728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

      VĨNH CHÁNH GẶP NHAU NGÀY CHIẾN SĨ TRẬN VONG

       VĨNH CHÁNH GẶP NHAU NGÀY CHIẾN SĨ TRẬN VONG

      Nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong Hoa Kỳ ( Memorial Day), 


      Toàn dân tưởng nhớ đến và tri ân sự hy sinh của những chiến sĩ Quân Lực Hoa Kỳ,

      cho đất nước được tự do, dân chủ và hùng mạnh cho đến ngày hôm nay..

       Chạnh lòng nghĩ đến bao giờ con dân Việt Nam Cộng Hòa được tưởng nhớ và tri ân 

      (trên quê hương Việt Nam) đến sự hy sinh của Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa, sau những năm, tháng dài bảo vệ Miền Nam Tự Do, Hạnh Phúc, Ấm No, chống lại quân xâm lăng cộng sản Bắc Việt..

       ** Để tưởng nhớ về những chiến thắng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, xin mời Quý Vị theo dõi bài viết:

      "An Lộc - Một Chiến Thắng Khó Quên", của một Quân Y Sĩ Nhảy Dù: B.S Vĩnh Chánh...

       ** Cuộc chiến bí mật về đường mòn HCM, có ám danh: Cuộc thí nghiệm sương mù, của Không quân Hoa Kỳ.

      Xin mời Quý Vị theo dõi để tường..

      Trân trọng.

      BMH  ///

      Washington, D.C 

       Cuộc chiến bí mật về đường mòn  HCM, có ám danh: Cuộc thí nghiệm sương mù, của Không quân Hoa Kỳ.

       Câu chuyện về phi đội đặc biệt của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ do các phi công tình nguyện tham gia một trong những phi vụ nguy hiểm nhất trong Chiến tranh Việt Nam. 

       Nhiệm vụ của họ: tìm kiếm các phương tiện vận tải tiếp tế của cộng sản Bắc Việt, và các cơ sở phòng không được bí mật dấu kín dọc theo mạng lưới đường mòn, và đường thủy được gọi chung là đường mòn HCM. 

      Phi đội cũng đồng thời làm nhiệm vụ hướng dẫn các hoạt động cứu cấp, cho các phi hành đoàn của Hoa Kỳ và đồng minh bị bắn rơi.

      Xin click vào link dưới đây:

      https://www.pbs.org/video/the-misty-experiment-nFK9Xe/

      An Lộc – Một Chiến Thắng Khó Quên – Vĩnh Chánh

      Ngày thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022, Nam Cali rộn ràng trong nắng ấm. Cả 2 tuần trước đó, tôi đã “bị” rộn ràng nhận và trả lời texts của BS. Ngô Thế Khanh, 1 đàn anh đẹp trai trong Quân Y của Sư Đoàn 6 KQ, từng đóng đô tại Pleiku. Theo lời khuyên của BS. Khanh, người mời vợ chồng chúng tôi tham dự ngày mừng “50 NĂM BÌNH LONG ANH DŨNG”, tôi cần phải trang phục với bộ áo quần trận hoa dù mũ đỏ, với dây nịt quân đội có búp nịt màu vàng của sĩ quan, bottes de saut kèm theo lời khuyến cáo phải nhớ đánh bóng thật láng, phải có thêm cả thẻ bài – dù dấu kín bên trong áo trận… Tôi quắn cả người tìm cho được số quân đưa cho BS. Khanh nhờ anh đăt làm cho tôi thẻ bài và mua giùm dây nịt quân đội. Thật là nhiêu khê. Nhất là gần cả 3 năm vừa qua, tôi không có dịp “chưng diện” bộ đồ quân phục của mình, phải trèo lên attic lục tìm...

