NGUYỄN TIẾN HƯNG: VNCH: Ông Kissinger đã nói và làm gì với hai tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu?
VNCH: Ông
Kissinger đã nói và làm gì với hai tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu?
Nguyễn Tiến
Hưng
Tại Bắc Kinh, các
quan chức và truyền thông Trung Quốc đang thương tiếc cái chết của Henry
Kissinger.
Đài Truyền hình Trung ương ca ngợi ông là “nhà ngoại giao huyền thoại” và là
nhân chứng cho quan hệ Trung-Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình gọi ông là “chiến lược
gia nổi tiếng thế giới” và là “người bạn cũ tốt lành” (Nextshark, 30/11/2023).
Nửa thế kỷ trước, ông ấy đã đóng góp có tính cách lịch sử vào việc bình thường
hóa quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ có tầm nhìn chiến lược rực rỡ, mang lại lợi ích
cho cả hai nước cũng như thay đổi cả thế giới,” ông Tập nói, theo The
Washington Post.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Vương Văn Bân nhấn mạnh, “Bắc Kinh và Washington
cần duy trì và thúc đẩy tầm nhìn chiến lược, lòng dũng cảm chính trị và trí tuệ
ngoại giao của Kissinger.”
Chỉ bốn tháng trước đây ông Kissinger đã bất ngờ tới Bắc Kinh (tháng 7/2023) và
được ông Tập tiếp đón nồng hậu.
Chủ tịch TQ Tập Cận
Bình đón tiếp ông Henry Kissinger tại Bắc Kinh hôm 20/7/2023Thấy ông đã trên 100
tuổi mà còn có thể bay trên 10.000 dặm xuyên đại dương mà vẫn còn tỉnh táo khi
hàn huyên với ông Tập, chúng tôi nghĩ tuổi thọ của ông sẽ còn kéo dài thêm mấy
năm nữa nên đã có ý định gửi tặng ông cuốn sách Bức Tử VNCH - Kissinger
và 8 thủ đoạn nham hiểm (xuất bản vào dịp tháng Tư 2024), sau đó sẽ gửi
thêm ấn bản bằng tiếng Anh với tiêu đề Appalling Betrayal – How
Kissinger engineered the fall of South Vietnam. Ý định này là để tiếp theo
bức thư chúng tôi gửi ông vào năm 2010 như đề cập ở dưới đây.
TQ nói tới ‘tầm nhìn
chiến lược, lòng dũng cảm chính trị và trí tuệ ngoại giao của Tiến sĩ
Kissinger’ là muốn nhắc lại tầm nhìn của ông về một trật tự thế giới tam cực
(tripolarity) đưa Trung Quốc lên ngang hàng với Hoa Kỳ và Liên Xô. Thêm vào là
những đóng góp lớn lao của ông để nối lại bang giao Mỹ - Trung nửa thế kỷ trước,
rồi từ đó đã tiếp tục yểm trợ cho quốc gia này trở thành cường quốc số hai trên
thế giới.
Mở cửa Bắc Kinh, đóng cửa Sài Gòn
Nhưng để có được sự
đóng góp ấy và được TQ trả ơn phần nào qua công ty tư vấn Kissinger Associates ở
New York và qua sự tiếp đón nồng hậu dành riêng cho ông trong cả 100 chuyến đi
Bắc Kinh thì ông đã phải trả cái giá quá đắt để trao đổi, đó là “mở cửa Bắc
Kinh, đóng cửa Sài Gòn” như chúng tôi đã viết trong cuốn Tâm Tư TT Thiệu (2010).
Năm 1972, Kissinger bắt
được tay ông Mao thì năm 1973 ông buông ngay tay ông Thiệu.
