728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

      TRANG ĐẶC BIỆT VĂN THƠ NHẠC TÁC GIẢ TÁC PHẨM 16-12-2020

      TRANG ĐẶC BIỆT VĂN THƠ NHẠC TÁC GIẢ TÁC PHẨM 16-12-2020 

      *NGUYỄN NGỌC DUY HÂN: Tưởng niệm cố Nghệ sĩ Chí Tài

      Mấy ngày nay người Việt khắp nơi đều rất xúc động, bàng hoàng khi hay tin nghệ sĩ Chí Tài đã qua đời bất ngờ vì bị đột quỵ tại Việt Nam. Cuộc đời của anh kéo dài sáu mươi ba tuổi, làm việc liên lỉ cống hiến rất nhiều cho nghệ thuật.
      Bắt đầu với một ban nhạc nhỏ ở Hoa Kỳ, đi hát cho các đám cưới, rồi sau đó lập ra các trung tâm thu âm, làm băng nhạc, tiếp theo đó Chí Tài được hát trên các sân khấu lớn, chuyên nghiệp, rồi chuyển qua làm nghệ sĩ hài, đóng kịch vui. Ngoài tài đàn guitar, hát hay, Chí Tài lại rất có duyên, đóng vai nào đạt vai đó, thành công và được mến mộ thật nhiều.

      Cố nghệ sĩ Chí Tài có cuộc tình đẹp với người vợ duy nhất vợ là ca sỹ Phương Loan với “nick name” là Bé Heo. Họ rất gần gũi yêu thương nhau dù không có con.

      Trong một đoạn video ngắn người ta chiếu cảnh cô vợ “Bé Heo” từ Mỹ gửi lời thăm chồng là Chí Tài đang làm show tại Việt Nam. Mặc dù họ đã gọi phone nói chuyện với nhau hằng ngày thường xuyên, nhưng Chí Tài cũng đã hết sức cảm động rơi nước mắt khi được vợ hỏi thăm. Tình cảm vợ chồng gắn bó đó rất là quý - đặc biệt đối với người nghệ sĩ.
      Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ, ba tôi vẫn khuyên không nên lấy chồng nghệ sĩ. Nghệ sĩ thì rất tốt lành, đầy tài năng nhưng vì tính tình nhạy cảm dễ rung động, họ sẽ rất khó để chung thủy với một mối tình duy nhất. Tôi cũng nghiệm thấy điều đó, nên quả là không thích lấy chồng nghệ sĩ. Nhiều ca sỹ, tài tử đã thay đổi người yêu, vợ chồng rất nhiều lần, vì họ rất dễ rung cảm, nhạy bén trước cái đẹp, cái mới. Vì thế khi biết chuyện vợ chồng Chí Tài, tôi rất là ngưỡng mộ, xem đây là một trong những cặp nghệ sĩ hiếm hoi trong đời sống tình cảm. Trước đây khi xem một số chương trình văn nghệ có Chí Tài đàn, hát, đóng kịch, tôi mến phục tài nghệ của anh nhưng không để ý tới đời tư. Bây giờ thấy anh yêu thương vợ, được khen là rất nhã nhặn vui vẻ với bạn đồng nghiệp, tôn trọng khán giả tôi lại càng quý mến Chí Tài hơn. Chẳng trách gì hàng triệu người đã thương tiếc anh, không biết bao nhiêu đoạn video liên hệ tới anh đã liên tục được chiếu lại trên các trang mạng, báo chí, Facebook…. Số người tham dự đám tang anh đông chưa từng có dù Việt Nam cũng đang lo nạn dịch Covid. Thân xác của anh sẽ được đem về Mỹ theo nguyện vọng của gia đình. Trong đám tang Chí Tài tại Việt Nam, danh ca Tuấn Ngọc đã trình bày nhạc phẩm "Về đây nghe em" trước giờ di quan. Tuấn Ngọc chia sẻ: "Trước đây, Chí Tài đàn cho tôi hát nhưng giờ đây cây đàn đã bỏ quên ở nhà, hai tay xuôi thẳng. Ước gì anh ấy còn sống nghe tôi hát". Nhiều nhân vật trong làng văn nghệ cũng đã hát, chia sẻ rất cảm động trước sự ra đi của Chí Tài, phải nói cả làng của các vua hề đã khóc. Nguyện vọng của gia đình Chí Tài là mong quý thân bằng quyến thuộc hãy dành tiền mua vòng hoa và phúng điếu mà đóng góp vào quỹ từ thiện Chí Tài, để giúp đồng bào miền Trung theo ước nguyện chưa tròn của anh. Cố nghệ sĩ Chí Tài còn nhiều dự án, đặc biệt các chương trình mừng Tết đã hoạch định nhưng sẽ không bao giờ xảy ra được nữa. Cuộc sống thật lạ kỳ, mỗi người một định mệnh. Một người nghệ sĩ được gia đình yêu thương, khán giả mến mộ đông đảo lại ra đi trong âm thầm, vắng vẻ không ai biết ai hay. Có ai biết trước ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra, ngày nào mình sẽ ra đi giã từ cõi tạm…

      Qua cuộc đời của Chí Tài, tôi học được nhiều điều, đặc biệt là gương làm việc kiên trì. Anh đã vươn lên, cố gắng không ngừng để đạt được kết quả mong muốn - dù đã phải vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn. Không phải anh tài năng nổi tiếng thì trở nên sung sướng hoàn toàn. Trong một đoạn video ngắn khi Chí Tài đến thăm giáo điểm Tin Mừng của cha Long “Lòng Thương Xót Chúa”, Chí Tài đã chia sẻ anh bị đau chân và rất mong được Chúa chữa lành. Anh cũng có vấn đề về sức khỏe qua bệnh tim từ trong gia đình. Chí Tài cũng bị bệnh tiểu đường. Đó cũng là một trong những lý do làm cho anh bị đột quỵ và ra đi bất ngờ như thế. Dù sức khoẻ như vậy nhưng Chí Tài luôn hăng say làm việc, tập thể dục, sống ý nghĩa không hề bỏ phí chút thời gian nào.

      Tôi cũng có tập thử một vài màn văn nghệ, từ đó hiểu rằng muốn múa một vũ khúc, muốn đóng một vở kịch hay hát một bài với ban nhạc thì công phu vô cùng. Phải tập, phải bỏ giờ và tâm huyết ra để làm việc chung với nhau, không phải chỉ có tài, có duyên là ra diễn ào ào được. Không dễ mà có được một màn trình diễn hay, ý nghĩa mà không phải tập luyện khổ cực, lại còn phải có kinh nghiệm sống để “nhập vai”, khóc cười với nhân vật trong tuồng. Xem sơ qua một số tác phẩm anh cống hiến cho nền văn nghệ, mới biết cả đời anh đã cống hiến và phải làm việc nhiều như thế nào.
      Qua cái chết của nghệ nhân Chí Tài, tôi bỗng liên tưởng tới danh hài Charlie Chapin - người Việt mình hay gọi là Sặc-lô. Sặc-lô được vinh danh là huyền thoại của nền điện ảnh mọi thời đại. Sặc-lô cũng đã phải làm việc không ngừng, tuy nhiên điểm khác biệt là vua hề Sặc-lô có cuộc sống tình cảm rất phức tạp, trong khi cố nghệ sĩ Chí Tài có được sự chung thủy một vợ một chồng, không hề bị scandal tai tiếng lăng nhăng. Sặc-lô luôn tự tin tuyên bố: "Chính xác là tôi không thích cô ta, chỉ có cô ta say đắm tôi thôi!" Dù ngoại hình thấp bé không đẹp trai, Sặc-lô thú nhận mình đã quan hệ với hơn 2.000 phụ nữ. Trải qua 3 lần đổ vỡ, cuối cùng với cuộc hôn nhân thứ 4, Chaplin mới tìm thấy hạnh phúc khi tuổi 54, và người yêu đích thực chỉ mới 18 tuổi.

      Làm nghệ sĩ phải chịu rất nhiều áp lực, từ khán giả cho tới đồng nghiệp, từ nghệ thuật thuần túy tới chính trị, tiền bạc… Lại phải chịu những lời bình luận, những bài báo có khi đầy ác ý. Muốn quân bình và vượt qua dư luận không phải dễ.
      Ra đi bất ngờ ở tuổi còn khá trẻ, ai cũng tiếc thương cho một nghệ sĩ tài năng. Cũng đành cùng với mọi người chúc anh Chí Tài tìm được sự an nghỉ trong Thiên Chúa, được trọn vẹn sự thương mến trong lòng khan giả khắp mọi nơi. Thật ra tôi cũng thích được ra đi mau chóng không đau đớn, gây phiền phức cho người chung quanh như cách từ giã cõi đời của Chí Tài. Tôi rất sợ bị trở thành bán thân bất toại, mất trí nhớ hoặc sống đau bệnh kinh niên…. Nhưng thích là một chuyện, được hay không lại là chuyện khác. Với tôi, nghệ sĩ Chí Tài thật là có phước từ lúc sống đến khi chết.

      Người ta hay nói câu: “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười”. Quả thế, khi đứa bé cất tiếng khóc oe oe, thì những người chung quanh mỉm cười chào đón. Hãy sống sao cho đến một ngày nào đó, mình có thể mỉm cười nhắm mắt xuôi tay trong khi những người chung quanh rơi lệ tiếc thương, thay vì chê trách cười khẩy. Mình chỉ cười được khi đã toại nguyện, lương tâm thanh thản trong sáng, không xấu hổ, thương tiếc cho những gì mình đã phí phạm trong lúc sống. Như vậy, ngay bây giờ, bạn và tôi hãy dùng thật tốt quỹ thời gian mình có, sử dụng hết khả năng, điều kiện của mình để khi ra đi, lòng mình không vướng mắc, và như thế hy vọng người xung quanh còn nghĩ tới mình với tình cảm thương tiếc, mến yêu.

