728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    NGUYỄN NGỌC HOA MỘT NGÀY ĐỂ KHÓC

     

    Một Ngày Để Khóc

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

     


    Mùa xuân đến gần sáu tuần nay, nhưng buổi sớm mai trời North Dakota còn se lạnh.  Tôi ra khỏi nhà đi làm mà lòng bồi hồi rưng rưng, con đường đến sở dường như không còn quen thuộc như mọi ngày vì trong tâm tưởng, tôi đang sống lại những kỷ niệm buồn đau.  Ngày này, 30 tháng Tư, đúng một năm trước đây (1975), lúc mười giờ rưỡi sáng, trên chiếc chiến hạm Hải quân di tản đến hải phận quốc tế ngoài khơi Vũng Tàu, tôi đã khóc và hát bài quốc ca Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) một lần cuối khi lá cờ vàng ba sọc đỏ từ từ hạ xuống kỳ đài,

                Này công dân ơi!  Đứng lên đáp lời sông núi.

    Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.

    Đêm qua tối thứ Năm, tôi thức khuya gọi điện thoại nói chuyện với thằng Tú, người bạn thương phế binh thân thiết đang dạy học ở Rockford thuộc tiểu bang Illinois; gọi viễn liên sau 11 giờ đêm giá rẻ hơn ban ngày và buổi tối, tỉ tê chuyện cà kê dê ngỗng đỡ ngại cháy túi.  Hai thằng vừa khóc vừa cười nhớ lại chuỗi ngày tuyệt vọng thương đau dẫn tới biến cố đổi đời “bỏ nước ra đi” và nhắc nhở những chuyện vặt về thằng Song, bạn cùng lớp và cũng là bạn thân nhất của tôi ở trường kỹ sư bây giờ sống khốn khó ở Việt nam.  Tôi chơi với thằng Tú vì nó là bạn thời trung học Pleiku của thằng Song.  Bạn của bạn mình đương nhiên là bạn mình; ngày đó, chúng tôi quan niệm đơn giản như thế.

    Qua giọng nói của thằng Tú, tôi cảm thấy dường như có điều gì ẩn khuất mà nó chưa nói ra.  Cuối cùng, nó bật lên hỏi, cố nén nước mắt,

                “Mày còn nhớ thằng quỷ An không nhỉ?”

                “Mày què chân chứ đầu óc có cùn đâu mà hỏi gì kỳ vậy?  Trong bọn mày – đám khỉ cùng đàn với thằng Song từ Pleiku xuống, mày thân với tao nhất, nhưng thằng An là đứa dễ thương tao khoái nhất.”

    Trong nhóm bạn thằng Song, thằng An người Huế gặp hoàn cảnh khó khăn hơn cả.  Năm cả bọn học đệ nhất (lớp 12) trường trung học Pleiku, cha nó mất, và cuối năm nó thi rớt Tú tài II.  Trong lúc bạn về Sài gòn học đại học, nó lớn nhất nhà, trở thành cột trụ gia đình, và đưa mẹ và bốn đứa em xuống Mỹ Tho ở nhờ nhà người chú họ và tìm kế sinh nhai.  Nó có ba cô em gái kế tiếp nhau, cô kế nó là Lệ Quỳnh kém nó một tuổi, và cậu em trai út lên mười.  Tôi gặp nó lần đầu khi đi theo thằng Song từ Sài gòn xuống Mỹ Tho thăm nó, cả gia đình sáu người sống chen chúc trong căn phòng chật chội, và nó phải đưa tôi và thằng Song ra ngoài công viên gần nhà nói chuyện.

    Thằng An cao lớn, dễ đến hơn một thước bảy, mặt mày trắng trẻo hiền hậu, và đặc biệt nụ cười dễ mến.  Lần thứ hai tôi theo thằng Song đi thăm nó thì nó và gia đình ở Vũng Tàu, thành phố du lịch nổi tiếng đời Pháp thuộc dưới tên “Cap Saint Jacques” và nay có nhiều căn cứ quân sự của Hoa kỳ.  Thằng An giải thích lý do dọn về đây,

                “Mạ tao và con Quỳnh mua bán hàng Mỹ nhảy dù từ trong Pi-Ếch (PX) ra.  Mạ tao giỏi mà cả và con Quỳnh rành tiếng Anh hiểu rõ mặt hàng nên gia đình đủ ăn.  Chiều chiều tao mướn xích-lô chở mấy thằng lính Mỹ chạy chơi vòng vòng để kiếm thêm địa (tiền).”  “PX” hay “Post Exchange” là cửa hàng Quân tiếp vụ Hoa kỳ.

