728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    PHẠM THỌ:TIỆC TẠ ƠN ĐỜI, TẠ ƠN NGƯỜI-THIỆP MỜI

     PHẠM THỌ:TIỆC TẠ ƠN ĐỜI, TẠ ƠN NGƯỜI-THIỆP MỜI

    TIỆC TẠ ƠN ĐỜI, TẠ ƠN NGƯỜI

    Lời giới thiệu của Chiến hữu Tổng Thư Ký Liên Hội CQN VNCH Bắc Cali:

    Xin chuyển Thiệp Mời của Ban Tổ Chức TẠ ƠN ĐỜI, TẠ ƠN NGƯỜI, gởi mời quý Niên trưởng, quý Chiến hữu và Phu nhân cùng hậu duệ LH CQN.

    Nếu có thì giờ thì chúng ta nên hoan hỷ tham dự.    

    Nội dung theo thiệp mời đính kèm.

    Lê Đình Thọ

    Những “Cái Cò” Hình ảnh Người Vợ Của Tù “cải tạo”

    *Bài viết này như một lời chân thành tạ ơn gởi đến những người vợ tuyệt vời của Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù “cải tạo” sau ngày mất nước 30/4/1975 oan nghiệt!

    (Phạm Thọ)

    -Thời gian đi qua thật mau, mới đó mà đã gần nửa thế kỷ, chiến tranh Việt Nam đã lùi sâu vào quá khứ. Gần nửa thế kỷ, thời gian cũng đủ để cho chúng ta cảm nghiệm và suy nghĩ nhiều về cuộc chiến, vì vậy mà ta có những nỗi đau, có những nỗi buồn ẩn chứa trong lòng. Chiến tranh là vì quyền lợi, và khi quyền lợi ở Việt Nam thấy không còn cần thiết nữa thì Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược. Vì thế mà Hoa Kỳ đã đi đêm với cộng sản Bắc Việt, cố gắng đi tìm đủ mọi phương cách, cố gắng nhượng bộ đủ mọi thứ có lợi cho cộng sản Bắc Việt và bất lợi cho VNCH trong cuộc hội đàm Ba Lê. Hoa Kỳ nhiều lúc không tham khảo ý kiến của VNCH, họ tự ý quyết định, bất chấp sự chống đối của VNCH, áp lực Tổng thống VNCH phải ký Hiệp định Ba Lê để” chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam “càng sớm càng tốt, để Hoa Kỳ rút quân về nước trong danh dự!

    Nhưng đáng tiếc là không như vậy. Nhìn vào hậu quả của nền hòa bình ấy: trại tập trung cải tạo, nạn đói, nhục hình tra tấn, hàng trăm ngàn thuyền nhân bỏ mạng trên biển, và một cuộc diệt chủng tàn bạo hơn, hệ thống hơn và hoạch định hơn cả ở Campuchia, tôi nghĩ tốt nhất là người Mỹ nên tự đánh giá những điều mà ông Nixon và ông Kissinger đã gây ra cho miền Nam Việt Nam. Kissinger không có gì để tự hào về nền hòa bình mà ông ấy đạt được. Đó là là hòa bình của những Nấm Mồ!

    Chiến tranh chấm dứt, bom đạn không còn rơi, người không còn chết vì bom đạn, nhà cửa không còn cháy vì chiến tranh, không còn chém giết nhau nữa. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, VNCH mất, cộng sản cai trị toàn đất nước Việt Nam, thử hỏi Quân Cán Chính VNCH, dân chúng VNCH có được hưởng giây phút nào yên vui khi hòa bình trở lại không? Chắc chắn là không và không bao giờ có. Dân Quân Cán Chính VNCH đi vào một ngã rẽ, sống dưới chế độ mới tàn bạo, một thời đại bi thương chồng chất, khổ đau hơn thời sống dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

    Nhìn lại đoạn đường dài sau ngày miền Nam Việt Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, hàng trăm, hàng ngàn nỗi đau đè nặng lên đầu Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa. Nỗi đau đó cứ chất chồng và lớn dần theo thời gian, đến nỗi người dân không chịu nổi nên tìm đủ mọi cách, đủ mọi phương tiện bỏ nước ra đi tìm tự do ở nước ngoài. Vì thế dù chiến tranh không còn, hòa bình đã đến nhưng người dân Việt Nam cũng đã chết hơn nửa triệu người trên đường vượt biển, vượt biên. Cộng sản Việt Nam bắt Quân Cán Chính VNCH đi tù, lao động khổ sai nơi rừng thiêng nước độc. Tù chết trong trại giam càng ngày càng nhiều, lên đến hàng chục ngàn người.

    Sau ngày oan nghiệt 30/4/1975, Quân Cán Chính VNCH ở trong nhà tù nhỏ và dân chúng thì ở trong nhà tù lớn, sống trong gông cùm tối tăm dưới chế độ cộng sản Việt Nam độc tài khát máu.

      

    Trong bài này, tôi chỉ nêu lên hình ảnh của người đàn bà VNCH sau cuộc “đổi đời” oan nghiệt 30 tháng 4 năm 1975. Hình ảnh người đàn bà đó là những người vợ của lính VNCH, của công chức VNCH, của người phục vụ cho chính phủ VNCH. Họ chính là Quân Cán Chính VNCH. Hình ảnh những người vợ của Quân Cán Chính VNCH sau biến cố 30/4/1975 đầy bi thương bất hạnh và cũng đầy kiêu hãnh.

    Ngày oan nghiệt 30 tháng 4 năm 1975 là ngày tang buồn, là ngày Quốc hận của dân tộc Việt Nam. Việt Nam cộng hòa đã không còn nữa. Chúng ta mất nước. Quân Cán Chính VNCH đã phải đi vào tù mà cộng sản gọi với mỹ từ là đi “học tập cải tạo “. Những người vợ của Quân Cán Chính Việt Nam cộng hòa bị đi tù cộng sản, họ đã trở thành những người vợ oan nghiệt nhất của thời đại ngày nay mà cộng sản Việt Nam luôn luôn ức chế và kỳ thị, gọi là “Vợ của Ngụy Quân Ngụy Quyền Sài Gòn.”

