728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    TRANG VĂN THƠ NHẠC ĐẶC BIỆT TÁC GIẢ TÁC PHẨM 22-12-2020

     TRANG VĂN THƠ NHẠC ĐẶC BIỆT TÁC GIẢ TÁC PHẨM 22-12-2020


    GỬI HƯƠNG THEO GIÓ MÂY NGÀN BAY...

    *KÍNH MỜI ĐỌC HỒI KÝ & TRUYỆN CHỌN LỌC:
    *HỒI KÝ CỦA MỘT CỰU ĐỐC SỰ, PHÓ TỈNH TRƯỞNG:*NGUYỄN KIM DẦN (bài 5)
                        *Hồi Ký của Nguyễn Kim Dần (Bài số 5)
    Ba vấn đề nhức nhối của Đệ Nhị VNCH.
    (1 tháng 11 năm 1967 - 30 tháng 4 năm 1975)
    Trong cuộc chiến vừa qua (miền Nam tự vệ, chống cuộc xâm lăng của CS miền Bắc). VNCH đã bị các vị dân cử (Dân Biểu Thượng Nghị Sĩ) cũng như những hệ thống truyền thông (báo chí, radio, TV...) của Hoa Kỳ và một số Quốc gia chỉ trích 3 vấn đề :
    1) Vấn đề "an trí" tại VNCH
    2) Vấn đề "200.000 tù nhân chánh trị tại VNCH"
    3) Vấn đề "Cải Huấn của VNCH".
    Nếu ai ở tuổỉ 55 trở lên và theo dõi tình hình chánh trị của Đệ Nhị VNCH, chắc không quên là VNCH đã bị các vị dân cử (Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu) của các Quốc gia trong thế giới tự do (nhất là Mỹ) cùng những hệ thống truyền thông trên thế giới, cùng giới sinh viên phản chiến ( Ngoại Quốc) đã đả kích VNCH ba vấn đề sau đây :
    1) Vấn đề an trí tại VNCH, tôi xin nói qua về vấn đề này: Cơ quan an ninh của VNCH như cảnh sát, an ninh quân đội thấy người dân nào có những hoạt động cho CS (tiếp tế cho CS, như gạo, thuốc tây .v.v) hay làm tình báo cho CS; Những tội này bị cơ quan an ninh của VNCH bắt được với những bằng chứng, các người này không bị truy tố ra toà mà ra một hội đồng gọi là "Hội đồng An Ninh Tỉnh" thành phần gồm có : Ông Tỉnh Trường là Chủ Tịch, các Hội Viên gồm có, 1 Nghị Viên Hội đồng tỉnh, Trưởng Ty Cảnh Sát, Trưởng Ty An ninh quân đội, Trưởng phòng 2 (tiểu khu, coi về tình báo) Trưởng Ty Nội An thuộc Tòa Hành Chánh, ngoài ra còn có ông Biện Lý Tỉnh làm cố vấn, nếu tỉnh nào không có tòa án thì tòa án qủan hạt (nghiã là ở tỉnh bên cạnh) cử ông Biện Lý tham dự. Trưởng ty nội an là thư ký. Hội đồng nghe thư ký thuyết trình người này đọc các văn kiện liên quan đến tội trạng của mỗi can phạm, sau đó Hội đồng phán quyết 6 tháng an trí (gọi là an trí tránh chữ đi tù) 12 tháng, 18 tháng và tối đa là 2 năm (nhưng hết 2 năm, Tỉnh có quyền xin trung ương gia hạn an trí thêm một thời gian nữa). Vấn đề này bị chỉ trích là không dân chủ, các can phạm phải do một toà án phán xét.v.v...và phải có luật sư bào chữa.
    2) Vấn đề 200.000 tù nhân chánh trị. Các hệ thống truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình ngọai quốc) không biết căn cứ vào tài liệu nào, lấy con số ở đâu mà tố cáo VNCH giam giữ tới 200.000 tù nhân chánh trị. Rồi căn cứ vào tài liệu bịa đặt mơ hồ đó, các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ các nước đả kích VNCH là độc tài, không có dân chủ v.v.
    3) Vấn đề cải huấn tại VNCH. Cũng trong chiều hướng làm cho VNCH mất uy tín, hệ thống truyền thông ngọai quốc tố cáo chính sách cải huấn của VNCH là vô nhân đạo, các nhà tù thiếu vệ sinh, ăn uống không đầy đủ, thậm chí tụi báo chí còn nói VNCH giam giữ tù nhân vào những "Chuồng cọp" thế là cả một chiến dịch loan truyền vấn đề "chuồng cọp" được phổ biến mau lẹ (Theo trí nhớ của người viết thì tên ký giả bịa đặt này tên là Don Luce). Tất nhiên mấy ông đại diện dân ở các nước tự do tin là thật để rồi kết tội VNCH.....
    Trên đây là ba vấn đề mà VNCH bị chỉ trích nặng nề nhất, giới truyền thông thì khai thác, giới phản chiến thì ủng hộ những sự bịa đặt đó, các ông Dân Biểu (ngoại quốc) thì chất vấn chánh phủ VNCH và đe dọa cắt viện trợ. Sự kiện này kéo dài cả chục năm... Người viết rất ngạc nhiên là VNCH có nhiều cơ quan có trách nhiệm phải có phản ứng để làm sáng tỏ vấn đề, thí dụ Bộ Nội Vụ, Bộ Thông Tin, Bộ Ngoại Giao, Tổng nha Cảnh Sát, Tổng Nha Cải Huấn.... nhưng không có một Bộ hay cơ quan nào viết ra được một tài liệu để phản bác, nhất là VNCH thiếu gì nhân tài, Bộ nào, Tổng nha nào cũng có chuyên viên, những lý thuyết gia, những Tiến Sĩ tốt nghiệp chánh trị, luật pháp ở các trường danh tiếng của ngoại quốc, nhất là Đại Học Mỹ, Pháp, Anh.v.v....
    Cách đây vài ngày, trong một buổi tối, tôi ngồi với chiếc computer, tình cờ tôi bắt gặp một "clip" tức là một đoạn phim ngắn, nội dung là một đài truyền hình (nói tiếng Việt) nào đó phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, người cố vấn thân cận của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (nhất là vào những giờ chót của VNCH), tôi không nghe được người phỏng vấn đặt câu hỏi như thế nào mà chỉ nghe lời Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (với hình ảnh, tiếng nói rất rõ) nói những điều đại ý như sau : "Vào cuối tháng 2 năm 1975 thay vì trả lời thư của TT/Thiệu (vấn đề viện trợ 300 triệu dollars) Tổng thống Ford cho một phái đoàn Dân Biểu của Hoa Kỳ ước lượng độ 28 vị sang (VN) (nguyên văn) : rất ê chề thay vì viện trợ, họ ngồi thẩm vấn TT/Thiệu như ở toà án : sao bắt tù nhân chánh trị, sao xây chuồng cọp......(TS/Hưng nhắc lại nhiều lần là TT/Thiệu bị thẩm vấn như ở toà án) và TS Hưng cũng nói nhiều lần là TT/Thiệu đau đớn lắm (cũng nhắc nhiều lần chữ đau đớn), các vị Dân biểu này họp với TT/Thiệu (tất nhiên chung quanh TT/Thiệu có nhiều Bộ Trưởng, chuyên viên và các Cố Vấn, trong đó đương nhiên là có TS/Hưng . Theo lời TS/Hưng thì 28 vị Dân Biểu.( các dân Biểu đòi đi "coi chuồng cọp", khám Chí Hòa v.v. Rồi tuyên bố, gặp gỡ với báo chí. Muốn kiểm chứng điều này có thể đánh chữ ' VNCH nguyen tien hung' vào YOU TUBE sẽ xem được đoạn phim này. Tôi vừa mở xem lại trước khi viết bài này.....
    Theo TS/Hưng thì TT/Thiệu có nói với TS/Hưng là phái đoàn này không có tinh thần đồng minh. Đến tối ngày 28/2/1975, có bữa tiệc khỏan đãi phái đoàn Dân Biểu về lại Hoa Kỳ, vì qúa tức giận và đau đớn. TT/Thiệu đã nói như sau (TS/Hưng nói là lời nói sau là do TT/Thiệu tự ý nói, không phải do TS/Hưng soạn trước) : "Tiếng Việt Nam của chúng tôi có câu " của cho quan trọng, nhưng cách cho còn quan trọng hơn, xin qúy vị đem thông điệp này về Washington". Theo lời TS/Hưng thì khi ngồi cạnh TT/Thiệu, TS/ Hưng chỉ sợ TT/Thiệu nói thêm những điều gì nặng nề thì rất bất lợi.....Rồi sáng hôm sau, TT/Thiệu có nói (đại ý) với TS/ Hưng là tuy mình nghèo, nhưng không thể ném tiền vào mặt mình như vậy được, không cần....nghèo thì nghèo.
    TS/Hưng kể là cuối năm 1979 đầu 1980, nhân sắp đến ngày 5 năm CSVN chiếm được Miền Nam, có nhiều báo nổi tiếng của Mỹ, Pháp xin phỏng vấn TT/Thiệu, rút cuộc không biết ai cố vấn TT/Thiệu, TT/Thiệu chọn một tờ báo Đức, theo TS/Hưng thì TT/Thiệu chọn tờ báo Đức cốt ý là cho Kissinger đọc vì Kissinger người Mỹ gốc Đức. Trong bài báo TT/Thiệu trách Mỹ đã phản bội....Qủa nhiên vài tuần sau, Kissinger viết thư cho TT/Thiệu "Thanh Minh thanh nga; tại vì ..tại vì... Trong bài báo này TT/Thiệu có viết:" Người Mỹ chỉ thích dùng những người để sai bảo, tôi (Tổng Thống không phải là người để sai bảo, Quốc Hội VNCH không phải để sai bảo và dân tộc VN không phải là dân tộc để sai bảo....). Kissinger kết luận : Tôi công nhận sau cùng Ngài đã đúng. Sau đó TT/Thiệu có nói với TS/Hưng là không trả lời Kissinger.
    Sau khi xem "clip" trên tôi rất tiếc là thực ra VNCH cũng đã trả lời 3 vấn đề nêu trên (có tài liệu từ cuối tháng 12/1974), rất tiếc là TS/Hưng và TT/Thiệu không được đọc và những người cố vấn cho TT/Thiệu không phải là những người sáng suốt, có trí nhớ tốt và không biết cách phản ứng mau lẹ. Tôi xin kể một chuyện có thực 100% và tôi không đem cái"TÔI" ra để đánh bóng cá nhân, nay, nước mất nhà tan, tuổi đời coi như vào buổi hoàng hôn rồi thì cái "Tôi" đâu có nghĩa lý gì...Nhất là câu chuyện này có nhiều nhân chứng, tôi chỉ kể sự thật:
    Sau 4 năm làm Phó Tỉnh Trưởng Phú Bổn tôi xin thuyên chuyển về Bộ Nội Vụ, tôi về Bộ NV vào đầu tháng 11/1974
    Giữa tháng 11 năm 1974, tôi được bổ nhiệm làm chuyên viên. Khi nhận việc, tôi cũng chẳng biết văn phòng chuyên viên ở đâu, cũng chẳng biết hết mặt các ông chuyên viên, chỉ biết vài người, bàn ngồi thì tôi thấy Nha Chánh Trị có nhiều bàn trống, lại gần cửa ra vô thì tôi ngồi ở Nha Chánh trị....Giám đốc là Trần Hồng, bạn Khóa 8 QGHC với tôi (nhưng tôi không làm việc dưới quyền Trần Hồng ); Công việc thì nhận trực tiếp từ ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phụ Tá Tổng Trưởng. Thời gian đó VNCH đang cử những phái đoàn đi ngoại quốc để xin viện trợ, nhất là Mỹ, nhưng VNCH vẫn bị đả kích nặng nề về 3 vấn đề nêu trên (Vấn đề an trí, vấn đề 200.000 tù nhân chánh trị, vấn đề cải huấn).
    Một buổi sáng khoảng cuối tháng 11/1974 ông Huỳnh Ngọc Diệp cho mời tôi lên và nói là cần phải có bài (tài liệu) trả lời những điều chỉ trích nêu trên, ông HNDiệp giao cho tôi viết một một đề tài. Chuyên Viên Sang (tốt nghiệp QGHC, Đốc Sự) viết một đề tài, còn đề tài Cải Huấn thì đương nhiên Tổng Nha Cải Huấn phải viết. Cũng xin lưu ý là theo Tổ chức HC của VNCH thì Tổng Nha là một bộ phận rất lớn của một Bộ, nhiều Nha (nhiều Giám Đốc) có đủ chuyên viên, thanh tra...tóm lại là quy tụ nhiều nhân tài.