                “Mày giỏi dữ há?” thằng Song khen nhẹ nhàng.

                “Tụi lính Mỹ trẻ tuổi, cỡ bằng tụi mình, rất thích ngồi xích-lô đi hóng mát và coi thành phố.  Mấy anh đạp xích lô thường ốm đói, tụi Mỹ thấy tội nghiệp nên rất ngại đi xe.  Nếu đi thì tụi nó biểu anh phu xe ngồi vào ghế đằng trước, để nó ngồi trên yên phía sau đạp xe.  Khách Mẽo giành nhau đi xe tao vì tao đô con, tụi nó không ngại.  Tao lại biết tiếng Anh nói xí xô xí xào, chỉ trỏ nơi nọ nơi kia.”

                “Mày định làm nghề xô xích-le (xe xích-lô) này đến bao giờ?” thằng Song ái ngại.

                “Tao rán sao có được nhiều tiền để lại cho mạ tao và con Quỳnh trước khi đi vào quân trường.  Vì thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi,” thằng An thản nhiên trả lời.

    Thế rồi thằng An bị gọi nhập ngũ vào trường Bộ binh Thủ Đức, ra trường tình nguyện đi Nhảy Dù, và học nhảy dù ở trung tâm Huấn luyện Nhảy Dù trong trại Hoàng Hoa Thám, nơi đặt bản doanh bộ tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, trên đường Lê văn Duyệt nối dài quá Ngã Tư Bảy Hiền chừng một cây số.  Ngày nó ra đơn vị là Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, thằng Song và các bạn cũ đã đi khỏi Sài gòn, chỉ còn mình tôi ở đây.  Khi được nghỉ phép về Sài gòn, thằng An luôn luôn ghé lại tôi trước khi đi Vũng Tàu thăm nhà.  Đời lính bất thường, nó đến tìm tôi vào những lúc bất ngờ nhất.  Có lần nó xuất hiện trước cửa giảng đường trong lúc tôi chăm chú dạy học.  Một lát sau, thấy sinh viên xì xào nhìn ra cửa, tôi nhìn ra thấy nó đứng nghiêm ưỡn ngực chào như chào kính thượng cấp không biết từ lúc nào.  Tôi chìa tay ra hiệu mời nó vào ngồi ở cuối giảng đường và tiếp tục giảng bài cho đến hết giờ dạy.

    Một lần khác, khi sinh viên học sinh Sài gòn ồn ào xuống đường biểu tình chống chính phủ, đơn vị thằng An bị điều động về giữ an ninh đô thành, đề phòng Việt Cộng lợi dụng tình thế bất ổn để tấn công.  Nó đóng quân trên đường Hòa Hưng đi vào khám Chí Hòa và cho người tìm tôi báo tin.  Trước khi đến với thằng An, tôi vào Chợ Lớn mua vịt quay và cơm chiên Dương Châu để ăn chiều với bạn.

    Khi tôi đến, thằng An đang cắt đặt canh gác trạm phòng thủ tạm thời dựng lên bằng bao cát chất cao ngang ngực ở các góc đường.  Nó chào tôi với nụ cười vui vẻ thường lệ rồi biểu anh tà lọt (lính hầu cận làm việc vặt cho sĩ quan chỉ huy) đem vịt quay và cơm chiên chia đều cho anh em; tôi và nó cũng có một phần và cùng ăn phần cơm gạo sấy với lương khô như mọi người.  Gạo sấy là gạo đã được nấu chín và rút hết nước, khi dùng chỉ cần đổ nước sôi hay nước lạnh vào cho gạo nở thành cơm.

