728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    SỐ ĐẶC BIỆT CHÀO MỪNG TẾT GIÁP THÌN KÍNH GIỚI THIỆU BÀI VIẾT : SỨ MỆNH VĂN HÓA CỦA TRẦN XUÂN THỜI

                     *SỐ ĐẶC BIỆT CHÀO MỪNG TẾT GIÁP THÌN KÍNH GIỚI     THIỆU BÀI VIẾT : SỨ MỆNH VĂN HÓA CỦA TRẦN XUÂN THỜI



    Sứ Mệnh Văn Hóa

    Trần Xuân Thời

    ** 

    “Tấc lòng cố quốc tha hương,
    Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời.
    Cảnh hồng bay bổng tuyệt vời,
    Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”.

    (Nguyễn Du)

    Sau hơn 48 năm trời viễn xứ, cảm giác chung của chúng ta là không nơi nào bằng quê hương mình, và cũng không có ngôn ngữ nào truyền cảm bằng ngôn ngữ chúng ta nghe từ thuở còn cưu mang trong lòng quê mẹ.

    Trong cuộc sống cộng đồng của chúng ta ngày nay, Việt ngữ vẫn đóng vai trò quan trọng, là dụng cụ bậc nhì để ghi chép âm thoại sau lời nói, bắc nhịp cầu thông cảm giữa người và người, để truyền thông cái tình và hoằng dương cái lý, lưu truyền tư tưởng và tình cảm cho hậu thế.

    Lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy, trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta vẫn giữ được truyền thống văn hoá dân tộc, không để cho Bắc phương đồng hóa.  Ngày nay trên bước đường lưu vong, dù đôi khi bất mãn với hiện tại, tiếc nuối quá khứ và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, nhưng chúng ta vẫn đặt tâm vào vấn đề giáo dục con em, bảo tồn và phát huy Việt ngữ, nếu không Việt ngữ sẽ mai một dần.

    Thời gian trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa. Lớp hậu sinh trưởng thành và được giáo dục trong sinh cảnh văn hóa mới sẽ, có thể, không còn thiết tha đến Việt ngữ, vì không được học hỏi, không hiểu và do đó không thích, đúng như câu “Vô tri bất mộ”.

    Học Việt ngữ qua báo chí, kinh điển, sử sách, vừa bảo tồn được ngôn ngữ Việt, vừa phát huy được năng khiếu sinh ngữ. Truyền thông bằng ngôn ngữ là năng khiếu đặc trưng của con người, vượt ra ngoài biên giới chủng tộc, không gian và thời gian. Năng khiếu ngôn ngữ phát triển đồng thời với khả năng tri giác ngoại giới, khả năng thu nhận và truyền thông kiến thức, tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo.


    Tiếng nói là phương tiện trực tiếp truyền thông tư tưởng và tình cảm giữa người và người và được mệnh danh là dụng cụ bậc nhất trong vấn đề thông đạt. Khi đã có tiếng nói, người ta tìm ra phương thức diễn đạt tiếng nói bằng ký hiệu gọi chung là văn tự. Văn tự được xem như dụng cụ bậc nhì để có thể chuyển tải tư tưởng đến tha nhân qua không gian và thời gian như sách sử, báo chí, và ngày nay còn có dụng cụ truyền thanh và truyền hình, internet, để nối dài lời nói xuyên lục địa.

    Nếu gọi nhạc là nghệ thuật tiết tấu âm thanh, thì văn tự là nghệ thuật phối trí ký hiệu để ghi chép và chuyển đạt tư tưởng. Tiến trình học hỏi để phối trí, lãnh hội và diễn đạt tư tưởng không phải chỉ thu gọn trong trường thi trận bút từ tiểu học cho đến đại học mà còn phải nghiên cứu, trau dồi có khi suốt cả cuộc đời. Câu nói “văn ôn võ luyện” thật không sai.

    “Nước ta vốn xưng văn hiến đã lâu, phong tục Bắc Nam sẵn có.” Trong suốt thời Bắc thuộc chúng ta đã dùng chữ Hán, mãi đến sau năm 936, thời tự chủ, theo truyền thuyết cụ Hàn Thuyên đã dùng chữ Nôm để ghi chép tiếng Việt, chữ Nôm được xem như chữ viết đầu tiên của nước ta.  Nhiều tác phẩm văn chương trong suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần được viết bằng chữ Hán. Chữ Nôm được dùng nhiều vào đời Lê Trung Hưng và Nguyễn. Có lẽ vì sự cạnh tranh giữa hai môn phái trọng Nôm và môn phái trọng Hán, nên các văn kiện của triều đình đều dùng chữ Hán, mãi đến thời Tây Sơn chữ Nôm mới được trọng dụng.


    Chữ Nôm và chữ Hán đều là văn tự cho giới khoa bảng và nho sĩ hơn là thứ dân vì tính chất phức tạp trong lối ghép chữ, phải mất rất nhiều thì giờ mới có thể học hỏi và lãnh hội được. Tình trạng này đã góp phần vào sự hình thành giai cấp nho sĩ, khoa bảng, liệt vào hàng đầu của giai cấp xã hội.

    Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
    Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên
    Có giang sơn thì sĩ đã có tên
    Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý
    ” (Nguyễn Công Trứ)

    Trong thời phôi thai của nền văn học Việt, các vị sư nổi danh như Ngô Chân Lưu và Trương Ma–Ni được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Văn Tòng và Tăng Lục đã đóng góp vào phần trước tác và truyền bá Hán học. Đến đời Tiền Lê, khi sứ giả nhà Tống sang Việt Nam, vua Lê Đại Hành, đã thỉnh Sư Lạc Thuận, giả làm khách lái đò, đối đáp văn thư với sứ giả nhà Tống. Sư Ngô Chân Lưu soạn văn tiễn sứ giả. Các vị thâm nho này đã nổi danh về văn học và tham dự quốc sự, được dân gian truyền tụng.

    Câu thơ Lạc–Thuận, sứ Tống khen hay,
    Bài ca Chân–Lưu nổi danh muôn thuở


    Sang triều đại nhà Lý, Lý Công Uẩn, tức là Lý Thái Tổ, lúc 3 tuổi đã được Pháp Sư Lý Khánh Vân nhận làm con nuôi. Khi sang nghiệp nhà Lý, ngài rất tôn sùng đạo Phật. Đây là thời cực thịnh của Phật giáo. Đặc điểm là các vị sư, dù được triều đình kính nể vẫn chủ trương hòa đồng tôn giáo “Tam Giáo đồng nguyên” – Nho–Thích–Lão.

    Nhà Lý đã mở ra những khoa thi Tam Giáo. Sư Viên Chiếu đã sánh Phật Giáo và Khổng Giáo như mặt Trời và mặt Trăng, “Trú tắc minh ô chiếu, dạ lai ngọc thố minh”. Ngày thì mặt trời chiếu, đêm thì mặt trăng soi. Tinh thần hòa đồng của các vị sư chiếu sáng trong suốt các triều đại khai quốc này như sư Bảo Thịnh, sư Minh Tâm, sư Vạn Hạnh, sư Đạo Hạnh, sư Minh Không, kể cả thuyết pháp lấy Thân, Khẩu, Tâm làm gốc của đạo.

    Triết lý Phật học đã thấm sâu vào tâm linh và tình tự dân tộc. Hai tác phẩm nổi danh nhất của nền văn học Việt Nam là Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu vào đời Lê Trung Hưng và Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du vào thời Nguyễn sơ đã thể hiện rõ rệt triết lý Phật học về nhân duyên, nghiệp báo.

    Ôn Như Hầu, mượn lời Cung Oán, đã luận về thân thế con người sinh ra trong bể khổ:

    Thảo nào khi mới chôn nhau
    Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
    Ai bày trò bãi bể nương dâu
    Trắng răng đến thuở bạc đầu
    Tử, sinh, kinh, cụ, làm nau mấy lần.


    hay:
    Phong trần đến cả sơn khê,
    Tang thương đến cả hoa kia cỏ này
    Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy
    Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
    Trăm năm còn có gì đâu
    Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì
    ! “

    Đời sinh ra trong cảnh khổ vì vướng phải nhân duyên, tiền kiếp.

    Hẳn túc trái làm sao đây tá
    Hay tiền thân hậu quả xưa kia
    Hay Thiên Cung có điều gì
    Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi


    Do đó, muốn thoát cảnh đời đoạn tâm can của chốn trần ai khổ lụy, phải dứt thất tình lục dục, mượn chốn thiền môn để tu niệm.

    Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật
    Mối thất tình quyết dứt cho xong
    Đa mang chi nữa đèo bòng
    Vui gì thế sự mà mong nhân tình
    Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
    Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
    Thoát trần một gót thiên nhiên
    Cái thân ngoại vật là tiên trên đời”

    Thân phận nàng Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du cũng ba chìm bảy nổi:

    Ma đưa lối, quỷ đưa đường
    Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi
    Hết nạn ấy đến nạn kia
    Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần
    Trong vòng giáo dựng gươm trần
    Kề lưng hùm sói giữ thân tôi đòi


    Cuộc đời lưu lạc giang hồ của Kiều cũng chỉ vì nhân duyên, nghiệp chướng.

    Đã mang lấy nghiệp vào thân
    Cũng đừng trách lẫn, Trời gần Trời xa
    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài
    Có tài mà cậy chi tài
    Chữ tài nằm với chữ tai một vần


    Sau 15 năm lưu lạc giang hồ, Kiều đã được tái hợp với Kim Trọng, thoát cảnh ngang trái của cuộc đời.

    Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp
    Một dây bạc mệnh dứt cầm loan


    Nhờ nước sông Tiền Đường đã giải oan;

    Mười mấy năm trời nợ giũ xong

    Sông Tiền Đường đục hóa ra trong.
    ....
    Tấm lòng thiên cố thương mà trách
    Chẳng trách chi Kiều trách hóa công!

    Triết lý Phật Giáo làm phong phú hoá triết lý nhân sinh Việt vốn chịu ảnh hưởng của Nho học về luân thường đạo lý dựa trên Tam Cương (quân, sư, phụ); Ngũ Thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín); Ngũ Luân (Vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn); …. qua phương pháp giáo dục giúp con người phát triển qua 8 phương cách chính: Dựa trên triết lý của Nho Giáo  dùng Tứ Thư, Ngũ Kinh làm sách giáo khoa qua các triền đại quân chủ Trung Hoa và Việt Nam.