    Là những người vợ của “Ngụy Quân và Ngụy Quyền Sài Gòn” mà Việt cộng gán ép và cho là xấu  xa, nhưng các chị lại rất kiêu hãnh vì chồng mình đi tù vì yêu nước VNCH, yêu Tổ quốc VNCH, yêu  đồng bào VNCH và yêu Tự do. Các anh đi chiến đấu, đi phục vụ vì lý tưởng Tự do, vì chính nghĩa Quốc gia và dân tộc chống cộng sản độc tài đảng trị, làm tay sai bán nước cho ngoại bang.

    Mới ngày nào các chị là những cô gái hiền lành mộc mạc ở miền quê, hay là những cô nữ sinh áo trắng nơi phố thị, tuổi hoa phượng hồn nhiên, thơ ngây với những ước mơ tươi đẹp, rồi trở thành người yêu, người tình, rồi người vợ của những chàng trai thời binh lửa. Cuộc chiến đấu bảo vệ tự do, bảo vệ đất nước, chống cộng sản xâm lược của quân dân VNCH đầy chính nghĩa, đáng lý ra miền Nam phải thắng. Nhưng rồi vận nước không may “Đồng minh tháo chạy” bỏ ta một mình nên chúng ta phải “thua “và “kẻ ác đã thắng”

    Những cô gái ở miền quê, những cô nữ sinh ở phố thị trở thành những người vợ có chồng đi tù cộng sản nơi rừng thiêng nước độc. Bao nhiêu ước mơ tươi đẹp, bao nhiêu ước vọng cho tương lai tràn đầy hạnh phúc, luôn ấp ủ trong lòng của các chị đã tan vỡ, đã biến mất một cách mau chóng khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. “Nước mất là mất tất cả “, những người vợ của Quân Cán Chính VNCH bị đi tù, các chị bắt đầu lao vào ngã rẽ của cuộc “đổi đời” thật oan nghiệt, đầy nước mắt thương đau  và bất hạnh với hai bàn tay trắng, với sự ngỡ ngàng trước thời cuộc đổi thay quá đắng cay, quá uất hận và quá bất ngờ.

     Các chị bị ức chế của nhà cầm quyền cộng sản, nhà cửa tài sản bị tịch thâu, đuổi đi vùng “Kinh tế mới”. Khổ đau dồn nén đến cực đô. Tổng bí thư Đỗ Mười đã nói: “Giải phóng miền Nam, chúng ta có quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà cửa hãng xưởng ruộng đất chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ. Còn chúng nó thì ta đẩy đi kinh tế mới vào nơi rừng sâu nước độc. Chúng nó sẽ chết dần chết mòn…”.  Chính sách thật thâm độc.

     Các chi lo đùm túm đưa đàn con nhỏ dại đi “vùng kinh tế mới” là nơi cộng sản dành ưu tiên cho gia đình chế độ cũ, là nơi rừng sâu nước độc để đào đá kiếm cơm, là nơi để đày các gia đình của chế độ cũ, là nơi có đi mà không có về. Ôi! Thật oan khiên nghiệt ngã, trời cao có thấu.

     
    *Thương em lội suối trèo non, vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng ( Nguyệt Ánh).

    Hằng đêm các chị phải tập trung học tập “cải tạo” tư tưởng mà cộng sản gọi là xấu xa, đồi trụy của “Mỹ ngụy”, phải biết “ Lao động là vinh quang”, phải biết ơn “cách mạng” v.v và v.v. Ngày này qua ngày nọ, các chị phải chạy ăn từng bữa cho gia đình mà không đủ no, tối lại bắt ngồi học tập đến khuya, ngủ gà ngủ vịt, thật khốn khổ trăm bề.

    Các chị lăn lộn trong cảnh đời ô trọc, bị lăng nhục, bị ngược đãi, bị ức hiếp, bất công và kỳ thị của cái “XHCN” dối trá.  Các chị gánh chịu nhiều gian truân, “thân cò lặn lội bờ sông “, nắng mưa dãi dầu, làm bất cứ việc gì để kiếm tiền mua gạo, mua muối nuôi con, nuôi cha mẹ già yếu. Nhưng trong cảnh ngộ gạo châu củi quế, không có tiền mua gạo, gia đình đành phải ăn sắn ăn khoai sống tạm qua ngày. Đến bữa an trưa ăn tối, cầm củ sắn, củ khoai đưa vào miệng mà nước mắt chảy dài.

     

    *Cái Cò ngày nay xuống biển tìm mồi, khoai sắn, ngô sùng ăn cầm chừng, nước mắt tuôn rơi. (Nguyệt Ánh ).

    Không có tiền mua sữa nuôi con nhỏ, không tiền mua thuốc chữa bệnh cho con khi con đau phải đưa vào bệnh viện, người mẹ đành phải đi bán máu để có tiền lo cho con. Trong nhạc phẩm “ Cái Cò “, nhạc sỹ  Nguyệt Ánh đã giải bày tâm trạng đau thương của các chị vợ lính, vợ công chức VNCH, phải đi bán máu nuôi con trong hoàn cảnh vô cùng khốn khổ, tuyệt vọng, không tìm ra lối thoát, nhưng thương con, không lẽ để con chết đói vì không có miếng ăn, hay chết trong bệnh viện vì không có tiền mua thuốc để chửa bệnh cho con, đành phải chịu cái cảnh trớ trêu oan nghiệt.

     
    *Cái Cò ngày nay mơ tìm chén gạo, Giọt máu đào dành để bán nuôi con.( Nguyệt Ánh )

     Hằng trăm, hàng ngàn chuyện đã xảy ra cho các chị có chồng đi tù “cải tạo” dưới thời cộng sản Việt Nam XHCN là những câu chuyện xảy ra quá phũ phàng và quá thương tâm.

    Chị T.r là vợ của cựu Trung úy T, Đại đội trưởng Đại đội  CTCT và tôi là người cùng chung đơn vị. Chị Tr và gia đình theo đoàn người chạy loạn vào Sài Gòn khi Quảng Ngãi bất ổn dưới áp lực của cộng quân đè nặng vào đầu tháng 3 năm 1975. Cuộc di tản của Tiểu khu Quảng Ngãi đêm 24 tháng 3 năm 1975 thất bại thảm thương, anh T và tôi bị cộng sản bắt ngày 25/3 trên đường di tản ở Bình Liên Quảng Ngãi.