    Mới lãnh lương túi còn rủng rỉnh, tôi mua bia ở hai chiếc xe sinh tố gần đó và nhờ mang ra đãi trung đội thằng An.  Nó cho phép quân nhân không có nhiệm vụ canh gác uống, nhưng ra lệnh uống ít để đừng say sưa.  Sau khi giao nhiệm vụ cho anh trung sĩ nhất trung đội phó, nó cùng tôi ngồi bệt ở lề đường uống bia và nhìn xe cộ và khách bộ hành qua lại.  Gần khuya, tôi hỏi bạn,

                “Đêm nay mày ngủ đâu?”

    “Hàng hiên nhà người ta đó.  Tao đã xin phép chủ nhà, thằng tà lọt quét dọn sạch sẽ rồi,” nó đưa tay chỉ ngôi nhà gần đó.

                “Mẹ nó . . .” tôi tức tối giùm bạn.

                “Dân nhà binh đi hành quân nằm bờ ngủ bụi là thường, mày thắc mắc làm chó gì cho mệt.  Tao chỉ mong tối nay Việt Cộng không đánh vào đây.”

    Tôi tiếp tục uống bia với thằng An đến sau giờ giới nghiêm rồi ngủ lại dưới hàng hiên với nó.  Sáng hôm sau tôi thức dậy, anh tà lọt bưng nước đến mời “ông thầy” rửa mặt.  Anh gọi tôi là “ông thầy” vì tôi làm thầy giáo, khác với “ông thầy” gọi thằng An là cấp chỉ huy, là ông sếp nhà binh.

    Trong số các bạn tôi, thằng An là đứa hiền lành nhất, mặc dù nó là một sĩ quan Nhảy dù cao lớn và dáng dấp bên ngoài có thể làm bất cứ ai khiếp đảm.  Tôi chưa nghe người lính mũ đỏ này chửi thề, tìm cách dọa nạt ai, hay kể chuyện bắn giết ngoài trận địa.  Không như những sĩ quan hào hoa “anh là lính đa tình” khác, nó không hề nói về một mối tình nào khác hơn tình yêu thiết tha đối với một cô giáo dạy tiểu học ở Vũng Tàu là bạn thân của Lệ Quỳnh em nó.

    Mỗi lần chia tay với thằng An là một lần tôi lo đứt ruột, thầm mong Trời Phật phù hộ cho nó được an lành.  Đầu năm 1971, suốt hai tháng tôi hồi hộp lo lắng theo dõi tin tức cuộc hành quân Hạ Lào (hay chiến dịch Lam Sơn 719).  Nó trở về với chiếc lon trung úy vinh thăng ngoài mặt trận và tấm anh dũng bội tinh với nhành dương liễu, nhưng nụ cười héo hắt.  Anh dũng bội tinh là huy chương tưởng thưởng cho quân nhân lập chiến công và đi kèm theo bản tuyên dương công trạng.  “Với nhành dương liễu” là tuyên dương công trạng trước quân đội – cấp cao nhất; sau đó lần lượt đến cấp quân đoàn (với ngôi sao vàng), cấp sư đoàn (với ngôi sao bạc), và cấp trung đoàn hay lữ đoàn (với ngôi sao đồng).

    Sau các trận đánh khốc liệt của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, thằng An trở lại, cười rạng rỡ với ba bông hoa mai vàng trên cổ áo và cái huy chương mới trên ngực trái.  Từ đầu năm 1974, nó bị điều động đi liên miên ra chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật và không có thì giờ đi phép về Sài gòn.  Tôi chỉ biết loáng thoáng nó còn sống nguyên vẹn hình hài và đã lên thiếu tá.

    * * *

    Khác với mọi khi, thằng Tú bị tôi mắng mà không phát cáu hay mắng trả.  Nó rầu rầu,

                “Đầu óc tao chưa cùn nên vẫn nhớ ngày Sài gòn hai thằng mày gần gũi với nhau.  Vì mày là thằng mít ướt tình cảm như đàn bà con gái nên tao phân vân không biết có nên cho mày hay không.”

                “Thằng què này, mày có tin thằng An mà định giấu tao sao hả?  Hay là nó chết cha nó rồi?” tôi nóng lòng hỏi tới.

