728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

      Nguyễn Hải Hoành Bình Luận: “Tình đồng chí” Mao Trạch Đông – Chu Ân Lai

       “Tình đồng chí” Mao Trạch Đông – Chu Ân Lai

      Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

      Không lâu sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon, khoảng trung tuần tháng 5/1972, một xét nghiệm nước tiểu thường kỳ phát hiện Thủ tướng Chu Ân Lai mắc chứng ung thư bàng quang. Vấn đề các Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khi nào được chữa bệnh và chữa như thế nào, tất cả đều phải do Mao Trạch Đông quyết định. Các bác sĩ yêu cầu sớm kiểm tra và điều trị cho Chu Ân Lai, khi cần thiết phải tiến hành phẫu thuật. Họ nhấn mạnh chứng ung thư này còn ở thời kỳ đầu, bản thân Chu còn chưa có triệu chứng nào, khả năng chữa khỏi bệnh vào khoảng 80-90%.

      Ngày 31 tháng 5, Mao nhanh chóng bút phê: “Thứ nhất, phải giữ bí mật, không được cho Thủ tướng và chị Đặng biết [bà Đặng Đĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai, vì lớn tuổi và có uy tín nên được gọi là chị]. Thứ hai, không cần kiểm tra [bệnh tật]. Thứ ba, không phẫu thuật”. Điều thứ tư, tức điều cuối cùng, không phải là chữa bệnh mà là: “Tăng cường dinh dưỡng và chăm sóc”.

      Mao không cho phép Chu chữa bệnh với lý do Chu “tuổi cao rồi”, “tim yếu”, “phẫu thuật không có tác dụng gì”. Nhưng bản thân Mao đã 78 tuổi, hơn Chu Ân Lai 4 tuổi, mắc bệnh tim nặng hơn Chu rất nhiều, thế mà trong nhóm thầy thuốc của Mao lại có bác sĩ ngoại khoa và bác sĩ gây mê.

      Một trong các nguyên nhân Mao không cho Chu được điều trị bệnh là ông muốn Chu hàng ngày làm việc 24 giờ cho mình, tiếp đón các yếu nhân chính trị nước ngoài rồng rắn nối nhau đến đây kể từ sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon. Từ thập niên 1940 trở đi, Chu Ân Lai là tổng quản ngoại giao không rời Mao một bước. Trong kháng chiến chống Nhật, Chu từng nhiều năm sống ở Trùng Khánh, kinh đô phụ của Tưởng Giới Thạch. Là người có sức cuốn hút độc đáo, có tài và việc gì cũng tự làm lấy, Chu thu hút được không ít nhân sĩ phương Tây có cảm tình với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thời kỳ mới bắt đầu cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Quốc Dân Đảng sau khi Nhật đầu hàng, Marshall, đặc sứ của Tổng thống Mỹ Truman, từng bị Chu Ân Lai làm cho đầu óc mê muội đến mức lú lẫn, vô tình lập công lớn giúp Mao chiếm được Trung Quốc. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, chính sách ngoại giao đều do Mao hoạch định, Chu Ân Lai chấp hành.

      Năm 1971, sau ba ngày làm việc với Chu, Kissinger gửi cho Nixon một bức thư ca ngợi Chu Ân Lai, ý nói: Tôi và Chu đã trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề, cuộc trao đổi đó tựa như một bữa đại tiệc kiểu Tàu, không thiếu một sắc-hương-vị nào, món ăn nhiều vô kể, thơm nức. Đây là kết tinh của truyền thống văn hóa mấy nghìn năm, được những đầu bếp đầy kinh nghiệm chế biến, nấu vừa chín tới ngon miệng. Trên bàn tiệc bầy nhiều món ăn, có món ngọt, có món chua…. Khi tiệc tan, ai nấy đều hài lòng nhưng vẫn còn thòm thèm...

      Trước mắt người phương Tây, Chu Ân Lai là một ngôi sao sáng. Thế nhưng khi đứng cạnh Mao Trạch Đông thì ngôi sao ấy lại bớt tỏa sáng, tỏ ra khép nép nhún nhường. Kissinger để ý thấy Chu lập tức “thấp đi một cái đầu” như thế nào. Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka đi thăm Trung Quốc về kể lại: “Trước mặt Mao, Chu Ân Lai hoàn toàn không được người ta chú ý.”