    (1)  Cách vật: tìm tòi học hỏi (investigation of things)

    (2) Trí tri: để đạt sự hiểu biết thấu đáo cái nguyên lý của sự vật, (extension of knowledge)

    (3) Thành tâm (the will becomes sincere),

    (4) Chánh ý (the mind is rectified),

    (5) Tu thân (personal life is cultivated),

    (6) Tề gia (the family is regulated),

    (7) Trị quốc (the state is put in order),

    (8) Bình thiên hạ (and peace is established throughout the world)

     Nếu các vị danh sư của Phật Giáo đã tích cực đóng góp vào sự hình thành nền văn học Việt từ thuở phôi thai thì khoảng năm 1530 dưới thời Vua Lê Chúa Trịnh, các vị Thừa sai Thiên Chúa Giáo đến giảng đạo tại Việt Nam đã sáng chế và lưu truyền cho hậu thế một phương pháp ghi chép tiếng Việt độc nhất vô nhị: chữ Quốc Ngữ, một chứng tích của tôn giáo góp công vào sự phát triển của nền Văn hóa Việt Nam.


    Khi các phái bộ Thiên Chúa Giáo đến Việt Nam, vì nhu cầu giảng kinh Thánh và nhu cầu truyền đạt, các Giáo sĩ thừa sai học nói tiếng Việt và dày công nghiên cứu cách dùng mẫu tự La-tinh a, b, c... để viết tiếng Việt.

    Công trình này do nhiều Giáo sĩ thực hiện, nhưng người được nhắc nhở đến nhiều nhất là cố Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Ngài đã học cách nói tiếng Việt với một cậu bé Việt 13 tuổi. Cậu bé này là một thần đồng về ngôn ngữ. Chỉ trong 3 tuần lễ, Cha Đắc Lộ đã đọc được hầu hết các thanh âm tiếng Việt, và ngược lại cậu bé Việt đã học được tiếng La-tinh. Cậu bé đã trở thành đồ đệ của Cha Đắc Lộ, đọc kinh cầu bằng La-tinh và trở thành một thầy giảng nổi tiếng thời bấy giờ.

    Ban đầu tiếng Việt có nhiều chữ khó viết như Trời viết thành “blời”, nhưng dần dần chữ Việt viết theo mẫu tự La-tinh biến thành một khí cụ sắc bén, một phương pháp mới trong vấn đề ký âm, ghi chép tiếng Việt một cách giản tiện, dễ dàng và nhanh chóng. Nhiều người có thể lãnh hội, không tốn công phí sức như học chữ Nôm và chữ Hán. Người ta quen gọi là chữ Quốc Ngữ để phân biệt với chữ Nôm và chữ Hán.

    Chữ Quốc Ngữ được các Giáo sĩ Thiên Chúa Giáo phát minh đã mở con đường sáng cho nền giáo dục nước nhà, nhờ cách ghi chép và đánh vần giản tiện. “Quốc Ngữ chữ nước ta”ra đời đúng lúc mà:

    Đạo học ngày này đã chán rồi
    Mười người theo học chín người thôi
    Cô hàng bán sách lim dim ngủ
    Thầy khóa tư lương trấp trỏm ngồi
    ” (Tú Xương)

    Hai tác phẩm đầu tay là cuốn tự điển Quốc Ngữ – Bồ Đào Nha – Latin (Dictionarium Annamiticum sey Tonkinese cum Lusitanum, et latinum declaration) và cuốn Kinh Nghĩa dạy Giáo Lý cho tân tòng (Catechismus pro iis qui volunt suscipene Baptism in octo dies divisus) bằng song ngữ La–Việt do Giáo sĩ Đắc Lộ trước tác và xuất bản vào năm 1651.

    Sau giai đoạn khai phóng, Giám Mục Behaine và Giám Mục Taberd đã gọt dũa hình thức chữ Quốc Ngữ sắc bén như ngày nay, qua các cuốn Tự Điển Việt-La xuất bản năm 1838, cha Ravier nhuận sắc và được tái xuất bản vào năm 1880.

    Trong thời gian này, tại Nam Việt có đến 527 trường dạy Quốc Ngữ gồm hơn 17,000 học sinh nam nữ so với 209 trường dạy chữ Hán cho khoảng 2,300 học sinh. Sỉ số học sinh Hán ngữ giảm sút rất nhiều. Mãi đến năm 1917 các khoa thi Hương bị bãi bỏ. Hán học chỉ còn là lưu niệm vang bóng một thời! Theo mới nới cũ phải chăng là luật đào thải của thiên nhiên?

    Văn tự là phương tiện truyền đạt tư tưởng và nối dài lời nói. Chữ Quốc ngữ đã đủ sắc bén để diễn tả tư tưởng thì tội tình gì mà miệt mài Hán tự, tốn công, phí sức, thiếu tính chất phổ cập trong quần chúng.

