TRẦN ĐÌNH PHƯỚC & GS TRẦN KHÁNH: NHỮNG THẦN TƯỢNG THỜI THƠ ẤU CỦA TÔI
TRẦN DÌNH PHƯỚC
Thần Tượng Thời Thơ Ấu
Của Tôi
Cựu Vô Địch Xe Đạp Nước
Rút Á Châu và Đông Nam Á
Trần Đình Phước
Kính dâng lên anh
hồn các cua rơ quá cố đã làm rạng danh môn đua xe đạp Việt Nam trên các thao
trường quốc tế. Kính tặng đến những ai đã từng một thời yêu mến môn đua xe đạp.
Mỗi người trong chúng
ta. Có lẽ ai cũng có một thần tượng để tôn thờ cho chính mình. Riêng tôi, cựu
vô địch xe đạp nước rút Á Châu tại Đông Kinh, Nhật Bản, và Đông Nam Á Vận Hội tại Ngưỡng Quang,
Miến Điện, năm 1961: “Cua rơ Nguyễn Văn Châu là Thần Tượng Thời Thơ Ấu của
tôi.”
Vào một buổi trưa cuối
tháng Bảy, năm 2014, trong chuyến về thăm gia đình ngắn ngày, tôi cố gắng dành
chút thời giờ thả bộ từ phía Cầu Kiệu đi về hướng chợ Tân Định. Thời tiết rất
nóng bức và khó chịu. Mới rảo vài bước mà quần áo đã ướt đẫm mồ hôi. Khi đi
ngang qua nhà bác sĩ Kính, bác sĩ chuyên trị về mắt trước năm 1975, tôi
tình cờ gặp một người đàn ông khoảng ngoài bảy mươi tuổi đang đứng trông chừng
xe cho khách trước tiệm “Bánh Tằm Bì 370 – Đặc Sản Bạc Liêu.” Tiệm này trước
kia là nhà của ông Lang Sách, chuyên bắt mạch, cho thuốc Đông Y gia truyền.
Sau vài giây định thần,
tôi hỏi ông ta: “Có phải ông là cua rơ Nguyễn Văn Châu đã từng làm rạng danh nền
đua xe đạp VNCH trước năm 1975 không?”
Ông ngạc nhiên hỏi
sao tôi lại biết tên ông ta. Sau đó, ông trả lời: Đúng! Chính ông là cua rơ xe
đạp Nguyễn Văn Châu. Nói xong ông mời tôi nếu có rảnh, dành chút thì giờ đến thử
thưởng thức đặc sản của tiệm do chính con trai thứ của ông làm chủ và trực tiếp
đứng nấu. Còn ông chỉ giữ nhiệm vụ coi chừng xe cho khách, để khách an tâm thưởng
thức và không sợ khi trả tiền xong đi ra ngoài tự nhiên thấy xe không cánh mà
bay thì “Buồn ơi! Chào mi!” Và mỗi khi quán cần mua thêm gì, ông liền xách xe đạp
phóng ngay ra chợ Tân Định gần đó để mua.
Đang đói bụng và thèm
một ly trà đá lạnh, nên tôi đi thẳng vào quán và chọn bàn cuối cùng ngồi. Tôi gọi
một tô Bánh Tằm Bì, vì tôi nghĩ chắc là món chiến lược của quán, và không quên
kêu thêm một ly trà đá lạnh.
Lúc này đã quá trưa,
quán chỉ có tôi là khách duy nhất. Ông đến ngồi bên cạnh tôi và nói: “Bao nhiêu
năm nay, ít có ai hỏi đến tên tôi.” Đây là lần đầu tiên có người nhắc đến tên
ông.
Tôi xin phép được gọi
ông bằng anh và cho biết hồi nhỏ tôi rất mê môn đua xe đạp, nhưng không theo đuổi
được, vì lý do sức khoẻ. Hôm nay gặp được ông, người mà tôi coi như thần tượng
lúc còn nhỏ, thật là một điều may mắn và bất ngờ đối với tôi.
