728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

      TRANG HỒI KÝ - TRUYỆN - THƠ QUÝ VĂN THI SĨ 6-11-2020

       TRANG HỒI KÝ - TRUYỆN - THƠ NHẠC QUÝ VĂN THI SĨ 6-11-2020



      KÍNH MỜI ĐỌC HỒI KÝ & TRUYỆN CHỌN LỌC:

                *HỒI KÝ CỦA MỘT CỰU ĐỐC SỰ, PHÓ TỈNH TRƯỞNG:*NGUYỄN KIM DẦN (bài 2)
      Hồi Ký của Nguyễn Kim Dần (bài 2)

                                       Vượt biên tìm tự do

      Khi đến được trại tị nạn Songkhla, Thái Lan vào trưa ngày 15 tháng 02 năm 1980 và lưu lại đó 2 tháng, tôi mới biết hầu hết các cuộc vượt biên bằng ghe đều có thể viết thành câu chuyện lôi cuốn người đọc vì nó quá nguy hiểm, gần với cái chết và có những trường hợp rất thương tâm.......
      Cuộc vượt biên của chúng tôi là một trường hợp khá đặc biệt, tuy không "đau thương" nhưng cũng nguy hiểm và ly kỳ. Sở dĩ tôi nhớ được ngày 15 tháng 2 đến được Thái Lan vì nhờ trong 2 tháng lưu tại trại tị nan, khi có thư từ của thân nhân gởi tới, ban Bưu Chính của trại dùng loa phóng thanh đọc tên người có thư và đọc số người trên ghe, số ghe và ngày nhập trại, chính vì thế mà ngày 15 tháng 2 đã in sâu vào trí nhớ của tôi. Sau nhiều lần đi vượt biên thất bại, tôi và anh Lê Quế (tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, khóa ĐS7, 1962) đã quyết định đi Rạch Giá nhờ người mua ghe, máy móc để vượt biên, vì anh Quế có quen mấy gia đình cư ngụ tại một vùng gần bờ biển Rạch Giá, cách biển khoảng 25 cây số. Ghe của chúng tôi chỉ có 26 người, đều là chỗ quen biết trong vài gia đình. Ngoài gia đình tôi và gia đình anh Lê Quế còn có gia đình anh Đặng Xuân Hùng ĐS17 QGHC.
      Tôi và anh Quế đi Rạch Giá vài lần để nhờ mua ghe, mua máy móc và thực phẩm cho chuyến vượt biên, mọi việc hoàn tất khoảng đầu tháng 2 năm 1980. Mọi người bắt đầu di chuyển xuống Rạch Giá, quả thật lúc đó tôi cũng không nhớ rõ ngày tháng tới Rạch Giá, vì còn phải hoãn lại vài ngày mua nhiên liệu và thực phẩm ...Ghe bắt đầu khởi hành lúc tờ mờ sáng vào một ngày khoảng đầu tuần tháng 2/1980, từ con sông nhỏ ra phía biển. Ghe có 2 tầng, mọi người đều nằm ở hầm ghe, tầng trên chỉ có 2 người tài công, mỗi lần đi qua những trạm kiểm soát họ phải đưa tiền hối lộ cho Công An nên không bị kiểm soát, vả lại ghe thuộc loại đi sông nên các trạm gác không nghi ngờ gì. Đến độ 7 gìơ sáng ghe ra đến cửa biển, coi như đã thoát được phần nào nguy hiểm. Ghe trang bị 2 máy chạy xăng, một máy chạy dầu độ 4,5 ngựa. Khi đi trong sông chỉ có một máy chạy còn 2 máy kia phủ kín không trông thấy được, khi ra tới biển thì cả 3 máy đều chạy. Đi trên biển như vậy đến khoảng 6 giờ chiều, nhìn lại đất liền chỉ thấy lờ mờ hàng cây xanh, tôi thấy tim thót lại vì nghĩ mình đã xa rời quê hương mà không biết bao giờ trở lại. Tình cảm với quê hương qúa sâu đậm và nó là một tình cảm tự nhiên, vì chính tôi muốn chạy trốn một chế độ không có nhân tính, cực kỳ vô luân, chứ không phải muốn xa lìa quê hương. Lòng tôi đang tê tái chợt nghe tiếng người tài công hô lên: " Có ghe cướp biển Thái Lan" mang tôi trở về với thực tế nguy hiểm. Anh tài công cho 3 máy chạy hết tốc lực, độ nửa giờ sau không còn thấy bóng ghe của Thái lan đâu nữa, nhưng khoảng một giờ sau 2 máy chạy xăng đều bị hư, có lẽ vì máy quá nóng, thế là chỉ còn lại một máy dầu rất yếu, lúc chạy lúc không, ghe bắt đầu trôi lênh đênh trên biển suốt đêm thứ nhất, lại thêm nước vào ghe nên thỉnh thoảng phải tát nước đổ đi...
      Cứ như vậy cho tới sáng ngày hôm sau...Đêm thứ hai, vài lần chúng tôi thấy những thương thuyền to như những tòa nhà lớn. Chúng tôi tẩm xăng vào một cái áo, máng vào cái sào đốt sáng rực cả một phương trời, nhưng các thương thuyền vẫn đi mà không ngừng lại cứu... Qua đến sáng sớm ngày thứ ba thì thấy một hòn đảo, vì vấn đề sinh tồn chúng tôi cố gắng tới hòn đảo đó, gần tới nơi mới thấy một ghe chở bộ đội CS đang tiến lại gần, chúng tôi được dẫn vào bờ, lúc đó mới biết đó là đảo Thổ Chu (hay Thổ Châu), thuộc một nhóm gồm vài hòn đảo
      Sau khi lên bờ, Hải quân CSVN lập danh sách những người bị bắt, cho lên ghe và đưa đến hòn đảo có bộ chỉ huy của họ. Chúng tôi được chỉ định ở trong một căn nhà bỏ trống (nghe nói chủ nhà đã vượt biên). Họ làm thủ tục giao cho anh Tám, một đại diện Xã trong đất liền coi giữ, cứ mỗi tối sau khi điểm danh chúng tôi, anh Tám về nhà, cũng ở trên đảo, để ngủ, chúng tôi cũng không rõ nơi anh Tám ở cách bao xa. Trên đảo có vài gia đình đánh cá địa phương, trong đó có gia đình ông Chín Hải là người hay tiếp xúc với chúng tôi nhất. Ông Chín Hải có đề nghị là cho một người trong nhóm chúng tôi về Saigon, đem vàng ra nộp cho ông ta, mỗi đầu người một cây, thì sẽ được cứu đi tiếp. Chúng tôi trả lời Ông là dù có cho người về Saigon cũng không có vàng mà lấy, vì chúng tôi toàn là những người nghèo cả.
