728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    THÁNG 4 ĐEN,HÀNH TRÌNH TỊ NẠN NHÓM HÀ NGỌC MỸ HÂN KÍNH MỜI CHIA SẺ HỒI KÝ: CON ĐƯỜNG SINH TỬ (2) CỦA HÀ NGỌC

     THÁNG 4 ĐEN,HÀNH TRÌNH TỊ NẠN NHÓM HÀ NGỌC MỸ HÂN KÍNH MỜI CHIA SẺ HỒI KÝ: CON ĐƯỜNG SINH TỬ (2) CỦA HÀ NGỌC


    CON ĐƯỜNG SINH TỬ

     ·        27 - 4 – 1983 : Mặt trời đỏ thẳm phía chân trời, đang thoi thóp trên vịnh Thailand. Hoàng hôn như cô gái ươm mơ bẻn lẻn sau rèm, thì thầm với ánh nắng chiều còn sót lạị .

       Đêm xuống thật nhanh. Tôi nắm chặt thành lan can tầng nhì của giàn khoan dầu Panama giữa biển khơi, mắt đăm chiêu hướng về Việt Nam. Niềm sung sướng len nhanh trong hồn xóa dần gần 8 năm bôn ba, nhục nhằn, tù tội, quyết tâm và liều mạng bước xuống chiếc thuyền định mệnh sinh tử vào đêm 24-4-1983…Gió thỉnh thoảng thổi mạnh, làm những đợt sóng có vẻ giận dữ, mỗi khi lướt qua các cột giàn khoan chênh vênh mong manh. Bất giác, tôi rùng mình nhớ lại mình vừa diễn xong một màn xiếc 3 ngày 2 đêm đi trên dây tử thần đến bến bờ tự do như một phép lạ. Cái chết đe dọa thường trực mà lại tức cười. Nghe kể chắc ai cũng nghĩ, người viết rất mê tính dị đoan…


    (ảnh minh họa)

           Chúng tôi, 24 người trên chiếc ghe tam bản không mui, 8m50 . Xuất phát từ cửa VÀM RĂNG, Sóc Xoài thuộc  Hòn Đất Rạch Giá. Không la bàn, không bản đồ, anh tài công nghiệp dư, cho chạy 2 máy cùng một lúc: 1 máy xăng BS9 , 1 máy dầu Nhật 2 loc cổ lổ sỉ, nên ghe phóng khá nhanh, chừng hơn 30 km còn trong vòng kềm tỏa ,bất ngờ anh tài công la lên:

           -Chết rồi! “ Típ-tam-bua” bị phá nước! Nước vào khoan nhiều lắm rồi! Tát mau! Kẻo ghe chìm…

             Nghe thế, thoáng trong đầu, tôi nghĩ ngay đến cái chết thật âm thầm vô vị…Vì chưa tới đâu vào đâu mà ghe đã hỏng. Tuy nhiên, tôi bình tỉnh nói nhanh:

           -Yêu cầu bà con giữ vị trí, đừng chộn rộn hoặc bàn tán, để chúng tôi lo.

    Ghe ngừng lại . Đàn ông cấp thời tát nước.Tài công Hiếu loay hoay sửa một hồi không xong, đành nhảy xuống biển, thật vất vả mới làm cho nước bớt vào. Mọi người vừa hoàn hồn, thì chị Lan bật nhỏm dậy, cuống quít nói không thành tiếng: -Trời! Trời! Nước vô ngay dưới chân tui nữa nè!

    Một người khác cũng hốt hoảng: -Ấy chết! Bên này nữa, ướt đồ tôi hết rồi!

    Ai cũng rụng rời tay chân. Bởi ghe quá khẳm. Nếu ngưng tát nước 3 phút là ghe chìm ngay. Anh TNH lách người đến xem. Những chỗ nước vào, do trét đường chai không kỹ, nên lấy giẻ rách nhét tạm thời…99 rưởi phần trăm bỏ mạng, nhưng không ai hé răng đòi quay về. Vì trước khi khởi hành, tôi và anh PNH đã giao kết: -BẰNG MỌI GIÁ,CHẤP NHẬN LAO VÀO CÁI CHẾT KHÔNG THAN VAN…

    Ghe tiếp tục dong rủi trong tình trạng cầm cự chiến đấu với tử thần. Nét mặt người nào người nấy xanh lè căng thẳng tột độ, không còn chút máu. Hơn nữa, không xa lắm, nhiều chiếc quốc doanh đánh cá đang rọi đèn kéo cào, buông

    lưới sẵn sàng đuổi theo khi phát hiện ghe, tàu vượt biển. Hầu như mọi người đều cầu nguyện…

           Chiều hôm sau, đang lái, Hiếu chỉ tay về phía trước mặt, mừng rỡ kêu lên:

    -Gần tới đảo Thổ Chu rồi bà con ơi! Đến hải phận quốc tế, mình sẽ cầu cứu …Niềm vui nở hoa trong vực thẳm. Chúng tôi đang xa dần nỗi thống khổ quê hương, nhưng cận kề cái chết trong gan tấc. Tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc dù phải nằm xuống giữa lòng biển sâu…thấp thoáng bóng tự do …

    Cứ mãi mê ngắm núi Thổ Chu đẹp yêu kiều, quên phắc sau lưng hiểm nguy, đến khi Dũng đang tát nước, đập mạnh vai tôi gọi: Xem kìa! Có 2 chiếc tàu đánh cá theo sau. Tôi chưa kịp nói gì, anh Phạm N H hối hả giục: -Cho chạy hết tốc lực , tụi nó nhả khói đen rượt mình đó. Hiếu kéo cần ga tối đa …ghe lướt sóng bạt mạng…

    Chúng càng lúc càng gần, hai bạn cựu quân nhân sợ quá, móc giấy tờ vứt xuống biển…Tuỳ cơ ứng biến, tôi nghĩ …Đang lúc hồi hộp, tưởng chừng nghẹt thở …anh PNH dặn dò:

