728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    THÁNG 4 ĐEN, NHÓM HÀ NGỌC MỸ HÂN KÍNH MỜI CHIA SẺ HỒI KÝ: CON ĐƯỜNG SINH TỬ CỦA HÀ NGỌC

    THÁNG 4 ĐEN, NHÓM HÀ NGỌC MỸ HÂN KÍNH MỜI CHIA SẺ

    HỒI KÝ: CON ĐƯỜNG SINH TỬ (1) CỦA HÀ NGỌC

    Sau gần 3 năm, tôi thụ án:“Tổ Chức vượt biên cùng đồng bọn trốn ra nước ngoài” tội danh “hình sự”. Phó ty công an An Giang đóng dấu ký tên: TRƯƠNG THANH LIÊM.

    Nhận được lệnh tha ngày 22-1-1981, mình rời trại giam Cái Sao, đến bến xe đò Long Xuyên về Rạch Giá, nơi vợ đang dạy học ở đó.

    Vào cổng trường Trung học Nguyễn Trung Trực, thị xã RG, tôi gặp vài giáo viên, họ chào hỏi tự nhiên. Bà xã và con vui mừng, tôi mới biết, hiệu trưởng và giáo viên trong trường không hay biết tôi bị tù ở Long Xuyên. Họ chỉ biết tôi qua Chợ Vàm làm ruộng.

    Sống tạm nơi cư xá giáo viên, dù không ai soi mói, nhưng tôi cảm thấy khó chịu, tù túng. Bởi ý định thua keo này bày keo khác vẫn luôn thôi thúc trong lòng tôi. Buổi chiều, tôi thường đạp xe đến bến tàu, ghe đánh cá, nghe ngóng tin tức vượt biển, rồi ghé thăm nhà chị Oanh, đồng nghiệp với bà xã. Chồng chị là anh Phạm ngọc H dạy Pháp văn cấp 3 cùng trường. Mất dạy, anh sửa tủ lạnh tại tư gia. Qua nhiều lần tiếp xúc, tôi biết anh đồng chí hướng. Do đó, chúng tôi trò chuyện rất tâm đắc…

     08 – 4 - 1981

    RẠCH GIÁ. Tin làm xôn xao thị xã, một bộ đội mang AK từ bờ nhảy xuống cướp tàu CA tuần duyên đang neo ở bến cảng. Chạy không thoát, anh bị bắt khai thêm 40 người gồm một bác sĩ cách mạng, một thượng uý…

    Nơi đây, thanh niên, làm nghề đánh cá dễ dàng trốn thoát đến bờ tự do trong những đợt bắt nghĩa vụ quân sự.

    Xăng, dầu khan hiếm, dành ưu tiên chi viện cho Campuchia, Lào. Bến xe đò, tuyến RG – Saigon, chỉ chạy 2 chiếc trong ngày. Do đó, vé chợ đen lên cao: 120đ.

    Ty Cấp Nước, cấp nhỏ giọt. Cả thị xã, lâm vào cảnh chết khát. Các cơ quan, trường học, vòi nước ri rỉ chảy. Trường Nguyễn Trung Trực, giáo viên muốn có nước xài, nửa đêm phải xếp hàng hứng từng sô nước. Ôi! Thời bao cấp!

    CHUYỆN PHIẾM THỜI BAO CẤP

    Ngày đưa Táo chầu trời. Táo VN từ cổng Thiên Đình, hĩnh mũi nhìn các táo khắp năm châu tàng tàng lên sau. Táo Liên Xô quá đỗi ngạc nhiên, vỗ vai đàn em:

    -Chú mày đi bằng gì nhanh thế?

    Táo VN toe toét cười: - Bí quyết đấy ông ơi!

    -Ồ! Có cách nào mà hơn phi tuyền ,hỏa tiễn?

    Kề vào tai đàn anh, Táo VN nói nhỏ:

    -Tớ dùng mánh: LEO THANG VẬT GIÁ!

    Phần trình tấu sớ xong, các táo hỉ hả ra về. Táo Đông Đức thân thiện bắt tay táo VN:

    -Chúng ta về thôi! Để kịp chúc Tết lãnh tụ.

    -Các ông về trước, tớ còn chút chuyện báo cáo riêng với Ngọc Hoàng.

