728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA


    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa Mấy tuần qua, mỗi khi nói chuyện với người mới quen, tôi đều bị hỏi xin số điện thoại và cứ phải ngượng nghịu trả lời, “Tôi chưa có điện thoại,” khiến người hỏi đâm ra áy náy và xin lỗi.  Tối Chủ Nhật, sau khi Quỳnh Châu nhận lời dạy lớp đêm trường Đại học Cộng đồng Bismarck (BJC), anh Brian giáo sư BJC và bạn đồng môn cũ của nàng lấy trong cặp ra cái phong bì,
                “Cô Pearl, để tỏ lòng biết ơn, nhóm giáo sư BJC quyên góp số tiền đặt cọc cần dùng để Northwestern Bell đến gắn điện thoại vào nhà cho cô.  Khi vào lớp dạy, cô làm ơn cho sinh viên biết số điện thoại và giờ giấc có thể gọi khi họ cần hỏi bài vở.”Hôm sau, tôi và Quỳnh Châu đi bộ xuống phố tới trụ sở công ty Điện thoại Northwestern Bell cách nhà chừng mười khu phố.  Công ty là một trong hơn bốn chục công ty khai thác địa phương của Hệ thống Điện thoại Bell.  Hệ thống độc quyền cung cấp dịch vụ điện thoại ở Bắc Mỹ gần 100 năm nay và thường bị dân chúng gọi nhạo là Má Bell.  Má Bell còn có hệ thống Viễn tuyến AT&T điều hành dây đi xa nối các hệ thống địa phương và cung cấp dịch vụ gọi viễn liên, công ty Western Electric chế tạo dụng cụ viễn thông, và phòng thí nghiệm Bell Labs nghiên cứu và phát triển kỹ thuật.
    Công ty Bell địa phương cho khách hàng thuê điện thoại chứ không bán.  Hóa đơn hàng tháng gồm tiền thuê điện thoại, dịch vụ gọi địa phương (trong một vùng giới hạn, nơi tôi ở có đường kính khoảng 60 dặm Anh), và dịch vụ gọi viễn liên của AT&T.  Giá biểu mỗi phút gọi viễn liên tùy thuộc nơi gọi tới (trong hay ngoài tiểu bang, và nếu ngoài tiểu bang thì xa hay gần), giờ gọi (giờ làm việc, buổi tối, hay ban đêm), và ngày gọi (ngày thường, thứ Bảy, Chủ Nhật, hay ngày lễ).  Northwestern Bell bắt phải đóng tiền cọc trước khi mắc điện thoại để phòng trường hợp khách hàng bỏ đi mà không trả tiền.Phòng trưng bài có đủ thứ đủ kiểu điện thoại, nhưng đối với tôi sự lựa chọn khá dễ dàng:  điện thoại quay phải trả tiền ít nhất.  Với chiếc máy này, muốn quay một con số, số 7 chẳng hạn, phải thò ngón tay trỏ vào lỗ tròn trên vị trí ghi số 7, quay theo chiều kim đồng hồ nghe rò rò gần trọn vòng đến khi ngón tay chạm vào cây cản bằng kim loại, và lấy ngón tay ra đợi mặt quay trở về vị trí ban đầu rồi mới quay con số tiếp.  Khi quay đủ các con số, điện thoại sẽ tự động gọi điện thoại bên kia.