    Sau ngày 30 tháng 4, từ sài Gòn chị Tr. dẫn mẹ và các con nhỏ lần mò về Quảng Ngãi để tìm chồng. Qua bao nhiêu nghiệt ngã đắng cay của buổi giao thời ngày mất nước, sống nhờ tiền lương lính của chồng, trong hoàn cảnh ác nghiệt này thật là khốn khổ. Chị Tr phải nhịn ăn nhịn uống, để tiền mua cơm mua cháo cho con và mẹ già. Đói khát, cực khổ, xe cộ khó khăn, khi thì đi xe, khi thì đi bộ, thân xác rã rời. Trên đường về Quảng Ngãi, dừng lại ở bến xe Nha Trang vào một đêm mưa lạnh, mẹ con ôm nhau khóc trước sự sững sờ của các con thơ dại. Bơ vơ trước cảnh đời khốn khổ nơi xứ lạ quê người, chị Tr nghĩ đến chồng không biết giờ này ở nơi đâu, còn sống hay là đã chết. Chị không biết phải làm gì bây giờ, tiền bạc không có, người thân không có, tâm trí sợ hãi lo âu rối bời, chị cầu khẩn Phật Trời phù hộ cho chồng được bình an. Rồi chị phát tâm cạo đầu xuống tóc chờ chồng trở về.

    Về đến Quảng Ngãi ở tạm nhà người lính trong đơn vị cũ, chị đi hết chỗ này đến chỗ khác để hỏi thăm tin tức chồng, nhưng vẫn vô âm tín. Nửa tháng sau chị kiệt sức, hết tiền hết bạc, phải nhờ chị em bạn cũ giúp đỡ để chị dẫn mẹ và các con về Huế, quê hương của chị. Sau này chị nhận được tin anh T ở tù tại trại Kỳ Sơn Tam Kỳ Quảng Nam, chị xin giấy phép dẫn các con đi thăm nuôi chồng. Vợ chồng và các con gặp nhau cầm tay khóc nức nở. Nước mắt mừng vui chảy dài trên gương mặt gầy gò lo âu ốm yếu của vợ, anh T thấy thương xót. Nhìn thấy trên đầu chị Tr không có tóc, anh T hốt hoảng hỏi tại sao, chị Tr mới bày tỏ hết nỗi lòng của chị trong những ngày đi tìm chồng.

    Đêm hôm ấy, tôi và anh T. ngồi ăn nắm xôi của vợ anh thăm nuôi, anh kể chuyện vợ anh trên đường đi tìm chồng sau ngày mất nước cho tôi nghe.

     Chị Tr về sống ở quê nhà, không ngại gian khổ hiểm nguy, chạy đôn chạy đáo, làm bất cứ việc gì để kiếm tiền mua gạo nuôi mẹ chồng và các con. Chị thay chồng quán xuyến gia đình, nuôi sống gia đình và dạy dỗ các con. Chị tiện tặn từng đồng bạc dành để đi thăm nuôi chồng. Khi trại Kỳ Sơn giải tán, tôi và anh T đày lên trại Tiên Lãnh ở Quảng Nam Đà Nẵng, tôi thấy chị thỉnh thoảng lên thăm anh T cho đến khi anh T về với gia đình. Hiện giờ gia đình anh T định cư tại Tiểu bang New York.

     Lại một chuyện thứ hai về người vợ của người tù bị đi “cải tạo”. Năm 1994, tôi và gia đình vào Sài Gòn để phỏng vấn đi Mỹ theo diện H.0. Tôi đến thăm M là người bạn học ngày xưa ở đường Trương Minh Giảng, nay là đường Lê Văn Sỹ trong hẻm khu xóm đạo Phát Diệm. Năm 1967 hai đứa cùng vào lính và xa nhau. M là Đại úy Thủy Quân Lục Chiến. Gần ba mươi năm mới gặp lại, hai đứa ôm nhau vui mừng. Ngồi nói chuyện hồi lâu, tôi không thấy vợ M lên chào, tôi hỏi M:

    – Ủa! Bà Xã đâu không thấy?

    Minh buồn kể cho tôi nghe:

    – Sau khi bán hết quần áo, đồ đạc trong nhà, có cái gì dùng được là đem bán hết. Đau đớn hơn là chiếc nhẫn cưới, kỷ niệm của vợ chồng, vợ tôi cũng phải bán luôn để lấy tiền đi buôn lặt vặt kiếm tiền nuôi con. Lần lần số tiền ít ỏi đó cũng hết thôi. Nhớ thương tôi quá, vợ tôi không chịu được nên đành phải bán máu lấy tiền mua ít quà rồi dẫn hai con ra Bắc thăm nuôi tôi.

    Kể đến đây, tôi thấy đôi mắt của M thấm ướt. Những giọt nước mắt chảy dài xuống má. Nước mắt chảy ra từ nỗi lòng của người chồng nghĩ thương vợ trước cảnh đời nghiệt ngã. M kể tiếp:

     – Bạn cũng biết, bọn lính chúng mình nghèo lắm chứ gì? Tiền lính tính liền mà. Tôi cũng vậy. Nghèo lắm, đến nỗi làm hồ sơ đi H.O trễ cũng vì không có tiền, phải đi vay, sau này đi được sẽ gởi về trả. Hồi đó tôi và vợ tôi yêu nhau, rồi lấy nhau. Tôi cưới vợ khi vào lính được hai năm. Tôi bị bắt trước ngày 30/4/75. Sau đó bọn nó chuyển tôi cùng một số anh em mình đi ra Bắc và ở tù ngoài đó.  Nhà nghèo, quá khổ, vợ tôi phải cố gắng bương chải để kiếm tiền nuôi con mặc dầu vợ tôi đang bị bệnh. Cơm củ rau mắm kiếm được hàng ngày, phần lớn vợ tôi đều nhịn cho các con.

