728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    TRẦN TRUNG CHÍNH: CHƠI XẤU & CHƠI BẨN-Kỷ niệm về Nguyễn Mạnh Côn-SÀI GÒN ET MOI-CHIẾC ÁO BÀ BA MÀU TÍM

     TRẦN TRUNG CHÍNH: CHƠI XẤU & CHƠI BẨN-Kỷ niệm về Nguyễn Mạnh Côn-SÀI  GÒN   ET   MOI-CHIẾC  ÁO  BÀ  BA  MÀU  TÍM


    C H Ơ I     X Ấ U   và   C H Ơ I     B Ẩ N

    Trần  Trung  Chính

    Trong tiếng Anh – Mỹ, chơi đẹp, chơi xấu và chơi bẩn được thường dùng tuần tự là Fair Play, Mal Play và Dirty Play. Về mặt cấu trúc, fair và mal là prefix ghép vào với danh từ play, trong khi dirty là tính từ (adjective) đi chung với danh từ play.

    Chơi đẹp, chơi xấu và chơi bẩn là 3 mức độ cư xử của các tay chơi tham gia vào các trò chơi hay tham gia vào đấu trường thể thao hoặc tham gia vào đấu trường chính trị. Từ điển Webster định nghĩa Fair Play như sau = the act of fact of abiding by the rule as in sports or games, fairness and honor in dealing with competitors, customers,etc..

    Prefix Mal được định nghĩa la bad or badly, wrong, ill maladroit.

    Tính từ (adjective) Dirty được định nghĩa là dishonest, unsport manlike... thí dụ a dirty player.

    Ngày 6 tháng 12 năm 2017, ngay sau khi Tổng Thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, người viết đã viết một bài bình luận ngắn tựa đề là CHƠI ĐẸP. Hôm nay, đầu tháng tư năm 2024, tôi chọn tựa đề bài viết này là CHƠI XẤU và CHƠI BẨN để bàn luận về chiến tranh giữa HAMAS và ISRAEL bắt đầu từ ngày 7 tháng 10 năm 2023 kéo dài đến nay đã gần 5 tháng mà chưa thấy dấu hiệu ngừng bắn (ngay cả triển vọng hòa bình le lói “cuối đường hầm” như kiểu nói của Henry Kissinger hồi 1972 cũng chưa thấy).

    Không biết các tay lãnh tụ cầm đầu phe HAMAS nói riêng  cũng như phe Arab hung hăng con bọ xít như những quốc gia Iran, Syria, phe Jihad, phe Hezbollah ở Lebanon có biết “một thực tế” trong luật chơi thể thao hay trong luật chơi trong môi trường chính trị cũng tương tự như nhau,  đó là muốn đối tác của mình CHƠI ĐẸP với mình, thì mình cũng phải chơi đẹp với người ta, chớ lúc nào cũng giữ tác phong “jouer papa” (đây là loại tiếng Tây bồi mà  thời đệ lục- đệ ngũ, học sinh chúng tôi dịch từ “thái độ chơi cha ” của tiếng Việt) lúc nào cũng CHƠI XẤU VÀ CHƠI BẨN thì đừng hòng đòi hỏi đối tác đáp ứng CHƠI ĐẸP với mình. Nếu đối tác của mình có sức mạnh tương đương với mình hay yếu sức hơn mình thì họ sẽ “nghỉ chơi” với mình, còn nếu đối tác của mình mạnh hơn mình thì phe “chơi xấu và chơi bẩn” sẽ bị ăn đòn trừng tri, thậm chí còn bị giết (hay bị tàn sát) nữa là khác. Đây là thực tế đã và đang xảy ra trên dải đất GAZA hiện nay.

    TRÍCH DẪN ( từ trang web BỨC TRANH VÂN CẨU mà các dữ liệu trích từ báo Jerusalem Post của Do Thái vào ngày 28 March 2024) như sau:

    As of 1 December, the GAZA Health Ministry reports that at least 15,000 Palestinians (including 6,150 children) has been killed. 36,000 injured and 7,000 missing under rubble, totaling over 58,000 casualties since the war began, is about 2.4% of Gaza’s  2,3 million people

    Theo báo JERUSALEM POST của Do Thái thì Bộ Y Tế Gaza báo cáo rằng ít nhất có 15,000 người đã bị chết, trong đó có 6,150 trẻ con, 36,000 người bị thương và 7,000 người bị vùi lấp dưới gạch đá vụn, tổng cộng là 58,000 người thương vong kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 năm 2023. Tính ra khoảng 2.4% trong số 2.3 triệu dân số của GAZA.

    Tin tức cập nhật vào ngày 6 tháng 4 năm 2024 cho biết số tổn thất 2 bên như sau :

    1/ Do phía Hamas gây ra:

    1.1   Giết hại 1,170 thường dân Do Thái

    1.2    Bắt cóc 250 con tin Do Thái và ngoại quốc (30 đã chết – một số đã được thả hồi năm ngoái 2023, còn lại 130 đang bị giữ ở Gaza)

    1.3   Quân nhân Do Thái hy sinh : gần 200 (tin của Hamas – không kiểm chứng được)     

    2/ Do quân đội Do Thái gây ra

    2.1  Có 33,137 dân Palestine bị chết ( tin của Bộ Y Tế Palestine)

    2.2  Gỡ bỏ vài ngàn phiến quân Hamas và nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo (tin từ Quân Đội Do Thái – không kiểm chứng được)

    Nếu so sánh số thương vong thì Do Thái thắng lớn : 01 mạng Do Thái đổi trên 50 mạng người Palestine  bất kể lớn nhỏ. Trang website BỨC TRANH VÂN CẨU kết luận tiếp theo là có được thắng lợi này là nhờ sự ủng hộ rộng rãi của Hoa Kỳ vừa cả về tiền bạc lẫn về võ khí !! “ Cá nhân tôi cho rằng đây là một nhận xét phiến diện và quá hời hợt 

    Sau chiến tranh 1914 – 1918, phe Đức – Áo và đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ bị thua trận, 2 đế quốc Anh và Pháp chiếm các thuộc địa của đế quốc Ottoman tại bán đảo Arab : Pháp cai quản Syria, Lebanon...còn Anh cai quản vùng Palestine, Iraq, Kuwait, Jordan và những tiểu quốc Arab như Oman, Emirates...Ngay cả Iran và Arab Seoud cũng chịu ảnh hưởng chính trị nặng nề của đế quốc Anh. Sau chiến tranh 1914 – 1918, Tsar Hoàng  triều đại Nicolas II bị lật đổ và Đảng Cộng Sản do Lenine lãnh đạo đã thành lập Liên Bang Soviet, những người Do Thái theo phe Bạch Nga vũ trang chống lại phe Bolshevick của Lenine (người ta gọi họ là Bạch Nga vì họ đội mũ lông chồn màu trắng). Thời gian ngắn sau đó, bộ ba Lenine – Staline – Trostky đánh bại phe Bạch Nga, phe Bạch Nga bị tàn sát và bị đày đi Siberia ở phía đông Liên Sô rất nhiều, một số ít chạy thoát sang các nước Tây Âu, một số khác vượt qua biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ chạy về vùng Palestine đang do đế quốc Anh cai trị.

    Năm 1917, ngoại trưởng Anh là Sir Balfour ký một thỏa ước (mà các sử gia thường gọi là Công Ước Balfour) cho phép người Do Thái đào thoát từ Liên Sô đến nhập cư vùng Palestine. Những người Do Thái này đa số là những chiến binh phe Bạch Nga nên khi định cư ở vùng Palestine họ đã tổ chức thành những kibboutz và đoàn ngũ hóa thành các đoàn thể quân đội để chống lại các bộ lạc của người Palestine địa phương thường hay đi cướp lương thực và cướp gia súc của các cư dân trong vùng. Khi đệ nhị thế chiến xảy ra, tất cả dân Arab vùng Trung Đông đều thiên hẳn về phe Đức Quốc Xã (vì Đức  Quốc Xã đang tiêu diệt người Do Thái). Đế quốc Anh ngấm ngầm huấn luyện, vũ trang và đoàn ngũ hóa những người Do Thái  vùng Palestine để chống lại Đức Quốc Xã. Sau khi Đức Quốc Xã bị đánh bại, sự xung đột giữa người Do Thái và người Arab bùng nổ mạnh khiến đế quốc Anh bỏ rơi vùng này và những người Do Thái ngay lập tức tuyên bố Quốc Gia Do Thái đã tái sinh : các nước Arab khác dưới sự lãnh đạo của Ai Cập đã phát động một cuộc chiến tranh để xóa bỏ nước Do Thái, nhưng cuộc chiến đầu tiên này quân đội phe Arab dù đông hơn gấp bội và được trang bị đầy đủ hơn nhiều vẫn bị thua 60,000 quân Do Thái. Điều đó cũng chứng tỏ là nước Do Thái năm 1948 chưa có được sự ủng hộ rộng rãi  cả về tiền bạc và vũ khí của Hoa Kỳ mà vẫn đạt chiến thắng vinh quang. Điều trớ trêu là khi họp Đại Hội Đồng LHQ công nhận quốc gia Do Thái là thành viên của LHQ thì 5 nước có quyền phủ quyết đều bỏ phiếu thuận.

    Phải thẳng thắn công nhận một thực tế lịch sử là dân Palestine vào thời điểm trước năm 1967 chưa hề có ý niệm “Quốc Gia Palestine” vì đế quốc Ottoman cai trị vùng Trung Đông (khoảng 200-300 năm) chỉ coi những vùng đất mà họ cai trị là những quận, huyện, tỉnh thành về mặt hành chánh mà thôi. Những trận chiến với khối Arab như trận chiến năm 1948, trận chiến năm 1956, trận chiến năm 1967 hay trận chiến năm 1973 chả hạn thì người Palestine ủng hộ phe Arab vì có cùng mục đích đẩy người Do Thái ra khỏi vùng Palestine (và nhất là họ cùng theo Đạo Hồi), nhưng lãnh tụ của Ai Cập lúc by giờ là Thống Chế Không Quân  Answar Sadat khác với Nasser, ông thấy rõ Ai Cập không thể thắng Do Thái không phải vì Hoa Kỳ viện trợ dồi dào cho Do Thái (vì chính Ai Cập cũng được Liên Sô viện trợ đâu có thua gì) nên ông không phí tiền bạc và sức sống  của dân tộc vào những cuộc chiến tranh vô bổ, thay vào đó ông chấp nhận  đòi hỏi của Do Thái là công nhận sự hiện hữu của quốc gia Do Thái và tôn trọng cùng nhau sống chung hòa bình. Năm 1977, qua trung gian của Tổng Thống Jimmy Carter, 2 bên đã ký hòa ước và ngay lập tức Do Thái trao trả bán đảo Sinai mà Ai Cập đã bị Do Thái chiếm trong chiến tranh năm 1973. Vua Hussein của Jordan cũng đạt thỏa thuận tương tự với Do Thái như Tổng Thống Sadat của Ai Cập. Hòa bình giữa Do Thái một bên và phía bên kia là Ai Cập  và Jordan chưa phải là hòa bình vĩnh cửu, nhưng thực tế đã kéo dài hơn 50 năm qua. Vậy tại sao chiến tranh giữa Hamas và DoThái lại bùng nổ dữ dội trong suốt  gần 5 tháng qua ?

    Trước khi bàn luận tới những khía cạnh chi tiết của cuộc chiến này, người viết xin nhắc sơ về vị trí địa dư của GAZA, đó là một dải đất hẹp có diện tích chừng 365 kilomet vuông với 2.3 triệu dân, phía tây được bao quanh bởi Địa Trung Hải, phía nam là bán đảo Sinai của Ai Cập, phía đông và phía bắc bao bọc bởi lãnh thổ Do Thái. Khi chiến tranh xảy ra giữa 2 quốc gia, các binh gia và sử gia thường so sánh các yếu tố như là :

    A. Quân số

    B. Khả năng tác chiến

    C. Vũ khí sử dụng

    D. Khả năng vận chuyển

    E. Khả năng tiếp vận

    F. Khả năng chỉ huy tham mưu và điều động các đại đơn vị của các tướng lãnh.

    6 yếu tố này không được các nhà truyền thông lưu ý tới vì vai trò của họ chỉ là tường thuật tin tức rồi chuyển cho toàn thể các phương tiện truyền thông chuyển đến tận các gia đình xem ngay tại phòng khách hay trên các kênh you tube để khán thính giả xem ngay trên smart phone !

    So sánh 6 yếu tố này trên 2 quốc gia Do Thái  và Hamas ( cứ tạm coi Hamas là quốc gia ) thì rõ ràng Hamas thua kém Do Thái trên cả 6 yếu tố

    A-Quân số Hamas chỉ có khoảng 35,000 trong khi DoThái có thể động binh trên 500,000 quân. Hamas không có quân để điền thế vào những tổn thất nhân mạng !

    B-Khả năng tác chiến của Hamas chỉ có duy nhất là bộ binh, không có không quân, không có hải quân trong khi lục quân của Do Thái có cả thiết giáp, pháo binh,có cơ giới công binh, quân cụ, quân nhu,quân vận , quân y...

    C-Vũ khí : Hamas chỉ có vũ khí cổ điển như súng trường, súng tiểu liên, súng đại liên,rocket cầm tay...nhưng không có bất cứ thành phố quan trọng nào của Do Thái bị trúng hỏa tiễn hư hại.

    D-Khả năng vận chuyển : quân Hamas chỉ có thể lâm trận như những du kích từ địa đạo nhảy lên mặt đất tấn công quân Do Thái thình lình rồi rút lui. Quân Hamas không thể áp dụng vận động chiến để mở rộng địa bàn kiểm soát của mình được.

    E- Khả năng tiếp vận: Hamas không có tàu bè  hay phi cơ vận tải để thả dù tiếp tế lương thực và vũ khí đạn dược bị tổn thất  , tất cả trông cậy vào hệ thống đường hầm đã đào từ lâu, khổ nỗi hệ thống đường hầm này được coi như  không thể sử dụng tới 70-80%.

    F-Khả năng chỉ huy tham mưu và điều động các đại đơn vị của các tướng lãnh : phía Hamas hoàn toàn không có. Năm 1970, Đại Úy Trương Thúc Cổn của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt VN đi du học về Truyền Thanh Truyền Hình tại Fort Lavenworth, ông có gặp một số vị Đại Tá BĐQ và Sư Đoàn BB tại Câu Lạc Bộ cũng đi du học về chỉ huy tham mưu cao cấp tại đây. Các sĩ quan cao cấp của VN cho Đại Úy Trương Thúc Cổn biết là họ học chung với các sĩ quan cao cấp của khối NATO nhưng không bao giờ thấy các sĩ quan của khối Arab, các Sĩ quan cao cấp của VN nói : đó là  khi có đại chiến xảy ra, các sĩ quan của khối Arab gặp sự lủng củng trong việc tham mưu và điều động hàng trăm ngàn binh sĩ tham chiến.

    Trở lại kinh nghiệm từ chiến tranh Viet Nam, quý vị độc giả hẳn chưa quên học thuyết TỨ KHOÁI NHẤT MÃN do Lâm Bưu đề xướng, đó là 1) Tập Trung Nhanh 2) Tấn Công Dứt Điểm Nhanh 3) Thu Dọn Chiến Trường Nhanh 4) Rút Lui Nhanh và muốn đạt được 4 NHANH thì phải CHUẨN BỊ THẬT CHẬM.Trong học thuyết  TỨ KHOÁI NHẤT MÃN này, Hamas chỉ làm được NHẤT MÃN trong khi không làm được bất cứ điều gì trong TỨ KHOÁI cả cho nên phe HAMAS nói riêng và phe Arab nói chung phải chịu tổn thất nặng nề (có thể phải đợi đến hơn 50 năm nữa mới phục hồi tái thiết như tình trạng trước ngày 7 tháng 10 năm 2023 được)

    Anh bạn tôi ở tiểu bang Colorado có nêu thắc mắc là không hiểu tại sao những nhà nghiên cứu về chính trị, về sử học, về tướng số, tử vi... dù được đào tạo hoàn toàn theo Tây học như học giả Nguyễn Hiến Lê, như bình luận gia Vũ Tài Lục, đảng trưởng Lý Đông A của Đại Việt Duy Dân Đảng... lại rất tin tưởng vào Dịch Lý của Trung Hoa, cũng như Mưu Lược và Thủ Đoạn Chính Trị của Trung Hoa...Tôi xin đưa ra nhận xét theo chủ quan của tôi như sau : nước Trung Hoa đã sớm có chiều dầy lịch sử trước các quốc gia Âu- Mỹ tới vài ngàn năm, thí dụ như đời nhà Chu cách nay khoảng 4-5 ngàn năm đã có tới 800 chư hầu, trong khi hiện nay vào thế kỷ 21, số hội viên của LHQ chỉ khoảng 200 quốc gia !

