728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA

    NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA
    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

    Hôm nay là ngày đầu tiên tôi thực sự sống ở Hoa kỳ.  Như đã hẹn, ông Gardner đưa tôi đến công ty bất động sản ông làm chủ để ký hợp đồng thuê nhà.  Khi cô thư ký mang bản hợp đồng tới, tôi lấy bút định ký tên thì ông đưa tay ngăn lại,
                “Ở nước này, anh cần nhớ là không bao giờ ký tên vào một văn kiện mà không đọc kỹ và hiểu rõ.”
                “Trong đời cháu chưa ký hợp đồng bao giờ.  Bác là người của nhà thờ bảo trợ nên cháu nghĩ không cần đọc,” tôi bối rối.
                “Anh hãy tập thói quen đó, mình không đi đâu mà vội,” ông khăng khăng bảo tôi.
    Tôi cầm bản hợp đồng, đọc kỹ từ đầu đến cuối, và hỏi lại những điều chưa hiểu rõ.  Thấy tôi đọc xong và hơi nhíu mày, ông Gardner giải thích,
                “Nhà anh ở do nhà thờ Ba ngôi Lutheran làm chủ, chúng tôi tính tiền thuê 150 đô la là giá thấp nhất, chỉ vừa đủ để trang trải thuế thổ trạch, bảo hiểm, và chi phí bảo trì hàng tháng.  Nhà thờ sẽ không lấy tiền nhà trong ba tháng, hay đến khi anh có đủ lợi tức sống tự lập.”
    Sau đó, ông Gardner lái xe đưa tôi ra First National Bank giới thiệu với một ông phó tổng giám đốc ngân hàng.  Cũng là người trong họ đạo, ông này niềm nở tiếp chuyện và khi chia tay trao cho tôi tấm danh thiếp, “Nếu cần gì, anh cứ gọi điện thoại hay đến gặp tôi.”  Trên đường về, tôi nói với ông Gardner,
                “Ở Việt nam không mấy ai dùng nhà băng vì phần lớn dân chúng dùng tiền mặt để mua bán và nếu dư dả muốn để dành lâu dài thì mua vàng cất giữ.  Thỉnh thoảng cháu cũng ra nhà băng lãnh chi phiếu, nhưng chỉ mở trương mục tiết kiệm để gửi tiền vì lãi suất đến 36 phần trăm một năm.”
                “Ở Hoa kỳ, khó có ai không cần tới trương mục ngân hàng.  Người ta dùng chi phiếu trong mọi giao dịch, trả tiền hóa đơn hàng tháng, và gửi chi phiếu trong thư mà không bao giờ sợ mất.”
                “Ngày rời Sài gòn, cháu mang theo cái cặp đầy tiền Việt nam, nhưng số tiền khá lớn đó đã trở thành mớ giấy lộn vô giá trị.  Tài sản tụi cháu bây giờ vỏn vẹn có mười đô la một người lãnh của cơ quan thiện nguyện để chi tiêu dọc đường nên chắc còn lâu mới cần gửi tiền nhà băng,” tôi nghe ông im lặng khá lâu.
    Trưa hôm đó, tôi được ăn bữa cơm Việt nam đầu tiên sau gần bốn tháng trời.  Cơm trắng, cá kho, và canh rau cải nấu tôm.  Tôi xuýt xoa khen,
                “Nếu biết được vợ anh và cô em gái có tài nấu nướng trứ danh như thế này thì anh không lên Bismarck làm chi.  Cứ liều mạng ra California, mở nhà hàng Việt nam, và làm bồi bàn cho hai cô là . . . sướng đời tỵ nạn rồi.”
                “Chồng đừng cho hai chị em đi máy bay giấy, rớt xuống đất đau lắm đó,” Quỳnh Châu vờ không bằng lòng.
                Nước đường của anh Ba Hoa coi vậy mà khó nuốt trôi lắm.  Anh khen để chị em mình lúc nào cũng phải nấu ăn ngon, mặc dù thịt cá toàn đồ đông lạnh, gia vị thiếu tùm lum, và nước mắm không có phải thay bằng xì dầu,” Bình chu mỏ bồi thêm.
                “Chồng khen hay chê thì cứ nói líp ba-ga, nhưng tối phải ăn lại đồ cũ vì chiều nay em và cô Bình đi cắt tóc.  Lâu nay tóc dài thoòng mà chưa được nếm mùi kéo của chú Thoòng,” Quỳnh Châu cười nửa miệng.
    “Líp ba-ga” (do tiếng Pháp “libre bagage”) là tiếng lóng có nghĩa là tha hồ làm việc gì cho đã đời, và tiệm uốn tóc “chú Thoòng” trên đường Phan đình Phùng gần chợ Vườn Chuối Sài gòn dùng thợ người Hoa cắt uốn khéo tay được phụ nữ ưa chuộng. Tôi chưa kịp bàn ra thì Quỳnh Châu vuốt vai tôi,
                “Bà Lorene vợ Mục sư Nielsen hẹn chiều nay đưa tụi em xuống phố . . . xem dân cho biết sự tình và cắt tóc tặng không ở tiệm của một bà bên nhà thờ.”
    Ông John Nielsen là mục sư trưởng của nhà thờ Ba ngôi, trạc năm mươi tuổi, dáng người cao lớn, ăn nói lớn tiếng, và giọng nói rõ ràng và thành thực.  Bà Lorene có lẽ nhỏ tuổi hơn chồng, người thanh nhã và dịu dàng, và mặt đẹp như thiên thần.  Chúng tôi vừa ăn cơm xong thì ông bà bấm chuông ngoài cửa.  Trong lúc bà nói chuyện với Quỳnh Châu và Bình, ông hỏi tôi,
                “Ngày mai thứ Bảy, anh và bọn con trai có bận việc gì không?”
                “Dạ không, ông Gardner chưa dự định việc gì cho tụi cháu cả,” tôi lắc đầu.
                “Chúng tôi có việc muốn nhờ anh làm.  Nhà tôi ở nằm cùng một khu phố với nhà anh và cũng là nhà của nhà thờ Ba ngôi.  Hàng rào bằng gỗ chung quanh vườn sau cần một lớp sơn mới, anh giúp đươc không?”
                “Dĩ nhiên là tụi cháu sẵn lòng.  Sáng mai sẽ sang làm ngay,” tôi sốt sắng nhận lời.
                “Vậy chiều nay tôi đi mua sơn cọ và các thứ cần thiết và để sẵn cho anh làm việc.  Anh nhớ ghi lại anh và các em làm tổng cộng bao nhiêu tiếng đồng hồ để nhà thờ trả tiền.”
    Thì ra ông mục sư được ông Gardner cho biết tôi là kẻ trắng tay nên bày ra việc cho tôi làm lấy tiền.  Để tỏ lòng biết ơn và trả lễ và đồng thời khoe tài nấu nướng của phụ nữ nhà mình, tôi mời ông bà chiều mai sang dùng cơm tối với chúng tôi.  Ông mừng rỡ nhận lời, nhưng lại đề nghị,
                “Bên nhà tôi có mấy đứa con ở xa về.  Hay là như thế này, Lorene sẽ đưa hai cô gái đi chợ, mua vật liệu cần thiết, và sang nhà tôi nấu nướng.  Hai gia đình mình ăn cơm tối với nhau, một viên đá ném trúng cả hai con chim.” 

