DÒNG SÔNG CŨ 50 NĂM QUÔC HẬN 1975-2025 HỒI KÝ CƠN HỒNG THỦY TRÊN CAO NGUYÊN BIÊN TRẤN
CƠN HỒNG THỦY TRÊN
CAO NGUYÊN BIÊN TRẤN – THỊ XÃ BAN MÊ THUỘT 2 GIỜ 20 SÁNG NGÀY 10-3-1975 .
Các bạn thân mến.
Để tưởng niệm 50 năm ngày thành phố Ban Mê Thuột rơi vào ttay Cộng quân.
Bài này hắn đã một lần chuyển đi, hắn chuyển lại lần nữa vì là tưởng niệm 50
năm, nửa thế kỷ rồi.
Nhìn lại sau "nửa thế kỷ", ngày mất thành phố Ban Mê Thuột
.(10/3/1975-10/3/2025).
Ba chữ "nửa thế kỷ" nghe thấy lạnh gáy hơn là 50 năm.
Ara
Một bài viết rất sống
động vào "tháng 3 gãy súng", một cao nguyên mà bất cứ chiến thuật gia
nào cũng thấy tầm quan trọng. Trong chiến trận chiếm được cao độ là làm chủ được
tình hình. Muốn biết thêm những chiến đấu anh dũng của các chiến hữu mà nhiều
khi đọc lại bất mãn với cấp chỉ huy không xứng đáng với các đồng đội, hắn bôi đậm
những dòng chữ này cho độc giả để ý. Hắn chỉ có một chút tiếc với bài viết sống
động này lại không ghi tên tác giả, chỉ ghi là "Dòng sông cũ". Muốn
khen một tiếng mà không biết khen ai !!!
Ara
CƠN HỒNG THỦY TRÊN CAO NGUYÊN BIÊN TRẤN – THỊ XÃ BAN MÊ THUỘT 2 GIỜ 20 SÁNG NGÀY 10-3-1975 .
Posted on March
17, 2023 by dongsongcu
Minh họa: gettyimages.
Lực lượng QL.VNCH phòng thủ Ban Mê Thuột (10-3-1975) :
Do toàn bộ Sư đoàn
23 Bộ binh được đưa về hoạt động phòng ngự quanh Pleiku, việc phòng thủ Ban Mê
Thuột ủy nhiệm cho Liên Đoàn 21 Biệt động quân, Địa phương quân, Nghĩa quân tỉnh
và Cảnh Sát. Vào đầu tháng 3/1975 khi có báo động về Sư đoàn 320 CSBV chuyển đến
Ban Mê Thuột, Quân đoàn 2 chỉ đưa một phần Trung đoàn 53 (chỉ có 2 Tiểu Đoàn)
trở lại Ban Mê Thuột. Trung đoàn này lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ hành quân
quanh khu vực phía Nam phi trường Phụng Dực, còn lực lượng Biệt Động Quân thì
trấn giữ tại khu vực Buôn Hô chừng 32 Km về hướng Đông Bắc. Các toán thám sát của
Sư đoàn 23 BB và Nha Kỹ Thuật QL.VNCH được tung ra chung quanh trại Bản Đôn để
theo dõi các hoạt động của sư đoàn 320 CS nhưng chỉ phát giác được một số đơn vị
nhỏ cấp đại đội CS địa phương.
Như vậy, lực lượng
quốc gia phòng thủ Ban Mê Thuộc tổng cộng khoảng 4,000 người gồm những quân
nhân hậu cứ của Bộ Tư Lệnh (BTL) Sư Đoàn 23 Bộ Binh, hậu cứ Bộ Chỉ Huy Thiết
Đoàn 8 (quân số chủ lực của các đơn vị này đã được điều động về Pleiku và
Kontum từ trước Tết ).
Ban Mê Thuột thực
sự bị bỏ ngỏ không lực lượng bảo vệ. Do vậy, vấn đề phân nhiệm phòng thủ tuy có
kế hoạch nhưng chẳng thắm vào đâu so với lực lượng tấn công thiện chiến và đông
đảo gấp 20 lần của đối phương .
– Lực lượng phòng
thủ phía Nam là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh gồm các phòng các ban các
sở trực thuộc.
– Lực lượng phòng
thủ phía Tây, khu vực trọng yếu và nguy hiểm nhất, gồm các đơn vị hậu cứ của
Thiết đoàn 8 kỵ binh và kho đạn (trại Mai hắc Đế) cùng với Trung Tâm Yểm Trợ tiếp
vận (đại đội hành-chánh tài-chánh ).