    Sau khi nhận một đề tài,.....Tôi nghĩ là phải "khoá miệng" tụi này (Dân Biểu,Thựơng Nghị Sĩ, giới truyền thông.v.v.) cho không cãi lại được. Bao giờ viết một đề tài, tôi thường nghĩ 1) Phần mở đầu (mở bài) 2)Phần giữa (đi vào điểm chính, phần này cần tài liệu chứng minh) 3) Phần phản công, đả phá những điều chỉ trích hay chứng minh chính sách của mình là đúng. 4) Phần kết luận (rất ngắn chỉ khoảng vài giòng. Tất nhiên phải đặt câu hỏi : Ai đọc tài liệu này để biết phải viết dài hay ngắn.. đã biết đối tượng sẽ đọc, tôi trù tính là chỉ viết một trang đánh máy là dài nhất, vì các đối tượng họ không có thời giờ đọc, tất nhiên tài liệu phải cô đọng và lập luận vững, sự kiện đưa ra phải chứng minh, có bằng cớ rõ ràng, mà người đọc không phản bác lại được, nhất là phần trả lời phải cho địch thủ, kẻ chỉ trích phải câm họng.
    Tôi mất khoảng vài ngày để viết đề tài mà tôi nhận lãnh, dài độ một trang đánh máy. Tôi nộp cho ông Phụ Tá HNDiệP. Rồi lần lượt chuyên viên Sang, Tổng nha Cải Huấn cũng nộp bài viết cho ông HNDiệp sau tôi độ một tuần. Đề tài của tôi được ông Diệp đọc và không có phản ứng gì....nhưng khi hai đề tài do Chuyên viên Sang và Tổng Nha Cải Huấn nộp cho ông Diệp được mấy ngày thì ông Diệp cho mời tôi lên và nói : Ông chuyên viên Dần mang hai đề tài của ông Sang và của Tổng Nha Cải Huấn về sửa giùm vì họ viết dở qúa, (tôi cũng không biết nội dung hai bài viết của ông Sang và của Tổng Nha Cải Huấn).Tôi trả lời ông Diệp: Thưa ông Phụ Tá: Tôi không bao giờ sửa văn của người ta. Thế là đơn giản, ông Diệp nói : Thế thì ông Dần viết lại hai đề tài kia: Rút cuộc tôi lãnh viết cả ba đề tài, theo tôi thì ba đề tài đó không có gì là khó đối với những người có một kiến thức tổng quát khá và thuộc lịch sử cận đại đồng thời có tài liệu đầy đủ về : Vấn đề an trí, cải huấn, tù nhân chánh trị, mà rất may Bộ Nội Vụ VNCH giữ đủ tài liệu để giúp người viết.
    Ba đề tài tôi thấy giống nhau ở những điểm sau : 1) Đề tài nào cũng chỉ cần viết một trang đánh máy là đủ (vì họ không có thì giờ đọc). 2) Phần mở đầu và phần kết luận cũng giống nhau, tuy nói vậy nhưng ta phải thay đổi cách hành văn một chút. Chỉ có phần giữa thì 3 đề tài có những điểm khác nhau (có sẵn tài liệu do Bộ Nội Vụ cung cấp).
    1) Mở đầu đề tài bao giờ tôi cũng bắt đầu như sau: Việt Nam Cộng Hoà đã chọn đứng trong hàng ngũ các nước Tự do, và thường được gọi là tiền đồn của thế giới Tự Do, vì thế tất cả những chính sách của VNCH đều phải tôn trọng những công ước quốc tế về tự do dân chủ nhất là tôn trọng bản Quốc Tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, dù rằng VNCH chưa được thu nhận làm Hội viên của LHQ. VNCH cũng có bản Hiến pháp do đại diện người dân soạn thảo và bản hiến pháp cũng bảo vệ quyền căn bản của người dân (hành pháp, lập pháp, tư pháp độc lập với nhau. v. v. )
    Đó là mấy giòng mở đầu cho ba bài viết, tất nhiên mỗi bài phải thay đổi một chút, nhưng ý chính vẩn giữ nội dung như vậy.
    2) Phần thi hành chính sách. Có 3 vấn đề VNCH bị đả kích:
    A) Vấn đề An trí của VNCH : Tôi biện luận như sau : Đây là biện pháp có tính cách Hành Chánh, người nào làm những điều có lợi cho CS hay hoạt động cho CS nếu có bằng chứng rõ ràng phải ra Hội Đồng An Ninh Tỉnh, tùy theo tội trạng nặng nhẹ người này sẽ bị gởi đi an trí có thời gian nhất định, 6 tháng cho tới tối đa 2 năm, can phạm cũng được hưởng "lưỡng cấp tài phán" (nghĩa là được cứu xét 2 lần ở 2 cấp) tại Tỉnh phán xét thời gian an trí, nhưng hồ sơ gởi về Trung ương ( Bộ Nội Vụ) để duyệt xét một lần nữa, và Hội đồng cứu xét gồm có Bộ Nội Vụ, Nha Cảnh sát, Nha cải huấn và một vị Chánh án cao cấp của Toà Thượng thẩm làm cố vấn. Sở dĩ gọi vấn đề an trí có tính cách Hành Chánh vì người can phạm không bị ghi trong hồ sơ lý lịch như khi bị toà án xét sử, nghĩa là sau khi mãn hạn an trí người can phạm lại trở lại đời sống bình thường , lý lịch không còn ghi tội phạm gì nữa (khác với Toà Án là khi bị án ở Toà, can phạm mang lý lịch xấu suốt đời, không bao giờ được bôi bỏ), và lúc nào thân nhân cũng được thăm nuôi, người can phạm không bị lao động khổ sai, có phương tiện giải trí (chơi thể thao đọc báo xem TV.v.v.) như vậy chính sách An Trí của VNCH hoàn tòan có tính cách nhân đạo.
    B) Vấn đề Cải Huấn của VNCH. Dân Biểu, Thượng nghị sĩ, giới truyền thông (nhất là Hoa Kỳ) đả kích VNCH về vấn đề cải huấn : Ăn uống không đầy đủ, thiếu vệ sinh nhất là một ký giả lại bầy đặt là giam can phạm ở các "Chuồng Cọp", vấn đề chuồng cọp đã được khai thác triệt để. Cũng may mắn cho tôi là Bộ Nội Vụ giữ đủ tài liệu : Thống kê VNCH có bao nhiêu trại cải huấn, và trong vòng 2 năm qua các cơ quan hồng thập tự đã đi thanh tra bao nhiêu lần (có ghi ngày tháng đầy đủ), tôi dẫn chứng bằng những tài liệu như vậy nên không ai phủ nhận được, còn vấn đề "chuồng cọp", tôi thách thức ký giả nào nêu ra vấn đề đó hãy chứng minh bằng hình ảnh, nơi có "chuồng cọp" và cho biết địa điểm để Bộ Nội Vụ hướng dẫn phái đòan báo chí đến quan sát "chuồng cọp". Tôi kết luận đây là một sự tưởng tượng của một ký giả 'Thiên Cộng' để bôi xấu hình ảnh của VNCH.v.v. Tôi cũng viết thêm là trong những lần thanh tra của hội hồng thập tự quốc tế trong 2 năm không có phúc trình nào chỉ trích hay khuyến cáo nào về mọi khía cạnh của các trung tâm cải huấn của VNCH do hội hồng thập tự quốc tế công bố.
    C) Vấn đề 200.000 tù nhân chánh trị của VNCH. Không biết họ lấy tài liệu ở đâu giới truyền thông tố cáo VNCH hiện giam giữ 200.000 tù nhân chánh trị.... Cũng may cho tôi là tài liệu của Bộ Nội Vụ thống kê hết các trại cải huấn trên toàn quốc và sức chứa của mỗi trung tâm, kết qủa là VNCH có nhiều trại cải huấn, tuy nhiên sức chứa tổng cộng chỉ được hơn 40.000 can phạm, căn cứ vào tài liệu này, tôi đã chứng minh là những người đả kích VNCH có 200.000 tù nhân chánh trị là hoàn toàn bịa đặt và phóng đại......(tất nhiên tôi phải liệt kê tài liệu một cách chi tiết họ mới tin).
    Trên đây là phần trình bầy 3 vấn đề mà VNCH bị đả kích cùng những điều phản bác rất khiêm nhường của người viết, tất nhiên sau 36 năm tôi chỉ nhớ những nét chính và lúc tôi viết tài liệu này tuổi đời tương đối còn trẻ, đang ở tuổi gìa dặn, tất nhiên cách trình bầy sắc bén hơn nhiều, nay ở tuổi trên 70 thì đã trở nên chậm chạp và trình bầy lại không thể nào bằng văn bản cách đây 36 năm, xin Bạn đọc thông cảm. Sau đây là phần phản công để "khoá mồm" tụi nó. Xin bạn đọc xem phần quan trọng nhất và xem tôi có khoá miệng được tụi nó không ?
    3) Phần phản công. Đầu tiên tôi trình bầy: VNCH đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh, chống sự xâm lăng của CS miền Bắc, cuộc chiến tranh tự vệ này đã kéo dài khá lâu. Miền Bắc được cả một khối CS quốc tế viện trợ và ủng hộ về mọi phương diện, từ súng đạn, quân trang quân dụng và kể cả lương thực.......Trong khi VNCH được Hoa Kỳ và vài nước trong khối tự do viện trợ, tuy nhiên sự viện trợ giới hạn và bao giờ cũng đi sau Miền bắc, một thí dụ là khi CSVN (dưới hình thức Mặt Trận dân tộc giải phóng miền nam) được trang bị vũ khí cá nhân tối tân là AK47 thì quân đội VNCH hãy còn dùng Garant hay Carbine....(qúa lỗi thời), ngoài ra mỗi năm VNCH như phải đi "ăn xin" Hoa Kỳ... đồng thời các báo chí Tây Phương thay vì ủng hộ VNCH lại đi phóng đại bêu xấu VNCH thí dụ : Vụ Mỹ Lai, vụ Tướng Loan bắn tên CS.v.v Trong khi thì không nhắc gì đến thảm cảnh Tết Mậu Thân ở Huế (giết khỏang 6.000 dân vô tội). Trong hòan cảnh chiến tranh, bất cứ một quốc gia nào cũng phải thi hành những biện pháp đặc biệt để bảo vệ người dân và lãnh thổ của mình, VNCH cũng ở trong hoàn cảnh đó nghĩa là phải áp dụng những chính sách tương đối khe khắt như trên đã dẫn chứng.
    Nhìn lại cuộc chiến tranh thế chiến thứ 2, các quốc gia Tây phương nhất là Mỹ và Canada còn áp dụng những biện pháp khe khắt hơn, mạnh bạo hơn, tàn nhẫn hơn để bảo vệ dân tộc và lãnh thổ của họ vì đang có chiến tranh : Cô lập, bắt tập trung, tịch thu tài sản của công dân đã có quốc tịch nơi họ đang sanh sống, không phân biệt già trẻ...chỉ vì họ là sắc dân đó có liên hệ tới cuộc chiến. Hành động như vậy các nước Hoa Kỳ, Canada nay chỉ trích VNCH là một điều không công bằng, ai đả kích VNCH hãy nhìn lại những chính sách của MỶ và những nước Tây phương trong thế chiến thứ 2.
    (Chú thích của người viết ; Người viết không giám nói rõ đó là người Nhật, vì sợ chạm tự ái của họ (mình đang xin tiền) nhưng ai đọc cũng hiểu, vì là tài liệu giấy trắng mực đen ta phải viết vậy, nếu là đối thoại ta có thể hỏi các Dân Biểu Mỹ về điều này thì các Dân Biểu làm sao trả lời được.....Rất tiếc là khi gặp 28 vị Dân Biểu Mỹ vào cuối tháng 2/1975, các người chung quanh TT/Thiệu không có ông nào có tài liệu mà Bộ Nội vụ đã phổ biến) và cũng không ông nào có hiểu biết về thế chiến thứ 2 Mỹ đã làm như trên với dân gốc Nhật, chỉ cần một người nhắc TT/Thiệu về thế chiến thứ 2, Mỹ đã đối sử vời dân Mỹ gốc Nhật là có thể khoá miệng tụi Dân Biểu Mỹ !!!
    Đó là phần phản bác, khó mà trả lời nổi, nên tôi nói là phải "khoá miệng" tụi này.....
    4) Phần kết luận. Như đã viết, phần kết luận chỉ cần vài gìong; Tôi kết luận bài viết như sau: Cuộc chiến tại Việt Nam do CSVN chủ mưu, mục đích là chiếm miền nam, VNCH, trong tư thế phải bảo vệ lãnh thổ nên VNCH cũng phải áp dụng những chính sách đặc biệt để bảo vệ đất nước. Những ai đả kích VNCH về những chính sách nêu trên hãy kêu gọi miền Bắc ngưng xâm lăng miền nam, thay vì đả kích những chính sách của VNCH, lý do đơn giản là miền bắc ngưng xâm lăng, cuộc chiến sẽ chấm dứt và khi hết chiến tranh, VNCH không còn lý do để áp dụng những chính sách như trên. Tóm lại hãy kêu gọi miền bắc ngưng xâm lăng miền nam, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Hết

