728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    Trần Đình Phước Một ngày đáng nhớ với ‘Quái kiệt’ khẩu cầm Tòng Sơn & Mùa Lễ Tạ Ơn - Nhớ Ơn Người Bảo Trợ

     Trần Đình Phước Một ngày đáng nhớ với ‘Quái kiệt’ khẩu cầm Tòng Sơn & Mùa Lễ Tạ Ơn - Nhớ Ơn Người Bảo Trợ

    Một ngày đáng nhớ với ‘Quái kiệt’ khẩu cầm Tòng Sơn

    Trần Đình Phước

    Người Việt Nam nào yêu và biết về khẩu cầm (Harmonica) đều hay nhắc đến một nghệ sĩ tài danh, nổi tiếng sử dụng loại nhạc cụ này một cách tuyệt vời mà từ xưa đến nay “có một không hai” – đó là nghệ sĩ khẩu cầm Tòng Sơn – người được Trung Tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam công nhận là “Người Có Phong Cách Biểu Diễn Khẩu Cầm Độc Đáo Nhất Việt Nam.” Ông vừa qua đời hôm 12 Tháng Sáu, 2022, tại Sài Gòn, hưởng dương 92 tuổi.

    Ông có tài đặc biệt vừa thổi khẩu cầm, vừa ăn chuối và vừa uống bia. Do đó, ông còn được biết với một nghệ danh khác là “Quái kiệt” Tòng Sơn. (Hình: Facebook Hà Đình Nguyên)

    Khẩu cầm (Harmonica) là một loại nhạc cụ nhẹ, dễ di chuyển và rất quen thuộc trong các buổi sinh hoạt ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ mọi hoàn cảnh nào, nhất là trong sinh hoạt lửa trại của Hướng Đạo. Nghệ sĩ Tòng Sơn đã gắn bó với cây khẩu cầm gần 70 năm. Ông biểu diễn trên khắp mọi miền đất nước. Những lần lưu diễn ở nước ngoài, ông được khán giả thưởng ngoạn khâm phục, nhiệt liệt ca tụng, tán thưởng. Ông có tài đặc biệt vừa thổi khẩu cầm, vừa ăn chuối và vừa uống bia. Do đó, ông còn được biết với một nghệ danh khác là “Quái kiệt” Tòng Sơn.

    Do một sự tình cờ và may mắn tôi đã có dịp gặp gỡ ông

    Tôi nhớ, hôm đó là sáng Thứ Hai 19 Tháng Sáu, năm 2006. Khi ngồi uống cà phê một mình tại quán bà Chi cũ, số 5 Nguyễn Phi Khanh, Đa Kao, thì nghe ba thanh niên ngồi kế bên nhắc tên nghệ sĩ Tòng Sơn. Họ dự định sẽ đi thăm ông vào cuối tuần. Nhân cơ hội này, tôi hỏi họ số điện thoại và nơi ông đang ở. Họ thắc mắc tại sao tôi lại hỏi, thì tôi nói tôi rất ái mộ ông, rất mong được gặp mặt ông nhưng không biết ông ở đâu. Thế là họ vui vẻ cho tôi địa chỉ và số điện thoại của nghệ sĩ Tòng Sơn.

    Sau khi uống ly cà phê xong, tôi gọi nghệ sĩ Tòng Sơn theo số điện thoại được cho. Đầu dây bên kia có tiếng trả lời là Tòng Sơn. Tôi vội vàng nói, tôi là một khán giả từ lâu ái mộ ông và xin phép được đến thăm ông. Sau khi chờ vài giây, ông trả lời đồng ý và cho biết chỉ gặp ngay trưa nay, vì sau đó ông có học trò đến nhà học và tối phải đi biểu diễn cho một đám cưới tổ chức tại một nhà hàng ở quận 3.

    Thời tiết Sài Gòn giữa trưa Tháng Sáu khi mưa, khi nắng bất chợt. Ngồi trên chiếc xe đạp cọc cạch. Tôi đạp đến cổng xe lửa số 6, nằm trên đường Trương Minh Giảng cũ mà mồ hôi ra nhễ nhại ướt đẫm cả sơ mi. Tạm nghỉ vài phút cho bớt mệt, sau đó quẹo phải khoảng 200 mét. Tôi phải vác xe đạp băng qua đường rày, gặp một cái chợ nhỏ đang nhóm ồn ào có tên cũ là chợ Ga, tên mới là Trần Hữu Trang.

    Gửi xe đạp xong, tôi hỏi thăm mấy người bán hàng rong trước chợ về nghệ sĩ Tòng Sơn, nhưng không ai biết. Cuối cùng, có một bác lớn tuổi dắt tôi đến số nhà 86/9. Bác nói “ông Tòng Sơn đang ở đây.” Đó là một căn nhà bằng ván, lợp tôn rất ọp ẹp. Nhìn thấy phía dưới nhà có một phụ nữ đang ngồi đạp máy may. Tôi nói với cô về lý do tôi tìm đến đây. Cô chỉ tay lên trên cái gác lửng nhỏ và nói chú ấy thuê đã nhiều năm nay, nói tôi cứ tự nhiên bước thang lên gác. Hình như chú đang đợi người nào đó…

    Khi bước lên tới gác, nghệ sĩ Tòng Sơn bắt tay tôi, rồi ân cần mời ngồi xuống sàn gác vì “phòng” không có ghế. Ông hỏi tôi làm sao biết ông ở đây mà tìm đến. Tôi trả lời là do một sự tình cờ nên hôm nay được gặp ông. Tôi thấy mình quá may mắn và rất mãn nguyện vì ngay từ thuở thơ ấu, tôi rất mê xem ông thổi khẩu cầm, ước ao được gặp một lần. Nay, tôi đã có duyên lành được hàn huyên với ông, xin phép được gọi ông bằng anh và hỏi ông những điều tôi ấp ủ lâu nay. Nghệ sĩ Tòng Sơn đồng ý với yêu cầu “chỉ hỏi những gì liên quan đến harmonica.”

