728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

      TRANG ĐẶC BIỆT GIỚI THIỆU SÁCH MỚI PHÁT HÀNH & TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA

       TRANG ĐẶC BIỆT GIỚI THIỆU SÁCH MỚI PHÁT HÀNH & TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA


      -
      NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA

      *TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU SÁCH MỚI PHÁT HÀNH




      ***

      Truyện ngắn mới: "Một Đời Đàn Bà Bất Hạnh" (Tháng Ba 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

      Mời đọc truyện ngắn thứ ba

      của

      loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

      Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

      https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

      https://dconnect.co.jp/friend/

      Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

      ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

      3. Một Đời Đàn Bà Bất Hạnh

      Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

       Từ cuối năm 1975, vợ chồng tôi thường bị gọi đi thông dịch cho người đồng hương trong cộng đồng tỵ nạn Việt nam nhỏ bé ở Bismarck, North Dakota.  Quỳnh Châu trở thành “chuyên viên” đi xin welfarefood stamps ở sở Xã hội.  Welfare là tiền trợ cấp hàng tháng cho “gia đình Mỹ có con cần nuôi dưỡng,” và food stamps là phiếu thực phẩm cấp cho người có lợi tức kém.  Thét rồi con đầu lòng của chúng tôi, Bích Mạc, tưởng đó là việc làm chính thức của nàng.  Năm lên ba, mỗi khi bị người lớn biết chuyện hỏi đùa, “Cu Mạc đi đâu đó?” bé làm bộ xách ví lon ton đi ra cửa và vênh mặt trả lời, “Mạc đi xin food stamps.”

      Sở Cảnh sát Bismarck có số điện thoại của tôi, sở cũng như nhà.  Ban ngày trong giờ làm việc, khi cảnh sát gọi, tôi bỏ dở công việc để đi thông dịch.  Những cú điện thoại cảnh sát đến thường xuyên hơn giữa đêm khuya, lúc thường xảy ra ẩu đả trong nhà – chồng uýnh vợ.  Quỳnh Châu dậy đi với tôi, “Để chồng có bạn và bớt buồn ngủ.”  Nàng ra công khuyên nhủ bà vợ khai với cảnh sát là vụ xô xát chỉ do hiểu lầm, trong khi tôi thuyết phục ông chồng chịu khó về nhà tôi ngủ một đêm trên ghế xô-pha phòng khách, thay vì phòng giam của bót cảnh sát.  Tôi gặp Dần lần đầu trong một chuyến đi “hòa giải” như thế.  Tên “Dần” cho thấy anh sinh năm Mậu Dần (1938), lớn hơn tôi mười tuổi.  Anh trước là thượng sĩ Hải quân, người cao mảnh khảnh, và giọng từ tốn nói tiếng Huế pha lẫn tiếng Nam.

      Ít lâu sau, một chiều Chủ Nhật, Dần mời vợ chồng tôi đến thăm nhà “mới” của anh, ngôi nhà rộng rãi chính phủ thuê cho gia đình tám người của anh ở.  Anh giới thiệu người đàn ông lạ mặt,

      “Phức là trung sĩ cùng giang đoàn với tui.  Ba tuần trước, Phức từ Los Angeles lên đây thăm anh em, vô trong Melroe hỏi thử việc làm thì nó nhận liền cái rụp, và ở lại làm việc luôn.  Phức tuổi Thìn nên số sướng, đi cũng được quới nhơn phò hộ.”  Melroe là hãng ráp máy cày và chế tạo đồ phụ tùng máy cày lớn và duy nhất của North Dakota, và “tuổi Thìn” là sinh năm Canh Thìn (1940).

      “Anh có đem theo gia đình không?” tôi hỏi, câu mở đầu thường tình của dân tỵ nạn mới gặp nhau.

      Tui theo tàu Hải quân qua đây một mình.  Vợ và hai đứa con, một trai một gái, để lại bên Việt nam,” nét mặt Phức rầu rĩ.

      Phức người tầm thước, mặt đen đúa và tóc quăn, và dáng điệu lù đù, nhưng ăn nói suôn sẻ và mạch lạc.  Anh người làng Mỹ Lợi cách Huế khoảng 40 cây số về hướng đông nam và đặc biệt là làng duy nhất trong tỉnh Thừa Thiên mà dân chúng nói giọng Quảng Nam.

      Dần dần tôi chơi thân với Dần.  Anh tháo vát, nhiều sáng kiến, và cuối tuần làm đầu têu dẫn gia đình anh, gia đình tôi, Phức, và vài ba thanh niên khác đi cắm trại ngoài trời, đi câu cá, và viếng thăm nông trại làm gà, làm heo, hay làm bò nướng bê thui.  Anh hào phóng và hiếu khách nên nhà anh là nơi tụ tập ăn nhậu của đám tỵ nạn, đông nhất là bọn độc thân (sang Mỹ một mình) đến nhậu .  Trong số đó, Phiến người Việt gốc Hoa là kẻ đa tài chịu khó và thích giúp người, nhưng có một tội là hay phát ngôn bừa bãi.

      Rượu vào lời ra, bọn đàn ông bàn nhảm về các bà các cô độc thân, hay độc thân tại chỗ (chồng còn ở Việt nam), trong số đó Hạ Viên và bà Duyên mẹ nàng được nói tới nhiều nhất.  Mới 22 tuổi, nàng là mẹ của hai cô bé lên năm và lên ba.  Bà Duyên trạc tứ tuần, góa chồng, và ngoài Hạ Viên còn có hai cậu con trai 14 và 12 tuổi.  Hồi Sài gòn, bà lau chùi dọn dẹp văn phòng cho một cơ quan dân sự Hoa kỳ và đầu tháng Tư năm 1975, di tản bằng máy bay cả gia đình, ngoại trừ chồng Hạ Viên là lính Nhảy Dù không thể đi theo.  Đến Bismarck, bà và con gái tách ra thành hai gia đình riêng rẽ để hưởng trợ cấp chính phủ tối đa.

