HỒI KÝ CỦA NGƯỜI VỀ TỪ
HOA LỤC ĐỎ.
- Một bất hạnh chợt đến
với gia đình tôi trong những ngày đầu năm của mùa Xuân Giáp Dần. Tôi cũng như một
số chiến hữu khác được ghi nhận là mất tích trong trận hải chiến với Hải Quân
Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974.
Sau hai mươi bảy
ngày, được gọi là tù binh nơi ngục tù cộng sản trên Hoa lục đỏ, tôi được trở về
với quê hương, được tiếp tục phục vụ cạnh đồng đội trên Khu trục Hạm Trần Khánh
Dư HQ4.
Giờ đây, những gian
truân đã qua rồi. Là một kẻ bị bắt làm tù binh, tôi mặc cảm vì sự yếu đuối của
bản thân, đã không làm tròn phận sự mà Tổ quốc giao phó. Quần đảo Hoàng Sa đã lọt
vào tay Trung Cộng, chúng tôi toàn thể mười bốn thủy thủ thuộc Khu trục Hạm Trần
Khánh Dư HQ4, trú đóng đảo Cam Tuyền (Robert) trong những giờ phút cuối cùng với
hỏa lực khủng khiếp từ hạm đội địch cũng như lực lượng hùng hậu của địch đổ bộ,
chúng tôi không còn cách nào để giữ tròn nhiệm vụ của chiến sĩ trấn thủ hải
biên, để cuối cùng bị bắt sống. Nhưng Tổ quốc mến yêu đã không bao giờ quên
chúng tôi.
Trong thời gian bị bắt
và bị giam cầm tại trại Thu Dung tù binh thuộc tỉnh Quảng Châu, nhưng phản ứng
mãnh liệt của mười chín triệu nhân dân miền Nam Việt Nam đã làm cho bọn Trung Cộng
phải nới tay với chúng tôi trong cái lý luận “cải tạo tư tưởng bằng hình thức
lao động”. Và sau hai mươi bảy ngày, không thể giữ mãi cái trắng trợn của kẻ cướp
đất, cướp người, bọn Trung Cộng xâm lược đã phải nhượng bộ cái hào khí bùng
cháy của một dân tộc có bốn ngàn năm lịch sử kiêu hùng, bằng cách trao trả toàn
thể bốn mươi tám tù binh Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 17 tháng 02 năm 1974.
Bước xuống phi trường,
tôi nôn nao trong một nỗi niềm khó tả trước sự tiếp đón nồng hậu của đại diện
các cơ quan chính quyền, quân đội cũng như hàng ngàn học sinh, đồng bào đã chẳng
quản ngại nắng nôi, mệt nhọc, đến chào mừng chúng tôi được trở về với Tổ quốc,
với mái ấm gia đình. Tôi tự xét bản thân mình, chẳng làm được việc gì cho đất
nước mà vẫn được tổ quốc và nhân dân đãi ngộ, ít nhất cũng một lần vinh quang
trong đời. Tổ quốc ơi, mười chín triệu đồng bào miền Nam ơi, tôi xin cúi đầu nhận
lãnh những ân huệ đại lượng này và chẳng biết nói gì hơn là xin cho tôi được một
lần viết lên sự thật bằng chính những điều mắt thấy tai nghe, của cái mà Cộng Sản
Bắc Việt cùng Mặt Trận giải phóng Miền Nam tôn thờ như quan thầy của mình.
Vâng, tôi xin nhân
danh là một bằng chứng cụ thể với sự phán đoán khách quan trung thực nhất thế
nào là thiên đường Cộng Sản ở Hoa Lục. Với danh dự mà nói rằng hồi ký này không
ẩn chứa một phần chính trị nào, mà chỉ là những sự thật, tôi không sợ lầm lạc
là chỉ phán đoán một chiều hay theo một khía cạnh tuyên truyền giữa hai ý thức
hệ. Tôi đã đến đó, đến với đầy đủ ngũ quan và một khối óc. Một cán bộ Trung
Ương Đảng Bắc Kinh, mà tôi mến phục qua cái dáng dấp, nhân cách trí thức, điềm
đạm và tế nhị, đã nói với tôi:
“Ngày nào ông có trở
về nước, nếu có trình bày điều gì, tôi khuyên ông đừng nên trình bày trung thực
quá, nếu không, tôi e ông sẽ ân hận thì đã muộn …” Vâng, cảm ơn “đồng chí”.
