728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA TRUYỆN NGẮN CHUYỆN MAY MẮN CỦA DIỄN

     NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA TRUYỆN NGẮN CHUYỆN MAY MẮN CỦA DIỄN



    Mời đọc truyện ngắn thứ hai mươi bốn và là truyện cuối cùng

    của

    loạt truyện "Ra Đứng Ngõ Sau," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X.

    Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.  Kỳ sau chúng tôi sẽ bắt đầu

    gửi

    đến quý thân hữu các truyện ngắn trong loạt truyện mới,

    Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

     Chúng tôi viết truyện ngắn

     "Chuyện May Mắn của Diễn" từ một truyện cũ để tưởng nhớ một người bạn thân ngày xưa -- nhân vật "Diễn" trong truyện.  Bạn tôi qua đời ở Việt nam vào một ngày cuối năm 2023 vừa qua.

    Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây và một số bài viết khác, mời quý thân hữu vào Trang "Tác phẩm Nguyễn văn Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

     https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa.html

    https://dconnect.co.jp/friend/

     Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần lễ Mẹ vui vẻ và an lành.

    ---------------------------------------------------------------------------------------------------

     24. Chuyện May Mắn của Diễn

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

    Diễn là bạn học cùng lớp với tôi ở trường kỹ sư.  Ngoài quê Phan Rang của nó, trời nóng quanh năm, lượng nước mưa hàng năm thấp nhất trong các tỉnh Việt nam, và khí hậu lý tưởng để sản xuất muối biển, nhưng quá khô hạn để canh tác.  Tụi bạn nói cứ nhìn vào dáng người nhỏ thó, mái tóc đen và quăn, và da mặt sạm đen của nó là hình dung được một cánh đồng cỏ cháy khô, không có một giọt mưa suốt chín tháng mùa khô.  Do đó nó bị gọi là thằng “Đồng Khô Cỏ Cháy.”  Nó không hề phật lòng, cười hiền hòa, và không cãi lại.  Có lẽ do cái tên có ý miệt thị đó mà trong hai năm đầu học khoa học cơ bản, mặc dù biết nó học khá, tôi cũng ít nhiều coi nhẹ nó.

    Lên đệ tam niên, trong các môn học thực hành, sinh viên phải thực tập theo từng nhóm ba hay bốn người.  Diễn tính dễ dãi nên bị tụi kia đùn qua làm thực tập chung nhóm với tôi và Lộc, hai thằng nổi tiếng ít có thì giờ dành cho việc học.  Lộc hoạt động trong lãnh vực du ca, văn nghệ, và thể thao.  Tôi  bỏ nhà đi bụi đời sống lang thang và tối ngày cúp cua đi dạy học kiếm sống, nhưng giấu nhẹm và khoe khoét ta đây ngon lành bỏ giờ học đi chơi với đào.  Khi làm phúc trình thực tập, Diễn mau mắn lãnh các phần tẻ nhạt, tỉ mỉ, và tốn nhiều thì giờ nhất như vẽ đồ thị và thực hiện các phép tính bằng số giùm cho tôi và Lộc, và nhất là phần còn lại của tôi, khi tôi bỏ dở nửa chừng để đi . . . chơi.

    Mỗi chiều Chủ Nhật, tôi sang nhà Diễn ở xóm nghèo bên Thị Nghè để chép và hỏi lại bài của mấy buổi học tôi vắng mặt trong tuần.  Cha mẹ đã qua đời, nó sống với vợ chồng người anh và hai đứa cháu gái khoảng sáu, bảy tuổi; anh nó làm trung sĩ trong quân đội.  Tôi khám phá ra nó thường xuyên có thơ và truyện ngắn gửi đăng trên bán nguyệt san Văn Uyển đứng đắn nghiêm chỉnh và tuần báo Tuổi Hồng được các cô lứa “tuổi ô mai” ưa chuộng.  Không ngờ nó bảnh đến thế, tôi vô duyên buột miệng,

    “Tướng tá mày cù lần thế kia mà viết hay hết sẩy!”

