MINH THÚY TN CHIỀU NHẠC MÙA THU & LỄ TẠ ƠN + HUẾ ƠI! THƯƠNG LẮM
Chiều Nhạc Mùa Thu & Lễ Tạ ƠN
Vào lúc 4 giờ chiều
cùng ngày 19 tháng 11/2023, tại Quán Cà Phê Lovers nằm trên đường Aborn thuộc
thành phố San jose. Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt do ông Lê văn Hải làm chủ tịch đã tổ
chức “Chiều Văn Nghệ : Tình Khúc Cảm Tạ & Em Không Nghe Mùa Thu”, và cũng để
mừng sinh nhật các thành viên VTLV sinh trong quý 3 (tháng 10,11,12 ); đồng thời
giới thiệu 3 tác phẩm mới của nhà văn Chinh Nguyên viết bằng Song Ngữ
(English-Vietnamese ): Please Come In …( Vào Đi Tình Ơi …! ), Anti- Authoritarian
Handbook (Cẩm Nang Chống Độc Tài – Dịch từ sách tác giả Phạm Đoan Trang) và
Thorn In The Heart (Anh Ngữ), tạm dịch “ Bụi Gai trong tim “.
Chỉ hơn 3 giờ chiều mà quán Coffe Lovers đã đông đúc. Khoảng gần 200 khách, trong số đó có sự hiện diện của các phóng viên, nhà báo cùng những tên tuổi nổi tiếng sinh hoạt trong cộng đồng. Tôi gặp những người quen như ca sĩ Thu Nga, ca sĩ Đồng Thảo và đặc biệt có sự hiện diện của nhà thơ Lưu Hồng Phúc phụ trách chương trình “Thi Ca Hương Thời Gian” trên làn sóng của đài Radio Sài Gòn ở Dallas.
Nhóm văn nghệ “Sài Gòn Nhớ” do chị Thuý Nga đảm trách. Chị là ca sĩ có giọng hát rất hay, chuyên về dòng nhạc tiền chiến. Cùng với chị là một số ca sĩ địa phương điêu luyện với những bản nhạc đi vào lòng người.
Buổi lễ bắt đầu qua những nghi lễ chào cờ Mỹ, quốc ca VN và phần tưởng niệm do anh Hoàng Thưởng hướng dẫn chương trình thật trang trọng.
Kế tiếp ông chủ tịch Lê văn Hải có đôi lời chúc vui trong mùa lễ. Ông phó ban ngoại vụ tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng giới thiệu ba tác phẩm của cựu hội trưởng Chinh Nguyên. Nhà văn Chinh Nguyên lên sân khấu phát biểu tâm tình: “Sau những lần nói chuyện với Cha Lý qua Zoom, ông thấy ngài nay đã già yếu, chịu đựng những cơn bệnh của tuổi già, sau những năm sống trong lao tù để tranh đấu trực diện với Cộng Sản đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam mai sau. Hiện tại Cha Lý đang đau nặng không đầy đủ thuốc men và sống cô đơn tại nhà dòng Công Giáo Huế”. Nhà văn Chinh Nguyên sẽ dùng tất cả số tiền ủng hộ, bán sách chuyển về tận tay Cha Lý.
Cũng xin nói qua về Chủ tịch Lê văn Hải của VTLV, và cũng là chủ nhiệm báo Thằng Mõ. Ông luôn luôn rất hào phóng với bất kỳ buổi tổ chức nào tại quán Cà Phê Lovers. Mỗi người khách tham dự nhận được một vé uống nước free và Ticket sổ xố trúng thưởng. Ngoài ra, ông còn điều hành nhóm Mõ Nhân Ái và phát cơm cũng như quà cho người vô gia cư đều đặn hàng tháng nữa.
Quan điểm và ước mơ của Văn Thơ Lạc Việt là “Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn” để có thế hệ tiếp nối mai sau. Trong tinh thần này thầy Thái và cô Thanh Loan cùng chung một hoài bão, nên đã góp tay thực hiện.
Các em trong nhóm “Tuổi Trẻ Hải Ngoại” tuổi vừa độ trăng tròn hát Dân ca Ba miền, Ghé Bến Sài Gòn, và những bài về mùa Thu với cung cách trình bày rất điêu luyện duyên dáng.