    Về mặt quân sự, 26 thế kỷ trước binh gia Tôn Vũ Tử đã viết quyển BINH PHÁP TÔN TỬ mà cho tới nay quyển này vẫn còn là sách giáo khoa dạy về chiến tranh quy ước của tất cả Trường Võ Bị và Học Viện Quân Sự danh tiếng trên thế giới. Vào thời Lục Quốc nước Triệu với danh tướng Triệu Xa chỉ huy 50,000 quân  đã đánh bại danh tướng Bạch Khởi của nước Tần đang chỉ huy  500,000 quân (đông gấp 10). Và thế kỷ thứ ba, vào đời Tam Quốc, Thừa Tướng Tào Tháo kéo 83 vạn quân đánh trận Xích Bích nhưng thua liên quân nhà Thục và nhà Ngô (do quân sư Khổng Minh và Đô Đốc Chu Du lãnh đạo)

    Có lúc tôi nghĩ rằng quân đội Arab thua quân đội Do Thái vì các nhà lãnh đạo của Arab không bao giờ thèm đọc sách sử Trung Hoa cũng như  không thèm đọc đến Tôn Ngô Binh  Pháp chăng ? (Tôn Ngô là tên ghép của 2 danh tướng Tôn Tử và Ngô Khởi của Trung Hoa cổ đại). Phải chăng các nhà lãnh đạo của Hamas vì thiếu ý thức chính trị cấp toàn thế giới và thiếu tri thức quân sự cũng như thiếu khả năng lãnh đạo quân đội nên chỉ tuân thủ những chỉ dẫn của các ông đạo sĩ đang nắm quyền ở Iran khiến tình hình chính trị và quân sự tại Trung Đông hiện nay  hoàn toàn “bế tắc”.

    Người viết xin nêu ra những hoài nghi mà chúng ta không thấy những nhà lãnh đạo của 2 phe đề cập công khai :

    Hoài nghi thứ nhất :  Có thật là tình báo Do Thái bị Hamas qua mặt nên không biết  Hamas tổng tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023 ? Theo sự nhận xét của cá nhân người viết

    I.1  Công việc đào sâu xuống dưới mặt đất rồi thiết lập một hệ thống đường hầm vừa phức tạp vừa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt không phải chỉ do một nhóm nhỏ thực hiện trong một thời gian ngắn. Chỉ riêng phương tiện cơ giới chắc chắn  Hamas  phải  order từ những quốc gia tân tiến đã sản xuất những phương tiện cơ giới đó. Đó là chưa kể đến thời gian thực hiện hệ thống đường hầm  không phải  là ngắn, do đó không có chuyện các cơ quan tình báo của Do Thái bị Hamas bịt tai, bịt mắt...đến nỗi không biết  nghĩ

    I.2 Hamas không thể vận chuyển vũ khí đạn dược, nhiên liệu, thuốc men, máy phát điện, các phương tiện truyền tin hiện đại và nhất là các phương tiện y khoa hiện đại để thành lập các bệnh viện tân tiến qua ngả Địa Trung Hải được, Hamas chỉ có thể vận chuyển các hàng hóa chiến tranh nói trên qua bán đảo  Sinai của Ai Cập rồi sau đó mới chuyển vào Gaza được.

    Hoài nghi thứ hai : những quốc gia Arab giàu có  như Kuwait, Quatar, Emirates, các Tiểu Vương Quốc Arab đã không thể giúp nhân sự và vũ khí cho HAMAS nhưng họ đã giúp rất nhiều tiền bạc. Chả lẽ họ không biết rằng Hamas gây chiến với Do Thái với kỳ này thì cơ may sống còn chỉ không  quá 10%. Biết đâu trong thâm tâm của họ Do Thái tiêu diệt toàn bộ Hamas thì họ không còn phải bổn phận đóng góp nữa, nếu có thì sẽ cùng các quốc gia khác đóng góp tái thiết cho dải Gaza mà thôi. Dĩ nhiên đây chỉ là suy nghĩ của riêng người viết chứ không có bất cứ lãnh tụ Arab nào lại  “tàn nhẫn” bộc bạch tâm sự như vậy.

    Hoài nghi thứ ba : những ngày gần đây phía Mỹ đã lớn tiếng đe dọa Do Thái 6 mục tiêu (tuy rằng các giới chức Mỹ dùng chữ “khuyến nghị”, nhưng nghe kỹ ai cũng hiểu chính quyền Biden đang kẻ cả ra lệnh bắt buộc Do Thái phải tuân lệnh, nếu không nghe, viện trợ Mỹ sẽ bị thuyên giảm và cắt đứt. Đó là :

    3.1 Để cho 100% dải Gaza được cứu trợ nhân đạo, toàn khắp, từ trên không xuống, từ biển vào và từ các hành lang diện địa.

    3.2 Ngừng bắn tức khắc trên vùng Trung Đông, đương nhiên có cả dải Gaza.

    3.3 Bảo vệ sinh mạng thường dân là ưu tiên số MỘT, ngay từ nay.

    3.4 Giết hại thành viên cứu trợ của cánh phi chính phủWCK (World Central Kitchen) là không thể tha thứ được.

    3.5 Phải chấp nhận việc trao đổi con tin và trao đổi tù nhân,

    3.6 Phải đưa ra kế sách chính trị “rõ rệt” cho Gaza/Palestine, bây giờ và mai sau.

    Thái độ của chính phủ Do Thái ra sao ? : KHÔNG THẤY TRẢ LỜI

    Thủ Tướng Benjamin Netanyahu chỉ phát biểu bâng quơ ai muốn hiểu sao thì hiểu : “Israel will hurt those hurt Israel” (chả lẽ ông lại lập lại một câu của Thánh Kinh Cựu Ước : MẮT ĐỔI MẮT, RĂNG ĐỔI RĂNG” hay sao)

    Thái độ im lặng của chính phủ Do Thái cũng có thể hiểu là  ông Netanyahu không care khuyến nghị của ông Biden vì ông cho rằng ông Biden lên tiếng “khuyến nghị” chỉ vì cuộc bầu cử tại HK sắp tới gần, ông Biden cần ve vãn khối người Palestine ở tiểu bang Ohio và Michigan vậy thôi. 

    Hoài nghi thứ tư : Ngày 1 tháng 4 năm 2024, bất thình lình quân đội Do Thái dùng phi cơ F 16 có khả năng tàng hình đã dùng hỏa tiễn bắn ra đã phá hủy toàn  bộ Lãnh Sự Quán của Iran ở thủ đô Damascus của Syria, với kết quả là  đã giết 7 cố vấn quân sự Iran mà đứng đầu là Mohammad Reza Zahedi, một chỉ huy cấp cao của lực lượng Quds (tức là nhóm biệt kích và bán quân sự tinh nhuệ của Iran hoạt động vên ngoài lãnh thổ Iran)

    4.1 Tình báo của Do Thái biết chắc rằng các cấp lãnh đạo của Lực Lượng Quds có mặt tại tòa nhà Lãnh Sự Quán ở Damascus để dự một cuộc họp bí mật giữa các chỉ huy của Iran và các cấp chỉ huy của Thánh Chiến Hồi Giáo.

    4.2 Đây là lần đầu tiên, Quân Đội Do Thái cả gan oanh kích vào một cơ sở ngoại giao, đi ngược lại  Hiến Chương của LHQ , luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản về quyền bất khả xâm phạm của các tài sản liên quan đến ngoại giao và lãnh sự. Chuyện lớn như thế mà chính phủ Do Thái vẫn giữ im lặng (suy ra chính phủ Do Thái xem các khoản 3.3 và 3.4 vừa nêu trên của chính phủ BIDEN là chả thấm thía gì).

    4.3 Cuộc oanh tạc ngày 1 tháng 4 vào Lãnh Sự Quán của Iran ở Damascus chứng tỏ Do Tháii thay đổi đấu pháp nghĩa là các quấy rối của Hezbollaz ở Lebanon, của Houthi ỏ Yemen, của dân quân thân Iran tại Iraq hay nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo...sẽ được Do Thái đáp trả trực tiếp vào Iran chớ không mất thì giờ rơi vào bẫy “xa luân chiến”’ như cũ nữa. Nói rõ hơn thay vì cuộc chiến đối đầu diễn ra trong bóng tối thì nay trở thành trực diện công khai .

    Hoài nghi  thứ năm : chính quyền Biden đòi hỏi ngưng bắn và mở đường tiếp tế nhân đạo cho dân Palestine tại vùng Gaza là quá có lý (reasonnable), nhưng con cáo già Netanyahu ra lệnh mở cuộc không kích vào cơ sở ngoại của Iran tại Damascus có lẽ để kéo dư luận chính trị của HK và dư luận  thế giới qua hướng khác, nghĩa là không đòi hỏi Do Thái ngưng bắn ngay lập tức trên toàn cõi Trung Đông và phải chấp nhận cứu trợ nhân đạo nhỏ giọt theo sự kiểm soát của Do Thái .

    5.1 Phía Hamas vẫn chưa thể cung cấp danh tính cũng như  location của những con tin còn lại, phải chăng số con tin này đã chết, một phần vì không chịu nổi tình trạng giam cầm quá khắc nghiệt trong thời gian dài trên 6 tháng rồi. Nếu đã chết thì thân xác ở đâu ? Có thể Do Thái đã biết họ đã chết nên phía Do Thái không mặn mà cho lắm với điều kiện này

    5.2 Phía Hamas  có quá nhiều tù binh bị Do Thái giam giữ, trong khi Hamas giam giữ quá ít tù binh của Do Thái.  Chắc chắn ông Netanyahu không  thể nhận về vài tù binh Do Thái để rồi phải thả vài ngàn tù binh của Hamas, đó là một cuộc trao đổi bất tương xứng. Còn nếu trao đổi kiểu một đổi một thì tình thế chả đi đến đâu cả.

    Cá nhân người viết bài tin rằng, ông Netanyahu đang mua thời gian để Quân  Đội Do Thái tiêu diệt toàn thể ban lãnh đạo của Hamas hiện nay cũng như giết chết hầu hết các chiến binh cuồng tín của Hamas. Nhà bác học Albert Einstein đã từng phát biểu : “phá vỡ một thiên kiến khó hơn phá vỡ một nhân của nguyên tử”, vậy chả lẽ nhân dân Palestine không có quyền sinh sống tồn tại như nhân dân Do Thái hay  sao, nên nhớ 2 dân tộc Do Thái và Palestine đều là hậu duệ của Abraham, cuộc chiến kéo dài hơn 70 năm nay đều xuất xứ từ bọn giáo sĩ Hồi giáo của khối Arab. Cuộc sống chung hòa bình giữa Do Thái và các nước Ai Cập và Jordan từ năm 1977 đến nay đáng lẽ phải là “case study” mà nhân dân Palestine phải LEARN thật kỹ  ( xin dịch LEARN là rút tỉa kinh nghiệm)..

    Tôi có được đọc một bản tin nói rằng con rể của cựu Tổng Thống Donald Trump  là Jareh Kutsner (gốc Do Thái) có đi Trung Đông vào tháng Feb hay March gì đó, ông này sau khi quan sát các hệ thống đường hầm ở Gaza bị cầy xới lên, có đề nghị là khi hòa bình trở lại, dân Palestine của Gaza nên chuyển qua vùng sa mạc Neguev của Do Thái ở tạm trong khi chờ đợi HK , Tây Âu và các nước tân tiến khác  như Nhật, Australia, Nam Hàn, Ấn Độ...tái thiết và đầu tư vào Gaza thì mới mong chấm dứt được tình trạng viện trợ nhân đạo kéo dài  và nhân dân Palestine có công ăn việc làm thì sẽ không có tình trạng chiến tranh như hiện nay.

    Điều mong ước đó chỉ thực hiện đượckhi những kẻ “giáo điều trọng căn ” của Hồi Giáo Cực Đoan không còn có cơ hội lãnh đạo cộng đồng và không có cơ hội lãnh đạo đất nước. Gần một thế kỷ chinh chiến + máu lửa + tang tóc và đổ vỡ, tôi tin rằng nhân dân Palestine sẽ chọn lựa tương lai của chính mình bằng trí thông minh chứ không dựa trên những kinh điển vớ vẩn đã lỗi thời (tương tự như các quốc gia Cộng Sản đã vứt bỏ kinh điển Marx – Lenine cũng như đập bỏ các tượng đài Lenine , Staline)

    Viết xong tại San José ngày 9 tháng 4 năm 2024

    Trần Trung Chính

    ***

    Kỷ niệm về Nguyễn Mạnh Côn

    ĐEM TÂM TÌNH VIẾT NÊN LCH S

    Kỳ 1

    Gồm 12 kỳ, sẽ phổ biến trên Báo Quốc Dân trong Tháng 4 năm 2024.

    03/4/2024




    Nguyễn Mạnh Côn (1920-1979), là nhà văn Việt Nam trước 1975. Ngoài tên thật, ông còn ký bút danh: Nguyễn Kiên Trung, Đằng Vân Hầu.

    Nguyễn Mạnh Côn sinh ngày mùng 7 tháng 5 năm Canh Thân (1920) tại Hải Dương, nhưng cư ngụ ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học ở Hà Nội. Năm 1939, ông cộng tác với báo Đông Pháp, và sau đó (1945) là báo Thống nhất. Có nguồn nói rằng năm 1942-1943, ông cũng từng là sĩ quan trong quân đội Nhật Bản, khi đội quân này đổ bộ vào Bắc Kỳ vào tháng 9 năm 1940.

    Năm 1949-1950, Nguyễn Mạnh Côn làm nhân viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, hay còn gọi là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Sơn Tây.

    Năm 1951, ông hồi cư về Hà Nội, rồi đi dạy học tư.

    Năm 1954, ông di cư vào Nam làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó, ông còn viết sách và làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Chỉ đạo (1956-1961), Chủ bút báo Văn Hữu, đồng thời cộng tác với các báo, như: Tia sáng, Tin mai

    Sau 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Mạnh Côn bị chính quyền mới bắt đi học tập cải tạo, và mất ngày 1 tháng 6 năm 1979 khi còn ở trong trại.

    · Việt Minh, Ngươi Đi Đâu? (1957)

    · Đem Tâm Tình Viết Lịch sử (1958)

    · Kỳ Hoa Tử (1960)

    · Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn (1960)

    · Lạc Đường Vào Lịch sử (1965),

    · Con Yêu Con Ghét (1966)

    · Mối Tình Màu Hoa Đào (1967)

    · Giấc Mơ Của Đá (1968)

    · Tình Cao Thượng (1968)

    · Đường Nào Lên Thiên Thai? (1969)

    · Hòa Bình… Nghĩ Gì… Làm Gì (1969)

    · Sống Bằng Sự nghiệp (1969)

    · Yêu Anh Vượt Chết (1969)

    (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_M%E1%BA%A1nh_C%C3%B4n)

    Lời Nguyện Trong Không

    I
    Tôi có người em gái xinh đẹp yêu chồng, trung thành với chồng, không ngớt lo lắng và không ngừng săn sóc cho chồng. Chồng của em tôi là một lính Dù.

    II

    Anh em tôi rất ít khi gặp nhau, không những vì xa nhà, mà còn vì chồng của Duyên mắc nhiều công chuyện nặng nhọc, vì tôi luôn luôn bê bối với những cuốn sách đang in dở dang, hoặc những bài báo lòng thòng năm bảy chục ngàn chữ. Còn về phần Duyên thì nó bận với chồng. Cho nên chúng tôi không thấy mặt nhau thường, nhưng hằng nhớ đến nhau luôn. Đó có lẽ là nguyên nhân khiến cho khi em tôi gặp chuyện khó khăn – khó khăn về tinh thần – thì nó chạy thẳng đến tìm tôi, thay vì tìm những người thân khác gần gụi với nó hơn tôi.
    – Anh đừng cười em, em mới nói!

    Duyên sợ bị tôi chế giễu nên đặt điều kiện trước. Tôi phải nói rõ thêm: Duyên có học khá, rất lịch lãm vì giao thiệp rất giỏi, rất rộng. Như tất cả mọi người có học theo người Pháp, em tôi sợ nhất trần đời là sợ mang tiếng lố bịch. Tôi biết tánh em tôi nên hiểu ngay rằng nó tìm tôi không vì tiền bạc. Cũng không vì công việc chỉ huy lính tráng của chồng nó. Không phải tiền, không phải việc làm ăn, nhưng vẫn là một cái gì quan trọng. Nhìn mắt em tôi đăm đắm, mất hết nét trong sáng và tinh anh mọi bữa, tôi biết nó có điều gì lo nghĩ nặng nề. Nhưng thoắt một cái nó trở lại vui vẻ, và trong sự cười đùa dường như nó có vẻ muốn nhạo báng chính mình.
    Rồi đợi khi bạn hữu của tôi ra về thật hết, nó mới đòi tôi đừng cười nó. Tôi định nói “xong rồi”, như chúng tôi thường nói mỗi khi vui chuyện, để tỏ ý bằng lòng. Nhưng dáng điệu nghiêm chỉnh của Duyên làm cho tôi khựng lại.
    – Được, tôi hứa sẽ không cười cô dâu.
    Duyên nói khẽ cám ơn anh, cám ơn anh… một cách long trọng như đối với người ngoài. Xong nó mới nói tiếp, rành mạch từng tiếng một, mắt quay nhìn đi chỗ khác:
    – Em nằm mơ thấy nhà em chết!

    Có thế thôi, làm suýt nữa tôi bật thành tiếng cười thật lớn, mà may mắn là tôi đã hãm lại kịp. Bởi vì tôi bắt được quả tang em gái tôi, cô Duyên xinh xắn thông minh, cô Duyên kiến thức đầy mình, cô Duyên em gái tôi, dang quan trọng hoá một việc xảy ra hàng ngày cho ngót một triệu người đàn bà, vợ sĩ quan, vợ binh sĩ. Ngót một triệu người vợ lính chắc hẳn không có người nào không nằm mơ thấy chồng mình chết trận, ít ra là một lần trong đời.

