728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    TRANG BIÊN KHẢO NGUYỄN MINH THANH: PHAN ĐÌNH PHÙNG-PHAN THANH GIẢN-NGUYỄN CAO-LÊ LAI

     TRANG BIÊN KHẢO NGUYỄN MINH THANH: PHAN ĐÌNH PHÙNG-PHAN THANH GIẢN-NGUYỄN CAO-LÊ LAI

    ÔNG PHAN ĐÌNH PHÙNG
             ( 1847 - 1895 )
    Hà Tịnh, La Sơn, tổng Việt Yên
    Trung can nghĩa khí cụ Đình - Nguyên*
    Trước thềm phản đối người di mệnh
    Trong nước tiểu trừ kẻ nghịch thiên
    Hồng Lĩnh phất phơ cờ tụ nghĩa
    Vụ Quang ngùn ngụt khí bình Phiên
    Sa Nang Úng Thủy** dìm thây giặc
    Khói biếc La Giang*** tỏa khí thiêng !!
    NGUYỄN - MINH - THANH

    * Tên hiệu cụ P. Đ. P, tức học vị Tiến Sĩ.
    **Trận đại thắng của Nghĩa Quân, dùng dòng nước
    chảy siết cho địch loạn hàng ngũ và phục binh trên cao bắn xuống,
    tại núi Vụ Quang Hà Tĩnh năm 1895
    ***Sau khi cụ Phan mất do bịnh  kiết lị, tên Nguyễn - Thân
    ( làm việc cho Tây ) sai người lấy thi thể Cụ đốt ra tro, rồi trộn
    vào thuốc súng bắn xuống dòng La - Giang..!!

     ***

    Lương Khê Phan Thanh Giản
             
    1-  Lược sử: * Cụ Phan ( 1796 -  1867 ), hiệu Lương Khê, người Ba Tri, Bến Tre,  con ô, bà Phan Thanh Ngạn và Lâm thi Bút. Nhà nghèo, mẹ mất sớm. Cha tục huyền. Nhưng kế mẫu rất thương con chồng. Nhờ thế PTG mới được đi học. PT G thông minh học rất giỏi và đậu Tiến sĩ năm 1826.
    Cụ Phan Thanh Giản là Tiến sĩ đầu tiên của miền Nam!

    2- Bài Thơ Đăng Hoàng Hạc Lâu và bài dịch:
    Năm 1834, Minh Mạng thứ 15, Ô. Phan Thanh Giản đi sứ Trung Quốc. Khi ngang qua ngôi lầu nổi tiếng Hoàng Hạc Lâu, Ô đã lên thăm và ngắm cảnh HHL. Dưới đây là bài thơ Đăng Hoàng Hạc Lâu của PTG:

       登黃鶴樓
                         藩清簡
      昔時鶴已何年去?  
      千載人從南極臨。
      鸚鵡洲前芳草綠,
      晴川閣上白雲深。
      半簾落日浮江漢,
      一片寒流送古今。
       滿目煙波轉惆悵,
       悠悠塵夢拾秋心!

    Diễn Nôm:
          ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU  
    Tích thời hạc dĩ hà niên khứ ?                  
    Thiên tải nhân tòng Nam cực lâm.            
    Anh vũ châu tiền phương thảo lục,          
    Tình Xuyên Các thượng bạch vân thâm.    
    Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,            
    Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm (kim)      
    Mãn mục yên ba chuyển trù trướng,        
    Du du trần mộng thập thu tâm.            
                                     Phan Thanh Giản                                
    Dịch Nghĩa :
    Ngày xưa chim hạc không biết đã đi năm nào,
    Bây giờ có người ngàn năm sau từ miền cực Nam đến.
    Chỉ còn thấy trước bãi Anh Vũ cỏ thơm xanh mởn,
    Trên gác Tình Xuyên mây trắng thấy sâu thăm thẳm.
    Nửa vành mặt trời lặn nổi trên giòng Giang Hán,
    Một giòng sông lạnh cứ lạnh lùng chảy mãi tự xưa nay.
    Nhìn thấy khói sóng bao la trước mắt mà lòng biết bao buồn bã.
    Trong cuộc đời mộng ảo mênh mông nầy cũng chỉ gom nhặt được lòng hoài cảm trong mùa Thu mà thôi. Cảnh Thu buồn, khách ngắm Thu buồn theo...!!
    Câu cuối,có thể Cụ Phan chơi chữ,vì chữ THU秋ở trên, chữ TÂM 心ở dưới, nếu ghép lại, ta sẽ có chữ SẦU 愁." Yên ba giang thượng sử nhân Sầu " của Thôi Hiệu.
    Dịch thơ:
    Lên Lầu Hoàng Hạc
    Hoàng hạc bay cao tự thuở nào ?
    Phương Nam viễn khách ghé chơi lầu
    Mây đùn nõn trắng Tình Xuyên các
    Cỏ dệt thơm xanh Anh Vũ châu
    Giang Hán nửa vành trôi lấp loáng
    Cổ kim sông lạnh cuốn sâu sâu
    Bâng khuâng khói sóng ôm dòng biếc
    Cõi mộng tâm Thu gặm nỗi sầu
                Nguyễn Minh Thanh phụng dịch

    3 -  Tâm sự của cụ Phan Thanh Giản:
    Qua tiểu sử và thơ văn của cụ Phan, ta thấy lúc nào Cụ cũng ưu tư về ân vua, tình nhà, nợ nước, về thế sự thăng trầm.
    Trong bài thơ Ký Nội, PTG đã nhờ hiền thê là Bà Trần thị Hoạch
     thay Ô. phụng dưỡng cha mẹ lúc Ô. bận rộn việc quan xa nhà.

               Ký Nội (  dặn vợ  )
    Từ thuở vương mang mối chỉ hồng
    Lòng này ghi tạc có non sông.
    Đường mây cười tớ ham dong ruổi,
    Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.
    Ơn nước nợ trai đành nỗi bận,
    Cha già nhà khó cậy ai cùng.
    Mấy lời dặn bảo cơn ly biệt,
    Rằng nhớ rằng quên lòng hởi lòng.
                                       PT G
    Rồi, qua bài " Tự Thán ", Cụ tỏ ý lo lắng trước nền văn minh của Tây Phương, muốn thức tỉnh triều đình, nhưng chẳng ai tin, tương tự như truyện Ô. Nguyễn Trường Tộ!!
              Tự Thán
    Từ ngày đi sứ tới Tây kinh  
    Thấy việc Âu châu phải giật mình
    Kêu tỉnh đồng bang mau kíp bước
    Hết lời năn nỉ chẳng ai tin
                                    PT G    
    Cho đến việc " ba tỉnh lại chầu ba ". Cụ đau đớn biết ngần nào, bao công lao hãn mã trôi theo dòng Cửu Long, đến đổi Cụ phải quyên sinh!!!