      Nguyễn Ngọc Duy Hân
      ***
      * Bức tượng mang tên ArnoldBức tượng mang tên Arnold trên đây đúng là Arnold Schwarzenegger, "ông bắp thịt", cựu minh tinh Hollywood, cựu thống đốc California.
      Còn người nằm bên dưới bức tượng cũng là...Arnold Schwarzenegger!

      Tấm ảnh trên cũng do chính Arnold Schwarzenegger phổ biến dưới tựa đề "Thời thế đã thay đổi" với lời giải thích rằng hồi ông mới được bầu lên làm Thống đốc California, chính quyền tiểu bang đã cho phép xây dựng khách sạn này với bức tượng của ông phía trước. Chủ khách sạn đã nói với ông: "Bất cứ khi nào ông đến, luôn có một phòng đã được đặt trước cho ông tại đây".
      Vài năm sau khi Arnold rời khỏi chính trường, ông quay lại khách sạn và người quản lý nói với ông rằng ông không thể ở lại đây vì tất cả các phòng đều đã được đặt trước.
      Ông lấy túi ngủ trong xe ra và nằm ngay trước bức tượng của mình với mục đích nói lên rằng: "Khi tôi còn là một người đức cao trọng vọng, người ta luôn muốn tâng bốc tôi. Và khi tôi không còn như vậy nữa, người ta quên luôn tôi là ai và cũng quên luôn lời hứa của họ.. Thời thế đã thay đổi. Đừng bao giờ quá tin tưởng vào vị trí hiện tại của bạn, hay những gì bạn đang có, tiền bạc, sức mạnh, trí tuệ... Sẽ chẳng có cái gì tồn tại mãi mãi."
      Khi làm thống đốc California, Arnold Schwarzenegger muốn ứng cử tổng thống nhưng có trở ngại là ông sinh ra tại Áo, nếu sinh tạ Mỹ thì cũng đã làm tổng thống Hoa Kỳ như Ronald Reagan.

      Chuyện gì cũng có thể xảy ra tại Mỹ, kể cả ngủ ngay dưới chân bức tượng của chính mình!
      ***
      *Cô gái gần như khoả thân, đạp xe quanh London giữa lạnh giá 10 độ C vì lý do bất ngờ
      TPO - Một cô gái 25 tuổi đã không ngần ngại tiết trời dưới 10 độ C đạp xe quanh London trong tình trạng gần như khỏa thân để gây quỹ từ thiện.
      Mẫu nam qua đời ở tuổi 27 nghi tự tử vì đau khổ chuyện tình cảm
      Được xác nhận không nghiện sex hậu ngoại tình, tài tử Nhật Bản vẫn nghi ngờ
      Kerri Barnes (25 tuổi), giám đốc quan hệ đối tác của một công ty khởi nghiệp về công nghệ, đã thực hiện một kế hoạch táo bạo khi gần như không mặc gì, ngoài hai miếng che lấp lánh trước ngực và quần lót bé xíu, đạp xe vòng quanh London.Chuyến đi của Kerri bắt đầu từ gần một tháng trước. Cô đã đạp xe qua các địa điểm nổi tiếng của thủ đô nước Anh như khu dân cư Covent Garden, Cầu Tháp London, Cung điện Buckingham… dưới tiết trời vào khoảng dưới 10 độ C. Hành động táo bạo này thu hút vô số ánh mắt lạ lùng và tò mò từ người đi đường.
      Vượt qua những điều trên, Kerri và việc làm tưởng chừng quái dị của cô đã mang về được số tiền khá ấn tượng, 8.425 bảng Anh (gần 263 triệu đồng) tính đến ngày 29/11 cho tổ chức từ thiện Mind.
      Kerri tiết lộ, nguyên nhân cô thực hiện kế hoạch “đạp xe khỏa thân” là do bị sốc khi nhìn thấy số liệu thống kê về số lượng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chính cô cũng trải qua nỗi đau mất người thân vì chứng trầm cảm. Theo đó, em họ Carly của cô đã tự tử vào năm 2011 khi mới chỉ 20 tuổi. Mới đây, trong đợt cách ly tránh COVID-19 đầu tiên, một người quen của cô đã 3 lần cố gắng tự tước đoạt mạng sống.

      Kerri nhấn mạnh, cảm thấy bản thân phải hành động để chống lại thực tế đáng buồn hiện nay. “Tôi thật may mắn vì người quen của tôi hiện đang phục hồi. Nhưng trái tim tôi luôn hướng về những người không may mắn như vậy, cũng như những người vẫn đang tiếp tục đấu tranh. Khi chúng ta bắt đầu đợt cách ly lần 2, tôi lo lắng điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình tôi và nhiều người khác. Vì vậy, tôi quyết định phải làm gì đó để nâng cao nhận thức về phòng chống tự tử và quyên góp tiền cho Mind”, cô chia sẻ.

      Ý tưởng “đạp xe khỏa thân” bắt nguồn từ một lời nói đùa của bạn cùng phòng với Kerri. Chính người bạn không ngờ, cô gái tóc vàng đủ táo bạo để làm điều đó. “3 tuần gây quỹ vừa qua là một chặng đường khá dài. Rất nhiều người muốn chia sẻ câu chuyện của họ với tôi. Vì vậy, tôi hy vọng bằng cách mở ra một cuộc trò chuyện, chúng ta có thể hỗ trợ nhau tốt hơn và cứu một số mạng người trong quá trình này”, cô nói.
      Kerri thừa nhận mặc đồ lót đạp xe “rất lạnh”, nhưng cảm giác ấm áp vì làm được điều tử tế giúp cô có thêm động lực. “Sự hỗ trợ từ bạn bè thực sự giúp tôi hoàn thành chặng đường dài. Nhớ rằng, hãy liên hệ với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, người quen và cả người lạ. Hãy là đường dây hỗ trợ. Hơi ấm của bạn có thể cứu một mạng người”, cô nhắn nhủ.

      Kerri mang theo tấm biển kêu gọi ủng hộ chống nạn tự tử.
      Nghĩa cử của Kerri nhận được vô số lời tán dương từ cộng đồng mạng trong nước và quốc tế: “Một phụ nữ thông minh và xinh đẹp làm điều đó vì một lý do chính đáng. Thực sự rất đẹp”, “Làm tốt lắm Kerri”, “Cô gái tuyệt vời”…
      ****

      *TRANG VĂN THƠ NHẠC TÁC GIẢ TÁC PHẨM

      *KÍNH MỜI ĐỌC HỒI KÝ & TRUYỆN CHỌN LỌC:
      *HỒI KÝ CỦA MỘT CỰU ĐỐC SỰ, PHÓ TỈNH TRƯỞNG:
      *NGUYỄN KIM DẦN (bài 4)
      Nửa ngày nói chuyện với Ông Ngô Đình Cẩn.
      (Bào đệ của TT Ngô Đình Diệm)