     – Một hôm, vợ tôi chở đồ mua về bán lại khá nặng trên chiếc xe đạp đi trên đường Trần Quốc Toản, bây giờ là đường 3 tháng 2, không may bị té ngã. Chiếc xe hơi chở hàng chạy phía sau vợ tôi thắn không kịp nên đụng vợ tôi. Vợ tôi bị thương đưa vào nhà thương. Nằm bệnh viện được bốn năm ngày, nếu như có thuốc chữa trị vợ tôi có thể là khỏi chết. Bệnh viện nói là họ không có thuốc, thuốc men mình phải tự túc. Họ gợi ý cho người nhà đi mua nhưng vợ tôi không có tiền. Bạn biết không, hồi đó mua thuốc ngoài họ bán giá chợ đen mắc lắm mà chưa chắc đã có, nếu có thì chắc gì mình có tiền mà mua nên vợ tôi qua đời. Cái chết của vợ tôi thật oan ức. Hai đứa con tôi về quê sống với bà ngoại đến khi tôi ra trại tù trở về.

    Nghe bạn kể lại hoàn cảnh và cái chết bi thương của chị H, nước mắt tôi chảy. Tôi đã khóc. Cái chết của chị H quá thương tâm. Trong cái xã hội cộng sản Việt Nam, cuộc sống của vợ con anh em chế độ cũ thật bi đát, thật oan trái. Bao nhiêu khổ đau uất hận các chị đều phải nhận lãnh. Sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam XHCN con người hóa ra vô cảm, không có tấm lòng thương yêu người. Nếu người đó là gia đình của VNCH thì bị kỳ thị, bị bỏ rơi như trường hợp vợ của đại úy M khi vào bệnh viện. Họ chỉ biết có tiền, sống vì tiền, không có tiền thì chết dù là cái chết không đáng chết như trường hợp của chị H.

    Tôi viết lên những câu chuyện có thật đã xảy ra của những người vợ của Quân Cán Chính VNCH bị đi tù “cải tạo” dưới thời cộng sản Việt Nam sau ngày mất nước 30/4/1975. Một người là vợ của người lính cùng chung đơn vị. Một người là vợ của người bạn thân hồi còn học chung trường và sau này cùng vào lính, để mọi người thấy rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam tuy đã tàn, những người vợ của Quân Cán Chính VNCH sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam luôn luôn chịu những đớn đau bất hạnh đè lên đầu quá sức tưởng tượng. Thật đau thương và uất hận.

     Chồng đi tù, các chị lo gánh vác việc trong nhà và ngoài xã hội do cộng sản bắt buộc, lo tất cả mọi chuyện. Các chị phải đi phá hủy các đồn bót, các bãi mìn của chế độ cũ, đi đào đường, vét mương, làm cộng tác thủy lợi, gọi là để góp công, góp sức vào Hợp tác xã giữa mùa đông lạnh giá.

     
    *“Cái Cò lặn lội bờ mương, Vét cổng đào đường gió rét lạnh căm” ( Nguyệt Ánh ).

    Thời chiến tranh, người chinh phụ thay thế chồng làm bổn phận người cha, quán xuyến tất cả việc nhà để chồng đi chinh chiến miền xa. Thời bình sau tháng 4 đen năm 1975, thời bạo quyền cộng sản, các chị có chồng đi “cải tạo”, dù sống trong cảnh nghiệt ngã dưới chế độ độc tài khát máu, các chị cũng phải cố gắng chu toàn, đảm đang tất cả mọi việc thay thế chồng lo cho gia đình, lo cho cha mẹ già và các con nhỏ dại.

    Ngày xưa, bà Đoàn Thị Điểm nói về người chinh phụ:

    “Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,

     Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.”

    Hay

    “Nay một thân nuôi già dạy trẻ,

    Nỗi quan hoài mang mể biết bao”

    Ngày nay, Nguyệt Ánh nói về người vợ có chồng đi tù “cải tạo “:

    “Một thân đơn chiếc nuôi con thay chồng. Bàn tay ai tốt vàng ròng, bàn tay em nứt máu hồng tuôn rơi. Cái Cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con”

    Với PT, người tù “cải tạo”:

    “Thương vợ lặn lội tháng năm,

     Thay chồng nuôi mẹ nuôi con dãi dầu.”

     Các chị ngoài bổn phận làm con dâu trong gia đình và làm mẹ, còn phải  thay chồng làm cha, làm thầy lo cho đàn con thơ nhỏ dại và còn có bổn phận với chồng đang ở tù. Hoàn cảnh đơn chiếc khó khăn, vất vả, vật lộn với đời để nuôi sống gia đình, còn phải tiện tặn chắt chiu để dành từng đồng mua chút quà chờ ngày đi thăm nuôi chồng. Các chị vượt hàng trăm, nhiều chị vượt hàng ngàn cây số. Từ Cần Thơ, Rạch Giá, từ Sài Gòn, Mỹ Tho, từ Tây Ninh, Hậu Nghĩa, các chị lặn lội đi thăm nuôi chồng ở trại tù Hoàng Liên Sơn, hoặc ở trại tù Thanh Cẩm, Nam Hà tận ngoài miền Bắc xa xôi…

    Bao nhiêu gian lao, khổ cực đi thăm nuôi chồng nơi rừng sâu núi thẳm, nơi đèo heo hút gió, thâm sơn cùng cốc. Lặn lội năm, sáu ngày đi đường, nhịn ăn nhịn uống. Chút thịt, chút cá, nắm xôi, miếng đường mang theo, các chị chít chiu dành tất cả cho chồng, không dám ăn. Lội suối trèo non, vai mang tay xách, gối mỏi chân mòn, mệt lã người mới đến được trại tù, chỉ để thăm chồng độ 40 hoặc 50 phút. Thời gian thăm nuôi chồng thật quá ngắn ngủi, không được bao lâu, gặp mặt chồng nói được vài ba câu thì đã hết giờ. Nhưng các chị được gặp chồng, được thấy mặt chồng, thấy chồng còn sống, thấy chồng vẫn mạnh khỏe là vui mừng biết bao.