            Tuyệt Cốc  ( nhịn đói )
    Trời thời, đất lợi, lại người hòa
    Há để người coi phải nói ra
    Lăm trả ơn vua đền nợ nước
    Đành cam gánh nặng ruổi đường xa
    Lên ghềnh xuống thác, thương con trẻ  
    Vượt bể trèo non, tủi phận già
    Những tưởng một lời an bốn cõi
    Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!!
                                      PT G              
    Cả đời cụ Phan Thanh Giản lúc nào cũng lo thế nước lòng dân. Thương thay lòng trời không tựa. Cụ đành cam " Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục ". Danh ngôn:
    Kẻ tiểu nhân có nhiều lần để chết. Người quân tử chỉ cỏ một lần để chết !
    4 - Phần kết
    Bồi hồi cảm thương Cụ Phan đã tuẫn tiết. Cũng chính là cảm thương cho mệnh nước nổi trôi, cho mệnh dân tộc Việt Nam điêu linh chưa biết ngày nào mới hết ?? !!  
    Từ năm Cụ tuẫn tiết 1867 cho đến nay, hơn 150, nước VN, dân VN vẫn lận đận lao đao...!!
    Biết bao giờ cho bé thơ có đủ trường ốc học hành. Để cho quý nữ nhi khỏi đi " làm dâu xứ ngoại, làm ôsin ", khỏi phải bán.... Để cho nam nhi khỏi đi ra nước ngoài " trồng cỏ ", ăn cắp...
    Để cho Lạc Hồng nở mặt với bốn biển năm châu...?!!
    Tưởng niệm cụ Phan, hậu sinh có bài thơ nhỏ:

        Lương Khê Phan Thanh Giản
    Nặng lòng hiếu đạo mộng khoa danh
    Mẹ mất khó khăn vẫn học hành
    Văn uyển uyên thâm mưu quốc sách
    Quan trường tận lực kế dân sanh
    Thương nhà cha yếu lời lâm biệt
    Giúp nước vua mong việc bất thành
    Tuẫn tiết ngậm ngùi... thời phải thế
    Lương Khê Tiến Sĩ nguyệt cao thanh
                         Nguyễn Minh Thanh kính bút
    Và câu đối kính dâng Cụ :
    Khoa danh mài miệt cực thân học hành thành công nên tiến si.̃
    - Hoạn lộ tận tâm vị quốc tính toan thất bại phải quyên sinh !!

    Tuy nhiên Cụ Phan đã:
    " Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh "- VTTường
    Và là:
    "Anh hùng mạc bả doanh thâu luận,
    Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu."    -  TK

    Đành rằng tiền nhân đã " Lưu thủ đan tâm ". Đã " Tiết nghĩa lưu "...
    Song, đau lòng biết bao, khi mà công lao của quý tiền nhân đã cuốn vào chân mây trắng, trôi theo dòng nước xanh.
    Xót xa hãn mã theo dòng nước
    Tổ Quốc thuyền nan biển sắp chìm...!!

    Có sự ngẫu nhiên:
    Năm mất của cụ Phan Thanh Giản ( 1867 ) , cũng là năm sinh của cụ Phan Bôị Châu. Và cả hai Nhà Ái Quốc thiết tha với dân tộc đều là họ Phan. Nhân đây xin chép bài Thống Khốc Giang Sơn của cụ PBC:
         Thống khóc giang san dữ quốc dân
          Ngu trung vô kể chửng trầm luân
          Thủ tâm vị liễu thân tiên liễu
          Tu hướng tuyền đài diện cố nhân
                                                     PBC
         (Thương khóc non sông với quốc dân
          Tài hèn không vớt được trầm luân
           Lòng này chưa hả thân đà chết
          Thẹn xuống hoàng tuyền gặp cố nhân ) - khuyết danh

    Đọc bài thơ Thống Khốc Giang Sơn của cụ Phan Bội Châu, chúng ta thấy niềm đau Núi Sông của Cụ, to lớn đến ngần nào...!! Cũng như cụ Phan Thanh Giản đã xót xa than:
          " Những tưởng một lời an bốn cõi
             Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!! "

    Ngoài trời trăng nghiêng mái
    Chim côi buồn khắc khoải
    Gió lạnh tạt qua mày
    Cố quốc ngùi... mây bay... mây bay...!!
                         Nguyễn Minh Thanh biên soạn
                           ( GA, 17 - 7 - 2023 )
    Nguồn:
    lylang.blogspot.com
    Thivien.net
    Wikipedia tiếng Việt
    TNĐT - DNTĐ - Trịnh Vân Thanh.....

    ***

    Trác Hiên Nguyễn Cao

    (1837 -1887)

    "   Thệ tâm thiên địa phi trường xích
                                     Thiết xỉ giang san mãn thiệt hồng  "

