728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    TRƯƠNG LANG VƯƠNG: MỘT NÉT CHỮ, MỘT ĐỜI NGƯỜI...

    MỘT NÉT CHỮ, MỘT ĐỜI NGƯỜI...

    TRƯƠNG LANG VƯƠNG

    *

    “Tại sao ông không viết đơn xin vào hội?”

     - Tôi thẳng quen rồi, không thể nói dối được, càng không thể viết dối.

     Đó là câu nói mà dăm năm trước ông ta đã dõng dạc nói to trước khi ngẩng mặt để kiêu hãnh bước ra khỏi cái diễn phòng sặc màu đỏ rực, để rồi giờ đây thì ông ta rụt rè nhút nhát khi bước vào cái tiệm vàng duy nhất trong chợ trấn, như nhà quê lần đầu lên tỉnh, như con sâu đất lặn hụp giữa bầy gà, như một nhà văn không còn cách nào khác nữa để tự nuôi lấy văn mình nơi hạ giới. 

     Từ ba giờ sáng ông đã nhân lúc đường còn vắng người mà đi bộ từ cái lều của mình lên đây, đến nơi thì đứng lủi lủi từ xa để chờ tiệm của người ta có khách vô mở hàng trước, ông sợ vía ông nặng hay xấu rồi làm phiền đến chuyện buôn bán làm ăn của họ, đây không phải là giữ kẽ hay giữ cả, mà là giữ lễ trong chốn bươn chải của người đời.

     Chiếc nhẫn vàng mỏng tanh này không phải của ông, bởi ông làm gì có thứ báu nhiều đến thế, đây là nhẫn của đứa em gái tự tay tháo ra đưa cho ông, nó là đứa em gái tốt, không nhẫn tâm thấy anh mình tàn tạ tới thế nên mới đưa để anh bán đi rồi ăn một bữa no với mua vé xe mà lên Đông Anh đến chỗ người quen mà tìm việc, là người họ hàng có tiệm sửa nón cối trên đó, ông tới mày mò để họ bao ăn thôi là đủ rồi, chứ cua ốc quanh lều đâu mà nhiều đến thế để ông ăn đủ quanh năm, người có thời thì ốc cũng có mùa mà, nó có tội tình chi đâu mà sao ông cứ mãi săn lùng cả tông ti nhà nó, trứng chưa kịp đẻ thì ông đã vội ăn rồi.

     Chiếc nhẫn vàng này thu đúng giá là được hai trăm bốn mươi đồng, nhưng chủ tiệm nhìn thấy cái bộ dạng nhếch nhác của người đàn ông kia thì giảm xuống còn hai trăm ba mươi đồng, bởi biết có giảm xuống nữa thì ông ta cũng không dám đi chỗ khác, cũng biết chắc hẳn là đời này khách kia chỉ ghé tiệm được mỗi lần này thôi, không nhân dịp để chặt chém thì còn đợi tới lúc nào.

     Ai biết đâu, kẻ từng một thời khiến văn đàn dậy sóng chỉ bằng một câu chuyện ngắn với số chữ không lấp đầy nổi đôi trang, giữa cái thuở mà cả xứ này ai cũng như hoa hướng dương chỉ phương rạng rỡ duy một lối, thì kẻ đó lại dám mang thân cỏ dại tầm thường không nơi nương tựa mà hét lớn lên rằng mặt trời kia chỉ là giả dối thôi, để rồi nhà bị đập, việc bị mất, kính nát cả hai tròng, rồi người quen bỏ mặc, hàng xóm quay lưng, đồng bạn đồng văn giương bút nhọn chỉ thẳng mặt thệ rằng không quen, không biết, khiến phải sống còn lầm lũi hơn giang hồ hết số hay bà góa bị đổ vạ bức chết ba đời chồng, rồi do chỉ ăn mỗi ốc ruộng bắt lén không thôi mà nay đã nhìn hèn mạt tới mức biết chủ tiệm kia đã ăn bớt đi mười đồng tiền bán nhẫn của em gái mà vẫn phải gật gù cam tâm rằng đó là đang làm phước cho mình, bởi nếu chủ tiệm không thu thì ông biết phải làm gì đây? Là chẳng biết phải làm gì thêm nữa...