    Món cơm chiên Dương Châu của Quỳnh Châu và Bình ngon như của nhà hàng Đồng Khánh Chợ Lớn; ông bà mục sư và bốn người con tấm tắc khen ngợi và ăn đến sạch nồi.  Ông bà người gốc Na Uy, một trong bốn nhóm chủng tộc chính ở North Dakota; ba nhóm kia là Đức, Nga, và Ái Nhĩ Lan.  Nhấm nháp ly rượu vang, ông vui miệng kể chuyện khôi hài,
    Hai bợm rượu gặp nhau trong ba (bar) bán rượu.  Anh thứ nhất tự giới thiệu mình là Oly (tức là Oliver) dân Na Uy.  Anh kia cười hinh hích,
                “Vậy là hôm nay tao gặp may.”
                “Vậy sao?” Oly hỏi.
                “Với tụi Đức, Nga, và Ái Nhĩ Lan, khi kể chuyện khôi hài tao phải nói đến bốn hay năm lần bọn nó mới hiểu ra mà cười.”
                “Dân Na Uy tụi tao thì sao?” Oly gặn hỏi.
                “Chỉ cần kể hai lần, cùng lắm là ba.  Thật tuyệt, mày thấy không?”
    Từ ngày rời Sài gòn, hôm nay là buổi tối vui vẻ và thoải mái nhất của tôi.  Gia đình Nielsen thật dễ thương; nói chuyện với họ, tôi hầu như quên mình là kẻ di dân nghèo khó.  Trong những năm kế tiếp, ông bà mục sư và ông Gardner giữ vai trò quan trọng trong đời sống của gia đinh tôi.  Khi chúng tôi không còn cần giúp đỡ về vật chất, vòng tay thương yêu của ba người vẫn mở rộng, và họ là nơi nương tựa tinh thần của tất cả chúng tôi, từ cha lớn nhất đến em Trọng nhỏ nhất. 
    * * *
    Tôi làm việc cho công ty tiện ích gần 37 năm, năm 2012 quyết định về hưu, và chọn 30 tháng Tư là ngày làm việc cuối cùng.  Trước đó, tôi và Quỳnh Châu mua condo (hay “condominium” là căn nhà phải trả tiền trông nom và bảo trì chung) ở Austin thủ phủ tiểu bang Texas; condo gần cả nhà mẹ, nhà thằng Sang, và nhà Bình.  Một buổi sáng giữa tháng Năm, vợ chồng tôi lên đường về Austin.  Chiếc minivan chở vật dụng cho căn condo mới chạy êm trên xa lộ vắng xe.
    Chúng tôi ghé ăn trưa ở Fargo, thành phố lớn nhất North Dakota cách Bismarck chừng 200 dặm Anh về phía đông, rồi rẽ sang xa lộ liên bang I-29 đi về hướng nam.  Từ khi vào địa phận tiểu bang South Dakota, tôi thấy đôi mắt càng lúc càng mỏi, và cơn buồn ngủ kéo ập tới.  Tôi ngừng xe khu nghỉ dọc đường, nhường tay lái cho Quỳnh Châu, và sang ghế hành khách ngồi ngủ.  Nàng còn mệt mỏi vì jet lag (chênh lệch giờ sau khi đáp máy bay phản lực đi xa) sau chuyến đi về Việt nam gần đây.
    Trong giấc ngủ mê mệt, tôi nghe tiếng gọi mơ hồ, “Dậy đi, dậy đi, đừng ngủ nữa.  Đầu óc mơ màng nhưng tôi rán mở mắt và thấy Quỳnh Châu chạy 85 dặm một giờ (trên xa lộ giới hạn 75 dặm một giờ) và đôi mắt nàng lờ đờ buồn ngủ.  Tôi lo âu thành tiếng, “Em chạy nhanh quá, chậm lại đi em,” rồi tiếp tục thiếp đi.
    Một lát sau, tiếng gọi kia lại giục giã, “Dậy ngay đi, dậy ngay đi.  Mục sư Nielsen cùng tuối Tý với mi; ông đi rồi, nhớ không?  Ông bà mục sư về hưu mười mấy năm trước và thảm thiết lìa đời trong một chuyến du lịch sang tiểu bang Montana kế cận cách đây hơn năm năm, xe ông bà bị xe vận tải hạng nặng đụng bẹp dúm trong lúc bà cầm lái.  Tôi đã cùng khóc với mấy người con của ông bà khi đến thăm di hài ở nhà quàn và dự đám tang ở nhà thờ Ba ngôi.  Bản tiểu sử (người chết) cho thấy ông sinh năm 1924, tuổi Giáp Tý.  Hình ảnh ông bà nằm trong quan tài chớp nhoáng liên tục trong đầu tôi như một cuộn phim quay nhanh.