    Nếu bị bắt, chúng ta phải khai thế này…thế này…Nỗi tuyệt vọng hiện rõ trên đôi mắt mọi người và dường như sự cầu nguyện linh thiêng…Đột nhiên , mũi tàu chúng đổi hướng, ai cũng thở phào, trút đi gánh nặng nghìn cân nhưng nhiều thắc mắc …tại sao chúng không bắt  mình? ..có lẽ …

           Thoát nạn, anh em mệt nhoài, chỉ có 3 phụ nử, 4 trẻ con phó thác trong giấc ngủ chập chờn. Màn đêm phủ xuống lúc nào không hay. Tôi bàn giao ca tát cho 2 người khác xong, định nhắm mắt một chút dưỡng sức, chợt Hiếu báo động:- Không được rồi anh HL ơi! Sóng bắt đầu cấp 4, cấp 5, không đèn, đi nữa là tự sát, mình liều đi khác nào làm bạn với diêm vương. Ghe vô nước, khẳm, bị tàu quốc doanh rượt…hiện giờ gặp sóng lớn vào ban đêm, ”tài công” lái, ban ngày nhìn mặt trời, ban đêm nhìn sao trên trời…Vậy phải làm sao? Tôi hỏi Hiếu ngay. Anh ta đáp vội: -Tốt nhất mình nên bỏ neo, nghỉ đêm naỵ, tới đâu hay tới đó. Thật sự, không còn cách nào khác!...

    Tử thần đang gõ cửa chúng ta…

           Ghe đong đưa mạnh, hụp lên hụp xuống theo sóng cuồn cuộn gầm gừ hơn hổ đói. Cảnh tượng hãi hùng này thoáng chốc làm tôi bất lực…Suốt đêm, nghe như có oan hồn gào thét xung quanh, nhiều lần tôi  bụm mặt không dám nhìn từng đợt sóng lớn nhồi, phủ chụp lấy chiếc ghe tí teo …Anh PNH ngồi bên cạnh, mắt nhắm nghiền, tay lần hạt chuỗi …Tôi tự an ủi đành phó thác phần số…

           Mong thời gian vỗ cánh qua mau, còn kim đồng hồ cứ ù lì chỉ 5:AM, phía đông ưng ửng đỏ…Hy vọng tràn đầy…

    Chúng tôi nhổ neo tiếp tục dong ruổi…chẳng bao lâu sau, chúng tôi qua khỏi Thổ Chu, thấy ngay một chiếc tàu ngoại quốc thật to đang chạy chầm chậm gần đảo, cờ trên tàu phất phới bay, không rõ của nước nào.  Đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, mà thấy tàu như gặp đươc cứu tinh. Vài người reo lên: -Tàu vớt tị nạn đó! Mau mau làm hiệu S.O.S , Vinh lấy áo trắng cột vào một đoạn cây nhỏ quơ liên tục. Mãi lo cầu cứu, quên tát nước, anh PNH la to:  -Trời ơi! Phụ tôi tát mau! Hãy tự cứu mình trước đã! Chuyển hướng đừng đến tàu đó! Ai cũng ngạc nhiên hỏi: Sao vậy? Anh giải thích: -Các bạn nên nhớ rằng, tàu nước tự do không bao giờ dám đến gần Thổ Chu, họ có đường hải hành quốc tế. Chỉ có tàu của các nước cs mới ngang nhiên vào hải phận VN…

           Dù tinh thần căng thẳng, tôi bật cười hỏi -Có lẽ, tàu Liên sô đấy! Ai muốn đi Moscou giơ tay lên? Trung (CQN) hay tếu, đáp: -Tiếc nhỉ, tôi thích đi “bún-ga-ri” cơ! Anh em cười ồ! Tiếng cười công hiệu tuyệt vời pha lẫn gió biển khơi làm dịu cơn nóng thần kinh của mọi người.9: AM. ghe đến vịnh Thailand. Một chiếc tàu đánh cá Thái, từ xa tiến về phía chúng tôi. Đang chiến đấu sinh tử giữa trùng dương làm chúng tôi không còn lo sợ hải tặc, chuyển mủi ghe nhắm ngay họ, mong được họ cứu…

    Thay vì, gặp tàu Thái phải lánh xa, đằng này, ghe chúng tôi băng băng xấn tới, làm họ hoảng( ?)chuyển hướng phóng mất dạng. Thất vọng nhìn quanh, có một chiếc khác, thấy chúng tôi xăm xăm đến, họ bỏ chạy. Chúng tôi đuổi theo, giương cờ trắng, nhưng vô hiệu.

           10 giờ. Phát hiện một điểm nhỏ tít xa, đoán già non sẽ gặp đảo, nét mặt mọi người rạng rỡ, niềm vui chớm nở. Bỗng trời chuyển mây đen cho thuỷ sa phía trước. Mưa rơi mịt mùng, càng lúc càng gần làm hy vọng vụt tắt bởi đại họa sắp ập lên đầu chúng tôi. Làm sao tát kịp khi mưa như trút xuống?  Tôi than thầm: -Trời không mưa còn tát muốn khùng, huống hồ …thế nầy! Đường cùng đây rồi! Tài công Hiếu biến sắc, lắc đầu…

           Trời giết mình rồi anh HL ơi! Tôi thở dài muốn ứa nước mắt: Tiếc chi thân xác này, chỉ buồn chưa đóng góp gì cho quê hương…Ghe vẫn lao vào sinh tử…Tiếng cầu nguyện của mọi người nho nhỏ thì thầm…bỗng như phép lạ, cơn mưa còn cách chúng tôi khoảng 50m, đột nhiên ngưng hẳn. Rồi mưa ào ào phía sau lưng ghe. Kỳ diệu thay! Kỳ diệu thay! Tôi lẩm bẩm một mình, cảm ơn đức mẹ Quan Thế Âm đã che chở (?) Chuyện khó tin nhưng có thật!...


