KẺ CẮP GẶP BÀ GIÀ
Trần Trung Chính
Ngày 27 tháng 11 năm 2023, Henry
Kissinger vừa qua đời tại nhà riêng ở tiểu bang Connecticut, hưởng đại thọ 100
tuổi. Khắp nơi trên toàn thế giới đã bày tỏ ý kiến về “thành tích ngoại giao” của
ông Henry Kissinger trong thời gian ông làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt
từ thời 1968 cho đến khi ông giã từ cuộc đời. Nhất là đối với người Việt Nam thời
gian từ 1968 đến 1975, Henry Kissinger bị chê trách nhiều hơn là khen ngợi.
Theo ý kiến riêng của người viết những
lời phẩm bình của người Việt mang quá nhiều cảm tính mà thiếu đi phần lý trí và
thiếu hoàn toàn tính “thực tiễn chính đáng của người Mỹ”.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam
cũng như nhiều nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam thường bỏ sót
giai đoạn tại sao HK vào Việt Nam và can thiệp vào lúc nào : ngay cả Tổng Thống
Richard Nixon khi vận động tranh cử vào năm 1967 cũng chỉ nói : “ mọi công dân
Hoa Kỳ đừng đặt nặng vấn đề tại sao HK can thiệp vào VN và can thiệp vào lúc
nào mà trọng tâm hiện nay là chúng ta phải làm thế nào để rút ra khỏi vũng lầy
VN ”. Quả thực là để giải thích và trình bày vấn đề VN đòi hỏi mất nhiều thời
giờ và trình bày rất nhiêu khê mà thời gian vận động tranh cử không cho phép
(sau này vào năm 1984, ông Richard Nixon
đã soạn quyển sách NO MORE VIETNAM để trình bày vấn đề chiến tranh Việt Nam một
cách tỷ mỷ.
Sau khi phe Trục (Germany, Italia và
Nhật Bản) bị đánh bại, bàn cờ chính trị tại Âu châu có nhiều thay đổi, Liên Sô
bành trướng thế lực chính trị của mình bằng cách chiếm giữ các quốc gia Đông Âu
và chuyển đổi thể chế chính trị của các quốc gia này sang thể chế độc tài Cộng
Sản kiểu Staline, đó là các quốc gia Bulgaria, Poland (Balan), Tiệp Khắc,
Hungaria, Đông Đức (riêng nước Áo dưới áp lực
của Tổng Thống Harry Truman được giữ trạng thái “trung lập” – coi như một
nước đệm giữa Tây Đức và Liên Sô). Liên Sô cũng lăm le chiếm Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp
nhưng nước Mỹ giúp đỡ chính quyền của 2 nước này đánh bại 2 đảng Cộng Sản địa
phương nên Liên Sô bị bao vây trong lục địa không thể đem hải quân ra Địa Trung Hải để dòm ngó Phi Châu được. (Vị
trí địa dư của Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng
vì hải quân Liên Sô từ Hắc Hải muốn đi ra Địa Trung Hải phải đi qua eo biển
Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Hải quân của Liên Sô cũng không thể sử dụng eo biển
Dardanelle của Hy Lạp để vượt biển Egée vào Địa Trung Hải được). Đó là chủ
trương “be bờ và ngăn chặn” của Tổng Thống Truman từ 1945 đến 1947 tại Âu Châu
và Địa Trung Hải. Hoa Kỳ cũng giúp đỡ các nước Bắc Âu như Denmark, Na Uy, Thụy
Điển, và Finland cũng được Hoa Kỳ giúp đỡ
về quốc phòng rất mạnh để ngăn chận Liên Sô tại vùng biển Baltic. Còn 3 nước
Latvia, Estonia và Lithuania tuy bị Hitler và Staline sát nhập từ hồi 1940,
nhưng dưới áp lực của Hoa Kỳ 3 quốc gia này vẫn có ghế đại biểu tại Liên Hiệp
Quốc từ 1948 với lý do họ là hội viên thường trực của Hội Quốc
Liên từ 1919 !!! Bởi vậy vào năm 1992, khi Liên Sô sụp đổ, họ đương nhiên trở thành hội viên của Liên Hiệp Quốc mà
không cần bàn thảo tại Đại Hội Đồng LHQ gì hết.
Tại Á châu, Liên Sô tuyên chiến với
Nhật 3 ngày trước khi Nhật ký văn kiện đầu hàng với Đại Tướng Mac Arthur trên
chiến hạm Missouri, nên hồng quân Liên Sô chỉ giải giới quân Nhật tại Mãn Châu
và ½ Triều Tiên về phía Bắc mà thôi. Staline đem toàn bộ chiến lợi phẩm giải giới
của 01 triệu quân Nhật đóng tại Mãn Châu giao cho Mao Trạch Đông nên quân của
Mao đang từ thế yếu trở thành thế mạnh, quân đội của Mao đã đánh tan 100 sư
đoàn của Tưởng Giới Thạch khiến Tưởng Giới Thạch phải bỏ đại lục chạy sang Đài
Loan. Tuy vậy khi thành lập Liên Hiệp Quốc và ký Hiến Chương Liên Hiệp Quốc vào
năm 1949 tại San Francisco, đại diện cho chiếc ghế của Trung Hoa (kể luôn 5 chiếc
ghế thường trực của Hội Đồng Bảo An với quyền tối thượng là quyền PHỦ QUYẾT) vẫn
là chữ ký của phái đoàn TRUNG HOA DÂN QUỐC.
Khi Mao chiếm được lục địa Trung Hoa, Kim Nhật Thành đang đóng tại Bắc Hàn được
Mao chuyển vũ khí đủ để trang bị cho 15-20 sư đoàn bộ binh, y ta xua quân Bắc Hàn tiến đánh Nam Hàn, chính phủ
Nam Hàn do Tổng Thống Lý Thừa Vãn lãnh đạo còn quá non yếu, nên phải bỏ chạy về
phía nam, chỉ cón 10 cây số nữa là ra biển để lên tàu vượt biển qua Nhật tỵ nạn.
Đại Tướng Mac Arthur đang trú đóng tại
Nhật Bản đã sử dụng hải quân đổ bộ tại thành phố Inchon (có trị trí địa dư
tương tự như thành phố Quy Nhơn của tình Bình Định của Việt Nam) đánh tan 130,000 quân Bắc Hàn và bắt sống hơn
70,000 quân Bắc Hàn tại đây. Có lẽ Kim Nhật Thành không biết rằng Đại Tướng Mac
Arthur là Toàn Quyền cai trị Nhật Bản và Nam Hàn (là cựu thuộc địa của Nhật Bản
trước tháng 8 năm 1945) nên ông sử dụng binh lực của Hoa Kỳ mà không cần xin
phép hay trình báo gì cả. Mặt khác quân đội của Bắc Hàn là một đám quân ô hợp
chưa bao giờ biết hợp đồng tác chiến giữa bộ binh và hải quân như quân đội Mỹ -
Nhật nên mau chóng tan rã tại Inchon. Số còn lại chạy ngược về ranh giới Trung
Hoa – Bắc Hàn (tức là sông Áp Lục) khiến Mao Trạch Đông phải cử Nguyên Soái
Bành Đức Hoài đem 01 triệu chí nguyện quân sang cứu viện. Chiến thuật “Biển người”
của chí nguyện quân Trung
Cộng khiến Tướng Mac Arthur phải lui quân
và đánh điện xin cầu viện từ Washington D.C.
Chính phủ Hoa Kỳ
yêu cầu triệu tập Hội Đồng Bảo An và đề xướng các quốc gia hội viên gửi quân đội
đến Triều Tiên để duy trì tình trạng an ninh tại nước này (giống như tình trạng
hồi 1945 sau khi quân đội Nhật bị giải giới) . Hoa Kỳ góp 250,000 quân, các nước
hội viên khác (khoảng 28 quốc gia) góp 30,000 quân. Thí dụ như Thổ Nhĩ Kỳ góp
01 tiểu đoàn bộ binh, nước Pháp góp 2 tiểu đoàn Lê Dương, liên quân New Zealand
– Australia góp 2 trung đoàn bộ binh bao gồm cả pháo binh cơ hữu của họ (khoảng
5,000 binh sĩ)...Cuộc biểu quyết được thông qua dễ dàng vì đại biểu của Liên Sô
vắng mặt : ngoại trưởng của Liên Sô thời bấy giờ là Molotov chỉ thị cho đại diện
của Liên Sô tại Liên Hiệp Quốc phải vắng
mặt vì Liên Sô không thể bênh vực cho
Trung Cộng và Bắc Hàn là 2 quốc gia tự
xưng chưa được quốc gia nào công nhận và cũng chẳng phải là hội viên của Liên
Hiệp Quốc.
Khi liên quân Hoa Kỳ và LHQ lùi về tới vĩ tuyến
38, tân tư lệnh quân đội Hoa Kỳ là Đại Tướng Rigdway đã thiết lập một firewall
(hàng rào lửa) bằng trọng pháo của bộ binh và hải pháo của Hải Quân HK bắn từ 2
phía Đông và Tây của bán đảo Triều Tiên nên bộ binh của Trung Cộng và Bắc Hàn
không thể vượt qua. Trung Cộng và Bắc Hàn chịu ký thỏa ước ngưng chiến tại ngôi
làng Bàn Môn Điếm (sát cạnh ranh giới tại vỹ tuyến 38 vì chịu tổn thất nhân mạng
quá nặng nề : 01 triệu chí nguyện quân của Bành Đức Hoài hồi năm 1950, tới năm
1953 chỉ còn 600,000 quân.
Tổng Thống Harry
Truman khi cất chức Tư Lệnh của Tướng Mac Arthur hồi năm 1952 bị nhiều dư luận
dị nghị, nhưng ông đã quyết định đúng vì ông không muốn Hoa Kỳ sa lầy vào cuộc
chiến tại Triều Tiên để rồi Liên Sô chiếm trọn Âu Châu !
Trung Cộng mở 2
mặt trận Triều Tiên và Việt Nam chủ yếu là để bành trướng diện địa và muốn trực
tiếp đàm phán với Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ đang ở thế mạnh nên thỏa ước Bàn Môn Điếm
chỉ được ký ở một nơi hẻo lánh chứ không được ký ở Paris hay London hoặc Genève
như Trung Cộng mong mỏi. Khi vừa chiếm xong lục địa, Mao Trạch Đông chỉ thị cho
các tướng lãnh Hồng Quân Trung Hoa giúp đỡ quân đội Việt Minh tấn công quân đội
Pháp trú đóng tại Đông Dương. Các chiến dịch
hành quân như chiến dịch Biên Giới vào năm 1950 đã khiến quân Pháp mất
các cứ điểm Cao Bằng , Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Đông Triều, Móng Cái...
Theo sự suy nghĩ
riêng của người viết, Mao Trạch Đông và Bộ Chính Trị Đảng Cộng
Sản Trung Hoa chủ quan nghĩ rằng quân đội Pháp sẽ thua trận vì nước Pháp sau
1945 rất suy yếu không có khả năng chi trả và yểm trợ cho quân đội Pháp tại Đông Dương. Nhưng Mao không hề
biết là Hoa Kỳ đã cử một đặc sứ sang Pháp để thuyết phục nước Pháp đừng “bỏ chạy”
khỏi Đông Dương. Chính phủ Pháp chấp nhận lời đề nghị này cho nên cuối năm
1951, chính phủ Pháp bổ nhiệm Thống Tướng De Lattre de Tasssigni làm Cao Ủy
Đông Dương kiêm nhiệm chức vụ Tư Lệnh quân đội Viễn Chinh Pháp tại Đông Dương.
Năm 1951, quân đội Pháp đã có sẵn 40,000 quân đóng tại Đông Dương, Thống Tướng
De Lattre de Tassigni phải đem thêm 180,000 quân từ Âu Châu sang Đông Dương.
Quân Đội Pháp không thể có số quân nhân tại ngũ lớn lao như vậy nên Thống Tướng
De Lattre phải lấy thêm quân của các xứ thuộc địa của Pháp như Maroc, Algeria,
Tunisia, Cộng Hòa Trung Phi...và tuyển thêm các tội phạm chiến tranh của chế độ
Đức Quốc Xã vào các đơn vị Lê Dương của Pháp.