Năm 1973 là năm đã
đưa danh vọng của Kissinger lên tuyệt đỉnh khi ông nhận được giải Nobel vì đã
mang lại hòa bình cho Việt Nam – và cho cả Hoa Kỳ qua Hiệp Định Paris
(27/1/1973)
rong cuốn sách Kissinger
– A Biography (2005) tác giả nổi tiếng Walter Isaacson, người được
Kissinger ưu đãi, cho phỏng vấn nhiều lần và rất lâu, nhưng cuối cùng thì đã
phê phán: “Để thi hành hiệp định này thì cần phải thực hiện một ‘sự
phản bội kinh hoàng’ đối với chế độ Miền Nam Việt Nam (To engineer the
“appalling betrayal” of South Vietnamese regime)”, rồi nhận xét: “Dù
cố ý đánh lừa một đồng minh, ông Kissinger vẫn thoát thân được mà danh tiếng
không bị tổn hại, thật là đáng ngạc nhiên” (Having intentionally
misled an ally, Mr. Kissinger escaped with his reputation remarkably
unscathed).
Sự kiện ngày 29/11/1973
Thật là một sự trùng
hợp kỳ lạ: khi ông Kissinger tạ thế ngày 29/11/2023,chúng tôi chợt nhớ tới một
sự kiện khác cũng vào ngày này cách đây đúng 50 năm.
Bối cảnh là như thế
này: sau những tranh cãi gay go Thiệu–Kissinger tại Dinh Độc Lập vào 10/1972 về
việc Kissinger đã đồng ý để cho đoàn quân hùng hậu của Bắc Việt đóng lại rải rắc
khắp lãnh thổ Miền Nam. TT Thiệu nghi là Kissinger đã khôg báo cáo đầy đủ về Hiệp
Định này với xếp của mình, nên ông muốn gặp TT Nixon để trực tiếp thuyết phục.
Nhưng Kissinger khôg đồng ý và đã can ngăn Nixon. Sau cùng thì TT Nixon đồng ý
gặp Phụ tá Ngoại giao của TT Thiệu là TS Nguyễn Phú Đức
Phụ tá ngoại giao
của TT Nguyễn Văn Thiệu, TS Nguyễn Phú Đức (trái) gặp TT Nixon (giữa) hôm
29/11/1973 tại Tòa Bạch Ốc, với sự có mặt của ông Kissinger (phải)
Ngày 29/11/1973 ông
Kissinger ngồi cạnh TT Nixon tại Tòa Bạch Ốc khi ông Đức trao cho ông Nixon một
lá thư tâm huyết của ông Thiệu. Trong bức thư dài 24 trang có câu:
“Nơi đây, tôi muốn
được nhắc lại một điều: đó là trong bốn năm qua, Ngài và tôi đã có nhiều hành động
và đưa ra nhiều đề nghị về hòa bình. Tôi đã chấp nhận bao nhiêu những nguy hiểm
vì tình trạng bất ổn. Mỗi lần làm như vậy, Ngài đều đã nói với tôi rằng đây là
dặm đường cuối cùng, ta không thể nhượng bộ hơn được nữa…
“Nhân dân Việt Nam không thể làm gì ít hơn là gửi tới Ngài một cách hết sức
chân thành và thẳng thắn quan điểm của họ về vấn đề này… Vì họ sẽ được sống hay
phải chết tùy theo giải pháp đàm phán sắp được kết thúc.”
Mục đích Phụ tá Đức gặp
TT Nixon là để trình bày quan điểm của VNCH là như vậy, mà ông Kissinger lại
nói với ông Nixon rằng: cuộc gặp này là vì lý do chính trị: ông Thiệu đang bị
chống đối ở Sàigòn nên muốn có buổi họp để chứng tỏ với dân chúng rằng ông ta
có sự ủng hộ của tổng thống Mỹ! Nhân dịp này, Kissinger còn mạ lỵ ông Thiệu và
khuyên ông Nixon phải cứng rắn đến mức ‘tàn nhẫn’ (brutal).
Trước buổi họp, Kissinger cố vấn Nixon: “Mục đích của cuộc họp quan trọng
này là để Ngài thuyết phục ông Thiệu - một người đa nghi hầu như bệnh hoạn tâm
thần - thông qua một thành viên trong nhóm người chủ chốt gần gũi ông ta để
tiếp tay với chúng ta trong tuần lễ này về hiệp định Paris (The purpose of
this crucial meeting is to convince an almost psychopathically distrustful
Thieu, through a key member of his Palace inner circle, to close ranks with us
this week on the Paris agreement). Tất cả phía VNCH đã đồng ý chỉ
trừ Thiệu...