      Phức làm ca đêm trong xưởng dây chuyền lắp ráp của hãng Melroe và ban ngày rảnh rỗi lái xe đi loanh quanh, ai nhờ làm việc gì cũng không nề hà.  Hai nhà không có đàn ông của mẹ con bà Duyên lúc nào cũng có chuyện vặt cần làm và khi xong việc, mời Phức ở lại ăn cơm.  Anh hoan hỉ nhận lời thay vì ra tiệm McDonald’s hay Burger King ăn hamburger khó nuốt.  Biết anh tuổi sàn sàn như bà Duyên, Phiến chắc mẩm thế nào anh cũng “dzô” bà ta và chọc quê anh bằng bài hát “Tình Cho Không” nhạc Pháp lời Việt của Phạm Duy (1921 - 2013),

      Tình cho không, biếu không

      Ân tình ai cũng cho được nhiều

      Tình cho không, biếu không

      Chớ nên mua bán tình yêu.

      Không dè, trong một buổi đi chơi ngủ đêm ở nông trại, Phức chở theo mẹ con Hạ Viên và cho biết sẽ chung sống với nàng.  Bụng nàng đã mum múp, cái bầu khoảng bốn, năm tháng.  Rồi anh đưa nàng đi thuê nhà (nàng đứng tên và chính phủ trả tiền), và họ dọn vào xây tổ uyên ương.  Họ mở tiệc mời bạn bè “ăn tân gia”; bọn đàn ông nâng ly chúc mừng “đôi trẻ” và uống say túy lúy.  Nhưng ràng buộc “gia thất” không cầm chân Phức ở nhà, anh vẫn dự tiệc nhậu cuối tuần ở nhà Dần một mình và cười cười nghe Phiến chọc ghẹo “chồng già vợ trẻ là tiên.”  Nó còn giễu cợt, “Từ nay, anh Phức không còn phải vác ‘bộ đồ nghề’ chạy rông suốt đêm.”

      Ngày Hạ Viên sinh bé trai Ronnie, ai nấy đều mừng cho Phức.  Anh tổ chức tiệc mừng lễ khẳm tháng (đầy tháng) của bé với sự tham dự nồng nhiệt của bạn bè.  Nhưng chỉ hai tháng sau, một đêm bé được đưa vào nhà thương cấp cứu vì chấn động não, hình như bị đánh rơi từ trên cao xuống sàn nhà, và tắt thở trước khi bác sĩ khám nghiệm.  Hầu hết người Việt và người bảo trợ đến nhà thờ dự tang lễ của bé.  Sau đó, sở Xã hội mở cuộc điều tra, nhưng quyết định không làm khó dễ Hạ Viên mà chỉ buộc nàng không cho Phức sống trong nhà, nếu không sẽ cúp mọi trợ cấp.

      Sau một thời gian dài không đến nhà Dần, tôi tình cờ gặp Phiến đi mua hàng trong thương xá.  Nó cười toe toét,

      “Bị đá ra khỏi nhà cô Viên, anh Phức dọn về ở chung với tui, chia trả tiền nhà và điện nước.  Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ảnh tìm ra mối cơm no bò cỡi mới.  Tài thiệt!”

      “Lần này con tim cô đơn nào có diễm phúc được anh Phức dâng hiến tình yêu?”

      “Chị Anh vợ anh Giang chớ ai.  Có một dạo chỉ đóng vai ‘phòng nhì’ của ông Mẫn, anh nhớ không?”

      Người tình mới của Phức là Yến Anh.  Chị có chồng là Giang trước làm trung sĩ Quân cụ ở Nha Trang và đã có bốn đứa con.  Em ruột của chị có chồng là Mẫn trước làm việc cho một cơ quan dân sự Hoa kỳ ở Sài gòn và có hai đứa con.  Đầu tháng Tư năm 1975, Mẫn đưa gia đình ông cùng với chị vợ và bốn đứa cháu di tản bằng máy bay; Giang anh cột chèo của ông là quân nhân không dám đào ngũ đi theo.  Trong thời gian nằm trong trại tỵ nạn Đồn Chaffee, Mẫn tẩn mẩn táy máy chơi trò “đánh hoa đánh cả cụm,” “đánh” luôn chị vợ, nên bị gọi là “Mẫn Hai Vợ.”

      Kết quả của cuộc vui lén lút là Yến Anh có thai và khi xuất trại sinh ra cô con gái út, trên giấy tờ là con của Giang dù anh còn kẹt ở Việt nam.  Yến Anh sống với năm đứa con khi anh vượt biên sang đoàn tụ với vợ con.  Nhưng rồi gia đình nghểnh ngảng đó chia làm hai:  Chính phủ thuê nhà cho anh và bốn đứa lớn ở, cấp apartment chính phủ cho chị và bé út, và trợ cấp đầy đủ cho cả đôi bên.

      Phức áp dụng chiến thuật cũ để chinh phục người đàn bà năm con:  rỉ rả lui tới thăm viếng và giúp làm chuyện vặt.  Ban đầu Yến Anh mời anh ở lại ăn cơm, dần dần kêu ngủ lại đêm, và cuối cùng rủ dọn tới ở chung cho tiện.  Phiến tiếp tục kể,

      “Anh Phức ăn ở chùa cả năm mà không ai hay.  Cho đến khi anh Giang được hãng Melroe nhận vào làm, và tụi Melroe tốt bụng cắt đặt ảnh làm chung đơn vị dây chuyền lắp ráp với anh Phức và ông Mẫn.  Ba tay cùng ‘cày một đám ruộng’ phải ngó mặt nhau suốt ca đêm!”

      “Tôi đoán ra rồi,” tôi cố nhịn cười, “Một trong hai tay ‘thợ cày’ kia báo cho sở Xã hội đến khám apartment chị Anh và bắt gặp anh Phức.  Kẻ đào hoa lại bị đá văng ra khỏi nhà!”

      Ảnh lại về ở chung với tuiTui làm ban ngày, và ảnh làm đêm nên không mấy khi gặp nhau.  Ảnh làm ca mười tiếng và nghỉ cuối tuần ba ngày thì lái xe đi Fargo hú hí với cô ‘vợ’ mới nghe nói giàu lắm, không biết ảnhdzô’ từ hồi nào.  Con dê xồm như ảnh khi nào chịu để ‘súng ống’ nằm không!”  Fargo là thành phố lớn nhất North Dakota và cách Bismarck 200 dặm Anh về phía đông.

      * * *

      Giữa thập niên 1990, hầu hết người Việt đến Bismarck năm 1975 - 1976 đã dọn đi nơi khác, và tôi không còn liên lạc với Phức hay biết anh ở đâu.  Một hôm anh bất thần đến nhà tôi và sau vài câu thăm hỏi, nặng lời trách móc,

      Tui với anh ở với nhau như đọi [bát] nước đầy, chưa bao giờ mất lòng nhau.  Nhưng sao bây giờ anh xen vô chuyện gia đình tui mà không cho tui biết?”

