728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    TRANG THƠ VĂN NHÀ BIÊN KHẢO NGUYỄN MINH THANH-THIỀU CHỬU NGUYỄN NGUYỄN KHA THIÊN TÀI UỔNG MỆNH

     TRANG THƠ VĂN NHÀ BIÊN KHẢO NGUYỄN MINH THANH-THIỀU CHỬU NGUYỄN NGUYỄN KHA THIÊN TÀI UỔNG MỆNH

    Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha                        

    Thiên Tài Uổng Mệnh



    Tuổi thơ vất vả chuyện chăn bò
    Mẫn tuệ học hành tự giác lo
    Chăm chỉ dần dà thông đạo Phật
    Miệt mài lần lượt thạo làng Nho
    Nổi danh sách Hán Việt Từ Điển
    Thơm tiếng khóa Tăng Ni học trò
    Phẫn uất trong "Cải Cách Ruộng Đất "
    Trầm mình cả nước mãi thương cho... !!

    Nguyễn Minh Thanh
    I - Lược Sử: Thiều Chửu Ng. Hữu Kha(1902–1954):
     Xuất thân trong một gia đình Nhà Nho nghèo, anh em đông, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Thân phụ là Ô. Nguyễn Hữu Cầu, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Cụ Nội của Ông danh tiếng, là Ông Nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý.
    Ông kể về tuổi thơ rằng: "Nhà nghèo quá, chị em tôi 7- 8 tuổi đã phải chăn bò cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa. Năm tôi 13 tuổi, bố bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ sinh con thứ 8. Đẻ được ba ngày mẹ đã phải đi làm đồng"
    Ô.được Bà Nội và Bác ruột dạy chữ Hán, cùng với thông minh và kiên trì tự học, dần dà Ông đã am hiểu chữ Hán, Nho giáo và Phật giáo, lại thông thạo các tiếng Anh, Pháp, Nhật.
    Thiều Chửu NHK: là nhà văn hóa, dịch giả và cư sĩ. Ô. là tác giả bộ Hán Việt Tự Điển nổi tiếng và nhiều bộ sách rất hay về Phật giáo.  
    Ông lấy hiệu Thiều Chửu, có nghĩa là cái chổi quét bụi, còn gọi " cái phất trần ".
    Thiều Chửu bao giờ cũng lầm lì, ít nói, mặc quần áo nâu và đi guốc mộc như một bác dân quê. Ô. ăn chay trường với mâm cơm đạm bạc, và ngày chỉ ăn một bữa trước giờ ngọ.
    Năm 1945, Ô. được mời tham gia Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với tư cách là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Nhưng Ô. từ chối.
    Năm 1936, ông cùng bà Hoàng Thị Uyển sáng lập Hội Tế Sinh và làm Tổng Thư ký Hội. Ngay năm sau Hội lao vào cứu giúp nạn nhân trận lụt Đinh Sửu.
    Năm 1937, lụt tràn hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Ông cùng những người trong Hội đã đi cứu tế nạn nhân ba tháng liên tục cho đến mùa lúa chín.
    Năm 1941, khi trường Phật Học Phổ Quang được mở, Ông đảm nhận việc dạy chữ Hán, giảng Kinh và chủ trì các khóa lễ mà nhiều học viên sau này trở thành các bậc chân tu có uy tín.
    Năm 1946 Ông cùng lớp học Tăng Ni và một số trẻ Mồ Côi thuộc Hội Tế Sinh đi theo kháng chiến chống Pháp. Ô. tham gia lao động sản xuất, giáo dục, viết và dịch sách.
    Trong Cải cách ruộng đất  1954, Ông bị đội CCRĐ thuộc tỉnh Thái Nguyên quy là địa chủ và xỉa xói mắng nhiếc nhiều giờ, vu cho đủ các tội ác. Bị vu cáo, cộng với sự thương cảm cho nhiều nông dân bị hàm oan trong Cải Cách Ruộng Đất mà cảm thấy mình bất lực, Ông đã tự trầm vào ngày 15 tháng 7 năm 1954 tại sông Cầu chỗ đập Thác Huống, tỉnh Thái Nguyên.
    Ni sư Thích Đàm Ánh là học trò của Ô. kể lại rằng: Ô. dặn đừng vớt xác Ông, nhưng hậu duệ và học trò không ai nỡ làm thế.
    Sau hòa bình lập lại, họ trân trọng rước hài cốt ông về Hà Nội mai táng.
    Hiện nay mộ Ông đặt tại nghĩa trang Thanh Tước, số mộ 170-C3.
    Ngày 21 tháng 6 năm 2002 các cháu của ông cùng tạp chí Xưa & Nay (Hội Khoa học Lịch sử) và tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường) tổ chức hội thảo 100 năm ngày sinh Nhà Văn hoá Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha tại nhà Thái Học Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất long trọng.
    II -
    Thương Tiếc Thiên Tài :
    Ngàn năm xuất hiện bậc chân hiền
    Thương tiếc thiên tài trước nghịch duyên
    Bác học phi thường đầu bác cổ
    Thông minh xuất chúng trí thông kim
    Từ tâm dạy đạo theo kinh kệ                    
    Ái niệm giúp đời kính tổ tiên
    Mê muội dị đoan đều phản đối
    Tính thời sự đó vẫn còn nguyên
    Nguyễn Minh Thanh
    - a - Tiền Đồ Tổ Quốc Đêm Đen Thăm Thẳm:
    Trong thời kỳ 1945 - 1954  có nhiều nhân tài của Tổ Quốc bị sát hại một cách oan uổng: Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Kha,Khái Hưng, Nhượng Tống, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm.....
    Đau đớn bao hào kiệt uổng mệnh
    Xót xa Đất Nước thiệt anh tài
    Loay qoay Chủ Nghĩa đi không đến
    Tổ Quốc rồi đây bị một mai... !!!
    Hệ quả Đất Nước không phát triển được do người giỏi bị tru diệt. Vì chỉ có Hồng hơn Chuyên.
    Trên 20.000 Tiến Sĩ, nước VNCS không sản xuất, sáng tạo được một sản phẫm nào nở mặt với Năm Châu. So với Đại Hàn, Nhựt Bản... lùi lại 50... năm!!
    Singapore, mới lập quốc, diện tích chỉ hơn đảo Phú quốc một chút, ko có tài nguyên, nay đã phát triển vượt trội, ít ai bằng.
    Ngẫm, lòng đau. Việt Nam, rừng vàng, biển bạc VC hiến cho Tàu Cộng... !! Giờ thì VC cứ "Bán" công dân VN để lấy ngoại tệ. Nam, cái gọi là " Xuất Khẩu Lao Động ". Nữ, cái gọi là " Làm Dâu Xứ Ngoại ". Toàn là ngụy ngôn, xảo ngữ. Chưa từng thấy...!!
    - b - Phần Kết:
    Kết thúc bài " Thiều Chửu NHK, Thiên Tài Uổng Mệnh", người viết có bài thơ ":
    Cái Gọi Là Hồng Hơn Chuyên
    Tổ Quốc sóng to những lụy phiền
    Chỉ vì Đỏ Rực được ưu tiên
    Bất tài hoạnh họe nương bề thế
    Tham Nhũng khoe khoang dụng bạo quyền
    Việt Cộng hắc tâm lựa " Đảng sắc "
    Lân bang minh trí chọn " tinh chuyên "
    Hóa Rồng dân tộc Năm Châu nể
    Nước Việt chừng nào mới tới phiên ??
    Nguyễn Minh Thanh
    Với tâm thành ngưỡng vọng Tiên Sinh NHK, hậu bối tưởng niệm câu đối:
     - Tâm Bồ Tát: " Hiệp Hội Tế Sinh " hảo tâm cật lực... anh linh hiển hách bay lên Lạc Quốc.
     - Dạ Hiền Nhân:"Cải Cách Ruộng Đất"phẫn uất trầm mình... hàm oan bực bội chảy xuống Tuyền Đài.
    Nguyễn Minh Thanh biên soạn
             ( GA,July 13 - 2024 )