    Kế nghiệp của các Giáo sĩ Thiên Chúa Giáo, các giáo hữu cũng đã đóng góp tích cực vào sự bành trướng chữ Quốc Ngữ như Pétrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh... Petrus Trương Vĩnh Ký (1837–1898) là một thần đồng về ngôn ngữ. Ông nói được 12 thứ tiếng, và Chủ Bút tờ Công Báo đầu tiên ở Nam Việt là Tờ GIA ĐỊNH BÁO, xuất bản năm 1865.

    Gia Định Báo là tờ báo truyền bá Quốc Ngữ đầu tiên làm nền tảng cho các báo Quốc ngữ sau này. Năm 1909, ông Canavaggio xuất bản tờ Nông Cổ Mín Đàm với sự cộng tác của các vị Lương Khắc Minh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt. Ông Trần Chánh Chiếu, sau đó làm Chủ Bút tờ LỤC TỈNH TÂN VĂN xuất bản năm 1907.

    Các học giả của Phong Trào Duy Tân cũng đã rầm rộ truyền bá Quốc Ngữ như quý ông Phan Chu Trinh (1872–1926), Ngô Đức Kế (1878–1929), Trần Quý Cáp (1870–1908) và Huỳnh Thúc Kháng (1876–1949).

    Tại Bắc Việt nhà giáo Bùi Xuân Phái và các thông ngôn, tham biện lập Hội Trí Tri để phổ biến văn minh học thuật Âu Mỹ vào năm 1892. Năm 1891 tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo xuất bản bằng Hán Văn và sau đó thêm phần Quốc ngữ. Đến năm 1907 đổi danh thành Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm Chủ Bút, đăng tải các tác phẩm dịch thuật như thơ La Fontaine, kịch Moliere, khảo luận tư tưởng chính trị về Tự Do, Bình Đẳng... Năm 1905 tờ Đại Việt Tân Báo xuất bản song ngữ Hán – Quốc Ngữ do ông Đào Nguyên Phổ làm chủ bút, nối liền giữa tân học và cựu học.

    Trên toàn quốc phong trào “Học Báo” đã được phát động rầm rộ, kể cả chính quyền Đông Dương dưới thời Toàn Quyền Beau (1901–1908). Toàn Quyền Paul Beau đã tích cực hỗ trợ chương trình truyền bá Quốc Ngữ và thành lập Đại học Đông Dương tại Hà Nội năm 1906. Vì sinh viên bãi khóa phản đối chính sách thuế khoá của chính quyền thuộc địa nên Toàn Quyền Klobukowski ra lệnh đóng cửa Đại học Đông Dương. Đến năm 1917 Toàn Quyền Albert Sarraut cho phép mở lại với danh xưng mới Đại học Hà Nội. Năm 1905, với Phong Trào Duy Tân, cụ Phan Bội Châu xuất dương qua Nhật Bản, viết về những bức Huyết Lệ Thư, kể rõ kinh nghiệm Duy Tân của Nhật Hoàng, được phiên ra chữ Quốc Ngữ, truyền bá trong dân chúng 3 miền, và dùng làm tài liệu giáo khoa cho Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trường ĐKNT cũng đã bị đóng cửa sau 10 tháng hoạt động.

    Về cơ sở giáo dục, ngoài các trường công lập lớn như Quốc học (1896), Chu Văn An (1908), Pétrus Ký (1927). Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã mở thêm trên 850 ngôi trường, đóng góp lớn lao vào nền giáo dục nước nhà. Từ năm 1889 đến 1904, ba ngôi trường đã được các Sư Huynh Dòng Jean Baptiste De La Salle thành lập: Trường Taberd ở Sài Gòn, Trường Pellerin ở Huế và Trường Puginier ở Hà Nội. Sau đó đã lập thêm các trường khác ở những tỉnh lớn và đã đào tạo hàng trăm ngàn công dân ưu tú phục vụ trong mọi ngành hoạt động của quốc gia.

    Ngoài những tạp chí nêu trên, hai tạp chí nổi tiếng kết nối sự nghiệp truyền bá Quốc Ngữ là Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí và Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Các cơ sở này dùng Quốc Ngữ để đẩy mạnh phong trào cải cách tư tưởng, đả phá những tập tục cổ hủ, không còn thích ứng với trào lưu tiến bộ mới “gió Mỹ mưa Âu” mà nhân vật Loan trong tác phẩm Đoạn Tuyệt đã nói lên phần nào triết lý văn nghệ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

    Như vậy, trong suốt 300 năm chữ Quốc Ngữ đã tiến đến giai đoạn tinh luyện, hầu hết các thể văn đều được sáng tác như ký sự, văn khảo, dịch thuật truyện, thơ, kịch, văn, luận thuyết... Nhiều sách giáo khoa được các học giả Bắc, Trung, Nam sáng tác và đăng tải trên các tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ cho đồng bào thưởng lãm.

    Nhiều danh từ về triết học, kỹ thuật bắt đầu xuất hiện bằng cách ghép danh từ Hán Việt hoặc phiên âm từ ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của nền giáo dục mới, dồi dào các ngành học chứ không chỉ học văn chương thi phú như trước. Nền tân học đòi hỏi nhiều danh từ không có trong Việt ngữ. Kho tàng Việt ngữ dồi dào về danh từ tình cảm, văn chương nhưng thiếu danh từ về khoa học, kỹ thuật và triết học.

