728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    KÍNH GIỚI THIỆU NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA VỚI HAI TRUYỆN NGẮN: DƯ ÂM CUỘC CHIẾN & MỘT ĐỜI LẬT LỌNG

     KÍNH GIỚI THIỆU NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA VỚI HAI TRUYỆN NGẮN: DƯ ÂM CUỘC CHIẾN & MỘT ĐỜI LẬT LỌNG

    Truyện ngắn mới: "Dư Âm Cuộc Chiến" (Tháng Tư 2023) --

    Nhà văn NGUYỄN NGỌC HOA

    Mời đọc truyện ngắn thứ ba 

    trong  loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.  

    Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

     Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

               https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html

              https://dconnect.co.jp/friend/

     Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

    3. Dư Âm Cuộc Chiến

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

    Dư Âm Cuộc Chiến

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

     Trong nhà hàng Ninh Hòa, bốn người chúng tôi ngồi hai bên chiếc bàn hình chữ nhật.  Trong khi tôi nghe chuyện nhiều hơn nói, ba người kia là Thoại, người chủ trương bán nguyệt san Diễn đàn Tự do; nhà văn Nguyễn thị Hoài Bích; và anh Trực chuyện trò rộn rã.  Khi ông chủ nhà hàng nói giọng Nha Trang trong và cao đưa ra chai rượu vang đỏ Cabernet Sauvignon thứ hai, tôi bắt đầu thấy bụng óc ách vì đã nốc liền tù tì mấy lon Coca-Cola cho bớt đói.  Tôi không uống rượu và lại “xấu máu đói”; đã gần bảy giờ tối, quá giờ ăn của tôi.  Có lẽ anh Trực cũng biết thế, vì thỉnh thoảng anh đưa tay nhìn đồng hồ.  Anh đang chờ một người bạn nào đó, nhưng không nói ra để dành ngạc nhiên cho tôi.

    Quả nhiên, khoảng sau bảy giờ, một người đàn ông to lớn mập mạp đẩy cửa bước vào.  Mặc dù chiều hè Hoa Thịnh Đốn nóng và ẩm, anh mặc bộ com-lê chật ních, đầy đủ ba mảnh với áo gi-lê bên trong.  Chưa kịp ngồi vào bàn anh đã cười ha hả đưa tay cho tôi bắt và nói oang oang,

                “Mười mấy năm nay mới gặp lại cậu, nhưng tôi thấy cái bản mặt cậu vẫn ốm đói như ngày xưa.  Ở trên xứ khỉ ho cò gáy North Dakota chắc thiếu bơ sữa ‘đế quốc’?”

                “Nhìn thân hình núng na núng nính của anh, người ta biết ngay lý do tại sao,” gặp anh bất ngờ, tôi ngạc nhiên, nhưng lấy lại bình tĩnh cười hăng hắc và lắc lắc tay anh.

    Người mới đến không phải ai xa lạ:  anh Khanh, một trong mấy giáo sư đàn anh đã chỉ đường dẫn lối cho tôi trong những năm sinh viên tập tễnh đi dạy trường trung học tư.  Dạo đó, anh học cao học Văn khoa ban Sử Địa, dạy học và viết báo, và nổi tiếng về biệt tài tán phét.  Anh có thể “thuyết” liên tục hàng tiếng đồng hồ mà không cần dựa trên một đề tài nào cả.  Anh chơi thân với anh Trực, hai người hay đùa giỡn chọc ghẹo nhau, và có lần anh Trực cùng tôi làm bài thơ,

    Ngồi buồn lại nhớ Đặng Phi Khanh,

                Lủng lẳng bao năm trái ngọc hành,

                Trưa nắng ra Chùa mang sáu chục,

                Đêm dài ôm sến suốt năm canh.

    Quán “Cái Chùa,” tức là La Pagode, ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do, nơi gặp gỡ của giới ký giả và văn nghệ sĩ Sài gòn.  Bài thơ đùa anh Khanh ra “Chùa” lúc nào cũng mang đúng 60 đồng, vừa đủ để trả tiền ly trà đá, và thích. . . bắt bò lạc là những cô sến quê mùa.  Anh Trực cười tủm tỉm “giới thiệu” anh Khanh với tôi,

                “Khanh là tay nói láo và bịp giỏi nhất khu Eden này.  Văn phòng luật sư của cậu ta độc quyền ở đây, chuyên trị mấy vụ ly dị lăng nhăng của dân tỵ nạn.”