Sang tới Đông
Dương, Tướng De Lattre giải vây cho secteur Vĩnh Yên và đẩy lui quân Việt Minh
của Võ Nguyên Giáp sang bên kia biên giới Việt Hoa rồi dần dần chiếm lại các vị
trí quan trọng dọc theo biên giới Hoa Việt. Sang năm 1952, sau khi liên danh
Eisenhower – Richard Nixon nhậm chức, Thống Tướng De Lattre đi Hoa Kỳ hội đàm với
các giới chức cao cấp về chính trị và quân sự đồng thời ký kết những văn kiện mà ông chỉ được
hứa miệng trước khi đem đại quân sang Đông Dương hồi 1951. Chính phủ Hoa Kỳ nói
rõ cho Thống Tướng De Lattre biết là chính phủ Hoa Kỳ viện trợ mọi mặt cho quân
đội Pháp chiến đấu tại chiến trường Đông Dương với nhiệm vụ chính là mượn tay của
quân đội Pháp đánh cho quân đội Việt Minh tan tác để khi chia đôi Việt Nam
(theo thỏa thuận của hội nghị Postdam ký hồi tháng 5/1945), chính quyền miền
Nam không Cộng Sản mới không bị quân Việt Minh nuốt chửng. Chính phủ Hoa Kỳ
giúp đỡ quân đội Pháp tại Đông Dương không phải để nước Pháp tái chiếm Đông
Dương tái lập lại thuộc địa Indochinois như bọn Việt Cộng tuyên truyền. Theo
như hồi ký của Đại Tướng Henri Navarre – vị Tư Lệnh cuối cùng của quân đội Pháp
tại Đông Dương, số tiền viện trợ lên tới 8
tỷ dollars chiếm 79% chi phí quốc phòng của nước Pháp trong chiến tranh
Đông Dương 1950 -1954 (trích hồi ký của Đại Tướng Henri Navarre viết tai Paris
vào năm 1956)
Các tướng lãnh của
quân đội Pháp không ngu như sự tuyên truyền khoác lác của Việt Cộng khi phẩm
bình về sự thành lập của căn cứ Điện Biên Phủ, vì mục đích căn cứ này là “cục
đường” nhằm thu hút quân đội VM cố gắng hạ thủ căn cứ này để gây tiếng vang về
chính trị cho nên tổn thất về nhân sự của quân đội Việt Minh mới đáng để HK chú
ý :
** Lưu ý thứ nhất
: Đại Tướng Henri Navarre cũng như nhiều tướng lãnh khác của Pháp phiền trách
là HK không sử dụng oanh tạc cơ B-29 để cứu vãn căn cứ Diện Biên Phủ. Phía HK
không có ai trả lời hay biện bạch gì về chuyện này, nhưng theo ý kiến của Trung
Tá Hồ Văn Thống (khóa 10 Võ Bị Dalat – nguyên chủ sự phòng An Ninh Quân Đội của
Quân Khu 1), sau khi căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ, quân đội Việt Minh đã bị
“chấn thương nặng” phải chờ 10 năm sau tĩnh dưỡng mới có thể tái chiến được. Do
đó quân đội Pháp đã hoàn thành được nhiệm vụ được giao nên HK không cần phải bỏ
thêm bom đạn vô ích.
Ghi chú : Trung Tá Hồ Văn Thống cho biết đây là ý kiến của
một giáo sư thỉnh giảng của Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp khi các học viên mổ
xẻ về case study Điện Biên Phủ 1954 . Trung Tá Hồ Văn Thống cũng cho biết là 2
căn cứ phụ của Điện Biên Phủ là căn cứ Isabelle và Béatrice, một trong 2 căn cứ
phụ này bị tràn ngập, nhưng Bộ Tư Lệnh Quân Đội Pháp ở Hà Nội ném Tiểu Đoàn 5
Nhảy Dù xuống giải vây tái chiếm lại được
vì Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù sử dụng tiểu liên MT 3 và tiểu liên Thompson mà quân Việt
Minh không có tiểu liên đánh cận chiến nên phải bỏ chạy. Thiếu Tá Bigard là Tiểu
Đoàn Trưởng và Trung Úy Phạm Văn Phú là Đại Đội Trưởng, năm 1975 ông Bigard lên
Tướng và có chân trong phái bộ quân sự của Pháp vào giờ phút hấp hối của VNCH.
** Lưu ý thứ hai
: Đại Tá Lansdale (giám đốc cơ quan CIA sau này) đã tới VN sau khi Thống Tướng
De Lattre de Tassigni từ Hoa Kỳ trở lại Đông Dương. Công việc của Đại Tá
Landsdale là tiếp xúc, gầy dựng cơ sở cho miền Nam VN như ông tiếp xúc với các
giáo phái cõ võ trang như Cao Đài, như Hòa Hảo...chứ ông không hề tiếp xúc và hỗ
trợ các đảng phái chính trị có địa bàn hoạt động mạnh tại miền Bắc như Việt Nam
Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Duy Dân Quốc Dân Đảng...
** Lưu ý thứ ba:
Tướng De Castries đánh điện gửi tất cả các đơn vị đồn trú trong căn cứ Điện
Biên Phủ, ông ra lệnh “ngưng chiến đấu” chớ không có đánh điện “xin đầu hàng”
như bọn Việt Cộng thường hay khoác lác. Nếu VC hay những kẻ “thiên Cộng” cho rằng
tôi là “tay sai của đế quốc” thì hãy trưng dẫn bức diện “xin đầu hàng” của Tướng
De Castries !!!
Từ trong hầm chỉ
huy bước ra ngoài,
Tướng De Castries đi đứng bình thường không hề dơ 2 tay lên đầu như những người
đầu hàng thật sự (bức hình này vẫn còn lưu trữ trong tài liệu quân sử, nhưng
các sử gia của VC không bao giờ trưng ra).
** Lưu ý thứ tư
: 2 bộ đội của VC cắm cờ trắng lên nóc hầm chỉ huy của Tướng De Castries chứ
không có quân nhân Pháp nào cắm cờ trắng hết cả (tấm hình lưu trữ vẫn còn nằm
trong tài liệu quân sử của VM, nhưng hiếm khi được trưng ra)
** Lưu ý thứ năm
: căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ, nhưng quân đội Pháp không tháo chạy tại các tỉnh
thành và các căn cứ khác, và giữ vững toàn trận địa. Điều đó chứng tỏ quân Việt
Minh của Võ Nguyên Giáp không còn sức lực để đánh đuổi quân Pháp như vua Quang
Trung quét sạch quân nhà Thanh hồi cuối thế kỷ 18 hay oai hùng như Hưng Đạo
Vương Trần Quốc Tuấn tiêu diệt toàn bộ quân lực Mông Cổ trong trận Bạch Đằng Giang hồi cuối
thế kỷ 13 !!
** Lưu ý thứ sáu
: Chu Ân Lai bắt buộc Hồ chí Minh và Phạm Văn Đồng phải ký Hiệp Định Genève
1954 vì sau trận chiến Đông Dương, Hoa Kỳ không hề hấn gì, nhưng Hoa Lục thì
không đủ tiềm lực kinh tế để “theo đuổi chiến tranh”. Đối với Trung Cộng, phái
đoàn ngoại giao của Trung Cộng được 2 cường quốc Anh và Nga mời đến Genève tham
dự “hội nghị quốc tế” đã là tiến bộ lớn rồi (Genève quan trọng và uy thế hơn
Bàn Môn Điếm gấp trăm lần).
** Lưu ý thứ bảy
: trình độ học vấn của Hồ chí Minh và Phạm Văn Đồng quá thấp kém nên nhận thức
sai về bối cảnh thế giới và vai trò nhược tiểu của Bắc Việt, tôi căn cứ trên luận
điệu tuyên truyền của CSBV từ 1945 đến nay 2024 thì thấy bọn CS tự huyễn hoặc
và phóng đại quá trớn thành tích của VC khiến đất nước VN trong 70 năm nay cứ đứng
hàng áp chót trong bảng xếp hạng của khoảng 180 nước hội viên của LHQ !!!
Sau 1954, chính
quyền VNCH lo xây dựng hạ tầng cơ sở như đào tạo giáo dục, phát triển kinh tế,
bảo đảm y tế cho toàn dân...thì chính quyền CSBV lại chuẩn bị chiến tranh xâm
lược miền Nam qua chiêu bài “Giải Phóng Miền Nam”. Điểm thiếu sót lớn của các
lãnh tụ chính trị của miền Nam là không nhìn thấy cái gọi là “địa lý chính trị”
và vai trò “điều khiển cuộc cờ tòan cầu của Hoa Kỳ” nên khi nắm được chính quyền
thường hay bị lật đổ chứ ít khi được đứng trong vị thế “cộng tác viên lưỡng lợi
đồng chia” với (chính quyền ) Hoa Kỳ.
Trong 5 năm đầu
1955 – 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm được Hoa kỳ giúp đỡ tối đa và cũng đạt
được nhiều thành quả thuận lợi, nhưng từ năm 1960 trở đi, chính phủ Hoa Kỳ
không còn có mối giao hảo tốt đẹp với chính phủ Ngô Đình Diệm. 50-60 năm sau, tổng
kết những phàn nàn trách cứ của cả 2 phía, người ta vẫn không hiểu tại sao Hoa
Kỳ gây rối tại chính trường miền Nam VN như vậy, để rồi nhiều quân cán chính VNCH
trách cứ là chính HK đã giúp Việt Cộng tiến chiếm VNCH hoặc than vãn là HK không tận tình giúp VNCH như
Liên Sô và Trung Cộng đã từng giúp Việt Cộng. Cá nhân người viết thông cảm với
những lời trách cứ và than vãn đó nhưng không đồng ý.
DIỄN GIẢI THỨ NHẤT : Hoa Kỳ là quốc gia giàu có nhất (hiển nhiên
quá không ai tranh cãi) và cũng là quốc gia tốn nhiều tiền nhất để BẢO VỆ các
quốc gia khác. Hoa Kỳ giúp VNCH chống lại CSBV đồng thời cũng ngăn chận Trung Cộng
xâm chiếm toàn vùng Đông Nam Á. Anh em Tổng Thống Diệm cũng biết CSBV nhận viện
trợ của Trung Cộng để thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nhưng cả 2 ông
không đánh giá mức độ nguy hiểm và mức độ quan trọng như các think-tanks của
Hoa Kỳ. 2 anh em Tổng Thống Diệm tin rằng “Ấp chiến lược” sẽ loại bỏ du kích địa
phương, nhưng các chiến lược gia của HK biết rằng nhờ dãy Trường Sơn , CSBV sẽ
đem cả triệu quân vào Nam mà các “Ấp Chiến Lược” không thể chống đỡ.
Cả Hồ chí Minh,
Võ Nguyên Giáp và toàn thể Bộ Chính Trị VC không biết Hoa Kỳ có vũ khí mới để
khắc chế chiến thuật “Biển Người” của quân Trung
Cộng, đó là “hàng rào điện tử Mac Namara” và “pháo đài bay B-52”.
DIỄN GIẢI THỨ
HAI : để có địa bàn cho 2 loại vũ khí giết người hàng loạt vừa nêu trên hoạt động hữu hiệu, Hoa Kỳ
đã ký Hiệp Định Genève 1962 để thành lập “ Chính Phủ Liên Hiệp 3 thành phần ở
Lào”, cũng có nghĩa là mở cửa biên giới Việt Miên Lào cho phép hàng triệu quân
Bắc Việt xâm nhập miền Nam. Chính phủ HK không thể đem quân ra Bắc tiêu diệt
quân CSBV được, nhưng diệt quân CSBV trên biên giới 3 nước (Việt – Miên – Lào ) thì rõ ràng Hoa Kỳ không tấn công vào lãnh thổ của một quốc
gia có chủ quyền như BV nên về mặt ngoại giao chính thống , chính phủ HK không
thể bị kiện cáo. Đó là lý do CSBV dấu nhẹm tất cả những tổn thất nhân mạng cũng như tổn thất về quân trang quân
dụng trong suốt thời gian chiến tranh
(cho đến bây giờ 2024, CSBV cũng vẫn còn dấu kín các tổn thất)
DIỄN GIẢI THỨ BA
: Hoa Kỳ đem 550,000 quân vào Việt Nam vào tháng 3 /1965 là để phòng hờ cuộc đảo
chính của Đảng Cộng
Sản Indonesia, nhưng Tướng Suharto đảo ngược tình hình và chỉ trong 01 tuần có
tới hơn nửa triệu đảng viên Đảng Cộng Sản Indonesia bị giết và Trung Cộng bị hoàn toàn đẩy
ra khỏi địa bàn Indonesia và Malaysia.
DIỄN GIẢI THỨ TƯ : Mối nguy ở
Indonesia đã được giải quyết xong nhưng quân đội Hoa Kỳ vẫn còn hơn nửa triệu
quân trú đóng tại Nam Việt Nam. Theo như các bình luận gia chính trị thời đó
(1965) nghĩ rằng CSBV vẫn còn có khả năng chiếm được miền Nam VN, nhưng theo quan điểm của cá nhân
người viết, Hoa Kỳ chưa rút quân ra khỏi vì HK chưa nói chuyện được với Trung Cộng
cũng như chưa có một cam kết hay thỏa ước. Tới năm 1966, biến cố Cách Mạng Văn
Hóa
làm xáo trộn toàn thể Trung Hoa và sau đó chính quyền Mao Trạch Đông mới
chính thức từ bỏ vai trò “xuất cảng chiến tranh giải phóng ra toàn thế giới” để
lui về quốc nội “chỉnh đốn hàng ngũ”. Rồi cuộc chạm trán giữa quân đội Liên Sô
và quân đội Trung Cộng ở biên giới Nga – Hoa vào năm 1969 khiến 2 bên phải dàn
quân phòng ngự (mỗi bên dàn trên 55 sư đoàn bộ binh). Lúc này chinh phủ của Tổng
Thống Nixon biết nhu cầu của Mao – Chu cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ nên ông ra lệnh
cho Henry Kissinger bí mật tiếp xúc. Cuộc tiếp xúc bí mật này đưa tới thành quả
vĩ đại là chuyến viếng thăm của Nixon sang Hoa Lục vào năm 1972 mà mọi người đều
biết cho nên người viết thấy không cần phải dài dòng lập lại trong bài viết
này.