     *“Cái Cò ngày nay gối mỏi chân mòn, Vai gánh vai gồng đi thăm chồng cách núi ngăn sông.” (Nguyệt Ánh ).

    Hết giờ thăm nuôi, các chị ngẩn ngơ, đứng nhìn chồng mình xách đồ thăm nuôi đi vô trại, cho đến khi không còn trông thấy bóng chồng, các chị rưng rưng nước mắt. Thấy chồng sống kiếp tù đày, thương quá, không biết chừng nào có tiền đi thăm nuôi chồng trở lại. Các chị ra về, nghĩ đến chồng, lòng buồn và tràn đầy nhớ thương.

    Nhưng rồi, cuộc đời oan nghiệt, có những nỗi đau nghiệt ngã, nó đến thật bất ngờ không ai biết trước được. Có chị chuẩn bị đồ đạt đi thăm nuôi chồng thì được tin chồng đã chết, vì cộng thù đã bắn anh.

    * “Một đêm gió lạnh mưa gào, được tin anh đã đi vào thiên thu. Chồng em chết giữa ngục tù, khổ sai đói rét, cộng thù giết anh”. (Nguyệt Ánh).

    Được tin chồng chết, đầu chít khăn tang, dẫn con lên trại tù tìm mộ chồng, mộ cha. Thật xót xa, khi tìm mộ chồng là một nấm đất hẩm hiu, hoang lạnh và không khói không nhang, ngậm ngùi hai hàng nước mắt tuôn trào.

      *“Cái Cò, một thân lên vùng đất lạ, đến trại tù tóc quấn vành tang. Đếm từng mộ hoang, máu lệ hai hàng, đau xót cho chồng không mộ phần không khói không nhang “. (Nguyệt Ánh).

    Lại một chuyện thương tâm. Một người vợ từ Sài Gòn đi thăm nuôi chồng ở tù ngoài Bắc. Bao nhiêu gian lao khổ cực mới đến được trại tù. Nỗi vui mừng là sẽ được gặp chồng. Nhưng than ôi! khi đến trại tù trình giấy thăm nuôi, thì mới biết chồng mình đã chết. Đó là trường hợp của nhà văn Bích Huyền đi thăm nuôi chồng ở tù ngoài Bắc.

    Viết đến đây, tôi thấy lòng tôi thật xót xa, hai mắt tôi thấm ướt. Tôi đã khóc, khóc cho một người bạn tù (nói là anh thì đúng hơn vì anh lớn tuổi hơn tôi). Anh đã bị bắn chết ở trại tù 1 Kỳ Sơn, Tam Kỳ, Quảng Nam. Người ấy là anh Võ Vàng, tốt nghiệp khóa 17 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 Bộ Binh.

    Tôi với anh sinh ra cùng chung một Quê hương là Mộ Đức, Quảng Ngãi. Anh ở Lam Điền, tôi ở Đồng Cát, hai làng cách xa nhau độ năm cây số đường chim bay. Quảng Ngãi, miền đất đã bị bom đạn cày xới, điêu tàn trong khói lửa chiến tranh ác liệt. Tôi và anh phục vụ chung một lý tưởng, chống cộng sản bảo vệ đất nước, bảo vệ Tự do. Khi chiến tranh chấm dứt, anh và tôi, hai người cùng bị đi tù ở trại tù Kỳ Sơn Tam Kỳ Quảng Nam. Tôi với anh không cùng ở chung một trại tù, tôi ở trại 3, còn anh ở trại 1.

    Hôm đó, tôi nhớ rất rõ, ngày 13 tháng 4 năm 1976, trại 1 đi lao động ở thung lũng Cò Bay thuộc vùng mỏ vàng Bồng Miêu. Trại 3 đi lao động ở thung lũng Thác Trắng gần Bồng Miêu. Từ thung lũng Cò Bay đến Thác Trắng phải leo lên một ngọn núi. Núi này có một con thác, nước đổ xuống trắng xóa. Trèo lên đỉnh núi, theo đường mòn lần xuống sườn núi phía Đông là thung lũng rộng gọi là thung lũng Thác Trắng. Tù lên đây để tỉa bắp, trồng lang, tỉa đậu, trồng dưa.

    Buổi trưa hôm đó, trời nắng chang chang, cái nắng của mùa hè miền núi thật oi bức. Cuộc đời tù, ngày lại ngày, chỉ biết đi lao động, tối về ăn chén củ ghế cơm lót lòng. Đói rét dài dài. Cuộc đời tù buồn khổ thảm thương lắm bà con ơi. Theo cựu Trung tá Trương Quang Chung hiện định cư tại Tiểu bang Massachusetts, là người bạn tù thân thiết của anh Võ Vàng, cùng ở tù tại trại 1 Kỳ Sơn, cùng đi lao động với anh Vàng ở Bồng Miêu ngày đó, anh kể lại cái chết của anh Vàng, tôi ghi lại được như sau:

    – Ngày hôm đó 13/4/1976, ăn cơm trưa xong, anh em tù trại 1 ngồi nghỉ trưa ở mé sông Bồng Miêu. Anh em tù lao động mệt nhòa, nằm ngủ gà ngủ vịt dưới tàng cây bên mé sông hoặc đi hái rau, bắt ốc để chiều về “cải thiện", ăn thêm cho đỡ đói. Tên bộ đội Bốn khoảng 16 tuổi, được biết, cha của tên Bốn theo Việt cộng bị quân đội Quốc Gia hạ sát, tên Bốn rất thù hận lính Quốc gia. Tên bộ đội Bốn đi đến chỗ anh em tù nghỉ trưa bảo: “anh Vàng và một anh tù nữa đi theo tôi  vào mé rừng để chặt đót đem về trại làm chổi.” Anh Vàng đứng dậy theo tên Bốn và anh tù kia đi theo một tên bộ đội khác. Hai tên bộ đội dẫn hai anh tù đi hai ngả khác nhau. Đứng dậy đi được bốn năm mét, anh Vàng quay lại nhìn anh em tù mỉm cười và đưa tay vẫy vẫy như là chào tạm biệt để đi làm công tác ở nơi khác.