    Biết mình ở gần mà đến trễ, anh Khanh nghiêm mặt làm ra vẻ quan trọng biện bạch,

                “Chiều nay tôi phải tiếp hai nhân viên FBI nên đóng cửa văn phòng trễ.  Họ đến vấn kế tôi về vụ đêm hôm kia Phan văn Tiệp chủ tạp chí Mai chuyên đăng bài giải trí bên Garden Grove thuộc California bị giết.  Đang ngủ thì có người đổ xăng phóng hỏa đốt nhà, anh ta la hét kêu cứu om sòm trước khi chết ngạt vì khói.”  FBI là cục Điều tra Liên bang Hoa kỳ.

                “Sáng nay, FBI cũng đến tòa soạn Diễn đàn Tự do phỏng vấn tôi,” Thoại gật đầu, “Ai cũng biết vụ này do Việt nam Diệt Cộng Hưng quốc đảng (‘VNDCHQĐ’) gây ra, nhưng như bao nhiêu vụ trước, FBI và cảnh sát địa phương ra sức điều tra mà chưa tìm ra manh mối.”

    VNDCHQĐ đã gửi thông cáo đến các báo Việt ngữ kể tội Tiệp làm kinh tài cho Việt Cộng (“VC”):  hô hào, móc nối, và đăng quảng cáo dịch vụ “chuyển tiền” và “gửi hàng” về Việt nam trong kế hoạch quy mô moi túi dân tỵ nạn lấy tiền khuếch trương các cơ sở kinh tài của chúng ở Bắc Mỹ.  Tiền đô la không bao giờ rời khỏi Hoa kỳ, và các thùng đồ “A,” “B,” và “C” không bao giờ xê dịch khỏi chỗ chưng bày trong tiệm.  Ở bên nhà, chúng phát tiền Hồ Chí Minh và thùng đồ cũ soạn sẵn cho người nhận.  VNDCHQĐ cảnh cáo đòi Tiệp phải chấm dứt, nhưng dễ gì mà ông bỏ qua món lợi béo bở ấy.  Sau khi ông bị giết, họ ra thông cáo nhận trách nhiệm về hành động này.

    * * *

    VNDCHQĐ xuất hiện lần đầu ở Bắc Mỹ trước đó sáu năm.  Tháng Sáu năm 1981, họ phóng hỏa đốt cơ sở một công ty làm ăn với VC và “gửi hàng” về Việt nam.  Không tới một tháng sau, họ bắn “tên Việt gian” Dư Trọng Lang trước căn apartment của anh ở San Francisco; phát đạn xuyên qua động mạch ngay trên trái tim khiến anh chết tại chỗ.

    Lang sinh năm 1953 là con của một sĩ quan cao cấp Việt nam Cộng hòa (“VNCH”).  Anh sang Hoa kỳ du học tại đại học tư Oberlin College ở Oberlin thuộc Ohio và trong thời gian đi học, theo phe phản chiến Mỹ thân Cộng và tham gia biểu tình chống VNCH.  Tốt nghiệp, anh về San Francisco làm cán sự xã hội tại trung tâm Định cư Người Tỵ nạn Đông dương, thực hiện báo Cái Đình Làng với chủ trương “vũ trang tư tưởng để khởi động chống mọi áp bức,” đăng lại các bài báo Nhân dân của Hà nội, và ủng hộ chính sách tàn ác của VC ở miền Nam.  Anh và đồng bọn đem Cái Đình Làng và báo Thái bình của hội Người Việt Đoàn kết (tên chung của những nhóm thân Cộng ở ngoại quốc) tại Mỹ phân phát vào hộp thư trước nhà người Việt tại địa phương và gửi bưu điện đến người Việt ở những nơi khác.

    Nhưng Lang chỉ là Cộng con tép riu, Cộng gộc sếp sòng Ngô văn Lý (và vợ Phan thị Liệu) vẫn nhởn nhơ làm chủ nhà hàng ở San Francisco.  Gần ba năm sau, một buổi tối tháng Năm năm 1984, vợ chồng ông đi về đến nhà, vừa xuống xe thì một thanh niên nấp sau gốc cây bước ra chĩa súng bắn bốn phát.  Bà vợ chết tại chỗ, và ông bị thương ở bụng, nhưng thoát chết.

