728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

      BÙI ĐỨC TÍNH: NGƯỜI CÒN Ở LẠI

       BÙI ĐỨC TÍNH: NGƯỜI CÒN Ở LẠI

      Chưa đến 7 giờ sáng, bên trong Câu Lạc Bộ chỉ còn vài ba bàn trống. Giờ này có nhiều người ghé vào để ăn sáng hay uống cà phê trước khi đi làm việc. Câu Lạc Bộ gần bên Tiểu Khu, dành cho lính, nên hầu như chỉ thấy người mặc quân phục. Cũng có vài người có thể là quân nhân nhưng mặc thường phục, hay là thường dân đi kèm theo bạn bè hoặc thân quyến và ngồi cùng bàn bên màu áo trận. Nhìn quân phục, thấy áo quần thẳng nếp, đồng màu, đồng bộ; thì biết, đa số là quân nhân làm việc văn phòng. Không cần nhìn huy hiệu, cũng nhận ra ai là lính trận về tỉnh thành. Lính trận thì mặc áo và quần có màu mới cũ trộn lộn, bất cần, có gì mặc nấy. Tuy chỉ có hai bộ, nhưng ướt rồi khô liên miên, chẳng ai để tâm mà thay, giặt hay mặc cho đúng bộ. Áo hay quần, cái nào cần và khi được dừng quân lâu thì mới tìm chỗ có nước mà giặc giũ. Gọi là giặc giũ, thực ra chỉ nhúng áo hay quần xuống sông rạch cho ướt nước, rồi vò vắt cho trôi bớt bùn sình, thế là đã sạch rồi. Không thì, cởi máng đâu đó một lúc cho khô ráo, hay có ánh mặt trời nung đốt bớt mồ hôi rồi mặc lại. Không như lính ở hậu cứ hay làm việc văn phòng, quân phục thường được bỏ tiệm giặt ủi theo bộ, bộ nào ra bộ đó; áo quần có phai màu thì cũng cùng một màu như nhau, trông đẹp mắt hơn. Cái quần trận của lính hành quân vùng sình lầy thì khác lắm; tùy theo thâm niên quân vụ của nó, màu phèn thâm vàng một đoạn ngắn, rồi nhuộm thành màu nâu đỏ cao đến nửa ống quần. Áo trận thì vạt áo bên dưới lưng thường bị sờn rách lỗ chỗ, trước khi cỗ bị sờn rách; do loại giây nịt TAB cộm cứng và các vật trang bị đeo theo, chúng nó cạ móc vào vải theo mỗi bước chân... Gì thì gì, người lính tác chiến thấy bộ đồ trận của mình như thế, vẫn có nét đẹp riêng mà các bộ quân phục ủi hồ sắc cạnh không thể nào có được.

      Có việc về tỉnh, tôi thường ghé vào Câu Lạc Bộ. Ở đây có cà phê và món ăn ngon, giá rẻ cho lính, và ở gần bên Tiểu Khu. Sáng thường có món trứng chiên còn nguyên tròng đỏ, dân mình quen gọi là trứng “ốp-la” (Oeufs au plat), ăn kèm với ổ bánh mì chỉ dài hơn gang tay một chút, nóng giòn và thơm ngon. Phần ăn sáng không làm no bụng như ăn bịt cơm gạo sấy, nhưng ngon hơn gắp cả trăm lần. Ở đây cũng có cà phê phin. Được lúc thư thả ngồi chờ cà phê trong phin chậm rãi kết thành từng giọt thơm đậm, rồi nhâm nhi từng hớp nhỏ và lắng nghe hương vị Café du Monde thấm tan dần thì thật là sảng khoái. Cái sảng khoái và ngon miệng ấy rồi cũng chỉ có vậy, chỉ là thoáng qua thế thôi, nhanh chóng chìm loãng trong vô nghĩa và không mấy nuối tiếc; không giống như món gạo sấy ngâm nước sông rạch, vừa đi vừa ăn khơi khơi vẫn ngon, hay chia nhau nước cà phê nấu trong nón sắt. Tình chiến hữu với từng miếng cơm gạo sấy hay hớp cà phê kho ấy, cứ nhớ hoài; 50 năm sau vẫn còn thèm nhớ.

