728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    MINH DI: NÓI CHUYỆN VỀ HỌC THUẬT BÊN KIA BỜ

     MINH DI: NÓI CHUYỆN VỀ HỌC THUẬT BÊN KIA BỜ

    TẠP CHÍ DÂN VĂN

    DANVAN MAGAZINE

    Email: danvanmagazin@gmail.com

    ----------------------------------------

    BẢN TIN CỦA TẠP CHÍ DÂN VĂN

    (XIN TIẾP TAY PHỔ BIẾN THẬT RỘNG RÃI - CHÂN THÀNH CẢM TẠ.)

     (Bài này đã được TCDV đăng tải lần thứ 1, ngày 14.04.2012, ngày 26.09.2014, theo yêu cầu của nhiều độc giả, đăng lần 3, ngày 16.12.2022.

     Nhờ anh KHA TIỆM LY chuyển bài PHÊ BÌNH này đến các tờ báo trong nước, và qúy Văn Hữu tại Quốc Nội. Đây là một bài viết về lãnh vực VĂN HỌC - HỌC THUẬT, chắc không là điều “cấm kỵ” trong nước? (TCDV).

    -------------------------------------------------

     Kính thưa quý độc giả các Diễn Đàn,

    Từ 32 năm nay, TCDV chủ trương và cổ võ việc phê bình văn học, học thuật, vì một cuốn sách “viết sai, dịch sai” sẽ di hại các thế hệ sau. Văn phong phê bình là của người viết, TCDV tôn trọng người phê bình và người “bị” phê bình, mong rằng người bị phê bình có óc cầu tiến và phục thiện để sửa chữa các “sai sót” khi tái bản tác phẩm...

    Nhiều độc giả đã mail yêu cầu TCDV cho đăng bài của MINH DI thành nhiều kỳ như trước, vì có vị mở attachments không được. Trên khuôn khổ các Diễn đàn Internet chỉ đăng mỗi lần là khoảng 10 trang DIN A4, nên chúng tôi sẽ chia thành nhiều kỳ, trường hợp quý độc giả nào cần ngay trọn bài, liên lạc với TCDV, chúng tôi sẽ gởi đến hầu Quý Vị.

    Trân trọng,

    Germany, ngày 14.04.2012 (lần 1), lần 2, ngày 26. 9.2014, lần 3, ngày 15.12.2022,  theo yêu cầu của nhiều độc giả.

    -       Điều Hợp Viên DĐ Ngôn-Ngữ-Việt,

    -       Chủ Nhiệm TCDV.

    LÝ TRUNG TÍN

    ------------------------------

    Kính thưa quý vị độc giả của Diễn Đàn Ngôn Ngữ Việt, Tạp Chí Dân Văn,

    Dân Tộc Việt và Dearfriends,

    Học Thuật là một đề tài mênh mông và chính vì nó rất rộng lớn nên đôi khi người ta tưởng đã nhìn ra nó mà thực sự là chưa nhìn ra nó, chưa thấy được sự thực mà nó hàm chứa...

    Dươí đây là caí nhìn của nhà nghiên cứu Minh Di, Úc Châu về một đề taì đã được một tác giả trong nước đề cập đến.

    Mời quý vị thưởng thức.

    Thân kính,

    Quản Mỹ Lan

    DĐNNV

    ------------------------------------

    Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ.

    01 – 63 (70).

    MINH DI (Châu Úc)

     Tiểu dẫn.

    Cũng đã lâu nay trong nước có nhiều tác phẩm Hán văn của Việt Nam thời trước được dịch ra Việt ngữ và được nhiều nhà xuất bản nhiều nơi ấn hành.

    Nói “đã lâu nay” ở đây tôi muốn nói là sau năm 75.

    Gần đây tôi có mua được Bộ tuyển tập các tác phẩm của Lê Quí Đôn (1726 - 1784).

    Bộ này gồm 8 Tập, phân như sau:

    + Tập 1: Đại Việt Thông Sử.

    + Tập 2 & Tập 3: Phủ Biên Tạp Lục.

    + Tập 4 & Tập 5: Kiến Văn Tiểu Lục.

    + Tập 6 & Tập 7 & Tập 8: Vân Đài Loại Ngữ.

    Nguyễn Khắc Thuần dịch, chú thích và hiệu đính.

    Nhà Xuất Bản Giáo Dục TP Hồ Chí Minh ấn hành.

    Mỗi Tập, phần đầu là phần chuyển dịch và chú thích của người dịch, kế đó phần sau là phần nguyên bản Hán văn.

    Thời điểm lúc viết bài này, theo tôi biết, Bộ tuyển tập nói trên chỉ mới ra được 5 Tập, là các Tập 1, 2, 3, 4 và 5. Nhưng tôi cũng chỉ mới mua được 4 Tập 1, 2, 3 và 5.

    ~Sau đây là phần duyệt đọc, phê bình của tôi về bản dịch và phần Chú thích Tác phẩm Kiến Văn Tiểu Lục (phần 2, Tập 5) của Nguyễn Khắc Thuần ở trong nước.

    Phê bình ở đây chủ yếu nhắm vào các chú thích của Nguyễn Khắc Thuần! Phần dịch chính văn thì trong khi trích dẫn nếu thấy có sai lầm hiển nhiên tôi sẽ có vài giòng.

                                                                               * 

    (KỲ 1)

    Chúng ta đều biết Lê Quí Đôn là 1 học giả uyên bác, do đó chú thích tác phẩm của ông là một việc làm tương đối khó khăn! Khó khăn là vì phải đọc khá nhiều thì mới có thể chú thích tương đối đầy đủ, đủ cho người đọc có 1 cái nhìn tổng quát về học, vấn của Lê Quí Đôn.

                                                                               &

    Phê bình.

    + Nguyễn Khắc Thuần. [1].

    - “Sách LÍ QUẬT 1 của Hoành Cừ Tử 2 viết rằng……”. (Qu. 5. Tài Phẩm. trang 10).

    Chú thích.

    -1 LÍ QUẬT nghĩa là cái hang chứa đạo lí”. (10).

    Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần chú thích thiếu chính xác về cả 2 phương diện Tên của Tựa Sách và ý nghĩa của Tựa Sách.

    1). Danh xưng đầy đủ của Tác phẩm trên đây là “Kinh Nghĩa Lí Quật”.

    2). Tiếng “Lí Quật” có nghĩa là “ngôn luận đầy nghĩa lý cao xa”.

    Tiếng “Lí Quật” xuất từ tập “Thế Thuyết Tân Ngữ” của Lưu Nghĩa Khánh (403 - 444):

    - “Trương Bằng…… kí tiền, Phủ Quân dữ chi thoại ngôn, tư ta xưng thiện, viết:

    ~ Trương Bằng bột tốt vi lí quật.

    Tức dụng vi Thái thường Bác sĩ”.

                                      /  Thế Thuyết Tân Ngữ. Văn học đệ tứ. 53  /.

    - “Trương Bằng……khi đã được vào gặp (Phủ Quân), Phủ Quân và Trương Bằng đàm luận, (Phủ Quân) tấm tắc khen hay, nói rằng:

    ~ Ngôn luận của Trương Bằng đầy những nghĩa lý (cao xa).

    (Phủ Quân) liền phong Trương Bằng làm Thái thường Bác sĩ”. 

    [Phụ chú:

    Phủ Quân tức Giản Văn đế Tiêu Cương (503 - 551; tại vị: 549 - 551), vị hoàng đế thứ 2 của Lương triều (502 - 557).

    Thái thường Bác sĩ. Danh xưng đầy đủ là Thái Thường Tự Bác sĩ.

    Trong 2 thời Tây Hán (206 tr. Cn - 08 Cn), Đông Hán (25 -220) chức Bác sĩ ở Cơ quan Thái Thường Tự có các trách vụ chế lễ, nghị chính sự, dạy các con em của quan lại.

    Nhưng đến các triều đại tiếp sau đó thì khác.

    Từ các triều Ngụy (220 - 265), Tấn (265 - 420) Thái thường Bác sĩ bắt đầu là một chức chuyên về Lễ nghi. Thời Đường (618 - 907) đặt 4 vị Bác sĩ ở Thái Thường Tự, chức vụ chủ yếu chuyên việc nghị luận Thụy hiệu.

    Đến 2 triều Minh (1368 - 1644), Thanh (1644 - 1911) sau đó thì mức độ quan trọng của chức vụ Bác sĩ giảm dần, để thành một chức quan coi về việc soạn thảo văn thư].

    + Nguyễn Khắc Thuần. [2].

    - “Sách NGỤ GIẢN của họ Thẩm 3 viết rằng……”. (Qu. 5. Tài Phẩm.10).

    Chú thích.

    -3 Chúng tôi chưa được rõ về tác giả người họ Thẩm và tác phẩm NGỤ GIẢN của ông”. (10).

     

    Minh Di.

    Họ Thẩm ở đây là Thẩm Tác Triết (? - ?), người thời Triệu Tống (960 - 1279).

    Tra các Từ điển nhân danh Trung Hoa thì không thấy có tên Thẩm Tác Triết, tra ngược lên duyệt bộ “Tống Sử” trong mục Liệt Truyện cũng không thấy.

    Tiểu sử của Thẩm Tác Triết chỉ được thấy vài giòng sơ lược trong một số thư tịch về Thư mục và Từ điển về các Văn học gia.

    Trần Chấn Tôn (? - ?), Thư Mục học gia trứ danh thời Nam Tống (1127 - 1279), viết:

    - “Ngụ Sơn Tập tam Quyển.

    Ngô Hưng Thẩm TRỌNG TRIẾT Minh Viễn soạn. Thừa tướng Cai chi điệt, Thiệu Hưng ngũ niên Tiến sĩ, cải quan vi Giang Tây vận quản. Thường vi “Bi Phiến Công” thi, ngỗ Ngụy Lương Thần, hãm dĩ thâm văn, đoạt tam quan, bất đắc chí dĩ tốt”.

                        /  Trực Trai Thư Lục Giải Đề. Qu. XX. Thi Tập loại. Hạ  /.

    - “Ngụ Sơn Tập 3 Quyển.

    Thẩm TRỌNG TRIẾT, (Tự là Minh Viễn), người đất Ngô Hưng soạn. (Ông) là cháu của Thừa tướng (Thẩm) Cai, Tiến sĩ năm thứ 5 Niên hiệu Thiệu Hưng, thuyên chuyển đến Giang Tây coi về việc chuyển vận. Ông từng làm bài Thơ “Bi Phiến Công”, đụng chạm Ngụy Lương Thần, Ngụy Lương Thần lợi dụng luật pháp soạn một bản văn bới móc để kết tội ông, tước quan tịch, ông bất đắc chí mà chết”.

    Về “Ngụ Sơn Tập”, phần lược Truyện Thẩm Trọng Triết “Văn Hiến Thông Khảo” của Mã Đoan Lâm (~ 1254 - 1323) đã dẫn nguyên văn trên đây của Trần Chấn Tôn (? - ?) trong “Trực Trai Thư Lục Giải Đề”.

    (Tham khảo Văn Hiến Thông Khảo. Qu. CCXLV. Kinh Tịch Khảo 72. Tập. Thi tập).

    ~ Trần Chấn Tôn ghi là “Ngụ Sơn Tập” của Thẩm Trọng Triết tất cả gồm có 03 Quyển trong khi Mã Đoan Lâm lại ghi là 30 Quyển! Chẳng rõ ai đúng? cũng chưa rõ Bản hiện lưu hành số Quyển là bao nhiêu?

     Đàm Chính Bích, một tác giả đương đại, có vài giòng sơ lược về Thẩm Tác Triết trong cuốn “Trung Quốc Văn Học Gia Đại Từ Điển” như sau:

    - “Thẩm Tác Triết (Ước Công nguyên 1147 niên tiền hậu tại thế).

    Thẩm Tác Triết (Văn Hiến Thông Khảo tác Trọng Triết) Tự Minh Viễn, Hiệu Ngụ Sơn, Hồ Châu nhân, sinh tốt quân bất tường, ước Cao tông Thiệu Hưng trung tiền hậu tại thế. 

    Thiệu Hưng ngũ niên tiến sĩ, Thuần Hi gian dĩ Tả phụng Nghị lang vi Giang Tây Tào Ty Tư cán quan. Nhân thi ngỗ Tào súy Ngụy Đạo Bật, bị hặc, đoạt tam quan, bất đắc chí dĩ tốt.

    Tác Triết sở trứ hữu Ngụ Sơn Tập, tam thập Quyển (Văn Hiến Thông Khảo), Ngụ Giản thập Quyển (Tứ Khố Tổng Mục), khảo chứng hữu đặc thức”.

    Dịch văn:

    - “Thẩm Tác Triết (Khoảng trước sau năm 1147 Công nguyên còn tại thế).

    Thẩm Tác Triết (Văn Hiến Thông Khảo ghi là Trọng Triết), tên Tự là Minh Viễn, tên Hiệu là Ngụ Sơn, người ở Hồ Châu; năm sanh, năm tử của ông đều không được rõ, đại để trong khoảng trước sau Niên hiệu Thiệu Hưng ông vẫn còn sống! Đậu tiến sĩ năm thứ 5 Niên hiệu Thiệu Hưng, trong khoảng Niên hiệu Thuần Hi với chức Tả Phụng Nghị Lang ông đổi về tỉnh Giang Tây làm việc tại Cơ quan Chuyển vận. Nhân làm thơ đụng chạm viên Trưởng Cơ quan Ngụy Đạo Bật, bị hài tội, đưa qua bên Tam quan định đoạt, ông vì thế bất đắc chí mà qua đời.

    Tác phẩm của Thẩm Tác Triết có Ngụ Sơn Tập 30 Quyển (theo Văn Hiến Thông Khảo), Ngụ Giản 10 Quyển (theo Tứ Khố Tổng Mục), về mặt khảo chứng có những nhận thức đặc biệt”.

    [Phụ chú.

    Niện hiệu Thiệu Hưng (1131 -1162).

    Niên hiệu Thuần Hi (1174 - 1189)

    Ngụy Đạo Bật tức Ngụy Lương Thần (? - ?), Đạo Bật là tên Tự.

    Tam quan. Tức chỉ Đình Úy Chính, Đình Úy Tả Giám, Đình Úy Tả Bình, là 3 chức quan về Hình sự, chuyên xét xử quan lại].

    Sau cùng.

    Trong Tập “Nam Tống Chế Phủ Niên Biểu” của Ngô Đình Tiệp có tên của 1 viên chức tên Thẩm Tác Tân, không rõ người này có liên hệ gì với Thẩm Tác Triết hay không?

    Trở lại với tập “Ngụ Giản” Lê Quí Đôn đề cập.

    Về tập “Ngụ Giản” này bộ Từ điển Từ Nguyên có vài giòng giản lược như sau:

    - “[Ngụ Giản]. Tống Thẩm Tác Triết soạn. Thập Quyển.

    Bút Ký thể. Ký lục Tống đại dật sự, điển chế, tịnh gia khảo chứng. Tự Tự xưng tĩnh cư sơn trung, ngẫu hữu sở đắc, tả tại giản độc chi thượng, cố dĩ ‘Ngụ Giản’ vi Thư danh”.

    - “[Ngụ Giản]. Thẩm Tác Triết thời Tống soạn. 10 Quyển.

    Thể Bút ký. Ghi chép các dật sự, điển chương chế độ của Tống triều, lại có thêm phần khảo chứng. Trong Phần Đề Tựa nói rằng mình ẩn cư trong núi thỉnh thoảng đọc được điều gì thì ghi ra giấy, do đó lấy 2 chữ ‘Ngụ Giản’ đặt tên cho Sách”.

    [Phụ chú.

    Chữ “Giản” ở đây tức “Giản độc”, cũng gọi “Thư độc”, chỉ chung sách vở, văn thư.

    Do đó, tôi dịch “giản độc chi thượng” là “ghi ra giấy”. Ngụ nghĩa là “cư trú”, là “gởi].

    Dương Gia Lạc ghi trong “Tứ Khố Toàn Thư Đại Từ Điển” như sau:

    - “Ngụ Giản thập Quyển.

    Tống Thẩm Tác Triết soạn. Thị thư hỉ dĩ Thiền giải Dịch, nhiên sở ngôn dữ Thẩm Cai Dịch Tiểu Truyện hữu biệt”.

    - “Ngụ Giản 10 Quyển.

    Thẩm Tác Triết thời Tống soạn. Sách này thích lấy Thiền giải DỊCH, có điều là những giải thuyết này của Sách có khác với cuốn “Dịch Tiểu Truyện” của Thẩm Cai”.

    [Phụ chú.

    Lấy Thiền giải Dịch cũng là một khuynh hướng trong Dịch học Trung Quốc thời Tống.

    Cuốn “Dịch Tiểu Truyện” của Thẩm Cai (? - ?) phân 06 Quyển. Vì từng là Thừa tướng nên sách này của Thẩm Cai còn được gọi là “Thẩm Thừa Tướng Dịch Truyện”.

    Thẩm Cai căn cứ Chính Thể (tức Chính Quái) phát huy tông chỉ của Hào, Tượng, lấy Biến Thể (tức Biến Quái) để suy cầu bản ý của biến động, lí giải ở đây nhằm sao cho phù hợp tông chỉ Quan Tượng ngoạn từ, Quan Biến ngoạn chiếm của Dịch Kinh.

    Về Chiếm pháp của Dịch, Thẩm Cai hoàn toàn theo các phương thức ghi lại trong các Sách Xuân Thu, Tả Truyện, mà không theo đương thời.

    Có thể nói về phương diện Dịch học Thẩm Cai bỏ mặt Lí của Trình Di (1033 - 1107) để theo quan điểm Số của Thiệu Ung (1011 - 1077) - thế nhưng, ông lại không chấp nhận thuyết Đồ Thư (tức Hà Đồ và Lạc Thư) của Thiệu Ung].

    Vĩnh Dung (1743 - 1790) và nhóm biên soạn “Tứ Khố Toàn Thư Giản Minh Mục Lục” có một số nhận định chi tiết hơn về Thẩm Tác Triết và cuốn “Ngụ Giản” như sau:

    - “Ngụ Giản thập Quyển.

    Tống Thẩm Tác Triết soạn. - tài biện tung hoành tự Tô Thức, kì phỉ bạc Vương An Thạch, để ngỗ Trình tử, dĩ cập đàm Dưỡng sinh, đam Thiền duyệt, trì luận dịch giai tự Thức, cái Mi Sơn chi dư Phái dã!

    Kỳ khảo cứ phả đa tinh cai, duy dĩ Thiền giải Dịch vi chi li nhi bất khả huấn”.

    - “Ngụ Giản 10 Quyển.

    Thẩm Tác Triết đời Tống soạn. - Tài học và biện luận của ông tương tự Tô Thức, việc ông chê Vương An Thạch là thiển lậu, chỉ trích Trình tử, cho tới việc luận đàm về các phương diện Dưỡng sinh, nỗi say mê Thiền, về các phương diện này, lí luận của ông đều giống (Tô) Thức, nói chung đây là cái dư hưởng của Phái Mi Sơn!

    Về mặt khảo cứ, ông có rất nhiều kiến giải tinh thẩm xác đáng, chỉ mỗi việc lấy Thiền giải Dịch là rườm rà, không thể coi như mẫu mực được”.

    [Phụ chú.

    Vĩnh Dung là con thứ 6 của Thanh Cao tông (1711 - 1799; tại vị: 1735 - 1795).

    Vĩnh Dung tinh thông Thư pháp, Hội họa. Về Thư pháp đạt được “bút ý” của Thư pháp Từ Hạo (703 - 782) thời Đường, về Hội họa về các tranh Sơn thủy thì theo phong cách Vương Thời Mẫn (1592 - 1680) sơ kì Thanh triều, còn “bút pháp” nói chung Vĩnh Dung  noi theo Họa pháp của Hoàng Công Vọng (1269 - 1355) Nguyên triều.

    Phái Mi Sơn. Tô Thức quê ở Mi Sơn, đất Thục (sau này là tỉnh Tứ Xuyên) cho nên các tư tưởng, quan điểm của Tô Thức được gọi là Phái Mi Sơn, cũng gọi Thục Phái, hoặc còn gọi là “Thục Đảng”, nếu nói về phương diện Chính trị

    Dưới triều Tống Triết tông (1077 - 1100; tại vị: 1085 - 1100) thời Bắc Tống (960 - 1127) trong khoảng Niên hiệu Nguyên Hựu (1086 - 1094) có 3 Đảng chính trị phản đối những biện pháp cải cách Chính trị, Xã hội, gọi là “Tân pháp”, hay còn gọi là “Biến pháp” của Vương An Thạch (1021 - 1086), là Lạc Đảng, Thục Đảng, Sóc Đảng, được gọi chung là “Nguyên Hựu Tam Đảng”. Lãnh tụ Lạc Đảng là học giả Trình Di (1033 - 1107), còn Thục Đảng Tô Thức cầm đầu, và Sóc Đảng có Lưu Chí, Lương Hi, Vương Nham Tẩu và Vương An Thế. Tên gọi Đảng căn cứ địa phương của lãnh tụ Đảng: Trình Di quê ở Lạc Dương nên gọi là Lạc Đảng, Tô Thức ở đất Thục nên gọi Thục Đảng, và tất cả các người của Sóc Đảng đều là người ở Miền Bắc Trung Hoa].

    Thời cổ, lúc chưa có giấy, viết trên phiến gỗ gọi là “Độc”, viết trên thẻ tre gọi là “Giản”.

    Chữ “Giản” trên Bộ “Trúc”, dưới là chữ “Gian” (Không gian, khoảng trống).

    Chữ “Độc” bên trái là Bộ “Phiến” (Cắt ra, chia ra), bên phải là chữ “Mại” (Bán).

    Ngoài ra, thời cổ còn phân biệt “Giản” và “Sách”. 

    Sách là thẻ tre lớn, để ghi chép việc lớn. Giản là thẻ tre nhỏ, để ghi chép việc nhỏ.

    Học giả Đỗ Dự (222 - 284) đề Tựa bản chú Xuân Thu Tả Truyện, viết:

    - “Chư hầu dịch các hữu Quốc sử, đại sự thư ư Sách, tiểu sự giản, độc nhi dĩ”.

                                                  /  Xuân Thu Tả Thị Truyện Chú. Tự  /.

    - “Các nước chư hầu nước nào cũng có Quốc sử, việc lớn thì ghi trên Thẻ tre lớn, còn việc nhỏ thì chỉ ghi trên thẻ tre nhỏ và trên phiến gỗ mà thôi”.

    Về kích thước của Trúc giản.

    Trong bài đề Tựa cho cuốn “Mục Thiên Tử Truyện” Tuân Húc (? - 289) viết:

    - “Thái Khang nhị niên Cấp huyện dân Bất Chuẩn đạo phát cổ trủng sở đắc thư dã giai trúc giản, tố ti biên. Dĩ thần Húc tiền sở khảo định cổ xích độ, kì GIẢN trường nhị xích tứ thốn, dĩ mặc thư, nhất giản tứ thập tự”.

    Dịch văn:

    - “Những Sách mà Bất Chuẩn, dân ở Cấp huyện, đào trộm mộ cổ năm thứ 2 Niên hiệu  Thái Khang đào được đều là những thẻ tre kết lại với nhau bằng sợi tơ trắng. Như sự khảo định trước đây của thần Húc tôi về độ dài của thước thời cổ thì mỗi Thẻ tre này dài 2 thước 4 tấc, chữ viết trên thẻ có màu đen, mỗi thẻ gồm 40 chữ”.

