KÍNH GIỚI THIỆU NV PHẠM HỒNG ÂN: TRUYỆN NGẮN MÙA XUÂN NGƯỜI TÙ BINH ĐÊM GIAO THỪA
Truyện Ngắn Mùa Xuân: Người tù binh đêm Giao thừa!
(Phạm Hồng Ân)
I.
Tôi nhấc cái bao cát
Mỹ lên cao, trút tất cả gia tài vào khoảnh quần trây-di túm ống của thằng Đực.
Từ lọ dầu nhị thiên đường, thẻ bài cạo gió đến bọc ớt khô, đường chảy, thuốc
rê, mắm ruốc, v.v…
Thằng Đực vừa cột ống
quần, vừa đưa tay đuổi ruồi. Những con ruồi xanh mất dạy, ốm tong teo – cứ chực
chui vào mũi, vào tai, vào miệng… đám tù binh rách nát. Có con cả gan bu thẳng
lên mu tay thằng Đực. Chúng nhao nhao kêu tíu tít, chổng đít giành nhau hút chất
bầy nhầy trong các mụn ghẻ, làm thằng Đực trân mình… muốn són đái.
Tôi đứng bám vào hàng
rào kẽm gai. Hàng rào ngăn ngang, chia hai khu vực giam giữ khác nhau. Bên này:
tù chính trị. Bên kia: tù hình sự. Thằng Đực thuộc tù hình sự. Nó bị bắt từ năm
1976 đến nay. Án: tập trung cải tạo, không ghi thời hạn. Bởi tội danh: hành
hung nhân viên công lực. Khi hỏi, tại sao đánh cán bộ? Nó lầm lì ngước mặt lên
mây xanh, như nói chuyện với đất trời. Mẹ, tại y cà chớn, tui quánh cho bõ
ghét…
Tôi thương thằng Đực,
vì nó thường chui rào qua khu chính trị, tìm tôi để xin thuốc. Nhiều lúc, tôi
cũng đói meo, nhờ nó tiếp tế cho một ít. Xin qua xin lại nhiều lần, riết rồi
thân nhau, coi nhau như anh em ruột thịt. Thằng Đực hút thuốc như ống khói tàu.
Nó vừa được vợ thăm nuôi tuần trước, vài tuần sau, người ta thấy nó cầm bọc
nilon đi lượm tàn thuốc khắp nơi. Tàn thuốc lượm về, nó ngắt bỏ chỗ đã hút, rồi
trút phần thuốc còn lại vào túi. Chịu khó như thế, chẳng bao lâu nó được một
túi thuốc lá tổng hợp rất ngon lành. Từ thuốc rê, xuân lộc, hoa mai, đà lạt,
tam đảo… đến bến thành, sài gòn giải phóng…, rồi có cả samit, đân-hiu, ba số,
v.v… Trời ơi, hương vị đậm đà! Mặc tình cho thằng Đực phun hơi nhả khói.
Chiều nay, chiều hai
tám Tết. Chốc nữa, tôi và mười chín bạn tù khác sẽ được cách ly, để ngày mai trở
về với gia đình. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ thôi, khi cánh cửa các lán tù khép
chặt lại, tôi sẽ thật sự xa thằng Đực, không biết bao giờ mới gặp lại. Chốn
thâm sơn cùng cốc này, dẫy đầy chướng khí.
Mấy tháng đầu đến
đây, tôi đã trải qua cơn sốt rét rừng tàn khốc. Thằng Đực phải đào tìm một loại
rễ cây rừng, về bó vào tay tôi để chặn cữ rét. Buổi chiều, khi hết giờ lao động,
nó nhảy ùm xuống dòng sông Đrây, lặng lẽ bơi ra xa, trầm ngâm đưa những mụn ghẻ
toang hoác ra nhử cá. Chất lầy nhầy tanh tanh của ghẻ lở, vậy mà lôi cuốn được
đám cá đói lạc loài nào đó. Chúng đến rỉa mồi, và thằng Đực trân mình chịu đau…
cho đến khi lòn tay phía dưới, bắt dính các chú cá mới thôi. Lần đó, nó nấu cho
tôi nồi cháo giải cảm tuyệt vời, ngon nhất trần đời.
Trại tù Xuyên Mộc là
một trong những trại tù nổi tiếng khắc nghiệt ở miền Nam. Hằng ngày, bọn tôi phải
vào sâu trong rừng lao động nặng nhọc. Bữa ăn chính chỉ có loe hoe vài lát
khoai mì chua lè, hoặc dăm trái bắp đá nhai muốn rụng răng. Đói quá, bọn tôi nhắm
mắt lại, tưởng tượng đến mâm cao cỗ đầy trên bàn tiệc, để nuốt chúng vào bụng.
