728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    TRẦN TRUNG CHÍNH: 31 THÁNG 4 NĂM 1975

    31  THÁNG    NĂM  1975

    Trần Trung Chính

    Khoảng 70 năm trước, nhà văn gốc Roumania là Virgil Gheorghiu viết tiểu thuyết có tựa đề là GIỜ THỨ 25. Quyển sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và cũng được quay thành film, đại tài tử Anthoty Quinn đóng vai chính. Một ngày chỉ có 24 giờ đồng hồ mà Georghiu lại đặt là GIỜ THỨ 25 thì đủ tỏ các nhân vật cũng như cốt truyện  đều vượt quá mức “bi thảm” thường tình. Theo như ý kiến của nhà bình luận văn học Vương Trùng Dương : “giờ thứ 25” là loại giờ đặc biệt không phải là loại giờ trong thời gian vật lý, cũng không phải là loại giờ thời gian tâm lý mà là loại giờ đề cập giờ của tử sinh, thời khắc từ cái chết cận kề đến sự sống.

    Noi gương Gheorghiu người viết đặt tựa đề bài viết này là 31 THÁNG TƯ NĂM 1975, với ngụ ý là người viết sẽ kể ra đây những điều mà Việt Cộng (tự xưng là BÊN THẮNG CUỘC) không “dám” nêu ra trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.!

    Cũng có thể gọi những điều VC không dám nêu ra là những điều cố tình “ dấu diếm “. Người viết liệt kê như sau :

    1.DẤU DIẾM THỨ NHẤT : Tại sao trong Bản Hiệp Định Paris 1973, quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh phải rút ra khỏi VN nhưng quân đội BV lại được phép ở lại mà không phải rút về Bắc ? Khi còn giai đoạn “đi đêm”, Lê Đức Thọ đòi hỏi Hoa Kỳ phải cắt đất cho BV, Kissinger từ chối vì HK không có thẩm quyền đối với lãnh thổ của VNCH, do đó để BV chịu ký vào (sơ thảo) của Bản Hiệp Định, Kissinger đồng ý chọn giải pháp “da beo”. Nhưng Lê Đức Thọ chưa hiểu thâm ý của Kissinger vì theo như Nguyễn Thị Bình tuyên bố phe Cộng Sản chiếm 60% diện tích lãnh thổ nhưng các lãnh thổ “đã giải phóng” đa phần là các phần đất hoang vu không có hạ tầng cơ sở và quá ít dân chúng có khả năng sinh hoạt kinh tế. Do đó để tiếp tục chiến đấu dành thắng lợi cuối cùng thì chính BV phải “chi viện 100%” đem từ ngoài Bắc vào Nam.

    2.DẤU DIẾM THỨ NHÌ : Tháng 5/ 1972, Tổng Thống Richard Nixon sang Bắc Kinh hội đàm trực tiếp với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Khi “đi đêm” với Lê Đức Thọ, Kissinger không nói cho Lê Đức Thọ biết Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ để cho “chiến tranh Việt Nam tàn lụi dần dần” bằng cách Hoa Kỳ sẽ dần dần cắt quân viện cho VNCH, còn Trung Cộng cũng sẽ cắt viện trợ quân sự cho BV.

    3.DẤU DIẾM THỨ 3 :  trước 1972, BV tích trữ vũ khí đạn dược rất nhiều và cũng ỷ lại vào số vũ khí này có thể “kéo dài cuộc chiến” nên không chịu ký vào bản hiệp định từ tháng 9 - tháng 10 năm 1972, BV dự đoán rằng Nixon sẽ bị thua trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/1972 vì không chấm dứt được chiến tranh VN trong nhiệm kỳ đầu 1969-1973. Nhưng kết quả bầu cử tháng 11/1972 cho thấy Nixon đã thắng phiếu bầu trên 49 tiểu bang, trong khi Thượng Nghị Sĩ Mc Govern của Đảng Dân Chủ chỉ thắng duy nhất có 01 tiểu bang (là tiểu bang quê nhà của Mc Govern). Khi Henry Kissinger báo cáo là phái đoàn BV (do Lê Đức Thọ cầm đầu) không có dấu hiệu muốn tiếp tục hòa đàm, Tổng Thống Nixon liền triệu hồi  Henry Kissinger trở về Washington D.C. và mở chiến dịch oanh tạc Bắc Việt dưới danh xưng Linebacker 2 từ 18 tháng 12/1972 xuyên qua Giáng Sinh 1972 cho đến cuối tháng 12/1972 mới chấm dứt.