    [Phụ chú.

    Niên hiệu Thái Khang (280 - 289) của Tấn Vũ đế (236 - 290; tại vị: 265 - 290).

    Tuân Húc sống vào khoảng đầu đời Tây Tấn (265 - 317), độ dài của 1 XÍCH thời kỳ này có 2 trị số khác nhau phân ra 2 giai đoạn:

    - Từ năm 265 đến năm 273: 1 xích = 24.12 cm.

    - Từ năm 274 đến năm 316: 1 xích = 23.04 cm.

    Những thẻ tre ở mộ cổ ở Cấp huyện được tìm ra năm thứ 2 Niên hiệu Thái Khang tức năm 281, tức trong khoảng từ 274 đến 316, vậy độ dài của 1 xích ở đây là 23.04 cm.

    Vậy, 1 thẻ tre dài “2 thước 4 tấc” lúc Tuân Húc khảo định nói ở đoạn dẫn trên sẽ là:

    (23.04 cm x 2) + (2.304 cm x 4) = 46.080 cm + 9.216 cm = 55.296 cm. 1 xích = 10 tấc].

    Tiếp liền sau đoạn vừa dẫn trên Tuân Húc viết:

    - “Cấp giả, Chiến Quốc thời Ngụy địa dã. Án: - Sở đắc kỷ niên, cái Ngụy Huệ vương Thành vương tử Lệnh vương chi trủng dã. Ư Thế Bản, cái Tương vương dã.

    Án: - Sử Ký Lục quốc Niên biểu tự Lệnh vương nhị thập nhất niên chí Tần Thủy hoàng tam thập tứ niên ‘Phần thư’ chi tuế bát thập lục niên, cập chí Thái Khang nhị niên sơ đắc thử thư phàm ngũ bách thất thập cửu niên”.

    Dịch văn:

    - “Cấp huyện thời Chiến Quốc thuộc lãnh thổ nước Ngụy. Xét: - Theo thời điểm nêu trong sách thì biết đây là mộ của Lệnh vương, là con Ngụy Huệ Thành vương. Theo sách Thế Bản thì Lệnh vương tức Ngụy Tương vương.

    Xét: - Theo Niên biểu về Lục quốc trong bộ Sử Ký thì từ năm thứ 21 thời Lệnh vương đến sự kiện “Đốt sách” vào năm thứ 34 đời Tần Thủy hoàng là 86 năm, và đến lúc tìm được sách này vào đầu năm thứ 2 Niên hiệu Thái Khang là 579 năm”.

    [Phụ chú.

    Chiến Quốc (403 - 221 tr. Cn). Năm 403 trước Tây lịch là thời điểm nước Tấn tam phân thành 3 nước Hàn, Triệu, Ngụy, tạo thành thế Thất Quốc mà Sử gọi là Chiến Quốc.

    Nói “Thời điểm nêu trong sách”, Sách đây là Bộ “Mục Thiên Tử Truyện” mà Tuân Húc viết bài Đề Tựa.

    Ngụy Huệ Thành vương (400 - 319 tr. Cn; tại vị: 370 - 319) tức Ngụy Huệ vương, còn danh xưng Thành vương là Miếu hiệu.

    Ngụy Tương vương (? - 296 tr. Cn; tại vị: 318 - 296). Miếu hiệu: Ai vương.

    Năm thứ 21 đời Ngụy Tương vương là năm 298 trước Công nguyên.

    Năm thứ 34 Tần Thủy hoàng “Đốt sách” là năm 213 trước Công nguyên.

    Năm thứ 2 Niên hiệu Thái Khang (280 - 289) là năm 281 Công nguyên.

    Khi đào mộ Ngụy Tương vương (có thuyết nói mộ của An Li vương) thì tìm thấy được mấy chục xe trúc thư và 13 thiên Kỉ Niên.  (Tấn Thư. Qu. LI. Thúc Tích truyện)].

    Và như vậy, kích thước của trúc giản (thẻ tre) nói ở đây là trúc giản thời Chiến Quốc. Trước nữa, ngược lên thời Xuân Thu (770 - 403 tr. Cn) thì không rõ là kích thước của thẻ tre là bao nhiêu? Ngoài ra, Tuân Húc không cho biết vài chi tiết cũng cần biết nữa như bề rộng thẻ tre là bao nhiêu, mỗi thẻ tre viết được mấy hàng chữ......

     + Nguyễn Khắc Thuần. [3].

    - “Nay thấy trong KIÊN HỒ TẬP 13 có chép về……”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 15).

    Chú thích.

    -13 Cũng có dịch giả phiên âm là KIÊN BIỀU TẬP nhưng căn cứ vào mặt chữ Hán, chúng tôi đọc là KIÊN HỒ TẬP. Dẫu vậy, chúng tôi cũng đồng ý rằng phải viết là KIÊN BIỀU TẬP mới đúng”.

     Minh Di.

    Thế là thế nào? Thế thì viết “KIÊN BIỀU TẬP” đúng, mà ghi là “KIÊN HỒ TẬP” là sai?

    Nếu đã nói “KIÊN BIỀU TẬP” là đúng thì phải viết ra, ghi xuống là “KIÊN BIỀU TẬP” chứ! Viết một câu như vậy mà Nguyễn Khắc Thuần cũng viết được thì thực là vớ vẩn!

    Không rõ Nguyễn Khắc Thuần căn cứ vào đâu, từ Sách vở nào, để nói rằng danh xưng của tác phẩm ở đây phải là “KIÊN BIỀU TẬP mới đúng”?

    Chữ “Hồ” này nghĩa là trái Bầu - thuộc Bộ Qua (dưa), bên trái là chữ “khoa” có một số nghĩa như xa xỉ, nói quá (khoa trương) đẹp đẽ…… 

    Còn chữ Nguyễn Khắc Thuần nói là chữ “biều” viết khác; chữ này cũng Bộ Qua, ở bên trái là chữ “phiêu” nghĩa là sáng rõ, là nhanh…… Chữ này đúng phải đọc là “Phiêu” và có nghĩa là khoét ruột trái bầu để làm bình đựng nước, hay đựng rượu.

    + Danh xưng “Kiên Hồ Tập” lấy từ một ngụ ngôn trong sách “Hàn Phi Tử”. 

    Hàn Phi (280 - 233 tr. Cn) viết:

    - “Tề hữu cư sĩ Điền Trọng giả, Tống nhân Khuất Cốc kiến chi, viết:

    ~ Cốc văn tiên sinh chi nghĩa, bất thị nhân nhi thực, kim Cốc hữu thụ hồ chi đạo, kiên như thạch, hậu nhi vô khiếu, hiến chi.

    Trọng viết:

    ~ Phù hồ sở quí giả, vị kỳ khả dĩ thành dã. Kim hậu nhi vô khiếu, tắc bất khả phẫuthành vật; nhi nhiệm trọng như kiên thạch tắc bất khả dĩ phẫu nhi dĩ châm. Ngô vô dĩ hồ vi dã.

    Viết:

    ~ Nhiên, Cốc tương khí chi!

    Kim Điền Trọng bất thị nhân nhi thực, dịch vô ích nhân chi Quốc, dịch kiên hồ chi loại dã!”.

        /  Hàn Phi Tử Tập Giải. Qu. XI. Ngoại Trừ Thuyết. Tả Thượng đệ 32  /.

    - “Nước Tề có cư sĩ Điền Trọng, người nước Tống là Khuất Cốc tới gặp ông và nói:

    ~ Cốc tôi nghe nói tiên sinh là người nghĩa khí, không ăn bám người khác, Cốc tôi đây có giống bầu cứng như đá, dày chắc mà đặc ruột, xin biếu tiên sinh.

    Điền Trọng nói:

    ~ Trái bầu quí ở chỗ có thể dùng làm vật chứa. Bây giờ trái bầu (của ông) dày chắc mà ruột không rỗng thì không thể xẻ khoét để chứa đựng; lại cứng như đá thì không thể xẻ    khoét để đựng nước, đựng rượu. Tôi không làm gì được với thứ bầu này.

    (Khuất Cốc) nói:

    ~ Nếu vậy Cốc tôi sẽ bỏ giống bầu này đi!

    Bây giờ Điền Trọng không nương tựa vào người khác mà ăn thì cũng như Quốc gia mà không làm điều lợi ích cho con người, thì cũng như loại bầu cứng ruột vậy!”.

    [Phụ chú.

    Cư sĩ trong đoạn trên chỉ người có học thức mà không ra làm quan].

    Tác giả của “KIÊN HỒ TẬP” là Trữ Nhân Hoạch, tên Hiệu là Giá Hiên, vì thế, cũng được gọi là Trữ Giá Hiên, học giả sơ kỳ Thanh triều (1644 - 1911).

    - “KIÊN HỒ TẬP” là danh xưng chung của một Tổng tập Bút kí gồm 6 Tập, mỗi Tập có một tên gọi riêng:

    (1). Kiên Hồ Tập. Tập này lại phân 10 Tập, từ ‘Thủ Tập’ (Tập Đầu) đến ‘Thập Tập’, và phân đều mỗi Tập gồm 04 Quyển, cộng tất cả 40 Quyển.

    (2). Kiên Hồ Tục Tập. 04 Quyển.

    (3). Kiên Hồ Quảng Tập. 06 Quyển.

    (4). Kiên Hồ Bổ Tập. 06 Quyển.

    (5). Kiên Hồ Bí Tập. 06 Quyển.

    (6). Kiên Hồ Dư Tập. 04 Quyển.

    Cộng 6 Tập được tất cả 66 Quyển.

    + Nội dung “Kiên Hồ Tập” cực kỳ phong phú, tự thuật bao quát rất nhiều lãnh vực, như Kinh, Sử, Thi văn, Nhân vật, Phong tục Tập quán, ẩm thực, Danh lam Thắng cảnh……

    Lấy 2 chữ “KIÊN HỒ” đặt Tựa Sách Trữ Nhân Hoạch có ý khiêm tốn là Bút ký của mình vốn không có ích lợi gì về mặt thực tế.

    Đề Tựa cho cuốn “Kiên Hồ Tam Tập”, Mao Tông Cương (1632 - 1710 ?), Phê bình gia trứ danh trong lãnh vực tiểu thuyết sơ kỳ Thanh triều có đoạn viết:

    - “…... Cố thư thành nhi thủ nghĩa ư vật chi vô dụng như kiên hồ giả dĩ danh kỳ biên”.

    - “...... Cho nên sách viết xong thì lấy ý nghĩa 1 vật vô dụng như trái bầu cứng đặc mà đặt tên cho tập sách của mình”.

    Năm sinh, năm tử đích xác của Trữ Nhân Hoạch cho đến nay vẫn chưa truy cứu ra.

    Cuối bài đề Tựa đã dẫn trên Mao Tông Cương ghi:

    - “Đồng học Kiết Am Mao Tông Cương, Tự Thủy Thị, mạn đề”.

    - “Bạn đồng học, Kiết Am Mao Tông Cương, Tự là Thủy Thị, tùy tiện đề (mấy giòng)”.   

    + Cứ đó thì có thể suy đoán Trữ Nhân Hoạch sinh trong khoảng 1630 đến 1632 - hoặc trễ lắm là trước, sau năm 1635 một chút. 

     Bởi không biết KIÊN HỒ TẬP là của ai, ý nghĩa tựa sách là gì, xuất xứ từ đâu, nội dung nói gì, cho nên Nguyễn Khắc Thuần mới chú thích và nhận định vớ vẩn như thế!

    Cho nên là, cái ông dịch giả nào đó Nguyễn Khắc Thuần nói đã phiên âm tên tác phẩm của Trữ Nhân Hoạch là “KIÊN BIỀU TẬP”, cái ông dịch giả này đã viết tầm bậy, tầm bậy là vì không biết ý nghĩa của Tựa sách như đã nói trên.

    Và ở đây có một chuyện quan trọng lẽ ra ông Nguyễn Khắc Thuần phải làm, nhưng đã không làm - mà cũng không thể làm được, là khi đồng ý với ông dịch giả nào đó cho tựa Sách “Kiên Biều Tập” đúng Nguyễn Khắc Thuần phải chứng minh tại sao đúng, và mặt kia, tại sao tên gọi “Kiên Hồ Tập” lại sai? Nguyễn Khắc Thuần làm việc kiểu gì đây tôi không thể nào nghĩ, tưởng ra được!

    Sau hết, Kiên Hồ Tập là một trong những tập Bút kí của Trung Hoa có một số ghi chép về An Nam trước đây.

     (KỲ 2)

    Sau đây là lược một vài điều ghi trong Kiên Hồ Tập về đất nước An Nam.

    + Kiên Hồ Bổ Tập. Qu. IV. An Nam Cống sứ.

    Tự thuật về một kỳ triều cống của An Nam, liệt kê các cống vật, và cho biết về một số chữ Hán người Việt viết khác với Trung Hoa, cũng như thi văn của Cống sứ.

    + Kiên Hồ Dư Tập. Qu. I. An Nam Thí Lục.

    Nói về chế độ khoa cử An Nam thời Lê Thánh Tông và so sánh với chế độ khoa cử của Trung Hoa, rồi cho biết là chế độ khoa cử của An Nam còn chi tiết hơn cả ở Trung Hoa đồng thời tán thưởng trình độ văn chương, thi phú của An Nam đương thời qua một số bài khảo hạch trong Khoa thi năm Tân Mão (năm 1471) ở Đạo An Bang.  

    + Kiên Hồ Dư Tập. Qu. IV. Ngoại quốc nhân tiến sĩ.

    Liệt kê danh tánh, và tịch quán của một số người Giao Chỉ thi đậu tiến sĩ ở Trung Quốc thời Minh triều trong khoảng từ năm 1454 đến năm 1523.

     + Nguyễn Khắc Thuần. [4]. [5].

    - “Bấy giờ, Gia Quốc Công Vũ Văn Mật làm Trấn Thủ ở Tuyên Quang vẫn theo chính sóc của Nguyên Hòa 7....... “. (Qu. 5. Tài Phẩm. 23).

    Chú thích.

    -7 Chính sóc của Nguyên Hòa nghĩa là theo chính sóc của ông Hoàng Đế có niên hiệu là Nguyên Hòa…… Nguyên nghĩa, theo chính sóc nghĩa là theo lịch, đúng ra là tính thời gian theo niên hiệu. Tính theo niên hiệu nào là thần phục Hoàng Đế đặt niên hiệu đó”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần chú thích vẫn còn thiếu sót. Điều ông phải giải thích rõ ra ở đây là 2 chữ “chính sóc”. Nói “theo lịch” là theo ra làm sao?

    Và, cho chính xác thì chữ “chính” ở đây phải đọc âm “chinh”!

    Hồ Tam Tỉnh (1230 - 1302) chú thích “Tư Trị Thông Giám”, viết:

    - “Cổ giả thiên tử thường dĩ quí Đông ban lai tuế thập nhị nguyệt chi Sóc vu chư hầu. Chư hầu thụ nhi tàng Tổ miếu, chi nguyệt Sóc tắc dĩ đặc dương cáo Miếu, thỉnh nhi hành chi”.

              /  Tư Trị Thông Giám. Qu. CXXXV. Tề kỉ 1. Thái tổ Cao hoàng đế  /.

    - “Thời cổ, thiên tử cứ vào cuối Đông thì ban cho chư hầu 1 Bản ghi những ngày đầu của 12 tháng năm sau. Chư hầu nhận Bản này thì đem cất giữ ở Tổ miếu, để chờ đến ngày đầu tháng thì tế 1 con dê đực, cáo ở Tổ miếu, thỉnh Bản (Nguyệt Sóc nói trên) mà thi hành”.

    Thời cổ, một triều đại mới lên, để biểu thị lẽ “Ứng Thiên thừa vận” thì định lại Lịch pháp với hàm ý rằng bậc Vương giả nắm được chính sự khởi đầu từ ta, cho nên bỏ LỊCH CŨ ban hành LỊCH MỚI - Chẳng hạn Hạ triều định tháng Dần là tháng Giêng, tiếp theo đó Thương triều lại chọn Sửu làm tháng Giêng, Chu triều thì cho Tí là tháng Giêng, còn Tần triều thì tháng Giêng là tháng Hợi...…

    Chinh là ngày đầu của Năm, Sóc là ngày đầu của Tháng, cho nên trong những thời cổ nói ban Chinh Sóc tức nói ban Lịch pháp, suy ra là ban mệnh lệnh của triều đình.

    Đây là ý nghĩa của việc ban Chinh Sóc.

    Nguyễn Khắc Thuần nói rằng: - “Nguyên nghĩa, theo chính sóc nghĩa là theo lịch, đúng ra là tính thời gian theo niên hiệu. Tính theo niên hiệu nào là thần phục Hoàng Đế đặt niên hiệu đó”.

    Nói thế cũng chưa đúng hẳn, mà phải nói là thần phục cả một triều đại đã qui định mốc chinh, sóc cho Lịch pháp đó, tức từ lúc triều đại đó lên nắm vận mệnh Quốc gia, vì lẽ mốc Chinh Sóc vốn đã được định từ vị hoàng đế khai sáng triều đại, các vua kế tiếp cứ đó mà theo.

    Và sau cùng, như đã nói ở một đoạn trước, chữ “Chính” trong tiếng “Chính sóc” ở đây phải đọc âm “Chinh”.

    Từ điển Từ Nguyên:

    - “[Chính].

    1). Chi doanh thiết, khứ, Kính vận, Chiếu.

    ..............................................................…

    2). Chư doanh thiết, bình, Thanh vận, Chiếu.

    .............. (18). Nông lịch nhất niên đích đệ nhất cá nguyệt”.

    Dịch nghĩa:

    - “[Chính].

    1). Thiết âm là Chi + doanh, khứ thanh, vận chữ Kính, phụ âm đầu của chữ Chiếu.

    ..................................................................

    2). Thiết âm là Chư + doanh, bình thanh, vận chữ Thanh, phụ âm đầu của chữ Chiếu.

    ............... (18). Tháng đầu tiên của một năm trong Nông (Âm) lịch”.

    Như dẫn trên, chữ Chính trong từ “Chính Sóc” phải đọc âm thứ 2). Là âm “CHINH”.

     + Nguyễn Khắc Thuần. [6]. [7].

    - “Con ông 3 tên là (Trịnh) Đán làm Binh Bộ Thượng Thư, hiện nay vẫn còn có bia thần đạo 4 ở xã An Hoành”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 28).

    Chú thích.

    -4 Bia thần đạo là bia ghi việc được ban sắc phong làm thần”.

     Minh Di.

    Coi chú thích của Nguyễn Khắc Thuần giải nghĩa tiếng “Bia thần đạo” (Thần đạo bi) mà tôi đến không thể nào ngờ một tiếng bình thường như vậy mà ông cũng sai cho được!

    Thần Đạo Bi là tấm bia dựng trên đường đi trước mộ phần, trên bia khắc một bài văn  tự thuật tiểu sử (cuộc đời, sự nghiệp) của người quá vãng, tuyệt đối đây không phải là tấm bia ghi việc được ban sắc phong làm thần như Nguyễn Khắc Thuần nói bậy bạ!

    Từ điển Từ Nguyên:

    - “[Thần Đạo Bi]. Lập tại mộ đạo thượng đích BI, thượng ký tử giả sinh bình”.

    Hán Dương Chấn bi, thủ đề tác: - ‘Cố Thái úy Dương công Thần Đạo Bi minh’.

    Tham duyệt: Tống, Ngô Tăng ‘Năng Cải Trai Mạn Lục’, Nhị. Mộ Lộ xưng Thần Đạo”.

    Dịch nghĩa:

    - “[Thần Đạo Bi]. TẤM BIA dựng trên đường đi trước mộ phần, trên BIA khắc Bài văn tự thuật cuộc đời của người quá vãng.

    Tấm bia của Dương Chấn thời Hán ở trên đầu Bia khắc: - ‘Bài minh ghi lại tiều sử của ông Thái úy quá cố họ Dương’. 

    Đọc thêm: ‘Năng Cải Trai Mạn Lục’, Quyển II. ‘Đường trước Mộ gọi là Thần Đạo’, của Ngô Tăng đời Tống”.

     Minh Di án:

    Từ điển Từ Nguyên nói rằng bài “Đường đi trước Mộ gọi là Thần Đạo” trong tập bút ký “Năng Cải Trai Mạn Lục” của Ngô Tăng nằm ở Quyển II.

    Mở tập bút ký nói trên thì thấy Từ Nguyên đã lầm! Đoạn văn ngắn dẫn trên, chính xác thuộc Quyển I của tập bút ký.

    (Tham khảo Năng Cải Trai Mạn Lục. Qu. I. Sự thủy. 73. Mộ lộ xưng Thần Đạo). 

     Từ điển Từ Hải:

    - “[Thần Đạo Bi]. Mộ đạo tiền lập Bi dĩ ký tử giả chi sinh bình vị chi Thần Đạo Bi”.

    - “[Thần Đạo Bi]. Tấm Bia lập trước mộ để ghi lại cuộc đời của người chết được gọi là Thần Đạo Bi”.

    Cứ như định nghĩa trên đây, Thần Đạo Bi là Tấm bia ghi Hành trạng (Tiểu sử, Truyện) của một người quá vãng.

    Tục lập “Thần Đạo Bi”, theo “Năng Cải Trai Mạn Lục” bắt đầu có từ thời Tây Hán.

    (Tham khảo Sđd. Quyển thứ và điều mục đã dẫn ở trang trước).

    Nhưng, cũng cần nói rõ ở đây là những người được lập bia, khắc lại tiểu sử trên bia đều là những người có thanh vọng hoặc trong giới quyền quí, hoặc trong giới trí thức.

    Văn hào Hàn Dũ (768 - 824) trong suốt một đời chỉ viết có 6 bài “THẦN ĐẠO BI” cho 6 nhân vật có tiếng tăm đương thời. 

    Thần Đạo là lối đi, đường đi trước mộ phần. Cũng Từ điển Từ Nguyên dẫn trên:

    - “[Thần Đạo].......

    [3]. Mộ đạo. Ý vi Thần hành đích đạo lộ...…

    Hậu Hán Thư. Tứ nhị, ‘Trung Sơn Giản vương Yên truyện’: ‘Đại vi tu trủng doanh, khai Thần Đạo’.

    Chú: ‘Mộ tiền khai đạo, kiến thạch trụ dĩ vi tiêu, vị chi Thần Đạo’. “.

    Dịch nghĩa:

    - “[Thần Đạo]....…

    [3]. Lối đi (phía trước) của mộ phần. Ý nói là đường của Thần đi...…

    Hậu Hán Thư. Quyển XLII, ‘Trung Sơn Giản vương Yên truyện’ (chép): ‘Cho sửa sang làm lại Mộ phần to lớn (hơn), mở đường đi trước mộ ’.

    Chú thích: ‘Trước mộ làm đường đi, dựng trụ đá làm mốc, gọi là Thần Đạo’.”.

     inh Di án:

    Chú thích Từ Nguyên dẫn trên là của Lý Hiền (655 - 684) đời Đường.

    Trong cuốn “Hậu Hán Thư Tập Giải” Vương Tiên Khiêm (1842 - 1917) cuối đời Thanh viện dẫn lời học giả Huệ Đống (1697 -1758) viết:

    - Thần đạo chi xưng thủy vu Tây Hán. [“Danh xưng Thần đạo khởi từ thời Tây Hán”].

      Sử gia Ban Cố (32 - 92) chép:

    - “Vũ kí tự vi Bác Lục Hầu, thái phu nhân Hiển cải Quang thời sở tự tạo doanh chế nhi xỉ đại chi; khởi tam xuất khuyết trúc thần đạo, bắc lâm Chiêu Linh, nam xuất Thừa Ân”.