      Trước khi vào đề tài tôi xin có vài lời thưa trước với các Anh Chị :
      1) Đọc đề tài trên đây mọi người đừng kỳ vọng là sẽ được biết những điều "bí mật" hấp dẫn......thực ra những điều tôi sẽ viết chắc mọi người cũng đã biết qua báo chí, không có gì mới lạ cả.
      2) Dù câu chuyện đã xẩy năm 1961, một thời gian khá lâu; Nhưng tôi còn nhớ rất rõ ràng dù đang ở vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời.....
      3) Tôi sẽ trình bầy rất trung thực, vô tư những điều tai nghe mắt thấy và bài hồi ký sẽ rất ngắn....
      4) Những nhân chứng, thì có người đã chết và nhiều người còn sống.
      X X X
      Tôi thi đậu vào Ban Đốc Sự khóa 8 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1960. Đến năm 1961, sau khi thi lên lớp (học hết năm thứ 1), chúng tôi được nghỉ hè khoảng hai tháng rồi sẽ bắt đầu học năm thứ 2. Tôi còn nhớ rõ vào khỏang cuối tháng 6 năm 1961 (thời gian đang nghỉ hè), một người bạn cùng khóa tên Nguyễn Hữu Đức (hiện cư ngụ tại Houston, Texas Hoa Kỳ) đến rủ tôi đi Huế chơi mà điều kiện anh đưa ra rất dễ dàng, tôi chỉ bỏ 250$ mua vé xe lửa ra Huế, còn ăn ở khoảng trên 10 ngày ở Huế sẽ có người lo cho hết, tất nhiên tôi nhận lời liền vì đây là cơ hội để biết Huế (thực tế tôi cũng không phải bỏ 250$ để mua vé xe lửa).......Rồi anh hẹn ngày giờ ra bến xe lửa Saigon; Đúng ngày giờ hẹn tôi ra bến xe, tôi ngạc nhiên vì thấy có thêm anh Trần Minh Giao (hiện cư ngụ tại Honolulu, Hawaii) cũng là bạn cùng lớp ở QGHC, như vậy nhóm chúng tôi có 3 người. Xe lửa từ Saigon ra Huế có ngừng lại ở những ga chánh để cho khách lên xuống, đường xe lửa lúc đó có an ninh nên xe lửa chạy suốt đêm....Tôi cũng không biết rõ là xe lửa chạy bao nhiêu giờ thì tới Huế. Khi xe lửa tới ga chót là Huế vào buổi sáng khoảng 9, 10 giờ, từ trong toa xe lửa tôi nhìn ra ngoài, tôi vô cùng ngạc nhiên vì chúng tôi nhận ra có khoảng độ trên 15 người cũng là bạn cùng khóa 8 QGHC với tôi....., Họ ra đón chúng tôi. Chúng tôi (3 người) xuống xe lửa và được đưa lên một xe microbus, cùng với hơn 15 người đã ra đón. Xe đưa chúng tôi về một ngôi biệt thự gồm 2 tầng nằm cách sông Hương khoảng 300 thước......Đó là nơi chúng tôi cư ngụ suốt thời gian ở Huế.
      Sau khi đã ổn định nơi cư ngụ, tôi bắt đầu tìm hiểu đây là tổ chức nào ? mục đích của tổ chức này và cố gắng ôn lại những gì ở Học Viện QGHC trong khóa 8 của tôi : Khi bắt đầu khai mạc năm học đầu, tôi được biết có một sinh viên gốc công chức nghe nói là người của ông Ngô Đình Cẩn, tất nhiên anh này lớn tuổi hơn các bạn cùng khóa, qua một năm học tôi chỉ biết anh ta và không bao giờ nói chuyện với anh, vì tính tôi không thích bợ đỡ.....Anh ta tên là Nguyễn Hòe. Tuy không nói chuyện với nhau, nhưng qua một năm học chung thì chúng tôi đều biết cá tính, nhân cách và sức học của nhau.(Nghe nói Nguyễn Hòe có qua Mỹ định cư tại Houston(Texas) và đã chết cách đây ít năm)
      Từ những yếu tố đó tôi suy ra một nhận định: đây là tổ chức Cần Lao Nhân Vị của ông Ngô Đình Cẩn, ông Cẩn muốn có một số cán bộ Cần Lao do chính ông tổ chức (qua bàn tay của Nguyễn Hòe)(?). Đặc biệt trong nhóm ra Huế này không có Nguyễn Hòe đi chung, tôi cũng chẳng biết ai là người chỉ huy nhóm. Chương trình của chúng tôi là sáng đi ăn sáng tại nhà hàng Thuận Hóa (?) (dưới chân cầu Tràng Tiền) trưa, chiều đều tới đó dùng cơm, đặc biệt sáng ăn cơm ta thì chiều ăn cơm tây cứ như vậy mà thay đổi... Chúng tôi có chương trình như đi thăm mộ cụ Phan Bội Châu, thăm các lăng tẩm ở Huế, vào thăm xã giao ông Tỉnh trưởng kiêm Thị trưởng Huế và Thừa Thiên (lúc đó hoàn toàn là dân sự, không có nhà binh nắm quyền). Đặc biệt là dự lễ duyệt binh ngày song thất (ngày Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chính thức cầm quyền) trên bờ sông Hương. Anh Nguyễn Hòe rớt suống khóa 9 sau một năm học. Để thêm chi tiết chắc chắn khi viết bài hồi ký này tôi có gọi điện thoại cho Anh Trần Minh Giao người cùng với tôi ra Huế, Anh TMG cho biết thêm chi tiết: Anh Nguyễn Hòe vào QGHC khóa 8 mà không phải thi do Phủ Tổng Thống gởi trực tiếp (?)...Anh Hòe "rớt" xuống khóa 9 để tổ chức cán bộ Cần Lao như đang làm ở khóa 8 (?). Học Viện QGHC thời đó trực thuộc Phủ Tổng Thống mà không trực thuộc một Bộ nào. Khóa 8 của chúng tôi có 100 SV thi tuyển, có khoảng 12 người từ khóa 7 học lại vì nhiều lý do như rớt qua kỳ thi lên lớp hay bệnh hoạn, ngoài ra có 3 vị Đại úy do Bổ Tổng Tham Mưu QL/VNCH qua theo học (các vị này tất nhiên phải có bằng Tú Tài và không qua cuộc thi tuyển ; Đ/u Nhu, Đ/u Hoài thuộc bộ binh, Đ/u Đằng thuộc không quân).Tổng cộng K8 có khoảng 115 Sinh viên khi khai giảng. Năm 1963 thi tốt nghiệp thì chỉ còn có 77(?) người được chấm đậu, như vậy số rớt qúa nhiều. Theo điều lệ của Học Viện thì trong 3 năm học chỉ được rớt 1 lần, nếu rớt lần thứ 2 là ra khỏi trường....Nói thêm là 3 vị Đại úy học chung với chúng tôi đều đã lớn tuổi học rất khá, nhưng khi ra trường không được cấp bằng mà chỉ được cấp chứng chỉ tốt nghiệp, 3 vị Đ/U có khiếu nại nhưng được Học Viện trả lời là vì không qua cuộc thi tuyển nên chỉ được cấp chứng chỉ. Sau khi tốt nghiệp 3 vị Đ/U này trở lại Quân Đội và đến 30/4/75 thì đều đã lên Đại tá. Hình như có một người đã chết (Anh Đằng(?). Tôi không rõ anh Nguyễn Hòe, không phải thi tuyển khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ hay được cấp bằng ?
      Rồi một ngày anh Đức trưởng toán của tôi thông báo là sẽ đi gặp Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung Ngô Đình Cẩn trong vài ngày nữa, đây là điều tôi cũng không ngạc nhiên vì tôi đã đoán khi tới Huế là cuộc đi này do nhóm Cần Lao Nhân Vị của ông NĐCẩn tổ chức. Tôi có hỏi anh Đức là ăn mặc như thế nào ? Anh Đức nói là áo chemise trắng, tay dài, quần đậm thắt cà vạt....Khi đi tôi chỉ đem hành trang đơn giản mà không có cà vạt hay một chiếc áo chemise tay dài vì anh Đức hoàn toàn giữ bí mật cũng như chi tiết chương trình của cuộc đi ra Huế. Vì có nhiều thì giờ rảnh rỗi nên tôi đi chợ Đông Ba mua một áo chemise may sẵn, tay dài mầu trắng có thể đeo cà vạt được, còn cà vạt thì tôi mượn một người bạn trong nhóm.
      Vài hôm sau chúng tôi được thông báo là sau khi ăn cơm trưa xong, chúng tôi sẽ đi Thuận An, một bờ biển cách Huế khoảng 20 cây số để gặp ông Cẩn. Chúng tôi đến Thuận An lúc 1giờ30 trưa cùng ngày (rất tiếc tôi không nhớ được ngày đó). Xe ngừng lại trước một căn nhà bằng tre, nứa lợp tôn trên mặt nước biển độ 1 thước, tức là nhà thủy tạ, nơi cư ngụ của ông NĐCẩn, căn nhà có vài phòng cũng không có gì là bề thế, muốn đi vào phải đi qua một cây cầu làm bằng tre dài độ 6,7 thước bề ngang khoảng 1,50 thước.
      Chúng tôi được dẫn vào một căn phóng diện tích độ 20 thước vuông, chờ độ 5 phút thì ông Cẩn từ một căn phòng đi ra. Ông mặc bộ bà ba mầu mỡ gà (như các báo đã đăng), một người trong nhóm chúng tôi (có lẽ là họ đã tổ chức) cầm một bó hóa lớn trao tặng ông Cẩn, sau đó họ hát một bài (độ 10 người hát) mà tôi cũng không nhớ một lời nào của bài hát, chỉ nhớ là một thể nhạc hùng (loại marche). Chúng tôi gọi ông Cẩn là CẬU, xưng TÔI
      Sau đó chúng tôi ngồi xuống sàn nhà bằng tre. Tôi cố tình nghe xem ông Cẩn sẽ nói gì vì đây là cơ hội thật hiếm có vì qua báo chí cho biết nói gặp ông Cẩn rất khó và phải khúm núm .v.v. Nhóm chúng tôi quả thật đi vào rất thoải mái và tự nhiên, không hề có sự sợ hãi hay khúm núm gì cả....Ông Cẩn bắt đầu nói chuyện, giọng khó nghe và nói nhỏ, tôi cố gắng để lắng nghe xem ông Cẩn nói cái gì ??? Như các báo đã tường thuật, ông Cẩn hút thuốc lá Basto xanh hay thuốc rê, bên cạnh là khay trầu. Ông nói chuyện đến khoảng 6giờ30 chiều thì ngưng lại ăn cơm chiều, cái cầu nhỏ đường ra vô được kê mấy cái bàn thấp và chúng tôi ngồi cùng ăn cơm với ông Cẩn, món ăn là món Huế, có rượu bia......trong lúc ăn ông Cẩn cũng nói chuyện....
      Cuộc nói chuyện với ông Cẩn chấm dứt vào lúc 9giờ tối và chúng tôi ra về. Tính ra chúng tôi đã được nghe ông nói chuyện trong 7 giờ, nhưng nếu ai hỏi chúng tôi là ông Cẩn đã nói gì thì qủa thật chúng tôi không thu lượm được gì những lời ông nói. Cố gắng mãi cá nhân tôi ghi nhận được 2 điều : 1) Ông Cẩn nói là chúng ta phải có một tổ chức như Đảng Hắc Long ở bên Nhật (Tôi cũng không biết đảng Hắc Long của Nhật ra sao). 2) Ông Cẩn tiết lộ là Miền Nam có thả biệt kích ra Bắc để hoạt động. Có một người trong nhóm hỏi thế lấy gì mà sanh sống ? Ông Cẩn trả lời là có đem theo thuốc phiện để bán....(?)
      Tóm lại tôi chỉ nhớ có 2 điều mà ông Cẩn nói trong cuộc gặp gỡ suốt 7 giờ. Để cho chắc chắn về nhận xét của mình, tôi có hỏi vài bạn trong nhóm là anh có biết ông Cẩn nói gì trong suốt thời gian dài đó không, các người bạn cũng thất vọng như tôi và trả lời cũng không biết ông Cẩn nói cái gì......
      Sau khi gặp ông Cẩn, coi như cuộc đi Huế của chúng tôi chấm dứt, vài ngày sau chúng tôi dùng xe microbus đi Đà Nẵng, cư ngụ tại một khách sạn và được ông Thị trưởng Đà Nẵng đón tiếp bằng một bữa ăn sáng. Từ Đà Nẵng chúng tôi về Saigon chia làm nhiều nhóm bằng nhiều phương tiện khác nhau (có lẽ để giữ bí mật). Nhóm tôi gồm 3 người như lúc khởi hành từ Saigon, 3 chúng tôi có ghé lại Nha Trang 3 ngày rồi mới đi xe lửa về Saigon.
      Về Saigon tôi có thuật lại câu chuyện đi Huế cho một người bạn thân (tất nhiên người này không trong nhóm đi Huế), người bạn có khuyên tôi thử vào tổ chức này xem sao, nhưng tôi trả lời "thuyền đua thì lái cũng đua" làm sao mà ông Cẩn có khả năng lãnh đạo được......
      Tôi cũng không rõ nhóm này có ai vào đảng Cần Lao hay không ?. Vì Khóa 8 của chúng tôi phải ra Đồng Đế Nha Trang học quân sự (từ tháng 5/1963 đến tháng 12/1963) nên lúc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì chúng tôi đang học quân sự ở Nha Trang.
      Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị giết chết ngày 2 tháng 11 năm 1963, sau đó ông Ngô Đình Cẩn cũng bị đưa ra Tòa và bị kết án tử hình, đơn ân xá bị bác và bản án tử hình được thi hành ngày 9 tháng 5 năm 1964 lúc 18giờ20 tại khám Chí Hòa. HẾT
      ***