Cũng cảm ơn cho những ngày làm tù binh của tôi. Nếu có mệnh hệ nào thì cũng đủ
cho tôi an lòng nhắm mắt, như ông Saint Thomas đã được nhìn thấy năm dấu thánh
của Chúa. Tôi không ân hận dầu cho dù cách mạng vô sản có nhuộm đỏ cả quê hương
tôi, tôi vẫn là kẻ ly khai khỏi tập đoàn đảng trị độc đoán sai lầm. Bây giờ tôi
viết là phó thác cả tâm hồn lẫn thể xác theo giòng chữ vì không nói lên được những
ẩm ức từ trong đáy thẳm tâm hồn thì rồi những tháng ngày câm lặng này cũng sẽ
giết lần đời tôi trong ray rứt ưu phiền …
… Những ngày cuối
cùng của năm “con trâu” mệt mỏi đang chậm chạp trôi qua, thì một biến cố bất chợt
mang đến cho trang sử Hải Quân Việt Nam cận đại một nét chấm phá dị thường, với
một khó khăn khôn lường trước một đối thủ siêu cường, bọn Tàu đỏ xâm lược. Để
tiếp nối chí khí hào hùng của một dân tộc với một quá trình chiến đấu bền bỉ,
kiên cường. Vị nguyên thủ quốc gia chỉ thị cho Hải Quân Việt Nam gửi hạm đội với
bốn chiến hạm mang theo ý nguyện của mười chín triệu con tim rực máu căm hờn,
cương quyết tuyên chiến với bọn Tàu đỏ xâm lược để bảo vệ chủ quyền quốc gia
trên những mảnh đất xa lắc ngút ngàn thiêng liêng của dân tộc …
Các chiến hạm uy dũng
vượt hải trình tiến về Hoàng Sa trong hào khí bừng bừng.
Khi đến gần Hoàng Sa,
thấy có hai chiến hạm Hải quân Trung Cộng đang thả trôi án ngữ phía đông nam đảo
Cam Tuyền (Robert). Hạm trưởng chiến hạm chúng tôi (HQ4), chỉ thị cho mười bốn
nhân viên thuộc thủy thủ đoàn tình nguyện đổ bộ lên đảo treo quốc kỳ cùng ngăn
chặn lực lượng hải quân Trung Cộng trá hình ngư phủ xâm nhập đảo.
Khoảng mười giờ ngày
18-1-1974, toán đổ bộ gồm Tr/uý Dũng, ĐT Quý, TP Hội, TP Cung, TP Chương, PT Bắc,
QK Nghiêm, BT Thắng, KT Hưng, CK Chí, CK Huy, PT Hùng, VC Thanh, và GL Lâm thi
hành lệnh đáp xuống đổ bộ đảo. Vừa đặt chân lên đảo, chúng tôi lục soát chung
quanh hạ cờ Trung-Cộng và dựng quốc kỳ, rồi tìm các địa thể thích hợp để phòng
thủ, thu mình trong những lùm cây chờ đợi diễn biến bất chợt xảy đến …
Qua các tín hiệu trao
đổi trên làn sóng vô tuyến, cho thấy có nhiều gay go, nội dung đại khái bên nào
cũng nhận chủ quyền đảo và đuổi đối phương ra khỏi hải phận mình … rồi một sự
yên lặng nặng nề căng thẳng, hình như hai bên đang rơi vào thế thủ chờ đợi.