    Mùa hè năm ấy, lớp đệ tam niên của chúng tôi thật bận rộn, và tôi và Diễn ở bên nhau hầu như cả mùa hè.  Đầu tiên là chuyến “Du khảo Đa Nhim,” cả lớp đi thăm “Thành phố Hoa viên” Đà Lạt và quan sát nhà máy thủy điện Đa Nhim một tuần lễ.  Về lại Sài gòn là sửa soạn đi trình diện ở trung tâm Huấn luyện Quang Trung (“Quang Trung”) để tập làm lính bốn tuần lễ trong chương trình Huấn luyện Quân sự Học đường.  Được thiết lập sau cuộc tấn công quy mô của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân (1968), chương trình có mục đích tạo dựng một lực lượng dân sự sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp khẩn cấp, và tốt nghiệp khóa huấn luyện là điều kiện bắt buộc để được hoãn dịch vì lý do học vấn cho niên khóa tới.

    Ở Quang Trung, ban đêm tôi ngủ ở tầng trên chiếc giường hai tầng bằng sắt sơn đen màu hắc ín, và Diễn nằm ở tầng dưới.  Sắp hàng đi ra hay đi về từ bãi tập, ngồi trong lớp học (hoặc ngồi trên mũ sắt ở bãi tập), sắp hàng đi ăn cơm nhà bàn, và cả lúc ăn cơm, lúc nào nó cũng ở bên tôi.  Mỗi lần đi phép cuối tuần trở về trại, các bạn bới theo thức ăn như mắm thái, mắm lóc, thịt chà bông, và phó-mát Pháp “La vache quit rit” (tiếng Pháp “Con bò cười”) để khỏi ăn cơm với cá mối nhà bàn.  “Cá mối” là tên gọi chung các loại cá rẻ tiền như cá đù, cá chỉ, hay cá trích xương nhiều hơn thịt, và chiên lên có mùi ươn và tanh.  Đó là một trong hai món ăn chơi đặc thù của Quang Trung.  Món kia là chà láng:  Những lúc rảnh rỗi, khóa sinh được lệnh ra giao thông hào dùng cà-mèn (tiếng Pháp “gamelle”) bằng thép không rỉ để chà đất cho thật láng; bọn lính học trò chúng tôi được miễn làm màn vô bổ này.  Diễn chia thức ăn nó bới theo cho tôi, tôi từ chối,

    “Tao ăn cơm dở và rẻ tiền ở phạn xá Đại học xá Minh Mạng quen rồi nên thấy cá mối Quang Trung không đến nỗi tệ.”

    “Mày ăn thử thịt chà bông bà chị [dâu] tao làm xem có ‘được’ không,” nó tiếp tục mời.

    “Chị mày làm cho mày ăn, sao lại chia cho tao?” tôi lắc đầu.

    “Hôm bữa lãnh 200 đồng tiền nhuận bút cái truyện ngắn gởi cho báo Văn Uyển, tao đưa hết cho chị nhờ làm đồ ăn cho cả hai đứa mình.  Mày không ăn với tao thì sao gọi là bạn bè?”

    Tôi ăn chung với Diễn mà rưng rưng nước mắt.  Nó biết tôi túng bấn vì không có thì giờ đi dạy, mà dù có thì giờ đi nữa thì mùa hè trường trung học tư đóng cửa và các nơi dạy kèm không cần người cho đến đầu niên khóa tới.  Một tuần sau khi trút bỏ bộ trây-di (tiếng Pháp “treillis,” quần áo lính) màu xanh ô-liu (olive) rộng thùng thình, lớp chúng tôi được phân phối đi tập sự hè một tháng ở các xí nghiệp kỹ nghệ để làm việc và học hỏi và thường không được trả lương; phúc trình tập sự được chấm điểm như một môn học chính thức.

    Trong khi tụi bạn cân nhắc địa điểm (gần nhà hay thuận tiện đi lại) và kỹ nghệ muốn phục vụ sau này để bon chen giành chỗ tập sự tốt, tôi chọn nhà máy Kiên Lương của nhà máy Xi măng Hà Tiên ở quận Kiên Lương tỉnh Kiên Giang và cách Hà Tiên chừng 20 cây số vì công ty cho ăn ở miễn phí và tôi muốn rời khỏi Sài gòn một thời gian.  Diễn bị đẩy đi Kiên Lương với tôi vì tính nó hiền lành và hay nhường nhịn và nơi đèo heo hút gió này là chỗ tập sự còn lại cuối cùng.  Công ty có chiếc máy bay nhỏ bảy chỗ ngồi hàng ngày lên xuống Kiên Lương để chuyên chở nhân viên và mang tài liệu liên lạc giữa nhà máy Kiên Lương, văn phòng trung ương trên đường Võ Di Nguy Sài gòn, và nhà máy Thủ Đức trên xa lộ Sài gòn - Biên Hòa.