      Trở về đơn vị, tôi bàng hoàng khi hay tin Chuẩn úy Tuyết; dẫn trung đội tăng phái cho Hải Quân đi đổ toán tối hôm qua, sáng nay đạp trúng mìn, anh bị mất bàn chân phải. Không phải lần đầu đơn vị bị tổn thất, thương vong. Tình chiến hữu, mất mát nào cũng để lại lắm thương tâm. Nhưng tội nghiệp cho Tuyết lắm. Tuyết mới ra trường, được điều động về bổ sung cho đơn vị chúng tôi chừng ba tháng nay. Hôm chúng tôi nghe máy báo tin có bổ sung nhân số, được biết anh tên Tuyết. Tên Tuyết của anh dễ gợi nhắc đến những bóng hồng, dáng ngọc nơi tỉnh thành; nơi có em gái hậu phương yêu kiều làm ngẩn ngơ các chàng tuổi trẻ, nơi có tà áo dài tha thước quyện lấy mộng mơ. Những mộng mơ xa xưa ấy đã ở lại cùng người tình, từ khi đoàn xe chở các chàng tuổi trẻ chạy vào bên trong cổng số 1 của quân trường. Và rồi ngày càng xa xôi quá; mộng mơ chừng như cũng quên đường, lạc lối, không còn tìm về trong giấc ngủ của tuổi trẻ đã nung cháy trong chiến trận.

      Đêm bây giờ chập chờn, ngắn ngủi.

      Đêm của những viên đạn đồng tìm thân thể.

      Đêm của máu chảy ruột mềm.

      Đêm không kịp có giấc mơ, mơ một ngày được về lại …

      Với … đêm trong vòng tay học trò,

      Với … đêm của những vì sao tình tự.

       

      Tuyết còn trẻ tuổi hơn chúng tôi. Chúng tôi thấy mình loáng thoáng trong anh; ngày đầu mới về trình diện đơn vị. Thời gian qua mau. Tuổi trẻ theo bước chân của đàn anh, trưởng thành thật nhanh chóng trong quân trường. Và rồi tuổi trẻ bổng chốc già đi, chai sạm qua chiến trận. Tuyết không trắng như tuyết, như tên anh. Nhưng sau hơn hai tuần đi phép mãn khóa, màu da nhuộm nắng trên đồi Tăng Nhơn Phú của khóa sinh đã phai nhạt khá nhiều. Đứng bên chúng tôi, ngoại trừ bộ đồ trận mới toanh còn thẳng nếp và kiểu tóc hớt cao của thời còn là sinh viên trong quân trường, trông anh trắng trẻo và thư sinh lắm. Mới sáng hôm qua, Tuyết hân hoan cầm tờ giấy về phép. Một tuần về phép đặc biệt để cưới vợ, rất hiếm quý cho người lính trận mới về bổ sung cho đơn vị, và trong lúc đơn vị phải hành quân không nghỉ ngơi. Hai bàn tay Tuyết xoay xoay tờ giấy phép đã cuộn thành ống tròn, mặt đỏ hồng bối rối vì bị chúng tôi trêu chọc …

      Tuyết cũng như các đồng đội kém may mắn của chúng tôi, anh rời đơn vị trong đau đớn tột cùng. Anh đã phải để lại một phần thân thể, với xương và thịt, của mẹ, của cha; trên mảnh đất có cái tên Giòng Trôm còn xa lạ với gia đình từ Sài Gòn. Thứ Năm này, Tuyết sẽ được đi phép. Ngày sẽ được về phép hôn lễ của Tuyết chỉ còn vài ngày sau cùng, đếm được trên một bàn tay. Hạnh phúc như mộng mơ, thấy đó rồi bất chợt vỡ tan. Chúng tôi ngậm ngùi nhìn nhau, mình hỏi lấy lòng mình, không biết là nên mừng cho Tuyết còn sống, hay là … cái chết biết đâu sẽ giúp anh thanh thoát nhẹ nhàng hơn. Chứng kiến nước mắt người thân yêu đến đơn vị, nhận lại kỷ vật của đồng đội bất hạnh thật là xót đau, nát rát trong lòng. Niềm đau tột cùng, khi cuộc chiến chưa tàn, người lính chiến phải bỏ cuộc với một hình hài không còn nguyên vẹn. Chiến tranh nào cũng lắm khắc nghiệt. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất gần, ngắn hơn nhịp kim giây di động trên mặt đồng hồ. Thật ngậm ngùi khi phải rời đồng đội, trở về trên đôi nạng gỗ, dang dở cuộc đời của cả người thân yêu. Khi đó, tiếng đạn xé không trung nơi chiến trường, có lẽ … không đáng sợ bằng khoảnh khắc nhìn nhau xa lạ, nhìn nhau ánh mắt chưa quen!

      Có phải chăng, là người lính trận như thế này, đừng kết vướng thêm tình cảm, thì chắc là … sẽ ít đau đớn cho mình và … cho người khác!

       

      Đơn vị không có hậu cứ, nên phải di chuyển thường xuyên; mỗi ngày một chỗ dừng quân khác nhau. Các chấm đỏ ghi dấu địa điểm hành quân trên bản đồ cứ liên tục hiện ra, nối nhau bất tận. Bước chân người lính bộ binh cứ đi mãi; đi đến bao giờ mới hết đất bờ, sông rạch. Như các đồng đội đã rời đơn vị về nằm trong lòng đất mẹ hay vào bệnh viện trước đây; không ai đi thăm viếng Tuyết được và chúng tôi mất tin tức nhau từ đó.

