MƯU SINH TRONG TRẠI TÙ
-Đỗ Văn Phúc
Khó mà nói cho thật hết
hay thật rõ ràng để cho mọi người thấy được những đày ải, khổ nhục mà những người
tù nhân phải chịu đựng nhiều năm trong các trại tù cải tạo sau khi miền Nam bị
Bắc Việt chiếm đoạt. Những người bị giam giữ này lại không phải là thành phần
hình sự, can án cướp của giết người; mà là hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức
từng phục vụ trong chính quyền Cộng hoà Việt Nam đối kháng với Cộng Sản miền Bắc.
Họ được Cộng Sản gọi bằng mỹ danh là các trại viên học tập cải tạo, nhưng thực
ra là các tù khổ sai vô hạn định mà chủ trương cải tạo chỉ là một sự trả thù dã
man của những người thắng thế đối với kẻ bại trận.
Ai đã đọc qua cuốn
sách Quần Ðảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago) của Alexander Solzhenitsyn hay đã
xem cuốn phim Papillon do tài tử lừng danh Steve McQueen đóng thì chỉ mới hình
dung được một phần những điều mà những người tù tại Việt Nam sau 1975 phải chịu
đưng. Tuy rằng hàng trăm trại cải tạo dựng nên từ Bắc vào Nam vào cuối thế kỷ
20, nhưng tất cả đều mang bản chất man rợ của thời Trung cổ và những sự tra tấn,
khủng bố tinh vi hơn của Gestapo thời Ðức Quốc Xã.
Ngoài con số ngàn đã
chết trong tù vì bệnh hoạn không thuốc men chữa chạy, vì kiệt sức do lao động
khổ sai mà không có bồi dưỡng, vì bị tra tấn hành hạ, biệt giam; những người tù
còn lại đã sống sót do nuôi dưỡng một tinh thần lạc quan, hy vọng và biết cách
đối phó trong từng trường hợp khó khăn.
Chúng tôi là 5 anh em
sĩ quan từng sinh hoạt trong các đoàn hướng đạo Huế cùng chung một phân trại E,
trại A-20 Xuân Phước. Ðó là Võ Trịnh Xuân, Cái Trọng Ty, Võ Xuân Hy, Trần Văn
Chung và tôi. Không nhớ trong trường hợp nào, và lúc nào anh em chúng tôi đã nhận
ra nhau. Có lẽ do cái phong thái rất Hướng đạo của nhau chăng? Chúng tôi chưa hề
quen nhau ngoài đời cũ. Nhưng một khi đã đưa những bàn tay trái nắm chặt lấy
nhau, chúng tôi liền trở thành thân tín và sẵn sàng thổ lộ cho nhau những suy
tư mà không hề e dè lo lắng như khi nói chuyện với các anh em khác. Trong những
thời điểm khủng bố căng thẳng nhất, chúng tôi chưa thấy anh em hướng đạo nào
làm điều sai quấy vừa về đạo lý, vừa về lý tưởng chính trị. Chưa thấy anh em
nào bán rẻ tư cách vì miếng ăn trong khi cơn đói, thèm vật vã. Chưa thấy anh em
nào chịu quỵ lụy để được hưởng đặc ân từ cán bộ nhà giam. Chúng tôi đã thực hiện
trọn vẹn ba lời hứa và 10 điều luật Hướng đạo. Và chính nhờ sự giáo dục tinh thần
và kỹ năng của Hướng đạo, mà chúng tôi đã vượt thắng những trở ngại thách thức
mà đủ đánh gục những con người trung bình.
Các em tráng sinh và
thiếu sinh tại Hoa Kỳ chắc không có dịp nào va chạm những khó khăn quá mức để cần
học hỏi kinh nghiệm của chúng tôi ở trong tù. Nhưng tưởng cũng nên kể ra để ôn
lại chút kỷ niệm mưu sinh trong trại cải tạo để các em thấy được khả năng ứng
phó của con người trong những điều kiện ngặt nghèo nhất.
Trong tù thì đói triền
miên năm tháng. Chất bột căn bản là khoai mì công nghiệp giã nhỏ đúc thành bánh
cỡ bằng gói thuốc lá, hay xắt lát và phơi khô. Ngày có hai bữa mỗi lần là một
cái bánh hoặc chục lát khoai mì đã luộc chín. Buổi sáng trước giờ di lao động,
tù được phát chút ít lát khoai mì luộc. Tuy nhiên, tiêu chuẩn không đồng đều,
mà tùy thuộc vào sự đánh giá hàng tháng của cai tù về các mặt lao động và chấp
hành nội quy. Có người ăn một cái bánh rưỡi, có người chỉ được ba phần tư cái
bánh. Thức ăn thì quanh năm chỉ toàn là nước muối. Không rau, không thịt cá trừ
ba ngày lễ chính: Tết nguyên đán, 2 tháng Chín, và 30 tháng Tư.