    Ngày 28 tháng 12 năm 1972, Tổng Thống Nixon cho ngưng oanh tạc BV trước thời hạn ấn định vì phái đoàn BV qua đại sứ VC tại Paris là Võ văn Sung đánh tiếng là BV chịu trở lại ngồi vào bàn hội nghị và không lâu sau đó Hiệp Định Paris được ký kết và có hiệu lực vào ngày 27 tháng giêng 1973. Đây cũng chính là ngày nhậm chức của Tổng Thống Nixon trong nhiệm kỳ hai 1973 – 1977.

    Phía BV thì tuyên truyền huênh hoang là chiến thắng của “ĐIỆN BIÊN PHỦ trên không” nhưng một số anh em “tù cải tạo” ở miền Bắc sau năm 1976 được dân chúng BV cho biết là trận oanh tạc 12 ngày đêm của Không Quân HK rất dữ dội đã phá hủy toàn thể các kho vựa chứa vũ khí đạn dược mà BV đã cất dấu trong nhiều năm qua, cũng như là ngày cuối cùng trước khi ngưng oanh tạc, phi cơ oanh tạc của HK bay vào BV cũng không có hỏa tiễn địa không nào được bắn lên mà chỉ có súng cao xạ phòng không bắn lên mà thôi.(có lẽ số hỏa tiễn địa không do Liên Sô viện trợ không đủ nhiều và không được tiếp tế điền khuyết vì hải cảng Hải Phòng bị hải quân HK phong tỏa, cho nên Võ Văn Sung đánh tiếng BV chịu trở lại bàn hội nghị để Tổng Thống Nixon cho ngưng oanh tạc).

    Khoảng 20 năm sau, có tin tiết lộ rằng BV đánh điện xin đầu hàng vào tháng 12/1972, nhưng chính phủ HK ra lệnh đổi toán hiệu thính viên về Mỹ và thay thế toán hiệu thính viên mới, nghĩa là chính phủ HK “dấu nhẹm” chuyện BV muốn đầu hàng. Suy ra chuyện dấu nhẹm này rất “có lý” vì chính yếu là HK muốn rút ra khỏi vũng lầy VN, nay BV muốn đầu hàng cũng có nghĩa là HK lại bị buộc “trở lại VN” là điều HK không có kế hoạch dự trù !!!

    4. DẤU DIẾM THỨ 4 : Trung Cộng tuân thủ các thỏa thuận với HK về việc giải quyết chiến tranh VN, nhưng Breznev cử Đại Tướng Viktor Kurilov sang Hà Nội dụ Lê Duẩn nhận viện trợ vũ khí của Liên Sô tiến chiếm miền Nam VN để quân đội Liên Sô có chỗ đứng trong vùng Đông Nam Á vì Hiệp Định Paris 1973 chỉ có lợi cho Trung Cộng và Hoa Kỳ trong khi Liên Sô không có gì cả. Do đó chiến dịch chiếm VNCH vào năm 1975 là Lê Duẩn đi theo sách lược của Liên Sô cũng như Trung Cộng phát động cuộc tấn kích Hoàng Sa vào tháng giêng năm 1974 vì quân ủy trung ương của quân đội Trung Cộng muốn bảo vệ cho vùng biển phía nam của hải quân Trung Cộng.

    Chú thích : Đại Tướng Viktor Kurilov thời điểm 1972 – 1973 là Tổng Tham Mưu Trưởng của quân đội Liên Sô.