                                          /  Hán Thư. Qu. LXVIII. Hoắc Quang truyện  /.

    - “Sau khi (Hoắc) Vũ kế thừa (cha) giữ tước Bác Lục Hầu thì thái phu nhân (tên) Hiển cho sửa lại phần mộ mà (Hoắc) Quang xây lúc còn sống, xây cất lớn hơn, xa xỉ hơn, ở 3 bên mộ phần, mỗi bên dựng 2 cây cột [đá], cho làm đường đi trước mộ phần, về phía Bắc (đường) chạy tới Chiêu Linh Quán, về phía Nam trải tới Thừa Ân Quán”.

    Về 2 tên gọi Chiêu LinhThừa Ân trong đoạn dẫn trên, Nhan Sư Cổ (581 - 645) viết:

    - “Phục Kiền viết: Chiêu Linh, Thừa Ân, giai quán danh dã.

    Lý Kì viết: Chiêu Linh, Cao tổ mẫu trủng viên dã.

    Văn Dĩnh viết: Thừa Ân, Nghi Bình Hầu trủng viên dã.

    Sư Cổ viết: Phục thuyết thị dã, Văn, Lý tịnh thất chi”.

    Dịch nghĩa:

    - “Phục Kiền nói: Chiêu Linh, Thừa Ân đều là tên Quán.

    Lý Kì nói: Chiêu Linh là (tên) cái vườn ở khu mộ phần của mẹ (Hán) Cao tổ.

    Văn Dĩnh nói: Thừa Ân là (tên) cái vườn ở khu mộ phần của Nghi Bình Hầu.

    Sư Cổ nói: Thuyết của Phục Kiền đúng, Văn Dĩnh, Lý Kì đều sai”.

    Chưa rõ Chiêu Linh QuánThừa Ân Quán là “Quán” gì? là Quán xá? là Thư quán? hay Quan thự? Chú thích trên đây của Nhan Sư Cổ (581 - 645) cũng đã không làm cho chúng ta hết thắc mắc về loại của 2 cái Quán này: là Quán gì?  

    Sau hết, cần nói thêm một điều:

    Có những nhân vật mà tiểu sử đã không được Sử sách đương thời ghi lại trong một số trường hợp nhờ những “Thần đạo bi” mà người đời sau có dữ kiện mà ghi vào sách.

    Trong “Tân Đường Thư”, khi ghi lại tiểu sử của Vương Trọng Thư (762 - 823), sử gia Âu Dương Tu (1007 - 1072) đã căn cứ bài Thần Đạo Bi của Hàn Dũ đời Đường viết về nhân vật này. Bài Thần Đạo Bi viết về Vương Trọng Thư này của Hàn Dũ tựa là:

    ~ Đường cố Giang Nam tây đạo Quan Sát sứ, Trung đại phu, Hồng Châu thích sử kiêm Ngự Sử Trung Thừa, Thượng Trụ Quốc, Tứ Tử Kim Ngư Đại, tặng Tả Tán Kị Thường thị, Thái Nguyên Vương công THẦN ĐẠO BI minh.

     Nguyễn Khắc Thuần nói Thần Đạo Bi là bia ghi việc được ban sắc phong làm thần.

    Với những gì tôi trưng dẫn trên đây về các tiếng “Thần đạo”, “Thần đạo bi” thì tôi đây xin hỏi ông Nguyễn Khắc Thuần, ông đọc ở đâu hay là chỉ thấy 2 chữ Thần đạo, cứ đó mà suy đoán theo cái kiến thức rất hạn hẹp, rất thiếu học vấn của ông, Thần nào ở đây thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?

    Ngoài ra, đối chiếu với nguyên tác Hán văn thì thấy trong câu dịch trích dẫn trên đây Nguyễn Khắc Thuần đã dịch thiếu mất 1 chữ:

    Nguyên tác viết:

    - “Trịnh Khả...…

    Tử Công Đán, Binh bộ Thượng thư, hữu Thần đạo bi...…”.

    Dịch nghĩa:

    - “Trịnh Khả...…

    Con là (Trịnh) Công Đán, là Binh bộ Thượng thư, có Bia ghi tiểu sử...…”.

    Nguyễn Khắc Thuần, như đã dẫn, dịch thiếu chữ “Công”, chỉ dịch là “(Trịnh) Đán)”.

    Thiếu sót trên đây quá hiển nhiên, bất cứ độc giả nào ghé mắt vào nguyên tác cũng sẽ đi đến kết luận là Nguyễn Khắc Thuần đã không đọc bản Hán văn, không thể tìm được một kết luận nào khác hơn!

    Nếu dịch thiếu ý còn có thể, nhưng dịch thiếu chữ trong tên người, tên sự vật, sự việc thì đây là việc rất hiếm!

     + Nguyễn Khắc Thuần. [8].

    - “Chiêm Thành tuy là một nước nhỏ nhưng nhân tài cũng không ít”.

    (Qu. 5. Tài Phẩm. 29).

     Minh Di.

    Ông có đọc nguyên tác Hán văn không đây ông Nguyễn Khắc Thuần?

    Nguyên tác ghi rành rành như sau:

    - “Chiêm Thành nhất quốc nhân tài dịch phi thiểu dã!”.

    Dịch nghĩa:

    - “Nhân tài của cả nước Chiêm Thành cũng không phải là ít!”.

     Đối chiếu thì độc giả thấy ngay ông Nguyễn Khắc Thuần đã dịch không chính xác, dịch không đúng với nguyên tác!

    Làm gì có cái ý tuy là một nước nhỏ ở đây, thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?

    Nếu ông dịch sai thì do trình độ, tài học ông còn kém, kém nhưng dầu sao ông cũng có ghé mắt vào nguyên tác! Trong khi ở đây nguyên tác không ghi, không chép, vậy mà không biết ông lấy từ đâu ra để mà dịch câu “tuy là một nước nhỏ”? Không có ông làm cho thành có, thực là đáng ngờ hết sức!

    Nguyễn Khắc Thuần có đọc bản Hán văn không đây, hay là ông chỉ biết nhắm mắt mà cóp từ một bản dịch ba láp nào đó, và cứ thế bê vào bản dịch của ông mà không cần đối chiếu với nguyên tác [mà tôi đây cũng chẳng rõ là ông kia có rành rẽ Hán văn hay không để có thể đối chiếu hay không nữa?].

    Ở đây, cũng như ở trang trước, một lần nữa, Nguyễn Khắc Thuần đã để lộ cho độc giả thấy là chừng như ông ta không đọc nguyên tác Hán văn; vì nếu ông ta thực sự có đọc ông ta không thể nào phạm những sơ sót như tôi trưng ra ở đây!  

    + Nguyễn Khắc Thuần. [9].

    - “Nhà ở của (Lê) Niệm có tên là Thoát Hiên, ngụ ý hâm mộ ý chí khí Đào Chu 1......”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 32).

    Chú thích.

    -1 Đào Chu nói ở đây là Phạm Lãi, người Trung Quốc thời Xuân Thu. Ông là người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn hạ được Ngô Phù Sai, nhưng sau đó thì bỏ đi chu du khắp Ngũ Hồ chứ không chịu ra làm quan cho Việt Vương Câu Tiễn”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần lẽ ra phải chú thích tại sao Phạm Lãi lại được gọi là Đào Chu.

    Danh xưng Đào Chu của Phạm Lãi liên quan nghề Gốm của Trung Quốc.

    Nói tới Bình Trà đất nung trong “Trà nghệ Trung Quốc” thì không thể không đề cập loại bình trà gọi là “Tử sa Trà hồ” sản xuất tại huyện Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô.

    Đất Nghi Hưng vào các thời Xuân Thu (770 - 403 tr. Cn), Chiến Quốc (403 - 221 tr. Cn) có tên là Kinh Khê, vì gần Kinh Nam Sơn, lại nữa ngọn Thương Sơn trong địa hạt có một cái khe nước tên Thanh Khê, do đó được mệnh danh là Kinh Khê.

    Sau đó, trải các triều Tần (221 - 206 tr. Cn), rồi Hán (206 tr. Cn - 220 Cn) đất Kinh Khê được đổi tên thành Dương Diễn. Cuối thời Tây Tấn (265 - 317), Chu Khởi (258 - 313) tại đất này đã trước, sau 3 lần hưng nghĩa quân tham gia việc đánh dẹp cuộc nổi dậy của Thạch Băng (? - 304) và sau đó là Trần Mẫn (? - 307), Tiền Khoái (? - ?), vì thế mà sau đó đất này lại được đổi tên thành Nghĩa Hưng.

    Sau đó, tới thời Triệu Tống (960 - 1279), vì Tống Thái tông (939 - 997; tại vị: 976 - 997) tên Triệu Quang Nghĩa cho nên đất Nghĩa Hưng đã phải đổi tên lại thành Nghi Hưng vào đầu Niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976 - 984).

    Nghề Gốm, nghề Sứ tại Nghi Hưng có một Lịch sử rất lâu đời. Theo truyền thuyết đã khởi đầu từ quan đại phu Phạm Lãi (? - ?) nước Việt vào cuối thời Xuân Thu. Gia đình Phạm Lãi ở đất Kinh Khê làm nghề gốm mà trở nên giàu có và Phạm Lãi được gọi qua biệt hiệu “Đào Chu Công”, chữ “Đào” có nghĩa là “Đồ Gốm”. Cũng vì thế mà giới hành nghề Gốm ở Nghi Hưng thời trước đã tôn Phạm Lãi là “Đào Tổ”, (Tổ nghề Gốm). 

     + Nguyễn Khắc Thuần. [10].

    - “Lê Thánh Tông khi còn ở Phiên Để 4 ...…”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 33).

    Chú thích. 

    -4 Phiên Đểnơi ở trước khi lên ngôi của các bậc Đế Vương”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần chú thích thật hàm hồ! Nơi ở trước khi lên ngôi nó ra làm sao đây thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?

     Từ điển Từ Nguyên:

    - “[Phiên để]. Chư hầu vương đích phủ đệ”.

    Dịch:

    - “Phủ đệ của các bậc vương của chư hầu”.

    ~ Nghĩa của tiếng “Phiên để” giản dị chỉ là một danh xưng chỉ dinh thự của bậc vương nói chung, chứ không chuyên chỉ “nơi ở trước khi lên ngôi của các bậc Đế Vương” như Nguyễn Khắc Thuần đã giải thích ba láp!

    Bậc vương nào cũng có phủ đệ riêng, và như vậy, không lẽ bậc vương nào có phủ đệ rồi cũng được lên ngôi vua? Thiệt là ba láp!

     Dũ Tín (513 - 581) thời Bắc Chu (557 - 581) viết:

    Hữu mỹ lệnh đức,

    Mậu thân phiên để.

                 /  Dũ Tử Sơn Tập. Qu. XV. Chí minh.

                    Chu Đại Tướng Quân Nghĩa Hưng Công Tiêu công mộ chí minh  /.

                                               Có đức tốt đẹp,

                                               Người thân đầy phủ.

    Trên đây là bài minh Dũ Tín tự thuật công nghiệp, đức độ của Tiêu Thế Di (? - 568), là đại thần triều Bắc Chu. Tiêu Thế Di có phải là hoàng đế đâu Nguyễn Khắc Thuần?

    Tiêu Thế Di có Truyện trong bộ Chu Thư (Qu. XLII).

     + Nguyễn Khắc Thuần. [11].

    - “Mưu việc nước mỗi lần đều như Lý Bí 1 thời Đường”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 36).

    Chú thích.

    -1 Nguyên bản viết là   nên chúng tôi phải phiên âm là Lý Bí chứ có lẽ đây là nhân vật Lý Bật, một văn thần xuất sắc của Trung Quốc thời nhà Đường. Ông người Kinh Triệu, làm quan dưới các thời Đường Túc Tông (756 - 762), Đường Đại Tông (762 - 799), Đường Đức Tông (779 - 805)”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần lại viết tầm bậy! Đúng ông lại viết cho thành sai, lại chú thích cho lòi cái khả năng kém cỏi của ông ra!

    Lê Quí Đôn đã viết đúng, nhân vật này đúng là Lý Bí (722 - 789), đại thần đời Đường.

    Lúc Đường Túc tông (711 - 762; tại vị: 756 - 761) tức vị thì triệu Lý Bí ra làm tham mưu Quân sự. Chưa được bao lâu thì bị Lý Phụ Quốc (704 - 762) - hoạn quan sủng ái của Túc tông vu cáo hãm hại nên Lý Bí về ẩn ở Hành Sơn.

    Đường Đại tông (726 - 779; tại vị: 762 - 779) tức vị, lại triệu ông về triều, giao cho chức Hàn lâm Học sĩ, và sau đó xuất nhiệm Thích Sử Sở Châu.

    Thời Đức tông (742 - 805; tại vị: 779 - 805), năm 787 ông đang tại chức Quan Sát sứ ở đất Tây Quách,Thiểm Châu, thì triều đình triệu về giao chức Trung Thư Thị Lang - và Đồng Bình Chương Sự (chức quan do Đường triều lập, tức như Tể tướng).

    Trong thời gian nắm giữ Chính sự Lý Bí khuyên Đức tông không nên nghi kỵ công thần đồng thời kiến nghị về mặt đối ngoại ở phương Bắc hòa hoãn với Hồi Hột, ở phía Nam liên minh với Nam Chiếu, và ở mặt Tây thân với nước Đại Thực để cô lập Thổ Phồn.

    [Phụ chú. Hồi Hột là hậu duệ của Hung Nô. Đại Thực tức Á Rập].

    Các đề nghị trên đây đều được Đường Đức tông nghe theo.

     Lý Bí chứ Lý Bật nào ở đây, Nguyễn Khắc Thuần?

    ~ Duyệt Lịch sử, và Văn học sử, Đường triều thì không thấy có “văn thần xuất sắc” nào tên là Lý Bật, như Nguyễn Khắc Thuần nói cả! Không rõ Nguyễn Khắc Thuần tìm kiếm được nhân vật này ở đâu?

    Ngoài ra, Nguyễn Khắc Thuần còn sai 1 điểm nữa là Đường Túc tông chỉ làm vua đến năm 761, chứ không phải năm 762 như Nguyễn Khắc Thuần ghi ở phần chú thích.  

    + Nguyễn Khắc Thuần. [12].

    - “Sự nghiệp mãi còn 1”. (Qu. 5. Tài phẩm. 58).

    Chú thích.

    -1 Sự ngiệp mãi còn: Nguyên bản viết là     (Diêm mai vĩnh tế). Trong đó, diêm là muối, mai là quả mơ chua - hai gia vị không thể thiếu khi nấu ăn. Hai gia vị này mãi còn thì phúc nhà cũng sẽ mãi còn. Vĩnh tế là mãi đầy, không bao giờ vơi”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần lại giải thích bậy!

    Nguyễn Khắc Thuần không biết rằng 2 chữ “diêm mai” là chữ xuất từ “Thượng Thư”:

    - “Nhược tác hòa canh, nhĩ duy diêm mai”.

                                 /  Thượng Thư. Thương Thư. Duyệt mệnh. Hạ  /.

    - “Nếu nói nấu canh thì ông như muối và trái mơ”.

    [Phụ chú: Trên đây là lời Ân Cao tông nói với Phó Duyệt]. 

     Thái Trầm chú giải câu trên viết:

    - “Phạm thị viết: ~...... Canh phi diêm mai bất hòa, nhân quân duy hữu mỹ chất tất đắc hiền thần phụ đạo nãi năng thành đức…Canh giả diêm quá tắc hàm, mai quá tắc toan, diêm mai đắc trúng nhiên hậu thành canh. Thần chi ư quân, đương dĩ nhu tế cương khả tế”.

    - “Họ Phạm nói: ~ ....... Canh mà không có muối và trái mơ thì không vừa miệng, bậc quân chủ có tư cách tốt thì chắc chắn sẽ gặp bậc hiền thần phụ giúp, lúc đó mới có thể thành cái đức của một người cai trị tốt..…Canh mà bỏ muối nhiều quá thì mặn, trái mơ nhiều quá thì chua, muối và vị mơ đúng lượng thì canh mới thành. Bề tôi đối với vua nên mềm mỏng để trợ giúp vua thì chính sự mới hoàn thành (tốt đẹp) được”.

     Ở đây nói việc nêm canh để chỉ việc chỉnh lý quốc sự.

    Nguyễn Khắc Thuần giải thích 2 tiếng “vĩnh tế” là “mãi đầy, không bao giờ vơi” thì thực là không biết gì cả! “Tế” có nghĩa là “đã qua bên kia bờ”, là “thành công”, bởi vậy ở đây 2 tiếng “vĩnh tế” có ý nói mọi việc hoàn thành tốt đẹp dài lâu.

    Sau này, trong thi văn 2 chữ “diêm mai” thường được dùng để chỉ Tể tướng, hay chức quyền tương đương Tể tướng.

    Dũ Tín (513 - 581) thời Bắc Chu (557 - 581) viết:

                Nhược thiệp đại xuyên,

                Ngôn bằng chu tập.

                Như hòa đỉnh thực,

                Hữu ký ư diêm mai.

                Quân thần nhất thể,

                Khả dĩ tĩnh phần ai.

                Đắc nhân tắc trị,

                Hà thế vô kỳ tài?

              /  Dũ Tử Sơn Tập. Qu. VI. Giao Miếu ca từ. Thương điệu khúc  /.

                                        Như vượt sông lớn,

                                        Phải nhờ mái chèo.

                                        Như nêm thức ăn,

                                        Nêm muối nêm mơ.

                                        Vua tôi một lòng,

                                        Mới lắng được trần ai.

                                        Được người thì yên,

                                        Thời nào không kỳ tài?

     Minh Di án:

    Từ điển Từ Nguyên nói Bài thơ dẫn trên ở Quyển VII của “Dũ Tử Sơn Tập”, điểm này không chính xác. Như đã dẫn ở trên, bài này thuộc Quyển VI.

    Tham khảo Từ Nguyên: Mục giải nghĩa tiếng Diêm mai. 

     + Nguyễn Khắc Thuần. [13].

    - “Sách VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP nói: lúc Lý Nam Đế 5 cùng anh là Lý Thiên Bảo 6 chạy vào Cửu Chân 7 ......”. (Qu. 6. Phong Vực. 76).

    Chú thích.

    -7 Cửu Chân là tên của một quận do nhà Hán cắt đặt. Đất của quận Cửu Chân nay đại thể tương ứng với tỉnh Thanh Hóa”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần sai về Địa lý cổ, Quận Cửu Chân thời Hán không chỉ bấy nhiêu!

    Quận Cửu Chân từ buổi đầu thành lập vào năm 110 trước công nguyên, trải dài xuống hơn 300 năm, cho tới hết thời kỳ Đông Hán (25 - 220), trước sau lãnh hạt vẫn bao gồm 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh ngày nay. 

    Trên Bản đồ, Quận Cửu Chân trải từ vĩ tuyến 20o tới vĩ tuyến 18o.

    [Tham khảo:Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Tần. Tây Hán. Đông Hán thời kỳ.

    - Tây Hán thời kỳ. Bản đồ 35 – 36. Giao Chỉ Thích Sử Bộ.

    - Đông Hán thời kỳ. Bản đồ 63 – 64. Giao Châu Thích Sử Bộ]. 

     Tới thời Tam Quốc (220 - 280), Ngô triều (222 - 280) phân cát Quận Cửu Chân mà lập Quận Cửu Đức.

    Bộ “Tam Quốc Chí” không ghi Quận Cửu Đức lập năm nào, chỉ có một đoạn như sau:

    - “Kiến Hành…

    Tam niên… Thị tuế Tỉ, Hoàng phá Giao Chỉ, cầm sát Tấn sở trí thủ tướng, Cửu Chân, Nhật Nam giai hoàn thuộc. Đại xá, phân Giao Chỉ vi Tân Xương quận; chư tướng phá Phù Nghiêm, trí Vũ Bình Quận”.

                                   /  Tam Quốc Chí. Qu. XLVIII. Tam tự chủ truyện  /.

    - “Niên hiệu Kiến Hành……

    Năm thứ 3… Năm này (Ngu) Tỉ, (Đào) Hoàng thắng Giao Chỉ, bắt giết tướng Tấn triều trấn thủ tại đây, các Quận Cửu Chân, Nhật Nam trở lại thuộc [Ngô triều]. Đại xá, phân Quận Giao Chỉ, lập Quận Tân Xương; (sau đó) các tướng đánh bại Phù Nghiêm thì lập Quận Vũ Bình”.

    Kiến Hành (269 - 271) là Niên hiệu của Tôn Hạo (242 - 283; tại vị: 264 - 280). Như vậy

    có thể Quận Cửu Đức được thành lập năm thứ 3 Niên hiệu Kiến Hành, tức năm 271.

    + Trên Địa đồ Lịch Sử, Quận Cửu Đức gồm 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, địa thế trải từ vĩ tuyến 19o 26’ tới vĩ tuyến 18o - lãnh hạt hầu như toàn tỉnh Nghệ An trải xuống tới gần hết tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

     [Tham khảo: Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Tam Quốc. Tây Tấn thời kỳ.

    - Tây Tấn thời kỳ. Bản đồ 57 – 58. Giao Châu, Quảng Châu]. 

     Lãnh hạt Quận Cửu Chân, như vậy, đến thời điểm này, đến năm 271 nói trên, chỉ còn một phần đất là tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

    Đọc, viết về Cổ Sử mà không có Bản đồ Lịch sử thì không làm thế nào xác định được phân giới của các địa khu, để từ đó có thể có nhận định chính xác về Lịch sử.

     (KỲ 3)

    + Nguyễn Khắc Thuần. [14].

    - “Sách NGU HÀNH CHÍ của người thời Tống là Phạm Hành Nhân viết rằng…………”. (Qu. 6. Phong Vực. 100).

     Minh Di.

    Xét phần nguyên tác thì bản Hán văn viết như sau:

    - “Tống Phạm Thành Nhân Ngu Hành Chí vân……”.

    Bản Hán văn ở đây đã in sai:

    ~ Chữ “Nhân” (Người) ở câu trên chính là chữ “Đại” (Lớn), nói rõ hơn, chữ “Đại” ở đây đã bị mất đi cái nét ngang. Và như vậy, câu trên trong bản Hán văn phải là:

    - “Tống Phạm Thành Đại ‘Ngu Hành Chí’ vân...…”.

    Nghĩa là:

    - “Sách ‘Ngu Hành Chí’ của Phạm Thành Đại đời Tống nói......”.

     Phạm Thành Đại (1126 - 1193) là tác giả của Tập “Ngu Hành Chí”, mà Tên gọi đầy đủ là Quế Hải Ngu Hành Chí, một tác phẩm quan trọng nói về vùng Biển Nam (Nam Hải) thời cổ, trong đó có đất Giao Chỉ, vào thế kỷ XII.

    Vì vùng Nam Hải có nhiều Quế do đó trong tựa sách có 2 chữ “Quế Hải”.

    Không rõ Nguyễn Khắc Thuần đọc và dịch ra làm sao mà 2 chữ “Thành Nhân” lại đọc thành “Hành Nhân”? Đối chiếu bản chữ Hán thì thấy ngay việc đọc Sai, rồi viết Sai này của Nguyễn Khắc Thuần.

    Không lẽ Nguyễn Khắc Thuần không đọc bản Hán văn? Không lẽ Nguyễn Khắc Thuần chép lại bản dịch của ai đó? Chữ “Thành” và chữ “Hành” khác nhau lắm! Trong bản in Hán Văn chữ “Thành” (= hoàn thành, nên) rành rành ra đó không thể lầm lẫn được!