     Dọc đường về, sau mấy tiếng lặng lẽ bước đi với năm ngón tay đã mò đếm tới lần thứ mấy trăm mớ tiền giấy trong túi quần, để rồi lúc đã về tới đầu thôn thì ông không đi thẳng về lều, thay vào đó thì lại rẽ ngang qua nhà đứa em gái, ông gặp rồi đưa đủ cho nó hết hai trăm ba mươi đồng. 

     Ông nói: “Nhẫn bán được chẵn ba trăm, tôi giữ bảy chục để chi tiêu, chừng đó tôi tự dùng dư dả cũng phải cả tháng có hơn, còn phần dư này thì cô cứ cầm lấy, cần chi cứ chi còn không thì cứ giữ đó chờ tôi trả đủ rồi cô đem đi mua nhẫn mới. Tôi là lớn trong nhà, tôi nói sao thì cô cứ nghe vậy đi, đừng cãi, bởi cãi là hỗn, tôi giận đấy.”

     Đứa em gái nghe lời anh lớn, cầm lại mớ tiền giấy dư ra kia rồi phải năn nỉ mãi thì anh mới chịu nhận cho mấy củ khoai để đem về ăn cho vui mồm, cô định đưa cơm, đưa gạo cho anh nhưng biết là anh sẽ không nhận nên mới đổi thành khoai, đợi anh cầm đủ hai tay hai củ thì cô lại nhét thêm một củ nữa vào túi áo của anh, phải như vậy thì cô mới an tâm, mới thấy thoải mái ở trong lòng. 

     Chiều tối, giấc khoảng sáu giờ hơn, khi ông vừa ăn xong củ khoai thứ hai thì đứa em rể đến, nó vừa nắm tóc lôi con vợ lê lết vừa hầm hầm la lối từ khi còn cách cái lều của ông đến cả nửa cánh đồng, nó đến để đòi nhẫn, còn không thì đòi bảy mươi đồng còn thiếu trong số tiền bán nhẫn kia.

     Thân gái đã gả đi thì mọi thứ đều thuộc về nhà chồng, không cần biết cái nhẫn kia trước đây là của chính ông mua cho em gái, chỉ cần biết là đã về làm vợ của hắn thì dĩ nhiên cái nhẫn đã thuộc về hắn, thế nên tự ý đem đi là không được, bán cũng không, bán mà thiếu tới tận bảy mươi đồng thì lại càng không. Vậy nên cho dù có là anh rể thì hắn cũng phải đòi lại cho bằng được, quyết làm cho ra ngô ra khoai, không để cho ai ăn quỵt trên đầu nó, đặc biệt là thứ bị cả xã hội bỏ rơi như cái lão khô củi lẩn trốn trong cái lều này.

     Nhìn đứa em gái hai mắt sưng húp, má sưng to, tóc tai bị giật rụng một mảng lớn, chân thì chỉ còn một chiếc dép với chút máu ứa ra từ mồm chưa nuốt kịp, ông chỉ còn biết lạy dài đứa em rể mấy cái liền để nó nguôi giận mà thả đầu tóc của vợ nó ra, sau đó thì lạy lục xin lỗi để năn nỉ nó thư thả cho ông, bởi chỗ tiền bảy mươi đồng kia lúc trời còn sớm ông đã chuyển bưu điện cho người quen để nhờ lo chút việc, xin nó cho ông dôi ra mấy ngày mà tìm người ta để lấy lại rồi trả cho nó, hứa không thiếu một đồng nào, thậm chí còn trả thêm tiền lời để bù cho cái ơn chờ của nó.

     Ông nói như khóc, bao nhiêu chữ nghĩa tích góp được trong đời đều đem ra hết nơi khắc này để làm dịu cái lòng của người em rể, mong nó đừng làm đau thêm đứa em gái hiền lành tội nghiệp kia của ông, rồi lúc về cũng đừng dằn vặt đánh đập nữa làm chi, đời này sa đến bước chân đây ông chỉ còn lại đứa em thuận thảo kia là đáng để nương tựa trong tâm tư mà ráng sống đỡ, lỡ nó có chuyện gì thì tội với thầy u dưới suối vàng ông không gánh được, rồi cũng không sao nhắm mắt được.