    Tiếng cười nghẹn lại đầu cuống họng: bàn tay em tôi đặt trên tay tôi lạnh ngắt. Nó cúi đầu, như nặng trĩu hai vai dưới một gánh nặng quá sức chịu đựng. Tôi nhẹ nhàng vuốt mớ tóc xoã trên bờ vai có vẻ kém đầy đặn của nó.
    – Anh linh cảm thấy có gì đặc biệt. Em nói đi, anh nghe đây.
    Duyên ngước mắt lên nhìn tôi, cười thật buồn. Tôi ra hiệu: em khỏi phải cám ơn nữa, cứ vào chuyện ngay đi. Duyên gật đầu, im lặng trong giây lát, rồi kể, giản dị:
    – Em mơ thấy ảnh nhảy đêm, lạc xuống rừng, bị cành cây đâm tuốt từ sau lưng ra trước ngực. Em sợ quá!

    III

    Tôi cần nói thêm em tôi là một người đàn bà can đảm. Can đảm và bình tĩnh. Hồi còn con gái, chính nó bắt được chồng nó nhảy dù xuống chiến khu. Nó trói anh chàng trong hầm bí mật, ngày ngày đưa cơm xuống cho ăn, và đun nước nóng pha muối lau rửa vết thương nơi chân, chờ anh chàng đi được là nó giải lên ban tỉnh. Được hai mươi mấy ngày, tên tù binh hết đau rồi thì chính hắn đưa vợ về thị trấn. Như thế là nó nuôi trai trong nhà cả tháng mà thầy mẹ chúng tôi không biết. Đến lúc biết thì quá muộn. Nó khóc lóc nói nó thương thằng nhỏ đẹp trai mà hiền lành. Nó khóc mãi, kỳ được thầy mẹ chúng tôi nhận rể mới chịu nín. Xong đâu đấy nó phây phây đưa anh lính nhảy dù vượt năm bảy hàng rào canh gác đến tìm tôi. Tôi nghe nó trình bày cách thức trốn về xuôi mà hết cả hồn vía.
    Giấy tờ? – Của anh.
    Quần áo? – Của anh.
    Võ khí? – Của anh.
    Tiền bạc? – Anh cho.

    Tôi chẳng còn biết làm gì, ngoài việc thu xếp cho hai đứa theo đường thủy về thủ đô. Mười bữa sau chúng nó về đến nơi. Nhưng trước khi về đến nơi, theo chồng nó sau này kể lại, hai đứa đi trên bè bị một toán du kích xã chèo thuyền ra đón bắt. Nó vui mừng tự giới thiệu là nữ bí thư của tôi – tôi ở đây là chồng nó – để cám ơn tụi du kích cứu chúng tôi kịp thời, vì thuyền lớn đi công tác bị tàu bay địch bắn đắm. Tụi du kích mới hơi nghi ngờ nó đã kể một đống chuyện về đồng chí tư lệnh chiến khu, đồng chí chủ tịch tỉnh, đồng chí chủ tịch xã… đều là bạn thân của tôi. Tôi bị đau không nói gì nhiều, chỉ ừ hử và lắc đầu. Nhưng đã có nó… nó nói gì đều đúng, tỏ ra nó là dân địa phương thật sự. Dân địa phương thì tin nhau, nhất là tin nữ đồng chí bí thư xinh đẹp và khéo léo hứa hẹn cả với đồng chí xã đội trưởng, đồng chí xã đội phó, cả đồng chí bí thư xã. Kết quả là hai ngày một đêm ăn uống linh đình, rồi “mượn” một chiếc thuyền tam bản mới tinh tiếp tục đi công tác. Hai đồng chí đội viên du kích cũng được đưa về công tác luôn… trong nội thành. Tôi, nghĩa là chồng của em tôi, trốn thoát hơn một tháng rồi tôi – chính là tôi thật – mới bị bắt vì tội đồng loã với em gái tư thông với gián điệp địch. Tôi bị tuyên án tử hình, có lẽ sắp đến ngày thi hành, thì lại chính một tiểu đoàn dù nhảy xuống thị trấn, giải thoát được hơn hai trăm tù binh. Và tôi.

    Tôi thuật lại câu chuyện trên đây để tỏ rằng em gái tôi không phải hạng người mới trông thấy khẩu súng đã run lên bần bật. Em gái tôi đã chạm trán với cái chết nhiều lần, và em rể tôi càng chạm trán nhiều lần hơn với cái chết. Cho nên một giấc mơ đâu có phải thứ làm cho em tôi sợ!
    – Như em sợ, vì em mơ thấy nhiều lần, lần nào cũng in hệt như thế. Mỗi lần một rõ rệt hơn. Em sợ… em sợ mà không dám nói với ai. Nói với bạn thì chúng nó khinh, làm vợ lính Dù mà nằm mơ thấy sợ thì sợ suốt đời. Em không dám nói với nhà em… Không, nhà em không bao giờ khinh em đau. Có điều ảnh thường nói, con người ta lúc nghèo khổ rất dễ can đảm, đến lúc khá giả, nhất là có con còn nhỏ, là sinh ra nghĩ ngợi vẩn vơ – nghĩ đến nghèo lại sợ, nghĩ đến mất con lại càng sợ. Nhà em cho đó là bằng chứng về những tình cảm tốt đẹp của con người. Nhà em không cười em, nhưng nhất định thế nào cũng lôi mấy ông bác sĩ về nhà hạch hỏi đủ điều để tìm căn bệnh của em.
    – Đúng! Tôi kêu lên. Dượng ấy mời bác sĩ là đúng. Bây giờ, mấy nhà chuyên môn về thần kinh tiến bộ nhiều lắm.
    Em tôi lắc đầu quầy quậy: về y học nó còn hiểu biết hơn tôi nhiều.

    – Em biết! Em biết có ông đoán mộng mà chữa được người điên; có ông đoán mộng mà tìm thấy nguyên nhân, từ 30 năm trước, căn bệnh của một người đàn bà mắc chứng tâm lãnh (1). Nhưng họ sẽ không hiểu gì về những giấc mơ của em. Trước hết, vì khoa chữa tâm bệnh hiện nay mới chỉ do các y sĩ Tây phương nghiên cứu, mà tâm hồn em, em biết khác với tâm hồn người đàn bà Tây phương một trời một vực. Ví dụ người đàn bà Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chịu thiệt với chồng, mà người đàn bà Tây phương không bao giờ chấp nhận điều đó. Vì sao? – Vì người đàn bà Tây phương thèm khát hưởng thụ từ người chồng nên tự nhiên phải có mặc cảm tùy thuộc, thua kém đối với người chồng đó – và đã có mặc cảm thua kém thì luôn luôn có phản ứng đền bù, tức là đòi hỏi được bình quyền và tranh giành mọi ưu thế. Người đàn bà Việt tất nhiên cũng biết hưởng thụ nhưng không coi sự hưởng thụ là một lạc thú không thể không có ở đời, cho nên bề ngoài thì người đàn bà Việt lệ thuộc nặng nề người chồng về sự sống vật chất hàng ngày, nhưng ngược lại, trong lòng lại không cần đến người đàn ông quá lắm… Em nghĩ thế mà cho rằng các bác sĩ thần kinh không thể căn cứ vào những nguyên tắc tâm lý Âu Mỹ mà tìm thấy căn bệnh cho em được.

    – Nhưng em vẫn có thể thử một lần cho đích xác?
    Tôi hỏi.
    Em tôi có vẻ hơi hơi xấu hổ, trong thoáng chốc nó nhìn tôi mà cười, rồi quay đi, má đỏ hây hây. Nó thú thật:
    – Em giấu nhà em, có đến hỏi bác sĩ F. ở Phan Thanh Giản. Ông ta già rồi, nếu không em đã tát cho mấy cái!
    – Phải rồi! Tôi nói. Chắc hẳn lão ta cho rằng người đàn bà đang tuổi khoẻ mạnh và được thoả mãn, nên ngấm ngầm trong vô thức có lo sợ sự mất chồng. Nằm mơ thấy chồng chết, bị đâm suốt và có máu chảy, là sự cố gắng giải toả trạng thái nén tâm, bằng cách chuyển dịch hành động ái ân thoả mãn thành một tai nạn ghê sợ.
    – Đúng thế! Em tôi la lên. Đáng ghét nhất là cái nhìn và cái cười đầy vẻ đồng loã, ra điều ta đây thông minh, ta đây tài giỏi, đã soi thấu cả ruột gan nhà ngươi rồi. Em cố nén giận giải thích cho lão ta hiểu rằng nghĩ về cái chết của một người chồng thân yêu, người đàn bà Tây phương tiếc người đàn ông trước hết, và có than khóc là than khóc cho sự thiệt hại của mình. Trong khi đó, người đàn bà Việt trước hết là thương chồng nằm xuống cô đơn lạnh lẽo, rồi thương con bơ vơ, rồi mới thương mình không nơi nương tựa. Lão bác sĩ già kêu chịu không sao hiểu được. Lão ta nói cứ nghe bà thì người ta có cảm tưởng người đàn bà Việt Nam là thánh. Sau đó lão ta viết cho em một cái toa thuốc bổ, không lấy tiền. “Đáng lẽ tôi phải trả tiền bà về buổi nói chuyện hôm nay”… lão ta bảo thế.

    – Được lắm! Tôi khen viên y sĩ già. ít ra cũng phải thế: đã không giỏi thì phải có can đảm nhận mình không giỏi… Người giỏi là em tôi!
    Duyên có vẻ sung sướng nhận lời khen. Nhưng nó vẫn buồn buồn thế nào.
    – Em không cần giỏi, em cần anh giúp em.
    – Thì em nói đi. Em bắt đầu mơ thấy thế từ bao giờ?
    – Từ mười bốn ngày… đêm nay là mười lăm đêm.
    – Đêm nào cũng thế?
    – Vâng, đêm nào cũng thế. Em giật mình thức giấc vào khoảng từ 4 giờ đến 6 giờ.
    – Cuối giờ Dần đầu giờ Mão, mơ vào giờ này thật lắm đấy!
    – Thật thế sao anh?
    – Thì cũng nghe người ta nói. Có phần nào hữu lý: lúc bây giờ trời đất êm ả, không khí trong lành… Nhưng đoán là đoán bậy mà thôi. Em kể tiếp đi. Giấc mơ bắt đầu thế nào?

    – Em thấy em lâng lâng như đang bay. Rồi em thấy mình đang trong tàu bay. Em từ phía trong nhìn ra cửa mở bên tay trái. Hơn mười lính dù đứng thành hàng một, sát vào sườn tàu bay, tất cả mọ người đều nắm tay vào một sợi dây cáp không lớn lắm. Mọi người đều có vẻ lo ngại. Một người nói: “Gió lớn quá!…”. Em nhìn ra là nhà em. Ảnh đứng ngay sau một người Mỹ. Ảnh không thấy em. Em muốn gọi nhưng không gọi được thành tiếng. Thế rồi có tiếng trong phòng hoa tiêu nói ra, về hướng đi, chiều gió, vận tốc của gió, độ cao… Thế rồi đèn đỏ phựt lên, người Mỹ bước sang bên kia cửa, nhà em khuỵu hai chân lộn ra ngoài.

    Em theo ra. Trời đầy mây, tối mù mịt. Nhưng em vẫn thấy những cánh dù như những bông hoa lẳng lặng tổi trên mặt nước. Mặt nước mênh mông, gió thật mạnh. Một cái dù đã mở tung ra tự nhiên lại cuốn lại. Em nghe rõ tiếng người thúc giục: “Mở ra mày! Mở ra mày!”… không phải tiếng nhà em. Nhà em xuống gần đến đất rồi, bỗng nhiên ảnh kêu lớn, kêu thật lớn: “Chết cha rồi! Lầm rồi! Coi chừng bay ơi! Nhiều cây lắm!”… Ảnh kêu để báo động cho anh em. Trong lúc đó anh đáp xuống vùn vụt. Em muốn la lên khi thấy dù của ảnh bị rách băng mất hai khổ vải. Có lẽ vì thế mà ảnh rớt mau quá. Hoặc giả vì chú ý nhìn để báo động cho đồng ngũ, ảnh co chân, khép gối, rụt cổ, sẵn sàng. Nhưng đúng vào lúc đó em nhận ra một cành cây khô chĩa thẳng lên trời. Ngay đằng sau ảnh, ảnh không nhìn thấy nó… Ngay đằng sau ảnh… ảnh không nhìn thấy nó… trời ơi!

    Tiếng kêu thảng thốt của em tôi in hệt như tiếng kêu chết của một con chim gẫy cánh. Nó ngơ ngác nhìn chung quanh, hai má ướt nước mắt. Không phải một mình nó sợ mà cả tôi cũng sợ. Người ta nói giấc mơ nào hợp lý là giấc mơ báo trước sự thể xảy ra. Sự thật xảy ra. Em gái tôi có bao giờ đi trên tàu bay thả dù, có bao giờ nhảy dù, mà biết điều này điều kia y như thât. Tôi cảm thấy ngay rằng tình không thôi không đủ đem đến cho em tôi những giấc mơ – hay một giấc mơ? – quái lạ như thế. Nhất là, như tôi đã nói, nó không thuộc loại đàn bà ở lì trong gia đình để suốt ngày nhớ đến chồng, nghĩ đến chồng, mà tưởng tượng ra chuyện này chuyện khác. Em tôi tính hồn nhiên vui vẻ nên có nhiều bạn đến thăm hỏi… Vả lại trong khi tôi hoang tàng phá tán hết phần gia tài của tôi thì em gái tôi buôn bán, mở mang. Có thể nói nó giàu lắm, giàu lắm.
    Nhưng tất cả tiền bạc trên thế gian không mua được sự yên ổn trở lại trong tâm hồn cho em tôi. Tôi cố nghĩ đến một điều nào đó…
    – A! Cũng lạ, tôi hỏi. Em nằm mơ đến hơn chục lần rồi mà không có gì xảy ra, thì chắc đâu đã có gì đáng ngại? Người ta nói…
    – Vâng, nó cắt lời tôi. Sau khi thấy mình mơ đến bốn năm lần rồi mà vẫn không thấy gì, em đã hơi yên dạ. Nhưng rồi em mới nhận rõ… em mới nhận rõ cứ mỗi lần sau thấy cảnh nhà em bị nạn, em lại thấy rõ hơn đầy đủ chi tiết hơn lần trước. Ví dụ lúc đầu em chỉ nhận được có mình nhà em thôi, nhưng lần sau em nhận được thêm một người bạn của ảnh, lần sau nữa lại thêm một người bạn nữa của ảnh. Lần đầu nhà em nhảy ra ngoài rồi, em chỉ thấy bóng đen kịt, nhưng mỗi lần sau lại rõ hơn… rõ hơn. Đêm hôm qua…

    Duyên nấc một tiếng khẽ, hai hàm răng cắn chặt chiếc khăn tay. Rồi đột nhiên nó vùng dậy chạy ra cửa. Tôi đuổi theo giữ lại kịp.
    – Em phải can đảm! Dù sao cũng vẫn còn là giấc mơ… chẳng lẽ em nằm mơ chồng em bị nạn khi nhảy mà dượng ấy cứ nằm lì ở nhà cũng chết được hay sao! Anh có thể gọi dây nói cho ông lữ đoàn trưởng yêu cầu ông ấy cho dượng ba nghỉ nhảy một tháng.
    – Anh định nói thế nào?
    – Thì… thì nói như em kể…
    – Không được đâu anh ơi! Vợ nằm mơ mà đòi được cho chồng nghỉ, thì quân đội không còn người lính nào ra trận. Nhà em mà biết thế, ảnh cũng giận…
    – Thì nói cho dượng ấy biết trước?
    – Không được đâu anh ơi! Nhất là hôm nay, em trông thấy ảnh là em muốn khóc. Vì em mơ thấy ảnh em sợ quá rồi!
    – Em thấy dượng ba thế nào?
    – Em thấy rõ mồn một. Như có đèn chiếu riêng cho một mình em. Em thấy máu trào ra, chảy thành dòng xuống áo xuống quần, xuống đất. Lúc đầu ảnh la lớn: “Chết tao rồi, bây ơi!…”, sau ảnh đau quá đưa hai tay níu đầu cành cây như muốn nhoài ra. Máu nhầy nhụa cả hai bàn tya. Sau cùng ảnh ngửa mặt lên, rồi gục xuống, đầu ngoẹo sang một bên vai, cánh tay thõng xuống. ảnh gọi em: “Duyên ơi!”… ảnh muốn nói gì nữa nhưng không kịp. Em muốn gọi ảnh, muốn chạy đến ôm lấy ảnh… ảnh chết rồi… chết thật rồi…!

    IV

    Thật là một giấc mơ ghê gớm. Tôi bắt buộc phải tìm một cách thức nào đó để giúp em tôi: số mạng, nếu đã có và không lay chuyển được, thì cố gắng chống đối cũng hoàn toàn vô ích. Tôi muốn đến gặp em rể tôi, nhưng cũng chỉ vô ích thôi. Bởi nó cũng có học khá và còn chịu khó đọc sách lắm. Đọc nhiều sách, thật nhiều, thì có thể chấp nhận một vài điều phi lý… Nhưng cho dù tôi thuyết phục được cho nó tin thì nó có thể làm được gì? Không lẽ xin nghỉ nhảy “vì sợ tôi mơ thấy tôi bị nạn” hay sao? Đời nào một sĩ quan nổi tiếng can trường như nó, lại chịu lui bước vì một đe doạ viển vông như vậy! Con người ta mất sự kính trọng của kẻ khác còn có thể sống được, chứ mất sự tự tin vào tư cách của mình thì chắc chắn không sống được.