    Tên Bốn dẫn anh Vàng vào mé rừng cách chỗ tập trung anh em tù độ vài ba trăm mét, nhưng vì cây cối rậm rạp che khuất nên không thấy tên bộ đội Bốn dẫn anh Vàng đi nơi nào. Hơn nửa tiếng đồng hồ, nghe bốn, năm phát súng trong rừng nổ vang vang, nghe rùng rợn lắm. Anh em tù tưởng bộ đội bắn khỉ, bắn nai nên cũng không ai để ý và quan tâm. Một lát, tên Bốn chạy ra thở hổn hển nói: “Anh Vàng cướp súng của tôi nên tôi bắn ảnh chết bên bờ suối”. Tên Bốn còn đóng kịch, cởi nút áo, phành ngực ra, lấy đất đỏ trét lên áo lên quần. Đầu tóc thì bù xù, áo quần xốc xếch, dơ dáy, giống như hai người vật lộn.  Anh em tù trông thấy bàng hoàng, hốt hoảng.

    Thung lũng Cò Bay Bồng Miêu hôm đó, mặc dầu trưa hè trời nắng chang chang, nhưng lại có những đám mây buồn u ám vần vũ trên bầu trời, nơi bọn tù đang bàng hoàng nghĩ về số phận mong manh của kiếp tù đày. Thật oan nghiệt. Luồng gió từ đâu thổi qua mang theo cái hắc ám của kẻ giết người tàn bạo, lành lạnh rợn người. Thung Lũng Cò Bay Bồng Miêu nhuốm màu tang thương. Không ngờ những cái mỉm cười thân thương và những cái vẫy tay thân mật chào tạm biệt của anh Võ Vàng lại là những lời chào vĩnh biệt với những anh em bạn tù còn ở lại, đang gánh chịu kiếp sống tù đày, và đang gánh chịu những đòn thù mà cộng sản luôn luôn dành cho anh em. Anh Võ Vàng đã đi về miên viễn. Cầu nguyện cho linh hồn anh Vàng được sớm an vui nơi cõi Vĩnh Hằng.

    Tên Bốn bảo anh tù Ngô Hoàng là nhà trưởng nhà 1 cho 4 anh tù đi theo tên Bốn vào rừng để khiêng anh Vàng về trại. Cũng theo anh Trương Quang Chung kể lại:

     – Về cái chết của anh Võ Vàng, anh Vàng bị bắn bốn phát súng từ sau lưng xuyên qua ngực, chết liền tại chỗ. Anh Vàng bị bắn bốn phát súng từ sau lưng, như vậy là anh Vàng đi trước và tên bộ đội Bốn đi sau bắn. Do đó nói anh Vàng giựt súng của tên bộ đội Bốn là vô lý. Như vậy, vụ bắn anh Vàng là việc sắp đặt trước. Vì sao vậy?

     Cũng theo lời kể của anh Trương Quang Chung:

     –Một hôm, anh em tù trại 1 tập trung hết lên hội trường để nghe chính ủy Trung đoàn về nói chuyện. Đứng trên bục cao, viên chính ủy hỏi : “ Anh nào là anh Võ Vàng? “. Lúc đó anh Vàng ngồi ở phía cuối hội trường giơ tay đứng dậy nói: “Thưa, tôi là Võ Vàng “Viên chính ủy hỏi anh Vàng: “Hồi anh làm Tiểu đoàn trưởng Biệt Động quân, trong cuộc hành quân (ngày giờ và địa điểm hành quân viên chính ủy có nói rõ nhưng anh Chung không nhớ), anh Vàng có bắt hai cán bộ của đơn vị (viên chính ủy có nói tên đơn vị nhưng anh Chung không nhớ) và anh đã ra lệnh cho lính của anh, cho hai cán bộ đó “đi ngủ “phải không”?.

     Anh Vàng trả lời: “Đúng, hồi đó, Tiểu đoàn của tôi hành quân tại nơi mà ông đã nói và có bắt hai cán bộ cộng sản, nhưng tôi không ra lệnh bắn giết hai anh đó, bởi vì lệnh của Quân đội VNCH không cho phép đối xử với tù binh như vậy. Tôi ra lệnh cho lính của tôi chuyển hai người đó về Bộ chỉ huy Tiểu đoàn để Tiểu đoàn chuyển về cấp trên khai thác để lấy tin tức mà thôi.”.

    Tên chính ủy Trung đoàn mặt đăm chiêu, lạnh ngắt, ngó thẳng vào mặt anh Vàng và mỉm cười gằn như muốn nhắn gởi cái gì đó không may cho anh Võ Vàng. Anh em tù hoang man, suy nghĩ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho anh Vàng sau này.

     Lại một chuyện nữa cũng do anh Chung kể:

     – Buổi sáng chúa nhật, tên bộ đội Bốn dẫn khoảng mười mấy anh tù đi thăm nuôi, trong đó có anh Võ Vàng. Hết giờ thăm nuôi tên bộ đội Bốn dẫn anh em tù về trại. Lâu ngày vợ anh Vàng mới lên thăm nên anh Vàng đến xin người Sĩ quan trực thăm nuôi ở lại thăm tiếp đợt hai. Người Sĩ quan trực thăm nuôi đồng ý cho anh Vàng ở lại. Về trại tên bộ đội Bốn cho đếm số vô cổng thì thiếu một người. Lây hoay một lúc mới biết là thiếu anh Võ Vàng. Tên bộ đội Bốn tức quá, mặt đỏ bừng, lớn tiếng chưởi thề và vội vã cầm súng chạy ra khu thăm nuôi. Tên Bốn đến chỗ anh Vàng ngồi với vợ, to tiếng mạc sác và đòi bắn anh Vàng. Tên bộ độ Bốn sỉ nhục anh Vàng, làm nhục người lính VNCH trước mấy chục gia đình đang thăm nuôi, anh Vàng lớn tiếng cãi lại, anh phành áo đưa ngực thách tên Bốn hãy bắn đi. Xong anh Vàng đưa tên bộ đội Bốn đến chỗ Sĩ quan trực thăm nuôi. Sĩ quan trực xác nhận đã cho anh Vàng ở lại thăm nuôi tiếp. Tên Bốn ấm ức, vội vã ra lệnh cho anh Vàng mang đồ vô trại gấp. Dọc đường, tên bộ đội Bốn lớn tiếng chửi bới và hăm dọa anh Vàng: “rồi mày sẽ biết tay tao…”