    Phần nói rõ về thời gian
    Tôi xin nói rõ thêm về thời gian :1) Tôi được bổ nhiệm làm Chuyên Viên bộ Nội Vụ giữa tháng11/1974. 2) Cuối tháng 11/1974 ông HNDiệp giao cho tôi 3 đề tài nêu trên để viết trả lời. 3) Tài liệu được hoàn tất kể cả dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp vào cuối tháng 12/1974. 4) Phái đoàn Dân biểu Mỹ đến VN vào cuối tháng 2/1975 và TT/Thiệu có tiếp phái đoàn này cũng vào khỏang cuối tháng 2/1975 và tối ngày 28 tháng 2/1975 TT/Thiệu khoản đãi phái doàn Dân Biểu Mỹ để tiễn họ ra về (có lẽ họ về ngày hôm sau 29 tháng 2/1975) 5) Tức là tài liệu đã có trước 2 tháng phái đòan Dân Biểu Mỹ tới Saigon.
    ....................................................
    1) Sau khi hoàn tất 3 tài liệu kể trên, ông Huỳng Ngọc Diệp rất qúy mến tôi và nói với Trần Hồng, Giám Đốc Nha Chánh Trị, cũng là bạn cùng khóa 8 QGHC, ông Diệp khen tôi hết lời, nhưng tôi không muốn nhắc lại ở đây. Từ đó ông HNDiệp biết khả năng của tôi, nhưng cũng là cái vất vả của tôi vì vấn đề gì ông cũng bắt tôi phụ trách; Đi họp Liên Bộ; Đi nghe thuyết trình rồi về Bộ thuyết trình lại, làm Trưởng ban nghiên cứu các hồ sơ can phạm trước khi Ủy Ban an ninh trung Ương họp (Tôi phải đọc hết hồ sơ và cho ý kiến).
    2) Tài liệu này ngay sau đó được dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp, các Dân Biểu VN, các Bộ của VN nghe tin là Bộ Nội Vụ có 3 tài liệu rất hay nên kéo đến Bộ Nội Vụ xin tài liệu này.
    3) Tình cờ một hôm tôi đang ngồi ở Bộ Nội Vụ (Nha Chánh Trị) tôi thấy ông anh ruột tôi làm Chủ Sự phònh Huấn Luyện Nha Cải Huấn (khoá 13 Thủ Đức được giải ngũ, VNCH có quy định, các Sĩ Quan có bằng Tú Tài, sau khi giải ngũ đương nhiên được nhập ngạch Tham Sự, anh tôi ở trường hợp này), tôi hỏi ông anh tôi đi đâu? Anh tôi trả lời là đi qua mượn tờ Stencil (VN lúc đó chưa có máy photocopy nên quay bằng stencil nếu muốn có nhiều bổn) để quay thêm về đề tài Cải Huấn mà Bộ Nội Vụ vừa viết song. Ông anh tôi nói tiếp, Đại Tá Tiếp Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cải Huấn bị ông Huỳnh Ngọc Diêp cằn nhằn vì đề tài của Nha cải huấn mà Nha Cải Huấn không viết nổi, Đ/T Tiếp cũng tỏ vẻ bực bội với mấy ông lớn (Giám Đốc, Thanh tra, Chuyên Viên Nha cải huấn vì làm mất mặt Nha Cải Huấn, không viết nổi đề tài của mình (anh tôi chỉ là Chủ Sự đâu có khả năng viết, nên không có trách nhiệm). Tôi chỉ thị cho Chủ Sự (tên Thức) của Nha Chánh Trị tìm và trao tờ stencil cho anh tôi, đồng thời tôi cũng nói nhỏ
    cho anh tôi biết là tôi viết tài liệu đó (hiện anh tôi đang cùng ở City với tôi).
    4) Tôi ngạc nhiên là khi TT/Thiệu họp với 28 Dân Biểu Mỹ mà không người nào trong phái đoàn VN ngồi bên cạnh TT/Thiệu biết được tài liệu đó ? Mà nếu không có tài liệu đó thì các Cố vấn, Bộ Trưởng, Chuyên Viên của TT.Thiệu cũng phải biết những điều căn bản để cố vấn TT/Thiệu phản ứng với phái đòan Mỹ. Tại sao các sự kiện thông thường như vậy mà các ông ấy không biết, trong khi tôi chỉ là một chuyên viên tầm thường của Bộ Nội Vụ có thể trả lời được những lời chỉ trích ?
    5) Tháng 5 năm 1980 tôi vào định cư tại Canada (sau cuộc vượt biên ly kỳ), Anh Trần Hồng (ở Washington DC) có gọi điện thoại cho tôi, ngoài vấn đề hỏi thăm sức khỏe v.v. Đặc biệt anh Trần Hồng nhắc lại chuyện xưa....Anh Trần Hồng nói: Ông Hùynh Ngọc Diệp vẫn nhắc tới "Toi", "Moi" cho số điện thoại của ông Diệp để "Toi" nói chuyện với ông Diệp, ông ấy vẫn cảm mến "Toi" lắm...ông Diệp cũng ở đây; Tôi trả lời: Thôi anh Hồng ơi chuyện cũ đã qua nhắc lại làm gì......Thế là tôi không nói chuyện với ông Diệp. Đến năm 2006 khoá 8 QGHC của chúng tôi có họp Đại Hội ở Washington DC, nhân dịp này tôi gặp lại anh Trần Hồng và tôi hỏi về ông Huỳnh Ngọc Diệp, anh Hồng trả lời tôi là ông HNDiệp chết cách đây 1 năm (tức là 2005).
    5) Nếu ai muốn nghe một đoạn cuộc họp báo của TSHưng thì đánh vào "You Tube " chữ : "VNCH nguyen tien hung" là tìm ra....
    6) Cách đây khoảng 6, 7 năm chánh phủ Canada mới chính thức ra môt văn thư xin lỗi người Nhật về sự tập trung, tịch thu tài sản trong thời gian thế chiến thứ 2 (Coi như 70 năm sau mới có lời xin lỗi) và hứa là sẽ bồi thường.. nhưng già, chết hết rồi còn đâu mà bồi thường.
    ....................................................................
    Một đoạn bài phỏng vấn Đại tá Noboru Masuoka (gốc Nhật), người đã đem Đại Tá Bùi Quyền, Thiếu Tá Nguyễn Quý An và nhà thơ Nguyễn Chí Thiên qua Mỹ.
    NM : ...... Đời tôi đã có những lúc thăng trầm, và bên Mỹ này, đời không phải lùc nào cũng tươi như hoa hồng cho người Mỹ gốc Á Châu, vào thập niên 30 và qua thập niên 40, và đặc biệt trong giai đoạn Đệ Nhị Thế Chiến. Có lúc tôi cũng bị bỏ vào trong trại bởi vì cha mẹ tôi đến từ Nhật Bản.
    ....................................................................................