    Trác Hiên Nguyyễn Cao
    Lẫm liệt anh hùng tỉnh Bắc Ninh
    Dốc lòng vì nước đã quên mình
    Chiến trường mấy bận thù ghê khiếp
    Trận mạc bao phen giặc hoảng kinh
    Rạch bụng móng tay bày khí phách
    Cắn răng đỏ lưỡi quyết quyên sinh
    Hỡi ôi xâm lược không trừ đặng
    Thì sống làm chi trước bất bình
                        Nguyễn Minh Thanh khấp tác
    1 -  Lược Sử: Nguyễn Cao  (1837 - 1887), Nguyễn Thế Cao, người làng Cách Bi, Bắc Ninh, hiệu là Trác Hiên, danh tướng nhà Nguyễn và là một nhà thơ thế kỷ 19. Cha  Nguyễn Thế Hanh, Mẹ là Nguyễn Thị Điềm.
    Năm 1867, đời vua Tự Đức, Nguyễn Cao thi đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương , không ra làm quan, mà về quê mở trường dạy học.
    Năm 1873, quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất, Ông  giữ chức Tán lý Quân Vụ tỉnh Bắc Ninh, đã cùng với Ngô Quang Huy, Phạm Thận Duật, Trương Quang Đản đem quân bao vây  thành Hà Nội, đánh bật đồn bốt của giặc. Sau đó, Ông được bổ làm Tri huyện Yên Dũng, rồi Tri phủ Lạng Giang.
    Năm 1882, Pháp tiến đánh Hà nội lần thứ hai, Nguyễn Cao lại dẫn quân về đánh Pháp tại Gia Lâm, và rồi bao vây thành Hà Nội.
    Ngày 27 tháng 3 năm 1887, trong trận đánh ở làng Kim Giang Hà Tây, Ông bị giặc bắt. Giặc dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, nhưng Ông cự tuyệt. Giặc hâm dọa tra tấn. Ông cười nói: " - Tao có sợ chết đâu. Để tao tự xử trước cho chúng bây xem". Nói xong, Ông đã tự rạch bụng bằng móng tay lòi ruột. Họ đem Ông cứu chữa. Tỉnh dậy, biết mình không chết, Ông tự cắn lưỡi và tuyệt thực cho đến  chết. Có nghĩa sĩ viếng câu đối :
    " Thệ tâm thiên địa lưu trường xích,
    Thiết xỉ giang sơn mãn thiệt hồng. "
    ( Rút ruột đỏ phơi tim vũ trụ
    Nghiến răng hồng nhai lưỡi non sông )  Cụ PBC dịch
    A - Đại Thần Tôn Thất Thuyết có thơ tiếc thương Nguyễn Cao:
    Vãn Nguyễn Cao
    Tằng thập niên tiền thức hào kiệt
    Sinh bình tự hứa giả khí tiết
    Tòng ngã Giang Bắc hiệu trì khu
    Dũng cảm thanh danh quán đồng liệt
    Thâm kỳ báo quốc thụ kỳ luân
    Khước tích đương niên tố trung liệt
    Tự công thị tử chân như du
    Chính khí lẫm nhiên truy cổ triết
    Niên lai tựu nghĩa bất thiểu nhân
    Tranh đạo Cách Bi ông thù tuyệt
    Tinh linh ưng vị dực sơn hà
    Vạn cổ Đức Giang lưu phương khiết
                               Tôn Thất Thuyết
    Viếng Nguyễn Cao
    Mười năm từng biết kiệt hào
    Bình sinh khí tiết nêu cao vời vời
    Theo ta dẹp lũ giặc trời
    Bắc Giang dũng cảm ít người sánh so
    Kỳ công báo quốc hằng lo
    Ngờ đâu tự tại tự cho lìa đời
    Nhẹ nhàng sinh tử như chơi
    Bừng bừng chánh khí đất trời cũng kinh
    Trung nghĩa lắm kẻ thâm tình
    Cách Bi vượt trội thời sinh đã làm
    Hồn thiêng trợ giúp Việt Nam
     Phương danh vạn cổ Đức Giang lưu truyền
                                      NMT phỏng dịch
    B - Nghe tin Nguyễn Cao tuẫn tiết, Nguyễn Quang Bích lúc ấy đang chống Pháp ở vùng Tây Bắc, đã làm bài thơ khóc Ông:
    Khốc tán lý Cách Pha công tuẫn tiết
    Lâm nguy kiến tiết tự thung dung,
    Tu đối thâu sinh ngữ cánh hùng.
    Mạ khẩu vị năng đương nhất tử,
    Dịch trường thí vấn thục phi trung.
    Giải nguyên thanh giá văn chương ngoại,
    Bất hủ tinh linh vũ trụ trung.
    Bao điển thượng tu tha nhật sự,
    Tranh vanh nghĩa liệt thất cuồng nhung.
                             Nguyễn Quang Bích
     *Cách Pha, tên hiệu Nguyễn Cao
       Khóc Nguyễn Cao  ( bản dịch )
    Nguy nan xử trí vẫn thung dung,
    Chê kẻ tham sinh, giọng nói hùng.
    Mắng giặc người xưa tròn phận chết,
    Moi lòng ông cũng tỏ gan trung.
    Biết bao thanh giá ngoài khoa bảng,
    Còn mãi tinh thần khoảng núi sông.
    Quân giặc đứng trông đều hoảng sợ,
    Mai này nước sẽ biểu dương ông
    C - Chí sĩ Dương Bá Trạc cũng có thơ ca ngợi tiết nghĩa Ông:
          Tiết Nghĩa Nguyễn Cao
    Trời đất chông gai hết vẫy vùng
    Còn đem một chết tạ non sông
    Kinh luân cuốn lại con dao bạc
    Danh tiết phơi ra giọt máu hồng
    Hồn nước gọi về dân ngũ tỉnh
    Tiếng thơm cùng thọ miếu song trung
    Chết mà được việc hơn bao sống
    Gian hoá nên ngay nhát hóa hùng
                                         Dương Bá Trạc
    2 -  Thơ Nguyễn Cao: Nguyên Đán Thí Bút Ngôn Chí
    元旦試筆言志  
    暄氣祛寒落酒邊,
    醒看花色上簾鮮。
    計旬應已稱強仕,
    更事多慚尚少年。
    癡拙此身多病態,
    遭逢今日幸生緣。
    閑來如早成初志,
    買盡春山不用錢。
    Nguyên đán thí bút ngôn chí
    Huyên khí khư hàn lạc tửu biên,
    Tỉnh khan hoa sắc thướng liêm tiên.
    Kế tuần ưng dĩ xưng cường sĩ,
    Canh sự đa tàm thượng thiếu niên.
    Si chuyết thử thân đa bệnh thái,
    Tao phùng kim nhật hạnh sinh duyên.
    Nhàn lai như tảo thành sơ chí,
    Mãi tận xuân sơn bất dụng tiền.
                         Nguyễn Cao
    Dịch nghĩa:
    Xuân Về Bày Tỏ Ý Nghĩ
    Khí ấm xua rét rơi xuống bên chén rượu
    Tỉnh ra thấy màu hoa tươi vươn lên trên rèm
    Kể tuổi thì đã đến tuần làm quan cứng cáp
    Trải việc đời thì thường vẫn thẹn là con trẻ
    Ngu si vụng dại, thân này nhiều thói xấu
    Gặp gỡ như ngày nay là may được có duyên
    Nếu từ lâu sớm có chí muốn nhàn tản
    Thì mua hết núi xuân chẳng mất tiền
    Dịch thơ:
    Xuân Về Bày Tỏ Ý nghĩ
    Xuân về chuốc chén rượu thơm
    Bên hiên thưởng thức hoa đơm rỡ ràng
    Tuổi tuần xứng đáng vị quan
    Việc đời như trẻ vẫn đang ngại ngần
    Vụng dại lại lắm hư thân
    May thay có được chút phần thiện duyên
    Từ lâu mà thích cảnh tiên
    Xuân sơn nhàn cảnh không tiền cũng mua
                      N M T phỏng dịch
    Lại chơi Tuyết Sơn, lên Bảo Đài
    Năm trước năm nay lên Bảo Đài
    Khắp chùa vẫn đó cỏ hoa tươi
    Động ôm hồ tuyết còn đây chủ
    Lối sạch rêu xanh bởi có người
    Sớm tối tiều ca vin cội núi
    Véo von chim hót lướt mây trời
    Cảnh già phỏng được nhà đôi mái
    Ở mãi làng tiên chẳng trở lui.
                          Nguyễn Cao
    3 - Tiết Phụ Tuyệt Vời, Bà Nguyễn Thị Điềm ( Mẹ Nguyễn Cao ):
    Chuyện kể: khi Nguyễn Cao lên 4 tuổi thì cha qua đời, lúc ấy Bà Nguyễn Thị Điềm mới ngoài 20 tuổi, nhan sắc mặn mà. Song vẫn âm thầm tần tảo để nuôi con ăn học. Bấy giờ, Lý Trưởng làng Cách Bi tên rất háo sắc . Một hôm, gặp Bà trên đường vắng, hắn đã có hành vi khiếm nhã, chạm nhũ hoa của Bà. Bà từ chối dứt khoát và bảo hắn chờ cho con lớn chút nữa rồi sẽ tính tới...
    Tám năm sau, sau khi nhờ bạn thân của chồng châm lo cho Nguyễn Cao; nhân ngày kỵ giỗ chồng, Bà mời họ hàng đông đảo đến tham dự. Trong đó có Lý Trưởng.
    Lễ bái xong, Bà bình tỉnh đứng trước bàn thờ chồng, hướng về Lý Trưởng nói:
    " - Trước đây Lý Trưởng đã nhân tôi góa bụa, thế cô nên giở trò bỉ ổi. Hắn đã xúc phạm đến danh tiết của tôi. Nhưng tôi phải cắn răng chịu nhục là vì lúc đó con tôi hãy còn thơ dại... Nay tiện thể có đông đủ mọi người, tôi xin vứt trả Lý Trưởng cái vết nhơ ấy ". Dứt lời, bà rút ngay con dao bén giấu sẵn trong mình cắt vú vụt vào mặt hắn, rồi tự vẫn năm 1852.
    Người đời hay nói: " Hổ phụ sinh hổ tử ", nơi đây xin phép đổi lại một chữ: " Hổ mẫu sinh hổ tử " để kính ngưỡng Bà Nguyễn Thị Điềm, từ mẫu  Nguyễn Cao với bài thơ và câu đối:
    Tiết Phụ Nguyễn Thị Điềm
    Vợ chồng đạo trọng giữ vuông tròn
    Hận uất dằn lòng bởi xót con
    Lý Trưởng tồi tàng tên mạt hạng
    Nữ nhi hảo hạnh tấm lòng son
    Tế phu một thuở thù nghiêm  trả
    Tặc tử trăm năm nhục vẫn còn
    Mẹ cọp sinh con con cũng cọp
    Thiên thu tiết phụ tuyết đầu non
                     Nguyễn Minh Thanh khấp tác
    Kính ngưỡng Tiết Phụ:
      - Phu thê nghĩa trọng, Quả phụ nhẫn nhục huy hoàng gương Tiết phụ,
      - Mẫu tử tình thâm, Cô nhi dục dưỡng lẫm liệt đấng Nam nhi.
    4 - Phần Kết: Đọc Sử đau hồn Sử
                Cảm Thán,
    Năm ngàn năm lẻ quốc hồn đau
    Đọc Sử ngậm ngùi tiếc... Nguyễn Cao
    Tổ Quốc tan hoang nghe ruột thắt
    Vạn dân bại hoại cảm gan bào
    Máu hồng sông chảy hao vô kể
    Xương trắng núi chồng tốn xiết bao
    Thương tưởng tiền nhân công hãn mã
    Theo dòng nước biếc sóng lao xao...!!
                                 Nguyễn Minh Thanh
    Nghiêm mình chào kính Ô. Nguyễn Cao :
    - Chí ngang trời, múa gươm xông xáo đương hào kiệt gìn sông núi,
    - Gan liền đất, mổ bụng ngạo nghễ trước ngoại tặc cướp núi sông !!
                    Nguyễn Minh Thanh cẩn bút
                           ( GA, 2023 -  8  -  3 )  
    Nguồn:
    Trang Web: Nguyễn Cao
    Thi Viện : Thơ Nguyễn Cao
    TNĐT -  DNTĐ  Trịnh Vân Thanh...