Có chăng là phải viết những sự thật
mà phía quân dân cán chính VNCH luôn “tự trách mình” và phiền trách các vị lãnh
đạo của VNCH (từ Tổng Thống Diệm cho đến Tổng Thống Thiệu) đã thất bại trong việc
“bảo vệ” miền Nam VN . Người viết xin nêu một số sự thật như sau :
SỰ THẬT THỨ NHẤT : Hồ chí Minh và Đảng
CSVN không có thẩm quyền gì trong việc chia đôi đất nước vì 4 đại cường (Hoa Kỳ
- Anh – Liên Sô và Trung Hoa Quốc Gia)
SỰ THẬT THỨ HAI : Hồ chí Minh và Đảng
CSVN đánh giá quá cao thế lực của Trung Cộng trong khi bản thân Trung Cộng xin
được tiếp xúc với Hoa Kỳ và “phấn đấu” để được Hoa Kỳ thu nhận vào Liên Hiệp Quốc
mà không được. Trong khi lại đánh giá HK quá thấp mà không ngờ rằng HK là một
quốc gia SIÊU GIÀU, giàu đến nỗi khi lâm nạn không có quốc gia nào có khả năng
cứu trợ và HK lại là quốc gia đi trước nhất trong lãnh vực cứu trợ khi các quốc
gia khác lâm nạn.
SỰ THẬT THỨ BA : Hồ chí Minh và toàn
thể Ban Lãnh Đạo của Đảng CSVN trình độ
học thức quá thấp kém nên không hiểu biết một chút gì về chính trị thế giới, cho
nên đã đưa đất nước tới chỗ tồi tệ và dân chúng bị hy sinh “không cần thiết”. Vì
cả Hoa Kỳ và Trung Cộng đều chơi game
TAM QUỐC CHÍ TÂN THỜI nên khi 2 đại cường này “thỏa thuận” với nhau để đốn ngã
Liên Sô thì họ bỏ mặc VN tự giải quyết với nhau, nghĩa là 2 phe Nam – Bắc VN
khôn thì cả 2 miền đều có lợi, còn như “ngu dần” thì ráng mà ôm hận chứ HK và
Trung Cộng còn phải lo “đại sự” của họ quan trọng hơn nhiều. Hiện nay Nguyễn
Phú Trọng cũng như Phạm Minh Chính cũng không khá gì hơn vì vẫn không hiểu tại
sao nước CUBA tới giờ này vẫn bệ rạc mà vẫn tự hào ??
SỰ THẬT THỨ TƯ : toàn ban lãnh đạo của
Đảng CSVN toàn là một lũ ngu dốt láu cá vặt mà cứ vỗ ngực là “đỉnh cao trí tuệ”.
Thí dụ như khi nói về Hiệp Đinh PARIS 1973, luôn tự hào là Kissinger và Nixon
không thông minh bằng Lê Đức Thọ vì bị “buộc” phải để quân BV được ở lại miền
Nam VN trong khi quân ngoại nhập HK phải rút về nước (thực ra bộ binh HK đã về
nước từ cuối năm 1971). Thực tế, cả Nixon và Kissinger biết thừa là BV sẽ tiến
chiếm miền Nam, nhưng 2 con cáo già này không nói cho Lê Đức Thọ biết là BV chiếm
được miền Nam thì HK sẽ không viện trợ tái thiết 3 tỷ 250 triệu dollars theo
quy định của điều khoản 21B của Hiệp Định Paris 1973 (Gần 50 năm sau Đại Thắng
Mùa Xuân 1975, CSVN vẫn không dám đòi và HK cũng không chi ra một xu teng nào cả)
Khi Kissinger vừa qua đời, trên
internet có ai đó vẽ một bức hí họa với 2 khuôn mặt của Lê Đức Thọ tươi cười
đón chào Kissinger với lời chú thích từ Lê Đức Thọ như sau : “ Chào ông bạn,
lâu ngày chúng ta mới gặp lại, ông có mang gì tặng tôi không ?”. Kissinger đáp
trả : “ Sure, tôi có mang cho ông 3 tỷ 250 triệu dollars tiền hàng mã đây, các
ông tha hồ mà tiêu dùng đấy nhé”.
Câu chuyện vừa kể trên làm tôi nhớ lại
mấy câu thơ mà hồi đệ thất 1961, giáo sư Việt Văn Lư Hoàng Tuấn dạy như sau:
Bà già ra chợ cầu Bông,
Xin bói một quẻ lấy chồng lợi không ?
Thầy bói trả lời :
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn !
Để chấm dứt bài viết này.
San José ngày 04 tháng giêng năm 2024
Trần Trung Chính
***
Tịch Dương Hồng
Tác giả Đoàn
Dự
Hắn cũng thích hình ảnh ánh nắng chiều, nhạc sĩ Lê trọng
Nguyễn để đời ca khúc "nắng chiều", nó lôi cuốn khiến nhiều người mê
đắm.
Những ánh tà dương khiến
bao thi nhân sáng tạo, nếu gom chép lại chắc có đến hàng vạn dậm đường.Hắn lại
thích nhìn ánh nắng chiều rơi dần xuống biển, những lần đi ra biển thế nào cũng
phải ra ngắm ánh tà dương được biển ôm ấp từ từ.
Ngày bắt đầu học thể thơ Đường luật, hình như lớp đệ ngũ thì phải, bài thơ Đường đầu tiên hắn được học là bài "Qua đèo ngang" của Bà huyện thanh Quan, biết bao nhiêu luật lệ thơ Đường được thày giáo giảng nào là Niêm, luật, đối... nào là "nhất tam ngũ bất luật, nhị tứ lục phân minh" và một bài Đường thi khác ""Phong kiều dạ bạc",, thầy bắt nghiền ngẫm cho dù một học sinh 14,15 tuổi một chữ Hán bẻ làm tư cũng không biết, nhưng cứ đọc cứ thuộc rồi tự nó lộ diện cho hiểu.
Hắn chỉ thích đọc thơ Đường của cụ Tú Vị Xuyên hay của cô Hồ, tuy bỡn cợt
đến độ lộ liẽu nhưng không bao giờ trật niêm luật đối. Nghe cô làm bài thơ vần
"om"
Trời
đất sinh ra đá một chòm,
Nứt làm hai mảnh
hõm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mọc trơ
hoen hoẻn,
Luồng gió thông reo
vỗ phập phòm.
...
Cụ Tú Xương cũng
"siêu" không kém đàn chị
Một
trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng
nó quấy ta
Chừa được thứ nào
hay thứ ấy
Họa chăng chừa rượu
với chừa trà
Trong bài có một đoạn nói người Quảng Đông không gả con gái
cho người Việt, câu chuyện này có viết trong tác phẩm "Xô ngã bức tường
rêu" của Bình nguyên Lộc, quan niệm cổ xưa của họ không muốn dòng giống
Tàu bị mất, nhưng con trai lấy gái Việt lại được ủng hộ vì đem thêm người vào
gióng nòi Tàu; ích kỷ và kỳ thị ; điều đó họ cho là gia phong của người Quảng
đã nghìn năm qua, tuy là bức tường rêu nhưng phá vỡ nó không dễ.
Tác
giả Đoàn Dự viết bài này kiến thức uyên bác, rành rẽ Hán tự, mời các bác
nghiên cứu với nhà văn.
Hắn gởi tặng bác nào thích
Đường thi .
Tịch dương hồng là ánh hồng của mặt trời khi sắp lặn. Người Trung Quốc thời cổ cho là đẹp lắm. Vâng, tôi cũng thấy đẹp, và từ cảm hứng đó tôi dùng để đặt tên cho một nhân vật trong truyện: Tịch Dương Hồng.
Nắng
đã tàn rồi em biết không
Ta yêu mãi mãi tịch
dương hồng
ĐD
Những ngày dạy học ở tỉnh trước năm 75, Hoàng và vài người
bạn độc thân thuê chung một ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp. Mỗi người ở một căn
phòng phía đằng trước. Gia đình bác chủ gồm hai vợ chồng và một cô con gái còn
nhỏ khoảng chín mười tuổi ở phía đằng sau.
Đặc
biệt, từ chiếc cổng sắt có hai cây dừa đi vô, trên chiếc sân gạch đặt hòn giả
sơn và các chậu cây cảnh, nếu không bước lên các bậc thềm cao mà quẹo tay mặt,
đi về phía đầu nhà thì sẽ có một lối đi khá rộng, lót những hòn gạch Tàu hình
vuông – loại gạch hơi giống với gạch Bát Tràng ngoài Bắc nhưng mỏng hơn – lâu
quá nay đã long lay. Một dãy lu lớn đựng nước mưa quanh năm có nắp đậy kín,
chạy dọc thành một hàng dài sát với chân tường đầu nhà. Ở khoảng giữa hàng lu
đó là một chiếc giá bằng gỗ có gương soi, dùng làm chỗ đặt chậu rửa mặt, và bên
cạnh chiếc giá có cụm cây dạ lý hương khá cao, lúc nào cũng thấy trổ hoa, ban
đêm thì thơm, ban ngày không thơm, đầu các ngọn hoa hình ống màu đỏ sậm cụp
lại, trông giống như những chiếc vòi xấu xí. Cái này người ta gọi là dạ lý
hương thơm, hoa đỏ và lớn, rất thơm, khác với dạ lý hương đẹp, hoa màu trắng và
nhỏ, ít thơm. Rồi đến một căn “nhà kho” hơi hẹp, cũng lợp ngói và chạy dọc theo
bức tường ở phía bên kia, đối diện hàng lu. Cửa chính của cái “kho” mở ở đằng
đầu, tức phía những hòn gạch bát đi vào.
Dạ lý hương hoa đỏ và hoa trắng
Phòng Hoàng ở ngay phía trên chiếc giá, cửa sổ đóng lưới
muỗi sát với những ngọn cây dạ lý hương. Ban đêm, nhất là những đêm có ánh
trăng sáng, ngồi viết phía sau chiếc bàn kế cận cửa sổ, ngửi mùi hoa dạ lý
hương ngan ngát, Hoàng nghe đâu đây như có cả một quá khứ lẫn hồn Lý
Bạch hiện về:
Sàng
tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng
sương
Cử đầu vọng minh
nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Trước
giường chợt thấy ánh trăng
Giật mình bỗng tự
hỏi rằng sương rơi?
Ngửng đầu, trăng
sáng trên trời
Cúi đầu, chạnh
tưởng tới nơi quê nhà...
(Phạm Huy Kỳ dịch)
Hoàng là thầy giáo dạy học, nhưng không kiếm ăn thêm nhờ
các giờ trường tư như các bạn đồng nghiệp trong trường mà là nhờ việc viết tiểu
thuyết. Cứ hai hay ba tuần, viết được một xấp thật dầy khoảng vài chục trang
thì cho vào bao, dán kín lại, đề địa chỉ tòa báo bên ngoài rồi bốn giờ sáng đem
ra bến xe đò, nhờ chú lơ xe quen đem về Sài Gòn giùm. Tòa soạn sẽ trả tiền công
cho chú lơ khá hậu, chú rất thích. Hàng ngày ở tỉnh Hoàng mua báo, đăng xong,
cắt ra, sửa chữa, khi nào có dịp về Sài Gòn thì giao cả cuốn cho nhà xuất bản,
tự họ đem đi kiểm duyệt rồi trả nhuận bút cho Hoàng trước khi xuất bản thành
sách, số tiền cũng khá. Hàng tháng, tiền viết fơi-ơ-tông cho các tờ báo thường
lớn gấp đôi tiền lương dạy học.
Những lúc rảnh rang Hoàng thường giải trí bằng cách lang thang ra các
tiệm tạp hóa người Việt gốc Hoa, mua một vài món đồ lặt vặt, gặp các ông già
hoặc các cô gái vui vẻ, có học, chàng thường chuyện trò làm quen rồi viết những
câu thơ Đường ra giấy, nhờ họ đọc theo tiếng Quảng, anh phiên âm lại theo tiếng
Việt, đem về nhà đọc chơi cho vui. Hoàng dạy văn chương, thuộc nhiều thơ Đường
nên học như vậy rất dễ. Học chơi thôi, chẳng để làm gì cả. Thỉnh thoảng, ngâm
nga những câu tiếng Quảng anh thấy vui vui, thích thú:
Duỵt
loọc ú thì xướng mản thín
Coóng phống dùy phỏ
tùi sầu mìn
Cu Xu xình ngoài
Hàn Xán xừ
Dề pun chúng xéng
tui hạc xuỳn
Nguyệt
lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa
đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại
Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh
đáo khách thuyền
Ngày
trước ông Tản Đà dịch:
Trăng
tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến
còn vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến
Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng
chuông chùa Hàn Sơn
Một điều Hoàng hơi lấy làm lạ là căn nhà kho vẫn cứ bỏ
không, cửa đóng im ỉm, lâu lâu bác chủ mới mở ra quét dọn một lần cho đỡ ẩm
mốc. Ban đêm, nhiều khi Hoàng đã đi ngủ, từ trên mái ngói có tiếng cú rúc hay
tiếng dơi quạ lạt xạt ở mấy ngọn cau, hoặc tiếng mèo gào nghe cũng ơn ớn.