      “Anh nói gì, tôi không hiểu?  Tôi chẳng biết ất giáp gì về gia đình anh cả,” tôi ngạc nhiên hết sức.

      “Hôm nay tui bị đòi lên sở Xã hội, họ nói ‘Mr. Nguyen’ đã chứng thực với cảnh sát là tui bỏ bê gia đình và ngược đãi vợ con,” Phức hơi dịu giọng, “Nếu không phải là anh thì còn ai trồng khoai đất này?”

      “Anh lầm rồi.  Tụi tôi hết làm thông dịch chùa cho sở Xã hội hay sở Cảnh sát lâu rồi.  Việc gì xảy ra?”

      “Chuyện phức tạp” của Phức bắt đầu từ đầu thập niên 1980.  Sau khi làm thủ tục nhập tịch với sở Di trú và Ngoại kiều, Phức tiện thể điền mẫu đơn xin bảo lãnh vợ con sang Hoa kỳ.  Anh làm đơn để lương tâm khỏi cắn rứt chứ trong thâm tâm tin chắc việc đó sẽ không bao giờ xảy ra và sau đó quên bẵng đi.  Nhưng ở Việt nam, mẹ con chị Phức kiên trì lo xúc tiến thủ tục giấy tờ, và hai đứa con lớn lên đến tuổi trưởng thành quyết không lập gia đình để giữ điều kiện độc thân cần thiết.  Mười ba năm sau, đùng một cái Phức được thông báo vụ bảo lãnh được chấp thuận, vợ con anh bay đến Bismarck, và anh không thể không nhận.

      Tránh không đề cập đến chuyện rắc rối với sở Xã hội, Phức kể cậu con trai chất hàng trong siêu thị bị cảnh sát câu lưu vì dính líu tới đường dây ăn cắp hàng hóa của kho hàng.  Cô con gái nướng hamburger trong tiệm Burger King cặp bồ với một thanh niên người Việt trẻ hơn cô ba, bốn tuổi, nhưng khi cô báo tin dính bầu, chàng ta bỏ trốn mất tăm.  Cô nhờ bạn đưa đi phá thai, sau đó chán đời toan tự tử, và phải vào bệnh viện tâm thần điều trị cả tháng trời.  Riêng bà vợ thì, “Tiếng Anh tiếng U không biết một chữ, không làm được gì, và quanh năm suốt tháng bệnh rề rề vô ra nhà thương như cơm bữa.”

      Tôi biết ngay “Mr. Nguyen” là bác sĩ Đoan.  Cũng họ Nguyễn như tôi, anh là bác sĩ tâm thần từ bắc California lên Bismarck làm việc vài năm nay, cùng trang lứa và chơi thân với tôi, và thỉnh thoảng mời gia đình tôi đến nhà ăn cơm tối.  Tôi không hề nghe anh nói về gia đình Phức có lẽ vì phải giữ kín chuyện riêng tư của bệnh nhân.  Tôi an tâm vì nạn nhân trong vụ này – chắc hẳn là chị Phức – sẽ được anh bảo vệ và giúp đỡ theo luật pháp Hoa kỳ.  Khi từ giã, tôi bắt tay Phức,

      “Chúc anh may mắn và khó khăn qua mau.  Tôi ít giao thiệp với người mình nên không nghĩ ra ‘Mr. Nguyen’ là ai.”

      Một tối cuối năm, tôi và Quỳnh Châu đến nhà quàn viếng đám tang một người bạn đồng nghiệp của tôi vừa mất vài hôm trước.  Khi ra về, chúng tôi gặp Phức ngoài bãi đậu xe với nét mặt buồn buồn.  Tôi hỏi,

      “Anh Phức, đi đâu đây?”

      Tui tới lo chuyện thiêu xác bà vợ.  Bả chết tuần trước, chừ còn nằm trong phòng lạnh nhà quàn.”

      “Tội nghiệp chưa! Xin chia buồn với anh và các cháu.  Khi nào đám tang chị?” Quỳnh Châu hỏi.

      “Đám tang đám tiếc chi !  Thiêu xong, tui gởi tro về cho anh em bả bên làng Mỹ Lợi.  Cho bả về lại quê nhà!”

      Nhìn Phức lòm khòm bước khuất sau cánh cửa, Quỳnh Châu ngậm ngùi, “Xong rồi một đời đàn bà bất hạnh!”  Tôi tự hỏi trong mấy mươi năm dài, chị Phức hưởng được mấy ngày hạnh phúc.

      Nguyễn Ngọc Hoa

      Ngày 20 tháng Ba, 2024

       ***

      Truyện ngắn mới: "Anh Chàng Ba Quốc Tịch" (Tháng Tư 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

      Mời đọc truyện ngắn thứ tư

      của

      loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

      Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

      Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

      https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

      https://dconnect.co.jp/friend/

      Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

      --------------------------------------------------------------------------------------------------------------- 4. Anh Chàng Ba Quốc Tịch

      Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

      Sống ở Bismarck, North Dakota có điều bất tiện là di chuyển bằng đường hàng không mất khá nhiều thì giờ.  Tiểu bang North Dakota đất rộng dân thưa, dân chúng chuyên về nghề nông và chuộng di chuyển bằng xe hơi để đi đường xa hơn đi máy bay, và số hành khách dùng máy bay để đi công tác như tôi nhiều hơn số hành khách di chuyển vì lý do riêng tư.  Từ phi trường Bismarck, muốn đi đâu thì trước hết phải bay tới một trong hai phi trường lớn:  phi trường Minneapolis, Minnesota để chuyển sang chuyến bay tới các thành phố phía đông và phi trường Denver, Colorado để đi về phía tây, ngoại trừ Minneapolis hay Denver là nơi đến.  Vì vậy, mỗi tháng đi họp tôi phải đợi hàng nửa buổi tại một trong hai phi trường này để chờ bay về nhà.

      Đối với tôi, đó là cái giá nhỏ phải trả để sống ở thành phố Bismarck nhỏ bé hiền hòa.  Nơi đây dân chúng hòa nhã niềm nở và hay giúp đỡ, hầu như không có trộm cướp, và không bao giờ bị kẹt xe.  Bạn đồng nghiệp ở sở tôi hay nói đùa, “Kẹt xe là khi có hơn năm chiếc xe sắp hàng đợi đèn xanh ở ngã tư.”  Nhiều bạn tôi sống ở thành phố lớn phải commute (đi lại đều đặn giữa hai nơi) đi làm, có người lái xe mất đến hai tiếng đồng hồ  mỗi lượt đi hay về, trong khi tôi đi bộ tới sở không tới mười phút.  Buổi trưa tôi về nhà vừa ăn cơm vừa xem ti-vi và đôi khi chợp mắt một lát trên ghế xô-pha trước khi trở lại làm việc.

