728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    VŨ HOÀNG Người hùng từng ngăn không tặc lao máy bay vào nhà quốc hội Mỹ

    Người hùng từng ngăn không tặc lao máy bay vào nhà quốc hội Mỹ - Vũ Hoàng

    Tưởng niệm 23 năm, ngày đại tang của Mỹ quốc 11/9/2001 - 11/9/2024


     Bài viết của tác giả Vũ Hoàng.

    Hắn cũng nghiêng mình tưởng nhớ đến những nạn nhân ngày 11/9/2001 .

    Người hùng từng ngăn không tặc lao máy bay vào nhà quốc hội Mỹ

    Vũ Hoàng

    Trong cuộc gọi cuối cùng của cuộc đời, Todd Beamer thông báo anh và các hành khách khác sẽ ngăn chặn một trong những âm mưu khủng bố ngày 11/9/2001.

    Sáng 11/9/2001, Beamer lên máy bay số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines đến San Francisco, California để tham dự một cuộc họp. Sau đó, anh dự định bay về New Jersey vào cuối ngày để có thể ở bên người vợ đang mang thai và hai cậu con trai nhỏ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi những kẻ khủng bố thuộc nhóm al-Qaeda kiểm soát máy bay.

    Theo lịch trình, chuyến bay mang số hiệu 93 của Beamer cất cánh từ sân bay quốc tế Newark, New Jersey, lúc 8h nhưng đã bị hoãn 42 phút do quá tải và tắc nghẽn trên đường băng. Trên máy bay có 7 thành viên phi hành đoàn và 37 hành khách, gồm 4 tên không tặc: Ahmed al-Nami, Saeed al-Ghamdi, Ahmad al-Haznawi và Ziad Jarrah.


     
    Todd Beamer, người dẫn dắt các hành khách trên máy bay số 93 của United Airlines chống lại 4 kẻ không tặc ngày 11/9/2001. Ảnh: Wikimedia Commons.

    Vào 8h46, 4 phút sau khi máy bay 93 cất cánh, một máy bay khác mang số hiệu 11 của American Airlines đã đâm vào Tháp Bắc Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Đến 9h03, máy bay 175 của United Airlines lao vào Tháp Nam.

    Thời điểm đó, Beamer và những hành khách khác trên máy bay 93 không hay biết về những sự việc này. Lúc 9h28, Al-Nami, al-Ghamdi, al-Haznawi và Jarrah mang theo dao và máy cắt, xông vào buồng lái, khống chế cơ trưởng và cơ phó. Họ giằng co với những kẻ khủng bố và một phi công đã nói "Mayday", tín hiệu cầu cứu khẩn cấp, gửi về Trung tâm Kiểm soát Giao thông Đường không Cleveland. Chuyến bay đột ngột giảm độ cao gần 210 m.

    Khi Trung tâm Cleveland cố gắng liên lạc với máy bay, họ nghe thấy một tên không tặc, có khả năng là Jarrah, đưa ra thông báo ớn lạnh vào lúc 9h32. "Thưa quý vị! Đây là cơ trưởng, xin hãy ngồi xuống và ở yên tại chỗ. Chúng tôi có bom trên khoang. Vì thế, hãy ngồi im", hắn ta nói.

    Hai phút sau, máy bay đổi hướng. Những người trên mặt đất nhanh chóng nhận ra rằng máy bay đã bị cướp và nó không còn hướng tới San Francisco nữa. Đến 9h37, máy bay số hiệu 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc ở Washington. Máy bay 93 đang hướng về cùng một thành phố, có khả năng nhắm vào tòa nhà quốc hội Mỹ.

    Các tiếp viên và hành khách hoảng loạn trên máy bay 93 sử dụng điện thoại trên khoang gọi cho người thân. Họ được thông báo về các vụ rơi máy bay ở New York và nhận ra vụ cướp máy bay của họ nhiều khả năng liên quan đến một âm mưu lớn hơn nhiều.

    Beamer cũng gọi điện trong lúc hỗn loạn. 9h42, anh gọi cho nhà mạng AT&T và vợ nhưng đều không thể kết nối. Sau cùng, anh gọi cho các tổng đài viên của GTE Airfone, đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại trên máy bay, và được kết nối với Lisa Jefferson, phụ trách tổng đài GTE Airfone tại Oak Brook, bang Illinois.