     ***

    Lê - Lai  Cứu Chúa

                         ( ............  -  1418 )

    Trong bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương mở đầu có câu:"  Dư thường văn chi: Kỷ Tín dữ thân đại tử nhi thoát Cao Đế..." ( Ta thường nghe Kỷ Tín đem mình  chết thay, cứu thoát cho Cao Đế....)

    Trong truyện Lê Lai, theo Đaị Việt Thông Sử chép: Trước tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:

    - Nay thế trận nguy hiểm có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không? Các tướng ngồi yên không ai dám thưa. Duy, chỉ có Lê Lai đứng dậy nói:

    - Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa Công....

    Vậy Kỷ Tín là ai ? Lê Lai là ai? Và Lê Lai so với Kỷ Tín, ai dũng khí hơn ai ?

    Dưới đây là Lược truyện Kỷ Tín và Lược truyện Lê Lai. Sau hết là Lời Phụ Bàn với 2 bài thơ ca tụng dũng tướng Lê Lai của người biên soạn.

    1 - Lược truyện Kỷ Tín: Vào năm  204 TCN,  khi Hán Vương bị Hạng vương vây hãm ở thành Huỳnh Dương ngặt nghèo, bèn gọi Trương Lương, Trần Bình vào nghị kế.

    Trần Bình tâu:

    - Tôi có một kế có thể phá được vòng vây nầy, song chỉ sợ ở đây không có bậc trung thần nào dám chịu nạn cho Đại vương. Chu Bột và các võ tướng đều nói:

    - Sao ngài lại khi thị chúng tướng như vậy? Chúng tôi theo phò Chúa Thượng đã lâu, dẫu phải bỏ thây không tiếc. Trần Bình vừa cười vừa nói:

    - Cái đó chỉ là kế sâu xa, có lẽ các ngài chưa hiểu ý tôi.

    Hán Vương hỏi:

    - Tiên sinh có kế chi xin nói ra đây cho mọi người bàn luận. Trần Bình ghé vào tai Hán Vương nói nhỏ...như vầy... như vầy...

    Hán Vương khen phải và nói:

    - Kế đó rất hay. Trương Lương nên cố gắng thực hiện mới được.

    Trương Lương tuân lệnh về dinh mở tiệc rượu mời các tướng đến dự. Các tướng lần lượt đến, thấy giữa phòng tiệc có treo một bức tranh lớn, vẽ một chiếc xe trong đó có người ngồi, phía sau có hai trăm quân kỵ đuổi theo rất gấp. Đằng trước là một khu rừng rậm. Trong rừng có một người đang nấp. Các tướng không rõ bức tranh ấy có ý nghĩa gì, tại sao lại đem treo trong phòng tiệc, bèn hỏi Trương Lương. Trương Lương liền đáp:

    - Ngày xưa vua Cảnh Công nuớc Tề đánh nhau với quân Tấn. Cảnh Công thua to, quân sĩ đều trốn hết, họ bỏ Cảnh Công ngồi một mình trong xe. May có một nông phu trông thấy vội đẩy xe cho Cảnh Công đi trốn. Tuy nhiên, quân Tấn đuổi theo rất ngặt, khó mà trốn thoát nổi. Người nông phu nói:" Nguy đến nơi rồi, Chúa Công nên đưa áo quần cho tôi mặc, tôi sẽ ngồi nơi xe nầy mà chịu chết thay cho Chúa Công, còn Chúa Công nên trốn vào rừng thoát nạn ". Cảnh Công nói:" Ta được thoát nạn mà nhà ngươi bị giết, lòng ta sao đành". Người nông phu lại nói:" Tôi chết đi như rừng rậm mất một cây nhỏ.Còn Chúa Công mất là giang san nước Tề sẽ phải mất, xin Chúa Công xét nghĩ ". Cảnh Công theo lời, đổi quần áo cho nông phu rồi trốn vào rừng và thoát nạn......."

    Các tướng nghe nói, mặt mày ngơ ngác chưa hiểu ý. Trương Lương nói tiếp:

    - Áy, nhờ người nông phu mà sau nầy Cảnh Công dựng nên nghiệp Bá, tiếng để sử xanh, ngày nay vẫn còn khen ngợi. Nay Chúa Thượng ta ngộ nạn, chẳng khác như Cảnh Công, thế mà không ai bắt chước cái việc làm của người nông phu. Vì vậy tôi treo bức tranh nầy lên để cùng xem. Các tướng nghe nói đều hăng hái đứng dậy nhìn nhau tỏ vẻ can trường:

    - Cha có nạn con chết thay, vua có nạn tôi chết thay. Chúng tôi xin đem thân chết thay Chúa Thượng, để cứu Chúa Thượng thoát khỏi trận Huỳnh Dương nầy. Trương Lương nói:

    - Các ông có lòng trung nghĩa thật đáng khen. Song hiện nay chỉ cần một người diện mạo giống Chúa Thượng mà thôi. Người đó là Kỷ Tín, chẳng biết Kỷ Tướng Quân có vui lòng chăng? Kỷ Tín nói:

    - Đó là ý nguyện của tôi, dầu phải tan xương nát thịt tôi cũng vui lòng. Trương Lương và Trần Bình mừng rỡ, đưa Kỷ Tín vào ra mắt Hán Vương tâu bày tự sự. Hán Vương nói:

    - Việc đó không nên, Lưu Bang nầy chưa làm nên nghiệp lớn, các ngươi làm tôi chưa có ân huệ nào, nay nếu bắt Kỷ Tín tướng quân bị nạn thay ta, để ta tìm đường trốn, ấy là việc làm hại người, ích mình, lòng ta không nỡ. Kỷ Tín nói:

    - Việc đã gấp lắm rồi, nếu tôi không chịu nguy hiểm thì mai kia thành vỡ, đá tan, cả vua tôi đều chết. Cái chết của tôi ngày nay ích lợi hơn ngày mai rất nhiều. Tuy tôi chết mà danh tôi còn mãi trong dân chúng, tình tôi còn mãi trong lòng Đại Vương. Hán Vương vẫn còn gỉa cách dùng dằng không nỡ. Kỷ Tín rút gươm kề cổ nói lớn:

    - Nếu Đại Vương không nghe, tôi xin tự tử nơi đây để tỏ rằng tôi không tiếc gì tính mệnh. Hán Vương liền bước xuống đỡ tay Kỷ Tín, vừa khóc( nước mắt cá sấu ), vừa nói:

    - Lòng tướng quân rất mực trung thành, danh tiếng ấy muôn đời còn lưu. Chẳng hay tướng quân còn song thân chăng?......................