    Tôi không thể nói gì với em rể, nhưng nhất định tôi phải làm gì giúp em gái. Nếu chồng nó chưa chết, mà em tôi cứ tiếp tục nằm mơ như thế một tuần lễ nữa thì chính nó sẽ chết, điên mà chết. Cho nên vấn đề không phải là cứu một sĩ quan dù – vào lính dù, ai nấy đều chờ đợi lượt mình đổ ngã, cũng như người con gái lấy lính dù đã có phần nào nghĩ mình goá bụa – mà vấn đề là xua đuổi giấc mơ ác nghiệt kia đi. Tôi nghĩ chỉ còn một cách.
    – Nghe nói vùng Trương Minh Giảng, Nguyễn Thông có nhà thờ… Đức mẹ Maria thiêng lắm, nhiều người đến nguyện xin điều này điều nọ đều được thoả mãn… Nhiều người trả lễ bảo vật…
    – Em đã đến rồi. Em xin cho nhà em bình yên, em nguyện trả lễ một chiếc cà rá 7 ly.
    – Em đến lâu chưa?
    – Từ tuần trước.
    – Còn ngôi chùa ở Hàng Xanh?
    – Em đến rồi. Ông ta bảo nhà em có hạn nặng trong tháng này, nhưng bản mệnh thì vững.
    – Thế mà em vẫn không hết!
    Duyên chán ngán gật đầu. Bây giờ tôi mới nhận ra mắt nó sâu hoắm xuống, hai gò má nhô cao lên, bắp thịt ở đuôi con mắt trái giật giật. Tôi nắm chặt hai bàn tay run rẩy của em tôi và quyết định.
    – Anh giúp em.
    Hai mắt em tôi mở lớn, ngạc nhiên nhiều hơn hy vọng. Anh giúp em? Anh giúp ra sao?
    – Anh có biết một ông thầy pháp người Tàu, mới trốn từ Trung cộng sang Hồng Kông rồi sang Việt Nam. Ông ta già rồi, có phép thuật giỏi lắm. Anh nói chuyện với ông ta nhiều lần…
    – Nhưng anh có biết nói tiếng Tàu đâu!
    – À… ông ta nói tiếng Pháp.
    – Ông ta là con quý phái, họ Mã… con của tướng Mã Chiếm Sơn, người đầu tiên hạ lệnh kháng Nhật năm 1938 ở Lư Cầu Kiều. Ông ta còn trẻ có du học ở Ba-lê, ấn Độ…
    – A, có thế chứ! Chắc ông ta học phép ở ấn Độ?
    – Nhất định! Ông ta đã tu khổ hạnh bà-la-môn trong rừng… à rừng Tu-la-khê-da mười năm, mỗi ngày chỉ uống bốn ly sữa…
    – Bốn ly sữa?
    – Bốn ly… phải rồi, bốn ly nhỏ bằng ly uống li-cơ.
    – A, có thế chứ! Chắc ông ta có nhiều người nhờ. Em không thấy đăng báo?

    -Ông ta ở trên gác cao, ai có duyên ông ta mới tiếp. Có khi mình đang đi ngoài đường ông ta đã sai người ra mở cửa đón sữa. Mình không nói tên ông ta cũng biết.
    – Giỏi quá nhỉ! Ông ta làm thế nào mà biết được?
    – Ừ, thì thần giao cách cảm mà! Có thế mới đi vào trong mộng mà giúp em được chứ.
    – Đi vào trong mộng? Mộng của em?
    – Chứ sao! Ông ta giác ngộ sắp thành Phật…
    – Sao anh nói ông ta tu theo bà-la-môn? Bà-la-môn làm gì có Phật?
    – Thì… sau đó ông ta bỏ bà-la-môn theo đức Thích ca. Ông ta tịnh khẩu ba mươi năm.
    – Ba mươi năm? Bây giờ ông ta còn tịnh khẩu?
    – Nhất định! Ông ta nói bằng thần giao cách cảm không? Nói không thành tiếng!
    – Sao bảo ông ta nói chuyện tiếng Pháp với anh?
    – Thì thần giao cách cảm cũng phải có hình ảnh chứ! Có hình ảnh cũng phải có danh từ, động từ, để diễn tả hình ảnh chứ!
    – Phải rồi! Có nhiều cuốn sách về tê-lê pa-ti. Ông ta giỏi thật đó! Ông ta giúp người có lấy tiền không anh?
    – Có! Ông ta lấy ba trăm ngàn, đưa trước hai trăm ngàn, một tấm ảnh mới chụp của cô, một tấm ảnh chụp chú mặc đồ trận.
    Em tôi có vẻ tin tưởng hơn khi thấy số tiền lớn. Không có ông thầy nào mới lần thứ nhất đã đòi đến hai trăm ngàn. Hai trăm ngàn là giá một chiếc xe 4 ngựa còn mới. Nhưng em gái tôi giàu có. Hai trăm ngàn đủ nhiều nhưng chưa xót ruột.
    – Nếu có thấy nhiều quá, anh có thể nói ông ta bớt cho cô.
    – Không, chỉ cần ổng thiệt giỏi. Thiệt giỏi thì hai trăm cũng đáng.
    – Giỏi thì bảo đảm mà.
    – Để em gửi anh một cái chi phiếu. Rồi em về nhà lấy ảnh.

    Khi em tôi trở lại, tôi đã sẵn sàng. Sẵn sàng một vụ lừa đảo lấy hai trăm ngàn. Thật ra tôi không cần được số tiền, nhưng em tôi cần mất nó. Vì tất cả mọi người, khi thấy nguy hiểm đe doạ đến vợ chồng hay con cái họ, đều thấy cần được tổng cậy vào một thế lực siêu nhiên. Người đàn bà ngày thường sáng suốt và cứng cỏi đến đâu mà sợ mất chồng, mất con, cũng tìm đến thầy bói, thầy ngải, thầy pháp – ở Việt Nam, Hoa Kỳ hay Liên Xô cũng thế. Em gái tôi cũng thế. Tôi tính số tiền vừa đúng cho nó chú ý, trong sự giàu sang của nó. Nói ít nó coi thường.

    Công việc của tôi là làm sao cho em tôi tin tưởng có một sự giúp đỡ vô hình bên cạnh nó. Tôi không có tài cán gì giải thích giấc mộng lạ lùng. Nhưng tôi cố gắng trả lại sự yên ổn cho tâm hồn nó. Một người như em tôi không thể vì cái chết mà bấn loạn thế: nguồn gốc sự khích động là tình trạng bất lực của nó trong giấc mộng.

    Mục đích của tôi nhằm làm cho Duyên có cảm tưởng làm được một việc nào đó giúp chồng. Tôi phải giảng giải cho nó nhiều về những giấc mơ mà trong đó không phải chỉ năng lực của thân xác mới có khả năng tác động mà thôi. Nhu cầu sinh lý, cảm quan của trẻ thơ, nếu bị đè nén, có thể ảnh hưởng đến một giấc mơ nào đó. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Bởi người ta phải hiểu mình nằm mộng với ký ức của mình, nhưng cũng có khi với ký ức của người khác. Như em tôi thấy cảnh nhảy dù mà chỉ chồng nó biết rõ. Và cũng có thể người ta nằm mộng thấy một hình ảnh không thật sự có trên đời, như có lần, tôi mới lên mười, mơ thấy bị nhiều con vật quái đản đuổi theo để giết: tôi trèo lên mái nhà, ngọn cây, đều bị chúng húc đổ tan tành. Tôi sợ quá mà tỉnh giấc, mồ hôi vã như tắm, tim đập liên hồi, đến mấy đêm sau còn sợ.

    Ý tôi muốn nói rằng linh hồn người ta là cả một sự chắp nối phức tạp và lâu dài những xúc cảm và những hình ảnh. Chúng ta gọi đó là những ký ức. Có điều, thiên hạ nói đến ký ức thì chỉ nghĩ đến những xúc cảm và hình ảnh riêng biệt, mà chỉ có ý chí của người ta, lúc tỉnh mới tập hợp lại thành một chuỗi dài có ý nghĩa như một sự kiện, hoặc tiến xa hơn, so sánh nhiều sự kiện để rút ra một kết luận – công việc mà thiên hạ gọi là suy luận. Nói tóm lại, người ta nghĩ về linh hồn như một sự vận động của ký ức, chỉ hiển hiện khi người ta tỉnh táo: mắt mở, tai nghe, mũi ngửi v.v…

    Tôi thì tôi nghĩ khác. Người ngủ, hay người chết, có một phần giống nhau là mắt nhắm, miệng ngậm, thân thể ở yên… Nhưng ở người chết thì tim ngừng đập, máu ngừng chảy, khí ốc-xy không theo máu luân lưu trong cơ thể, nên mọi bộ phận đều ngừng hoạt động, các giác quan đều nghỉ làm việc và thân xác nguội dần vì năng lực liên lạc không còn cơ sở, tiết dần vào khoảng không. Ở người ngủ thì chỉ có hai con mắt được thật sự nghỉ ngơi, còn tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi, da thịt vẫn xúc cảm – một tiếng động lớn, một mùi thơm gắt, một luồng gió lạnh, có thể làm cho người ngủ tỉnh giấc; tỉnh giấc sau tiếng động, mùi thơm hay luồng gió, mà vẫn có ký ức, dù mơ hồ, về các sự kiện đó – nên có thể nói là một phần linh hồn vẫn ở trong thân thể; đó là giác hồn.

    Còn một phần có khả năng rời cơ thể, làm một cuộc du hành dài hay ngắn trong không gian. Đó là phần ý thức, vì không có cơ sở giác quan nên không thấy được cảnh vật chung quanh như lúc tỉnh, nhưng ngược lại, anh hồn – tôi gọi phần ý thức này là anh hồn – có thể giao tiếp với anh hồn của một hay nhiều người khác, và, với tư chất ký ức trong khoảng không có thể giao tiếp với khoảng không, là sự tụ họp của anh hồn của tất cả các thế hệ người đã sống. Chính sự giao tiếp đó tạo nên những giấc mơ: mơ kỳ dị, quái đản, mơ không đầu đuôi, nhưng cũng có khi mơ thấy cảnh tượng mà trong tương lai, gần hay xa, người nằm mơ sẽ gặp.

    Tôi tin có những giấc mơ như vậy, nhưng tôi không tin có một định mệnh an bài. Tôi có cảm tưởng rằng một người tỉnh có thể không có ý muốn này, ý muốn khác – như em tôi không thể có ý muốn thấy chồng gặp nạn chết – nhưng có thể là để đáp lại một phản ứng thầm kín nào trong đáy sâu tâm linh của người đó. Sự giao tiếp giữa anh hồn của hắn với khoảng không đã có một kết quả là một vùng năng lực rất lớn được vận dụng để tạo thành sự thật những gì mà người đó thấy trong giấc mơ… Em tôi ngồi yên nghe tôi nói, chỉ hơi cười trong ánh mắt. Tôi biết nó không hiểu, hoặc không, khoảng không đã là “không” thì còn năng lực nào để tạo thành cả một cảnh tượng có thật ngoài đời? Vả lại, đã là một cảnh tượng của Định Mệnh thì không có cố gắng nào thay đổi được.

    Sự chất vấn của em tôi có lý trong giới hạn hiểu biết thông thường hiện đại. Tôi không cãi mà chỉ kể cho nó nghe – cho nó nhớ lại thì đúng hơn – trưởng hợp bà vợ tướng De Gaulle nằm mơ bốn đêm liền thấy chồng mình bị bắn chết bởi 3 phát đạn trung liên, khi chiếc xe của ông vừa đi khỏi một cây cầu nhỏ và một quãng đường vòng cung. De Gaulle nói với vợ: “Bà hãy cầu nguyện cho tôi”. Rồi quên đi. Hai ngày sau ông ta đi một chiếc xe DS.21 có mô-tô hộ tống, theo đường bộ về nhà riêng, cách Ba-lê khoảng 200 cây số. Đoàn xe đi chậm lại để qua cầu, rồi tiếp tục đi chậm trên con đường uốn cong về phía trái. “Uốn cong về phía trái” bà De Gaulle nói như thế và nói tiếp: “Ông ngồi bên traí”…

    De Gaulle nhận ra mình ngồi bên trái thật, khác hẳn lệ thường ông ta bao giờ cũng ngồi bên phải. De Gaulle giật mình, một sức mạnh nào đẩy ông ta sang góc xe bên kia, vừa lúc súng nổ, ba viên đạn xuyên qua thành ghế nơi ông ta vừa tựa lưng – một viên khác xuyên thủng vỏ sau xe, nhưng bánh xe thuộc loại không bể (vì chia làm nhiều ngăn?) nên chỉ mất một phần hơi mà không xẹp: người quân nhân lái xe nhấn mạnh ga thay vì ngừng lại… Kinh nghiệm của gia đình De Gaulle được nhiều báo thuật lại, sau khi ông ta chết. Người sùng đạo tin chắc là nhờ bà vợ thành tâm cầu nguyện mà ông chồng thoát nạn. Nhưng cũng còn nhiều trường hợp khác, mà người ta có thể kể suốt ngày không hết. Điều quan trọng là không tin tưởng một cách mù quáng, nhưng vẫn phải có sự chấp nhận, chấp nhận để không chống đối, kháng cự… kháng cự làm cho tâm hồn tê điếng, chính là nguồn gốc của trạng thái kinh hoàng bất lực của người trong cuộc.

    Tôi muốn nói, như con thuyền giữa cơn giông tố, chỉ có cách thuận theo chiều gió mới có hy vọng sử dụng đến bánh lái phần nào. Như người không biết bơi lỡ té xuống dòng sông chảy xiết, việc phải làm trước hết là tuyệt đối không vùng vẫy: cứ mặc cho làn nước đưa đi thì tất nhiên cả người sẽ nổi lên mặt sóng.
    Tôi muốn bảo em tôi đừng sợ, đừng buồn… nhưng lời nói nào, trong lúc này cũng vô ích. Tôi không thể khuyên nó cầu nguyện, vì, cũng như tôi, nó có nhiều lẽ phải quá trong đầu óc. Bởi thế, tôi đành phải lừa dối nó.

    V
    Sau đây là bức thư mà Duyên gửi cho tôi từ Đà Lạt.

    Anh thân yêu,
    Em cứu được nhà em rồi, đáng lẽ đến báo tin mừng cho anh, nhưng nhà em về đến nhà đã gần sáng, mà 8 giờ có máy bay chờ sẵn đưa chúng em lên nghỉ trên này cho nhà em bình tĩnh trở lại, nên em không đến được. Vả lại, em tin chắc ông thầy đã biết hết, và đã kể hết với anh.
    … Bây giờ em nghĩ lại, mới thấy thật may mà em đã nghe lời ổng, làm hết mọi việc đúng như anh dặn. Em nói thế, anh đừng buồn, tội nghiệp em. Mong anh hiểu cho em… người có đôi chút học vấn, mà bảo em… à, mà thôi, để em thuật lại có đầu đuôi anh mới hiểu cho em nhiều hơn.

    … Lúc em ở đằng nhà anh ra về thì đồng hồ đã chỉ 12 giờ. Em sửa soạn đón nhà em về ăn trưa, rồi chờ ảnh đi ngủ mới bắt đầu tìm kiếm trong mớ kỷ vật bề bộn từ khi thầy mẹ còn sống để lại, mãi gần 2 giờ mới thấy mấy đồng cắc bằng bạc và chiếc khăn tay của em thời con gái. Mãi hơn 3 giờ nhà em mới đi làm. Em lên lầu mở cửa sổ ngồi chờ. Trong khi chờ, em thấy lố bịch quá. Em băn khoăn mấy lần định bỏ xuống dưới nhà, nhưng không hiểu sao vẫn ngồi yên.

    Đúng 4 giờ, ông già câm xin ăn đi qua. Ông ta ngước nhìn lên em, em làm dấu quyết đúng như anh dặn. Ông ta dừng lại chờ.
    Em xuống, mở cửa ra đường, vừa đi vừa đếm nong, thoong, than, thí, hả, hốc… đến thíp thì em dừng bước, chân phải trước, chân trái sau. Ông già ăn xin, quần áo rách, nhưng khá sạch sẽ đưa cho em tờ giấy vẽ bùa và hai đồng cắc bằng chì. Em nhìn đúng năm 1960 và so đúng hình ông Diệm ngược đầu với bó lúa. Em đưa hai đồng cắc bạc, em nhớ năm 1927 và 1931, cho ông ta, với chiếc khăn tay.

    Em trở lên lầu, ngồi nhìn mãi lá bùa. Em tưởng như không thể nào làm theo lời anh được. Nhưng rồi sau em nghĩ đến nhà em, em nghĩ vợ chồng hy sinh cho nhau đến thế nào còn được… Em đốt lá bùa vừa thả dần vào ly nước, vừa đọc thần chú, xong em nhắm mắt uống cạn cả ly. Rồi đúng 6 giờ, em đi bộ ra đường, đi bộ đến bến sông, ném thật xa hai đồng cắc vào đêm tối. Em về đến nhà đã hơn 9 giờ. Nhà em chưa về, nhưng chỉ một lúc sau em được sĩ quan trực ở văn phòng gọi dây nói cho biết nhà em không về: khoảng quá nửa đêm có nhảy tập phản phục kích.