    Sai như trên cho thấy Nguyễn Khắc Thuần không biết cả đến 1 tác phẩm trọng yếu mà khi nghiên cứu về đất Giao Chỉ cổ thì không một Sử học gia nào lại không biết đến!

    Chỉ cần nhắc đến tên “Ngu Hành Chí” là giới Cổ Sử học biết ngay tác giả là ai! Chỉ có không biết như ông Nguyễn Khắc Thuần thì mới không biết đường mà hiệu đính lại, để mà sửa chữ “Nhân” thành chữ “Đại” cho chính xác!

    Nguyễn Khắc Thuần có phải là “Nhà Sử học” như lời giới thiệu của Nhà Xuất bản đã in sách của ông hay không đây? 

    (Nhà Xuất Bản Giáo Dục. Lê Quý Đôn tuyển tập. Tập 1. Đại Việt Thông Sử).

     + Nguyễn Khắc Thuần. [15]. [16]

    -Theo quẻ Kiền 1 đòi thời mở vận,

         Pháp hào sư 2 lấy luật dụng binh”.

    (Qu. 6. Phong Vực. 175).

    Chú thích.

    -1 Quẻ Kiền (hay quẻ Càn) là một trong Bát quái : Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, KhônĐoài. Quẻ Kiền được coi là biểu trưng của trời, của quyền lực lớn, của cha, của con trai, của sự chắc chắn và bền vững”.

    -2 Pháp hào sư là phép cầm quân. Hào sư trong Bát quái là hào nói về phép cầm quân”.

     Minh Di.

    1 Nguyễn Khắc Thuần chú thích sai bét sai be!

    Quẻ Kiền, hay Quẻ Càn, đề cập ở câu trên không phải Quẻ Càn trong Bát Quái, mà là Quẻ Càn trong “Lục Thập Tứ Quái” (64 QUẺ DỊCH). Nói khác đi, Quẻ Càn nói ở đây là Quẻ Càn có 6 hào (hào là 2 loại nét liền ¾ và nét đứt - - , đơn vị cấu thành 1 Quẻ), là  loại Quẻ trong Dịch học gọi là “Trùng Quái”. Gọi là “Trùng Quái” vì loại Quẻ 6 hào này do 2 quẻ, mỗi quẻ có 3 hào, hợp lại thành. Chữ “trùng” ở đây có nghĩa là “tầng, lớp”, ý nói lấy 1 quẻ đơn đặt lên một quẻ đơn khác thành 1 lớp, 1 tầng nữa!

    Quẻ Càn mà Nguyễn Khắc Thuần nói là Quẻ Càn chỉ có 3 hào, là quẻ gọi là đơn quái.

    2 Tiếp đến,

    Xin ông Nguyễn Khắc Thuần cho độc giả và tôi biết Hào sư trong Bát quái là hào gì? Ông nói hào này nằm “trong Bát quái”, thế thì, Bát Quái 8 X 3, 24 hào xin ông chỉ cho hào nào là Hào sư của ông đây?

    Nguyễn Khắc Thuần kém đến đỗi không biết ngay cả những kiến thức rất, rất căn bản về Kinh Dịch, để rồi viết bậy viết bạ!

    Trong Kinh Dịch không có một hào nào gọi là Hào sư như ông chú thích hết!

    Trước hết, chữ “Sư” trong tiếng “hào sư” tức chỉ Quẻ Sư (Khôn / Khảm).

    có nghĩa là “đám đông”, là “quân đội” (quân đội cũng là một đám đông).

    Tiếp đến, có 2 cách giải thích tiếng “hào sư”:

    1). Hào của Quẻ Sư.

    2). Hào là đơn vị của Quẻ, không có hào thì không thành Quẻ, do đó, “hào sư” ở đây chỉ Quẻ Sư.

    Phân tích rõ nữa: Câu thơ nói: “Pháp hào Sư, lấy luật dụng binh”.

    Hào Sơ lục Quẻ Sư nói:

    - “Sơ lục. Sư xuất dĩ luật, phủ, tang hung!”.

    -Hào Sơ lục. Quân ra trận thì phải có kỷ luật, không có kỷ luật thì sẽ nguy!”.

    Nếu đọc Kinh Dịch thì sẽ hiểu ra ngay câu thơ nói cái gì, chỉ cái gì! Như đã dẫn, ở đây câu này rõ ràng chỉ vào hào Sơ, tức hào đầu tiên của Quẻ Sư.

    Duyệt lại cả 2 câu: Theo Quẻ Càn, đòi thời mở vận; Pháp hào Sư, lấy luật dụng binh!

     Quẻ Càn là Quẻ mở đầu 64 Quẻ Dịch, bởi vậy mà nói “mở vận”, mở vận đây cũng có ý nói sự khai sáng 1 triều đại. Khai sáng 1 triều đại thì phải có quân đội đánh dẹp.

    Do đó mà câu tiếp liền ở dưới mới đề cập Quẻ Sư, ý tưởng thực mạch lạc, quán thông từ trên xuống dưới.

    Ngoài ra, Kinh Dịch tự cổ, ngoài phương diện tư tưởng, còn là một cuốn sách dùng để bói toán. Cho nên là chữ “Vận” trong câu còn hàm ý Kinh Dịch là một sự khai mở cho những mưu tính, những liệu định trong những việc lớn!  

    Nếu biết chữ “” là Quẻ Sư thì  Nguyễn Khắc Thuần biết ngay là Quẻ Càn ở câu trên phải là một Quẻ 6 hào, chứ không là quẻ (đơn) trong Bát quái.

    Và vì không hiểu nên ông đã dịch bậy câu “Pháp hào sư” là “Phép cầm quân”, đúng ra phải dịch là “Noi theo nguyên tắc tổ chức Quân của hào từ Quẻ Sư”.

    Nguyễn Khắc Thuần lại nói “hào sư” là “hào nói về phép cầm quân”! Vậy thì xin hỏi ông hào này nói cái gì? xin dẫn ra cho độc giả biết, đừng có nói ẩu!

    ~Tóm lại, có thể thấy chỉ cần một kiến thức thông thường thôi cũng có thể hiểu rõ ràng 2 câu thơ dẫn trên nói gì.

    Chú thích là nói rõ ra, giải rõ ra, hàm ý của câu thơ, câu văn.........., thế nhưng, ở đây chú thích của ông Nguyễn Khắc Thuần chẳng những đã không làm cho người đọc hiểu câu thơ nói gì, trái lại còn đưa ra thêm những chuyện khác để giải thích! Như ở đây ông ta chưa cho biết “hào” là gì đã nói đây là 1 hào trong Bát quái, tức ở đây lại nảy ra chuyện cần giải thích thêm là hào này thuộc về Quẻ nào trong 8 Quẻ!

    ~ Và, không phải chỉ ở 2 câu thơ này mà ở rất nhiều câu khác trong bản dịch, chú thích của Nguyễn Khắc Thuần là như vậy! Tức chú thích mà chẳng chú thích gì cả!

     + Nguyễn Khắc Thuần. [17]. [18].

    - “Lời dạy của thánh hiền, gốc ở TRUNG DUNG 1 ……

    Lời dạy của Phật giáo và Lão giáo 3 (trọng ở sự) thanh tĩnh hư vô, siêu việt, tịch diệt mà không hệ lụy sự vật, cũng là những lời dạy cao minh, để giữ độc thiện kì thân 4 thôi”. 

    (Qu. 9. Thiền dật. 187).

    Chú thích.

    -1 Trung dung là một trong TỨ THƯ (Luận ngữ, Đại học, Trung dung Mạnh Tử). Sách này vốn có nguồn gốc từ Kinh Thư trong NGŨ KINH……”.

    -4 Độc thiện kì thân nghĩa là chỉ lo làm điều tốt đẹp cho tấm thân”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần sai quá đi, Trung Dung không phải “có nguồn gốc từ Kinh Thư”!

    ++ Trung Dung vốn là 1 Thiên trong sách “Lễ Ký”.

    Một kiến thức căn bản như thế mà ông Nguyễn Khắc Thuần cũng sai được thì lạ quá!

    Chú thích 4 trên đây cho thấy rất rõ ông Nguyễn Khắc Thuần rồi mù mờ về xuất xứ của câu “Độc thiện kì thân”.

    Bởi không rõ câu nói trên từ đâu mà ra cho nên ông Nguyễn Khắc Thuần đã chú thích rất chung chung và hàm hồ, không nói rõ được “điều tốt đẹp cho tấm thân” ở đây là gì? là như thế nào? là điều tốt đẹp về vật chất, hay tinh thần?

    Chú thích như Nguyễn Khắc Thuần trên đây có thể dẫn độc giả không chuyên môn tới một sự giải thích sai lầm là “chỉ lo cho tấm thân mình được no ấm”!

    Câu “độc thiện kì thân” là một câu trong sách “Mạnh Tử”:

    - “Cổ chi nhân, đắc chí, trạch gia ư dân; bất đắc chí, tu thân kiến ư thế! Cùng tắc độc thiện kì thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ”.

                               /  Mạnh Tử. Tận Tâm. Thượng. XIII. 09  /.

    - “Người xưa, gặp thời đắc chí thì ân huệ trải khắp cho dân; không gặp thời thì tu thân làm gương cho đời! Gặp hoàn cảnh khốn cùng thì riêng lo cho bản thân mình được tốt đẹp, gặp thời hiển đạt thì làm cho cả thiên hạ cùng tốt đẹp”.

    - Ở đây, nói “riêng lo cho bản thân mình được tốt đẹp” là nói cái tốt đẹp tinh thần, là nói về sự “tu dưỡng đạo đức, trau dồi học vấn”, để chờ thời ra giúp đời.

    Ý ở đây cũng như câu “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động” trong “Kinh Dịch”.

     Lê Quí Đôn học vấn uyên bác, quán “Tứ Thư, Ngũ Kinh”, thông “Thích, Lão”, cho đến bút kí, tiểu thuyết............. không loại nào Lê Quí Đôn lại không đọc qua, cho nên, nếu không đọc nhiều thì không thể hiểu kiến giải, tư tưởng của ông, để có thể chú thích cho người đọc hiểu chính xác những gì ông muốn nói!  

    Chỉ dựa vào sự hiểu biết Hán văn, mà chừng như vẫn chưa đến độ khả quan lắm, mà ông Nguyễn Khắc Thuần muốn chú thích Lê Quí Đôn thì phải nói là không tự lượng.

    Ở đây chưa nói đến khả năng, trình độ Hán văn, chỉ nói riêng về chuyện ông không có những Từ điển Hán / Hán cần thiết để tra cứu, như Từ Hải, Từ Nguyên...…thì sự này rồi làm giới chuyên môn không thể tin tưởng vào khả năng Cổ học của ông.

    Bên cạnh đó tôi cũng có một cảm nghĩ khác.

    Duyệt đọc bản dịch và chú thích của Nguyễn Khắc Thuần đến đây tôi có một cảm giác không mấy lạ, là vốn Hán văn của “Nhà sử học” họ Nguyễn, tên Khắc Thuần, này đây chẳng có bao nhiêu! Nói cảm giác “không mấy lạ” là vì tôi đã từng phê bình một số kẻ học Hán văn lõm bõm như Nguyễn Khắc Thuần đây! Những kẻ này họ không đọc, mà cũng không thể nào đọc nổi, Từ điển Trung Hoa chứ đừng nói là Sách Trung Hoa hay là gì khác! Vậy mà họ lại dịch Sách Hán văn, họ lại nói về Lịch sử, Văn hóa Trung Hoa rất hăng, và với 1 vẻ như rành rẽ lắm, rồi sách của họ in ra hình thức thực đẹp...... cứ như Nguyễn Khắc Thuần đây! Nói khác đi, tất cả đều có một mẫu số chung, qua đây người ta có thể nhận diện được một hạng người.

    Nói tóm lại, là Bên đây bờ, hay Bên kia bờ, con người vẫn là con người, lãnh vực nào cũng có những con người ham danh, hám lợi! Trong giới Học thuật, tôi đã phê bình có chừng hơn chục người như thế! Có kẻ khôn thì lặng thinh - thế nhưng, lại có những kẻ tự ái quá mà mất khôn, không chịu lặng thinh, không chịu nhận là mình kém cỏi, cũng như không thấy được cái dốt của mình, mà mở miệng chửi vu chửi vơ nguời thì rốt cục lại càng mất mặt thêm mà thôi! Chừng đó họ mới chịu im, đúng là bất trí!     

     + Nguyễn Khắc Thuần. [19].

    - “Vưu Đồng 4 nói:....... “. (Qu. 9. Thiền Dật. 189).

    Chú thích.

    - 4 Vưu Đồng: tên một triết gia của Trung Quốc thời cổ đại”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần chú thích lem nhem, hàm hồ, và ba láp quá đi!

    Trước hết, kiến thức lem nhem khi nói Vưu Đồng (1618 - 1704) là một triết gia”.

    Vưu Đồng không phải là một triết gia như họ Nguyễn tên Khắc Thuần chú thích bậy!

    Tiếp đến, hàm hồ khi nói về thời gian, nói “Trung Quốc thời cổ đại”.

    Nói thời cổ đại, nhưng khoảng nào của cổ đại đây?

    Sau cùng, đọc tiếp sau đây sẽ thấy cái ba láp của Nguyễn Khắc Thuần.

     Vưu Đồng (1618 - 1704) tên Tự là Đồng Nhân, và một tên Tự nữa là Triển Thành, có các tên Hiệu là Hối Am, Tây Đường Lão Nhân, Cấn Ông (có Sách chép Cấn Trai), quê ở Trường Châu (Ngô huyện, tỉnh Giang Tô).

    Vưu Đồng là một thi từ gia, một nhà soạn Hí khúc (tức Kịch), và phê bình Hí khúc vào sơ kỳ Thanh triều. Năm 1679, ông đậu Khoa Bác học Hồng Từ, nhận chức Kiểm Thảo tại Hàn Lâm Viện, là chức quan có trách vụ biên soạn Quốc sử, vị dưới chức Biên Tu một bậc. Sau đó Vưu Đồng tham gia việc biên tập “Minh Sử”, được 3 năm thì xin về.

    Về Thi văn tập Vưu Đồng có:

    - Tây Đường Toàn Tập. Hạc Dậu Đường.

    Về truyền kỳ tiểu thuyết có:

    - Quân Thiên Lạc.

    Về Tạp kịch có:

    - Độc Li Tao. Điếu Tì Bà. Đào Hoa Nguyên. Hắc Bạch Vệ. Thanh Bình Điệu.

    Vở kịch sau cùng còn có tên Lý Bạch Đăng Khoa Ký.

     Tôi không hiểu Nguyễn Khắc Thuần đọc ở đâu mà nói Vưu Đồng là một triết gia?

    Tôi thấy, khi không rõ về một nhân vật nào đó của Trung Hoa Nguyễn Khắc Thuần đều phong cho họ thành triết gia hết! Triết gia đâu mà lắm thế!

    + Nguyễn Khắc Thuần. [20]. [21].

    - “Sách THƯỢNG THƯ CỐ THỰC 1 nói rằng…… (Qu. 9. Thiền Dật. 191).

    Sách THÁI BÌNH QUẢNG KÍ 2 nói:……”. (Như trên. 192).

    Chú thích.

    -1 THƯỢNG THƯ CỐ THỰC: chúng tôi chưa được rõ về sách này.

    2 THÁI BÌNH QUẢNG KÍ là công trình biên soạn chung của nhiều triết gia Trung Quốc thời Tống. Đây là một trong những bộ sách rất lớn”.

     Minh Di.

    1 Tập “Thượng Thư Cố Thực” của Lý Xước (? - ?) triều Đường viết, nội dung ghi chép những dật văn, tạp sự thời Đường, thỉnh thoảng có xen vào vài câu khảo đính, nhưng nhìn chung luận đàm về Thư phápHội Họa chiếm phần lớn Sách này. Tự thuật tuy đa số là tạp sự nhưng thường trưng dẫn nghĩa cổ, dẫn chứng quảng bác, có rất nhiều tư liệu về phương diện khảo chứng.

    Danh xưng “Thượng Thư” trong tên tựa sách của Lý Xước là tên Tự hay tên Hiệu của một người. Ông này là huyền tôn (chắt) của Trương Gia Trinh (666 - 729), tên ông nay không khảo được! Lý Xước mỗi lần đi đây đó thường tới ở nhà Thượng Thư, ghi chép những gì ông này nói mà soạn thành tập “Thượng Thư Cố Thực”.

    2 Về “Thái Bình Quảng Ký”, chú thích như ông Nguyễn Khắc Thuần chú thích trên đây thì cũng như chẳng chú thích gì cả, chưa nói là có điểm sai nữa!

    Khi nói tác phẩm được nhiều triết gia biên soạn chung Nguyễn Khắc Thuần có thể gây hiểu lầm  đây là một tác phẩm Triết học.

    Bộ “Thái Bình Quảng Ký” do một Ban biên tập soạn, Lý Phưởng (925 - 996) chủ biên.

    Khởi soạn năm 977, năm sau thì soạn xong, nhưng đến năm 981 mới khắc bản in.

    Nội dung phân theo đề tài, và gồm 92 đề tài lớn, phụ hơn 150 tiểu loại, sưu tập hết sức phong phú, trưng dẫn dã sử, truyền kì, tiểu thuyết từ các triều Hán, Đường cho tới đầu triều Tống, cộng được vào khoảng trên dưới 500 tác phẩm trong đó có nhiều tác phẩm đã thất truyền, nhờ bộ “Quảng Ký” này mà thấy lại những tác phẩm đã thất truyền đó.

    Cùng năm 977 Lý Phưởng cũng được lệnh Thái tông (939 - 997; tại vị: 976 - 997) soạn bộ “Thái Bình Ngự Lãm”. Ban biên tập gồm 14 người - trong đó Lý Phưởng, Hổ Mông đồng chủ biên. Khởi soạn ngày 17 / 3 năm 977, hoàn tất ngày 19 / 12 năm 984.

     + Nguyễn Khắc Thuần. [22].

    -Mộc-hoạn là niệm châu 7”. (Qu. 9. Thiền Dật. 211).

    Chú thích.

    -7 Niệm châu nghĩa là vừa tụng niệm vừa lần tràng hạt”.

     Minh Di.

    Không ngờ Nguyễn Khắc Thuần lại giải thích tiếng “niệm châu” tầm bậy đến thế!

    Bộ “Phật Học Đại Từ Điển” của Đinh Phúc Bảo (1874 - 1952) viết:

    -Mộc Hoạn Tử. (Thực vật). Hựu danh vô hoạn tử, mộc thụ năng tịch tà quỉ cố danh “vô hoạn”. Kì thực khả dĩ vi niệm châu, vị chi mộc hoạn tử. Phạm danh a lê sắt ca tử (arista)”.

    Dịch nghĩa:

    - “Mộc Hoạn tử. (Thực vật). Cũng gọi vô hoạn tử, gỗ cây có thể trừ tà quỉ bởi thế mà có tên là “vô hoạn” (không lo lắng). Trái của cây có thể dùng để làm xâu chuỗi, được gọi là mộc hoạn tử. Tiếng Phạn gọi là a lê sắt ca tử (arista)”.

    [Phụ chú.

    Chữ “Hoạn” trong “Mộc Hoạn Tử” gồm bên trái là bộ “Mộc”, bên phải là chữ “hoạn” có nghĩa là điều lo rầu, tai nạn, là bệnh…, như nói “hậu hoạn”, “bệnh hoạn”, “họa hoạn].

     Trưng dẫn trên đây từ Từ điển Phật học cho thấy rất rõ Nguyễn Khắc Thuần giải thích tiếng “niệm châu” là “vừa tụng niệm vừa lần tràng hạt” là tầm bậy hết sức!

    Niệm châu còn gọi Số châu, Phật châu.

     Trong thư tịch cổ Trung Quốc - trong Kinh Sử và trong Y Dược học, mộc hoạn tử có rất nhiều danh xưng khác nhau. Trong phần lớn các sách “Bản Thảo” (tức Sách thuốc) tên chính thức của mộc hoạn tử là “vô hoạn tử”.

    Lý Thời Trân (1518 - 1593) cho biết một vài tên gọi khác của vô hoạn tử:

    - “Tục danh Quỉ kiến sầu. Thích gia thủ vi số châu, cố vị chi Bồ đề tử”.

     /  Bản Thảo Cương Mục. Qu. XXXV Hạ. Mộc 2. Kiều mộc loại. Vô hoạn tử  /.

    - “Tên gọi bình dân là Quỉ kiến sầu. Người ở bên Phật giáo lấy (trái của) cây này làm xâu chuỗi niệm, do đó gọi là Bồ đề tử”.

    Mộc hoạn tử là 1 dược liệu, tên khoa học là Sapindus mukorossi Gaertn.

    Công dụng.

    Trái (hơi độc). Giải nhiệt, trừ đàm; cầm tiêu chảy; trị bạch hầu, cổ họng kéo đàm; viêm khí quản, ho dai dẳng; viêm bao tử và đường ruột cấp tính; dùng ngoài da để trị chứng ngứa làm da nổi sần, con nít ốm o (cam tích).

    Rễ. Giải nhiệt, giải độc, tiêu đàm, ho hen; làm tan máu bầm; cảm mạo nóng sốt cao, và  chứng huyết trắng của phụ nữ, và rắn độc cắn.

    Vỏ cây. Trị bạch hầu, ghẻ ngứa, phong cùi.

    Lá cây. Dùng ngoài da đắp lên vết rắn cắn. 

    (Tham khảo Toàn Quốc Trung Thảo Dược Danh Giám. Tra mã số 7198022.

    Xin coi Thư Mục tham khảo cuối Bài này).

     Tập “Thảo Dược học trên đây liệt kê tất cả 77 tên gọi của cây vô hoạn tử, phân theo 2 phương diện:

    1). Tên gọi trong Sách vở (Văn hiến danh).

    - 26 tên gọi.

    2). Tên gọi Địa phương.

    - 51 tên gọi.

     + Nguyễn Khắc Thuần. [23].

    -Bà-lợi-chất-ba-la nghĩa là viên sinh thụ 5 “ (Qu. 9. Thiền Dật. 212).

    Chú thích.

    -5 Viên sinh thụ (in chữ Hán) có lẽ là viên hương thụ (chữ Hán) mới đúng. Viên hương thụ nghĩa là cây gỗ tròn mà thơm”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần đã không biết lại còn chú thích, sửa chữ tầm bậy!

    Chữ đúng là “Viên Sinh Thụ”, không là “Viên hương thụ” như ông sửa đâu! 

    Bộ “Phật Học Đại Từ Điển” của Đinh Phúc Bảo viết:

    - “Viên Sinh Thụ (tạp danh). Thụ danh. Tại ‘Đao Lợi Thiên’ kiến thành chi Đông bắc.

    Câu Xá Luận thập nhất viết:

    ~ Đông bắc Viên Sinh thụ.

    Đồng Tụng sớ viết:

    ~ Thành ngoại Đông bắc hữu Viên Sinh thụ, thị tam thập tam Thiên thụ dục lạc sở dã.  Kì Viên Sinh Thụ bàn căn thâm, quảng ngũ thập du thiện na, tủng cán thượng thăng, chi diệp bàng bố, cao, quảng lượng đẳng bách do thiện na, đỉnh diệp khai hoa, diệu hương phân phức. Thuận phong huân mãn bách do thiện na, nghịch phong thời do biến ngũ thập”.