    ***

    Cho Đến Ngàn Năm

    Tội Ác Vẫn Còn...!!

    Tháng Tư Việt Cộng gieo tang tóc...!!
    Chiến sĩ xông pha khắp chiến trường
    Ầm ầm khói lửa bùng cơn lốc
    Chiến sĩ hy sinh khắp nẻo đường ...!!

    Tháng Tư còn đó... nỗi bàng hoàng...!!
    Nhốn nháo... thị thành cảnh ngổn ngang
    Dân chúng đổ xô lo chạy giặc
    Dòng sông cuồn cuộn... cuốn về Nam

    Tháng Tư bức tử Anh còn nhớ ??!!
    Uất khí xung thiên hiển sắc cờ !!
    Súng gươm buông bỏ hồn trăn trở...!!
    Thân thế... mây đen chuyển mịt mờ !!

    Tháng Tư Sông Núi ngùi... lâm nạn
    Tư Lệnh*,... liều thân lá uá rừng !!
    Máu cờ Cờ Máu bày lênh láng
    Lắm kẻ mê si hỉ hạ mừng... !!!

    Tháng Tư Việt Điểu bay tan tác...
    Người khóc vang trời Anh có nghe ?!
    Một bầy giặc Bắc vào ngơ ngác
    Trước cảnh Sài Thành lắm ngựa xe

    Tháng Tư quỉ Đỏ tràn vào phố
    Cướp của dân Nam chúng " Đổi Đời "
    Nhà cao cửa rộng bèn thay chỗ
    Đuổi chủ ra không... hận ngất trời...!!

    Tháng Tư giặc Cộng vào Y viện
    Chúng đuổi Thương binh ( VNCH ) ra... khắp đường
    Sứt tay gãy gọng bò... di chuyển...
    Băng trắng máu hồng... đẫm vết thương ...!!

    Tháng Tư Mẹ gìa chân mềm đá
    Tìm xác con mình đỉnh núi cao
    Chiều hoang đồn sập mưa ri rả...
    Cấm cúi... lần theo miệng chiến hào !!

    Tháng Tư " Cải Tạo Công Thương nghiệp "
    Tài sản mồ hôi giặc cướp không
    Cả nhà bị đẩy... xa biền biệt
    Heo hút rừng sâu... ngập muỗi mòng...!!

    Tháng Tư chạy gạo... ăn từng bữa
    "Cấm Chợ Ngăn Sông" đời khốn cùng
    Tự Do Dân Chủ không còn nữa
    Cả nước Vượt Biên đến... hãi hùng... !!

    Tháng Tư lớp lớp... thuyền tuôn biển
    Giặc Cộng rượt theo... giết giữa khơi...!!
    Khóc than ai oán... mây rung chuyển...
    Thây nổi bập bềnh... trôi khắp nơi...!!