                “Ừ, nó chết cha nó rồi . . .” thằng Tú lạc giọng.

                “Khi nào?  Sao lâu nay mày không nói gì cả?” tôi la lên thật lớn.

                “Tao mới hay tin hôm kia thôi.  Con Quỳnh em nó viết thư cho người bà con bên Gia Nã Đại nhờ tìm cách nhắn lại với tao.  May sao người đó lại quen thân với bà chị lớn của con Phụng vợ tao (chị còn ở Việt nam),” nó nhăn nhó giải thích rồi chậm rãi thuật lại.

    Sau ngày 30 tháng Tư, thằng An không chịu đi trình diện “học tập cải tạo” vì biết chắc một thiếu tá Nhảy dù VNCH bị gán cho cái tội “mang nợ máu với nhân dân” sẽ không sống sót nổi trong trại tù hà khắc tàn khốc của Việt Cộng.  Nó liên lạc với một số bạn cựu đồng ngũ không đi trình diện như nó và mưu toan lập lực lượng đi vào rừng kháng chiến.  Mộng lớn không thành, nó theo người lính cận vệ thân tín thương nó như anh ruột, về quê anh ta là một làng đánh cá ở Phước Tuy ẩn nhẫn trốn tránh, và làm ngư phủ để vừa nuôi thân vừa che mắt nhà cầm quyền mới.

    Là chiến binh từng vào sinh ra tử và quen tìm đường sống trong chỗ chết, thằng An và các bạn tin rằng ở hải phận quốc tế ngoài khơi Việt nam, hàng ngày có hàng trăm thương thuyền ngoại quốc đi lại, chưa kể các tàu tuần tiểu của Đệ thất Hạm đội của Hải quân Hoa kỳ.  Chỉ cần liều chết đi ra đó chờ xin tiếp cứu, thế nào cũng được vớt ra khỏi địa ngục trần gian mà nghệ sĩ Trần văn Trạch (1924 - 1994) tóm tắt bằng câu nói đơn giản:  "Ở Việt nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi."  Cùng lắm là vùi thân vào bụng cá, xem như chọn nhằm cửa tử thần!

    Cơ hội đến vào mùa biển động cuối tháng Hai, “công an biên phòng” lơ là canh phòng vì ỷ y không ai dám “vượt biên” trong mùa này.  Thằng An cùng một số cựu quân nhân VNCH khác lên đường ra khơi.  Không ai biết chuyện gì xảy ra sau đó.  Chỉ biết vào khoảng mười ngày sau, trong cơn thịnh nộ của biển cả, xác vỡ của chiếc thuyền đánh cá cùng với thân xác của chừng 20 thanh niên bị sóng đánh tấp vào bãi biển làng Phước Hải gần Vũng Tàu, cách nơi khởi hành khoảng 20 cây số về phía nam.

    Ở đầu dây bên kia, thằng Tú khóc tấm tức,

                “Dân làng tìm thấy xác của đám người ra đi khi thủy triều đang dâng lên.  Không nỡ để cơn sóng kéo xác ra biển trở lại, họ liền ‘trói’ xác vào thân cây trên bãi để giữ lại chờ thân nhân đến nhận.”

                “Tại sao phải ‘trói’?” tôi ngạc nhiên tột bậc.

                “Thực ra là buộc xác vào thân cây, nhưng con nước ròng quá mạnh nên phải gô (trói chặt) xác lại mới giữ được.”

    Lòng tôi quặn đau, hai hàng nước mắt chảy dài trên má.  An ơi, tao nhớ mày quá sức.  Nhớ câu “Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu” (Có say nằm nơi sa trường bạn cũng đừng cười) trong “Lương Châu từ” hay khúc hát Lương Châu của Vương Hàn thời Thịnh Đường mà mình ngâm nga với nhau trong đêm ngủ hàng hiên trên đường Hòa Hưng.  Thằng Tú nói tao mít ướt nên tao thương mày mà không khóc.  Để dành nước mắt khóc cho đất nước mình.

    Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                                                    Ngày 17 tháng Ba, 2021

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: NGUYỄN NGỌC HOA MỘT NGÀY ĐỂ KHÓC Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top