      Là dân tỵ nạn với vốn liếng Anh ngữ ban đầu không bằng đồng nghiệp người Mỹ, tôi miệt mài làm việc, học hỏi, và nghiên cứu với nỗ lực gấp năm gấp bảy họ.  Tôi hăng hái nhận lãnh thêm nhiệm vụ mới để thăng tiến nghề nghiệp và tận dụng sở trường của mình là kiến thức lý thuyết về điện thuật và toán học.  Sau gần 20 năm làm việc cho Công ty Tiện ích Montana-Dakota (MDU), tôi trở thành một kỹ sư kế hoạch có khả năng hảo hạng trong các lãnh vực thảo chương điện toán dùng FORTRAN (ngôn ngữ dùng tính toán trong các áp dụng khoa học và kỹ thuật), tiên đoán mức dùng điện của khách hàng, và hoạch định hệ thống phát điện tương lai.

      Ở Bắc Mỹ, những hệ thống điện nối với nhau thành ba liên mạng hầu như độc lập:  Liên mạng Đông, Liên mạng Tây, và Liên mạng Texas (chỉ gồm tiểu bang Texas).  Trong mỗi liên mạng, các cơ quan điện lực có khu vực hoạt động gần nhau hợp lại thành tổ hợp để mua bán điện, hợp tác kỹ thuật, và chung vốn đầu tư vào các dự án điện nhằm phục vụ khách hàng hữu hiệu hơn với giá điện rẻ hơn.  Công ty tôi nằm trong Liên mạng Đông và là hội viên của Tổ hợp Điện lực Vùng Trung-Lục địa (MAPP).

      Tổ hợp MAPP gồm hơn 40 công ty cung cấp điện cho năm tiểu bang Hoa kỳ và hai tỉnh Gia Nã Đại.  MAPP đặt trụ sở tại Minneapolis và hoạt động tùy thuộc phần lớn vào các ủy ban MAPP mà thành viên do những công ty hội viên cử vào.  Tôi lần lượt được cử vào một số ủy ban và dần dần giữ chân chủ tịch một ủy ban quan trọng có thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn kỹ thuật mà hội viên MAPP phải tuân hành.  Nhờ đó, trong vùng MAPP, tôi được nhiều người biết mặt biết tên và quen biết và giao thiệp thường xuyên với nhân viên các công ty khác.

      Trong ngành điện lực, danh từ “reliability” (tính đáng tin cậy) chỉ khả năng cung cấp điện liên tục và thỏa mãn cho khách hàng.  NERC, tức là North American Reliability Council, đặt trụ sở tại Princeton, New Jersey là “hội đồng” hay cơ quan có nhiệm vụ tìm cách giảm thiểu nguy cơ đe dọa reliability của các hệ thống điện trên toàn Bắc Mỹ.  Về mặt reliability, ba liên mạng Bắc Mỹ chia ra thành mười vùng điện lực mà MAPP là một.

      Giữa thập niên 1990, cuộc đời nghề nghiệp của tôi hướng về một chân trời mới khi MAPP cử tôi làm đại diện trong Tiểu ban Thẩm định tính Đáng Tin cậy (viết tắt là RAS) của NERC.  RAS khảo sát sự hoạt động của các liên mạng và phúc trình khuyết điểm có thể đưa tới cúp điện trong một khu vực rộng lớn như đã xảy ra ở vùng đông bắc Hoa kỳ năm 1965.  Tiểu ban họp hàng tháng tại các thành phố lớn ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại và mỗi năm ấn hành phúc trình thẩm định reliability của mười vùng điện lực cho ba khoảng thời gian khác nhau:  mùa hè, mùa đông, và 10 năm (dài hạn) sắp tới.  Những phúc trình này được công chúng và báo chí tin dùng và xem là thước đo reliability của kỹ nghệ điện lực.

      Với kiến thức rộng rãi bao gồm các phạm vi kỹ thuật, quản trị xí nghiệp, quản trị công quyền, và kinh tế, tôi giúp tiểu ban RAS phân tích và giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách năng lượng quốc gia có thể đưa tới cúp điện quy mô.  Tôi có tài viết Anh ngữ cô đọng, chính xác, và đúng văn phạm ít ai bằng nên các bản phúc trình khởi thảo sau khi tôi duyệt lại mang đầy những dấu kẻ xanh đỏ đề nghị sửa đổi.  Bạn đồng sự RAS nói, “Ba Hoa chỉ trích [phúc trình khởi thảo] thì ắt phải đúng, đừng cãi vô ích.”  Đối với họ, tôi còn là kẻ “nhẫn tâm và dai dẳng”:  Khi điều tra reliability mà thấy có vấn đề đáng nghi ngờ tại một hệ thống điện, tôi cật vấn vùng điện lực liên hệ tới kỳ cùng.  Cho đến khi vùng điện lực ấy giải thích thỏa đáng hay cam kết sẽ cải thiện hệ thống theo tiêu chuẩn kỹ thuật của NERC.

      Tôi đi họp tổ hợp MAPP thì công ty tôi trả chi phí di chuyển và ăn ở, và họp tiểu ban RAS thì MAPP trả chi phí, nhưng việc ở công ty MDU trả lương cho tôi mỗi hai tuần vẫn là bổn phận của tôi.  Trước khi đi họp, tôi làm ngày làm đêm cho kịp deadline (hạn cuối cùng) của các dự án.  Đi họp về, tôi làm thêm giờ để bắt kịp những dự án dồn tới trong khi tôi đi họp, cộng thêm những công tác mới do ủy ban MAPP hay RAS cắt đặt.  Tôi bận rộn ngập đầu, chiếc máy điện toán trên bàn làm việc ở nhà ngày đêm nhận điện thư liên quan đến công việc.  Mỗi khi tôi vào sở làm việc ban đêm hay cuối tuần, Quỳnh Châu phải gọi điện thoại vào nhắc về nhà trước khi cơm nước nguội lạnh, hay con không chịu đi ngủ đòi ba về “nói good night.”