- Nghe nói căn nhà đó có ma
đấy mày ạ. Mày thức đêm viết lách đã thấy ma hiện ra lần nào chưa?
- Chưa. Ma gì, đàn ông hay
đàn bà?
- Đàn bà. Một cô gái áo
trắng, xõa tóc. Thân hình cổ trôi nổi, hai chơn bước hổng lên khỏi mặt đất, cứ
chập chờn đi đi lại lại từ căn nhà kho ra tới chỗ chiếc giá rửa mặt thì không
thấy nữa, có lẽ cổ biến vô đám dạ lý hương.
- Tiếc nhỉ, phiền là phòng
tao chỗ đó lại đóng lưới muỗi mới khổ, cổ khó chung vô được. Phải chi cổ chung
vô, tao sẽ tiếp đãi cổ như một bậc thượng khách y hệt các thư sinh ngày trước
tiếp đãi các cô gái hồ ly trong truyện Liêu trai.
- Mày ngu lắm, bộ tưởng
lưới muỗi mà cổ không chung vô được hay sao? Vô là cái chắc. Hồi tao mới xuống
bác chủ cũng cho ở đấy nhưng sau thấy ghê quá nên bèn dông luôn, kiếm chỗ ở
khác.
- Ghê thế nào?
- Có khi mấy đứa đang ngồi
chơi trong phòng, chẳng có ai bên ngoài cả mà quả nắm bỗng tự nhiên kêu cái
cạch rồi quay tròn trông ma quái không thể tưởng tượng được. Cũng có lần tụi
tao đang nằm chuyện trò, bỗng cuốn lịch treo trên tường cứ chao đi chao lại,
đứa nào cũng nổi da gà. Từ đấy tao sợ quá, dông luôn.
- Tụi bay không để ý, có
khi tại gió.
- Cửa sổ đóng lưới muỗi làm
gì có gió? Mà dù có gió cũng không quay được quả nắm sứ. Mày ở một mình đầu
đàng đó là mày ngu, lỡ cổ vô hun lên mặt mày.
- Thì tao sẽ hun lại, lên
môi lên miệng đàng hoàng chớ không phải lên mặt. Dại mà hun lên mặt? Tao không
sợ ma, nhất là ma một...người đẹp!
- Vậy thì mày cứ tiếp tục ở
đàng đó một mình đi thằng chó con. Cả tỉnh này đều biết căn nhà kho đó có ma,
chẳng ai thèm mướn đâu.
- Cũng hơi buồn đấy, tao
muốn có người mướn cho vui.
***
Thế rồi có hai cha con một ông cụ dọn đến. Ông cụ thân hình gầy guộc, mái
tóc đã bạc, mặc áo xá xẩu màu xám thụng tay, các khuy bằng vải cài tới cổ. Cô
con gái khoảng chừng mười sáu hay mười bảy tuổi, gương mặt rất đẹp, mặc chiếc
áo lụa màu hồng, có vẻ ít nói. Họ trao đổi với nhau bằng những câu tiếng Quảng
xí xố, Hoàng nghe hiểu đại khái cô gái gọi ông chu bằng “pá” (bố): “Pá pá, nỉ
hủ xánh fúa la, dzẩm dược chẩu ngổ cửi pón nỉ? “ (Bố, bố mệt lắm rồi đấy, có
muốn uống rượu thuốc con lấy cho bố uống?). - “Mụ. Mụ cánh dỉu. Nỉ ổn xấm.”.
(Không. Không sao đâu. Con cứ yên tâm). Và ông cụ gọi nàng là A Húng (cô Hồng):
“A Húng, nỉ co chúng hầy, kỉ tố tỉm?”. (Cô Hồng, con coi đồng hồ xem mấy giờ
rồi?”. - “Cá chành hầy, xám tỉm xây xập ửng fánh”. (Dạ, ba giờ bốn mươi lăm),
“Cá hạ ngổ huôi cái xị dách chành. Pá pá xánh fủ, dẩu xức huôi pá a !” (Bây giờ
con chạy ra chợ một lát. Bố mệt, đi nằm nghỉ đi bố à !”. “Hầy, tắc la, nỉ huôi
la” (Ừ được, con cứ đi đi).
Hoàng thấy thắc mắc. Cô gái cực kỳ xinh đẹp nhưng còn ít tuổi, ông cụ thì lại
có vẻ đau yếu, họ làm gì để sống trong căn nhà kho mà mọi người cho là có ma
đó?
Chàng và bác chủ đi vòng
lối ngang lên phía đằng trước. Bác ở trần, bận quần xà lỏn, tay xách xô nước.
Họ dừng lại trên bậc thềm:
- Ông cụ người Quảng phải
không bác? Cô Húng xinh quá. Tỉnh này đa số đều là người Việt gốc Hoa, cháu dạy
học trò nhiều, họ cũng đẹp mà chưa thấy ai đẹp như vậy.
- Cổ tên Húng tức tên Hồng,
người Tiều kêu “A Hính”.
- Họ nói tiếng Quảng chắc
bác hiểu?
- Không, cũng sơ sơ chút ít
như giáo sư vậy thôi. Tại ông già bà già bác ngày trước gốc Tiều (Triều Châu),
hổng phải gốc Quảng.
- Tội nghiệp, trông ông cụ
với cô Húng có vẻ hơi nghèo, cổ còn ít tuổi mà ông cụ trông dường như đau yếu,
không hiểu họ sống bằng gì?
Bác chủ cười:
- Giáo sư đừng lo, coi vậy
chớ họ hổng có nghèo đâu. Người ta nói ở đâu có lửa là có người Tàu. Mà hễ
người Tàu là họ sống được, hổng khó. Các bang Quảng Đông lớn lắm, giàu hơn các
bang Triều Châu. Người nào trong bang nghèo khó, chưa có công việc mần ăn buôn
bán, bang sẽ giúp đỡ. Ai muốn buôn bán thì ông bang giúp vốn cho buôn bán. Giúp
hoài, giúp hoài, thua thiệt kỳ nầy họ giúp kỳ khác, cho tới khi nào thành đạt
mới thôi. Bởi vậy người ta nói người hổng có bang hoặc bị bang đuổi mới sợ chớ
người có bang không sợ.
Bác kể cho Hoàng nghe tổ chức của các bang Quảng Đông rất chặt chẽ. Trên
hết có ông Bang lớn, dưới đó có ông Bang nhỏ rồi dần dần, mỗi tỉnh hoặc địa
phận lại có một ông Bang nhỏ hơn hoặc người đại diện.
- Thế ông Bang “lớn nhứt”
bây giờ ở đâu hả bác?
- Không thể biết được. Ngay
ông Bang nhỏ như ở tỉnh này cũng không ai biết. Dân chúng người
Quảng trong tỉnh muốn cần điều gì thì tới trình bày với
người đại diện, rồi người đại diện sẽ nói lợi với ổng hình như ở trên Chợ Lớn
chớ hổng ai biết ổng ở đâu.
- Rồi Bang lấy tiền đâu mà
giúp người nghèo?
- Họ hổng cần tiền. Ví dụ
ngày trước một gia đình nào đó đang nghèo, được ông Bang ra lịnh cho một người
khác giúp đỡ. Bây giờ gia đình đó đã giàu thì ông Bang lại ra lịnh cho người đó
giúp đỡ người khác dầu quen hay hổng quen. Họ cứ giúp mãi, giúp hoài giúp hủy
khi nào ông Bang biểu thôi mới thôi. Số tiền “trả nợ” nầy ông Bang xét theo
năng lực từng người chớ không phải theo số “vốn” ngày trước họ đã mượn. Nhiều
người đời trước đã trả, đời sau con cháu nếu giàu vẫn phải trả tiếp một khi ông
Bang ra lịnh mà không cần biết cha ông mình ngày trước đã “mượn” bao nhiêu.
- Nếu họ không nghe lời?
- Hổng ai dám trái lịnh.
Nói chung, ông Bang biểu gì thì mần nấy, nếu trái lịnh, bị đuổi khỏi bang thì
dù giàu cách mấy hổng ai giao dịch với nữa rồi cũng hóa nghèo.
Trước khi vô trong
cất xô, bác tiếp:
- Nói vậy chớ nghe đâu ổng
– ý bác muốn nói ông già – còn một người con trai kêu “Tài có” (anh Cả) ở trên
Chợ Lớn, giàu lắm. Cha con xích mích gì đó nên ổng giận, đem cô con út tránh đi
tỉnh khác ít lâu rồi từ trển xuống dưới nầy mướn nhà ở riêng, hổng cho ai biết.
- Dạ, gia đình lộn xộn hèn
chi cháu thấy nét mặt cổ trông hơi buồn buồn.
Bác vô. Còn lại một mình, Hoàng móc túi lấy gói Philip Morris rút một
điếu đặt lên môi, bật quẹt hút. Anh dụ dự, theo bác chủ đi vào thì cũng hỏng vì
sẽ không được trông thấy cô gái lần nữa – gương mặt thật đẹp, thân hình nhỏ
nhắn với chiếc áo hồng – mà ở cũng hỏng, sợ cô ta biết mình cố tình nấn ná, chờ
đợi để ngó mặt cô ta. Khổ quá, mà cũng chẳng biết có nói được tiếng Việt không
nữa đây hay chỉ xí xô tiếng Quảng thì hư hết. Hoàng không biết nói tiếng Quảng.
Anh thèm được nghe giọng nói líu lo trong như tiếng chim: “Cá hạ huôi cái xị
dách chành, pá pá xánh fủ dẩu xức huôi pá a!”. Ta cũng mệt muốn chết, chờ đợi
sốt cả ruột, bao giờ thì nị mới...huôi cái xị trở về cho ta được nhìn thấy mặt?
May sao bác chủ đem kéo ra cắt các lá cây vàng. Hoàng đi theo, đứng bên
cạnh chuyện trò cho có lý do chờ đợi. Mải nói chuyện rồi anh cũng quên, lúc
nghe tiếng động, quay lại thì cô gái cũng vừa đi tới. Thấy Hoàng nhìn mình, cô
lúng túng khẽ cúi đầu chào. Hoàng cũng lịch sự chào lại trong khi nàng lễ phép
đi vòng sang bên cạnh bước tránh rồi đi tiếp. Dáng nàng nhẹ nhàng, thanh thoát,
chỉ còn hai bím tóc ở phía sau lưng trên tà áo hồng.
- Cái nầy là cây nguyệt quế
đó giáo sư, bác trồng hơn ba chục năm nay rồi. Hoa nó thơm lắm, dễ thương hơn
hoa dạ lý hương.
Hoàng ngẩn ngơ không hiểu
bác chủ nói chuyện gì, chỉ nghe thấy hai tiếng “dễ thương”:
- Dạ, cháu cũng thấy cổ dễ
thương, vừa xinh lại vừa ngoan ngoãn.
Bác chủ chăm chú cắt xén:
- Ờ, hoa nguyệt quế thì nó
nho nhỏ, xinh xắn nên trông dễ thương.
- Cháu đoán cổ cỡ chừng
mười sáu hay mười bảy tuổi...
- Không, hơn ba chục năm
rồi đó. Bác trồng từ khi nó còn nhỏ xíu.
Những buổi trưa nắng, cái
nắng miền Tây oi ả khó chịu vì đất thấp, không khí tù hãm, nghẹt ngụa, không
thoáng như trên Sài Gòn.
Trưa nào Hoàng cũng thấy cô gái không ngủ, ngồi phía trước cửa chăm chỉ
thêu những bộ quần áo nho nhỏ rất xinh, đều tăm tắp, có lẽ nàng thêu để bán.
Dáng nàng âm thầm, lặng lẽ gần như chịu đựng.
Hoàng có cái tật hễ ngồi viết lách là hút thuốc lá liên tiếp. Thuốc lá
Philip Morris anh mua cả cây, mỗi cây 10 gói, có hút thì mới viết được. Nàng
thoáng ngửi thấy mùi thuốc thơm tan loãng trong không khí, ngửng lên, bắt chợt
ánh mắt của Hoàng phía sau chiếc lưới muỗi của khung cửa sổ, nàng hơi nhíu mày
suy nghĩ rồi lại cúi xuống tiếp tục làm việc. Buổi chiều, nàng vô lo nấu cơm,
rất nhanh, sau đó lại ra ngồi thêu tiếp cho tới sẩm tối. Nàng thường mặc áo
mỏng màu trắng hay màu hồng, thân hình thanh thoát, mái tóc dài óng chuốt kết
thành hai cái đuôi sam cột hai giải nơ đỏ thả xuống ngang lưng. Áo nàng may
kiểu cổ đứng, các nút cũng bọc bằng vải cùng màu với áo. Trông nàng đúng là một
cô gái Tàu nho nhỏ, cần cù, xinh xắn.