    Cuộc bén duyên với Harmonica

    Buổi hàn huyên giữa người nghệ sĩ thổi khẩu cầm và tôi – một người ái mộ tài năng của ông bắt đầu với câu chuyện đời ông và sự cuộc bén duyên với Harmonica.

    Tên thật của nghệ sĩ Tòng Sơn và Dương Ngô Tòng. Ông sinh ra ở Vĩnh Long, năm 1930. Nghệ danh Tòng Sơn là do ông ghép tên thân phụ đứng sau tên ông. Năm 15 tuổi, ông nhặt được cây harmonica do ai đó đánh rơi. Ông tìm hiểu nó, nghêu ngao hàng ngày với cây kèn mà hoàn toàn không biết một tí gì về nhạc lý và cách sử dụng. Sau này, được ông anh bà con biết một chút về Harmonica và nhạc lý hướng dẫn, nên ông làm quen dần và có thể thổi vài bản nhạc đơn giản.

    Năm 20 tuổi, nghệ sĩ Tòng Sơn rời bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc này, khả năng thổi khẩu cầm của ông đã tiến bộ hơn nhiều. Ông có thể chơi những bản nhạc khó và phức tạp hơn. Bạn bè thấy vậynên đã khuyến khích ông tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ và sử dụng nhạc cụ do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức. Kết quả, chàng trai Dương Ngô Tòng chiếm giải nhất về sử dụng nhạc cụ. Kể từ đó, duyên nợ giữa ông và khẩu cầm bắt đầu.

    Ông mang kèn đi biểu diễn trong các chương trình đại nhạc hội, nhà hàng, đám cưới và lưu diễn khắp nơi, kể cả một số nước ở Đông Nam Á. “Có nhiều chỗ anh được trả cát sê rất cao,” ông nói với tôi.

    Nhớ lại những bài đã đưa ông đến gần với khán giả mộ điệu, ông kể một loạt ca khúc Việt lẫn ngoại quốc như: Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Tôi Đưa Em Sang Sông của Y Vũ và Nhật Ngân, Đồng Xanh (Greenfields-The Brothers Four) Bésamé Mucho, Tình Ca Du Mục, Cách Bướm Vườn Xuân.

    Có một kỷ niệm nhỏ trong nghề được ông nhớ lại. Một lần, nghe phần đệm nhạc bằng harmonica trong phim “The Good,The Bad and The Ugly,” ông rất thích và cố gắng bắt chước cho bằng đuợc. Ông phải bỏ ra rất nhiều thời gian tập luyện. Khi trình diễn trước công chúng lần đầu tiên, mọi người đón nhận và rất yêu thích bản “cover” nhạc phim đó.

    Nghệ sĩ Tòng Sơn tự nhận mình là một nghệ sĩ luôn trân trọng khán giả. Khi có dịp xuất hiện trước mặt họ, ông luôn luôn trau chuốt, trang phục chỉnh tề và lạ mắt. “Anh đã bỏ ra nhiều tiền để mua sắm, may quần áo hợp thời trang ở những tiệm may nổi tiếng của Sài Gòn để có một dáng bên ngoài hấp dẫn, ngõ hầu khán giả đã ái mộ, càng ái mộ anh hơn,” ông nói.

    Tôi hỏi ông ước mơ lớn nhất của ông là gì? Nghệ sĩ khẽ đáp: “Anh chỉ có một ước mơ duy nhất là ơn trên cho anh có sức khoẻ tốt để được đến với khán giả lâu dài. Ngày nào còn thở là ngày đó anh còn cầm cây Harmonica đứng biểu diễn trước khán giả. Giống như kiếp tằm phải nhả tơ.”

    Không chỉ nổi tiếng với tài thổi Harmonica có một không hai, mọi người còn biết ông là người sở hữu nhiều loại khẩu cầm trên thế giới. Ông không ngần ngại mang bảo vật cho tôi chiêm ngưỡng. Ông lấy từ tủ quân áo ra một cái va-li Samsonite nhỏ đã cũ trong đó chứa cả mấy chục cây kèn. Có lẽ đây là gia tài lớn nhất của người nghệ sĩ thổi khẩu cầm có được trong căn gác ọp ẹp này, hoặc là trong cả đời ông.

    Ông cầm cây kèn Harmonica chỉ có một lỗ khoe với tôi: “Đây là cây kèn rất hiếm mà anh quý nhất. Đã có một người chuyên môn sưu tầm Harmonica trả giá rất cao, nhưng anh nhất định không bán, dù đang gặp hoàn cảnh khó khăn.”

    “Anh rất quý những cây kèn này. Anh coi chúng như là những đứa con tinh thần, luôn luôn nâng niu, giữ gìn thật kỹ lưỡng. Sau mỗi lần đi biểu diễn về, anh đều lau chùi sạch sẽ và để chúng trở lại trong va-li,” ông nói giới thiệu cho tôi từng cây một, nói vanh vách giá trị và xuất xứ của nó.

    Hình: Trần Đình Phước

    Nhìn gia tài Harmonica đồ sộ của ông, tôi biết là ông đã bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc, công sức và đi nhiều nơi mới có thể sưu tầm được. Tôi đang mải mê ngắm nhìn các bảo vật của ông, chợt nghe ông nói: “Nếu em thích bất cứ cây kèn nào trong va-li này, trừ cây kèn một lỗ thì anh sẽ tặng em để làm kỷ niệm.” Quá bất ngờ trước tấm lòng của ông, tôi đắn đo, bối rối không biết phải nói gì. Thấy tôi im lặng, ông ân cần nói: “Em đừng ngại. Đây là xuất phát từ tấm lòng của anh đặc biệt dành cho em. Dù em và anh chưa hề quen nhau, chưa hề một lần gặp mặt, nhưng khi vừa tiếp chuyện với em là anh đã có cảm tình liền. Anh cứ tưởng chừng như anh em mình quen biết nhau đã lâu.”