Nhưng càng nuốt, chúng càng dội ra, nóng ran cả cổ họng. Đói quá, bọn tôi quơ
luôn cả cỏ dại cây hoang cho vào nồi. Có đứa ăn nhầm nấm độc, ói mửa suốt đêm,
rồi nằm xuôi tay chờ tử thần đến mang đi.
Thằng Đực may mắn hơn
tôi, nó được vợ thăm nuôi đều đặn theo mỗi chu kỳ. Quà thăm nuôi của nó chẳng
nhiều, chỉ quanh đi quẩn lại khô, mắm ruốc, đường chảy, nước tương, thuốc hút…
Nhưng, theo nó, tình nghĩa của con Út (tên vợ nó) tràn trề. Quan trọng ở chỗ
thương yêu với nhau, lúc sa cơ thất thế như thế này.
Tôi bất hạnh hơn nó.
Ngày nào cũng nằm chèo queo, ngó ra cổng trại giam, trông tin vợ từng phút từng
giây. Càng trông vợ, càng nghĩ quẩn. Tôi nghĩ đến những mối tình gãy gánh giữa
đàng. Những người đàn bà nhẹ dạ, đành tâm sang ngang, từ chồng bỏ con trong cảnh
lao lung. Tôi nghĩ đến Tuyết, vợ tôi, đang chới với giữa dòng đời khốn khổ. Liệu
nàng có đứng vững được bằng đôi chân hiền thục, trước phong ba phũ phàng của thời
cuộc?
Chiều xuống dần. Mặt
trời vắt ngang trên các ngọn bằng lăng, chiếu ánh sáng gay gắt xuống trại tù.
Thằng Đực gãi háng sột soạt. Những mụn ghẻ tượng mủ xanh, chực vỡ ra, lầy nhầy
một cách xót xa. Chợt, nó lần xuống đáy quần, lôi ra lá thư chi chít chữ. Như một
con sóc ranh mãnh, nó lẹ làng dúi vào túi áo tôi.
-Anh về, nhớ ghé nhà
em. Tắm một chập cho sạch sẽ, mát mẻ. Đây là địa chỉ. Nhớ qua thẳng cầu chữ Y.
Quẹo bến Phạm Thế Hiển. Nhà em ở cuối bến. Có con hẻm đi vào…
Tôi ờ ờ, rít hơi thuốc
lá thật sâu, rồi ém khói lại trong buồng phổi. Tôi muốn thâu ngắn hình ảnh thằng
Đực vào tim, vào lòng. Tôi muốn giữ kỷ niệm với nó. Những kỷ niệm đầy ắp tình
thương, đầy ắp cay đắng ngọt bùi.
Tiếng còi bỗng vang
lên. Tiếng gã trật tự quát tháo ầm ĩ. Tù binh nhốn nháo khắp nơi. Họ chạy vội
ra sân, ngơ ngác nhìn xung quanh. Gã trật tự chấp hai bàn tay lại, đưa lên
ngang mồm, làm loa:
-Hai mươi tù sắp trả
tự do, tập họp. Chuẩn bị, chuyển trại.
Thằng Đực bỗng nẩy
người lên, dang rộng đôi tay, nhào thẳng vào lòng tôi. Nó ôm tôi cứng ngắc, như
sợ mất nhau. Nước mắt nó tuôn ra, lăn dài xuống má tôi, miệng tôi… mằn mặn.
-Về Bến Tre, nếu thất
nghiệp. Anh nhớ lên con Út, vợ em. Con Út có vựa trái cây ở Phạm Thế Hiển. Nó sẽ
bày anh cách mần ăn, kiếm sống.
Tôi ờ ờ, tìm cách đẩy
nó ra, chạy vội đến gã trật tự. Tôi không thèm quay đầu nhìn lại thằng Đực. Bởi
tôi sợ tôi mềm lòng. Rồi sẽ tệ hơn nó, khóc rống lên như một đứa con nít.
II.
Bến Phạm Thế Hiển tấp
nập và dọc ngang những túp lều ổ chuột. Con hẻm vào nhà Út rối rắm như hang mối,
chằng chịt những lối đi chia năm xẻ bảy. Tôi phân vân trước những lối đi. Lối
nào cũng chật hẹp, tối tăm và ẩm ướt một cách nhớp nhúa. Tôi lật lá thư ra, hỏi
thăm từng người. Cuối cùng, anh bán vé số dạo tình nguyện dắt tôi đến một
khoang xe cũ, phía trước có vô số vỏ chai ngổn ngang.