Tôi hỏi anh:”Nếu có
thể, xin anh cho tôi được có vài câu hỏi.” Ông cười vui vẻ với cái miệng móm xọm
rất có duyên, rồi nói: “Em cứ tự nhiên. Anh sẵn sàng trả lời các thắc mắc của
em.”
– Hỏi: Anh
có thể cho em biết sơ lược qua về anh.
– Đáp: Anh
sinh ngày 24 tháng 8, năm 1940, tại Phú Nhuận – Gia Định. Gia đình gồm Ba
Má và sáu anh em, hai trai và bốn gái. Lúc đầu gia đình ở Phú Nhuận. Năm 1952,
dọn về Tân Định, hẻm 392 đường Hai Bà Trưng. Bên trái hẻm là tiệm chụp
hình Văn Hoa, kế bên có tiệm nhuộm Tô Hồng, Thuốc Lào Vĩnh Bảo. Bên phải hẻm có
Billards và Phở Vạn Lợi, sát bên có con hẻm nhỏ sửa giày dép và tiệm Cà
Rem Hoàn Kiếm.Trong hẻm có nhà Vũ Sư Nguyễn Thống và Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh
9. Nhìn sang bên kia là đường Nguyễn Văn Mai, có nhà thuốc Tây Trần Ngọc
Tiếng, tiệm than Tân Hồng Yến, Pháp Hoa Ngân Hàng, tiệm may Thái Lai, nhà
thuốc Bắc của ông Thần Bút.
Hồi nhỏ anh và em
trai theo học tại trường Hoà Bình, gần nhà thờ Đức Bà. Lúc mười hai tuổi thì
chuyển sang học trường LaSan Đức Minh. Còn các em gái thì theo học trường Thiên
Phước.
– Hỏi: Nguyên
nhân nào anh đến với môn đua xe đạp?
– Đáp: Lúc
đầu anh rất thích môn bóng tròn. Nhưng Ba anh nói “Con đá banh có một cẳng thì
chán lắm! Sao con không chọn môn đua xe đạp? Chơi môn này con có thể dùng cả
hai chân, hai tay và cả cái đầu” Thế là anh nghe theo lời ba anh
khuyến khích và đốc thúc. Anh tập đạp thử chiếc xe đạp cà tàng của ba anh.
Tình cờ, hai cua rơ
đàn anh là Trần Gia Thu và Trần Văn Nên thấy anh chạy có nét, nên khuyến khích
anh tập chạy đua nước rút. Hai đàn anh ra sức hướng dẫn một mầm non sẽ có nhiều
triển vọng trong tương lai.
Thấy con mình đam mê,
miệt mài tập tành. Thế là ba anh hy sinh bỏ ra một tháng lương để sắm cho anh một
con ngựa sắt chiến đấu vào thời đó.
– Hỏi: Khi
nào thì anh chính thức bắt đầu sự nghiệp đua xe? Chạy dưới màu áo nào?
– Đáp: Anh
bắt đầu chập chững chạy cho Đội Liên Hiệp Công Nhân lúc mười sáu tuổi. Năm sau
chạy cho Thủy Quân Lục Chiến. Năm 1959, vào lính thì chạy cho đội Quân Vận.
Trong thời gian này không có huấn luyện viên chính thức, mà chỉ có các đàn anh
dìu dắt đàn em. Cá nhân anh, lúc nào anh cũng kính trọng và thương quý hai đàn
anh: Trần Gia Thu và Trần Văn Nên về tư cách, đạo đức và nhất là hết lòng chỉ dạy
tận tình cho đàn em, mà không bao giờ than thở hay nặng lời.
– Hỏi: Xin
anh cho biết anh sử dụng xe đạp hiệu nào? Phụ Tùng thay thế khi cần thiết mua ở
đâu?