    (Ảnh minh họa)

           12 giờ trưa, giàn khoan dầu hiện rõ. Ôi! Còn sung sướng hạnh phúc nào hơn lúc này?! Lương thực và dầu sắp cạn, sắp chết đuối, vớ được phao! Chúng tôi ra hiệu cấp cứu và cho ghe cứ tiến qua vòng phao cấm của giàn khoan. Họ dùng ống dòm quan sát, chúng tôi thản nhiên chạy vào, nhưng họ không phản ứng gì. Một chiếc tàu lớn hiệu Panama neo ngay đó. Họ ra dấu cho chúng tôi cập sát tàu.

           Nhiều người ngoại quốc hiếu kỳ ra xem, thấy ghe chở khẳm, có đàn bà, trẻ con, đàn ông thanh niên đang hì hục tát nước. Họ lắc đầu lia lịa, tỏ vẻ thương hại. Đồ ăn, thức uống ,một ít quần áo, họ thảy xuống và nói: -Chờ một chút, sẽ có người đến tiếp nhận các bạn. Quả nhiên, 5 phút sau, một chiếc tàu Phi luật Tân nhỏ đến đón chúng tôi. Thật bồi hồi, tôi nhìn con “ngựa què” chìm nhanh, cảm ơn ngươi giúp ta đến vùng hồi sinh.

           30 -4-1983 : Kỷ niệm QH trên giàn khoan PANAMA .

                         Chúng tôi và bốn nhóm người ghe khác được ở tạm trên giàn khoan. Nghe nói, họ sẽ chuyển tất cả đến “xà lan” gần đó. Hôm nay, không hẹn mà gặp, không mời mà đến, chúng tôi ngồi lại với nhau, thắm tình như ruột thịt, để tưởng niệm ngày oan nghiệt của dân tộc VN: 8 năm trong XHCN bôi đen lịch sử, tắm máu miền nam dấu yêu. Là giây phút thiêng liêng nhất, chúng tôi nhớ lại bài học phản bội tàn nhẫn của đồng minh. Là vết chém sâu quắp sau lưng quân đội VNCH, luôn nhức nhối mưng mủ…

    Khoảng mười CQN ngồi lại với nhau ôn những đau thương mãi ngun ngút trong lòng…Chỉ một ít bánh ngọt và nước đun sôi mà cảm thấy ấm cúng kỳ lạ. Anh em nhạt nhòa với quá khứ trở về đầy máu và nước mắt. Tưởng nhớ những chiến hữu anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc trước và sau ngày Quốc Hận 30 tháng tư 1975…

    Lực, trẻ tuổi nhất, phá tan không khí yên lặng: -Tôi đề nghị anh NHDiệm phát biểu cảm tưởng trước tiên vì anh là cựu thiếu tá có cấp bậc cao nhất ở đây. Khuôn mặt anh sạm nắng Cao Bằng khắc khổ, anh NHD khoát tay:- Thôi mà! đến giờ phút này gọi tướng với tá gì nữa. Cái ngày tủi nhục đó, đâu có thằng cán ngố nào đưa tay gở lon mình mà chính chúng ta sợ hãi tự vứt nó đi rồi làm cả sấp giấy BẢN THÚ TỘI với kẻ thù thì không có lý do gì chúng ta còn hãnh diện với nó nữa cả. Cùng cảnh ngộ ngày nào, coi như nhau thôi…thật thấm thía, một số lãnh đạo chúng ta đã nhanh chân bỏ lại đàn em…

    Hoàng gật gù ngắt ngang: -Đúng! Chí lý! Buồn thay …Anh hùng khi khấp cũng khoanh tay…khí phách còn không của người ngả ngựa, bẻ kiếm ngang trời, phiêu bạt gió sương xứ người…Hớp một ngụm nước lấy giọng, anh NHD  đăng đắng ươm buồn:

    -Hôm nay, chúng ta đã thực sự thoát nanh vuốt vc, vừa trải qua chuyến hành trình kinh hoàng, tôi nghĩ mình như được tái sinh một kiếp khác. Năm tháng bị nhục hình, bạn bè chết thê thảm trong tù, cứ nhoi nhói mãi trong đầu …Tôi không có cơ hội vào chiến khu,  đành phải ra đi. RA ĐI KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ HÈN NHÁT, NẾU CHÚNG TA CÒN TRĂN TRỞ,TOAN TÍNH QUANG PHỤC QUÊ HƯƠNG! KHÔNG VÌ BƠ SỮA, VẬT CHẤT CÁM DỖ LÀM LƯƠNG TÂM HÓA ĐÁ, QUÊN ĐI ĐIỀU GỬI GẤM THIÊNG LIÊNG CỦA DÂN TỘC. HAY CÒN TỆ HƠN NỮA, NGỒI SALON KHUA BA TẤC LƯỠI PHỤC QUỐC, TỊ HIỀM, KHÍCH BÁC ĐÂM CHÉM NHAU…CHÚNG TA PHẢI THỰC SỰ DẤN THÂN VÀ TRONG SẠCH…

    Trung, chưa già mà trán đã nhiều nếp nhăn, tiếp lời: -Con đường phía trước mặt, theo tôi nghĩ rất là chông gai. Làm người dễ biến chất trước cám dỗ giàu sang…Tôi mong đến nước thứ ba sớm để xem đàn anh của chúng ta đã thực hiện được những gì?

    Lần lượt phát biểu, nhiều cảm tưởng rất đáng ghi nhớ, người nào cũng đầy ắp kỷ niệm đau thương, sẵn sàng lên đường trả thù…Tôi thầm nghĩ: -Hai chữ ĐỒNG TÂM, ĐOÀN KẾT quá quí giá, xưa nay chỉ tô điểm ở cửa miệng…Mấy ai biến nó thành sự thật ???