Khi ánh nắng chiều của miền tỉnh nhỏ đang hấp hối tắt dần trên các ngọn
cây, chỉ còn lại thứ ánh sáng màu hồng ửng lên như cố ngắc ngoái chiếu rạng, trong
sáng như ngọc lưu ly để rồi tắt lịm ở phía đằng tây, tự dưng Hoàng nhớ tới câu
văn bất hủ của Vương Bột đời Đường: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng
trường thiên nhất sắc”. – “Ráng chiều sa xuống, cùng với cánh cò đơn chiếc đều
bay; làn nước sông thu, hợp với bầu trời kéo dài một sắc”. (Trần Trọng San
dịch).
Cũng có khi Hoàng cao hứng,
tinh nghịch muốn đọc thử xem cô gái có biết tiếng Quan Thoại không – dù là
người Tàu nhưng phải có học mới biết tiếng Quan Thoại - chàng cất cao giọng bắt
chước theo kiểu “ngâm thơ”:
Tchí
niển chin rở xỉ mẩn chúng
Rản miển thảo hoa
trang dính hủng
Rản miển bu trư hờ
xuý tchí
Thảo hoa dzi chiêu
xẻo tung phơng
Cửa
này, năm ngoái, hôm nay
Người, hoa đối diện
má hây sắc đào
Bây giờ người ấy
nơi nao?
Hoa xưa còn đó vẫn
chào gió đông
(Thái Phương dịch)
Nàng có vẻ hiểu, đỏ mặt mỉm cười khe khẽ lắc đầu dường như
tội nghiệp cho cái tài “xổ tiếng Bắc Kinh” khủng khiếp của Hoàng.
Nhìn nét mặt tươi tắn với nụ cười hóm hỉnh “Nhân diện đào hoa tương ánh
hồng” của người con gái, Hoàng nghĩ thầm: “Trời đất ơi, sao mà em đẹp quá vậy.
Ta yêu em lắm. Ta say mê em. Hồn ta vất vưởng, cô đơn, quanh năm làm bạn với
con ma cô gái áo trắng tóc dài đi đi lại lại bên cạnh bụi hoa dạ lý hương. Ta
chỉ mơ ước được ngồi bên em, được quỳ xuống dưới chân em, áp mặt ta vào bàn
chân em và nói rằng ta yêu em, giống như anh chàng Du Thản Chi áp mặt vào chân
cô nàng A Tử nhỏ nhoi áo tím!”.
Tính Hoàng lãng mạn. Cái nghề viết lách lại càng lãng mạn. Anh mong muốn
cứ ngồi đây, được nhìn thấy nàng và nàng hiểu rằng anh thầm yêu nàng đến chết
đi được, chỉ có vậy thôi, không mong gì hơn.
- Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy, hoài
trăng rằm
- Thơ của ai vậy tụi bay?
- Vũ Hoàng Chương.
- Hì hì... vậy mà tao lại
tưởng của cái thằng đại đại thi sĩ lãng mạn này nó mần để tặng con bé đẹp “ngổ
tả nỉ xỉ”.
- Thơ tao đơn giản, không
trau chuốt như vậy.
- Ê tụi bay, cái thằng chó
chết này nó đặt tên con bé đẹp là Tịch Dương Hồng đấy tụi mày ạ.
Nguyễn Trần Gia cũng dạy
Việt văn, ngạc nhiên:
- Sao, đứa nào đặt tên con
bé “ngổ tả nỉ xỉ” là Tịch Dương Hồng?
- Bản chức!
- Vậy thì “bản chức” là một
thằng ngu!
- Tại sao ta ngu?
- Mày chẳng để ý gì cả.
“Tịch dương” là mặt trời lặn. “Tịch dương hồng” là ánh sáng của mặt trời sắp
lặn. Mặt trời đã lặn thì xui thấy mẹ chứ còn tương cháo thế quái nào được? Mày
nên chuẩn bị ra sông Cầu Quay đâm đầu xuống sông đi là vừa!
- Tại sao ta phải tự tử?
- Tại vì mày ngu chứ còn
sao nữa. Người Quảng Đông họ không gả con gái cho người Việt. Con trai họ lấy
con gái người Việt thì được, còn con gái của họ không được quyền lấy con trai
người Việt.
- Tại sao lại vô lý như
thế?
- Ông Sơn Nam ông ấy giải
thích là tại họ kỳ thị. Người Triều Châu thì không kỳ thị, con gái của họ muốn
lấy ai cũng được.
Nguyễn Trọng Vinh nheo mắt:
- Hơi đau đấy nhé, bao giờ
thằng Hoàng ra sông Cầu Quay cho tao theo với. Tao cũng thấy mê con bé “ngổ tả
nỉ xỉ” đó.
- Lại thêm một thằng ngu
nữa!
- Mày là bạn với hai thằng
ngu tụi tao vậy thì mày cũng là một thằng ngu luôn.
- Tất nhiên, có ngu thì mới
đi làm nghề dạy học chứ.
Cả bọn đi ăn cơm câu lạc bộ
Công chức về tới nhà. Đèn phòng khách đã bật, riêng căn nhà kho ở phía đằng sau
vẫn tối thui thui. Hoàng ra phía bên rửa tay rửa miệng.
Bác chủ mừng rỡ:
- Ủa, mấy ổng dìa rồi nè!
Nhờ mấy ổng sửa giùm!...
Đoạn, bác trao chiếc tuộc
nơ vít, cuộn băng keo và sợi dây chì cho Hoàng.
- Đèn nhà ông cụ bị hư. Nhờ
giáo sư...
- Vâng ạ.
Ông cụ cũng nói thêm vô,
giọng lơ lớ nhưng dùng tiếng Việt khá rõ:
- Hổng có liểng, nhờ thầy
giáo mần ơn giúp giùm.
- Dạ được, để cháu chạy lên
lấy cây bút thử điện.
Cô gái cũng đứng gần đấy,
hai tay bưng cây đèn lớn, giọng nói đúng giọng miền Nam:
- Dạ có, nhà có viết thử
điện, để em vô lấy.
- Vậy thì tốt.
Lát sau nàng đem ra, lễ
phép trao cho chàng rồi hai tay đỡ lấy cây đèn. Hoàng liếc nhìn nàng trước khi
leo lên ghế. Chao ôi, gương mặt nhìn gần sao mà đẹp thế, chỉ có ánh mắt sáng
long lanh.
Nàng một tay giữ ghế, một
tay giơ cao cây đèn cho Hoàng tìm chỗ sửa.
“Phải chi dây có chỗ hở,
điện giựt cái bốp, mình té lăn đùng xuống đất, chết ngắc. Cô ta đỡ lên, thưởng
cho mình một cái hun thì sướng quá, mình sống lại liền!...”
Bọn quỷ con cũng đã xuống.
Vinh đứng hai tay chống nạnh, ngửa mặt nhìn lên, mỉm cười hỏi đùa:
- Đứng gần thấy rõ, ngon
lành chưa thầy giáo?
- Tất nhiên là thấy rõ và
rất ngon lành. Người mi cao, nếu mi làm ơn leo lên vài bậc soi cho ta sửa thì
càng tốt hơn.
Tên bạn cười, đưa tay đỡ
cây đèn trên tay người con gái:
- Đâu, cú niềng đưa đây tôi
cầm giùm kẻo ổng sợ cô nương mệt!
Và hắn bám tay, bước lên
vài bậc, chiếu ánh sáng vào chỗ Hoàng đang cởi mối dây điện cũ, thân mật mắng
mỏ:
- Mẹ, cái thằng thầy giáo
này chiều cô quá! Vừa mới chút xíu đã lo người ta mệt!
Người con gái mắc cỡ đỏ
mặt, lúng túng định nói gì song lại thôi, bèn vào nhà trong thắp cây đèn khác.
- Có cần dao không?
- Cần, đưa lên đây cho ta
cắt nối. Ta thử rồi, thấy dây điện bị đứt ở chỗ này.
Vinh quay vào trong:
- Cô Hồng ơi, làm ơn kiếm
cho mượn con dao nho nhỏ.
Không có tiếng trả lời. Ông
cụ quay vô kêu “A Húng”, xí xố một tràng dài, lát sau Hồng đem dao ra. Vinh đưa
lên. Hoàng cắt nối, xem lại và dán băng keo.
- Rồi, xong. Ở dưới ấy bật
thử xem sao!
- Dạ, để em vô bật!
Tách, ngọn đèn nê ông có
điện, bật sáng.
- Chà, tốt quá!
- Mời các thầy giáo vô dùng
liếc chà!
- Dạ, thưa để cháu đi rửa
tay cái đã.
Hoàng tới chỗ chiếc giá,
múc nước vào chậu. Lúc chàng trở vô thì cô gái đã cất ghế và các đồ dùng.
Bạn bè ngồi với gia chủ trong bộ xa lông bằng gỗ. Nàng đứng phía sau lưng
cha, rót ấm nước sôi vào trong bình thủy để cha pha trà. Thân hình nàng nghiêng
nghiêng, tà áo lụa hồng và mái tóc gọn ghẽ kết hai đuôi sam, ở cuối đuôi tóc
cột hai sợi nơ đỏ. Gương mặt nàng sáng rỡ và đẹp như một bức tranh.
- Dạ thưa xin lỗi, hồi nãy
các thầy kêu lấy dao nhưng em nghe tên “Hồng” hổng quen, không biết các thầy
kêu ai nên không trả lời.
Vinh ngạc nhiên:
- Ủa, thế sao ông Hoàng này
ổng nói cô tên Hồng?
Cô gái mỉm cười e lệ, khe
khẽ gật đầu:
- Dạ, em tên Hồng thiệt
nhưng hồi trước đi học trên trường Tàu Chợ Lớn, mọi người đều kêu tên “Húng”.
Hồng là tiếng Việt, em nghe hổng quen.
Anh chàng ba trợn “tiết lộ
bí mật”
- Hì hì... ổng còn đặt cô
tên “Tịch Dương Hồng” nữa đấy. Ổng khen cô đẹp...
Hoàng sợ hắn “ruột ngựa”,
tuôn ra hết ráo nên khẽ giậm chân lên chân hắn. Hắn vẫn làm lơ, miệng bô bô:
- Lúc nào chỉ có hai người
với nhau cô phải mắng cho đương sự mấy mắng mới được. Đương sự...
- Dạ, em họ Trịnh, không
phải họ Tịch. Nếu kêu nguyên tên tiếng Việt là Trịnh Dương Hồng, hổng phải Tịch
Dương Hồng. Người Tàu họ Trịnh, ít khi họ Tịch.
Ông cụ nói thêm:
- Họ Trịnh tiếng Quảng là
Chèng, còn Tịch là Tchịch, đọc hơi khác nhau. Thầy giáo cũng biết tiếng Quảng?
- Dạ không, cháu biết sơ sơ
chút đỉnh nhờ thuộc mấy bài thơ Đường.
- Thầy thích thơ Đường?
- Dạ.
- Ây cha, ngổ với con gái
ngổ cũng thích thơ Đường. Vậy lúc nào rảnh thầy giáo xuống đây ngổ chỉ cách đọc
tiếng Quảng. Cả A Húng nữa, hồi trước đi học thuộc nhiều thơ Đường, nó sẽ chỉ
thêm cho thầy.
Thật đúng chó ngáp phải ruồi, đặt mò không ngờ tên người con gái lại là
“Trịnh” Dương Hồng. Hoàng mỉm cười nhìn lên đúng lúc thấy “Tịch” Dương Hồng
đang mỉm cười nhìn mình, gò má ửng hồng. Thấy chàng ngó, nàng e lệ cúi xuống,
đâu đây vẫn còn lẩn khuất nụ cười.
-
Fù thù mị chẩu dề coóng búi
Dục dzẩm xì pà mạ
xường sối
Chối ngạo xa xường
quấn mạt chíu
Cú lồi chứng chín
kỉ dàn ùi
Tiếng Việt đọc thế
nào?
- Bồ đào mỹ tửu dạ
quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã
thượng thôi
Túy ngọa sa trường
quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến
kỷ nhân hồi
- Hay
quá ta, nghe như tiếng chim hót
- Tôi thì lại thấy tiếng
Quảng líu lo, lạ lạ, vui vui, âm trầm bình thanh có khi đổi thành thượng bình
thanh khác hẳn tiếng Việt.
- Tại vì chữ Hán không có
dấu, rất khó phân biệt
Hoàng đưa mắt nhìn quanh,
biết “sư phụ” vừa đi khỏi, mới ra ngoài quán uống cà phê với bác chủ – nhà rất
vắng, bèn tủm tỉm cười:
- Thế tiếng Quảng: “Ngổ ái nỉ,
dục sổi nỉ, nỉ khược sì, ngổ tả nỉ xỉ, nỉ kêu ... ui da đau quá!” là gì?
