KIM LOAN: LỜI TẠ ƠN THAY CHO MỘT NGƯỜI
LỜI TẠ ƠN THAY CHO MỘT NGƯỜI
Anh Hai, là con trai trưởng, đã sớm ý thức việc học hành để làm gương cho lũ em nhỏ, hầu sau này tiến thân, không phải vất vả. Anh học rất giỏi, vì yêu thích Y Khoa, anh vào học Khoa Học Sài Gòn. Nhưng vì Mùa Hè Đỏ Lửa tổng động viên năm 1972 anh phải từ bỏ giấc mộng Bác Sỹ, vào trường Sư Phạm. Miền Nam bị cưỡng chiếm, đưa biết bao người vào bước ngoặt mới của cuộc đời, trong đó có gia đình tôi. Má tôi mất sau đó một tháng, ba đi cải tạo về chưa có việc làm, mọi việc trong nhà đều đặt nặng trên vai bà chị Cả và anh Hai vì lũ chúng tôi còn trong lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới...
Lúc đó anh đang dạy học ngoài Cần Thơ, nhưng là thủ lĩnh
tinh thần của cả nhà. Một vài tuần anh bắt xe về thăm nhà, dặn dò mọi điều, rồi
trở về Cần Thơ. Anh cũng là người cương quyết không cho gia đình nghe lời dụ dỗ
và ép uổng của chính quyền đi kinh tế mới. Và cũng chính anh, là người nhen
nhóm trong nhà tôi hai chữ “vượt biên”, vì như theo lời anh nói, “không thể sống
chung với cộng sản”.
Lần đó anh về thăm nhà như thường lệ, rồi họp cả gia đình,
báo tin buồn, anh bị “trúng tuyển nghĩa vụ quân sự” theo chỉ tiêu của nhà trường
để đáp ứng nhu cầu gửi quân qua biên giới Campuchia. Bà chị Cả khóc lóc, ba tôi
rầu rĩ, mấy anh em khác thì lặng im che dấu nỗi buồn, nhưng anh Hai tôi mỉm cười
cho mọi người lên tinh thần. Sau đó anh nói:
- Đây chính là cơ hội để con tìm đường đi bộ qua biên giới,
vào Thailand tỵ nạn, xin mọi người bình tâm mà cầu nguyện cho đầu xuôi đuôi lọt.
Nói rồi anh lấy trong túi xách ra tấm bản đồ biên giới
Campuchia-Thailand mua ngoài chợ trời. Tấm bản đồ bằng Tiếng Anh, nhưng với vốn
liếng mấy năm học ở Hội Việt Mỹ trước năm 1975, và giáo viên dạy Anh Văn tại
trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, thì tờ bản đồ anh xem không khó gì. Anh vẽ chi
chít và ghi chú cẩn thận trên bản đồ, và chỉ cho mọi người xem dự tính của anh,
sẽ đào ngũ, đi qua Siêm Riệp, rồi từ đó theo đường mòn biên giới vào Thái. Nghe
anh nói ngon ơ, nhưng ai cũng biết là biết bao hiểm nguy chờ đợi. Bọn Khmer Đỏ
còn rình rập giết chóc, đường rừng ngập các bãi mìn, chưa kể là lính đào ngũ
còn bị quân đội Việt Nam tìm bắt ráo riết, chạy đâu cho thoát.
Cả nhà ngày đêm cầu nguyện, lắng lo thì bỗng ba tuần sau anh
về nhà, báo tin vui, vì nhà trường cần những giáo viên giỏi như anh, nên đã xin
đặc biệt cho vài giáo viên được tạm hoãn thi hành “nghĩa vụ quân sự”.
Sau lần đó, anh vẫn kiên quyết tìm đường vượt biển, nên mùa
hè năm tới anh ra khơi, và xui xẻo thay, cả nhóm bị bắt khi đang chờ tàu lớn, rồi
bị giam lại Long Đất chín tháng trời. Khi ra tù, anh mất việc, mất cả hộ khẩu
nên tìm về Sài Gòn, ở nhà “ ăn không ngồi rồi” đợi chờ cơ hội tiếp theo. Trong
thời gian này, anh lại đi tìm ngoài chợ trời mua sách của Hải Quân VNCH, và la
bàn đi biển để học cách làm hoa tiêu. Anh vào thư viện tìm thêm tài liệu, lục lọi
các tiệm sách cũ…và rồi cuối cùng, nhờ bạn bè giới thiệu với một chủ tàu, anh
được mời đi vượt biên miễn phí với tư cách là hoa tiêu. Họ còn cho anh dẫn theo
một người, mà trong gia đình tôi lúc đó, tôi là “ứng cử viên” sáng giá nhất cho
chuyến đi vì tuổi mới lớn, vừa bước vào trung học, có cơ hội học tiếp khi qua Mỹ.