    2 - Lược truyện Lê Lai: Lê Lai không rõ năm sanh, người Mường, con của Lê Kiều, Huyện Lương Giang, Thanh Hóa. Lê Lai có dung mạo khác thường,tính tình cương trực, có chí khí. Năm 1416, Lê Lai, với Lê Lợi ( chủ sự )  cùng với 17 Hào Kiệt hội thề ở Lũng Nhai, Thanh Hóa . Thề sống chết có nhau, nguyện quyết tâm chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược, cứu dân cứu nước.

    Từ khi khởi nghĩa, Lê Lai luôn ở bên cạnh Lê Lợi; góp công sức giúp Bình Định Vương với chức Đô Tổng Quản, tước Nội Hầu. Ông cũng từng xông pha nhiều trận nguy hiểm. Tháng 4, năm 1418, nghĩa quân Lê Lợi bị thua ở Mường Một, cùng nhau chạy thoát về Trịnh Cao. Quân Minh truy kích, đuổi theo rất ngặt và vây chặt các lối hiểm yếu thuộc vùng núi Chí linh. Trong tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:

    - Nay thế trận rất nguy hiểm, có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không? Các tướng ngồi yên không ai dám thưa. Duy, chỉ có Lê Lai đứng dậy nói:

    - Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa Công. Ví như sau nầy giành được giang san thì xin nhớ công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được hưởng quốc ân, được vậy, thần chết cũng nhấm mắt. Lê Lợi rất thương cảm bùi ngùi. Lê Lai lại nói:

    - Tình hình nguy khổn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng thì bao công sức đây sẽ chẳng còn gì. Nếu theo kế này may ra thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước, nào có tiếc gì?

    Lê Lợi mới vái trời và khấn rằng:

    - Lê Lai có công đổi áo, nếu sau nầy khôi phục được nghiệp xưa, nếu không nhớ công lao ấy thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn.

    Ngay sau đó, Lê Lai khoác hoàng bào giả làm Lê Lợi và vâng mệnh  mang 2 thớt voi với 500 quân xông ra  khêu chiến. Giặc Minh liền xua quân giao chiến. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào trận và la lớn:

    -Ta là chúa Lam Sơn đây!

    Ngỡ là Bình Định Vương Lê Lợi, giặc Minh xúm lại bao vây và kịch chiến. Lê Lai tả xông hữu đột giết giặc một hồi rồi kiệt sức, bị giặc Minh bắt và hành hình cực hình. Hôm ấy ngày 29 tháng 4 âm lịch năm 1418 ( có chỗ chép 1919 ).

    Nhân, lúc sự vây hãm của giặc lơi lỏng, do bận đối phó với Lê Lai; Lê Lợi cùng một số tướng đã vượt trùng vi bằng lối khác và trốn thoát... Và Lê Lợi đã làm nên nghiệp cả...

    Cảm động trước lòng trung nghĩa của Lê Lai, Lê Lợi cho người tìm thi hài Ông đem về an táng ở vùng đất Lam Sơn.

    Năm 1428, sau khi lên ngôi an vị, Lê Thái Tổ cho truy tặng Ông là:" Sùng Trung Đồng Đức Hiệp Mưu Bảo Chính Lũng Nhai công thần " .

    Các đời vua Lê tiếp theo đều có truy tặng Ông. Đến đời vua Lê Thánh Tông, Lê Lai được truy tặng cao nhứt là:" Trung Túc Vương "

    Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 nhuận âm lịch 1433, trước khi mất vua có dặn phải giỗ kỵ tướng Lê Lai trước vua một ngày. Nên dân gian có câu: " Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi

    Lê Lai    -     Kỷ Tín

    Sử Việt tiền nhân bậc đại hùng
    Lông hồng xem nhẹ nặng lòng trung
    Lê Lai cứu chúa tâm tình nguyện
    Kỷ Tín thay vua thế chẳng đừng
    Kỷ Tín ngồi chờ lời chỉ định
    Lê Lai phắt dậy dạ tiên xung
    Ao nhà biển cả đều cần có
    Biển cả bao la đẹp hãi hùng
          Nguyễn Minh Thanh
    * Lê Lai ( ............  -  1418 ) Lê Lai người Thanh Hóa, cha tên là Lê Kiều. Ông lo việc hậu cần cho Lê Lợi rất chu đáo. Hội thề Lũng Nhai năm 1416 đã có Lê Lai.
    * Kỷ Tín (?- 204 TCN): Lưu Bang bị Hạng Võ vây ngặt ở thành Huỳnh Dương, thế khó thoát. Nhờ Kỷ Tín đóng giả làm Lưu Bang, và Lưu Bang thoát nạn.

    Vua Tự Đức ca ngợi Lê Lai bằng chữ Nho:

    Vịnh Lê Lai

    Chí Linh sơn hạ tứ sơn u

    Tự trưóc hoàng bào cuống Sở Hầu

    Tha nhật Đông Đô tân xã tắc

    Khẳng ( khắc ) giao Kỷ - Tín độc an Lưu ?

                                         Vua TỰ - ĐỨC

    Dịch nghĩa:

    Dưới núi Chí Linh bốn bề thâm u ( chỉ giặc Minh bao vây )
    Tự mặc Hoàng bào làm cho Sở Hầu ( Hạng Võ ) mắc mưu
    Ngày sau Đông Đô xã tắc đổi mới
    Đâu phải chỉ có chuyện Kỷ Tín cứu Lưu Bang ( mà còn  
    có chuyện Lê Lai cứu Lê Lợi )
     
    VỊNH LÊ LAI
    Giặc dữ trùng trùng vây Chí Linh
    Hoàng Bào thay Chúa quyết hy sinh
    Đông Đô đại định ghi công lớn
    Kỷ Tín chẳng riêng chuyện hiến mình.
                      Nguyễn Minh Thanh thoát dịch

    3- Lời bàn: Qua 2 tiểu truyện Kỷ Tín và Lê Lai, cả hai đều đem chính sinh mệnh của mình để cứu Chúa, vô cùng can đảm, can đảm phi thường. Nhưng, rõ ràng trong cung cách: Lê Lai gan liền tướng quân. So với Kỷ Tín, Lê Lai dũng khí cao vời.  Không  như Kỷ Tin phải qua sự dàn cảnh dựng chuyện của Trần Bình, Trương Lương và Lưu Bang, là những tay gian hùng thượng thặng. Để khích tướng, để đẩy người khác chết thay cho mình bằng bức tranh Tề Cảnh Công chạy trốn...

    Sau khi cùng các tướng " xem tranh " và bị Trương Lương nêu đích thị danh tánh, bị du vào " thế chẳng đặng đừng ", Kỷ Tín mới tình nguyện hy sinh.

    Đằng nầy, khác xa  Kỷ Tín, vừa nghe Bình Định Vương gợi ý, Lê Lai lẫm liệt đứng phắt dậy ứng tiếng tình nguyện tử trận thay chúa tức thì.

    Ấy chính là:

    Cảm quân ân trọng hứa khinh mệnh

    Thái Sơn nhất trịch khinh Hồng mao

                                                         Lý BạcH
    ( Cảm lòng ơn chúa trọng cao
     Thái Sơn xem tựa Hồng Mao nhẹ hều )
                                                            NMT dịch
      Ngoài ra, căn cứ theo 2 tích truyện vừa kể trên, thì Lê Lợi cũng rất minh bạch trong việc nhờ người " Tự trước Hoàng bào " thay chết cho mình. Không  như Lưu Bang quanh co xảo trá...  Mọi việc đã xếp đặt đúng theo mưu mô ý đồ. Lưu Bang còn giả ân giả nghĩa, giọng lưỡi của gian hùng: " ...lòng ta không nỡ ".

    Ôi, lòng dạ Ngừơi Xưa với Ngưòi Nay  ( Cải Cách Ruộng Đất 1954 - 1956 miền Bắc của nước VNDCCH ) sao mà giống nhau lắm vậy..!!

