728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    NGUYỄN KHẮC TIẾN TÙNG: LÊN MƯỜNG Truyện ngắn ( bên giòng chính sử )

    NGUYỄN KHẮC TIẾN TÙNG: LÊN MƯỜNG  Truyện ngắn  ( bên giòng chính sử )

     LÊN MƯỜNG Truyện ngắn  ( bên giòng chính sử )

                                                                           Cỏ cây hoa lá thương nhớ mãi người đi và dâng sầu lên mí mắt người về…

                                                                                          Tô Hải, ca khúc „Nụ Cười Sơn Cước

     Khoảng năm 1950 các tỉnh lỵ ngoài Bắc phần nhiều do Tây (Pháp) chiếm đóng. Phía Việt Nam dưới sự lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp của Việt Minh (hay Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) có những Ủy ban Hành chính Kháng chiến ở mỗi tỉnh, gọi tắt là “Ủy ban Hành Kháng. Riêng tỉnh Ninh Bình mà có lẽ cũng ở nhiều tỉnh khác những Ủy ba này “lưu vong”, nghĩa là ở tại một địa điểm nào đó khác với địa phương thuộc thẩm quyền mình, nhưng hiện bị “địch” chiếm (hay có ảnh hưởng mạnh). Các ủy viên tuy ở rải rác không tập trung một chỗ, những khi cần thì mới tụ họp.

    Cụ Tuần mà tôi gọi là ông (không rõ họ hàng phía ngoại gần xa thế nào mà mẹ tôi gọi là cậu) được Việt Minh mời làm trưởng Ty thương binh của Ủy ban Hành Kháng tỉnh. Hồi đó gia đình cụ ở „trên Mường“, nghĩa là không còn ở đồng bằng  tản cư tại cùng một làng với chúng tôi nữa. Mãi khi Tây nhảy dù chiếm Phát Diệm (vùng CôngGiáo) nhiều người mới chạy xa vùng Công Giáo được cho là “thân Tây” lên Nho Quan, Gia Viễn là các huyện miền sơn cước , sâu phía trên Trường Yên, kinh đô Hoa Lư xưa kia của nhà Đinh (Đinh Bộ Lĩnh). Đó là dịp tôi được  lên Mường  ở nhà cụ Tuần ăn Tết rồi ở lại chơi  khá lâu. Cụ chọn vùng này  vì trước kia cụ là Tuần phủ, quan đứng đầu một tỉnh thuộc miền sơn cước nào đó phía Bắc.

    Tôi còn nhớ trên đường đến nhà cụ qua bao nhiêu đồi, suối, đúng là lên thác xuống ghềnh. Một thác nước chảy hùng vĩ từ trên cao xuống, cuồn cuộn, trắng xóa biến thành suối, hai bên bờ đầy hoa sim tím. Những quả sim thật ngọt ngào mà đứa học trò vừa xong tiểu học là tôi vẫn còn nhớ đến khi lớn khôn. Trên đường qua một con suối tôi thấy có con trâu bị rắn độc cắn nằm chưa chết, không biết nó có qua khỏi không. Trên Mường có nhiều cảnh đẹp của núi rừng, nhưng cũng còn những cảnh hãi hùng như thế đó! Tôi đã sống những ngày êm đẹp ở lán, trên là nhà sàn để ở, dưới là chuồng trâu, quanh chỗ nằm đầy những tấm thảm dệt bằng tay, những “thổ cẩm” màu sắc rực rỡ mà hài hòa. Có điều không còn nhớ rõ hồi đó mình có ngủ trong màn không. Chỉ nhớ là không sợ muỗi truyền sốt rét ngã nước. một bệnh thương thấy thời đó. Có lẽ mọi người đều tin ở thuốc ký ninh (Quinine) đang rất thịnh hành, ai nấy luôn luôn giữ bên mình như lá bùa hộ mệnh.

