KIM LOAN THÁNG TƯ KỂ CHUYỆN TRẠI TỊ NẠN
Bữa đó, vừa mới nhập trại Panatnikhom được vài ngày, bốn đứa
chúng tôi đang nằm tán dóc trong nhà thì nghe tiếng bước chân rầm rầm ngoài cửa.
Chúng tôi nhìn ra thì thấy bác nhà trưởng và một số người khác đứng lố nhố, những
bộ mặt vô cùng nghiêm trọng, nặng nề còn hơn trong “Cái Đêm Hôm Ấy, Đêm
Gì?” của Phùng Gia Lộc. Họ nhìn quanh “nhà” rồi nhìn chúng tôi như “đánh
giá, tìm hiểu, dò xét”, rồi một người lên tiếng:
– Đây có phải là nhà cô Hảo, trước đây bán thịt heo ở chợ Xóm Mới
không?
Úi trời ơi, sao mà giống như công an khu vực đi khám hộ khẩu tạm trú tạm vắng, hỏi cung lý lịch thời cộng sản thế? Đây là trại tỵ nạn mà! Chẳng lẽ vượt biên tới trại mà vẫn chưa thoát sao?
Chúng tôi xanh mặt, lắp bắp:
– Dạ... dạ... đúng! Có việc gì không mấy
chú?
Bấy giờ chú nhà trưởng mới nhoẻn miệng cười:
– Mấy cô làm gì mà … căng thẳng thế? Chả là hôm nay trại
phát thịt heo, nhờ cô Hảo ra chia thịt giùm lô mình, được
không?
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm:
– Trời! Vậy mà mấy chú làm tụi con hết hồn à, cứ tưởng mình
đang bị “đánh tư sản” năm 1979 hoặc sắp bị “đấu tố” như thời Cải Cách Ruộng Đất
chết tiệt ấy chớ! – Tự mấy cô ám ảnh, chớ ai làm
gì đâu nà! Mà cô Hảo có giúp chia thịt cho lô mình được
không? – Dạ được, mà ủa, vậy trước đây khi tụi
con chưa nhập trại thì ai lo phần chia thịt? –
Thì tui là nhà trưởng tui phải làm. Nhưng không có tay nghề, thành ra thịt bị
nát bấy, chả ra đâu vào đâu, nhờ cô vui lòng
giúp.
Chị Hảo đứng lên, chúng tôi bước theo sau. Không biết các bà bán thịt heo khác thì sao, chứ chị Hảo có dáng đi rất từ tốn, thong thả và đĩnh đạc. Ra tới giữa lô nhà, đám đông vây quanh tảng thịt tự động dãn ra, nhường lối cho chị Hảo tiến vào với những cặp mắt đầy ngưỡng mộ.Bác nhà trưởng trịnh trọng trao cho chị Hảo con dao phay, chị đón lấy và ngồi xuống thao tác. Dân trong nghề có khác, chỉ một loáng là thịt ra đủ loại, từ chân giò, móng, ba rọi, sườn non, nạc dăm… chia đều cho mấy chục phần. Còn dư một mớ xương heo, bác nhà trưởng hăng hái nhảy ra giữa lô thông báo:
– Tui thấy bịch xương này không đủ chia cho cả lô, thôi thì
xin tặng cho nhóm cô Hảo vì đã giúp chúng ta, bà con thấy
sao? Đám đông vui vẻ vỗ tay đồng ý.
Tôi sung sướng nghĩ đến nồi canh xương chiều nay, thì chị Hảo chờ dứt tiếng vỗ tay mới chậm rãi mỉm cười:
– Thưa bà con cô bác, bốn đứa chúng cháu còn trẻ tuổi, sức
dài vai rộng, lại có thân nhân nước ngoài tiếp tế, nên xin được nhường phần
xương này cho bác nào lớn tuổi neo đơn, hoặc gia đình nào có con nhỏ mà không
có thân nhân viện trợ. Quyết định vậy đi
nhe!
