NGUYÊN THỌ TRẦN KIÊM ĐOÀN TU SĨ MINH TUỆ… GIỌT NƯỚC TRÀN LY
TU SĨ MINH TUỆ… GIỌT NƯỚC TRÀN LY
Nếu gọi một cách thân
thiện và gần gũi với hệ thống giáo lý Phật môn thì người xuất gia, bất kỳ tuổi
nào chưa thọ Đại giới (Cụ Túc giới) để thành Tỳ kheo, Khất sĩ thì ở hàng Sa Di
và được gọi với danh vị là “Chú”; nhưng ở đây xin gọi danh vị công bằng cho một
người tin và tu theo con đường Phật lý là “Tu sĩ Minh Tuệ – Ts MT”. Đây là một
nhân vật chỉ nhận mình là người tín tu theo đạo Phật theo chí hướng và hạnh
nguyện riêng của mình, không theo môn phái, chùa viện hay đạo tràng, tăng đoàn,
giáo hội nào cả. Tuy nhiên, qua hành trạng tương tự với hình ảnh các nhà tu
truyền thống, cổ điển nên dư luận và định kiến của đại chúng đã rầm rộ khoác
lên TsMT những nhãn hiệu đã có sẵn từ truyền thống và định kiến như Hạnh Đầu
Đà, Du Phương Tăng… Xin dành khuynh hướng “chính danh” cho đại chúng và thời
gian.
Đạo Phật là một tôn
giáo hay hiện thực hơn nữa là một hệ thống giáo dục, triết lý, giới luật “siêu
tôn giáo” giúp con người giải khổ tìm vui. Để tiến tới tâm thế an lạc hé cửa
vào cho khả năng giác ngộ và giải thoát sau cùng, mọi động thái hỗ trợ cho mục
đích cứu khổ đều là pháp môn phương tiện. Đạo Phật thường nói đến tám vạn bốn
ngàn – mà thật ra là vô lượng – pháp môn như Đức Phật đã truyền ngôn từ giây
phút đầu hiện thế ở vườn Lâm Tỳ Ni rằng, mỗi người là một cá thể duy nhất tự cầm
ngọn đuốc chân tâm, bản lai của chính mình mà lên đường tìm phương giải thoát.
Do vậy, đạo Phật là
con đường độc lập tự do đích thực từ bản chất uyên nguyên đến 2568 năm sau như
hôm nay. Thế nên, những sự rao giảng, ban phát, chấp trước để giới hạn tinh thần
tự quyết, tự do, tự mình thắp đuốc lên mà đi của bất cứ đối tượng hay thế lực
nào đều là phi Phật pháp.
Tu sĩ Minh Tuệ (TsMT)
là ai?
Hoàn cảnh xuất thân của
TsMT xuất hiện quá nhiều trên các trang mạng xã hội. Từ những ý tưởng cường điệu,
đại ngôn ví von TsMT với hình ảnh của Phật, của Chúa đến những phản biện phủ nhận
tính chính danh và thiện lành trong sáng của TsMT xuất hiện ồ ạt theo cảm tính
nóng bỏng tức thời như một phản ứng có điều kiện của khối đại chúng đang bị dồn
nén, bức xúc giữa hai bờ đạo và đời, thánh và phàm, tịnh và động, tự tại và bon
chen, tu và tục, thanh quy và phóng dật… của hàng tu sĩ trong các tôn giáo thời
hiện đại. TsMT, vô hình chung, trở thành một “nguyên cớ”, chứ không phải là
nguyên nhân, của tâm lý phản kháng đại chúng trước những biểu hiện tiêu cực
cũng như tệ nạn tôn giáo đang trên đà tăng tốc!