    Những ngày Tết trên Mường vẫn còn để lại nhiều dư âm trong tôi. Dân trong bản có những trò vui như múa xạp, hòa các nhạc cụ như khèn, cồng, chiêng. Bọn trẻ có các trò chơi riêng nhưng tôi chỉ còn nhớ những điệu múa trong các bộ áo màu sắc rực rỡ. Về phía chúng tôi, từ nay gọi là bọn con cháu ông Tuần cho đúng họ hàng vào bậc ÔNG, cả gia đình khá đông nên tổ chức “múa Tiên”. Ngày trước, khi còn ở thành phố, cô Thục con gái lớn của ông Tuần đã tập luyện một màn rất hấp dẫn với các thiếu nữ mặc toàn áo trắng và quấn quanh mình những dải lụa trắng, khiến khi múa hiện ra cảnh tượng du dương dễ mê hoặc lòng người. Hồi đó tôi cũng ở trong ban hát nhi đồng, khi hát xong xuống làm khán giả để rồi cũng hồi hộp như mọi người theo dõi lời giới thiệu của cô Thục trong lúc chờ đợi tiên về: “Các tiên nữ đã về đến bên kia sông Đáy..., chỉ vài phút nữa là tới sân khấu chúng ta. Hình như thoang thoảng đang có tiếng chim ríu rít dẫn đường về đây...”. Cô giới thiệu thật khéo mà tự nhiên. Tôi rất mê điệu múa Tiên theo bản nhạc “Thiên thai” của Văn Cao. Buổi trình diễn qua đi mà cũng như Lưu-Nguyễn còn nhớ lại cảnh trên Tiên mà thầm nhủ trong nuối tiếc “nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta”. Trên Mường cô Thục cũng dạy thêm cho các em thiếu nữ Mường múa, cũng với những dải lụa trắng dài, mềm mại, không hiểu cô tìm đâu ra. 

    Bọn trẻ chúng tôi trong bản thường chơi bên ngoài nhà sàn, nhưng không được phép đi xa. Để phòng thú dữ tới, luôn luôn mang theo những dụng cụ đánh lên báo động mà cũng để đuổi thú dữ. Tôi chơi rất thân với cô Lan, lớn hơn tôi hai tuổi và chú Đức, lớn hơn một tuổi, là hai người con nhỏ nhất của ông Tuần. Ông có vẻ hợp với tôi vì những phát biểu rất “ông cụ non” của tôi, nhiều khi ông bàn cả thế sự với thằng bé vừa đỗ xong bằng tiểu học. Tôi có những ý kiến ông Tuần cho là hay như tại sao mình không trồng cây ký ninh ở đây vùng đồi núi, đất rất phì nhiêu. Ông bảo khi nào họp Ủy ban Hành Kháng tỉnh ông sẽ mang ý này ra bàn. Còn một ý tưởng mà ông nói thật tuyệt vời của tôi: đó là mời ông thầy Mo trong bản tới bệnh viện tỉnh nói về cách chữa bệnh từ ngàn xưa của dân thiểu số, ít nhất là từ thời Đinh Bộ Lĩnh. Theo tôi nghe mang máng thì đoán ra hình như vùng này thuộc một sứ quân chống lại Đinh Bộ Lĩnh, có tiếng là khỏe mạnh không bệnh tật và thiệt chiến mà sau cùng lại bị thua?

    Rồi một hôm có người đàn ông đeo “xà cột” (sacoche), chứng tỏ là một cán bộ cấp cao, đi vào bản tìm ông Tuần. Sau đó cả Ty thương binh, cả nhà được biết là cán bộ đó đến báo tin  tuần sau có cuộc họp của Ủy ban Hành Kháng tại bệnh viện tỉnh, cách bản trên mười cây số. Đề tài chính là tỉnh Ninh Bình sẽ nhận một số lượng thương binh mới từ các tỉnh thuộc Hà Nội và Liên khu Ba. Khách tham dự đặc biệt là đoàn cùa Quân y cục từ trung ương về do đại tá bác sỹ Cục trương dẫn đầu. Đây là lần đầu tiên tôi mới được nghe thấy về công vụ của Ty thương binh!  Hằng ngày có thể nói ông Tuần không có công việc gì làm và nhân viên của ông lại chính là cậu Nhã, con trai thứ của ông. Cậu đã đỗ bằng “đíp lôm” (diplome = bằng „thành chung“ = trung học phổ thông), vào thời Tây nếu đi làm đã là “ông Phán”. Cậu muốn học lên “chuyên khoa“ (nghĩa là các lớp sửa soạn  thi Tú Tài) nhưng hình như tỉnh Ninh Bình chưa có trường nên cậu tạm thời ở nhà và giúp ông thân sinh việc hành chánh của Ty. Tôi đoán cậu làm không lương cũng như ông Tuần. Mấy ngày sau cả Ty thương binh nhộn nhịp chuẩn bị đi họp. Ông Tuần chọn hai dân quân trai tráng  khỏe mạnh theo hộ vệ. Một người mang theo cái „mác“ nhọn, người kia mang theo khẩu súng trường. Thầy Mo được mời đi theo và dịp này do sáng kiến tuyệt vời của “cụ non tôi” sẽ là dịp để Tây y tiếp xúc với Y học cổ truyền của dân thiểu số!. Trước khi đi ông Tuần nghiêm nghị dặn bà Tuần: “Tôi đi bà ở nhà lo cơm nước chu đáo cho mọi người.” Và ông tuyên bố một câu động trời: “Khi tôi đi vắng, thằng Tùng sẽ lo công việc của tôi, còn  thằng Đức thì lo công việc của anh Nhã.”. Thì ra ông đã coi tôi không hẳn là cụ non vì những góp ý “táo bạo” của tôi. Thằng bé trong bụng rất hãnh diện và thấy chú Đức có vẻ cũng phục  tôi cho nên không phản đối gì. Nghĩ lại thấy ông Tuần đúng là một người giỏi lãnh đạo, sành tâm lý, biết khuyến khích “nhân tài”!