    Tôi chọn cây kèn Suzuki 24 lỗ Made in Japan nằm trong hộp. Anh nói với tôi: “Cây kèn này, anh phải lựa đi, lựa lại, thử tới, thử lui cả mấy chục cây mới mua được. Nay em thích thì anh tặng em để làm kỷ niệm cho buổi gặp gỡ bất ngờ này. Từ xưa tới nay, anh chưa bao giờ tặng cho bất cứ ai hết!” Sau đó, anh lấy Permanent Ink Marker ký tên trên hộp kèn và trao cho tôi.

    Tác giả và nghệ sĩ Tòng Sơn. (Hình: Trần Đình Phước)

    Người nghệ sĩ mà tôi ngưỡng mộ từ nhỏ tận tình chỉ tôi cách cầm kèn, hít thở, giữ hơi và một số kinh nghiệm về khẩu cầm mà ông có được. Chưa hết, ông còn tặng tôi những đứa con tinh thần khác, đó là các CD và DVD của ông. Nghe ông nói, đây là hoài bão mà ông đã ấp ủ nhiều năm mới thành hình.

    Cuộc hàn huyên bị cắt ngang bởi tiếng ồn ào dưới chân cầu thang, tôi đoán là học trò của ông đã tới. Không dám ngồi thêm lâu, tôi xin phép ra về, cũng xin được tặng anh chút quà tôi đã chuẩn bị và mang theo.

     ***

    Mùa Lễ Tạ Ơn - Nhớ Ơn Người Bảo Trợ

    ·       Trần đình Phước

     Hình minh họa do tác giả cung cấp

    Tác giả tên thật Trần Đình Phước, Sanh năm 1947, Cựu Trung Úy  Không Quân VNCH. Đến Mỹ 10-1992. Danh sách HO-13. Hiện đang sống tại San Jose.

    ***

    Uống nước nhớ nguồn

    Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

    (Tục Ngữ)

    Xin nhắn với những ai được người bảo trợ đứng ra làm hồ sơ bảo lãnh đến Hoa Kỳ, đừng bao giờ nghĩ rằng người bảo trợ sẽ được giảm thuế, được hưởng nhiều quyền lợi của chính phủ khi đứng ra bảo trợ mình. Do đó, xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, đưa đến oán hận người bảo trợ và không còn nhìn mặt nhau.

     Với tôi, người bảo trợ phải có tấm lòng nhân hậu. Họ và gia đình phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức, chưa kể là vật chất để cưu mang mình khi vừa đến vùng đất mới.

    Nếu như ai đó đã hiểu lầm. Bây giờ, nên ngỏ lời xin lỗi người bảo trợ. Cho dù là muộn màng.

     Thời gian trôi qua nhanh quá! Thấm thoát mà gia đình tôi định cư ở San José, Bắc Cali, thung lũng hoa vàng, thủ phủ của tình thương, Silicon Valley đã hơn ba mươi mốt năm (Gia đình tôi đến San Jose ngày 29 tháng 10, năm 1992 ). Nếu không có người bảo trợ (Sponsor) thì có lẽ giờ này gia đình tôi đang sống ở một tiểu bang xa xôi, hẻo lánh, ít đồng hương Việt Nam, không được thưởng thức các hàng quán với các món ăn thuần túy Việt Nam, không được tham gia các sinh hoạt cộng đồng, hướng đạo, chùa chiền, nhà thờ, chợ Tết và nhiều hoạt động khác vì gia đình tôi không có ai ở Mỹ. Lúc đó, bà con gọi trường hợp này là nộp đơn đi định cư theo diện “HO Đầu Trọc, hay diện HO con Bà Phước”, có nghĩa là hồ sơ hoàn toàn không có thân nhân hay hội đoàn nào đứng ra bảo lãnh. May mắn, một niên trưởng Không Quân đang định cư ở San José đã đứng ra làm thủ tục bảo trợ cho gia đình tôi. Đó là cựu Thiếu Tá KQ Nguyễn Văn Phẩm, mà do một sự tình cờ tôi được quen anh và từ đó kết nghĩa Anh Em như ruột thịt.

     Giữa anh và tôi hoàn toàn không có bất cứ quan hệ thân thuộc hay bà con gì hết! Anh gặp tôi giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972. Thời gian này tôi đang phục vụ tại Trung Tâm 2 Kiểm Báo, KBC 6526, Sơn Trà, Đà Nẵng, mà hàng ngày được ngắm đỉnh núi Sơn Trà thường bị sương mù phủ trắng, nhìn những con suối nhỏ róc rách chảy theo triền núi, làm bạn với đàn khỉ lốm đốm ba, bốn màu trên mình mà dân địa phương gọi là con Vá Hoàng, thường chào đón những trận bão lớn và những cơn mưa dầm dề, có khi kéo dài lê thê nhiều ngày vào những tháng cuối năm.

     Tuy nhiên, ở đây vào những tháng hè thì rất hữu tình, với hoa Sim Tím và bông Trang Đỏ nở ngút ngàn dọc theo hai bên sườn núi. Có thể kể thêm các loài chim thú như: heo rừng, kỳ đà, rắn, bìm bịp… chưa kể, câu bắt được những con cá Chình và cá Chép rất to vì chúng sống lâu năm ở những vực sâu của các con suối. Trung Tâm 2 Kiểm Báo là khu vực quân sự, nên tuyệt đối cấm người lạ mặt xâm nhập. Do đó, chỉ những quân nhân phục vụ trong đơn vị mới có thể câu bắt. Mỗi lần muốn tổ chức như thế, chúng tôi phải đợi NT Dupont không có mặt ở đơn vị thì lúc đó mới dám thực hiện.