    Ngày nay, sự thiếu thư tịch để tham khảo là một sự trở ngại lớn cho vấn đề viết văn khảo, họa chăng văn hóa là những gì còn lại sau khi đã quên hết, đúng như câu “La culture est ce qui reste quand on a tout oublié”. Theo Freud, thì trí tuệ chia làm 3 phần. Phần nhớ rõ ràng những sự kiện gọi là phần “Ý thức” (conscious); phần lờ mờ, nhớ nhớ, quên quên gọi là “Tiềm thức” (subconscious) và phần ẩn náu sâu kín, có thể xuất hiện một cách bất kỳ xuất ý, gọi là phần “Vô Thức” (unconscious). Đa số những hành vi, cử chỉ hằng ngày của chúng ta do phần vô thức điều khiển.

    Mục đích của giáo dục nhằm truyền thụ kiến thức, tinh luyện suy luận, và phát triển sáng tạo. Tiến trình giáo dục là tiến trình “tiêm nhiễm” kiến thức vào vô thức, càng nghiên cứu học hỏi, kho tàng vô thức càng phong phú. Trong ý niệm đó “Văn hóa là cái gì còn lại sau khi đã quên hết”, hiểu theo phân tâm học (psychoanalysis) của Freud.

    Văn hoá nói chung là những gì thể hiện sự hiện hữu của con người trên trái đất này và được lưu trữ qua các văn khố, bảo tàng viện, lưu truyền kiến thức qua hằng ngàn năm lịch sử.  Chúng ta có thể nói các sinh vật khác không có văn hoá. Cộng sản chủ nghĩa chủ trương xóa bỏ văn hoá, chủ tâm đồng hoá nhân loại với các loại sinh vật  khác bằng cách “tiêu diệt trí thức” và “ tiêu huỷ kho tàng văn hóa quốc gia” qua các chiến dịch “Cách mạng Văn hoá” như  ở Trung Cộng  và  “Nhân Văn Giai phẩm” ở Bắc phần Việt Nam sau năm 1954..


    Dù nhớ hay quên, viết văn, làm báo chỉ nhằm chủ đích phục vụ nhân sinh, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức để chúng ta “một phen tri kỷ cùng nhau” trong công tác bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc.

    Ghi lại công nghiệp của cổ nhân là một niềm vui tinh thần, “Làm việc nghĩa không kể lợi hại. Luận anh hùng không kể hơn thua”. Dù không biết “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”, nhưng họ đã trồng cây cho chúng ta ăn trái và hoa thơm tỏa ngát lòng đất.

     Hiểu một cách giản dị, văn là vẻ đẹp, hoá là biến hoá. Công trình văn hoá của cổ nhân đã lưu lại trong tâm hồn chúng ta chút gì để nhớ, chút gì để thương như lời Tú Xương còn như văng vẳng bên tai:


    Ta nhớ người xa cách núi sông
    Người xa xa lắm nhớ ta không
    ?”

    và thông cảm với tâm tư của Thôi Hạo:

    Ai người trước đã qua
    Ai người sau chưa tới
    Ngẫm Trời, Đất mông lung,
    Một mình tuôn giọt lệ
    !”

    Kẻ tha thương đâu đâu cũng cô độc, “L’exilé partout est seul”!  Nên chúng ta đồng cảm với tâm tư của Vương Duy:

    Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu.
    Tây xuất Dương quan vô cố nhân
    ”.

    Mong bạn uống cạn chén bồ đào vì khi qua bên kia phương trời Tây thì không còn cố nhân nữa!

    “Mưa mai thấm bụi Vị Thành
    Liễu bên quán trọ sắc xanh ngời ngời
    Khuyên anh hãy cạn chén mời
    Dương quan ra khỏi ai người cố tri”

    (Tống Nguyên nhị sứ An Tây)

    “Văn dĩ tải đạo”. Viết văn là để chuyển tải đạo lý. “Đạo theo lẽ Trời mà ra và cũng bởi lòng người mà đến”.

    Nhưng Trời không nói “Thiên hà ngôn tai”, thì người cũng chỉ “truyền nhi bất tác”.

    Sinh hoạt xã hội, viết văn, làm báo, vừa để sưởi ấm tâm hồn, vừa bắc nhịp cầu thông cảm cổ, kim, vừa để hoằng dương công đức của tiền nhân cũng là sứ mệnh văn hóa chung của chúng ta vậy.

    Trần Xuân Thời

    “ Tiên học lễ, hậu học văn”

      ***

    Dĩ Hòa Vi Qúy

    “ Để Cư An Tư Nguy”

    Trần Xuân Thời

    Thái độ của bậc trượng phu, đầu đội trời chân đạp đất, làm việc quang minh chính đại, ngồi không quên nhà, đi không quên nước, thì dù có bị phê bình, cũng chẳng có gì làm cho tinh thần nao núng.