    Cảm ơn bài viết số 5 của anh.
    Anh đã cho lich sử thấy điểm yếu của môt chính nghĩa là vnch
    Thuong quá mà cũng tức quá cho một quá khứ oai hùng.
    Chúc anh Dần sức khỏe.
    TT
    ***

    * Kính Mời nghe Truyện ngắn của hai nhà văn thời danh:
                           TRÀM CÀ MAU & TIỂU TỬ

    Tinh Yeu Mau Nhiem (Tram Ca Mau_Nguyen Ha doc).mp3


    Cai Loa _ Tieu Tu (1).mp3
    ***
    *NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA:

                      

     >Chạy Trời Không Khỏi Nắng
    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

    Tiên đoán thời tiết trên ti-vi tối qua thông báo tuyết đầu mùa sẽ đến sớm hơn mấy năm gần đây. Lần đầu tiên thực sự thấy tuyết, tôi thất vọng nhìn bông tuyết bay lả tả rơi xuống đất tan ngay thành nước, không như hình ảnh tuyết phủ mái nhà và cây cối tuyệt đẹp trong phim xi-nê. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, trận tuyết chấm dứt không để lại dấu vết, và mặt trời ló dạng từ sau đám mây trắng. Hôm nay là ngày lễ Cựu Chiến binh và cũng là lần nghỉ lễ đầu tiên từ khi tôi đi làm việc. Quỳnh Châu giải thích,
    “Lễ Cựu Chiến binh cử hành vào ngày 11 tháng Mười Một hàng năm để tôn vinh cựu chiến binh đã từng phục vụ trong quân lực Hoa kỳ. Lúc trước gọi là lễ Đình chiến vì để kỷ niệm ngày thế chiến thứ nhất kết thúc – chính thức chấm dứt vào giờ thứ 11 ngày thứ 11 tháng thứ 11 của năm 1918, khi thỏa ước đình chiến với Đức có hiệu lực. Đến năm 1954 được đặt tên lại thành lễ Cựu Chiến binh.”
    Đang lơ đãng nghe chuyện, tôi cúi nhìn bụng bầu của Quỳnh Châu rồi tủm tỉm cười. Nàng thấy nhột nhạt gí ngón tay vào ngực tôi,
    “Ôông dôông mà cười miếng chi dzậy là trong bụng sinh chuyện tà vạy, chạy đằng trời cũng không sai. Hồi đó, em nghe nói khi giảng bài cho sinh viên, anh hay xen vào các mẩu chuyện khôi hài mà mặt tỉnh bơ, không hề nhếch mép cười.”
    “Nghe em kể chuyện lễ Đình chiến, anh nhớ tới cái áo rộng thùng thình mà các bà bầu thường mang bên ngoài, lấy tiếng là che nhưng đúng ra là khoe cái bụng bầu của mình. Tụi anh gọi là ‘áo đình chiến,’ nghĩa là đôi bên phải ngưng . . . chiến đấu để đứa con trong bụng không bị muội (ngu) đi, người Việt mình tin vậy,” tôi rán nín cười.
    “Em biết chồng thế nào cũng phát ngôn bừa bãi mà! Nhưng em mừng khi thấy anh khởi sắc lấy lại phong độ ăn nói bậy bạ ngày xưa,” nàng véo vào cánh tay tôi.
    “Em nên biết ‘áo đình chiến’ khác với ‘miễn chiến bài’ là trường hợp tạm thời tránh . . . giao tranh vài ba ngày khi phe ta tới kỳ hàng tháng.”
    Trong các pho truyện Tàu tôi đọc hồi nhỏ, khi hai phe đánh nhau, miễn chiến bài là tấm biển phe cố thủ treo trước cổng thành hay doanh trại để từ chối nghênh chiến khi thấy bất lợi về phía mình. Phe tấn công hàng ngày đến khiêu chiến và nếu địch quân vẫn án binh bất động, dùng mạ thủ (lính chửi) đứng ngoài tầm tên chửi bới nhục mạ để khiêu khích kẻ địch xuất quân. Không tán thưởng lời nói đùa của tôi, Quỳnh Châu nhăn mặt,
    “Chồng muốn nói bậy ở đâu cũng được, nhưng đừng nói trước mặt ‘bé Long.’ Em không chịu đâu?”
    “Em nói sao? ‘Thằng Thìn’ còn trong bụng em, làm sao con nghe được?” tôi ngạc nhiên.
    “Chồng lầm rồi! Theo nghiên cứu mới nhất, ấu nhi học hỏi và hấp thụ kiến thức nhanh nhất trong thời gian nằm trong bụng mẹ và ba năm đầu đời. Mấy bà bạn giáo sư trên Đại học Cộng đồng Bismarck (BJC) khuyên em thường xuyên mở nhạc cổ điển và audiobooks (sách thu băng) cho con nghe để phát triển khả năng sáng tạo của con. Không những dạy con từ thuở còn thơ mà phải dạy từ lúc mới đậu thai anh à,” nàng thuyết phục tôi.
    Quỳnh Châu nói đúng: Bích Mạc, tức là “thằng Thìn,” bắt đầu học từ trong bụng mẹ, lên trung học học vĩ cầm để theo gót Einstein, và trở thành một nhạc sĩ đàn vĩ cầm cự phách, mặc dù trong gia đình không ai có năng khiếu âm nhạc. Năm 15 tuổi, Mạc được chọn làm nhạc sĩ trong ban nhạc đại hòa tấu của thành phố, tập dượt và trình diễn ngang tay với những nhạc sĩ đã thành danh. Lên đại học, Mạc được cấp học bổng đi học vật lý lý thuyết (ngành nghiên cứu của Einstein) ở Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) ở Boston thuộc tiểu bang Massachusetts.
    Quỳnh Châu bỗng nhìn đồng hồ và hoảng hốt,
    “Thôi chết rồi! Hồi sáng lúc anh đi tắm, bác Kiệt gọi điện thoại nói sẽ đến đón hai đứa mình đi ăn trưa mà em quên lứt. Hình như bác có chuyện nhờ anh.”
    Bác Kiệt là người Việt giữ chức vụ cao nhất trong chính quyền tiểu bang North Dakota. Mười bảy năm trước (1958), bác sang Hoa kỳ du học, học sư phạm và thực tập ở Devils Lake là một thành phố ở đông bắc North Dakota. Về nước, bác dạy học và mở trường dạy Anh văn ở Nha Trang. Một người bạn học hồi đó của bác hiện làm tổng quản đốc nha Giáo dục Quần chúng trông coi các trường trung tiểu học toàn tiểu bang. Sau khi gia đình định cư ở San Jose ở bắc California, bác Kiệt liên lạc với ông bạn cũ, được mời lên Bismarck làm phụ tá tổng quản đốc đặc trách giáo dục tỵ nạn, và là đại diện của nha trong Ủy ban Đặc nhiệm Tỵ nạn Đông dương tiểu bang. Để bác gái và các con ở San Jose, bác lên đây thuê apartment ở với cậu con trai khoảng 20 tuổi đang đi học BJC.
    Bác niềm nở thăm hỏi và đưa chúng tôi tới steak house (tiệm ăn mà món đặc biệt là thịt bít-tết) nổi tiếng vì bác biết Quỳnh Châu thích bít-tết. Đợi mọi người ăn tráng miệng bánh ngọt và kem xong, bác mở lời,
    “Trường BJC gửi văn thư yêu cầu bác lượng định học lực của hai sinh viên Việt nam xin vào học mà không có giấy tờ chứng minh đã học trường nào hay ngành gì ở Việt nam.”
    “Bác đã gặp hai người đó chưa?” tôi dè dặt hỏI.
    “Bác đến nhà họ hỏi chuyện qua loa. Nhưng bác đại diện nha Giáo dục nên phải giữ tư thế vô tư, không can dự vào quyết định tuyển chọn sinh viên của BJC. Bác muốn nhờ anh thẩm định với tư cách giáo sư độc lập. Anh có thể soạn bài thi trắc nghiệm, cho họ thi, khảo sát khả năng của họ, và gửi kết quả và khuyến nghị trực tiếp cho BJC, không cần gửi bản sao cho bác.”
    “Chuyện này dễ, cháu làm được,” tôi sốt sắng nhận lời.
    “Vậy thì tốt quá. Bác có mang cho anh hai cuốn sách toán và vật lý dùng ở bậc trung học Mỹ.”