      Mấy chục năm qua Chu phục vụ Mao với thái độ thận trọng, dè chừng, hết lòng hết dạ. Khi Mao ốm, Chu quan tâm như một đứa con hiếu thảo, thậm chí còn uống thử thuốc dùng cho Mao, tra thử thuốc nhỏ mắt của Mao, nói là “để xem thuốc ấy có gì kích thích mắt hay không”

      Thế mà bây giờ khi Chu bị ung thư, Mao lại không cho Chu được chữa bệnh. Điều Mao cần chẳng những là Chu phải không ngừng phục vụ mình, mà quan trọng hơn, Mao muốn Chu kém mình 4 tuổi phải chết trước mắt Mao. [Chu là người còn sống duy nhất biết những bí mật trong việc chuyển giao quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Chu sang Mao thời kỳ trường chinh].

      Các thầy thuốc vâng mệnh không được tiết lộ sự thật về bệnh trạng của Chu, nhưng qua việc thường xuyên thử nước tiểu và qua thái độ úp úp mở mở của các thầy thuốc, Chu Ân Lai đã đoán ra sự thật. Tuy miệng không nói gì nhưng trong lòng ông rất lo, tự mình tìm đọc sách y học nói về tế bào học nước tiểu. Mao Trạch Đông chọn đúng thời điểm này để yêu cầu Chu ra trước hơn ba trăm cán bộ cấp cao kiểm thảo cái gọi là “sai lầm về đường lối” trước đây Chu từng mắc phải. Sau khi Lâm Bưu chết, Chu Ân Lai trở thành nhân vật số hai, nắm tất cả Đảng, chính phủ và quân đội. Mao muốn làm suy yếu địa vị và làm xấu hình ảnh của Chu Ân Lai.

      Mao lại còn moi ra một sự kiện bịa đặt là vụ “Tin nhắn đăng báo của Ngũ Hào” [Ngũ Hào khải sự. Chu Ân Lai trước kia lấy bút danh là Ngũ Hào. Tin nhắn này do Quốc Dân Đảng bịa ra để hạ uy tín Chu], nói về chuyện năm 1932 Chu xin ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, nay Mao đem vụ này công bố trước các cán bộ cấp cao. Năm xưa, vì sợ mẩu tin nhắn ấy mà Chu nhiều lần buộc phải vào hùa theo Mao Trạch Đông. Trong Cách mạng văn hóa, Mao khui chuyện này ra để dọa Chu. Câu chuyện vốn chỉ có cực ít người nghe nói ấy, bây giờ Mao đem phát tán tới toàn bộ tầng lớp cán bộ cấp cao, lại còn gửi tới các tỉnh để lưu trữ nữa.

      Việc viết kiểm thảo làm cho Chu Ân Lai trải qua những ngày đêm vất vả, hàng ngày không kịp cạo râu, ăn được rất ít cơm, cuối cùng mặt sưng phù lên, hai chân phù đến trên đầu gối, chân to không đi giày được nữa. Từ ngày 10 đến 12 tháng 6 năm 1972, Chu báo cáo liền ba buổi tối, luôn nói “lấy công chuộc tội”, dùng những lời lẽ cay nghiệt nói về bản thân rất đáng thương, người nghe đều thấy đau lòng thay cho ông. Chu nói: “Sau khi đã hiểu về các sai lầm trong lịch sử của tôi, các đồng chí hãy phá trừ mê tín…… Các đồng chí có quyền yêu cầu tôi sửa chữa sai lầm, nếu chưa sửa tốt mà phạm sai lầm lớn hơn thì các đồng chí có quyền yêu cầu trung ương thảo luận. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì cách chức”. Cuối cùng ông đặc biệt tuyên bố: “Tôi luôn luôn và vĩnh viễn tự cho rằng tôi không thể cầm lái mà chỉ có thể làm trợ thủ.” Đây là lời cam đoan của ông với Mao: Chu không có dã tâm thay thế Mao, xin Mao yên tâm.

      Thời gian ấy, Chu trải qua một cuộc sống hai mặt độc nhất vô nhị trong lịch sử chính trị hiện đại. Trong những trường hợp công khai, ông là một cao thủ ngoại giao khiến cho các yếu nhân chính trị quốc tế lóa mắt, được không ít người coi là nhân vật chính trị có sức hấp dẫn nhất. Ngoài các trường hợp ấy ra thì ông là hạng người ra luồn vào cúi.