    -Chú mày, không sợ lãnh tụ khiển trách?

    -Yên tâm, tớ có bí quyết!

    Tỏ vẻ ngạc nhiên, đàn anh Liên Xô hỏi:

    -Lại cú lừa nào nữa?

    -NGƯỜI DÂN CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH!

                         *

    15-4-1981

    Ghé thăm bạn ở nhà tập thể, đường Phó Điều, trước rạp Châu Văn, thị xã RG. Cô giáo Sinh than:

    -Chán, bực mình khi phải sống chung với lũ ngu dốt cách mạng. Nhà của một gia đình vượt thoát. Ngăn 4 phòng. Điện cúp liên miên. Ống dẫn nước hư. Tắm rửa, giặt giũ, phải đến nhà quen cách xa cả cây số. Cầu xí ghẹt, thối. Mấy thằng CM lại nuôi heo trong nhà…

    Đói, nghèo, khổ, nợ, buôn lậu đua đòi là những nguyện nhân làm LƯƠNG TÂM CON NGƯỜI BỊ CHÓ THA...nhen nhúm hình thành lớp tư sàn đỏ.

     30-4-1981  VỀ CHỢ VÀM

    Tình cờ nghe mẫu đối thoại của một cô trẻ với một CB miền Bắc tán tỉnh, cô này, khó chịu, nói thẳng:

    -Anh cù lần quá!

    Hắn ngớ ngẩn, không hiểu gì, ậm ờ không thắc mắc, sợ cô ta cười mình dốt nát, mới nhờ một người khác giải thích: CÙ LẦN LÀ GÌ!

    Ông nầy tế nhị, biết nói thẳng, hắn tự ái, đành đáp:

    -Cô ấy nói anh “thật thà, chân thành”

    Tỏ vẻ vui vẻ, hớn hở, hắn nói:

    -Ngoài chỗ tớ ở: THỨ ĐÓ NHIỀU LẮM!

     08-5-1981 TÂY NINH

    Nhà nước huy động lực lượng dân công 3 tỉnh: TÂY NINH, ĐỒNG NAI, SÔNG BÉ, để thực hiện: CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI LÒNG HỒ. Dự trù hoàn thành năm 1988. Mục tiêu: Chứa nước, nuôi cá, thắng cảnh du lịch. Dung lượng chứa 1 tỉ rưởi tấn khối nước.

    Mỗi nhà, bắt buộc một người đi lao động thủy lợi 15 ngày, tự túc. Đắp đê xung quanh Lòng Hồ, cao 60cm, mặt đê 20m.

     10-5-1981

    Từ 1980, Miền Nam xuất hiện mốt con trai bắt chước để tóc dài chấm vai, du nhập từ hình ảnh thân nhân nước ngoài gửi về.

     13-5-1981 SAIGON

    Hai bên lề đường Thuận Kiều, mấy năm trước bán toàn đồ cũ. Hiện đã thay đổi, đa số, bán toàn đồ ngoại. Made in USA, France…Nhờ: “MỘT CHÚT QUÀ CHO QUÊ HƯƠNG”.

    Dân buôn đường Lê Lợi, vẫn còn tình trạng vừa bán vừa chạy. Đường Đặng thị Nhu chuyên bán sách cũ.

    Chế độ nảy sinh nghề mới: Nhà trường  bắt học sinh KHĂN QUÀNG ĐỎ thi đua LƯỢM GIẤY VỤN, trên lề đường, đỡ mướn công nhân quét đường.

    Dân càng ngày càng khốn khổ, mà vật giá cứ leo thang, è cổ đóng nhiều thứ thuế do chính quyền địa phương đặt ra.

     TẾU LẠC ĐẠN: Đảng phái cán bộ len lõi vào những nơi sinh hoạt nhiều người như chùa, nhà thờ nguyện: -Lạy chúa cứu giúp chúng con hằng ngày kiếm được 10đ. Nếu không, gia đình con chết đói.

    Khi con chiên về, Đảng bỏ 10đ vào phong bì để

    trước nơi cầu nguyện. Hôm sau, cầu nguyện xong, ngước lên nhìn chúa, thấy bao bì, tò mò mở xem có 10đ, con chiên vui mừng đến rơi nước mắt, cảm ơn chúa rốt rít. Cầm tờ giấy bạc, có in hàng chữ đậm:

    ĐẢNG CS VN TẶNG NHÂN DÂN!