      Qua những cuộc điều đình với ông, sau cùng ngã giá là khi ra được ngoại quốc, mỗi người phải trả ông Chín 2000 dollars (trả góp, trên 18 tuổi mới phải trả, dưới 18 tuổi cho miễn), chúng tôi đồng ý điều kiện này. Tuy vậy ông Chín nói chưa chắc có cứu được vào giờ chót hay không, ông đề nghị cứ viết thư về gia đình báo tin đang bị bắt ở đảo Thổ Chu và sẽ bị dẫn về Rạch Gía ngồi tù. Chúng tôi ai cũng viết 2,3 lá thư về cho gia đình, để ông Chín Hải đem vào Rạch Giá gián tem và gởi giùm.
      Chúng tôi lên đảo là đúng ngày 23 tháng chạp ta (ngày ông Táo lên chầu trời).
      Thời gian trôi qua, mỗi ngày chúng tôi đều đánh dấu để nhớ xem đã ở đảo bao nhiêu ngày. Tình trạng sống thật bi đát, gạo mua của dân địa phương, ăn cơm phải dùng vỏ dừa làm chén, muỗng thì là những muỗng gẫy nhặt ở bãi cát, đồ ăn có cá khô...Ông Chín cho biết ông đi Rạch Giá mua kẹo bánh, thuốc lá để bán cho binh sĩ CS đóng trên mấy hòn đảo nhân dịp tết, ông hứa sẽ trở lại đảo cứu chúng tôi đi tiếp, cùng với gia đình ông. Đáng lẽ ngày 26 ta ông ta sẽ trở lại đảo, nhưng qua ngày 26, không thấy tăm tích gì, chúng tôi bắt đầu chán nản, đến ngày 27 ta, nghe tiếng máy ghe của Ông Chín Hải ra, chúng tôi mừng rỡ...Đêm 27 rạng ngày 28 ta, chúng tôi xuống ghe cùng gia đình ông Chín rời đảo giữa đêm khuya. Vì đã sửa soạn cho cuộc vượt biên này từ lâu nên ông đã tổ chức rất chu đáo: đặc biệt trên ghe có 2 cây súng AK47 để đề phòng cướp biển Thái Lan. Ghe của chúng tôi may mắn tấp vào đảo Thổ Châu gần dịp Tết ta và trên ghe chỉ có 26 người, nếu đông qúa ông Chín Hải cũng không chịu cứu, ông cho biết từ ngày phong trào vượt biên bắt đầu, có khoảng 50 ghe bị hư máy và tấp vào đảo như trường hợp ghe của chúng tôi. Ghe chạy đúng 36 giờ là tới bờ biển Thái Lan vào giữa trưa ngày 29 ta. Trên đường đi, càng gần tới Thái Lan càng gặp nhiều tầu đánh cá, tôi không phân biệt được tầu nào là tầu cướp biển vì tầu của Thái Lan biết ghe của chúng tôi có súng nên không dám lại gần...
      Khi trông thấy mấy ông sư mặc áo vàng và mấy chục người dân Thái Lan đứng trên bờ, ông Chín Hải quyết định cho tấp vào bờ, dân địa phương liền nhảy lên ghe, cướp hành lý và khám xét xem chúng tôi có dấu vàng ở bắp chân hay cánh tay không? Họ làm rất mau lẹ trước mặt mấy nhà sư, chúng tôi gọi đó là màn cướp cạn. Cảnh tượng diễn ra rất nhanh không đầy 5 phút, rồi dân làng bỏ chạy vì sợ Cảnh sát tới.....
      Sau đó người địa phương chỉ cho chúng tôi đến trạm Cảnh Sát, làm thủ tục và chuyển chúng tôi lên cấp trên (cấp Tỉnh?) bằng xe vận tải. Ngay chiều hôm đó chúng tôi được nhập trại Songkhla do Liên Hiệp Quốc quản trị. Khi vào trại trời đã nhá nhem tối, chúng tôi thấy đồng bào tị nạn tới trước đang mổ gà, vịt..Hỏi ra mới biết là sắp đón giao thừa (năm đó chỉ có ngày 29 ta mà không có ngày 30 tết). Thế là cuộc vượt biên của chúng tôi đã kết thúc một cách êm đẹp, tính tới nay đã đúng 30 năm, một kỷ niệm không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời còn lại...Nếu có ai hỏi điều gì làm cho tôi xúc động, vui mừng nhất khi đến bến bờ tự do, tôi sẽ không do dự trả lời: khi vào trại tị nạn Songkhla, điều làm tôi xúc động và sung sướng nhất là được nhìn lại cờ vàng ba sọc đỏ, lá Quốc Kỳ thân yêu của chúng ta...
      Khi đã định cư yên ổn, chúng tôi đã liên lạc và trả tiền cho Ông Chín Hải (định cư tại Texas HK), vị ân nhân của chúng tôi, theo đúng lời cam kết. Gia đình tôi và gia đình anh Lê Quế định cư ở Canada, gia đình anh Đặng Xuân Hùng định cư tại Hoa Kỳ. Đến nay tôi cũng chưa một lần nào trở lại thăm quê hương vì chế độ CS còn trên quê hương thân yêu của tôi......
      Nay đã bước vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi vẫn tin tưởng vào một ngày rất gần đây chế độc tài CS sụp đổ, để tôi có thể trở về thăm Quê Hương trước khi nhắm mắt ra đi vĩnh viễn. Mong lắm thay !!! HẾT
      Chú thích: Khi đến được Thái Lan, ông Chín Hải có tiết lộ cho chúng tôi là ông ta đã mua chuộc được tên Thượng Tá Hải Quân của CSVN trên đảo Thổ Chu nên có hai khẩu súng và sự ra đi mới được dễ dàng như vậy.
      ***
      * Kính Mời nghe Truyện ngắn của hai nhà văn thời danh:                           TRÀM CÀ MAU & TIỂU TỬ