Một đêm yên tĩnh đi
qua, sáng sớm ngày 19 tháng 01 năm 74, chúng tôi thức tỉnh bởi hằng loạt biến cố
dồn dập. Tình hình trở nên nghiêm trọng, đưa đến cuộc hải chiến thực sự vào lúc
mười giờ hai mươi lăm phút sáng hôm đó. Tất cả chúng tôi xách súng chạy ra bãi
biển trong lúc đạn hải pháo vang rền. Trước mặt chúng tôi, nhiều chiến hạm đang
rực lên những lóe lửa hực sáng từ những họng trọng pháo đang nhả đạn làm khuấy
động cả vùng biển êm lặng. Bởi quá xa, khói súng mù mịt, không phân biệt được
chiến hạm nào của ta, chiến hạm nào của địch … Cuộc hải chiến kéo dài chừng ba
mươi phút, có tàu chìm, có chiếc cháy, chiếc nghiêng, của cả đôi bên dần dần
khuất xa tầm mắt chúng tôi.
Nhìn về vùng biển xa
mù mà lòng nghe nặng trĩu, tôi không hiểu số phận của các chiến hạm và thủy thủ
đoàn ra sao. Riêng bản thân thì không một hối tiếc ân hận nào. Dù có ta thán
cũng bằng thừa trước những bất ngờ đương nhiên của chiến tranh. Để tự an ủi
chúng tôi ngồi bàn bạc về trận hải chiến và hy vọng HQ11 sẽ đến tiếp viện.
Đêm đó, tôi suy nghĩ
thật nhiều, nhìn những khuôn mặt đăm chiêu, buồn bã của đồng đội, tôi nghe những
nao nao bứt rứt … Dù thế nào chăng nữa, con người cũng có những yếu đuối của bản
thân, tôi liên tưởng đến sự hy sinh nhưng những bâng khuâng lo ngại vẫn nhen
nhúm bùng lên trong giờ phút lặng lẽ ghê rợn của sự chờ đợi giữa bóng tối dày đặc
của vùng biển đen … Tôi mệt mỏi với niềm suy tư chín mùi để rồi thiếp dần trong
giấc ngủ ưu phiền …
Sáng sớm ngày 20
tháng 01 năm 1974, xuất hiện mười bốn chiến hạm Hải quân Trung Cộng, trực chỉ đảo
Cam Tuyền, Hoàng Sa (do lực lượng địa phương quân và nhân viên dân chính đài
khí tượng trú đóng). Việc gì đến ắt phải đến, sau nhiều loạt hải pháo,lực lượng
hùng hậu của Trung Cộng đổ bộ tràn ngập bốn bề đảo. Cuối cùng, nhóm tử thủ
chúng tôi đành cúi đầu chấp nhận những bất hạnh đã an bài.
Thế là hết, tôi không
ngờ lần đầu và cũng là lần cuối cùng đặt chân trên mảnh đất nhỏ bé tít mù của
dân tộc. Tôi tuyệt vọng ngước nhìn về vùng biển xa mù và xót xa trước những đôi
mắt u buồn đang lặng lẽ cúi xuống của đồng đội. Vâng, hãy cúi xuống, hãy cúi xuống
thật gần để nhìn lần cuối cùng cái thân phận của một quốc gia nhược tiểu, sẽ
còn điêu linh biết đến bao giờ?
Những khuôn mặt dữ dằn,
với súng trên tay, chĩa về chúng tôi. Thời gian vô vọng này kéo dài đến đúng
cái nắng gay gắt của buổi quá ngọ, thì bọn chúng đổi thái độ, họ vui vẻ mời
chúng tôi hút thuốc, uống nước … Tôi nghe họ qua sự thông dịch mơ hồ của CK Chi
và PT Hưng (là hai người Việt gốc Hoa), họ thuyết trình về “Chính sách khoan hồng
tù binh”, tất cả chúng tôi thinh lặng, dường như trong thâm tâm ai cũng tự vẽ ra
một bối cảnh tối đen hơn là nghe một điều gì … Sau đó, họ dẫn chúng tôi ra bãi
biển và trói lại.