    Con chiên lại quì xuống khấn: -Lạy chúa, con thành khẫn cảm ơn chúa giúp chúng con qua cơn đói khổ. Lần sau, xin chúa gửi tiền thẳng cho con đừng qua trung gian: ĐẢNG CSVN!

     04-6-1981 SAIGON

    Ghé nhà cậu, trong hẻm đường Nguyễn cảnh Chân.

    Cơn mưa chợt đến và đi nhanh. Trước cửa nhà xuất hiện một bé gái độ 12t, quần áo rách tươm, vá nhiều chỗ. Mắt em như rưng rưng, giọng muốn khóc: -Xin chú giúp cho con ít gạo nấu cháo bởi gia đình trốn kinh tế mới về, chưa kiếm được việc làm, đang ở vỉa hè, chịu đói hai ngày rồi…

    06-6-1981 CHỢ LỚN

    Mình ngồi chờ ông thợ đánh bóng đồng hồ đeo tay, vừa làm vừa cằn nhằn con và than:

    Hôm qua cúp điện 25 lần. Mấy ổng đánh tư sản khác nào đồng lõa với cướp giựt.

     Chờ xe bus trên đường Nguyễn Trải, bất ngờ gặp Hóa đồng đội ở trung đoàn 49/SĐ 25, năm 1968.

    Anh đang đứng bên chiếc xe hàng, ăn mặc như phu bốc vác. Hai đứa qua quán cà phê bên kia đường. Hóa tâm sự:

    - Bỏ kinh tế mới AN BIÊN đã 2 năm, về nhà nghe hàng xóm kể:“ -Vợ lấy thằng giám đốc hãng do bà già vợ, em vợ mai mối. Tìm gặp vợ con, thấy thằng chồng CB đứng tuổi mang lon trung tá…

    Anh tỏ ý nhận đứa con út, cay đắng ra đi, làm phu bốc xếp, ngậm nhấm tháng ngày buồn thảm và không quên thời quá khứ “vàng son” của thằng thông dịch viên cho thầu thương cảng Saigon.

     07-6-1981

    Chiếc xe đò Cà Mau – Saigon, ghé trạm kiểm soát Tân Hương. Một chị đi buôn 9 con gà. CA bắt đóng thuế. Chị năn nỉ, chúng nhất định từ chối.

    Một bà hành khách, sẵn giọng: -Đóng mẹ, đóng cha nó đi cho rồi!

    Tên trạm trưởng mặt đỏ ngầu vì say rượu, nghe thế. Hắn bực tức, móc súng chỉa vào đầu chị ấy, bắt lỗi:

    -Đóng hoặc không, chớ “đóng mẹ, đóng cha là gì?”

    Hắn quát tháo nhân viên trói thúc ké chị dẫn vào trạm, ra lịnh cho xe chạy đi. Hành khách phẫn nộ…

    Chuyến xe Saigon - Rạch Giá. Bốn giờ chiều tới trạm Kinh B. Mọi người phải xuống xe. Hai tên CA khám xét rất kỹ. Dùng dao cắt những bao hàng. Chúng đổ cả bao dép ra ngoài, bắt đóng thuế. Chị đi buôn còn trẻ, ấm ức, nghẹn ngào: -Tôi đã đóngTHUẾ BUÔN CHUYẾN rồi, giờ chúng bắt đóng thêm THUẾ PHỤ THU và thuế CHÊNH LỆCH nữa. Chị bật khóc oà!