    Tôi giật mình tỉnh dậy thì thấy Quỳnh Châu đang vật lộn với tay lái, xe sàng qua sàng lại chạy xéo qua khoảng đất trống giữa hai chiều xa lộ và vọt sang đường phía bên kia.  Hoảng hốt la lên, “Cái gì vậy, cái gì vậy?” tôi dùng cả hai tay giúp nàng giữ vững tay lái trong khi hai chiếc vận tải hạng nặng chạy trờ tới.  Nàng quýnh quáng nhấn ga mạnh hơn, chiếc minivan rú lên băng ra khỏi mặt đường, tránh hai chiếc xe vận tải trong đường tơ kẽ tóc, và lao tới cột trụ bê-tông của cây cầu trên xa lộ.
    Một tiếng “ầm” chát tai vang dậy; chiếc minivan húc vào đầu cầu và quay ngược một vòng.  Không biết túi không khí đã bung ra, tôi sợ xe nổ và phát cháy, liền vội vàng ngả ngửa người và chống tay luồn ra ngoài theo lỗ hổng dưới chân.  Một phút trước, lỗ hổng đó là bộ máy xe.  Chiếc kính đeo mắt gãy lìa và rớt trong xe, tôi đờ đẫn nhìn mà không thấy rõ cảnh vật chung quanh.
    Hai người tài xế xe vận tải tiến lại gần; một người giữ tôi nằm yên tại chỗ, và người kia dùng điện thoại di động gọi cứu cấp.  Không tới mười phút sau, các xe cảnh sát, cứu hỏa, cần trục, và cứu thương chớp đèn và hụ còi lục tục chạy tới.  Xe cứu thương chở tôi tới phòng cấp cứu gần nhất là của bệnh viện Watertown, một thành phố nhỏ nằm ven xa lộ I-29.  Vị bác sĩ trực đứng tuổi cẩn thận khám khắp người tôi,
    “Ngoài chỗ xương vỡ trên bàn chân phải, tôi không thấy thương tích nào khác.  Đầu xe nát bấy mà ông sống sót thì thật may mắn.
    “Sao bác sĩ biết?” tôi ngạc nhiên hỏi.
    “Tôi nhìn thấy hình chiếc xe.  Nhân viên cứu thương chụp hình cảnh tai nạn để chúng tôi biết mà chữa trị, ông cười nhẹ.
    Sau khi được bác sĩ khám ở phòng bên, Quỳnh Châu vén màn bước vào nắm tay tôi với đôi mắt ngấn lệ, “Em không sao cả, lạy Trời cho chồng được bình yên”; miếng băng vết thương nằm giữa trán nàng.  Tôi yêu cầu chuyển về bệnh viện lớn ở Fargo; ở đó, bác sĩ chỉnh hình giải phu bàn chân phải của tôi và bó bột từ đầu gối trở xuống.  Quỳnh Châu không rời tôi nửa bước, nàng ở bên cạnh ngay cả khi tôi bị đánh thuốc mê nằm trên bàn mổ.
    Tôi trở lại nhà Bismarck; tháng Năm ngày dài, nhưng trời tối mịt khi tôi lúng ta lúng túng chống đôi nạng mới khập khiễng bước vào nhà.  Rời khỏi nhà mới ba ngày mà tôi tưởng chừng như đã lâu lắm.
    Vài ngày sau tôi đến văn phòng bác sĩ đo mắt để khám mắt và làm kính mới.  Như thường lệ, ông lấy chiếc kính tôi đang dùng tạm mang đi thử độ ở phòng ngoài; tôi cản lại,
                “Đó là kính cũ từ ba năm trước.  Bác sĩ đo làm gì cho mất công?
                “Tôi đo thử coi, không hại gì,” ông nói từ tốn và sau đó trở lại với nụ cười chúm chím, Anh tin được không, đây là kính mới nhất của anh!”
    Tôi chết sửng không nói nên lời.  Khám phá của ông bác sĩ có nghĩa là cơn buồn ngủ trên đường đi và do đó tai nạn kinh hồn xảy đến là do tôi mang kính cũ không đúng độ.  Trước ngày lên đường, tôi lấy hộp đựng kính cũ ra, ghi chữ rõ ràng ngoài hộp, và bỏ vào va-li mang theo phòng hờ.  Làm sao kính cũ và kính mới đổi chỗ với nhau, tôi không sao nghĩ ra.
    Tôi lại càng không nghĩ ra vị linh thiêng nào trong cõi âm đã nhắc đến ông bà Nielsen để đánh thức tôi dậy và phò hộ cho vợ chồng tôi qua khỏi tai nạn ngặt nghèo.  Chỉ biết Trời Phật gia ơn cho chúng tôi sống lâu hơn để gặp lại ba đứa con yêu quý.
    Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                                    Ngày 19 tháng Hai, 2020
                                                                             ***