      Kính Mời nghe Truyện ngắn của hai nhà văn thời danh:

                                 TRÀM CÀ MAU & TIỂU TỬ

      Le Oi (Tram Ca Mau_Nguyen Ha doc).mp3 3095

      Chuyện Ở Quê Tôi (Tiều Tử_Vân Ngọc).MP3
      ***
      *NHÀ VĂN PHẠM TÍN AN NINH
      Trả Nợ Ân Tình
      Đầu mùa hè, vợ chồng tôi đến thăm gia đình cô con gái và ở lại chơi khoảng một tháng. Vợ chồng cháu phải đi theo sở làm, một công ty lớn, di chuyển đến thành phố Las Vegas, và vừa mua được ngôi nhà ở vùng ngoại ô, với khu vườn khá rộng nằm bên bờ hồ Mead. Đây là thành phố du lịch có những sòng bài nổi tiếng. Tôi không hứng thú mấy với chuyện bài bạc, nên chỉ ghé lại các nơi này một vài lần cho biết. Hơn nữa, dù mùa hè chỉ mới bắt đầu, mà khí hậu đã nóng bức, tôi ngại ra ngoài, chỉ muốn nằm nhà nghỉ ngơi và đọc sách. Thỉnh thoảng ra vườn tưới cây hay xuống bờ hồ hóng mát và ngắm trời xanh.
      Một hôm, trước khi đi làm, cô con gái đưa cho tôi cái chi phiếu, nhờ giao lại cho người làm vườn. Tiền trả cho ông hàng tháng. Cứ ngày thứ ba mỗi tuần là ông ghé lại làm việc ở khu này, cắt cỏ, tỉa cây và dọn dẹp, làm vệ sinh hồ tắm. Cô con gái còn bảo, bác ấy có tư cách rất đàng hoàn, mọi người ở đây đều rất tin cậy và quý mến bác. Tuần trước, tôi cũng đã trông thấy ông đến làm việc trong vườn, nhưng vì ngoài trời khá nóng và đúng lúc đang mải mê đọc một cuốn sách, nên tôi chưa có dịp gặp ông.
      Khi thấy ông gom dụng cụ bỏ lên xe, tôi nghĩ ông đã xong công việc, mở cửa bước ra chào, cám ơn và đưa cho ông cái chi phiếu, bảo cô con gái nhờ trao lại. Thấy trên mặt đầm đìa mồ hôi, tôi mời ông vào nhà uống với tôi một lon bia lạnh. Ông nhìn đồng hồ, đưa tay phủi ít bụi cỏ vướng trên áo quần, ngần ngừ, định từ chối. Tôi nắm tay ông kéo lại bộ ghế nhựa nằm dưới gốc một cây bơ phủ bóng, bảo:
      – Hay là mình ngồi ở đây để anh thoải mái hơn.
      Tôi chạy vào nhà lấy bia, nghe tiếng ông nói vọng theo:
      – Tôi chỉ uống với anh đúng một lon, để tí nữa còn phải lái xe đi
      Tôi mang bia và mấy cái nem chua ra. Chúng tôi vừa uống bia vừa nói chuyện. Đúng như lời cô con gái, ông là một người hiểu biết và có tư cách. Mái tóc bạc màu muối tiêu và khuôn mặt đượm buồn mang ít nhiều khắc khổ, đã không làm mất đi cái vầng trán cao, đôi mắt sáng, khuôn mặt biểu hiện một con người khí khái và nghị lực. Ngồi với nhau khoảng hơn mười phút, ông cám ơn và đứng dậy xin cáo từ vì còn phải sang làm vườn cho các nhà kế cận. Ông bắt tay tôi và hẹn thứ ba tuần sau ông sẽ đến sớm để tâm tình nhiều hơn. Dù chưa biết nhau nhiều, nhưng qua cái bắt tay, tôi có cảm giác là ông cũng có chút cảm tình, quý mến tôi.
      Lần thứ hai gặp nhau, chúng tôi có nhiều thì giờ tâm tình và biết về nhau nhiều hơn. Chính điều này đã làm chúng tôi trở thành bạn, khá thân tình.
      Trước kia, anh phục vụ trong binh chủng Lực Lượng Đặc Biêt. Sau khi binh chủng này giải thể anh được bổ sung cho một đơn vị Biệt Động Quân. Một năm sau anh được thăng cấp thiếu tá. Bị thương trong một cuộc hành quân qua Cam Bốt, anh được thuyên chuyển về một tiểu khu miền duyên hải Quân Khu 2, quê anh, và phục vụ ở đây cho đến ngày mất nước.
      Vợ của anh là cô giáo dạy ở trường tiểu học quận lỵ. Ngày anh vào tù vợ anh mang thai đứa con đầu lòng hơn năm tháng, và cũng không được “lưu dung” trong chế độ mới bởi ảnh hưởng lý lịch của chồng.
      Sau đó, hững ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh thướng hú tôi sang nhà anh chơi. Anh bảo: - Tôi thường ở nhà một mình, ông cứ sang đây, bọn mình nhậu thoải mái và kể chuyện xưa chơi.
      Căn nhà cũ nằm giữa khu vườn khá lớn có nhiều cây ăn trái, và những khóm hoa được anh cắt tỉa rất công phu. Có cả một hòn non bộ, nước chảy róc rách, trông rất yên ả, thơ mộng. Cùng độ tuổi với anh, nhưng tôi thua anh rất xa về chuyện cần cù với bàn tay khéo léo. Nhìn khu vườn nhà, tôi biết là anh đã bỏ ra rất nhiều thì giờ và công sức. Lần nào đến chơi, anh cũng làm cơm, nướng thịt và hai anh em uống cạn mấy lon bia. Có khi tôi phải ngủ một giấc, đến gần tối mới về nhà. Một lần, được tin anh bị bệnh, vợ tôi theo tôi đến thăm anh, giúp anh làm vài món ăn và dọn dẹp nhà cửa bếp núc.
      Mấy năm sau này, từ khi cô con gái sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi thường xuyên lên ở giúp cháu, nên thường gặp anh hơn và dần dà trở nên thân thiết như anh em.
      Quen biết đã khá lâu, nhiều lần đến nhà thăm và tâm tình với anh, nhưng chúng tôi chưa hề gặp vợ anh, chỉ biết chị ấy qua tấm ảnh gia đình treo trên vách, anh bảo chụp cách đây hơn mười năm, sau một thời gian định cư ở Mỹ. Trong ảnh, ngoài vợ chồng anh còn có ba đứa con, hai gái một trai. Chị là một người phụ nữ đẹp, trông có nét đài các. Một đôi lần tôi có hỏi, anh ngần ngừ, bảo là vợ anh thường đi làm xa, vắng nhà. Tôi nhớ có lần anh đã kể việc vợ chồng anh có mở một quán ăn ở đâu đó, sau một thời gian đến định cư ở vùng này.
      Nhìn tấm ảnh, tôi khen:
      – Trông ông bà rất đẹp đôi. Lúc trẻ chắc chị nhà là cô giáo hoa khôi của một trường nào đó. Mấy cháu cũng đều rất dễ thương.
      Anh ngượng ngùng một tí, rồi làm tôi bất ngờ:
      – Đây là bà vợ thứ nhì và hai cháu lớn là con riêng của bà. Chỉ có thằng nhỏ nhất là con chung của bọn tôi.
      Tôi tò mò, không kịp giữ ý:
      – Chắc bà chị trước đã qua đời khi còn ở Việt nam?
      – Không, bà vẫn còn sống và đang ở trên Houston.
      Tôi vội vàng nói lời xin lỗi. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh giải thích:
      – Bà bỏ tôi sau hơn một năm vào tù, lấy một người đàn ông khác, sau đó dắt theo đứa con gái vượt biên từ năm 1979.
      Trầm ngâm giây lát, anh nói tiếp:
      – Và từ đó bà không hề liên lạc với tôi, mặc dù có vài lần tôi viết thư riêng nhờ người mang đến cho bà, để chỉ hỏi tin tức đứa con, nhưng không hề nhận được hồi âm. Bây giờ, nếu còn sống, đứa con gái của tôi cũng đã gần bốn mươi tuổi, nhưng chắc chắn nó không hề biết tôi là cha của nó.
      Tôi cố tìm một lời an ủi:
      – Với vợ con và niềm hạnh phúc mới sau này, chắc anh cũng đã nguôi được nỗi buồn?
      Anh cười:
      – Thực ra khi mới biết tin, dĩ nhiên tôi buồn lắm, nhưng rồi sau đó lại mừng cho mẹ con bà. Chứ nếu ở vậy mà chờ tôi, thì cuộc đời của mẹ con bà không biết sẽ ra sao? Lúc còn ở trong tù, đêm nào tôi cũng nằm cầu nguyện cho mẹ con bà được yên lành, hạnh phúc với gia đình và quê hương mới. Tiếc là khi ấy tôi không thể liên lạc được để nói lên điều này cho bà được yên lòng.
      – Tôi nghĩ điều đó chắc không còn cần thiết, bởi đã đối xử cạn tình với anh như vậy, chắc bà cũng chẳng có hối hận điều gì.
      Anh trầm ngâm:
      – Xem vậy chứ đàn bà cũng dễ xúc cảm, nặng lòng trắc ẩn lắm. Dù gì, tôi cũng thấy thương và tội nghiệp cho bà.
      Đến chơi khá nhiều lần, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ gặp người vợ của anh bây giờ. Một hôm chúng tôi bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên khi nghe anh tâm sự về bà:
      – Bà ấy rất ít khi có ở nhà. Bà sống ở các sòng bài. Khi nào không kiếm được tiền bà mới về đây, nhưng sau đó, khi có được đồng nào bà lại đi ngay. Trước kia, tôi bỏ ra tất cả tiền bạc dành dụm và vay mượn thêm của ngân hàng để sang lại cái tiệm ăn, cho bà làm chủ. Buôn bán cũng khá lắm, nhưng sau đó phải bán để trả nợ cho bà. Đồ đạc trong nhà này, cái gì còn bán được bà cũng đã bán hết, nên chẳng còn một thứ gì đáng giá.
      – Sao anh và các cháu không khuyên giải, can ngăn bà? Vợ tôi hỏi.
      – Cũng may, tôi đã cố gắng hết sức lo cho hai cháu đầu, con của bà được vào đại học. Cả hai đều học xa nhà, nên tôi tìm cách nói dối để các cháu yên lòng mà học hành, còn thằng con trai út, lúc ở với tôi còn nhỏ, nên chẳng chú tâm điều gì, cứ tưởng mẹ nó đi buôn bán làm ăn. Sau này, khi thấy cháu lớn khôn, không muốn ảnh hưởng đến chuyện học hành và tương lai của nó, tôi gởi cháu vô nội trú một trường Công Giáo. Không thấy mẹ, lâu lâu cháu cũng hỏi thăm, không biết là cháu có biết gì không, nhưng chẳng thấy nó buồn hay thắc mắc điều gì. Tôi nghĩ có cho các cháu biết cũng vô ích, chỉ làm hại các cháu. Hơn nữa, khi đã lâm vào con đường cờ bạc rồi, cũng giống như thuốc phiện, khó mà quay lại được.
      – Đến bây giờ hai cháu lớn cũng chưa biết? Tôi hỏi anh.
      – Sau khi tốt nghiệp, hai cháu về nhà sống một thời gian chờ xin việc. Lúc ấy hai cháu mới biết. Năn nỉ, can ngăn, rồi làm dữ cũng đều vô ích. Sau này hai cháu có việc làm rồi lập gia đình, ra ở riêng. Khi hết tiền bà chạy đến xin, xin vợ không được bà xin cả chồng. Tội nghiệp hai thằng chồng đều là Mỹ hết. Cuối cùng tụi nó sợ quá, phải dọn nhà đi nơi khác và không cho bà biết. Sau này, thấy tôi quá khổ sở với bà, hai cháu rất giận mẹ, đề nghị rồi hối thúc tôi bỏ bà, chuyển đi nơi khác ở. Hai cháu thương tôi, lúc nào cũng xem tôi như cha ruột và luôn tỏ ra biết ơn tôi đã hết lòng lo lắng cho hai cháu.
      – Chắc anh không nghe theo hai cháu, nên bây giờ vẫn còn ở lại đây. Tôi hỏi