     Đứa em rể nghe vậy thì hất hàm mấy cái, buông đầu tóc vợ ra rồi tiện tay tát con vợ cho lăn gọn vô một góc, xong thì đi ba bước sục sạo hết cái lều, lật mảnh chiếu con với đạp bể luôn cái nồi đất có củ khoai thứ ba bên trong, là cái nồi mà ông hay dùng để nấu ốc bắt được, tiếp thì soát hết người của ông anh rể từ trên xuống dưới, mục đích là để xem thử ông ta có nói láo, có giấu tiền ở đâu đó hay không, bảy mươi đồng không phải số tiền nhỏ, nói chay không là không đủ, phải kiểm tra cho kỹ thì mới chịu tạm tin nhau.

     Xong thì nó chỉ mặt mà nói rõ với ông anh rể thêm mấy câu sòng phẳng, rằng nói lời thì nhớ giữ lấy lời, nể chỗ anh em thân tình nên bảy mươi đồng kia nó chỉ lấy thêm năm đồng phí tổn cho có lệ thôi, mục đích là dạy cho biết rằng lần sau anh em hai người đừng có thử qua mặt thằng này thêm lần nào nữa, ba củ khoai kia mất không phải là nó không biết đâu, chiều về liếc ngang cái là nó đã biết rồi, một cắc một chinh tiền sứt mẻ rớt ngang nó còn biết chứ đừng nói là tới tận bảy mươi đồng.

     Vừa nói nó vừa hai tay xét người ông thêm một lần nữa cho chắc ăn, cẩn thận kỷ lưỡng còn hơn sai nha xét tù phạm, xong thì nó đạp con vợ một cái để kêu về, nhắc nhẹ rằng dọc đường về nhớ căng hai con mắt ra để tìm cho bằng được chiếc dép bị rớt kia, chứ nếu mà tìm không được, làm mất của của nó, thì đừng trách sao nó ra tay độc ác, "hao phí của ông, ông sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ".

     Nhìn đứa em gái vừa khúm núm bụm tay cúi mặt theo sau lưng chồng vừa ngó nghiêng trong bóng trời tối sẫm để tìm chiếc dép, ông đợi hai đứa nó đi xa trước một quãng rồi cũng nối đuôi để phụ tìm, cho đến khi thấy đứa em gái đã tìm được chiếc dép bị rơi thì ông mới an tâm mà quay về lều, xếp mọi thứ lại cho ngăn nắp, vứt mấy mảnh kho bị đạp vỡ đi, phủi phủi củ khoai thứ ba bẹp dí kia một chút rồi ráng bốc ăn được bao nhiêu thì được, miếng ăn là miếng tồi tàn, không ăn sẽ tàn, vậy nên dẫu có tồi thì cũng phải ăn.

     Sáng hôm sau ông ra đê tắm sớm, sau đó thì phủi phẳng cái áo sơ-mi cộc tay để mặc mà đến thăm nhà người bạn, chỉ là bạn cũ ngoài xã hội thôi chứ không phải bạn trong văn đàn, bởi giới cầm bút bây giờ họ tránh ông còn hơn tránh tà, sức mấy mà gật đầu chào một cái chứ đừng nói là mở cửa cho vô.

     Sang tới nhà của bạn, ngồi uống bình trà nóng rồi thăm hỏi nhau mấy câu xong thì ông xin phép ra về, cớ là tiện đường công việc nên ghé qua chào nhau một tiếng chứ không có công sự gì lớn cả, bởi nhìn nhà bạn rồi nhìn bạn, thấy mặt biết cảnh thấy cảnh biết cuộc đời, ông không cách chi mà mở miệng ra được, nhìn tóc nó bạc, trán nó nhăn, tới cái quần tây bận ra tiếp khách mà cũng rách lỗ to chưa vá kịp, thì một điếu thuốc thơm nó mời ông cũng không dám đưa tay lấy chứ đừng nói tới chuyện lớn tận bảy mươi đồng, coi như bụng đói đi bộ cả buổi để gặp nhau rồi uống chén trà cho say cơn đói thì đã tốt lắm rồi, đời này người với người quý nhau chỉ cần có thế.