– Lực lượng phòng
thủ phía Đông do Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Binh đảm trách. Xa hơn là
Chi Khu Ban Mê Thuột và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia quận Ban Mê Thuột phối hợp
với nhau để chịu trách nhiệm vấn đề phòng thủ mặt nầy.
– Lực lượng phòng
thủ mặt Bắc thị xã là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac cùng với một đơn
vị 206 Cảnh Sát Dã Chiến.
– Nội vi thị xã và
các chốt điểm trọng yếu đều do lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đảm trách, và được bố
trí như sau:
* Hai chốt cảnh
sát đặt tại Trường Trung Học và cuối đường Phan Chu Trinh là các chốt ở cửa Bắc.
* Cuối đường Tự Do
được giao cho Cục Cảnh Sát Cư Kplong và một tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến.
* Cửa ngỏ phía Nam
có Cục Cảnh Sát Cư Ê Bư và một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến chịu trách nhiệm.
* Cửa Tây thị xã
giao cho Cục Cảnh Sát thị xã Cục Lạc chịu trách nhiệm. Các cao ốc trong toàn thị
xã và các khách sạn đều được Cảnh Sát Quốc Gia đóng chốt.
* Các đơn vị trừ bị
gồm có một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 Bộ Binh đóng tại phi trường Phụng Dực,
cách thị xã Ban Mê Thuột 7 km, có một pháo đội 105 ly, trong khi pháo binh của
Cộng quân lại là loại 130 ly, và hỏa tiển 122 ly, tầm xa và sức công phá hoàn
toàn cách biệt.
* Ngoài ra, doanh
trại các tiểu đoàn Pháo binh, Công binh, Truyền tin, Tiếp vận thống thuộc Sư
đoàn 23 bộ binh đóng gần thị xã đều tận dụng quân số tại hàng để tổ chức phòng
ngự trong phạm vi trách nhiệm.
Riêng về trách nhiệm
của tiểu khu Darlac, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật đã cho điều động tiểu đoàn 204 Địa
phương quân đang đóng tại Ban Don về thị xã.
Mặt Trận Ban Mê Thuột (10-3-1975) .
Ngày 9/3/1975 Thiếu
Tướng Phạm Văn Phú bay lên Ban Mê Thuột thị sát kế hoạch phòng thủ, ứng chiến của
thị xã … ông ra lệnh cấp phát hỏa tiển chống chiến xa M72 và hỏa tiển TOW cho
các đơn vị. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều ngày 9/3/1975, Tướng Phú họp với Tư
lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, các Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột và Quảng Đức để duyệt
xét tình hình các mặt trận.
Sau khi chấp nhận
những đề nghị của các giới chức liên hệ và cho những chỉ thị cần thiết, ông ra
lệnh cho Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức bay về trước. Tại Ban Mê Thuột, để
cho có sự thống nhất chỉ huy, Thiếu Tướng Phú bổ nhiệm Đại tá Quang, Tư lệnh
phó Sư đoàn 23 làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột.
Các Tư lệnh mặt trận
phải ra lệnh đôn đốc các đơn vị chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu trong 2, 3 tháng
liên tiếp; tổ chức những cuộc hành quân xa ngoài thị xã và vị trí phòng thủ.
Kho xăng, kho đạn
phải được phân tán, đề phòng đặc công Cộng sản đánh phá. Lệnh thiết quân luật mỗi
nơi được ủy nhiệm cho các Tư lệnh mặt trận toàn quyền định đoạt.
Đến 10.00 giờ đêm,
thị xã Ban Mê Thuộc được lệnh báo động đỏ, tập họp tất cả binh sĩ chuẩn bị tác
chiến.
Ngày 10/3/1975, từ
1giờ 20 đến 2 giờ 15 sáng, các chốt điểm Cảnh Sát Dã Chiến ở cửa Bắc và cửa Tây
thị xã đã phát giác các tổ trinh sát tiền phong của Cộng quân và liên tiếp báo
về Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac.
2 giờ 20 sáng ngày
10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu thực hiện trận mưa pháo theo chiến thuật tiền
pháo hậu xung bằng đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly vào các cứ điểm quân sự như
Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, kho đạn Mai Hắc Đế và phi
trường L19.
Những tiếng nổ của
hỏa tiển 122 ly và đại pháo 130 ly khủng khiếp làm vỡ tung hết các cửa kiếng và
rung chuyển cả thành phố như cảnh tượng động đất. Các nhà cao tầng bị rung chuyển
cực mạnh. Thành phố đã như con tàu chao nghiêng trong bão tố. Một số các nhà
xây thô sơ quanh các khu vực quân sự đã bị sụp đổ, và trận mưa pháo liên tiếp
không ngừng đổ xuống các cứ điểm quân sự cho đến 6 giờ sáng.