      Anh cười, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra:
      – Không được! Tôi bảo với hai cháu là ba còn nợ mẹ rất nhiều, mà dù có phải khổ sở, chịu đựng suốt cả đời vì mẹ con, cũng chưa trả hết được. Hơn nữa đã là vợ chồng, ba đâu có thể nhẫn tâm bỏ bà trong lúc bà bị sa lầy.
      Sau đó anh ngồi kể cho vợ chồng tôi nghe:
      – Bà là cứu tinh của tôi. Trước kia, có một thời nhà cha mẹ bà ở gần nhà tôi. Bà là con một của một gia đình giàu có. Khi ra tù, vợ con đã bỏ đi, tôi không có chỗ để ở, lại mang theo bệnh tật từ trong tù, nên chẳng làm được việc gì. Không hiểu sao lúc ấy bà lại cưu mang tôi, và can đảm lấy tôi làm chồng. Lúc ấy bà có tiền, làm chủ một vựa trái cây và buôn bán thuốc tây, cà phê. Lúc đầu, thấy tôi khổ sở, bà nhận tôi vào làm công và bảo dọn tới nhà bà ở vì căn nhà sau, có một phòng bỏ trống. Cả hơn nửa năm tôi mới khỏe lại và bắt đầu phụ giúp công việc buôn bán với bà. Nhưng bà chỉ giao cho tôi lo việc sổ sách. Bà thường lo lắng chăm sóc cho tôi, và cuối cùng tỏ tình với tôi. Khốn khổ hơn là có một tay cán bộ kiểm lâm CS từ miền Bắc chuyển vào, đã theo đuổi, tán tỉnh bà, thỉnh thoảng mang đến cho bà những bộ bàn ghế được đóng bằng gỗ quý, nhưng bà nhất quyết chối từ. Ban đầu hắn tưởng tôi là người làm công hay bà con trong nhà, nhưng sau này, khi biết bà đã lấy tôi, hắn tìm mọi cách hãm hại tôi. Bà bỏ tiền mua cả đám công an, nên tay kiểm lâm sợ, bỏ cuộc. Hơn nữa nghe nói hắn đã có vợ con ở ngoài Bắc. Có lần tôi hỏi, vì sao bà thương và lấy tôi khi tôi trong cảnh thân tàn ma dại. Bà cười, bảo là ngày xưa, lúc còn là cô con gái mới lớn lên bà đã thầm yêu tôi, bà thích lính chiến, nhất là bộ áo quần bông với cái bê rê xanh của Lực Lượng Đặc Biệt, oai hùng lắm, nhưng tôi không để ý đến bà. Đúng vợ chồng là cái số. Sau này bà lấy một thương gia, nhưng ông mất sớm. Nhờ vậy, sau 75, bà còn giấu được một số vàng để bây giờ có vốn buôn bán nuôi con.
      Những lần chính quyền địa phương gọi tôi, diện tù “cải tạo” đang trong thời quản chế, đi làm công tác thủy lợi, bà đều thuê người đi làm thay. Sợ bọn chúng cưỡng bách tôi đi Vùng Kinh Tế Mới, bà làm hôn thú và dù rất khó khăn, bà cũng chạy cho tôi được vào chung hộ khẩu với gia đình bà. Với lòng biết ơn và quí mến, tôi đã hết lòng yêu thương bà và hai đứa con của bà. Tôi dạy kèm thêm, nên hai cháu đều là những học sinh giỏi của trường, luôn vâng lời, lễ phép dễ thương. Tôi xem hai cháu như con ruột của mình. Một năm sau, chúng tôi rất vui mừng khi có một đứa con chung, là thằng con trai, giống tôi như đúc. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến đứa con gái đầu lòng với người vợ trước. Từ lâu rồi tôi không liên lạc đươc, nên chẳng biết bây giờ nó ra sao. Chỉ mong ông trời thương, để có một ngày cha con được gặp lại.
      Anh ngừng câu chuyện ở đây, lim dim đôi mắt, nhưng ngay sau đó lại nở nụ cười. Tính anh như thế, tôi chưa khi nào thấy anh buồn điều gì lâu. Tôi thầm nghĩ, khi người ta chịu đựng quá nhiều thử thách trong cuộc đời, thì dường như buồn vui gì cũng như nhau thôi.
      Tôi cười theo anh, và nói đùa:
      – Không ngờ ngày xưa ông anh cũng đào hoa ghê. Đến bước đường cùng mà vẫn có người đẹp yêu tha thiết.
      Anh quay sang tôi cười, giải thích thêm:
      – Bọn mình là lính mà. Người lính lại càng không thể phụ ơn những người đã từng cưu mang, sống chết với mình. Cũng như anh em mình đâu có thể quên những đồng đội đã chết, đã hy sinh một phần thân thể vì mình, phải không?
      Tôi im lặng, không trả lời, chỉ thấy thương và càng quý trọng anh. Người lính chưa bao giờ bại trận, nhưng cuối cùng đã phải làm người thua cuộc. Qua bao nhiêu thử thách vẫn còn giữ được cái sĩ khí, lòng bao dung và nhân cách của mình.
      Những lần gặp tôi, trong các câu chuyện anh thường nói về chuyện lính. Anh kể cho tôi nghe những trận chiến mà anh đã từng tham dự. Từ lúc những buổi đầu trong các toán Delta, sau đó đóng đồn biên phòng, rồi sau này ra Biệt Động Quân, và cuối cùng là Địa Phương Quân. Anh say sưa kể từng chi tiết, địa danh, từng tên của những người lính đến các cấp chỉ huy. Trong lãnh vực này, trí nhớ của anh lại trở nên phi thường. Tất cả như nằm sẵn đâu đó trong lòng anh. Nhiều lần anh bảo với tôi là anh đã sống với nó, với cái quá khứ ấy. Anh còn ví von: “lúc trước ông nhà thơ Phùng Quán đã từng tâm sự là khi ngã nhờ vịn những câu thơ mà đứng dậy, còn với tôi thì đã bao lần thất chí, đã nhờ những hình ảnh quá khứ này để có thể đứng lên. Không có một thời làm lính, một thời trong chiến trận, chắc tôi đã quỵ ngã từ lâu rồi”.
      Cuối cùng thì vợ chồng tôi cũng gặp được bà vợ bây giờ của anh. Mùa hè năm ngoái, anh làm đám cưới cho cậu con trai út. Đứa con chung duy nhất của hai người. Cô dâu lại là con của một người bạn HO của anh, mà tôi cũng quen biết, vì từng ở chung một trại tù ngoài Bắc. Anh nhờ vợ chồng tôi đi họ bên phía đàng trai, và phụ giúp anh sắp xếp công việc trong ngày hôn lễ. Ngày đám cưới, chúng tôi đến nhà anh sớm hơn giờ hẹn để phụ sắp xếp bàn thờ và lễ vật. Rất bất ngờ khi thấy có cả chị ra đón bọn tôi ngoài cửa. Có lẽ anh đã giới thiệu trước ít nhiều về vợ chồng tôi, nên chị nở nụ cười thật tươi chào đón và gọi đúng tên chúng tôi. Vợ chồng tôi khá ngạc nhiên, bởi chị khác hoàn toàn với hình ảnh người đàn bà mà chúng tôi tưởng tượng bấy lâu nay với không mấy cảm tình. Xinh đẹp, vui vẻ nói năng lưu loát, và dễ thân thiện. Chỉ có ốm hơn so với trong ảnh, và thoáng một chút mệt mỏi, bơ phờ. Buổi chiều, trong tiệc cưới, khi người MC giới thiệu gia đình nhà trai, anh chị cùng vợ chồng hai cô con gái bước lên sân khấu đứng bên cô dâu chú rể, cúi đầu chào khách. Tiếng vỗ tay của thực khách như thay cho lời hâm mộ một gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc. Tôi bỗng thấy một chút xót xa, tiếc nuối trong lòng và thầm mong là biết đâu nhờ đám cưới của cậu con trai, mà chị sẽ trở về với con người cũ, để hai người còn có bên nhau trong hạnh phúc ở những năm tháng cuối đời.
      Cuối tuần sau ngày đám cưới, anh đưa chị ghé đến chơi, mang biếu chúng tôi hai chai rượu và một hộp trà. Anh bảo là quà “lại quả” hôm đám cưới, anh chị chia cho chúng tôi để mừng cho hai cháu. Khi vợ tôi ngồi chỉ cho chị cách thức làm nem Ninh Hòa, mà chị rất thích, anh rủ tôi ra ngoài vườn, vui mừng bảo là chị ấy đã hồi tâm, vì sau ngày đám cưới thấy các con hạnh phúc vui vẻ, sau đó các cháu tâm tình khuyên giải bà, nên từ bỏ mọi thứ đam mê sai lầm để sống với tôi trong tuổi già, vợ chồng săn sóc hôm sớm có nhau. Anh hy vọng lần này bà đã thức tỉnh. Hơn nữa tuổi tác cũng đã nhiều, bà thấy sức khỏe sa sút thường hay mệt mỏi. Tôi nắm hai tay anh mừng rỡ, và nói vài lời, ngưỡng mộ sự bình tĩnh, chịu đựng và tấm lòng bao dung của anh. Tôi lấy trong túi áo ra bốn tờ vé số Power Ball vừa mới mua trưa nay. Đặc biệt số độc đắc xổ chiều nay, sẽ hơn ba mươi triệu Mỹ kim. Tôi chia cho anh ba tờ, bảo:
      – Hy vọng ông trời sẽ cho thêm anh chị điều may mắn.
      Anh cười:
      – Cám ơn bồ, nhưng thường là “phúc thì bất trùng lai, mà họa thì vô đơn chí!”
      Tiễn anh chị ra xe, bắt tay nhau trong tiếng cười rộn rã.
      Khoảng ba tuần sau, anh gọi phone báo cho chúng tôi một tin không vui. Chị ấy đang nằm trong bệnh viện. Bác sĩ vừa khám phá chị bị ung thư vú trong thời kỳ cuối. Vì quá lâu, không khám bệnh, nên không phát hiện được, bây giờ đã di căn, không biết có cần giải phẫu hay không. Chúng tôi chạy lên bệnh viện thăm chị. Thấy chúng tôi, chị nở nụ cười, nhưng trông khá mệt mỏi, bơ phờ. Anh luôn bên cạnh, đút thức ăn, săn sóc an ủi chị. Anh bảo tối nào, theo yêu cầu của chị, anh cũng ngồi bên cạnh đọc các chuyện chiến trường, chuyện lính cho chị nghe.
      Bệnh viện quyết định không giải phẫu, chỉ cấp cho một số thuốc để đưa chị về nhà. Các cháu đều về thăm. Sống bên cạnh chồng cùng đầy đủ các con, chị vui và hạnh phúc lắm. Chúng tôi đến thăm, dù không được khỏe, nhưng chị rất tỉnh táo, nằm kể cho các con nghe về cuộc đời mình, ân hận đã có một thời sa ngã vào con đường bài bạc, làm khổ sở và xấu hổ gia đình. Chị cũng nắm chặt tay anh, nói rất yêu và biết ơn anh đã hết lòng lo lắng đùm bọc vợ con trong những năm tháng khó khăn, xin anh tha thứ về thời gian chị đã có lỗi lầm.
      Anh ngồi bên cạnh, cúi xuống hôn trên trán chị:
      – Lúc nào anh cũng yêu em, cầu xin ơn trên cho em sống khỏe mạnh để anh tiếp tục lo lắng, trả nợ cho em. Món nợ ân tình lớn lao, mà cả đời này anh cũng không thể trả hết được cho em.
      Nước mắt của chị ràn rụa trên đôi gò má hóp. Tôi thầm nghĩ đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Cho dù có chút xót xa.
      Chị đã mất vào khuya hôm ấy. Theo lời anh kể lại, suốt đêm anh nằm với chị, ôm chị trong vòng tay rồi ngủ mê lúc nào không biết. Khi giật mình thức dậy thì chị đã ra đi tự lúc nào.
      Vợ chồng tôi có mặt trước khi đưa chị vào nhà quàn bệnh viện. Chị nằm như đang say ngủ, nét mặt bình yên, thanh thản.
      Và lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh khóc.