    Tôi soạn bài thi trắc nghiệm bằng tiếng Việt gồm 20 câu hỏi – 10 câu toán và 10 câu vật lý – trình độ lớp 7, hay lớp 8 là cùng. Câu hỏi toán tương đối dễ, chẳng hạn như nếu cho 2x = 4 thì x bằng bao nhiêu. Câu hỏi vật lý hỏi về khoa học thường thức, chẳng hạn như độ sôi của nước là 100° Celsius, đổi qua Fahrenheit là bao nhiêu độ. Tôi giữ trước phòng hội ở sở tôi là Công ty Tiện ích Montana-Dakota (MDU) và mời hai ứng viên đến dự thi.
    “Sinh viên” thứ nhất là Ngươn, một cựu quân nhân trẻ tuổi độc thân đi sang đây một mình, người bé loắt choắt nhưng giọng nói rổn rảng và dáng điệu lấc cấc. Khi biết tôi là giám khảo chứ không phải “ông Mỹ” nào khác, cử chỉ kiêu ngoa ban đầu biến mất, nhưng Ngươn yên bụng hơn,
    “Mình là dân tỵ nạn với nhau, lá lành đùm lá rách, anh cho em ‘đậu’ vào trường BJC, em cám ơn anh nhiều lắm.”
    Tôi vờ như không nghe thấy, mời Ngươn ngồi vào bàn, và chỉ dẫn,
    “Mỗi câu hỏi có bốn giải đáp: a, b, c, và d; Ngươn cần chọn giải đáp đúng nhất. Trả lời sai không bị trừ điểm nên nếu có câu nào không chắc ăn thì Ngươn cũng nên trả lời đại, đừng để trống mà bị thiệt thòi. Điểm ‘đậu’ là 80 phần trăm, tức là có 16 giải đáp đúng.”
    Ngươn làm bài không tới mười phút là xong. Nộp bài thi cho tôi, Ngươn thất vọng ra mặt,
    “Vậy mà trong trại Đồn Chaffee ai cũng nói mình tới trường đại học xin học là nó ô-kê (okay) liền cái rụp! Anh Lộc nói bọn Mỹ ngu lắm, mình khai trời khai đất gì nó cũng tin răm rắp. Ảnh nói học đại học Mỹ dễ ợt, thi a b c khoanh không học cũng đậu. Đi học thì xê-ta (CETA) trả tiền, tội chi đi mần (làm)!”
    CETA là chương trình huấn nghệ của chính phủ liên bang cung cấp việc làm trong thời gian từ 12 đến 24 tháng cho người lợi tức kém hay thất nghiệp lâu ngày. Anh Lộc là cựu sĩ quan cảnh sát, anh tự hào thành thạo mọi ngõ ngách ở xứ này và nắm hết tất cả mánh khóe để “qua mặt bọn Mỹ” và hưởng welfare, food stamps, và các trợ cấp xã hội và y tế khác đến mức tối đa. Tôi hỏi,
    “Vậy chớ ở Việt nam Ngươn học trường đại học nào?”
    “Nói thiệt với anh, em mới học nửa năm lớp bảy thì bỏ học rồi đăng lính Hải quân chớ có học đại học đại hiếc nào đâu.”
    Ngươn trả lời trúng năm câu, hay 25 phần trăm; kết quả phù hợp với xác suất của trường hợp không đọc câu hỏi và chọn giải đáp cầu âu. Về sau, Ngươn làm thợ mộc cho hãng chế tạo nhà di động.
    Người thứ hai là Lan, một thiếu nữ tóc dài nhan sắc dưới trung bình; cô là con gái út của một gia đình làm nghề kim hoàn ở Hố Nai Biên Hòa. Dân Hố Nai toàn là tín đồ Công giáo di cư từ ngoài Bắc vào năm 1954; khi nói chuyện, họ phát âm hai phụ âm en nờ (“n”) và en lờ (“l”) ngược nhau. Thấy tôi Lan nói ngay,
    “Em nà em anh Nộc. Anh em lói anh cố gắng châm chước cho em ‘đậu’ để em tiếp tục học nuật ở BJC. Bố mẹ em sẽ không quên ơn anh đâu.”
    Tôi biết anh Lộc là anh rể của Lan. Nàng ngồi cắn bút suy nghĩ làm bài hơn nửa tiếng đồng hồ rồi nộp bài và toan đứng dậy ra về. Tôi đưa tay ngăn lại,
    “Ở Việt nam Lan học luật năm thứ mấy?”
    “Em mới học lăm thứ nhất. Anh Nộc em lói học đại học Mỹ dễ nắm, không khó tàn canh gió nạnh như bên Việt lam mình.”
    “Đại học Luật khoa thuộc viện Đại học Sài gòn ở đâu, đường nào, Lan nhớ không?” tôi thấy bất nhẫn khi phải dùng tới câu hỏi này.
    “À, trường em lằm trên cái đường gì gì đó nâu quá em quên tên. Em nhớ trước cổng trường có cây,” nàng lắp vắp trả lời.
    “Lan nhớ đã học những môn nào, với giáo sư nào không?”
    “Anh nàm như em có tài nhớ dai kinh khủng không bằng! Con gái hay quên mà anh,” nàng cười khanh khách, cứ như là . . . thực.
    Lan trả lời trúng ba câu, hay 15 phần trăm; nhắm mắt khoanh bừa có khi cao điểm hơn. Tôi tin nàng không thể học tới lớp bảy. Về sau, nàng đi học nghề uốn tóc, CETA trả lương giống như đi làm việc, ông bố bỏ tiền mặt ra mua cho nàng chiếc xe Chevrolet Nova đời 1976 mới toanh (có lẽ người khác đứng tên), và nàng lái vi vút chạy khắp phố phường. Bọn con trai độc thân ganh tị cười nhạo,
    Làng (nàng) Nan học nuật nái xe neo nề, nái nui nái tới một núc vẫn nên (lên) nề. Anh Nộc lói nái xe lô-và (Nova) chớ nàm ne (làm le) nái nẹ và đừng tơn nép (turn left).
    * * *
    BJC gửi thư cám ơn tôi và MDU đã hết lòng cộng tác trong việc lượng giá sinh viên tỵ nạn, bản sao gửi ông tổng giám đốc công ty. Trong phiên họp hàng tuần của ban tham mưu, ông Wally phó tổng giám đốc công khai đọc thư, khen ngợi tôi, và nhắc nhở nhân viên châm ngôn của MDU là “In the Community to Serve” (Trong cộng đồng để phục vụ). Từ đó, mỗi sáng tới sở anh bạn Charlie chào tôi bằng câu “Chào ông giáo sư.”
    Nhân một số kỹ sư trong ban tham mưu cần sửa soạn thi kỹ sư chuyên nghiệp (Professional Engineer, hay PE), Charlie và các bạn khác yêu cầu “ông giáo sư” dạy luyện thi cho bạn đồng sự. Ở Hoa kỳ, kỹ sư tốt nghiệp trường đại học phải làm việc trong ngành mình tối thiểu bốn năm và hội đủ một số điều kiện khác rồi mới nộp đơn xin thi PE do tiểu bang tổ chức mỗi năm hai kỳ. PE không phải là văn bằng theo nghĩa đích thực, nó chứng nhận đương sự là “kỹ sư chuyên nghiệp đăng bộ với tiểu bang.” PE được cấp con dấu để đóng vào các văn kiện cần ký tên và khi ký có quyền dùng danh hiệu “PE” sau tên mình; thí dụ, “Ba Hoa Xxxx, PE”. Tôi hân hoan nhận lời và dành riêng phòng hội mỗi chiều thứ Năm, bắt đầu từ ba giờ chiều, làm lớp luyện thi. Lớp học thành công mỹ mãn: bạn tôi đậu 100 phần trăm.
    Về sau, khi nhận thấy các bạn khiếm khuyết về một ngành học nào đó, chẳng hạn như phương pháp giải các bài toán trong hệ thống điện lớn – ngành sở trường của tôi, tôi lại “đăng đàn” dạy học. Bốn năm sau, BJC mời tôi dạy lớp Giải tích Mạch Điện độc nhất trong thành phố với tư cách giáo sư thỉnh giảng, và dĩ nhiên tôi nhận lời. Lớp này nằm trong chương trình chuẩn bị cho sinh viên sau hai năm học BJC chuyển trường sang đại học bốn năm và tiếp tục học ngành kỹ sư điện.
    Cái “nghiệp” dạy học đeo đuổi tôi sang tận Hoa kỳ như thể tôi đã mang lấy nghiệp vào thân. Đúng là chạy trời không khỏi nắng!
    Nguyễn Ngọc Hoa
    Ngày 9 tháng Chín, 2020