    Từ bấy giờ trong lòng em như lửa đốt. Em không sao ngồi yên đứng yên được. Em lên lầu xuống lầu cả mấy chục lần. Mãi hơn 12 giờ em mới đi nằm, nhưng cũng không sao ngủ được. Em vùng dậy mở cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Trời trong vắt, có trăng, có sao. Em thấy hơi vững bụng. Nhưng chỉ được một lúc thôi, vì sau đó những đám mây lớn ở đâu kéo đến đầy khắp. Em bắt đầu sợ trở lại. Nhưng em sợ mà không thấy bối rối trong lòng như mấy bữa trước. Em tì tay vào khung cửa, liên miên những hình ảnh cũ: hồi chúng em mới gặp nhau, khi chúng em đi trốn trên sông Thao, hồi nghe tin anh bị bắt…

    Quá khứ, quá khứ… từng trải bao nhiêu gian nguy, em được hưởng nhiều hạnh phúc mà em không biết. Em cảm động, em muốn cảm ơn, em thấy cần được cầu nguyện. Nhưng không lẽ em cầu nguyện những vị mà ngày thường em không nghĩ tới? Em không làm như thế được… trong lúc băn khoăn, em chợt ngẩng mặt lên trời cao có mây đen vần vũ. Một nửa tâm hồn em bỗng nhiên mở rộng: em cầu nguyện bâng quơ vào khoảng không. Xin đất trời phù hộ. Tiếng em nhỏ và đều, ru em vào giấc ngủ. Giấc mơ quen thuộc lại bắt đầu, nhưng lần này em nghe rõ tiếng em cầu nguyện. Thế là đủ. Em biết sự gì sẽ xảy ra. Em tiếp tục mơ thấy nhà em trên máy bay, lại thấy cái dù mất hai khổ vải… Em thấy rõ ảnh níu một bên dây, kéo hết sức để quân bình chỗ trống. Em theo ảnh rớt xuống đu đưa theo những cơn gió mạnh. Em thấy em yên ổn, bình tĩnh. Em nhận được cành cây sớm hơn mọi bận. Như chỉ chờ có thế thôi, em la hết sức lớn: Anh! Coi chừng! Anh ơi!…”. Tiếng em la chưa dứt, em thấy nhà em ngẩng mặt lên thật nhanh, cúi xuống nhìn thật nhanh. Rồi em thấy cả người ảnh như co lại, như bổng lên và tạt sang bên cạnh. Mũi nhọn của cành cây vút qua xượt ngang vai ảnh…

    Em thức giấc, nhận ra mình ngủ quên, gục đầu trên bậu cửa sổ. Em đóng cửa, vào giường ngủ một giấc thật say. Gần 6 giờ nhà em về. Em bình thản, nhưng nhà em tái xanh. Em mở cửa, ảnh ôm chầm lấy em, hôn lên đầu, lên cổ. Trong khi đó thì tay nhà em run run, đầu gối nhà em lập cập. ảnh đi không muốn vững. Về đến nhà, gặp được vợ con rồi, ảnh mới thấy tai nạn vừa qua ghê gớm biết bao. “Thằng phi công nhận nhầm tín hiệu, thả dù cách xa địa điểm hơn 10 cây số, đúng vào khu rừng thưa,… nghĩa là con sông nhỏ mà thật sâu. Cả tiểu đội chỉ huy chết 8, bị thương 2, trong đó có 6 đứa chết đuối vì đêm tối, dù quấn vào người, không thoát ra được”.

    Trong số người chết có Trung úy H., bạn thân của nhà em. Trung úy H. mới lấy vợ được một năm có đứa con vừa vặn ngày sinh nhật đầy tuổi tôi: đang vui với bạn bè thì có xe đến gọi đi gấp. Khi nhảy, anh nhảy sau cùng, cách mặt đất còn bốn năm thước thì một cơn gió mạnh đánh tạt dù vào một cây sồi không cao lắm. Nhưng một cành sồi gãy chỉ còn một đoạn dài hơn gang tay, lọt giữa vành mũ và cổ áo, xuyên ngập vào gáy anh, và như cái đinh treo anh lơ lửng, hai chân cách mặt đất hơn một đầu người. Hình như H. không thấy đau, vì anh kêu gọi đủ tên các anh em trong tiểu đội. Anh bảo nhà em đi gọi vợ con anh đến. Nhưng sau đó anh bị mê man. Dưới ánh sáng đèn chiếu của trực thăng cấp cứu, bác sĩ và mọi người không tìm cách nào đưa anh xuống được…
    Trung uý H. chết trước khi trời sáng rõ, trước khi trực thăng lớn đưa đủ dụng cụ đến cưa cành cây. Nhà em đã chứng kiến nhiều cái chết nhưng chưa bao giờ ảnh gặp một cái chết phi lý, dữ dội như vậy. Nhất là chính nhà em suýt nữa cũng phải chết một cách tương tự. “Anh không hiểu được. Không hiểu được. Không phải anh tưởng tượng, không phải anh nghĩ đến em – trong giây phút đó, bất cứ ai cũng chỉ nghĩ đến những việc phải làm – nhưng rõ ràng anh nghe tiếng em gọi anh “Anh coi chừng, anh ơi!…”.

    Anh giật mình ngẩng nhìn, nhưng vội cúi xuống ngay, vừa vặn thoáng trông thấy mũi nhọn từ dưới đâm lên. Anh hết sức đu lên cánh tay phải, văng cả người theo. Anh thoát chết trong gang tấc, chỉ bị móc rách một bên vai áo… “Chỉ rách một bên vai áo!”. Anh ơi, em cảm động và hối hận biết bao vì anh cứu vợ chồng em và em không tin, mà có lúc em định không làm như lời anh dặn. Trong lúc mừng rỡ, em chỉ biết ôm lấy nhà em mà khóc hoài, không sao nín được. Em cũng không sao kể ngay cho nhà em nghe nằm mơ thế nào, và anh giúp em thay đổi giấc mơ thế nào. ảnh sẽ không tin và em sẽ rất buồn.

    Vì thế em nín lặng giữ chặt cái vui của em trong lòng. Cả đến khi nhà em cởi dây tháo giày ra khỏi chân, có hai đồng bạc cắc rơi ra em cũng không nói, mặc cho ảnh cằn nhằn em tin nhảm: “Em giấu tiền vào giày anh thế này, khi nhảy đụng mạnh xuống đất, rủi đồng cắc nằm nghiêng, nó có thể ngập vào chân anh”. Em rúc đầu vào nách ảnh để cười một mình. Rồi em khẽ nhặt hai đồng cắc bạc gửi biếu anh đây, để anh giữ làm kỷ niệm…

    Một lần sau cùng, vợ chồng em quyết không bao giờ quên được những ngày vừa qua. Nhà em sau khi nghe em kể chuyện, đồng ý với em rằng hiểu thì không hiểu được đến tận ngọn ngành, nhưng chồng em có thể tin – chúng em rất tin thì đúng hơn – có sự giao tiếp, vay mượn ký ức giữa anh hồn của một người đang ngủ và anh hồn của một hay nhiều người khác. Chồng em tin rằng cái cảnh tượng được tạo ra do ý muốn của một anh hồn có thể được thông báo cho chân không để chân không đào tạo nên cảnh tượng đó trong thực tế. Em không mường tượng nổi tại sao trong vô thức của em lại có thể có sự gặp nạn của nhà em, nhưng em thành thật tin tưởng rằng nhờ quyền phép của ông thầy và sự chỉ dẫn của anh, và nhờ tình thương yêu của em đối với chồng em, mà em xâm nhập được vào giấc mơ, mà em cất được lời cầu nguyện trong khoảng không, mà giữ được tinh thần tỉnh táo và chủ động để can thiệp cứu nhà em đúng lúc… xưa nay chưa bao giờ có người cố gắng giải thích những giấc mơ báo trước tương lai; người ta gạt phăng đi không tin, hoặc nếu tin thì cho đó là sự hiển hiện của Định Mệnh, mà đã nói đến Định Mệnh thì làm gì có sự thay đổi, sửa chữa được.

    Anh là người đầu tiên giải thích những giấc mơ, ông thầy là người đầu tiên đưa người đang sống vào khu vực linh thiêng của chân không và anh hồn, còn em là người đầu tiên thay đổi được giấc mộng của chính mình. Sau một nửa tháng kinh hoàng, anh biết không, hôm nay em hãnh diện không ít!

    Em chỉ tiếc có một điều là không tìm được cách nào để kể câu chuyện của em cho mấy người bạn. Mấy lần em định kể, nhưng muốn kể thì phải giải thích, mà em giải thích không được, không lẽ cứ mỗi lần kể lại đời có anh ngồi bên cạnh hay sao? Em gái thân yêu của anh.

    Thiếu Duyên

    Tái bút – Em vừa tìm thấy trong túi bộ đồ trận của nhà em chiếc khăn tay, còn y nguyên nếp gấp. Kể cũng lạ: không biết ông thầy làm cách nào mà bỏ được nó vào túi nhà em… Cũng như hai đồng bạc cắc, em xem lại đồng niên hiệu 1927, 1931, làm sao vào được giày nhà em mà nằm… Nhưng mà thôi, anh hiểu được cái gì anh hiểu, còn cái mà em thấy, mà em không hiểu nổi, thì em gọi nó là thiêng liêng huyền bí – ở trong sự chuyên chở và bao bọc của Chân Không, như anh thường nói!

    VI
    Tôi đọc đi đọc lại bức thư của em tôi, cố tìm xem nó có ý định trêu cợt gì tôi không. Vì trong tay tôi lúc ấy có đến hai chiếc khăn tay và bốn đồng bạc cắc. Như các bạn đoán biết, sau khi ông bạn già của tôi – ông bạn già trong một chỗ chơi bời không lấy gì làm sang trọng lắm – đóng vai người ăn mày câm đổi hai đồng cắc và đưa em tôi lá bùa, lá bùa do tôi vẽ, ông ta đã trả lại cho tôi cả chiếc khăn tay lẫn hai đồng cắc bạc. Như vậy thì khăn tay nào, bạc cắc nào, mà ai bỏ trong túi, trong giày người lính dù, em rể tôi?
    Ơ hay! Có lẽ đâu những điều tôi tưởng bày đặt ra, để trấn an em tôi, đều là thật cả!
    Ngày 9 tháng chạp năm Tân Hợi

    Khi kết thúc truyện, xin có thêm mấy lời sau:
    Thông qua nhiều bạn bè viết văn của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, báo Văn nghệ đã nhiều lần tìm kiếm người thân của ông ở Sài Gòn để xin phép in truyện ngắn Lời nguyện trong không nhưng đều không được, trong khi, nhiều bạn đọc lại có nguyện vọng được biết về sáng tác của ông. Rất có thể sự tìm kiếm của chúng tôi còn chưa hết, nếu vậy rất mong người thân của nhà văn thông cảm, và xin mời đến toà soạn hoặc các văn phòng đại diện của Văn nghệ nhận báo biếu cùng nhuận bút.
    V.N

    Văn học miền Nam 54-75 (550): Nguyễn Mạnh Côn (kỳ 1) | Văn Việt (vanviet.info)

     ***

    SÀI  GÒN   ET   MOI

    Trần Trung Chính

    Tác phẩm SAIGON  ET  MOI  là hồi ký của Đại Sứ Francois  Jean Marie Mérillon của Tòa Đại Sứ Pháp tại Sài  Gòn ( Đại Sứ Mérillon bị Lê Đức Thọ bắt buộc phải rời Sài Gòn ngay lập tức vào ngày 2 tháng 5 năm 1975 và Tòa Đại Sứ Pháp trên đường Hồng Thập Tự @ đường Hai Bà Trưng bị đóng cửa, sau đó trở thành Tòa Tổng Lãnh Sự Pháp vì chính quyền Hà Nội chỉ công nhận duy nhất Tòa Đại Sứ PHÁP tại Hà Nội mà thôi.)

    Quyển SAIGON ET MOI ra mắt tại Paris ngày 23 May năm 1985, nhưng sau đó, Bộ Ngoại Giao Pháp ra lệnh thu hồi nên độc giả khó tìm được sách này để mua. Ông Vũ Hải Hồ đã mua được quyển sách này ngay trong ngày ra mắt sách 23 May năm 1985 và sau đó được ông Đặng Kim Thu Khóa 19 VBQG Dalat dịch ra Việt Ngữ và giới thiệu. Tôi vượt biên năm 1987 và đến Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1989, mãi cho đến khoảng 1993 – 1994 mới được đọc bản dịch của quyển sách này trên các báo Việt ngữ (thời điểm đó internet chưa thông dụng như bây giờ). Vài năm sau (khoảng 1998-1999) tôi lại được đọc trên net bản dịch quyển sách này do Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa phiên dịch. Được biết Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa là sĩ quan binh chủng Thiết Giáp/QLVCH, tốt nghiệp Khóa 5 Trường VBQG/Dalat, nguyên  Tỉnh Trưởng tỉnh Vĩnh Long và  sau năm 1973, ông là thành viên cao cấp của Ban Liên Hợp Quân Sự 2 Bên dưới quyền của Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp.

    Bài viết SAIGON ET MOI  này không phải là bài viết mang tính “điểm sách” mà là những điểm bổ sung thêm vào những sự kiện lịch sử trong khoảng thời gian đầu thập niên 1970 mà Đại Sứ Mérillon vì nhiều lý do khác nhau đã không nêu ra trong quyển sách này.

    Những điểm bổ sung này xuất xứ từ những nhân vật có liên quan trực tiếp đến lịch sử của VNCH, tôi xin liệt kê tên tuổi các quý vị đó như sau :

    1/ Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình năm sinh 1930, nguyên Tư Lệnh CSQG, nguyên Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương của VNCH, hiện vẫn còn minh mẫn và cư ngụ tại San José tuy sức khỏe có phần giảm sút khi ông phải di chuyển bằng xe lăn khi đi ra ngoài.

    2/ Trung Tá Nguyễn Mâu sinh năm 1932, tốt nghiệp khóa 11 trường VBQG Dalat, nguyên Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Giám Đốc CSQG dưới thời Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Trung Tá Nguyễn Mâu nhỏ tuổi hơn Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình nhưng yếu hơn nhiều, ông bị điếc nặng và phải ngồi xe lăn ngay ở trong nhà, cá nhân tôi chỉ liên lạc được với ông qua email mà thôi.

    3/ Trung Tá Hồ Văn Thống, sinh năm 1927, tốt nghiệp khóa 10 trường VBQG Dalat, chức vụ sau cùng là Chủ Sự Phòng An Ninh Quân Đội Quân Khu I, Trung Tá Hồ Văn Thống đã cùng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và toàn Ban Tham Mưu của QĐ I lên tàu HQ tại bãi biển Sơn Chà vào cuối tháng 3/1975. Tướng Trưởng cũng đã khuyến cáo Trung Tá Thống không nên ở lại VN, nhưng Trung Tá Thống vì lý do gia đình không thể theo Trung Tướng Trưởng lên máy bay đi Mỹ vào tháng 4/1975 và sau này 1981 khi tôi bị giam chung tại trại Bình Điền, Trung Tá Thống đã bày tỏ sự hối tiếc vì đã không theo lời khuyến cáo của Trung Tướng Trưởng. Hiện nay, Trung Tá Hồ Văn Thống vẫn còn sống và cư ngụ tại San José, ông đã gần 100 tuổi và tôi chỉ biết tình trạng sức khỏe của ông qua người con gái út đang chăm sóc nuôi dưỡng cho ông tại gia (không vào nursing home)

    4/ Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu sinh năm 1939, đã qua đời vào năm 2008 vì bị bệnh ung thư bao tử tại Santa Ana miền Nam Cali, đã từng là Luật Sư Cố Vấn Pháp Luật cho Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu, năm 1967, ông đắc cử Dân Biểu của Quốc Hội Lập Hiến và tới năm 1971, ông đắc cử Dân Biểu của QH Lập Pháp đại diện cho đơn vị 5 của tỉnh An Giang. Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Định Chế của Hạ Nghị Viện VNCH, ông là dân biểu duy nhất chống đối lại việc QH ủy quyền cho ông DV Minh lên làm Tổng Thống VNCH thay thế cho Tổng Thống Trần Văn Hương vì không có điều khoản nào trong Hiến Pháp qui định việc trao quyền Tổng Thống cho một người bá vơ như ông DV Minh.Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu nói nếu ông DV Minh đảo chính để cướp quyền thì dù không hợp hiến nhưng cũng còn “hợp lý”, còn như QH biểu quyết trao quyền TT cho ông Minh thì không hợp hiến đã đành mà cũng chẳng hợp lý tý nào cả.