      Phạm Tín An Ninh
      ***

      *THƯ GIÃN: MỜI NGHE NHẠC:
                                *MỪNG GIÁNG SINH
      Mừng Giáng Sinh Và Năm Mới


      ***
      * CHÚC CHO NHAU NGHÌN DANH VỌNG SƯƠNG MÙ!


      https://youtu.be/c4Ek3E3CHGg
      ***
      * Nhạc Chế: TÂM SỰ NGÀI TRUMP || Nhạc: Tâm Sự Nàng Xuân
      || Ủng Hộ Rally DC 12/12/20. Stand with Trump!

      ***
                          *QUÝ THI SĨ GÓP MẶT HÔM NAY:
      *PHẠM THIÊN THƯ * TRẦN QUỐC BẢO *TRẦM VÂN
      * DƯ THỊ DIỄM BUỒN * NGUYÊN TRẦN * THY AN *
      *NGUYỄN VẠN THẮNG* NGUYỄN ĐÌNH HOÀI VIỆT* THA HƯƠNG *
      NHẤT HÙNG * KIỀU PHONG * SA CHI LỆ *

      ***
      THI SĨ ĐA TÀI PHẠM THIÊN THƯ

      PHẠM THIÊN THƯ

      HUYỀN NGÔN XANH

      Hoa bưởi trắng nở trên cành
      Nhị xanh tay chỉ-tựu thành huyền cơ

      Hạt mưa long lánh tình cờ
      Trên tàu sen lục thơm chờ ngàn năm

      Này! Thiện hữu – Mỗi đóa hoa có vẻ đẹp riêng của nó
      Vì sao? Hay cái đẹp trong bạn vốn rộng mở?
      Chớ tự đóa hoa chẳng có một ý nghĩa nào
      Cũng vậy, chúng ta hãy mang cái đẹp ban phát cho cuộc đời
      Ý nghĩa thêm cho mọi ý nghĩa.

      Có những loài hoa chỉ thơm nơi vườn trời
      Có những thứ hoa chỉ ngát nơi địa phủ
      Sự thơm chẳng hơn nhau
      Mỗi cái có tinh túy, phẩm giá riêng biệt
      Này! Thiện hữu có giá trị nào độc tôn chăng

      Có cánh bướm muốn vượt lên trang điểm Vườn trời
      Nó không đủ sức leo qua một dải mây – Nhưng chí nguyện
      cao cả đã làm xao động vườn hương.

