728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    NGUYỄN MỸ HÀO: NGUYỄN THIẾU NHẪN: SỐNG VÀ VIẾT

     NGUYỄN MỸ HÀO: NGUYỄN THIẾU NHẪN: SỐNG VÀ VIẾT

     NGUYỄN THIẾU NHẪN: SỐNG VÀ VIẾT


    - NGUYỄN MỸ HÀO -

    Dẫn nhập: Sau bài viết “Khi những nhà văn lưu vong nổ sảng” được phổ biến, một trong những kẻ bị phê phán đã phản ứng điên cuồng bằng cách sử dụng “văn hoá côn đồ”, vu cáo mạ lị cá nhân chúng tôi một cách rất hạ cấp. Nhiều thân hữu, văn hữu đã email, gọi điện thoại đề nghị tôi viết bài trả lời. Xin lỗi tôi không thể làm vừa lòng quý vị vì tôi không rành về loại văn hóa này! Cũng như mấy tháng trước đây, một bà tự xưng là “hậu duệ” và phe nhóm cũng đã dùng loại văn hoá này để vu cáo, mạ lị cá nhân tôi, tôi cũng đã không trả lời.
    Phần khác, tôi đang bận rộn với “Lễ Ra Mắt Tân Ban Đại Diện Văn Bút Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ và Hội Thảo Tháng Tư Đen về “Hiện tình đất nước và nhiệm vụ của những người cầm bút lưu vong” vào ngày Thứ Bảy 26-4-2014 sắp tới. Với bài viết sau đây của nhà báo Quỳnh Lâm Nguyễn Mỹ Hào, phụ tá Chủ Bút bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong khi đề tựa “Nguyễn Thiếu Nhẫn Tuyển Tập (Tập 1), xuất bản năm 2009, hy vọng quý thân hữu và văn hữu sẽ thông cảm vì sao tôi đã im lặng trước những kẻ sử dụng “văn hoá côn đồ.”
    Nguyễn Thiếu Nhẫn.