    Lực chợt đứng lên: -Tôi đi nấu thêm nước, tới tiết mục văn nghệ rồi, xin mời các ông ca sỡi lên sân khấu! Nhiều tiếng cười và nói phụ họa, không khí trà đàm bắt đầu vui hẳn lên…

    Một số phụ nữ và trẻ em nghe nói hát hò cũng xúm lại “mua vé” thưởng thức . Cường tình nguyện làm hoạt náo viên. Vài người tiếp lời: -Ai cũng phải đóng góp hết cho thêm phần sôi nổi. Hát tưới hột sen, hay kể chuyện tiếu lâm…cho vui thôi mà …

    Hoàng đề nghị: Người nào trả nợ xong có quyền chỉ định người khác…Trung mở màn bằng ca khúc: ViệtNam ViệtNam. Tất cả cùng vỗ tay theo. Gây hào hứng,phấn khởi, Chiến nối tiếp với Việt Nam quê hương Ngạo nghễ bằng giọng trầm hùng, nghiệp dư, nhưng khích động lòng“chiến sĩ” dễ sợ! Một tràng pháo tay vang lên tán thưởng,yêu cầu: bis,bis…Nhưng anh từ chối. Đến phiên Dũng, cáo lỗi trước: -Em vốn giọng vịt cồ, bài ca không thuộc hết,miễn cười cho, hát bài: 20 mươi năm sau… Để thay đổi không khí, tôi ngâm một đoạn trong tập:THƠ,NHẠC TRƯỜNG HẬN CA 30/4. Rồi anh NHD kể chuyện tiếu lâm. Cường thì cười 6 kiểu. Lực châm biếm, chuyện xã nghĩa…

    Hoàng kết thúc chương trình đầy ý nghĩa qua ca khúc: Không bao giờ quên anh…

                  (ảnh minh họa)

    01-5-1983  Sáng sớm, 80 người từ giàn khoan được chuyển sang sà lan. Bước lên đó, một cảnh ngổn ngang, dơ bẩn hiện ra trước mắt làm ai cũng chới với, đứng nhìn nhiều đống cột, ván thông, chất chồng lên nhau bừa bãi, nhớp nhúa, rác rưởi đầy trên sàn. Chiếc xà lan dài khoảng 25m, ngang 7m. Neo cách giàn khoan chỉ huy chừng 1km. Một bà đang bồng đứa con nhỏ, nhăn nhó nói với chồng:

           -Trời ơi! Như thế này làm sao sống nổi? Nội cái nắng chang chang cũng đủ chết rồi! Họ đem con bỏ chợ thiệt mà! Biết “dì” tui có thèm đi đâu! Ông chồng ôn tồn, an ủi: -Chưa chi bà đã chán nãn. Cái gì cũng từ từ. Có lẽ, họ cho mình ở tạm, chờ làm thủ tục, tôi nghe nói mình chỉ nghỉ ngơi ở đây dăm mươi ngày thôi, rồi vào Songkhla, đợi chuyến bay đi Mỹ…Hồi còn ở VN,cực khổ dường nào bà không than mà …

    Hứ một cái, bà vợ cướp lời: -Thôi đi ông ơi! Đời mỗi lúc mỗi khác, ông cứ khư khư ôm quá khứ hoài sao?! Thấy nhiều người lăn xăn, khuân vác đống cây, ông chồng hối hả bảo vợ: -Bà coi chừng hai đứa nhỏ, đừng cho tụi nó chạy lung tung, tôi đi kiếm cây về làm lều…Mỗi nhóm ghe, chia nhau chọn chỗ hai bên thành sà lan. Nắng nung nóng bỏng sàn, đi chân đất không tài nào chịu nổi. Đến xế,các lều tạm xong, chỉ che nắng, nếu mưa đành hứng trọn. Phụ nữ rộn ràng lo nấu cơm, có nước ngọt giàn khoan cung cấp hai tanks, 2 bao gạo, 4 thùng cá hộp nhỏ. Xài tự do…Đặc biệt không có nhà tắm cho quý cô, bà. Cũng may, lúc này đêm tối đen, các nường tha hồ kì cọ…

           Từng nhúm người trò chuyện râm ran giữa trùng dương lạnh lùng hòa nhịp tiếng sóng gió, nghe như muôn nghìn oan hồn kêu thét quanh đây…Bỗng tiếng ai cắc cớ giễu: -Trời tối như mực thế này, ngủ san sát nhau, khuya nhỡ mắc tiểu, dám có người lộn mùng lắm!!! Cả đám phá lên cười…Một bà ngồi gần đó ngứa miệng :

    -Ừ thử coi!  Ai chết biết liền!…Câu chuyện liên tục chuyển sang đàm tiếu đánh ghen …

            03-5-1983 

         Mờ sáng, gió cuốn theo hơi sương. Mọi người còn say ngủ. Tôi nhè nhẹ rời khỏi mùng ra phía đầu sà lan làm vài động tác thể dục. Mặt trời màu huyết dụ, nhẹ nhàng hôn chân mây. Biển như tình nhân tuyệt vời chờ đợi…Tóc rối bay bay theo gió dỗi hờn tạo thành bức tranh bình minh ưu việt vô thượng…Tôi đang say mê tỏ tình với thiên nhiên rực rỡ, thì nghe tiếng cằn nhằn của chị Tư láng giềng, từ phía sau xà lan đi lại: -Không còn một chút nước xúc miệng! Xài “dì” mà quá trời quá đất, bữa nay cho nhịn đói hết, khỏi nấu cơm…

    Vượt biển với con gái ba tuổi, chị Tư còn trẻ, khoảng 25,trông  mướt rượt. Chẳng thấy chồng đâu, chị ăn cơm chung những người cùng ghe. Giọng bực mình của chị đánh thức nhiều người, làm vang lên vài tiếng chửi đổng đâu đó.. Tôi đi lại nơi chứa nước, nhìn vào đáy tank, còn một ít nước cặn. Ai cũng tới ngó qua, lắc đầu, bỏ đi. Mấy chàng thanh niên chửi thề, văng tục. Có hai bạn trẻ vừa đi vừa bảo nhau:

    -A! Mình lại bà Năm lé xin nước, chiều qua, tao thấy bả chứa nhiều lắm!