    Trước ngày tôi lên đường, Nhật Lệ, cô cháu họ gọi tôi bằng “ông trẻ” (người Huế nói là ôông), từ Nha Trang vào hớt hơ hớt hải đến Đại học xá tìm tôi,

    Ôông đi tập quân sự không nói cho ai biết, giờ sắp đi tập sự cũng không cho ai hay.  Mụ cố lo lắm vì biết mùa hè ôông không đi dạy và không có tiền nên biểu em vào coi ôông ra sao.”  “Mụ cố” (bà cố) là mẹ.

    “Vào đây em ở đâu và khi nào về Nha Trang?” tôi nói lảng, cười như mếu.

    “Em ở nhà con Thu Sương bạn em và đợi ôông đi tập sự xong mới về lại.  Mụ cố dặn đãi ôông ăn ngon một bữa.”  Mẹ biết dù có cho tôi tiền, tôi cũng không lấy.

    “Chiều nay tôi và thằng bạn lên văn phòng Xi-măng Hà Tiên làm giấy tờ và tiện đường đến ăn ở nhà hàng Thanh Bạch.  Em gặp tôi ở đó nghen.”

    Nhà hàng Thanh Bạch trên đại lộ Lê Lợi là quán ăn ưa chuộng của tôi.  Tôi và Diễn đến sớm ngồi đợi ở hàng bàn dưới mái che nhô ra ngoài lề đường.  Nhật Lệ đến với Thu Sương, một thiếu nữ nhỏ người, xinh xắn, tóc ngắn, và nước da trắng ngần.  Bốn đứa ăn uống tự nhiên và cười vui thoải mái.  Nhật Lệ hài lòng vì hoàn tất nhiệm vụ mẹ giao, và tôi khoan khoái thưởng thức món bít-tết Chateaubriand ăn với xà-lách Đà Lạt đặc biệt của nhà hàng, lâu rồi mới được ăn lại.  Thu Sương nhận ra bên trong cái dáng ngoài khô khan của Diễn là một tâm hồn bén nhạy, lãng mạn, và đáng yêu, và hai người chuyện trò thân thiết như đã quen biết từ lâu.  Khi chia tay, Nhật Lệ dặn tôi, và cũng gián tiếp nhắc Diễn giùm Thu Sương,

    Ôông nhớ viết thư về cho em để mụ cố biết tin mà yên tâm.”

    Nhà máy Kiên Lương được xây thành hai khu nằm hai bên con kinh An Bình - Ba Hòn:  Khu nhà máy nằm sát chân núi Còm, và khu cư xá thuộc xã An Bình ở ngay quận lỵ.  Khu cư xá với đường sá rộng rãi và thẳng tắp gồm dãy biệt thự có sân trước trồng cỏ xanh mướt dành cho kỹ sư và viên chức hành chánh, các dãy nhà dài làm nhà ở cho công nhân, trường học, sân thể thao, và chợ Tròn (nhà lồng hình tròn) cùng các dãy phố quanh chợ.  Tôi và Diễn được cho ở trong một biệt thự trống, chỉ một phòng ngủ trên lầu có đồ đạc, và trong đó có vỏn vẹn một chiếc giường và cái bàn viết nên hai thằng ngủ chung giường như hồi ở quân trường.

    Tại nhà ăn, buổi trưa người ta thường nấu canh mướp đắng (khổ qua) dồn thịt.  Bữa đầu tiên tôi hỏi Diễn,

    “Mày biết ăn mướp đắng không?”

    “Ngon chớ!  Sao lại không?”

    “Ngày tao còn nhỏ, có lần ‘bà già’ xào mướp đắng cho ‘ông già,’ tao lén bốc lủm đụng nhằm miếng mướp đắng đắng nghét và ói ra cả mật xanh mật vàng.  Từ đó tao cạch đến giờ.”

    “Vậy thì mày ăn nhân thịt, để mướp đắng cho tao,” nó không ngần ngừ giành phần thua thiệt.

     Ban ngày hai thằng làm việc trong nhà máy, và ban đêm và Chủ Nhật quanh quẩn trong khu cư xá.  Buổi tối dắt nhau đi lòng vòng nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất đến khi tối mịt, về nhà viết phúc trình tập sự và sau đó việc ai nấy làm.  Đôi khi tôi viết thư cho Nhật Lệ (đúng ra là cho mẹ), trong lúc hàng đêm Diễn miệt mài viết thư cho Thu Sương, tràng giang nhiều trang giấy.  Nó không lơ là sáng tác thơ văn nên luôn luôn đi ngủ trễ.  Sau một tháng, chúng tôi rời Kiên Lương và bất ngờ được nhà máy trả cho một tháng lương kỹ sư tập việc.