Chẳng chờ mọi người phản ứng, chị bước đi về, ba đứa chúng
tôi nối đuôi theo chị, hình như mặt mũi nở ra “đầy tự hào” trong khi mọi người
còn ngơ ngác, chưa nói được lời cảm ơn.Tôi chẳng tiếc nồi canh xương nữa, (dù
biết bữa cơm chiều nay vẫn là cơm Cao Uỷ với mì gói vì chưa liên lạc được thân
nhân nước ngoài), nhưng trong lòng bỗng vui dạt dào, đời tỵ nạn “nghèo mà
có chút ... máu điên” thật là tuyệt vời!
CHUYỆN ĐỘNG TRỜI… GIỜ MỚI KỂ
Bỗng một hôm, cách vài lô nhà nơi tôi ở, xuất hiện một “căn
nhà khủng” được bao bọc kín mít, cửa sổ cửa cái không bao giờ mở. Gọi đó là
“căn nhà khủng” vì bình thường một lô nhà được chia cho khoảng 40–50 dân tỵ nạn,
rồi mạnh ai mua miếng nilon về ngăn riêng ra mà ở, nhưng lô đất đó chỉ có một
căn, bên trong chứa mấy người, họ là ai (chả lẽ ở trại tỵ nạn cũng có ... đại
gia nữa sao?), chẳng ai biết được!!!
Sáng hôm đó, rất tình cờ, tôi vừa đi ngang qua căn nhà ấy thì cánh cửa bỗng hé mở, một chàng thanh niên đeo máy chụp hình bước ra, đụng mặt tôi, anh ta hơi khựng lại, nhìn tôi mỉm cười. Tôi thấy nụ cười thân thiện, dễ mến nên tiến đến ngay cửa căn nhà (vốn bản tính tò mò, nhiều chuyện... chưa bỏ được), rồi nhìn vào trong nhà (rất nhanh như chớp, nên anh ta không kịp cản). Tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi, cỡ xấp xỉ 60, tóc muối tiêu, đeo cặp kiếng trắng. Trong nhà, chỉ có cái giường gỗ, cái bàn gỗ và mấy thùng cạc tông chứa đồ còn dán đầy băng keo, chưa khui. Thấy tôi, người đàn ông hơi sững sờ, lúng túng, nhưng cũng mau chóng đổi thái độ, gật đầu chào.
Người thanh niên lúc ấy vội vàng nói: “Ba tôi đó” rồi kéo
tôi bước ra đường cái, bắt chuyện:
– Nhà cô ở khu nào?
– Khu này chớ đâu, tôi đang trên đường đi làm thiện
nguyện ở bưu điện ngay đầu lô này nè. Còn nhóm tàu của anh nhập trại lúc nào mà
im ru vậy, nhìn mặt anh lạ hoắc, chắc là anh chưa lên bưu điện lãnh thư? và số
PST (căn cước tị nạn) số mấy?
– Tôi… tôi... chưa có số
PST.
– Vậy anh đến từ trại nhỏ
nào?
Anh ta ngạc nhiên:
– Trại nhỏ là sao?
– Anh ngây thơ thiệt không đó? Dân mình đi vượt biên, cập
bờ biển nào thì được lính Thái hay cảnh sát Thái vùng đó giam giữ vài tuần, chờ
làm thủ tục giấy tờ với Cao Uỷ rồi mới được chuyển lên trại Panatnikhom này.
Nơi đầu tiên mình đến là trại nhỏ, anh hiểu chưa? Hổng lẽ anh từ trên trời rơi
xuống đây hả?
Anh ta hiểu ra, bật cười, rồi lại ấp úng:
– Ừ… tôi từ trên trời xuống đó. Tôi đến đây từ
Bangkok!
Nói xong, biết đã lỡ lời, anh ta chuyển ngay đề
tài:
– Cô à, tôi đang tập chụp hình, mà chưa tìm được người
mẫu, nếu cô đồng ý tôi sẽ chụp hình cho cô. Bữa nào tôi và cô đến khu đất đẹp
nhất gần cổng trại để chụp nha, gọi là thực tập miễn phí, đôi bên cùng có lợi,
chịu không?
– Miễn phí thì… chịu! Chắc chắn tôi sẽ đi mượn vài bộ đồ
đẹp, và trang điểm sơ sơ, chớ ai lại chụp hình với bộ đồ Cao Uỷ
này?!
– Đồng ý, khi nào cô sẵn sàng thì cho tôi biết.
– Nhưng nhà của anh "kín cổng cao tường" quá, làm
sao tôi với tới, í lộn, làm sao để gặp anh?