Phóng viên Tiền Lê
báo Tiền Phong đã trực tiếp gặp ông Lê Xuân, 84 tuổi, thân phụ của TsMT và đã
tường thuật trên số phát hành ngày Chủ Nhật (19/05/2024, 19:16:09 GMT+7) với nội
dung xin được tóm lược những nét chính như sau:
Cách thành phố Pleiku
(Gia Lai) chừng 40 cây số, ông Lê Xuân, 84 tuổi, thân sinh ra TsMT cùng vợ sống
trong căn nhà hai tầng khang trang ở một xã của huyện Ia Grai (Gia Lai). Dù lớn
tuổi nhưng ông Xuân vẫn rất khoẻ mạnh, minh mẫn.
Ông Xuân kể, cách đây hơn 30 năm, ông cùng gia đình từ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)
vào huyện Ia Grai (Gia Lai) lập nghiệp. Ông Xuân cùng vợ có 3 người con trai và
1 người con gái. Trong đó anh Lê Anh Tú (TsMT) là người con thứ hai, hiện đã 43
tuổi.
Ông Xuân chia sẻ, ngay từ nhỏ, Tú là người con trai hiền lành, hiếu thảo, học lực
khá nên được mọi người quý mến. Học xong phổ thông, theo nghiệp bố, anh Tú đi bộ
đội chừng 3 năm, sau đó theo học Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên (Gia
Lai).
Ra trường, anh Tú làm đo đạc cho một công ty tư nhân ở Đắk Lắk. Thời điểm này
anh Tú đọc những sách về Phật nên đã ăn chay, tu tại gia. Gia đình hồi ấy cũng
khá lo lắng vì không thấy anh có bạn gái, tâm tư cũng không muốn lập gia đình.
“Gần 10 năm về trước Tú có đọc sách về Phật pháp nên phát nguyện đi tu. Lúc ấy
tôi nói đi tu rất khó khăn nhưng đã quyết thì phải tu trọn vẹn, không được phá
giới, phải chân cứng đá mềm, không tham lam sân si. Lúc đi Tú để lại cho tôi một
cái đồng hồ, điện thoại, tủ lạnh, 8 mét vải màu vàng.”
“Từ nhỏ Tú đã có lòng từ bi với mọi người, không bao giờ muốn làm ai buồn lòng.
Ai em nó cũng xem là cha mẹ, phải học hỏi.”
Trong các lần trả lời
trực tiếp với đại chúng các “phóng viên đường phố”, TsMT đã xuất hiện trên các
trang mạng với hình tướng và ngôn ngữ ái hòa, chơn chất qua lời chia sẻ trước
sau như một rằng: Mình tự tìm hiểu đạo Phật qua kinh sách như Nikaya và nuôi
chí tu theo Phật từ lâu nhưng mãi đến vào chặng đời 34 tuổi mới xuất gia. Tuy đầu
tiên cũng có vào chùa (với Tu sĩ Phật giáo Thích Chân Quang ?) nhưng chỉ sau
năm bảy tháng, thấy không hợp với môi trường tu học nên rời chùa ra đi và chỉ
tin hành theo Phật. Vì nhận thấy hạnh tu một mình, tự chế tối đa, du phương khất
thực… thích hợp với mình nên quyết chí tu hành theo hướng “du sĩ khổ hạnh”. Từ
đó “nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du – một bát cơm nghìn nhà, một
mình đi vạn dặm” sống bằng thực phẩm hành và khất mỗi ngày một bữa từ mọi người
mọi nhà không phân biệt trên đường thiên lý độc hành. Và, TsMT cũng chỉ vào y
phục của mình để tự xác định rằng, đó là màu sắc “Cái Bang”, chắp vá từ những mảnh
vải phế bỏ, không chạm đến màu vàng của thế giới tu hành Phật giáo thời hiện đại
hay của bất cứ phương phái nào để giữ hướng tu hành tự nguyện của riêng mình.