      Nhà thơ Thái Tú Hạp sau khi ra khỏi trại tù “cải tạo”, tìm thăm người bạn là thương binh. Trên bến sông Hàn, Đà Nẵng, buổi chiều gặp nhau trước ngày chia tay. Hai chiến hữu, cùng mang vết thương không bao giờ lành được, trên thể xác và trong tâm hồn. Cả hai không ngờ, đó lại là lần gặp nhau cuối cùng. Uống với nhau men rượu cay đắng và rồi vĩnh viễn mất nhau. Thái Tú Hạp được đi theo diện HO. Người bạn thương binh phải ở lại, chết dần vì nghèo đói, bệnh tật. Bài thơ ghi trọn câu chuyện từ biệt của chiến hữu, được nhạc sĩ Anh Bằng thu gọn lời để phổ nhạc; ca khúc có cùng tựa với bài thơ Người Thương Binh của thi sĩ Thái Tú Hạp, với lời nhạc như sau:

      Rượu uống mềm môi bao chiều rồi

      Chỉ thấy giòng sông đỏ ráng trời

      Chỉ thấy lòng ta mưa, mưa mãi

      Sóng sầu nghiêng ngả mảnh hồn trôi

      Bạn cứ đi, xin đừng lưu luyến

      Là thương binh ta sống khổ đã thành quen

      Như mãnh thú khép mình trong phố nhỏ

      Đốt hết cuộc đời nghiệt ngã đau thương

      Bao lần bên giòng sông soi mặt

      Thoáng nhớ mây trời đỉnh Chu Phong

      An Lộc - Khe Sanh - Đèo Lao Bảo

      Tử sinh ta thấy nhẹ như không

      Chia với cỏ cây nỗi niềm tri kỷ

      Nhân gian chừng như đã lãng quên ta

      Rượu uống bên giòng sông tủi nhục

      Buồn hát một mình bài Quốc Ca năm xưa!

       

      Người bạn thương binh của thi sĩ Thái Tú Hạp nói như còn niềm tin, để bạn mình yên tâm ra đi:

      Bạn cứ đi … Ta một mình. Sống được với quê hương”

      Thế nhưng,… quê hương ấy đã không còn!

      Quê hương miền Nam của người thương binh, đã mất từ buổi sáng 30 tháng 4 năm 1975. Tượng đài Tiếc Thương còn bị kéo ngả gục, không chút thương tiếc. Nghĩa trang của chiến hữu mình bị hủy diệt, thay tên. Nơi yên nghỉ nghìn thu của đồng đội, bia mộ bị tàn phá bằng những viên đạn thù hận, đê hèn. Người đã chết còn không được yên nghỉ, thì người còn sống và là thương binh thì phải trăm đắng nghìn cay để mà: “Ta một mình. Sống được với quê hương”. Thương binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị chế độ mới cướp đoạt các căn nhà đã được chính phủ cấp dưỡng. Xót xa nào hơn khi đã phải chứng kiến những người lính với vết thương còn đang cần được điều trị; bất kể tình trạng thương tích ra sao, họ vẫn bị xua đuổi ra khỏi bệnh viện.

       

      Xin một lần nữa, một lần nữa, vẫy tay chào buồn anh đi!”

      Làn hơi của một người đã cao tuổi, lại thêm kém sức khỏe, không còn đủ cho người bán vé số ngân dài hay hát cao giọng đúng theo dấu nhạc. Anh đàn thêm những nốt nhạc cuối và nói lời cám ơn kèm theo nụ cười thân thiện. Mượn tiếng đàn và hát thay lời chào thiện cảm. Người đàn ông gầy ốm, xoay cây đàn lên lưng, tay chống nạn khấp khễnh len giữa các bàn ăn, tay đưa sấp giấy số và nhỏ nhẹ mời. Các dãy bàn đặt san sát nhau bên ngoài nhà hàng, đều đầy kín người ngồi ăn. Hầu hết, người ta chú tâm vào cuộc vui riêng; tránh né các tờ giấy số trên bàn tay gầy guộc và ánh mắt khẩn khoản của người bán. Rồi cũng có người gọi mua và thân mật thăm hỏi. Anh dừng bước, gác đoạn chân bị cắt cụt đến đầu gối lên nạng, cho bàn tay được nghỉ ngơi và trả lời thăm hỏi của người thu hình cho chương trình Sài Gòn Ngày Nay. Anh nói cho biết: mình năm nay 69 tuổi, quê ở Khánh Hòa.

      Người phỏng vấn ngạc nhiên, vì quê anh ở tận Khánh Hòa, vào đây để bán vé số, hỏi lại:

      - Khánh Hòa à! … Chân chú bị sao…?