    Dịch nghĩa:

    - “Viên Sinh Thụ (tên tạp). Tên cây. (Cây) ở phía Đông bắc thành cõi ‘Trời Đao Lợi’.

    Câu Xá Luận quyển XI nói:

    ~ Cây Viên Sinh ở phía Đông bắc.

    Lời chú giải cũng trong bài Tụng quyển này viết:

    ~ Ngoài thành, ở mé Đông bắc có cây Viên Sinh, là nơi 33 cõi Trời hưởng thụ dục lạc. Cây Viên Sinh này rễ ngoằn ngoèo, ăn sâu, trải rộng 50 du thiện na, thân cây vút cao cành lá vươn bốn phía, thân cao, cành trải rộng cả trăm do thiện na, hoa nở trên cành lá cao chót vót, mùi thơm ngạt ngào! Thuận gió thì hương bay xa 100 do thiện na, còn gió ngược thì cũng lan xa 50 do thiện na”.

    [Phụ chú.

    Du thiện na là 1 đơn vị đo độ dài, có thuyết nói là 40 dặm, tục Ấn Độ định là 30 dặm.

    Du thiện na còn được gọi là Do thiện na, Du tuần, Do tuần, Do diên, Du đồ na].

     

    + Nguyễn Khắc Thuần. [24]. [25]. [26]. [27].

    -Ngũ Uẩn 7, gồm Sắc 8, Thụ 9, Tưởng 10, Hạnh 11, Thức 12 “. (Qu. 9. Thiền Dật. 215).

    Chú thích.

    -7 Ngũ Uẩn là năm điều uẩn khúc”.

    -8 Sắc (Rùpa) là vẻ đẹp mà mình nhìn thấy”.

    -10 Tưởng (Sanjanâ) ở đây có nghĩa là suy nghĩ về những điều xa lạ”.

    -11 Hạnh (Samskâras) là duyên nghiệp của người tu hành”.

     Minh Di.

    7 Nguyễn Khắc Thuần giảng chữ “Uẩn” là “điều uẩn khúc” thì quả thực là bậy quá đi!

    Uẩn ở đây có nghĩa là “tích tập”, và cũng có nghĩa là “đông, nhiều”.

    Chúng sanh do Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức 5 thứ tích tập lại mà thành Thân.

    Ngũ Uẩn còn gọi là Ngũ Ấm, Ngũ Chúng.

    Về chữ Uẩn, bộ “Phật Học Đại Từ Điển” của Đinh Phúc Bảo (1874 - 1952) viết:

    - “Uẩn. (Thuật ngữ). 

    Phạm danh Tắc-kiến-đà [Skandha]. Cựu dịch viết ẤM, ấm phú chi nghĩa, vị Sắc, Tâm chi pháp ấm phú chân lí dã! Tân dịch viết Uẩn, tích tập chi nghĩa, vị Sắc, Tâm chi pháp đại tiểu, tiền hậu đẳng tích tập nhi thành Tự thể dã”.

    Dịch nghĩa:

    - “Danh xưng Phạn ngữ là Tắc-kiến-đà [Skandha]. Xưa dịch là ẤM, nghĩa là che lấp, ý nói các pháp của Sắc, Tâm che lấp chân lí! Tiếng dịch mới là Uẩn, nghĩa là tích tập, ý nói các pháp lớn nhỏ, trước sau tích tập mà thành Tự thể”.

     8 Nguyễn Khắc Thuần giảng giải chữ Sắc (Uẩn) là “vẻ đẹp mà mình nhìn thấy” thì thực phải nói, theo ngôn ngữ Phật giáo, là “bất khả tư nghị”, không thể nghĩ bàn.

    Cũng bộ “Phật Học Đại Từ Điển” dẫn trên:

    - “[Sắc]. (Thuật ngữ).

    Biến hoại chi nghĩa, biến ngại chi nghĩa, chất ngại chi nghĩa.

    Biến hoại giả, chuyển biến phá hoại; biến ngại giả, biến hoại chất ngại dã; chất ngại giả hữu hình chất nhi hỗ vi chướng ngại dã; thị tòng ngũ căn, ngũ cảnh đẳng chi cực vi nhi thành.

    Hựu Sắc giả thị hiện chi nghĩa, chư sắc pháp trung độc thủ ngũ cảnh trung chi Sắc trần nhi danh vi Sắc giả, dĩ bỉ hữu chất ngại dữ thị hiện lưỡng nghĩa”.

    Dịch nghĩa:

    - “[Sắc].

    (Sắc) có nghĩa Biến hoại, có nghĩa biến ngại, có nghĩa chất ngại.

    Biến hoại là chuyển biến, hủy hại; biến ngại là hủy hại cái chất ngại; chất ngại là những cái có hình chất mà trở ngại lẫn nhau; tất cả từ cái cực vi tế của ngũ căn, ngũ cảnh mà thành.

    Ngoài ra, Sắc còn có nghĩa là thị hiện; trong Sắc pháp chỉ lấy Sắc trần trong ngũ cảnh mà gọi là Sắc là vì cái Sắc đó có 2 nghĩa chất ngạithị hiện”.

    [Phụ chú.

    Sắc pháp nói trên gồm:

    ~ Nhãn. Nhĩ. Tị. Thiệt. Thân (Ngũ Căn). Sắc. Thanh. Hương. Vị. Xúc (Ngũ Cảnh) và sau cùng là Pháp].

     Khái niệm về Sắc trong Phật học rất phức tạp, tùy Tông phái mà phân chia có khác.

    Nói chung Sắc bao cả 2 mặt vật chất và tinh thần, hữu hình và vô hình của Pháp giới.

       (KỲ 4)

    10 Nguyễn Khắc Thuần giảng chữ “Tưởng” lại cũng, cũng bậy nữa!

    Con người chấp thủ các Tướng thiện ác, sướng khổ, xanh, đỏ, vàng, dài ngắn..... của sự vật, sự việc, tất cả những tướng này từ tình, tưởng của con người mà nảy sinh.

    Khi mà các tình, tưởng này tụ tập lại thì gọi là “Tưởng Uẩn”.

    (Tham khảo Phật Học Đại Từ Điển đã dẫn trên).

     11 Chữ “Hạnh” ở đây phải đọc âm “Hành”.

    - “Hành Uẩn. Tạo tác ư hữu vi pháp chi nhân duyên, thiên lưu ư tam thế, vị chi Hành.  ....... Uẩn giả tích tập chi nghĩa, thị dịch hữu vi pháp chi thông danh”.

    Dịch nghĩa:

    - “Hành Uẩn. Nhân duyên tạo tác trong hữu vi pháp, lưu chuyển dời đổi trong tam thế gọi là Hành. ....…Uẩn có nghĩa là tích tập, cũng là tên thường gọi của pháp hữu vi”.

     Chỉ lược nói 1 vài điều như trên để cho thấy ông Nguyễn Khắc Thuần không nắm vững một số khái niệm trong Phật học! Những khái niệm này không phải vài trang mà có thể nói cho tận.   

     + Nguyễn Khắc Thuần. [28]. [29].

    -......… Về sau các học giả như Huệ Viễn 3, Tăng Triệu 4 mới bắt đầu cóp nhặt lời của Trang, Liệt 5, mà thêm vào”. (Qu. 9. Thiền Dật. 216).

    Chú thích.

    -3 Huệ Viễn là pháp danh tình cờ trùng hợp của hai nhà sư Trung Quốc. Một người gốc họ Lý (thế kỷ VII), tác giả PHÁP TÍNH LUẬN và một người gốc họ Giả (thế kỉ X), tác giả của ĐẠI THỪA KINH NGHĨA. Chưa rõ sách này chỉ Huệ Viễn nào.

    -4 Tăng Triệu là tên của một nhà sư người Trung Quốc sống vào cuối thế kỉ IV, đầu thế kỉ V, đệ tử của Kumârajiva (Cưu Ma La Thập, cũng gọi là Dao Tần). Tăng Triệu có công dịch kinh sách nhà Phật Bắc Phạn ra tiếng Trung Quốc”.

     Minh Di.

    3 Không ngờ “Nhà Sử học” Nguyễn Khắc Thuần lại bất thông Lịch sử đến như vậy!

    Về 2 nhà sư Huệ Viễn trên đây Nguyễn Khắc Thuần đặt câu hỏi:

    - “Chưa rõ sách này chỉ Huệ Viễn nào”.

    Huệ Viễn mà Lê Quí Đôn đề cập trên đây rồi chẳng là Huệ Viễn nào trong 2 nhà sư mà Nguyễn Khắc Thuần chú thích ở trên cả!

    Huệ Viễn nói ở đây, trong sách của Lê Quí Đôn, là Huệ Viễn sống trong khoảng thời kỳ Đông Tấn (317 - 420), tức trong khoảng từ đầu thế kỉ thứ IV đến đầu thế kỉ thứ V.

    Sư Huệ Viễn này chính là Sơ tổ (Tổ đầu tiên) của Tịnh Độ Tông trong Phật Giáo. Về năm sinh, năm viên tịch của Tổ Huệ Viễn đến nay vô khả khảo.

    Nguyễn Khắc Thuần rồi không có đến một sự nhận xét tối thiểu để nhận ra được rằng  tác giả “Kiến Văn Tiểu Lục” đã liệt kê nhân vật theo thứ tự thời gian. Trước là đề cập Huệ Viễn thời Đông Tấn, kế tới Tăng Triệu (384 - 414) thời Thập Lục Quốc (304 - 436).

    4 Tiếp đó, Nguyễn Khắc Thuần nói Cưu Ma La Thập (344 - 413) cũng gọi là Dao Tần.

    Nguyễn Khắc Thuần rồi không biết một chuyện rất sơ đẳng trong Lịch sử Trung Quốc là Diêu Tần là tên triều đại, chứ không là tên khác của Cưu Ma La Thập. Cao tăng này là Quốc sư của triều Hậu Tần (384 - 417). Thời Thập Lục Quốc có 2 triều Tần, một là Tiền Tần (351 - 394) do Phù Kiện (317 - 355; tại vị: 351 - 355) khai sáng, và triều kia là Hậu Tần do Diêu Trường (330 - 393; tại vị: 384 - 393) sáng lập. Để khỏi lẫn lộn, Sử gia gọi Tiền Tần là Phù Tần, và Hậu Tần là Diêu Tần, tức gọi theo tên họ của vị hoàng đế khai sáng triều đại.

     + Nguyễn Khắc Thuần. [30].

    - “Phủ Đại Lý của tỉnh Vân Nam 6 ở gần với Thiên Trúc 7, tập tục đề cao Phù Đồ 8 “. (Qu. 9. Thiền Dật. 216).

    Chú thích.   

    -8 Phù Đồ (Dagoba) là tháp thờ Phật, tháp thờ di cốt của các vị tổ dòng tu Phật giáo”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần chỉ hiểu “Phù Đồ” là tháp thờ Phật thì thực nông cạn!

    Phù Đồ là tiếng dịch khác của Phật Đà, tức chỉ Đức Phật; bởi vậy Phật giáo còn được gọi là Phù Đồ đạo, những người theo Phật giáo được gọi là Phù Đồ.

    Phù Đồ còn có các tên gọi Phù Đầu, Phật Đồ, Phù Đà, Bộ Đà, Hưu Đồ, và Vật Tha..…

    Về sau tiếng Phù Đồ lại được dùng để chỉ Phật Tháp.

    Ngoài ra, Phật tháp, Hán Việt còn có Toát đổ ba - gọi tắt thì gọi Toát đổ, và 1 số nữa

    như Suất đô bà, Tố đổ ba, Tẩu đấu bà...... tất cả đều là phiên âm từ tiếng “Stupa”.

    (Tham khảo Đinh Phúc Bảo, Phật Học Đại Từ Điển).

    Vương An Thạch (1021 - 1086) có mấy bài Luật thi đề cập tiếng Toát đổ, Toát đổ ba:

                                 Đạo Lâm chân cốt táng thanh tiêu,

                                 Toát đổ thiên thu vị tịch liêu.

    /  Vương Lâm Xuyên Tập. Qu. XVII. Luật thi 4. Bắc Sơn tam vịnh. Bảo công tháp  /.

                                                Đạo Lâm xương thánh gởi mây xanh,

                                                Tháp Phật thiên thu chẳng lặng tanh.

    Và một bài khác:

                                 Chu Ngung trạch tác a lan nhã,

                                 Lũ ước thâm qui toát đổ ba.

    /  Sđd. Qu. XXIX. Luật thi 16. Dữ Đạo Nguyên quá Tây Trang toại du Bảo Thặng  /.

                                 Chu Ngung nhà lấy làm tăng xá,

                                 Những hẹn mong về tháp Phật đà.

    Huyền Trang (602 - 664) ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký:

    - “Đạt Mật quốc......… Già lam thập dư sở, tăng đồ thiên dư nhân, chư Toát đổ ba cập Phật tôn tượng đa thần dị, hữu linh giám”.

                                  /  Đại Đường Tây Vực Ký. Qu. I. Đạt Mật quốc  /.

    - “Nước Đạt Mật.......… Chùa mười mấy ngôi, tăng đồ hơn ngàn người, các Phật tháp và tượng Phật phần lớn đều thần dị, linh thiêng”.

     Ở một đoạn khác:

    - “..... Già lam bắc hữu Toát đổ ba cao nhị bách dư xích, kim cương nê đồ, chúng bảo trắc sức, trung hữu xá lị, thời chúc linh quang.

    Già lam tây nam.... Cố chư La Hán tương nhập Niết bàn, thị hiện thần thông, chúng sở tri thức, nãi hữu kiến lập chư Toát đổ ba, cơ tích tương lân, sổ bách dư hĩ!”.

             /  Sđd trên. Qu. I. Phược Át quốc. Nạp phọc tăng già lam  /.

    - “........ Ở phía bắc Chùa có Phật tháp, cao hơn 200 thước, bằng đá hoa cương, các vật quí trang trí hai bên, trong Tháp có xá lợi Phật thường phát ánh sáng linh thiêng.

    Ở phía tây nam Chùa.....… Cho nên các bậc La Hán lúc sắp nhập Niết bàn thì thị hiện thần thông, mọi người hay biết nên xây những Tháp Phật, nền cũ của những tháp này nằm gần nhau, tính đến mấy trăm Tháp!”.

    [Phụ chú. 1 xích đời Đường = 31.10 cm = 0.311 m.

    Tháp cao 200 thước = 0.311 m x 200 = 62.20 m].

    Lại ở một đoạn khác:

    - “ĐẠI THÀNH tây bắc ngũ thập dư lý, chí Đề Vị Thành - Thành bắc tứ thập dư lý hữu Ba Lị Thành. Thành trung các hữu nhất Toát đổ ba, cao dư tam trượng”.

              /  Sđd trên. Qu. I. Phược Át quốc. Đề Vị Thành cập Ba Lị Thành  /.

    - “(Đi về) phía tây bắc THÀNH LỚN hơn 50 dặm thì tới Thành Đề Vị - phía bắc Thành  hơn 40 dặm có Thành Ba Lị. (2 Thành này) trong mỗi Thành đều có 1 Tháp Phật, cao hơn 3 trượng”.

    [Phụ chú. Thời Đường, 1 Trượng = 10 xích = 0.311 m x 10 = 3.11 m.

    Tháp cao 3 trượng là cao 3.11 m x 3 = 9.33 m].  

     Phật tháp còn được gọi là phương phần, viên trủng, linh miếu...… là nơi để các thứ như xương, răng, tóc...... của danh tăng, và xá lợi Phật. 

    Do đó, dịch như Nguyễn Khắc Thuần là không hiểu nguyên tác nói gì, lại hàm hồ.

    Nguyên tác viết:

    - “Vân Nam tỉnh chi Đại Lý phủ khứ Thiên Trúc vi cận, tục thượng Phù Đồ”.

    Dịch chính xác, và đúng với ý của Lê Quí Đôn, là như sau:

    - “Phủ Đại Lý tỉnh Vân Nam gần nước Thiên Trúc, dân ở đây sùng thượng Phật giáo”.

     Tiếp liền theo câu trên, Lê Quí Đôn viết:

    - “Nguyên Quách Tùng Niên vân:

    Gia vô bần, phú giai hữu Phật đường, nhân bất dĩ lão, tráng thủ bất thích sổ chu. Nhất tuế chi gian trai giới cơ bán; tuyệt bất như huân, ẩm tửu, chí trai tất nãi dĩ. Duyên thủy tự vũ cực đa”.

    Dịch văn:

    -Bút ký của Quách Tùng Niên đời Nguyên nói:

    ~ Nhà bất kể giàu nghèo nhà nào cũng có nơi thờ Phật, người bất kể già trẻ người nào cũng tay không (lúc nào) rời xâu chuỗi! Một năm (họ) ăn chay, giữ giới hầu như hết cả nửa năm; tuyệt không ăn những thứ rau cay nồng, không uống rượu, cho đến hết kỳ chay mới thôi. Dọc theo bờ sông chùa chiền rất nhiều”.

     Cứ như đoạn trên đây thì rõ ràng phải dịch “Phù Đồ” ở đoạn trước nữa là “Phật giáo”.

    Lại nữa, Nguyễn Khắc Thuần còn dịch thiếu chữ “kí” trong nguyên tác. Đọc lại câu dịch của Nguyễn Khắc Thuần ngay sau câu “Vân Nam tỉnh… tục thượng Phù Đồ”:

    - “Người thời Nguyên là Quách Tùng Niên nói: ...…”.

    Cứ đối chiếu nguyên tác và phần dịch của tôi ở trên thì thấy ngay sự thiếu sót này của Nguyễn Khắc Thuần.

    Ca dao Việt Nam có câu:

                                            Dầu xây chín bực Phù đồ,

                                            Chẳng bằng làm phước cứu cho một người.

    Phù đồ trong câu trên chỉ Tháp Phật, và Nguyễn Khắc Thuần chỉ biết tới đó, kiến thức cũng chỉ tới đó cho nên đã chú thích, đã dịch thiếu sót, thiếu chính xác như đã thấy! 

     + Nguyễn Khắc Thuần. [31].

    - “Cao tăng nước ta không phải ít……………. Nay chỉ thấy có mấy bài thơ của các bậc tài giỏi chép trong LOẠI HÀM 13 ……”. (Qu. 9. Thiền Dật. 216).

    Chú thích.      

    -13 LOẠI HÀM: chúng tôi chưa được đọc sách này”.

     Minh Di.

    Bộ ‘LOẠI HÀM’ đề cập trên đây là tên gọi tắt của “Uyên Giám Loại Hàm”, 1 bộ Loại thư do Thanh Thánh tổ (1654 - 1722; tại vị: 1661 - 1722) ra lệnh soạn, hoàn tất năm 1710.

    Bộ “Uyên Giám Loại Hàm” do nhóm Trương Anh (1637 - 1708) căn cứ các điều lệ của Bộ “Đường Loại Hàm” của Du An Kỳ (? - ?) đời Minh, tăng điều mục mà soạn thành.  

    Uyên Giám là tên một cái Thư trai (Phòng đọc sách) trong Cung.

    Bộ “Loại Hàm” sau này gồm 450 Quyển, phân thành 43 Bộ, tóm 2,536 tiểu loại, tập lục văn chương, sự tích các triều Minh (1368 - 1644), Nguyên (1279 - 1368) về trước, mục trưng dẫn cực kì phong phú! Số quyển của Uyên Giám Loại Hàm tuy chỉ non nửa của Bộ Thái Bình Ngự Lãm (1000 Quyển) nhưng về thiên chương thì “Loại Hàm” lại nhiều gấp 2 lần “Ngự Lãm”. 

    Đã đi vào lãnh vực Cổ học nói chung và Sử học Trung Quốc nói riêng thì một học giả không thể không biết những tên gọi tắt của các tác phẩm cổ, chẳng hạn:

    - Thuyết Văn là tên giản lược của Thuyết Văn Giải Tự.

    - Thích Văn là tên giản lược của Kinh Điển Thích Văn.

    - Ngự Lãm là tên giản lược của Thái Bình Ngự Lãm.

    - Hoàn Vũ Ký là tên giản lược của Thái Bình Hoàn Vũ Ký.

    -  Ngu Hành Chí là tên giản lược của Quế Hải Ngu Hành Chí.

    - Thông Khảo là tên giản lược của Văn Hiến Thông Khảo.

    Ngoài ra, ở chú thích trên khi nói “chúng tôi chưa được đọc sách này” thì tôi không rõ ý của Nguyễn Khắc Thuần là sao? Ông “chưa được đọc”, nhưng ông biết nội dung sách hay là hoàn toàn không biết gì hết? Vì rằng, người ta có thể “chưa đọc” một hay nhiều tác phẩm nào đó nhưng cũng có thể biết được nội dung sách, nhờ tra các Từ điển, các sách giới thiệu Thư tịch.

    một người nghiên cứu Cổ học lẽ nào ông Nguyễn Khắc Thuần lại không có các bộ Từ điển Trung Hoa như Từ Hải, Từ Nguyên để tra cứu?

     + Nguyễn Khắc Thuần. [32]. [33].

    - “Phân thân đi giáo hóa ở Nhật Nam 2“. (Qu. 9. Thiền Dật. 218).

    Chú thích.

    -2 Nhật Nam là tên một trong số ba quận (Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam) vốn là đất xưa của Âu Lạc bị nhà Hán cắt đặt để đô hộ. Đất Nhật Nam nay đại để tương ứng với khu vực từ Nghệ An vào đến hết Thừa Thiên - Huế”.

    Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần được tâng bốc là “Nhà Sử học” mà không thông Địa Lý.

    Quận Nhật Nam thời Tây Hán không có nhỏ như Nguyễn Khắc Thuần viết sai.

    Căn cứ Bản đồ Lịch sử thời Tây Hán, Quận Nhật Nam, từ Bắc xuống Nam, trải từ:

    + Vĩ tuyến 18o đến vĩ tuyến 12o 48’.

    Tức từ một mảnh đất rất nhỏ, không đáng kể, ở miền Nam của tỉnh Hà Tĩnh, trải xuống tỉnh Quảng Bình, đến một phần miền Bắc tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang) hiện nay.

    Trong khi đó, sau khi nước Lâm Ấp được thành lập năm 192 khoảng cách Bắc – Nam của Quận Nhật Nam đã thu ngắn lại, trải từ vĩ tuyến 18o tới vĩ tuyến 16o – tức giới địa ở phía Nam chỉ tới Hải cảng Đà Nẵng hiện nay, tức lãnh địa mất đi trải dài 3o 12’.

    [Tham khảo:

    + Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Đệ nhị Sách. Tần. Tây Hán. Đông Hán thời kỳ.

    - Tây Hán thời kỳ. Bản đồ 35 – 36. Giao Chỉ Thích Sử Bộ.

    - Đông Hán thời kỳ. Bản đồ 63 – 64. Giao Châu Thích Sử Bộ].

     Tiếp đến, Nguyễn Khắc Thuần nói Quận Nhật Nam là “đất xưa của Âu Lạc” thì đúng là nói ba láp! Nước Âu Lạc nào ở đây, thưa “Nhà Sử học” Nguyễn Khắc Thuần?

    Sau hết, Nguyễn Khắc Thuần nói “Đất Nhật Nam nay đại để tương ứng với khu vực từ Nghệ An vào đến hết Thừa Thiên – Huế”.