Bốn giờ sáng, chiến
xa T-54 và bộ đội Cộng Sản chia làm nhiều mũi tấn công vào phi trường L19, kho
đạn Mai Hắc Đế , Tiểu Khu Darlac, Tòa Hành Chánh Tỉnh, BTL Sư Đoàn 23 BB, Hậu cứ
Trung Đoàn 53 BB sát phi trường Phụng Dực với chiến thuật biển người.
Trận đánh quyết định
giữa Nam-Bắc đã diển ra. Nhưng lực lượng giữa hai bên quá ư chênh lệch, như trứng
chọi với đá nếu so sánh cả về quân số, vũ khí, chiến cụ. Địch đã ở thế thượng
phong ngay từ lúc đầu !
6 giờ 15 sáng, xe
phóng thanh của Ty Thông Tin đậu tại Ngã 6 thị xã phát lời kêu gọi của Đại Tá Tỉnh
Trưởng yêu cầu đồng bào bình tỉnh, ai ở nhà nấy, tình hình an ninh tại thị xã vẩn
còn yên tỉnh.
6 giờ 20 sáng ngày
10 tháng 3/1975, một góc phía Bắc của phi trường L19 bị Cộng quân tràn ngập.7
giờ 15 các chốt cảnh sát xin lệnh rút khỏi vị trí phòng thủ vì áp lực địch quá
mạnh, dân chúng từ khu vực Buôn A-Lê B, Tân Mai, cửa Nam thị xã lũ lượt chạy
vào trung tâm thị xã .
8 giờ 30 , Kho đạn
Mai Hắc Đế thất thủ. Viên Đại Úy chỉ huy trưởng bị tử thương.
9 giờ 20, chiến xa
T-54 và bộ đội cộng quân chia làm nhiều mũi tấn công vào thị xã. Một mũi từ cuối
đường Phan Chu Trinh (cửa Bắc ) tràn chiếm khu vực nhà thờ Chính Tòa, ngã Sáu
thị xã, cách Bộ Chỉ HuyTiểu Khu 800 mét. Mũi phía Nam, từ khu vực Buôn A-Lê B,
đồi La San, theo đại lộ Thống Nhất tiến đánh khu vực tư dinh Tỉnh Trưởng, Ty
Ngân Khố. Một mũi khác, từ hướng chùa Khải Đoan, đánh chiếm ngã tư Nguyễn Tri
Phương Phan Bội Châu, và mặt Tây thị xã cũng đã bị Cộng quân tấn chiếm.
Ngoài mặt trận
chính Ban Mê Thuột, Cộng quân tấn công khắp nơi. Các trận bắc Kontum, nam Pleiku,
bắc Bình Định, Quảng Đức và trên 2 quốc lộ 19, 21 đều bị áp lực nặng nề.
MẶT TRẬN TIỂU KHU DARLAC .
Từ 9 giờ 30 sáng
ngày 10 tháng 3/1975, các mũi tiến quân của Cộng quân từ hướng Bắc và hướng Tây
Bắc đã hoàn toàn tràn ngập trung tâm thị xã và tập trung nổ lực tấn công Bộ Chỉ
Huy Tiểu Khu nằm trên đại lộ Thống Nhất. Bộ đội và chiến xa T-54 của Cộng quân
từ khuôn viên nhà thờ chính tòa tràn qua ngã Sáu, chiếm Câu Lạc Bộ Biên Thùy,
khu cư xá sĩ quan, nằm trên Ngã Ba đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi.
Lực lượng phòng vệ
Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phản công quyết liệt. Một chiếc T-54 của Cộng quân bị bắn
cháy. Dù với chiến thuật biển người và đại bác 100 ly trang bị cho T-54 bắn trực
xạ không ngừng nhưng Cộng quân vẫn chưa tiến sát được vào hệ thống công sự phòng
thủ này. Tinh thần chiến đấu và lòng dũng cảm của những chiến sĩ thuộc Tiểu Khu
quả thật không thể tưởng tượng. Cứ mỗi đợt tiến công của Cộng quân là những
tràng đại liên, M-79 (súng phóng lựu) và M-16 từ các công sự phòng thủ xối xả
phản kích làm cho bước tiến quân của Cộng quân đã phải ngừng lại.