- “Tôi yêu cô, muốn cưới
cô, cô từ chối, tôi đánh cô chết, cô kêu...”. Ủa, mà ui da đau quá đâu phải
tiếng Quảng? Tiếng Việt đấy chớ?
- Kệ, tiếng Quảng cũng
được, tiếng Việt cũng được, tôi không cần biết. Tôi chỉ biết có một điều...
- Điều gì?
- “Ngổ ái nỉ, nỉ khược sì,
ngổ tả nỉ xỉ”.
- Trời đất thiên địa ơi,
không được đâu!...
- Sao lại không được?
- Người Quảng không gả con
gái cho người Việt.
- Không gả tôi cũng cứ lấy,
chẳng ai ngăn cấm được tôi. Tôi cần một mình em thôi. Đã bao nhiêu lần tôi ngồi
viết lách, nhìn em ngồi thêu bên ngoài. Em có biết là tôi yêu em không?
- Biết.
- Rồi em có yêu anh không?
Nàng khẽ gật đầu:
- Có.
Chàng cầm hai bàn tay nhỏ
nhắn của nàng áp vào mặt mình:
- Khốn khổ, đã bao nhiêu
lần anh mơ ước được quỳ dưới chân em, được nói với em rằng anh yêu em...
- Em biết, ngay từ lần đầu
tiên thầy làm bộ coi bác Hai ngắt lá cây, chờ em đi ngang qua...
- Rồi sao em chỉ cúi đầu
chào, đi thẳng, không nói với anh một tiếng nào cả?
Nàng ứa nước mắt, giọng
rưng rưng như muốn khóc:
- Biết nói cái gì bây giờ?
Em chỉ muốn chết. Nếu không có pá chắc em đã treo cổ tự sát từ hai năm trước,
lúc em mới mười lăm tuổi. Em không sợ chết. Má má cũng treo cổ tự sát. Em căm
hờn, uất hận...
Hoàng giựt mình, hai tay
nắm chặt tay nàng:
- Cái gì kinh khủng vậy em?
Chuyện gì làm em đau đớn?
Nàng lắc đầu, khe khẽ thở
dài:
- Thầy không hiểu được đâu.
Không thể hiểu được. Khi nào sắp chết em sẽ nói cho thầy hiểu. Ui da, thầy nắm
tay em đau quá.
- Ấy chết, xin lỗi cô bé
của tôi! Xin lỗi cô bé của tôi!
Và chàng ôm thân hình bé
nhỏ với chiếc áo lụa mỏng màu hồng của nàng, kéo nàng vào sát ngực mình. Nàng
nhắm mắt nhưng nghiêng đầu tránh, hai cái đuôi sam cột nơ đỏ chạm nhẹ trên cánh
tay chàng.
- Nhà đi vắng hết, cho anh
hôn em một cái, đừng tiếc với anh làm gì.
- Em đâu có tiếc? Nhưng
đừng nói thương em, đừng nghĩ tới chuyện cưới em làm vợ. Em hổng có phước được
như thế đâu. Còn ngoài ra muốn làm gì thì làm, muốn hun bao nhiêu thì hun em
hổng có giữ.
- Tại sao kỳ vậy? Anh lớn
hơn bảy tám tuổi, yêu nhau cũng được, lấy nhau cũng được chứ đâu có sao? Con
trai lớn hơn con gái vài tuổi là một việc thường.
- Hổng phải chuyện đó. Em
đã nói em sẽ tự sát, chúng mình không thể lấy nhau.
- Thôi được, việc đó tính
sau. Bây giờ em quay lại đây.
Nàng quay lại. Nhắm mắt.
Môi nàng ngọt mềm và đẫm nước mắt.
- Ui da, hun gì mà tham lam
dữ vậy, làm em ngộp thở muốn chết!
- Được được, anh không tham
nữa...
- Thôi mà, cứ làm vậy hoài,
đứt áo em hết trơn bây giờ!
- Không có đứt đâu. Nếu đứt
anh may áo khác đền cho em mười chiếc!
- Đã biểu thôi mà, trời đất
ơi... ! Ủa, pá pá! Pá pá mới dìa hồi nào?
Hoàng hoảng hồn vội vàng
buông nàng ra và ngồi thẳng lại trên ghế xa lông. Không thấy ai hết. Chàng bật
cười:
- Nói xạo hoài!
Nàng phụng phịu:
- Hổng xạo vậy chớ để “Tài
cáo xứ” (Đại giáo sư) hun chết em sao?
Hoàng nhìn nàng, mỉm cười
khe khẽ lắc đầu:
- Dễ thương thế này mà bảo
không được quyền yêu thì chịu sao nổi?
Nàng nghiêng mặt, thì thầm:
- Ai kêu đặt em tên Tịch
Dương Hồng làm chi? “Tchịch Dường Húng” là ánh sáng mặt trời sắp lặn, em chết,
bỏ lại một mình thầy trên đời, nhớ em cho thầy chết luôn!
Hoàng rùng mình. Anh không
thể tưởng tượng được cảnh đó mà cũng không hiểu lý do tại sao Tịch Dương Hồng
nhỏ nhoi xinh đẹp của anh chỉ nghĩ tới chuyện chết chóc, tự sát. Cho dù người
Việt người Hoa, yêu nhau, lấy nhau, rồi anh vẫn tiếp tục làm nghề dạy học, viết
lách kiếm ăn một cách đơn giản, chung sống với nhau suốt đời chẳng tốt hơn sao?
***
Một hôm Hoàng bị đau, cảm
sốt, người gây gây lạnh, đi bác sĩ mãi không khỏi.
Buổi chiều, bé Bạch Vân
bưng cháo lên. Nó đứng ngoài cửa, để khay cháo trên bộ ván lớn phía ngoài,
khoanh tay cúi đầu:
- Thưa giáo sư, má nói giáo
sư bịnh, biểu em đem cháo lên giáo sư dùng.
Hoàng nhíu mày, suy nghĩ:
- Thôi được, Vân nói thầy
cám ơn má.
Một chiếc liễn Giang Tây
đậy nắp. Một chiếc muỗng sứ. Một đôi đũa ngà ở nửa thân đũa hình vuông có khắc
những hàng chữ Hán. Hai chiếc hột vịt muối để nguyên cả vỏ đã bổ đôi sẵn. Hoàng
bưng vô để lên trên bàn nhưng cô bé vẫn đứng ở cửa:
- Thưa giáo sư, chế Húng
nói xin phép lên thăm giáo sư.
Hoàng mừng rỡ mặc dầu đang bệnh. Tội nghiệp, em có biết kể từ bữa hôm ấy
lúc nào ta cũng nghĩ tới em? Ta yêu em cháy ruột cháy gan. Ban đêm nằm ngủ ta
cũng mơ thấy em. Trong giấc mơ, ta hôn em. Đôi môi mềm, nóng hổi, ướt át, dịu
ngọt. Ta say mê em và ta mê ánh mắt, giọng nói, tiếng cười cùng với bờ môi ngọt
ngào như có linh hồn. Đã bao lần ta đứng bên cửa sổ ngắm gương mặt nghiêng
nghiêng hiền dịu của em chăm chú ngồi thêu. Mái tóc kết đuôi sam cột giải nơ đỏ
lắt lẻo trên lưng. Em biết ta nhìn, ngửng lên tinh nghịch cầm chiếc áo con nít
lên che trên môi. Ta nuốt nước miếng đánh ực giống như con mèo muốn nuốt con
chuột mà không nuốt được. Ta thèm khát em cháy bỏng ruột gan. Ta muốn quỳ dưới
chân em, áp mặt ta vào bàn chân em.
- Thôi được, Vân nói thầy
mời chế lên.
- Dạ. Thưa giáo sư em xuống
dưới nhà.
- Ừ.
Lát sau có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Hồng đi với Bạch Vân nhưng cô bé vẫn kỵ
các phòng đằng trước có ma, chẳng bao giờ dám bước chân vào. Nó khoanh tay cúi
đầu chào, rút lui.
Hoàng lấy ghế mời nàng
ngồi:
- Em ngồi xuống đây.
Trong
phòng chỉ có một chiếc ghế. Nàng ngồi xuống. Hoàng ngồi trên nền gạch bông, hai
tay ôm đùi nàng, áp mặt vào khuôn ngực mặc áo lụa hồng có khuy bọc vải cài tới
cổ của nàng, hai cái đuôi sam lắt lẻo trên vai.
Nàng nâng mặt chàng lên,
lùa hai tay vào trong tóc chàng:
- Đau làm sao mấy bữa nay
không thấy đi dạy?
- Sơ sơ thôi, tại nhớ em
quá nên ghét không đi dạy.
- Lại nói tầm bậy tầm bạ.
Em ở trong nhà tối ngày chớ có đi đâu mà nhớ? Ngó người ta muốn chết...
- Ngó thấy thì ăn nhằm gì?
Ở trên này sợ mấy đứa bạn, xuống dưới ấy sợ ông già...
- Cứ xuống, pá cưng em lắm
hổng rầy gì đâu, đừng ngại.
- Pá có biết tụi mình
thương nhau không?
- Biết. Cả hai bác chủ cũng
biết. Pá nói nếu có quyền pá sẽ gả em cho thầy ngay tức thì.
- Kỳ há, tại sao lại không
có quyền?
- Em không hiểu. Phong tục
như vậy. Chính pá cũng không hiểu.
- Rồi em có buồn không?
- Không.
- Trời đất ơi, thương nhau,
không lấy được nhau mà em không buồn?
- Thương nhau nhưng em biết
trước mình sẽ không lấy nhau thì đâu có buồn? Đừng làm vậy em nhột. Tội nghiệp,
bây giờ được quỳ dưới chân em rồi đó, đã vừa lòng chưa?
- Chưa, anh muốn hôn em một
trăm cái, một ngàn cái, lúc nào cũng mong có em ở bên cạnh.
- Đó, thì hun đi, em đâu có
giữ? Em hổng có tiếc gì hết. Cả cái thân hình này em cũng không tiếc. Em căm
phẫn, uất ức. Bây giờ cầm con dao đâm vô trái tim em, em không kêu lên một
tiếng, có khi còn cám ơn nữa. Chỉ vì còn pá nên em mới sống. Khi nào pá chết em
cũng chết theo.
Và nàng nâng mặt chàng lên, cúi xuống. Mặt nàng giàn giụa nước mắt. Nàng
áp môi vào mặt chàng. Nàng hôn chàng. Nước mắt nàng làm ướt môi chàng:
- Gặp em bây nhiêu đủ chưa?
Thôi, cho em xuống kẻo pá thấy em ở trên nầy lâu.
- Em sợ pá rầy?
- Không, pá không rầy.
Nhiều lúc em muốn lên đây thăm anh.
- Sao không lên?
- Ngó thấy nhau hoài mà lên
làm chi? Bữa nào anh vô dạy trong trường em buồn lắm, trông chừng cho anh mau
về.
- Chi vậy?
- Em hổng biết. Có anh ở
nhà ngồi viết trên này thì em yên tâm. Anh viết cái gì mà dữ thần vậy
- Viết tiểu thuyết đăng
báo.
- Cũng như mấy nhà văn đó
hả? Thôi mà, cứ làm vậy người ta cười, cho em xuống dưới nhà đi mà!
Và nàng đứng dậy, sửa lại
áo xống. Chàng tham lam ôm chặt lấy nàng. Nàng gỡ tay chàng ra:
- Thôi cho em xuống, lúc
nào rảnh em lại lên.
Trước khi đi, nàng lắc đầu
khe khẽ thở dài:
- Tội nghiệp, thương ai
cũng được, thương em làm chi!
***
Mấy
hôm sau, Hoàng ăn uống được, lại đi dạy bình thường.
Một hôm, người “Tài có” – anh Cả – của Tịch Dương Hồng tới nhà. Hắn mập, khoảng
bốn chục tuổi, mặc chiếc quần kaki xề xệ, bụng bự, mặt mũi phục
phịch trông giống như mặt lợn ỷ. Hoàng ngạc
nhiên không hiểu tại sao Hồng còn nhỏ tuổi mà có người anh đã lớn thế, anh em
ruột mà không giống nhau một chút nào hết.
Y ngồi đằng sau chiếc xe Honda do một thanh niên mặc áo sơ mi ca rô, mặt
mũi có vẻ ba trợn chở. Tới cổng, y nhảy xuống, vẫy tay ra hiệu cho chiếc xe
chạy, không cần trả tiền.
Một lúc lâu sau căn nhà có
tiếng gây lộn, trước còn nho nhỏ sau lớn dần, xí xố toàn giọng ông cụ với người
con trai nghe rất gay gắt. Bác chủ ở trần mặc quần xà lỏn, luôn luôn đi lại
nghe ngóng. Bác giỏi võ Tàu, sẵn sàng can thiệp.
Cái gì chứ họ gây lộn thì Hoàng chịu thua, không thể nghe kịp. Anh chỉ
mang máng hiểu hình như người con trai đòi lấy vợ nhỏ, ông cụ không đồng ý, đòi
vác dao chém. Gần trưa hắn hậm hực bỏ đi, cụ đuổi theo, tay cầm cây gậy. Tội
nghiệp, mấy hôm nay cụ đau, đi đứng không vững.