    ***

    * CHÚC MỪNG GIÁNG SINH* MỜI NGHE NHẠC:
    * Ca khúc: Cõi Nhớ -Trump - FT Clinton trinh bay

    * Mừng Ngài Donald Trump Tái Đắc Cử Sáng Tác Nam Hưng Trình Bày Ca Sĩ Thành Tâm & Long Vy

    * XUÂN KHỎA THÂN Thơ SA CHI LỆ Nhạc MAI ĐẰNG Tiếng hát HÀ THANH

    ***   *QUÝ THI SĨ GÓP MẶT HÔM NAY:
    -
    *PHẠM THIÊN THƯ * TRẦN QUỐC BẢO *TRẦM VÂN
    *Ý NGA * NGUYỄN AN * HOÀNG MINH HÙNG *
    *TRÚC LĂNG * NGÔ MINH HẰNG * ĐẶNG QUANG CHÍNH *
    *KIỀU PHONG * NHẤT HÙNG * CHU TẤT TIẾN *
    * TÍM * PHẠM T. MINH HƯNG *SA CHI LỆ
    *DƯ THỊ DIỄM BUỒN *                       

    ***
    THI SĨ ĐA TÀI PHẠM THIÊN THƯ

    PHẠM THIÊN THƯ

    HUYỀN NGÔN XANH

    Một mặt đất không thể toàn màu hồng
    Một cây đàn không thể một giai điệu
    Một đóa hoa in trong gương- Vẫn là một đóa hoa
    Một đóa hoa mật nguyện
    Bên suối mát tỏa hương
    Mát thì xuôi biển biếc
    Thơm thì thơm Thiên đường
    Hoa nhờ nước mới nở
    Mà suối cần đâu hương!

    Có những cọng hoa lau – làm quặn đường ly biệt
    Có những nhành sen hồng-làm thơm bệ đền thiêng
    Thiện hữu- hãy dùng ngôn từ trang nghiêm cõi thế-
    Chớ để thành sương phong buốt giá tình đời

    Có đôi bướm trắng dõi ngược làn hương
    tìm đến cội hoa- thì nhụy đã tàn
    Thiện hữu vắt kiệt tư duy
    Vào mặt giấy-đâu phải vì một ánh mắt xanh

    Vòm trán như nhà mồ
    Tái sinh
    Đôi hồn chữ
    Thành hoa và thành hương
    Trong nụ cười tư lự

    PTT ( Huyền ngôn xanh)
    ***
    *THI SĨ & DỊCH GIẢ TRẦN QUỐC BẢO

    CHÚA Ở CÙNG TA (EMMANUEL!) Thơ Trần Quốc Bảo
    ( Is 7,14 ; Mt 1,23)

          

    Chúa Ở Cùng Ta

    Khi Bà vừa nói “Xin Vâng!”
    Cửa Thiên Đàng rộng, muôn tầng mở ra
    Thánh Linh bao phủ Maria,
    Kính mừng Chúa ở cùng Bà, phúc thay!

    Khai nguồn Cứu độ từ đây,
    Ngôi Hai Thiên Chúa, hôm nay giáng trần.
    Bởi lòng yêu mến thế nhân,
    Chúa Hài Đồng chấp nhận phần đau thương!

    Sinh nơi máng cỏ tầm thường,
    Bê-lem đêm vắng, tuyết sương lạnh lùng.
    Đôi ba em bé mục đồng,
    Đến mừng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”

    Mấy con chiên nhỏ hiền hòa,
    Thở hơi ấm áp, lân la tới gần.
    Phút giây “Thiên Chúa Giáng Trần”,
    Đất trời mầu nhiệm hợp phần giao thoa!

    Từng cao, sao lạ sáng lòa!
    Thiên thần hiện xuống, ngợi ca vang lời:
    “Sáng danh Thiên Chúa, trên trời!”
    “Bình an dưới thế, cho người thiện tâm!”

    Ngôi Lời, mầu nhiệm âm thầm,
    Nay mang xương thịt, giáng lâm dương trần.
    Ngài hiện diện giữa thế nhân,
    Hồng ân Thiên Chúa ở gần chúng ta!

    Hân hoan mừng Chúa sinh ra!
    Thấy Ngài là thấy Chúa Cha trên trời.
    Ánh Chân, Thiện Mỹ sáng ngời!
    Nguồn ơn Cứu Độ, muôn đời cậy trông!

    Trần Quốc Bảo
    Richmond, Virginia
    Địa chỉ điện thư của tác giả:
    quocbao_30@yahoo.com

    **
    TIẾT TRỌNG THU Thơ Trần Quốc Bảo

    Tiết Trọng Thu

    Tiết “trọng thu” rồi … em ở đâu?
    Về đây xem rừng lá thay mầu,
    Bầy nai ngơ ngác, chờ em đó!
    Hoa tuyết đầu mùa, tan rất mau.

    Hơi lạnh se se làn gió bấc,
    Hàng thông phe phảy tiếng lao xao.
    Hồ thu in sắc trời xanh biếc,
    Tia nắng ươm mơ ngọn trúc đào.

    Lớp lớp lá phong hồng thảm cỏ,
    Hồn thu thao thức ở đâu đây?
    Mơ hồ nghe tiếng thu trong gió.
    Bát ngát tình thu trên bóng mây

    Mùa sắp tàn thu … em ở đâu?
    Quê Hương chỉ một “tiết u sầu”!
    Bên em, nào có thu mơ mộng,
    Vàng đã rơi … thu chết đã lâu !