-Đấy! Nhà cô Út đấy!
Vào đi. Khom lưng xuống! Coi chừng, đụng cái trần cửa nghe cha nội!
Nhà Út là một khoang
xe đò cũ lâu đời. Vòm thấp, lỗ chỗ dấu mục nát. Chủ nhà phải che thêm vài tấm cạc-tông
để tránh mưa gió.
Tôi chui vào khoang
xe. Khoang xe như một hang động mù mờ. Nếu không có ngọn đèn dầu leo lét trên
bàn, tôi sẽ vấp ngã lung tung, bởi những đồ vật nằm vô trật tự trên sàn nhà.
Một bà già đang ngồi
nhai trầu bỏm bẻm, chào tôi.
-Thưa bác, cháu muốn
gặp cô Út.
Bà già chỉ chiếc ghế
trống.
-Cậu là khách quen của
con Út ư? Ngồi chơi, chờ chút. Nó mắc… đi khách.
Tôi lúng túng, nhìn
vào phía trong. Tấm ri-đô màu cứt ngựa chắn ngang. Những cử động kỳ quái nào
đó… đằng sau, dồn dập. Tiếng đàn bà lầu bầu, lẫn với tiếng quần áo loạt soạt,
tiếng cài khuy áo…
Rồi, tiếng gã đàn ông
cười khoái trá. Giọng cười như xé toạc không gian, bay vút vào đầu tôi, khiến
tôi choáng váng, quay cuồng. Tôi vội đứng dậy như lò xo, lấy lá thư ra, buông
xuống mặt bàn.
-Có thư gởi cho cô
Út.
Tôi chỉ nói có bấy
nhiêu lời. Xong, cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng ra khỏi con hẻm. Tôi không muốn
nhìn thấy Út. Không muốn nhìn thấy người đàn bà hiền thục mà thằng Đực luôn
mang ấn tượng đẹp đẽ trong lòng. Bây giờ, nàng đang làm cái nghề tệ hại nhất,
xót xa nhất của một kiếp người.
(minh họa)
III.
Cồn Dơi hiện ra trong
ánh sáng nhá nhem cuối ngày. Mùi trái cây thoang thoảng. Mùi hương cau thơm
thơm, làm khứu giác của tôi chùng xuống, nôn nao một cách lạ kỳ. Chỉ còn khoảng
đê ngắn nữa, tôi sẽ tới nhà. Sẽ gặp lại Tuyết, gặp lại con thơ, gặp lại hình ảnh
thân yêu ngày nào. Rồi, việc gì xảy ra? Tuyết vẫn còn nguyên vẹn như xưa? Hay
như con đò tách bến sang sông? Hay như dòng nước bỏ nguồn ra biển?
Tôi lại nhớ đến con
Út. Nhớ cái vựa trái cây tưởng tượng của thằng Đực. Nhớ giọng cười khoái trá của
gã đàn ông dâm đãng. Nhớ từng điếu thuốc thơm, từng keo mắm ruốc, từng con cá sặc
mặn mòi. Nhớ những bữa cơm “huy hoàng” ăn ké với thằng Đực. Bữa cơm đẫm giọt mồ
hôi, đẫm giọt nước mắt tủi nhục của con Út.
Chỉ còn khúc quanh,
chừng mươi bước nữa, tôi sẽ đứng trước cây vú sữa ở sân nhà. Tôi sẽ gặp lại túp
lều nhỏ bé quen thuộc. Túp lều do chính tay tôi đẽo từng lỗ đủng đỉnh, chuốt từng
mảnh cau tươi, và hì hục dựng lên đường hoàng – trước khi khăn gói vào tù. Túp
lều được chị vợ tôi thương tình cho phép cất tạm, trên bờ đất ngoằn ngoèo những
rễ cây chôm chôm.
Tôi đứng nép vào cây
vú sữa, hồi hộp nhìn vào sân nhà. Thôi rồi! tất cả đã thay đổi hoàn toàn. Túp lều
thân yêu ngày xưa, giờ không còn nữa. Thay vào đấy, là mái nhà khang trang,
vách ván kín đáo. Và trời ơi! một gã đàn ông xa lạ nào đó, đang ngồi tỉnh queo,
hút thuốc trước cửa. Gã mặc áo thun, quần đùi – chừng như có vẻ quen thuộc với
căn nhà, từ lâu, rất lâu. Nghĩa là… không còn gì nói nữa. Tôi đã thua. Và đã
thua một cách thảm hại.
