728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    Vương Trùng Dương Cảm Nghĩ Về Tác Phẩm Đời Thủy Thủ 2 Của Nhà Văn Vũ Thất

    Cảm Nghĩ Về Tác Phẩm Đời Thủy Thủ 2 Của Nhà Văn Vũ Thất

    Vương Trùng Dương

     Nhà văn Vũ Thất, sinh năm 1940 tại Tân Châu, Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cựu học sinh trung học Võ Tánh Nha Trang (1957-1959).

    Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình (1961-1963), TTHL Hải Quân Nha  Trang. Xuất thân với 81 Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình có các nhà văn Trần Đỗ Cẩm (biên khảo Quân Sử), Tuấn Anh Trần Trọng Hải, Vũ Hữu San, Trần Quang Thiệu, Tam Giang Hoàng Đình Báu, Phan Lạc Tiếp,  Chu Bá Yến (Chủ Nhiệm bán nguyệt san Việt Báo Florida)… và Vũ Thất Võ Văn Bảy. Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa hân hạnh được đăng các bài viết, tác phẩm của các nhà văn trên trong suốt 16 năm qua.

     Chức vụ cuối cùng của Vũ Thất Võ Văn Bảy là Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 3 Ngăn Chận, Đồng Tâm nhưng chiến đấu đến giờ phút cuối nên bị kẹt lại trong nước. Anh đã trải qua các trại tù: Trại 1 (Hoàng Liên Sơn), Nam Hà B (Hà Nam Ninh), Z30D (Hàm Tân).

     Vượt biên: tháng 3/1984, ghe số MB 160 Paulo Bidong, Malaysia.

     Tác phẩm ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn: Đời Thủy Thủ (1969), Trong Cơn Bão Biển (1969), Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh (1974)…

     Khi định cư tại Virginia, nhà văn Vũ Thất tiếp tục cầm bút với nhiều bài viết và các tác phẩm: Đời Hạm Trưởng (truyện dài), Làm Lại Từ Đầu (hồi ức)… Tháng 5/2023, ấn hành tác phẩm Đời Thủy Thủ 2.

     Tác phẩm Đời Thủy Thủ năm 1969, Thư Ấn Quán tái bản năm 2012 tại Hoa Kỳ. Tác phẩm dày 300 trang, gồm 14 chương và chương kết.

     Trước khi giới thiệu đến Đời Thủy Thủ 2 sau 54 năm, ghi nhận lại tác phẩm đầu tay của nhà văn Vũ Thất.

     Nhân vật chính Võ Bằng, sĩ quan Hải Quân trẻ tuổi, mới ra trường, bước đầu vào hải nghiệp, cuộc đời thủy thủ trên biển cả, sông nước, trong đó tình chiến hữu, tình yêu, tình người lính (huynh đệ chi binh) với quê hương trong thời chinh chiến.

     Tấm lòng của tác giả cũng là phần đời của bao người trai thời chiến đã dấn thân vào con đường binh nghiệp để bảo vệ giang sơn.

     Mở đầu trang sách “Tôi lặng ngắm hình ảnh quen thuộc của thành phố về đêm. Những ô cửa sổ của các cao ốc có kích cỡ khác nhau, không cùng độ sáng. Vài vì sao rải rác trên khung trời úa vàng. Bây giờ là cuối tháng tư, còn là mùa Xuân, đúng ra là tôi phải thấy các chòm sao quen thuộc nằm về hướng Bắc. Tôi tẩn mẩn ôn lại tên từng chòm sao. Chòm Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh. Chòm Hải sư, Song nam, Thiên hậu… Tôi cũng không thấy nhóm Bảo Bình, là chòm sao quen dạng nhất được dùng để đặt tên cho khóa tôi…”. Và, mối tình của Bằng (Hải Quân Thiếu Úy Võ Bằng số quân 60A700653) nơi miền thùy dương cát trắng, với ba mối tình lãng mạn đó nặng trĩu trong lòng người lính biển… Rồi những chuyến hải hành phải chống chọi với bao nhiêu sóng gió, nguy hiểm trên đại dương. Đời thủy thủ của chàng trai trẻ được trang trải với cuộc tình lãng mạn, trắc ẩn, và cuối cùng (chương kết) mang căn bệnh tương tư!