     12-6-1981 RẠCH GIÁ

    Vật giá leo thang tự nhiên như người Hà Nội. Hộp sữa bò, giá dành cho cán bộ, công nhân viên từ 1đ 50 lên 10đ. Nhà nước “Bồi dưỡng” cho giáo chức chấm thi bằng cách bán vé xem phim: Cánh Cửa Mở Rộng của Tiệp Khắc. Nhu cầu giải trí như món ăn không thể thiếu, khi thấy nhiều thầy cô giáo mặc áo mưa đi trong mưa, bão, vào cửa ưu tiên cũng phải chen lấn…

    18-6-1981 SAIGON

    Gian thương tham nhũng ra chiêu: Vài tổ hợp câu kết thu mua thuốc tây từ Việt kiều gửi về. Thuốc được nghiền ra thành bột trộn với bột năng, bột mì biến thành thuốc nguyên thủy. Cung cấp cho bệnh viện. Thế là nhà nước cho xuất cảng sang Liên Xô để thu ngoại tệ. Lòng tham chưa dừng, trộn thêm bột năng, mì, hiệu quả chỉ còn 20%. Thuốc bị trả về. VC méo mặt.

    Một bác xích lô chở 2 gã mũi lỏ, mắt xanh ngừng ở công trường Mê Linh, ngắm nhiều cô gái son phấn loè loẹt đang ngồi trên băng đá. Khách tỏ vẻ thích thú chỉ chõ. Cao hứng, bác ra dấu 3 ngón tay, ý nói 3 đô la. Chúng lắc đầu, gã chửi to:

    -Đồ chó chết, keo kiệt.  Đồ Mỹ dỡm, không đô la!

    Một tổ hợp làm thuốc tây gian, vào khuya cho người gác cửa CA. Đồng thời, bên cạnh, nhà Viện trưởng Viện Kiểm Sát TP, cũng cho ra nước đá lon (làm lậu).

    Một trung tá CA vừa bị bắt ở chợ Bình Tây, tội tham nhũng mấy ngàn cây vải. CA/TP bao vây chợ, làm hàng rào cản đám đông tò mò. Bỗng có tiếng nói to:

    -Nhà nước đang đẩy cán bộ, đảng viên, công nhân viên vào tù…NẾU KHÔNG THAM NHŨNG, MÁNH MUNG, CHÔM CHỈA, LÀM SAO SỐNG?!

     21-7-1981 SAIGON

    Một thanh niên trẻ, vượt biên bị bắt. Tạm giam ở phòng CA/TX. Bệnh chết. Thân nhân chở về Saigon.

    Đến trạm Bình Điền quá 10 giờ đêm, CA không cho vào.

    thành phố. Sáng, CA ra lệnh chở đến Chí Hòa khám nghiệm. Không thấy gì, chúng bắt hỏa thiêu. Mục đích chúng xem CÓ VÀNG CHẢY RA KHÔNG!

    *Nhà nước cho đấu thầu các đống rác MỸ xung quanh Saigon và đống rác trước Câu Lạc Bộ Quận 8.

     22-7-1981 Rạch Giá

    *UBND Tỉnh họp khẩn: -Chỉ thị tăng cường an ninh vùng biển, khuyến cáo các cơ quan về việc CA vừa bắt mấy chục người phản động ở Miệt Thứ và một số lớn vũ khí xâm nhập vào tỉnh Minh Hải. Cùng lúc, khám phá một ghe nguỵ trang thương buôn chở vũ khí qua Long Xuyên. Bắt thêm mấy mươi người nhập biên bằng đường bộ.

     24-7-1981 VỀ RẠCH GIÁ

    Tiện đường, tôi ghé thăm một phụ tá giám học trường TH cơ sở/NTT, anh đang bán thuốc lá lẻ và vé số ở lề đường Phó Điều. Tình cớ gặp Kiệt, giám học, kể chuyện ông ta làm bốc xếp ở thương cảng Saigon đồng lõa với những người khác ăn cắp đường sữa…

    -Tin nóng làm dân bàn tán xôn xao: -Đình chỉ gửi, phát thư, quà từ nước ngoài.

     31-7-1981

    Sau 30-4-1975, khắp nơi miền Nam xuất hiện khẩu hiệu: “tất cả cho sản xuất”, “tất cả vì Tổ Quốc” Nay thay thế: “tất cả vì Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa”, “tất cả vì hạnh phúc nhân dân.”

     03-8-1981 Saigon

    *Lệnh từ UBND lan nhanh trong thành phố:

    -Đóng cửa tất cả tiệm thợ bạc. Đồng thời ra thông báo: -Ai có vàng bạc phải đi đăng ký mới được lưu giữ và đeo nữ trang bằng vàng tối đa 1 lượng, bạc 370 gr.