– Đáp: Anh
chạy xe đạp hiệu Bernard. Khi cần phụ tùng ngoại quốc của Ý, Pháp thay thế, thì
nhờ tiệm chuyên bán xe đạp và phụ tùng Đoàn Văn Thẩm, nằm trên đường Hai Bà
Trưng, đối diện với đường Yên Đổ và trường Trung Học Vạn Hạnh đặt mua giùm.
Mỗi lần tham dự cuộc
đua, thì trước đó vài ngày, anh phải tháo hết xe ra từng bộ phận, vô dầu mỡ cho
thật kỹ. Chạy thử tới, lui nhiều lần. Kiểm soát mọi bộ phận thật bảo đảm và chắc
chắn. Săn sóc chiếc xe còn hơn đứa con cưng của mình.
– Hỏi: Trong
cuộc đời đua xe đạp. Xin anh cho biết đã đạt được bao nhiêu thành tích.
– Đáp: Anh
không nhớ hết! Tuy nhiên, anh đã đoạt chín lần vô địch nước rút trong nước. Đặc
biệt, hai lần trong cùng năm 1961, mà cho đến bây giờ vẫn còn in đậm trong tâm
trí của anh.
Lần thứ nhất “Vô Địch
Nước Rút Á Châu” ở Đông Kinh. Trước khi đến Nhật Bản, anh chỉ vỏn vẹn có ba
ngày thực tập tại vòng chảo ở Huế rất thô sơ. Khi tới Tokyo với hơn bốn mươi
vòng chảo hiện đại hơn, anh thấy choáng ngợp, và hoàn toàn xa lạ nên cũng rất
lo lắng. Do đó, anh ra sức tập luyện ngay. Anh thầm nói: “Vì danh dự tổ quốc,
vì màu cờ sắc áo, vì đồng đội đặt nhiều tin tưởng, anh quyết tâm phải thắng cuộc
đua này bằng mọi giá.”
Và anh đã làm được điều
ước nguyện này, khi bánh xe đua của anh cán mức trước tay đua nổi tiếng của Nhật
Bản tên Yamamoto, trong cuộc đua nước rút 200 mét lòng chảo chỉ đường tơ,
kẽ tóc, với thời gian 11 phút 4 giây, khiến cả vận động trường nín lặng. Nhiều
người Nhật đã bật khóc, khi đứa con cưng của họ bị thua đau đớn, mà trước đó họ
tin rằng tấm “Huy Chương Vàng” chắc chắn sẽ nằm trong tay nước chủ nhà dễ dàng.
Lần thứ hai “Vô Địch
Đông Nam Á Vận Hội” tại Ngưỡng Quang – Miến Điện. Cuộc đua nước rút lần này
không phải chạy trên lòng chảo, mà chạy trên đường bình thường. Anh đã thắng
không mấy khó.
Vì đó là sở trường của
anh. Anh cười và nói thêm “Nghề của chàng mà em.”
– Hỏi: Xin
anh kể cho biết vài tên tuổi cua rơ nổi tiếng cùng thời với anh.
– Đáp: Thú thật,
bây giờ anh không thể nào nhớ hết! Có thể kể những cua rơ đàn anh có thành tích
như:
– Lê Thành Các với biệt
danh là Phượng Hoàng. Ông ta xuống đèo mà vẫn tiếp tục đạp hết tốc lực, dù
trong đêm tối, với bất cứ mọi thời tiết và những nguy hiểm có thể xảy ra.
– Ó đen Bùi Văn Hoàng
được xếp sau ông. Tiếp theo là Ngô Thành Liêm, Lưu Quần, Trần Văn Nên, Huỳnh
Anh, Trần Gia Thu, Trần Gia Châu, Trương Tỷ, Huỳnh Ngọc Chánh, Tô Hiếu Thuận,
Võ Vĩnh Thời, Nguyễn Hữu Thoại, Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Văn Kỉnh, Trần Hữu Tuấn…
Về hướng dẫn, dìu dắt và giúp đỡ hết mình cho phong trào đua xe đạp có Cựu Đại Tá Trần
Văn Xồi, các ông Phạm Văn Cự, Nguyễn Văn Tạo.