     Với nhiều ghi nhận của các nhà văn về tác phẩm nầy, trích đôi dòng của Lương Thư Trung:

     “Cuộc tình tay ba giữa Hiền, Thanh và Bằng còn kéo dài mãi về sau này, nhưng trước Hiền nhân vật Võ Bằng còn có Bạch Tuyết giữ chân chàng trai trẻ thôi hết lang bang trong Đời Thủy Thủ…

     … Trong các chương kế tiếp, người đọc bị tác giả dẫn dắt qua hết những bất trắc này đến bất trắc khác trong các bước đường tình ái của nhân vật Võ Bằng. Ở chương 5, Tâm, Tuyềt và Võ Bằng; ở chương 6 lại có Hiền tìm thăm Võ Bằng và cũng có gặp Tâm, nhưng lần này Võ Bằng tỏ ý muốn rời Hiền nên cuộc gặp cũng chẳng có gì vui; rồi chương 8 lại Tâm, Tuyết và Võ Bằng; chương 10, chương 11, chương 12 và nhiều chương khác nữa, có thêm nhiều người đẹp nữa nhưng tôi không thể mất lịch sự đến độ quên để bạn tìm đọc những chương sách còn lại trong truyện dài Đời Thủy Thủ này để biết cuối cùng Hải Quân Thiếu Úy Võ Bằng sẽ ghé lại bến nào trong những ngày trái tim bị bầm giập ấy?…

     ... Truyện dài Đời Thủy Thủ hấp dẫn là nhờ  cái tài dựng truyện đã đành mà cách viết các câu đối thoại giữa các nhân vật, đặc biệt vai nhân vật nào có ngôn ngữ riêng của nhân vật ấy, mà cái hay là đối thoại hợp với từng hoàn cảnh, từng câu chuyện và từng cảnh đời lại ngắn gọn nhưng súc tích, đầy đủ, không dư, không thiếu. Tác phẩm đầu tay mà tác giả viết đối thoại được như vậy tôi nghĩ ông đã là một nhà văn khi chưa viết văn rồi! Vì tôi cũng thường đọc nhiều sách, nhứt là truyện ngắn truyện dài và cả tiểu thuyết trước đây cũng như sau này, tôi ít khi gặp được các tác phẩm có những câu đối thoại tự nhiên và hay như vậy, ngoại trừ Vũ Thất và Lâm Chương là hai nhà văn mà tôi đã được đọc…”

     Với nhà văn Hà Kỳ Lam: “Đời Thủy Thủ cho người đọc dịp hiếm hoi khám phá thế giới của một người lính biển thời chiến, ở đó không chỉ có cái thăm thẳm của biển trời, bão tố thiên nhiên, mà còn bão tố của những cuộc tình “ủi bãi” vội vã, và bão tố của chiến trận. Và vượt lên trên tất cả mọi thường tình, người ta thấy long lanh cái đẹp của tình đồng đội, tình huynh đệ chi binh.”

     oOo

     Tác phẩm Đời Thủy Thủ 2, tiếp nối sau nửa thế kỷ, một chặng đường khá dài nhưng được tác giả gầy dựng lại thời quá khứ trong cuộc đời người lính.

    Đời Thủy Thủ 2 đã phổ biến trên trang web Thất Sơn Châu Đốc (thatsonchaudoc.com), quê hương của nhà văn Vũ Thất từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 trước khi in thành sách.

    Sách dày 318 trang trong bối cảnh và thời gian chỉ trong hai ngày, hai đêm qua các hải phận, gồm 17 chương: Chương I Vịnh Quy Nhơn ngày 4/8/1967 (trang  23). Chương II & III Hải Phận Bình Định cùng ngày (trang 38, trang 56), Chương IV Hải Phận Phú Yên 5/8 (trang 70), Chương V, VI, VII & VIII Hải Phận Khánh Hòa 5/8 (trang 83, trang 88, trang 111 & trang 128), Chương IX Vịnh Cam Ranh 5/8 (trang 144), Chương X Nhật Đạo Thái Bình Dương 9/2/1967  (trang 162), Chương XI Hải Phận Ninh Thuận 5/8 (trang 177), Chương XII  Hải Phận Ninh Thuận 6/8 (trang 191), Chương XIII Hải Phận Bình Thuận 6/8 (trang 222),  Chương XIV Hải Phận Bình Tuy 6/8 (trang 238), Chương XV Hải Phận Phước Tuy 6/8 (trang 254), Chương XVI Vịnh Gành Rái 6/8 (trang 268), Chương XVII Sông Lòng Tảo (trang 282) & Kết (trang 295).

     Tựa tác phẩm với bài viết của Trần Thị Nguyệt Mai (trang 9). Mở của tác giả (trang 13). Bạt của Lương Thư Trung (trang 299) & Vài cảm nhận của độc giả (trang 309)…

     Nhân vật chính không phải là HQ Đại Úy Vũ Bằng mà là người đẹp Nha Mân,  cô Phan Kim Phượng sinh viên khoa Sử Địa thuộc đại học Sư Phạm Sài Gòn, cảm tình viên của phong trào sinh viên phản chiến, có người yêu là kiến trúc sư Hưng, nhân viên USAID, con trai chủ thầu rác cho căn cứ Mỹ ở Quy Nhơn. Thuộc gia đình khá giả nhờ chiến tranh nhưng chàng ta lại đi theo Việt Cộng và muốn lôi kéo người yêu cùng hoạt động với mình. Dù đã được hai bên cha mẹ đồng ý, nhưng với điều kiện nếu hai người muốn cử hành hôn lễ, nàng phải lập “thành tích” bằng cách dùng giấy tờ giả để đi theo chiến hạm của Hải Quân VNCH nhằm lập công phá hoại... nhưng cuối cùng Kim Phượng gặp Trưởng Phòng An Ninh Bộ Tư Lệnh Hạm Đội và chia tay Võ Bằng.