      Dù sao, chuyện mặc quân phục Nhảy Dù cũng là một bắt buộc, nhất là trong những họp mặt có nhiều anh em Nhảy Dù tham dự. Huống hồ đây lại là một kỷ niệm khó quên của Chiến Thắng An Lộc vào hè 1972, khi nguyên cả 2 Lữ Đoàn Nhảy Dù được tung vào trận chiến, để cùng với các lực lượng cơ hữu của sư đoàn 5 Bộ Binh, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Trung Đoàn 33 thuộc sư Đoàn 21 và Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 18, các đơn vị Thiết Giáp và Pháo Binh, các phi đoàn thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân, đã  anh dũng chiến đấu, quyết chí bảo vệ một phần đất của tổ quốc, chận đứng sự tấn công của phía địch gồm 4 sư đoàn Bộ Binh, các trung đoàn pháo, thiết giáp, phòng không, đặc công, với tổng số lên đến cả 50 ngàn quân. Cuộc chiến đã xẩy ra từ ngày 13, tháng 4, 1972 đến ngày 12 tháng 6, 1972, là ngày thị xã An Lôc hoàn toàn được giải tỏa sau 7 lần bị địch tấn công tới tấp chỉ sau đó chém vè, để lại hàng ngàn tử thi và hàng chục và hàng chục xác xe tăng ngổn ngang trong thành phố và bên ngoài thị xả.

      Lịch sử cho thấy cuộc chiến An Lộc là một mặt trận mang nặng tính cách chính trị vì phía địch có dã tâm chiếm nguyên tình Bình Long cùng An Lộc để gây áp lực, làm thủ phủ cho MTGPMN trong hoà đàm Paris. Đây là một trận chiến khốc liệt khi địch quân tung ra một lực lượng bộ binh rất lớn với sự xuất hiện lần đầu của thiết giáp tại vùng 3. Đồng thời chúng đã sử dụng pháo binh nhiều đến mức độ khiến thị xả trở thành bình địa.

      Tôi tham dự 50 Năm Chiến Thắng An Lộc, không những vì lòng biết ơn và ngưỡng mộ các chiến sĩ VNCH trong cuộc chiến, mà cũng vì muốn chia sẻ, vinh danh, qua sắc phục quân đội và màu áo của binh chủng mình, những gian truân, những hy sinh thân xác của bao đồng đội từng có mặt tại An Lộc, và lòng cảm thương những cái chết bất nhẫn của bao thường dân vô tội.

      Vào đầu tháng 4, 1972, tôi đang là sinh viên năm thứ 5 tại ĐH YK Huế. Do nhu cầu trận chiến, trường YK Huế có tổ chức một toán y tế với 7 tình nguyện viên, gồm 2 bác sĩ giải phẫu và 5 sinh viên, ra Quảng Trị phục vụ bệnh viện Quân Dân Y. Đó là lần đầu tiên tôi thực sự nhìn thấy những thương binh với những vết thương nghiêm trọng, cần hồi sinh cấp cứu và giải phẫu. Nhìn thấy người lính chết trước mắt mình khi chờ được lên bàn mổ. Để cảm thông sự đau đớn hằn lên trong ánh mắt của những đồng đội bên cạnh.

      Từ đó, những tin tức nóng sốt, với chiến cuộc đang diễn ra tại Pleiku-Kontum, Bình Long –An Lộc, rồi Quảng Trị, đã mở rộng tầm hiểu biết của tôi về một cuộc chiến tàn khốc và kinh hoàng, một địa ngục trần gian. Một mùa hè khô nóng của máu và máu, của bão lửa và sắc thép, của bao cái chết không toàn thây do hỏa pháo cường tập. Của tử khí từ cả ngàn thây người ngổn ngang trên Đại Lộ Kinh Hoàng hay trong thị xã An Lộc và trên đường di tản. Của bao hy sinh để quyết bảo vệ một cuộc sống đúng nghĩa và xứng đáng với 2 chữ Tự Do. Của bao cái chết oai hùng của những chiến sĩ vô danh trong nhiệm vụ trai thời chiến. Làm nổi bật khí thế và tinh thần chiến đấu anh dũng của người lính Miền Nam. Miền Nam Việt Nam đã chiến đấu, giữ vững và kiêu hùng chiến thắng. Tôi đã hiểu như vậy. Tôi đã cảm kích những người lính đang chiến đấu. Tôi cám ơn đất nước tôi. Bấy giờ, với lòng yêu nước dâng trào, tôi tự hiểu rồi cũng sẽ đến phiên mình nhảy vào cuộc chiến trong nay mai.