    Tôi biết Nguyễn Thiếu Nhẫn qua tiếp xúc viễn liên những năm tháng thời thập niên 1990. Khi ấy tôi đang làm cho bán nguyệt san Tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, tòa soạn tại thành phố Arlington - Virginia, bên này sông Potomac vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nguyễn Thiếu Nhẫn dưới bút hiệu Lệnh Hồ viết bài cho mục “Lò Cừ” (Lò cừ nung nấu sự đời ấy mà - Cung Oán Ngâm Khúc). Đồng thời mỗi khi nói chuyện về lãnh vực chữ nghĩa và con người, chính Mr. Hồ Anh, chủ nhiệm, chủ bút cũng là chủ nhân luôn cơ sở văn hóa Văn Nghệ Tiền Phong và nhà văn Sơn Tùng thường đề cập đến cây viết này. Bởi vì cũng như Sơn Tùng và một số nhà văn, nhà báo khác, Nguyễn Thiếu Nhẫn cầm bút khá sớm; đã có bài đăng các báo phát hành ở Sàigòn trước biến cố 30-4-1975 mặc dù đang phải xếp bút nghiên. Biết là biết vậy song cũng vẫn còn chỉ là “văn kỳ thanh”. Cũng nói thêm cho rõ ở đây, ấy là vì phải lo quá nhiều bài vở (chính Nguyễn Thiếu Nhẫn tâm sự) cho nên mấy năm sau này (1997-1999...) Lệnh Hồ không còn gửi bài đều cho tòa soạn như thời gian trước. Vì thế nên mục Lò Cừ VNTP cũng bỏ luôn cho đến ngày nay (2009) mặc dù tạp chí vẫn phát hành đều hai kỳ mỗi tháng, và tôi cũng không còn lý do bài vở để điện thoại với Nguyễn Thiếu Nhẫn làm gì nữa...
    Thế rồi, khoảng cuối năm 1999 cái chứng phong thấp trong tôi, nó đã đến thời kỳ không còn chịu nổi thời tiết giá lạnh của những mùa đông khắc nghiệt nơi miền đông nước Mỹ này. Năm nào cũng gió mưa dầm dề tơi tả, tuyết rơi, cuồng phong bão táp và nhất là những trận bão tuyết kéo dài trút tuyết xuống phủ đầy trắng xóa lên tất cả mọi cảnh vật có khi dày cả thước. Tôi đành phải nghỉ việc và về ở San José cho đến nay. Mới đầu (2000-2001) lân la làm quen dần với những sinh hoạt cộng đồng, nhất là mặt truyền thông báo bổ. Từ lúc này tôi thường đọc văn của Nguyễn Thiếu Nhẫn qua các bút hiệu Lão Móc nơi mục “Thiên Hạ Phong Trần” (Quả là Phong trần đến cả sơn khê - Tang thương đến cả hoa kia, cỏ này) ở các báo Việt Nam nhật báo, Quê Hương, Tiếng Dân. Thêm vào đó - không thường xuyên là những bài chính luận của bút hiệu Trúc Giang cư sĩ và một số bài phỏng vấn những nhân vật đông tây cổ kim của ký giả Vịt Trời (viết theo lối fiction. Tưởng tượng một cách tài tình... như thật). Chính nhờ đọc những bài viết của Nguyễn Thiếu Nhẫn như vừa nói mà tôi biết được rất nhiều và tường tận cung cách sinh hoạt của người Việt Nam không chỉ ở San José - tất nhiên là nhiều - mà luôn cả California cũng như nhiều nơi khác trên thế giới từ xưa rầy.
    Đúng vậy. Nơi nào có người Việt Nam cư ngụ là có sinh hoạt và nổi bật nhất vẫn là như về lập trường Quốc Gia - tinh thần chống Cộng - xây dựng cộng đồng, duy trì và phát huy văn hóa - xã hội - từ thiện... Hay dở tiếng tăm nổi lên như cồn. Đặc biệt đủ mọi “bộ mặt” cùng các loại tổ chức dưới mọi hình thức, chiêu thức, sở trường, sở đoản đều được người ta với nhân danh tỵ nạn cộng sản đem ra thi thố nơi xứ sở dư thừa vật chất và tự do này. Thoạt đầu thì ít rồi càng ngày càng nhiều và luôn mới lạ. Quân hồi vô phèng hơn là nền nếp và tự trọng - Thượng đảo hạ huyền - vàng thau lẫn lộn. Khiến không ít kẻ thức giả cũng như đa số người bình thường khó phân biệt đâu là thiệt giả chánh tà. Cho đến khoảng đầu năm 2002 trong buổi dự lễ Tưởng niệm Quốc hận 30-4 tôi đã gặp Nguyễn Thiếu Nhẫn - và “kiến kỳ hình” từ đó. Từ cái thủa ban đầu ấy cả hai đều giữ sự xã giao vừa phải bề ngoài mà thực ra đang thầm nẩy nở những cái đồng gì đó ở bên trong và cứ thế dần dần lộ ra những điều tương đắc qua mọi dịp gặp nhau trò chuyện. Nguyễn Thiếu Nhẫn phát hành ra mắt tác phẩm đều dành cho tôi sự mời đón và ký tặng sách chuyện. Phải nói ngay rằng từ những năm 2004... đến thời kỳ biến cố Little Saigon tại San José vừa qua, chúng tôi tuy không thường nhật nhưng khi gặp nhau đều trao đổi mọi