      PTT (Huyền Ngôn Xanh)
      ***
      *THI SĨ & DỊCH GIẢ TRẦN QUỐC BẢO

                     

      Eden Trống Vắng!
      Thơ Trần Quốc Bảo

      Eden vắng vẻ lạ thường!
      Cathy, Kim Cúc, Diệu Hường... đâu ta?
      Chợ trong, thiếu nụ cười hoa,
      Phố ngoài, chẳng thấy thuớt tha bóng hồng!Parking nhiều chỗ trống không,
      Hàng quà ế ẩm, chờ mong khách hàng...
      Xưa nay, tấp nập rộn ràng,
      Sao giờ mang vẻ tan hoang chợ chiều?

      Có chàng hẹn hò người yêu,
      Hôm nay gặp mặt với nhiều niềm vui!
      Chờ em, suốt mấy tiếng rồi!
      Ngậm ngùi, chàng lặng lẽ... rời Eden!

      Trần Quốc Bảo
      Richmond, Virginia
      Địa chỉ điện thư của tác giả:
      quocbao_30@yahoo.com
      ***
      *THI SĨ TRẦM VÂN

      *NỮ SĨ DƯ THỊ DIỄM BUỒN*
      NHỚ MỸ THO

      DTDB

      Mỹ Tho ơi, miền quê hương yêu dấu...
      Bến xe đò bao hành khách ngược xuôi
      Dòng dịu hiền sông Bảo Định thảnh thơi
      Đưa rau mác, lục bình theo nước chảy

      Rặng lau sậy trên bến sông mềm mại
      Uốn rạp mình theo cơn gió xoay chiều
      Dọc theo bờ Giếng Nước gió hiu hiu
      Hàng bã đậu, lá vàng lao xao rụng

      Ngã Ba Cây Xăng, đường vào Xóm Bún
      Chợ Lò Heo nằm ngang dọc bờ sông
      Xe đỗ về đường Nguyễn Trải, Trung Long
      Nơi bến bắc chờ đò qua Rạch Miễu

      Chợ Vòng Nhỏ, biệt thự xây nhiều kiểu
      Ôi thuở nào qua căn cứ Hải Quân
      Có em đây rẽ đến Bến Lạc Hồng
      Công viên đó, hẹn ngắm trăng sông Cửu

      Bãi cồn xa le lói đèn ngư phủ
      Bên nầy sông, đường đèn điện sáng trưng
      Màn đêm buông, tiếng trống nhạc tưng bừng
      Quán đón khách, rạp chiếu phim náo nhiệt

      Mỹ Tho ơi! Bao nỗi niềm thân thiết
      Nhớ làm sao, quà bánh dốc Cầu Quây
      Mận hồng đào như đôi má hây hây
      Tô hủ tíu Mỹ Tho ngon nổi tiếng

      Đường Hùng Vương, khu sản khoa, bệnh viện
      Bộ chỉ huy Sư Đoàn Bảy bảng đường
      Lê Ngọc Hân, ngôi trường nữ dễ thương
      Em ngóng anh nam sinh Nguyễn Đình Chiểu

      Ngã Ba Trung Lương vùng trời niên thiếu
      Cây phượng già mùa phượng tới đỏ bông
      Thăm bến đò Đạo Ngạn, cội vông đồng
      Tết chưa đến, hoa đầy cành rực thắm

      Dòng ký ức vẫn còn in nét đậm
      Chùa Vĩnh Tràng di tích có trăm năm
      Cảnh trang nghiêm trong khói ngát hương trầm
      Cổng tráng lệ, nạm miểng sành, miểng sứ

      Đường râm mát, dừng bước chân lữ thứ
      Ghé vào đây để tắm mát tâm linh
      Thuở loạn ly trở lại buổi thanh bình
      Quên phiền lụy, mở rộng hồn bát ngát

      Cây ngọc lan gió đưa hương ngào ngạt
      Ao nước trong, sen trắng lẩn sen hồng
      Kiểng uốn hình rồng phụng, cá hóa long
      Sân lót gạch bày một hòn non bộ...

      Rặng lệ liễu rũ buồn bên tháp cổ
      Vách đá cao dầy đặc lớp rêu thâm
      Đã trải qua bao hưng phế thăng trầm
      Còn ghi rõ nét son hằn kỷ niệm

      Cây vú sữa sau chùa quằn trái tím
      Rực bình minh, nầy bông điệp bông trang
      Hẹn lên chùa bao tín nữ mơ màng...
      Trong tiếng đại hồng chung vang tỏa rộng

      Ngày rằm lớn, chùa dộng chuông, giống trống
      Sư Ông ngồi giảng đạo, nến lung linh
      Hồn thảnh thơi theo tiếng kệ câu kinh
      Tâm vứt bỏ những muộn phiền, cay đắng

      Chùa Vĩnh Tràng dưới bầu trời ấm nắng
      Có trường tồn trong mệnh nước nổi trôi?
      Và Mỹ Tho thương mến của tôi ơi!
      Hãy chờ buổi tôi trở về gặp lại...

      DƯ THỊ DIỄM BUỒN

      Email: dtdbuon@hotmail.com
      ***
      *THI SĨ NGUYÊN TRẦN
      Đi đâu cũng thấy một trời quê hương

      Tôi đi trên phố đông người
      Mà sao vẫn thấy cả trời bơ vơ
      Quê hương một cõi mịt mờ
      Khói lam chiều có lững lờ nhẹ trôi
      Mỹ Tho ơi ! đã xa rồi
      Còn đâu thành phố một thời xa xưa
      Lòng thương nhớ mấy cho vừa
      Đong đầy kỉ niệm nắng mưa vui buồn
      Đây rồi đại lộ Hùng Vương
      Con đường của tuổi yêu đương học trò
      Làn môi ánh mắt hẹn hò
      Nữ sinh Lê Ngọc Hân mơ mộng đầy
      Làm cho điên đảo đắm say
      Trai Nguyễn Đình Chiểu sát ngay bên đường
      Công viên Dân Chủ ngát hương
      Khách nhàn du bước bóng vương nắng chiều
      Còn đâu xe ngựa dập dìu
      Phố Trưng Trắc với quán lều xa hoa
      Thanh thanh một dãy sơn hà
      Lung linh cảnh sắc Vườn Hoa Lạc Hồng
      Bao lần kẻ đợi người trông
      Liễu xanh soi bóng trên dòng Tiền Giang
      Những lần ghé lại Vĩnh Tràng
      Ngôi chùa cấu trúc điểm ngàn đá hoa
      Có ai ghé lại Chùa Chà
      Một thời thơ ấu đó là xóm tôi
      Kia đường Lê Lợi ̣đây rồi
      Bóng me râm mát vui chơi bạn bè
      CầuBắcLòHeo Phú De ̣(Fourriere-Lò Sát Sinh)
      Nhớ trường Nhà Lá lòng nghe nặng sầu
      Không ai quên được Cầu Tàu
      Nam thanh nữ tú cùng nhau mỗi ngày
      Thi nhào lộn bơi soãi tay
      Hái bần lội thẳng qua ngay Cồn Rồng
      Phố Nóc Bằng rộng mênh mông
      Theo em rộn rịp thấy lòng reo vui
      Đài Chiến Sĩ thoáng ngậm ngùi
      Thương người lính chiến một đời hy sinh
      Quê hương một thuở thanh bình
      Cộ đèn hội chợ cung nghinh diễn hành
      Xôn xao Nữ Tú Nam Thanh
      Cải lương Hồ Quảng loanh quanh kéo rèm
      Rạp hát anh em vào xem
      Định Tường Vĩnh Lợi lại thêm Viễn Trường
      Vòng Nhỏ ngã rẽ đôi đường
      Vườn Ông Khánh với mùi hương ̣đậm đà
      Ai về Rạch Miễu qua phà
      Nhìn em rám nắng mặn mà dễ thương
      Hồng Đào mận ngọt Trung Lương
      Xoài thơm Giáo Đức chuối hương Long Điền
      Vườn Xoài Hột lá sầu riêng
      Ngang qua Bình Đức lòng miên man buồn
      Một thời chinh chiến máu tuôn
      Lính Sư Đoàn 7 phong sương dãi dầu
      Ngã tư Quốc Tế còn đâu
      Sớm chiều đưa đón đượm màu vấn vương
      Tình ta trổi khúc Nghê Thường
      Chúng mình dìu bước con đường trải hoa
      Hoa yêu thương sắc mượt mà
      Cung đàn réo rắt giọng ca muôn màu
      Rồi Trời bày cuộc bễ dâu
      Giang sơn chìm đắm nỗi đau thảm sầu
      Cuối đời phiêu bạt về đâu
      Tóc pha sương điểm theo màu thời gian
      Ngày về sao thấy ngút ngàn
      Giấc hương quan mãi lang thang xứ Người
      Trải bao vật đổi sao dời
      Đi đâu cũng thấy một trời quê hương./.