Phần văn nghệ đầu tiên với hình ảnh rất dễ thương, Ma Soeur đệm đàn guitar, các em nhỏ mặc đồng phục áo đỏ lên hát tiếng Việt rành rọt những bài yêu Cha, quý Mẹ do các Ma Soeur dạy dỗ tập luyện, được mọi người chụp hình và vỗ tay nhiệt liệt.
Đặc biệt, ban hợp ca gồm 4 chị em nhỏ Gia Đình Màu Tím trình bày nhạc phẩm “Lá Thư Gửi Thiên Đường” quá tuyệt vời! Tất cả các em nói tiếng Việt rất lưu loát không thua gì người lớn.
Những giọng ca của nhóm Sài Gòn Nhớ đã được khán giả nồng nhiệt tán thưởng và làm cho chương trình thêm phong phú.
Kế tiếp là phần sổ số có thưởng thật hào hứng. Sau cùng phần mừng sinh nhật của các là thành viên của VTLV có ngày sinh nhật trong ba tháng cuối năm; kể cả khách đến tham dự có chung tháng sinh nhật cũng được mời lên phát quà và cắt bánh chung vui.
Phút cuối nhà văn
Chinh Nguyên lên báo cáo tổng kết số tiền bán sách vượt quá 4 số, chứng tỏ
sự phát triển văn học và tình nghĩa của mọi người qua nghĩa cử cao đẹp, thể hiện
tấm lòng biết ơn đến sự hy sinh của Cha Lý đã vì dân tộc VN mà đứng lên đấu
tranh.
Bế mạc chương trình bằng
những nụ cười tươi vui rộn ràng thân mật. Nụ cười mà mọi người luôn mong giữa
cuộc đời này; nhất là hội trưởng Lê văn Hải luôn hằng muốn được thấy nụ cười
thân ái và đoàn kết của tất cả mọi người.
Xin cám ơn hội trưởng của VTLV, anh Chinh Nguyên, thầy Thái, cô Thanh Loan, anh Hoàng Thưởng, chị Thuý Nga, các em nhỏ, em lớn, các ca sĩ cũng như ban nhạc đã phối hợp tổ chức để chúng tôi được thưởng thức giọng ca, niềm vui trong không khí hoà nhã, thân mật.
Bên ngoài trời bắt đầu se lạnh, hồn thu dịu vợi, bóng thu man mác như đang chào đón mùa lễ Tạ Ơn. Tôi cảm tưởng như mình đang ở một thiên đàng nơi trần thế.
Mùa Lễ Tạ Ơn 2023
Huế Ơi! Thương Lắm
Năm nay bao nhiêu tai họa dồn dập. Đầu năm nạn dịch Covid_19 ập đến, kế tiếp cháy rừng nhiều tiểu bang ở nước Mỹ, những ngày qua nơi quê nhà lại xảy ra bão lụt lớn.
Nghe ngóng tin tức
cũng như được thấy nhiều hình ảnh trên mạng xã hội, đầu tháng 10 tại thành
phố Huế bão lụt kéo đến làm vô số người chết, mất tích và mấy
chục căn nhà bị ngập lụt. Chưa kể các huyện Quảng Điền, A Lưới, thị xã
Hương Trà, Phong Điền v..v...những vụ sạt lở vùi lấp người dân vô tội
thật buồn thảm. Nhìn thành phố Huế tứ bề nước lũ mênh mông mà thắt ruột chao
lòng khôn tả.
Ngồi bó gối chẳng thể
đi đâu vì phòng dịch Vũ Hán, nhìn ra khoảng sân sau vườn, lá thu bay tơi tả,
trên cành trơ trụi lá, các loài hoa gần như khép kín nhuỵ đài trong chậu ủ rũ
héo hon, chỉ còn vài cây hồng vươn lên lưa thưa mấy bông hoa yếu đuối nhạt
sắc. Năm nào xứ Huế cũng gặp bão lụt khoảng tháng này, buồn lo và theo dõi
Huế từng ngày.