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

    Trong những năm gần đây ở Sài gòn các vị lãnh đạo tôn giáo đua nhau xuống đường biểu tình loạn xà ngầu khiến tôi đâm ra ngao ngán coi nhẹ tôn giáo và xem thường đức tin của mình.  Tôi là Phật tử nhưng chỉ đi chùa khi phải đưa mẹ đi, giỏi lắm là một năm ba lần:  Tết nguyên đán, lễ Phật đản, và lễ Vu lan.  Tôi cũng đi nhà thờ Công giáo một năm đôi ba lần khi có bạn rủ đi.  Giáng sinh đi lễ nửa đêm là dịp đáng nhớ nhất:  Hai phe đồng ý hưu chiến, lệnh giới nghiêm tạm đình chỉ, và mọi người đổ xô ra đường hưởng đêm “Sài gòn không giới nghiêm” ngắn ngủi.  Những lần đó, các bạn gọi nhạo tôi là dân “đạo dòng” – đi lòng dzòng mua vui.
    Tôi chưa bao giờ đi nhà thờ Tin lành và hầu như không biết gì về đạo này.  Ngoại trừ các bạn người Mỹ, tín đồ Tin lành duy nhất tôi quen là Thanh Phú, người yêu cũ của thằng Tú bạn tôi.  Nàng dịu dàng và hiền lành, không bao giờ than vãn điều gì hay trách cứ ai, và đặt đức tin tuyệt đối vào đấng tối cao,
    “Chúa an bài mọi việc, mỗi việc Người sắp đặt đều có mục đích riêng, và làm con của Người trên thế gian phải tin tưởng vào sự sáng suốt của Người.”
    Tôi nhớ ngày tôi lên tám, học lớp nhì (lớp 4) trường Vinh Sanh thuộc nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn, và trên đường đi học về, đi ngang qua một bãi đất trống và tò mò dừng lại xem cặp vợ chồng mục sư Tin lành người Mỹ giảng đạo với đám đông gồm trẻ em và người nghèo khổ rách rưới.  Sau khi phân phát các gói bột bắp lớn và một đống áo quần cũ màu sắc lòe loẹt rộng thùng thình, ông mục sư nhắm tít mắt, đưa hai tay thành chữ V lên trời, và cất cao giọng nói tiếng Việt lơ lớ,
                “Các con hãy đến đây, hãy cùng ta ca ngợi Đức Chúa Trời.  Hãy tin vào Chúa, hãy làm con của Ngài.  Để được Ngài cứu rỗi, và linh hồn được giải thoát.  Đến đây, đến đây!”
    Những kẻ khốn khó co ro đứng sắp hàng “tin vào Chúa” để lãnh 20 đồng, món tiền vừa đủ mua năm cuốn vở học trò 100 trang.  Bao bột bắp tôi lãnh về nhà lần đầu bị mẹ bắt đi đổ vì “để chật nhà” và không biết dùng làm gì.  Áo quần cũ người lớn lãnh về có lẽ cũng chịu chung số phận.  Những tuần lễ kế tiếp, ông mục sư tiếp tục rao mời như trước, và hàng người xin “được cứu rỗi” vẫn là những người đã lãnh tiền tuần trước, và tuần trước nữa.  Hình như đối với ông bà mục sư, khuôn mặt An nam nghèo đói xác xơ nào cũng giống nhau.  Tôi kể lại với mẹ giữa lúc mẹ đang nói chuyện với mấy bà bạn hàng xóm.  Một bà nhổ phẹt bãi nước trầu, lấy ngón tay vét môi, và cười khì khì,
                “Mấy chị ơi, đạo giáo chi mà cho phép cha cố lấy vợ đẻ con?  Đêm lục đục với vợ mệt phờ râu và ngày lo cơm nước gạo tiền cho vợ con thì còn đâu tinh thần mà dẫn dắt con chiên?”
                “Chị nói y hịch ý tui!  Muốn có vợ thì dù là cha cố cũng phải ve vãn kén chọn cô này cô nọ, tránh sao khỏi ba cái dzụ mèo chuột ghen tương.  Tưởng tượng ông cha đứng giảng kinh trong khi mấy cô chửi bới giành ‘cha’ ầm ỹ bên dưới, tui tức cười bể bụng,” một bà khác bập bập điếu thuốc Cẩm lệ bàn góp.
    Chuyện ấy, tôi nhớ mãi.  Nhưng trời không chiều lòng người, ghét của nào trời trao của ấy.  Mặc dù tôi nhất định không dính dáng tới các cơ quan thiện nguyện đại diện tôn giáo, cơ duyên dun rủi khiến tôi được Cơ quan Di trú và Tỵ nạn Lutheran của đạo Tin lành tìm kiếm để bảo trợ.  Lúc ở bên nhà, tôi nghe nói mục sư Tin lành “Baptist” truyền giáo cho người Thượng trên vùng cao nguyên, nhưng chưa hề nghe tên “Lutheran.”  Trong trại Trại Pendleton, tôi học được Lutheran là giáo phái Tin lành lớn gắn bó chặt chẽ với giáo huấn của nhà thần học người Đức Martin Luther (1483 – 1546).  Ông là người đầu tiên hô hào phong trào cải cách đạo Thiên chúa, bác bỏ uy quyền của Giáo hội Công giáo La Mã và giáo hoàng, và khởi nguyên đạo Tin lành.
    Lutheran và Baptist, cùng với sáu giáo phái khác như Adventist, Anglican, và Methodist là tám giáo phái Tin lành chính ở Hoa kỳ.  Ngoài ra, còn có trên một chục giáo phái Tin lành nhỏ hơn như Quaker và Irvingian, và vô số tòng phái.  Các tòng phái rất đa dạng, thường bắt buộc hay khuyến khích giáo đồ theo một nếp sống khác biệt nào đó, và hành đạo dưới nhiều danh xưng khác nhau như “nhà thờ,” “quy ước,” “hội đồng,” “nhà,” “liên minh,” và “hội tín hữu.”  Những giáo phái và tòng phái Tin lành hoạt động riêng rẽ, độc lập với nhau, và có quy luật, tín điều, và cách thờ phượng riêng, tuy tất cả đều tin Chúa Giê-su là đấng cứu thế.
    Hôm nay là Chủ Nhật, ngày thứ ba tôi ở Bismarck.  Buổi sáng, ông Gardner đến đón gia đình tôi đi nhà thờ và cho biết tôi sẽ có một tiết mục trong buổi lễ.  Nhà thờ Ba ngôi Lutheran nằm cùng một khu phố với nhà tôi ở, qua khỏi sân sau là tới bãi đậu xe của nhà thờ.  Gia đình tôi ngồi ở hàng ghế dài đầu tiên trong nhà thờ với ông bà Gardner, ông là Chủ tịch ban Trị sự của nhà thờ Ba ngôi Lutheran.  Trong bộ áo lễ màu trắng viền đen trang trọng, Mục sư Nielsen đứng chủ lễ.  Lễ Tin lành ít theo nghi thức hơn lễ Công giáo tôi có dịp dự, và tín đồ hát thánh ca nhiều hơn.  Trong tiếng đàn đại phong cầm, lời thánh ca thanh thoát nhẹ nhàng mà tôn nghiêm.  Bài giảng của mục sư chú trọng quanh nghĩa vụ của tín hữu Thiên chúa giáo giúp đỡ nhưng kẻ khốn khó mà không mong đợi được đền đáp.  Đặc biệt, ông nói, những người cần giúp đỡ hiện tại là gia đình tỵ nạn Việt nam mới tới; đó là chúng tôi.
    Cuối bài giảng, ông Nielsen cầm một số báo Newsweek và đưa lên cao.  Cùng với tờ Time, Newsweek là một trong hai tuần san nổi tiếng phát hành tại Hoa kỳ và lưu hành khắp thế giới.  Số Newsweek đăng bài viết của Shana Alexander (1925 – 2005) về người tỵ nạn Việt nam, cô ký giả lo ngại họ chưa biết sử dụng máy giặt và máy sấy quần áo và không biết Michelangelo là ai thì làm sao sống nổi ở đất Mỹ.  Ông mục sư lên giọng,
    Bài báo này tượng trưng cho sự hợm hĩnh và lòng ích kỷ mà Chúa dạy phải lánh xa.  Hôm qua, Bà Nielsen và tôi thù tiếp gia đình tỵ nạn của chúng ta và được hưởng một buổi tối thú vị.  Họ là những người thông minh nhất mà tôi gặp, và hai cô gái nấu ăn tuyệt vời.  Ba Hoa, chúng tôi may mắn được có gia đình anh ở đây.
    Trên bục giảng kinh, ông Nielsen quay mặt xuống nhìn tôi; “Bà Nielsen” là bà Lorene vợ ông.  Tôi suy nghĩ về bài báo và nhủ thầm, học cách sử dụng máy giặt máy sấy không thể mất hơn dăm ba phút đồng hồ, sao làm như ghê gớm lắm?  Michelangelo là điêu khắc gia, họa sĩ, kiến trúc sư, và thi sĩ người Ý Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475 – 1564) sống vào thời Phục hưng ở Âu châu, công trình của ông gây ảnh hưởng vô song vào sự phát triển nghệ thuật tây phương.  Nhưng có phải người Mỹ nào cũng biết đến nhà nghệ sĩ đại tài này đâu, phần nào thôi chứ!
                           