    5/ Trung Tá Nguyễn Hữu Hải, năm sinh 1932, anh trai của Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu, tốt nghiệp Khóa 4 Thủ Đức, từ Nha An Ninh Quân Đội chuyển qua Tổng Nha Cảnh Sát dưới thời Đại Tá Phạm Văn Liễu làm Tổng Giám Đốc. Chức vụ sau cùng vào năm 1975, ông là Phụ Tá Đặc Biệt của Chỉ Huy Trưởng CSQG vùng 2 Chiến Thuật, khi di chuyển từ Nha Trang về SG, ông là sĩ quan cao cấp nhất của Cảnh Sát Đặc Biệt tại Bộ Tư Lệnh tiếp nhận cấp cao nhất của VC đến “tiếp thu” Bộ Tư Lệnh CSQG . Chính ông là người ra lệnh thiêu hủy “hồ sơ mật” của Cảnh Sát Đặc Biệt nên bọn VC giam giữ ông ở các trại tù miền Bắc rất lâu, năm 1993 ông được thả ra sau cả Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, và từ trại giam ra thẳng phi trường bay qua Mỹ (không được ghé nhà). Ông qua đời vào năm 2012 tại Santa Ana – nam Cali, thọ 80 tuổi.

    Trung Tá Nguyễn Hữu Hải cho biết là VC “láo lếu” khoe khoang biện lý Triệu Quốc Mạnh là “VC nằm vùng” từ lâu, nhưng ông DVMinh bổ nhiệm Triệu Quốc Mạnh làm Giám Đốc Nha Đô Thành thay thế Chuẩn Tướng Trang Sĩ Tấn, do đó Triệu Quốc Mạnh đến nhận nhiệm sở tại Nha Cảnh Sát Đô Thành trên Đường Trần Hưng Đạo và ký giấy tha vài tên VC ra khỏi khám Chí Hòa chớ ngay tại Bộ Tư Lệnh CSQG trên đường Võ Tánh và nhất là Khối Đặc Biệt không có VC nằm vùng nào cả !

    Sau đây là 8 sự kiện lịch sử rất quan trọng mà Đại Sứ MÉRILLON không nêu ra trong quyển sách SAIGON  ET  MOI (Cá nhân người viết bài không có tin tức gì thêm về thân nhân của Đại Sứ MÉRILLON nhưng với thời gian gần 50 năm trôi qua, có lẽ Đại Sứ MÉRILLON đã qua đời từ lâu nên quý độc giả không thể chất vấn ông Đại Sứ để “verify” những điều mà ông MÉRILLON đã viết cũng như những điều ông không viết trong quyển sách này)

    SỰ KIỆN THỨ NHẤT : Cả chính quyền Pháp và chính quyền BV đều không biết đến việc chính quyền Nixon quyết định lật đổ Vua Sihanouk và đem 2 quân đoàn III và quân đoàn IV sang Cambodia tấn công quân BV. Nhớ lại năm 1970, chúng ta thử xét xem dư luận trong nước ta sẽ có nhiều người phản đối khi chiến tranh lan rộng qua Cambodia, nhưng khi quân đội VNCH vượt biên giới sang Cambodia để cứu đồng bào VN khỏi nạn “cáp duồn” thì không hề có ý kiến ý cò gì cả vì không ai bảo rằng những xác chết người Việt bị thả trôi trên sông Mekong là giả mạo cả. Đành rằng sự thù hận giữa 2 dân tộc Miên - Việt đã có từ thời Minh Mạng, nhưng ai là thủ phạm đích thực đàng sau sự việc “cáp duồn” này, không thấy 2 chính phủ Cambodia và VNCH lập Ủy Ban Điều Tra và do dó không có kết luận ai là phía chịu trách nhiệm : phía chính quyền LON NOL , phía VC hay phía CIA ? Xin dành sự góp ý của quý vị độc giả.

    Điểm thắc mắc của tôi là những tay sừng sỏ chống VNCH và chống MỸ như Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Chân Tín, ni sư Huỳnh Liên, bà Ngô Bá Thành, Đạo trưởng Pháp Môn thứ 84,001 là Nhất Hạnh (pháp môn này còn có tên không chính thức là Pháp Môn SỤP LỖ), Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu, kể cả GHPGVNTN doThích Trí Thủ lãnh đạo cũng không một ai lên tiếng chê trách hay phản đối QL/VNCH xâm phạm vào chủ quyền một quốc gia trung lập như Cambodia, ngay cả Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát cũng như Nguyễn Thị Bình cũng giữ thái độ “nín thở qua sông”( 3 người sau cùng này được nhiều người hiểu chuyện thông cảm không phiền trách vì nếu họ lên tiếng thì sẽ bị Trung Tướng Đỗ Cao Trí xử giảo ngay lập tức)

    SỰ KIỆN THỨ HAI : Đại Sứ MÉRILLON không có nêu ra biến cố lớn là Tổng Thống HK vừa mới đắc cử là ông Richard Nixon đã đích thân đến Sài Gòn vào tháng 7/1969. Nixon là tay sừng sỏ về chính trị nên khi nắm được chính quyền ông ta đã có sẵn CHÍNH SÁCH RÚT QUÂN và BIỆN PHÁP THI HÀNH. Tướng Nguyễn Khắc Bình cho hay là cả 2 vị Tổng Thống đã nói chuyện riêng với nhau khoảng một giờ đồng hồ mà không có thông dịch viên, ngay cả ông Hoàng Đức Nhã cũng phải đứng ngoài không được tham dự. Bây giờ 2024, cả 2 vị Tổng Thống đã qua đời từ lâu nên cũng không ai biết được 2 vị đã nói với nhau những gì. Có điều sau khi trở về Washington D.C., Tổng Thống Nixon ra lệnh cho ông Melvin Laird soạn thảo và công bố kế hoạch VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH cũng như Lịch Trình quân đội Hoa Kỳ bắt đầu rút quân ra khỏi Việt Nam từ giữa năm 1969 đến cuối năm 1971 là lục quân sẽ hoàn toàn về nước, quân đội HK chỉ còn lại một số đơn vị của KQ và HQ mà thôi.

    SỰ KIỆN THỨ BA : Đại Sứ MÉRILLON có nhắc trong hồi ký là ông thất bại khi thuyết phục Liên Sô ủng hộ và yểm trợ nước Pháp trong việc lập chính phủ liên hiệp 3 thành phần tại miền Nam VN trong khi chính Mao Trạch Đông và  Chu Ân Lai không những tán thành lời đề nghị của Chính Phủ Pháp mà còn hứa hẹn viện trợ tiền bạc và uy thế chính trị của Trung Hoa cho chính phủ này được bền vững. Ông Chu Ân Lai chỉ nhắc khéo chính phủ Pháp là Chính phủ Liên Hiệp 3 thành phần phải có  MTGPMNVN tham dự. Cũng có thể Đại Sứ MÉRILLON không được biết những điều khoản mà Nixon- Kissinger cam kết với Mao – Chu ở Thượng Hải năm 1972, đó là 2 phía Mỹ - Hoa để cho chiến tranh VN “tàn lụi” bằng cách Mỹ sẽ giảm dần rồi ngưng hoàn toàn viện trợ cho phía VNCH. Còn về phía TC cũng hoàn toàn chấm dứt viện trợ cho BV, Trung Cộng còn lưu ý HK là BV còn lưu trữ rất nhiều vũ khí của TC nên BV sẽ không gặp trở ngại nếu TC không cung cấp thêm vũ khí cho BV sau hiệp định Paris 1973. Nixon là cao thủ chơi poker, nên đã dùng gần 600 phi xuất B-52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 oanh tạc miền Bắc phá hủy toàn bộ kho vũ khí của BV tích dấu từ bấy lâu nay. Tôi tin chắc là toàn ban lãnh đạo của CSBV và cả chính phủ của Liên Sô không thể ngờ rằng chính phủ Nixon đã dám sử dụng vũ khí tối thượng của HK là B-52 vào mục đích buộc BV phải ký vào Hiệp Định Paris, ông Nixon “chịu chơi” ở điểm chấp nhận tổn thất 15 chiếc B-52 bị bắn rơi nhưng đạt được mục đích là có bản Hiệp Định trong tay, ông Nixon đã đem được hơn 500 tù binh về nước (Và 15 chiếc B-52 bị bắn rơi cũng chỉ là phương tiện của cuộc chiến chứ không bao giờ là mục đích của chiến tranh)

    SỰ KIỆN THỨ TƯ : Đại Sứ MÉRILLON chỉ cho chúng ta biết có một số tướng lãnh Liên Sô có mặt ngay cạnh Đại Tướng Văn Tiến Dũng không phải để uống trà ngâm thơ mà để chỉ đạo trận chiến “tiến về SG” bắt sống Đại Sứ Graham Martin. Nhưng tin tình báo của Pháp không mạnh bằng tin tình báo của Mỹ : người Mỹ biết rằng chính phủ Liên Sô cực lực chống lại Hiệp Định Paris 1973 vì đây là thỏa ước chỉ có lợi cho Mỹ và Trung Cộng chứ Liên Sô bị cho ra rìa không được chia phần gì cả, nên sau khi Hiệp Định Paris , phái đoàn quân sự cao cấp của Liên Sô do Đại Tướng Konstantin Kurilov – đương kim Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Liên Sô- cầm đầu bay sang Hà Nội thúc ép Lê Duẩn tiếp tục cuộc chiến xâm lăng miền Nam. Ngay sau thời hạn 60 ngày tháo gỡ mìn và thủy lôi gắn ở hải cảng Hải Phòng, rất nhiều tàu vận tải của Liên Sô đã chở vũ khí đạn dược nhập cảng Hải Phòng.( Xin xem lại bảng chiến lợi phẩm của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi báo cáo cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khi ông chỉ huy Lực Lượng Xung Kích của Quân Đoàn III vượt biên giới sang Chipu để đánh tan 2 sư đoàn CSBV đã bao vây tiểu đoàn 93 (?) BĐQ/BP suốt mấy tháng trời tại Đức Hòa – Đức Huệ. Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi còn ghi rõ một số vũ khí mới chưa bao giờ được sử dụng tại chiến trường VN trước đó).

    SỰ KIỆN THỨ NĂM : Đại Sứ MÉRILLON không nói cho chúng ta biết quân đội VNCH đã phá vỡ kế hoạch tiến mau chóng về SG để bắt sống Đại Sứ Martin như thế nào, nhưng người miền Nam của VNCH thì biết rõ : Sư Đoàn 18BB của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và những lực lượng phụ trợ có quân số và hỏa lực thua kém 3 sư đoàn quân BV đang bao vây Xuân Lộc làm thế nào để thoát vòng vây? Tôi tin chắc là Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng chưa bao giờ nghĩ rằng quân đội VNCH có bom CBU (không phải là loại  Cluster Bomb như đã sử dụng trước đó). Trước khi thả bom CBU, tất cả cư dân Xuân Lộc được khuyến cáo rời bỏ Xuân Lộc và Bộ Tư Lệnh Không Quân cung cấp CH-47 để đồng bào mau chóng ra khỏi vùng lửa đạn vào ban ngày (hiện nay tôi vẫn còn lưu giữ một vài hình ảnh của CH-47 chuyển đồng bào ở Xuân Lộc vào tháng 4 / 1975). Tới ban đêm tất cả binh sĩ của tất cả các đơn vị được lệnh rời bỏ Xuân Lộc (xin xem hồi ký của Đại Úy Thiết Giáp Vũ Đình Lưu mô tả cuộc “rút quân” ra khỏi thị trấn Xuân Lộc vào cuối tháng 4/1975). Quân BV tràn vào Xuân Lộc liền bị ăn bom CBU và chết tất cả, CBU này là loại bom “đốt hết dưỡng khí trong vòng 15 phút nên bảo đảm không ai còn sống sót- bộ óc con người nếu không được cung cấp dưỡng khí trong vòng 6 phút là bộ óc đã chết). Cho tới giờ này, CSVN vẫn chưa bao giờ công bố con số lính BV bị chết vì quả bom CBU này, nên nhớ là xác chết của bom CBU vẫn còn nguyên chứ không phải trở thành tro bụi như trúng mưa bom của B-52 trước đó. Đài phát thanh Hà Nội thì la ó om xòm là Mỹ- Ngụy dùng bom nguyên tử cỡ nhỏ, nhưng mở miệng ra thì người ta biết là những thằng ngu nói bậy, vì nếu là bom nguyên tử thì bắt buộc người ta phải tìm được dấu vết của phóng xạ Plutonium hay của Uranium 235, trong khi không ai có thể tìm thấy dấu vết phóng xạ trong vùng Xuân Lộc.

    SỰ KIỆN THỨ SÁU: Đại sứ MÉRILLON có nhắc lại lời than phiền của Đại Tướng Vanuxem về Tổng Thống Thiệu (năm 1951, khi Đại Tá Vanuxem là tiểu khu trưởng secteur Vĩnh Yên thì Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu là thuộc cấp của ông) : “Lui” không nghe lời khuyến cáo của “moi”, đánh trận kiểu Mỹ thì không còn giữ được mảnh đất nào để mà thương thuyết sau này.

    Nhưng Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu sau khi đọc quyển SAIGON ET MOI, có cho tôi biết một sự kiện quan trọng như sau : sau khi biết chắc là không thể trông cậy và nhờ vả chính phủ HK,Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho ngoại trưởng Vương Văn Bắc liên lạc với nhà vua Faisal của xứ Arab Seoud để mua lại vũ khí của Mỹ mà Arab Seoud là khách hàng lớn nhất và thường xuyên nhất. Luật Sư Vương Văn Bắc cho Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu biết là các hãng thăm dò và khai thác dầu hỏa quốc tế cho biết là VN có tiềm năng dầu hỏa rất to lớn cho nên các tin tức này dùng để “deal ” với nhà vua của Arab Seoud. Ngoại trưởng Vương Văn Bắc cho biết là VNCH không may vào thời điểm 1975 là nhà vua Faisal bị hàng con cháu sát hại để đoạt ngôi vua nên nhà vua mới không biết đến ước hẹn của vua Faisal. Do đó Tổng Thống Thiệu bắt buộc phải rút bỏ Vùng 2 rồi sau đó bỏ Vùng 1 vì VNCH không có vũ khí để theo đuổi cuộc chiến.

    SỰ KIỆN THỨ 7 : Khi BV đem 14 sư đoàn vào Nam (BV có tổng cộng 16 sư đoàn) , Tướng Nguyễn Khắc Bình báo cáo cho Tổng Thống Thiệu biết là BV đã vét sạch nhân lực tới gần 16% nghĩa là không thể vét thêm phần trăm nào nữa, trong khi Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm báo cáo là nhân lực quân đội của VNCH chỉ mới chiếm 5.5%. Tổng Thống Thiệu nhận định rằng chỉ cần có vũ khí, VNCH sẽ giữ vững các nơi thì BV sẽ không còn nhân lực nữa thì chiến tranh sẽ tàn lụi mà không cần phải ký thêm bất cứ Hiệp Định nào nữa. Vũ khí đã không đến vì những sự kiện khách quan mà tôi đã trình bày trong phần vừa nói trên nên cái khí khái của ông mà tôi rất kính trọng là ông đã cam chịu nhận tất cả phần lỗi về phía mình.

    Và tôi hoàn toàn tin rằng thời gian sau này LỊCH SỬ SẼ ĐƯỢC SOI SÁNG KỸ CÀNG HƠN và SỰ ĐÁNH GIÁ NHÂN CÁCH VÀ VAI TRÒ CỦA TỔNG THỐNG THIỆU SẼ ĐƯỢC CHÍNH XÁC HƠN.( Không như bây giờ người ta hay đánh giá lịch sử theo chiều hướng Thắng- Thua cũng như đánh giá “Anh Hùng ” theo chiều hướng được nhiều người biết đến chứ không đánh giá theo chiếu hướng “phẩm hạnh” của cá nhân đó.

    SỰ KIỆN THỨ 8 : Đại Sứ MÉRILLON đã mô tả công việc khó khăn của ông khi thay thế Đại Sứ Martin đảm nhận vai trò tìm hòa bình cho Việt Nam theo chủ thuyết của Pháp. Ông cũng nêu những nhận xét của cụ Trần Văn Hương về ông DV Minh như là cụ Hương chê ông MÉRILLON khi chọn ông DV Minh như là nước Pháp đã luôn luôn thu hoạch nho trái mùa...Nhưng người Việt Nam chúng ta biết chắc chắn rằng đại sứ Martin phải năn nỉ Đại Sứ Mérillon vì 3 lẽ :

    8.1 Cụ Trần Văn Hương cương quyết không nhường chức Tổng Thống cho ông DVM, chả thế mà cụ Hương lên Đài Phát Thanh Sài Gòn tuyên bố : “Đại Tướng nghĩ rằng quyền Tổng Thống như cái khăn mouchoir hay sao mà muốn trao thì trao hay sao?”

    8.2 Cụ Hương rất cứng đầu cụ nói cả với Đại Sứ Martin và sau này với Đại Sứ Mérillon là cụ không sợ Cộng Sản nếu Cộng Sản muốn đánh nhau thì cụ sẽ chiến đấu tới cùng...Nhưng đó không phải là ý định của chính phủ Hoa Kỳ, HK sẽ rút lui khỏi VN nhưng không muốn binh lính và dân chúng của VNCH chết thêm vô ích cũng như thành phố Sài Gòn phải được còn nguyên vẹn.