Anh đã trằn trọc mấy đêm liền, không biết có nên mang tôi đi theo hay không. Vì
lúc đó thời tiết bị ảnh hưởng bão nên mưa gió, ngoài biển đâu phải lúc nào cũng
êm ả. Mà chuyện đi vượt biên thì đầy may rủi, “con nuôi má” thì ít, mà “con
nuôi cá” và “má nuôi con” cũng chẳng hiếm, chưa kể nạn cướp biển đang hoành
hành. Xóm tôi cũng đã có mấy gia đình cho con cái đi mà chẳng bao giờ đến nơi,
cũng không trở về nhà. Đêm cuối cùng trước khi ra biển, anh thao thức đến khi
trời gần sáng. Không ngủ được, anh ra ngoài phòng khách tìm nước uống. Khi đi
ngang qua chiếc giường thấy tôi đang ngủ say, bên cạnh là chiếc bàn học của tôi
sách vở xếp gọn gàng với chiếc cặp táp chuẩn bị đến trường ngày mai. Thế là anh
quyết định dứt khoát, anh sẽ ra đi một mình, để tôi được tiếp tục những ngày
tươi đẹp hồn nhiên của tuổi học trò. Vì anh là “mạng cùi”, không còn gì để mất,
còn tôi là “mạng vàng”, mới lớn ngây thơ, anh không dám mang ra biển cả gian
nguy, bấp bênh.
Trời không phụ lòng người, chuyến đi may mắn thành công, cập
bến Bidong, Malaysia dù anh mới lần đầu làm hoa tiêu. Thuyền vừa vào bờ đất Mã,
mọi người sung sướng lạy trời lạy đất cảm tạ, còn anh thì xót xa day dứt khi để
tôi ở lại nhà. Suốt thời gian ở trại, mỗi lần ra cầu Jetty đón người mới đến,
hay khi đứng trên lớp dạy Tiếng Anh cho đồng bào tỵ nạn, anh vẫn chưa nguôi nỗi
buồn tiếc nuối đó. Vì vậy, anh quyết tâm bằng mọi giá, sẽ bảo lãnh toàn bộ gia
đình qua Mỹ trong thời gian sớm nhất.
Từ trại tỵ nạn, anh đến định cư tại thành phố Wichita,
Kansas là bắt đầu tìm hiểu chuyện học đại học. Giấc mơ Y Khoa năm nào chợt bừng
sống lại, nhưng ở độ tuổi ngót nghét ba mươi, chương trình học Y vừa dài vừa tốn
kém. Vì mục tiêu lớn hơn là cứu gia đình còn kẹt lại Việt Nam, một lần nữa, anh
phải từ bỏ ước mơ của mình, vào học ngành Engineer. Anh vừa đi học vừa đi làm
cuối tuần để một vài tháng “tiếp tế” cho gia đình một thùng quà giá trị. Hàng
xóm chung quanh hay nói với tôi:
- Nhà người ta có con gái qua Mỹ gửi đồ về là hãnh diện lắm,
vì con gái biết thu vén tối đa cho gia đình. Còn nhà cô, chỉ cần một ông anh
thôi cũng bằng hai, ba cô con gái nhà người ta cộng lại.
Ngay khi vừa vào đại học, anh đã bắt tay vào việc làm hồ sơ
bảo lãnh gia đình. Trong khi nhiều người bạn học khác chỉ lo học hoặc đi làm,
chưa thấy được tầm quan trọng của việc bảo lãnh thân nhân, thì anh đã xúc tiến
từng bước thủ tục. Anh tự tìm hiểu qua phone hoặc trên giấy tờ (thuở ấy chưa có
internet để lên mạng dễ dàng như ngày nay). Không cần đến văn phòng luật sư,
anh sử dụng khả năng English của mình rất kiên nhẫn, tự tin, theo dõi cập nhật
hồ sơ một cách khoa học, đúng trình tự.