      Đầu năm 1973, bệnh ung thư bàng quang của Chu Ân Lai trở nên rất xấu, trong nước tiểu có lẫn nhiều máu, mắt nhìn có thể thấy. Chỉ đến khi đó thì đại quản gia của Mao là Uông Đông Hưng mới chính thức nói cho Chu Ân Lai biết thực tình. Khi các bác sĩ đề nghị tiến hành kiểm tra và điều trị toàn diện, ngày 7 tháng 2, Mao thông qua Uông Đông Hưng mắng nhóm bác sĩ: “Bảy tám chục tuổi rồi còn kiểm tra cái gì nữa!

      Trung tuần tháng tư, Kissinger đến Bắc Kinh, Chu Ân Lai giúp Mao chơi trò lòe bịp Kissinger. Mao hài lòng với màn trình diễn của Chu. Ngày 2/3, Chu nhân dịp ấy khẩn cầu Mao cho Chu được chữa bệnh. Mao ầm ừ gật đầu nhưng lại cố ý kéo dài việc điều trị, ra lệnh cho nhóm bác sĩ chỉ kiểm tra, không điều trị, hai việc kiểm tra và điều trị phải tách ra, “đi hai bước”.

      Bác sĩ chủ trì điều trị hiểu rằng “Cái gọi là đi hai bước ấy chỉ là cách nói mà thôi, thực ra thì không có bước thứ hai.” Quyết tâm bất chấp rủi ro chọc giận Mao, khi kiểm tra nội soi bàng quang, bác sĩ đã thiêu cháy pô-lip khối u trên người Chu. Trước khi làm nội soi, bà Đặng Đĩnh Siêu phu nhân Chu bảo bác sĩ: “Các đồng chí biết chưa, phải chia hai bước đấy.” Bác sĩ điều trị chính nói: “Chúng tôi làm theo chỉ thị của Trung ương. Thưa chị, chỉ có điều giả thử khi kiểm tra mà tôi thấy có một hòn sỏi nhỏ, nếu tiện lấy nó ra thì sẽ không cần đi bước hai nữa. Phải chăng hay là cần để nó lại, sau đó lại gây mê lần nữa, lưu lại đến bước hai?” Đặng Đĩnh Siêu đồng ý: “Tiện thì lấy ra vậy”.

      Ngày 10 tháng 3, sau khi phát hiện ung thư được 10 tháng, cuối cùng lần đầu tiên Chu Ân Lai được kiểm tra nội soi. Bác sĩ đốt mất “viên sỏi nhỏ”, và cũng nói là tiện tay làm thế. Khi tỉnh lại, nghe nói tế bào ung thư “đã bị đốt rồi” Chu còn giả vờ nghiêm giọng hỏi bác sĩ: “Chẳng phải đã bảo các đồng chí đi hai bước đấy ư?” Nhưng mọi người đều thấy rõ thực ra ông rất vui lòng. Chu phấn khởi đãi nhóm thầy thuốc một bữa vịt quay Bắc Kinh.

      Các thầy thuốc nơm nớp lo không biết Mao sẽ quở trách họ hay không đây. Không lâu sau đó, điện thoại từ chỗ làm việc của Mao gọi đến nói: “Chủ tịch nói nguyên văn như sau: Các thầy thuốc kết hợp hai bước làm một là tốt, cảm ơn các đồng chí.” Mọi việc thế là ổn thỏa [nguyên văn: Gạo sống đã nấu thành cơm chín], Mao vui mừng được làm người tốt, các thầy thuốc cũng yên tâm. Nhưng cuộc phẫu thuật đó chưa triệt để.

      Tâm trạng tốt của Mao đối với mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ chưa kéo dài được bao lâu thì ngày 22/6, Nixon và Brezhnev ký “Hiệp định ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân Xô – Mỹ”. Mao đọc bài phân tích của Bộ Ngoại giao, trong đó nói việc này cho thấy “bầu không khí Mỹ – Xô định đoạt thế giới càng đậm đặc”. Đọc xong Mao lo nghĩ mãi không thôi.