Ðói như thế nên tù
nhân phải tìm mọi cách để tự “cải thiện”. Hoặc lén bắt con nhái, con rắn, chuột;
hoặc vặt trộm mớ rau, tìm hái các loại cỏ ăn được. Nhưng phải kín đáo đừng để bị
cai tù bắt được.
Việc cho thăm nuôi
hay nhận quà từ gia đình không phải là quyền lợi của tù nhân như thường thấy ở
các nước tự do. Ðó là một thứ ân huệ mà ban quản lý trại tù dùng để ràng buộc
tù nhân phải làm việc hay tuân thủ các quy định của trại. Người tù bình thường,
không có vấn đề với trại sẽ được phép nhận 10 kí lô quà mỗi tháng, hay được gặp
gia đình hai lần trong một năm. Dĩ nhiên với điều kiện là gia đình có đủ khả
năng kinh tế để mua quà hay đi thăm.
Dù có quà từ gia đình
hay không, hầu như tất cả tù nhân đều có nhu cầu phải nấu nướng. Người có quà
thì nấu thêm chút cơm khô, hâm nóng thịt cá. Người không có quà (chúng tôi gọi
đùa là Con Bà Phước) thì luộc chút rau, hay nấu giùm cho các anh có của để được
chia chút thức ăn. Khi ra hiện trường lao động, thì cho cơm khô hay thức ăn vào
một cái lon gô; đặt ké vào bếp lửa của anh tù nhân nấu nước sôi cho đội tù. Khi
về trại, thì phải nấu lén. Vì trại cấm hẳn việc nấu nướng trong nhà giam.
Tuy trại có quy định
cho phép nấu nướng vào ngày chủ nhật mỗi tuần tại một nơi nào đó ngoài phạm vi
phòng giam. Quy định này cũng thất thường như mưa nắng.
Nấu nướng ngoài trời
ngày chủ nhật tuy được phép cũng chẳng thoải mái như khi chúng ta đi cắm trại
đâu. Thì giờ rất eo hẹp, chỉ vài mươi phút trước khi điểm danh tối mà phải làm
sao cho chín nồi cơm, soong thịt. Có lúc trời mưa như trút, gió thổi ào ào tứ bề.
Mặt đất ủng nước, củi vụn ướt như vừa vớt dưới sông lên. Lửa mồi từ cục than lấy
ở bếp trại, chuyền tay nhau. Vừa nhóm được chút lửa là hơi nước từ mặt đất bốc
lên làm tắt ngúm. Chúng tôi phải lót một lớp dày các thứ khô ráo, chọn ba cục
đá làm chân lò. Một hai anh cầm tấm nylon che phía trên để một anh ngồi chồm hổm
bên dưới phì phò thổi lửa. Khói lùa vào mắt cay xè nhưng vẫn cố gầy lên ngọn lửa
bằng cách châm thêm chất đốt bằng giấy báo hay túi nhựa. Vừa thổi, vừa quạt, vừa
lau nước mắt. Nước mưa cứ tuôn ào xuống ướt đẫm cả áo quần. Những kỹ năng học
được từ thời thiếu niên đi Hướng Ðạo hay bài mưu sinh học được ở quân trường
nay mới có dịp đem ra áp dụng thực tế. Ngoài chiến trường có cam go cũng không
đến nổi như trong trại tù, vả lại đã có anh lính hoả đàu quân lo cho rồi.
Ðộc đáo nhất là nấu
lén trong nhà. Anh em chúng tôi đều tự làm lấy mỗi người ít nhất một cái lò vừa
đủ cho cái lon guigoz. Lon guigoz là thứ nồi thông dụng nhất, có thể đun nước,
nấu cơm hay kho thịt cá. Tù nhân làm một cái đai sắt và quai xách gắn vào khoảng
phía trên thành lon. Một lon guigoz cơm là phần ăn một ngày để tạm có sức khỏe
chịu đựng. Chúng tôi dùng một cái lon có đường kính lớn hơn như cỡ lon cà phê
thường thấy hiện nay tại các siêu thị tại Mỹ để làm lò. Có hai loại lò: lò
than, lò đun hoả tốc. Than vụn thì ăn cắp từ bếp trại, rưới nước cho tắt đi rồi
cất dấu trong nhà giam. Hoả tốc là loại nhiên liệu bằng bao nhựa gói đồ cuốn
bên ngoài một nùi giẻ. Thứ nhiên liệu này rất dễ cháy, cho nhiệt cao, nhưng bốc
khói đen ngòm và khét lẹt, và phải được khều luôn để khỏi bị tắt ngũm. Lỡ xui lửa
tắt, khói sẽ bay đầy nhà, mùi khét toả rất xa. Vô tình như thể “lạy ông tôi ở bụi
này” báo động cho bọn trật tự thi đua tìm đến để bắt quả tang.