    DẤU DIẾM THỨ 5 : trước 1975 và ngay cả bây giờ 2023, VNDCCH rồi CHXHCNVN  vẫn chưa giải thích cho nhân dân VN hiểu là tại sao khi thống nhất đất nước (bằng vũ lực) thì ngay lập tức bị Trung Cộng “dạy cho VN bài học lừa thầy phản bạn”. Lối giải thích mà cá nhân người viết khi còn trong “trại tù cải tạo” từ 1975 đến 1984 được nghe là chính quyền Trung Quốc phát huy chủ nghĩa bá quyền và Đặng Tiểu Bình là kẻ có tham vọng làm hoàng đế như Tần Thủy Hoàng hay như hoàng đế Mao Trạch Đông…Nên nhớ là sau 30 tháng 4 năm 1975, khi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai còn sống là đã có “rắc rối” rồi, điển hình là  Khmer Đỏ đã gây sự với VN bằng vũ lực. Sau khi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai qua đời vào năm 1976, Hoa Quốc Phong lên thay nhưng tình hình vẫn chưa trở lại tốt đẹp, tới năm 1977 Đặng Tiểu Bình dẹp được Hoa Quốc Phong và Tứ Nhân Bang, rồi lên nắm thực quyền (dù chính thức chỉ là Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương), tình hình giao hảo càng trở nên tồi tệ hơn để rồi trong năm 1978, Đặng Tiểu Bình đi sang Hoa Kỳ hội kiến với Tổng Thống Jimmy Carter và sau đó tới tháng giêng năm 1979, quân đội Trung Cộng với quân số 600,000 người kéo sang VN tàn phá trong 6 tỉnh vùng biên giới Hoa – Việt .

    Chú thích : Tứ Nhân Bang là 4 người trong nhóm Thượng Hải được Mao Trạch Đông sử dụng làm lực xung kích để tấn công và triệt hạ các nhóm chính trị trong Đảng Cộng Sản Trung Hoa khác với đường lối của Mao. 4 người đó là Giang Thanh (vợ của Mao), Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên và Trương Xuân Kiều.

    DẤU DIẾM THỨ 6 : Cả Trung Cộng lẫn VC đều tuyên bố là “phía ta thắng lợi” nhưng cả 2 phía đều dấu nhẹm số tổn thất của mỗi bên, nhưng theo ý kiến riêng của người viết, phía Trung Cộng “thắng lợi” nhiều hơn vì Trung Cộng yếu kém về kinh tế cũng như yếu kém cả về khoa học kỹ thuật nhưng Liên Sô chỉ giúp BV bằng “nước bọt” chứ không dám động binh đánh giải vây cho BV như hòa ước “bất tương xâm” mà Liên Sô đã ký với BV hồi 1977 ! Đó chưa kể là phía Trung Cộng được HK cam kết là “không can thiệp”  bằng quân sự và ngoại giao, mặt khác nhờ Đặng Tiểu Bình cởi mở” hơn Mao và Chu, nên HK giúp đỡ Trung Cộng về kinh tế và khoa học kỹ thuật khiến Trung Cộng 15-20 năm sau đã trở thành cường quốc bỏ xa Liên Sô và có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ . Trong khi tới năm 1995, VC phải từ bỏ con đường tiến lên XHCN qua giai đoạn “3 dòng thác cách mạng” để sáng tạo ra học thuyết “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN “, như vậy lãnh đạo của Trung Cộng và lãnh đạo VC ai là “đỉnh cao trí tuệ” ? Nhờ quý bạn độc giả tự lượng giá và kết luận dùm.

    DẤU DIẾM THỨ 7: chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953, một triệu chí nguyện quân Trung Cộng do Nguyên Soái Bành Đức Hoài đã đẩy lui 250,000 quân của Hoa Kỳ và 30,000 quân của LHQ từ sông Áp Lục xuống tới vĩ tuyến 38. Nhờ bán đảo Triều Tiên hẹp và 2 bên phía Đông cũng như phía Tây đều giáp biển nên lục quân Hoa Kỳ được hải pháo yểm trợ cả 2 phía Đông - Tây cũng như các pháo đài bay B-29 từ Nhật bay qua yểm trợ do đó quân Trung Cộng bị tổn thất rất nặng (tử vong tới 400,000 quân) nên Trung Cộng đành phải ký kết ngưng chiến tại Bàn Môn Điếm vào năm 1953.