Kết hợp lời thuật của
ông Lê Xuân và lời xác quyết về khuynh hướng xuất gia theo đạo Phật của TsMT, cả
hai đều có sự nhất quán về hoàn cảnh, bản chất và hành trạng từ khi sinh ra cho
đến thời xuất gia trong non 10 năm qua. Sự nhất quán đó xác định đôi nét tiêu
biểu gồm cả hai mặt đời và đạo trong một con người của TsMT rằng:
Xuất thân từ một gia
đình khiêm tốn ở chốn đất nghèo miền Trung (Hà Tĩnh), TsMT là một người con
bình thường, hiền hòa và nhân hậu (lo học, hiền lành, hiếu thảo và thương người);
là một công dân tốt (học ra trường, đi bộ đội theo nghĩa vụ, có công ăn việc
làm ổn định). Với ý hướng tìm hiểu đạo Phật từ thuở thiếu thời, càng lớn lên
càng có tâm nguyện xuất gia tu Phật và tới độ tuổi 30+ chín chắn, TsMT đã xuất ly
gia đình tu theo đạo Phật.
Trong dòng sinh mệnh
và truyền thừa của đạo Phật, khi nói đến Tăng đoàn và những bậc tôn túc, thường
nói đến các bậc hữu học và các bậc vô học. Bậc hữu học là những vị được “sư phụ”
bổn sư truyền dạy thông qua quá trình học tập và giáo dưỡng bình thường. Các bậc
vô học cao hơn một bậc là “vô sư tự ngộ” với sở học và sở chứng tự mình tìm hiểu,
học hỏi, chiêm nghiệm, quán niệm, thực chứng mà hiểu đạo và hành đạo. Đạt Ma Tổ
sư suốt 9 năm ngồi im lặng tọa thiền nhìn vách tường chùa Thiếu Lâm với thần
khí sáng ngời (cửu niên diện bích). Lục tổ Huệ Năng không hề biết chữ nhưng thần
trí quán thế vì chữ chỉ là ký hiệu giới hạn không đủ làm phương tiện truyền
tâm. Đức Phật là bậc Giác ngộ tự tu, tự chứng tới đỉnh Thiên Nhân sư là những biểu
tượng đường tu tự độ như thế.
Tính phương tiện
trong đạo Phật quả nhiên là một vũ trụ diệu kỳ nên những người học Phật, theo
Phật và hành đạo Phật trong 26 thế kỷ qua không ai giống ai trên hành tinh này
nhưng điểm đích sau cùng không sai khác: Đấy là con đường tìm cầu an lạc và
giác ngộ, là Nẻo Đạo của riêng mình. TsMT có phương tiện thiện xảo riêng trên
con đường đã chọn. Trong những nghìn năm qua, khắp cái thế giới Ta Bà hưng vong
chìm nổi nầy, đạo Phật đã trở thành một thực thể… trùng lai, bởi đạo Phật đến với
con người vừa là vấn nạn, vừa là đáp án. Vấn nạn của Khổ (Dukkha) và cứu khổ. Cứu
khổ thì có vô lượng pháp môn làm phương tiện. Vạn pháp bình đẳng. Mỗi sinh linh
đều tùy theo căn cơ và ngã tướng, ngã sở để tìm cầu con đường cứu khổ cho mình,
không có ai hay bất cứ một sinh thể nào có uy quyền hay năng lực nắm độc quyền
phương tiện. TsMT có phương tiện tu hành (mà mục đích cuối cùng cũng là tìm cầu
sự cứu khổ cho mình) và bậc thượng thủ, thượng tôn, thượng sư, thượng đức… nào,
nếu chưa chứng quả, giác ngộ thành Phật thì cũng là một Phật tử “tùy duyên”
đang lang thang “vĩnh vi lãng đãng phong trần khách” tìm đường cứu khổ giữa
dòng đời gió bụi nầy mà thôi.