      Ngay trước mặt bàn tiếp tân gần cửa ra vào, BS. Thân Trọng An và tôi cùng lúc nhìn thấy nhau khi vợ chồng chúng tôi bước vào với BS. Khanh bên cạnh. BS. An từ Montreal, Canada, bay về Nam Cali chỉ để tham dự buổi tiệc mừng chiến thắng này. Trưng tập ngay sau khi tốt nghiệp, BS. Thân Trọng An tình nguyện đến phục vụ đơn vị Quân Y tại An Lộc năm 1973 cho đến ngày mất nước. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau dù trước đây có liên lạc qua Tập San Y Sĩ Canada mà BS. An  đảm nhận chức vụ trưởng khối báo chí. Nhờ anh, tôi được biết thêm, sau trận An Lộc 1972, VC vẫn tiếp tục lai rai pháo kích vào thị xả này. Một mặt trận không hề được yên nghỉ…cho đến tận cuối con đường.

      BS. Thân Trọng An chụp chung với vợ chồng

      BS. Nguyễn Văn Quí, với bên dưới là cuốn sách

      Nhật Ký An Lộc, nằm ngay trước mặt tôi, 

      với bài tôi đang viết trong PC.

       Ngồi cũng bàn, ngoài BS. Thân Trọng An và BS. Ngô Thế Khanh, còn có BS. Hoàng Xuân Trường, tác giả của “Sau Bức Màn Đỏ”, “Cõi Trời, Cõi Ta” và…; vợ chồng BS. Phạm Quang Trọng, em trai của anh rể của tôi, từng phục vụ trong TĐ Quân Y Sư Đoàn 5 BB; anh Lê Hưng, một Thiếu Úy thuộc Sư Đoàn 3 KQ VNCH từng bay nhiều phi vụ trên vòm trời An Lộc, nay trong bộ quân phục màu trắng của một cựu Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ – phải viết lại cho rõ, cựu Trung Tá Lê Hưng là một phi công của Hàng Không Mẫu Hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, một thành viên kỳ cựu của Tail Hook Association. Thật đáng nể – và vợ chồng BS. Nguyễn Văn Quí, tốt nghiệp 1968, trưng tập khóa 10, đã nằm ngay tại thị xả An Lộc trong suốt 86 ngày của chiến trận, là tác giả của cuốn sách quý báu “Nhật Ký An Lộc” mà cá nhân tôi rất ngưỡng mộ và thúc đẩy tôi có tham vọng, trong một ngày nào đó, sẽ đóng góp một tài liệu quân sử so sánh trận chiến Điện Biên Phủ và An Lộc

      Tôi có ý mong gặp BS Nguyễn Nam Hùng, thuộc Tiểu Đoàn Quân Y của Sư Đoàn 5 BB, là người có nhiệm vụ săn sóc sức khỏe cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 trong đó có cả  vị Chỉ Huy Trưởng Sư Đoàn 5 BB, để mong anh kể cho nghe vài câu chuyện mà anh từng là chứng nhân, nhưng anh quá bận rộn trong ban tổ chức Ngày Kỷ Niệm 50 Năm Bình Long Anh Dũng. Tôi cũng biết một đàn anh trong YK Huế, BS Nguyễn Bội Giang, trưng tập khóa 13, cũng có mặt tại Bộ Chỉ Huy SĐ 5 BB trong cùng thời gian. Nhưng rất tiếc anh ở hơi xa, không đến được.