Cuối cùng thì những
nỗ lực lớn lao của chúng ta trong những tuần lễ gần đây đã có một số tác động tốt:
đối với phái đoàn của VNCH tại Paris - là những người dường như nắm bắt được thực
tế, và đối với những nhân vật quan trọng khác, chẳng hạn như Thủ tướng Chính phủ
và Tổng Tham Mưu Trưởng, những người này đã sẵn sàng chấp nhận hiệp định. Nhưng
nhân vật chính yếu là ông Thiệu thì lại nhất định không nhân nhượng (Our
massive efforts in recent weeks have finally had some impact: on the GVN envoys
in Paris who seemed to grasp realities, and on other important figures, such as
the Prime Minister and Chairman of the Joint Staff, who are ready to accept the
agreement. But Thieu, of course, is the key, and he remains intransigent).”
Rồi Kissinger đề nghị
với Nixon: “Thiệu là một quan lại sắc sảo hoang tưởng (a shrewd
paranoic mandarin). Vì vậy, Ngài phải kết hợp sự tàn bạo với sự trấn an
khi tiếp một trong số ít người canh gác Dinh Độc Lập (ý nói Phụ Tá Đức) mà ông
Thiệu nghe lời” (Thus you will have to combine brutality with
reassurance in your approach to one of the few Palace guards to whom Thieu
listens). Chữ nghiêng và tô đậm trong ngoặc là do chính Kissinger viết.
Tàn bạo như thế nào?
Kissinger nói “Ngài
phải thuyết phục Đức một cách tàn nhẫn rằng (1) chính phủ Việt Nam nội trong tuần
này phải quyết định chấp nhận hiệp định, và (2) lịch trình không thể thay đổi
được nữa là sẽ ký kết trong ba tuần kể từ bây giờ.” (You must ruthlessly
convince Duc that the GVN must decide this week to accept (1) the agreement and
(2) the unalterable schedule leading to a signature three weeks from now).
"Hiệp Định Paris
chỉ là một mảnh giấy"
Nhưng dù Kissinger đề
nghị tàn bạo, nhưng lần này TT Nixon lại không nghe theo, và sau đó đã gọi cho
Kissinger và nói: “Tôi đã đọc những điểm do ông kiến nghị rồi nhưng tôi đã
gác nó lại” (I read your talking points and I deferred on them…’ - Sự
kiện này được ghi ở ‘footnote 1’ trong văn bản).
Bây giờ thì lịch sử
đã có bằng chứng ghi lại cuộc họp này trong cuốn băng số 816 như sau: TAPE 816
– Conversation 3 – Ngày 29/11/1972 (còn lưu trữ tại Thư viện Nixon ở Yorba
Linda).
Trở về Sàigòn ông Đức
báo cáo với TT Thiệu: “TT Nixon nói với tôi: “Hiệp Định này chỉ là một
mảnh giấy. Điều quan trọng là chúng tôi quyết tâm yểm trợ các ông (The
agreement is just a piece of paper. What counts is our determination to support
you)."
Nhưng lịch sử đã xảy
ra khác hẳn. Hai năm sau Hiệp Định Paris, VNCH đã đi vào dĩ vãng, nhưng tiếng
tăm ông Kissinger vẫn tiếp tục nổi lên như sóng cồn.
Ngay từ Hè 1972 ông
đã cố vấn TT Nixon rằng “Nếu trong vòng một hay hai năm kể từ bây giờ
mà Bắc Việt nuốt trọn Miền Nam VN, chúng ta vẫn có được một chính sách ngoại
giao khả tín nếu như điều đó được mọi người nhìn thấy như là hậu quả của
sự bất tài của Miền Nam.” (If a year or two years from now North Vietnam
gobbles up South Vietnam, we can have a viable foreign policy if it looks as if
it’s the result of South Vietnamese incompetence).
Nhiều báo chí Mỹ đã
muốn phỏng vấn cựu Tổng thống Thiệu về Cố vấn Kissinger nhưng ông đã từ chối và
chọn tờ Der Spiegel, một tuần báo lớn ở bên Đức (quê hương ông Kissinger) để
cho phỏng vấn vì nghĩ rằng ông ta sẽ đọc.