      Làm việc vất vả nhưng tôi hãnh diện làm nên sự khác biệt – góp phần giữ điện chạy liên tục đến mọi nhà.  Đó là cách duy nhất tôi có thể diễn tả lòng biết ơn sâu xa đối với đất nước đã cưu mang gia đình tôi.

      * * *

      Một buổi chiều mùa hè cuối thập niên 1990, tôi bay từ Bismarck qua ngả phi trường Denver đến Vancouver, Gia Nã Đại để dự một phiên họp ba ngày của tiểu ban RAS.  Tôi đi chuyến bay chiều vì buổi sáng phải dự một phiên họp quan trọng ở sở và hy vọng đến nơi không quá trễ vì giờ Vancouver đi sau Bismarck hai tiếng đồng hồ.  Tám giờ tối, phi cơ đáp xuống phi trường, tôi mệt mỏi ngáp dài mong về tới khách sạn trước giờ đi ngủ thường ngày.  Tôi đã đến Vancouver vài lần.  Tôi cũng đã nhập cảnh Gia Nã Đại nhiều lần, cả bằng đường bộ lẫn đường hàng không, qua các cửa biên giới khác nhau.  Việc đi lại giữa hai nước khá dễ dàng:  Đến biên giới, tôi chỉ cần xuất trình bằng lái xe hay giấy tờ chứng minh mình là cư dân Hoa kỳ, và nhân viên kiểm soát quan thuế và di trú Gia Nã Đại thường chỉ quan tâm đến hai điều sau đây.

      Thứ nhất, họ cố cản người nhập cảnh từ Hoa kỳ mang rượu và thuốc lá quá mức được phép vào Gia Nã Đại bán kiếm lời vì ở đây hai món hàng đó chịu “sin tax” (thuế đánh vào các món hàng “tội lỗi”) rất cao khiến giá hàng cao hơn ở Hoa kỳ rất nhiều.  Thứ hai, họ cố chận dân Mỹ vào làm việc và lấy việc làm của nhân công Gia Nã Đại vì nơi đây nghiệp đoàn có quyền lực rất lớn và công nhân hưởng quy chế lương bổng và quyền lợi cao hơn ở Hoa kỳ.  Được đồng nghiệp ở sở mách nước từ nhiều năm qua, tôi không mang theo rượu hay thuốc lá, chuẩn bị sẵn tên và địa chỉ một người bạn tại nơi đến, và khi bị hỏi mục đích của chuyến đi, trả lời tỉnh bơ,

      “Tôi là du khách sang thăm bạn, viếng cảnh, và tiêu tiền.”

      Thường thì sau không quá vài phút, nhân viên kiểm soát Gia Nã Đại đóng dấu trên tờ khai nhập nội và vẫy tay cho tôi qua.  Nhưng lần này, sau khi đánh chi tiết lý lịch của tôi vào máy điện toán, người đàn ông ngồi sau quầy kiểm soát biến sắc mặt nhưng trầm tĩnh nói,

      “Vị trưởng trạm có chuyện muốn thảo luận với ông.”

      Trưởng trạm kiểm soát là một người đàn bà khoảng trên ba mươi tuổi, dáng mảnh khảnh, và ăn nói dịu dàng.   Cô đưa tôi vào văn phòng, yêu cầu xác nhận những chi tiết đã khai, và hỏi,

      “Có phải ông có quốc tịch Việt nam?”

      “Tôi là công dân Hoa Kỳ.  Nguyên thủy tôi là người Việt nam, nhưng năm 1975 sang Hoa kỳ tỵ nạn chính trị,” tôi bắt đầu chột dạ.

      “Chúng tôi không thể cho phép ông nhập cảnh Gia Nã Đại,” giọng cô thoáng một chút khổ tâm.

      “Tôi đã vào Gia Nã Đại nhiều lần, tại sao lần này bị cấm cản?” tôi tức giận nói lớn.

      “Tôi lấy làm tiếc không thể nói,” cô lắc đầu.

      “Tôi vào Gia Nã Đại do quyền đi lại được luật pháp và hiệp ước thông thương của hai nước Hoa kỳ và Gia Nã Đại bảo vệ.  Nếu cô không nói rõ lý do và nêu bằng chứng thì chính cô là người vi phạm luật lệ quốc tế,” tôi mạnh dạn phản đối.

      Cô trưởng trạm thấy mình đuối lý nên miễn cưỡng nói, “Mời ông ra trước văn phòng ngồi đợi để tôi xin lệnh cấp trên.”  Tôi bỗng nhớ ra câu chuyện Bảo kể vài tháng trước.  (Anh là bạn thân của tôi ở trường kỹ sư và chủ trương tạp chí Xxxx Việt ở Toronto, Gia Nã Đại; đó là tờ báo chống Cộng mà tôi đã cộng tác mật thiết.)  Không dưng, anh và vài anh em Xxxx Việt bị cơ quan an ninh Gia Nã Đại mời đến thẩm vấn về các vụ biểu tình phản đối trước tòa Đại sứ Việt Cộng (“VC”) ở Ottawa do Xxxx Việt tổ chức vào cuối thập niên 1980.  Hồi đó, toán biểu tình căm giận VC tàn ác đối với đồng bào bên nhà nên có khi đập phá và “chơi bẩn” lấy phân trét vào cửa tòa đại sứ.  Tôi theo Bảo đi biểu tình ở Ottawa một lần.

      Nửa tiếng đồng hồ sau, cô trưởng trạm xuất hiện và mời tôi trở vào văn phòng,

      “Tôi được lệnh không tiết lộ lý do cấm ông vào.  Ông phải sửa soạn trở về Hoa kỳ.”

      Tôi rúng sợ.  Tôi đưa ra tất cả chương trình nghị sự, phúc trình, và tài liệu về RAS; trình bày rành mạch với cô trưởng trạm; và kết luận,

      “Phiên họp này rất quan trọng vì hệ thống điện Bắc Mỹ sắp đương đầu với thời điểm mùa hè dân chúng dùng điện cao nhất và có nguy cơ cúp điện hàng loạt.  Tiểu ban RAS nhóm họp không thể thiếu tôi.”

      “Dường như đó không phải là vấn đề của chúng tôi,” cô cười gượng gạo.

      “Tôi sẽ quay về nếu cô viết cho tôi vài chữ nói là cô không cho phép tôi nhập cảnh Gia Nã Đại.  Một sự thực không thể chối cãi!  Viết tay cũng được, chỉ cần có chữ ký của cô.  Sau này, nếu cúp điện xảy ra đâu đó, tôi không chắc nó sẽ hoàn toàn là vấn đề của RAS.”