      *Hình: Vĩnh Chánh, BS Thân Trọng An, BS Hoàng Xuân Trường

      BS Mũ Đỏ Phạm Gia Cổn

      Tại hiện trường, tôi nhìn thấy rất nhiều những cựu chiến binh thuộc mọi binh chủng từng có mặt trong trận chiến An Lộc; về phía Quân Y Nhảy Dù, tôi hãnh diện thấy  BS. Phạm Gia Cổn, bấy giờ là y sĩ trưởng của TĐ1ND với Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá La Trịnh Tường,  đại diện phát biểu vừa cho Nhảy Dù, vừa cho Quân Y. Trong những quan khách danh dự, tôi được giới thiệu và nghe lời phát biểu của một sĩ quan trẻ tuổi của QĐ Hoa Kỳ, là cháu nội của cố Chuẩn Tướng Richard Tallman, tư lệnh một Lữ Đoàn Không Kỵ 101, tử trận ngày 9 tháng 7, 1972 khi trực thăng đưa Ông đến bị trúng pháo địch tại sân bay An Lộc. Tôi liên tưởng đến Sư Đoàn 101 từng cố thủ tại Bastogne, vào mùa Đông năm 1944, trong trận The Battle of The Bulge nổi tiếng nhất của Quân Đội Mỹ tại Âu Châu trong Thế Chiến thứ 2, không hề đầu hàng trước sự tấn công ồ ạt của nhiều quân đoàn Đức, nhiều sư đoàn Panzers và pháo binh, đã chống trả kịch liệt, chận đứng được quân địch cho đến khi tiếp viện đến nơi. Xuyên qua cái chết của Tướng Tallman, có nên chăng ghi nhận chiến thắng của Mỹ ở Bastogne, tại vùng Ardenne năm xưa và bây giờ chiến thắng của VNCH ở An Lộc, tại Bình Long, như một trùng hợp quân sử theo kiểu của history repeats.

      Giờ đây, trong phòng hội lớn của sáu, bảy trăm người, tôi còn biết thêm những địa danh chưa mấy quen thuộc như Chơn Thành,Lộc Ninh, Hớn Quảng, Quốc Lộ 13, Lai Khê, hay còn xa lạ như Tân Khai, Đồn Điền Xa Trạch, Xa Cam, Quản Lợi, Minh Thạnh, Đồi Gió, Đồi 169, Srok Ton Cui, đồi Đồng Long, …Là những tên xa lạ khó cho người dân thị thành biết đến, nhưng tại đó có hàng trăm chiến binh hai bên lẫn lộn nằm chết bên nhau, chưa kể cả vạn thường dân vô tội bị kẹt giữa làn đạn.

      Những không ảnh phóng lớn cho thấy cảnh bình địa của thị xả An Lộc, kèm theo là xác của quá nhiều tăng địch ngổn ngang, hình ảnh của các quân nhân phe ta vẩy tay chiến thắng trên xác tăng địch. Hay hình ảnh của lá cờ Tổ Quốc VNCH vẫn hiên ngang bay trong gió dù với nhiều chỗ rách do mảnh đạn. Và bao nhiêu hình ảnh oai hùng khác nói lên sự kiên cường chiến đấu và hy sinh của quân ta. Hình ảnh bia mộ Nghĩa Trang Biệt Cách Dù 81 kèm theo An Lộc Địa Sử Lưu Chiến Tích – Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân –

      Khi chiến trận tại Kontum, Vùng 2, vừa tạm yên, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, với các Tiểu Đoàn 1 (với BS Phạm Gia Cổn, #18 Hiện Dịch, Y Sĩ Trưởng), Tiểu Đoàn 3 ND (với BS Đặng Vũ Báy, #18 Hiện Dịch, Y Sĩ Trưởng) và Tiểu Đoàn 2 ND (với với BS Lê Minh Tâm, #17 Hiện Dịch, Y Sĩ Trưởng) – thế cho TĐ 11 ND về thẳng hậu cứ bổ sung quân số sau trận Charlie – cả 3 tiểu đoàn được không vận về Biên Hòa; rồi từ Lai Khê, TĐ1 ND và TĐ3 ND được trực thăng bốc vào Tân Khai, và từ đó hành quân đường bộ tiến vào chiến trận. Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, với Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Lê Quang Lưỡng, gồm các Tiểu Đoàn 5 ND (với Y Sĩ Trưởng là BS Nguyễn Hữu Tâm, #17 Hiện Dịch), Tiểu Đoàn 6 ND (với Y Sĩ trưởng là BS Lê Trung Hiếu, #17 Hiện Dịch) và Tiểu Đoàn 8 ND (với Y Sĩ Trưởng là BS Dương Văn Đức, #18 Hiện Dịch) cùng liên hiệp nhảy vào vùng. Chưa đến 1 tuần sau, Lữ Đoàn 2 ND được lệnh ra khỏi vùng, không vận về Huế, để nhận một nhiệm vụ mới không kém quan trọng: chuẩn bị vượt sông Mỹ Chánh trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị.

      Trở về lại với An Lộc, các tiểu đoàn ND liên tục đụng địch trong nhiều trận đánh nẩy lửa. Với những người từng tham chiến tại mặt trận An Lộc, hay những vị chưa có cơ hội có mặt tại chỗ, hoặc sinh sau đẻ muộn như cá nhân tôi, và để quý vị hiểu rõ sự hy sinh tuyệt đối của chiến binh Nhảy Dù qua tinh thần Nhảy Dù Cố Gắng, mời quý bạn đọc một bản dịch ngắn dưới đây của Mike Mc Dermott, Thiếu Tá cố vấn Mỹ của Tiểu Đoàn 5 ND, viết về một trong những trận chiến mà TĐ 5 ND gặp phải trên cuộc tiến quân vào An Lộc:  

      “Thiếu Tá Hiếu ra lệnh cho người đại đội trưởng Đại Đội 51 đang phòng thủ mặt trước của tiểu đoàn: Đại Đội sẽ phải nằm lại, cố thủ và làm thành phần chận hậu cho tiểu đoàn rút lui và di chuyển đến một vị trí mới. Nhiều phi cơ chiến đấu đang ở trên vùng và tôi nói với Thiếu Tá Hiếu rằng Trung Sĩ McCauley sẽ đi với ông; tôi muốn điều khiển cuộc dội bom và kiên quyết ở lại để làm cho xong công việc ấy. Sau khi vừa chỉ tay ra hiệu cho biết hướng phải đi, Thiếu Tá Hiếu nắm lấy áo tôi, kéo tôi lại sát người ông, nhìn thẳng vào mắt tôi và la lớn trong tiếng nổ vang của súng đạn: “Anh không ở đây lâu được. Ngày hôm nay, ngay tại nơi đây, Đại Đội 51 Dù sẽ Vị Quốc Vong Thân.”

      Tôi có được cái nhìn rất rõ về những người lính của Đại Đội 51 đang chạy ngược về từ những vị trí trước mặt. Trong một ít giây, tôi nghĩ họ sẽ chạy dạt về phía sau, tìm đường bỏ trốn, nhưng mắt tôi nhìn thấy một màu sắc chói sáng trên đầu họ. Họ đã liệng bỏ nón sắt, đội chiếc mũ bê-rê đỏ trên đầu và nhảy vào những hố chiến đấu đang bỏ trống, sẵn sàng cho một trận đánh mà họ biết không thể thắng được. Những chiến binh Dù nầy hiểu rõ trách nhiệm của họ và quyết định sẽ chạm địch với chiếc nón bê-rê đỏ, một chiếc nón và màu sắc luôn biểu tượng cho lòng dũng cảm và sự can trường mà họ rất hãnh diện được mang trên đầu. Tôi nhận thức rõ là họ sẵn sàng hy sinh ngay lúc ấy, ngay tại đó và ngay trên khu rừng cao su đang bị cày nát bởi súng đạn”.