Cộng quân lui về cố
thủ khu vực cư xá sĩ quan và Câu Lạc Bộ Biên Thùy, đồng thời chia quân tràn qua
đại lộ Thống Nhất đánh chiếm Tòa Án, bưu điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ, và
tiếp tục thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly từ các chiến xa T-54 và đại
bác130 ly cùng hỏa tiễn 122 ly từ hướng Tây thị xã (khu vực Bandon) đổ vào Bộ
Chỉ Huy Tiểu Khu.
11giờ 20, một chiếc
T-54 của Cộng quân tiến vào cổng trước Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu trên đường Thống Nhất
đã bị bắn hạ. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Tiểu Khu càng lên cao.
11 giờ 45, hai chiếc
Commando Car (thiết giáp với bốn bánh cao su, không xích sắt) của Thiết Đoàn 8
từ hướng chùa Khải Đoan theo đường Quang Trung qua Tôn Thất Thuyết để tiến về
đánh bọc hậu lực lượng của Cộng quân đang công hãm Tiểu Khu. Nhưng khi đến ngã
Ba Ama Trang Long Tôn Thất Thuyết, các chiến sĩ Thiết Đoàn 8 bị lực lượng của Cộng
quân từ ngã Sáu tràn xuống chận đánh. Hai chiếc Commando Car bị Cộng quân bắn
cháy trước Bar Quốc Tế. Nhưng các chiến sĩ của Thiết Đoàn 8 đã len theo khu phố
Ama Trang Long để tiến về hướng Tiểu Khu.
Khu chợ Ban Mê Thuột,
từ đường Quang Trung chạy dọc theo đường Y Jút đến Ama Trang Long bị trúng đạn
pháo và bốc cháy dữ dội. Nhà hàng Thanh Thế mới khai trương, cũng tân kỳ không
thua gì nhà hàng Thanh Thế ở đại lộ Lê Lợi Saigon, giờ đây đang là một biển lửa.
Dãy phố bên kia đường Ama Trang Long, đối diện với nhà hàng Thanh Thế như tiệm
Rồng Vàng, nằm mặt sau của Ty Cảnh Sát cũ đã là một bãi gạch vụn. Khu phố nằm trên
đường Y Jút, đối diện với chợ Ban Mê Thuột như nhà của Bác Sĩ Tôn Thất Hối đã bị
sập.
Lực lượng Biệt Động
Quân tại Buôn Hô được điều động về tiếp cứu Ban Mê Thuộc nhưng gập hỏa lực mạnh
mẻ của các chốt kháng cự trên đường đi. Một lực lượng Thiết Giáp và ĐPQ đang
hành quân tại Budrang cũng được lệnh trở lại nhưng bị cầm chân ở một cây cầu
phía Nam tỉnh lỵ khoảng 10 Km.
Đến 11 giờ 45 các
chiến sĩ của Tiểu Khu Darlac vẫn cố thủ. Lực lượng của cộng quân từ 2 mặt, phía
Bắc và mặt tiền Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đã bám sát hệ thống công sự phòng thủ của
Tiểu Khu. Những trận đánh xáp lá cà đẫm máu đã xảy ra dọc theo hệ thống công sự
phòng thủ nầy.
13 giờ 15 trưa
,Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị trúng pháo, mọi liên lạc truyền
tin bị phá hủy.
14 giờ 20 Bộ Chỉ
Huy Tiểu Khu Tỉnh Darlac thất thủ, sau hơn 7 tiếng đồng hồ giao tranh với lực
lượng biển người của Cộng quân có chiến xa T-54, và các loại đại pháo yểm trợ,
mà không có được một đơn vị bạn nào tiếp cứu. BCH Tiểu Khu phải di tản và sát
nhập với BTL tiền phương của SĐ23BB.
Sáu mươi ngàn dân
thị xã Ban Mê Thuột mãi mãi ghi nhớ chiến công, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ
luật của các chiến sĩ Tiểu Khu Darlac. Trong những giờ phút lâm nguy đã cố gắng
và hy sinh để làm tròn bổn phận cho đến hết sức mình với những trận tấn công và
đánh xáp lá cà cùng lực lượng biển người của quân thù, đến giờ phút cuối đành
di tản Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để bảo toàn lực lượng.
Những Trận Đánh
Oanh Liệt của Các Chiến Sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia
Tỉnh Darlac
Trong kế hoạch
phòng thủ thị xã Ban Mê Thuột, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac là một
trong những đơn vị chịu trách nhiệm về một khu vực phòng thủ nặng nề nhất, từ nội
vi thị xã đến cả một mặt Bắc, bao gồm phi trường trực thăng và phi trường L19.