     Khi phu nhân NT biết được. Bà khuyên anh em đừng làm chuyện này nữa! Sát sanh những con vật vô tội làm gì! Hãy để cho chúng được sống bình yên với môi trường thiên nhiên. Còn như muốn ăn uống hay tiệc tùng gì cứ nói với bà một tiếng, bà sẽ sẵn sàng giúp. Phải công nhận về tài nữ công gia chánh của bà. Những buổi tiệc lớn của đơn vị đều đích thân bà đứng ra lo liệu cùng vài chị ở khu gia binh phụ một tay là xong ngay, không cần phải thuê người bên ngoài đến nấu, vì thế đơn vị tiết kiệm rất nhiều,

     Vào một buổi chiều, sau khi xong phiên trực từ trên núi Sơn Trà theo xe GMC xuống, tôi lững thững đi về cư xá độc thân dành cho Sĩ Quan thì gặp một người dáng nhỏ nhắn, mặt có nét đôn hậu, nước da ngăm đen đang đi bộ dọc theo hành lang cư xá. Anh chào tôi với giọng miền Nam nhỏ nhẹ và gìới thiệu tên anh và đơn vị anh phục vụ là Phòng Điều Hành Không Vận thuộc Bộ Chỉ Huy hành Quân Không Quân (Tactical Air Command Center). Sau đó, tôi cũng giới thiệu đôi nét về tôi cho anh biết.

     Hoá ra, anh cùng theo học khóa Tham Mưu ở Nha Trang với chỉ huy trưởng của tôi là Niên Trưởng Dupont Nguyễn Cầu mà quân nhân trong đơn vị đều thương quý, kính trọng ông ở tư cách, đạo đức và tài lãnh đạo chỉ huy. Anh có nửa tháng thực tập và viếng thăm Sư Đoàn 1 Không Quân. Nhân tiện, Niên Trưởng Dupont mời anh ghé thăm Trung Tâm 2 Kiểm Báo Sơn Trà, tức Panama hay Monkey Mountain.

     Những ngày ở Sơn Trà anh và tôi có nhiều dịp trò chuyện, tâm sự. Hôm nào xuống phiên trực, tôi mượn Honda chở anh ra phố Đà Nẵng thưởng thức những món ăn của địa phương này. Đà Nẵng có rất nhiều hàng quán ngon như: bánh xèo, bánh khoái trên đường Lê Đình Dương với nước chấm đặc biệt, nhà hàng Thời Đại trên đường Độc Lập, đối diện nhà thờ Giáo Xứ Chính Toà Đà Nẵng, hay Nhà Thờ Lớn Đà Nẵng, hủ tiếu Mỹ Tho trên đường Nguyễn Thị Giang, nhìn sang bên kia đường là sân vận động Quang Trung, quán ăn nghệ sĩ của Hoạ Sĩ Mùi và thêm vài nơi khác nữa! Tuy nhiên, anh cho biết thích nhất là được thưởng thức món Bún Bò Bà Đào vì tô bún ở đây có hương vị đậm đà, không có nơi nào sánh bằng. Đặc biệt, món giò móng và ớt ngâm giấm tuyệt chiêu.

     Một lần, vào cuối tuần anh và tôi đi tắm biển Mỹ Khê. Anh lội rất giỏi vì trưởng thành từ sông Vàm Cỏ Tây, nên không cần mang phao. Còn tôi xuất thân từ cầu Kiệu, cầu Công Lý, cầu Trương Minh Giảng, cầu Bông và cầu Xa Lộ, nên cần phải đeo phao cho chắc ăn. Anh cứ thích bơi ra xa và kéo tôi theo.Tôi thì sợ chết. Anh nói với tôi trong khi bơi, nếu em có chuyện gì xảy ra anh sẽ đền. Tôi rất run, lỡ chẳng may bị chết chìm thì làm sao anh có thể đền mạng anh cho gia đình tôi được. Năn nỉ lắm anh mới đưa tôi vào gần bờ, chê tôi nhát gan, sau khi đã cho tôi uống một bụng nước biển kèm theo nước mắt, nước mũi chảy ràn rụa.

     Sau gần hai tuần vui chơi, thưởng thức các món ăn đặc biệt và thăm thú những địa danh chung quanh Đà Nẵng. Khi chia tay, anh cho tôi địa chỉ và căn dặn khi nào có dịp đi phép về Sài Gòn nhớ ghé nhà anh ở gần chợ Cây Quéo, nằm trên đường Ngô Tùng Châu, Gia Định để anh giới thiệu với vợ con anh một đứa em mà anh cho là dễ thương đã gặp bất ngờ trong chuyến công tác ngoài Trung.

     Ngày 27 tháng 01, năm 1973 là ngày hiệp định Paris chính thức thi hành, tôi được thuyên chuyển về Sài Gòn. Lúc này, tình huynh đệ giữa anh và tôi càng thêm bền chặt. Anh thường rủ tôi về quê nhà anh ở Xã Khánh Hậu, Long An thăm má anh và bà con. Anh còn hỏi tôi có muốn làm rể ở đây thì anh sẽ mai mối em cháu của anh cho tôi. Có lẽ anh không mát tay, hoặc tôi không có duyên lành với mảnh đất Long An phì nhiêu, hiền hoà, nên mọi giới thiệu của anh đều như nước đổ lá môn?

     Cần viết thêm Xã Khánh Hậu có Lăng thờ Cụ Nguyễn Huỳnh Đức. Ngài là một danh tướng và là công thần khai quốc nhà Nguyễn. Xã Khánh Hậu có thể nói là nơi điện khí hoá đầu tiên ở miền Nam. Con cháu được Ngài phù hộ, nên học hành và làm ăn hầu hết đều thành công. Hằng năm, dân chúng trong xã đều tổ chức lễ Giỗ Ngài. Vào dịp Tết đến, anh cũng hay rủ tôi về quê chung vui với gia đình và bà con của anh. Hai anh em chở nhau trên chiếc Vespa mini màu xanh nước biển của anh. Nhân dịp này được thưởng thức cảnh đẹp của đồng quê với hai bên đường những cánh đồng xanh mướt và các nông phu đang làm ruộng.

     Có lần anh tâm sự với tôi, ba anh mất sớm, một mình má anh buôn bán tảo tần ở chợ Long An, hy sinh nuôi ba đứa con trai ăn học đều nên người. Anh lớn nhất đang làm Bác Sĩ ở Bệnh Viện Tây Ninh, cậu em tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm là Giáo Sư Đệ Nhị Cấp ở Long Xuyên, còn anh là Sĩ Quan cấp Tá của KQ/VNCH.