    Nguyễn Khắc Thuần nói như vậy rất chung chung, hàm hồ! Vì rằng, phân giới của các địa khu thời cổ đã trải những biến thiên qua nhiều thời kỳ, nhiều triều đại! Vì thế vấn đề ở đây là cần xác định sựtương ứng Nguyễn Khắc Thuần nói là ở thời điểm nào? Đây gọi là vấn đề “Địa lý duyên cách” mà đã đọc Sử thì không thể không biết!

    Ở đoạn trên tôi đã đưa ra sự thay đổi về mặt Địa lý Hành chánh của Quận Nhật Nam từ thời kỳ Tây Hán qua Đông Hán. Các thời sau 2 thời này lại có thay đổi nữa.

    Sau đó, tiếp đến các thời Tam Quốc (220 - 280), đời Tây Tấn (265 - 317) phân giới của Quận Nhật Nam lại thay đổi.

    Vẫn căn cứ Bản đồ Lịch sử thì Quận Nhật Nam thời Tam Quốc trải từ Bắc xuống Nam:

    + Vĩ tuyến 18o đến vĩ tuyến 16o 36’, tức ranh giới phía Nam, giới hạn ở sông Thọ Lãnh tỉnh Quảng Trị hiện nay, sát bên trị sở Tỉnh. Thọ Lãnh tức sông Thạch Hãn hiện nay.

    Thời kỳ này Quận Nhật Nam thuộc Ngô triều (222 - 280) ở mạn Nam Đại Giang.

    Năm 278, Ngô triều phế Quận Nhật Nam, nhập Quận Cửu Đức.

    Sau khi tiêu diệt Ngô triều vào tháng 3 năm 280 thì 2 năm sau, đến năm 282, Tấn triều cho hồi phục Quận Nhật Nam.

    [Phụ chú.

    Ngô triều đầu hàng quân Tấn ngày Nhâm Thân (mồng 7) tháng 3 năm Canh Tý (280).

    Tham khảo Tam Quốc Chí. Qu. XLVIII. Ngô thư. Qu. III. Tam chủ Truyện. Tôn Hạo].

     Và đến triều Đông Tấn (317 - 420) Nhật Nam không còn thuộc Trung Quốc, đất cũ của Quận từ Vĩ tuyến 16o trở xuống Lâm Ấp chiếm lãnh hết.

    [Tham khảo:

    + Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Đệ tam Sách. Tam Quốc. Tây Tấn thời kỳ.

    ~ Tam Quốc thời kỳNgô. Bản đồ 30 – 31. Giao Châu

    ~ Tây Tấn thời kỳ. Bản đồ 57 - 58. Giao Châu / Quảng Châu].

     + Nguyễn Khắc Thuần. [34].

    - “Sơn vũ                               

                                          Thu phong ngọ dạ phất thiềm la,

                                          Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la.

                                          ………………………

    Dịch nghĩa:

                       Nửa đêm 1 gió thu tạt vào riềm mái nhà

                       Nhà núi lặng lẽ gối lên thảm xanh

                       ……………………………              

    “. (Qu. 9. Thiền Dật. 241)

    Chú thích.                     

    -1 Ngọ dạ (chữ Hán) là chữ của nguyên tác nhưng chúng tôi cho là bán dạ (Hán tự) mới đúng vì bán dạ nghĩa là nửa đêm còn ngọ dạ là vô nghĩa. Xin sửa là bán dạ”.

     Minh Di.

    Tới đây thì tôi không thể ngờ được rằng, không thể tưởng được rằng trình độ Hán văn của “Nhà Sử học” Nguyễn Khắc Thuần lại tồi tệ đến như thế!

    Chữ đúng Nguyễn Khắc Thuần lại sửa cho thành sai, vì cái trình độ quá, quá kém cỏi của ông ta, chứ không từ một sự tham khảo nào hết!

    Nửa đêm đúng là “Ngọ dạ”, Nguyễn Khắc Thuần vì kém quá cho nên đã sửa bậy.

    Từ điển Từ Nguyên:

    - “Ngọ dạ. Bán dạ”. // Nghĩa là: “Nửa đêm”.

     Từ điển Từ Hải:

    - “Ngọ dạ. Vị bán dạ dã”. // Nghĩa là: “Ý nói nửa đêm”.

     

    Từ điển Từ Vị:

    - “Ngọ dạ. Dạ bán”. // Nghĩa là: “Nửa đêm”.

    NGỌ nguyên nghĩa là giữa trưa, người ta đã lấy cái ý “Giữa” này ghép với chữ “dạ” để chỉ “giữa đêm”, “nửa đêm”.

    Cũng thế, thời cổ 10 ngày được gọi là một “tuần”, sau đó người ta đã lấy cái ý “10” này ghép trong các tiếng chỉ tuổi như “ngũ tuần” là “50 tuổi”, “lục tuần” là “60 tuổi”...…

     (KỲ 5)

    Đây gọi là “Bản nghĩa” (Nghĩa Gốc) và “Dẫn thân nghĩa” (Nghĩa Suy diễn).

    Nguyễn Khắc Thuần không có đến một Bộ Từ điển Trung Hoa để tra cứu - để rồi tự ý sửa chữ của cổ nhân theo cái hiểu biết nông cạn của mình. Nguyễn Khắc Thuần thực đúng là hạng “vu oan cổ nhân, đánh lừa hậu nhân”.

    Nguyễn Khắc Thuần làm tôi ngờ khả năng Hán văn của ông ta quá!

    Tiếng Ngọ dạ trong thi ca:

    Trong bài “Tần Cung” Lý Hạ (790 - 816) đời Đường (618 - 907)có câu:

                                       Phi song phức đạo truyền trù ẩm,

                                       Ngọ dạ đồng bàn nhị chúc hoàng.

                                                          Song cao lối gác chuyền đồ uống,

                                                          Đêm nửa khay đồng ánh nến vàng. 

    Trong bài “Vịnh Trúc” Đường Ngạn Khiêm (? - ?) cuối thời Đường có câu:

                                       Nguyệt minh ngọ dạ sinh hư lại,

                                       Ngộ thính phong thanh thị vũ thanh.

                                                          Nửa đêm trăng sáng mơ hồ tiếng,

                                                          Tiếng gió nghe lầm ấy tiếng mưa.

    Vi Trang (~836 - 910) trong bài “Ức Tích”:

                                       Tích niên tằng hướng Ngũ Lăng du,

                                       Ngọ dạ thanh ca nguyệt mãn lâu.

                                                          Ngũ Lăng năm cũ từng phiêu du,

                                                          Tiếng hát nửa đêm trăng khắp lầu.

    [Phụ chú. Thanh ca là ca mà không có nhạc khí đệm].

    2 câu này dẫn trong “Kim Thánh Thán Tuyển Phê Đường Tài Tử Thi” (Qu. VII Hạ).

    Trong Bản Chú giải “Vi Trang Tập Tiên Chú” của Nhiếp An Phúc 2 chữ “Ngọ dạ” chép là “Tý dạ”, cũng có nghĩa là “nửa đêm”

    Với những gì trưng dẫn trên đây thì “ngọ dạ là vô nghĩa” ở nơi nào chốn nào đây, thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?

    Ông chú thích rất sai lạc! Cái sai lạc này khởi đi từ một kiến thức rất lem nhem! Những kiến thức ở đây là những kiến thức sơ đẳng mà một người biết tra Từ điển cũng có thể tìm biết được. Tất cả cũng chỉ vì trình độ Hán văn quá kém mà ra!

    Và không phải chỉ ở đây, mà dài dài trong bản dịch và chú thích của ông tôi đã trưng ra rất nhiều lỗi loại này!

     + Nguyễn Khắc Thuần. [35].

    -Phiên âm:

                         Vạn duyên tài 1 đoạn nhất thân nhàn

                         Tứ thập nhân duyên biến ảo gian.        (Qu. 9. Thiền Dật. 255).

    Chú Thích.

    -1 Nguyên bản viết là tài (Hán tự: vừa mới). Xin sửa là tài (Hán tự: dứt bỏ, cắt hết) cho đúng”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần lại sửa bậy! Chữ “Tài” của nguyên tác, nghĩa là “vừa mới”, mới là chữ đúng, chữ ông sửa lại là chữ sai!  Ông biết thế nào là đúng, là sai đây?

     

    Bành Thừa (? - ?) thời Bắc Tống (960 - 1127) viết:

    - “Hoa Đình Thuyền Tử hòa thượng hữu kệ viết:

                                           Thiên xích ty luân trực hạ thùy,

                                           Nhất ba tài động vạn ba tùy.

                                           Dạ tĩnh thủy hàn ngư bất thực,

                             Mãn thuyền không tái nguyệt minh qui.

    Tùng lâm thịnh truyền tưởng kiến kỳ vi nhân”.

                                                                          /  Mặc Khách Huy Tê. Qu VII. 05  /.

    - “Hòa thượng Thuyền Tử ở Hoa Đình có bài kệ rằng:

                             Ngàn thước dây tơ thẳng xuống gieo,

                             Một làn vừa động vạn làn theo.

                             Đêm lắng nước se cá chẳng đớp,

                             Đầy thuyền trăng sáng chở về theo.

    (Bài kệ này) lưu truyền rộng trong giới Thiền, ai cũng mong được gặp người như ông”. 

     Hòa thượng Thuyền Tử (? - ?) Pháp danh là Đức Thành, người cuối thời Đường, còn Thuyền Tử là tên Hiệu của ông.

    Quê tại Đông Vũ Tín đất Thục (Tứ Xuyên), ông ở Dược Sơn 30 năm. Sau về Tú Châu ở Hoa Đình (thuộc tỉnh Giang Tô), một mình 1 chiếc thuyền tùy duyên độ nhật, giao tiếp người bốn phương qua lại! Trong khoảng niên hiệu Khai Thành (827 - 840) thuyền ông bị lật úp, ông lọt xuống nước mà qua đời.

     + Nguyễn Khắc Thuần. [36]. [37].

    - “Lại có câu kệ rằng:

                                      ................................

                                      Mãn sơn nhân xướng giá cô từ,

                                      Thác nhận hồ gia thập bát phách.

    …………………….....

                                       Đầy núi người ca bài giá cô 3

                      Tưởng lầm là 18 nhịp phách của Hồ Gia 4 . 

    (Qu. 9. Thiền Dật. 264).

    Chú thích.

    -3 Giá cô là tên một khúc hát cổ của người Trung Quốc, dễ gây cảm xúc nhớ quê nhà”.

    -4 Hồ Gia là từ chỉ chung các bộ tộc cư trú ở phía bắc của Trung Quốc”.

     Minh Di.

    Về khúc Giá cô Nguyễn Khắc Thuần chú thích rất lơ mơ!

    Giá cô đây tức “Giá Cô Phi”, nguyên là một khúc dân ca ở tỉnh Hồ Nam.

    Hình thức trình diễn hoặc hợp tấu với các nhạc khí giây + tiêu, sáo, hoặc độc tấu Sáo.

    Hình thức độc tấu là hình thức lưu truyền ở cả một dải phía nam Trường Giang.

    Tiếp đến, Nguyễn Khắc Thuần chú thích 2 chữ “hồ gia” sai quá, ba láp quá chừng đi!

    Trong phần dẫn chữ Hán, chữ “Gia” Nguyễn Khắc Thuần viết với Bộ “Thảo” (Cỏ). 

    Duyệt lại bản Hán văn (đầu trang 582) thì chữ “Gia” kể trên viết với Bộ “Trúc” (Tre), và như vậy thì ông Nguyễn Khắc Thuần không đọc bản Hán văn?

    [Chữ “Gia” [trên bộ Trúc, dưới chữ gia nghĩa là “thêm”].

    Mà cũng chẳng cần coi lại bản Hán văn giới chuyên môn cũng biết ngay chữ “Gia” này phải viết với Bộ “Trúc”. Bởi lẽ “hồ gia” ở đây là danh xưng của một thứ nhạc khí, thuộc loại tiêu, sáo. Tương truyền Trương Kiển (? - 114 tr. Cn) thời Tây Hán đi Sứ Tây Vực khi về mang thứ nhạc khí này vào Trung Quốc.

    Kế đến, “Hồ gia Thập bát Phách” là tên một nhạc khúc, nhưng không phải là khúc của cây sáo “hồ gia” mà là một khúc đàn Cầm.

    Khúc này gồm có 18 đoạn vì thế mà gọi là “thập bát phách”! Cung điệu diễn biến theo 3 Thể, là “Cung” (Do), “Chủy” (Fa) và “Vũ” (Sol). Khúc điệu diễn tả lòng nhớ cố hương và sự li biệt, âm hưởng ai oán, thê thiết.

     Khúc đàn Cầm “Hồ Gia Thập Bát Phách” nói trên do Lưu Thương (? - ?) soạn trong khoảng trung kỳ Đường triều soạn từ khúc “Hồ gia lộng” của Đỗ Đình Lan (? - ?).

     Hồ Chấn Hanh (1569 - 1645) viết:

    - “Lưu Thương Hồ Gia Thập Bát Phách.

    Tự tự: Nghĩ Đổng Đình Lan Hồ Gia Lộng tác. Lý Kỳ hữu Thính Đình Lan Hồ Gia Ca”.

    Dịch nghĩa:

    - “Lưu Thương Hồ Gia Thập Bát Phách.

    Lời tự đề tựa (nói): Soạn phỏng theo khúc Hồ Gia Lộng của Đổng Đình Lan. Lý Kỳ có bài thơ Thính Đình Lan Hồ Gia Ca”.

                      /  Đường Âm Quí Thiêm”. Qu. XIV. Nhạc thông 3. Cầm khúc  /.

    [Phụ chú.

    Lưu Thương (? - ?) sống vào trung kỳ đời Đường (618 - 907), đậu tiến sĩ trong khoảng Niên hiệu Đại Lịch (766 - 779).

    Ngoài Nhạc Lưu Thương còn sở trường về Hội họa, ông vẽ Sơn thủy, vẽ Tùng, Thạch và cây cỏ.

    Đổng Đình Lan (? - ?) quê quán ở Thiểm Tây (hiện nay thuộc tỉnh Cam Túc).

    Dưới triều Võ Tắc Thiên (624 - 705; tại vị: 690 - 705), Đổng Đình Lan theo học Cổ cầm với Trần Hoài Cổ. Đổng Đình Lan đàn Cầm hay đến nỗi đương thời trong giới Âm nhạc có câu “Phủ huyền vận thanh, khả dĩ cảm quỉ thần” (“Thanh điệu khảy dây cảm được quỉ thần”. Phòng Quan (697 - 763) rất thích tiếng đàn Cầm này của Đổng Đình Lan; về sau dưới triều Đường Túc tông (711 - 762; tại vị: 756 - 761) Phòng Quan làm Tể tướng Đổng Đình Lan ỷ thế Phòng Quan ăn hối lộ, cũng vì việc này Phòng Quan bị bãi chức.

    Ngoài ra, Đổng Đình Lan còn giao du với một số thi nhân tiếng tăm đương thời, như Cao Thích (702 - 765), Lý Kỳ (690 - 751) – bởi Đổng Đình Lan lớn tuổi hơn do đó được 2 thi nhân này gọi là “anh hai Đổng” (Đổng đại).

    2 câu thơ “Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, thiên hạ thùy nhân bất thức quân” (Chớ buồn trước mặt không tri kỷ, thiên hạ nào ai chẳng biết ông) chính là chỉ Đổng Đình Lan.

    (Trong bài thứ nhất trong 2 bài thơ tựa đề Biệt Đổng đại).

    Lý Kỳ thì nói: “Đổng phu tử thông thần minh, thâm sơn thiết thính lai yêu tinh”, có nghĩa là “Đổng phu tử thông thần minh, núi sâu nghe trộm kìa yêu tinh”. 

    (Trong bài “Thính Đổng đại Đàn Hồ Gia Lộng Kiêm Ký Ngữ Phòng Cấp Sự”)].   

     + Nguyễn Khắc Thuần. [38]. [39].

    - “Sách TRIỀU DÃ THIÊM TÁI 2 nói: ……”. (Qu. 12. Tùng Đàm. 332).

    Chú thích.

    -2 TRIỀU DÃ THIÊM TÁI: chúng tôi chưa được tham khảo sách này. Tên sách có nghĩa là ghi chép và chuyển tải những chuyện ở ngoài cung đình”.

     Minh Di.

    Nguyễn Khắc Thuần chú thích mà như chẳng chú thích gì hết! Và rồi ngay cả Tên sách cũng giải nghĩa không chính xác, lại viết sai chữ “Thiêm” về mặt Hán tự nữa!

    Tên sách có nghĩa: “Những ghi chép về nhiều chuyện trong triều và ngoài dân gian”.

    2 chữ “triều dã” trong Tựa sách ở đây chỉ 2 không gian:

    - Triều là ở trong triều, trong cung đình, còn Dã chỉ ngoài triều, tức trong dân chúng.

    Giải thích tên Sách như Nguyễn Khắc Thuần thì chỉ mới giải thích mỗi chữ “Triều”, mà chưa giảng chữ “Dã”.

    Có thể thấy ngay Nguyễn Khắc Thuần đã hiểu 2 chữ “Triều Dã” ở đây là một, và nhằm chỉ một không gian ở ngoài cung đình. Giải thích này chỉ đúng một nửa như đã thấy.

    Chữ “Thiêm” ở đây có nghĩa là “cùng, đều (giai); đông, nhiều (chúng)”.

    Chữ gồm trên Bộ Nhân (người), dưới là chữ Nhất (một), dưới nữa 2 chữ Khẩu (miệng) đứng song hành, và dưới nữa là 2 chữ Nhân (người) cũng song hành.

    Còn chữ “Thiêm” Nguyễn Khắc Thuần cho in Hán tự lại có thêm Bộ “Trúc” (tre) ở trên.

    Nếu có cuốn “Triều Dã Thiêm Tái” trong tay, hoặc nếu không thì có thể tra cứu một số Từ điển Trung Hoa như Từ Hải, Từ Nguyên…… hay các sách giới thiệu Thư mục như bộ “Trực Trai Thư Lục Giải Đề” của Trần Chấn Tôn (? - ?) đời Nam Tống, hoặc là đọc bộ “Tứ Khố Toàn Thư Đại Từ Điển” của Dương Gia Lạc......... chẳng hạn, hoặc là đọc các mục “Kinh Tịch Chí” trong các bộ Chính sử, Điển chế sử của Trung Quốc rồi ông Nguyễn Khắc Thuần sẽ thấy ngay cái sai của mình.

    Bộ “Triều Dã Thiêm Tái” của Trương Tộc (? - ?) đời Đường soạn, ghi lại di văn, dật sự 2 triều Tùy (581 - 618), Đường (618 - 907), nhưng chủ yếu là những sự việc dưới triều Võ Tắc Thiên (624 - 705; tại vị: 690 - 705), phần lớn là về chính sự thối nát thời bấy giờ cũng như những việc làm tàn ác trong giới quan lại, trong đó có 1 số ở đất Giao Châu!

    Bên cạnh đó, sách cũng không ít những chuyện thần quái, những chuyện quỉ dị…… và   những chuyện vụn vặt vô vị.

     + Nguyển Khắc Thuần. [40].

           - “Tục truyền vào khoảng niên hiệu Thái Hòa 1 Bảng Nhãn Trịnh Thiết Trường 2 và Trạng Nguyên Nguyễn Trực 3 cùng đi sứ phương Bắc, gặp lúc thiên triều mở khoa thi, sai bồi thần 4 các nước cùng với Cử nhân của Trung Quốc cùng dự thi...…”.

    (Qu. 12. Tùng Đàm. 334).

    Chú thích.

    -4 Bồi thần ở đây là từ chỉ sứ thần”.

     Minh Di.

    Dĩ nhiên, theo văn ý của nguyên tác ai cũng có thể hiểu “Bồi thần” ở đây chỉ “Sứ thần”.

    Thế nhưng, vấn đề ở đây là tại sao gọi “Sứ thần” là “Bồi thần”, và đây là 1 việc làm cho Nguyễn Khắc Thuần, với tư cách là 1 “Nhà Sử học” (theo như lời nhà xuất bản in sách cho Nguyễn Khắc Thuần), và với tư cách là 1 người dịch và chú thích một tác phẩm có tính cách Lịch sử như cuốn “Kiến Văn Tiểu Lục” của Lê Quí Đôn đây.

    Thế nhưng, duyệt qua vài đoạn dịch văn, và một số chú thích của Nguyễn Khắc Thuần cho đến đây thì tôi đã quá rõ khả năng cũng như trình độ của cái “Nhà Sử học” có tên Nguyễn Khắc Thuần này, do đó, đặt vấn đề như thế thôi chứ tôi biết rất rõ ông ta cũng chẳng biết đâu mà giải thích!

     Quan chức các nước chư hầu khi nhập triều gặp thiên tử thì tự xưng là bồi thần.

    Trong nước, là bề tôi (thần) của vua mình, mà vua của mình lại là bề tôi của thiên tử -  bản thân là bề tôi tới 2 tầng như thế, do đó, quan chức các nước chư hầu khi vào triều gặp thiên tử thì tự xưng là “bồi thần”.

    Chữ “bồi” ở đây có nghĩa là “trùng” (tầng, lớp, lần nữa.…).

    Và “bồi thần” không nhất thiết phải là “Sứ thần”. 

     + Nguyễn Khắc Thuần. [41]. [42].

    - “Đặng Ất…. Đêm nằm nghỉ ở quán trọ, mở chương Cửu Hà kí đạo 6 của Kinh Thư 7 ra đọc, thấy Thái truyện 8 dẫn sách NHĨ NHÃ 9 có câu…… (Qu. 12. Tùng Đàm. 347).

    Chú thích.

    -6 Tên chương này có nghĩa là ghi chép về đường đi của 9 đoạn sông”.

    -9 NHĨ NHÃ: chúng tôi chưa rõ về sách này”.

     Minh Di.

    Trước hết, trong THƯ KINH không có Chương nào gọi là “chương Cửu Hà kí đạo” như Nguyễn Khắc Thuần viết ở trên hết!

    Nguyên tác Hán văn như sau:

    - “Đặng Ất...... Dạ khế nghịch lữ duyệt “Thư Kinh” ‘Cửu hà ký đạo’ chương...…”.

    - “Đặng Ất............... Ban đêm nghỉ chân ở quán trọ đọc “Kinh Thư”, đọc (đến) chương (có câu) ‘9 giòng sông đã phân’...…”.

     ~ “Cửu hà ký đạo” là 1 câu trong Thiên Vũ Cống sách “Thượng Thư” (Phần Hạ Thư) nói về 9 giòng sông của Hoàng Hà, mà theo Thái Trầm (? - ?) thời Nam Tống là: 

    (1). Đồ Hãi. (2). Thái Sử. (3). Mã Hiệp. (4). Phúc Phủ. (5). Hồ Tô. (6). Giản Khiết. (7). Câu Bàn. (8). Cách Tân.

    giòng sông thứ 9, sau khi liệt kê 8 giòng kể trên, Thái Trầm viết tiếp:

    - “Kỳ nhất tức Hà chi kinh lưu dã! Tiên nho bất tri Hà chi kinh lưu toại phân Giản Khiết vi nhị”.

            /  Thư Kinh Tập Truyện. Qu. II. Hạ Thư. Vũ Cống  /.

    - “Một giòng nữa chính là giòng của (Hoàng) Hà! Tiên nho (bởi) không biết (Hoàng) Hà (cũng) là một giòng (riêng) cho nên đã phân giòng Giản Khiết thành 2 giòng”.

     Trong khi ở chú thích số 10 Nguyễn Khắc Thuần lại ghi giòng sông thứ 9 là “Cửu Hà”.

    Không rõ Nguyễn Khắc Thuần căn cứ từ đâu?