    -Thời hạn chót đăng ký ngày 30-8-1981. Sau đó CA sẽ xét giấy tờ những người đeo nữ trang. Không giấy phép sẽ bị tịch thu.

    *Tin nóng trên, làm mọi người chưa hết hoang mang, một thông báo quan trọng khác:

    -Cán bộ, công nhân viên có thư, quà từ nước ngoài phải qua thủ trưởng kiểm duyệt. Tùy theo nội dung trong thư được nhận hoặc bị giữ lại.

    -CA kiểm duyệt mọi thư, quà nước ngoài của nhân dân.

    *BẾN TRE QUÊ HƯƠNG ĐỒNG KHỞI - 1981.

    -Phát động chiến dịch: ÁNH SÁNG HÈ VĂN HÓA, BÀI TRỪ VĂN HÓA ĐỒI TRỤY đến tận cùng xã ấp.



    -Huy động du kích đi từng nhà tịch thu toàn bộ sách xuất bản trước 1975 và băng nhạc.

    -Tạm giữ Rađio, cassette. Những radio 2 băng tần trở lên bị phá hủy.

    -Cấm nghe các phương tiện truyền thông nước ngoài…

    *Nhà nưóc lại tung ra PHONG TRÀO 3 LỢI ÍCH:

    1-LỢI ÍCH NHÀ NƯỚC

    2-LỢI ÍCH CƠ QUAN

    3-LỢI ÍCH NHÂN DÂN

    Phong trào đang đà phát triển, thu hút dân miền Bắc đổ xô vào Nam.

     *10-8-1981 LÂM ĐỒNG.

    Tin đồn làm xôn xao dân chúng: -Hàng ngàn thanh niên mất tích. Một số xã các tỉnh cao nguyên bị tàn quân chiếm.

     02-9-1981 SAIGON

    Ngày lễ độc lập, nhà nước cho diễn hành phô trương các lực lượng CA, bộ đội, tăng pháo…hát cải lương tuyên truyền.

    05-9-1981 XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

    Nhà nước phân phối tập vỡ học trò cho các trường vào dịp nhập học đầu niên khóa. Tập không bìa 80 trang cho Cấp 1> 2 cuốn. Cấp 2> 4 cuốn. Cấp 3>  6 cuốn.

    Trường sở, xây dựng từ 1875 đến nay không được tu bổ, càng ngày càng đổ nát, tồi tệ, thiếu bàn, ghế, bảng…

    Bàn ghế học, bị giáo viên ăn cắp chẻ ra làm cũi chụm lửa nấu nướng. Bởi lương giáo chức không đủ trang trải cuộc sống. Đứng trên bục giảng để trả nợ đồng lương chết đói, nhiệt tâm nghề nghiệp biến mất.

     06-10-1981 SAIGON

    Lại ló cái đuôi chồn cáo đánh TƯ SẢN KINH DOANH.

    *Cơ sở nào làm ra sản phẩm bán cho nhà nước thì có điện. Sổ sách tính toán chi li số hàng xuất nhập, nên khó qua mặt nhà nuớc. Biến chủ nhân thành người làm công.

    Không khí Saigon bỗng căng thẳng khi CB tiến hành kiểm kê 12 mặt hàng nhà nước quản lý. Cho phép tăng giá 100 món hàng.

    Điện tăng 1đ 50 xu/1kg. Mỗi gia đình tiêu thụ tối đa 30 kg/1 tháng. Cơ quan 60kg.

     20-10-1981 RẠCH GIÁ.

    Qua nhiều lần tâm sự, chú Nhứt làm việc trong trường, khuyên tôi lên cầu số 3, đường lên Hà Tiên, cuốc đất trồng khoai mì trong miếng đất của chú, từ từ bàn kế ra đi…Nhờ đó, quen với Hiếu, nhà ven đường, dân đánh cá nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi đồng thanh tương ứng bàn tính chuyện vượt biển…

     25-10-1981 * NGÀY DẤU ẤN CON ĐƯỜNG SINH TỬ.