Cuối năm 1989, vì nôn nóng không thể đợi giấy tờ bảo lãnh hiệu
lực, gia đình đã cho tôi đi vượt biên, và tôi đến trại tỵ nạn Panatnikhom,
Thailand. Nghe tin tôi đến trại, anh mừng rỡ vô cùng. Mỗi tháng anh gửi tiền
chu cấp đều đặn. Khi những người xung quanh tôi, cũng có thân nhân nước ngoài,
người thì nhận tiền nhỏ giọt, người thì tháng có tháng không, còn tôi thì cứ tuần
đầu tháng là có thư, vì cứ mỗi ngày mồng một của tháng, anh hoặc vợ anh (lúc ấy
anh mới lập gia đình) đi gửi tiền, suốt bốn năm như thế, chưa trễ một lần nào.
Đặc biệt, lúc đó, anh tôi còn “nổi tiếng” trong trại, ít nhất
là khu tôi ở, vì sự chăm lo “có một không hai” dành cho cô em gái là tôi. Sợ
tôi bị rớt thanh lọc, anh bảo tôi cứ bình tĩnh để anh tìm cách, chứ dứt khoát
không để tôi phải quay về Việt Nam. Anh nghĩ ra cách đăng trên mục “Tìm Bạn Bốn
Phương” của Mỹ giùm tôi, với ước mong sẽ tìm được một người nào đó, tốt đẹp, và
biết đâu sẽ tiến xa hơn, đưa tôi qua khỏi cuộc thanh lọc. Nên mới có chuyện một
buổi sáng kia, cả dòng người xếp hàng chờ thư bên bưu điện xôn xao vì tôi có
hơn 20 lá thư trên list, mà toàn là từ Mỹ và tên người gửi cũng là tên Mỹ. Nhưng
rồi giải pháp đó cũng chẳng có kết quả gì.
Còn nữa, sợ viết trong thư không thể nói hết về nước Mỹ để
tôi mở mang kiến thức, anh còn ngồi thâu băng cassette, kể chuyện nước Mỹ cho
tôi nghe. Kể về thành phố Wichita thời sinh viên của anh, về thành phố San
Antonio nơi gia đình anh đang sinh sống, về các trường đại học, về cuộc sống
người Việt và người Mỹ, về mọi thứ trên đất Mỹ. Đêm đêm tôi mở cuộn băng “Nước
Mỹ” cho cả lô nhà cùng nghe (bằng cái máy cassette nho nhỏ chạy bằng loại
battery có thể rechargeable anh gửi). Mọi người nằm nghe say mê, rồi đi vào giấc
mộng êm ái mơ màng với nước Mỹ bên kia bờ đại dương. Một hôm, có người tìm đến
căn nhà tỵ nạn tôi, hỏi lớn:
- Cô Loan ơi, cho tôi mượn cái băng cassette.
- Băng ca sỹ Ngọc Lan hả anh? (Vì chị dâu tôi cũng hay gửi
băng nhạc cho tôi nghe, bà con xung quanh cũng hay qua mượn)
- Khồng…ồng …!! Tui muốn cái băng “Nước Mỹ” mà anh cô kể
chuyện hấp dẫn đó.
- Chẳng dấu gì cô, tui cũng có thằng con bên Mỹ. Tiền viện
trợ nó gửi còn thưa thớt, tháng nhớ tháng quên, chớ đừng nói gì đến chuyện kể về
nước Mỹ cho tui nghe.
- Dạ, vậy bây giờ chú nghe băng “Nước Mỹ” xong chưa, cho con
xin về cho người khác mượn.
- Cô để thủng thẳng tui nói hết đã chứ. Tuần sau cô quay lại
lấy được không, vì tôi đem cuốn băng đó ra tiệm nhờ sang ra hai ba cuốn, mà họ
làm chưa xong!
- Úi trời, chú sang ra hai ba cuốn làm gì?
- Thì để cho bà con chung trại cùng nghe, và một cuộn tôi sẽ
gửi về Việt Nam cho vợ con tui biết về nước Mỹ, cô thông cảm nha!