    Lý sinh năm 1912 tại Hải Phòng trong một gia đình nghèo mạt rệp, năm 17 tuổi rời quê nhà đi làm cu-li trên thương thuyền Pháp.  Ông gia nhập đảng Cộng sản Pháp, học đọc và viết tiếng Việt và tiếng Pháp ở Paris, và nhập cư vào Hoa kỳ rồi học và làm nghề đầu bếp nhà hàng.  Trở thành công dân Mỹ, ông cực lực hoạt động chống chính phủ VNCH dưới dù che của các nhóm phản chiến Hoa kỳ.  Trong cuộc biểu tình phản chiến quy mô trước Đài Kỷ niệm Lincoln ở Hoa Thịnh Đốn tháng Mười năm 1967, ông được cho lên diễn đàn phát biểu.  Nhưng sau ba phút đầu tiên của bài diễn văn, chân tướng Cộng sản của ông lộ ra quá rõ ràng khiến ban tổ chức hoảng hồn cúp máy vi âm.

    Lý là chủ tịch lâu năm của hội Người Việt Đoàn kết tại Mỹ, ấn hành nguyệt san Thái bình, và theo dõi chặt chẽ lai lịch và địa chỉ các du học sinh VNCH.  Ngay sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, những sinh viên này nhận được điện tín, “Nhà bình yên.  Anh [Chị/Em/Con] yên tâm học tập.”  Nhiều người, trong đó có vài người bạn tôi, bị mắc lừa và trở nên thân Cộng vì tuyệt chiêu của ông.  Riêng tôi, từ tháng đầu tiên định cư ở North Dakota, hàng tháng nhận được tờ Thái bình bốn trang cỡ lớn cho đến hai năm sau, khi báo chí Việt ngữ của dân tỵ nạn có cơ hội phát hành.  Báo VC tuyên truyền láo khoét, nhưng trong hai năm trời là tờ báo Việt ngữ duy nhất tôi được đọc ở đất khách quê người.  Tìm địa chỉ những người tỵ nạn ở Hoa kỳ khá dễ dàng, chỉ việc hỏi văn phòng giúp tìm thân nhân và đoàn tụ gia đình của hội Hồng thập tự Hoa kỳ sẽ được cung ứng ngay.

    * * *

    Trong thập niên 1980, có ít nhất 14 vụ trừng phạt của VNDCHQĐ trong các cộng đồng người Việt.  Trong số người bị xử tội, có cả một người Mỹ – Edgar Levi Copperhead, giáo sư và trưởng ban vật lý của Đại học Tiểu bang California tại Fullerton.  Không tới năm tháng sau khi vợ chồng Lý bị bắn, Copperhead bị bắn chết, nhưng trong bối cảnh khác biệt.

    Copperhead sinh năm 1936 và đậu tiến sĩ vật lý nguyên tử tại Đại học Tiểu bang Pennsylvania.  Năm 1977, ông thành lập “Ủy ban Hợp tác Khoa học với Việt nam” và từ đó mỗi năm đi Hà nội vài ba lần vì được VC thuê đọc băng từ tính chứa hồ sơ quân bạ của trên một triệu rưỡi quân nhân VNCH.  Hàng trăm cuốn băng từ tính bị bỏ lại ở Trung tâm Điện toán bộ Tổng Tham mưu VNCH cùng với hệ thống điện toán IBM 360 mà, dù với sự trợ giúp của Nga sô, VC không sao đọc được.  Trước hết vì lý do kỹ thuật.  Trong thập niên 1970, kỹ thuật điện toán đang trên đà phát triển, mỗi hãng chế tạo máy điện toán một khác, không máy nào tương tự như máy nào.  Ngay cả cùng một hãng mà khác đời, máy điện toán cũng không compatible (tương hợp).  Do đó, người ngoại cuộc sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm cách sử dụng hệ thống IBM 360 cũ.  Lý do thứ hai là các hồ sơ điện toán chứa dữ kiện quan trọng đều được mã hóa và cần biết password (ám hiệu) mới có thể mở ra đọc.