     Rời khỏi nhà bạn rồi đứng đực ven đường một chút, ông tự ngẫm lại tới vài lần để chắc chắn rằng mình đúng thật là chẳng còn ai để có thể ghé thăm nữa. Xưa tay bắt mặt mừng đông đến nỗi chỉ nhớ mặt chứ không nhớ tên, nay buông tay viết thẳng chỉ mấy dòng mà đã chẳng còn ai dám nhận là quen nữa, tự nghĩ tự ngẫm rồi tự cười một mình. Người bình thường chỉ biết là đời bạc tiền bạc kiếp bạc mệnh bạc chứ đâu có biết rằng trong cõi thơ ca cũng còn có cái gọi là văn bạc, trắng đến đau xót dạ dày, phũ đến sờn hết tim óc, mỏng manh còn hơn cả trang giấy tạp chí ố màu, bút sa gà chết, bút thẳng thân vong, bút không hối hận nhưng tâm này sao tránh nổi những tiếng thở dài tự đau, tự đớn, tự cay lòng.

     Thế là ông tiếp tục đi bộ ra bến phà, đây là kế hoạch thứ hai mà ông đã tự soạn ra cho mình từ đêm qua, chữ không bán được, bạn không nhờ được, vậy thì đành phó mặc hết chuyện trả nợ cho cái tấm thân còm cõi này thôi, bao năm nay đều trông cậy vào nó, nay chỉ đành thêm lần nữa dựa vào nó thôi.

     Bà già bán bánh dày kẹp chả lụa mỗi sáng đều nhờ con dâu đạp xe chở bà ra bãi cạn để bán cho khách sang sông sớm với đám phu khuân vác gạch đất cát xà bần. Buổi sáng cái thúng bánh nặng nên bà nhờ con, chiều thúng nhẹ đi rồi thì bà tự đi bộ về, bởi nó vẫn còn công việc riêng của nó nữa, mỗi ngày đỡ cho mẹ được một chuyến là đã đủ hiếu thảo lắm rồi. Thời này không phải ai cũng rước được con dâu tốt đến thế đâu, vậy nên lúc rảnh tay hay gặp khách ăn quen thì bà thường khoe với họ về nó, khoe để bà vui còn họ thì có chuyện gật trong lúc nhai cục bột trắng dẻo có hương tiêu át hương nếp đậm đà, là tiêu nằm trong chả lụa, bà bán quen nên miếng nào cũng ráng cắt dính cho họ một hạt tiêu, cắn trúng thì nhăn mặt lên rồi hít hà tấm tắc khen thơm lắm, tiêu hạt loại một đó chứ không phải loại thường đâu, bà dẫu kiếp bán buôn cầu lợi nhưng vẫn tự giữ cho nhau được hai tiếng thật thà.

     Đời ôm cái thúng đội đầu kẹp hông thì đâu có chuyện gì nhiều đâu để nói, chẳng qua là đôi khi bà sẽ có hơi trách người ta trong lòng một chút, là trách những ai chỉ mua hai miếng bánh dày chứ không chịu ra thêm tiền mua chả lụa, bởi thật ra bán không bánh dày là hòa công đó, bà chỉ lời được có chút xíu ở tiền chả lụa kia thôi, có bánh có chả thì bà đủ công một lần ra mua bán, mà chả lụa không thì chẳng ai lại ăn sang như vậy rồi, còn nếu chỉ mua bánh chứ không kẹp chả thì tức bà đã lỗ cái công của con dâu mỗi sớm đèo bà ra đây, bán thì vẫn phải bán thôi, để mỗi ngày mà gặp phải năm ba người khách như vậy thì bà sẽ thở ra suốt dọc đường về, chán chẳng thấy gì vui nữa, lòng bà như thế đó, nhỏ bé con con như mấy miếng chả lụa trắng kia thôi.

     Vậy mà mấy hôm nay, bà lại gặp phải lão khách hãm tài đến đáng sợ, đó là người phu mới ở chỗ bến này, người mà mỗi ngày chỉ ăn đúng một miếng bánh dày chứ không mua đôi cũng không kẹp chả, ki bo tằn tiện đến nỗi bà vừa nhác thấy mặt thì đã muốn bưng cái thúng đi chỗ khác chứ chẳng muốn bán cho lão để làm gì.