    Chưa kịp mở miệng, bà Năm đã chận họng, xẳn lè: -Nảy giờ quá xá người tới xin, tôi cho cả sô rồi! Còn chút đỉnh để nấu cơm, tắm, giặt. Một cậu năn nỉ: -Thôi mà dì năm làm ơn làm phước, cho con xin một ca thôi. Bà gắt gỏng: -Hỏng được đâu! Đằng bà Hồng thiếu gì kìa …

    Cậu kia nổi nóng la lớn: -Bà sao mà ích kỷ quá dzậy bà nội! Nước không còn để xúc miệng, nấu cơm, bà dành để tắm giặt, bà con nghe được hong?

    Bà năm lé tức mình đứng dậy xỉa xói, chanh chua:-Tụi mày không biết lo, câm cái mồm thúi đi. Đừng tới đây xin xỏ. Sáng sớm muốn tao chửi mở hàng hả?...

    Chồng bà năm đứng bên cạnh chết trân sượng sùng. Chú Ban, lều đối diện, bước qua hòa giải, thâm thuý :-Thôi chị Năm à! Mấy em nó cũng “vì nước” ra đi, mình đồng cảnh ngộ, thương nhau không hết, NƯỚC đâu của riêng ai, phải không chị? Gây gổ nhau có ích lợi gì? Nói đoạn chú Ban vỗ vai hai cậu: -Tôi còn một ca nước, hai em lấy đỡ nửa ca mà xài. Bà năm chẳng biết xấu hổ, còn lầm bầm :-Ai chết mặc ai, tự lo thân lấy!

    Chứng kiến cảnh đó, vài tiếng xầm xì: -Các cụ xưa nói không sai, nhất lé,nhì lùn …

    Nghe có vẻ thành kiến, ác ý, nhưng đó là kinh nghiệm thực tiễn ngoài xã hội. Khoa thẩm mỹ hiện đại dễ dàng biến người thành hình tượng khác mà không thể thay đổi bản chất.

    Vài CQN múc nước biển xúc miệng, mặn chát, phun phèo phèo… Anh NHD lấy một “can” rỗng 10 lít, cột vào một đẵn cây 4m treo lên và nói với Hoàng: -Người mình kỳ lắm, đợi đến lúc chết khát mới sáng mắt ra, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!...Xài nước xả láng rồi kêu ca. Tính nào tật đó, qua đây cũng còn mang theo…Mất nước là phải…

           Thấy treo cái“can”, một đồng bào làm lạ hỏi : -Treo cái đó  chi vậy? Anh NHD giải thích : -Mình không có tín hiệu cầu cứu, tạm thời làm như thế, cho tàu tuần của giàn khoan biết hoặc giàn chỉ huy quan sát bằng ống dòm, hiểu mình thiếu nước mà tiếp tế.

    Người ấy tò mò hỏi thêm: -Còn bệnh hoạn hay cấp cứu thì sao?

    -Cần cái gì treo cái đó. Bệnh nặng phải treo vải đỏ hay đốt lửa, chỉ dùng trường hợp khẩn cấp thật sự.

    Trời đứng bóng nhiều người đói lả, cố ngủ cho đỡ đói, nằm co ro tội nghiệp. Những ai trử nước, nấu cháo chia cho các cháu bé. Hơi nắng gắt bốc lên từ sàn xà lan khó chịu vô ngần, tôi định rủ Hoàng, Lực xuống biển bơi một hồi, thì có tiếng gọi của Hiếu: - Anh PNH, anh HL, em còn gói capstan, qua hút với em cho vui, tôi tươi hẳn, thích thú:

           -Chà còn gì bằng! Giờ nầy mới thấy giá trị của nó, tôi tưởng chú hết rồi chớ.

    Hiếu thật thà: -Hai bữa rày, em chơi thuốc rê, dành nó để mời các anh…

    Nói xong, chú mời thêm Hoàng đang say mê đọc cuốn sách gì đó. Hoàng buông ngay vội đến, cười dòn tan: -Hân hạnh, hân hạnh! Mình  thèm nó quá trời! Thần dược đây rồi!...

    Gắn điếu thuốc lên môi, rít một hơi dài, hắn lim dim phà khói: - Đã thật!..quý hơn vàng.

    Tôi hỏi Hoàng: Bạn mài mò sách gì? –Em cố nuốt từng chữ đàm thoại cấp tốc. Ra nước ngoài, không nói được kể như câm, nhưng em nghĩ khó nhất là nghe và hiểu …

    Hiếu chen vào: -Các anh còn đỡ, như em đây mới chết, một chữ bẻ hai chẳng có.

    Hoàng tự tin: -Lo  chi!  Ăn thua mình chịu khó. Gạo 3 tháng kèm động từ “tu quơ” là xong. Cả bọn cười, tôi đùa: -Múa một hồi rồi quẹo “culat” phải gọi “ămbulân”…

    Tôi nhìn sang một gã đàn ông trên ba mươi, dáng nhỏ con, ngồi cạnh vợ già hơn nhiều lại mập, không xứng nhau chút nào, chung ghe với Hoàng, tôi tò mò hỏi:

    -Nghe nói anh ta là bác sĩ? Saigon hay ở tỉnh? Nơi này có một BS thì tốt lắm, giúp đồng bào…Hoàng nhún vai, lắc đầu, nhỏ giọng:

    -Hắn chưa hết năm thứ 5, đi đâu cũng vỗ ngực xưng tên. Lúc còn ở bển, thấy bà này giàu, bỏ vợ nhào vô lợi dụng…còn mụ bỏ chồng đang nằm trong khám: Tội tình nghi… dính líu phục quốc, tội cho ổng quá!...bả mê chồng trẻ khoe cái nhãn bác sĩ…dẫn theo bốn đứa con…Bs nổ này ở gần nhà tui …

    Câu chuyện éo le, tôi cười nhẹ: -Bạn ganh tị hả? Hoàng chua chát ngắt lời: -Đời là thế!