Buổi tối hôm ấy Hồng có vẻ buồn lắm. Trời đã gần khuya, mọi người đã đi
ngủ nàng vẫn còn ngồi một mình trên chiếc ghế đá trước sân, hai hàng nước mắt
chảy ròng ròng.
Hoàng rất sợ đàn bà con gái
khóc. Trông xót xa lắm. Anh đến gần, cầm chiếc khăn mùi soa lau nước mắt cho
nàng:
- Chuyện gì mà khổ vậy em?
Tài có muốn lấy vợ nhỏ...
Người
con gái im lặng lắc đầu, khẽ đẩy chàng ra tỏ ý không muốn chàng biết tới việc
gia đình. Sau đó nàng buồn bã đứng dậy, bỏ đi. Còn lại một mình, Hoàng nhìn
theo, nhíu mày rút thuốc lá ra hút. Đàn bà thật kỳ cục, nó lấy vợ nhỏ thì kệ
xác nó, mình là em, không khuyên can được thì thôi, việc gì mà khóc? Trên đời,
thằng nào tham lam cứ việc lấy vợ nhỏ. Vợ hai, vợ ba, vợ tư, vợ năm, vợ thứ một
trăm, vợ thứ hai trăm, mặc kệ, chẳng liên quan gì đến ta. Kẻ vô học và người có
học không đi chung một con đường, không cũng quan niệm với nhau. Anh nghiệm ra,
những thằng nghèo nhất, và đôi khi, những thằng giàu nhất lại thích lấy nhiều
vợ, đẻ thật nhiều con. Con nít không phải là một đồ vật, đẻ thật nhiều rồi đầy
đọa chúng trong cảnh tối tăm. Phụ nữ không phải một món đồ chơi, dâng hiến cho
sự tham lam, khốn khổ vì ghen tuông, gây lộn. Coi rẻ đàn bà, coi rẻ con nít, đó
là hành vi tồi tệ nhất của cuộc sống. Hoàng là thầy giáo và quen viết lách, cần
phải suy nghĩ nên nhìn đời bằng con mắt khác hơn mặc dầu tâm hồn rất lãng mạn.
Anh ghét cái thói lãng mạn thường hay rung động trước những cái đẹp của mình.
Chàng thơ thẩn vào trong phòng, kéo ghế ngồi, chống tay trên cằm, im lặng
hút thuốc. Nước mắt và sự đau khổ của người con gái. Hừ, có gì đâu, tại sao lại
buồn như vậy
Áo em mờ nhạt như sương
khói
Vương vấn đâu đây một nụ
cười
Cần
bài mà không viết được. Đăng fơi-ơ-tông hễ không kịp bài tòa soạn sẽ thanh minh
thanh nga vài dòng xưa như trái đất: “Tác giả bệnh nặng, mong quý bạn độc giả
thông cảm”. Bệnh nặng cái con mẹ! Nếu bệnh đã khá, vẫn ráng viết được nhưng
nếu tâm hồn xáo trộn thì không viết nổi, không còn đầu óc đâu để viết.
Có tiếng đụng quả nắm sứ.
Hoàng ngạc nhiên nhìn ra, đứng dậy.
Người con gái xuất hiện. Nàng mệt lả gần như sắp xỉu, nước mắt giàn giụa và
nàng gục đầu vào ngực chàng, trong vòng tay chàng:
- Trời ơi, em sống không
nổi. Y...y đã biết chỗ pá con em ở, kiếm tới tận đây tiếp tục gây lộn với pá
em...
Hoàng đỡ thân hình mềm rũ ấy ngồi xuống giường. Nàng vẫn gục mặt vào ngực
chàng, nước mắt như mưa, uất nghẹn, không dám lớn tiếng.
- Hừ, y lấy vợ thì có gì
đâu? Đàn ông thiếu gì người có vợ nhỏ?
- Nhưng y ép buộc em, bắt
em phải làm vợ nhỏ của y. Y ham muốn em từ năm em mười ba tuổi. Đã nhiều lần y
định cưỡng bức em, má má cứu thoát. Rồi y đòi lấy em làm vợ nhỏ, má má tức giận
treo cổ tự sát. Em muốn chết theo má má...
Hoàng cực kỳ khủng khiếp:
- Trời đất ơi, y là anh
ruột của em mà? Làm gì có chuyện lạ lùng như vậy?
Nàng vẫn nức nở:
- Không phải, anh nuôi. Fù
sánh mậu sánh không có con gái, nuôi em từ nhỏ. Y nhiều tiền lắm, có ba vợ,
mười một đứa con, định cưỡng hiếp em... Y nói trồng cái cây lúc lớn thì phải
hái trái. Em thà chết không chịu nhục. Má má tự sát, pá pá tức giận cầm dao
chém y...
Hoàng lạnh mình, đầu óc hỗn
loạn.
- Vợ con y khóc. Pá pá
thương em, thu xếp tiền bạc dẫn em đi nơi khác. Đã một lần y biết chỗ, phải bỏ
xuống đây. Bây giờ y lại kiếm ra... Y thèm khát em từ lâu, nhứt định theo đuổi
đòi pá pá phải gả em cho y làm vợ nhỏ đặng hưởng tấm thân em, pá pá không chịu.
Em thà treo cổ tự sát đi theo má má...
- Nghe nói em có ông Bang,
tại sao họ không can thiệp?
- Ổng lo việc lớn, coi đó
là chuyện gia đình.
- Hay em nói với pá pá cho
anh cưới em trước khi thằng chả trở lại? Hễ pá gả em cho anh là xong hết. Ở
tỉnh này anh quen biết nhiều, dù chưa kịp cưới y cũng không làm gì nổi. Anh sẽ
làm đám cưới thật lớn ở Câu lạc bộ Công chức, cả tỉnh này đều biết em là cô
giáo, vợ anh, y sẽ không dám đụng tới em nữa.
- Pá pá quý trọng anh nhưng
hổng dám gả. Ông Bang không cho phép. Phong tục như vậy.
- Hay anh đưa em lên Sài
Gòn ở với má anh?
- Rồi em bỏ pá cho ai? Em
đã suy nghĩ đủ đường...
Đoạn, nàng đứng dậy:
- Em nói bấy nhiêu đặng anh
hiểu, đừng buồn em. Nếu pá còn sống pá che chở em. Pá chết hay đau yếu nằm đấy,
em thân gái một mình, y sẽ lấy cớ tới trông nom pá...
Nàng đi. Hoàng tiễn ra cửa,
xuống dưới bậc thềm. Dáng nàng cô đơn trông thật tội nghiệp và chàng cảm thấy
sự bất lực của hạng “trí thức” như mình. Ánh trăng vẫn sáng nhưng rất lạnh
lùng.
***
Những trận mưa đầu mùa báo hiệu niên học sắp hết. Trong mấy tháng hè
Hoàng và các bạn sẽ nghỉ hè, về Sài Gòn và đi coi thi, chấm thi Tú tài.
Một đêm trời mưa lớn. Ông
cụ đau nặng phải đem vô bệnh viện Triều Châu từ hồi chiều. Ở tỉnh, bệnh viện
thường nhỏ, buổi tối hết giờ họ đóng cửa, không cho thân nhân ở lại trải chiếu
ngủ dưới đất như trên Sài Gòn.
Mười
một giờ đêm, Hoàng sắp tắt đèn đi ngủ bỗng người con gái gõ cửa. Nàng mặc đồ
bộ, mặt mũi dính nước, chiếc áo mưa màu đỏ che trên đầu.
- Ủa...
Hoàng ngạc nhiên, vội vàng
đỡ chiếc áo mưa, lấy khăn mùi soa lau cho nàng. Người nàng run lên. Nàng cúi
mặt:
- Cho em ngủ nhờ phòng anh.
- Tội nghiệp, em tuyệt vọng
đến thế kia ư?
- Không, lát em sẽ nói.
Nàng ghé ngồi xuống giường,
lấy giẻ lau chân rồi dùng quạt phủi trên mặt nệm, trải lại tấm drap:
- Anh
có mùng không? Em quen nằm mùng.
- Có
Nàng phụ với chàng giăng
mùng, gài các mép nệm:
- Thôi khóa cửa, tắt đèn,
đi ngủ đi anh.
Chàng tắt đèn, chui vào trong giường, tìm thân hình nàng. Họ ôm nhau. Môi
nàng mềm, dịu ngọt và ướt đẫm nước mắt.
- Em hiến thân cho anh, anh
vừa lòng chưa? Ông Bang cấm em chung sống với anh nhưng không cấm em ăn nằm với
anh. Tên đó thèm khát em, chiếm đoạt em cũng vô ích. Ngày trước em nghĩ nếu y
đụng tới em, em sẽ tự sát. Bây giờ em vẫn sống, vẫn tiếp tục sống dầu y có
cưỡng bức em. Không bao giờ em làm vợ nhỏ của y. Khi nào pá pá còn nằm trong
bịnh viện em sẽ lên đây một trăm lần, một ngàn lần, không chịu khuất phục.
- Tội nghiệp em tôi. Anh
thương em lắm. Hay nếu em sợ ma thì anh đưa em xuống, anh sẽ nằm bên ngoài chỗ
chiếc đi văng của pá coi cho em ngủ?
- Không có đâu, em không sợ
ma. Từ nhỏ pá đã nói là hổng có ma. Còn nếu có thì ma cũng như người, không làm
hại ai hết.
- Nhưng ... nhưng nếu em có
bầu?
- Còn nhỏ chút xíu làm gì
có bầu? – Mà có càng tốt. Pá pá chết, chôn cất xong em sẽ trốn đi. A fù a mậu
dành dụm được vàng, nhiều lắm, nói để cho em. Em biết nhiều nghề, dư sức nuôi
con.
- Anh là thầy giáo, có học
mà để em bơ vơ như thế sao? Con chúng ta lớn lên sẽ không có cha.
- Tại ông Bang hổng cho em
lấy anh chớ đâu phải tại anh? Người Tiều thì muốn lấy ai cũng được. Nếu có con,
em sẽ hy sinh giữ chân cho con trong bang.
- Quan trọng đến thế sao?
- Người Tàu không có bang,
chết không chỗ chôn.
Hoàng thở dài:
- Anh lại sắp phải nghỉ hè
về Sài Gòn đi coi thi chấm thi, ít nhất ba tháng. Sáng mai anh ghi địa chỉ, vẽ
thật rõ, em giữ kỹ lấy, bất cứ lúc nào cần dù anh không có mặt ở nhà thì cũng
cứ đến. Má anh sẽ trông nom cho em.
Chàng giải thích thêm:
- Gia đình anh rất dễ. Thấy
em xinh đẹp, ngoan ngoãn, má anh chịu liền tức thì. Anh muốn lấy ai cũng được
miễn sao họ đẹp và yêu thương anh, má anh vẫn dặn như vậy. Được người con dâu
như em chắc chắn má anh rất mừng. Em nhớ giữ giấy thật kỹ, tìm đến nhà anh bất
cứ khi nào cần.
Nàng im lặng, sau đó khẽ dạ
cho chàng vừa lòng.
Nhưng nàng không đến. Chẳng bao giờ đến. Sau kỳ nghỉ hè, Hoàng xuống.
Điều chàng lo lắng nhất đã thành sự thực: ông cụ đã mất, nàng đã bỏ đi, căn nhà
đóng cửa im vắng lạ thường. Chàng xót xa hỏi
mộ ông cụ ở đâu, bác chủ cho biết người “Tài có” nhờ sự giúp đỡ phương tiện của
Bang đã đem quan tài về Sài Gòn từ trong bệnh viện.
- Cổ có gởi lợi cho giáo sư
cái này.
Chiếc khăn mùi soa nho nhỏ
màu trắng nàng vẫn thường dùng, ở góc thêu ba chữ Hán màu đỏ cũng nhỏ, nét thêu
tinh vi: Tịch Dương Hồng.
Cầm chiếc khăn trong tay,
Hoàng quay mặt đi:
- Bác cho cháu chìa khóa
lên cất va li
- Có, bác cắm ở trển. Biết
các giáo sư sắp xuống, bác gái mới quét dọn, lau chùi hồi hôm nên vẫn để nguyên
chìa khóa ở trển.
Hoàng vào trong phòng. Ánh
nắng buổi chiều hắt hiu rơi trên cửa sổ, lọt qua chiếc lưới muỗi rọi xuống dưới
bàn. Có gì tàn nhẫn, có gì đơn độc. Căn nhà kho chạy dài theo chiều dọc cửa
đóng im lìm, thê lương, ảm đạm. Chàng nhắm mắt, rùng mình. Em tôi bây giờ lưu
lạc nơi đâu? Tôi biết sống thế nào hàng năm hàng tháng trong căn phòng này như
cũ được nữa khi nhìn ra không còn thấy hình bóng thân yêu chăm chú ngồi thêu
với chiếc áo lụa hồng và mái tóc kết hai đuôi sam cột giải nơ đỏ? Hồn tôi bơ vơ
lạc lõng. Tôi là thầy giáo. Nghề này ít ai ham mê chuyện xác thịt. Có càng tốt
mà không cũng được. Tôi là người viết văn. Nghề này đòi hỏi những sự suy nghĩ,
sống bằng tâm hồn. “Làm sao tìm lại được tâm hồn chiều qua của ta”, bà Noailles
đã từng nói như vậy. Tâm hồn tôi lạnh giá, đông cứng và đóng im ỉm như những
bức vách của căn nhà kho.
