SỰ HY SINH THẦM LẶNG
Lộc Dương
Vừa rồi, bà tân Bộ trưởng Y Tế Đào Hồng Lan có phát động cuộc thi viết về “sự
hy sinh thầm lặng” của ngành. Giải thưởng cũng ngon lắm. Trong số các bài viết
gửi về, có bài của một em học sinh lớp Sáu ở TP/HCM viết như sau đây:
Người ta cứ bảo bác sĩ, y tá hay lãnh đạo ngành y tế là những chiến sĩ thầm lặng,
em thấy không đúng. Thử không có phong bì hay tiền đặt cọc trước cho các bịnh
viên coi người bịnh có được bác sĩ cứu chữa hay chỉ nằm ngoài hành lang húyt
gió cho đỡ đau. Người bị mổ xẻ thử không bồi dưỡng y tá coi, nó thay băng mạnh
tay, đau kêu trời không thấu.... Cho nên em chỉ thấy những người bịnh nhân như
mẹ em mới xứng đáng là “hy sinh thầm lặng”.
Mẹ em là một cô giáo, ở trong trường thì được chính phủ ca tụng là kỹ sư tâm hồn,
nhưng lúc mẹ em bị bướu cổ phải đi bịnh viện thì không khác gì một con chuột
đang bị cả hệ thống y tế xúm vô hành hạ.
Mẹ em phải dậy sớm đi vô bệnh viện lúc 3 giờ rưỡi sáng để lấy số thứ tự. Ba em
nằm trên giường cằn nhằn “bà đi ăn trộm hả ?”. Lấy số xong, mẹ em ngồi chờ hoài
gần tới trưa cũng không thấy đọc tên, có mấy người ngủ gục cạnh mẹ em mở mắt ra
nói “Không có người quen, không có tiền khám dịch vụ thì xác định là ngủ một giấc
đi cho khoẻ chị ơi...”.
Tới hồi nghe đọc tên, mẹ em mừng quýnh, chạy lại ô cửa sổ. Cô y tá sau khi điền
tên tuổi, lý do khám bịnh xong, nói với mẹ em “Đóng viện phí rồi tới phòng khám
số 6”, mẹ em hỏi “ Phòng số 6 ở đâu chị ?”. Cô y tá gắt gỏng: “ Đi ra ngoài mà
hỏi”. Mẹ em chạy hỏi lung tung mấy bà điều dưỡng, không ai chỉ, ai cũng bận rộn.
May quá có ông bảo vệ vừa ho sù sụ vừa tận tình chỉ cho mẹ em.
Tại đây, sau khi chờ mòn mỏi thêm một tiếng nữa, mẹ em được vô gặp bác sĩ.
Bác sĩ hỏi “Bệnh sao?”. Mẹ em đang trình bày thì bác sĩ vừa
ghi toa vừa nói: “Đi chụp hình”.
Mẹ em cầm toa thuốc lên hỏi: “ Thưa bác sĩ, mấy thuốc này uống
trị bịnh gì?”.
Bác sĩ nói cộc lốc: “Cứ đi mua đi! Hỏi hoài. Chưa chụp X
quang sao biết bệnh gì. Chụp xong mang phim trở lại đây”.
Tại quầy bán thuốc tây, cũng lại cảnh xếp hàng và chen lấn. Nhiều người ngồi
luôn xuống đất cho đỡ mỏi chân. Em cũng ngồi nhưng mẹ em thì không. Chắc mẹ vẫn
nghĩ mẹ là cô giáo chứ không phải con chuột. Một hồi sau mẹ cũng mua được một
loại thuốc, còn hai loại khác thẻ Bảo Hiểm Y Tế của mẹ không cho mua, phải về
nhà tìm mua ở các tiệm thuốc tư nhân.
Mẹ ngập ngừng hỏi: “Thưa chị, thuốc này uống ra sao, ngày mấy
lần?”.
Bà bán thuốc trả lời:
“Ai rảnh đâu mà biết, vô kiếm bác sĩ mà hỏi”.
Mẹ thất vọng, im lặng đi ra, tay cầm mấy vĩ thuốc không biết
phải uống như thế nào. May quá, lại cái ông bảo vệ ho lao hồi nãy chỉ cho mẹ
cách uống. Ngày hai lần, lần một viên, uống sau khi ăn.
Ngồi trên xe buýt về nhà, em thấy suốt ngày hôm nay khủng
khiếp quá. Bịnh viện đông như kiến. Lê lết chầu chực để được khám qua loa. Mùi mồ
hôi, mùi mấy người bịnh khiến em cũng muốn bịnh theo luôn. Vậy mà mẹ em vẫn im
lặng chịu đựng. Có người kia bị móc túi hết tiền khóc lóc thảm thiết, mẹ em lẳng
lặng lấy ra mấy ngàn cho, không nói một câu. Mẹ chỉ đổ quạu khi về tới nhà thấy
ba em nằm say xỉn, ói tùm lum. Vừa dọn đống ói, mẹ vừa hỏi ba muốn ăn gì mẹ
mua. Hỏi gì ba cũng nói không. Tức quá mẹ la lên: “vậy ông muốn ăn cái quần què
gì thì nói đi”. Lúc đó ba mới nói muốn ăn bánh mì chả lụa.
Nhìn theo bóng dáng mẹ chạy đi mua bánh mì, em thấy thương sự hy sinh thầm lặng
của mẹ vô cùng, cho nên em viết bài dự thi này. Mong bà Bộ trưởng cho em được
giải để em đưa hết tiền lãnh thưởng cho mẹ em trị bịnh bướu cổ. Chứ bịnh viện
kiểu này, không có tiền thì chắc mẹ em chỉ có nước chờ chết hoặc về uống thuốc
nam cầm cự qua ngày.
Kính chúc bà Bộ trưởng dồi dào sức khoẻ, ngồi ghế được lâu, suy nghĩ được gì
giúp ích cho dân nghèo lỡ bị bịnh hoạn, chứ đừng như ông Bộ trưởng trước, mới
ngồi chưa nóng đít đã tham nhũng, phải vô khám ngồi bóc lịch mà nước mắt ổng cá
sấu cứ rưng rưng.
LỘC DƯƠNG