    Mặt bả chằng nhỉ? Tay này không vừa!...Còn ổng, cái tướng núp bóng quần thoa…

    Hiếu đồng tình:  -Ừ! Em cũng đoán “dậy”. Đàn ông mặt trắng, môi hồng ,càm mỏng không nhờ vạt áo đàn bà cũng làm đĩ đực, em biết nhiều người như thế …

    Mồi thêm điếu thuốc, tôi đề nghị: -Miễn bàn chuyện thiên hạ đi. Thực tế trước mắt, mình đang đói mà tàu tiếp tế chẳng thấy đâu. Hiếu sốt ruột, ngó mong: -Mấy đứa nhỏ khóc đòi cơm nhèo nhẹo. Vái trời xui khiến cho mấy ổng đến sớm. Vừa dứt lời, vợ anh ta réo từ phía tank: - Anh à! Xách dùm em tí nước biển coi. Rửa chân tay cho bé Xuân nè. Sẵn anh lấy nồi, chén, dĩa dơ ra đây luôn. Hiếu xin lỗi, đứng dậy “tuân lệnh”. Hoàng cười:-Các đức lang quân bắt đầu xuống giá rồi! Bà gọi ông dạ rân…

    Anh PNH chẫm rải : -Vâng, có lẽ, trước khi đi quý bà đã “ngâm cú” kỹ đời sống hải ngoại nhiều bà rất mê vượt biển, thất bại năm mười lần vẫn không nản, nhất định thực hiện quyền ưu tiên số 1, trẻ con…theo tôi nghĩ biết dung hòa tuỳ hoàn cảnh, miễn đừng để bị xài như một tên nô lệ…

    Mặt trời chếch bóng, sắp ngả xuống bờ…Đám trẻ biểu tình dữ dội, la ré khắp nơi, hòa âm nhạc khúc “ai oán”. Khổ nhất mí đấng “trượng phu” đa số có bao giờ biết dỗ con đâu, nay vì “sứ mạng cao cả”, phải bồng con đu đưa, hát hò :- Ù ơ ví dầu…Ráng chút xíu, nước tới, ba nấu cơm ăn há ! Có ông năn nỉ hoài, thằng bé cứ nhè nhè, phát đổ quạu, đét vào đít con mấy cái, thằng nhỏ đau điếng khóc ngất…

           Chập choạng tối, cánh đàn ông bàn đốt lửa báo nguy thì chiếc tàu tuần giàn khoan xuất hiện pha đèn, từ từ tiến sát xà lan. Mọi người mừng rỡ reo vui. Họ nhanh nhẹn quăng dây và ống nước qua bơm vào 2 tanks chứa. Một ít đồng bào có thùng riêng, ra dấu xin nước. Họ sổ một tràng Anh ngữ rồi lạnh lùng bỏ đi…Vài người chửi đổng:- Bố nó nói cái mẹ gì nhanh quá, mình như vịt nghe sấm …

           -Tụi nó là người nước nào, sao không giống Mỹ, nhỏ con, da đen đen…

           -Philippines chớ còn ai nữa!

    Chợt anh NHD nói lớn: -Xin đồng bào nán lại một chút nghe thông báo quan trọng. Hồi nãy, một người Phi trên tàu nói, ba ngày sau họ mới trở lại.Vậy, mong đồng bào ý thức việc tiêu dùng nước, tránh trường hợp cạn tanks vừa qua …

           Vài cây đèn dầu sáng chế bằng lon cá mòi, chai thuỷ tinh được thắp lên. Hoạt cảnh đồng bào nhúm lửa, nấu cơm, gọi nhau ơi ới…hoà lẫn tiếng cãi cọ, đùa giỡn…giống gánh hát “bầu tèo” sắp tan rã…

            16-5-1983  Sóng biển khác nào ngày tháng như cột đá trôi nặng nề vỗ ọc ạch quanh xà lan. Tám mươi “tù thuyền nhân” não nề chờ đợi, băn khoăn, nôn nao từng ngày…

    Có hôm mưa gió làm bung cả lều, mạnh ai nấy quấn, trùm bất cứ gì có thể được. Từng đợt sóng lớn dọng vào thành xà lan nghe ầm! ầm!...Tưởng chừng mưa pháo vc trận Bình Long trút xuống hãi hùng…Nhiều cô, bà say sóng, ói mửa tứ tung…miệng phều phào:

         -Trời ơi! Biết khổ dzì tui hỏng đi đâu!

         -Ở lại để vc nó xơi…à ?!...một bà còn tếu.

    Những đêm cuồng phong, bão tố kinh hoàng rồi cũng qua nhường chỗ cho vầng hồng le lói trên bãi “chiến trường” tan hoang…

    Sáng nọ, nằm nướng chín suy tư, tôi bỗng giật mình bởi tiếng Hoàng giục:

       -Trưa trời trưa trật rồi ông ơi! Dậy mau lên! Nảy giờ chị Tư chỉ nói xấu anh dữ lắm! Coi kìa! Chỉ chớp mắt nhìn về phía anh hoài …

    Tôi biết Hoàng nói đùa nên vừa xếp đồ ngủ vừa cười: -Bạn cứ phá tôi hoài, đang làm thủ tục vệ sinh…Hoàng hối tiếp: -Nhanh nghe tiên sinh, anh em đang chờ đối ẩm ở chỗ tui đó…

    Ngày nào cũng đủ mặt“bá quan văn võ thượng triều”đàm đạo với một nồi “trãm mã trà gạo rang” thơm lừng mùi sữa quê hương. Chén thay ly, ấm lòng kẻ chiến bại bất đắc dĩ, xốn xang bước lưu dung nghìn trùng…

    Hai đề tài chính bàn cãi sôi nổi là: Việt Nam và xà lan. “…Người ngỡ đã xa xăm nhưng người bỗng lại về…người ngỡ đã quên đi, nhưng người mãi quanh ta…” đố là ai? Các bạn đoán xem, Lực hỏi .Vài tiếng đáp:

      -Tong tong Thiệu, chứ còn ai?! –Không!  Mạt tướng Kỳ! Không.