    Phái đoàn Ty thương binh trở về trong khải hoàn: tỉnh Ninh Bình - Ty của chúng tôi  ! -  sẽ nhận thêm chừng ba mươi thương binh và Ty thương binh, qua bệnh viện tỉnh,  sẽ nhận được sự giúp đỡ của một bác sĩ quân y từ Viêt bắc nay về đây phụ trách trung đoàn 64 bên cạnh một bác sĩ dân y từ tỉnh láng giềng Nam Định. Cả hai bác sĩ này đều rất thích phương pháp cổ truyền của thầy Mo và muốn tìm cách áp dụng, nhưng loại bỏ những hình thức mê tín. Thầy Mo thìrất hả hê vì thế giới bên ngoài đã đón tiếp thầy một cách nồng nhiệt. Các bản quanh vùng sẽ thử trồng cây ký ninh chống sốt rét và một vài loại thuốc lá cổ truyền khác mà thầy Mo đã tường thuật, minh chứng hiệu quả.

    Ông Tuần còn ở “trên Mường” tham gia kháng chiến với chức trưởng Ty thương binh bao lâu nữa không rõ. Nhưng khoảng năm 1952  khi về Hà Nội thì thấy ông cũng đã “dinh tê”, nghĩa là bỏ kháng chiến về “vùng tạm chiếm” của Pháp có chính quyền Bảo Đại. “Ông cụ non” là tôi, "quyền Trưởng Ty thương binh“, gặp lại cụ già “Trưởng Ty thương binh chính hiệu”, hai ông cháu còn gì sung sướng, xúc động   hơn ?…

      Trước đó nữa có lẽ là năm 1946-47 ở Ninh Bình ông thuộc giới quan lại xưa, sàn sàn tuổi với “cụ Hồ”, ông Tuần đã không ưa „cụ Hồ“. Ông Tuần” không thích „bác „ mới trên 50 chưa tới 60 mà đã để bọn lâu la dưới trướng tôn xưng là “cha già dân tộc”. Vì thế ông Tuần đã "chế"  ra một bài hát chống lại bài hát tuyên truyền tâng bốc "bác" khi ông ta sang Pháp điều đình ở Fonetainebleau. Tôi không nhớ những lời ông Tuần chế ra để nhạo báng thế nào, nhưng vì ở trường phải học thuộc lòng để hát nên còn nhớ khá rõ lời bài hát nguyên thủy, chính thức, có những lời như:

    Nhớ bác Hồ yêu dấu lòng bâng khuâng,

    Cháu sầu nhớ nhung.

    Bác có nhớ cháu không từ lúc con chim bằng cất cánh

    Buồn thẫn thờ nhin theo chim kia nhẹ cánh khuất trong mây.“..

    khi bác đi lên tàu bay. Rồi với lòng háo hức khi chờ bác về...

    ...với bao nỗi mong chờ một niềm hạnh phúc sáng tươi,

    Trong tâm mong nghe thấy khải hoàn vang khúc ca.

    Mong bác mau trở về cùng với chúng ta.”

    Cuộc khải hoàn “khập khiểng” bác mang từ Pháp về là sự tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Đến tháng 12 năm 

    1946 thì đưa đến xung đột Pháp - Việt ở Hải Phòng, tiếp theo là thời gian “toàn quốc kháng chiến”.

    Ông Tuần của tôi ở lại Hà Nội cho đến khi cộng sản “tiếp quản thủ đô” , rồi gặp lại người con trai lớn là đại đội trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đi kháng chiến trở về. Tâm trạng của ông Tuần là tâm trạng của nhiều người sống trong vùng quốc gia có bà con ở “hậu phương”. Họ không ưa Việt Minh Cộng Sản, nhưng “vọng kháng chiến”. Họ cố đi tìm nhưng chưa tìm thấy chính nghĩa 100% trong Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại cùng nhiều nội các (chính phủ) đổ xoành xoạch của các thủ tướng “quốc gia” thân Pháp nhiều hay ít. Còn nước Việt Nam thì “độc lập”cùng với Miên, Lào, độc lập trong Liên Hiệp Pháp!