    Khi HCM tuyên bố thành lập MTGPMN vào tháng 12/1959 tại Hà Nội, rồi thành lập Đoàn 66 để mở đường mòn HCM kéo đại quân xâm nhập VNCH , quân đội BV từ bỏ kiểu chiến tranh du kích rồi áp dụng vận động chiến kiểu chiến tranh xâm lược thì phải thẳng thắn nói rằng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái…không biết rằng quân đội HK đã có vũ khí mới để khắc chế chiến thuật biển người của quân Cộng Sản, đó là hàng rào điện tử Mac Namara và pháo đài bay B-52.

    Ghi chú : pháo đài bay B-52 mang bom nguyên tử bay thường xuyên túc trực trên không 24/24 để sẵn sàng bỏ bom nguyên tử vào đối phương (Liên Sô) nghĩa là nhanh chóng trả đũa mau hơn là bấm nút vào các hỏa tiễn liên lục địa mang bom nguyên tử, nhưng B-52 cũng có khả năng mang 30,000 tấn bom qui ước để “trải thảm” trên một vùng diện tích lớn. B-52 bỏ bom từ cao độ 4,000 metres và vị trí thả bom được computer điều khiển chứ không phải trông cậy vào sự quan sát của phi công. Các loại pháo cao xạ phòng không bắn không tới độ cao 4,000 metres.

    Suy ra các đơn vị quân đội BV bị B-52 tiêu diệt khi tập trung vào vị trí chuẩn bị tấn công đối phương nên chiến tranh VN ác liệt từ 1965 đến 1975 không hề có trận nào có thể sử dụng chiến thuật biển người như ở Triều Tiên hồi 1950 -1953. Và khối lượng bom quá lớn như vừa nêu trên khiến cho số binh sĩ tử trận của quân BV  trở thành tro bụi.

    DẤU DIẾM THỨ 8 : tử sĩ quân BV không có NGHĨA TRANG, quân BV chiến thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, phía VNCH binh sĩ tử trận suýt soát 500,000 (căn cứ vào tiền tử tuất mà thân nhân của tử sĩ lãnh được, con số này luôn luôn được cập nhật hóa bởi Nha Quân Phí – Bộ Quốc Phòng) và được chôn cất đàng hoàng tại các NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI  tại các quân khu. Khoảng hơn 20 năm sau 1975, chính quyền VC mới cho thành lập NGHĨA TRANG LIỆT SĨ, nhưng anh bạn Phạm Tấn Phước của tôi đi thăm NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN (thuộc địa giới Quảng Trị) thì thấy có bia mộ rất nhiều nhưng ghi MỘT NGÀY TỬ TRẬN GIỐNG NHAU và ban quản trang cho biết chỉ có bia mộ chứ không có thân xác hay hài cốt gì cả.

    Ghi chú 8.1 : Có phải chính quyền Cộng Sản hiện nay cố tình phá bỏ các NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI của VNCH chính là để khỏa lấp cái lỗi lầm to lớn của BV là không lo cho tử sĩ của họ được mồ yên mả đẹp ? Xin quý độc giả cho biết ý kiến phản hồi.

    Ghi chú 8.2 : con số tử sĩ của phía BV cũng không bao giờ được chính quyền Cộng Sản công bố, sau này chính bà Dương Thu Hương (khi làm thư ký cho các tướng lãnh BV) cũng chỉ phỏng đoán là 3 triệu. Vì lính BV không có số quân và không có lãnh lương nên không thể có con số chính xác như con số tử sĩ của VNCH được.  Phía Hoa Kỳ có thể có được con số khá chính xác, nhưng họ không bao giờ công bố, nên chúng ta cũng không biết rõ. Người viết căn cứ vào phương cách làm việc của “hàng rào điện tử Mc Namara” như sau : hàng rào điện tử Mc Namara chỉ là những tập hợp các chip điện tử ghi nhận số lượng cán binh BV xâm nhập, di chuyển theo hướng nào, tốc độ ra sao, tập trung ở đâu…những chi tiết vừa nêu sẽ được chuyển vể “trung tâm thu thập dữ liệu”. Sau đó sẽ có “trung tâm khai thác và phân tich dữ liệu” sắp xếp + chọn lọc và đánh giá” rồi bản tường trình này sẽ được chuyển đến Bộ Tư Lệnh Tối Cao của quân đội HK trú đóng tại VN, dĩ nhiên Đại Tướng Williams Wesmoreland hay Đại Tướng Creighton Abrams sẽ quyết định số phi vụ B-52 “hành quân” vào vị trí và thời điểm đã được chỉ định.