    Nếu làm việc quang minh chính đại mà được hoan hô thì đó là một niềm an ủi vì có người đồng hành, nhưng không vì thế mà trở nên tự mãn. Ngược lại, nếu bị phê bình thì cũng nên suy nghĩ mà chớ buồn phiền. Ai khuyên ta mà khuyên phải là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải là thầy ta. “Tam nhân đồng hành tắc hữu ngã sư”. Trong cái rủi có cái may như lái ông thất mã. Khi Trời giao phó cho ai một sứ mệnh thì  trước hết  tạo cơ  hội cho người đó trải  qua những gian lao, thử  thách để  trao dồi ý chí,  hiểu thêm về thế thái nhân tình, tích lũy kinh nghiệm để mưu cầu đại cuộc.


    “Giả thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”.

     Chướng ngại ở đời là nấc thang cho kẻ anh tài, kho tàng cho người khôn khéo.

    Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, gần 4 triệu dân Việt đã tái tạo đời sống mới tại hải ngoại.

    Hãy xem đó như một cuộc xuất ngoại bất đắc dĩ, không thông qua thử thách nào về sinh ngữ, trình độ văn hoá, chỉ cần sự quyết tâm ra đi tìm tự do dù phải vượt bể, trèo non, lên ghềnh xuống thác, để lánh nạn cộng sản trước sự đón tiếp đầy tình người của thế giới tự do.

    “Có gió cả mới hay cây cứng, không đường dài nào biết ngựa hay”! 
    Không oán thiên, không vưu nhân là lý thường tình của nhân thế. Cố gắng lãnh hội và đối phó với nghịch cảnh một cách khôn khéo, tương kế tựu kế, bổ khuyết thành ưu, để mưu cầu phúc lợi chung cho nhân quần xã hội với thái độ kiên cường.

    “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

    Đối với người Việt quốc gia, người trượng phu không phỉ báng nhau trong lời nói hay ác độc trong hành động. Phỉ báng, hành động ác hiểm chỉ là hạ sách.

    Trong các nước độc tài, giới lãnh đạo không có khả năng thuyết phục nên chỉ biết đàn áp. CS ra tay ác hiểm sẽ tạo nên ảnh hưởng dây chuyền, oan oan tương báo, dễ rơi vào mê lộ, tâm hồn sẽ bị xao xuyến, vì “cọp giết người cọp yên ngủ, người giết người  thức đủ năm canh”.

    Mỗi khi tâm động, thì con người thường mất bình tĩnh cũng như một khi đã nổi cơn điên thì “Người khôn hóa dại, người hiền hóa ngu”. Phản ứng vụng về, cơ hội thành công sẽ giảm bớt và rất dễ chuốc lấy thất bại.

    Bậc trượng phu thường lấy đức mà xử thế, lấy trí mà mở rộng tầm mắt nhân sinh, lấy nhân làm nguyên động lực thúc đẩy hành động.  “Nhân giả vô địch”, người có lòng nhân thì không ai thắng nổi, dễ giải hóa xung khắc nhằm xây dựng nhân quần xã hội.

    Sự xung khắc có thể do quan niệm lệch lạc về các về vấn đề xảy ra trong xã hội vì thiếu điều nghiên. Ông nói gà, bà nói vịt. Nhận chân thành giả, lộng giả thành chân, hụp lặn trong cõi vô minh.

    Mỗi khi con người nhìn sự đời, “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, thì rất dễ ngộ nhận, có khi biến bạn thành thù, biến thù thành bạn. “In the night, imagining some fear. How easy is a bush supposed a bear.” Câu chuyện thầy bói xem voi của Ấn độ hơn ba ngàn năm về trước đã là dụ ngôn thể hiện cái nhìn phiến diện về đời người, người ở đời và thế sự.

    Ngày nay, khi nghĩ về sự xung đột giữa chính, tà thì chúng ta thường nghĩ tà không thể thắng chính. Điều này được chứng minh rõ rệt qua lịch sử. Từ cuộc cách mạng vô sản năm 1917 tại Nga sô đến cuối thập niên 1980, có thể nói chế độ cộng sản chiếm gần ½ thế giới. Sau năm 1990 chỉ còn lại 4 nước cộng sản, vì bản chất duy vật của chủ nghĩa CS khiến cho con người mất dần nhân tính (humanity) và phát huy khía cạnh thú tính (animality). Chủ trương này đi ngược lại tiến trình nhân bản hoá của nhân loại, từ hoang dã đến văn minh. Thêm vào đó, CS không tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền là những quyền căn bản của nhân loại nên Chủ nghĩa CS dần dần bị đào thải.

     Nếu không có Hoa kỳ cứu giúp giải  phóng Á Châu trong đệ nhị Thế chiến  thì Trung hoa đến nay chưa chắc thoát khỏi ách cai trị của đế quốc Nhật. Thế mà Tàu Cộng vô lương tâm dùng phương pháp bá đạo nên thế giới cộng sản đã bị nhân loại ruồng bỏ, địa bàn hoạt động ngày càng bị thu hẹp. Chiến dịch dùng độc trùng Vũ Hán, nhằm tận diệt thế giới tự do, để bành trướng đế quốc cộng sản là chiến dịch tự sát khiến cho thế giới kinh tởm chủ nghĩa CS vô thần.