Bởi vậy, đức Phật đã
để lại Tam Pháp Ấn. Đó là cái khuôn dấu Chánh Pháp bao gồm cả nhân sinh quan,
vũ trụ quan, bản thể luận của nhà Phật với 3 dấu ấn chân pháp: Khổ, Vô Thường,
Vô Ngã. Sống và ứng xử khế hợp với nguyên lý Tam Pháp Ấn thì cho dẫu bất cứ dưới
hình thức, danh nghĩa cá nhân hay bộ phái nào cũng đều là đệ tử, là người theo
Phật. Đức Phật dạy trong kinh Nikaya Trung Bộ rằng: Ai nguyện nương tựa Phật lý
và nương theo Phật pháp để tu hành tự độ cứu khổ, kẻ ấy là người theo Phật. Đấy
là một thái độ tự giác khi nhận ra chân lý và nương theo chân lý để cải thiện
cuộc sống của mình, hoàn toàn tự nguyện, tự giác, không cần phải thông qua một
hình thức lễ nghi nào.
Trường hợp cụ thể của
TsMT đã dụng công học hỏi, tìm hiểu về đạo Phật từ thuở thiếu thời và lớn lên tự
xuất gia hành trì theo con đường khổ hạnh của nhà Phật với cả thân và tâm qua hơn
6 năm không hề thối chuyển là một hình ảnh điển hình của khuynh hướng tự giác
và tự phát theo Phật.
Bởi vậy, trong bối cảnh
Phật giáo Việt Nam hiện nay, sự xuất hiện của một tu sĩ “ngoài luồng” như TsMT
đã gây nên những phản ứng trái chiều giữa đại chúng cũng như hàng tu sĩ “trong
luồng” mà TsMT đã nói về mình rằng: “Con không liên quan gì tới tu sĩ Cung
đình, Quý tộc…” Phản ứng quần chúng trong thời gian qua đã nóng lên một cách bất
ngờ! Kể cả tứ chúng Phật tử, đại chúng trí thức và bình dân, những nhà lãnh đạo
có thẩm quyền đương đại của Phật giáo trong nước và kể cả các linh mục đạo Công
Giáo quan tâm.
Đạo Phật là Trung Đạo,
hai bờ phải trái cực đoan: Một là ca tụng TsMT như một bậc chân tu sáng ngời
cao khiết đầy phạm hạnh — hay ngược lại 180 độ — thóa mạ TsMT là kẻ điên khùng,
bất trí, bất thường, thoái đạo… đều rơi vào hai vọng nghiệp thái quá hoặc bất cập,
ra ngoài nẻo đạo từ bi, trí tuệ Phật Đà.
Những điều trông thấy
Mười ngày sau Tết
Nguyên Đán Nhâm Thìn 2024, chúng tôi về thăm Việt Nam sau hơn 7 năm chưa về lại.
Với lớp tuổi ta, thiếu 1 tuổi đầy 80, tôi không còn ảo tưởng về lại quê hương,
làng cũ để làm một việc gì “nên nỗi” hay tìm một cái gì to tát về bất cứ phương
diện nào như những giấc mơ của thời trung niên đầy phong độ. Tuổi già như cỗ xe
tứ mã với ngựa già xe cũ: Trong chính trị thường bám chấp và níu kéo; trong văn
học nghệ thuật thường lẩn thẩn núp bóng ngày xưa; trong tôn giáo, tâm linh thường
bị quá đà thấy mình như đang trên đường… gặp đạo! Bởi tự biết rõ mình hơn, tôi
chỉ còn tự chọn cho mình một thái độ đối với các chùa viện, nhà thờ, am cốc và
những chốn tâm linh ở quê nhà là “hành hương cầu thị”; trải rộng lòng mình để
tìm về nguồn cội mà chiêm ngắm, tự trầm trồ khen thầm, tâm phục nhiều hơn là
phê phán.