    Đầu năm 1984, tôi được công ty cử đi dự hội nghị về giải mã điện toán ở Philadelphia thuộc Pennsylvania và có dịp nghe Copperhead thuyết trình phương thức giải mã dùng trong dự án “hợp tác kỹ thuật” với một “quốc gia Á châu.”  Tôi nhận thấy ông gần đạt tới kết quả, nhưng chưa tới đích vì ông không rành tiếng Việt.  Nhân viên điều hành và thảo chương điện toán VNCH chắc hẳn đã đặt password tiếng Việt, dùng quy ước Telex ngày trước dùng đánh điện tín do Nguyễn văn Vĩnh (1882 - 1936) nghĩ ra.  Ví dụ, nếu muốn lấy password “QUỲNH-CHÂU” thì phải ghi:  “QUYFNH-CHAAU.”  Nếu có các dụng cụ điện toán như ông và dùng phương pháp ông nghĩ ra, tôi sẽ tìm ra password và đọc các cuộn băng từ tính không mấy khó khăn.

    Khám phá này khiến tôi toát mồ hôi hột.  Tôi vội vã rời phòng họp, chạy như bay ra phi trường, và thay vì bay về nhà, đổi vé máy bay bay sang Toronto, Gia Nã Đại để gặp Bảo; bạn tôi chủ trương tạp chí Xxxx Việt.  Đêm đó, tôi viết bài tường trình khoa học về “dự án Copperhead,” và Bảo thêm ý kiến, sửa chữa cho thích hợp với độc giả không chuyên môn, và dàn xếp “chạy” vào số Xxxx Việt sớm nhất.  Đồng thời, Bảo fax bài viết cho anh Trực ở Hoa Thịnh Đốn để nhờ chuyển đến mấy tờ báo anh cộng tác ở California.  Fax, viết tắt của “facsimile,” là gửi hình ảnh qua đường dây điện thoại.

    Vài tuần sau, báo chí Orange County đăng tải thông cáo của VNDCHQĐ buộc tội “tên giáo sư Copperhead” bất lương và vô nhân đạo và cam kết sẽ trừng trị thỏa đáng.  Copperhead sợ hãi báo FBI tính mạng mình bị đe dọa, gắn thêm đèn quanh driveway (lối xe đi từ ngoài đường vào sát nhà), đốn hạ các bụi cây quanh nhà, khi chiều xuống kéo màn che kín cửa sổ, mỗi ngày di chuyển theo lộ trình và giờ giấc khác nhau, và mua ba khẩu súng và hàng ngày đi tập bắn.

    Sáng thứ Bảy gần giữa tháng Mười, người ta tìm thấy xác của Copperhead trong văn phòng ông ở trường đại học.  Vết thương chí tử do khẩu súng lục nhỏ cỡ đạn .25 inch, một trong ba khẩu súng của ông.  Khẩu súng đó nằm trong tay ông.  Một sinh viên rất gần gũi với ông là Lê văn Mẫn bị bắt.  Em khai rằng trong lúc hai người lấy súng đùa giỡn với nhau, khẩu súng cướp cò và đạn lạc khiến ông thiệt mạng, em sợ quá bèn nhét khẩu súng vào tay ông như thể ông đã tự sát.

    Lúc đó Mẫn 21 tuổi, em vượt biên sang Hoa kỳ năm năm trước.  Ra tòa, luật sư của Mẫn gọi nhân chứng cho biết Copperhead, 48 tuổi, là gay (tình dục đồng giới), giữ trong văn phòng một số tạp chí gay và hình ảnh thanh niên gay mặc áo khoác da màu đen.  Ông có liên hệ tình cảm với Mẫn, cho em tiền, và mua tặng em xe gắn máy và áo khoác da màu đen giống như của ông.  Do đó, luật sư lý luận, em vô tội vì không có motive (động cơ) để giết, ông thiệt mạng chỉ vì rủi ro.

    Trong phiên tòa xử Mẫn về tội sát nhân lần đầu, bồi thẩm đoàn bị hung (“treo” hay lơ lửng) tức là không đạt được kết luận có tội hay không, và công tố viên quyết định đưa ra xử lại.  Trong phiên tòa xử lần thứ hai vào tháng Ba năm sau, hai bên đồng ý không xét xử có bồi thẩm đoàn mà để quan tòa quyết định.  Quan tòa xử Mẫn phạm tội ngộ sát và tuyên án ba năm tù.

    Trước sau không ai đề cập đến mối liên hệ giữa VNDCHQĐ và Mẫn.  Đối với tôi, em là người anh hùng chịu hy sinh ba năm của cuộc đời son trẻ để bảo mật cho hơn nửa triệu người lính sa cơ thất thế bị đày đọa trong trại tù “cải tạo.”  Cám ơn em vô cùng.