      “Ông làm ơn đợi tôi một lần nữa,” rõ ràng cô bị đặt vào thế khó xử.

      Gần 11 giờ đêm (một giờ sáng hôm sau giờ Bismarck), cô trưởng trạm trở lại với nụ cười nhẹ nhõm, trên tay cầm một mẫu đơn,

      “Chúng tôi đồng ý cho ông nhập cảnh, nhưng sẽ phạt ông 400 Gia kim.”  Số tiền này trị giá khoảng 300 Mỹ kim.

      “Cũng được!” tôi đã mệt đừ và không biết làm gì khác hơn là nhận phạt, nhưng không giấu nổi vẻ đắc thắng, “Trên giấy phạt, thế nào cô cũng phải ghi ra duyên cớ; phải không?”

      “Chúng tôi đã nghĩ tới điều đó.  Bốn trăm Gia kim là lệ phí để ông nộp đơn xin vào công dân thường trú Gia Nã Đại,” cô đưa mẫu đơn cho tôi điền.

      Sau khi thu “lệ phí” trả bằng thẻ tín dụng, cấp biên lai, và chụp hình căn cước, cô trưởng trạm cấp cho tôi chứng chỉ công dân thường trú tạm thời có hiệu lực ba tháng.  Sáng hôm sau, các bạn đồng sự RAS được một phen cười thỏa thích, và tôi thành “anh chàng ba quốc tịch.”

      Để được bồi hoàn số tiền “lệ phí” $300, tôi viết memo tường thuật sự việc (không đề cập đến Xxxx Việt) và gửi biên lai và bản sao chứng chỉ thường trú kèm theo expense report (tờ ghi công tác phí) thường lệ đến MAPP.  Từ đó, trong giới MAPP, người ta kể giai thoại tôi bị ép làm công dân Gia Nã Đại làm chuyện cười.

      Nguyễn Ngọc Hoa

      Ngày 3 tháng Tư, 2024

       ***

      Truyện ngắn mới: "Có Tiền Mua Tiên" (Tháng Tư 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

      Fri, Jul 26 at 2:19 p.m.

      Mời đọc truyện ngắn thứ năm

      của

      loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

      Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

      Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

      https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

      https://dconnect.co.jp/friend/

      Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

      ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

      5. Có Tiền Mua Tiên

      Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

       Đầu tháng Hai năm 1999, cuối năm âm lịch gần Tết Kỷ Mão, tôi dự cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Điện năng (EPRI) tổ chức ở Hoa Thịnh Đốn.  Đây cũng là dịp hàng năm tôi gặp lại người bạn cũ là Mark, anh làm giám đốc mại dịch cho EPRI.  Tôi tình cờ thấy tờ  quảng cáo tiệc tất niên gây quỹ của cộng đồng người Việt ở Falls Church, Virginia thuộc vùng ngoại ô thủ đô và chiều thứ Sáu họp xong, rủ Mark đi dự và hứa, “Hôm nay tôi đãi anh ăn cơm Việt nam.”  Chúng tôi lái xe đi lạc đường nên đến nơi trễ, vé vào cửa đã bán hết nhưng còn hai chỗ trống trên bàn danh dự, và do đó chúng tôi được ngồi chung với các nhân sĩ tiếng tăm và vừa ăn vừa thưởng thức chương trình văn nghệ do ca sĩ Hồng Uyên nổi tiếng phụ trách.

      Tiệc tàn, trước khi ra tới chỗ đậu xe, tôi nghe tiếng nói ở sau lưng, “Ai như Ba Hoa mình vậy ?”  Tôi ngạc nhiên quay lại và nhảy bổ tới bắt tay người đàn ông cao lớn với vẻ mặt tươi cười:  Tảo người Quảng Nam học cùng lớp kỹ sư điện với tôi.  Từ ngày ra trường gần ba mươi năm trước, nay chúng tôi mới gặp lại nhau.  Tảo giới thiệu vợ là Thảo Trang người Huế và hỏi,

      Ba Hoa ở đâu mà lạc tới đây?  Hồi nãy mình thấy Ba Hoa ngồi trên bàn danh dự mà không tiện tới hỏi thăm.”

      “Tôi ở North Dakota về đây họp,” tôi giới thiệu Mark và nói, “Bây giờ đã khuya mà tôi còn có anh bạn này, mai thứ Bảy mình gặp nhau được không?  Trưa Chủ Nhật tôi mới bay về.”

      “Mình ở Vienna thuộc Virginia, gần đây thôi.  Hay mai Ba Hoa trả phòng khách sạn, mình đến đón Ba Hoa về nhà mình ngủ lại đêm?”

      Sáng hôm sau, Tảo đến khách sạn đón tôi và đưa đi thăm vài chỗ hay ho của thủ đô và chiều lại, đưa về ngôi nhà khang trang mà vợ chồng Tảo ở chung với cha mẹ Thảo Trang; hai cô con gái Tảo đã có gia đình và ở riêng.  Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy Thảo Trang và cô em gái Thảo Trinh (ở nhà khác đến) đã mặc sẵn áo quần, trang điểm xong xuôi, và đợi Tảo đưa đi ra ngoài.  Tảo giải thích,

      “Bà xã mình và cô em là ca sĩ tài tử thường trình diễn ở các sinh hoạt cộng đồng như tiệc tất niên tối qua.  Mỗi cuối tuần hai cô qua nhà anh Bằng tập hát, sau đó ảnh mời bọn mình ra nhà hàng ăn tối.  Nghĩa là mình với Ba Hoa cũng qua đó luôn.”

      “Bằng đó là ai mà ngon lành quá vậy?” tôi hỏi.

      “Anh nớ là luật sư mà soạn nhạc hay hết sẩy,” Thảo Trang trả lời giùm chồng, “Người dễ thương lại tài hoa mà gia đình bị đổ bể.  Thiệt tội!”