Vốn tuổi già ít ngủ,
tôi thường thức dậy sớm khoảng 3, 4 giờ sáng. Nếu lục đục pha trà hay loay hoay
làm gì đó thì sợ phá giấc ngủ người khác nên tôi thường tìm đến những ngôi chùa
gần nhất. Tôi thật vui vì hầu hết chùa ở Việt Nam thức giấc mở cửa rất sớm và
có những thời công phu đều đặn hàng ngày lúc trời chưa sáng, nhất là ở miền Nam
và miền Trung. Thật không ngờ người đi chùa, nhất là thế hệ cao tuổi, lại đến
sinh hoạt với chùa đông đảo và thường xuyên như thế. So với thế hệ Chiến tranh
Việt Nam bảy, tám, chín chục chúng tôi thường đi chùa Rằm, mồng Một hay sinh hoạt
GĐPT và khuôn hội thì vào dịp cuối tuần; nhưng ở đây sinh hoạt hàng ngày với
tinh thần “ngoan đạo” cao độ.
Trong sáu tuần lễ ở
quê nhà đi từ Nam, lên Cao nguyên, ghé Trung và ra Bắc, tôi đã trực tiếp đến
các chùa lễ Phật và vấn an quý Thầy, Sư Ni quen và lạ. Thật sự tôi hơi “lóa mắt”
về hình ảnh các chùa viện đã biết và mới biết; đa đều được xây dựng, trùng tu
hay chỉnh trang nếu không ở mức độ nguy nga, tráng lệ thì cũng công phu và mỹ
thuật. Đời sống của chư Tăng Ni và nếp sinh hoạt của các chùa viện mà tôi được
đến viếng đã khác xa thời cây đa, cổ tự của những năm xưa. Từ thể thức trà nước
tiếp khách đến những bữa cơm chay tập thể hay đãi khách đều tươm tất và phong
phú hơn nhiều so với nếp tu hành kham nhẫn “tương chao, rau muối” một thời.
Tăng Ni chúng xuất gia, hầu hết bắt kịp đà tiến bộ của nhân loại chứ ít còn hiện
tượng “xa lánh hồng trần” như một thời quá khứ. Hình ảnh công khai mà tôi thấy
được là hầu hết tu sĩ các cấp đều có điện thoại cầm tay và phần đông có phương
tiện giao thông và giao lưu riêng. Các bậc phương trượng, trụ trì, quản lý, hộ
tự thì có mức sống cao hơn với phòng riêng có máy điều hòa không khí, điện thoại
và xe ô tô tự lái hay đưa đón.
Có duyên may được tiếp
xúc với quý Tăng – Ni, từ sa di… đuổi quạ đến trụ trì, phương trượng và hàng chức
sắc Giáo Hội đương thời, tôi có được niềm vui là tâm nguyện tu học vươn lên của
đa số chư vị. Nhờ mạng lưới truyền thông nhanh nhạy bao trùm khắp từ thành thị
đến nông thôn nên các nguồn thông tin rất cập nhật. Khách hành hương từ phương
xa trở về như tôi nếu không theo dõi tin tức thời sự, rất có thể trở thành lạc
hậu về những chuyện đang xảy ra nóng bỏng trong cũng như ngoài nước so với tứ
chúng ở chùa.
Càng được tiếp xúc
nhiều với chùa chiền và tăng ni, nỗi xao xuyến trong tâm tôi càng tăng bởi
khuynh hướng thực dụng trong các chùa viện ở quê nhà cũng không thua gì ở Âu Mỹ.