      Xa Hoi Uu Viet (Tram Ca Mau_Nguyen Ha doc).mp3

      Bai Ca Vong Co - Tieu Tu .mp3
      *Nhà văn NGUYỄN NGỌC HOA: CẢ TÀU KHÔNG ĂN CỎ

      *Cả Tàu Không Ăn Cỏ
                                 *Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

      Đầu tháng Mười Một, thời tiết North Dakota chớm vào cuối thu, trời lạnh về đêm, và sáng sớm sương mai đóng băng trên những lá cỏ vàng úa. Trong vòng một tuần, đợt người tỵ nạn cuối cùng gồm hơn hai chục gia đình người Việt, ba gia đình người Miên, và hai gia đình người Lào từ trại tỵ nạn Đồn Chaffee lục tục kéo về Bismarck và xuất hiện trong các khu nhà apartment ở vùng phía nam thành phố. Họ là những người còn lại trong Đồn Chaffee khi chính phủ tiến hành việc đóng cửa trại trước khi mùa đông bắt đầu và được chuyển về đây vì North Dakota là một tiểu bang có mức thất nghiệp thấp nhất trên toàn quốc.
      Cơ quan thiện nguyện Hội đồng Công giáo Hoa kỳ (USCC) và tiểu bang North Dakota hợp tác để định cư đợt “vét trại” này. USCC là đại diện chính thức của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong lãnh vực di trú, nhập cư, và tỵ nạn, và do đó tòa Giám mục Giáo phận Bismarck là cơ quan bảo trợ chính thức của họ. Cha Thomas Somers, một phụ tá cha xứ ở thành phố Mandan kế cận, được cử làm trưởng ban định cư của giáo phận. Mandan và Bismarck chỉ cách nhau bảy dặm Anh và được gọi là hai “thành phố sinh đôi.” Tiểu bang thành lập Ủy ban Đặc nhiệm Tỵ nạn Đông dương gồm thống đốc và đại diện các cơ quan chính quyền và dân sự liên hệ để tích cực yểm trợ chương trình định cư.
      USCC trung ương ở Nữu Ước gửi về hai cán sự xã hội là cô Mary và anh Bob để gánh vác công việc. Cả hai đều dưới ba mươi và có kinh nghiệm làm việc với người tỵ nạn ở Phi châu và Trung đông. Ngoài việc lo nhà cửa, ăn uống, thuốc men, và việc làm, hai nhân viên này còn đưa người chưa rành tiếng Anh đi học các lớp Anh ngữ căn bản ở trụ sở tòa giám mục. Buổi sáng, họ chia nhau đến từng gia đình, chở người lớn đi học, đưa trẻ em chưa tới tuổi đến trường tới nhà giữ trẻ, và chiều tan trường đưa tất cả về nhà. Mặc dù gia đình tôi không thuộc USCC, mẹ cũng được cho dự một lớp Anh ngữ đó.
      Ông Nielsen mục sư trưởng của nhà thờ Ba ngôi Lutheran bảo trợ gia đình tôi có chân trong Ủy ban Đặc nhiệm. Ủy ban cử ông đến nhà yêu cầu tôi và Quỳnh Châu,
      “Trong thời gian đầu, những người mới đến cần người tình nguyện đi thông dịch trong các giao dịch quan trọng. Chúng tôi không thể không nhờ anh chị.”
      “Ban ngày cháu thường rảnh rỗi và sẵn lòng giúp,” Quỳnh Châu sốt sắng và nói tiếp, “Nhưng chồng cháu phải đi làm, chỉ rảnh vào buổi tối hay cuối tuần; chắc không cần anh ấy đâu.”
      “Thật ra chúng tôi cần cả hai người. Ba Hoa, nếu dân tỵ nạn cần anh trong giờ làm việc, anh có thể rời sở ra đi mà không sợ bị khiển trách,” ông vịn vai tôi.
      “Thật vậy sao bác?”
      “Tôi điện thoại cho ông tổng giám đốc Công ty Tiện ích Montana-Dakota, ông ta nói châm ngôn của công ty là ‘In the Community to Serve’ (Trong cộng đồng để phục vụ) nên cho phép anh giúp chúng tôi trong những trường hợp khẩn cấp.”
      Thế là Quỳnh Châu thành “chuyên viên” xin welfare và food stamps. Welfare là tiền trợ cấp dành cho “gia đình Mỹ có con cần nuôi dưỡng,” và food stamps là phiếu thực phẩm cấp cho người lợi tức kém, ghi trị giá bằng đô-la, và có thể dùng mua thức ăn tại các chợ. Nàng làm công việc này lâu dài và thường xuyên đến nỗi trong mấy năm đầu đời của Bích Mạc con đầu lòng của chúng tôi, thằng bé nhập tâm cho đó là việc làm chính thức của nàng. Ngày Bích Mạc lên ba, bắt đầu học nói, và bắt chước điệu bộ và ngôn ngữ người lớn, khi có người hỏi, “Cu Mạc đi đâu đó?” thằng bé làm bộ xách ví đi lon ton ra cửa và vênh mặt trả lời, “Mạc đi xin food stamps.”