    Dũng cười ruồi mỉa mai: -Tướng xôi thịt họ Dương phải không? Đúng rồi !...

    Có ý kiến , tướng đả cẩu bổng Dương văn Minh theo lệnh tên đại tướng VC phản gián Thích trí Quang ???... Ôi thôi đủ thứ chiện, lao tù, nhục hình, ăng-ten, tù về vợ bỏ, cán ngáo học làm sang, nghêng ngang đài, đổng…Chuyện bên nhà kể hoài không dứt…hỉ,nộ, ái, ố…Còn ở đây, chỉ hơn trăm thước vuông, cũng lắm chuyện thị phi cười ra nước mắt …

    Lực trẻ trung vui tính, rít một hơi thuốc ém khói, làm vẻ nghiêm trọng hỏi nhỏ: -Các đại ca chống càm đoán coi biến cố nào đặc biệt xảy ra đêm qua??? Hoàng chau mày suy nghĩ: -Đêm qua, mình nói chuyện với chú Ban rồi về ngủ. Bà năm Lé, chị sáu Lùn đã hòa nhau, còn thằng “Đẹt khùng” mới chín giờ vô mùng ngủ sớm hơn mọi bữa, đâu có gì lạ mà gọi là“biến cố”???  Trung, Dũng lắc đầu chịu thua trước. Hoàng nhìn anh NHD dò hỏi: -Anh hai thấy sao?

      –Ừ! Tôi cũng thắc mắc: -Chạng tối qua, vài đài phát sóng gây gổ, chửi nhau rồi tắt sớm, ngọại trừ lúc 10 giờ, có tiếng ai mớ ghê rợn đằng đầu kia bấy nhiêu thôi.

    Lực lắc đầu, hỏi lại: -Ủa! Mớ thế nào hả anh? Anh NHD chưa kịp nói, Trung nhanh nhẩu : -Có, tôi cũng nghe ớn da gà:     -Bà con ơi! Cứu tôi với cứu tôi…Buông tôi ra! Buông tôi ra! Trời ơi! Chết con…Chúa ơi! …

    Tôi buột miệng: -Chắc chuyến đi của họ bị hải tặc khủng khiếp lắm !!!

    Thôi! Anh em đầu hàng cả rồi! Nói đi! Hoàng sốt ruột thúc. Lực sửa lại thế ngồi, trịnh trọng, móc từ trong túi ra một gói Dunhill, đưa trước mặt mọi người :

      - Đây biến cố thứ nhất! Nhìn nhau trầm trồ, Cường nhíu mày: -Lạ thật! Làm sao có được? Chẳng lẽ, Lực giấu từ hồi còn trên tàu tới giờ? Hắn đâu xấu thế ??? Trung xua tay:

       - Cái này do ai đó cho sao gọi là biến cố được! Lực phân trần : - Gọi để gây hào hứng vậy mà!

    Đêm qua có nó thật bất ngờ… Hiếu như tìm ra đáp số vội nói: 

           -Tàu tuần cho phải không? Lực cười, khui gói thuốc mời anh em :

           -Đây quý vị! Hút sáng mắt anh tối mắt tui !

    Hiếu dắt điếu thuốc lên lỗ tai, nhanh nhẹn đi nấu thêm nước, Dũng nãy giờ yên lặng, lên tiếng:

        - Còn biến cố thứ hai hấp dẫn hôn cha nội?

    Lực khua tay: -Từ từ !...Chưa nói chi chi tự nhiên anh ta ôm bụng cười sặc sụa làm ai cũng ngạc nhiên, Hiếu phụ họa:    -Chà! Chắc tếu lâm lắm!

    Nín cười,hắn lựng khựng: -Hỏng được! Chuyện này khó nói quá! Mấy bà nghe chắc xé xác tôi! Máu tò mò nổi lên, anh em đồng loạt nói:

        -Đừng lo! Có tụi này đỡ đạn…Lực thấp giọng:

    “…Sau khi tôi nói chuyện với người công nhân trên tàu tuần, lúc quay về, chợt thấy một bóng hồng đứng dựa lưng vào tank nước. Vì trời tối quá, không nhận rõ là ai, hiếu  kỳ, tôi ngồi xuống theo dõi và nghĩ méo mó trong đầu:“nàng chờ chàng tú tí tù ti…”

    Hết đứng rồi lại ngồi, nàng nóng lòng, bực mình, lầm bầm gì đó …Tôi tội nghiệp thì thầm:

       -“Thiệt cái thằng cha nào mà hẹn, để con người ta chờ…Phải chi …”

    Dường như nàng không thể đợi hơn nữa, bước vài bước tới mép thành xà lan, tưởng nàng sẽ nhảy xuống biển tự tử, tôi định tới can ngăn…

    Nhưng không…bỗng tiếng nàng gấp rút hỏi: -Xong chưa, mau đi chớ!

    Có tiếng đáp: -Ráng chút xíu nữa mà! Tôi giật mình tự hỏi: -A! Mờ ám trò gì đây? Chợt nghe bông hồng cằn nhằn, tôi vỡ mộng: -Thôi đi chị ba ơi! Đi ra cho người ta ỉa với! Một tiếng đồng hồ rồi, dành làm của riêng hả?  Bà kia chua chát than :

           -Chị phải thông cảm chớ! ai muốn dzậy đâu, rặn muốn chết nè!!!