    Trần Quốc Bảo
    Richmond, Virginia
    Địa chỉ điện thư của tác giả:
    quocbao_30@yahoo.com

    ***
    *THI SĨ TRẦM VÂN

    ***
    *NỮ SĨ Ý NGA*Ý NGA & NGUYÊN ANCHÚC MỪNG GIÁNG SINH.

    Xin kính chúc bao người trong bệnh viện
    Được bình yên, bệnh tan biến, sớm về
    Từ thôn quê đến thành thị no nê
    Được một bữa Chúa vỗ về an ủi.

    Chốn rừng núi những tù nhân lủi thủi
    Được ngày vui có bè bạn tới lui
    Ngục tối thui lộ ánh sáng mặt trời
    Chuyền thêm LỬA để rèn trui ý chí.

    Chúc nam nhi đang cùng đường quẩn trí
    Sẽ làm chi và nghĩ được cách gì
    Tự cứu nguy, dưới thống trị hồng kỳ
    Hưởng ơn Chúa giáng sinh vì trần thế.

    Chúc toàn thể phường hề đang chễm chệ
    Hút máu xương dân tộc: sớm quay về
    Thoát u mê, trốc tận rễ Mác, Lê
    Học tử tế với người dân ngoan đạo.
    Ý Nga, 19-12-2013.

    CÁI ĐẦU SAO ĐỂ GIẶC NGỒI?
    Thiên tà, thiên tả lòi ra
    Lắm nàng “tiên” thả ngải bùa rồi la:
    “Ai tin cực hữu ruột rà?
    Phe ta, Tàu Cộng: một nhà Á Châu!”

    “Một nhà” hay phận chư hầu?
    Nhột mà mòn gối quỳ, tâu, thảm sầu!
    “Một nhà” cộng sản: Việt, Tàu?
    Tha hồ mà nhột cái đầu ngàn năm!

    Ý Nga, 18.12.2020
    ***
    *THI SĨ HOÀNG MINH HÙNG

    ***
    *THI SĨ TRÚC LĂNG
    KHÔNG BIẾT SỢ

    Không biết sợ trước côn đồ giặc Hán !
    Bọn đu giây quân tác quái nô quyền ?
    Bóp cổ dân gieo vấn nạn oan khiên,
    Đưa dân tộc đến bờ sâu Địa ngục !
    Đánh đột quỵ xác quân thù ngã gục,
    Quyết vươn lên dành thế trận dương oai !

    Diệt tan hoang lũ thái thú vô loài !
    Dân tộc Việt thề một lòng quyết tử,
    Sách viết lại trang anh hùng lịch sử,
    Thù ngàn năm chất đống giận đen sì,
    Không còn ngày tái diễn phải ra đi !
    Quyết giữ vững niềm tin yêu đúng lúc.

    Tim gan phổi sắt thép đá đồng đúc ?
    Giúp Non Sông lấy lại mốc biên thùy !
    Giữ Biển Đông không đánh mất quyền uy,
    Trên thế đứng sánh vai cùng Quốc tế,
    Khí phách vốn không bao giờ sứt mẻ,
    Diệt lũ Vô thần xóa sổ Tam vô !

    Mỹ ra tay quyết tâm diệt côn đồ ?
    Cọng sản Việt Nam đương nhiên sụp đổ !
    Dân không biết sợ tàn dư chế độ,
    Hy vọng ngày ấy sẽ đến không xa ?
    Tổ Quốc Ta quang phục lại Sơn hà,
    Tiếng chuông báo tử ngày tàn Cọng sản !!!

    TRÚC LANG OKC
    Cuối Đông Canh Tý 2020

    ***
    *NỮ SĨ NGÔ MINH HẰNG
      TÔI VẪN TIN

    Tôi vẫn tin Ông Trump thắng cử
    Dù phe Dân Chủ đã bầu gian
    Vì trăm ngàn phiếu tay người tráo
    Đã bị phanh phui qúa rõ ràng

    Tôi vẫn tin Ông Trump đắc cử
    Bởi Hoa Kỳ dân mến thương ông
    Bốn người tiền nhiệm, qua thành tích
    Dân biết lòng ai với núi sông !

    Tôi vẫn tin Ông Trump thắng cử
    Vì lòng dân vốn vẫn lòng Trời
    Nơi nào Ông đến là dân đến
    Rộn rã chờ Ông mấy vạn người !

    Tôi vẫn tin Ông Trump đắc cử
    Vì tâm yêu nước, trí anh hùng
    Đầm lầy quyết tát trừ gian tặc
    Dũng cảm đương đầu với hiểm hung !

    Tôi vẫn tin Ông Trump thắng cử
    Đức tài, nhân thế có bao đâu !
    Ông, người duy nhất dân tin tưởng
    Sẽ cứu quê hương thoát họa Tầu

    Lưỡng đảng dẫu nhiều tên phản phúc
    Nhưng dân trăm họ quyết bên ông
    Và ông, lịch sử huyền trao lệnh
    Tát cạn đầm lầy dựng núi sông ...

    Tôi vẫn tin những trò tráo phiếu
    Xé toang hiến pháp, bịp toàn dân
    Là điều ô nhục Hoa Kỳ đấy
    Nếu để gian đồ được thoát thân ...

    Tôi vẫn tin người dân nước Mỹ
    Rất trung thành yêu mến quê hương
    Sẽ không cho phép quân lừa bịp
    Cùng bọn Tàu ô cướp chính trường !

    Và nếu tiền Tàu kia quá ngọt
    Lương tâm chính nghĩa đã suy đồi
    Hoa Kỳ mà mất cho Tàu cộng
    Thì hận muôn đời sử sách ơi !!!

    Tôi vẫn tin Tối Cao Pháp Viện
    Một toà đại diện của công tâm
    Tuân theo Hiến pháp mà phân định
    Đạo lý tôn vinh, chẳng xử lầm !

    Để mãi Hoa Kỳ, dòng quốc sử
    Hào hùng oanh liệt đến muôn sau
    Không hoen tỳ vết vì gian lận
    Xứng với danh thơm: “nhất địa cầu” !

    Ngô Minh Hằng
    12/12/2020
    AI XÔ TRĂM HỌ VÀO TAY CHỆT ?
    Để ghi lại vết dơ trong lịch sử Hoa Kỳ về cuộc bầu cử TT gian lận của đảng Dân Chủ thiên tả và sự phản bội của một số đảng viên đảng Cộng Hoà vì đã ăn tiền hối lộ của cộng Tàu.

    Một cặp lưu manh, phản phúc mà
    Dựng thành Tổng Thống nước này a ?
    Hoa Kỳ, Hiến Pháp sao quăng thế ?
    Toà Án, Cử Tri lại vất à ?
    Dân Chủ nuốt tiền, theo lệnh Tập !
    Cộng Hoà ăn bạc, đổi lòng Ma !
    Chúng xô trăm họ vào tay chệt...
    Để núi sông xanh đỏ lệ nhoà !!!...

    Ngô Minh Hằng
    19/12/2020
    ***
    *THI SĨ ĐẶNG QUANG CHÍNH
     Chim vang tiếng hót

    Trời mùa thu mưa không còn rơi nữa
    Lá vàng rơi cứ lặng lẽ xa cành
    Se se lạnh khiến đôi người áo não
    Cảnh không vui, người vui được bao giờ ...!

    Em xa kia như lá vàng sắp rụng
    Thẩn thơ nhìn lòng biết tỏ cùng ai
    Tiếng chim hót như nỗi lòng đồng cảm
    Hãy chờ ta đừng lánh vội bay xa

    Nhớ thuở trước lá xanh mùa xuân tới
    Đây đó chim và ong bướm xung quanh
    Những cành hoa và nụ non mơn mởn
    Cảnh rộn ràng ong bướm cứ đi về

    Hè rực rỡ hoa càng khoe sắc thắm
    Bao nhiêu người ong bướm ngỏ lời yêu
    Nay xa rồi bao nhiều lời ước hẹn
    Chỉ còn đây tiếng hót ấm lòng ta

    Nhưng ai ơi vòng tay ôm quá lơi
    Cánh chim kia đường xa ôi lạnh lẽo
    Hãy dừng chân vang tiếng hót bên em
    Tình lãng mạn tình đôi ta như thế ...!