      Tôi là “chuyên viên” hòa giải khi cơ quan công lực cần tới. Giữa đêm khuya sở cảnh sát gọi nhờ đi thông dịch khi họ đáp lại các cú điện thoại gọi cầu cứu. Quỳnh Châu thường thức dậy đi với tôi; nàng nói, “Để cho chồng có bạn và bớt buồn ngủ,” nhưng thực ra biết rằng tôi cần tài phân giải khéo léo của nàng. Nếu là ẩu đả trong nhà, tức là chồng uýnh vợ, Quỳnh Châu can ngăn và khuyên nhủ chị vợ trình với cảnh sát cuộc xô xát do hiểu lầm mà ra và không khiếu nại. Tôi thuyết phục anh chồng chịu khó về nhà tôi ngủ một đêm trên ghế xô-pha trong phòng khách, thay vì phòng giam ở bót cảnh sát. Cảnh sát thấy êm chuyện, không tiếp tục điều tra, và ra về sau khi chúc mọi người ngủ ngon.
      Nếu là xung đột dính dáng tới một hay hai cựu quân nhân trẻ tuổi háo thắng, chúng tôi đến thẳng bót cảnh sát vì họ đã bị còng tay điệu về đó. Ngày Việt nam, họ là chiến binh hào hùng đánh giặc như điên trên rừng và khi về phố ăn nhậu thả giàn, rượu vào lời ra, ai nói gì chạm tự ái là đòi rút dao lụi liền một khi – cái thói quen dữ dằn sang Mỹ chưa chịu chừa. Đối với luật pháp Hoa kỳ, đánh nhau tay đôi có thể chấp nhận được, nhưng cầm dao (võ khí giết người) là toan sát nhân. May là các chàng hảo hớn cũng biết ngán, vội vàng buông dao khi nghe gọi cảnh sát, và chưa lần nào gây ra đổ máu. Nhưng không dễ dầu gì mà thuyết phục cảnh sát thả ra: Nếu Quỳnh Châu dùng danh xưng giáo sư Đại học Cộng đồng Bismarck mà không thành công, tôi phải gọi Mục sư Nielsen đánh thức ông dậy đến can thiệp.
      Cuối tuần tôi và Quỳnh Châu được đền ơn, mời ăn nhậu, và khoản đãi những món ăn khoái khẩu và mắt tiền nhất như tôm càng nướng, cua Alaska loại lớn hấp, hay thịt bít-tết hảo hạng chiên bên ngoài cháy mà giữa còn sống. Chủ nhân dùng food stamps để mua những thức ăn này. Tôi không khỏi nghĩ tới giai thoại về người thụ nhận welfare và food stamps mà mấy người bạn Mỹ kể lại: Hàng đêm vào khoảng hai giờ sáng, khi phần lớn mọi người ngủ để lấy sức sáng mai đi làm, xe hơi sang như Cadillac và Mercedes tấp nập ra vào bãi đậu xe của siêu thị. Từ trên xe (chắc hẳn do người khác đứng tên), các tay ăn welfare bước xuống vào siêu thị dùng food stamps mua đồ ăn xa xí người Mỹ trung lưu ít ai dám rớ, chất đầy xe đẩy. Quỳnh Châu lắc đầu không bằng lòng,
      “Anh nhớ rằng đây là bạn tỵ nạn nghèo khó dùng food stamps tức là phần ăn của gia đình con cái họ để mua của ngon vật lạ đãi mình. Chồng đừng nghĩ quấy cho người ta mà tội nghiệp.”
      Từ đó tôi chỉ nhận lời mời nếu chủ nhân bằng lòng cho mang bia tới đãi người lớn và nước ngọt hay bánh ngọt làm quà cho trẻ em. Tôi cũng bị cảnh sát gọi đi trong giờ làm việc, thường vào lúc bất ngờ nhất. Một hôm cô thư ký vào phòng họp gọi tôi ngay giữa buổi họp với ông Wally phó tổng giám đốc. Tôi đứng dậy đi ra, sau lưng nghe tiếng ông vừa bực mình vừa hãnh diện,
      “Hôm nào tôi phải gửi cho sở Cảnh sát cái hóa đơn mới được.”
      Ông dọa đùa sẽ tính tiền thì giờ tôi làm việc cho cảnh sát. Và đó là lần tôi đi giúp anh Tân. Anh là cựu sĩ quan, binh chủng nào không rõ vì anh không tiết lộ thân thế với ai. Chỉ biết anh độc thân, không bà con thân thích, ở Mỹ cũng như ở Việt nam. Anh làm việc cho hãng ráp và chế tạo đồ phụ tùng máy cày, để dành tiền mua chiếc xe Renault hai cửa cũ, và cuối tuần và ngày lễ lái đi chơi xa một mình – đi đâu anh không nói. Chiều nay, anh lái xe ra ngoài đồng ngoài ranh giới thành phố, lấy can xăng tưới ướt nệm xe, ngồi vào ghế tài xế, và châm lửa đốt. Khi tôi tới nơi, nhân viên cứu hỏa vừa dập tắt ngọn lửa, kéo anh ra khỏi xe, và đặt lên băng-ca (tiếng Pháp “brancard” tức là dá để khiêng người bệnh).
      Tôi ký giấy tờ nhận là thân nhân của anh Tân; cảnh sát tin như thế vì tôi cùng họ với anh. Sáng hôm sau tờ Bismarck Tribune đăng tin, bạn đồng sự đến đưa thiệp phân ưu kèm theo món tiền phúng điếu nhỏ cho tôi, và ông Wally đích thân xuống chia buồn, ra lệnh cho tôi đi về nhà, và nhắc nhở theo điều lệ của công ty, nhân viên được phép nghỉ hai ngày để dự đám tang của anh chị hay em. Nhưng tôi thà đi làm để tâm trí bận rộn và khỏi nghĩ tới thi hài cháy đen nứt nẻ của kẻ bạc phước.