Nhớ lại những mùa mưa lũ lúc tôi còn ở quê nhà... Kính nghiệm khi nước đang còn thấp, chị tôi nấu nồi cơm lớn, kho nước mắm đường bỏ ớt trái cay nồng, lúc nước dâng, cả nhà chồng ghế kê giường ngồi trên cao, nước bốc khí lạnh lên, ngồi ăn tô cơm với nước mắm kho quẹt thật ngon, miệng cứ muốn ăn hoài và ước chi có thêm thật nhiều cơm. Sau trận lụt, vườn tược hư hao, mấy đám rau Lang mọc hoang cũng dập nát, chỉ còn vài buồng Chuối, mạ tôi chặt vào gọt sơ lớp vỏ, cắt khúc kho với ruốc ăn cũng thích, hoặc đi chợ chẳng mấy ai bán buôn, chỉ mua được dưa môn về kho ruốc, ăn rất mặn mà. Có khi gặp trận lụt lớn, nước vào ào ào, tuy đã chồng đồ đạt, nhưng nhìn mức nước lên nhanh, cả nhà lo lắng canh suốt đêm giấc ngủ chập chờn, sáng tờ mờ kinh hãi mực nước cao đẩy bàn ghế trôi nổi, bước xuống sàn nhà nước đã ngập gần cổ nên sức đẩy mạnh kinh khủng, chúng tôi rất khó khăn bước đi vì chân muốn hỏng mặt đất, đúng lúc ban phường khóm ngồi trên bè bắt loa yêu cầu mọi gia đình di tản, chúng tôi dọn vài thứ cá nhân cần thiết rồi vịn nhau ra đường chờ các bè kéo đến trường Thanh Nội trú tạm trên lầu.
Nói về mùa đông có nhiều
chuyện thật khó quên... hình ảnh chị Lanh trong xóm gánh chè đi bán,
ngoài trời mưa tầm tã, các cháu lớn (con chị) thường qua nhà khoảng 8,9 giờ tối:
_ O Giang ơi!
cho con mượn 2 lon gạo về nấu cháo, em con khóc quá, mạ con giờ chừ
chưa về.
Giai đoạn đó
chúng tôi cũng nghèo rớt mồng tơi, nhưng thấy hoài cảnh trước mắt thì
cũng phải “lá rách đùm lá toét” thôi. Hình như trong cảnh khổ người
ta cũng đâm liều, chị lại mang bầu tiếp dù đã có bảy con,
hôm chị đi sinh, các con lại đem son nồi qua nhà tôi hỏi
- Mấy O có mua
không? Con cần tiền mua khoai sắn bới cho mạ đang nằm nơi nhà thương.
Chúng tôi cũng buồn
cười, nghẹn ngào thêm, đưa tiền bảo cháu mua gì bới cho mẹ
ăn. Chị Lành sinh dậy hết vốn nấu chè bán. Tôi cho mượn tiền,
chị nói:
- Ước mơ có
vốn lớn hơn mua Su Bắp, Cà Rốt, Khoai Tây từ Đà Lạt chở xuống mùa gần Tết sẽ
bán được, chị cần khoảng $100 (bạc Bắc hồi đó) mua hàng đủ thứ bán lời nhiều,
chị sẽ trả góp mỗi ngày $10 cho đến khi hết thì mượn lại. Dù tôi
khuyên chị không cần trả vốn, nhưng chị nhất quyết làm theo cách đó,
chị nói “sợ trả không được”. Đêm khuya gió mưa lạnh cắt da, con chị gõ cửa trả
góp tiền, có khi đưa cái bắp su, nói “mạ cho O”, tôi trả lại
bắt đem về mà ứa nước mắt nghĩ đến người hiền lương tốt bụng sao lại
nghèo khổ vậy. Sau này qua Mỹ rồi, tôi hỏi tin tức để giúp đỡ nhưng
nghe gia đình chị đã đi kinh tế mới miền trong.
Người thứ hai là bà
Thu bán bánh lọc trần và bánh chưng có chồng ghiền rượu, tối ngày say
xỉn ngoài đường đi té lên té xuống, tội nghiệp bà ôm rổ bánh rao dưới
trời mưa, những lúc ế ẩm ghé nhà tôi mời ủng hộ, bà cũng mượn chút vốn mua
nếp nấu bánh chưng bán thêm.