Phòng thủ phi trường L19 là đơn vị Thám Sát Tỉnh (PRU), trực thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh
Sát Tỉnh.
Với những tin tức
nhận được của mạng lưới tình báo cơ hữu và của các đơn vị bạn, vị chỉ huy trưởng
Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, Trung Tá Trần Quang Vĩnh đã sẵn sàng kế hoạch phòng thủ
và phản công cho đơn vị hằng tháng trước. Ông đã bổ nhiệm Đại Úy Nguyễn Ngọc Tuấn,
Đại Đội Trưởng đại đội Cảnh sát Dã Chiến 206 làm phụ tá đặc trách hành quân.
2 giờ 20 sáng ngày
10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu tấn công phi trường L19, (khu vực phòng thủ
của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, do Đại Đội Thám Sát chịu trách nhiệm), bằng
đại bác 130 ly và hỏa tiễn 122 ly.
Đến 4 giờ sáng
ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu dùng lực lượng bộ binh với chiến thuật
biển người và xe tăng T-54 tấn công phi trường L19. Đơn vị Thám Sát Tỉnh chống
trả quyết liệt và báo cáo về Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia. Đại Úy Nguyễn Ngọc
Tuấn liền liên lạc với Tiểu Khu xin Đại Đội 1/224 tiếp viện. Nhưng Đại Đội
1/224 đã không thể chọc thủng vòng vây của Cộng quân ở mặt Bắc Phi trường L19.
6 giờ 20, một đoạn
vòng đai ở khu vực phía Bắc phi trường bị chọc thủng. Lực lượng Cộng quân tràn
ngập khu vực này, và đơn vị Thám Sát Tỉnh đã phải lui về phòng tuyến phòng thủ
phía sau với những tổn thất nặng nề về nhân sự .
Sau khi tràn ngập
các vị trí phòng thủ, 9 giờ 20, lực lượng Cộng quân từ mặt Bắc thị xã, tức là
khu vực phía Bắc phi truờng L19 bắt đầu tấn công Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh
Darlac, nằm trên đường Tự Do để xâm nhập trung tâm thị xã .
Lợi dụng hệ thống
công sự phòng thủ và các dãy hàng rào kẽm gai bảo vệ phi trường L19 nằm bên kia
đườngTự Do, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã chận đứng các mũi tiến quân của Cộng
quân. Các chiến sĩ Cảnh Sát dù chỉ được trang bị M-16, M-79 và lựu đạn nhưng đã
anh dũng phản công quyết liệt trước những đợt tấn công của Cộng quân, không cho
địch tiến sát vào hệ thống công sự phòng thủ.
Chính nhờ lòng
dũng cảm chiến đấu, kỷ thuật tác chiến, và hệ thống chỉ huy chặt chẽ , mà một mặt
phía Đông thị xã Ban Mê Thuột, từ khu đường Tự Do, chạy dài xuống Bà Triệu,
Hùng Vương, Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, chưa có bóng dáng của Cộng
quân. Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã trấn giữ một khu vực an toàn
mà có lẽ họ không thể nào ngờ được, đó là con đường di tản duy nhất sau này cho
các đơn vị phải rút lui vào phút cuối.
15 giờ 40 với áp lực
của địch, và để bảo toàn đơn vị, Thiếu tá Hàn Văn Thành, chỉ huy phó Bộ Chỉ Huy
Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã ra lệnh mở đường máu đem đơn vị ra khỏi thị xã
về Cây Số 5, phối hợp với các đơn vị trực thuộc và Chi Khu Ban Mê Thuột để tiếp
tục phản công quân thù.
16 giờ Cộng quân
hoàn toàn làm chủ tình hình thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực Bộ Tư Lệnh
Sư Đoàn 23 Bộ Binh vẫn còn kháng cự.
Trong thành phố, tiếng
súng nhỏ đã im, nhưng cảnh tan hoang của thị xã thật không cách nào tả xiết. Rải
rác trên các khu phố, những vũng máu và thây người, kẻ bị thương, bị chết không
ai săn sóc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Bóng dáng của
Cộng quân như tử thần đến chiêu hồn những kẻ còn sống và đe dọa mọi người.
Trong gần suốt 14
giờ đồng hồ, các đơn vị quân đội, Cảnh Sát, Nghĩa Quân, Đoàn Cán Bộ Xây Dựng
Nông Thôn Tỉnh và Nhân Dân Tự Vệ toàn thị xã đã tận hết sức mình để chống trả với
lực lượng biển người, chiến xa và đại bác của Cộng quân mà không có được một
đơn vị bạn nào tiép cứu.