      * * *
      Cha Somers trạc tứ tuần, người phốp pháp béo trắng, và hay cười nụ một cách khó hiểu. Thỉnh thoảng, khi một thiếu phụ giàu có trẻ đẹp ở thành phố Mandan bên cạnh mang vật dụng và áo quần tặng các gia đình người Việt, cha đón tôi đi thông dịch. Xong việc cha đưa tôi về ngôi nhà lớn và sang trọng của thiếu phụ, nhà vắng người không có ai ngoài ba chúng tôi. Để tôi ngồi ăn bánh ngọt và uống cà-phê trong phòng khách, hai người lẳng lặng rút lui vào trong. Có lần tôi giả vờ đi tìm phòng vệ sinh và qua cánh cửa phòng ngủ tình cờ mở hé, thấy họ nằm khắng khít thân mật bên nhau. (Sau này, khi biết thái độ xem người Việt như cỏ rác của cha, tôi hiểu ra cha đã dùng tôi làm hình nộm đặt giữa cha và người tình có chồng để mà mắt thế gian.)
      Một chiều thứ Sáu, mẹ đi học Anh văn về trễ và tới nhà là gọi tôi và cha ra kể chuyện hồi chiều. Trước đợt vét trại, cha Somers bảo trợ gia đình anh Mục và gửi lên cho một nhà thờ công giáo ở thành phố Williston lo liệu. Williston là vùng mỏ dầu nằm phía tây bắc North Dakota, từ Bismarck lái xe tới mất khoảng bốn tiếng đồng hồ. Vợ chồng anh có ba đứa con, cô bé lớn nhất 15 tuổi, và cậu nhỏ nhất lên sáu. Ba đứa con đã đi học, nhưng anh chị còn thất nghiệp vì việc làm mỏ dầu tuy đầy dẫy và trả lương cao nhưng đòi hỏi phải biết tiếng Anh. Khi nghe tin đợt người mới tới Bismarck được giúp đỡ mọi mặt, anh quyết định rời Williston, đưa gia đình xuống đây, đến văn phòng cha trong trụ sở tòa giám mục, và biểu cô con gái lớn bập bẹ thông dịch để thỉnh cầu cha.
      Cha Somers lạnh lùng hỏi,
      “Sao các người không ở Williston mà về đây làm gì?”
      “Thưa cha, chúng con tiếng tăm không biết, việc vàn không có, bạn bè cũng không, và sống như cấm cung trong nhà. Chúng con nghe nói Bismarck có đông người Việt và có lớp học Anh ngữ, xin cha cho chúng con dời xuống đây,” vợ chồng anh Mục chấp tay khúm núm.
      “Tôi lo cho các người xong rồi. Nếu không về lại Williston, các ngươi làm gì tôi không cần biết,” cha từ chối.
      Hai vợ chồng năn nỉ lạy lục cách mấy cha Somers cũng không xiêu lòng. Anh Mục đến đường cùng nước bí,
      “Xin cha thương một lần cuối và giúp phương tiện cho chúng con đi California, ở đó chúng con có bạn bè giúp đỡ. Sẽ không bao giờ làm phiền cha nữa.”
      “Đã nói không là không, tôi hết trách nhiệm rồi,” cha nghiến răng.
      “Nếu vậy, chúng con sẽ ngồi tại đây đến khi cha đồng ý giúp, hay cả gia đình năm mạng bỏ xác tại chốn này,” anh cương quyết không kém.
      “Các người muốn nằm vạ hay muốn chết thì ra gốc cây ngoài sân mà ngồi. Tôi có việc phải làm.”
      Vợ chồng anh Mục và ba đứa con thi gan ngồi lì dưới gốc cây trong sân, nhưng không ai đoái nhìn tới họ. Gần bốn tiếng đồng hồ sau, nhóm đồng hương bãi học ra ngoài trông thấy và hỏi thăm tự sự. Mẹ và các bà khác không cần bàn bạc dài dòng, lẹ làng thu xếp mời gia đình anh Mục về khu nhà apartment ở tạm. Trong hai ngày cuối tuần, cộng đồng Việt nam nhỏ bé nghèo nàn quyên góp đủ tiền mua vé xe đò và tặng lộ phí cho gia đình bị cự tuyệt để sáng thứ Hai họ lên đường xuôi về miền California nắng ấm.
      Tối Chủ Nhật, bác Hòa cựu tham vụ ngoại giao đại diện cả nhóm trao cho tôi thư thỉnh nguyện để nhờ Mục sư Nielsen chuyển đạt đến đức Giám mục giáo phận và ông Thống đốc tiểu bang. Thư mang chữ ký tất cả các chủ gia đình USCC bảo trợ, yêu cầu cách chức cha Somers, và nói rõ ngày nào cha còn tại chức thì ngày đó học viên sẽ “bãi khóa” không đến lớp. Hành động của nhóm người thấp cổ bé miệng lột hết ý nghĩa của tình đồng bào, “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.”
      Học viên “cúp cua” ở nhà hai ngày. Sáng thứ Tư, cô Mary và anh Bob đến từng nhà thông báo cha Somers đã bị thay thế và đón mọi người đi học trở lại. Tội nghiệp cho cái “tàu ngựa” của chúng tôi: đi tỵ nạn mà lại gặp nhằm ông cha hổ mang!
      Nguyễn Ngọc Hoa
      Ngày 26 tháng Tám, 2020