– Hỏi: Xin
anh cho biết lúc nào anh giải nghệ hẳn?
– Đáp: Sau ngày
30 tháng 04, năm 1975, anh vẫn còn tiếp tục đua xe đạp. Năm 1976, đoạt giải
nhì trong một cuộc đua chạy ra Vũng Tàu. Sau đó anh chuyển sang làm Huấn Luyện
Viên cho các đội: Cửu Long, Quận 3, Quận 5, Tân Bình, Quân khu 7. Có lúc phải
ra ngã bảy sửa xe đạp và môi giới mua bán xe đạp. Chiếc xe đạp đã làm nên tên
tuổi anh cũng phải bán để mưu sinh, mà thời giá lúc đó bằng giá trị chiếc xe
Honda. Về sau hai vợ chồng mượn vốn để chuyển sang bán “Bánh Tằm Bì” và các món
Đặc Sản Bạc Liêu.nằm trên đường Hai Bà Trưng, trước Billard Vạn Lợi, gần hẻm
nhà anh. Quán trang bị: hai chiếc bàn nhỏ, vài chiếc ghế bằng nhựa.
Sau này bị dẹp lòng lề
đường, nên hai vợ chồng anh thuê được căn nhà số 459B đường Hai Bà Trưng,
để mở tiệm. Tiền thuê hàng tháng rất cao, vì nằm trên địa điểm thuận lợi.
May mắn được thực khách thương quý anh đến ủng hộ rất đông. Vào buổi trưa
anh có nhiệm vụ giao thức ăn cho các văn phòng đặt cơm tháng. Lúc này anh
không còn vương vấn với nghiệp xe đạp, để tập trung cho việc giúp con anh buôn
bán.
– Hỏi: Hiện
nay tình hình kinh tế gia đình anh thế nào?
– Đáp: Anh
im lặng trong chốc lát và cho biết: “Thoi thóp qua ngày nào, mừng ngày đó em
ơi!” Sức khoẻ càng ngày càng yếu đi vì đủ thứ tật bệnh của tuổi già. Hiền
thê của anh chẳng may mất đột ngột lúc vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, khi viếng thăm
người em. Một trong ba người con trai ra đi vì tai nạn giao thông. Hiện còn hai
con trai đều đã lập gia đình. Con trai lớn đang hành nghề tài xế và con trai thứ
đang làm chủ cửa hàng ăn uống mang tên “Bánh Tằm Bì 370.” Hiện anh sống cùng với
người con thứ ở căn nhà, hẻm 392 và phụ giúp con anh trông coi tiệm.
Tôi xin lỗi anh vì đã
đặt câu hỏi làm khơi lại nỗi buồn của anh. Bắt tay xin chào từ giã anh. Bước
chân ra khỏi tiệm mà trong lòng nặng trĩu. Tràn dâng lên một nỗi buồn cho một
nhân tài đã từng một thời lừng lẫy. Cơn mưa bất chợt cùng lúc xuất hiện, càng
làm tôi thấy thương mến anh hơn. Tôi hứa sẽ cố gắng viết vài hàng về anh và xin
được trân trọng giới thiệu cùng bà con khắp nơi “Bánh Tằm Bì 370” với các món Đặc
Sản Bạc Liêu. Địa chỉ số 459B, đường Hai Bà Trưng, phường 8,
Quận Ba, Sài Gòn.
Nếu ai còn quý mến
anh. Người đã tạo nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử đua xe đạp nước
nhà, mà từ trước đến nay chưa có cua rơ Việt Nam nào thực hiện được. Anh đã làm
đã làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên các thao trường quốc tế.