    Jefferson nói chuyện với Beamer tổng cộng khoảng 13 phút. Beamer giải thích tình huống không tặc và nói với Jefferson rằng anh cùng những hành khách khác, trong đó có Mark Bingham, Jeremy Glick và Tom Burnett, đang lên kế hoạch chống lại 4 tên khủng bố. Các tiếp viên như Sandra Bradshaw và CeeCee Lyles cũng có ý định tấn công buồng lái bằng những bình nước sôi và vật nặng.

    "Nếu tôi không thể trở về, hãy gọi cho gia đình tôi và nói với họ rằng tôi yêu thương họ đến nhường nào", Beamer nhắn nhủ Jefferson.

    Điều cuối cùng Jefferson nghe thấy Beamer nói qua điện thoại là một câu hỏi anh nói với những "đồng đội" của mình khi tiến về phía buồng lái: "Các bạn đã sẵn sàng chưa? Được rồi, lên thôi! (Let's roll)".

    Cuộc "tấn công" của nhóm hành khách bắt đầu vào 9h57. Những tên không tặc cố gắng khiến máy bay chao đảo để ngăn họ nhưng các hành khách và thành viên phi hành đoàn không nao núng. Qua thiết bị ghi âm buồng lái được giới chức tìm thấy về sau, người ta có thể nghe thấy họ hét lên "Hãy ngăn hắn ta lại!" hay "Hãy bắt lấy chúng!".

    Đến 10h02, một tên không tặc nói "Lao nó xuống!", theo báo cáo của Ủy ban 9/11. "Những kẻ không tặc vẫn nắm quyền kiểm soát máy bay, nhưng chúng có lẽ biết rằng nhóm hành khách sẽ khống chế được chúng chỉ sau vài giây nữa", báo cáo có đoạn.

    Đến 10h03, máy bay lao xuống một cánh đồng gần thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania. Tất cả người trên khoang, gồm thành viên bay, hành khách và 4 tên khủng bố, đều thiệt mạng. Tổng cộng, 19 tên không tặc đã giết khoảng 3.000 người trong ngày 11/9/2001.


     

    Hiện trường máy bay rơi gần thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania. Ảnh: Wikimedia Commons.

    Phi cơ 93 của United Airlines chỉ còn cách Washington khoảng 20 phút bay khi nó lao xuống cánh đồng. Theo thông tin sau này được tiết lộ, Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney đã ra lệnh bắn hạ máy bay nếu nó đi vào không phận thủ đô, nhằm nhằm ngăn chặn thiệt hại tương tự ở Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc.

    Khi Cheney biết chiếc máy bay đã rơi gần Shanksville, ông đã nói rằng: "Tôi đoán một hành động anh hùng vừa diễn ra trên chuyến bay đó".

    Trong lúc người Mỹ đang đau khổ và thương tiếc vì những mất mát quá lớn cả về vật chất lẫn nhân mạng, một số người đã nhìn thấy tia hy vọng khi họ nghe về những người hùng trên máy bay số 93. Nhờ họ, thương vong đã được giảm bớt.

    Todd Beamer trở thành một trong những anh hùng nổi tiếng nhất trên chuyến bay, đặc biệt là với câu nói "Let's roll!".

    Một bưu điện ở New Jersey và một trường trung học ở Washington được đặt theo tên anh. Trường cũ của anh, Đại học Wheaton, cũng mở một trung tâm sinh viên để tri ân anh. Vợ anh, Lisa, đã viết một cuốn sách về cuộc sống của hai người, lấy tiêu đề là hai từ cuối Beamer đã nói: "Let's roll!".

     

     Mảnh vỡ máy bay tại hiện trường. Ảnh: Wikimedia Commons.

    Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với báo Pittsburgh Post-Gazette không lâu sau khi anh qua đời, Lisa cho biết cô và ba con lưu giữ hình ảnh anh trong tim và luôn ghi nhớ câu nói đầy động lực đó.

    "Các con tôi cũng nói câu đó", Lisa cho hay. "Khi chúng tôi chuẩn bị đi đâu đó, chúng tôi nói 'let's roll'. Đó là thứ chúng tôi có được từ Todd", cô bày tỏ./.

     

    Vũ Hoàng

     

      

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: VŨ HOÀNG Người hùng từng ngăn không tặc lao máy bay vào nhà quốc hội Mỹ Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top