      Nguyên Trần
      Viết trong niềm nhớ về tỉnh Mỹ Tho Thân Yêu
      giờ đã ngàn trùng xa cách

      Lan sầu trong héo ngoài tươi
      Anh sầu anh nhớ thương người Mỹ Tho
      ***
      *THI SĨ THY AN
      6 Khúc Độc Thoại
      Monday, December 14, 2020 ĐSLV , Thơ , thy an

      1.
      hãy nhớ về đây hớp miếng rượu cùng ta
      trước khi chia tay đời trăm ngả
      mai ai đi, mai ai về, bàn tay nào phôi pha…
      hãy nói với trái tim đừng quên lời từ giã
      những khúc đời lãng bạc đã qua, không bao giờ có lại
      những hoài bão thuở tâm giao ray rứt
      gửi về bè bạn, hội hè
      đã một thời tô điểm khúc thanh xuân
      như hoa trên cỏ xanh, như nắng trên mặt nước
      để rồi hôm nay
      khi những sớm mai thức dậy
      trở mình nghe đau nhức từng thớ thịt, khớp xương
      ta mới hiểu
      một đêm đời đi qua
      sá gì đâu những thịnh nộ, tỵ hiềm
      chỉ rước thêm nhọc nhằn vào tâm thức
      ta và người
      chỉ là cánh chim trời trên tuyến đường thế nào cũng dứt
      để sau cùng đến cuối hành trình…

      2.
      hãy nhớ về đây dù đi trong mưa bão một mình
      (chỉ khi nào một mình mới thấm nỗi cô đơn)
      của những đêm trời trở lạnh
      run run mờ ảo…
      hãy đọc lên cùng ta
      năm ba chữ tâm kinh trên khung tường trắng
      lời thiền sư văng vẳng hư không…
      đọc lên cho rung động tâm hồn
      cho nhớ lại thế nào là nhân nghĩa giữa chốn phù vân ảo ảnh…
      mùa hạ không thể giữ mãi mặt trời trong ánh mắt
      khi trái tim héo dần theo năm tháng
      như cây cổ thụ già dốc đá lặng yên
      chia hai cuộc sống buồn tênh
      bên này, bên kia
      bởi sớm muộn gì
      ta cũng sẽ trở thành xa lạ:
      hoài niệm về quê hương tan theo mưa bụi
      và quên lãng sẽ biến thành vô cảm lạnh lùng…
      rồi một đêm nào đó
      ta sẽ tự hỏi lòng
      niềm tin đã đổi bằng những cuộc vui dối trá …
      còn điều gì nữa - không thể trả giá -
      ngay trong tâm hồn chúng ta
      đang ướt sũng dưới cơn mưa mùa hạ ?

      3.
      hãy trở về đây nơi mảnh vườn đầy hoa lá
      nghe con chim non hát mãi bản tình ca
      bướm xanh trên áo mỏng ta bà
      bao nhiêu vọng tưởng chất chồng tâm thức
      như những khốn khổ không bao giờ dứt
      của một vùng trời mãi tận xa xôi
      ai còn, ai mất - ai nhớ, ai quên
      để lời thơ đêm nay
      bên ly rượu vơi đầy
      vẫn chung thủy rót vào biển cả
      gửi về bên đó
      mây mùa hạ chập chùng mưa bão…

      4.
      hãy trở về đây bên cạnh những ngọn đèn mờ ảo
      van xin chút ánh sáng từ thiên hà xa xăm
      chiếu xuống những thân hình gầy guộc
      với nét nhăn trên má
      những nụ cười rã rượi
      với lời ca vỡ từ tim
      - tàn cuộc vui, trà dư tửu hậu -
      sao bỗng nghe sợi tóc buồn
      rụng xuống bên cạnh những góc lòng đen tối
      khát khao chạy tìm vòng tay đủ rộng
      ôm trọn nỗi mơ tráng sĩ rừng xa…

      5.
      hãy trở về đây nhìn lại đền đài mồ mả
      trên lưng ngựa hồng một thuở cuồng si
      tiếng vó câu gõ xuống vô thường
      và nỗi nhớ che ngang tầm mắt
      - ta còn thấy chi -
      hay chỉ là tảng đá xanh của những hoài bão ngàn năm cúi mặt…
      dù ai đó có thắp lên ngọn nến vàng heo hắt
      cũng chẳng đủ soi lòng
      cho ta nghe lại vọng âm
      của những thăng trầm nước Việt xa xăm…

      6.
      hãy nhắc lại nhau những giây phút sáng nắng, chiều mưa
      và uống cạn cùng ta chén rượu hồng chung cuộc
      vô cùng cô độc
      bốn mươi lăm năm, nhìn lại cuộc đời
      quê hương ngậm ngùi qua khe hở bàn tay…

      thời gian
      - đồng lõa với tham, sân, si –
      quả là kẻ thù ngã nghiệt…

      bạn đường ơi, xin đừng quên lời từ biệt
      cỏ non xanh biếc
      ngoài kia, mùa hạ im lìm
      rồi sẽ đến mùa thu, mùa đông
      có lẽ nào
      ta đã mất quê hương ngay chính trong lòng…

      thy an - viết lại 2020
      (Đặc San Lâm Viên)
      ***
      *THI SĨ NGUYỄN VẠN THẮNG*
      Thơ GIÁNG SINH KỶ NIỆM

      GIÁNG SINH KỶ NIỆM

      Ngoài trời gió lạnh tuyết đang rơi
      Mừng đón Noel lại đến rồi
      Hang đá năm xưa quỳ khấn nguyện
      Quê người lạc lõng chỉ riêng tôi

      Giáo đường vọng lại từng hồi chuông
      Thánh nhạc reo vui khắp nẻo đường
      Phố xá đèn giăng mừng Chúa đến
      Nhà nhà chào đón Vua tình thương

      Đêm nay mừng đón Chúa ra đời
      Phố vắng đường về tuyết trắng rơi
      Lẽ bước mình tôi thân lữ khách
      Nào đâu giọt lệ thấm bờ môi

      Ngày ấy cùng em bên Giáo đường
      Thầm thì hai đứa ngỏ lời thương
      Lời yêu chưa nói nhưng anh hiểu
      Tình cảm trau nhau đượm thắm nồng

      Tuyết trắng cho lòng thêm giá băng
      Còn đâu kỷ niệm thuở bên nàng
      Noel ngày ấy giờ xa vắng
      Tình đã chia tay phút lỡ làng

      Phố vắng em rồi đêm Giáng sinh
      Sầu dâng nỗi nhớ mãi bên mình
      Làm sao quên được ngày xưa ấy
      Ngày tháng xin còn giấc mộng xinh ...

      Không biết giờ này em ở đâu?
      Tha hương đất khách gợi thêm sầu
      Ai đâu hay biết tình tôi đợi?
      Đêm Thánh gợi buồn nỗi nhớ nhau

      Nguyễn Vạn Thắng
      ***
      *THI SĨ NGUYỄN ĐÌNH HOÀI VIỆT
           TRUMP THẮNG RỒI

      Chiến thắng tin về khắp mọi nơi
      Cờ reo gọi gió nắng lên rồi.
      Trời cao biển rộng ngời thanh khí .
      Thế giới reo vui “ Trump thắng rồi “.

      Hạ Viện điên cuồng đành chịu thua
      Nửa đêm đâm tiết giết Con Lừa
      Phi tang . Chứng cớ vừa gian lận,
      Xếp lại hồ sơ “ một ván cờ “ .

      Thối thế xong rồi một cuộc chơi,
      Còn đâu hy vọng gạt lừa người .
      Biden, tướng sĩ đều vào khám
      Bóc lịch nhìn đời gậm nhắm chơi .

      Chiến thắng tin về khắp mọi nơi
      Donald thắng cử báo tin vui (1)
      Toàn dân nhảy múa vui mừng quá
      Pháo nổ đèn hoa sáng rực trời .

      NGUYỄN ĐÌNH HOÀI VIỆT
      12/15/2020
      ***
      *THI SĨ THA HƯƠNG
      Biếm thi Tha Hương
            TỰ HÀO
      Cảm tác khi thấy tấm hình "LOÀI VẬT OF THE YEAR" của báo Time

      Đội đĩa nâng bi đến thế sao?
      Dám ai qua mặt báo TIME nào?
      Biden gá nghĩa cùng Tàu cộng
      Harris tư tình với chú Brown (Willie Brown)
      Thành tích đã đầy vài LAPTOP
      Công danh còn nặng mấy HẦU BAO
      Thêm người âm phủ bầu gian phiếu
      "Loài vật trong năm" chúng tự hào ....

      Tha Hương
      ***
      *THI SĨ NHẤT HÙNG

      *THI SĨ KIỀU PHONG


      *SA CHI LỆ

      GỬI NGƯỜI BÊN KIA CHÂN TRỜI…

      Bất chợt thu về xõa tóc ngủ trên môi
      em ngất ngây đóa quỳnh lan thơm ngát...
      Nắng chiều len lén khép thẹn thùng
      Sương hé nụ hoàng kim
      chờ đợi phố lên đèn
      thấp thoáng nhớ mênh mong...
      Ta bật hỏi điều gì đang dậy sóng?
      Gọi tên ai chan chứa điệu phù sa?
      Trăng sao hãy xua tan mưa phủ ngập lối nàng
      rủ khát vọng neo bến tương tư...
      Ta mời em hóa thành miền vĩnh cữu...
      hòa nhịp cùng ta làm rung động hàng mi...
      Lắng nghe trong tiềm ẩn nghìn trùng
      thôi thúc bước chân ta phiêu du bay vào vòng sinh lộ
      tươi mát làn da tình cuồng nhiệt...
      bao ước mộng ghì em chết đuối giữa đam mê...
      Cuộc gian truân trang điểm
      gió sương bạc trắng tuổi đời...
      Đa tạ em
      đưa ta vào vùng trời quên lãng nghê thường...
      thèm cắn em rơi từng giọt điên cuồng sóng vỗ…

      TORONTO Ngày tháng ngủ quên
      2020 SA CHI LỆ

      (email: sachile2001@yahoo.ca)
      ***

      • Blogger Comments
      • Facebook Comments
      Item Reviewed: TRANG ĐẶC BIỆT VĂN THƠ NHẠC TÁC GIẢ TÁC PHẨM 16-12-2020 Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