    Theo dự đoán của người viết, Hoa Kỳ không công bố bản “thu thập dữ liệu” cũng như không công bố bản “khai thác và phân tích dữ liệu” vì lý do nhân đạo (giết 3 triệu tinh binh của BV trên tổng số 25 triệu dân của miền Bắc, tức là diệt 12% dân số miền Bắc, là một con số quá tàn nhẫn !)

    DẤU DIẾM THỨ 9 : Sau 30 tháng 4 năm 1975, toàn thể nhân dân miền Nam đều biết rằng miền Bắc VN không hề có thương phế binh, căn cứ vào Bộ Cựu Chiến Binh của chính phủ VNCH, con số thương phế binh nhận phúc lợi của chính phủ suýt soát ½ triệu. Ban đầu đa số người ta cho rằng bộ đội VC giết bỏ thương phế binh của họ, nhưng lý giải này không hợp lý vì số bộ đội còn nguyên vẹn không bao giờ cầm súng giết chiến hữu đang bị thương tật của mình (dù giả sử cấp trên của họ có ra lệnh đi nữa). Vấn đề nằm ở cơ cấu tổ chức Quân Y của bộ đội Cộng Sản : VNCH có phương tiện tải thương nhanh chóng như xe cộ, tàu bè, trực thăng, bệnh viện dã chiến, Tổng Y Viện cùng với đội ngũ bác sĩ và y tá được huấn luyện đầy đủ và tuyển dụng đúng cấp số, cộng thêm ngành Quân Y có đầy đủ y cụ cũng như thuốc men dồi dào như thuốc trụ sinh, như huyết thanh, như máu tươi do Trung Tâm Tiếp Huyết bảo trì và cung cấp dồi dào, ngành Quân Y VNCH còn được HK viện trợ dồi dào máu khô, dung dịch serum và “nước biển”…vậy mà số thương phế binh cũng đã suýt soát ½ triệu người. Suy ra cán binh VC chết hết không có thương phế binh sống sót là do binh đội Cộng Sản không có tải thương và điều trị hữu hiệu.

    Con số chiến binh VNCH tử trận được báo cáo khoảng ½ triệu (tức là chết do trực tiếp giao chiến) thì số bộ đội tử trận phải gấp đôi, nghĩa là bộ đội VC tử trận phải được tính là khoảng 01 triệu. Đây không phải là người viết có mục đích tuyên truyền mà người viết giả dụ là con số tử trận trong lúc giao chiến của 2 bên ngang nhau, nhưng phía cán binh bộ đội VC chết gấp 2 vì số bị thương không được tải thương và không đủ thuốc men chữa trị.

    Dân chúng bên “phía thua cuộc” đã từng chứng kiến các thương bệnh binh VNCH đang nằm trong các Quân Y Viện bị đuổi ra khỏi bệnh viện, có nhân chứng sống là Thiếu Tá Y sĩ Trần Đức Tường (ngày 30 tháng 4 năm 1975 đang là Chỉ Huy Trưởng của Bệnh Xá Trần Ngọc Minh của Cục Quân Y trên đường Trần Quốc Toản – Quận 10 SG), có ảnh chụp hạ sĩ Võ Phùng Dương của  binh chủng Biệt Động Quân, lúc đó chỉ còn 01 chân bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa…chứ không phải người viết nói bâng quơ thiếu chứng liệu hữu hiệu.