    Nguyễn Ngọc Hoa

                                         Ngày 26 tháng Tư, 2023

    ***

    Truyện ngắn mới: "Một Đời Lật Lọng" (Tháng Tư 2023) -- Nguyễn Ngọc Hoa

    Mời đọc truyện ngắn thứ hai 

    trong loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau."  

    Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

     Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

               https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html

              https://dconnect.co.jp/friend/

     Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc

       NGUYỄN NGỌC HOA

    Một Đời Lật Lọng

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

     Anh Trực đưa tôi đi ăn tối ở nhà hàng Ninh Hòa trong khu thương xá Eden ở Falls Church thuộc vùng Hoa Thịnh Đốn.  Thấy thực đơn nhà hàng đầy món ăn đặc biệt Nha Trang - Ninh Hòa như nem cuốn, bún lá cá dầm, và bánh căn, tôi nhớ ra xưa nay anh là người tinh tế:  đến đây cho tôi có dịp thưởng thức các món ăn Nha Trang.  Ngày mới gặp anh ở Sài gòn, mùa thu 1965, tôi hay kể với anh về thành phố dừa xanh cát trắng hiền hòa ấy – quê nhà thứ hai của tôi.  Tôi cũng hiểu ra lý do chính anh mời cô bạn văn sĩ Nguyễn thị Hoài Bích đến khi anh cười chúm chím,

    “Cô này cùng quê Quảng Bình với cậu.  Hai người tha hồ tâm sự loài chim biển, cùng nhau hát về thôn xưa ta hát khúc hoan ca.  Sướng nhé!”

    Tôi đã đọc một số bài viết của Hoài Bích và biết chị có tiếng viết “bạo,” theo khuynh hướng của một số nhà tranh đấu nữ quyền Hoa kỳ gần đây, nói huỵch tẹt ra khi viết về bộ phận sinh dục nam nữ, và mạnh dạn dùng những chữ thường bị cho là tục tĩu.  Với nụ cười tươi tắn, chị bàn chuyện văn nghệ với tôi,

                “Anh Trực đưa cho tui coi bài viết của anh trên báo Xxxx Việt trong đó anh nhắc câu vè bình dân của Quảng Bình mình,

    Vân Tiên ngồi dựa bụi môn,

    Chờ khi trăng lặn bóp . . . mồm Nguyệt Nga.

    Nguyệt Nga sướng quá không la,

    Vân Tiên thấy dễ bóp ba bốn lần.

                “Dạ mà sao chị?” tôi không hiểu ý chị.

                “Hồi nhỏ tui cũng nghe hát bài nớ nhiều lần.  Nhưng khác anh một chữ:  không phải ‘bóp mồm’!”

    Ngồi cạnh Hoài Bích và đối diện với tôi là Thoại, anh sinh viên Văn khoa cùng tuổi học cùng thời với tôi bị đặc công Việt Cộng (“VC”) bắn lủng bụng tại trường cuối năm 1967.  Anh đang chủ trương bán nguyệt san Diễn đàn Tự do ở Hoa Thịnh Đốn.  Với nụ cười dễ dãi, anh nửa đùa nửa thực nói với Hoài Bích,

                “Tôi biết chị chủ trương xổ toẹt, nói trắng ra tên bộ phận kín của thân thể.  Tôi chỉ đồng ý với chị về điểm này nếu nó áp dụng cho cái tên ‘Asshole’ anh Trực gọi thằng Đinh văn Thoại, tác giả cuốn The Vietnamese Archipelago (Ngục tù Việt nam) mình thảo luận tuần trước.”

    “Asshole” là hậu môn hay lỗ đ…, nhưng cũng dùng chỉ kẻ ngu xuẩn, bất tài, hay đáng ghê tởm.  Tôi không hiểu câu nói của Thoại nên ngơ ngác nhìn anh Trực.  Nhà biên tập viên phụ trách mục điểm sách hàng tuần của đài Tiếng Nói Hoa kỳ (VOA) giải thích,

                “Thoại đó là tù nhân Việt Cộng, được chúng nó thả ra và cho sang Pháp sinh sống, và năm 1979 viết cuốn sách L’Archipel Vietnamien bằng tiếng Pháp huênh hoang là ‘ký sự kinh hoàng của người đã từng ủng hộ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, sống sót khi đất nước suy vi thành chế độ chuyên chế độc tài.’  Năm ngoái kiếm được tay viết mướn nổi tiếng Darryl Charnot của Mỹ chuyển sang tiếng Anh.  Tôi viết bài điểm sách đọc trên đài VOA và sau đó đàm luận với bạn bè thì ai nấy đều đồng ý anh ta đúng là cái asshole.  Để phân biệt với ông bạn Thoại quý mến, Hoài Bích nhất định gọi tên bịp bợm là thằng ‘Lỗ Đ…,’ nhưng tôi đổi thành ‘Hậu’ nghe cho nó lịch sự.”