     Tình nguyện nhập ngũ vào khoá 60 SVSQ/KQ Phi Hành cùng khoá với các Niên Trưởng  Dan HB, Đỗ VH… Anh không đi du học Hoa Kỳ mà theo học khoá Quan Sát ở Nha Trang. Khi mản khoá, anh được đổi ra phục vụ ở Phi Đoàn Thiên Phong 110, Đà Nẵng. Tại đây lập gia đình với một thiếu nữ ở phường Tam Toà. Chị có nét lai Pháp và xinh xắn. Anh chị có tất cả ba người con gồm: con gái đầu lòng và hai con trai.

     Vài ngày trước biến cố 30 tháng 04, năm 1975, có điều kiện và phương tiện di tản, nhưng anh và vợ con ở lại vì chữ hiếu không nỡ bỏ lại người Mẹ già đau yếu đã suốt đời hy sinh cho các con. Hệ quả, anh phải trả một giá quá đắt là hơn mười năm tu nghiệp ở Đại Học Máu (tựa tùy bút của nhà văn Hà Thúc Sinh.)

     Khi được cho về. Anh và tôi thường hàn huyên bên ly cà phê đắng ở vỉa hè, cà phê Thái Chi cũ, số 5 đường Nguyễn Phi Khanh, Phường Đa Kao, Quận Nhứt. Trong khi ngồi tâm sự, anh nói với tôi bằng mọi giá anh phải ra đi. Anh không thể nào nhìn vợ con nheo nhóc, việc học hành của các con anh dang dở vì lý lịch, còn anh sẽ tàn phai theo thời gian và mọi thứ bế tắc ở cuối nẻo đường hầm. Phải đi mới có thể cứu vớt được gia đình. Còn không thì sẽ cùng nhau chết chùm. Anh muốn rủ tôi đi, nhưng tôi không có điều kiện, vì lúc đó ba má tôi và anh em tôi đang gặp khó khăn trăm bề, không đủ ăn thì lấy gì lo đến chuyện đi đứng. Nên anh đành đi một mình.

     Trong thời gian tìm đường đi. Anh kiếm chỗ học cách nấu phở, hớt tóc, sửa đồng hồ, làm chìa khoá..., để thủ thân, hy vọng khi tới vùng đất mới có dịp hành nghề mưu sinh. Ngoài ra, anh đến hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm tập bơi để có thể lực tốt khi hữu sự có thể dùng đến. Chính nhờ biết bơi giỏi, nên anh đã thoát hiểm trong đường tơ, kẽ tóc về sau này.

     Anh đã nhiều lần tìm mọi cách vượt biên. Bị gạt, bị bể, có vài lần suýt ở tù, nhưng anh vẫn không hề nao núng, hay nản chí bỏ cuộc. Anh đã mất rất nhiều tiền trong chuyện đi đứng này. Chuyến cuối cùng coi như đã cạn láng. Anh không còn gì hết! Cũng may, có một người bạn chịu ơn anh hồi xưa giúp anh trả chi phí cho chuyến đi này. Nếu lần này không thoát là coi như sẽ không còn cơ hội nào khác!

     Anh cho biết trong chuyến đi có nhiều người bị kẹt lại vì giờ chót nước ròng, ghe nhỏ (Taxi) không vào bờ đón được bà con như nhóm tổ chức đã dự tính, nên họ yêu cầu ai biết bơi thì bơi ra ghe lớn (Cá Lớn) đang chờ ở ngoài xa, còn ai không biết lội thì hãy tìm đường tẩu thoát ngay. Nếu còn do dự, chần chờ ở lại thì chắc chắn sẽ bị công an địa phương tới bắt. Riêng, anh và vài người khác nhờ biết lội, nên đã leo lên được ghe lớn chỉ vài phút trước khi ghe khởi hành. Chuyến đi may mắn, nên sau hơn nửa tháng lênh đênh trên biển, ghe cạn xăng dầu, hết lương thực và mấy lần bị cướp biển. Cuối cùng, ghe đã an toàn cặp vào được Đảo Pulau Bidong (Malaysia).

     Tạm trú ở đây khoảng gần mười tháng, anh được phái đoàn Hoa Kỳ phỏng vấn chấp thuận cho đi định cư ở Hoa Kỳ. Anh chọn San José để bắt đầu cuộc sống mới, sau những năm tháng nghiệt ngã, khổ cực. Lúc đó, anh ruột anh là NVT đang hành nghề Bác Sĩ ở Oklahoma City muốn anh qua để anh em cùng sống chết có nhau, và có thể giúp đỡ anh dễ dàng, nhưng anh cương quyết từ chối.

     Đến vùng đất hứa khi tuổi đời đã lớn, nhưng anh cũng đã cố gắng học xong chứng chỉ AS (Associate of Science) ở De Anza College trong hai năm. Sau khi tốt nghiệp anh xin làm Technician cho một hãng điện tử lớn. Anh ra sức cố gắng tốí đa làm việc miệt mài để gửi tiền về giúp vợ con nơi quê nhà có điều kiện sinh sống, trả nợ cho ân nhân và lo việc bảo lãnh vợ con sang đoàn tụ.

     Sau nhiều năm chờ đợi, vợ con anh đã được gặp lại anh ngày 06 tháng 07, năm 1990.

    Anh cho biết, sau khi ổn định anh đã tìm mọi cách dò hỏi tin tức về tôi. Không biết tôi đang trôi nổi ở phương trời nào? Cuối cùng, qua một người bạn cùng khoá làm chung hãng với anh cho anh biết, tôi vẫn còn kẹt lại ở Việt Nam. Khi có địa chỉ tôi, anh đã thư ngay cho tôi. Tôi rất mừng vì đã nối được liên lạc được anh. Hai anh em thư từ qua lại. Anh nói cuộc sống ở Mỹ giai đoạn đầu rất gian nan, mọi thứ đều xa lạ. Phải biết chịu đựng những khó khăn. Anh còn phải lo cho vợ con đang đói khổ nơi quê nhà, nên ngoài công việc chính ở hãng, cuối tuần phải làm thêm một công việc khác để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.Tôi cũng nhận được một ít quà do anh gửi về vào dịp cuối năm.