    – Và chiều hôm thăm nuôi, anh Vàng có rủ anh Chung lên hội trường chơi. Anh Vàng cầm theo ổ bánh mì thịt và bẻ cho anh Chung một nửa. Hai người ngồi ăn bánh mì và tâm sự. Buổi thăm nuôi để lại nhiều chuyện không vui, nhưng anh Vàng chấp nhận mọi rủi ro vì đó là khí phách của người lính VNCH, không hy sinh trên chiến trường, bây giờ hiên ngang chết giữa ngục tù, để cho cộng sản thấy rằng người lính VNCH không hèn. Anh Vàng kể lại chuyện thăm nuôi hồi sáng cho anh Chung nghe. Anh Vàng trầm ngâm gục đầu suy nghĩ hồi lâu rồi rủ anh Chung trốn trại, nhưng chưa thực hiện được thì anh Vàng đã bị bắn chết.

    Như ta đã biết anh Võ Vàng tốt nghiệp khóa 17 trường Võ Bị Đà Lạt, đã từng nắm giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội VNCH như Tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Trên bước đường binh nghiệp, anh đã nổi tiếng trong những trận hành quân tiêu diệt địch quân cộng sản, đã bắt nhiều tù binh cộng sản, đã chiến thắng nhiều trận vẻ vang trong đó có trận giải tỏa Sa Huỳnh Quảng Ngãi năm 1973.

     Khi bị sa cơ vào tù, anh là người trực tính, nói thẳng và khinh thường cán bộ trại giam. Đọc những lời của cựu Trung tá Trương quang Chung kể và tôi ghi lại, chúng ta thấy rằng, anh Vàng là Sĩ Quan Quân đội VNCH lập được nhiều chiến công, rất cương trực và không chịu khuất phục trước kẻ thù ác độc cộng sản trong trại tù, không để cho kẻ thù làm nhục mình tức là làm nhục người lính VNCH.  Cũng vì thế trong trại tù anh Võ Vàng liệt vào danh sách “Hồ sơ đen”. Tổng trại trưởng Tổng trại 2 tù Kỳ Sơn là Trung tá Ngô Câu luôn luôn cho người theo dõi anh từng lời nói, từng việc làm. Ông thù ghét anh và căm hận anh. Đã đến lúc phải giết anh Vàng nên ông Ngô Câu đã ra lệnh cho những tên cai tù trại 1 bắn chết anh Võ Vàng khi đi lao động ở khu mỏ vàng Bồng Miêu để  trả thù và răn đe bọn tù đang tiếp tục “ cải tạo “…

     Ôi! Oan nghiệt! Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đổi thay vận mệnh của đất nước, trong cuộc “đổi đời “bi thương của dân tộc, bao nhiêu nỗi thương đau uất hận của người lính VNCH bị lưu đày trong các lao tù cộng sản ác độc, họ tàn sát người tù một cách vô nhân đạo. Hành động giết người tù tàn nhẫn ác độc để trả thù là những vết nhơ không bao giờ rửa sạch mà cộng sản Việt Nam đã để lại trong trang sử Việt Nam thời cận đại.

     Sự vĩnh viễn ra đi tức tưởi của anh Võ Vàng đã để lại nhiều tiếc thương cho anh em tù, không những ở trại 1 và trại 4 mà là tất cả anh em tù ở Tổng trại 2 tù Kỳ Sơn. Đó cũng là nỗi đau thương khôn nguôi của chị Võ Vàng, là vết hằn in sâu, một nỗi buồn dày vò không thể nào quên ở trong lòng của chị.

     Xin trân trọng kính chia buồn cùng cô Lê Thị Đường.  Cô Lê Thị Đường là Vợ của người tù, Trung tá Võ Vàng. Cô Đường là Hiệu trưởng trường Nữ Trung học Quảng Ngãi. Một người đàn bà đã gánh chịu bao nhiêu khổ đau, gánh chịu bao nhiêu khốn khổ gian truân. Cô không gục ngã, không sợ hãi trước áp bức mà cộng sản nhẫn tâm dành cho tất cả những gia đình có những chị em là vợ lính VNCH mà chúng gọi là gia đình “ngụy quân ngụy quyền”  của chế độ cũ trong đó có gia đình Cô. Cộng sản coi cô là kẻ phản bội Tổ quốc vì có chồng là “ngụy gộc ác ôn”, còn bản thân cô là giáo viên Trung học đi rao giảng tuyên truyền văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy. Tuy vậy, Cô cảm thấy hãnh diện, chồng Cô là một Sĩ quan VNCH, là một người lính VNCH rất kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù ác độc tàn bạo. Cô bị đuổi ra khỏi trường, không cho cô dạy học nữa. Một mình Cô tảo tần, vượt qua tất cả hiểm nguy, vượt qua muôn ngàn khó khăn gian khổ, vất vả ngược xuôi nuôi đàn con thơ nhỏ dại 6 đứa trong hoàn cảnh bi đát và vô cùng khốn khổ, bữa đói bữa no. Cuối cùng, Cô đã vượt qua mọi khó khăn nguy khốn, cùng 6 con nhỏ đi vượt biên, thoát khỏi cảnh tăm tối của chế độ độc tài khát máu cộng sản Việt Nam và đã đến được bến bờ Tự do. Hiện Cô và các con định cư tại thành phố Garden Grove, Nam California Hoa Kỳ.

    Cái chết oan nghiệt của anh Võ Vàng ở Tổng trại 2 tù Kỳ Sơn là một trong muôn ngàn cái chết oan trái của anh em tù trong các trại tù gọi là “ cải tạo” của cộng sản trên khắp đất nước Việt Nam sau năm 1975.  Hằng chục ngàn anh em tù đã chết trong lao tù cộng sản. Có những cái chết anh hùng mà chúng ta không thể nào quên. Một trong những cái chết anh hùng đó có cái chết của người tù, thiếu úy Trần Quang Trân ở trại tù Tiên Lãnh, một trại tù hắc ám ác độc nhất ở Quảng Nam Đà Nẵng. Anh đã bị tử hình vì đã can đảm chống lại “cách mạng “.