Sáng hôm sau, đưa lên
tàu chở về đảo Hải Nam. Khoảng mười hai giờ trưa tàu cặp bến, được chuyển sang
một chiến hạm lớn hơn, nơi đây chúng tôi bắt gặp thêm ba mươi bốn người nữa bị
bắt lên đảo Hoàng Sa. Chúng tôi nhìn nhau thông cảm, và sau hai đêm một ngày,
tàu cập cảng Quảng Châu. Chúng tôi được tiếp nhận bằng hàng ngàn con mắt của
dân quân thị hiếu đứng đầy hải cảng. Tôi đoán thầm, không lẽ họ tử hình chúng tôi
tại đây để trả thù cho đồng chí của họ đã bỏ mình trong trận hải chiến vừa qua.
Nhưng vừa lúc đó, có ba chiếc Molotova chạy tới và theo sự hướng dẫn của tên
cán bộ thông dịch, chúng tôi được đưa qua thành phố Quảng Châu để đến trại Thu
Dung tù binh. Lên xe, tôi chiếm vị trí thích hợp nhất để quan sát hai bên đường.
Khí tiết ở đây thật là lạnh, tôi đã mặc chiếc áo ấm bên trong, khoác thêm chiếc
ba-đờ-xuy bên ngoài mà vẫn còn thấy lạnh khủng khiếp. Tôi chợt nhớ hôm nay là
ngày mùng Một Tết, thì ra, ngẫu nhiên, mình hưởng những ngày Tết tha hương bất
đắc dĩ với thân phận làm tù binh. Tôi ngạc nhiên khi thấy phố xá hai bên đường
không có màu sắc nào của Xuân và Tết, tôi khẽ hỏi tên cán bộ thông dịch:
“Thưa ông, hôm nay là
Tết, sao vắng vẻ và sơ sài thế này hả ông?”.
Tên cán bộ trả lời:
“Tại Trung Cộng vĩ đại của chúng tôi, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mao Chủ Tịch,
Tết bây giờ đã đổi khác rồi chứ không còn lạc hậu như thời tiền cách mạng nữa.”
Tôi nghe đến tiếng “lạc
hậu” thì kín đáo nhìn sang hai bên. ừ, lạc hậu, nếu cái lý luận hoa mỹ của “đêm
ba mươi vác cuốc ra đồng, sáng mùng một trồng cây mừng tuổi đảng”, thì những y
phục lòe loẹt, sặc sỡ, những cuộc du xuân ngày nào chỉ còn là trong mơ. Tôi ngậm
ngùi thương cảm cho những con người bị rơi vào cái thế chỉ biết đầu tắt mặt tối,
tăng gia sức lao động để phục vụ cho một lý tưởng mơ hồ. Tôi hỏi người thông dịch:
“Tết mà người ta vẫn đi làm sao ông?” Anh cán bộ đang ưu tư, có vẻ lười trả lời,
nhưng cũng cố gắng: “Đó là những anh hùng lao động, biết phấn đấu gian khổ cho
đại thế giới cách mạng vô sản, các anh chỉ biết hưởng thụ nên không thấy cái
cao cả trong chính sách của đảng, của nhà nước chúng tôi, từ thực tiễn đến nhận
định là thế, tức là những anh hùng công nông của Trung Quốc, trước kia cũng ích
kỷ nhỏ hẹp như các anh, nghĩa là đặt quyền lợi cá nhân trên cái sống tập đoàn
thương yêu. Nhưng nhờ lao động, họ đã ý thức được công trình vĩ đại cao cả của
Đảng và nhà nước Trung Hoa“.
Tôi lạnh mình ý nhị
liếc sang người bạn thầm nói: “Gớm! Tên này ý hẳn cũng vài mươi tuổi đảng chứ
chẳng vừa với những mỹ từ giả dối mà có khả năng lấp khóe mắt dò xét của con
người, đâu phải là thứ thường”. Tôi buồn cười bởi cái phô trương của anh cán bộ.