    Tiếp theo, ông Gardner lên trình bày vắn tắt cuộc hành trình tìm tự do của gia đình tôi, ca ngợi chúng tôi là “những kẻ can đảm nhất,” gọi tôi là “người anh hùng” đã dẫn dắt gia đình đến nơi chốn an toàn, và cho biết cha mẹ đang ở trong trại Đồn Chaffee ở tiểu bang Arkansas và,
    Nhà thờ Ba ngôi sẽ tiến hành việc bảo trợ ông bà ra đoàn tụ với các con, một khi Ba Hoa kiếm được việc làm bảo đảm sự ổn định kinh tế cho gia đình.
    Nghĩa là muốn sớm gặp lại mẹ, tôi sẽ phải có việc làm càng sớm càng tốt.  Đến lượt tôi, tôi giới thiệu Quỳnh Châu và các em, cám ơn họ đạo đã bảo trợ và giúp đỡ chúng tôi trong bước đầu sống nơi xứ lạ, và ước vọng,
    Hôm nay chúng tôi là người tỵ nạn, nhưng chắc chắn ngày mai chúng tôi sẽ là những công dân xứng đáng, góp sức xây dựng Hiệp chúng quốc Hoa kỳ ngày càng tốt đẹp hơn.
    Sau lễ, chúng tôi theo ông Gardner xuống tầng hầm nhà thờ, vào một phòng hội lớn, dùng bánh ngọt và rượu táo hâm nóng và cà-phê, và gặp gỡ các người trong họ đạo.  Vừa vào phòng, các em tôi được mấy nhóm thanh niên trẻ cùng trang lứa chào đón và đưa về bàn mình trò chuyện.  Riêng Bình, không hổ là giáo sinh ban Anh văn của một đại học uy tín ở Việt nam, em duyên dáng và lưu loát kể chuyện di tản, và những người bạn mới kính phục nhìn em như muốn uống từng lời nói.  Ước chi tôi chụp được tấm hình cảnh nói chuyện đó để gửi cho tờ Newsweek.
    Tôi và Quỳnh Châu tiếp những người lớn tuổi hơn.  Họ bắt tay chúng tôi và chào mừng, chúc mừng, và chúc may mắn trong những ngày sắp tới.  Sau cùng, một anh khoảng ba mươi tuổi, người cao lớn dềnh dàng, và giọng nói oang oang đến tự giới thiệu là Mike (tên tắt của Michael).  Anh làm giáo sư trường trung học Bismarck và tuần tới sẽ lo việc ghi tên cho hai em Lâm và Trọng đi học; anh hỏi tôi,
                “Tôi đọc tập sách về người tỵ nạn Đông dương do bộ Ngoại giao phân phối thì thấy nói phần lớn người Việt ở trong những túp lều tranh ở ngoài đồng.  Điều này có đúng không?”
                “Đúng, nhưng vào khoảng . . . ba hay bốn trăm năm trước, ngày Hoa kỳ chưa ra đời.  Lúc ở trong trại tỵ nạn, tôi cũng đọc tập sách đó và vô cùng ngạc nhiên khi thấy một tài liệu do chính phủ Hoa kỳ ấn hành mà lại chứa nhiều dữ kiện quá ư lỗi thời đến thế.  Tôi xem phần tài liệu tham khảo thì thấy tác giả dùng toàn sách cổ do người Pháp viết từ thế kỷ thứ 17 hay 18,” tôi cười nửa miệng lắc đầu.
                “Tôi cũng thấy nói khi gặp các em bé thì không được xoa đầu vì đó là điều tối kỵ.  Tại sao?” Mike hỏi thêm.
                “Tôi không biết, có lẽ là tục kỵ vào một thời xa xưa nào đó.  Dầu sao cũng không nên xoa đầu một cậu bé và làm rối bù mái tóc của cậu ta,” tôi nói đùa.
    “Tôi không lấy làm lạ đâu Ba Hoa.  Ở xứ Mỹ này, ai cũng nói công chức quan liêu của chính phủ liên bang chẳng mấy khi làm được việc gì cho đàng hoàng,” Mike kết luận.
    Chiều Chủ Nhật, khách tới nhà tôi nườm nượp.  Người trong họ đạo mang tặng chúng tôi đủ thứ áo quần và đồ dùng trong nhà.  Áo quần được giặt sạch và gấp xếp thẳng thớm hay nằm ngay ngắn trên móc áo, phần lớn đã dùng một vài lần, nhưng có một số còn mới toanh và còn nguyên nhãn – với giá tiền đã được cẩn thận lấy ra.  Trong số các đồ dùng, những dụng cụ nhỏ như máy đánh trứng làm bánh, máy xay trái cây, bàn ủi, v.v. được đóng gói trong hộp nguyên thủy và còn tờ chỉ dẫn cách sử dụng.  Quà tặng đi kèm theo với những lời chúc lành thiết tha, những câu an ủy chí tình, và lời lẽ khiêm tốn khiến chúng tôi cảm động vô cùng.  Có người cám ơn chúng tôi đã đến và cho người Mỹ thấy tự do không phải tự nhiên mà có.  Một ông trạc dưới bốn mươi (sau này tôi mới biết làm bác sĩ) đưa cho tôi chiếc phong bì đựng tờ bạc một trăm đô la kẹp trong tấm thiệp ghi “A gift of love” (Món quà yêu thương).  Ông mong tôi nhận tiền mà đừng phiền lòng, vì đáng lẽ ông phải đưa tôi đi mua đôi giày mới.  (Có lẽ ông thấy đôi giày há mõm lúc tôi lên phát biểu ở nhà thờ.)
    Lần đầu tiên tôi hiểu thấm thía câu ngạn ngữ Pháp “Cách cho còn hơn của đem cho” (La façon de donner vaut mieux que ce qu'on donne), câu nói của nhà soạn kịch người Pháp Pierre Corneille (1606 – 1684).  Cùng với Molière và Racine, Corneille là một trong ba nhà soạn kịch vĩ đại nhất của Pháp vào thế kỷ thứ 17.  Từ cách cho của họ đạo, món quà quý giá nhất tôi nhận được hôm nay là tấm lòng nhân ái giữa người và người, không phải giữa người bảo trợ và người tỵ nạn.  Món quà ấy tôi dùng mãi dùng hoài trong đời, không bao giờ vơi cạn.
    Riêng về “món quà” phủ đầu của Shana Alexander, tôi cũng luôn luôn mang theo trong mình.  Nhờ cô mà trong suốt 37 năm làm việc và đi học ở North Dakota, tôi nguyện với lòng lúc nào cũng phải giỏi hơn người Mỹ trong hoàn cảnh tương tự – và tôi đã thành công.  Nhưng tôi không biết ơn cô hay tờ Newsweek.
    Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                                    Ngày 4 tháng Ba, 2020