    Tháng Tư " Cột Đèn "cũng muốn đi
    Rời khỏi quê hương ngay tức thì
    Chạy trốn bạo quyền dường Hổ Báo
    Trùng trùng... tội ác Biển Đông ghi...!!

    Tháng Tư người vượn bên bờ suối
    Nghiêng ánh hoàng hôn sao giống Ta
    Thất cơ tướng sĩ... đày khe núi
    Lả tả Lá rơi... rừng khóc oà... !!

    Tháng Tư mây trắng giăng dằng dặc...!!
    Màu trắng khăn tang vạn nẻo quê...!!
    Cô nhi Quả phụ mòn... con mắt
    Trông dáng sơn khê... mãi chẳng về !!

    Tháng Tư tóc lụa... lùa sương gió...!!
    Lồng lộng gương sông... bóng nhạn sầu...!!
    Dặm trường... bươn bả tìm Ai đó !?
    Thương quá tình Ai bước... dãi dầu !!

    Tháng Tư nước biển mùi thêm mặn
    Núi cũng cao lên cốt nhục hoài...
    Vợ hiền tìm mộ... chân mây trắng...
    Việt Bắc đèo heo... sương vướng vai... !!

    Tháng Tư đất thảm ngập trời sầu...!!
    Nước mất nhà tan... hận biển sâu !!
    Vời vợi... trăng treo hồn Cố Quốc
    Ngậm ngùi... tản lạc... khắp năm châu !!

    Tháng Tư nghiệt ngã bốn mươi năm !!
    Quốc Tổ Hùng Vương,... dạ tím bầm

    Nữ Nhi... buôn bán như nô lệ
    Tổ Quốc teo dần... ai biết chăng?!

    Tháng Tư cho dẫu bao lâu nữa...
    Giặc cướp rồi đây... tội phải đền
    Đỏ cờ Cờ Đỏ nung màu lửa
    Đạo Đức điêu tàn... Ác nổi lên... !!

    Biển lặng trăng mờ sao héo hon
    Vi vu... u oán triệu oan hồn
    Cùng hung Cực ác quân Cờ Đỏ
    Cho đến ngàn năm tội vẫn còn...!!
                             Nguyễn Minh Thanh
                                     ( Mùa Quốc Hận 2015 )
    *Năm vị Tư Lệnh tuẫn tiết:
    Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam
    Thiếu Tướng Phạm Văn Phú
    Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng
    Chuẩn Tương Trần Văn Hai
    Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ,
    và còn nhiều, rất nhiều người nữa...!!!