    8.3 Chính sách của chính phủ Mỹ là “ra đi không để lại bằng chứng” nên chỉ có Đại Sứ Pháp nói chuyện phải quấy với cụ Hương được mà thôi, vì cụ Hương không biết nói tiếng Mỹ trong khi Đại Sứ Martin thì không biết nói tiếng Pháp (nhất là nói chuyện phải quấy không thể sử dụng thông dịch viên)

    Quyển sách SAIGON  ET  MOI còn rất nhiều điều cần mổ xẻ, giá trị của nó rất đáng giá cho con dân của VNCH nghiên cứu vì tác giả của quyển sách này là chứng nhân của thời đại, tác giả của nó khi viết sách không tự đánh bóng cá nhân hay biện minh cho chính sách ngoại giao của nước Pháp. Một trong những khiếm khuyết của những người nghiên cứu SỬ LIỆU và NGHIÊN CỨU CHIẾN TRANH VIETNAM hiện nay là quá chú trọng đến những tài liệu của người Mỹ mà ít thấy ai đọc những quyển sách của các tác giả người Pháp, các tác giả của Liên Sô, của Trung Cộng...cho nên chính tôi nghĩ rằng những nhận xét của những “học giả” kiểu như vậy cũng tương tự như 5 thầy bói mù sờ 5 bộ phận của con voi rồi đưa ra những nhận định “lệch lạc” khiến cho người đọc mất thời giờ mà không “learn” được những điều hay ho của người viết.

    Viết xong ngày 22 tháng tư năm 2024 tại San José

    Trần Trung Chính

     ***

    CHIẾC  ÁO  BÀ  BA  MÀU  TÍM

     Phùng Annie Kim


    Những ngày hấp hối của Saigon, mọi người tìm đủ mọi cách, đủ mọi phương tiện để thoát khỏi thù oán man rợ của cộng sản. 

    Bài viết về những người may mắn được ra đi, những người làm việc cho Mỹ, sợ rằng ở lại sẽ chịu biết bao đòn thù, họ đã lên máy bay vào những ngày giữa tháng tư, họ đã chọn lựa đúng con đường, nếu ở lại không biết chuyện gì sẽ ập xuống gia đình họ.

    Bằng đủ phương tiện ra đi, những chiếc ghe mong manh cũng đương đầu với đại dương hung hãn, chỉ một mục đích là được hít thở không khí tự do...những người vượt biên làm liên tưởng đến những người Do Thái rời khỏi Ai Cập lưu vong tìm đường lập quốc. Tinh thần của người Do Thái bất diệt.

    Có lần hắn xem được một concert do André Rieu  một violoniste làm nhạc trưởng ở 

    Maastricht nơi một quãng trường lớn, nhạc trưởng cũng là dân Maastricht, ông có một quán café đối diện với sân khấu, hắn ở Liege lên xe bus miễn phí cho người trên 65t, đi khoảng 30km nhanh thôi, có thể đến đây những hôm đẹp trời uống tách café, lúc nào cũng được kèm theo một miếng Chocolat có hình dáng cây đàn violon.

    Từ ngày bỏ quê nghèo lên phố lớn, ít có dịp trở lại, hắn gởi kèm một vidéo concert của André Rieu.

    Ara

     

    Vào truyện

    Chiếc Áo Bà Ba Màu Tím

     

    Phùng Annie Kim

    Bà Hai nghe mơ màng, tiếng ai như tiếng ông Hai. Bàn tay ai đang vỗ nhẹ trên vai bà :


    - Dậy, dậy bà ơi. Khuya rồi, vô phòng ngủ tiếp. Bà xem Tivi mà con mắt bà nhắm miết. Cái Tivi đang nhìn bà kìa. Thấy bà ngủ mà tui phát ham. Già mà ngủ dễ như con nít ! Bà ngủ được hai tiếng rồi đó. Gần mười một giờ con Hạnh vẫn chưa về ? Bữa nay sao nó về trễ quá hả bà !

    Giọng bà còn nhừa nhựa, bà vừa ngủ một giấc thật ngon trên chiếc ghế Massage hồi nào bà không hay :
    - Tui ngủ say quá hả ông ? Thôi, ông buồn ngủ thì vô ngủ trước. Quá giấc rồi, tui ngồi xem tivi chút xíu chờ con Hạnh.

    Bà đang chăm chú vào cái tivi trước mặt, nghe tiếng mở cửa lách cách. Hạnh nhảy bổ vào nhà, sà vào chiếc ghế ngồi cạnh bà. Cái mặt nó thật nghiêm nghị. Nó nhìn săm soi vào mặt bà thật lâu. Lát sau, nó lên giọng trịnh trọng như bắt được một cái gì mới lạ:
    - Chuyện gì ? Sao con nhìn má kỳ cục vậy Hạnh ?
    - Con muốn nhìn má, tưởng tượng xem hồi còn trẻ má như thế nào? Má à, con mới đi xem phim Last Days in Vietnam. Phim Mỹ chiếu những ngày cuối cùng ở Việt Nam trước khi Cộng sản vô Sài gòn. Má ơi, sao lạ quá. Trong phim có quay hình người đàn bà mặc áo bà ba tím giống má y hệt hồi còn trẻ. Con thấy có đứa nhỏ khoảng chín mười tuổi giống chị Hảo ngồi cạnh má. Con thấy một đám nhóc giống y chang chị Hương ngồi gần Út Hải. Con ngồi gần thằng Hiệp. Không hiểu sao có sự trùng hợp, một gia đình ba đứa con gái và hai đứa con trai giống như gia đình mình trong phim đang ngồi trên máy bay. Con thắc mắc sao không thấy ba. Lúc đó ba ở đâu má ?

    Ông Hai đứng từ nãy giờ ở cửa phòng. Ông nghe hết câu chuyện. Ông bước ra phòng khách, đến ngồi cạnh bà, nhìn Hạnh lắc đầu:
    - Hàng ngàn gia đình lúc đó ai cũng buồn lo, hốt hoảng tìm đường ra đi. Thì giờ và hơi sức đâu mà họ quay phim gia đình mình hả con ? Người giống người có gì lạ. Vả lại bốn mươi năm rồi, con người có nhiều thay đổi lắm, má con làm sao nhận ra mình ? Con cũng vậy. Chắc gì mấy đứa con nít đó là chị em tụi con ?

    Hạnh kiên nhẫn giải thích và thuyết phục ông Hai :
    - Ba ơi, phim này là phim tài liệu lịch sử do người Mỹ quay. Họ muốn ghi lại một cách trung thực những hình ảnh di tản của người Mỹ và người Việt trước ngày ba mươi tháng tư bằng kinh nghiệm của những nhân chứng còn sống qua các câu chuyện kể. Có nhiều hình ảnh họ quay bất ngờ hồi nào mình đâu có biết. Cho dù có thay đổi nhưng con so sánh với mấy tấm hình chụp hồi còn nhỏ ở Việt Nam má mang qua đây với hình quay tụi con trong cuốn phim giống y chang làm con ngạc nhiên luôn. Nhất là cái bà mặc áo tím, đích thực là má. Con nhìn thoang thoáng cũng giống dì Vân. Giống nhất là chị Hảo. Họ quay rất lâu, sát cái mặt chị Hảo.

    Ông Hai trầm ngâm :
    - Kể cũng lạ. Con nói trong phim có bà mặc áo màu tím giống má con ? Năm đứa con nít, ba gái một trai giống chị em con. Trong phim không có quay hình Ba. Để ba nhớ coi lúc đó ba đang ở đâu. Lên được trên máy bay, nhiều người không có chỗ, ba phải ngồi co ro ở dưới khoang phía sau đuôi gần cầu tiêu. Đàn ông ngồi xếp lớp như cá mòi, không có chỗ duỗi chân. Các hàng ghế dành ưu tiên cho đàn bà và trẻ con. Hảo lúc đó mười tuổi. Hạnh lúc đó bảy tuổi.

    Con nhỏ đứng lên, ngáp một hơi dài :
    - Được rồi. Con có cách. Con tính ngày mai phone cho các anh chị, mời cả nhà mình cuối tuần đi xem phim này. Má phải đi xem phim để nhận ra bà mặc áo tím có phải là Má không chớ ? Cái mặt thằng Hiệp ngố chắc chắn là nó. Còn con, con nhận ra cái mặt con hồi nhỏ liền. Họ quay cảnh Má và chị Hảo nhìn ra ngoài cửa máy bay rõ lắm ba à. Thôi, để mai tính. Con đi ngủ đây.

    Bà Hai dựa đầu trên ghế Sofa, đôi mắt bà khép lại. Bà đang hồi tưởng về quá khứ xa xôi của bốn mươi năm về trước. "Má mặc chiếc áo bà ba tím". Phải rồi. Chiếc áo bà ba màu tím hoa cà, màu áo hai chị em bà đều thích, Vân, em gái bà may đã lâu nhưng cả hai chưa có dịp nào mặc. Hôm bà ra đi, bà nhớ rõ bà mặc chiếc áo tím còn mới này.

    Bốn mươi năm trôi qua mà bà cứ ngỡ như mới ngày nào. Hình ảnh bà và Vân, con mắt đỏ hoe, ngồi trên nền nhà cạnh chiếc ghế gụ trong phòng khách, ôm chân hai ông bà cụ tuổi đã ngoài bảy mươi. Giọng bà nghẹn ngào :
    - Ba má cho con xin ba lạy. Một lạy này là lạy công lao ba má đã nuôi dưỡng con khôn lớn nên người. Lạy này là lạy xin ba má tha thứ cho con không ở gần để phụng dưỡng ba má trong lúc bệnh hoạn vào cuối đời. Còn lạy này là lạy con không gặp mặt ba má khi ba má trăm tuổi già. Con đành mang tội bất hiếu với ba má.

    Bà quay sang ôm cô em gái sinh đôi giống bà như hai giọt nước. Bà chùi nước mắt :
    - Vân ơi, nếu anh chị phải ra đi, tài sản còn lại, em bán đi, thay chị chăm sóc cho ba má. Chị ra đi không mong ngày trở về. Em thay chị lo cho ba má. Em hy sinh cho gia đình anh chị quá nhiều. Cả một gánh nặng trên vai em. Tội nghiệp Cường, giờ này không biết chú ở đâu. Chị còn có anh Hùng bên cạnh, em ở lại một thân một mình với ba má, lại thêm nỗi lo cho Cường. Chị đi không đành lòng. Mình ráng chờ thêm ít ngày nữa biết đâu chú về kịp. Vân ơi, em hiểu cho chị.

    Tiếng khóc thút thít của ông bà ngoại, bà Hai và Vân cùng với năm đứa nhỏ quấn quít bên ông bà ngoại từ mấy ngày nay làm cho ông Hùng xót xa tuy trong lòng ông xốn xang và nóng nảy như lửa đốt.

    Bà Hai cứ nấn ná mong Cường, cậu em rể là đại úy ngành pháo binh đang còn kẹt ở Nha Trang. Nếu Cường về kịp, gia đình bà sẽ di tản trong cùng chuyến máy bay chứ đâu có cảnh kẻ ở người đi như thế này.

    Vân ít nói. Cả ngày hai chị em lủi thủi, âm thầm dọn dẹp thu xếp đồ đạc trong nhà. Vân quyết định ở lại chờ Cường. Ông bà cụ cũng quyết định ở lại chờ con rể. Tình hình chiến sự càng ngày càng ác liệt. Người Mỹ đã có lệnh di tản từ lâu. Những người Việt Nam làm việc cho chính phủ Mỹ trong các ngành đặc biệt và chức vụ quan trọng như ông Hai, họ đã cùng với gia đình rời Việt Nam từ trước.

    Chuyện di tản, ông bà Hai không nói rõ cho tụi nhỏ biết nhưng thỉnh thoảng nhìn mẹ và ông bà khóc, chúng cũng rơm rớm nước mắt. Chúng thấy dì Vân và mẹ chúng hay ngồi rù rì tâm sự thật lâu. Chúng thấy đồ đạc trong nhà trống dần. Bà nhớ tối hôm đó ông Hùng về, thúc hối bà sắp xếp đồ đạc mang theo thật gọn nhẹ. Đêm khuya cả nhà ngủ hết, bà đi một vòng quanh căn nhà. Bà nhìn cái tủ thờ và bộ bàn ghế cẩn xà cừ bằng gỗ gụ nâu đen, cái đi-văng bóng láng trơn mướt, những bức tranh sơn mài hình mai, lan, cúc, trúc treo trên tường, các bình, lọ, tô, chén, tượng, hoành phi, câu đối... đồ cổ của ông Hai sưu tập từ nhiều năm nay và nhiều đồ vật quý giá khác trưng bày trong phòng khách, chúng gần gũi với bà bao nhiêu năm, bây giờ bà phải bỏ lại hết. Bà nhìn hành lý mang đi chỉ là ít bộ quần áo, thuốc men, vật dụng cá nhân và vài xấp hình kỷ niệm. Các giấy tờ quan trọng, vài trăm đô la còn kịp đổi được trong những giờ phút cuối đã cất kỹ trong chiếc cặp da của ông Hùng. Ông Hùng không cho mang theo một thứ gì nặng và cồng kềnh. Sắp tới, ông bà Hai và năm đứa nhỏ, đứa lớn nhất mười tuổi, đứa bé nhất năm tuổi sẽ bồng bế, níu kéo nhau đến một đất nước xa lạ mà bà không dám nghĩ tới.

    Ông Hùng hối thúc bà hàng ngày. Có những lúc bà đi lên đi xuống cầu thang, đi ra đi vào từ nhà trước vào nhà sau nhiều lần như người mộng du không biết mình đang làm gì. Bà ghé vào chiếc sập gụ, vén màn nhìn vào thấy ông bố nằm nghiêng, hơi thở mệt nhọc, tiếng khò khè nhỏ hơn, cơn suyễn giảm dần. Bà vừa cho ông uống thuốc. Bà vào phòng, thấy Vân còn thức, đang ngồi xoa dầu bóp chân cho mẹ. Bà mẹ vừa mổ ruột thừa. Bảy mươi tuổi còn sống sót qua cơn mổ làm bà cụ yếu sức chưa đi lại bình thường. Hai mắt Vân hõm sâu, thâm quầng, khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi. Người Vân gầy rạc hẳn đi. Nhìn sức khỏe bố mẹ như thế, nhìn đứa em gái yếu đuối, đứa em rể còn mịt mù tông tích, nỡ lòng nào bà dứt tình ra đi cho đành.

    Bà nhớ lại tối hôm đó, ông Hùng sợ bà đổi ý, đứng sau lưng, bóp nhẹ đôi vai gầy của bà, giọng ông lúc nào cũng nài nỉ, nhỏ nhẹ :

    - Tội nghiệp dì Vân. Chú Cường giờ này không biết ra sao. Thôi, em đừng khóc nữa. Anh hiểu nỗi khổ tâm của em. Em thương con, thương anh, nghĩ đến tương lai đàn con. Ở lại, sẽ chỉ có tù đầy tan nát chờ gia đình mình.

    Ông Hai cầm tờ công văn của cơ quan MACV cho phép gia đình bà gồm cha mẹ bà, Vân và Cường cùng gia đình bà tổng cộng mười một người rời Việt Nam đưa cho bà xem :

    - Phải đi em ạ. giờ chót rồi.

    Ngày mười lăm tháng Tư, tin Việt Cộng sắp tiến vào Sài Gòn, ông Hai Hùng hớt hải về nhà, gọi bà lên phòng. Lần này, ông cầm khẩu súng đặt trên bàn, giận dữ và quyết liệt :

    - Nếu em còn chần chờ nữa thà em bắn cho anh chết tại đây, em ở lại một mình nuôi con. Liệu bọn Công sản có tha cho anh, người cộng tác với Mỹ mà họ cho là kẻ tử thù của bọn chúng. Nếu chúng giết anh hoặc bỏ tù anh, liệu chúng có để yên cho em nuôi mấy đứa nhỏ không. Quan trọng là tương lai các con. Nếu không vì anh thì em phải nghĩ đến tương lai năm đứa nhỏ chớ. Em cứ tình cảm nấn ná kiểu này, cả nhà sẽ chết chùm hết.

    Bà nghẹn ngào :

    - Anh ơi, làm sao em có thể bỏ ba má bệnh hoạn, già yếu với dì Vân trong lúc này. Chờ thêm vài ngày nữa biết đâu chú Cường về kịp.

    Ông Hùng dứt khoát :

    - Nếu vậy thì em ở lại với ba má và dì Vân chờ Cường. Sáng mai, anh sẽ dắt tụi nhỏ ra phi trường. Không còn thời gian nữa.

    Ông đổi cách xưng hô :

    - Cha con tôi sẽ đi để cô ở lại. Cô đừng bao giờ hối hận về sự chọn lựa này.