Tôi miên man nghĩ ngợi
những người dân hiền lành thật thà trong xóm đầy tự trọng luôn áp dụng câu
“đói cho sạch rách cho thơm”, hình ảnh ấy vẫn in hằn trong
tâm trí, lòng thương cảm vô bờ.
Huế ơi! tôi muốn gọi
với nỗi xót xa nhớ về chuỗi mùa đông giá rét lạnh căm, những đêm khuya bóng tối
dày đặc... Trời đen như mực, bên ngoài mưa rơi, tiếng gió gào thét, tiếng
rao của em nhỏ bán bánh mì vừa ra lò, tôi gọi mua...em thò tay
vào túi vải lớn lấy ra mấy ổ mì nóng hổi, ánh mắt ngây thơ hiền
hòa mừng rỡ nhận tiền, nước mắt tôi không thể kềm
hãm khi kể đến điều này thấy xót tuổi thơ đi trong xóm vắng khuya khoắt, nhất
là nhà cửa ở Huế nằm sâu bên trong xa cửa ngõ, cây cối um tùm bao phủ lạnh
lùng. Có lần chiều cuối năm lạnh giá, hình dáng người thiếu phụ đứng
co ro góc phố vắng, trông ngóng khách dừng chân ghé mua nhánh mai còn
lại, lúc đó tôi và bạn đang đèo nhau trên chiếc xe đạp, may mắn bạn
tôi đã mua dùm.
Huế ơi! bao nhiêu năm
với đời viễn xứ, cuộc sống như luồng sóng đưa đẩy, quay cuồng, cày bừa
trên xứ người, nhưng không vì vậy mà có thể quên tất cả, nhất là những
mùa mưa lụt của đất thầnkinh. Nơi
đây có những đêm thức giấc, tôi vẫn nghe mơ hồ dư âm tiếng kinh cầu của
Chùa Diệu Đế vang vọng tới. Có lẽ thói quen mấy chục năm về trước mỗi đêm
gần sáng lời kinh vọng vào thành nghe não nuột, âm thanh của sự tĩnh thức tạo
nỗi buồn xâm chiếm, tâm tư chùng xuống đã nằm sâu trong tiềm thức.
Ký ức lan man đi xa hơn, kỷ niệm
thú vị cùng bạn bè Kim Hoàng, Thu Thuỷ, Kiều Sương, Tố Nghi và tôi thỉnh
thoảng rủ nhau đến quán nhạc ngồi chờ đợi những giọt cà phê chảy thật
chậm qua phin lọc, rồi lắng chìm theo cung điệu lời ca nhạc của Đoàn
Chuẩn, Từ Linh, Phạm đình Chương, Cung Tiến, Văn Cao hay những bản nhạc
Pháp lời Việt do Phạm Duy dịch như Chiều Tà, Dạ Khúc, Cánh Buồm
Xa Xưa… v..v... Chúng tôi lựa chỗ ngồi dưới mái hiên để được
nhìn mưa rơi, mưa tuôn bong bóng vỡ, mưa buồn lê thê, mưa dấu nỗi niềm
riêng, chẳng cần thiết để nói với nhau nhưng rất cần ngồi bên nhau, say sưa thấm
những dòng nhạc vào hồn đê mê lặng sầu, rồi lâng lâng cảm giác hạnh phúc của
kẻ được thoát tục trong khoảnh khắc.
Biết bao kỷ niệm thời
ấu thơ, thời hoa mộng. Bạn bè réo gọi tôi về thăm, nhất là bây giờ đứa nào cũng
đã retire, chúng nó hẹn hò mỗi tháng hai buổi họp mặt nơi quán cà phê Nội
Thành.