     ***



    Ô. Nguyễn Trường Tộ
    Thiên Tài Đoản Mệnh

    Tấm lòng Sông Núi chết còn mang
    " Trạng Tộ " thông minh nhứt Nghệ An
    Niên thiếu chuyên văn chương Khổng thuyết
    Trưởng thành chuộng thực học Tây phang
    Điều Trần cải cách đường hưng quốc
    Thông Dịch tấu trình việc ngoại bang
    Nguyện vọng Canh Tân dần bế tắc...
    Trầm kha u uất... nhập̣ Thiên đàng...
    Nguyễn Minh Thanh kính bút
        Hồi học Trung Học, Thầy dạy Việt Sử có dạy về Ô, Nguyễn Trường Tộ. Thầy bảo: khi Ô. Nguyễn Trường Tộ đi Tây về,  nói: Ở bên Tây: - Đèn chút đầu xuống vẫn sáng, Thuyền không  người chèo vẫn lướt trên sông... Triều đình, quan lại ngẩn ngơ... không ai tin... Dưới đây Sử Truyện Ô. Nguyễn Trường Tộ...
    I - Lược sử:
    Ô.Nguyễn Trường Tộ ( 1830? – 1871), còn gọi là Thầy Lân, là một danh sĩ, kiến trúc sư, và là nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ 19. Con một gia đình theo Công giáo Rôma từ nhiều đời tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cha ông là Nguyễn Quốc Thư, một thầy thuốc Đông y, nhưng mất sớm.
    Những năm học tập: Thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với cha và các thầy Nho ở trong vùng. Ông thông minh, học giỏi nên được truyền tụng là "Trạng Tộ"
    Sau khi thôi học, ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà Chung Xã Đoài.
    - Năm 1846 :Tại Nhà Chung Xã Đoài, Ông được Giám mục người Pháp tên là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu) dạy cho học tiếng Pháp và giúp ông có một số hiểu biết về các môn khoa học thường thức của phương Tây.
    - Năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng do việc Đạo
    - Năm 1859, Giám mục Gauthier đưa ông sang Hương Cảng và một số nơi khác...
    - Năm  1861: Làm Phiên Dịch cho Pháp, để mong góp phần vào việc hòa đàm...
    Nhưng khi Đô đốc Louis-Adolphe Bonard lên thay, hắn liền mở rộng cuộc chiến. Thấy vậy, Nguyễn Trường Tộ không trông mong gì ở cuộc "nghị hòa" nên xin thôi việc làm Phiên Dịch.
    II - Tận Tâm Vì Nước
    Sau khi thôi việc Phiên Dịch, Nguyễn Trường Tộ đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch Canh Tân đất nước. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật...phương Tây
    - Năm 1863 -  1866 Ông đã viết ba bản Điều Trần gửi lên Triều đình Huế là "Tế cấp luận", "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận".
    Ông nhận định bối cảnh và khuynh hướng chung của thế giới thời bấy giờ rằng:
    Các nước Tây phương và Nga đã xâm lăng gần như toàn cầu.
    Ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa. Ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh. Trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ. Ông đề nghị triều đình Huế nên tạm thời hoà hoãn với họ.
    Vào tháng 4 năm 1866 Ông về Ngệ An.
     Ở Nghệ An, Ông cũng viết thư cho Triều đình để báo tin về việc Giám mục Gauthier nhận lời đi Pháp để mua các thứ cần thiết về mở trường Kỹ Thuật ở Huế.
    Sau đó, ông được lệnh đi cùng Giám mục Gauthier ra Huế để chuẩn bị đi Pháp. Khi ấy là giữa tháng 8 năm 1866. Lần này, Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức cho tiếp kiến, được hỏi nhiều điều, và được nhà vua nghe theo.
    - Ngày 10 tháng 1 năm 1867, phái đoàn đáp tàu L’Orne đi Pháp. Trong 8 tháng ở đây, họ đã mua sách vở, dụng cụ, máy móc... để lập trường Kỹ Thuật ở Huế. Ngoài ra, Giám mục Gauthier cũng đã tới Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp để xin tài trợ cho các chương trình của mình; đồng thời tiếp xúc với một số thương gia và kỹ nghệ gia người Pháp.
    - Ngày 25 tháng 11 năm 1867, phái đoàn trở về Việt Nam.
    - Ngày 29 tháng 2 năm 1868, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ về tới Huế. Cùng theo về còn có hai Linh mục, một giáo dân (bác sĩ Hemaiz) và một người thợ máy (tất cả đều là người Pháp, và đều do Giám mục Gauthier vận động được). Sau khi xem xét các thứ mua về cho trường học và các thứ mà Bộ Hàng hải Pháp gửi tặng, vua Tự Đức cho phép Giám mục Sohier được xây trường học Kỹ Thuật trên mảnh đất đã đề nghị.
    - Năm 1868 những tháng đầu năm Ô.Nguyễn Trường Tộ đã gởi cho Triều đình nhiều văn bản. Nói về việc mở trường và phát triển đất nước, cải cách, canh tân...
    Khoảng giữa tháng 3 năm 1868, Nguyễn Trường Tộ được cấp phát ngựa và chi phí về Nghệ An thăm Mẹ già...
    - Năm1870, Ở Nghệ An Ô. Nguyễn Trường Tộ gửi thư lên Triều đình đề nghị lập lãnh sự ở Sài Gòn và sứ quán ở Pháp để nắm tình hình. Đầu tháng 11 năm đó, ông lại xin được vào Nam tổ chức đánh úp quân Pháp để thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ, nhân lúc Pháp đang thua Phổ (Đức) và Cách mạng Pháp đang nổi dậy.
    - Đầu năm 1871, ông nhận được lệnh cấp tốc ra Huế với lý do "đưa học sinh đi Pháp", nhưng chính là để bàn bạc với vua Tự Đức về: Quân sự và Ngoại giao mà ông đã trình bày trong các văn bản gởi cho Triều đình cuối năm 1870.
    Nhưng Triều đình Huế bàn đi tính lại mà không đi đến được một quyết định nào:
    III -  Mệnh Chung
    Sau mấy tháng ở Huế, Ô.Nguyễn Trường Tộ đã xin phép trở về Xã Đoài (Nghệ An). Đến ngày 22 tháng 11 năm 1871 thì ông đột ngột từ trần. Lúc ấy, ông chỉ mới 41 tuổi.
    Con ông là Nguyễn Trường Cửu, trong Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ chỉ nói gọn rằng:
    "Qua năm sau, Tự Đức năm 24 (1871), ngày 10 tháng 10, Ô. Nguyễn Trường  Tộ làm  thơ:
    "Nhất thất túc thành thiên cổ hận
    Tái hồi đầu thị bách niên cơ"
    (Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận
    Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm)
    Rồi thì qua đời. Mới 41 tuổi".
    Nhiều chứng cứ cho thấy ông mất vì bệnh xuất huyết bao tử. Và cho rằng Ông bị tâm bệnh. Tư thương tì...!! Song, cũng có người cho rằng Ông bị đầu độc...
    IV - Tiếc Thương:
    Người Tài Cao, Mệnh Yểu, Ông vĩnh biệt khi sông núi còn quá nhiều hoạn nạn...!! Và rồi di lụy mãi đến ngày nay. Trước đại họa VC, Tàu Cộng, nòi giống đang đi vào đêm đen trùng trùng thăm thẳm...!!
    Tiếc Thương
    Ô. Nguyễn Trường Tộ
    Ưu Tư mải miết chuyện sơn hà
    Cải Cách con đường dệt gấm hoa
    Khốn nỗi triều đình e... biển lạ
    Ngặt vì quan lại chuộng... ao nhà
    Tài cao tế thế đành mai một
    Mệnh yểu qui tiên vẫn thiết tha
    Vận Nước đêm đen dài dặc dặc...
    Thiên thu chôn chặt đấng tài ba...!!
    Nguyễn Minh Thanh kính bút
       Để kết thúc Sử truyện Ô. Nguyễn Trường Tộ, hậu sinh trân trọng kính viếng Ông với câu đối:
    " Thông minh xuất chúng Canh Tân Tổ Quốc bất thành... dạ ưu tư mải miết... thân trọng bệnh "
    " Tài trí tuyệt vời Cải Cách San Hà nan đắc... tâm uất ức đến đổi... mệnh viên chung...!!"
    Nguyễn Minh Thanh biên soạn
          (  GA, July 23 - 2024  )

     ***

    NAM QUAN PHẪN HẬN


    Tin đất Mẹ bị cắt dâng Tàu Tặc
    Người Việt Nam ruột thắt quặn lòng đau!
    Ôi!! Thênh thang bao xương trắng máu đào
    Đã đổ xuống len vào từng mạch đất...