Sẽ không còn nguyên
do nào để ở đây, để nhìn thấy nỗi đau vô cùng đang thấm dần vào gan ruột. Tôi
phải đi. Đi khỏi đây. Về phương trời xa lạ nào khác dung thân, sống chuỗi ngày
tàn. Nhưng, trước khi bỏ đi, tôi phải gặp người chị vợ, chân thành nói lời cám
ơn, từ tạ. Phải gặp con tôi, đặt vào gò má thương yêu của nó một nụ hôn cuối
cùng.
Băng qua đoạn mương cụt
đầy lá khô, tôi quyết định bước vào nhà chị vợ. Vừa tới cửa, chị tôi mừng rỡ
reo to, rồi ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào.
-Em mới về đấy ư?
Sao? Có khổ lắm không? Lao động có cực không?
Tôi đẩy chị ra xa, lạnh
lùng như kẻ xa lạ:
-Tôi muốn gặp con tôi
lần cuối, trước khi tôi rời khỏi nơi đây…
Chị trợn mắt nhìn
tôi. Nhìn tôi từ đầu tới chân.
-Hả? Đi Đâu? Mày muốn
bỏ vợ con hử?
-Ai bỏ ai thì tự biết
lấy. Vậy chớ… thằng cha nội nào ngồi bên nhà tôi đó?
Tôi gằn giọng:
-Chị nói đi… Thằng
cha nội nào?
Chị vểnh môi, ngạc
nhiên. Rồi… nhào đến ôm chầm lấy tôi, cười khà khà:
-Thằng quỷ! Đó là Hai
Lộc. Anh ruột con Tuyết. Nó từ thành phố dọn về đây gần ba năm nay. Nó cất nhà,
thờ ông bà. Cái chòi đủng đỉnh của vợ chồng mày đã mục từ lâu, sập mẹ rồi!
Tôi há to mồm, nuốt từng
lời chị. Những lời chị tuôn ra, lúc này, giống những ngọn roi quất vào lòng
tôi, khiến tôi bật khóc lên như đứa con nít.
-Hai Lộc? Hai Lộc hả?
Trời ơi! mười năm rồi, không gặp nhau. Ảnh lạ quá! Nhìn không ra. Còn vợ tôi?
Con tôi? Hiện tại, ở đâu?
-Trời ơi! Em không được
thư của mấy đứa cháu sao?
-Có được thư từ chi
đâu? Sao? Chị cứ nói đi…
-Con Tuyết bịnh nặng
hơn sáu tháng qua. Nó bị trụy tim, nằm bệnh viện khá lâu. Nó đang nghỉ tạm nơi
nhà cô bảy ở Mỹ Tho.
Nghe được bấy nhiêu lời.
Tôi phóng thật nhanh ra sân, xách vội chiếc xe đạp của Hai Lộc đang dựng bên gốc
vú sữa. Tôi đạp lia lịa, băng qua khu vườn tối om om, chạy thẳng ra Bến Tre, rồi
nhảy xuống phà Rạch Miễu, vượt qua sông Tiền mênh mông, để về Mỹ Tho gặp Tuyết,
kịp giờ đón Giao thừa.
Tuyết nằm trên giường,
xanh xao vàng vọt như một tàu lá rũ. Cơn bệnh vật ngã nàng, làm thay đổi toàn diện
nhan sắc. Nhưng, nó đã không thể vật ngã được, không thể thay đổi được lòng thủy
chung của nàng. Tôi sà xuống, ôm nàng hôn như mưa bão điên cuồng. Tuyết cười rạng
rỡ, nụ cười tràn đầy nước mắt. Thứ nước mắt của hạnh phúc vô cùng.
Đêm đó, tôi dìu Tuyết
thức dậy cùng đón Giao thừa. Chúng tôi như sống lại những ngày đầu tiên vừa mới
quen nhau, những ngày hạnh phúc nhất trên đời.
Và đêm đó, tôi đã ngủ
một giấc thật say sưa. Trong giấc ngủ, tôi chợt thấy thằng Đực hiện ra. Nó hiện
ra với thân thể đầy mụn ghẻ tanh hôi, nhưng tay vẫn khư khư ôm lấy cái bọc
nilon nhàu nát. Và cứ thế, nó lang thang khắp các lán tù, nhặt tàn thuốc vụn để
quên đời…
***