luyện trong núi sâu rừng già thật không dễ dàng gì, câu hỏi của ông cũng cần phải hỏi. Thế là anh bèn hỏi: “Lão hòa thượng đã tu luyện nhiều năm như vậy, vì sao vẫn không tu thành được?”. 

    Phật Tổ trả lời: “Lão hòa thượng suốt ngày đều xem cây tích trượng như bảo bối, trong tâm luôn nhớ mang theo bên mình. Cây tích trượng đó là chấp trước cuối cùng của ông ta, nếu ông ta thật sự buông bỏ được cây tích trượng, thì ông ta sẽ được thăng thiên”.

    Người ăn mày nhớ đến cô con gái của lão viên ngoại, vấn đề của cô ấy cũng không thể bỏ qua. Thế là người ăn mày hỏi đến câu hỏi thứ ba. Phật Tổ nói: “Nếu cô gái câm đó nhìn thấy người trong lòng của mình đến thì sẽ nói chuyện”. 

    Phật Tổ nói xong liền biến mất. Lúc này, người ăn mày mới giật mình: “Than ôi! Câu hỏi của mình còn chưa hỏi nữa! Kệ thôi!  Chuyện người ta nhờ vẫn quan trọng hơn, mình nên quay về sớm nói lại với họ”. Người ăn mày liền vội vã lên đường trở về.

    Thiện báo của người ăn mày 

    Người ăn mày đi đến bên bờ sông lớn lúc trước, lão rùa biết được anh đã trở về, nhanh chóng đến hỏi Phật Tổ trả lời thế nào. Người ăn mày nói: “Cụ cứ đưa tôi qua sông trước đã!”.

    Lão rùa chở người ăn mày qua sông, anh ta nói nguyên do, lão rùa nghe vậy liền hiểu ra, thế là nó đem cái mai trên lưng cởi xuống đưa cho người ăn mày rồi nói: “Ở bên trong có viên dạ minh châu, là bảo vật vô giá, bây giờ ta không cần dùng đến nữa, ta tặng nó cho anh”. Nói xong, lão rùa liền biến thành rồng bay đi mất.

    Người ăn mày cầm viên dạ minh châu rồi gấp rút lên đường. Đi lên núi gặp lão hòa thượng, lão hòa thượng vội hỏi Phật Tổ nói thế nào. Người ăn mày thuật lại lời của Phật Tổ, lão hòa thượng nghe xong rất lấy làm vui mừng, đem bảo bối tích trượng tặng cho người ăn mày. Lão hòa thượng lập tức cưỡi mây lành  bay đi.

    Cuối cùng, người ăn mày về tới ngoài cổng của nhà của viên ngoại, đột nhiên có một cô gái xinh xắn từ bên trong chạy ra, cô gái lớn tiếng hô lên: “Bố ơi! Anh ấy đã trở về rồi!”. Viên ngoại nghe vậy chạy vội ra, ông giật mình không hiểu vì sao con gái của mình đột nhiên lại nói được. Người ăn mày thuật lại lời của Phật Tổ, viên ngoại vui mừng gả con gái cho anh.

    Chuyện xưa đến đây đã kết thúc. Người ăn  mày vốn không có gì đã nhường cơ hội được hỏi Phật Tổ về vận mệnh của mình cho người khác, nhưng chính tấm lòng tiên tha hậu ngã đó đã mang lại cho anh phần thưởng hậu hĩnh  từ chính những người mà anh đã nhường cơ hội cho họ.

    Đời người chính là trường học lớn

    Kỳ thực, đời người cũng chính là như vậy. Người đến thế gian, nguyên vốn không có gì cả. Chúng ta luôn mong đợi thông qua làm việc chăm chỉ sẽ có được một cuộc sống tốt hơn, trên con đường tìm kiếm khổ sở truy cầu, có người đối xử bất công với chúng ta , còn khuyên chúng ta rằng nên chấp nhận số phận.

    Lúc này, chúng ta vì không cam lòng mà cùng  đi hỏi vị Thần số mệnh câu trả lời, kỳ thực chúng ta muốn dựa vào các đáp án rõ ràng nào nào đó để giải quyết nan đề của vận mệnh. Thay vì cúi đầu trước cái gọi là số phận “chỉ có tám ký gạo khó cầu được chục cân” đó, chúng ta không nản lòng, không ngại đối mặt với khó khăn, dũng cảm tiến về phía trước. Thiết nghĩ tất cả mọi người trên thế gian đều có một quá trình từ lúc mới sinh ra cho đến tận bây giờ.

    Cuộc sống chính là một trường học lớn đầy rẫy những vấn đề hóc búa, đặt ra các câu hỏi cho tất cả mọi người trong quá trình học tập. Những khi chúng ta gặp khó khăn, không thể tự lo cho chính mình, ông trời lại đặt ra vấn đề cho những người xung quanh chúng ta như mỗi một quan khảo nghiệm, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ xem, trong cuộc sống không phải có quá nhiều tình huống như vậy sao? Có người đang vội vội vàng vàng thì gặp ngay người  cần giúp đỡ ngay tức khắc; có người sắp thi đại học thì mẹ đột ngột lâm bệnh cần người chăm sóc; có người đang trong cảnh túng thiếu thì công ty làm ăn thua lỗ, các nhân viên khác đều nghỉ làm, khiến công ty thiếu nhân sự trầm trọng… Khi này chúng ta lựa chọn thế nào? Khi mà những khó khăn của chính mình xung đột với những khó khăn của người khác, chúng ta nên đối đãi thế nào?

    Gợi ý từ câu chuyện của người ăn mày

    Đôi khi, chính sự lựa chọn khó khăn này lại là bước ngoặt lớn của số phận.

    Theo lẽ thường, “khó khăn của người khác”  thì hãy để bản thân anh ta tự giải quyết, còn chúng ta hoàn toàn có thể gạt đi và phớt lờ. Tuy nhiên, không trải qua đắng cay thì không biết đến ngọt bùi, cũng như câu: “Cho đi yêu thương thì nhận lại yêu thương, trao gửi phúc lành thì nhận lại phúc lành”. Người ăn mày trong câu chuyện trên thật sự rất lương thiện,  vì thành toàn cho người khác mà quên cả bản thân, anh đã giúp cụ rùa, lão hòa thượng và viên ngoại giải quyết vấn đề khó khăn của họ. Nhìn bề ngoài, người ăn xin đã mất cơ hội giải quyết vấn đề của chính mình, nhưng trong quá trình giúp đỡ người khác, những vấn đề trong cuộc sống của anh cũng đã được giải quyết dễ dàng. Như vậy, cái gọi là “vấn đề của người khác” thật sự không chút liên quan gì đến chúng ta sao? Tục ngữ có câu: “Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở; vô tình cắm liễu, liễu   lại xanh”. Lớp học lớn của cuộc đời chính là ảo diệu như vậy đó.

    Đường đời dài đằng đẵng, và đôi khi, chúng ta sẽ vì thông qua giúp đỡ người khác mà “thấy được ánh sáng”, giải quyết được vấn đề của mình. Đằng sau các vấn đề của người khác dường như xuất hiện để gây rắc rối cho chúng ta kia lại đóng gói những món quà và sự sắp đặt tỉ mỉ của ông trời vậy.

         VŨ DƯƠNG

     

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: Người ăn mày đến Tây Thiên cầu Phật và bài học làm người sâu sắc của trường đời Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top