    Nam Quan ơi!! Nơi tuyến đầu Tổ - Quốc
    Nay, mất rồi phần đất giống Rồng Tiên!!
    Nam quan ơi!! Nơi phần đất thiêng liêng
    Vùng đất Mẹ, những thiên bi hùng sử!!

    Giở lại sách từng trang về quá khứ
    Chính nơi đây: - phụ tử biệt tình thâm
    Dáng uy nghiêm lẫm liệt Nguyễn - Phi - Khanh
             Truyền dũng khí hùng anh cho Nguyễn - Trãi

    Chính nơi đây: - một qua không trở lại
    Hồn Liễu Thăng còn hãi khiếp quân Nam
    Tổ - Tiên xưa đẫm máu giữ giang san
    Nay Việt Cộng âm thầm dâng cho giặc!!

    Đau lòng quá sóng trào lên khóe mắt
    Thù thiên thu giặc Bắc lũ xâm lăng
    Năm ngàn năm giòng lịch sử nhọc nhằn
    Song oanh liệt chống ngăn phường cướp nước

    Những trận đánh đến long trời lở đất
    Tên Thoát Hoan vở mật viá hồn kinh
    Bạch - Đằng - Giang vẫn ngạo nghễ soi mình
             Dòng Nhựt - Tảo uy linh còn phảng phất...

    Đau lòng quá Nam - Quan giờ đã mất
    Mất cánh tay hay đứt một bàn chân!!
    Nương xứ người luân lạc... khắp xa xăm
    Nòi giống Việt qui tâm về Cố - Quốc...

    NGUYỄN - MINH - THANH

     ***

    LÊ LAI

    Hiến Thân Cứu Chúa
     - Kỷ Tín - .... - 240 TCN     
     - Lê Lai  - .... -    1418

    Trong bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương mở đầu có câu:"  Dư thường văn chi: Kỷ Tín dữ thân đại tử nhi thoát Cao Đế..." ( Ta thường nghe Kỷ Tín đem mình  chết thay, cứu thoát cho Cao Đế....)
    Trong truyện Lê Lai, theo Đaị Việt Thông Sử chép: Trước tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:
    - Nay thế trận nguy hiểm có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không? Các tướng ngồi yên không ai dám thưa. Duy, chỉ có Lê Lai dõng dạc đứng dậy nói:
    - Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa Công....