Và giữa những giờ
phút quyết liệt này, người ta nhận được tin vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 10
tháng 3/1975, một đơn vị Biệt Động quân từ cửa Bắc thị xã (bến xe Cây Số 3) đã
xâm nhập trung tâm thành phố. Tin tức này được loan truyền đến hầu hết các đơn
vị đang chiến đấu trên khắp các cửa ngõ thị xã, và mỗi người lính, từ cấp chỉ
huy cho đến binh sĩ đều vui mừng hy vọng chiến trường sẽ xoay hướng.
Nhưng cho đến một
giờ chiều, tin tức về Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân vẫn im hơi lặng tiếng, mà chiến
trường mỗi lúc càng quyết liệt hơn, cho đến khi người ta biết rằng đơn vị Biệt
Động Quân tiến vào thị xã sáng nay là chỉ để giải cứu gia đình vợ con của Chuẩn
Tướng Lê Trung Tường, vị Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã.
Tin này quả thật
là một tác động tâm lý, không những làm cho các đơn vị tham chiến mà cả toàn thị
xã có cảm nghĩ Ban Mê Thuột đã bị bỏ rơi. Tuy nhiên với tinh thần và trách nhiệm
của một người lính, các đơn vị có mặt tại thị xã vẫn anh dũng chiến đấu với niềm
tin lực lượng tổng trừ bị, và đặc biệt là hai Trung Đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất
định sẽ được gởi đến.
ĐÊM KINH HOÀNG .
Từ 6 giờ chiều
ngày 10 tháng 3/1975, bộ đội Cộng quân bắt đầu chia thành từng toán nhỏ lục
soát khắp cùng các khu phố và những điểm tập trung của người chạy loạn như chùa
Khải Đoan, trường Bồ Đề, trường Tàu ở đường Y Jút. Họ thanh lọc dân chúng, bắt
đi những thanh niên nam nữ, và truy lùng các viên chức chánh phủ, sĩ quan và
binh lính.
Khắp cùng các ngõ
phố, bọn đặc công và du côn, thi nhau lập công, đập phá các cửa tiệm, dinh thự,
tư gia, những nơi mà họ cho là có kẻ thù ẩn trốn, là Việt gian, phản động, làm
việc cho Mỹ Ngụy, hoặc có nợ máu với nhân dân. Chúng thi nhau lục soát các trường
học, nhà thờ, bức tượng ở nhà thờ quân đội, cạnh trường Hưng Đức cũng bị chúng
đập nát, đồng thời lùng bắt những người có thù hằn với chúng, và lôi đốt hết
các loại sách báo, giáo khoa, tự điển, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt
là những ấn phẩm viết bằng tiếng ngoại quốc như Anh văn, Pháp văn.
Một lần nữa, ngọn
lửa tượng trưng cho sự hủy diệt lại bùng lên khắp cùng thị xã. Cảnh hôi của,
hôi người, trả thù cá nhân lan tràn khắp nơi. Thị xã bây giờ là một xã hội
không tổ chức, không luật pháp, và tai họa thảm khốc đã diễn ra khắp cùng các
ngõ phố. Những hình phạt dã man thời tiền sử đã được đem ra thực hiện. Hình ảnh
của chết chóc và khủng bố đang bao trùm lên thị xã nhỏ bé này và đè nặng xuống
tâm hồn mỗi dân đinh của toàn thị xã .
Sự ngu dốt của kẻ
chiến thắng, hay sự dã man và thiếu trình độ của cấp lảnh đạo chính là tai họa
và thảm trạng tàn khốc cho một xã hội. Xã hội miền Nam, và dân trí của nền Cộng
Hòa miền Nam đã có một trình độ văn hóa và kỷ thuật cách xa gấp bội so với miền
Bắc, nên bộ đội Cộng quân, sau khi đã kiểm soát toàn thị xã, lập tức đi dò tìm
những ”đài địch,” và đã dùng súng B-40, B-41, hoặc đại bác 100 ly trang bị trên
chiến xa T-54 bắn vào các tư gia có trụ ăng ten trên nóc nhà, vì họ cho rằng đó
là vị trí đặt các máy truyền tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà các trụ ăng
ten TV là những ”đài địch ” ấy đã có khắp trong toàn thị xã. Thảm thương thay
cho thị xã Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân của thị xã này.