      Chuyến thăm Trung Quốc của Nixon đã gây ra cho Mao những ảo tưởng, nói theo lời Kissinger, đó là ảo tưởng “sau chiến tranh, thế giới hai cực đã biến mất không bao giờ trở lại”, Mao cũng trở thành một cực. Bây giờ Mao phát hiện thế giới vẫn là hai cực, mình đã dốc hết sức mà vẫn chưa thể bằng vai phải lứa với Mỹ và Liên Xô. Cái giá phải trả là hình ảnh chống Mỹ của Mao rớt xuống đáy vực. Ông tức giận bảo mấy người xung quanh như Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều: “Mấy năm nay tiếng tăm của tôi không được tốt, ngọn đèn sáng duy nhất trên thế giới là Các Mác thì ở châu Âu. Xứ ấy đánh cái rắm cũng thơm, được người ta tôn là thánh chỉ. Làm sao mi có được [người như] ta nhỉ? Kẻ hèn mọn [tệ nhân] này là đồ cơ hội hữu khuynh đây.”

      Chu Ân Lai trở thành chỗ để Mao vô cớ trút giận. Trong giao thiệp với Mỹ, rõ ràng Mao ngồi nhà trù tính mọi quyết sách nhưng dư luận thế giới lại coi công lao là của Chu (Nixon cũng có sự ghen tị tương tự với Kissinger). Ngày 4 tháng 7, Mao nói với Bộ Chính trị là Chu “hành động theo chủ nghĩa xét lại”. Một lần nữa Chu phải khúm núm làm kiểm điểm.

      Tháng 11, Kissinger mới nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao đến thăm Trung Quốc lần nữa, mang lại những tin xấu hơn. Trước tháng 9 Kissinger từng hứa: sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1974, Washington sẽ bắt đầu lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, nhưng bây giờ ông ta nói “tình hình trong nước” ở Mỹ không cho phép Mỹ lập tức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Cho đến chết, Mao vẫn chưa lấy được Đài Loan và cũng chưa nhìn thấy Mỹ thừa nhận chính quyền của ông ta.

      Cú đòn đau hơn với Mao là về mặt kỹ thuật quân sự, Kissinger chỉ đề xuất cho Trung Quốc một hệ thống “cảnh báo sớm” có thể dự báo sự tấn công của tên lửa Liên Xô, nhưng vẫn do người Mỹ điều khiển. Chu Ân Lai nói: “Chúng ta phải nghiên cứu [tự làm lấy] thôi.” Sau đấy Kissinger không còn nghe thấy kết quả của vụ hợp tác này. Mao thấy là khó mà lấy được thứ gì của Mỹ.

      Từ đó Trung Quốc đình chỉ thảo luận vấn đề liên minh với Mỹ. Sau này Kissinger thừa nhận với Đại sứ Liên Xô ở Mỹ là ông ta “trước đây đã sai lầm khi lấy việc khẳng định Liên Xô sẽ tấn công Trung Quốc làm điểm xuất phát để hoạch định chính sách của Mỹ.”

      Mao đổ lỗi sự trục trặc này cho vụ Watergate. Vụ bê bối ấy làm lung lay địa vị của Nixon, Tổng thống không còn dám thi hành những chính sách mạo hiểm nữa. Mao nói với Kissinger: “Vì sao nước ngài cứ làm ầm ỹ cái vụ Watergate ấy thế nhỉ? Tóm lại là chúng tôi không thích chuyện ấy.” Trước mặt các chính khách nước ngoài đến thăm Trung Quốc, Mao luôn to tiếng chửi bới vụ Watergate. Khi gặp Tổng thống Pháp Nicolas Pompidou, Mao nói ông không hiểu vì sao lại cứ “việc bé xé ra to” như vậy. Khi tiếp Thủ tướng Thái Lan Kukrit Pramoj, Mao hỏi: “Cái máy ghi âm ấy thì có gì ghê gớm?”, “Chẳng lẽ kẻ cai trị thì không nên có quyền cai trị ư?” Tháng 5 năm 1974, khi Nixon lung lay sắp đổ, Mao đề nghị cựu Thủ tướng Anh Heath “giúp ông ấy một chút, bảo ông ta cách thoát ra khỏi vụ Watergate”.

      Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú. Nguồn:  Chuyện chưa biết về Mao  毛澤東:鮮為人知的故事 (bản Trung văn) của tác giả Jung Chang và Jon Halliday.

       

      • Blogger Comments
      • Facebook Comments
      Item Reviewed: Nguyễn Hải Hoành Bình Luận: “Tình đồng chí” Mao Trạch Đông – Chu Ân Lai Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