    Đến 1954 – 55 khi di cư vào Nam tôi lo đi học, rồi thi Trung học Phổ thông, bận rộn với đời sống mới khi di cư còn bỡ ngỡ nên cũng không nhớ nhiều tới thời ăn Tết với ông Tuần trên Mường. Mãi sau  mới gặp cô Thục, tác giả điệu múa Tiên, con gái lớn của ông Tuần lấy một sĩ quan quân đội Quốc Gia, tiền thân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Chính cô cũng không có tin gì nhiều của cha vì thời đó người Việt ở hai miền chỉ giao thiệp với nhau qua “bưu thiếp” với những dòng được in mẫu sẵn, có những chỗ trống ít ỏi để  trả lời về sức khỏe, việc làm, trường học, chỗ ở... Tờ bưu thiếp vô tình không còn chỗ cho những cảm xúc riêng tư, có lẽ cũng như tâm tình  bắt đầu  khô cạn của người đang cố tiến lên XHCN? Những năm sau  chúng tôi hoàn toàn không được tin tức gì nữa của ông Tuần . Âu đó cũng là số phận của nhiều gia đình Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước chia đôi, kẻ ở lại sau “bức màn tre”, người vào Nam bắt đầu cuộc sống mới.

      Cho đến bây giờ, lâu lắm tôi mới tình cờ được nghe lại bản nhạc “Nụ Cười Sơn Cước” của Tô Hải và những hình ảnh trên Mường lại hiện về đâu đây, hình ảnh quê hương của các thiếu nữ thiểu số mộc mạc, chân thật , ngây thơ... đã làm say đắm những tâm hồn trai trẻ mới lớn như một cậu em của mẹ tôi cũng từng lên Mường công tác thời đó mà không muốn về.

    Thường khi nghe nhạc mỗi người có một tâm trạng riêng để thưởn thức. Tôi thì cùng Tô Hải thường nhớ lúc chia phôi, vì trong tản cư, kháng chiến, loạn ly 1946 – 54 chuyện đó rất thường. Tôi đặc biệt như muốn rung động cùng nhạc sĩ nghe “cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi và dâng sầu lên mí mắt người về…”. Có lẽ ai đó nghe câu này đã thấy hay, còn tôi cứ nhớ đến, nghe đến đó là vọng âm của những tiếng “khèn”, hình bóng chiếc nhà sàn chênh vênh, suối chảy thao thiết và tiếng chim rừng ríu rít lại hiện ra. Nhiều khi chỉ cần nghe câu đó là đủ, không cần nghe cả bài, rồi chợtnghĩ sang bài “Thiên Thai” của Văn Cao. Vừa nhắc đến những cô sơn nữ trên Mường thì ở trên Tiên cảnh cũng có chim hót, suối chảy vàbao tiếng đàn ca của tiên nữ. Tôi thích cách vào bài hát rất hồn nhiên của một ca sĩ – thư sinh trong chiếc áo dài nho sĩ màu trắng:

    tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng,

    nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên”.

    Thế là lại liên tưởng ngay đến những “Nụ Cười Sơn Cước”. Hai ca khúc cứ như quấn quýt vào nhau trong tôi..

    Còn những lúc buồn đau vì bất cứ chuyện gì thì có thể kéo bài nhạc trong Video đến đoạn

    nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta”

    để tự an ủi mình, cho phép lòng se buồn, nghĩa là buồn nhẹ nhàng thôi mà âm hưởng kéo dài… Chữ nhạc sĩ dùng thật tuyệt ! Giữa những người thân thiết nhất của ta, khi có sự tình cờ khơi lại một nỗi buồn quá khứ, có lẽ nếu thầm hát câu trên của Văn Cao, mỗi người có thể tìm lại an tĩnh cho tâm hồn ? Câu này gần như một “Mantra”, một câu “thần chú”. Nỗi buồn mang tới bất an, thì ta cứ nhắc hai chữ “se buồn” trong tâm tưởng, cứ nhè nhẹ thở nhịp nhàng, biết đâu nỗi buồn biến mất lúc nao mà mình không nhận ra ngay !

    Theo Văn Cao lên Tiên, cùng Tô Hải Lên Mường với bao  hình ảnh quá khứ . Nhưng có lẽ  chỉ nên lấy  đó làm một chỗ dựa êm đềm  vì  vẫn còn cuộc sống đang hiện diện. Ai  mà chẳng cần phấn đấu cho đoạn đương đời ngắn hay dài, gập ghềnh hay bằng phẳng còn trải dài trước mắt ? ...

    Munich, 29.04.2021

    Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng

    tungdoimoi2013@gmail.com

    Steiermarkstr.16

    81241 München (Munich)

    G E R M A N Y

    Phone (+49) 89 - 46 13 96 42

      

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: NGUYỄN KHẮC TIẾN TÙNG: LÊN MƯỜNG Truyện ngắn ( bên giòng chính sử ) Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top