Những người tù, khi nấu
lén trong nhà thường thủ sẵn một xô đầy nước lạnh ở một góc nhà. Ðược báo động
là nhúng cả cái lò dang cháy vào xô nước. Có anh đẩy cái lò than vào dưới cái
đòn rồi ngồi lên, làm mặt tỉnh táo đang chơi cờ hay làm một thứ gì đó vô hại. Lửa
nóng dưới đít mà phải gồng mình chịu trận cho đến khi hết sự hiểm nguy. Tôi
cũng nhiều lần hú vía. Một hôm đang đun một lon nước sôi để nấu mấy vắt mì thì
nghe tiếng tên trật tự vang lên ngoài sân:
– Có mùi hoả tốc, lại
có anh nào nấu nướng linh tinh trong nhà.
Không kịp nhảy xuống
dấu lò (và cũng quýnh quá chẳng biết dấu vào đâu), tôi cho tất cả vừa lò vừa lon
nước gần sôi vào cái bao bàng (loại túi xách đan bằng lá các bà đi buôn thường
dùng ở Việt Nam) và treo lên xà nhà. Khi tên trật tự đến gần, tôi đang làm bộ
căng thẳng với một nước cờ chiếu bí. Trực, tên trật tự, dừng lại xem vừa hỏi:
– Ai đang nấu hoả tốc?
Mùi khói bay đầy nhà.
Chẳng ai lên tiếng trả
lời. Trực nhìn soi mói từng góc nhà vẫn không thấy gì trong khi tôi ngồi bồn chồn
vì lò hỏa tốc có thể tắt ngấm bất cứ lúc nào; và nếu thế thì khói sẽ bay tuôn
ra như khói tàu lửa. Một phần sợ cái lò nghiêng, nhựa và lửa sẽ tràn ra cháy
luôn cái túi; hoặc nước sôi trào ra sẽ tạo nên âm thanh xèo xèo là thua cuộc.
Tên Trực tìm một lúc,
không tìm thấy gì và cũng không hào hứng quan sát bàn cờ mà chẳng ai động quân
nên bỏ đi sau khi buông một vài đe dọa.
Ngoài cái nguy cơ dễ
bị phát hiện, lò hoả tốc còn mang lại nguy hại cho sức khoẻ. Vì mỗi ngày phải
hít vào buổng phổi loại khói độc do sự cháy của chất hoá học tổng hợp. Tuy
nhiên cái đói là nguy cơ truớc mắt. Nỗi nguy xa không thắng được cái nguy gần.
Vả lại, trong khoàn cảnh khắc nghiệt này, liệu chúng tôi có sống sót cho đến
ngày nhận lãnh cái hậu quả của khói độc không mà lo với lắng!
Có lò, đã giấu giếm
hàng ngày, rồi phải nghĩ cách giữ nó khỏi bị tịch thu mỗi khi cán bộ khám
phòng. Việc khám phòng xẩy ra hàng tháng, thường là bất chợt để tù nhân không
phòng bị kịp. Ðang tập trung ở sân trại chờ đi lao động, thì bị gọi lần lượt từng
nhà trở về thu xếp hết hành trang đem ra sân. Tù nhân ngồi thành hai, ba dãy.
Trải manh chiếu hay tấm vải ra, lôi hết áo quần đồ đạc như bày bán chợ trời, rồi
ngồi chờ cai tù và trật tự đến khám từng người. Trong lúc đó, vài tên trật tự
và tù hình sự sẽ vào nhà, lục lọi không chừa một khe hở để tìm xem tù nhân có
giấu giếm gì không. Một viên thuốc tây nhỏ bằng nửa hạt đậu cũng không thoát với
chúng nó. Ngoài sân, cai tù và trật tự nắn nót từng món đồ, vạch miệng, sờ
nách, lần háng để khám xét. Chúng tịch thu các thứ bén nhọn, bật lửa, sách vở,
những thức ăn bị cấm, và các loại không được phép dùng trong nhà giam. Có khi
chúng tịch thu luôn những vật đã cho phép nhận, như cơm khô, soong nồi, viện lý
do tình hình an ninh thay đổi. Nói chung, chúng khám xét và tịch thu rất tuỳ tiện.