    Sau cùng, khoảng 11 giờ khuya, chúng tôi khởi hành từ cầu số 3, Hiếu cho ghe chạy gần bờ, chạy đến Xẻo Rô gần giáp tỉnh Minh Hải, bị mắc lầy. Xoay sở mãi, vẫn không thoát khỏi đầm lầy, chúng tôi bị du kích phát hiện. Nhanh trí, tôi nhét vội số tác phẩm mang theo xuống bùn bên gốc tràm…Trong đầu nghĩ, nếu mình bị bắt thì công trình tim óc bao năm của tôi tan tành mấy khói.

    Anh H đại diện, lội bùn đi gặp tên du kích nói chuyện…Một lát sau anh trở lại, bảo gom góp tiền, vàng đưa cho chúng. Nhưng chúng không cho đi bắt trở về…Hú hồn, chúng tôi đành quay lại…RG  liều mạng…cùng lắm ở tù lần nữa. Khi đi, tôi không quên tìm lại bịt nylon gói các tác phẩm…

    Chạy ven theo bờ, không bao lâu sau, ánh đèn thị xã trước mắt, bất ngờ, ghe suýt đâm vào một ghe đang giăng lưới cá…làm tim tôi muốn rớt ra ngoài.

    Tài công Hiếu đề nghị vào thẳng gần Cầu Đúc, giờ này vắng người…Khi ghe vừa chạm bờ, trời bỗng đổ mưa rào, tôi nghĩ thầm: Trời cứu Sa Vệ! Lên bờ, mạnh ai nấy về nhà. Tôi cầm giỏ đựng đồ “nguy hiểm” đi trong mưa. Vừa đi vừa cầu nguyện ơn trên…Nhỡ tôi bị xét hỏi, không tránh khỏi bản án tù mọt gông hoặc…

     Tháng 11, 1981 Cảm thán:

     Viết thay lời tù cải tạo …

     Ai lùa anh lên Sơn Tây?

    Bắt tụng kinh sám hối đêm ngày

    Những tội tình chưa bao giờ phạm

    Từng giọt mồ hôi xoáy nỗi căm hờn


    Vâng, bẩm, dạ nghe lạ lùng uất nghẹn!

    Miền Nam ơi! Đã tỉnh hay còn say?

    Ngày vác gỗ sưng vù lưng gãy cánh

    Đêm nông trường thương nhớ bỗng cay cay!

     Nàng vẫn đợi sao tin yêu biền biệt?

    Mắt người tù loáng thoáng ứa mưa bay!

    Dưới chân Hoàng Liên hay núi đồi Yên Bái?

    Tiếng uất nghẹn đuổi xô đời nghiệt ngã!

     

    Đất bắc chập chờn hồn lệ sử

    Ma trơi súng trận dậy khắp mồ

    Hỏi người lạc bước trời Tây nhớ?

    Lời thề Do Thái lúc chia tay?

     

    Đã bao cánh én vờn qua cửa

    Có hẹn ngày về dệt xuân xưa?

    Có ai nghĩ chiều mưa lất phất?

    Tù đưa tù trong manh chiếu tả tơi!!!

    ***

    *Chế độ phân phối hàng hóa cho Cán Bộ, công nhân viên như sau:

    -2 người 1 cục PIN (đèn bin)

    -7 người 1 chai thuốc ho

    Miệng ai cũng méo lệch, dở khóc dở cười…

     TIN TỔNG HỢP VƯỢT BIỂN THÁNG 12- 1981

     *Bến cảng Rạch-Giá: Một gia đình làm nghề biển, nhận được điện tín của con gái từ Mã Lai gửi về, niềm vui vừa lắng dịu…Một tháng sau, họ lại nhận  điện tín của con gái đã hạ sinh con trai tại nhà thương Vũng-Tàu. Gia đình ngỡ ngàng vội ra đó gặp con gái. Câu chuyện như sau:

    -Chuyến tàu con gái đi cập bờ Mã Lai. Cô muốn báo tin cho cha mẹ mừng nên lo lót ít vàng nhờ cảnh sát Mã điện tín về VN. Tàu neo bờ chờ đợi được 15 ngày. Bọn lính tuần tiểu Mã cho biết sẽ hướng dẫn đến đảo Bidong, bảo mọi người xuống tàu ra khơi.