    Sau ngày 30 Tháng 4 năm 1975, người đàn bà VNCH, nhất là những chị là vợ của Quân Cán Chính VNCH bị đi tù khổ sai mà cộng sản gọi là tù “cải tạo” lâm vào bước đường cùng, bi đát, gian truân và nghiệt ngã. Dù có viết lên bao nhiêu đắng cay bất hạnh, bao nhiêu oan khiên và nghiệt ngã mà các chị đã gánh chịu cũng chỉ là, nói lên một phần nào đó, trong muôn ngàn cái đắng cay bất hạnh, trong muôn ngàn cái khổ đau oan trái của các chị trong thời gian chồng đi ở tù. Phải không các chị?. Các chị luôn luôn gắn liền với chồng như hình với bóng, mãi mãi đứng bên cạnh chồng, đi bên cạnh chồng, luôn luôn đồng hành với chồng trên bước đường hoạn nạn.

    Trong tháng năm dài các anh bị đày trong lao tù cộng sản, các chị là niềm tin yêu, là chỗ dựa của anh em tù, anh em tù mới có sức kéo dài chuỗi ngày đen tối trong ngục tù cho đến một ngày nào đó, cầm được miếng giấy ra trại trở về đoàn tụ với gia đình. Trong chốn lao tù, người chồng vẫn biết, vợ mình đã hy sinh tất cả cuộc đời cho gia đình và cho mình. Quà cáp đi thăm nuôi chồng là mồ hôi và nước mắt của vợ. Tình yêu đã vượt lên tất cả những khổ đau cùng cực. Vì chồng, vì con, vì cha già mẹ yếu, các chị đã phấn đấu, đã hy sinh phận mình. Lu bu, lận đận với bổn phận, nhiều lúc các chị quên nghĩ đến bản thân mình, quên săn sóc bản thân mình, thay chồng mải mê lo cho cuộc sống gia đình, cho cha, cho mẹ, cho con, và cho chồng, đến khi soi gương nhìn lại dung nhan, mới biết mình đã già trước tuổi, nhưng các chị vẫn không buồn, bằng lòng với số phận vì nghĩ rằng:

     “Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai”. ( Bà Đoàn Thị Điểm ) .

    Hay: “Nắng mưa hương sắc phai tàn,

    Vì chồng đâu quản muôn vàn đắng cay”.( PT )

     Những người vợ của Quân Cán Chính Việt Nam Cộng hòa sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 quả thật là người đàn bà quá tuyệt vời. Thời chiến tranh cũng như thời bình, các chị đều làm tròn bổn phận. Có thể nói, hình ảnh của những người vợ Quân Cán Chính VNCH bị đi tù “cải tạo”  làm sáng lên hình ảnh của người đàn bà của nước VNCH, hy sinh, thủy chung, đảm đang và chịu đựng. Trong từng thời kỳ đổi thay của đất nước, các chị vẫn không quên bổn phận. Thời chiến tranh, các chị cũng hiên ngang đi ra chiến trường, hay là làm việc ở hậu phương. Nhìn lại binh chủng Nữ Quân nhân Việt Nam cộng hòa trước năm 1975 thì ta thấy rõ. Thời bình, chồng đi tù, các chị vẫn luôn luôn làm tròn bổn phận người vợ. Thật xứng đáng là con cháu của bà Trưng bà Triệu, của Hưng Đạo, Quang Trung.

    Những câu chuyện nghiệt ngã của những người vợ có chồng đi tù “cải tạo”, có lẽ chúng ta nói hoài cũng không hết. Nó như một kho tàng chứa đầy đau thương, máu và nước mắt. Sự hy sinh của các chị để lại cho con cháu sau này, biết đưọc những gì, mà những người Mẹ, bây giờ là những bà Nội, những bà Ngoại sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam sau biến cố thương đau 30/4/1975 là như thế nào. Các chị đã không quản ngại gian nguy, bất chấp, vượt  mọi khó khăn nguy khốn, hy sinh tất cả cuộc đời cho chồng, cho con, để rồi ngày hôm nay, chúng ta, những gia đình H.O, hay những gia đình có các anh đi tù về, rồi đưa vợ con đi vượt biên, vượt biển đến được vùng đất hứa, hít thở được cái không khí tự do mà mình luôn luôn mơ ước. Nhờ các chị, chúng ta mới có được hạnh phúc trên xứ người ngày hôm nay.

    Tháng Tư đen lại trở về, Quốc hận 30 tháng 4, nỗi đau thương ngút ngàn của đất nước và dân tộc Việt Nam. Hồi tưởng lại quá khứ, những năm tháng dài trong lao tù khổ sai cộng sản sau ngày mất nước, nghĩ  đến  các chị, những người vợ của Quân Cán Chính VNCH bị đi tù “ cải tạo” trong cuộc “đổi đời” oan nghiệt, càng thấy thương và càng quý trọng các chị. Dù cuộc đời nhiều gian truân đắng cay bất hạnh, dù cảnh đời nhiều oan trái, phân biệt đối xử, kỳ thị dối gian, các chị vẫn không bị cám dỗ phỉnh lừa. Dù mỏi mòn trông đợi chồng về, năm năm, mười năm hay lâu hơn, các chị vẫn không nản lòng, quyết tâm chờ đợi, thủy chung, giữ vẹn tình nghĩa vợ chồng, đã hy sinh phận mình cho gia đình và chồng con, làm tròn bổn phận, luôn đồng hành với chồng đến phút cuối cuộc đời. Chúng tôi không bao giờ quên

      Bài viết này như một lời chân thành tạ ơn gởi đến những người vợ tuyệt vời của Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù “cải tạo” sau ngày mất nước 30/4/1975 oan nghiệt!

    Phạm Thọ

    Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng nam-Đà Nẵng

     


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: PHẠM THỌ:TIỆC TẠ ƠN ĐỜI, TẠ ƠN NGƯỜI-THIỆP MỜI Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top