                          ***

    ĐÁM CƯỚI NGOÀI BIỂN KHƠI

    Truyện ngắn của NGUYỄN NGỌC HOA
    Người chuyển thơ NGUYỄN SÁU

    Khoảng bốn giờ, là tôi đã thức giấc,
    Ngày nào cũng vậy, tôi rất quen giờ.
    Nằm trên giường bố, suy nghĩ vẩn vơ,
    Lại thêm một ngày, sao vô vị quá!

    Đêm tịch mịch, gió xuyên qua cành lá,
    Và Quỳnh Châu đang êm ả giấc nồng.
    Trên giường bố khác, đặt sát bên hông,
    Với hơi thở nhẹ nhàng, trông thanh thản.

    Bỗng có tiếng ai đó, nghe hốt hoảng,
    Từ căn trại cách đây khoảng không xa.
    Tiếng kêu cứu của một người đàn bà,
    “Cứu con tôi, bớ người ta, làm phước!”

    Tôi vùng dậy, mặc áo quần ra trước,
    Quỳnh Châu cũng bén gót bước theo sau..
    Chạy về hướng có tiếng kêu thật mau,
    Chui vào lều, và bắt đầu tìm hiểu…

    Một cặp vợ chồng trẻ, đang líu quíu,
    Chồng bồng bé khoảng sáu tháng, trĩu nặng lòng
    Còn vợ thì đang lo lắng khóc ròng,
    Kể tôi nghe về bé, trong nước mắt.

    Cháu bị sốt từ đầu hôm rất gắt,
    Khóc cả đêm, chúng tôi rất là lo.
    Đến giờ này hết khóc, nằm im ro,
    Nóng hừng hực, cháu lại đờ ra đó.

    Tôi liền bảo cho Quỳnh Châu được rõ,
    “Anh kêu cứu thương, em ở đó giúp anh”.
    Tôi cố hết sức, để chạy thật nhanh,
    Đến phòng trực, trình bày nhanh sự việc.

    Người hạ sĩ quan trực, gọi khẩn thiết,
    Mười phút sau, xe cấp cứu nhà binh,
    Đến ngay lều, để xem xét sự tình,
    Yêu cầu tôi, theo gia đình thông dịch.

    Chưa tới mười phút, xe đã đến đích,
    Bệnh viện Hải quân thuộc trại Pendleton.
    Ngôi nhà rất đồ sộ, trông hết hồn,
    Và mùi thơm làm tôi luôn nhớ mãi.

    Bác sĩ trực, sĩ quan Hải quân thì phải?
    Vì áo choàng trắng bên ngoài phủ che.
    Tôi thấy hơi quen, nhưng còn e dè,
    Ông đang chăm chú lắng nghe người má.

    Khám bé xong, ông chỉ cho y tá,
    Đắp khăn lạnh, để làm hạ nhiệt ngay.
    Tôi giật mình, thấy chuyện lạ lùng thay,
    Khác với Việt Nam, sao hay quá vậy?

    Ông giải thích cho vợ chồng hiểu lấy,
    Bé sưng phổi, nhiệt độ đẩy lên cao.
    Giờ đã ổn, cần giữ lại xem sao,
    Anh chị có thể cùng ở vào trong đấy.

    Nhìn vào ngực áo, tôi liền trông thấy,
    Tên “Robert Steeler” đúng đấy không sai.
    Là anh Rob tôi đã quen trước đây,
    Khi ở Nha Trang, hồi bảy năm trước…

    Thấy bịnh nhân quá đông, không hỏi được,
    Định ra ngoài, tìm xe ngược trở về.
    Anh vỗ vai, nói tiếng Việt thật khó nghe,
    “Èm Bà Hoa, rật vùi mưng được gắp”

    Rồi anh đổi sang tiếng Anh vì gấp,
    Rất tiếc, bịnh khẩn cấp quá nhiều.
    Xin hẹn em vào thứ bảy buổi chiều,
    Tôi và Vân có nhiều điều muốn nói…

    Chắc là chị Tứ Vân, tôi tự hỏi?
    Là cô giáo, có giọng nói rất hay.
    Lần đầu gặp, khi tôi thi Tú tài,
    Cô là một, trong hai người giám thị.

    Cô biết tôi bị thầy Cự nghi kỵ,
    Cố giữ cho tôi khỏi bị thầy đì.
    Muốn đuổi tôi, bất cứ lý do gì,
    Để tôi mất một kỳ thi oan uổng.

    Vì một lời đồn hết sức hoang tưởng
    Khi tôi học ở Huế, tưởng đã phai.
    Đám bạn tôi đã có lời chê bai
    Thầy nói tiếng Anh, không ai hiểu nổi.

    Vì giọng Huế, mà đã làm thay đổi,
    So với tôi, còn tương đối hay hơn…
    Vì lẽ đó mà thầy rất căm hờn,
    Đợi có dịp, sẽ trút cơn oán hận…

    Ba Mê Thuột tỉnh nhỏ, nên lận đận,
    Mỗi kỳ thi, phải xuống tận Nha Trang.
    Nơi có trung tâm thi của toàn vùng,
    Thành phố khang trang nơi vùng Duyên hải.

    Sau kỳ thi viết, thì giờ rỗi rãi,
    Đám con trai thăm bạn gái cùng trường.
    Đang tạm trú nơi biệt thự thật sang,
    Nhà quen của cô bạn tôi tên Kiếm.