    Ngay sau đó, tàu bị phá nước, sắp chìm ngoài khơi,

    may mắn một chiếc tàu buôn ROMAN cứu kịp đưa thẳng vào Vũng Tàu, rồi vào khám. Khi chuyễn bụng sinh, con gái được đưa vào bệnh viện. Đứa con chào đời vài hôm, cô nhờ y tá điện tín cho gia đình hay.

    *Một cán bộ xây dựng nông thôn, cháu chú Nhứt

    (Chú Nhứt làm việc tại trường Nguyễn trung Trực, thị xã Rạch-Giá) ngày VC cưỡng chiếm Miền Nam, anh xuống tàu đến đảo GUAM được 15 ngày, nhớ vợ con, anh cùng mười mấy người nữa cướp tàu về VN, ghé bến Tuy Hoà bị đưa vào khám…Hậu quả của những ai chưa hiểu CỘNG SẢN LÀ GÌ!

    *Một bà ngoài 50, nhà gần trường An Hòa (TX/Rạch-Giá). Vượt biển, bị bắt, ở tù 1 thời gian ngắn, ra tù kể:

    -Tàu chúng tôi trên đường đến một đảo hoang của Mã-Lai bị cướp 3 lần. Ở đó, khoảng một tháng, tàu tuần duyên Mã ghé bảo: -Không thể ở đây, sẽ đưa chúng tôi đến trại tập trung. Mọi người mừng rỡ, khi được chúng kéo đi. Lính Mã hỏi, vàng còn bao nhiêu đưa cho chúng. Gom tất cả chỉ còn mấy chỉ. Thấy ít vàng quá, chúng chặt dây kéo. Tàu lên đênh trôi không định hướng (bởi trước khi được kéo, nhiều người trên tàu bàn tính nên phá hỏng máy móc). Đang trong tuyệt vọng, được một tàu Liên Xô cứu vớt.

    Họ nhân đạo hỏi: -Muốn đến nước nào, sẽ điện hỏi.

    -Đến Mỹ! Mỹ không nhận.

    -Pháp không nhận.

    -Cuối cùng Đức cũng không nhận.

    Mọi người đành ngậm ngùi trên chiếc tàu Liên Xô. Sau đó, cặp một bến cảng sầm suất. Ai cũng tưởng đã đến một nước ngoại quốc, hí hửng vác túi đồ lên bờ, bà thấy một đứa trẻ quẩy thùng cà rem bán dạo. Hỏi ra, đây là cảng Vũng Tàu, bà ngất xỉu.

     MÙA TẾT 1982 - RẠCH GIÁ

    Thị Xã, mình viếng vài chùa, người người tấp nập cúng bái, chen lẫn những bộ mặt đảng viên, CB A chi diện.

    *25 tháng chạp, nhà nước ra lệnh cấm đốt pháo.

    *28 tháng chạp, nhà nước tung pháo ra bán ồ ạt, dân không mua. Tìm nguyên do tư nhân chơi một cú đau điếng về pháo.

    Ngày Tết còn gì giải trí ngoài ciné. Cảnh hỗn độn chen lấn, xô đẩy giành mua vé, còn hơn bầy chim đói cấu xé bộ xương khô. Ba ngày Tết, nhiều vỉa hè đầy xòng bài bạc, bầu cua.

     08-2-1982  Về đỉnh cao trí tuệ, văn mình miền bắc:

    -Một CB miền nam mời CB miền bắc vào nhà hàng, gọi món bít-tết. Cô phục vụ mang ra, gã chi viện lúng túng không biết ăn cách nào cho phải. Hắn liếc nhìn anh MN, hầu bắt chước, tay trái cầm nỉa, tay kia cầm dao cắt, thấy chính giữa còn máu, gã ngạc nhiên kêu lên:

    -Ối giời ơi! MN quả thiếu củi, ngoài tớ, thứ nầy phải nấu nhừ mới được?...

     12-2-1982 RẠCH GIÁ

    *Tin đồn – Dân thị xã xầm xì bàn tán: -Miệt thứ Cà-Mau, nhiều người nhập biên giải thoát 40 tù cải tạo ở Năm-Căn. Giao tranh vài ngày. An ninh căng thẳng từ sông ông Đốc đến Năm Căn. VC bố phòng ngoài khơi từ Côn sơn đến Thổ Châu.