    Đặng Quang Chính
    ***
    *DƯ THỊ DIỄM BUỒN
    XÓM ĐẠO LÀNG TÔI
    DTDB
    Nhớ Xóm đạo, âm vang lời cầu nguyện
    Trăng thượng tuần lơ lững vượt hàng cau
    Ngôi giáo đường in bóng dải sông sâu
    Cồn bần chớp sáng muôn đèn đom đóm
    Mỗi canh qua gà ó o... vang xóm
    Đầu canh tư, bếp đỏ lửa nấu cơm
    Vui bước ra đồng đập lúa, cào rơm
    Kẻ tưới rẫy, người bón phân, bỏ thuốc
    Tờ mờ sáng tiếng gào dai tát nước
    Lúa mập xanh, no nưỡng hột đòng đòng
    Nắng ban mai, thôn nữ má ửng hồng
    Chàng niên thiếu đa tình cao giọng hát
    Cá ăn mống, vịt trời kêu oang oác
    Bầy chuồn chuồn xanh đỏ, lượn quanh ao
    Đàn vịt le về bãi sậy bờ lau...
    Bên lùm cỏ, sáo đen xà xuống thấp
    Ghe lưới về, xóm chài thêm tấp nập
    Chuông đinh đong thanh thoát nóc giáo đường
    Bóng con chiên lũ lượt dưới hàng dương
    Sáng chủ nhật, đến nhà thờ rước lễ...
    Cây Thánh Giá, gác chuông cao ngạo nghễ
    Sân vách còn loang vết tích chiến chinh
    Giáo dân chơn chất, son sắt, nghĩa tình
    Thờ Chúa, vững tâm trước đời dâu bể
    Đêm Noel Chúa Hài Đồng giáng thế
    Mang bình yên cho tất cả mọi người
    Xin dừng chân nơi xóm đạo làng tôi
    Dân khốn khổ mỏi mòn mong ơn phước
    Từ giặc tràn vào, chịu chung thảm cuộc
    Người trốn đi, kẻ dưới ách bạo quyền
    Chịu biết bao nỗi nghiệt ngã oan khiên
    Xóm đạo buồn, vang vang lời cầu nguyện...
    DƯ THỊ DIỄM BUỒN
    ***
    *THI SĨ NHẤT HÙNG
      Xin Cứu Độ

    Mùa lễ năm nay phố vắng tanh
    Đìu hiu in hệt “chùa Bà Đanh”
    Đường không hoa kết mừng năm mới
    Nhà chẳng đèn giăng đón giáng sanh
    Người sợ đói nghèo đang lởn vởn
    Kẻ lo dịch bệnh vẫn hoành hành
    Cúi xin Chúa Phật lòng thương xót
    Phù hộ chúng sinh được phúc lành

    Nhất Hùng
    Cảm Tác Cuối Năm 2020
    ***
    *NỮ SĨ TÍM
                  SỚM BIẾT

    Huê Kỳ bầu cử "bốc" mùi tanh
    Y Chúa năm xưa bị đóng đanh
    "VOI" giỏi coi ghê đồ quỷ "đẻ"
    LỪA tài thấy ớn thứ ma "sanh"
    CỘNG HÒA láo cá mưu thâm xử
    DÂN CHỦ lưu manh kế độc hành
    THẮNG BẠI, tương lai rồi sớm biết
    SATAN chế ngự khối người lành ?!

    Tím Dec/18/2020
    ***
    *THI SĨ KIỀU PHONG


    *NỮ SĨ PHẠM THỊ MINH HƯNG

    *THI SĨ CHU TẤT TIẾN
    CŨNG MAY…

    Cũng may ta chẳng lấy nhau
    Chia tay độ ấy, biết đâu đáng mừng!
    Em buông tôi ở giữa chừng
    Lên xe lặng lẽ, không dừng nhìn tôi
    Đứng bên ngõ hẻm bồi hồi
    Pháo đâu nhuộm đỏ chân tôi ngập ngừng

    Bây giờ tình đã dửng dưng
    Mười năm nhìn lại, thấy mừng hơn đau
    Em mê mải lấy chồng giầu
    Rồi ra đứt đoạn, dãi dầu đời em
    Tóc mây thuở ấy buông mềm
    Giờ đây ngơ ngác như thèm tay ai.
    Mắt em từng đã u hoài
    Khiến tim tôi đập lai rai, bất thường
    Tưởng như chìm dưới đại dương
    Sóng sâu, biển cả cũng nhường tình tôi..
    Mười năm sương gió bên đồi
    Mắt xưa giờ đã lẻ loi một đời

    Gặp nhau, em vẫn mỉm cười:
    “Cũng may, số phận hai người vô duyên
    Đường tình mà cứ bước lên
    Giờ em góa phụ, anh lên bàn thờ!
    Thôi thì anh cứ làm thơ
    Để cho cuộc sống cứ mơ mộng hoài.”
    Lên xe, lặng lẽ chia tay.
    Đèn đường vẫn trải bóng dài cô đơn…

    VẼ EM TRONG MƠ

    Vẽ em như giọt sương trời
    Hạt nằm trên tóc, hạt cười trên môi
    Vẽ em như trẻ nằm nôi
    Ngón tay bụ bẫm, bồi hồi đan nhau
    Vẽ em say ngủ bụi lau
    Tóc buông trên cỏ, áo nhàu dấu yêu
    Vẽ em thon thả dáng Kiều
    Gót thon, sóng dậy, ráng chiều đổ ngang
    Vẽ em một nụ hoa vàng
    Dịu dàng hoa để bướm vàng hôn môi
    Vẽ em là vẽ hồn tôi
    Ồn ào núi lửa đang sôi ái tình
    Chớ gì không có bình minh
    Để tôi cứ mãi môt mình nằm mơ.

    CHU TẤT TIẾN
    ***
    *SA CHI LỆ

                                     MÙA HOA TUYẾT

    Ngồi bán phong trần xuân rát mặt
    Chữ nghĩa run đùi dọn chợ tan...
    Từ đó trong ta nuôi cơn sóng dữ
    Nuốt nghẹn gian truân vun sới ước mơ
    Đôi lúc chân đi niềm tin quỵ xuống
    Bởi sóng thánh ca cứu rỗi xa bờ
    Hoa tuyết rũ long lanh lời kinh ngọc
    Thoáng bóng người gót vọng giáo đường xưa
    Giọng thỏ thẻ rót tình như cơn lốc
    Thèm nụ hôn còn đọng nửa đời người
    Mãi ở đây quen rồi sao vẫn lạ
    Nhịp đường khua thôi thúc gọi trở về
    Níu ngày tháng sao cợt cười lạc lõng
    Đêm vỡ òa tỉnh lặng úa cơn mê
    Đôi lúc mệt nhừ cuối đường đã mỏi
    Hỏi vu vơ hoa tuyết rụng bao giờ
    Để xây lại con đương hoa hạnh ngộ
    Luyến một đời lạc bước trắng mây bay…

    SA CHI LỆ mùa Giáng Sinh 2020
    ***

    THƠ VUI: BÀ GIÀ LÊN “PHÂY”.

    Facebook tạo ra quá nhiều lợi ích….Nhưng cũng có những tình huống “dở khóc, dở cười”. Một bà lão nghe lời cháu chắt lên “phây” và thế là nhận được các tin nhắn: Em năm nay bao nhiêu tuổi…. Nhà em ở đâu. … Em xinh quá ta…

    Nghe mấy đứa cháu xui bà
    Lên phây những chuyện gần xa biết liền
    Nên nhờ nó lập ních nêm
    Để đọc tin tức mọi miền gần xa
    Tổ sư mấy đứa hại bà
    Lại đăng hình ảnh bà già lên phây
    Không đăng ảnh chụp mới đây
    Mà đăng cái ảnh những ngày còn son
    Vào phây mới được mấy hôm
    Mấy thằng trai trẻ chát luôn với mình
    Khen “em” xinh thật là xinh
    Người ở trong hình thật giống cô tiên
    Vào phây chát cả ngày đêm
    Buông lời tán tỉnh nên duyên sau này
    Tổ sư cả lũ chúng mày
    Cứ nhìn vào ảnh có ngày chết thôi
    – Anh thích “em” ở nụ cười
    Thực ra răng rụng hết rồi còn đâu
    – Anh thích đôi mắt bồ câu
    Thực ra thì đã nát nhàu chân chim
    – Anh thích ba vòng còn zin
    Ngoài đời nhìn thấy đứng tim con à
    – Anh thích nét đẹp kiêu sa
    Ngày xưa đi học ta là hoa khôi
    – Thích “em” nói chuyện rất vui
    Ta là cô giáo một thời dạy văn
    Mình nói là bạn đã nhầm
    Thì nó lại bảo chẳng cần quan tâm
    Tán chuyện với “em” vài lần
    Là anh đã thấy đời cần có “em”
    Nó hỏi quê quán, họ tên
    Trả lời với nó ních nêm Mộng Đào
    Quê quán thì giáp nước Lào
    Cứ vào xứ Nghệ, huyện nào phôn sau
    Nó say mình thật rồi sao
    Thế thì cho nó nốc ao nhớ đời
    Có tìm khắp cả đất trời
    Mộng Đào không thấy trên đời đâu nha.

    Cháu ơi! Mau mở phây ra
    Mộng Đào gỡ xuống không bà thần kinh .

    ***
    * THÔNG BÁO
    Chúng tôi nghĩ lễ GIÁNG SINH & NEW YEAR 2021
    HẸN GẶP LẠI QUÝ BẠN
    *KÍNH CHÚC QUÝ BẠN & GIA ĐÌNH HƯỞNG TRÀN ĐẦY
    MÙA GIÁNG SINH & NĂM MỚI THỊNH VƯỢNG BÌNH AN.
    TRÂN TRỌNG
    BBT

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: TRANG VĂN THƠ NHẠC ĐẶC BIỆT TÁC GIẢ TÁC PHẨM 22-12-2020 Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top