    Lê Lai, Lê Lợi những anh hùng đúng nghĩa, những tấm lòng cao cả xán lạn tựa trăng cao.

    Xin nghiêm mình kính cần ngưởng mộ Cổ Nhân, Người đã liều thân cứu chúa, góp công bằng chính mạng sống trong công cuộc giải cứu giống nòi. Người, mệnh tuy yểu, nhưng danh ấy thọ. Phương danh đã và đang thi đua tồn tại mãi với núi sông Lạc Hồng...

    Cảm kích trước sự hy sinh vì đại nghĩa, người biên soạn có bài thơ nhỏ để:

    Trân trọng tưởng niệm đấng Anh Hùng Lê Lai với sự nghiệp lớn:

    Anh Hùng Lê Lai
    Trích huyết hội thề tại Lũng Nhai*
    Ban sơ hào kiệt có Lê Lai
    Phương phi mỹ mạo lòng trong sáng
    Lẫm liệt anh tài dạ thẳng ngay
    Tận lực giúp vua lo nội vụ
    Hy sinh cứu chúa thoát trùng vây
    Can trường khí phách cây cao vọi
    Trên đỉnh Lam Sơn bóng trải dài...

    Trải dài bóng cả đất Lam sơn
    Cứu chúa vong thân dạ chẳng sờn
    Lương tướng thơm danh vì đại nghĩa
    Minh quân nức tiếng trọng thâm ân
    Kinh - Kha Yên khách so còn kém
    Kỷ - Tín Hán thần sánh chẳng hơn
    Lớp sóng phế hưng rừng đổi lá
    Thiên thu còn đó tấm lòng son..!!
                      Nguyễn Minh Thanh

    Sau hết, kết thúc tiểu truyện bi hùng, để có thể mô tả đúng & đủ tâm trạng của Anh Hùng Lê Lai, xin mượn 4 câu thơ cổ: 2 trong bài Kết Miệt Tử ( Người Đan Vớ ) của Lý Bạch; 2 trong Chinh Phụ Ngâm của tiên sinh Đặng Trần Côn:
    Cảm quân ân trọng hứa khinh mệnh
    Thái Sơn nhất trịch khinh Hồng Mao
                                                  Lý Bạch
    Và,
     Trượng phu thiên lý chí mã cách
    Thái Sơn nhất trịch khinh Hồng Mao
                                      Đặng Trần Côn

    ( Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
      Gieo Thái Sơn nhẹ tựa Hồng mao )
                                       Đoàn Thị Điểm dịch
    (  Dặm nghìn da ngựa anh hào
      Thái sơn xem tựa Hồng mao nhẹ hều )
                                                               NMT dịch
                             Nguyễn Minh Thanh biên soạn

    * 19 HÀO KIỆT HỘI THỀ LŨNG NHAI ( Thanh Hoá ): Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan và Trương Chiến.

    Tham khảo:
    Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương, bản dịch  Ngô Tất Tố
    Thành Ngữ Điển Tích & DN TĐ, gs Trịnh Vân Thanh
    Các trang Web: Lê Lai, Lê Lợi, Hội Thề Lũng Nhai...
    Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, bản dịch Đoàn Thị Điểm
    Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh

    ***

     Thơ Hoàng Hạc Lâu Qua Các Sứ Thần V.N.


    *  Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Lê Anh Tuấn, Ngô Thời Vị, Phan Thanh Giản.
    * Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu Chính Thức Của Thôi Hiệu.
    * Lời Phụ Bàn.
    I - Thơ Hoàng Hạc Lâu Qua Các Sứ Thần V.N.
      1 -  Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) Danh sĩ đời vua Trần Anh Tông, người Hưng Yên. Năm 1304 đỗ Hoàng Giáp năm 13 tuổi. Năm 1314, 25 tuổi đi sứ nhà Nguyên. Ông có bài Du Hoàng Hạc Lâu:
    DU HOÀNG HẠC LÂU
    Lữ hoài hà xứ khả tiên ưu,
    Hoàng Hạc ky Nam nhất ỷ lâu.
    Hạ Khẩu viễn phàm lai biệt phố,
    Hán Dương tình thụ cách thương châu.
    Lâu tiền ca quản hồi ông túy,
    Hạm ngoi yên ba Thái Bạch sầu.
    Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo,
    Giang san kỳ tuyệt ngã tư du.
                                     Nguyễn Trung Ngạn
    Dịch thơ:
        Chơi Lầu Hoàng Hạc
    Xa nhà khách lữ mãi bồi hồi
    Hoàng Hạc ghềnh Nam đẹp tuyệt vời
    Hạ Khẩu buồm xa tầng cánh khuất
    Hán Dương cây tạnh bãi sông khơi
    Đàn ca trước quán Ông nghiêng ngả
    Khói sóng bên hiên Lý ngậm ngùi
    Gõ mạnh lan can lòng phấn khởi
    Núi sông tuyệt đẹp dạ vui vui.
                  Nguyễn Minh Thanh phóng dịch
    2 - Lê Quý Đôn (1726-1784), Đi sứ năm 1761 đời Lê Trung Hưng.
    HOÀNG HẠC LÂU
    Tình Xuyên gác ngoại hựu phương chu,
    Hoàng Hạc lâu đầu ức cựu du.
    Phương thảo phi quan tiền cổ hận,
    Bạch vân hồn tự khứ niên thu.
    Thanh sơn lịch lịch như tương thức,
    Ngọc địch mang mang bất khả cầu.
    Nam vọng gia hương kim giáo cận,
    Yên ba giảm khước nhất phân sầu.
                                         Lê Quý Đôn
    Dịch thơ:
                    Lầu Hoàng Hạc
    Tình Xuyên gác ngoại ngắm thuyền đưa
    Hoàng Hạc trước lầu nhớ chuyện xưa    
    Tha thiết cỏ thơm hồi thuở trước
    Ngẩn ngơ mây trắng mấy năm vừa
    Núi xanh man mát dường quen cũ
    Địch ngọc véo von cảm thấy thừa
    Vọng tưởng gia hương đường ngắn lại
    Nhớ nhà theo khói giảm... lưa thưa...!!
                       Nguyễn Minh Thanh phóng dịch
     3 - Nguyễn Du (1765 - 1820), tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tỉnh.
    Năm 1813 được thăng hàm Cần Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc, làm Chánh sứ.
             Hoàng Hạc lâu
    Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì?
    Do lưu tiên tích thử giang mi?
    Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng,
    Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi.
    Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,
    Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
    Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
    Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
                            Nguyễn Du
    Dịch thơ:
    Lầu Hoàng Hạc
    Tiên ông biền biệt tự bao giờ ?
    Dấu cũ còn lưu bến ngẩn ngơ !
    Mộng tỉnh Lư Sinh đời thấm thoát
    Thơ đề Thôi Hạo hạc mờ mờ
    Nước mây trắng xóa trông vời vợi
    Cây cỏ xanh ươm vẫn phất phơ
    Chan chứa lòng thành ai tỏ với
    Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ
                  Nguyễn Minh Thanh phóng dịch
    4 - Phan Huy Ích,
    Phan Huy Ích (1751 – 1822), hiệu Dụ Am, là quan đại thần trải ba triều đại Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn.
    Ông làm Chánh sứ năm 1790 thời Tây Sơn, đoàn đi có vua giả là Phạm Công Trị, có hoàng tử Nguyễn Quang Thùy.
    Khi đi đến Hoàng Hạc Lâu, Phan Huy Ích viết bài thơ HHL gửi về  Binh Bộ Thượng Thư Ngô Thời Nhậm.
    Đông kiều: là cầu bắt ngang sông Tô Lịch ở phía Đông thành Thăng Long.
    HOÀNG HẠC LÂU  
    (Võ Xương dịch thứ phụ Quốc thư  ký Ngô Binh Bộ)
    Vạn lý trì khu thủy bán trình,
    Phân phân hoa phát đới sầu sinh.
    Tình Xuyên các ngoại cô phàm ảnh,
    Hoàng Hạc lầu tiền đoản địch thanh.
    Hồi ức chi lan đồng chí khí,
    Phân giao tảo bút diệc cư hành.
    Giang thành nhất phiến đoàn viên nguyệt,
    Tưởng diệc Đông kiều nguyệt dạ minh.
                                   Phan Huy Ích
    Dịch thơ:
       Lầu Hoàng Hạc
    ( Tại nhà trạm Võ Xương gửi quan Ngô Binh Bộ  )
    Nửa đoạn đường đi đã đạt thành
    Trắng phơ mái tóc nỗi sầu sanh
    Tình Xuyên ngoài gác con buồm lướt
    Hoàng Hạc trước lầu tiếng địch thanh
    Hồi tưởng cảm thông niềm chí khí
    Tâm giao bàn luận chuyện cư hành
    Sông trăng lồng lộng ôm tròn ảnh
    Nguyệt chiếu Đông kiều nước chảy quanh
                     Nguyễn Minh Thanh phóng dịch
     5 - Đoàn Nguyễn Tuấn, cùng đi sứ trong sứ đoàn năm 1790.
    DU HOÀNG HẠC LÂU
    Kỳ hạc tiên ông bất khứ hoàn,
    Đô lâu cao quái bạch vân hàn.
    Thốn căn thạch táo linh thường tụ,
    Bán chẩm hoàng lương mộng vị lan.
    Hạ khẩu viễn phàm xuyên bích lạc,
    Hán Dương phương thụ ấn tình lan.
    Yên ba đạm đẳng cơ hoài trọng,
    Phù thế du du nhất ỷ lan.
                      Đoàn Nguyễn Tuấn
        CHƠI HOÀNG HẠC LÂU
    Tiên Ông cỡi hạc tách bao giờ
    Mây lạnh lầu cao mãi lửng lơ
    Thạch Táo nguyên căn thân vẫn trụ
    Hoàng Lương mộng sự gối còn mơ
    Buồm xa Hạ Khẩu xuyên non biếc
    Cây rậm Hán Dương lộng bóng mờ
    Khói sóng ảo huyền dường quyến luyến
    Bên hiên nghĩ ngợi chuyện duyên cơ.
                          Nguyễn Minh Thanh  phóng dịch
    6 - Lê Anh Tuấn (1671-1731) hiệu Địch Hiên, người Hà Tây, đỗ Tiến sĩ năm 1694. Chánh Sứ sang nhà Thanh năm 1715.
    ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU VỌNG HÁN DƯƠNG THỤ
    Dực Chẩn danh phong chí Hán Dương,
    Tứ hoàn cảnh sắc nhập bình chương.
    Yên ba hạo diểu sầu nhân tứ,
    Phong nguyệt chiêu yêu túy khách thương.
    Già ngạn mạc liêm hoành cổ thụ,
    Mê tân lâm mộc thụ phong tường.
    Cư tân thùy thị trượng nhân giả,
    Tu thuyết cơ tâm cứu thượng hương.
                                   Lê Anh Tuấn
    Dịch thơ:
    LÊN LẦU HOÀNG HẠC NGẮM CÂY HÁN DƯƠNG
    Dực, Chẩn nổi danh đất Hán Dương
    Ngẩn ngơ cảnh đẹp nhập văn chương
    Gió trăng vằng vặc say men rượu
    Khói sóng mênh mông đọng nỗi buồn
    Cổ thụ giăng ngang soi bóng nước
    Cột buồm dựng đứng chọc màng sương
    Trượng phu trên bến là ai đó
    Thấy thẹn lòng chăng những vấn vương
                 Nguyễn Minh Thanh phóng dịch