      **
      *THƯ GIÃN: MỜI NGHE NHẠC:
      *Tình Sikiew, Thơ Sa Chi Lệ; Nhạc Nguyễn Hữu; Tiếng hát: Quốc Huy

      **
                                   

      GỬI HƯƠNG THEO GIÓ MÂY NGÀN BAY...

                                        *QUÝ THI SĨ GÓP MẶT HÔM NAY:

      *PHẠM THIÊN THƯ * TRẦN QUỐC BẢO *TRẦM VÂN
      * DƯ THỊ DIỄM BUỒN * Ý NGA * HOÀNG HÀ * KIM LIÊN
      * NGUYỄN THỊ MINH *NGUYỄN VĂN PHÁN * ĐẶNG QUANG CHÍNH *
      * TÍM *LÂM HOÀI VŨ * HỒ CÔNG TÂM * LÊ KỲ HUỆ *
      KIỀU PHONG * SA CHI LỆ *
      ***
      *THI SĨ ĐA TÀI PHẠM THIÊN THƯ

      PHẠM THIÊN THƯ

      Có trăng chia sẻ đời thừa
      Tình riêng – trăng tỏ bây giờ không trăng
      Nào đêm lối đẫm vườn băng
      Nào lầu khóa nguyệt giam hằng, thở than
      Nào Từ cỡi gió quan san
      Mảnh trăng tri kỷ chưa tàn lòng nhau
      Từ ngày nguyền bỏ tơ đau
      Trăng cài liễu tưởng-phím sầu quạnh thêm

      Áo nào nguyệt giải sương phai
      Ngập ngừng bên giậu hoa cài gió quanh
      Vườn sao lại rẽ hài xanh
      Riêng thềm tựa mộng, thiếp cành hoa xinh

      Gió đưa phảng phất hương quỳnh
      Ướp con bướm mộng vô tình lại đây
      Trăng vàng chênh mái hiên tây
      Khóe tiên dìu dịu. bóng cây dật dờ

      Dưới hoa thấp thoáng giọt tơ
      Ánh sao le lói vương bờ tóc bay
      Mi Kiều rũ nét lan say
      Tiếp đi mộng thực phương này là đâu.

      PTT (Hầu đoạn trường vô thanh)
      ***
      *THI SĨ & DỊCH GIẢ TRẦN QUỐC BẢO
      Tạ Ơn Tuổi Thơ Thơ Trần Quốc Bảo

      Tạ Ơn Tuổi Thơ

      Tạ ơn “tình bạn thơ ngây”,
      Bỗng dưng nhớ lại, giữa “mày” với “tao”.
      Tạ ơn thằng Tý, con Đào,
      Tuổi Thơ đi học, có tao có mày.

      Tạ ơn đồng đáo, con quay,
      Sân trường vui nhộn, có mày có tao.
      Tạ ơn những giọt mưa rào,
      Tắm truồng hồi nhỏ, có tao có mày.

      Tạ ơn Thày, chiếc roi mây,
      Học lười bị đét, có mày có tao.
      Tạ ơn luống trầu buồng cau,
      Chăm lo cho Mẹ, có tao có mày.

      Tạ ơn những sợi cỏ may,
      Đường quê quấn quýt, có mày có tao.
      Tạ ơn đồng thấp ruộng cao,
      Quanh năm ngày tháng, có tao có mày.

      Tạ ơn cái cuốc cái cày,
      Chiêm mùa hai vụ, có mày có tao.
      Tạ ơn hè trước hiên sau
      Sáng trăng vằng vặc có tao có mày.

      Tạ ơn ngọn gió heo may
      Quê nghèo rét mướt, có mày có tao.
      “Tạ ơn cái cọc cầu ao
      “Có bè rau muống, có tao có mày. (ca dao)

      “Tạ ơn cái cối cái chầy
      “Nửa đêm gà gáy, có mày có tao”. (ca dao)
      Đâu rồi … thằng Tý con Đào?
      Xuân nay tóc bạc... còn “tao” vắng “mày” !

      Trần Quốc Bảo
      Richmond, Virginia
      Địa chỉ điện thư của tác giả:
      quocbao_30@yahoo.com
      ***
      *THI SĨ TRẦM VÂN

      *THI SĨ NGUYỄN VĂN PHÁN

      KHI TÔI CHẾT ĐỪNG ĐƯA TÔI RA BIỂN

      *Tác giả: Mũ Xanh Nguyễn Văn Phán

      Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
      Đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
      Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
      Ôi! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá.

      Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
      Đưa tôi về Ben Het, Dakto
      Nơi bạn bè tôi, xây mộng sông hồ
      Nguyện trấn giữ dãy Trường Sơn yêu quý.

      Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
      Đưa tôi về Bình Giả, Chiến Khu D
      Cho hồn tôi siêu thoát với lời thề
      Thân chiến sĩ, nguyện xin đền nợ nước.

      Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
      Đưa tôi về Cái Nước, Đầm Dơi
      Đêm U Minh, nghe tiếng thét vang trời
      Mừng chiến thắng để dâng về tổ quốc.

      Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
      Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
      Gói thân tôi ba sọc đỏ nền vàng
      Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi.
      ***
      *THI SĨ ĐẶNG QUANG CHÍNH

          

      *Thuyền tình neo bến

      Như thuyền tình khi xưa ta mất hút
      Cứ chờ trông càng khắc khoải dõi soi
      Nay thuyền tình thôi lao xao bến đỗ
      Người xưa kia nay dang rộng vòng tay ...!

      Em tiễn anh trời lập đông ngoài biển
      Chuyến tàu đông, người lố nhố lao nhao
      Em rớt lại chỉ kịp tay chào vẫy
      Nước mắt trào không kịp phủ rèm mi

      Sau nhiều năm đợi chờ nhau mệt mõi
      Em gặp may cùng sóng bước với người
      Vì tự do vì bến bờ xa lạ
      Ở nơi kia có kẻ mõi mòn trông

      Rừng thông xanh, xanh hơn khi gặp lại
      Dù tuyết rơi anh cứ mãi đợi chờ
      Chuyện tương tư cứ dài theo năm tháng
      Đã thương người dù đông rét tìm nhau

      Như thuyền tình khi xưa ta mất hút
      Cứ chờ trông càng khắc khoải dõi soi
      Nay thuyền tình thôi lao xao bến đỗ
      Người xưa kia nay dang rộng vòng tay ...!
      ***
      Châu có về Hợp phố (*)

      Ngày trước Châu ra đi
      Bỏ phố lại sau lưng
      Trời chiều ... ôi ảm đạm!
      Tím ngắt ở trong lòng

      Hạnh phúc ở nơi đâu
      Quay quắt trong cuộc sống
      Mong mái ấm gia đình
      Sống vui cùng năm tháng

      Ai cũng có mong ước
      Cuộc đời tươi đẹp lắm
      Nhưng không phải lấp lánh
      Tất cả đều là vàng ...!