    Hậu viết sách tự sánh mình với nhà văn và nhà bất đồng chính kiến người Nga Aleksandr Solzhenitsyn, tác giả bộ sách The Gulag Archipelago (Ngục tù Nga sô) gồm ba tập trình bày thực trạng tàn tệ của “Gulag,” hệ thống lao tù Nga sô gồm những trại lao động khổ sai.  Solzhenitsyn được giải Nobel văn chương năm 1970, bị tước bỏ quốc tịch Nga sô và bắt phải ly hương, và sang tây phương sống ở Tây Đức rồi Hoa kỳ một thời gian dài.  Anh Trực bực tức nói tiếp,

                Hậu ta than vãn bị khổ sở trong 28 tháng tù, nhưng lại thừa cơ ca ngợi Hồ Chí Minh và Cộng sản và khoác lác khoe khoang thành tích chống đối Việt nam Cộng hòa (‘VNCH’) bằng những chi tiết bịa đặt mà bất cứ ai từng là sinh viên miền Nam đều biết là xạo ke.”

                “Tôi sùng nhất là nó làm bộ ngây thơ cụ cho rằng Việt Cộng định bắt tôi nhưng bắt lầm nó vì cùng tên ‘Thoại.’  Thật bullshit!”  Thoại giận phừng phừng.

    * * *

    Hậu sinh năm 1945 và học trung học ở Vĩnh Long và sau khi đậu Tú tài II, lên Sài gòn học.  Ban đầu ghi danh học Đại học Dược khoa, nhưng ngay từ lục cá nguyệt đầu tiên, anh đã biết mình học không nổi:  Vốn liếng Pháp ngữ của anh kém, trong lúc tên thuốc và tài liệu dược phẩm đều bằng tiếng Pháp, và giáo sư cho bài thi khó.  Anh chuyển sang học Đại học Luật khoa.  Ở trường Luật, anh được bầu vào ban Đại diện Sinh viên và sau đó được bầu làm phó chủ tịch ngoại vụ của Tổng hội Sinh viên Sài gòn (gồm đại diện 14 phân khoa đại học) niên khóa 1969-1970.

    Trong phần sau của thập niên 1960, những biến động chính trị ở miền Nam khiến dân chúng hoang mang và trông cậy vào sinh viên, thành phần trí thức ưu tú của quốc gia, đứng ra nói lên tiếng nói của mình.  Với truyền thống đại học tự trị, sinh viên mạnh dạn biểu tình chống đối khi chính phủ thực hiện điều gì không đúng với nguyện vọng dân chúng.  Trong niên khóa Hậu làm “lãnh tụ sinh viên,” báo chí ngoại quốc chỉ trích kịch liệt vụ Tổng thống Thiệu “độc diễn,” liên danh của ông là ứng cử viên duy nhất.  Dĩ nhiên, anh và rất nhiều sinh viên Sài gòn khác – trong đó có tôi và các bạn – “xuống đường” phản đối.  Trong môi trường tự do dân chủ ở miền Nam, đó là chuyện thường tình.  Nhưng anh để ra gần 1/3 cuốn The Vietnamese Archipelago để phét lác vẽ vời thành tích đả phá chính phủ VNCH và ủng hộ “Mặt trận [Giải phóng Miền Nam].”

    Đầu tháng Giêng năm 1971, trong khi cuộc hòa đàm diễn ra tại Paris, Hậu được chính phủ VNCH cử vào một trong những phái đoàn sinh viên gửi ra nước ngoài để “giải độc,” phản tuyên truyền các nỗ lực của Cộng sản bằng cách trình bày với sinh viên ngoại quốc cuộc chiến đấu anh dũng có chính nghĩa của quân dân miền Nam.  Anh được gửi sang California ở Hoa kỳ để nói chuyện với sinh viên Đại học California - Berkeley và Đại học Stanford.  Thế mà trong sách, anh lớn lối vỗ ngực, “Theo lời mời của các tổ chức nhân quyền, tôi đã làm một cuộc du hành đến California để thuyết trình về các hoạt động phản chiến.”  Quên béng đi mất hai điều tối quan trọng:  Lúc đó anh 25 tuổi, trong lứa tuổi động viên, luật tổng động viên VNCH sẽ không cho phép anh xuất ngoại tùy hỉ.  Và với vốn tiếng Anh ăn đong, làm sao anh đủ khả năng “thuyết trình”?