hiểu biết và nhận định nơi mỗi người. Có thể nói nay thì hai người chúng tôi đã có thể nói thẳng cho nhau nghe những gì cần thổ lộ. Thực ra cũng chẳng có gì cao siêu bí ẩn, vẫn chỉ xoáy quanh vào trang sử tranh đấu “bi hùng” của dân tộc và đất nước Việt Nam gần một thế kỷ qua; nghĩa là từ khi tên quốc tặc Hồ Chí Minh mang cái thuyết không tưởng Cộng Sản về gieo rắc khắp Bắc Trung Nam cho đến bây giờ. Sở dĩ nó vẫn tồn tại là vì chính những sự kiện và con người trong hết thảy những bài viết của Nguyễn Thiếu Nhẫn dù dưới thể loại và dạng thức nào đều nói lên cái đặc trưng ấy. Với văn phong của từng bút hiệu thấy rằng có lẽ ít người viết văn, làm thơ có được khả năng như Nguyễn Thiếu Nhẫn.
    Những dòng kể trên là khúc nhôi của hai người chúng tôi trên bước đường lưu vong tỵ nạn bấy lâu nay. Bây giờ xin nói về một vài nhận xét nơi con người nhà báo - nhà văn - nhà thơ - nhà... Nguyễn Thiếu Nhẫn như sau:
    Con người này dáng dấp bề ngoài cũng bình thường như đa số người Việt Nam và có phần bé nhỏ hơn là đàng khác - xin hiểu cả hai nghĩa. Trái với sự nghiệp văn chương mà chính Nguyễn Thiếu Nhẫn đã có chủ kiến ngay khi đến được bến bờ tự do. Nghĩa là là người Việt Nam Quốc Gia yêu nước thương nòi, là một chiến sĩ đã từng cầm súng chiến đấu chống Cộng - Nay dù phải lưu vong nhưng không vì thế mà chịu bỏ cuộc để tìm thú vinh thân phì gia tại nơi miền đất Bắc Mỹ có quá nhiều mầu mỡ và cơ hội đang chờ đợi này. Nguyễn Thiếu Nhẫn cũng không khư khư ôm lấy quan niệm “Độc thiện kỳ thân - độc hành kỳ đạo” cổ xưa. Dù cùng tắc vẫn “kiêm thiện thiên hạ”. Thay vì cầm súng thì cầm bút và Nguyễn Thiếu Nhẫn đã viết và viết với sở trường của người “biết cầm bút”. Viết với cả lòng thành thực - thẳng ngay. Với danh hiệu ký giả - nhà báo Nguyễn Thiếu Nhẫn không xu nịnh bất cứ cá nhân hay thế lực nào. Biết để lẽ phải - luật công bằng cũng như quyền lợi tối thượng của Quốc gia Dân tộc lên trên tất cả mọi lợi ích cá nhân, phe nhóm. Tôn trọng sự thật, dù sự thật phũ phàng làm không vừa lòng những người thiếu viễn kiến. Và cái gần là góp sức xây dựng một cộng đồng người Việt Nam tại địa phương ngày càng phát triển trên chiều hướng tốt đẹp để xứng danh là nòi giống một dân tộc vốn có nền văn hóa nhân bản rất sớm trong lịch sử nhân loại ngày nay.
    Lối viết của Nguyễn Thiếu Nhẫn xem ra ít người có được - đủ thể loại - một ngòi bút đa năng. Không chỉ vậy mà còn phong phú và bền bỉ nữa. Chính lối viết của Nguyễn Thiếu Nhẫn đúng với câu “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” như người xưa đã bảo vậy. Cũng bởi thế Nguyễn Thiếu Nhẫn có không ít “Những thằng gian”, chúng là Cộng sản Việt Nam - là tay sai của CSVN - và là tay sai của tay sai CSVN - (loại này nhiều nhất) căm giận, oán hờn thù hận, hạng ngấm ngầm, tên ra mặt. Vì hầu hết những bài viết của Nguyễn Thiếu Nhẫn đều vạch ra những việc làm phản dân hại nước - ác độc - tham tàn - sai trái - vô đạo đức - thất nhân tâm - lừa gạt - gian sảo – hăm dọa... lợi dụng thời cơ và lòng ngay thẳng nhân hậu của nhiều người. Nguyễn Thiếu Nhẫn thẳng thừng vạch ra từng việc làm, từng điều, từng lời nói, từng chữ viết bài văn với đầy đủ tên họ, bút hiệu, ký danh... của lũ y quan cầm thú - bầy sài lang đương đạo - phường y giá phạn nang - khoa bảng tháng tám - trí thức... (nói theo kiểu một ông Dân biểu quận Hóc Môn thời Đệ nhị VNCH khi xưa) - chính khách sa-lông xôi thịt - chính trị ba xu cơ hội - con buôn chống Cộng - từ thiện - đầu cơ. Già đầu hai thứ tóc người ta chào là ông, là cụ không thích lại muốn thiên hạ gọi là “thằng” - kháng chiến ma, chống Cộng dỏm - kẻ ngựa non háu đá. Rơi rớt lại thứ cặn bã xã hội mà trước 30-4-1975 thuộc loại “học dở dang phá ngang làm báo”- Thứ đón gió trở cờ - loại sớm đầu tối đánh - tiểu nhân đắc chí... đều được ngòi bút Nguyễn Thiếu Nhẫn phơi bày ra với đầy đủ sự kiện chứng cứ hiển