      Châu mỹ miều ra sao
      Chồng yêu thương thế nào
      Lòng ghen tuông vô bờ
      Cứ dập liễu vùi hoa

      Cứ đánh cho tan nát
      Ân ái thỏa thích mình
      Dục vọng cứ tuôn trào
      Hạ phẩm giá vợ yêu

      Nhiều năm trời đăng đẳng
      Lệ uất nghẹn trong lòng
      Gặp lại người phương xa
      Vui sống đời còn lại...?!

      Ngày sinh nhật của Châu
      Một bó hoa chồng cũ
      Một tấm thiệp người yêu
      Châu về lại Hợp phố ...?!

      Đặng Quang Chính
      ***
      *NỮ SĨ DƯ THỊ DIỄM BUỒN

      LỜI NGUYỆN CẦU
      CỦA NGƯỜI NGOẠI ĐẠO

      DTDB

      Mình Chúa đóng đinh trên Thánh Giá
      Mắt dịu hiền Đức Mẹ đồng trinh
      Chúa Hài Đồng nằm trong hang đá
      Vạn ngàn sao chiếu sáng lung linh

      Con ngoại đạo nhưng tin có Chúa
      Dưới tượng ngài khấn nguyện lâm râm
      Chiên quỳ mọp, Thiên Thần lượn múa
      Nỗi niềm riêng khe khẽ thì thầm:

      “…Con có người yêu làm lính chiến
      Hứa sẽ trở về mùa Giáng Sinh
      Bôn ba đuổi giặc ngoài chiến tuyến
      Xin Chúa ban ơn được an bình...

      Chúa ơi, đêm đông trời lạnh giá
      Vợ mong chồng trong nỗi quạnh hiu
      Lạy Chúa trên cao ban phước cả
      Cho kẻ thương yêu... hạnh phúc nhiều

      Tiền đồn biên trấn bao hung hiểm
      Con không trách hờn buồn giận đâu
      Đã chấp nhận người yêu lính chiến
      Luôn gian nan cơ cực dải dầu…

      Đất nước nhiễu nhương cơn thống hận
      Chiến tranh sao độc ác vô tình!
      Chúa có nghe chăng lời thành khẩn...
      Nước Việt Nam khốn khổ điêu linh…”

      Lời nguyện cầu lệ vương mi mắt
      Theo chuông ngân quyện tỏa không gian
      Đêm Giáng Sinh ngập đầy hương sắc
      Đón mừng ơn Thánh Chúa vô vàn

      Xin tạ ơn, người yêu trở lại
      Từ chiến trường xa đã bị thương
      Viên đạn thù gây bao oan trái…
      Đồ thán sanh linh... khắp nẻo đường

      Dù chàng trở lại không toàn vẹn
      Lòng con sau trước vẫn yêu thương
      Người yêu lính chiến không lỗi hẹn
      Hai phần thân thể... gởi chiến trường!

      Xứ người Giáng Sinh... trong tuyết bão
      Cây thông xanh lấp lánh đèn màu
      Chúng con vẫn là người ngoại đạo
      Xin thành tâm tha thiết nguyện cầu!

      DƯ THỊ DIỄM BUỒN

      Email: dtdbuon@hotmail.com
      ***
      *NỮ SĨ Ý NGA + KIM LIÊN + HOÀNG HÀ + NGUYỄN THỊ MINH

      *THI SĨ LÂM HOÀI VŨ

      LƯỚI TRỜI KHÓ THOÁT

      Lý tưởng tự do ai cũng mong .
      Cớ sao có những kẻ thay lòng ?
      Đem tâm theo gót hùa gian tặc .
      Để huyết ngược giòng chống chính tông .
      Có phải vì tiền đà bịt họng ?
      Hay là bởi tiếng mị truyền thông ?
      Lưới trời lồng lộng làm sao thoát !
      Nghiệp dữ bao giờ mới trả xong !!!
      Lâm Hoài Vũ
      01/12/2020
      ***
      *THI SĨ HỒ CÔNG TÂM

      Âm mưu đảo chính đảng con lừa!
      Trò lận phiếu bầu khốn nạn chưa?!
      Barack lo bài binh bố trận,
      Biden cứ nhắm mắt làm bừa.
      Truyền thông phản động tung tin vịt,
      Thế lực ngầm sâu liệng vỏ dừa.
      Thiên bất dung gian... lòi mặt cáo,
      Ngồi tù đếm lịch mấy cho vừa.

      December 3rd 2020
      Hồ Công Tâm
      **
      Khôi hài đen (thơ cổ phong)
      Trung ngôn nghịch nhĩ ........

      SỤP ĐỖ
      "Quả báo" tương lai phạt "đứa" lừa
      Hoàng thiên hữu nhản rỏ hay chưa
      Mưu thâm DÂN CHỦ lưu manh ủi
      Kế độc CỘNG HÒA láo cá ..... bừa
      Chum(1)muốn ôm ngôi thơm múi mít
      Đần(2)thèm giành ghế béo đuôn dừa
      Dơ hầy chính trị nhìn ghê tởm ...
      Sụp đỗ niềm tin chán nãn vừa ...

      Tím Dec/03/2020
      (1) Trump
      (2)Biden
      ***
      *THI SĨ KIỀU PHONG

      ***
      *NỮ SĨ LÊ KỲ HUỆ
      Đêm chới với buốt sâu
      Nỗi lòng trăng lơ lững
      Dặm trường đời về đâu
      Mộng mơ chừ vỗ cánh

      Chiến trường xưa còn vọng
      Gót giày Saut xông pha
      In tròn theo nét bút
      Tóc bay dài thơ ngây

      Một thoáng hồn bỗng rớt
      Trên đồi hoàng hôn mơ
      Giật mình thời dâu bể
      Còn đọng dấu bơ vơ