      Vậy, Kỷ Tín là ai ? Lê Lai là ai? Và Lê Lai so với Kỷ Tín, ai dũng khí hơn ai ? Ai anh hùng hơn ai??
    Dưới đây là Lược truyện Kỷ Tín và Lược truyện Lê Lai. Sau hết là Lời Phụ Bàn với 3 bài thơ ca tụng dũng tướng Lê Lai của người biên soạn.
    I - Lược truyện Kỷ Tín:
    Vào năm  240 TCN,  khi Hán Vương bị Hạng vương vây hãm ở thành Huỳnh Dương ngặt nghèo, bèn gọi Trương Lương, Trần Bình vào nghị kế.
    Trần Bình tâu:
    - Tôi có một kế có thể phá được vòng vây nầy, song chỉ sợ ở đây không có bậc trung thần nào dám chịu nạn cho Đại vương. Chu Bột và các võ tướng đều nói:
    - Sao ngài lại khi thị chúng tướng như vậy? Chúng tôi theo phò Chúa Thượng đã lâu, dẫu phải bỏ thây không tiếc. Trần Bình vừa cười vừa nói:
    - Cái đó chỉ là kế sâu xa, có lẽ các ngài chưa hiểu ý tôi.
    Hán Vương hỏi:
    - Tiên sinh có kế chi xin nói ra đây cho mọi người bàn luận. Trần Bình ghé vào tai Hán Vương nói nhỏ...như vầy... như vầy...
    Hán Vương khen phải và nói:
    - Kế đó rất hay. Trương Lương nên cố gắng thực hiện mới được.
    Trương Lương tuân lệnh về dinh mở tiệc rượu mời các tướng đến dự. Các tướng lần lượt đến, thấy giữa phòng tiệc có treo một bức tranh lớn, vẽ một chiếc xe trong đó có người ngồi, phía sau có hai trăm quân kỵ đuổi theo rất gấp. Đằng trước là một khu rừng rậm. Trong rừng có một người đang nấp. Các tướng không rõ bức tranh ấy có ý nghĩa gì, tại sao lại đem treo trong phòng tiệc, bèn hỏi Trương Lương. Trương Lương liền đáp:
    - Ngày xưa vua Cảnh Công nước Tề đánh nhau với quân Tấn. Cảnh Công thua to, quân sĩ đều trốn hết, họ bỏ Cảnh Công ngồi một mình trong xe. May có một nông phu trông thấy vội đẩy xe cho Cảnh Công đi trốn. Tuy nhiên, quân Tấn đuổi theo rất ngặt, khó mà trốn thoát nổi. Người nông phu nói:" Nguy đến nơi rồi, Chúa Công nên đưa áo quần cho tôi mặc, tôi sẽ ngồi nơi xe nầy mà chịu chết thay cho Chúa Công, còn Chúa Công nên trốn vào rừng thoát nạn ". Cảnh Công nói:" Ta được thoát nạn mà nhà ngươi bị giết, lòng ta sao đành". Người nông phu lại nói:" Tôi chết đi như rừng rậm mất một cây nhỏ. Còn Chúa Công mất là giang san nước Tề sẽ phải mất, xin Chúa Công xét nghĩ ". Cảnh Công theo lời, đổi quần áo cho nông phu rồi trốn vào rừng và thoát nạn......."
    Các tướng nghe nói, mặt mày ngơ ngác chưa hiểu ý. Trương Lương nói tiếp:
    - Ấy, nhờ người nông phu mà sau nầy Cảnh Công dựng nên nghiệp Bá, tiếng để sử xanh, ngày nay vẫn còn khen ngợi. Nay Chúa Thượng ta ngộ nạn, chẳng khác như Cảnh Công, thế mà không ai bắt chước cái việc làm của người nông phu. Vì vậy tôi treo bức tranh nầy lên để cùng xem. Các tướng nghe nói đều hăng hái đứng dậy nhìn nhau tỏ vẻ can trường:
    - Cha có nạn con chết thay, vua có nạn tôi chết thay. Chúng tôi xin đem thân chết thay Chúa Thượng, để cứu Chúa Thượng thoát khỏi trận Huỳnh Dương nầy.
    Trương Lương nói:
    - Các ông có lòng trung nghĩa thật đáng khen. Song hiện nay chỉ cần một người diện mạo giống Chúa Thượng mà thôi. Người đó là Kỷ Tín, chẳng biết Kỷ Tướng Quân có vui lòng chăng? Kỷ Tín nói:
    - Đó là ý nguyện của tôi, dầu phải tan xương nát thịt tôi cũng vui lòng. Trương Lương và Trần Bình mừng rỡ, đưa Kỷ Tín vào ra mắt Hán Vương tâu bày tự sự. Hán Vương nói:
    - Việc đó không nên, Lưu Bang nầy chưa làm nên nghiệp lớn, các ngươi làm tôi chưa có ân huệ nào, nay nếu bắt Kỷ Tín tướng quân bị nạn thay ta, để ta tìm đường trốn, ấy là việc làm hại người, ích mình, lòng ta không nỡ. Kỷ Tín nói:
    - Việc đã gấp lắm rồi, nếu tôi không chịu nguy hiểm thì mai kia thành vỡ, đá tan, cả vua tôi đều chết. Cái chết của tôi ngày nay ích lợi hơn ngày mai rất nhiều. Tuy tôi chết mà danh tôi còn mãi trong dân chúng, tình tôi còn mãi trong lòng Đại Vương. Khi đó Hán Vương vẫn còn gỉa cách dùng dằng không nỡ, không nỡ.... Kỷ Tín rút gươm kề cổ nói lớn:
    - Nếu Đại Vương không nghe, tôi xin tự tử nơi đây để tỏ rằng tôi không tiếc gì tính mệnh. Hán Vương liền bước xuống đỡ tay Kỷ Tín, vừa khóc( nước mắt cá sấu ), vừa nói:
    - Lòng tướng quân rất mực trung thành, danh tiếng ấy muôn đời còn lưu. Chẳng hay tướng quân còn song thân chăng?......................
    II - Lược truyện Lê Lai:
    Lê Lai không rõ năm sanh, người Mường, con của Lê Kiều, Huyện Lương Giang, Thanh Hóa. Lê Lai có dung mạo khác thường,tính tình cương trực, có chí khí. Năm 1416, Lê Lai, với Lê Lợi ( chủ sự )  cùng với 17 Hào Kiệt hội thề ở Lũng Nhai, Thanh Hóa . Thề sống chết có nhau, nguyện quyết tâm chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược, cứu dân cứu nước.
    Từ khi khởi nghĩa, Lê Lai luôn ở bên cạnh Lê Lợi; góp công sức giúp Bình Định Vương với chức Đô Tổng Quản, tước Nội Hầu. Ông cũng từng xông pha nhiều trận nguy hiểm.
    Tháng 4, năm 1418, nghĩa quân Lê Lợi bị thua ở Mường Một, cùng nhau chạy thoát về Trịnh Cao. Quân Minh truy kích, đuổi theo rất ngặt và vây chặt các lối hiểm yếu thuộc vùng núi Chí linh. Trong tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:
    - Nay thế trận rất nguy hiểm, có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác Hoàng Bào mà chết thay ta không? Các tướng ngồi yên không ai dám thưa. Duy, chỉ có Lê Lai đứng dậy dõng dạc nói:
    - Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa Công. Ví như sau nầy giành được giang san thì xin nhớ công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được hưởng quốc ân, được vậy, thần chết cũng nhấm mắt. Lê Lợi rất thương cảm bùi ngùi... Lê Lai lại nói:
    - Tình hình nguy khổn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng thì bao công sức đây sẽ chẳng còn gì. Nếu theo kế này may ra thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước, nào có tiếc gì?
    Lê Lợi mới vái trời và khấn rằng:
    - Lê Lai có công đổi áo, nếu sau nầy khôi phục được nghiệp xưa, nếu không nhớ công lao ấy thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn.
    Ngay sau đó, Lê Lai khoác Hoàng bào giả làm Lê Lợi và vâng mệnh  mang 2 thớt voi với 500 quân xông ra  khêu chiến. Giặc Minh liền xua quân giao chiến. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào trận và la lớn:
    -Ta là chúa Lam Sơn đây!
    Ngỡ là Bình Định Vương Lê Lợi, giặc Minh xúm lại bao vây và kịch chiến. Lê Lai tả xông hữu đột giết giặc một hồi rồi kiệt sức, bị giặc Minh bắt và hành cực hình. Hôm ấy ngày 29 tháng 4 âm lịch năm 1418 ( có chỗ chép 1919 ).
    Nhân, lúc sự vây hãm của giặc lơi lỏng, do bận đối phó với Lê Lai. Lê Lợi cùng một số tướng đã vượt trùng vi bằng lối khác và trốn thoát... Và Lê Lợi đã làm nên nghiệp cả...
    Cảm động trước lòng trung nghĩa của Lê Lai, Lê Lợi cho người tìm thi hài Ông đem về an táng ở vùng đất Lam Sơn.
    Năm 1428, sau khi lên ngôi an vị, Lê Thái Tổ cho truy tặng Ông là:" Sùng Trung Đồng Đức Hiệp Mưu Bảo Chính Lũng Nhai công thần " .
    Các đời vua Lê tiếp theo đều có truy tặng Ông. Đến đời vua Lê Thánh Tông, Lê Lai được truy tặng cao nhứt là:" Trung Túc Vương "
    Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 nhuận âm lịch 1433, trước khi mất vua có dặn phải giổ kỵ tướng Lê Lai trước vua một ngày. Nên dân gian có câu: " Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi "
    Vua Tự Đức ca ngợi Lê Lai:
    Vịnh Lê Lai
    Chí Linh sơn hạ tứ sơn u
    Tự trưóc hoàng bào cuống Sở Hầu
    Tha nhật Đông Đô tân xã tắc
    Khẳng ( khắc ) giao Kỷ - Tín độc an Lưu ?
    Vua TỰ - ĐỨC