Lá thư Kissinger phân trần
Mà thật vậy, ngay sau
khi bài phỏng vấn được đăng tải dưới tựa đề “Người Mỹ đã phản bội
chúng tôi” (Die Americaner habens uns verraten), Kissinger đã viết một
lá thư cho ông Thiệu để phân trần.
Thư không đề ngày,
tháng, nhưng ông Thiệu nhận được vào đầu năm 1980. Khi viết thư này thì
Kisssinger không biết rằng các tài liệu hai năm rõ mười về sự gian dối của
ông với lịch sử sẽ được giải mật năm 1986 và 2006. Thư rằng:
Henry Kissinger
Thưa Tổng Thống,
“Tôi vừa mới được
đọc bài phỏng vấn Ngài dành cho tờ Der -- SPIEGEL. Tôi có thể hiểu được sự đắng
cay của Ngài, và quả thực còn thông cảm được với sự cay đắng ấy. Nhưng tôi nhận
thấy bài phỏng vấn của Der -- Spiegel đã cố tình tạo ra ấn tượng rằng cuốn sách
của tôi là một cuộc tấn công chống Ngài; điều đó trái ngược hẳn với sự thật. Cuốn
sách của tôi không ngớt lời ca tụng lòng can đảm và tư cách của Ngài, và công
nhận rằng, trong chủ yếu, Ngài đã đúng…
‘Giả như năm 1972,
chúng tôi đã biết được những gì sẽ xảy ra cho Hoa Kỳ thì chúng tôi đã không tiến
hành như chúng tôi đã làm…
“Tôi đồng ý với
Ngài rằng những điều khoản của hiệp định ngưng chiến đã quá khắt khe. Cái thế
tiến thoái lưỡng nan bi thảm của chúng tôi hồi 1972 là đã tới sát giới hạn những
khả năng quốc nội của chúng tôi...
“Nếu như ý định của
Tổng thống Nixon và của tôi là phản bội Ngài, thì chúng tôi đã có thể làm như
thế hồi đầu 1969 rồi...
“Tôi không trông đợi
sự thuyết phục được Ngài. Ít nhất, tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng
hối hận, và sự kính trọng vẫn còn của tôi.
“Với những lời
nguyện chúc tốt đẹp nhất,
(kt) Henry
Kissinger
Kissinger viết rằng: “Tờ Der Spiegel đã cố tình tạo ra ấn tượng rằng cuốn sách
của tôi là một cuộc tấn công chống Ngài, nhưng sự thật là ngược lại.”
Sự thật không ngược lại
vì tờ báo này chỉ đăng nguyên văn bài phỏng vấn mà bản dịch ra tiếng Anh đã được
TT Thiệu duyệt lại rất kỹ và ký vào từng trang. Ông đã trao lại cho chúng tôi
và được in lại toàn bộ trong cuốn Tâm Tư Tổng Thống Thiệu (trang 646-667).
Mời Kissinger tranh luận về Việt Nam
Trong một văn thư
(cũng không đề ngày tháng) gửi cho tờ báo của hội ‘The Fall of Sàigòn
Marines Association’ (Hội TQLC Dính Líu Đến Sàigòn Sụp Đổ) với tựa đề “Doctor
Henry Kisinger’s activities and thoughts about the Fall of Saigon”,
Kissinger phản hồi:
“Để ta có được sự
bình yên trong lòng, một ngày nào đó chúng ta phải thực hiện một đánh giá về lý
do tại sao những người có thiện tâm ở mọi phía đã không có thể tìm cách nào để
tránh được thảm họa của Miền Nam Việt Nam… Nhưng, vào ngày chiếc trực thăng cuối
cùng rời Tòa Đại sứ, ta chỉ còn lại một cảm giác trống rỗng.”
Nhân dịp kỷ niệm 35
năm sau khi Sài Gòn sụp đổ chúng tôi có viết một lá thư (4/10/2010) gửi qua dạng
‘thư đăng ký’ - registered mail gửi cho ông qua Kissinger And Associates để mời
ông trao đổi với chúng tôi trên một diễn đàn công cộng như ở Đại học Harvard
hay trên CNN hay PBS, tùy ý ông lựa chọn để rút ra những bài học cho Hoa Kỳ.