– Ừ thì mỗi sáng tôi sẽ đứng đây đợi cô, nếu không thấy, tôi
sẽ đi loanh quanh, trại nhỏ xíu mà.
– À mà nè, tôi qua trại với ba cô bạn thân, chúng tôi ở
chung nhà, vậy anh chụp luôn cho bốn đứa, được
không? Anh ta bật cười, xua
tay:
– Í, đâu dễ dàng như vậy được, tôi và cô chỉ mới ký "hợp
đồng" chụp một mình cô thôi mà! Thôi cứ chụp cô trước, rồi sau đó tính tiếp.
– Anh hứa rồi đó!
– Nhưng cô nhớ đừng để tôi chờ lâu nhé, cái máy này tôi mới
mua ở Bangkok, cô sẽ là người... khai máy đầu
tiên!
Tôi mắc cỡ cười duyên trong khi anh ta giơ máy chụp hình về phía ánh nắng hừng đông vừa lấp ló ngoài hàng rào trại rồi nháy mắt nhìn tôi cười vui vẻ:
– Máy đã sẵn sàng rồi đấy, chỉ còn chờ người mẫu
thôi.
Câu chuyện tới đó thì đứt ngang, vì hình như có tiếng gọi của
ba anh ta từ trong nhà vọng ra, anh ta liền chào tạm biệt tôi, cả hai chưa kịp
hỏi tên nhau.
Bỗng nhiên, vài hôm sau, tôi ngỡ ngàng phát hiện ra căn nhà
đó đã biến mất, cũng im ru bà rù như khi nó xuất hiện, như chưa từng có mặt
nơi này. Mọi thứ đã được dọn đi, chỉ còn trơ lại lô đất xi măng trống trọi.
Tôi đem chuyện này tường thuật tỉ mỉ cho mấy anh cùng làm
chung trên bưu điện. Nối kết những chi tiết của tôi kể, và các tin tức mà một
anh trong bưu điện nghe rỉ tai từ một người làm trong Ban An Ninh trại, chúng
tôi đã tìm ra sự thật. Những người trong căn nhà
đó, hay nói đúng hơn là người bố của chàng thanh niên, là một “tội phạm kinh tế”
trong vụ đại án “Nước Hoa Thanh Thương” của đại gia Nguyễn Văn Mười Hai đang
rúng động cả Sài Gòn.
Chẳng hiểu thế lực nào đã giúp họ bay qua Bangkok, mua chuộc được Bộ Nội Vụ Thailand, rồi được đưa vào trại tỵ nạn Panatnikhom, là nơi ẩn náu hợp pháp và an toàn, để trốn lệnh truy nã của nhà cầm quyền Việt Nam? Rồi họ sẽ được đậu thanh lọc (có tiền mua tiên còn được, nói gì chuyện đậu thanh lọc) và sẽ đường hoàng lên máy bay định cư một nước thứ ba nào đó, sạch tội ngon ơ!
Tự dưng tôi bỗng rùng mình. Chẳng lẽ nào vì cái tật “tò mò
nhiều chuyện” của tôi khiến gia đình họ cảm thấy bị bại lộ tông tích nên đã vội
vã di chuyển đến một nơi khác an toàn hơn, không xui xẻo gặp mấy... “bà Tám”
như tôi? Tôi chợt nhớ lại thái độ bối rối, hơi
khó chịu và nụ cười gượng gạo của ông bố khi bất ngờ nhìn thấy tôi lấp ló ngoài
cửa. Mấy anh đồng nghiệp trên bưu điện bảo đảm với tôi rằng, hẳn là sau đó
chàng thanh niên đã bị bố mắng cho một trận, vì giữa lúc chạy trốn lệnh truy nã
đầy "nguy nan", "dầu sôi lửa bỏng" mà còn... mê
gái!
Nghĩ tới đó, mồ hôi hột của tôi vã ra như tắm. May mà tôi là
“bà tám nhiều chuyện” ở trại tỵ nạn Thailand, chứ nếu xảy ra tại Việt Nam, sớm
muộn gì tôi cũng bị thủ tiêu để bịt đầu mối, ví dụ như một vụ đụng xe hay biết
đâu là một vụ… té lầu chớ chẳng chơi.
Hú hồn!
Kim Loan