    Nguyễn Khắc Thuần đã không đọc “Thượng Thư” (tức “Thư Kinh”), lại không rõ được lối hành văn hàm súc của Cổ văn, đọc thấy câu “cửu hà ký đạo chương” thì nghĩ đây là tên của 1 chương nào đó trong “Thư Kinh” để dịch bậy là “chương Cửu hà kí đạo.

    Cái sai này càng rõ nét hơn khi Nguyễn Khắc Thuần viết ở câu chú thích số 6 :

    -6 Tên chương này có nghĩa là ghi chép về đường đi của 9 đon sông”.

     Tiếp đến, tôi không thể ngờ Nguyễn Khắc Thuần lại có thể không biết bộ “Nhĩ Nhã”.

    + Nhĩ Nhã. Là một Tập giải thích ngữ từ, danh vật…... tất cả 19 Thiên, truyền thuyết là do Chu Công (? - ?) triều Chu (1121 - 256 tr. Cn) soạn; thế nhưng cũng có thuyết nói là do môn đệ Khổng Tử (551 - 479 tr. Cn) soạn……. Gần sự thực hơn cả thì có lẽ đây là những ghi chép của thầy trò trong khi giảng, học, hoặc nói khác đi do nhiều người chép trong khoảng 2 triều Tần (221 - 206 tr. Cn) - Hán (206 tr. Cn - 220 Cn) và sau đó được tập lại thành Sách! Có thể nói đây là 1 cuốn Tự điển nho nhỏ!

    Đã theo Cổ học thì không ai mà không biết cuốn “Nhĩ Nhã”.

    Sau này có nhiều tác giả chú giải Nhĩ Nhã, nhưng bộ chú giải “Nhĩ Nhã Nghĩa Sớ” của Hách Ý Hạnh (1755 - 1823) đời Thanh là uyên bác nhất.

    Sau đây là 19 Thiên của sách “Nhĩ Nhã”:

    1). Thích Hỗ (Thượng, Hạ). Giải thích từ ngữ khác nhau giữa cổ kim.

    2). Thích Ngôn.

    3). Thích Huấn.

    4). Thích Thân. Giải thích quan hệ gia đình thân thích.

    5). Thích Cung. Giải thích cung điện, nhà cửa.

    6). Thích Khí. Giải thích vật dụng, khí cụ.

    7). Thích Nhạc.

    8). Thích Thiên. Giải thích thiên tượng, lịch pháp, thời gian……

    9). Thích Địa.

    10). Thích Khâu. Giải thích gò nỗng, đồi núi……

    11). Thích Sơn.

    12). Thích Thủy.

    13). Thích Thảo.

    14). Thích Mộc.

    15). Thích Trùng.

    16). Thích Ngư.

    17). Thích Điểu.

    18). Thích Thú.

    19). Thích Súc.

    Nói tóm lại, “Nhĩ Nhã” là một tác phẩm chuyên giải thích văn tự, ngữ ngôn, vật danh cổ thuộc loại được mệnh danh là Huấn Hỗ (hay Huấn Cố, Huấn Cổ).

     (KỲ 6)

    Các thời sau đó có một số tác phẩm về ngữ ngôn đã được soạn phỏng theo thể tài của cuốn “Nhĩ Nhã”, như:

    + Tiểu Nhĩ Nhã (cũng gọi Tiểu Nhã), theo truyền thuyết do Khổng Phụ (? - ?) soạn vào khoảng cuối triều Tần (221 - 206 tr. Cn).

    + Phương Ngôn của Dương Hùng (53 tr. Cn -18 Cn) đời Tây Hán (206 tr. Cn - 08 Cn).

    Đây là một tác phẩm ngắn, một tài liệu quí giá, vào khoảng hơn 20 trang, nghiên cứu phương âm cổ kim của Hoa ngữ, sưu tập những từ ngữ đồng nghĩa cổ kim của các địa phương, cho biết rõ phạm vi lưu hành của các từ ngữ! Để làm công việc vừa kể Dương Hùng đã căn cứ, hoặc từ thư tịch cổ, hoặc tự ông tới các địa phương tìm hiểu.  

    + Thích Danh của Lưu Hi (? - ?) thời Đông Hán (25 - 220).

    Các Biệt bản có Bản gọi là “Dật Nhã”.

    Lưu Hi sắp xếp từ ngữ theo các tiếng đồng thanh để từ đó suy luận, giải thích ý nghĩa của sự vật, tuy cũng có những chỗ xuyên tạc nhưng cũng nhờ đó mà biết được những âm đọc cổ của ngữ ngôn; và trong phần giải thích ý nghĩa các vật dụng khí cụ cũng có những chỗ qua đó cũng có thể suy đoán về các chế độ cổ đại. 

    + Quảng Nhã của Trương Tập (? - ?), thời Tam Quốc (220 - 280).

    Thể lệ, thiên mục theo đúng như “Nhĩ Nhã”!

    Sách tập lục những chú giải Kinh điển của các học giả đời Hán, cũng như các thư tịch về ngữ ngôn như “Phương Ngôn”, “Thuyết Văn”...…bổ sung cho bộ “Nhĩ Nhã”.

    Các nghĩa cổ của văn từ các triều Chu, Tần, Lưỡng Hán có thể căn cứ Tác phẩm này mà tham khảo, khảo chứng.

    Tóm lại, đây là 1 tác phẩm trọng yếu nghiên cứu từ ngữ cổ và huấn cổ học thời Hán.

    + Tì Nhã của Lục Điền (1042 - 1102) thời Bắc Tống (960 - 1127).

    Lúc đầu tác phẩm có tựa là “Vật Tính Môn Loại”. Tuy phong phú về dẫn chứng nhưng khuyết điểm của tác phẩm là ở chỗ trưng dẫn mà không nêu xuất xứ.

    + Thông Nhã của Phương Dĩ Trí (1611 - 1671) học giả mạt kỳ Minh triều (1368 - 1644) sơ kỳ Thanh triều (1644 - 1911).

    Tác phẩm này gồm 52 Quyển, phân 44 Môn, mục tiêu chú trọng vào các phương diện Huấn cổ, Khảo chứng, Âm thanh, nội dung hết sức phong phú, bao quát các lãnh vực Điển chương, Chế độ, Thiên văn, Lịch số, Kim thạch, Thư pháp, Âm nhạc, Vũ điệu - và   Động vật, Thực vật, nổi tiếng về mặt khảo chứng, chú giải uyên bác. 

     + Nguyễn Khắc Thuần. [43]. [44]. [45]. [46].

    - “...…Quan Tham Tụng là Bá Trạch Hầu Nhữ Công Toản 2 nói: Năm Đinh Tị niên hiệu Vĩnh Hựu 3, khi còn ở quê nhà, có người trong họ kể cho ông nghe chuyện tiền hóa thành đất. Lời ấy ông chưa tin. Nhưng vào khoảng tháng 5, khi đi lên kinh đô, đến giữa đường qua huyện Đường Hào 4 thấy vô số tiền bay. Nhặt lên xem thì mới biết đấy là tiền Nguyên Thông 5, Hồng Hóa 6, Chiêu Vũ 7, Lợi Dụng 8......”.

    (Qu. 12. Tùng Đàm. 356).

    Chú thích.

    -5 Nguyên Thông nguyên bản viết là Nguyên Thông ( ) nhưng trong lịch sử Trung Quốc cũng như Việt Nam, không hề có niên hiệu nào là Nguyên Thông mà chỉ có niên hiệu Nguyên Thống của Hoàng Đế Nguyên Huệ Tông (1333 – 1335). Trong chữ Việt, ThôngThống rất dễ nhầm, còn trong chữ Hán thì hai chữ Thông () và Thống () không thể nào nhầm lẫn được vì thế, cũng không có tiền Nguyên Thông. Chúng tôi chưa rõ đây là tiền nào”.

    -6 Hồng Hóa nguyên tác viết là Hồng Hóa ( ) nhưng trong lịch sử Trung Quốc cũng như Việt Nam, không hề có niên hiệu nào là Hồng Hóa mà chỉ có niên hiệu Hồng Hi (Hán tự) của hai Hoàng Đế Trung Quốc là Minh Nhân Tông và Minh Tuyên Tông (dùng chung trong năm 1425), vì thế, chúng tôi chưa rõ đây là tiền nào”. 

    -7 Chiêu Vũ nguyên tác viết là Chiêu Vũ ( ) nhưng trong lịch sử Trung Quốc cũng như Việt Nam, không hề có niên hiệu nào là Chiêu Vũ cả, vì thế chúng tôi chưa rõ đây là tiền nào”.

    -8 Lợi Dụng nguyên tác viết là Lợi Dụng ( ) nhưng trong lịch sử Trung Quốc cũng như Việt Nam, không hề có niên hiệu nào là Lợi Dung cả, vì thế, chúng tôi chưa rõ đây là tiền nào”.

     Minh Di.

    Lê Quí Đôn học vấn uyên bác, chú thích tác phẩm của ông không phải là một việc làm dễ dàng.

    Nguyễn Khắc Thuần khả năng Hán văn rất giới hạn, kiến thức Cổ học cũng vì đó mà nông cạn, trong việc Chú thích có phạm nhiều sai lầm, có gặp nhiều lúng túng... thì đây cũng là sự đương nhiên. Cho nên, gặp chỗ nào không biết Nguyễn Khắc Thuần cứ suy cứ đoán loạn! Những chú thích trên đây của Nguyễn Khắc Thuần về các loại Tiền Cổ là thí dụ sau chót về sự suy đoán mà người xưa gọi là “tư nhi bất học” đó, cũng như về sự lúng túng đó - vì đây là trang cuối cùng của bản dịch!

    Sau đây là mấy loại Tiền cổ mà Nguyễn Khắc Thuần là nói là chưa rõ đây là tiền nào.  

    [Tiền Nguyên Thông].

    Theo Đinh Phúc Bảo (1874 - 1952) trong bộ “Cổ Tiền Đại Từ Điển” thì Nguyên Thông là tên 1 loại tiền cổ của An Nam và Nhật Bản.

    Tiền này có các mẫu “Nguyên Thông Hựu Bảo”, “Nguyên Thông Phong Bảo”, 

    Có điều về niên đại của tiền Nguyên Thông cũng như nhân vật nào đúc tiền này thì bộ Từ điển của Đinh Phúc Bảo lại không có một ghi chú nào, chỉ có mấy giòng rất sơ lược về tiền Nguyên Thông dẫn từ cuốn “Cổ Tiền Vị Khảo” của Ông Thụ Bồi (1764 - ?):

    “Nguyên Thông Thông Bảo.

    Bồi án: - Nguyên, Thông, Bảo tam tự giai Triện thể, dữ Nguyên Phong tiền đồng; do hữu Thông tác Khải thể (Cổ Tiền Vị Khảo)”.

                      /  Cổ Tiền Đại Từ Điển. Hạ Biên. II. Viên tiền loại. Tứ hoạch  /.

    -Nguyên Thông Thông Bảo.

    (Ông Thụ) Bồi xét: - 3 chữ Nguyên, Thông, Bảo đều viết với thể Triện thư, giống như tiền Nguyên Phong; (tiền này) còn có mẫu chữ Thông bên phải khắc thể Khải thư”.

    [Phụ chú.

    Ông Thụ Bồi là con thứ của Thư pháp gia trứ danh Ông Phương Cương (1733 - 1818).

    Nối theo gia học ông tinh khảo cứ học, thông kim thạch văn - lại có kiến thức sâu xa về Tiền cổ. Về Thư pháp ông sở trường Triện thư, Lệ thư. Tiến sĩ năm 1787].

     [Tiền Hồng Hóa].

    Đinh Phúc Bảo viết trong “Lịch Đại Cổ Tiền Đồ Thuyết”:

    - “Hồng Hóa Thông Bảo.

    Đoan Mộc ‘Tiền Lục’:

    ~ Ngô Tam Quế tôn Thế Phiền tập ngụy hiệu, cải Nguyên “Hồng Hóa”, chú “Hồng Hóa Thông Bảo”, bối hữu ‘Hộ, Công’ đẳng tự”.

                                         /  Lịch Đại Cổ Tiền Đồ Thuyết. XVI. Minh  /.        

    - “Cuốn ‘Tiền Lục’ của (Trương) Đoan Mộc (viết):

    ~ (Ngô) Thế Phiền, cháu nội của Ngô Tam Quế, thừa kế ngụy hiệu, đổi lại Niên hiệu là Hồng Hóa, đúc tiền “Hồng Hóa Thông Bảo”, mặt sau tiền có các chữ ‘Hộ. Công’.”. ~

    [Phụ chú.

    Trương Đoan Mộc (1711 - ?), Tiến sĩ năm thứ 7 Niên hiệu Càn Long (1736 - 1795), tức năm 1742, từng làm huyện lệnh các huyện Kim Hoa, Chư Kị, Thường Sơn].

    Tới đây tôi xin được lập lại những gì Nguyễn Khắc Thuần viết ở câu chú thích số 5, đã trích dẫn trước đây:

    -5 Nguyên Thông nguyên bản viết là Nguyên Thông ( ) nhưng trong lịch sử Trung Quốc cũng như Việt Nam, không hề có niên hiệu nào là Nguyên Thông mà chỉ có niên hiệu Nguyên Thống của Hoàng Đế Nguyên Huệ Tông (1333 – 1335). Trong chữ Việt, ThôngThống rất dễ nhầm, còn trong chữ Hán thì hai chữ Thông () và Thống () không thể nào nhầm lẫn được vì thế, cũng không có tiền Nguyên Thông. Chúng tôi chưa rõ đây là tiền nào”.

     Nguyễn Khắc Thuần khẳng định:

    ~ “......... còn trong chữ Hán thì hai chữ Thông () và Thống () không thể nào nhầm lẫn được vì thế, cũng không có tiền Nguyên Thông. Chúng tôi chưa rõ đây là tiền nào”.

    Nói như Nguyễn Khắc Thuần thì Lê Quí Đôn viết sai, vì không có tiền Nguyên Thông mà Lê Quí Đôn lại nói có. Như vậy là Lê Quí Đôn bịp! Đây là chuyện thứ nhất.

    Tiếp đến, câu cuối của Nguyễn Khắc Thuần mới là ba láp, lếu la lếu láo quá sức! bởi lẽ một khi đã nói là chưa rõ thì Nguyễn Khắc Thuần không thể khẳng định hay phủ định bất cứ điều gì hết! 

    Nguyễn Khắc Thuần đã quên một chuyện rất căn bản là nếu không có tiền này làm sao Lê Quí Đôn có thể bịa ra, ở đây, không phải 1 mà tới 4 loại Tiền, được? Lê Quí Đôn có gan trời cũng không dám bịa ra một chuyện như thế - bởi lẽ, thế hệ của Lê Quí Đôn là thế hệ Nho học, trí thức ai cũng học Hán văn, Lê Quí Đôn sao lại dám ngang nhiên làm một chuyện bịp bợm như thế, làm sao có thể mà mắt được cả thiên hạ đương thời? 

    Chỉ có thời buổi này mới có những hạng đã không có khả năng mới dám viết lách loạn  cả lên, in sách vỗ ngực xưng là “Nhà nghiên cứu Hán Nôm”, là “Nhà Sử học”...…, hoặc ưỡn ngực để người khác - vốn cũng ù ù cạc cạc, vỗ bình bịch dùm cho! Những kẻ này bây giờ cũng không thiếu, ở bên đây bờ cũng như bên kia bờ!

    Người nghiên cứu không bao giờ ức đoán, võ đoán điều gì mình hoàn toàn không rõ.

    Đã không biết Nguyễn Khắc Thuần không chờ kê khảo rồi nói sau mà cứ thế đi thẳng luôn đến kết luận - một kết luận không dựa, không đứng trên một nền tảng nào cả ngoài cái học vấn kém cỏi của ông ta!

     [Tiền Chiêu Vũ].

    - “Chiêu Vũ Thông Bảo.

    Trà Nham Dật Khảo:

    ~ Ngô Tam Quế xưng đế ư Hành Châu, ngụy hiệu Đại Chu, tiếm Nguyên Chiêu Vũ.

    Kim Chiêu Vũ tiền tiểu bình, bối hạ ‘công’ tự. Hựu hữu Triện thư; chiết thập Triện thư bối “nhất phân” nhị tự”.

                                      /  Sđd. Mục thứ như trên  /.

    - “Chiêu Vũ Thông Bảo.

    Cuốn Trà Nham Dật Khảo (viết):

    ~ Ngô Tam Quế xưng đế ở Hành Châu, lấy ngụy hiệu Đại Chu, tiếm xưng Niên hiệu là Chiêu Vũ.

    Tiền Chiêu Vũ (còn truyền lại tới) ngày nay là loại tiểu bình, mặt sau, ở phía dưới, có chữ “Công”. Cũng có loại khắc Triện thư; loại chiết thập khắc Triện thư thì mặt sau có 2 chữ ‘nhất phân’.”. ~

     [Tiền Lợi Dụng].

    - “Lợi Dụng Thông Bảo.

    Tiền Lục:

    ~ Ngô Tam Quế sơ phong Bình Tây Vương, trấn Điền Nam, tức sơn chú tiền văn viết Lợi Dụng Thông Bảo.

    Tiểu bình, bối hữu ‘Li. quí. vân’ đẳng tự; chiết nhị bối hữu ‘nhị li’ lưỡng tự, chiết ngũ bối hữu ‘ngũ li’ nhị tự, chiết thập bối hữu ‘nhất phân’, ‘nhất phân’ đẳng tự”.

                                                        /  Sđd. Mục thứ như trên  /.

    - “Sách Tiền Lục (viết):

    ~ Ngô Tam Quế Lúc mới được phong Bình Tây Vương, trấn thủ Vân Nam thì đúc tiền trong núi, tên tiền là ‘Lợi Dụng Thông Bảo’.

    Loại tiểu bình có các mẫu mặt sau khắc các chữ ‘Li. Quí. Vân’; loại chiết nhị mặt sau có 2 chữ ‘nhị li’; loại chiết ngũ thì mặt sau khắc 2 chữ ‘ngũ li’; loại chiết thập mặt sau có các chữ ‘nhất phân’ (và) ‘nhất phân’ - [với 2 chữ ‘nhất’ viết theo 2 thể khác nhau]”.

    [Phụ chú.

    Chiết nhị, chiết ngũ, chiết thập ở đây - cũng như tiểu bình của Chiêu Vũ Thông Bảo ở đoạn trước, đều là những danh xưng chỉ mệnh giá của tiền. Ngoài ra còn có chiết tam].

    Tạm kết.

    Duyệt qua những Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần về bộ “Kiến Văn Tiểu Lục” tôi có một nhận xét sau đây về ông ta qua 2 phương diện:

    (1). Kiến thức.

    Kiến thức Cổ học Trung Hoa của Nguyễn Khắc Thuần hết sức kém cỏi cho nên cũng không lạ ngay cả đến những tác phẩm căn bản nhất mà một người nghiên cứu Cổ học không thể không biết thì ông ta lại chẳng biết! Chẳng hạn:

    ~ Thượng Thư, Lễ Ký, Nhĩ Nhã, Quế Hải Ngu Hành Chí...... nói chung là thư tịch cổ của Trung Hoa. Và rồi cả “Tứ Thư, Ngũ Kinh” Nguyễn Khắc Thuần cũng không đọc!

    Sự yếu kém về lãnh vực này của Nguyễn Khắc Thuần còn được thấy qua việc ông đã không biết những tên gọi giản lược của những tác phẩm Cổ điển của Trung Hoa, như Lý Quật, Ngu Hành Chí, Loại Hàm..........…Trong lãnh vực học thuật việc các học giả chỉ nêu tên gọi giản lược các tác phẩm là chuyện rất thường! Nếu không biết điều này thì chưa phải là một người nghiên cứu thực sự, có thể nói như vậy!     

    Ngoài ra, những chú thích của Nguyễn Khắc Thuần về những tác phẩm cổ Trung Quốc cũng không cho độc giả biết được ngay những điều căn bản nhất như tác giả, nội dung cũng như giá trị của tác phẩm...... Nhưng với hầu hết các tác phẩm cổ điển Trung Hoa những câu Chú thích như: chúng tôi chưa rõ về sách này”, “chúng tôi chưa được rõ về sách này”, “chúng tôi chưa được đọc sách này, hoặc chúng tôi chưa được tham khảo sách này,......... là những câu chú thích độc giả rất thường bắt gặp trong Bản dịch của ông Nguyễn Khắc Thuần.

    Kiến thức Cổ học Trung Quốc rất giới hạn cho nên ngay những điều hết sức căn bản ông Nguyễn Khắc Thuần vẫn sai như thường!  Chẳng hạn:

    - Nói “Sách Trung Dung xuất từ Kinh Thư” (Chú thích 1, trang 187).

    - Câu “Cửu hà kí đạo” trong thiên ‘Vũ Cống’ (“Thư Kinh”. Hạ Thư) lại tưởng là tên của 1 Chương trong sách “Thượng Thư”. (Chú thích 6, trang 437).

    Viết thì ai cũng khó tránh khỏi sai, khỏi lầm, nhưng sai lầm như thế nào mới là vấn đề!

    Với tư cách của một người dịch và chú thích Cổ học thì những cái sai loại kể trên của Nguyễn Khắc Thuần không thể chấp nhận được!

    Chưa kể Nguyễn Khắc Thuần lại suy bừa, sửa bậy, đúng sửa lại thành sai, chẳng hạn hai tiếng “kiên hồ” / “kiên biều”, sửa “Viên Sinh Thụ” thành “Viên hương thụ”...... mà không dựa trên một kiến thức nào cả!

    Ngoài ra, có một vài chỗ làm tôi ngờ rằng ông Nguyễn Khắc Thuần đã không đọc bản Hán văn, và rốt ráo hơn, chẳng hạn:

    ~ “Phạm Thành Nhân...…”, Nguyễn Khắc Thuần phiên âm là “Phạm Hành Nhân”.

    ~ “Hồ Gia Thập Bát Phách”, chữ “Gia” trong bản Hán văn viết với Bộ “TRÚC” thì ông ta lại viết với Bộ “THẢO”.

    Và có 1 điều làm tôi ngạc nhiên hơn hết là hình như Nguyễn Khắc Thuần không có các bộ Từ Hải, Từ Nguyên, là những bộ Từ điển không thể thiếu cho việc tra cứu, chưa kể các bộ “Nhĩ Nhã”, “Quảng Nhã”, “Thuyết Văn”...... có tính chất chuyên môn hơn.

    Và, sau cùng, người đọc không thấy phần “Thư Mục Tham Khảo” ở cuối Bản dịch của ông Nguyễn Khắc Thuần ở đâu hết!

    Liệt kê “Thư mục Tham khảo” là để người đọc biết chỗ căn cứ của người viết!

    Ngoài ra, để những người chuyên môn kiểm lại coi người viết có thực sự có tham khảo những sách mình đã trưng dẫn hay không, trong chiều hướng này thì việc ghi Thư mục là điều cần thiết!! Về việc ghi tên sách tham khảo mà không thực sự tham khảo, tức chỉ ghi ra cho có (để lòe bịp người đọc) thì tôi đã bắt được vài trường hợp, trong đó có cả ông tiến sĩ Sử học Keith Weller Taylor, tác giả cuốn “The Birth of Vietnam”.

    Từ sự việc nói trên, có thể thấy ông Nguyễn Khắc Thuần vốn không tham khảo thư tịch theo như đòi hỏi đối với một người nghiên cứu đúng nghĩa! Ở đây, nếu nói trắng ra là Nguyễn Khắc Thuần không có một chút khả năng nào cả về Cổ học, nói trắng ra là Nguyễn Khắc Thuần dốt Hán văn.