    7 -  Ngô Thời Vị (1774-1821). Đi sứ đời vua Gia Long năm 1807.
             ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU
    Hán thủy thành biên vân thụ thụ,
    Tiên nhân bất kiến, chỉ không lâu.
    Hà thời tiên tế lai hoàng hạc,
    Đề ý giang trung phó bạch âu.
    Lý bá vị ưng thâu bút lực,
    Thôi quân bất hợp tác tương sầu.
    Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị,
    Đấu đảm đề thi ký thử du.
                                  Ngô Thời Vị
    Dịch thơ:
                Đề Lầu Hoàng Hạc
    Sông Hán trập trùng mây quyện quyện
    Tiên ông bóng khuất xót lầu đây
    Hạc vàng hun hút chân trời thẳm
    Âu trắng quẩn quanh bến nước đầy
    Bác Lý chưa chi ngừng bút vội
    Ngài Thôi bỗng chốc tưởng quê ngay
    Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị
    Tức cảnh đề thơ cảm kích dày
               Nguyễn Minh Thanh phóng dịch

    8 -  Phan Thanh Giản (1796–1867), hiệu  Lương Khê , quan đại thần triều Nguyễn ...
    Ông làm Chánh sứ năm 1834, năm Minh Mệnh thứ 14 với Đăng HHL:
          ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU  
    Tích thời hạc dĩ hà niên khứ ?                  
    Thiên tải nhân tòng Nam cực lâm.            
    Anh vũ châu tiền phương thảo lục,          
    Tình Xuyên Các thượng bạch vân thâm.    
    Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,            
    Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm (kim)      
    Mãn mục yên ba chuyển trù trướng,        
    Du du trần mộng thập thu tâm.            
                                     Phan Thanh Giản      
    Dịch thơ:
    Lên Lầu Hoàng Hạc
    Hoàng hạc bay cao tự thuở nào ?
    Phương Nam viễn khách ghé chơi lầu
    Mây đùn nõn trắng Tình Xuyên các
    Cỏ dệt thơm xanh Anh Vũ châu
    Giang Hán nửa vành trôi lấp loáng
    Cổ kim dòng lạnh cuốn sâu sâu
    Bâng khuâng khói sóng ôm triều sóng
    Cõi mộng tâm Thu gặm nỗi sầu
                Nguyễn Minh Thanh phóng dịch