Nhưng Kissinger đã
không trả lời. Có thể là vì trong cuốn The Palace File (Hồ sơ mật Dinh Độc
Lập) đã được xuất bản năm 1986, chúng tôi đã in lại một phần lớn của hồ sơ
tối mật Nixon-Thiệu mà Kissinger đã giấu đi từ lâu, rồi tiếp theo là những tài
liệu về sự gian dối của Kissinger đã được giải mật từ năm 2006 cho nên
Kissinger đã lựa chọn ‘sự im lặng là vàng.’
Dù không trả lời
nhưng mấy tháng sau đó, trong một hội thảo tại Bộ Ngoại Giao (ngày 29/10/2010),
ông đã ‘phần nào’ thú nhận trách nhiệm của mình: “Hầu hết những sai lầm
ở Việt Nam là do chính chúng ta gây ra cho mình” (most of what went wrong in
Vietnam we did to ourselves). Vẫn với một luận điệu mập mờ, chung
chung, có thể hiểu nhiều cách, có thễ diễn giải nhiều lối...Thư rằng:
Xây tượng đài
vinh danh Kissinger ở Bến Bạch Đằng?
Đọc xong bức thư TS
Kissinger gửi TT Thiệu, chúng tôi đề nghị với ông là sẽ soạn thảo một văn thư để
trả lời, nhưng ông đã lắc đầu và nói: “Khỏi cần mất thời giờ với tay
này nữa.”
Có thể là ông nhớ lại
mình đã mất thời giờ để nghĩ đến một kịch bản khác – kịch bản xây tượng đài
Henry Kissinger ở cảng Sàigòn.
Mùa Đông năm 1976 tại
Luân Đôn, cựu TT Thiệu kể lại cho chúng tôi rằng khi Kissinger mới nhập cuộc
thì ông ta đã tỏ ra cương quyết để giúp Miền Nam Việt Nam, phản ảnh qua lập trường
đàm phán của cả hai bên Mỹ - Việt, được TT Nixon tuyên bố ngày 14/5/1969: "Chúng
tôi đã gạt bỏ ra ngoài hoặc là việc rút lui khỏi Việt Nam một cách đơn phương,
hoặc việc chấp nhận tại hoà đàm Paris bất cứ một giải pháp nào có tính cách như
một thất bại ngụy trang."
Nghe vậy, ông Thiệu đã
phấn khởi và có ý định rằng nếu Kissinger thực sự hành động trên căn bản này
thì ông sẽ cho xây cất một tượng đài để vinh danh Henry Kissinger ở Bến Bạch Đằng,
giống như Phi Luật Tân đã xây một tượng đài ở đảo Leyte, ghi ơn Tướng Douglas
MacArthur đã giải phóng Phi Luật Tân trong Thế Chiến II sau trận hải chiến lớn
nhất lịch sử ngày 20/10/1944.
Bây giờ thì ông
Kissinger đã ra đi về nơi chín suối, phải để công việc xây tượng đài ghi nhớ
công ơn của ông cho lãnh đạo Trung Quốc thực hiện, vì ông đã giúp nước này
thoát đại họa suýt bị Liên Xô tấn công nguyên tử vào năm 1969. Rồi trên bốn thập
niên qua đã từ một nước nghèo đói vào hàng nhất thế giới, phát triển thành nền
kinh tế đứng số hai từ năm 2010.
Với sức mạnh quân sự
hùng hậu, Trung Quốc đã trở nên cường quốc số một tại Á Châu và đang ngang
nhiên thách thức, đe dọa Hoa Kỳ, với mục tiêu trở thành cường quốc số 1 trên
thế giới thay cho Mỹ vào năm 2049, năm kỷ niệm 100 năm Hồng Quân tiến vào Bắc
Kinh.
Hay là quả khinh khí
cầu tầm cao từ Trung Quốc bay xuyên qua không phận nước Mỹ từ ngày 28/1 đến
ngày 4/2/ 2023 là để tìm hiểu cặn kẽ về địa thế để chuẩn bị cho năm 2049?
Bài viết thể hiện
quan điểm riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch
VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy
(2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016)
***