Một hôm, Tuyết gọi
FaceTime cho tôi nói chuyện từng bạn trong khung cảnh đang ngồi uống
cà phê, nhiều bạn tôi nhận ra và nhiều bạn không nhận ra. Tôi
thèm giây phút họp mặt như vậy lắm chứ, nhưng nghĩ đến chuyến vượt biển năm xưa
tôi thấy tiêu tan niềm ước muốn chẳng còn mộng “châu về hợp phố”. Thôi thì
cứ sống với hoài niệm, với giấc mơ, với chút tình riêng trao gởi Huế:
Thương Huế
Hương Giang nước đục
phá thêm buồn
Xứ Huế mưa chừ
giống lệ tuôn
Vỹ Dạ con đường hoang
lặng tủi
Đông Ba chợ
quán lạnh im hờn
Nơi thành lối cũ cây
nghiêng loạn
Chốn cửa nhà xưa
gió đảo cuồng
Diệu Đế chuông Chùa
ngưng tiếng vọng
Đìu hiu phố xá cảnh
u buồn
MTTN
Biết được cơn mưa lũ nơi quê nhà đã làm điêu đứng dân lành mấy ngày qua. Hàng hàng lớp lớp mái nhà còn lô nhô dưới biển nước đục, trẻ em và người lớn bám víu một cách tuyệt vọng. Nhà cửa trôi, ruộng nương đất đai trồng trọt bị hư hại. Hầu như nét mặt không còn hồn, không còn sức sống. Tin tức hình ảnh được chuyển liên tục.Lòng người chan chứa, lòng người đầy ắp tình cảm chia sẻ từ Sài Gòn cũng như các nơi đổ ra Quảng Trị, Quảng Bình, Huế. Những đoàn cứu trợ không ngại đường xa vất vả nguy hiểm đến tận vùng lụt nặng để được khóc, được trao tình thương bằng lương thực cũng như tiền bạc, thuốc men.
Tại hải ngoại mọi người cũng
nóng ruột hỏi nhau:
- Sao chưa thấy hội đoàn
hay các Chùa lên tiếng quyên góp cứu trợ bão lụt?
Chị em chúng tôi chợt
nhớ đến sư cô Thích nữ Như Minh trú trì Chùa Tây Linh trong Cầu
Kho gần đồn Mang Cá (xưa), lúc ba chồng chúng tôi còn sống thường kêu
gọi con cái đóng góp gởi vềgiúp đỡ bão lụt, khi được xem
video Ni sư chèo thuyền đi phát cháo hay các thức ăn khác lúc nước
ngập.
Trong vòng một tuần
tôi nhận phone liên tục từ chị Phạm Thị An $1,000, Lê Tịnh Tâm $900,
Lê Hữu Vinh $500, Minh Thuý $400, Tịnh Thuỷ $250, Diệu Hường
$250, Vân Vy $200, Nguyễn Hà $200,Tịnh Thu $150, Quảng Trang $100, Kim Hưng
$100, Lê hữu Thọ $100, Bảo Trâm $100, Cindy Huệ Nguyễn $100, Phương Khánh
$50, Quỳnh Hoa $50, Phạm Thị Hảo $50, Bích Kiều $50. Tổng cộng được $4,550
(bốn ngàn năm trăm năm mươi) đã gởi Thầy Thích Tánh Tuệ $850,
bác sĩ Đặng Nga $550, sư cô Như Minh $2,250, ngoài ra cúng dường thiền viện Trúc
Lâm của thầy Thích Pháp Hòa $900 theo yêu cầu. Những hôm này tôi cảm như
sức mạnh tăng cường với niềm hăng say phấn khởi đi gởi tiền nhiều lần.
Sau khi nhận phiếu hồi
báo cũng như email quý thầy cô cho biết đã nhận tiền, tôi chuyển
đến tất cả những người đóng góp, xong công việc lòng thấy nhẹ nhõm hân hoan vô
cùng.
Không có niềm vui nào bằng bây
giờ, vì một nhóm nhỏ đã thực hiện được chút tình chia sẻ. Tôi nhớ câu
nói mạ vẫn thường nhắc “người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết”, hay lời
vàng ngọc của thầy Thích Tánh Tuệ “Thân từ cát bụi đến. Cát bụi sẽ gọi về.
Chỉ có tình thương mến. Ở lại cùng Sơn Khê.” Niềm xúc động
dâng tràn tuôn thành thơ:
Bão Lụt Miền Trung
Lũ lụt miền
Trung cảnh thảm buồn
Dân mình chịu khổ lệ
đầy tuôn
Đau lòng lúc thấy
người bồng trẻ
Xót dạ khi trông kẻ
kéo xuồng
Mái ngập cơn mưa nào
tạnh dứt
Sông tràn mực nước chẳng
lùi buông
Tim nồng gởi hạt
từ bi giúp
Xóa dịu cơn đau trận
bão cuồng.