    Khi chương trình HO được mở ra.Tôi làm đơn xin đi định cư, nhưng không có thân nhân hay hội đoàn nào bảo trợ. Trường hợp này, gia đình tôi đành phó mặc cho sự may rủi, đưa đến bất cứ tiểu bang nào cũng được. Thông thường là sẽ được đưa đến các tiểu bang như: Iowa, Idaho, Nebraska, New Hampshire, Utah, North và South Carolina…Tôi đã dò hỏi và cố tìm người bảo trợ, nhưng hoàn toàn tuyệt vọng.

    Đang lo lắng thì nhận được thư anh gửi về hỏi tôi có biết chương trình HO hay không? Tôi có nộp đơn đi theo chương trình này không? Nếu có thì hãy thư ngay cho anh biết để anh làm thủ tục bảo trợ.Tôi mừng quá, vội thư ngay cho anh là đã nộp đơn, nhưng chưa có ai bảo trợ. Anh yêu cầu tôi gửi những giấy tờ cần thiết, rồi anh đến nhờ cơ quan USCC ở San José tiến hành thủ tục bảo trợ. Với tư cách là Sponsor, anh sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm khi nào gia đình tôi đến San José.

     - Thư báo tin đã làm thủ tục cho gia đình tôi qua Hội USCC

    Sau một thời gian dài chờ đợi. Gia đình tôi được rời VN để đi định cư Hoa Kỳ. Vào ngày 29 tháng 10, năm 1992 vợ chồng tôi và đứa con trai duy nhất, lúc đó bảy tuổi. Sau hai ngày tạm dừng lại ở Thái Lan quá cảnh. Gia đình tôi đã đến phi trường San Francisco. Sau khi làm xong mọi thủ tục cần thiết, điền mẫu I-94 và nhận hành lý, chúng tôi chậm rãi bước ra cổng, nhẹ nhàng hít thở không khí tự do bắt đầu kể từ ngày hôm nay trên vùng đất tạm dung hoàn toàn xa lạ.

    Vừa bước ra khỏi cửa thì gặp toàn thể gia đình anh, Huỳnh Bá Thanh là bạn cùng khoá 7/68 KQ, Lê Chi Lăng thuộc binh chủng Biệt Động Quân và Mục Sư Kiều Tuấn Nam. Tôi đã bật khóc vì gặp lại anh và các bạn cũ. Cứ tưởng rằng mình đang sống trong mơ.

    Lời đầu tiên anh nói với tôi“Anh chúc mừng gia đình em đã đến được bến bờ tự do. Anh tin là vợ chồng em sẽ thành công nơi vùng đất mới này. Hãy an tâm! Đừng lo lắng hay bi quan gì hết! Anh sẽ giúp gia đình em bằng mọi khả năng trong giai đoạn đầu. Em đừng nghĩ rằng Trâu chậm bị uống nước đục.”

     Trên đường từ phi trường San Francisco về nhà anh dưới cơn mưa tầm tã, anh nói, San José rất mong có mưa vì đã hạn hán nhiều năm. Chính quyền đã phải ra lệnh cấm không được dùng nước tưới cây, rửa xe... Tự nhiên, hôm nay khi gia đình em đến, mưa xuất hiện để chào đón. Mưa mang đến cho cây cối xinh tươi, hoa trái sinh sôi nảy nở. Anh tin đây là điềm lành đến với gia đình em.

     Khi gia đình anh đi đón gia đình tôi thì trước đó đã chuẩn bị sẵn ở nhà buổi cơm gặp mặt rất tươm tất. Anh đã chuẩn bị thuê cho gia đình tôi một phòng ở gần nhà anh trên đường Rexford, nằm sát bên trường San José City College, gần bệnh viện Bascom, các chợ SAFEWAY, Food 4 Less, K Mart, Lucky, Long Drugs, chợ Đại Thành,Thiên Thành… và gần lối ra vào các xa lộ.

    Anh đi làm ca đêm. Sau khi về nhà ăn sáng, uống cà phê là sang đón gia đình tôi chở đi ngay để lo các thủ tục cần thiết như: đến cơ quan USCC làm thủ tục giúp đỡ lúc ban đầu, đến bệnh viện Lenzen chích ngừa, khám sức khoẻ, làm các thủ tục cần thiết như xin số an sinh xã hội, mở trương mục ở ngân hàng, làm thủ tục ở DMV thi bằng viết lái xe, kiếm người dạy lái xe, tìm mua một chiếc xe cũ, đóng bảo hiểm xe, cách dùng máy giặt, máy sấy quần áo, đổi nước uống, giới thiệu Bác Sĩ gia đình, Pharmacy lấy thuốc, cách đi xe bus, xin cho con trai tôi học ở trường tiểu học Blackford gần nhà, còn vợ chồng tôi ghi danh học lớp ESL ban đêm ở trường Trung Học Del Mar.

     Cuối tuần, anh chở vợ con anh và gia đình tôi đi chợ Senter trên chiếc xe Toyota cũ, ọp ẹp của anh. Phải chở làm hai lần mới xong. Bất cứ lúc nào có dịp nói chuyện là anh động viên, khuyến khích gia đình tôi. Anh thường nói những người đi trước có nhà, có cửa, có cơ ngơi đều phải cố gắng tối đa từ lúc ban đầu và thêm sự may mắn. Anh nhấn mạnh với tôi tuyệt đối “Đừng bao giờ dính dáng đến bài bạc, rượu chè”. Biết bao người nhà tan, cửa nát, gia đình ly tán cũng bởi nguyên nhân này. Em nên nhớ “Đồng tiền kiếm ra bằng công sức và mồ hôi của mình mới giữ được lâu dài, bền vững.”