      Cúi đầu mưa tuyết phủ
      Gửi hồn đùa gió sương
      Mân mê vào nỗi nhớ
      Có còn ai bên song
      Toronto, ngày tháng đong đưa 5-12-2020
      ***
      *SA CHI LỆ
      *NGỜ
      *tặng  HUỆ LÊ
      phóng bút rừng phong lên ngôi diễm lệ
      phút lâm triều nét chữ điệu mi cong
      lời thoát tục miên miên soi trường vọng
      chữ nghĩa ngập ngừng vén tóc bờ vai

      nghiêng vành nón bài thơ thơm mạ ngọc
      ánh trăng thề vành vạnh chạm môi em
      ta ngất ngưỡng túy ca cuồng hoạn lộ
      lang bạt cuối đời hỏi gió ngộ không

      ở đây mưa tuyết hời muốn khóc
      vời trông phương ấy lạnh chân mây
      những tưởng với tay trăng sẽ mọc
      nào ngờ cánh mộng rớt như say

      SA CHI LỆ TORONTO 4-12-2020

      ***

      *TÍM * LIÊU XUYÊN * THANH SONG KIM PHÚ *
      *SONGQUANG * ĐỨC HẠNH * UYÊN QUANG *
      *MAI XUÂN THANH * MINH THÚY THÀNH NỘI *
      * THANH TRƯƠNG * CAO BỒI GIÀ * THIÊN LÝ
      *PHƯỢNG HỒNG* THANH HÒA * MỸ NGỌC * MAILOC *
      *HỒNG VÂN * TRẦN NHƯ TÙNG *
      **

      THẢO CẦM VIÊN

      Sài Gòn nhớ quá Thảo Cầm Viên
      Thuở nhỏ thường đi với mẹ hiền
      Ước buổi đồng bào vui hạnh phúc
      Mong ngày đất nước được bằng yên
      Can qua chấm dứt thôi điêu đứng
      Khói lửa không còn hết ngữa nghiêng
      Tiếng mõ công phu miền Phật tự
      Hồi chuông cảnh tỉnh chốn am thiền

      Thanh Song Kim Phú
      CA Dec/04/2020

      Khôi hài đen (thơ cổ phong)
      Trung ngôn nghịch nhĩ ........

      TRÁNH XA
      Nằm nhà trốn dịch nấu ... bò viên
      Quết thịt nhiển nhừ giúp chị Hiền
      Ạch đụi chày khua tiêu tỉnh lặng
      Ành đùng cối vọng hết bình yên
      Mùi hành "nức" dạ thèm đầu niễng
      Vị tỏi đói lòng muốn bụng nghiêng
      Cả một nồi to ăn chục bửa ?!
      Tránh xa chợ búa ở nhà thiền

      Tím Dec/05/2020

      Xin hoạ Chiều Công Viên của Minh Thuý :

      CẢNH HOA VIÊN

      Xuân chiều đẹp sắc cảnh hoa viên,
      Nắng dịu trời tươi thoáng mát hiền.
      Sân cỏ xanh xanh mầu liễu thắm,
      Lá cây thơm ngát nhuỵ đời yên.
      Ngân vang tiếng trẻ con vui nghịch,
      Lặng lẽ người già ghế dựa nghiêng.
      Nâng nhẹ lão gương cười bướm lượn…
      Tâm hồn sảng khoái quyện hương thiền !
      (Bài này có thể đọc ngược)

      Liêu Xuyên

      Se có bài họa cùng MTTN

      CHIỀU LÂM VIÊN

      Chiều buông lặng lẽ chốn lâm viên
      Cảnh vật thiên nhiên tựa cõi thiền
      Rốc rách suối reo làm sóng gợn
      Rì rào gió thổi khiến cây nghiêng
      Chim kêu thảnh thót miền hoang dã
      Vượn hú mơ hồ bến tịnh yên
      Le lói nắng tàn xuyên kẽ lá
      Núi rừng im ắng dáng ngoan hiền

      songquang
      20201205

      KHUNG TRỜI THƠ MỘNG

      Suối nhạc tưng bừng ngã thảo viên
      Đàn chim nhảy nhót thật nhu hiền
      Sau vườn bướm lượn lòng thanh thản
      Trước ngõ hoa cười nẻo tịnh yên
      Cảnh trí an bình khai lễ hội
      Niềm tin sống động tỏ phương thiền
      Khung trời sáng tỏa hòa thơ mộng
      Dáng liễu mơ màng ả nguyệt nghiêng.

      Đức Hạnh
      05 12 2020

      Thiên đàng dưới thế

      Thiên Đàng dưới thế tại hoa viên
      Trang trọng lời thơ vần ý hiền
      Oanh yến trên cây vang tiếng hót
      Cá vàng dưới nước bơi bình yên
      Dặt dìu gió sớm cành đưa lá
      Bảng lảng chiều đông nắng xế nghiêng
      Đối cảnh sinh tình vui tận hưởng
      Thiên Đàng dưới thế tại hoa viên.

      UYÊN QUANG
      Ngày 05/12/2020.

      Họa vận : Dạo Hoa Viên

      Cùng em sóng bước dạo hoa viên
      Hạnh phúc bên nhau với vợ hiền
      Đoá cúc vàng tươi anh đứng ngắm
      Bông hồng nhung thắm chị ngồi yên
      Lá khô gió nhẹ rơi tơi tả
      Cành trụi mưa phùn thấy ngã nghiêng
      Ghế đá nghỉ chân mà mỏi mệt
      Ngô đồng, tượng Phật, nguyện tham thiền...!

      Mai Xuân Thanh
      Ngày 04/12/2020

      CHIỀU CÔNG VIÊN

      Từng chiều rảo bước lối công viên
      Gió mát trời xanh cảnh dịu hiền
      Trẻ nhỏ chuyền banh nhìn thoải mái
      Người già dựa ghế ngó bình yên
      Hoa vàng rụng héo cành xiêu ngửa
      Phượng tím rơi tàn xác dập nghiêng
      Sợi nắng hanh hao còn níu hạ
      Hoàng hôn phủ xuống lặng tâm thiền
      Minh Thuý Thành Nội

      **

      • Blogger Comments
      • Facebook Comments
      Item Reviewed: TRANG HỒI KÝ - TRUYỆN - THƠ QUÝ VĂN THI SĨ 6-11-2020 Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