nhiên rõ ràng như ban ngày. Khiến chúng không còn gì có thể viện dẫn ra được một luận cứ nào - dù chỉ yếu ớt để gọi là phản bác lại những gì Nguyễn Thiếu Nhẫn đã viết ra trên giấy trắng, mực đen, khiến chúng chỉ còn cúi gằm mặt xuống và nín thinh. Văn Nguyễn Thiếu Nhẫn lúc thì chua chát ê chề - khi thì sỗ sàng cay độc - đoạn khôi hài châm biếm – xót xa mai mỉa làm cho kẻ có tật trong bụng hận lên tới cổ họng nói ra không được, ngoài mặt thì bẽ bàng bẽn lẽn. Đặc biệt lối viết “nhuộm mây nẩy trăng” nơi những bài phiếm Thiên Hạ Phong Trần Nguyễn Thiếu Nhẫn viết khá nhuần nhuyễn. Mặt khác, con người Nguyễn Thiếu Nhẫn còn mấy điểm cũng đáng nói ra đây luôn như là tính thực thà ít ra là về mặt văn chương, chữ nghĩa. Điều gì biết Nguyễn Thiếu Nhẫn nói biết, điều gì không biết nói không biết và thực tâm học hỏi tìm tòi để biết (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri - thị tri dã - Luận ngữ - thiên Vi chính).
    Ngoài ra, Nguyễn Thiếu Nhẫn khai thác chuyện tích và dùng điển cố, thành ngữ ca dao rất chính xác, trích dẫn tường tận. Chứng tỏ con người có thực học và biết giữ tính tự trọng cần thiết của người cầm bút, mức độ liêm sỉ phải có của một người Việt Nam Quốc Gia chân chính. Trái hẳn với nhiều hạng người ở hải ngoại này. Như nhiều người vẫn thấy nhan nhản trên mọi khía cạnh văn hóa, chính trị, xã hội trong sinh hoạt cộng đồng. “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Viết được vài bài đăng báo, nhặt nhạnh in được cuốn lá cải, bày đặt xuất bản tập chuyện này, cuốn thơ nọ mà nội dung giá trị không hơn mấy câu vè và những câu quảng cáo cao đơn hoàn tán. Bắt chước cũng viết hồi ký nọ kia để hòng khỏa lấp đánh lộn sòng cái mặt phản thần loạn tướng, chứ có nói lên được điều nào trung thực của sự tình và trạng huống lịch sử “Tranh đấu bi hùng” của dân tộc trong giai đoạn vừa qua đâu. Làm sao có thể che giấu được ánh sáng chân lý của sự thật mà lịch sử sau này sẽ soi rọi tới nơi tới chốn. Kẻ thì mua thơ, thuê người viết chuyện viết sách rồi ghi tên là tác giả để rồi ra cái điều ta đây cũng là nhà văn, nhà báo, nhà thơ... kiếm chút tiếng tăm nổi nang le lói loè đời. Cũng không ít loại ỡm ờ úp mở bịp thiên hạ rằng “chính ta đây” mới là đấng bậc “búi tó củ hành” của cộng đồng, của văn giới, của truyền thông báo chí, của đường lối chống Cộng, của tổ chức này hội đoàn kia...
    Để kết thúc, xin nói ngay rằng người viết không phải là nhà phê bình văn học, nên không lạm bàn về giá trị văn chương và nghệ thuật trong tác phẩm Văn - Thơ của Nguyễn Thiếu Nhẫn ở đây. Nhưng khẳng định rằng về lãnh vực chứng tích lịch sử đều có hầu hết trong những tác phẩm của Nguyễn Thiếu Nhẫn. Sẽ là những bằng chứng sử liệu giá trị và phong phú cho những công cuộc khảo cứu - sưu tầm, kể cả ngòi bút sử quan mai sau rất nhiều. Đằng khác như một nhà phê bình văn học Đông phương xưa nói rằng: “Viết văn là tha thiết khóc Người xưa và để lại cho Người sau”. Riêng kẻ bỉ lậu này còn thấy rằng Nguyễn Thiếu Nhẫn khóc Người xưa là để nhớ ơn Người xưa hơn là thương cảm. Để lại cho Người sau là vì hồi có Nguyễn Thiếu Nhẫn thì chưa có Người sau, cũng như khi có Người xưa thủa ấy đâu đã có Nguyễn Thiếu Nhẫn. Giữa Xưa và Sau là Nay. Vũ trụ bao la. Thế giới không còn hạn hẹp hai chiều cũ rích, đang tiến vào cõi mênh mông bốn năm chiều của nền văn minh đương đại. Trong khi vẫn có nhiều người đọc văn Nguyễn Thiếu Nhẫn thấy được cả những gút chỉ nhỏ nơi mặt trái của tấm huy chương đấy.
    Nguyễn Thiếu Nhẫn viết văn làm thơ để tấc lòng lại Ngàn đời, đáng thương biết mấy! Thung lũng Hoa Vàng Mạnh Thu Kỷ Sửu

    Viết tại Phong Nguyệt Lâu ngày 09-09-09
    Quỳnh Lâm đường chủ nhân

    NGUYỄN MỸ HÀO

     


    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: NGUYỄN MỸ HÀO: NGUYỄN THIẾU NHẪN: SỐNG VÀ VIẾT Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top