    Phải chăng toàn thể binh đội Cộng Sản từ cấp chỉ huy cao cấp nhất như Thượng Tướng Trần Văn Trà cho đến sĩ quan trung cấp như Thượng Úy Bùi Tùng, như Đại Úy Phạm văn Thệ đến tận cùng các hàng binh sĩ từ miền Bắc mới vào Nam, trả thù các anh em Thương Phế Binh VNCH chỉ vì “ganh tỵ” rằng “cán binh bộ đội Cộng Sản” không được chữa trị đàng hoàng nên hàng ngũ cán binh bộ đội miền Bắc không có Thương Phế Binh ? Những cán binh bộ đội miền Bắc (bao gồm cả sĩ quan) hiện nay 2023 vẫn còn sống, hãy trả lời cho sự thực trần truồng thô bỉ này chớ đừng rộng miệng hô hoán “hãy xóa bỏ quá khứ để xây dựng tương lai” (HÒA chưa giải mà đòi HỢP NHẤT cái gì ).

    DẤU DIẾM THỨ 10 : Vào ngày 25 tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ra lệnh cho Sư Đoàn 18 và các đơn vị hỗ trợ rời bỏ thị xã Xuân Lộc, ngay sau đó vận tải cơ của Bộ Tư Lệnh Không Quân bỏ một quả bom CBU xuống Xuân Lộc, khi đó Đài Phát Thanh Hà Nội la ó ầm ĩ là HK đã thả một quả bom nguyên tử cỡ nhỏ, điều chắc chắn là mọi người đều biết tất cả bộ đội VC tham chiến tại Xuân Lộc vào tháng 4/1975 đều bị giết không còn một ai sống sót. Vài ngày sau trong say men chiến thắng,sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố bàn giao chính quyền cho lực lượng phía bên kia, thì “BÊN THẮNG CUỘC” im lặng không cho biết đơn vị nào đã ôm trọn quả bom CBU ấy, số người bị giết là bao nhiêu (2 hay 3 ngàn) thân xác của họ tan ra thành tro bụi hay thân xác còn nguyên và có được chôn cất đàng hoàng và thân nhân của họ ngoài Bắc có được thông báo hay không? Người viết đặt câu hỏi này đến Ban Chỉ Huy của Bộ Đội Giải Phóng hay Bộ Tổng Tham Mưu của bộ đội BV vì người viết có được những thông tin chính xác như sau :

    10.1 : Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy sư đoàn 18 BB và các lực lượng phụ trợ bị 3-4 sư đoàn quân BV vây đánh tại mặt trận Xuân Lộc, chỉ huy trực tiếp các lực lượng VC là Lê Đức Thọ, tham vọng của Lê Đức Thọ là mau chúng dứt điểm Xuân Lộc để tiến quân về Sài Gòn bắt giữ Đại Sứ Hoa Kỳ là ông Graham Martin.

    Tướng Lê Minh Đảo yêu cầu Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn3  giúp đỡ để giải tỏa bớt áp lực. Nhiệm vụ của Tướng Lê Minh Đảo và Sư Đoàn 18 BB là ngăn chận đà tiến quân của quân VC để chính phủ Sài Gòn có “giải pháp chính trị” nên Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH quyết định dùng bom CBU để chận đứng đà tiến quân của quân VC. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn không có thẩm quyền ra lệnh cho Bộ Tư Lệnh Không Quân bỏ bom CBU vào Xuân Lộc, lệnh đó do Trung Tướng Đồng Văn Khuyên – quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu ban hành.

    10.2 CBU là viết tắt của Chemical Bomb Unit (CBU cũng là viết tắt của Cluster Bomb Unit = bom chùm) là loại bom đốt cháy oxygen trong vòng đường kính khoảng 3km kéo dài khoảng 20 đến 30 phút. Bộ óc con người không có oxygen trong vòng 6 phút là đủ tử vong.