Là thân tù, chỉ biết cam chịu, không biết khiếu nại cùng ai.
Ấy thế mà nhiều anh
em đã giữ được cái lò, ngay cả loại lò lớn kê được cái nồi hai, nồi ba. Làm thế
nào ư? Cứ tuân theo nguyên tắc tình báo: “Chỗ sơ hở nhất chính là nơi an toàn
nhất.” Tôi đã để cái lò chình ình ngay giữa sân, cạnh gốc dừa. Bọn trật tự ưa
nhìn các nơi kín đáo, ngóc nghách mà chẳng mấy để mắt đến chỗ rất hớ hênh. Một
nguyên tắc khác đã giúp tôi giữ được bật lửa, con dao trong hàng năm trời. Ðó
là: đừng để bị khám thì sẽ không mất đồ. Trung sách là nắm bật lửa, con dao
trong lòng bàn tay. Chờ tên trật tự khám xong một nửa đồ đạc của mình rồi xin
phép tên cán bộ cho xếp gọn thứ đã khám vào túi. Lợi dụng lúc này, thả thứ quốc
cấm vào túi xách. Thượng sách là khi sắp hàng ngoài sân, nên ngồi ở khoảng giữa
hay gần cuối. Sau một hồi khám xét, trật tự và cai tù sẽ bắt đầu thấm mệt. Tù
khám xong thu xếp đi vào đi ra tạo cảnh lộn xộn. Ta cứ ung dung thu xếp đồ đạc
cho vào túi và làm mặt tỉnh bơ đem túi xách ba lô trở vào phòng như một người
đã được khám xét xong. Ðừng nói con dao cái bật lửa; ngay cả cây súng lục (nếu
có) cũng dấu được. Miễn là có bản lãnh và bình tĩnh.
Chúng tôi đã từng đem
vào trại cả buồng chuối, bó củi, chục củ khoai lang mà không hề bị tịch thu khi
bị khám xét ngoài cổng trước khi nhập trại.
Năm 1979, khi trại
mua trồng hàng ngàn cây dừa con; chỉ có lác đác vài cây sống và lớn lên. Ðại đa
số trái dừa giống chui vào bụng tù nhân. Chúng tôi bẻ cây con cắm xuống đất, lấy
trái dừa ăn tại chỗ hoặc mang về phòng nạo lấy cơm dừa và mộng dừa. Hàng trăm vỏ
và gáo dừa cứ tống lên trần nhà phi tang mà cả năm sau, bọn trật tự mới tìm thấy.
Mưu sinh trong trại
tù còn nhiều hình thái khác, để ứng phó trong nhiều lãnh vực như sức khoẻ, tâm
lý, sinh lý, vân vân. Tất cả đều nhằm vào mục đích tự thích nghi với các điều
kiện khắt khe để sống còn trong một thời gian tù rất dài, có khi gần cả đời người
như trường hợp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, Phạm Trần Anh hay tiến sĩ Nguyễn Hữu
Luyện.
Cái đói khát và sự khủng
bố về tinh thần lẫn vật chất trong nhà tù Cộng Sản vượt quá giới hạn chịu đựng
của con người. Phải có một ý chí, một bản lãnh vững vàng mới giữ được tư cách,
không bị kéo xuống hàng một sinh vật giành giật, xâu xé nhau vì miếng ăn. Những
người có thăm nuôi, có của ăn dồi dào đủ hương vị dễ dàng bĩu môi lắc đầu khi
thấy bạn đồng cảnh mình đánh cắp củ khoai, con gà, hay vặt ngọn rau của trại, của
cai tù. Trên quan điểm chính trị và đạo lý thông thường, lấy của kẻ thù đang
đày đoạ mình để nuôi sống bản thân không có gì là sai trái cả. Chúng tôi đã thấy
những người giàu có đã bán mình vì chút ân huệ của trại; ngược lại cũng thấy những
anh em nghèo đói mà tự chế và tự thắng được nhu cầu bản thân, nổi bật lên như
những tấm gương cao quý.
Dĩ nhiên, con người
ít nhiều có một bản năng thích ứng do thiên phú; nhưng sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu
có kinh qua một quá trình đào tạo từ các phong trào sinh hoạt thanh niên như Hướng
Ðạo, hay đuợc chuẩn bị từ các khoá học trong quân ngũ. Nhưng có những yếu tố rất
quan trọng, đó là lòng tự trọng cá nhân, niềm tự hào của quá khứ xuất thân và sự
ràng buộc của những giáo dục gia đình, hướng đạo, quân ngũ đã giúp cho anh em
chúng tôi đứng vững vàng trong hoàn cảnh oan nghiệt.
Đỗ Văn Phúc