Những hình thức cúng dường, gây quỹ… đầy hình thái và màu sắc đời thường trở
thành khá phổ biến. Sự hiện diện và sức mạnh của vật chất, tiền bạc không còn
là “ngoại đạo” như đa số chư vị tu sĩ có thẩm quyền hộ pháp và hoằng pháp mà
tôi được gặp đều có kế hoạch xây dựng và phát triển tương lai chùa to tượng lớn
với nguồn tài chính tỷ nầy tỷ nọ… Tôi không có lý do mà cũng chẳng có nhu cầu đi
xa hơn trong vấn đề nầy. Tuy nhiên, qua thực tế trải nghiệm của mình trong 70
năm sinh hoạt với chùa ở Việt Nam cũng như ở Mỹ tôi không thể “hoan hỷ” giả vờ
như không thấy rằng:
Hệ lụy tất nhiên của
phương tiện vật chất và tiền bạc vào cửa thiền thường biến chốn thiền môn thanh
tịnh thành cửa chùa xung động. Hàng tu sĩ giáo phẩm tiếp cận và hành hoạt với
quyền lực thường bị “tục hóa” qua khuynh hướng đo lường tầm cao của công hạnh
tu trì với thành quả xây dựng được cơ sở hình tướng chùa to tượng lớn!
Trong lúc đó, giới tu
sĩ trẻ đương thời phần đông thông minh và nhạy bén trước mãnh lực cuốn hút của
các phương tiện truyền thông như điện thoại, xe máy và các trang mạng xã hội
thông dụng nhất ở Việt Nam là Facebook, TikTok, Zalo, Viber, Instagram, Quora…
nhưng đây cũng chính là thách thức thời đại quyết liệt và gay gắt nhất giữa sức
mạnh thực dụng thực tế và thế giới tâm linh giới hạnh tu hành.
Trong một thế giới cửa
thiền đang ngày càng bị khuấy động trước cám dỗ thực dụng, một thực tế khiến
tôi trăn trở là có khá đông chư Tăng Ni đạo cao, đức trọng, nghiêm trì giới luật,
công hạnh vuông tròn, có viễn kiến chấn hưng Phật giáo trước những thử thách
nghiêm trọng của thời đại đang dần rút vào im lặng. Số tứ chúng có bản tâm
thanh tịnh tu hành hầu hết bó tay trước những hiện tượng thoái trào đang tiếp
diễn bởi mức độ nhạy bén quá cao của bối cảnh tôn giáo, xã hội và quyền lực
chính trị…
Có thể nói Đạo Phật
Việt Nam (xin phân biệt với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam) trong cũng như ngoài
nước, vô hình chung, hiện nay có 3 phân phái (đúng hơn là 3 khuynh hướng):
1. Phái hàn lâm: Thiểu
số quần chúng Phật tử gồm những học giả, trí thức, luận giả… xuất gia cũng như
tại gia tương tác với nhau qua những lý thuyết và khái niệm cao siêu ở tầm
“tàng kinh các”. Họ chia sẻ, trao đổi, viết lách toàn những điều trừu tượng về
đạo Phật; đam mê sưu tầm, luận bàn, suy diễn, chẻ những cụm từ Hán Phạn làm tư ở
mức độ “vô thượng, thậm thâm” quá nhiêu khê, trừu tượng mà quần chúng Phật tử
trung bình và sơ cơ nếu được nghe và đọc thì như nghe và đọc tiếng nước ngoài.
2. Phái tứ chúng: Gồm
Tăng, Ni, Phật tử nam, Phật tử nữ chiếm đại đa số quần chúng Phật tử tại các
giáo hội, tự viện và tăng đoàn. Đây là khối nhân sự xương sống của mạng mạch Phật
giáo xưa nay.
3. Phái cầu vọng: Gồm
những Phật tử lâu năm hay mới theo có khuynh hướng hành hoạt với đạo Phật như một
tín lý dân gian qua những hình thức cúng bái, cầu xin. Khuynh hướng tâm linh có
khi đi xa hơn trong sinh hoạt lễ hội, trộn lẫn kinh kệ đạo Phật với nhạc lễ chầu
văn; kết hợp Tam Bảo đạo Phật với Thánh Thần đạo Mẫu, đạo Thiên tiên Thánh giáo
và đi xa hơn với những hình thức đốt vàng mã, bói toán, chiêu hồn…
Ba “phái” nầy không
nhất thiết phải có sự sinh hoạt độc lập theo dòng mà thường khi vẫn có sự tương
tác qua lại với nhau nhiều hay ít tùy trường hợp và mức độ.