    Anh bạn Nguyễn Sáu quá cố của người viết (qua  đời vào năm 2019 tại San Ramon vì bị bệnh viêm gan siêu virus C, thọ 68 tuổi) vào thời điểm năm 1975 làm việc tại Phòng Không Ảnh Bộ Tư Lệnh KQ mô tả diễn trình thả bom CBU vào Xuân Lộc như sau : vận tải cơ mang bom CBU đã gắn kích hỏa khi bom xà xuống cách mặt đất khoảng 200 metres, palette mang bom phải gắn thêm 200 cây nước đá để tránh bị gió đưa đi xa mục tiêu. Lệnh hành quân là vận tải cơ này bay về phía Tây Ninh rồi đổi hướng bay quay về phía Xuân Lộc để tránh cao xạ phòng không và hỏa tiễn tầm nhiệt ST-3. Trước và sau khi bỏ bom đều có phi cơ quan sát chụp hình để kiểm chứng. Nhưng phi cơ quan sát đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Nu – Trưởng Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu và 3-4 Đại Tá của phòng 7 đã chờ sẵn,  lấy toàn bộ film ảnh trên chiếc phi cơ quan sát rồi tất cả lên một chiếc phi cơ khác rời Saigon ngay sau đó. Và Phòng Không Ảnh của Bộ Tư Lệnh không hề có những bức ảnh chụp Xuân Lộc sau khi thả bom CBU !

    VC hô hoán là HK sử dụng bom nguyên tử cỡ nhỏ chỉ để tuyên truyền vì sau đó người ta không thể tìm thấy bất cứ dấu vết phóng xạ nào của bom nguyên tử, giản dị vì quả bom CBU thả xuống Xuân Lộc không phải là bom nguyên tử !!!

    10.3 Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng và rất nhiều người khác cho rằng HK đã tháo chạy khỏi VN và không kịp mang theo toàn thể những thứ cần thiết. Hoa Kỳ là một đại cường làm việc gì cũng có kế hoạch và hoạch định thời gian khả thi rõ ràng, làm gì có chuyện “tháo chạy gấp rút trong hỗn loạn” ?. Đại Sứ Graham Martin đã sắp xếp để Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức rồi đưa gia đình Tổng Thống Thiệu rời Sài Gòn từ 22 tháng 4 năm 1975, kế hoạch gồm cả các nhân vật khác như Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên…nhưng chính ông đại sứ thì lại rời Sài Gòn vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 trước khi xe tank của Cộng Quân chạy qua Tòa Đại Sứ HK để đâm vào Dinh Độc Lập. Đó là chưa kể đến lệnh miệng của Ngoại Trưởng Henry Kissinger ra lệnh cho Đại Sứ Martin phải rời Sài Gòn ngay lập tức. Nhiều năm sau này, người viết may mắn được chính Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình tiết lộ là sự trễ nải của Đại Sứ Graham Martin vì ông rất có lòng với VNCH, ông không muốn là sau khi HK rút ra khỏi VNCH thì chiến tranh vẫn tiếp tục tàn phá Sài Gòn rồi quân và dân chúng VNCH bị giết chết vô ích. Giải pháp chính trị mà người viết vừa nói ở trên là Đại Sứ Martin đã thuyết phục được Đại Tướng Dương Văn Minh chịu đứng ra lãnh đạo VNCH để rồi “đầu hàng” VC, tránh cho dân quân miền Nam khỏi bị chết thêm vô ích và tất cả các cơ sở hạ tầng vẫn còn nguyên vẹn.

    10.3 Sau khi Tổng Thống Trần Văn Hương lên nắm quyền theo hiến định, Đại Sứ Graham Martin không thuyết phục được Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh nên Đại Sứ Martin phải nhờ Đại Sứ Pháp tại Sài Gòn là ông Francois Marie Mérillon thuyết phục. Lý do rất đơn giản là vì vấn đề tế nhị của ngoại giao, Đại Sứ Martin muốn nói chuyện với Tổng Thống Trần Văn Hương trực tiếp không có thông dịch viên, nhưng ông không nói được tiếng Pháp và Tổng Thống Trần Văn Hương thì không nói được tiếng Anh – Mỹ. Đại Sứ Pháp nhận lời ,nên sau buổi hội kiến với Đại Sứ Pháp tại Đường Sơn Quán, Tổng Thống Trần Văn Hương chịu nhường quyền Tổng Thống cho Đại Tướng Dương Văn Minh (tuy rằng thủ tục trao quyền thì vi hiến vì không có điều khoản nào trong Hiến Pháp VNCH quy định như vậy).