    Tại Hoa kỳ, sau cuộc Nam-Bắc phân tranh, ngày 19 tháng 11 năm 1863, Tổng Thống Abraham Lincoln đã tái xác nhận tại Gettysburg, PA: Quốc gia này, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, sẽ có một nền tự do mới - và chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, sẽ không lụi tàn khỏi trái đất. “This nation, under God, shall have a new birth of freedom -- and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.”

    Trong tinh thần đó, sau khi Nam quân đầu hàng, để thống nhất đất nước và hàn gắn những ran nứt do chiến tranh gây nên, Tổng Thống Abraham Lincoln không trách phạt hay trả thù Nam quân, mà còn ân xá, sáp nhập quân đội Miền Nam vào quân đội Miền Bắc, giữ quân hàm và mọi quyền lợi cho binh sĩ Nam quân thất trận.  Nghĩa cử cao cả nầy đã hàn gắn xung khắc Nam-Bắc và nhờ đó Hoa Kỳ tạo được một quân đội hùng mạnh nhất thế giới để bảo vệ tự do, dân chủ, phú cường cho đến ngày nay.

     Thấy người mà nghĩ đến ta. Hơn 100 năm sau, chiến tranh Nam-Bắc VN chấm dứt năm 1975. Bắc quân CS đã đối xử tàn tệ với Nam quân VNCH một cách man rợ đã thể hiện bản chất man rợ, lạc hậu của chề độ Công Sản Hà Nội. Cộng sản đã thống trị Miền Bắc từ năm 1954 và Miền Nam từ năm 1975 với lòng thù hận phi lý, vừa đánh chiếm vừa thống trị. Đánh chiếm miền Nam bằng bạo lực và thống trị bằng giáo mác. Đảng CS đối xử với đồng bào Viêt Nam như nô lệ vì quyền lợi đảng phái mà quên quyền lợi quốc gia, dân tộc, đồng thời đồng hóa vai trò đảng CS với nhà nước hay quốc gia, trái với dân tình và Thiên lý.

    Trong nỗ lực quang phục quê hương, người Việt Quốc gia chân chính có chung một mục tiêu tái lập tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, nhưng phương thức đấu tranh đôi khi dị biệt. Phương thức đấu tranh dị biệt không có nghĩa là mâu thuẫn hay tương khắc. Đường nào rồi cũng đến La Mã, miễn là các đoàn thể biết tôn trọng lẫn nhau.

    Chiến thuật, chiến lược có thể thay đổi, biến hóa linh động tuỳ hoàn cảnh và thời gian, nhưng tốt nhất là tránh áp dụng những phương thức bá đạo để tranh giành ảnh hưởng giữa các đoàn thể quốc gia.

    Hiện nay, cộng đồng Việt Nam hải ngoại có hằng ngàn đoàn thể lớn, nhỏ đang hoạt động thể hiện tinh thần “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Trải qua 48 năm thử thách, có đoàn thể cũ mai một, có đoàn thể mới xuất hiện. Nhiều người thành tâm biết chọn mặt gởi vàng, luôn nói lên lời công đạo.

    Thực ra, thì nhiều đoàn thể sinh hoạt thể hiện tinh thần tự do tư tưởng, tự do hội họp, trong các quốc gia dân chủ. Không có vấn đề độc quyền lập hội, để bóp nghẹt quyền tự do tư tưởng của người dân như chính sách của các nước độc tài cộng sản Bắc Hàn, Cuba, Tàu Cộng và Việt Nam.

    Các nước CS không xem hạnh phúc của người dân là quan trọng. Điều quan trọng đối với họ là thâu tóm tài nguyên quốc gia để làm gia sản cho cán bộ và đảng CS, để đảng có tài nguyên cai trị muôn đời, không bao giờ muốn thay đổi từ độc tài qua dân chủ.

    “Tài tụ tắc dân tán”. Không quân phân tài sản quốc gia cho toàn dân là một trong những nguyên nhân quần chúng chán oán ghét chế độ CS vô thần. Trong thập niên 1960-70, đảng CS Hà Nội ký thác vàng với giá hằng ngàn triệu Mỹ Kim tại nhà Bank ở Thụy sĩ để tài trợ chiến tranh xâm  lăng VNCH trong lúc đồng bào miền Bắc “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”.

    Cộng Đồng Viêt Nam tại Hoa Kỳ  không đồng nhất về tư tưởng bầu cho Cộng hòa hay Dân chủ thể hiện tinh thần tự do. Nhưng không vì thế mà sinh ra xung khắc, làm mất hoà khí và làm tiêu tán nội lực.

    Làm thế nào để hoà giải xung khắc  giữa hai phái ủng hộ Cộng Hòa và Dân Chủ? Việc này lớn đối với công dân Hoa Kỳ nên rất khó quản. Tuy nhiên, đối với khoảng hơn một triệu cử tri người Mỹ gốc Việt thì đa số tỏ ra thầm lặng, tu tại tâm.

    Tùy cách nhìn mà chúng ta có thể dĩ hoà vi quý trong việc ủng hộ hay phản đối.