Anh ta nói mà trong ánh mắt dường như ẩn hiện một nỗi lòng khó tả được tiềm ẩn
như trong cái thế nén của chiếc lò so bất lực.Có lẽ anh ta mơ tưởng đến những
thú vui của thời thơ ấu. Đầu năm vẫn là những ngày thiêng liêng nhất của người
thuần tuý Á Đông. Con người vẫn là con người, chứ không phải là hệ thống máy
móc để có thể dễ dàng giết chết cái tập tục truyền thống của dân tộc có từ muôn
đời xa xưa được.
Đoàn xe vẫn tiếp tục
lăn bánh, hai bên đường không một mảnh đất hoang, dù là khô cằn sỏi đá, đều được
cày xới trồng trọt. Tôi rùng mình nghĩ đến phần đất màu mỡ của quê hương miền
Nam Việt Nam, là vựa thóc của Đông Dương, nên hẳn nhiên là miếng mồi quá thơm
ngon đối với Trung Hoa lục địa vĩ đại đầy nhân khẩu mà nạn nhân mãn là mối đe dọa
trầm trọng.
Mãi miên man suy
nghĩ, xe chạy vào trung tâm thành phố mà tôi không hay. Khu nội thành cũng vậy,
có nghĩa là những hình thức phấn đấu gian khổ đã đồng lõa với sự áp bức, để cho
người dân lầm than khổ đau của Trung Hoa ngày nay, phải câm lặng khứng chịu tất
cả những tàn phá do chính sách đảng trị nhiễu nhương tác quái… Tôi nhìn đoàn
người trên phố, họ đi từng toán trên đường, với y phục giản đị, đồng nhất được
khoác lên những tấm thân còm cõi vốn có của người Quảng Đông. Họ trầm lặng quá,
đúng như người ta bảo “người Cộng sản thầm lặng như chiếc bóng”, thỉnh thoảng
có vài thiếu niên đốt lên vài cây pháo, và đó chính là dấu hiệu duy nhất đón Tết
qua đôi mắt trung thực của tôi.
Tôi viết những sự thật
này, cũng như có lần tôi đã viết bài “Mùa Xuân của Quảng Châu”, khi còn bị giam
ở bên Trung Quốc, nội dung cũng như thế này. Và được các “đồng chí” bên đó nói
rằng: “Anh có nhận xét thiếu tinh tế và tư tưởng xuyên tạc, nên cảm nghĩ của
anh về mùa Xuân Quảng Châu còn đầy tính chất châm biếm, thiếu sự giáo huấn
chính trị … “Vâng, tôi không thích chính trị, tôi chỉ thích những nguồn sống thực,
những ngôn từ tôi nói phải phát xuất từ đáy lòng, chứ không phải từ những chiêu
bài chính trị.
Đoàn xe vẫn từ từ lăn
bánh, dường như họ muốn chúng tôi quan sát cái trung tâm của một thành phố được
gọi là lớn vào hàng thứ năm của Trung Cộng. Tôi mỉm cười nhìn những khu chung
cư cao ngất “nếu không ở trên đám mây xanh ấy, thì họ sẽ phải ở đâu!” Với tôi,
đừng phô diễn cái trò tuyên truyền trẻ con này, vì phải chăng đây chính là “nguồn
gốc phát sinh ra chính sách xâm lược để tự tồn”.
Những con đường phố ở
đây hẹp và dây điện rối mù như mạng nhện, phương tiện giao thông chính yếu là
xe buýt điện và xe đạp, tuyệt đối không có một chiếc xe gắn máy nào.
Người bạn bên cạnh hỏi
anh cán bộ thông dịch:
“Ông ơi, ở bên này
không có xe Honda, Yamaha, hay sao?”
Anh cán bộ ngẩn người:
“Honda là gì?”
Tôi giải thích: “Đó
là một loại xe chạy bằng động cơ, giống như chiếc xe bình bịch ấy.”