      Anh đáp lời:

      - Năm 72 chú dự trận … “Mùa hè đỏ lửa” … trận Pleime, tại Pleiku…

      - Dạ … chú đây là … thương phế binh à?

      - Tôi là thương phế binh!

      Người dân của Sài Gòn trước đây, và cả những người từ miền Bắc mới vào miền Nam sau năm 75, đều không còn xa lạ hay ngạc nhiên khi gặp những người thương binh miền Nam, sinh sống bằng nghề bán vé số như anh. Người phỏng vấn không ngạc nhiên cho lắm; chỉ lập lại chữ “thương phế binh” để làm một câu hỏi, không vì ngạc nhiên:

      - Thương phế binh a… ?

      Anh thương binh hiểu ý, mĩm cười tiếp lời ngay:

      - Việt Nam Cộng Hòa!

      Rồi anh cho biết về số quân của mình là 72/408849 và các vị chỉ huy của đơn vị anh trước đây.

      Số quân khởi đầu với 72, như vậy anh sinh năm 1952, cùng năm sinh với bạn tôi, Chuẩn Úy Tuyết. Tuyết cũng bị thương và bỏ lại nơi chiến trường một đoạn chân phải như anh. Anh cho biết, nếu bán hết 200 tờ vé số của đại lý giao thì được 200 ngàn đồng.

      200 ngàn đồng, tiền Việt Nam bây giờ đấy!

      Nhiều món ăn trên các bàn quanh anh có giá đến 150 ngàn đồng cho một dĩa, và có món ăn còn mắc tiền hơn thế!

       

      “Là thương binh ta sống khổ đã thành quen!

      Như mãnh thú khép mình trong phố nhỏ,

      Đốt hết cuộc đời nghiệt ngã đau thương”

      Người thương binh chấp nhận cuộc đời nghiệt ngã đau thương của mình; anh vui vẻ mời các khách trẻ trong nhà hàng, nghe một bản nhạc do mình đàn hát, anh nói:

      - Bản nhạc này … chú hát lên để nhớ lại những kỷ niệm xa xưa, trong cuộc đời thanh niên của chú …  đó là những người lính ngoài chiến trường của miền Nam này… để bảo vệ phần đất Việt Nam tự do …

      Anh dạo nhạc rồi nói lời dẫn vào ca khúc: Tôi là một người lính bộ binh, của Việt Nam Cộng Hòa, 21 tuổi đời, ba tháng quân trường, 4 năm chinh chiến, chưa lập gia đình, mới có tình yêu,... Tôi xin trả lời cho những người hay hỏi: “tại sao tôi yêu cuộc chiến như yêu chính bản thân mình?!” … và để giúp vui hết cho các em cháu với bản nhạc Biển Mặn của Trần Thiện Thanh!

      Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết ca khúc Biển Mặn như lời tâm tình của mình và của tuổi trẻ khoác áo chiến binh. Trong không gian nhà hàng, người ta ăn uống chuyện trò ồn ào, có tiếng đàn và tiếng hát của người thương binh Việt Nam Cộng Hòa. Và anh đã không đơn độc; đêm nay, có tuổi trẻ quanh anh cất lời cùng hát với anh…

      Hôm nay đây, người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc!

      Trên thành phố cùng những con đường quen thuộc đã bị mất tên, và phải mang các thứ tên xa lạ; chống chiếc nạn gỗ, đứng giữa đám đông, người thương binh vẫn can trường; anh không dấu nét tự hào khi nhận mình là: “người lính bộ binh của Việt Nam Cộng Hòa,.. là người lính ngoài chiến trường của miền Nam này,… anh đã chiến đấu để bảo vệ phần đất Việt Nam tự do”!

       

      “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”

      Xưa nay chinh chiến có mấy ai trở về!

      Có lẽ, có làm người lính trong chiến trận, mới thấu hiểu tận cùng cho đời lính lắm nghiệt ngã đoạn trường. Xót xa đau cho người còn ở lại, cùng mảnh đời bất hạnh của người thương binh; trong cuộc sống phũ phàng của chế độ khắc nghiệt hiện nay!

      Bạn bè tôi!

      Chiến hữu của tôi!

      Xin chào người vị quốc vong thân!

      Xin chào người còn ở lại, chịu khổ nhục với đời thương binh!

      “Người Thương Binh Việt Nam ! Non sông nợ ơn người.

      Người Thương Binh Việt Nam ! Tổ Quốc nhớ công anh.

      Người Thương Binh Việt Nam ! chúng tôi vẫn nhớ người.

      Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi vẫn nhớ anh.”

      Bùi Đức Tính

      https://youtu.be/Xo3FQSrzvB4

       

      • Blogger Comments
      • Facebook Comments
      Item Reviewed: BÙI ĐỨC TÍNH: NGƯỜI CÒN Ở LẠI Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