Trong đêm này,
không biết có bao nhiêu gia đình tan hoang, bao nhiều người bị chết oan, đánh đập,
hoặc bị đấu tố mang thương tích hay tàn khuyết, mà vợ con, thân nhân, bạn bè chỉ
đứng nhìn mà không dám kêu van. Máu và lệ đã đổ, nhưng không chảy ra từ khoé mắt,
mà lại tuôn ngược vào lòng. Trời ở quá cao mà Phật cũng rất xa, nên con người
đã là chủ của con người trong đêm nay, với đầy đủ quyền uy và hung dữ. Đêm kinh
hoàng, đêm của địa ngục và Sa Tăng.
Nhưng cái quan trọng
của những kẻ chiến thắng không phải là những thứ đó, Cái quan trọng đối với kẻ
chiến thắng trong cuộc chiến 20 chọi 1 này là vơ vét tất cả những gì họ có thể
vơ vét: Kho dự trữ lương thực trung ương, nằm trên đường Tự Do, Kho Quân Nhu,
Quân Cụ, dụng cụ y khoa và dược phẩm, thuốc men của các bệnh viện như Quân Y Viện,
Dân Y Viện, Trạm xá, nhà hộ sinh, các cửa tiệm thuốc Tây, các đại lý gạo, cửa
hàng bách hóa của tư nhân trong toàn thị xã ….
Suốt đêm, người ta
nhìn thấy những đoàn Molotova chở đầy hàng hóa vật dụng của thành phố đi về hướng
Bandon, phía Tây thị xã.
BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH VÀ TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG .
Bây giờ là 4 giờ
20 sáng ngày 11 tháng 3/1975, khu suối Đốc Học với những vườn rau tàn tạ đầy dấu
dép râu và dấu xích chiến xa, khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Dân Y Viện
Ban Mê Thuột, chỉ còn thấy được ngọn đèn Signal chơ vơ trên trụ truyền tin. Những
đóm màu đỏ của hỏa châu càng nhỏ hơn, như ánh mắt của loài thú hoang trong rừng
đêm.
Cái lặng lẽ của
đêm trường và cái yên tĩnh của chiến trường càng làm cho người ta liên tưởng tới
một cái gì khủng khiếp sắp xảy ra. Lâu lâu một tràng đại liên hoặc những loạt
súng nhỏ không phân biệt được AK-47 hay M-16 bắn ra. Và như vậy là đã hơn 24 giờ
đồng hồ, từ lúc 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, lực lượng phòng thủ hậu cứ
Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã chống trả không ngừng trong suốt 24 giờ, và
không hiểu sẽ còn cầm cự được bao lâu nữa.
Qua hệ thống truyền
tin, người ta nhận được tín hiệu của Chi Khu Ban Mê Thuột, và Đại Tá Dậu, chỉ
huy trưởng Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân còn ở ngoài vòng đai thị xã, ở mặt Bắc,
mà chưa chọc thủng được phòng tuyến của Cộng quân để tiến vào thị xã. Hy vọng
duy nhất trong lúc này, là hai chiếc L-19 đang bay trên đầu Bộ Tư Lệnh, dầu rằng
màng lưới phòng không với đại liên 37 ly của Cộng quân vẫn không ngừng tấn
công.
5 giờ 55 sáng ngày
11 tháng 3/1975, chiến trường vẫn còn yên tĩnh, Ở cửa Nam thị xã, lực lượng
phòng thủ tư dinh tỉnh trưởng, nằm trên đại lộ Thống Nhất vẫn còn cầm cự.
6 giờ 30 sáng ngày
11 tháng 3/1975, từ khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Du, sau lưng Sở Học Chánh
Ban Mê Thuột, những chiếc T-54 của Cộng quân, và lực lượng bộ binh tùng thiết
đang thực hiện một cuộc chuyển quân bao vây hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ
Binh. Vòng vây này đang được thắt chặt, như một màng lưới dày đặc chung quanh
vòng đai phòng thủ Bộ Tư Lệnh. Và 6 chiếc T-54, nhìn được từ hướng Tây-Nam,
đang dàn hàng ngang tiến sát vào hệ thống công sự phòng thủ Bộ Tư Lệnh. Với
kinh nghiệm của những người lính, ai cũng hiểu Bộ Tư Lệnh khó lòng cầm cự được
trong vòng vài ba giờ đồng hồ tới.
Trong khi đó, những
tiếng súng nhỏ, và đại bác 100 ly, cùng lúc gầm lên như những giây pháo nổ
không ngừng, làm rung chuyển cả một vùng trời. Cộng quân bắt đầu nổ lực tấn
công hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Và tại cửa Nam thị xã, bộ binh và
chiến xa T-54 cũng ráo riết tấn công lực lượng phòng thủ tư dinh tỉnh trưởng.