    Và tôi lại tình cờ biết thêm chuyện,
    Cô giám thị tôi, đang hiện ở đây.
    Là bà “O” của cô bạn Kiếm này
    Du học Mỹ, thầy Anh văn Đồng Khánh.

    Ngày vấn đáp, cô sắp để tôi tránh,
    Gặp thầy Cự, sẽ bị đánh rớt ngay.
    Để cô hỏi tôi môn Anh văn này,
    Thật biết ơn, tấm lòng đầy bảo bọc…

    Xong Tú tài, tôi vào Sài Gòn học,
    Kiếm lấy chồng, tụ về gốc Nha Trang.
    Ba năm sau, ngay trong dịp hè sang,
    Nhớ nơi biển xanh, nắng vàng, cát trắng.

    Tôi ra thăm, và thật là may mắn,
    Gặp cô Tứ Vân, đã chuyển hẳn về đây.
    Dạy trường Nữ trung học Nha Trang này,
    Hiện sống chung với hai vợ chồng Kiếm.

    Vì mới sinh, Kiếm chưa đươc diện kiến,
    Tôi nói chuyện qua màn kín bao quanh.
    Theo tục lệ xưa, nàng phải thi hành,
    “Phải ở cữ, sau khi sanh cả tháng”.

    Mười ngày ở Nha Trang rất thoả mãn,
    Có cô Vân, thật chẳng quản công này.
    Đi chơi cùng anh Rob luôn bao ngày,
    Anh là Đại uý Bác sĩ Hải quân Mỹ

    Qua Việt Nam, theo chương trình “Dân vận”,
    Hổ trợ cho Dân y viện Nha Trang.
    Được đặc biệt từ bên Mỹ gởi sang,
    Đoàn công tác được mang tên MILPHAP.
    (Military Provincial Health Assistance Program)

    Hai người học chung Đại học Texas,
    Tại Arlington, thuộc tiểu bang Texas.
    Họ quen nhau, và cũng rất yêu thương,
    Xong khoá học, cô lên đường về nước.

    Rob theo chương trình Hải quân từ trước,
    Chi phí đại học được Hải quân lo.
    Xa người yêu, anh cảm thấy buồn xo,
    Nhưng phải học để cho thành Bác sĩ.

    Anh tình nguyện vào MILPHAP của người Mỹ,
    Qua Việt Nam, mục đích chỉ được gần,
    Người mình yêu để nâng đỡ tinh thần.
    Anh hết lòng vì cô Vân tất cả…

    Tự học tiếng Việt, đọc hiểu rất khá,
    Thiếu thực hành, nên nói quá vụng về.
    Bỏ dấu không đúng, nghe thật ngô nghê,
    Rất buồn cười, và khó nghe hết sức.

    Qua tiếp xúc, tôi biết được tin tức,
    Tình hai người bị áp lực rất găng.
    “Làm me Mỹ” gia đình cố can ngăn,
    Cô Vân khó vượt qua “lằn” lễ giáo…

    *
    *     *

    Trưa thứ bảy, tôi được loa thông báo,
    Đến bộ chỉ huy, có khách bảo muốn thăm.
    Cô Vân y như trước đây bảy năm,
    Mái tóc dài bồng bềnh và đen láy.

    Người vẫn trẻ trung, như thời con gái,
    Tôi vui mừng, liền nắm lấy tay cô.
    Và vội vàng lên tiếng hỏi thật to,
    “O qua hồi nào? O khi mô cũng đẹp”.

    “O bà lo xo”, đâu có ai cho phép?
    O của Kiếm, sao lại ghép với Ba Hoa?
    Gọi bằng chị, cho tôi thấy trẻ ra,
    Chứ kêu O nghe thấy già lắm đó.

    Chị thì chị, chứ tôi đâu có sợ,
    Đây là Quỳnh Châu, mụ vợ đáng yêu.
    Tôi đã lây hồn nhiên của chị nhiều,
    Phong cách Huế, đó là điều đáng quý…

    Qua giỏ thức ăn, chứa đầy hương vị,
    Mà anh Rob đã chuẩn bị sẵn sàng.
    Cùng chúng tôi, trong hoàn cảnh khó khăn,
    Tìm đến tàn cây, ngồi ăn picnic.

    Và mở đầu, chị Vân kể cho biết,
    Cuộc hành trình đầy thống thiết ưu tư.
    Khi Nha Trang thất thủ, đầu tháng tư,
    Chị chạy vào Sài Gòn từ lúc đó.

    Ở tạm nhà người bà con trong họ,
    Ba Má chị vẫn chưa rõ ra răng.
    Có nghe tin, họ đã vào Đà Nẵng,
    Nhưng rồi từ đó, chẳng được tin nữa.

    Phần anh Rob, thì ruột nóng như lửa,
    Biết miền Nam đã sắp sửa lâm nguy.
    Lo tìm cách bay qua đó tức thì,
    Đón người yêu, để đưa đi về Mỹ.

    Từ bịnh viện, xin ba mươi ngày nghỉ,
    Nhưng khó khăn cho các vị sĩ quan.
    Vô Sài Gòn lúc này không phải dễ dàng,
    Phải có sự vụ lệnh rõ ràng mới được.

    Chuyện bị phạt, tôi có thể biết trước,
    Thà chịu tội, hơn bội ước với lòng.
    Vì lúc này, tôi rất là trông mong,
    Gặp được người yêu đang trong bối rối…

    Và Pan Am cho tôi chuyến bay cuối,
    Vào Sài Gòn ngày hai bốn tháng tư.
    Thật may mắn, tôi tìm được “tiểu thư”,
    Anh nói tiếng Anh, như ai cũng biết.

    Còn ba chúng tôi líu lo tiếng Việt,
    Câu đầu tiên của chị biết sao không?
    “Về đây làm chi, muốn chết hở ông?”
    Về đón em đi, nếu không anh ở lại…

    Bị Việt Cng bắt anh cũng chẳng ngại,
    Hết nước nói, khỏi tranh cãi làm chi.
    Cuốn gói theo ông tướng “gan cóc tía ni”,
    Chị tình tứ vịn tay anh, khi cho biết.

    Vân bằng lòng, tôi vui mừng khôn xiết,
    Đến toà Đại sứ, cũng thiệt là may.
    Tôi đưa thẻ MILPHAP hết hạn lâu ngày,
    Đang hối hả, không ai nhìn kỹ lưỡng.