     Ngoài ra, anh cũng căn dặn rất kỹ trong vấn đề giao tiếp hàng ngày phải nhớ nói lời cảm ơn và biết xin lỗi. Đừng bao giờ nghe quảng cáo miễn phí gửi tới nhà qua đường bưu điện hay trên điện thoại mà ham, vì sau đó hậu quả sẽ khôn lường, nếu như đặt viết ký tên trên các giấy tờ người ta gửi đến. Dứt khoát không cho bất cứ ai biết số an sinh xã hội trên điện thoại. Xứ Mỹ không có gì là miễn phí hay cho không hết!

     Những kinh nghiệm thực tế mà anh đã từng gặp được trao lại cho tôi là những bài học rất quý giá mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong đầu. Qua hai tháng tiếp xúc và làm quen với môi trường mới, gia đình tôi đã từ từ quen dần. Lúc này, vợ chồng tôi đã thi đậu lái xe, đã mua được chiếc xe cũ, nhưng máy móc vẫn còn tốt. Chúng tôi có thể tự mình lo được nhiều chuyện hàng ngày, không còn nhờ đến anh giúp nữa. Anh cảm thấy rất vui và tự hào khi thấy chúng tôi đã hội nhập các sinh hoạt hàng ngày rất nhanh, không như ban đầu anh tưởng gia đình tôi phải mất nhiều thời gian như nhiều người khác.

     Một số bạn bè khi hay tin gia đình tôi đến San José. Họ gọi điện thoại chúc mừng. Anh em cùng khoá 7/68 KQ ở Bắc Cali tổ chức gặp mặt và tặng chúng tôi nhiều vật dụng dùng trong gia đình vẫn còn tốt. Họ động viên tinh thần vợ chồng tôi để chúng tôi an tâm “Ai ai cũng đều gặp những khó khăn lúc ban đầu, rồi sau đó sẽ đi vào ổn định, nếu như cố gắng và biết chấp nhận gian khổ. Giống như xe hàng chở các bao gạo lổn ngổn không thứ tự. Sau khi tài xế lái một đoạn đường các bao gạo sẽ tự sắp xếp lại đâu vào đó”.

     Họ khuyên chúng tôi tập xem chương trình TV, nghe Radio, đọc báo bằng tiếng Anh, dành thời gian tìm hiểu bạn bè đi trước để lấy kinh nghiệm. Nếu như chịu khó trở lại trường học thì sẽ tốt cho tương lai về sau. Vợ chồng tôi cùng bàn đi, tính lại. Cuối cùng, tôi quyết định làm toàn thời gian, lấy một số lớp Anh Văn ở College và tự học tại nhà để có chút chữ nghĩa khi đi xin việc và những khi cần giao tiếp, còn vợ tôi làm bán thời gian và ghi danh học toàn thời gian ở San José City College. Cố gắng tự lực cánh sinh, không bám vào các phúc lợi của chính phủ cung cấp, dù gia đình tôi có con nhỏ và được hưởng quy chế tị nạn,

     Năm 2000. Sau những tháng năm dùi mài kinh sử, vợ tôi đã lấy được bằng M.A (Master of Arts) về Pháp Văn ở San José State University. Năm 1996, trong khi đang theo học năm thứ hai ở San José City College đã nhận được giải thưởng hạng Nhất về viết Luận Văn bằng tiếng Pháp do the Alliance Francaise tổ chức trong khu vực Bắc Mỹ và Canada. Phần thưởng là học bổng đi thăm nước Pháp với vé máy bay khứ hồi và các chi phí trong thời gian ở Paris.

     Tham dự cuộc thi có 966 thí sinh, trong số đó có sinh viên của các Đại Học danh tiếng như: Columbia University, University of Virginia, và Marquette University. Đề thi“Bạn sẽ nghĩ gì về ý kiến của Jean Moiné, người đứng ra khởi xướng phong trào kỹ nghệ hoá và xây dựng thị trường chung Âu Châu vào những năm 1950, như sauNếu như phải xây dựng lại tất cả thì tốt hơn hết chúng ta nên bắt đầu bằng văn hóa hơn là bằng than củi và sắt thép.”

     Đây là một đề tài trừu tượng, bao quát, hóc búa đòi hỏi mỗi thí sinh phải am hiểu về nền kinh tế chung của Châu Âu trong giai đoạn 1950, phải biết phân tích và lý luận chính xác, có đầy đủ các dẫn chứng cụ thể, tỉ mỉ. Thí sinh có hai giờ để viết và không được dùng từ điển để tra cứu.

     Tốt nghiệp xong, vợ tôi đi dạy học được một thời gian, nhưng cảm thấy không thích hợp, nên xin vào làm công chức cho County of Santa Clara cho đến nay đã gần 25 năm. Con trai tôi cũng xong Đại Học và đang làm chuyên viên cho một bệnh viện nổi tiếng ở vùng Bắc Cali.

     Còn phần tôi, làm cho hai hãng điện tử Flextronics, IBM và Bưu Điện San José được hơn mười năm. Hiện nay đã nghỉ hưu, đang làm nhân viên Crossing Guard* có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường cho School Safety and Education Unit trực thuộc San José Police Department. Muốn xin vào đây phải nộp đơn, chờ gọi, qua phỏng vấn, khám sức khoẻ tốt, làm việc trong mọi điều kiện thời tiết, DMV xác nhận bằng lái xe không có lỗi nặng, điều tra lý lịch rất kỹ lưỡng.

     Sau cùng, tham dự một lớp hướng dẫn và đi thực tập. Lúc đó mới chính thức được tuyển dụng. Hàng năm, trước khi tựu trường, các Crossing Guard tham dự một buổi họp để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn lại một số nguyên tắc căn bản, nhắc nhở nhiệm vụ, khen thưởng các nhân viên có thành tích tốt và nhận thời khoá biểu cho niên học mới. Từ nhiều năm qua thành phố San José chưa hề xảy ra bất cứ một tai nạn đáng tiếc nào cho học sinh hay bộ hành trong giờ các nhân viên Crossing Guard có mặt làm nhiệm vụ.