    (2). Phương pháp làm việc.

    Trước khi viết về một vấn đề gì đó thì việc trước nhất một người phải làm là thu thập những tài liệu, sách vở liên quan vấn đề mình định viết.

    Cũng thế, khi muốn dịch và chú thích 1 tác phẩm như cuốn “Kiến Văn Tiểu Lục” ở đây ông Nguyễn Khắc Thuần phải chuẩn bị Thư tịch, Sử liệu liên quan công việc của mình.

    Thế nhưng, những cái sai, những cái lầm loại tôi trưng dẫn trong bản dịch và chú thích của Nguyễn Khắc Thuần đã cho thấy rất rõ là ông đã không có sự chuẩn bị nói trên!

    Những cái sai rất là sơ đẳng của ông Nguyễn Khắc Thuần có thể tránh được dễ dàng  nếu ông chịu mất công thu thập một số sách vở, tài liệu nào đó. 

    ~ Về mặt tài liệu, trong “Lời nói đầu” ông Nguyễn Khắc Thuần cho biết là ông “cố gắng huy động tất cả những gì có thể huy động được”. Có điều, tôi không hiểu ông huy động ra làm sao mà sai lầm lại tràn lan như thế trong bản dịch, trong bản chú thích của ông?

    Tới đây tôi xin lập lại một đoạn tôi đã viết ở một phần trước:

    Lê Quí Đôn học vấn uyên bác, quán “Tứ Thư, Ngũ Kinh”, thông “Thích, Lão”, cho đến bút kí, tiểu thuyết............. không loại nào Lê Quí Đôn lại không đọc qua, cho nên, nếu không đọc nhiều thì không thể hiểu kiến giải, tư tưởng của ông, để có thể chú thích cho người đọc hiểu chính xác những gì ông muốn nói! 

    Chỉ dựa vào sự hiểu biết Hán văn, mà chừng như vẫn chưa đến độ khả quan lắm, mà ông Nguyễn Khắc Thuần muốn chú thích Lê Quí Đôn thì phải nói là không tự lượng!

    Bộ “Lê Quí Đôn tuyển tập” in đẹp lắm, bìa cứng - lại thêm bìa mỏng khoác ngoài, giấy lại trắng tinh.

    Đáng tiếc, Bộ sách này rồi giống như những trái cam của Lưu Cơ (1311 - 1375).

    Nhà Xuất bản cũng như ông Nguyễn Khắc Thuần, ở cuối phần “Lời nhà xuất bản”, và cuối “Lời nói đầu” đều có vài giòng:

             - “..…mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa để khi tái bản sách sẽ hoàn thiện hơn”.

    (Nhà xuất bản).

             - “…Dịch thư tịch cổ đã khó mà công việc hiệu đính và chú thích lại còn khó hơn. Chúng tôi cố gắng huy động tất cả những gì có thể huy động được để thực hiện phần việc khó khăn này. Nhưng, trong khuôn khổ chật hẹp của lao động cá nhân, dù nghiêm túc và chịu khó đến bao nhiêu thì sơ suất cũng sẽ là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi hi vọng sẽ được bạn đọc (đặc biệt là các bậc cao minh) vui lòng chỉ giáo cho”.

    (Nguyễn Khắc Thuần Lời nói đầu).

     ~ Dĩ nhiên, tôi không tiếc chi vài giòng ý kiến sửa sai, nhưng với cung cách làm việc của ông Nguyễn Khắc Thuần thì tôi nghĩ không riêng gì tôi mà cả những bậc cao minh đến không đủ kiên nhẫn ngồi sửa những cái sai vốn sai tràn lan, mà phần lớn là những cái sai rất sơ đẳng, trong bản dịch và chú thích của ông Nguyễn Khắc Thuần. 

                                                                               *

    (KỲ 7, chót)

    Sau hết:

    Như đã nói rõ ở phần mở đầu bài này, vì chưa có được Tập 4, nội dung là phần 1 của tập “Kiến Văn Tiểu Lục” trong “Lê Quý Đôn tuyển tập”, do đó, chờ khi có được Tập 4 tôi sẽ phê bình tiếp.

                                                                               &

    Sau cùng, có một chuyện tôi nghĩ cũng nên nói ở đây.

    Theo nhận xét của tôi thì vấn đề Học thuật hiện nay - ở đây tôi chỉ nói riêng lãnh vực Cổ học - ở bên kia bờ, ở trong Nước, không nằm ở Bộ Giáo Dục, mà nằm trong tay các nhà Xuất bản! Thấy một cuốn sách nào đó có thể bán được nhà Xuất bản cứ việc đem in, không cần biết người viết có khả năng thực sự trong lãnh vực đó hay không!

    Giới thiệu cho Tập 5 của Bộ “Lê Quí Đôn Tuyển Tập”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục đã có những lời như sau:

    - “Cuốn LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP - tập 5 - KIẾN VĂN TIỂU LỤC phần 2 mà quý độc giả đang có trong tay là một trong những cuốn sách thuộc mảng sách tham khảo đặc biệt.

    ...........................................

    KIẾN VĂN TIỂU LỤC, một bộ phận cấu thành quan trọng của bộ LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP - chứa đựng một khối lượng tài liệu rất phong phú, được Nhà Sử học Nguyễn Khắc Thuần tiến hành dịch và chú giải, sẽ cung cấp cho bạn đọc những tài liệu tham khảo có độ tin cậy cao khi nghiên cứu về lịch sử văn hóa nước nhà thời trung đại”.

    (Lời nhà xuất bản).

     ~ Với bài phê bình này có lẽ tôi không cần có ý kiến gì về “Lời nhà xuất bản” trên đây! Tôi xin để độc giả tự nhận định lấy!

    Về khả năng của một số người được gọi là nhà nghiên cứu ở Bên kia bờ thì trước đây tôi có bài “Ghé Mắt Qua” phê bình mấy “nhà nghiên cứu Hán Nôm” dịch bộ Sử thư của Việt Nam thời cổ là “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”. Và bây giờ ở đây lại thêm trường hợp ông Nguyễn Khắc Thuần thì nhận xét của tôi có lẽ không sai sự thực là mấy!

    Đây là chưa kể có những bản dịch mà không kèm theo nguyên bản Hán văn, việc này khiến cho giới nghiên cứu khó mà nhận định mức độ chính xác của bản dịch.

    Về phía người viết trong nước thì có lẽ vì hoàn cảnh sống, nhất là những người trong giới dạy học đã về hưu, thu nhập không đủ, cho nên họ đành phải làm một việc mà họ chưa được trang bị ở một mức độ khả quan nào đó! Và, hẳn mọi người đều rõ là ở đây tôi muốn đề cập những người từng theo học Hán văn! Giỏi Hán văn là một chuyện mà có thư tịch, tư liệu để tham khảo cho việc nghiên cứu hay không lại là một chuyện khác và khác xa lắm!

    Với một tình thế như đã nói, tình trạng nghiên cứu Cổ học bên kia bờ, ở một góc cạnh nào đó, nếu có một cái gì đáng chê trách thì đây cũng là điều không lạ!

    Từ trước tới nay, kể cả trước 75, nói chung rất nhiều khoa bảng Tây học ở Miền Nam vẫn ngưỡng phục học giới Miền Bắc, coi những gì người Miền Bắc viết ra là mẫu mực cho việc nghiên cứu.

    Thế nhưng, nói một cách bình dân thì “Coi Vậy mà không phải Vậy!”. Phán đoán nào rồi cũng phải y cứ thực tế, phải có chứng cứ thì mới chính xác!

    Đại Tượng Quẻ Gia Nhân (Tốn / Li) nói “ngôn hữu vật” là vậy!

                                                                               *

    Cuối Bài “Ghé Mắt Qua” hơn 3 năm (19 / 3 / 2007) trước đây tôi đã có vài lời cảnh giác mấy ông bà khoa bảng Tây học về khả năng của các “nhà nghiên cứu” (được gọi là) ở bên kia bờ, và bây giờ tôi vẫn nói như đã nói trước đây 3 năm!

                                                                               *

    Ở bên kia bờ chắc chắn chẳng thiếu người rành Hán văn, thông Cổ học - thế nhưng có điều lạ là không hiểu tại sao lại để cho 1 kẻ như Nguyễn Khắc Thuần đây múa may không biết mắc cở như vậy!

                                                                               *

    Lời sau hết của tôi ở đây:

    Qua những cái sai trong bản dịch “Kiến Văn Tiểu Lục” của Nguyễn Khắc Thuần ở đây chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng:

    - Nguyễn Khắc Thuần có khác chi đâu với một kẻ “Đi Buôn mà Không có Vốn”.

    - Không biết thì cứ ngỡ Nguyễn Khắc Thuần là một học giả, một “Nhà Sử học”, nhưng với cặp mắt của Chân nhân thì có khác chi:

                                 Khác mầu kẻ quí người thanh,

                               Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.

     Minh Di.

    Trời Nam.

    08 tháng 4. Đầu giữa Thu.

    Thư mục.

    [1]. Chu Dịch Đại Từ Điển.

    Ngũ Hoa chủ biên.

    Lư Thúc Độ thẩm đính.

    Quảng Châu Trung Sơn Đại Học Xuất Bản Xã      1993 / Sơ.

    [2]. Dịch Học Đại Từ Điển. (Tăng đính Bản).

    Trương Kỳ Thành chủ biên.

    Hoa Hạ Xuất Bản Xã (TQ)      1995 / 3.

    [3]. Chu Dịch Từ Điển.

    Trương Thiện Văn.

    Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã      1995 / 3.

    [4]. Thư Kinh Độc Bản [Thư Kinh Tập Truyện].

    Nam Tống. Thái Trầm tập truyện.

    Đại Phương Xuất Bản Xã (ĐL)      Dân Quốc 67 niên (1978) / Khuyết.

    [5]. Xuân Thu Kinh Truyện Tập Giải.

    Tây Tấn. Đỗ Dự tập giải.

    Thập Tam Kinh Bản.

    Thượng Hải Thư Điếm      1997 / Sơ.

    [6]. Mạnh Tử Tập Chú.

    Chiến Quốc. Mạnh Kha.

    Nam Tống. Chu Hi tập chú.

    Tứ Thư Tập Chú Bản.

    Thái Bình Thư Cục (HC)      1986 / 7 [1964 / Sơ bản].

    [7]. Hàn Phi Tử Tập Giải.

    Chiến Quốc. Hàn Phi.

    Thanh. Vương Tiên Thận tập giải.

    Chung Triết điểm hiệu.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1998 / Sơ.

    [8]. Tiên Tần Chư Tử Hệ Niên. (Tăng định Bản. 1956).

    Tiền Mục (1895 - 1990).

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1985 / Sơ. [Thương Vụ Ấn Thư Quán 1935 Sơ bản].

    [9]. Hán Thư.

    Đông Hán. Ban Cố.

    Đường. Nhan Sư Cổ chú.

    Nhị Thập Ngũ Sử Bản.

    Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã      1991 / 8.

    [10]. Hậu Hán Thư Tập Giải.

    Nam Bắc triều - Tống. Phạm Việp.

    Đường. Lý Hiền chú.

    Thanh. Vương Tiên Khiêm tập giải.

    Dân Quốc. Hoàng Sơn hiệu bổ.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1984 / Sơ.

    [11]. Tam Quốc Chí.

    Tây Tấn. Trần Thọ.

    Nam Bắc triều - Tống. Bùi Tùng Chi chú.

    [12]. Tấn Thư.

    Đường. Thái tông (Lý Thế Dân).

    2 bộ Chính sử ghi số hạng [11]. [12] trên đây:

    Nhị Thập Ngũ Sử Bản.

    Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã      1991 / 8.

    [13]. Tư Trị Thông Giám.

    Bắc Tống. Tư Mã Quang.

    Nguyên. Hồ Tam Tỉnh chú.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1987 / 7.

    [14]. Văn Hiến Thông Khảo.

    Nguyên. Mã Đoan Lâm.

    Thập Thông Bản (Đệ nhị Bản).

    Chiết Giang Cổ Tịch Xuất Bản Xã      2000 / Sơ.

    [15]. Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập (Tần. Tây Hán. Đông Hán thời kỳ).

    [16]. Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập (Tam Quốc. Tây Tấn thời kỳ).

    2 Tập Lịch sử Địa đồ ghi số hạng [14]. [15] trên đây: 

    Đàm Kỳ Tương chủ biên.

    Trung Quốc Địa Đồ Xuất Bản Xã (TQ)      1996 / 2. Tinh trang Bản.

    [17]. Thế Thuyết Tân Ngữ Hiệu Tiên.

    Lưu Tống. Lưu Nghĩa Khánh.

    Từ Chấn Ngạc hiệu tiên.

    Trung Hoa Thư Cục (HC)      1987 / Sơ.

    [18]. Triều Dã Thiêm Tái.

    Đường. Trương Tộc.

    Triệu Thủ Nghiễm điểm hiệu.

    [+ Tùy Đường Gia Thoại.

    Đường. Lưu Tốc.  // Trình Nghị Trung điểm hiệu].

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1979 / Sơ.

    [19]. Quế Hải Ngu Hành Chí. [Tập phục Bản].

    Nam Tống. Phạm Thành Đại.

    Khổng Phàm Lễ điểm hiệu.

    Phạm Thành Đại Bút Ký Lục Chủng Bản.

    [+ Lãm Bí Lục. Tham Loan Lục. Ngô Thuyền Lục. Mai Phổ. Cúc Phổ.

    2 tập Bút ký sau cùng, Mai Phổ chỉ có 3 trang và Cúc Phổ vào lối gần 4 trang].

    [Tập “Quế Hải Ngu Hành Chí” này đã thất truyền vào khoảng giữa đời Minh! Bản đang lưu hành được sao lục lại từ các thư tịch khác, danh từ chuyên môn gọi loại Bản in này là “Tập Phục Bản” - là một tác phẩm mà “nguyên bản đã thất truyền được khôi phục từ việc sưu tập lại những câu văn, những đoạn văn, một vài chương của tác phẩm này được trích dẫn rải rác trong các thư tịch khác”].

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      2004 / 2.

    [20]. Thái Bình Quảng Ký. (1).

    Bắc Tống. Lý Phưởng chủ biên.

    [21]. Mặc Khách Huy Tê. (2).

    Bắc Tống. Bành Thừa.

    [22]. Năng Cải Trai Mạn Lục.

    Nam Tống. Ngô Tăng. (3).

    [23]. Kiên Hồ Tập. (4).

    Thanh. Trữ Nhân Hoạch.

    4 tập bút ký ghi số hạng [20]. [21]. [22]. [23] trên đây:

    Bút Ký Tiểu Thuyết Đại Quan Bản.

    (1). Tập II. sách 3. 4. 5 / (2). Tập III. sách 7 / (3). Tập IV. sách 8 / (4). Tập VII. sách 15.

    Giang Tô Quảng Lăng Cổ Tịch Khắc Ấn Xã      1984 / Sơ.

    [24]. Dũ Tử Sơn Tập Chú.

    Thanh. Nghê Phiền chú.

    Hứa Dật Dân hiệu điểm.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      2006 / 4.

    [25]. Hàn Xương Lê Văn Tập Hiệu Chú.

    Đường. Hàn Dũ.

    Dân Quốc. Mã Thông Bá (Kỳ Sưởng) hiệu chú.

    Trung Hoa Thư Cục (HC)      1975 / trùng ấn.

    [26]. Vi Trang Tập Tiên Chú.

    Đường. Vi Trang.

    Nhiếp An Phúc tiên chú.

    Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã      2007 / 2.

    [27]. Toàn Đường Ngũ Đại Từ.

    Tăng Chiêu Mân. Tào Tế Bình. Vương Triệu Bằng. Lưu Tôn Minh.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1999 / Sơ.

    [28]. Thánh Thán Tuyển Phê Đường Tài Tử Thi.

    Thanh. Trương Nhân Thụy.

    Chính Trung Thư Cục (ĐL)      Dân Quốc năm 61 (1972) / 4.

    [29]. Đường Thi Đại Quan.

    Gồm 126 danh gia đương đại tuyển bình Đường Thi.

    Thương Vụ Ấn Thư Quán (HC)      1984 / Sơ.

    [30]. Đường Âm Quí Thiêm.

    Minh. Hồ Chấn Hanh.

    [+ Đường Tài Tử Truyện.

    Nguyên. Tân Văn Phòng].

    Thế Giới Thư Cục (ĐL)      Dân Quốc năm 66 (1977) / 4.

    [31]. Vương Lâm Xuyên Toàn Tập.

    Bắc Tống. Vương An Thạch.

    Quảng Trí Thư Cục (HC)      Không ghi năm xuất bản.

    [32]. Trung Quốc Văn Học Phê Bình Thông Sử (Lục Quyển – Thanh).

    Ô Quốc Bình. Vương Trấn Viễn.

    Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã      1996 / Sơ.

    [33]. Trực Trai Thư Lục Giải Đề.

    Nam Tống. Trần Chấn Tôn.

    Từ Tiểu Man. Cố Mỹ Hoa điểm hiệu.

    Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã      1987 / Sơ.

    [34]. Tứ Khố Toàn Thư Đại Từ Điển.

    Dân Quốc. Dương Gia Lạc.

    Trung Quốc Thư Điếm (TQ)      1987 / Sơ [1931 / Sơ bản].

    [35]. Tứ Khố Toàn Thư Giản Minh Mục Lục.

    Thanh. Vĩnh Dung chủ biên.

    Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã      1985 / Sơ.

    [36]. Bắc Tống Kinh Phủ Niên Biểu. Nam Tống Chế Phủ Niên Biểu.

    Dân Quốc. Ngô Đình Tiệp.

    Trương Thâm Thạch điểm hiệu.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1984 / Sơ.

    [37]. Trung Quốc Lịch Đại Chức Quan Biệt Danh Từ Điển.

    Cung Diên Minh.

    Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã      2006 / Sơ.

    [38]. Giản Minh Trung Quốc Lịch Đại Quan Chế Từ Điển.

    An Tác Chương chủ biên.

    Tề Lỗ Thư Xã      1990 / Sơ.

    [39]. Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển (Tùy. Đường. Ngũ Đại Sử).

    [40]. Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển (Minh Sử).

    Chủ biên: Trịnh Thiên Đỉnh. Ngô Trạch. Dương Chí Cửu.

    Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã      1995 / Sơ.

    [41]. Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển (Thanh Sử. Thượng Quyển).

    Chủ biên: Trịnh Thiên Đỉnh. Ngô Trạch. Dương Chí Cửu.

    Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã      1992 / Sơ.

    [42]. Trung Quốc Cận Hiện Đại Nhân Danh Đại Từ Điển.

    Lý Thịnh Bình chủ biên.

    Trung Quốc Quốc Tế Quảng Bá Xuất Bản Xã      1989 / Sơ.

    [43]. Trung Quốc Lịch Đại Danh Nhân Đại Từ Điển.

    Nam Kinh Đại Học Lịch Sử Hệ Biên Tả Tổ

    Giang Tây Nhân Dân Xuất Bản Xã      1982 / Sơ.

    [44]. Trung Quốc Mỹ Thuật Gia Nhân Danh Từ Điển.

    Du Kiếm Hoa.

    Thượng Hải Nhân Dân Mỹ Thuật Xuất Bản Xã      2006 / 14.

    [45]. Trung Quốc Âm Nhạc Từ Điển.

    Âm Nhạc Nghiên Cứu Sở. [Trung Quốc Nghệ Thuật Nghiên Cứu Viện].

    Chủ biên: Liêu Thiên Thụy. Cát Liên Kháng. Quách Nãi An.

    Nhân Dân Âm Nhạc Xuất Bản Xã      1984 / Sơ.

    [46]. Trung Quốc Hội Họa Sử.

    Vương Bá Mẫn.

    Thượng Hải Nhân Dân Mỹ Thuật Xuất Bản Xã      1983 / 2.

    [47]. Trung Quốc Độ Lượng Hành Sử.

    Dân Quốc. Ngô Thừa Lạc.

    Thượng Hải Thư Điếm      1984 / Sơ. [Thương Vụ Ấn Thư Quán 1937 Sơ bản].

    [48]. Lịch Đại Cổ Tiền Đồ Thuyết.

    Dân Quốc. Đinh Phúc Bảo.

    Thượng Hải Thư Điếm      1993 / 10. [Y Học Thư Cục 1940 Sơ bản].

    [49]. Cổ Tiền Đại Từ Điển.

    Dân Quốc. Đimh Phúc Bảo.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1995 / 5.

    [50]. Đại Đường Tây Vực Ký Hiệu Chú.

    Đường. Huyền Trang. Biện Cơ.

    Quí Diễn Lâm đẳng hiệu chú.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      2008 / 4.

    [51]. Trung Quốc Tịnh Độ Tông Thông Sử.

    Trần Dương Huỷnh.

    Phụng Hoàng Xuất Bản Xã (TQ)      2008 / Sơ.

    [52]. Phật Học Đại Từ Điển.

    Dân Quốc. Đinh Phúc Bảo.

    Phúc Kiến Bồ Điền Quảng Hóa Tự      Phật lịch 2534 / Công nguyên 1990. [1921 / Sơ].

    [53]. Bản Thảo Cương Mục.

    Minh. Lý Thời Trân.

    Thương Vụ Ấn Thư Quán (HC)      1982 / trùng ấn.

    [54]. Toàn Quốc Trung Thảo Dược Danh Giám.

    Dư Hữu Cầm. Tạ Tông Vạn. Cao Thục Anh. Thi Việt Hoa. Mã Phụng Anh. Vương Giới.

    Chủ biên: - Tạ Tông Vạn. Dư Hữu Cầm.

    Nhân Dân Vệ Sinh Xuất Bản Xã      1996 / Sơ.

    [55]. Nhĩ Nhã Nghĩa Sớ.

    Thanh. Hách Ý Hạnh.

    Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã      1983 / Sơ.

    [56]. Phương Ngôn.

    Tây Hán. Dương Hùng.

    Hán Ngụy Tùng Thư Bản.

    [Minh. Trình Vinh toản tập].

    Cát Lâm Đại Học Xuất Bản Xã      1992 / Sơ.

    [57]. Quảng Nhã Sớ Chứng.

    Tam Quốc - Ngụy. Trương Tập.

    Thanh. Vương Niệm Tôn sớ chứng.

    Trung Hoa Thư Cục (TQ)      1983 / Sơ.

    [58]. Từ Nguyên. (Súc ấn Hợp đính Bản. 1987 Bản).

    Quảng Đông. Quảng Tây. Hồ Nam. Hà Nam / Tu đính Tổ.

    Thương Vụ Ấn Thư Quán (HC)      1987 / Sơ.

    [59]. Từ Hải. (Hợp đính Bản).

    Thư Tân Thành. Thẩm Di. Từ Nguyên Cáo. Trương Tướng.

    Trung Hoa Thư Cục (HC)      1983 / Trùng ấn. [1947 / Sơ bản].

    [60]. Từ Hải. (Súc ấn Bản. 1979 Bản).

    Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã      1979 / Sơ.

    [61]. Từ Vị.

    Văn Hóa Đồ Thư Công Ty Biên Tập Bộ.

    Lục Sư Thành chủ biên.

    Văn Hóa Đồ Thư Công Ty (ĐL)      Dân Quốc năm 74 (1985) / Không ghi lần xuất bản.

     

     


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: MINH DI: NÓI CHUYỆN VỀ HỌC THUẬT BÊN KIA BỜ Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