    Cả bọn nghiêng ngả cười chảy nước mắt, Lực ra dấu: -Còn nữa, chưa hết đâu, màn ba cảnh ba mới hấp dẫn. Cả hai đang giằng co, cự nự dành cầu xí, bà năm Lé thình lình xuất hiện, tưởng  đến can gián, ai dè bà khẩn cấp:

        - Xong chưa? Kẹt quá, nhường tôi đi! Bà kia bực tức, xỉa xói: -Bộ bà nội người ta sao! Tới phiên chị kia kià…Năm Lé nổi xung thiên: -Trời đất ơi! Hàng trăm người, chỉ mỗi cái cầu, tính hỏng cho ai đi hết hả? Hai bà nọ, thấy không xong, rán nín, bỏ đi với vẻ tức tối: -Đó ăn dọng gì ăn đi! Bà Năm giận lắm, nhưng bận giành “LĂNG…” nên nuốt hận…”

    Trung hớp ngụm trà, nhăn mặt nói : -Trực diện kẻ thù không ngán, lại sợ cái tù xà lan này. Càng ngày càng thêm người…chịu đời sao thấu ...

    Anh NHD lạc quan: -Tôi đoán, bọn mình sắp lên bờ rồi, đừng nghe tin “tù nói tội nghe” mà hoang mang…

    Dựa vào dữ kiện nào, anh nói thế ? Tôi hỏi:

     -Này nhé! Xà lan hết chỗ chứa, điều kiện sống quá khắc nghiệt, mình ở đây do cao uỷ gửi, giàn khoan trách nhiệm…Ai cũng muốn gở bỏ ràng buộc càng sớm càng tốt, đúng không?...

     10-6-1983          Sáng nay, sự chờ đợi chợt nổ bùng…tin vui đã đến. Hơn 150 người nghếch ngác, tả tơi, vĩnh biệt xà lan nghiệt ngã lên tàu cao uỷ vào SONGKHLA thuộc miền nam Thailand. Người đại diện cao ủy tị nạn đến đón chúng tôi là ông Suthép (Victor).

     Ø ( KỂ TỪ SONGKHLA – SIKIEW – PANATNIKHOM   NÊU CÓ CHI TIẾT NÀO THIẾU HOẶC SAI, XIN QUÍ ĐỒNG HƯƠNG SIKIEW VUI LÒNG THA THỨ VÀ GIÚP BỔ SUNG. CHÂN THÀNH ĐA TẠ .)


     Gần trưa, chúng tôi đến trại chuyển tiếp Songkhla. Tọa lạc gần thành phố cổ nổi tiếng linh thiêng bên bờ biển yêu kiều  duyên dáng, dễ thương như giai nhân. Nơi đây, hằn sâu vết tích lịch sử đau thương của dân tộc Thái bởi quân phiệt Nhật xâm lăng ngày 8 Dec 1941 …

    Dù mệt nhoài nhưng ai nấy cũng thấy phấn khởi vì thoát được tầng thứ 18 địa ngục xà lan. Từng nhóm ghe chia nhau 2 dãy nhà trống khá lớn tả, hữu, còn phía sau, dãy ngang là nhà vệ sinh. Ở giữa, sân rộng. Bên phải là nhà thờ buồn hiu cách khoảng 100m. Bờ biển trước mặt, nguồn gió mát như làn da toát hương. Tình cờ trong lúc bách bộ với anh PNH quanh sân nhà thờ, chiều len lén xuống, tôi thấy rau sam lác đác mọc đây đó vội hái về, luộc rau thay canh. Dù đơn sơ mộc mạc mà 24 năm qua, nó vẫn không phai nhòa trong ký ức tôi…

     15-6-1983        Đại diện cao ủy phỏng vấn làm FORM, chính thức được UNHCR chấp nhận và nhờ chính phủ Thái quản trị . Do đó, chúng tôi cần phải làm thủ tục để lấy số MOI, nhưng không ngay bây giờ vì chưa ổn đinh nơi tạm dung.Thực ra, MOI là số của mỗi tù nhân nhập đất Thái bất hợp pháp. Người Việt chẳng ai để ý cái số đáng ghét này cứ tưởng  mình đã được tự do…Thỉnh thoảng, một mình, tôi lang thang trên bờ biển vắng, hoài niệm Vũng Tàu, Nha Trang nghe nuối tiếc chập chùng mây bay…


    Thật ngắn ngủi lưu dấu Songkhla, điều làm tôi mãi nhớ suôt đời là hình ảnh cha JOE hòa mình với dân tị nạn, đùa giỡn cùng trẻ con, mang niềm vui đến sưởi ấm đồng bào ngày chủ nhật: thư, quần áo, tiền cho những gia đình nghèo …Đáng nói ở đây không phải là vật chất mà tình thương bao la của người, quên mình chỉ nghĩ đến tha nhân…Có lần lính Thái, không cho NGÀI vào. CHA đứng ngoài rào nhìn chúng tôi qua hai hàng nước mắt…Đồng bào khóc theo …cầu nguyện Cha muôn đời bất diệt…Ôi! Cha JOE là hiện thân của THIÊN CHÚA …

            30-6-1983    

     Đoàn xe bus đưa người chuyển trại đến rất sớm bởi đường lên SIKIEW quá xa. Chặng Songkhla – Bangkok: 950km. Bangkok – Sikiew: 400km .

    Đối với hầu hết người Việt, đươc ngồi trên xe bus “sang trọng” của Thái, cảm thấy đời lên hương từ đây…quên hết mọi chuyện thưởng thức cảm giác lâng lâng khó tả trong hồn. Thích thú xem phim tàu, màn ảnh video nhỏ…Chẳng bao lâu sau, đường vào Sikiew “có trăm lần thương, cả vạn lầu sầu cũng đến”…

        HÀ NGỌC

    25-4-2023

     


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: THÁNG 4 ĐEN,HÀNH TRÌNH TỊ NẠN NHÓM HÀ NGỌC MỸ HÂN KÍNH MỜI CHIA SẺ HỒI KÝ: CON ĐƯỜNG SINH TỬ (2) CỦA HÀ NGỌC Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top