     Chỉ là cách ăn của lão này vậy mà lại tử tế, cắn từng miếng nhỏ một rồi lấy lưỡi ép lên trên vòm cho dẹt ra, sau mới cuộn xuống mà nhai nuốt từ từ, cách ăn này khiến bánh dày như dòng nước trôi xuôi xuống cổ, ăn cả miếng bánh nhẹ nhàng như uống cốc nước chứ chẳng hở môi nhai nhồm nhoàm rồi trợn mắt cố nuốt như những người khác, bà thấy vậy nên bà mới quý mà bán cho, coi như gặp người biết ăn thì cũng bõ cái công sức của mình, thời nay người biết ăn sao cho tử tế như vậy cũng hiếm lắm, xưa chỉ thấy ở các cụ thôi chứ bây giờ thì hết sạch rồi, đều là ăn cho hết rồi chết thôi chứ có gì đâu mà thưởng thức với tự tình chu sa đỏ phẩm.

     Lão đó ăn của bà bảy ngày bảy miếng bánh, đến ngày thứ tám khi bà chợt hứng chí muốn tặng không cho lão một miếng chả lụa thì chợt chẳng thấy tăm hơi của lão đâu, nghe người phu khác kể lại là lão ta đã xin nghỉ rồi, chắc già cả ốm yếu sức chỉ được có nhiêu đó thôi, cố đủ tuần rồi thì không cố thêm nổi nữa, có nghỉ thì cũng nên lấy đó làm mừng, ai cũng nói ra mấy câu bâng quơ rồi quên mất, chỉ có bà lão bán bánh dày là thấy tiếc vì lão vẫn chưa kịp ăn miếng chả lụa của mình, có hạt tiêu loại một, cay cay thơm thơm, đượm vị đậm đà…

     Ông qua nhà đứa em gái, gặp rồi đưa cho hai vợ chồng nó bảy mươi bảy đồng bạc giấy đã được vuốt phẳng phiu, bảy mươi là nợ, năm là lời, còn hai kia thì coi như ông cho thêm hai vợ chồng, cứ lấy đó mà ra chợ mua cái gì ngon ngon để cải thiện, tự ăn rồi tự quây quần đầm ấm với nhau, đừng bận tâm đến ông, bởi ông đang có nhiều chuyện gấp phải làm. Chỉ vậy thôi, nói xong thì ông cười với hai vợ chồng nó một cái rồi đi về, đi sớm nghỉ ngơi sớm, bởi ông tự thấy bản thân mình cũng đã mệt nhiều rồi.

     Thẳng lưng suốt cả con đường, về đến lều thì ông không nhịn nỗi nữa mà khom lưng để ho với phun ra cục đờm đỏ ứa, đờm trước đỏ sau, bảy ngày dồn lại cũng chỉ phải trả giá một vũng nhỏ xíu đó thôi mà.

     Vào lều, nằm trên chiếu, thấy ngón tay còn dính chút màu đỏ tươi thì ông quệt luôn lên vách gỗ cho sạch màu, quệt xong nhìn lại mới thấy đường mình mới vẽ ra kia vậy mà lại thẳng băng từ đầu tới cuối, ông cười cười, tự nghĩ bản thân mình vậy mà vẫn còn phong phạm kẻ sĩ lắm, để tạm nghỉ ngơi chút rồi mai cầm giấy viết mà đi tiếp cái mệnh văn chương của mình, chữ còn người còn, văn ra chỉ cần không thẹn với lòng là được. Nghĩ vậy, rồi ông tự ru cho mình một giấc ngủ thẳng lưng ngon lành.

     Năm ngày sau, khi đứa em gái tới thăm thì xác văn nhân trong lều kia đã cứng, chắc vì ốm đói nên khô queo chứ không thối như xác lợn xác gà, để lại cho đời chỉ một nét thẳng băng giống như người nằm nghiêm ngay đó, nhắm mắt mà không thẹn với lòng.

     *

    Trương Lang Vương

    *

     Tạm biệt một sĩ phu chân chính, hãnh diện khi kiếp này được cùng người kề vai gọi bạn trên văn đàn…

      

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: TRƯƠNG LANG VƯƠNG: MỘT NÉT CHỮ, MỘT ĐỜI NGƯỜI... Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top