     Bối cảnh và từng mẩu chuyện xảy ra trong thời gian ngắn từ vịnh Quy Nhơn đến sông Lòng Tảo, qua ngòi bút linh động của tác giả đã dẫn dắt người đọc theo dõi từng diễn biến.

     Trong phần Tựa của Trần Thị Nguyệt Mai ghi nhận:

     “… Trong chuyến hải hành dài 50 tiếng đó, qua từng chương sách, tác giả đã khéo léo tỉ mỉ giới thiệu về Hải Quân VNCH mà ông chọn làm binh nghiệp. Từ cách phân biệt sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ đoàn dựa trên kiểu quân phục và cấp bậc đến các ngành nghề chuyên môn cũng như việc thuyên chuyển, thăng cấp trong Hải Quân. Rồi cách bày trí, kích cỡ của các phòng trên chiến hạm, cách chọn màu sơn, tiếng còi hiệu thay đổi phiên hải hành hoặc sẵn sàng chiến đấu. Ông cũng giới thiệu các loại chiến hạm, chiến đỉnh, chiến thuyền và duyên đoàn, các loại hiệu kỳ mang những ý nghĩa khác nhau, như tàu đang chở hàng nguy hiểm, tàu đang lâm nạn, tàu đang neo v.v... Cách xác định vị trí tàu trên đại dương để tránh bị giạt vào vùng đá ngầm, bãi cạn.

     Qua mỗi hải phận Miền Nam, tác giả nhắc tới các danh lam thắng cảnh kèm theo một câu chuyện về đặc điểm nơi đó, hoặc lịch sử, hay văn nghệ rất lý thú. Cũng có lúc tác giả giới thiệu sách hay phim ảnh nên xem để hiểu rõ hơn về một sự việc được đề cập... Đặc biệt, tác giả kể lại chuyến hải hành xuyên Thái Bình Dương suốt 45 ngày, xuyên nhật đạo nhằm đúng Mồng Một Tết Đinh Mùi 1967 thật thú vị…

     … Đặc công người đẹp Nha Mân mang quả bom xuống chiến hạm nhưng lại được Hạm Trưởng, Hạm Phó, thủy thủ đoàn, kể cả cố vấn Mỹ vô tình tiếp đón nồng hậu trên suốt cuộc hải hành. Qua việc tận tai tận mắt nghe thấy sinh hoạt của chiến hạm, thấm thía lòng nhiệt thành bảo vệ Tổ Quốc của mỗi người…”.

     Trong phần Bạt của Lương Thư Trùng ghi: “Đọc truyện dài Đời Thủy Thủ 2 của nhà văn Vũ Thất tôi mê nhất là tác giả đã đưa mình qua các vùng biển vừa kể với nghệ thuật tả cảnh rất là cảnh của một người từng sống trên chiến hạm qua khắp đất trời biển rộng mịt mùng; chỉ riêng về khía cạnh này thôi, tôi tin khó có tác giả nào qua nổi nhà văn Vũ Thất…”.

     Nhà văn Áo Stefan Zweig (1881-1942) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Châu Âu vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, ông là tiến sĩ Triết nên đem sở học phân tích tâm lý nhân vật vào tác phẩm rất sâu sắc trong mọi hoàn cảnh. Truyện ngắn 24 Giờ Trong Đời Người Đàn Bà, năm 1968, dựng thành phim 24 Hours in a Woman's. Và, với tựa đề nầy trong tập truyện gồm 5 truyện ngắn hay nhất của ông.

    Trong phạm vi Văn Chương Việt Nam hải ngoại tròn một thế kỷ sau, có thể nói Đời Thủy Thủ 2 với nhân vật trong truyện kể trong 50 giờ với tâm lý nhân vật từ nội tâm đến đối tượng, với tôi, tác giả là “hiện thân” của Stefan Zweig. Tính nhân bản trong văn chương Stefan Zweig và Vũ Thất đồng cảm ở điểm đó, nhân vật bị cám dỗ, lôi cuốn không bị vùi dập mà nhân thức được bóng tối của tâm hồn.

     Little Saigon, July 4, 2023

    Vương Trùng Dương

    (Đặc San Lâm Viên)

     


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: Vương Trùng Dương Cảm Nghĩ Về Tác Phẩm Đời Thủy Thủ 2 Của Nhà Văn Vũ Thất Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top