    Tháng Tám cuối năm đệ tứ niên, lớp chúng tôi tốt nghiệp.  Nhà máy Xi-măng Hà Tiên gửi công văn đến trường xin tuyển dụng hai kỹ sư điện làm việc tại nhà máy Kiên Lương.  Diễn và một bạn khác là Huỳnh nộp đơn, được thu dụng, và xuống Kiên Lương nhận việc một lần.  Tôi đi học cao học và chuyển sang nghề dạy học.  Và từ đó, cuộc đời Diễn xuống dốc triền miên khiến bạn bè thường chép miệng, “Thằng ‘Đồng Khô Cỏ Cháy’ là chúa xui xẻo.”

    * * *

    Khi thời hạn hoãn dịch vì lý do học vấn chấm dứt, Diễn bị gọi nhập ngũ.  Thường kỹ sư làm việc cho xí nghiệp lớn như Xi măng Hà Tiên bị gọi nhập ngũ chỉ phải thụ huấn chín tuần căn bản quân sự ở Quang Trung, hay cùng lắm là “cày” thêm chín tháng ở trường Bộ binh Thủ Đức, rồi được biệt phái về phục vụ nhiệm sở cũ.  Thí dụ như Huỳnh, anh đi trình diện nhập ngũ cùng ngày với Diễn, thụ huấn chương trình huấn luyện giống như nó, và được biệt phái về.  Nhưng nó bị quân đội giữ lại làm sĩ quan truyền tin và năm 1975, mang lon trung úy.

    Việt Cộng vào, Diễn đi tù “cải tạo” gần ba năm, chưa đủ ba năm để sau này đủ điều kiện sang Hoa kỳ định cư theo diện H.O. (viết tắt của “Humanitarian Operation” là Chiến dịch Nhân đạo).  Từ nhà tù nhỏ, nó ra nhà tù lớn là cả xã hội miền Nam và sau nhiều tháng lông bông, được bạn bè giới thiệu gia nhập hội Trí thức Yêu Nước của thành phố, hội viên phần lớn là trí thức miền Nam cũ nay là những con cừu non vâng dạ của bên thắng cuộc.  Họ coi thường Diễn và giao cho nó các công việc vặt vãnh không ai thèm làm như làm lồng đèn cho trẻ em chơi trong dịp lễ Trung thu.  Do đó, nó có thêm biệt danh mới – “Diễn Lồng Đèn.”

    Đến đầu thập niên 1990, “Diễn Lồng Đèn” rồi cũng có việc làm đàng hoàng.  Nó được nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 (tên mới của nhà máy Thủ Đức) nhận làm kế toán viên dưới quyền một lô kỹ sư và cán bộ từ ngoài Bắc vào.  Không dè bọn lưu manh thu dụng “tên cựu sĩ quan Ngụy” cốt để làm bung xung giơ đầu chịu báng cho các hành vi tham nhũng của chúng.  Chúng ăn cắp xi-măng và vật liệu bán chợ đen lấy tiền chia nhau, nhưng bắt nó ký giấy tờ chứng nhận.  Nội vụ đổ bể, chúng câu kết trút hết tội lên đầu nó.  Ra tòa, nó lãnh án mười năm tù, giam ở khám Chí Hòa.

    Năm 2005, tôi có việc về Sài gòn và gặp lại Diễn, lúc ấy mới được thả ra.  Như ngày nào, nó thản nhiên, bao dung, và không một chút hận đời.  Nhìn vợ nó là Thu Sương âu yếm săn sóc chồng, tôi nhớ lại buổi tối mùa hè ở nhà hàng Thanh Bạch hơn 35 năm trước.  Hai người yêu nhau từ phút đầu tiên gặp gỡ, cùng nhau đương đầu với những nghịch cảnh khắc nghiệt của cuộc đời, và cuối cùng sống hạnh phúc bên nhau.

    Với mối tình sắt son của Thu Sương, thời vận của Diễn không hoàn toàn xúi quảy như mọi người nghĩ.  Dễ dầu gì mà yêu và được yêu thắm thiết như thế?

    Nguyễn Ngọc Hoa

    Ngày 7 tháng Hai, 2024

     

     

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA TRUYỆN NGẮN CHUYỆN MAY MẮN CỦA DIỄN Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top