    10.4 Chuyện làm Tổng Thống chỉ có 48 giờ rồi “đầu hàng VC” của Đại Tướng Dương Văn Minh bị mọi người phía VNCH bêu rếu, rồi phía VC tha hồ vênh vang khoác lác với những chuyện giả tưởng như siêu điệp viên Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Dương Văn Nhựt….được dựng thành film thành truyện. Nhưng bình tâm mà suy xét, nếu VC tài giỏi siêu việt như chúng đã tự khen tự mãn thì tại sao phải đợi tới 21 năm với số tổn thất 3 triệu tinh binh miền Bắc đã bỏ mạng công thêm ½ binh sĩ miền Nam tử trận và khoảng ½ triệu thương phế binh miền Nam (người viết không kể thường dân 2 miền đã tử nạn trong chiến tranh). Người viết không mong đợi phía “BÊN THUA CUỘC” trả lời câu hỏi này, người viết yêu cầu phía BÊN THẮNG CUỘC phải trả lời để bàn dân thiên hạ tự đánh giá khả năng đích thực của con người Cộng Sản, thế thôi.

    DẤU DIẾM THỨ 11 : Nhìn những khuôn mặt hí hửng và đắc chí của nhân dân và cán bộ miền Bắc VN cũng như thành phần thiên Cộng của miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, người viết đã nhận định rằng Lê Duẩn + Lê Đức Thọ và toàn thể Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản VN không hiểu biết một chút gì về nước Mỹ và chính giới HK. Năm 1977, đại diện của Ngoại Trưởng Cyrus Vance đến bàn thảo với đại diện của VC về chuyện bình thường hóa bang giao giữa 2 nước, phía HK nói rằng chapter Viet Nam đã được đóng lại và HK muốn bình thường hóa bang giao với CHXHCNVN như bang giao với những quốc gia khác. Phía VC cứ nằng nặc là HK phải bồi thường 3.25 tỷ dollars trước thì VC mới chịu bàn tới chuyện bình thường hóa bang giao. Sau 2 giờ thảo luận mà không đi tới đâu, đại diện HK đứng dậy nói  : “ các ông vô lý quá, bản Hiệp Định Paris 1973 có rất nhiều điều khoản, các ông không tuân thủ bất cứ điều khoản nào mà lại đòi hỏi chúng tôi phải thực thi duy nhất điều khoản 21B là làm sao ? Các ông có 20 năm để hối tiếc về quyết định vô lý này ” (chú thích : người viết nhớ lại đại ý câu chuyện này qua lời tường thuật của đài BBC từ 1977). Kết quả là Hoa Kỳ ban LỆNH CẤM VẬN từ 1975 cho đến 1995, Tổng Thống Clinton mới bãi bỏ lệnh cấm vận nhưng không hề ban bố viện trợ . Và thực tế đến nay 2023, VC không dám đả động đến “bồi thường chiến tranh” hay “viện trợ tái thiết gì” hết.

    Binh gia TÔN TỬ viết trong sách BINH PHÁP TÔN TỬ : “biết NGƯỜI biết TA trăm trận đều thắng”, nhưng hậu bối của Tôn Tử suy luận rằng “ chỉ biết TA mà không biết NGƯỜI thì có thể đánh duy nhất 01 trận mà thôi”. Trận duy nhất đó là trận đầu tiên, vì phe TA sẽ bị địch giết hay bị địch cầm tù. Thực tế VC tưởng là thắng Mỹ trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng sau đó VC thua dài dài : khổ nỗi lãnh đạo của VC vẫn cứ tuyên truyền tự phỉnh + tự sướng và 48 năm nay dưới sự lãnh đạo của VC, CHXHCNVN vẫn chỉ đứng trên 2 quốc gia trong bảng xếp loại của 180 nước. Phải chăng nhân dân trong nước tự hào vì đã phấn đấu hết mình để không bị ĐỘI SỔ !

    Viết xong tại San José ngày 12 tháng 6 năm 2023

    Trần Trung Chính


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: TRẦN TRUNG CHÍNH: 31 THÁNG 4 NĂM 1975 Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top