Xin bà con hãy đến ủng
hộ tiệm ăn của con trai anh, với các món ăn đặc sản quê hương của miền sông nước
Bạc Liêu. Thức ăn ngon miệng, giá cả vừa phải và tiếp đón lịch sự. Thực khách sẽ
có dịp chuyện trò, hàn huyên với nhà vô địch, thể tháo gia tên tuổi đã từng làm
say mê giới trẻ yêu xe đạp vào đầu thập niên sáu mươi, bảy mươi. Chúng ta sẽ
cùng anh nhắc lại một thời để nhớ và không bao giờ quên.
Xin được chào anh:
“Cua Rơ Vô Địch Nước Rút Nguyễn Văn Châu.” Người con yêu của vùng đất hiền hoà
Tân Định và Đa Kao. Thần tượng của nhiều người yêu môn đua xe đạp, và cũng là
thần tượng thuở còn ấu thơ của riêng tôi.
Trần Đình Phước
(San José,
California)
Thần Tượng Thời Thơ Ấu Của Tôi Cựu Vô Địch Xe Đạp Nước Rút Á Châu và Đông Nam Á
khanh tran <ertrankhanh@yahoo.com>
Anh Phước ơi,
“Eureka! Eureka!”
Đào đúng mạch “Kho
Vàng Sầm Sơn” của anh rồi!
Đã quá! “You are Số
1 La Mã! Số dzách Ba Tàu! Number 1 U.S.A.! Uno Spanish! Formidable Francais!”
Những “Thần Tượng Thời
Thơ Ấu” của anh, cũng là của tôi thuở còn trẻ, của những năm 1953-1975!
Đọc những bài anh viết,
cả một bầu trời quá khứ thuở đó quay về, nào là những cái tên nghe thân quen, đã
nằm sâu trong ký ức từ lâu: cua rơ Nguyễn Văn Châu, Lê Thành Các, Trần Gia Thu,
Trần Văn Nên…rồi tôi liên tưởng đến những lực sĩ của các môn thể thao khác, như
thủ môn đá banh Phạm Văn Rạng “Đệ Nhất Thủ Môn Á Châu - biệt danh Lưỡng Thủ Vạn
Năng,” có hai bàn tay bắt banh dính như keo “Super Glue,” lực sĩ bơi lội Phan Hữu
Dõng…
Thuở đó, Đệ Nhất và Đệ
Nhị Việt Nam Cộng Hòa của mình, một mặt lo kiến thiết quốc gia, một mặt bận rộn
lo chống làn sóng đỏ đang lan tràn, mà tội nghiệp, cũng gắng sức đi góp mặt với
cộng đồng quốc tế, bằng cách gởi các phải đoàn lực sĩ đi tham dự các Thế Vận Hội.
Tôi nghe còn văng vẳng bên tai, những buổi tưởng thuật trên đài phát thanh, các
cuộc tranh tài của các lực sĩ ở các Thế Vận Hội, mà Việt Nam Cộng Hòa có mặt
tham dự:
- Melbourne, Úc, 1956
- Rome, Ý, 1960
- Tokyo, Nhật, 1964
- Mễ Mexico, 1968
- Munich, Tây Đức,
1972
Đặc biệt, ở Thế Vận Hội
1972 này, có hai biến cố làm chấn động thế giới là: 11 lực sĩ Do Thái bị nhóm
khủng bố Palestine thảm sát, và lực sĩ bơi lội Mark Spitz của Mỹ, tạo kỷ lục vô
tiền khoáng hậu, đoạt 7 huy chương vàng.
Lan man, được anh tạo
cho cảm hứng, rồi “dây chằng mối rễ, đầu cua tai nheo” tôi tuôn ra, dễ chừng
như không thể ngừng lại được, nếu không vì sợ làm phiền lòng và mất thời giờ của
anh em.
Quá khứ ơi, xa mãi tận
bao giờ?!