Anh cán bộ nhún vai:
“ừ, thế thì bên này chúng tôi không thèm cái loại xe vô dụng đó, vì nó có tính
cách tư bản lãng phí quá, cũng như nó không sản xuất mà lại còn làm hao hụt
nhiên liệu của nhà nước nữa…” và cũng để tỏ ra mình cũng thông thạo về vấn đề
quốc tế, “đồng chí” theo thao bất tuyệt về tình hình căng thẳng ở Trung Đông và
sự tranh chấp giành quyền lợi giữa Nga và Mỹ… Tôi không cần nghe anh ta nói gì
cả, bởi những lời bào chữa để thỏa mãn tự ái cá nhân đều vô dụng. Tôi cũng
không nêu lên cái tính chất quê mùa của cuộc đối thoại, mà chỉ cần biết rằng
anh ta đã bày tỏ trung thực cái hệ thống kiểm thảo nghiêm ngặt của đảng và nhà
nước, để đến nỗi một cán bộ như anh ta mà còn không biết được cái xe thông dụng
ấy, thì huống hồ chi người dân chân lấm tay bùn, sinh ra trong lao động và chết
trong lao động sẽ còn nhận thức được gì ánh sáng văn minh của nhân loại, đối với
họ chỉ được dạy dỗ rằng: “Chỉ có Mao-Trạch-Đông là hoàn mỹ …”
Đoàn xe ra khỏi thành
phố, tôi thấy một quân trường ló dạng qua khung cửa kính và đoàn xe từ từ rẽ
vào, hai cánh cổng mở rộng, những tân binh đứng đầy hai bên chiếu cố nhìn chúng
tôi tận tình.
“Không, bởi chúng tôi
xuống đảo nên ăn bận lôi thôi thế này, chứ không phải quân đội chúng tôi có cái
ăn bận như cái bàn tán xì xào của các người đâu, còn các anh em Địa-phương-quân,
sở dĩ tóc họ quá dài là vì ba tháng liền ở đảo không có thợ hớt tóc, chứ quân đội
chúng tôi không đồng hóa với Hippy đâu.” Tôi bực bội nghĩ thế khi thấy ánh mắt
diễu cợt của đám tân binh. Chúng tôi xuống xe và tập họp trước cái sân rộng lớn,
nơi đây có hơn hai mươi cán bộ đứng đợi sẵn, họ mặc quân phục gồm có hải quân
và bộ binh, tôi đoán có lẽ đây là nhóm khai thác tù binh. Chúng tôi được chia
làm bốn tổ, tổ một và tổ ba là Địa-phương-quân, tổ bốn là sĩ quan, và tổ hai là
hải quân. Sau đó, họ hướng dẫn chúng tôi đến một dãy nhà dành sẵn, chỉ định những
khu vực của tổ và phát những vật dụng cần thiết.
Sau mấy thủ tục tạp
nhạp, chúng tôi được dẫn đến một phòng họp, và tại nơi đây một đề tài được giáo
huấn cấp thời: “Chủ quyền lãnh thổ của Trung Cọng trên hai quần đảo Trường Sa
và Hoàng Sa”, nội dung nói về những di tích lịch sử của người Trung Quốc để lại
đảo, và họ nói nhiều về những vua chúa đã đem quân chiếm đảo … cuối cùng, họ
xác nhận chủ quyền bằng lập luận: “Trung Quốc muốn thì làm chứ không cần ảnh hưởng
gì của quốc tế, quốc tế chỉ là con số không nếu đi ngược lại quyền lợi của đảng
và nhà nước Trung Hoa”.
Trước khi rời phòng,
họ chận đầu chúng tôi: “Các anh nghe theo lời đường ngọt của ngụy quyền Sài Gòn
nên cứ tưởng Hoàng Sa là quê hương mình, điều đó thật là lầm lẫn, lầm lẫn về sự
thực đã đành mà còn hy sinh một cách vô lý nữa!”
Còn tiếp....
Nguồn: TONT NGUYEN
<ntony6628@gmail.com>