                           
    Bà nhân viên tiếp khách hàng trạc tứ tuần nhỏ nhẹ khuyến dụ chúng tôi dùng điện thoại bấm nút vừa nhanh vừa tiện có tên thương mại là điện thoại “Touch-Tone” mới ra đời vài năm gần đây.  Tôi thích quá gần xiêu lòng thì Quỳnh Châu nhè nhẹ lắc đầu, nhắc tôi tiền thuê hàng tháng hơn gấp đôi điện thoại quay.  Tiếp theo, bà nhân viên hỏI,            “Ông bà thích điện thoại màu nào?  Không phải trả tiền màu.”Tôi chọn màu trắng, nhưng trong lòng thấy kỳ kỳ.  Tôi quen nghĩ màu là một phần của sản phẩm, công ty Bell lại xem nó là sản phẩm phụ bán riêng, dù không tính tiền trong trường hợp này.  Câu hỏi kế tiếp càng làm tôi thấy có một điều gì bất ổn,            “Ông bà có muốn ‘unlisted’ nghĩa là không in tên và địa chỉ trong niên giám điện thoại không?  Nếu muốn, mỗi tháng phải trả thêm một đô la năm mươi xu ($1.50).”Thật không sao hiểu nổi.  Công ty tính tiền để không in tên tôi, tức là không cung cấp dịch vụ.  Quỳnh Châu kéo tôi sang một bên giải thích,            “Chồng nhớ nền kinh tế thị trường của Hoa kỳ dùng giá cả để điều hòa số lượng sản xuất (cung) và tiêu thụ (cầu).  Sự chênh lệch giữa cung và cầu sẽ khiến giá cả thay đổi, và nhờ đó cung và cầu trở lại cân bằng.  Các công ty tư tự do ấn định giá sản phẩm hay dịch vụ căn cứ trên khả năng và sự sẵn lòng trả tiền của khách hàng.  Đối với ‘màu’ hay ‘unlisted’ chẳng hạn, họ định giá dựa vào sự kiện anh có đủ tiền hay không và sẵn lòng mua với giá đó hay không, chứ giá thành để làm ra sản phẩm không quan trọng.”Bài học kinh tế nhập môn này, tôi đã biết từ năm đầu học đại học khi đọc cua Kinh tế của mấy thằng bạn học Luật ở trong Đại học xá Minh Mạng, nhưng bây giờ mới vỡ lẽ.  Trong lúc hai vợ chồng bàn tính xì xò, một ông khoảng ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi mặc bộ com-lê màu đậm, thắt cà-vạt chỉnh tề bước lại bắt tay tôi làm quen,            “Tôi là Cliff Nesser.  Nghe anh chị nói tiếng Việt làm tôi nhớ lại những ngày tuyệt vời ở Việt nam.  Hồi đó tôi làm cố vấn cho cảnh sát ở Đà Lạt.”  “Cliff” là tên tắt của Clifford.            “Chắc ông nói tiếng Việt giỏi lắm?” tôi đoán chừng.            Chút chút thôi.  Đủ để không bị mấy thằng lính ba gai gạt!” ông trả lời bằng tiếng Việt khá sõi khiến chúng tôi đảo tròn mắt ngạc nhiên.            Bên Việt nam ông có vợ nhỏ không?” Quỳnh Châu buột miệng hỏi đùa bằng tiếng Việt.            “Đừng, đừng nói bậy.  Vợ tôi bả biết bả cắt cu tôi đó,” phần sau câu nói là giọng Nam kỳ chính hiệu con nai.
    Cuộc giao dịch hoàn tất, bà nhân viên cho hẹn để thợ đến nhà tôi gắn điện thoại.  Ông Cliff mời chúng tôi sang quán ở góc đường bên kia uống cà-phê.  Quỳnh Châu nhắc lại câu hỏi đùa, ông cười nửa miệng,            “Ở cái thành phố đại học dân chúng có học thức như Đà Lạt, khó lòng mà làm chuyện lăng nhăng đó.  Tôi đọc tờ Bismarck Tribune (Bismarck Diễn đàn) thấy nói anh chị là giáo sư đại học, chắc biết Kỹ sư Đình trông coi Lò Nguyên tử Đà Lạt?  Ông ấy chơi rất thân với tôi.”Hồi xưa ở ngoài Huế, ông Đình học trường Khải Định (Quốc Học) và nổi tiếng học giỏi.  Ông được học bổng của Quốc trưởng Bảo Đại đi Hoa kỳ du học ngành kỹ sư điện, tốt nghiệp Cao học, và hồi hương làm việc cho Nguyên tử lực cuộc và được bổ nhiệm cầm đầu Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt, hay “Lò Nguyên tử Đà Lạt.”  có công suất 250 kW (kilowatt, hay một ngàn watt) và dùng nhiên liệu là một loại Uranium-235 khó dùng để chế tạo võ khí với mục đích nghiên cứu canh nông và sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong y khoa và kỹ nghệ.  Lò hoạt động từ tháng Hai năm 1963 và đến năm 1968, sau biến cố Mậu Thân, thì ngưng.