    Họ liền đẩy chúng tôi lên sân thượng,
    Đã có chiếc trực thăng đương chờ đây.
    Để đưa nhân viên ra thẳng USS Midway,
    Thế là chúng tôi liền bay khỏi Việt Nam…

    USS Midway là hàng không mẫu hạm,
    Thuỷ thủ đoàn có khoảng bốn ngàn người.
    Phi cơ có đến một trăm hai  mươi,
    Đã hai lần tham chiến nơi phía Bắc.

    1965  yểm trợ oanh tạc miền Bắc
    1972  tham gia công tác gài mìn
    1975  trở lại đây theo lịch trình
    Của chiến dịch “Gió Thường Hay Thổi”(Frequent Wind)

    Để di tản gấp nhân viên dân sự,
    Gồm Mỹ, Việt, được tuần tự bốc đi.
    Trong những ngày cuối cùng của tháng tư,
    Lượng trực thăng bay ra tàu, như chim biển.

    Chị Tứ Vân bồi hồi kể lại chuyện:
    Trực thăng Mỹ, thì đi về thường xuyên.
    Còn Việt Nam, thì chở gia đình riêng,
    Cũng xin đáp xuống liền liền tới tấp.

     Nhân vật quan trọng và nổi bật nhất,
    Là ông “Phó Kiền”, thấy rất hào hùng.
    Bộ đồ bay xám, bó sát lạ lùng…
    Râu mép “kẽm”, chị đã từng trông thấy.

    Hùng tráng và cảm động nhất trong đấy,
    Là cuộc hạ cánh của người lái L-19.
    Loại máy bay nhỏ, chở có hai người,
    Chỉ dùng để liên lạc và thám thính.

    Thiếu tá “Bảnh” chở hết cả gia đình,
    Gồm một vợ và năm con của mình,
    Từ Côn Sơn đến, sự tình khó khăn.
    Mẫu hạm phát lệnh ngăn không cho đáp.

    Vì L-19 không thể giảm tốc gấp,
    Và phi công chưa được tập cách này.
    Đáp xuống biển, là giải pháp rất hay,
    Sẽ có cano đến liền ngay để cứu.

    Họ liên lạc vô tuyến, nhưng vô hiệu,
    Chiếc L-19 bay quanh tàu nhiều vòng.
    Cố thả giấy xuống, nhưng không kết quả,
    Vì gió thổi, đưa giấy bay đi xa.

    Phải đợi mãi cho đến vòng thứ ba,
    Giấy quấn quanh súng, bỏ vào bao da.
    Rơi đúng boong tàu, mở ra thấy viết:

    Tôi có thể đáp trên phi đạo tàu,
    Xin làm ơn di chuyển trực thăng mau.
    Tôi còn nhiên liệu, đợi một tiếng sau,
    Làm ơn cứu chúng tôi theo yêu cầu.
    Thiếu tá Bảnh vợ và năm con.

    Hạm trưởng Midway chấp nhận yêu cầu ấy,
    Và cho lệnh, cùng nhau đẩy trực thăng
    Rơi xuống biển, để dọn trống đường băng,
    Toàn thuỷ thủ, cố đẩy bằng mọi cách…

    Cả mấy chục trực thăng được dọn sạch,
    Chi phí tính ra, cả chục triệu đô la.
    Cuộc hạ cánh ngoạn mục, được diễn ra,
    Mọi người hoan hô, quả là đáng phục…

    Anh Rob cười nhẹ, và nói tiếp tục,
    Chuyện hay nhất, là lúc tôi kết hôn.
    Ngay trên tàu, mới thật là hết hồn,
    Siết tay anh, tôi tôn vinh thể hiện.

    Thì ra anh chị cưới nhau trên biển?
    Chúc mừng anh chị, sáng kiến thật hay.
    Xưa nay chắc không có thấy được ai,
    Làm đám cưới như thế này, lạ quá…

    Xuống Midway, hai đứa ở hai ng,
    Anh Rob là sĩ quan, đã có phòng.
    Chị là tỵ nạn, nên quá long đong,
    Khi phòng lính, khi ra boong để ngủ…

    Anh không muốn giống “Ngưu lang Chức nữ”
    Nên đề nghị, hai đứa “thử” cưới nhau.
    Lấy quách cho xong, khỏi đợi chờ lâu,
    Chị Vân cười, như có màu e lệ…

    Quỳnh Châu khen “Tụi em thật quá nể”,
    Cảnh hỗn độn, mà có thể thành hôn.
    Khó khăn chi mô, chỉ cần có hai “ôn”
    Hạm trưởng, Mục sư tuyên uý không phản đối.

    Đã cho anh chị có được cơ hội,
    Nên tiến hành liền, không đợi chờ lâu.
    Lễ cử hành trong nguyện đường của tàu,
    Mục sư tuyên úy, đứng đầu hành lễ.

    Chị mặc áo dài, cho ra người Huế,
    Họ nhà gái, thì không thể tìm ai.
    Chỉ gia đình phi công quen trước đây,
    Nhẫn cô dâu, cũng chị này cho mượn.

    Rob mặc đại lễ Hải quân, rất ấn tượng,
    Cùng nhẫn cưới, đều mượn của Ba anh.
    Ông là Đô đốc, rất có quyền hành,
    Trong Đệ thất Hạm đội, riêng dành đặc biệt…

    Chị nắm tay anh, tỏ tình thắm thiết,
    Anh đáp trả bằng tiếng Việt như sau:
    Một tí connection, tiềng Viết mịnh cọ cấu,
    Còn ông chàu cha, cũng đâu dễ có.

    Anh lại nói thêm tiếng Anh cho rõ,
    Ông già tôi là Đô đốc George P. Steeler.
    Chức vụ then chốt Đệ thất Hạm đội đó nghe,
    Ông bay trực thăng riêng đến USS Midway.
    Từ soái hạm USS Oklahoma City,
    Với mục đích, chỉ để dự lễ cưới…

    Nhìn thấy anh với nụ cười rạng rỡ,
    Chúng tôi có cảm tưởng, ngỡ như là,
    Vừa mới được nghe qua “chuyện cổ tích”.
    Chuyện tình hai anh chị, thật là thích,
    Đầy bất ngờ như thảm kịch Việt Nam.
    Không biến cố, chắc khó làm đám cưới…

    NGUYỄN SÁU
    23 May 2020
     ***









                                     

     
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top