MTTN
Xem hình ảnh Chùa Tây
Linh của Sư Cô Như Minh, hội Từ Thiện Trái Tim Bồ Đề Đạo Tràng
(Bodhgaya Heart Foundation) của thầy Thích Tánh Tuệ, “Garage Sale for
Charity” của bác sĩ Đặng Nga đi đến các vùng xa xôi phát quà thật
khâm phục ngưỡng mộ. Mọi việc đều do sự từ tâm, lòng bác ái mở rộng
trái tim yêu thương tự nguyện hy sinh công sức dù cực nhọc vất vả. Cảm động
thêm nữa những YouTube chiếu cảnh bà con ngồi gói bánh tét muốn ứa nước mắt,
tôi đã từng lên Chùa phụ giúp công việc này vào dịp gần Tết, quý bác
quý cô ngồi đau lưng, đàn ông thức đêm nấu bánh rất cực nhọc công phu.Tôi
suy nghĩ những lúc nước dâng phải ngồi trên mái nhà, hoặc nhà sập chịu co
ro lạnh giá, nhận chiếc bánh chưng hay gói mì thì còn gì bằng vì được ăn
liền trong lúc gió bão cúp điện không thể nấu nướng. Thời bây giờ cơ
may mọi người làm ăn ra, tâm bồ đề rộng mở, lòng nhân ái cao dày,
nên món ăn cứu đói lụt nâng cao so với tôi ngày xưa ăn mắm kho quẹt, chưa
kể sau cơn lụt nhà cửa bị tàn phá, dân còn được nhận tiền gạo.
Đẹp thay tứ
chúng đồng tu biết thực hành hạnh bố thí “thương người như thể thương
thân”, dù buồn lo cho xứ Huế nhưng đồng thời tôi tìm được niềm ấm áp khi cảm
nhận tình người hoa nở đẹp muôn nơi từ trong nước ra hải ngoại.
Tôi muốn cảm ơn đến những tấm lòng mở rộng đã giao cho tôi công việc
chuyển tiền, chuyển tình thương đến đồng bào trong cơn thiên tai. Bài
viết này như sự lưu dấu hồ sơ cứu trợ của nhóm nhỏ về mùa bão lụt miền
Trung năm 2020. Xin được ghi lại cảm xúc lần nữa bằng vần thơ mộc
mạc:
Hiểm họa quê hương
quá khổ rồi
Tiêu điều nước
lũ nghẹn ngào ôi
Thê lương cảnh tượng
nhìn rơi lệ
Mẹ mất con bầy chịu
phận côi
Mái nóc ngôi nhà giống
mặt sông
Mưa mù trắng xoá ngó
rầu không
Thiên tai giáng xuống
trần gian đọa
Phá hoại nương dâu với
ruộng đồng
Vẫn vậy, mỗi năm vẫn
khổ trường
Từng mùa diễn tiếp cứ
đeo vương
Màn trời chiếu đất
người đau đớn
Bão gió quay cuồng
mịt khói sương
Trông toàn mực nước
ngập mông mênh
Sức đuối tàn hơi
thấm lạnh mềm
Trẻ đói, già
đau, người bệnh hoạn
Ghe thuyền cứu vớt
kéo bè lên
Thương buồn sáu tỉnh
xứ Trung kia
Chú bác, cô dì nhớ sẻ
chia
Nắm gạo tô mì về cứu
trợ
Trời xa vẫn nhớ, ruột
không lìa
MTTN
Tách trà nóng ấm áp cơ thể tạo cảm giác dễ chịu. Ngoài vườn như có lớp khói mù đang phủ. Chút nắng hiu hắt trên ngọn cây bóng lá ngậm ngùi. Tôi đang giăng thả trời Huế trước mặt với vui buồn hoang dại lẫn lộn. Tôi nguyện cầu nạn lụt sớm chấm dứt nơi quê nhà, mọi sự sinh hoạt trở lại bình yên. Huế của tôi ơi ... “ Huế là thơ, Huế là mơ...” và Huế cũng chịu lắm đoạ đày bởi thiên tai bão lụt ....
Minh Thuý Thành Nội
Tháng 10/2020