Trong thời gian bốn năm tôi bị kẹt bên trại, gia đình tôi
bên Việt Nam lần lượt đi qua Mỹ theo diện ODP bảo lãnh của anh tôi. Vậy là anh
đã thoả mãn ước mong, không còn một thân nhân ruột thịt nào còn lại với chế độ
Cộng Sản. Mấy người bạn cũ thời đại học Wichita của anh, có người lận đận mãi mới
đưa được người nhà qua đây, thậm chí có người vẫn còn cha mẹ bên quê nhà, chỉ
vì hồi đó chủ quan và…làm biếng! Họ nói với anh:
- Tụi tôi phục ông sát đất! Không tốn một đồng xu nào cho luật
sư mà đưa được cả gia đình anh chị em qua đây đầy đủ. Hồi đó tụi tôi không chịu
nghe lời khuyên của ông, giờ hối hận thì đã muộn!!
Anh là cuốn “Từ Điển Bách Khoa” của đại gia đình tôi với trí
nhớ dẻo dai, hiểu biết rộng và chính xác. Mỗi lần qua Mỹ, tôi say sưa ngồi nghe
anh nói chuyện hàng giờ mà vẫn chưa đủ. Tên quốc tịch của anh là David, và tôi
hay gọi một cách thân thương là “anh Dave thông thái của chúng ta”. Riêng kiến
thức về nước Mỹ thì anh có thể nói không cạn đề tài. Ngoài lãnh vực chuyên môn
nghề nghiệp, còn có chuyện chính trị, xã hội, y tế …vì anh là một công dân Mỹ
gương mẫu, yêu nước Mỹ và tự hào về nước Mỹ. Các gia đình anh chị em chúng tôi
(kể cả tôi bên Canada) đều treo tấm bản đồ nước Mỹ trong nhà, là món quà đầu
tiên anh tặng cho mỗi gia đình.
Cứ ngỡ anh đã an phận vì “giấc mơ Mỹ Quốc” của gia đình mình
đã trọn vẹn, nhưng anh vẫn quan tâm giúp đỡ những người quen khác còn ở Việt
Nam. Hàng năm vào dịp Tết, anh đều đặn gửi tiền cho vài hàng xóm vẫn còn lao
đao nghèo khó. Chị Nga Sún bán khoai luộc đầu xóm mỗi lần nhận tiền đều cười
vui vẻ, khoe:
- Ôi, hồi đó mỗi lần ảnh từ Cần Thơ về xóm là chiều chiều đi
ngang qua nhà tui. Thằng con tui thấy ảnh về là ôm bài tập qua hỏi thầy giáo liền
á!
Bác Sương kế bên nhà tôi ngày xưa phát biểu:
- Nói thiệt, hồi đó tui chỉ mong cậu ấy ngắm nghía con gái
tui là tui bắt về làm rể. Ai ngờ, cậu ấy ôm mộng vượt biên!
Riêng tôi còn nhớ chị Quỳnh Giao, xinh đẹp thuỳ mị nhất nhì
trong xóm, có lần đến thăm anh khi anh mới về thăm nhà. Hai người ngồi ngay
phòng khách nói chuyện tới khuya. Chiếc giường ngủ của tôi kế bên đó, tôi chỉ
nhắm mắt giả vờ ngủ, để nghe được những câu dịu dàng nũng nịu chị đã trách móc
anh tôi:
- Lần nào anh về cũng không có thời giờ qua nhà thăm em sao?
Em chờ hoài chẳng thấy nên đành phải…xuống nước qua đây tìm anh đó, anh hiểu
không?
Hình như anh tôi có cười xin lỗi, và chắc sau này chị ấy đã
hiểu, anh phải gạt bỏ chuyện tình yêu để ưu tiên cho chuyện vượt biên, tìm
tương lai tươi sáng và lo cho gia đình.
- Giờ anh có còn muốn đưa ai qua Mỹ nữa không nà?
Anh cười lớn:
- Nếu được, anh ước gì mang toàn dân Việt Nam qua đây, cho họ
nếm mùi “tư bản rẫy chết” của Mỹ, nhưng coi bộ khó quá. Thôi thì chỉ cầu mong
cho quê hương mau dẹp tan cái đảng Cộng Sản ăn hại, cho người dân được nhờ.