                  **********%%%**********

    II - Thơ "Hoàng Hạc Lâu" Chính Thức Của Thôi Hiệu:
    Thi hào Thôi Hiệu (704-754), quê ở Biện Châu, đổ Tiến sĩ vào năm Khai Nguyên thứ 11 (723), đời vua Đường Huyền Tông tức Đường Minh Hoàng. Thôi Hiệu làm thơ rất hay; đến đổi danh sĩ cùng thời là Lý Bạch cũng phải nể vì.
    Tương truyền, khi Lý Bạch lên lầu Hoàng Hạc chơi, thấy cảnh sơn thủy hữu tình muốn chấp bút đề thơ, chợt thấy trên vách đã có bài Hoàng Hạc Lâu* của Thôi Hiệu liền đọc, rất mực khen ngợi, và than: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc; Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”, tạm dịch: “Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được, vì đã có bài thơ của Thôi Hiệu rồi”. Vậy bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu hay như thế nào, xin chép ra đây để qúi độc giả thưởng lãm.
    黃鶴樓
    昔人已乘黃鶴去,
    此地空餘黃鶴樓。
    黃鶴一去不復返,
    白雲千載空悠悠。
    晴川歷歷漢陽樹,
    芳草萋萋鸚鵡洲。
    日暮鄉關何處是,
    煙波江上使人愁。
    Hoàng Hạc Lâu
    Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
    Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
    Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
    Bạch vân thiên tải không du du
    Tình xuyên lịch lịch Hán-Dương thụ
    Phương thảo thê thê Anh-Vũ châu
    Nhật mộ hương quan hà xứ thị
    Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
                                                Thôi Hiệu
    Đặc biệt, bài Hoàng Hạc Lâu có rất nhiều người dịch ra quốc ngữ. Xin đơn cử một số danh sĩ đã dịch bài Hoàng Hạc Lâu:
    - Cụ Trần Trọng Kim thể lục bát:
    Lầu Hoàng Hạc
    Người đi cưỡi hạc từ xưa
    Đất nầy Hoàng-Hạc còn lưa một lầu
    Hạc vàng đi mất đã lâu
    Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông
    Hán-Dương cây bóng lòng sông
    Bãi kia Anh-Vũ cỏ trông xanh rì
    Chiều hôm lai láng lòng quê
    Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu
                          Trần Trọng Kim dịch
    - Bản dịch của Trần Trọng San :
               Lầu Hoàng Hạc
    Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
    Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
    Hạc đã một đi không trở lại,
    Man mác muôn đời mây trắng bay.
    Hán-Dương sông tạnh, cây in thắm,
    Anh-Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
    Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy;
    Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
                              Trần Trọng San dịch
    - Nhà thơ Tản-Đà dịch theo thể Lục Bát:
              Lầu Hoàng Hạc
    Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
    Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
    Hạc vàng đi mất từ xưa
    Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
    Hán Dương sông tạnh cây bày
    Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
    Quê hương khuất bóng hoàng hôn
    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
                                                     Tản Đà dịch
    Kính thưa qúi độc giả, còn nhiều, rất nhiều người dịch bài thơ trên. Và gần đây, thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng có bản dịch bài Hoàng Hạc Lâu:
                Lầu Hoàng Hạc
    Xưa hạc vàng bay vút bóng người
    Đây lầu Hoàng-Hạc chút thơm rơi
    Vàng tung cánh hạc đi đi mất
    Trắng môt màu mây vạn vạn đời
    Cây bến Hán-Dương còn nắng chiếu
    Cỏ bờ Anh-Vũ chẳng ai chơi
    Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
    Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
                                       Vũ Hoàng Chương dịch
    Riêng, hậu học (Nguyễn Minh Thanh), cũng mạo muội bắt chước người đi trước, xin phỏng dịch bài Hoàng Hạc Lâu y cách điệu Cổ Phong của nguyên tác như sau:
                Lầu Hoàng Hạc
    Cưỡi hạc người xưa bóng mờ mịt ( mịt mờ )
    Để lầu Hoàng-Hạc đứng trơ vơ
    Hạc vàng một thoáng mù tăm tích
    Mây trắng ngàn năm mãi lửng lơ
    Sông biếc Hán-Dương cây dệt mộng
    Cỏ thơm Anh-Vũ bãi ươm mơ
    Chiều về quê quán phương nào nhỉ ?
    Khói sóng ơ hờ… ai ngẩn ngơ…!!
                Nguyễn Minh Thanh dịch

    III - Lời Phụ Bàn: “Hoàng Hạc Lâu” là bài thơ Đường cấu trúc hơi đặc biệt: “phá thể”, lai cách điệu Cổ Phong, vì chữ cuối của câu thứ nhứt “KHỨ” thanh “trắc”, và chữ áp cuối “HẠC” đúng ra phải là thanh “bằng”. Tuy nhiên bài Hoàng Hạc Lâu rất nổi tiếng. Có người cho rằng chữ “KHỨ”, quê của Thôi Hiệu đọc là “KHÂU”, hoặc “KHƯ”, vẫn là thanh “bằng”, đúng vận. Nói thế chỉ đúng một mà thôi; bởi vì còn chữ “HẠC” thanh “trắc”, lý giải cách nào cho ổn?!
    Cũng có người nói rằng tác giả làm thơ không đúng niêm luật. Thì phải rồi, vì theo cách điệu Cổ Phong, nên không cần gò bó. Vả lại, có nhiều bài thơ không đúng niêm luật, song vẫn rất hay. Như bài “Đèo Ba Dội” của bà Hồ Xuân Hương, bài “Độc Tiểu Thanh Ký” của cụ Nguyễn Du.
    Tóm, không phủ nhận “qui luật” làm thơ. Song, có khi cần thoát khỏi “khuôn khổ” để bài thơ được thăng hoa vượt thời gian và không gian. Phải chăng, đó chính là mục đích, cũng là cứu cánh của thi nhân? Hỏi, tức là trả lời.
    Trong những câu thơ của Hoàng Hạc Lâu hầu như đều rõ nghĩa. Duy, câu thứ 7 “Nhật mộ hương quan hà xứ thị” là câu nghi vấn (?), nhưng hai cụ: Trần Trọng Kim và Tản Đà dịch thành xác định, thấy không ổn.
    Thứ nữa, có độc giả suy luận, ngoài nghĩa “Chiều về quê quán phương nào nhỉ?”, còn nghĩa khác hàm ý sâu xa hơn, và khó có thể diễn dịch được.
    Đó là, tác gỉa muốn ám chỉ: Khi đến tuổi về chiều, sau khi chết đi về đâu? Giống như câu hỏi của loài người có tự ngàn xưa cho dến ngàn sau: Người từ đâu đến? Chết, đi về đâu?
    Và qua trí tưởng tượng, chúng ta không thể không biết quê quán mình ở nơi đâu cho dù ngày hay đêm. Vì vậy, “hàm ý sâu xa hơn” là khả chấp, thưa quí độc giả.
    Theo đuổi cả hai ý nghĩa “thông thường” và ý nghĩa “sâu xa” , hậu học xin tạm dịch là: “Chiều về quê quán phương nào nhỉ ?”
    Trong câu “dịch” trên, có 2 trường hợp xảy ra: nếu người đọc cho dấu “phẩy” ngay sau chữ “về,” câu thơ có nghĩa thông thường. Nếu người đọc cho dấu “phẩy” ngay sau chữ “quán,” câu thơ có nghĩa sâu hơn. Do đó, cái hàm ý sâu xa có thể diễn đạt như vầy: “Chiều về quê quán, phương nào nhỉ...?”( Già rồi, mai chết về đâu quê...?! )
    Thưa quí độc gỉả, đây chỉ là thiển ý. Mong ý kiến quí thức giả. Trân trọng.
                               Nguyễn Minh Thanh
                      ( Biên tập và hiệu đính, GA,  2023 - 8 - 10 )
    Nguồn:
     -  Nghiên cứu lịch sử.com
     - Thành Ngữ Điển Tích & Danh Nhân Tự Điển, giáo sư Trịnh Vân Thanh
     - Các trang Web Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu
     - Hán Việt Tự Điển, học giả Đào Duy Anh
                    ....................................................
    * Hoàng-Hạc-Lâu: lầu tên Hoàng-Hạc ở Tây Bắc huyện Vũ-Xương, tỉnh Hồ-Bắc (Trung-Hoa) . Tương truyền ông Phí-Văn-Vi, sau khi tu luyện thành Tiên, thường cỡi hạc vàng ngao du sơn thủy. Khi ngang qua vùng Vũ Xương, trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bèn dừng hạc trên ghềnh đá để ngắm cảnh đẹp trường giang và ngũ hồ. Người đời sau đặt tên ghềnh đá là Hoàng Hạc Thạch rồi dựng ngay trên ấy ngôi tháp lầu và đặt tên đặt tên là Hoàng Hạc Lâu. Qua nhiều lần trùng tu Hoàng Hạc Lâu tồn tại đến ngày nay.

      


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: TRANG BIÊN KHẢO NGUYỄN MINH THANH: PHAN ĐÌNH PHÙNG-PHAN THANH GIẢN-NGUYỄN CAO-LÊ LAI Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top