    Tôi gặp mặt ông Đình lần đầu cuối hè năm đệ tam niên trường kỹ sư, khi lớp chúng tôi đi du khảo nhà máy thủy điện Đa Nhim ở Đơn Dương phía đông nam Đà Lạt, và chương trình gồm thêm tiết mục viếng thăm Trung tâm Nguyên tử.  Ông nói năng nhỏ nhẹ và tận tình chỉ dạy cách điều hành lò nguyên tử, lúc đó không hoạt động.  Bài thuyết trình của ông hấp dẫn hơn bài giảng Nút-le ở trường.  Do tiếng Pháp “nucléaire,” đó là tên chúng tôi gọi đùa môn Kỹ thuật Nguyên tử mới học lục cá nguyệt vừa qua – “nút” vào rồi lại “le” ra vì khó nhớ.Vài năm sau, thỉnh thoảng tôi gặp ông Đình khi lên Đà Lạt dạy lớp Điện từ học cho phân khoa Khoa học của viện Đại học Đà Lạt; tôi dạy thay cho vị giáo sư bảo trợ luận án tiến sĩ kỹ sư.  Ngoài trách nhiệm trông coi Trung tâm Nguyên tử của chính phủ, ông Đình giảng dạy và giữ chức vụ then chốt của phân khoa Chánh trị Kinh doanh và của viện đại học.  Tôi xem ông là kỹ sư đàn anh và kính trọng như bậc thầy.Khi tôi băn khoăn về số phận của Lò Nguyên tử sau khi Đà Lạt thất thủ đầu tháng Tư năm nay (1975), ông Cliff cười trấn an,            “Người Mỹ chúng tôi không thể để cho kẻ thù chiếm đoạt số nhiên liệu nguyên tử đó.”            “Thật vậy sao, làm sao lấy đi?” tôi ngẩn người.            “Hoa kỳ viện trợ lò nguyên tử, nhưng cho thuê dài hạn các thanh nhiên liệu uranium; nhiên liệu này dùng kỹ thuật tân tiến nhất mà Nga sô cũng chưa biết.  Hợp đồng thuê chấm dứt ngày 31 tháng Mười Hai năm 1974, khi chính phủ Việt nam Cộng hòa (‘VNCH’) thông báo không còn đủ khả năng trả tiền thuê.  Nhiên liệu quý giá ấy thuộc về Hoa kỳ,” ông cười nhẹ rồi từ tốn thuật lại chuyến công tác cuối cùng của ông tại thành phố hoa viên.Ngày 24 tháng Ba, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Hoa kỳ gửi công điện mật đến tòa Đại sứ tại Sài gòn ra lệnh bằng bất cứ giá nào cũng không để các thanh nhiên liệu lọt vào tay Cộng sản.  Nếu không thu hồi được thì phải rót bê-tông chôn vĩnh viễn để không ai có thể lấy ra dùng, hay cùng lắm thì đặt chất nổ phá hủy.  Hai chuyên gia nhiên liệu nguyên tử thuộc phòng Thí nghiệm Quốc gia Idaho ở Idaho Falls thuộc tiểu bang Idaho được gửi tới Sài gòn bằng máy bay thương mại.  Toán chuyên viên đặc biệt của Không quân Hoa kỳ cũng được cấp tốc phái sang trợ giúp.  Ông Cliff chỉ huy nhân viên tại Việt nam, huy động mọi phương tiện có thể kiếm được, và điều hành cuộc hành quân phối hợp để thực hiện sứ mạng.