8 giờ 15 sáng ngày
11 tháng 3/1975, tư dinh tỉnh trưởng bị T-54 ủi sập các bức tường vòng đai, và
pháo sập các tầng lầu. Trung úy Trung đội trưởng bị trọng thương. Tư dinh tỉnh
trưởng đã thất thủ, chốt điểm cuối cùng ở cửa Nam thị xã đã bị Cộng quân tràn
ngập, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh bây giờ như người hùng cô đơn vẫy vùng dưới
trời mưa đạn của quân thù.
NHỮNG PHÚT CUỐI CÙNG CỦA BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH .
Lực lượng phòng thủ
Bộ Tư Lệnh gồm hai đại đội và một số các phòng ban chuyên môn, trong đó có đại
đội tổng hành dinh, chuyên trách về hành chánh và ẩm thực. Lực lượng chủ chốt
là các Trung Đoàn 44 và 45 đang hành quân vùng Pleiku. Trung Đoàn 53 chỉ có hai
tiểu đoàn ở Ban Mê Thuột, và một trung đội Pháo Binh 105 ly, nhưng một tiểu
đoàn lại đã điều động lên giải tỏa Quận Đức Lập, một quận vừa bị Cộng quân tràn
ngập vào sáng Chủ Nhật ngày 9 tháng 3/1975. Tiểu đoàn còn lại phòng thủ Phi trường
Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột về phía Đông Đông-Bắc 7 Km.
Cho đến 8 giờ 20
sáng ngày 11 tháng 3/1975, đơn vị quân lực còn có mặt tại thị xã Ban Mê Thuột
chỉ là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Cộng quân biết rõ điều này, và
càng hiểu rằng Trung Đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ trở về chiếm lại giang
sơn của họ. Và đặc biệt là Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đang có mặt ngoài vòng
đai thị xã ở cửa Bắc.
Liên Đoàn 21 Biệt
Động Quân được đổ xuống Buôn Hô, một quận cách thị xã Ban Mê Thuột 35 km về hướng
Bắc lúc 4 giờ 30 chiều ngày 10 tháng 3/1975. Đến 9 giờ tối cùng ngày đã tiến
sát vào vòng đai thị xã, nhưng chưa chọc thủng được vòng vây của Cộng quân. Tiểu
Khu Darlac lúc bấy giờ đã rút ra khỏi thị xã. Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 cố
thủ trong khuôn viên Bộ Tư Lệnh, nên không có được một đơn vị nào làm đầu cầu
cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân tiến vào thị xã.
Điểm đáng tiếc là
10 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, đơn vị tiền sát của liên đoàn đã đột nhập
thị xã, di tản gia đình vị tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã, nhưng lại
không được lệnh ở lại làm điểm tựa cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đến giải cứu
thị xã sau này.
Từ 6 giờ 45 sáng
ngày 11 tháng 3/1975, Cộng quân đã bố trí xong lực lượng thắt chặt vòng văy hậu
cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100
ly trang bị trên chiến xa T-54, bắn trực xạ, đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly từ
hướng Bandon dồn dập đổ xuống Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Đồng thời, chiến xa và bộ đội
Cộng quân dàn hàng ngang tấn công bốn mặt vòng đai Bộ Tư Lệnh. Lực lượng phòng
thủ Bộ Tư Lệnh đã chống trả quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công, và đánh cận
chiến với quân thù.
10 giờ 10 phút, một
phi vụ A-37 của Không Quân thả bom nhầm vào Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh
Sư Đoàn 23. Mọi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn
toàn bị phá hủy.
10 giờ 30 sáng
ngày 11 tháng 3/1975, một đoạn hệ thống công sự ở mặt Tây và phía Nam Bộ Tư Lệnh
đã bị chọc thủng. Bộ đội và chiến xa của Cộng quân tràn vào hậu cứ Sư Đoàn 23 Bộ
Binh như nước vỡ bờ. Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Đại Tá Nguyễn Trọng
Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Darlac, mở đường máu đem đơn vị
thoát khỏi hậu cứ, bỏ lại Ban Mê Thuột và 60 ngàn lương dân trong một tình huống
vô cùng bi thảm. Ban Mê Thuột lâm chung. Sáu mươi ngàn dân như một đàn gà con mất
mẹ. Đêm đen phủ xuống thành phố này cùng với nỗi hãi hùng và tuyệt vọng mênh
mông .
Dòng sông cũ