           Tôi xin tạm dừng nơi đây, mời bạn đọc thắp vài nén hương lòng, tưởng nhớ đến anh linh của bao chiến sĩ vô danh nằm xuống trên vạn nẻo đường của đất nước, không riêng tại An Lộc: 

      “…Gươm anh linh đã bao lần vấy máu

      Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình

      Rừng trầm phai sắc – thấp thoáng tàn canh

      Hỡi người chiến sĩ vô danh

                Sau nhiều đỗ máu trên bước tiến quân, cuối cùng TĐ 6 ND của Thiếu Tá Nguyễn Văn Đỉnh cũng đưa con em mình vào bên trong thị xã An Lộc. Để sau đó, cùng với Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và các quân nhân của Sư Đoàn 5 BB, sát cánh bên nhau, anh hùng bắn cháy mấy chục chiến xa địch, bẻ gãy tất cả các đợt tấn công vũ bão của chúng dưới làn mưa đạn không thương tiếc của pháo binh địch.

                Nay mời quý bạn thưởng thức bản nhạc “Đã Một Lần” của BS Mũ Đỏ Phạm Gia Cổn, được trình bày trong Ngày Hội này do phu nhân của tác giả, song ca với một đồng đạo trong nhóm Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc và với tiếng thổi kèn ai oán của chính MĐ Phạm Gia Cổn. Một bản nhạc tôi rất mến chuộng vì lời rất chí khí diễn tả sự chia lìa của đôi chinh phu chinh phụ vì chiến tranh“Trách chi người ai lỗi ai -Trách chi người mi ướt cay – Trách chi người thôi đã xa nhau kiếp này.

      Mong “Mùi thơm khăn áo ngây ngất đi vào cổ tích tôi.”

                Cũng như cuộc chiến An Lộc – Một thời binh lửa đã qua – 50 năm. Rồi cũng sẽ đi vào cổ tích thôi!

                Dù bên cạnh họ vẫn còn nghìn người mang những thương tật nặng nhẹ trên cơ thể, cả vạn người với thương tích không chảy máu dấu sâu trong lòng, những người chết trận chính thức giã từ vũ khí. Họ thật sự là những anh hùng đã đi vào huyết sử của dân tộc, là hồn thiêng của sông núi, là huyền thoại của đất nước. Không có gì cao quý hơn khi chết trận. Chết trận là chết không một than vãn. Không một ai oán. Không có lấy một lời trăn trối cho người yêu, không kịp một lời xin lỗi với vợ dại con thơ ở nhà. Nhưng khi người lính nhắm mắt buông xuôi, tình yêu vẫn luôn hiện hữu trong ánh sáng vĩnh cửu của tin yêu, trong tình thương nhớ vô vàn của đồng đội và gia đình. Họ vĩnh viễn là cánh gió tung bay trên vạn nẻo đường đất nước.


      Cho phần kết, nếu tin vào truyện “cổ tích tôi” như trong bản nhạc “Đã Một Lần”, xin hãy cho nhau một lời nguyện cầu rằng chỉ sự yêu thương và lòng độ lượng sẽ hóa giải cái hung bạo của chiến tranh và đem con người ra khỏi hận thù. Như trong mấy vấn thơ của nhà văn Nhảy Dù Trang Châu từng viết khiến lòng tôi mênh mang cảm phục.   

      “Trong cuộc chiến hôm nay

      Cho tôi xin chiến đấu không hận thù

      Xin những vết thương bình đẳng

      Cho tôi đổi một trăm chiến thắng

      Lấy một giọt nước mắt kẻ thù”.

      Tháng 5, 2022

      Vĩnh Chánh

               **


      • Blogger Comments
      • Facebook Comments
      Item Reviewed: VĨNH CHÁNH GẶP NHAU NGÀY CHIẾN SĨ TRẬN VONG Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