Chàng thờ thẫn ngồi xuống ghế. “Đau làm sao mà mấy bữa nay không thấy đi dạy?”,
“Bữa nào anh vô trong trường em ở nhà một mình buồn lắm, trông chừng cho anh
mau về”, “Tội nghiệp, bây giờ thì được quỳ dưới chân em rồi đó, vừa lòng
chưa?”. Làm sao tôi vừa lòng? Làm sao tôi tìm lại được những gì đã mất? Ngay
ông vua Tự Đức, tam cung lục viện vậy mà khi Nguyễn Thị Bằng chết ông ta còn
viết: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi”, huống chi tôi,
tôi chẳng là cái gì cả, chỉ có một nỗi buồn mênh mông cô quạnh trong tâm hồn
tôi mà thôi.
Chiếc khăn mùi soa nho nhỏ với ba chữ Hán Tịch Dương Hồng ở góc mở rộng
trên bàn. Chàng nhìn trân trối. Hình như mùi vải thơm thơm. Hình như mùi da
thịt nàng thơm thơm vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Chàng gục đầu, lồng hai bàn tay
xuống dưới, áp lên trên mặt. Nước mắt chàng chảy ra âm thầm trên chiếc khăn.
Ánh nắng quái chiều của miền tỉnh nhỏ hắt hiu vàng vọt rơi trên tóc chàng.
“Em đau lắm phải không?”.
“Không”. “Thế sao mặt em đầy nước mắt?”. “Đau nhưng em chịu được”. “Tối mai anh
xuống dưới phòng em đi, trên này lạ giường em ngủ không được, mà thức thì anh
lại làm em đau, em sợ”. “Thôi được, để anh kê tay làm gối cho em ngủ”, “Em
không quen gối đầu lên tay người khác”. Mái tóc kề trên tay anh. Rồi nàng ngủ
yên, giấc ngủ nhẹ nhàng...
Ban đêm, lòng Hoàng quằn quại một nỗi nhớ thương xa vắng. Phải chăng đó
là xác thịt? Phải chăng đó là sự hy sinh của người con gái “đau nhưng em chịu
được”? Trời ơi, chút tình này chỉ có tôi và nàng biết với nhau mà thôi. Gần hai
giờ sáng, Hoàng thao thức không sao ngủ nổi. Có tiếng dơi quạ đập cánh trên
ngọn cây nhãn và có tiếng gió đêm xào xạc, lành lạnh thổi về lách tách những
vạt lá dừa ngoài ngõ. Mùi dạ lý hương ngai ngái. Hoàng rùng mình. Chàng cầu
mong căn phòng này có ma, ngôi nhà có ma, bụi dạ lý hương có ma. Ma cô gái áo
trắng tóc xõa dật dờ trôi nổi, hai chân bước hổng lên khỏi mặt đất. Dù là người
không mê tín, không tin ở các thế lực siêu hình nhưng một đêm đau khổ quá làm
chàng trở dậy, nhè nhẹ mở cửa, ra nhà ngoài bật đèn pin lấy một nén nhang trên
bàn thờ đem vào thắp lên, tìm chỗ cắm bên cửa sổ phía trên bụi dạ lý hương.
Chàng nhắm mắt: “Nếu cuộc sống này có linh hồn thật, xin cho tôi được gặp
nàng”. Và chàng nghĩ, năm nay mình hăm sáu tuổi, mình sẽ đợi nàng.
***
Cuối năm ấy Hoàng được đổi về Sài Gòn. Mỗi lần xuống Chợ Lớn, chàng lang
thang chiếc xe Vespa trên các đường phố, cứ hết xăng thì lại đổ thêm, lòng thầm
mong có một “con ma” nào đó thông cảm, dun dủi cho chàng được gặp lại Tịch
Dương Hồng.
Nhưng
chẳng có “con ma” nào cả, hình như ma cũng hết thiêng, không giúp đỡ gì được
chàng. Chàng quen biết nhiều trong các tòa báo, chỉ còn cách đăng các lời nhắn
tin một cách vô vọng trên các báo Hoa cũng như báo Việt: “TDH, nhớ lắm, cần
gặp. Xin cho hồi âm về địa chỉ...”. Không thấy trả lời.
Rồi
những diễn biến xảy ra như sự phải có của nó. Hai năm sau, 1975, mọi chuyện sụp
đổ. Năm 1979 có việc đụng chạm ở biên giới phía bắc, người Hoa bỏ đi nhiều.
1980, Hoàng lập gia đình.
Năm 1986 bắt đầu thời kỳ “mở cửa”, cuộc sống mỗi ngày một dễ dàng và tốt
đẹp hơn.
Bây giờ người đàn ông ấy đã
bốn mươi sáu tuổi, mái tóc đã bắt đầu bạc. Hoàng tự ý xin nghỉ dạy, chuyên sống
về nghề dịch sách và tiếp tục việc viết văn, tự xuất bản lấy các tác phẩm của
mình, đời sống tương đối dễ chịu.
Một
hôm vợ chàng đi dạy về, ăn cơm xong lấy trong túi xách ra đưa cho Hoàng coi một
tờ tạp chí:
- Em ghé vô sạp coi xem đã
có bài của anh chưa, thấy tờ này đăng một việc hơi lạ nên mua về cho anh coi.
Anh xem trong trang Văn nghệ...
Tờ báo đăng hình ảnh, điểm qua các tiết mục của một đoàn ca vũ nhạc Hồng
Kông sang trình diễn một tuần tại Sài Gòn, trong đó họ khen ngợi tài năng của
một nghệ sĩ trẻ đẹp, “cái đinh trong đoàn” tên Tịch Dương Hồng.
- Lạ nhỉ, tại sao lại tên
Tịch Dương Hồng?
- Họ đăng cả hình, anh thử
coi xem có giống không?
- Giống, tới sáu bảy chục
phần trăm, hai cái đuôi sam thì y hệt như vậy nhưng cô này còn quá trẻ, chừng
hai mươi tuổi.
- Hình thì phải vậy. Còn
một ngày chót, hay tối nay ta đi coi đi anh?
- Liệu mua được vé không?
Anh sợ đông người phải giữ vé từ mấy hôm trước.
- Mấy cô bạn trong trường
em họ nói còn mấy ngày cuối, mua được, chỉ hơi đắt. Hai giờ họ bắt đầu bán.
- Ừ, chiều anh chạy lên
mua. Nếu họ bán hết, sẽ kiếm vé chợ đen.
Người nghệ sĩ rất trẻ, mặc áo xường xám màu đen lóng lánh kim tuyến theo
kiểu Thượng Hải, mái tóc kết hai đuôi sam, ngực đeo chiếc broche bạch kim cẩn
ngọc, đuôi tóc cài hai đóa hồng bằng vải rực rỡ. Nàng hát rất hay, một bản
tiếng Quảng, một bản tiếng Anh, một bản bằng tiếng Việt. Khán giả vỗ tay hô “Bis!”
như muốn vỡ rạp.
- Đúng không anh?
Giống y hệt cả giọng hát
nữa nhưng còn trẻ quá. Nếu đúng bây giờ phải băm bảy băm tám tuổi...
- Kệ, anh cứ thử lên ban
quản lý xin gặp xem sao. Cổ được nghỉ, cuối suất mới phải ra sân khấu lần nữa.
- Được, em ngồi đây nhé, để
anh lên.
Hoàng cố “nặn” ra mấy dòng chữ Hán vì đã quên nhiều, lại cẩn thận viết cả
tiếng Anh lẫn tiếng Việt tùy cô ta đọc được thứ nào thì đọc, giới thiệu tên
mình và lý do muốn gặp. Người quản lý đưa vô. Lát sau, một nhân viên khác lập
tức ra mời chàng vào hậu trường.
Người nghệ sĩ tươi cười cúi
đầu chào và lịch sự đưa tay mời chàng ngồi.
Hoàng dùng tiếng nước
ngoài:
- Xin lỗi, tôi có thể dùng
tiếng Anh được không?
Người nghệ sĩ mỉm cười dễ
dãi:
- Ngộ piết tiếng Việt. Nói
được tiếng Việt như người Việt Nam. Xin xính xáng cứ dùng tiếng Việt.
- Nếu không làm phiền, xin
tiểu thư vui lòng cho biết chút ít về quý danh Tịch Dương Hồng được không? Ngày
trước cách đây hơn hai chục năm tôi cũng có quen một người con gái tên Tịch
Dương Hồng, và cái tên đó do chính tôi đặt.
Cô gái mỉm cười rút sợi dây
chuyền bằng bạch kim có chiếc mề đay đeo trong ngực áo:
- Phải người đàn bà này
không?
Hoàng ngẩn ngơ:
- Đúng, nàng tên thật là
Trịnh Dương Hồng.
- Đó là má má xiểu nụi(tiểu
nữ). Trước khi qua đây, mẫu thân dặn tiểu nữ kiếm tới một địa chỉ...
Nàng mở chiếc bóp lấy ra
một miếng giấy gấp tư đưa cho Hoàng.
- Đây là địa chỉ của gia
đình tôi ngày trước.
- Có, tiểu nữ có tới. Người
ta nói tiên sinh đã chuyển đi nơi khác, đã lâu người ta quên không nhớ địa chỉ.
Tiểu nữ buồn lắm vì không được gặp.
Hoàng móc túi lấy chiếc
khăn mùi soa mà vợ chàng giữ rất kỹ làm vật kỷ niệm, dặn đi dặn lại chàng nên
bỏ túi mang theo:
- Đã bao giờ mẫu thân nói
về chuyện chiếc khăn này chưa?
- Có, má má nhắc hoài
Đoạn, nàng ứa nước mắt, quỳ
sụp xuống đất, cầm hai tay khách áp lên mặt mình:
- Pá pá, con là con gái pá
pá. Con luôn luôn biết ơn pá pá đã cho con dòng máu nghệ sĩ.
- Có, ba biết. Con đứng dậy
đi! Con nói tiếng Việt giỏi lắm. Tên thật con là gì?
- Chèng Foóng Húng (Trịnh
Phương Hồng), còn Tchịch Dường Húng là stage-name (tên sân khấu) do má má đặt
để kỷ niệm pá. Con ở Việt Nam mãi đến năm bảy tuổi má mới dẫn đi, lạc qua đảo
Hải Nàm ở bên Chúng Coọc rồi qua Hoóng KƯoỏng. Bởi vậy con biết tiếng Việt.
- Bây giờ má má thế nào?
- Mất rồi.
Người cha giật mình:
- Mất? Mất hồi nào, năm bao
nhiêu tuổi? Mất về bệnh gì?
- Con... con không biết.
- Trời đất ơi, con thương
má tới độ đeo hình má trong ngực mà không biết má mất bệnh gì? Con nói dối pá!
- Con không dám nói dối. Do
má má dặn.
- Tại sao lại dặn như vậy?
Chắc má má đã có chồng nên nói dối là chết.
- Con không biết. Má má nói
má sợ lắm, ghét đàn ông, không bao giờ lấy chồng, thà hai má con sống với nhau.
Con thương má lắm.
- Tại sao lại dặn con nói
là chết?
- Má nói má cũng giống như
mặt trời đã lặn. Mặt trời lặn thiệt ra không mất mà ai cũng trông thấy mất. Má
đã chìm xuống dưới mặt đất, chỉ còn có con, một chút ánh sáng màu hồng. Phải
vậy không pá?
- Cũng được, tạm coi là như
thế.
- Đáng tiếc sáng mơi con
phải ra phi trường từ bảy giờ rưỡi, không kịp tới thăm pá và gia đình. Con có
địa chỉ ở bển...
Cô lấy danh thiếp trong bóp
đưa cho cha:
- Con sắp phải ra sân khấu.
Pá cho con địa chỉ mới, về bển con sẽ viết thư qua thăm pá, nói chuyện nhiều
hơn.
- Ừ.
Hôm sau, trước khi máy bay cất cánh, bà xã Hoàng hôn lên trán Trịnh
Phương Hồng và đeo vào ngón tay nàng một chiếc nhẫn kỷ niệm. Còn hai đứa trẻ
thì tặng hoa. Nàng quỳ xuống áp mặt mình vào má chúng:
- Piết chế tên gì hôn? Dễ
thương lắm!...
Hai đứa gật gật. Thiên hạ
đứng nhìn cứ tưởng họ là những người hâm mộ, đưa tiễn nghệ sĩ. Không, họ cùng
gia đình và Trịnh Phương Hồng là chị của hai đứa em.
Một lúc sau máy bay cất
cánh, bay về hướng đông. Nơi ấy có mặt trời mọc./.
Đoàn Dự
Tịch Dương Hồng * Viet Nam
Nhat Bao * Vietnam Daily