Nôi dung bài viết này
không nhằm mục đích ca ngợi hay phê phán một đối tượng tôn giáo, xã hội, chính
trị nào cả mà chỉ mong được lý giải “hiện tượng Minh Tuệ” đang gây “bão mạng
online – internet” ở quê nhà.”
Qua chặng đường ba, bốn
chục năm trở lại, đạo Phật Việt Nam đã chuyển biến trước những thử thách của
hoàn cảnh và phương tiện. Một đạo Phật thanh tịnh mái chùa rêu phong nấp bóng
cây đa, thâm nghiêm giữ hồn dân tộc đã bị lay động bởi hình tướng phóng thể và
phương tiện đời thường. Khi tâm động thì cảnh động và tất nhiên cuốn theo pháp
chênh, người động. Các bậc xuất gia là linh hồn của đạo Phật. Linh hồn bị tục
hóa thì tâm cũng bị vẩn đục theo là hệ lụy vừa trực tiếp vừa gián tiếp khó lòng
tránh được. Nếu không có một sự chấn chỉnh đúng thời, đúng hạn thì tính thậm
thâm vi diệu của pháp Phật sẽ từ tĩnh sang động, từ đạo vị sang trần thế, từ
thánh sang phàm, từ siêu thoát sang nhuốm mùi tục lụy vì danh, vì lợi, vì ngã mạn,
ngã sở… bụi trần!
Trường hợp Tu sĩ Minh
Tuệ là một giọt nước tràn ly. Đại chúng không cần biết TsMT là ai, tu theo hạnh
nguyện nào, nghiêm cẩn với giới luật và hành đạo có tương hợp với nguyên lý và
đạo lý Phật môn truyền thống hay không. Quần chúng không suy diễn, phân tích,
lý luận quanh co mà rất đơn giản, cụ thể và đi thẳng vào vấn đề, rằng: Các bậc
xuất gia hành đạo Tăng Ni là hình ảnh tiêu biểu trong ba ngôi Tam Bảo – Phật-Pháp-Tăng
– tuân theo giới luật nhà Phật mà cơ bản nhất là nếp đời phạm hạnh, từ phàm tới
thánh thì hà cớ gì lại phải mộng tưởng điên đảo với hình tướng giả ảo như dòng
chảy tâm linh ngày càng thiếu nước, ngược dòng đến thế?!
Sự tương phản quá rõ
nét giữa các tu sĩ Phật giáo có chùa to tượng lớn, đi đâu cũng có tiền hô hậu ủng,
xe pháo sang trọng, ăn uống tinh tươm đầy bổ dưỡng, tiền bạc rủng rỉnh, cà sa gấm
đoạn, thị giả và đệ tử đầy đàn, du lịch thường xuyên khắp thế giới. Trong lúc
đó hạnh tu trong sáng của nhân vật TsMT thì hoàn toàn ngược lại.
Cho dẫu đây chỉ là hiện
tượng cá biệt xuất hiện đột ngột và nhất thời nhưng do bởi động cơ nào mà quần
chúng khắp nước đủ mọi thành phần xã hội lại dậy lên luồng phản ứng mạnh mẽ (kể
cả hai chiều thuận và nghịch) lên tới một mức độ sâu rộng khắp cả trong và
ngoài nước như đang tiếp diễn.