    Nếu chúng ta chấp nhận sự ủng hộ CH hay DC là mục đích thì khó hoá giải.

    Tuy nhiên, nếu xem sự ủng hộ CH hay ĐC như là phương tiện giúp cho công tác đấu tranh để tái lập tự do, dân chủ cho Việt Nam, thì đa số cử  tri Việt Mỹ giữ  thái độ  thầm lặng không tranh cãi về vấn đề bỏ phiếu cho ai, đúng theo thủ  tục bỏ phiếu kín “ Secret vote”, để  duy trì tinh thần “Dĩ  Hoà Vi Quý”,

    Mỗi khi xem chính sách CH hay DC như là phương tiện thì chúng ta dễ ứng phó, linh động hơn, nên ít gây nên xung khắc.

    Nghĩa là chính sách nào phù hợp cho mục đích đặc thù mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam thì chúng ta lưu tâm hỗ trợ.

    Phản ứng của cử tri có thể giúp lượng định hành vi của các chính quyền hoạt động vì tư lợi đảng phái hay vì công ích.

    Nếu vì tư lợi cho đảng phái hay phục vụ các nhóm tư lợi (interest group) thì “Tài tụ tắc dân tán”, cử tri bổ trợ đảng cầm quyền sẻ phân tán.

    Ngược lại, nếu nhà cầm quyền vì công ích và phúc lợi chung thì “Tài tán tắc dân tụ”, cử tri bổ trợ  đảng cầm quyền sẽ hội tụ thêm lên.

    Tài đây chẳng những là tài vật mà còn là khả năng, tâm hồn, thiện chí, sự dấn thân của cử tri sẵn sàng chọn mặt gởi vàng.

    Những gì mang lại hữu ích chung nhân quần, xã hội, quốc gia, dân tộc là chính nghĩa như chính nghĩa xây dựng dân chủ cho Việt Nam.

    Dĩ hoà vi quý giữa người Việt Quốc gia trong sinh hoạt hằng ngaỳ để phục vụ chính nghĩa là niềm mong ước chung của tất cả chúng ta. Vì nếu muốn sống an cư lạc nghiệp, chúng ta phải đoàn kết để sẵn sàng đối phó với nghịch cảnh, đúng với châm ngôn “ Cư An Tư Nguy”

    Trước năm 1975, chúng ta đã không đối phó nỗi nghịch cảnh: Trong thì chia rẽ nội bộ, ngoài thì mưu tính của ngoại bang nên mất Miền Nam vào tay Cộng sản.

    Ngày nay CSVN manh tâm xâm nhập CĐNVQG hải ngoại, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp vừa nhẹ nhàng, vừa hợp lý, trong tinh thần bất bạo động (peer pressure):

    1-     Không cần thay đổi cơ cấu tổ chức các đoàn thể xã hội, cộng đồng, chính trị, vì có thể gặp phản ứng, và cần nhiều thời gian.

    2-   Nhưng cần cải tiến sinh hoạt của mọi tổ chức nhằm tạo sự đoàn kết, dĩ hoà vi quý trong nội bộ.

    3-   Để thực hiện hữu hiệu các chương trình sinh hoạt cụ thể nhằm bảo vệ an sinh cho thành viên, bằng cách:

    4-Nhận dạng (identify), cách ly (isolate) và truyền thông (communicate) cho nhau về các phần tử tỏ thái độ thân cộng, hay hoạt động cho CS:

    5- Qua lời nói như ca tụng VC, chê bai các đoàn thể chống cộng, các hành vi tham gia sinh hoạt do VC tổ chức trong sinh hoạt hằng ngày về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị, ...nên nói có sách mách có chứng để tránh sự hàm oan.

    6- Tại sao, chúng ta nói ông A, bà B là đảng viên Dân Chủ hay Cộng Hoà thì không sao mà nói đến CS thì bị phê bình, xa lánh… vì trong tâm tưởng của người bản xứ, quan niệm Công sản như là những phần tử phá hoại, xấu xa, . ….như luật định những ai hoạt động cho CS thì không đươc nhập tịch ….

    Luật lệ phản ảnh quan niệm về mức thang giá trị luân lý, xã hội, chính trị của mỗi điạ phương.

    7-Với các biến pháp nhẹ nhàng nêu trên, dần dần các phần tử thân cộng bị cô lập thì các chương trình sinh hoạt thân cộng tự nhiên thất bại và tan biến.

    8- Ghi nhận các dữ kiện, thông báo mật cho cơ quan an ninh (FBI 1-800-225-5354) về các “đặc vụ VC” có thể gây nguy cơ đến sinh mạng, tài sản như các “Đặc vụ Trung Cộng” đã bị FBI khám phá tại New York, trong năm 2023.

    9-Thực hiện châm ngôn: Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.

    10- Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu- Người mà không biết lo xa, tại hoạ ắt hẳn gần kề.

    Kính mong

    Trần Xuân Thời

     

     

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: SỐ ĐẶC BIỆT CHÀO MỪNG TẾT GIÁP THÌN KÍNH GIỚI THIỆU BÀI VIẾT : SỨ MỆNH VĂN HÓA CỦA TRẦN XUÂN THỜI Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top