    Mười giờ 45 phút sáng 30 tháng Ba, máy bay vận tải của hãng Air America chở đoàn đặc nhiệm đáp xuống phi trường Cam Ly, một phi trường nhỏ nằm sát thành phố Đà Lạt mà lúc đó đã tràn ngập dân chúng tìm đường chạy loạn.  Air America là hãng máy bay dân sự chuyên chở hành khách và hàng hóa do CIA (sở Trung ương Tình báo Hoa kỳ) ngầm làm chủ và điều hành.  Phi công ngừng phi cơ ở cuối phi đạo cho đoàn đặc nhiệm dỡ dụng cụ xuống và hẹn trở lại đón vào một giờ chiều ngày hôm sau.Các kỹ thuật gia nhận ra trong thời gian ngắn ngủi này họ không thể thực hiện giải pháp an toàn nhất (tránh phóng xạ) là trộn bê-tông, nâng lên miệng lò cách sàn nhà hơn sáu thước, và rót vào bể lò đường kính khoảng hai thước để chôn chặt các thanh nhiên liệu đời đời.  Do đó, chỉ có cách tháo gỡ.  Trước tiên, họ dựng tường chắn để ngăn phóng xạ, và để giảm thiểu thời gian bị đưa ra nơi có phóng xạ, chia thành từng nhóm bốn người làm việc luân phiên.  Ở mỗi phiên, một người làm thì ba người kia nấp che mình sau tường chắn.  Để lấy lên nhiên liệu nằm ở đáy bể lò sâu gần bảy thước, họ không dám phí thì giờ dùng cánh tay rô-bô và cần trục vướng víu     mà liều mạng dùng tay thả móc câu xuống, móc vào các thanh nhiên liệu, và kéo lên từng thanh một.
    Tin tình báo cho biết Cộng quân chỉ cách Đà Lạt mười cây số, đại đội địa phương quân VNCH bảo vệ vòng đai bên ngoài đã bỏ trốn, và ông Cliff cùng với viên thiếu tá Không quân chuyên viên chất nổ tính toán lượng TNT cần dùng.  Nếu Việt Cộng tấn công vào, ông sẽ ra lệnh phá hủy lò và mở đường máu bảo vệ đoàn đặc nhiệm chạy tới nhà an toàn của CIA chỉ một mình ông biết địa điểm.  Tình huống quyết liệt ấy không xảy ra vì các kỹ thuật gia hoàn thành nhiệm vụ lúc hai giờ sáng ngày 31.  Ông Cliff cười hãnh diện,            “Các thanh nhiên liệu được đưa về Hoa kỳ cùng ngày hôm đó.  Hai ngày sau, bọn Vi Xi (VC) mới vào Đà Lạt.”            “Đáng phục thật!  Chuyện gay cấn hơn phim gián điệp,” tôi xuýt xoa.            “Thật ra, sứ mạng không thành công hoàn toàn:  Đoàn đặc nhiệm còn phải lấy về một cái bình chứa 80 gram plutonium.  Nhưng chú tâm vào việc tháo gỡ nhiên liệu, mấy ông kỹ thuật gia lấy nhầm và hí hửng mang lên máy bay bình chứa polonium là chất phóng xạ không thể dùng chế tạo võ khí như plutonium.”            “Sao nhầm lẫn lạ lùng vậy?” Quỳnh Châu chưa tin.Ông Cliff cười tủm tỉm,            “Vì không dễ gì mà tìm ra cái bình chứa chất plutonium kia.  Tám mươi gram plutonium là một lượng nhỏ bé, cần đến một trăm lần như thế mới chế tạo được quả bom nguyên tử thô sơ nhất, nhưng nếu lọt vào tay quân khủng bố thì rất phiền phức.  Phóng xạ plutonium thoát ra ngoài không khí sẽ đe dọa sức khỏe của dân chúng toàn thành phố.  Vì vậy, sau ngày Việt Cộng tấn công vào Đà Lạt và Trung tâm Nguyên tử vào dịp Tết Mậu Thân, ông Đình yêu cầu tôi cất giữ giùm ở một nơi kín đáo.  Ở Đà Lạt có nơi nào kín đáo hơn nhà an toàn của chúng tôi?”            “Rốt cuộc ông có lấy đem đi được không?” tôi nôn nóng hỏi.            “Gần một tháng sau chuyến công tác, tôi di tản khỏi Sài gòn bằng trực thăng ra Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ và vô ý đánh rơi cái bình bằng thép xuống đáy Nam hải (biển Đông).  Độ sâu sáu ngàn thước!” ông trả lời ỡm ờ.Thì ra vai trò cố vấn cảnh sát Đà Lạt của ông Cliff chỉ là bức bình phong.  Nhiệm vụ chính là bảo vệ Lò Nguyên tử, một điệp vụ ông thi hành toàn hảo đến ngày cuối cùng của cuộc chiến.Nguyễn Ngọc Hoa                                                                                                Ngày 3 thá
    ng Sáu, 2020

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top