     03-3-1982  LONG XUYÊN

    Giới xe đò cho hay, đêm qua, kho đạn dành tiếp ứng chiến trường Kampuchia phát nổ suốt 6 giờ, gây thiệt hại nặng.

    20-3-1982 RẠCH GIÁ

    *Sống với đồng lương chết đói, CB, CNV bỏ nhiệm sở, thiếu trầm trọng. NHà nước đang lập danh sách những gia đình có người vượt biên, vượt biển.

    Hàng buôn lậu từ Hà Tiên về Rạch Giá, không bị tịch thu, chỉ đóng thuế.

    -1 cặp quần tây ngoại Canada, đóng thuế 30đ VN

    -1 kg bột ngọt 15đ

    -1 cây Samit  15đ

    TIN ĐẶC BIỆT - Rò rỉ từ CB, cưỡng chiếm MN xong, VC đánh tư sản mại bản. Tất cả quí kim tịch thu được, để trong các chiếc hòm cò chì đưa xuống chiếc tàu của Lê tấn Lộc TGĐ/Ngân hàng VN. Hai mươi bốn đảng viên theo áp tải ra bắc.

    Khởi hành tại bến cảng Bạch Đằng, tàu đến Phan Rang, bỗng quay đầu trực chỉ Singapore xin tị nạn.

    Quí kim trị giá khỏang 5 tỉ đô la USA.

    120 chiếc tàu chở gạo trả nợ Liên xô, đến Hoàng Sa bị tàu TC chân cướp sạch.

    ***

          *Gãy súng…Đổi đời…Tù cải tạo

    TÂY NINH

    Trung uý D còn lao động khổ sai trong tù. Vợ anh tự lo mưu sinh, không nghề ngỗng, nhan sắc còn mặn mà, đứng bán cà phê ngay góc ngả ba trước trường Trung Học Tây Ninh. Trước 1975, nơi này là nhà sách. Phía bên kia đường là bến xe lôi đạp. Một gã đàn ông, trông rất trẻ, khá bô trai, khoảng 25, đã có 4 con, để ý và thường vào quán tán tỉnh bà.

    Đang tuổi xuân tình phòng không gối chiếc bao năm, người vợ tù khó vượt qua ải lưới tình đường mật phải lòng chàng phu xe lôi. Bà mời anh ta vào nhà ở Long Hoa. Dan díu nhau hơn một năm, bà đắm chìm trong nhục dục, quên bẵng hình bóng người tù khốn khổ, chẳng hề thăm nuôi. Được tha, D tàn tạ trở về mái ấm gia đình, không thấy vợ, đến nhà mẹ vợ, bắt gặp vợ và tình nhân…

     01-7-1982  TÂY NINH XƯA CÒN ĐÂU.



    *VC cho xe ủi sạch nghĩa địa ở ngả ba dựa heo. San bằng nghĩa trang Quân Đội sau lưng tiểu khu, trước sân bay, Xây cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp. Đập bỏ khu gia binh trại Hoàng văn Hoành, Xây ngân hàng TX.

    *Thực hiện kế hoạch bung dân, làm lại sổ gia đình (hộ khẩu)

    *Cứu xét việc kinh doanh, phải hội đủ điều kiện:

     -Già trên 6ot, gia đình liệt sĩ, cán bộ, thương binh.

    *Thực thi lao động thu gom vào Tổ Hợp, C.A ra sức đuổi bắt những người chạy xe đạp ôm, xe lôi, xe lôi máy, tịch thu thùng thuốc lẻ ngoài lề đường, xe không bản số, thanh niên tóc dài…

    *Việc buôn bán lẻ phải vào tổ hợp.

    *Nhu yếu phẩm đắt đỏ hơn miền tây gấp 5,7 lần.

    *Gia đình có người vượt biên, vượt biển bị ghi vào sổ đen: Cấm kinh doanh, không làm việc công sở, con không được vào đại học…

        HÀ NGỌC

                                        ***

     


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: THÁNG 4 ĐEN, NHÓM HÀ NGỌC MỸ HÂN KÍNH MỜI CHIA SẺ HỒI KÝ: CON ĐƯỜNG SINH TỬ CỦA HÀ NGỌC Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top