      Bằng ở trong khu apartment thượng lưu, căn apartment rộng rãi với đồ đạc để ngổn ngang.  Dáng đi của anh xấu, anh bước đi như thể kéo lệt bệt bàn chân trên mặt đất.  Đôi mắt lờ đờ sau cặp kính cận thị và nét mặt u buồn, khi Tảo giới thiệu tôi, anh hơi nhếch mép và gật đầu, không nói một lời, và không để cho tôi có cơ hội hỏi han.  Bắt tay ngay vào việc, anh đưa tập nhạc cho Thảo Trang và Thảo Trinh và đánh keyboard điện tử cho hai cô hát.  Toàn các sáng tác mới của anh, trong đó bài “Tình Quê” mang hình ảnh làng quê nghèo Việt nam khiến tôi xót xa,

      Bên chợ nghèo lao xao, có u già nhăn nheo
      Bán vài cành rau héo, mời dăm trái mướp gầy.

      Trên bờ ruộng xa xa, có đôi trẻ thơ ngây,
      Loanh quanh nhặt tôm tép, để ngon bữa cơm chiều.

      Một lần tôi thấy cô con gái khoảng 12, 13 tuổi của Bằng, cô từ phòng trong chạy ra nhà bếp lấy nước uống.  Hình như thường ngày cô sống với mẹ và cuối tuần này đến với cha vì tới lượt cha thăm viếng.  Nét mặt rầu rĩ đến tội nghiệp, cô không hề nhìn chúng tôi.

      Sau khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ tập chị em Thảo Trang hát, Bằng lấy chiếc Mercedes-Benz sang trọng chở bốn người chúng tôi ra nhà hàng Tàu ăn tối; cô con gái vẫn ở trong phòng.  Dường như thỏa thuận ngầm với nhau, Bằng, Tảo, và chị em Thảo Trang nói toàn chuyện âm nhạc và tránh chuyện riêng tư.  Trở về nhà, trước khi Bằng bắt đầu đợt tập hát thứ nhì, tôi chợt thấy một tấm hình nằm khuất sau chồng sách trên bàn chụp anh đứng trước Tháp Bà Nha Trang; cái di tích cổ của người Chàm nằm trên đỉnh ngọn đồi nhỏ, dưới chân đồi là cầu Xóm Bóng.  Có một thời, cha mẹ có ngôi nhà cách Tháp Bà khoảng 300 thước, và tôi đã ghé lại đó nhiều lần.  Tôi hỏi,

      “Bức ảnh này chắc mới chụp.  Anh về Nha Trang hồi nào?”

      “Gần đây thôi.  Tôi mang gần một ngàn chiếc xe lăn về tặng cho người tàn tật ở miền Trung,” anh miễn cưỡng trả lời.

      “Có phải là chương trình tặng xe lăn do hội thánh Tin Lành địa phận Nha Trang tổ chức quyên góp và phân phát?”


       Bằng không trả lời, ngầm công nhận điều tôi hỏi là đúng.  Do sự liên hệ của anh với chương trình từ thiện Tin Lành, tôi đoán ra gốc tích của anh.  Về nhà Tảo, tôi không nén nổi lòng tò mò,

      “Anh Bằng ly dị bao lâu rồi mà thấy giả còn đau khổ quá vậy?”

      “Chỉ mới ba, bốn tháng nay thôi.  Gia đình giàu sang, vợ chồng giỏi giang, và con gái hiền ngoan mà một sớm một chiều tan nát,” Tảo ngậm ngùi.

      “Tại sao?  Chuyện gì xảy ra?”

      “ Dầu chơi thân với ảnh, tụi mình cũng không dám hỏi chuyện riêng.  Nghe phong thanh như thế này.”

      Bằng và vợ là Trắc Giang làm chủ một công ty thầu công tác ban đêm dọn dẹp và lau chùi các cao ốc mà ban ngày là nơi làm việc của những công ty khác.  Công ty của vợ chồng Bằng lớn, thuê nhiều người Việt tỵ nạn, và có trên 500 nhân viên.  Chị giữ chức tổng giám đốc, và anh làm phó tổng giám đốc cai quản phần tài chánh kế toán và có toàn quyền chi tiêu tiền bạc của công ty.  Một hôm anh ngã bệnh phải nằm nhà thương, chị xem sổ sách thấy bản lưu tờ chi phiếu $5,000 anh ký tặng ca sĩ Nguyệt Liên mà không có lý do.  Chị nổi tam bành tức tốc chạy vào bệnh viện, chìa bằng chứng anh lấy tiền cho gái, mắng chửi anh là đồ vô ơn bạc nghĩa, và nhất quyết đoạn tình.

      Tôi thắc mắc,

      “Ca sĩ Nguyệt Liên hát ở đâu, hồi nào mà tôi chưa hề nghe tiếng?”

      Cổ sinh năm 1963, nhỏ hơn anh Bằng 18 tuổi.  Năm 1981, theo gia đình vượt biên sang California, cổ bước vào nghề ca hát nhờ có sắc đẹp, nhưng không lấy gì làm sáng giá vì chỉ biết hát theo lối ‘truyền khẩu,’ nghĩa là nghe người khác hát như thế nào thì bắt chước hát lại y như vậy.  Nhờ lên sân khấu mà thành có tiếng, cổ ‘bắt’ được anh chồng thương gia khá giàu và sinh một đứa con.  Mười năm sau, cơm không lành canh không ngọt, hai người chia tay.”

      “’Đời, c'est la vie; tình, c'est l'amour!’” tôi buột miệng nói một cách vô duyên.

      “Người mẹ độc thân ấy làm đôi ba việc khác nhau để sinh sống:  trang điểm cô dâu và các bà đi dự dạ hội; giúp bà mẹ mở quán ăn có chừng chục bàn bán sống qua ngày, gia đình chủ quán vừa nấu bếp vừa chạy bàn; và thỉnh thoảng đi hát cho sinh hoạt cộng đồng hay chương trình từ thiện.  Nhờ vụ hát hỏng này mà cổ gặp anh Bằng và gây bão tố cho gia đình ảnh.”

      * * *

      Bằng sinh năm 1945 ở Thái Bình, năm chín tuổi theo gia đình di cư vào Nam sống ở Nha Trang, và sau khi đậu Tú tài II, vào Sài gòn học ở Đại học Luật khoa.  Cha anh là mục sư Tin Lành giữ chức tổng giám mục địa phận Nha Trang bao gồm các tỉnh miền Trung.  Năm 1967, anh đậu bằng Cử nhân Luật ban Kinh tế và tiếp tục học lên cao học.