Trường hợp tu sĩ Minh
Tuệ cũng được xem là một hiện tượng. Hiện tượng thường xuất hiện ở các dạng
chính là vật lý, tâm lý, đạo lý, tín lý và… kể cả vô lý! Hiện tượng Minh Tuệ có
thể nằm ở dạng tâm lý và tín lý. hiện tượng con người cũng như hiện tượng thiên
nhiên sấm sét. Trong một tia chớp khoảnh khắc nào đó gây sự náo loạn long trời
lở đất, nhưng nhưng tác dụng còn lưu lại nhanh hay chậm, tức thời hay lâu dài
còn tùy thuộc vào sức mạnh của tia chớp và đối tượng bị đánh trúng. Tia chớp
Minh Tuệ đã đánh động tâm lý quần chúng nhìn về đạo Phật và nhánh thứ ba trong
ba nhánh cơ bản nhất của tôn giáo này là Tăng Bảo. Quần chúng bắt gặp một hình ảnh
đẹp tiêu biểu trong pháp tu của Phật giáo: buông xả mọi tham ái và hoàn toàn phủi
sạch mọi bám chấp theo giới luật của Đầu Đà Thập tam Công hạnh.
Theo thông tin chính
thức của Giáo hội PGVN trong nước cho biết là cả nước có 18.491 tự viện (chùa,
tu viện, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường…), 54.773 Tăng Ni, Phật
tử chiếm 60% dân số; so với Hải ngoại có khoảng 300 ngôi chùa Phật giáo (kể cả
chùa tư nhân, chùa Hội, chùa Thầy) và 2.200 Tăng Ni Sư theo ước định 2021
(PGVNTN) thì tuy khác nhau về nhiều mặt tổ chức và sinh hoạt nhưng cùng có
chung những vấn đề trước mắt. Đó là nhu cầu thời đại cần có một sự chấn chỉnh
hay chấn hưng Phật giáo (như thời kỳ 1950) liên quan đến hàng giáo phẩm lãnh đạo,
giới luật và phương tiện cũng như pháp khí hoằng pháp, hộ pháp và chấp pháp.
Ngưỡng nguyện Hồng ân
Tam Bảo độ trì cho mạng mạch Đạo Phật Việt Nam vẫn luân lưu cùng Đạo pháp, Dân
tộc và Thế giới. Hiện tượng nhất thời Tu sĩ Minh Tuệ như giọt nước tràn ly, tiếng
khánh báo thức để hàng Phật Tử quan tâm rằng: Đạo Phật cần hiện đại hóa để bắt
kịp bước đi thời đại, tịnh hóa thiền môn.
Tạm kết
Có một trang Facebook
đăng hình “thân Phật chảy máu” với lưỡi dao sắc lẻm cắt ngang mình Phật máu chảy
đỏ lòm với lời bình luận đại ý nhấn mạnh rằng: rồi đây manh áo Cái Bang và nồi
cơm điện phế thải sẽ bị quăng đi và ném vào sọt rác. Tôi chưa rõ là thân Phật
chảy máu vì các trưởng tử Như Lai buông lơi giới luật hay bởi kẻ tin Phật lạc
loài đang bị thóa mạ hoặc đang bị đàn áp bởi dư luận và quyền lực? Thế nhưng,
tôi rất tâm đắc với lời comment đầy tâm đạo và trách nhiệm bên dưới rằng: “Thân
Phật chảy máu theo dòng tưởng tượng lãng mạn của người con Phật hay hình tướng
của Tu sĩ Minh Tuệ bị ném vào giỏ rác… điều đó chẳng hề gì. Điều quan trọng nhất
là những vết son hay vết chàm đó là GIỌT NƯỚC TRÀN LY để đạo Phật Việt Nam có động
cơ CHẤN CHỈNH hay CHẤN HƯNG kịp thời trước khi quá muộn.”
California, Mùa An Cư
2568 – 2024)
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn Ph.D; MSW
https://tienglongta.com/2024/06/07/tu-si-minh-tue-giot-nuoc-tran-ly/
Nguyên Thọ Trần
Kiêm Đoàn Ph.D; MSW
NGUỒN: https://trankiemdoan.net/tu-si-minh-tue-giot-nuoc-tran-ly/