    Sau chuyến đi “giải độc” thành công trở về, Hậu cưới Yvonne con nhạc sĩ Võ Thu; ông là nhạc sĩ dương cầm và nhạc trưởng kỳ cựu của đài phát thanh Pháp Á ngày xưa.  Anh được Nam Đô Ngân hàng nhận làm việc và cử làm giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Biên Hòa, Phan Rang, và Quy Nhơn cho đến tháng Tư năm 1975.  Trong bốn năm đó, anh được hoãn dịch vì lý do gia cảnh vì là con trai độc nhất trong gia đình có cha mẹ già trên 60 tuổi, và Yvonne sinh năm một ba cậu con trai.

    Tháng Sáu năm 1975, sau ngày Sài gòn thất thủ hơn một tháng, Hậu bị VC bắt giam ở trại giam trên đường Trần Hưng Đạo, tuy một mực cho rằng “cách mạng” bắt lầm người.  Trong 28 ngày bị giam ở đây, theo lời anh, anh bị biệt giam trong xà lim, tay trái bị xiềng vào chân phải và tay phải xiềng vào chân trái, cho ăn cơm trộn cát, và đưa đi “làm việc” (lấy cung) để tự kiểm điểm và tự thú.  Tuy nhiên, anh không nói làm sao anh xoay xở được ra ngoài xà lim giúp tên bộ đội canh tù làm hồ sơ tù nhân, nhờ tên này liên lạc với gia đình, và được tiếp tế 30 ngàn đồng.  Anh hối lộ cho tên bộ đội một nửa và giữ lại một nửa.  Rồi chuyển sang trại giam trên đường Lê văn Duyệt giam chung với nhiều tù nhân khác, trong số đó có nhà văn Duy Ân nổi tiếng.

    Kể chuyện đến đây, anh Trực cười ha hả,

                “Thực ra, tôi gọi HậuAsshole’ vì anh ta phịa chuyện dùng hậu môn để giấu giếm đồ cấm.  Chẳng hạn như 15 ngàn đồng còn lại, chàng khoe đã ‘cuộn tròn và dấu sâu trong hậu môn’ trước khi bị giải sang trại Lê văn Duyệt.  Vì cai tù Việt Cộng khám xét rất kỹ; nếu mà chúng tìm thấy, không những tịch thu và còn hành hạ cho đời te tua!”

    “Đúng là tay nói láo dàng trời,” tôi cười góp, “Tờ bạc Việt nam Cộng hòa có mệnh giá lớn nhất một ngàn đồng, Hậu có ít nhất là 15 tờ giấy bạc.  Đít voi e rằng nhét chưa vừa!”

    * * *

    Ở trại Lê văn Duyệt, lúc đầu Hậu được cho làm việc ở phòng Y tế, hưởng quy chế ăn uống và tắm giặt thoải mái của phòng Y tế, và có vẻ là cán bộ bị phạt vì phạm kỷ luật hơn là tù nhân chính trị.  Cuối năm 1976, vì một liên hệ lèm nhèm nào đó, anh bị tống vào phòng giam chung.  Anh luôn luôn tử tế và kính nể bạn tù, tỏ ra bất mãn đối với VC, và đêm nằm hậm hực nói nhỏ với Duy Ân,

    “Ngày nào thành công, tôi sẽ sản xuất một loạt cầu tiêu hình đầu Hồ Chí Minh. Cái miệng lão là chỗ phân rơi xuống!”