    Dịch nghĩa:
    Dưới núi Chí Linh bốn bề thâm u ( chỉ giặc Minh bao vây )
    Tự mặc Hoàng bào làm cho Sở Hầu ( Hạng Võ ) mắc mưu
    Ngày sau Đông Đô xã tắc đổi mới
    Đâu phải chỉ có chuyện Kỷ Tín cứu Lưu Bang ( mà còn  
    có chuyện Lê Lai cứu Lê Lợi )

    VỊNH LÊ LAI
    Giặc dữ trùng trùng vây Chí Linh
    Hoàng Bào thay Chúa quyết hy sinh
    Đông Đô đại định ghi công lớn
    Kỷ Tín chẳng riêng chuyện hiến mình.
                      Nguyễn Minh Thanh thoát dịch

    III - Lời bàn: Qua 2 tiểu truyện Kỷ Tín và Lê Lai, cả hai đều đem chính sinh mệnh của mình để cứu Chúa, vô cùng can đảm, can đảm phi thường. Nhưng, rõ ràng trong cung cách: Lê Lai gan liền tướng quân. So với Kỷ Tín, Lê Lai dũng khí cao vời.  
    Không  như Kỷ Tin phải qua sự dàn cảnh dựng chuyện của Trần Bình, Trương Lương và Lưu Bang, là những tay gian hùng thượng thặng. Để khích tướng, để đẩy người khác chết thay cho mình bằng bức tranh Tề Cảnh Công chạy trốn...
    Sau khi cùng các tướng " xem tranh " và bị Trương Lương nêu đích thị danh tánh, bị du vào  thế chẳng đặng đừng, Kỷ Tín mới tình nguyện hy sinh.
    Đằng nầy, khác xa  Kỷ Tín, vừa nghe Bình Định Vương gợi ý, Lê Lai lẫm liệt đứng phắt dậy dõng dạc ứng tiếng tình nguyện tử trận thay chúa tức thì.
    Ấy chính là:
    Cảm quân ân trọng hứa khinh mệnh
    Thái Sơn nhất trịch khinh Hồng mao
                                                   Lý BạcH
    ( Cảm lòng ơn chúa trọng cao
     Thái Sơn xem tựa Hồng Mao nhẹ hều )
                                                      NMT dịch
    Ngoài ra, căn cứ theo 2 tích truyện vừa kể trên, thì Lê Lợi cũng rất minh bạch trong việc nhờ người " Tự trước Hoàng bào " thay chết cho mình. Không  như Lưu Bang quanh co xảo trá...  Mọi việc đã xếp đặt đúng theo mưu mô cố ý . Lưu Bang còn giả ân giả nghĩa, giọng lưỡi của gian hùng: " ...lòng ta không nỡ, không nỡ... ".
    Ôi, lòng dạ Ngừơi Xưa với Ngưòi Nay  ( Vụ Cải Cách Ruộng Đất 1954 - 1956 miền Bắc của nước VNDCCH, HCM chậm nước mắt ) sao mà giống nhau lắm vậy..!!
    Lê Lai, Lê Lợi những anh hùng đúng nghĩa, những tấm lòng cao cả xán lạn tựa trăng rằm chênh chếch trên trời cao. Đúng là:
                       " Minh Quân Lương Tể tao phùng dị..."
    Xin nghiêm mình kính cần ngưởng mộ Cổ Nhân. Người đã liều thân cứu chúa, góp công bằng chính mạng sống trong đại cuộc giải cứu giống nòi. Dù mệnh tuy yểu, nhưng danh ấy thọ. Phương danh đã và đang thi đua tồn tại mãi với núi sông Lạc Hồng...
    Cảm kích trước sự hy sinh vì đại nghĩa, người biên soạn có bài thơ nhỏ để:
    Trân trọng tưởng niệm đấng Anh Hùng Lê Lai với sự nghiệp lớn:

    Anh Hùng Lê Lai
    Trích huyết hội thề tại Lũng Nhai*
    Ban sơ hào kiệt có Lê Lai
    Phương phi mỹ mạo lòng trong sáng
    Lẫm liệt anh tài dạ thẳng ngay
    Tận lực giúp vua lo nội vụ
    Hy sinh cứu chúa thoát trùng vây
    Can trường khí phách cây cao vọi
    Trên đỉnh Lam Sơn bóng trải dài...

    Trải dài bóng cả đất Lam sơn
    Cứu chúa vong thân dạ chẳng sờn
    Lương tướng thơm danh vì đại nghĩa
    Minh quân nức tiếng trọng thâm ân
    Kinh - Kha Yên khách so còn kém
    Kỷ - Tín Hán thần sánh chẳng hơn
    Lớp sóng phế hưng rừng đổi lá
    Thiên thu còn đó tấm lòng son..!!
                      Nguyễn Minh Thanh
    IV - Luận Điểm:
    Bài " Hiến Thân Cứu Chúa ", ngoài việc xiển dương anh hùng Lê Lai, người viết còn muốn trình bày một vấn nạn lớn của dân tộc VN ta. Đó là vấn đề " Thoát Trung "... Thoát Trung là chủ đề lớn, cần thời gian và hợp lực của nhiều thế hệ...
    Đồng ý rằng Trung Quốc có nhiều điều vượt trội VN.
    Tuy nhiên, VN cũng có những cái Trung Quốc không thể sánh bằng. Ví dụ như: Lê Lai -  Kỷ Tín. Ví dụ như: Phạm Hồng Thaí - Kinh Kha là hai nhà thích khách.
    - Phạm Hồng Thaí: thích khách vì đại cuộc, mục đích giải cứu giống nòi...
    - Kinh Kha: thích khách chỉ vì trả nợ áo cơm...
    Thế mà Kinh Kha được biết nhiều, nhắc đến nhiều... Chẳng hạng, trong bài ca " Hàng Hàng Lớp Lớp " cuả NS Nguyễn Văn Đông có câu:
    " Hàng hàng lớp lớp chưa về
       Hàng hàng nối tiếp câu thề
       Nhìn anh muốn nói chuyện người Kinh Kha..."
    Sao NS NVĐ không dùng:
       " Nhìn anh muốn nói chuyện người Châu Giang... "
    để " Thoát Trung ". Để hậu sinh biết rằng VN có người anh hùng lẫm liệt tuyệt vời như thế...
    Tiếc thay, tiếc lắm thay...!!
    Anh hùng nước ta có, sao không xiển dương, tán thưởng... lại đi đề cao danh nhân xứ người...
    Rồi thi bá Vũ Hoàng Chương cũng ngợi ca Kinh Kha qua “Bài ca sông Dịch” với câu thơ:
    " Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
       Dù sai hay trúng cũng là dư. "
    Buồn thay, buồn lắm thay...
    Tóm lại, danh nhân thế giới là tài sản chung của nhân loại, ai cũng có quyền tán thán hay khinh thị.
    Song, với người viết, để " Thoát Trung ", chỉ xưng tụng người ngoài khi mà Sử Việt không có...

    Phần kết:
    Với luận điểm nêu trên, hơi xa chủ đề...
    Bây giờ, xin trở lại truyện Hiến Thân Cứu Chúa.  Để kết thúc Sử Truyện bi hùng, có bài thơ nhận xét về hai danh nhân cổ đại Kỷ Tín & Lê Lai dưới đây:

    Lê Lai & Kỷ Tín
    Sử Việt tiền nhân bậc đại hùng
    Lông hồng xem nhẹ nặng lòng trung
    Lê Lai cứu chúa tâm tình nguyện
    Kỷ Tín thay vua thế chẳng đừng
    Kỷ Tín ngồi chờ lời chỉ định
    Lê Lai phắt dậy miệng tiên xung
    Ao nhà biển cả đều cần có
    Biển cả bao la đẹp trập trùng...
          Nguyễn Minh Thanh

    Phụ giải:- Lê Lai (?....  -  1418 ) Lê Lai người Thanh Hóa, cha tên là Lê Kiều. Ông lo việc hậu cần cho Lê Lợi rất chu đáo. Hội thề Lũng Nhai năm 1416 đã có Lê Lai.
    - Kỷ Tín (?.... - 204 TCN): Lưu Bang bị Hạng Võ vây ngặt ở thành Huỳnh Dương, thế khó thoát. Nhờ Kỷ Tín đóng giả làm Lưu Bang, và Lưu Bang thoát nạn.
    - 19 HÀO KIỆT HỘI THỀ LŨNG NHAI ( Thanh Hoá ): Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan và Trương Chiến.

    Nguyễn Minh Thanh biên soạn     
     (GA, July 4 - 2024)

     


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: TRANG THƠ VĂN NHÀ BIÊN KHẢO NGUYỄN MINH THANH-THIỀU CHỬU NGUYỄN NGUYỄN KHA THIÊN TÀI UỔNG MỆNH Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top