      Đầu năm 1971, trong khi cuộc hòa đàm diễn ra tại Paris, Bằng được chính phủ Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) cử vào một trong những phái đoàn sinh viên gửi ra nước ngoài để “giải độc,” tức là phản tuyên truyền nỗ lực của Cộng sản bằng cách trình bày với sinh viên ngoại quốc cuộc chiến đấu anh dũng có chính nghĩa của quân dân miền Nam.  Anh được gửi sang Tokyo, Nhật Bản.  Cuối chuyến công tác, anh bỏ trốn xin ở lại “tỵ nạn chính trị.”  Anh được Nhật cho ở lại, nhưng bỏ mặc anh tự túc sinh sống.  Dù nhỏ bé ốm yếu, anh làm phu khuân vác để sống qua ngày.

      Vận may của Bằng đến khi anh lọt vào mắt xanh của Trắc Giang, con một của một gia đình giàu có sang Nhật du học vài năm trước với mục đích chính là kiếm chồng.  Cha mẹ chị không muốn chị lấy chồng trong nước vì sợ người đó phải đi lính chết trận hay bị thương khiến chị thành quả phụ hay có chồng tàn tật.  Chị cứu vớt anh ra khỏi cơn đói khổ thiếu thốn, và hai người thành hôn.  Với tiền bạc gia đình chị gửi sang, họ đi học chờ thời:  Anh học quản trị công quyền, và chị học quản trị xí nghiệp.

      Năm 1975, miền Nam sụp đổ, vợ chồng Bằng dắt díu nhau sang Toronto, Gia Nã Đại “tỵ nạn Cộng sản.”  Anh tiếp tục học lấy bằng Cao học Kinh tế, và chị lấy bằng Cao học Quản trị Xí nghiệp.  Khi chương trình đoàn tụ gia đình dành cho người tỵ nạn Việt nam được thiết lập, chị làm đơn xin bộ Nhân lực và Di trú cho cha mẹ chị ở Việt nam nhập cư Gia Nã Đại.  Đơn được chấp thuận, và tin ông bà đến Toronto lan truyền trong cộng đồng tỵ nạn.  Tối hôm đó, bạn bè quen biết rủ nhau ra phi trường đón ông bà.  Anh chị cũng ra phi trường, nhưng không đón mà đứng đằng xa nhìn lại.  Theo cách đối xử nhân đạo của chính phủ Gia Nã Đại, nếu người nhập cư không có thân nhân thì nhân viên chính phủ phụ trách tiếp đón sẽ lo liệu nơi ăn chốn ở cho họ trong thời gian đầu.  Nếu có thân nhân thì thân nhân phải lo nên cặp vợ chồng khoa bảng giở trò khôn lỏi đùn cho chính phủ để khỏi tốn tiền.

      Ít lâu sau, có lẽ không chịu nổi miệng thế chê cười, vợ chồng Bằng dắt díu nhau sang Hoa Thịnh Đốn sinh sống.  Họ lập công ty, khuếch trương lớn mạnh, và làm ăn rất phát đạt.  Bằng học lớp đêm trường Luật Đại học Georgetown và lấy bằng luật sư.  Anh chị và cô con gái sống hạnh phúc.  Cho đến ngày anh bị người đẹp Nguyệt Liên hớp hồn!

      Bằng và Trắc Giang ly dị và phân chia tài sản, mỗi người ôm một số tiền kếch xù mà họ có thể đầu tư và sống giàu có suốt đời.  Bằng gọi điện thoại viễn liên sang nam California cho Nguyệt Liên sáng tối mỗi ngày hai lần, mỗi lần hàng mấy tiếng đồng hồ.  Anh gửi quà cáp tặng nàng tới tấp, món nào món nấy bằng cả gia tài người khác.  Thí dụ, trong một dịp sinh nhật của nàng, anh tặng chiếc Mercedes-Benz mới toanh.

      Trắc Giang đời nào chịu thua kém cô tình địch cũ.  Để chứng tỏ mình cũng có tài ca hát . . . như ai, chị thuê nhạc sĩ Nguyễn Sáng 6 (“6” là một phần của biệt hiệu) nổi tiếng bay từ Sài gòn sang Hoa Thịnh Đốn soạn nhạc, tập cho chị hát, và thực hiện CD “Nhạc Trắc Giang” để chị đem lên chùa tặng Phật tử đồng hương.  Để chứng tỏ mình cũng còn nhan sắc, người đàn bà gần lục tuần tư tình với một cựu trung tá Không quân VNCH có gia đình.  Không may, ông này bị bệnh mất.  Chị đến nhà quàn than thở khóc lóc, hôn người yêu, và trước khi ra về – trước mặt gia đình ông – mang vào tay ông chiếc nhẫn đính hôn.

      Bằng dọn về California, cưới Nguyệt Liên, và mua cho nàng căn nhà $800,000 ở Santa Monica gần biển.  Nhà tám trăm ngàn ở nam California chỉ là nhà thường, nếu không nói là xập xệ.  Nhưng anh mua cốt lấy địa điểm, cho phá nhà cũ, và xây một biệt thự nguy nga có phòng hòa nhạc chứa được 50 người.

      Nguyệt Liên để ra sáu tháng học hát và trình diễn – lần đầu tiên – để đi hát trở lại.  Vợ chồng nàng về Sài gòn thăm viếng, trình diễn ca nhạc, và “giao lưu” với phóng viên báo chí.  Từ đó xuất hiện nhan nhản những bài tường thuật và phỏng vấn tâng bốc nàng lên tận mây xanh và thổi phồng cái quá khứ khiêm nhường thành những tháng ngày huy hoàng rực rỡ.  Thí dụ, cô ca sĩ không mấy ai biết tên ngày trước biến thành “nữ danh ca hàng đầu hải ngoại thập niên 1980,” cái ghế trong tiệm uốn tóc để trang điểm cho khách hồi đó trở thành “trung tâm chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ,” và cái quán ăn nhỏ của gia đình hơn 20 năm trước được nâng lên thành “chuỗi nhà hàng cao cấp.”  Phú quý sinh lễ nghĩa, dần dần nàng tự đẻ ra nhiều tài nghề mới như viết truyện phim, đóng phim, đạo diễn phim, sản xuất phim, và cộng tác với Bằng soạn nhạc.

      Thật là có tiền mua tiên cũng được!  Có điều, tiên mua được xấu hay đẹp thì còn phải xét lại.

      Nguyễn Ngọc Hoa

      Ngày 17 tháng Tư, 2024

      *** 

       


      • Blogger Comments
      • Facebook Comments
      Item Reviewed: TRANG ĐẶC BIỆT GIỚI THIỆU SÁCH MỚI PHÁT HÀNH & TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