    Ngoài miệng thì Hậu đã lật mặt, oán ghét và phỉ báng “cách mạng,” nhưng đầu năm 1977, Yvonne có quốc tịch Pháp được phép đưa ba cậu con trai sang Pháp với gia đình.  Năm sau, anh được thả và cho phép xuất ngoại sang Pháp đoàn tụ với vợ con, chắc hẳn mang một sứ mạng nào đó do VC giao phó.  Một lần nữa, Hậu khoe khoét cứ như thực,

    Tháng Năm năm 1978, tôi đi xe buýt ra phi trường đi Pháp bằng chuyến bay Air France năm giờ chiều.  Ngoài áo quần lót, cuốn album hình gia đình, một đôi vớ, và chiếc vợt tennis, tôi mang theo cái ống tròn trước dùng đựng thuốc aspirin gói trong giấy ni-lông và đút sâu vào trong hậu môn.  Cuộn tròn trong ống là tờ bạc 100 đô la và mấy tờ giấy ghi bản "Tuyên ngôn Nhân quyền cho Việt nam" đã được những nhà trí thức ở tù với tôi soạn thảo và ký tên.

    Sau khi ra tù vượt biên sang Paris và được Hậu mời đi ăn tối, Duy Ân mắng anh về “bản tuyên ngôn,”

                “Ở đề lao Lê văn Duyệt, giấy và bút bị nghiêm cấm, và công an kiểm tra hành lý tù thường xuyên, cậu đào đâu ra giấy bút mà chép tuyên ngôn?  Rồi tù nhân bị nhốt kỹ 24 trên 24, cậu liên lạc với ai mà xin được hàng trăm chữ ký?”

                “Tôi kể đại ông ơi,” Hậu cười cầu tài, “Kể chuyện tù cho nhà văn và ký giả Võ thị Huyền Trân rồi bả thông dịch lại cho thằng ký giả Tây.  Nó giỏi thiệt, viết sách hay hơn tôi kể nhiều!”

    Cuốn L’Archipel Vietnamien xuất bản, chỉ một sớm một chiều Hậu thành anh hùng cứu tinh của những nhóm phản chiến và thân Cộng trước đây, đang vỡ mộng và vỡ mặt vì VC quá độc tài và tàn ác khiến cả triệu người Việt liều chết vượt biên ra khỏi nước.  Họ vội vàng xúm lại tung hô anh hết mình.  Gia đình anh được bảo trợ sang Hoa kỳ định cư.  Anh “vận động dân chủ” bằng cách xào nấu lại các trang sách thành dăm ba bài báo gửi đăng trên The New York Times, The Wall Street Journal, v.v. và bài “Thổn Thức cho Việt Nam,”

    Tôi nhận lãnh trách nhiệm về những thảm kịch xảy ra cho đồng bào tôi. Và nay tôi chỉ còn cách đóng vai nhân chứng cho sự thật này hầu các người từng ủng hộ Việt Cộng trước kia có thể cùng chia xẻ trách nhiệm với tôi.

    Nhưng dần dần Hậu để lộ đuôi cáo.  Anh đề nghị trường đại học Mỹ cấp bằng tiến sĩ danh dự cho Tổng Bí thư Đỗ Mười của đảng Cộng sản Hà nội và tên đồ tể Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt.  Đề nghị Hoa Kỳ trả năm ngàn đô la cho mỗi H.O. để họ ở lại Việt nam, thay vì qua Mỹ định cư, cho rằng họ sẽ là gánh nặng cho xã hội Hoa kỳ vì không có nghề chuyên môn và sức khoẻ kém.  Và nhất là anh ra công vận động Hoa kỳ bình thường hóa ngoại giao với VC, điều hầu hết người Việt tỵ nạn chống đối.

    Trong cộng đồng tỵ nạn ở Bắc Mỹ, có một nhóm bí mật mệnh danh Việt nam Diệt Cộng Hưng quốc đảng.  Họ gửi thông cáo lên báo Việt ngữ vạch tội hoạt động cho VC của Hậu, cảnh cáo, và đòi anh phải chấm dứt, nhưng anh để ngoài tai.  Một buổi sáng mùa hè 1989, anh bị bắn ba phát trước nhà ở Fresno thuộc tiểu bang California, bể hàm trên và lủng ruột, nhưng thoát chết.

    Từ đó Hậu biết thân, sống im lặng, và về Việt nam làm ăn đến khi qua đời năm 2017 ở Fresno.  Chấm dứt một đời lật lọng! 

    Nguyễn Ngọc Hoa

                                             Ngày 12 tháng Tư, 2023


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: KÍNH GIỚI THIỆU NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA VỚI HAI TRUYỆN NGẮN: DƯ ÂM CUỘC CHIẾN & MỘT ĐỜI LẬT LỌNG Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top