     Vài năm trước, nhân viên gốc Việt chiếm tỷ lệ gần 40/%, trong số đó có nhiều Công Nhân Viên Chức, Sĩ Quan VNCH. Hiện nay, chỉ còn đếm trên đầu một bàn tay. Một cựu Đại Tá Tỉnh Trưởng cũng từng làm công việc này. Ông đã xin nghỉ vì tuổi già (85t), sức khỏe kém.Thỉnh thoảng tôi ghé thăm ông, để nghe ông tâm sự về cuộc đời thăng trầm trong binh nghiệp, những nỗi oan thiên từ đâu đưa đến, thời gian dài tù đày nghiệt ngã và thế thái nhân tình sau khi vật đổi sao dời, để thấy rõ lòng dạ trắng đen của con người.

     Hiện ông đang sống cô đơn trong một căn phòng nhỏ của một chung cư dành cho người già có lợi tức thấp ở San José. Ông không hề ta thán hay oán trách bất cứ ai! Ông đặt niềm tin tuyệt đối vào Đức Mẹ Maria và Thánh Martinô (Martin de Porres) đã che chở cho ông trong những lúc bi đát nhất cuộc đời, nên ông còn sống sót cho đến ngày hôm nay. Giờ đây, ông an tâm chờ khi nào được Chúa gọi thì sẽ vui vẻ ra đi, không còn gì để hối tiếc.

     Công việc Crossing Guard tương đối nhẹ nhàng, thoải mái, không bị gò bó, xem như hàng ngày tập thể dục, hít thở ngoài trời, khỏi cần phải đi đến phòng Gym, nhưng được lãnh lương. Vào những hôm mưa gió, bão tố, thời tiết lạnh lẽo và nắng gắt thì rất vất vả.

    Làm để tìm thấy nguồn vui, được nhìn các em nhỏ tung tăng đến trường, hầu tìm lại một chút tuổi thơ đã đi qua, cũng như cảm thấy phần nào ấm lòng với những câu chào hỏi, các lời cảm ơn chân tình của phụ huynh khi gặp mình mỗi ngày. Ngoài ra, còn nhận được những món quà nho nhỏ của các học sinh vào dịp Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và cuối năm học.

     Làm cho quên đi những tháng ngày còn lại tha phương nơi xứ người để lòng mình cảm thấy rằng vẫn còn giúp ích và đóng góp cho xã hội khi tuổi sắp gần đất xa trời, mà trên tay đã cầm sẵn tấm vé xe đò một chiều, chờ tài xế ngừng lại mời lên xe đưa về cõi bồng lai, tiên cảnh.

     Ngoài sinh hoạt hàng ngày. Gia đình tôi còn tham gia các công tác thiện nguyện phục vụ cộng đồng và đóng góp cho phong trào Hướng Đạo ở địa phương. Con trai tôi đạt đẳng hiệu Đại Bàng (Eagle Scout) năm mười bảy tuổi. Chúng tôi đã tình nguyện tham gia các khoá huấn luyện do Hội Hướng Đạo Hoa Kỳ và Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam tổ chức. Các bạn Hướng Đạo Hoa Kỳ và Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy cả gia đình tôi đều tham gia hướng đạo và nhận chuyên hiệu Rừng (Wood Badge) cùng một ngày, mà điều này từ khi tham gia hướng đạo họ chưa từng bao giờ thấy xảy ra.

    Hiện nay gia đình tôi là những thanh viên Hướng Đạo Trưởng Niên thuộc Làng Bách Hợp Vùng Vịnh, nơi tập họp các anh chị em đã từng một thời khoác bộ đồng phục hướng đạo và những ai lớn tuổi vì nhiều lý do không có cơ hội tham gia hướng đạo lúc còn trẻ, nay tìm đến sinh hoạt để cùng chia sẻ những vui buồn, những kinh nghiệm sống, nhớ lại thuở hồn nhiên và cùng hát bài “Anh Em Ta Về.” (Tác giả Linh Mục Tiến Lộc)

    Anh em ta về cùng nhau ta quây quần này, 1-2-3-4-5

    Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này, 5-4-3-2-1

    Một đều chân bước nhé!

    Hai quay nhìn nhau đi.

    Ba cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa!

    Bốn nhớ rằng chúng ta bốn bể anh em một nhà.

    Năm nhớ mãi tình người trong câu ca.

    Tôi xin cảm ơn bạn bè, những ân nhân đã nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ gia đình tôi khi chân ướt, chân ráo đặt chân đến San José. Đặc biệt, Niên Trưởng Nguyễn Văn Phẩm và gia đình đã không ngại khó khăn, phiền phức đứng ra bảo trợ, đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức giúp đỡ gia đình tôi.

     Chúng tôi cũng không quên những tình cảm thân yêu, trìu mến mà tất cả bạn bè đã đem đến, nhờ thế gia đình tôi mới có được cuộc sống ổn định như hiện tại.

     Giờ đây, Niên Trưởng Nguyễn Văn Phẩm đã đi về miền miên viễn. Xin Niên Trưởng hãy phù hộ cho vợ con, gia đình tôi và tất cả bạn bè còn lại.

     Gia đình tôi luôn luôn dành tấm lòng trân quý đến NT. Người đã không quản ngại đứng ra bảo trợ “Hát Ô Mồ Côi”cho gia đình tôi.

     Xin vô vàn cảm ơn anh. Xin được đốt một nén hương lòng để tưởng nhớ đến“Một Niên Trưởng Không Quân VNCH khả kính, hiền hậu mà suốt đời tôi không bao giờ quên.”

    Trần Đình Phước

    (San José, California)

     


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: Trần Đình Phước Một ngày đáng nhớ với ‘Quái kiệt’ khẩu cầm Tòng Sơn & Mùa Lễ Tạ Ơn - Nhớ Ơn Người Bảo Trợ Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top