    Sáng hôm ấy, bà và ông Hai với bốn cái túi xách, dắt díu đàn con đến phi trường Tân sơn Nhất. Mắt bà nhòa lệ. Bà nhìn lại căn nhà lần chót. Bóng dáng Vân thấp thoáng sau khung cửa. Vân cũng mặc chiếc áo bà ba màu tím giống bà. Chị em sinh đôi có nhiều điều lạ là rất thương nhau. Vì cùng nằm trong bụng mẹ, gần nhau từ tấm bé cho nên khi lớn lên, họ có những suy nghĩ, tình cảm, sở thích, cách cư xử và hành động giống nhau. Họ nhìn hình ảnh mình qua hình ảnh người kia. Họ tuy hai mà như một. Chiếc áo bà ba tím bà mặc và hình ảnh cuối cùng của Vân cũng trong chiếc áo bà ba màu tím ngày hôm ấy, làm sao bà có thể quên ?
    ***
    Nghe Hạnh kể về cuốn phim Mỹ có người đàn bà nào đó mặc chiếc áo tím giống bà Hai hồi còn trẻ với năm đứa con nít trong chuyến bay di tản thôi thúc ông bà Hai và mấy đứa con phải đi xem cuốn phim "The last days of Vietnam". Phim chiếu đầu tiên tại thành phố Irvine, cả nhà chọn xuất buổi tối, sáu giờ rưỡi vào thứ bảy cuối tuần. Vợ chồng con gái lớn Hảo- Phúc từ Irvine đi thẳng đến rạp Edward gần đó.Vợ chồng Hương và cậu con rể người Mỹ Jimmy ở Laguna Hills lái xe xuống Irvine cũng không xa. Vợ chồng Hiệp - Thu sẽ đến đón ông bà và Hạnh. Hải, đứa con trai út sẽ đến thẳng rạp. Vé Hạnh đã mua sẵn trên mạng. Cả nhà hẹn nhau đến sớm và chờ nhau trước cửa rạp.

    Đến nơi, đã thấy Hảo và Hương trên tay mỗi cô cầm một lon bắp rang to tướng đang nhâm nhi. Mọi người ai cũng nôn nóng muốn xem phim và hy vọng người đàn bà mặc chiếc áo tím trong phim là "Má tui đó", hình ảnh năm đứa con nít là.... "Tui đó". "Tui đó".

    Họ là những bà mẹ, ông bố đang chờ đợi giây phút được ngồi trước màn ảnh trong một rạp xi-nê ở xứ Mỹ, tìm lại hình ảnh trẻ thơ của mình bốn mươi năm về trước trong chuyến bay di tản lịch sử trước ngày ba mươi tháng Tư.

    Tựa đề cuốn phim, tiếng Việt dịch là "Những ngày cuối cùng ở Việt Nam" ám ảnh bà suốt con đường từ nhà đến rạp. Trước khi đi xem phim này, ông Hai và Hiệp đã lên mạng tìm đọc phần giới thiệu về cuốn phim. Còn Hạnh đã xem trước rồi. Ngồi trong xe, ông Hùng kể lại chuyện di tản. Bà Hai yên lặng. Đầu óc bà lúc này đang nhớ lại những ngày chờ đợi ở phi trường Tân sơn Nhất. Bà nhớ cảnh những nhóm người kéo đến phi trường càng ngày càng đông, nét mặt người nào cũng nhớn nhác đầy vẻ lo âu, sợ hãi. Họ chen lấn, xô đẩy, la ó, gây gỗ nhau. Cảnh tượng thật hỗn loạn. Cầm tờ công văn có danh sách, chữ ký và con dấu của vị Đại tá chỉ huy Mỹ, gia đình bà lọt vào được trong phi trường cũng vừa lúc bà mệt quá, ngất đi làm ông Hùng một phen hoảng sợ và mấy đứa nhỏ khóc bù lu bù loa.

    Suốt hai ngày chờ đợi, nửa đêm ngày17 tháng Tư máy bay cất cánh. Bà ngồi cạnh Hảo đứa con gái lớn. Bốn đứa nhỏ ngồi sát nhau trên hai ghế băng trước. Ông Hùng và một số đàn ông phải ngồi phía sau máy bay và chỗ lối đi. Máy bay chở quá tải, đầy nghẹt người.

    Chuyến bay dừng lại ở đảo Guam để khám sức khỏe và làm thủ tục giấy tờ trước khi đến Mỹ. Ngày 10 tháng 5 năm 1975, gia đình ông bà Hai đặt chân đến nước Mỹ. Trại tị nạn Camp Pendleton ở San Diego là nơi tiếp nhận đón những người di tản. Bà nhớ mãi cái lạnh vào ban đêm của thời tiết Cali, ban ngày nắng và nóng, buổi chiều mát, ban đêm trời trở lạnh bất ngờ. Thời tiết thay đổi làm bà và mấy đứa nhỏ hắt hơi, sổ mũi, ai cũng lừ đừ như muốn bệnh.

    Cuộc sống mới ở xứ Mỹ của gia đình bà bắt đầu bằng những ngày trong bệnh viện dã chiến của trại tị nạn. Cả gia đình bà bị cúm trừ ông Hùng. Tụi nhỏ lây nhau, hết đứa này đến đứa kia ra vào bệnh viện liên tiếp cả tháng trời mới khỏe lại. Gặp lại người chị gái du học ở Mỹ trước bảy lăm xuống thăm, hai chị em bàn tính chuyện tương lai, cuối cùng ông Hùng quyết định dọn xuống khu có người Việt sinh sống, share hai trong căn nhà lớn năm phòng của bà chị ở Garden Grove để tiết kiệm tiền nhà.

    Nhờ vốn sinh ngữ, ông xin việc trong một nhà hàng Mỹ, lương ba đồng một giờ nhưng tiền tip còn nhiều hơn tiền lương. Bà nhận đồ hãng về may tại nhà. Các con bắt đầu đi học trừ thằng út Hải. Bà phải học lái xe để đưa đón tụi nhỏ. Vừa may kiếm tiền, vừa đi chợ nấu nướng cho hai gia đình mười người, vừa chăm sóc con cái, vừa phụ bà chị dâu dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, bà Hai suốt ngày đầu tắt mặt tối. Ông Hai vừa đi học vừa đi làm. Ông làm ban ngày, làm thêm giờ phụ trội. Tối về, mấy cha con nằm bò trên thảm làm homework rồi ông lăn bò ra sàn ngủ như chết. Gia đình bà Hai quen dần với đời sống tất bật ở xứ Mỹ.

    Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoát các con bà trưởng thành, đứa nào cũng học xong đại học. Ông Hai tìm được job dạy học. Hảo, Hương lấy chồng, Hiệp lấy vợ. Út Hải đang có cô bồ sắp làm đám cưới. Chỉ có Hạnh vẫn còn quấn quít với ông bà trong căn nhà ông bà mua lại sau này của bà chị nhờ vào tiền dành dụm và chi tiêu dè sẻn từ nhiều năm nay. Sáu đứa cháu nội và ngoại, các con bà đứa nào cũng ngoan và hiếu thảo là niềm hạnh phúc của ông bà trong tuổi già.

    Đã sắp đến giờ chiếu phim, gia đình bà Hai đi sớm nên chiếm một dãy ghế dài và chỗ ngồi khá tốt trong rạp. Bà Hai ngồi cạnh Hạnh. Con nhỏ Hạnh nói ngồi gần Má để có gì làm thông ngôn cho Má. Nói thì nói vậy chứ xem phim ở rạp Mỹ, bà Hai thấy người Mỹ rất lịch sự. Họ không hút thuốc, nói năng nhỏ nhẹ hoặc yên lặng, không gây tiếng ồn, không nghe tiếng phone reo. Số người đi xem phim chiếm khoảng nửa rạp mặc dù là cuối tuần. Hạnh nói phim này là phim tài liệu ghi lại những ngày di tản ở Việt nam, đề tài là chiến tranh nên khô khan, không hấp dẫn nên số người xem không nhiều, đa số là người Việt. Người Mỹ hầu hết là các cặp Mỹ già. Biết đâu họ là những người cựu chiến binh, bốn mươi năm về trước đã từng tham chiến ở Việt nam. Cuốn phim ghi lại những ngày cuối cùng ở Việt nam thúc đẩy họ tò mò đến xem.

    Phần quảng cáo khá lâu làm bà Hai sốt ruột. Bà chỉ biết bắt đầu vào phim chính khi thấy hình ảnh thành phố Sài Gòn và những người dân đang nhốn nháo tìm đường di tản. Bà không biết những nhân vật người Mỹ và người Việt đó là ai? Bà chỉ suy đoán họ là những "ông lớn", ông Tổng thống, ông ngoại trưởng, ông đại sứ, ông tướng, tá nào đó... Họ là các vị chỉ huy cao cấp người Mỹ và người Việt, những nhân vật có quyền quyết định vận mạng của đất nước bà trong thời chiến tranh. Họ là những nhân chứng của lịch sử kể lại những kinh nghiệm đau thương của họ vào những ngày di tản cuối cùng này.

    Hình ảnh họ đứng trên bục và trên diễn đàn trong bàn hội nghị, họ đang nói gì trước dân chúng Mỹ ? Họ đang nói gì với nhân dân Việt nam và trên thế giới ? Bà không hiểu tiếng Mỹ. Nét mặt đăm chiêu, ánh mắt ưu tư, thái độ nghiêm trang của họ hoặc có người Mỹ rơm rớm nước mắt khi kể chuyện, bà chỉ suy đoán bằng cảm tính của mình. Họ đang buồn rầu ? Thất vọng ? Ân hận hay tiếc nuối gì trong cuộc chiến tranh và trong những ngày di tản ?

    Bà chỉ hiểu nội dung cuốn phim qua những âm thanh. Tiếng bom đạn ầm ầm, tiếng súng nổ đì đùng, tiếng pháo kích rền trời, tiếng động cơ của máy bay cất cánh, tiếng nổ bùm bùm của chiếc trực thăng cháy trên trời, tiếng con nít khóc thảm thiết, tiếng kêu gào, la ó của những gia đình vợ chồng con cái lạc nhau...

    Bà chỉ hiểu nội dung cuốn phim bằng những hình ảnh và cảm xúc của bà bị cuốn theo những hình ảnh ấy. Bà sợ hãi khi thấy cảnh Việt cộng bắt người bịt mặt dẫn đi, những chiếc poncho đen bọc xác chết, những mồ chôn tập thể khi Việt cộng tấn công và chiếm thành phố Huế. Bà thương xót khi thấy nét mặt phờ phạc, hốt hoảng, ngơ ngác của những đoàn người kéo những chiếc xe bằng gỗ chất đầy đồ đạc lê lết trên đường di tản. Bà đau lòng khi nhìn cảnh những người lính Việt nam buồn rầu cởi bỏ các bộ quân phục, ba lô, giày, nón vất bừa bãi. Có người chỉ mặc chiếc quần xà-lỏn đi lang thang thất thểu trên hè phố Sài gòn.

    Bà xót xa khi nhìn những người Việt chen lấn, tìm cách leo qua dãy hàng rào kẽm gai trước cổng tòa đại sứ Mỹ. Xa xa là một dòng người nối đuôi nhau, họ chờ biết bao giờ mới leo lên chiếc trực thăng đậu trên sân thượng. Hồ bơi màu xanh trong tòa đại sứ đầy rẫy những người nằm, ngồi la liệt chung quanh. Họ hy vọng chờ được bốc đi nhưng rồi thất vọng, họ thiểu não xách đồ đạc trở về khi biết rằng những chiếc máy bay cuối cùng đã cất cánh.

    Bà ứa nước mắt khi thấy những đoàn người di tản bằng đường biển. Có người leo lên được, ngồi xếp lớp như cá mòi trên khoang tàu. Có người sẩy tay rớt xuống biển trong khi mọi người ai cũng lo bám vào thành tàu và tìm cách leo cho bằng được lên boong tàu. Giờ phút này, có ai để ý đến ai. Có ai nghĩ đến cứu vớt người khác ngoài lo cái mạng sống của mình. Bà hồi hộp khi nhìn những chiếc trực thăng chở gia đình người di tản bay là đà gần chiếc hạm đội Mỹ đậu ở ngoài khơi. Họ xin cứu hộ. Người phi công là người cuối cùng nhảy xuống biển trước khi chiếc máy bay nổ tung trên bầu trời. Gia đình và người phi công được cứu sống. Bà vui mừng khi thấy những chiếc máy bay trực thăng đáp xuống chiếc hàng không mẫu hạm. Đoàn người di tản đã được tàu Mỹ vớt. Những người Mỹ và Việt hè nhau đẩy chiếc máy bay xuống biển lấy chỗ cho những người tị nạn ngồi la liệt trên khoang tàu. Và còn nhiều hình ảnh làm bà không cầm được nước mắt khi ai đó hạ chiếc cờ vàng ba sọc đỏ từ trên cao xuống thay bằng chiếc cờ Mỹ và bài hát quen thuộc "Này công dân ơi" cất lên trên chiếc tàu Mỹ.

    Trong một vài giây ngắn ngủi, trên màn ảnh là một người đàn bà mặc áo tím, tóc búi ngắn, nhìn nghiêng có khuôn mặt xương xương, đôi mắt đăm đăm nhìn ra ngoài khung cửa sổ máy bay, nét mặt trầm tư. Bà Hai nhận ra đúng là mình. Trong khoảnh khắc liên tưởng, trong đầu bà bật lên một khuôn mặt khác : Vân. Người đàn bà mặc áo tím ấy cũng rất giống Vân. Nước mắt bà rơi nhòe cặp kính trắng.

    Không còn gì nghi ngờ đây chính là bé Hảo mặc chiếc áo đầm trắng. Hảo đứng cạnh bà. Hình ảnh rất rõ của hai mẹ con có đôi mắt nhìn xa xôi lọt vào ống kính của người phóng viên. Bà nhận ra bốn đứa nhỏ. Đúng là cái mặt ngô ngố của thằng Hiệp ngồi trong cùng. Hiệp quay đầu nhìn vào máy quay phim đang chĩa vào mặt nó. Cạnh Hiệp là Hạnh ngồi sát vào lưng ghế. Út Hải ngồi cạnh Hạnh, đầu nép vào chị Hương. Hương ngồi ngoài cùng.

    Hạnh ngồi gần bà Hai, áp sát vào tai bà :

    - Đúng má phải không ? Má nhận ra tụi con không ?

    Bà gật đầu. Vừa lúc ông Hai quay về phía bà ;
    - Đúng là bà và mấy đứa nhỏ rồi.

    Hiệp ngồi cạnh ông Hai cũng choàng người qua :

    - Má chứ còn ai nữa. Cái mặt con hồi nhỏ ngố quá há má.

    Hảo và Hương ngồi xa, nghiêng người nhìn bà, gật gật đầu.

    - Đúng là cái mặt chị Hảo.
    - Con nhận ra Má liền.

    Gia đình bà đang xì xào về một cảnh trong phim tuy chỉ có vài giây đồng hồ ngắn ngủi nhưng là một mắt xích trong một giai đoạn lịch sử đau thương của miền Nam.

    Trên đường về nhà, mấy cha con ông Hai bàn tán rôm rả về cuốn phim. Bà Hai nhìn ra ngoài trời tối đen. Một dãy đèn vàng chạy dài trên dòng freeway ngược chiều làm bà lóa mắt. Bà tựa đầu trên ghế, quay mặt về phía cửa kính, nhắm mắt lại. Hạnh nói Má mệt, thôi để Má ngủ. Bà không muốn cho các con thấy hai hàng nước mắt trào ra ướt đôi kính trắng đọng trên đôi má. Bà nhớ đến chiếc áo bà ba tím, chiếc áo màu tím của Vân.

    Ngày đó, thư từ và tin tức từ Việt nam qua Mỹ của Vân và gia đình bà đều qua trung gian cô em gái ông Hai ở Pháp. Bà biết tin sau khi gia đình bà đi Mỹ, nhà bà bị xếp vào loại "theo chân đế quốc", và "Ngụy quân". Hai ông bà già tuổi gần đất xa trời thay vì đi kinh tế mới, "cách mạng khoan hồng" đẩy Vân và ông bà cụ lên tầng trên, nhường căn nhà mặt tiền cho một gia đình cán bộ tập kết vào ở. Ông cụ mất năm sau đó và hai năm sau bà cụ mất, Vân bị đuổi ra khỏi nhà. Căn nhà thuộc sở hữu của tên cán bộ. Cường bị kẹt sau ngày ba mươi tháng tư và bị bắt đi học tập cải tạo tại Nha Trang. Vân liên lạc được với Cường và hàng tháng Vân đi thăm nuôi Cường.

    Lá thư Vân viết vào cuối tháng mười hai kể về chuyện Cường trốn trại gửi qua Pháp làm bà suy sụp tinh thần cả tháng trời. Trốn trại lần thứ nhất Cường và một người bạn bị bắt và bị biệt giam. Thời gian sau được thả ra, Cường trốn trại lần thứ hai và bị bắn chết trong rừng. Vân đem xác chồng về hỏa thiêu rồi thả tro xuống biển.

    Bà nhận được lá thư cuối cùng của Vân gửi qua Pháp đề ngày tám tháng ba năm một chín bảy tám, trong thư Vân cho biết sẽ đi thăm "Út Hải". Tính đến nay đã ba mươi bảy năm rồi, bà không nhận tin tức gì về chuyến vượt biên củaVân, người em gái bất hạnh của bà.
    ***
    Sáng Chủ nhật, hai mẹ con bà Hai vào tiệm vải trên đường Bolsa để tìm may áo dài cho dịp đám cưới Út Hải sắp tới.

    Chọn xong chiếc áo nhung, bà Hai ngắm nghía mãi hai xấp vải lụa màu tím sim và màu tím hoa cà. Hạnh nhớ ra mẹ mình thích màu tím. Cô chọn và may cho mẹ chiếc áo bà ba màu tím sim vì màu này hợp với tuổi bà. Từ khi xem cuốn phim "The last days of Vietnam", hình ảnh mẹ cô mặc chiếc áo tím cùng với năm chị em ngồi trên máy bay trong ngày di tản, cái chết của chú Cường bị bắn trong rừng, dì Vân vượt biên mất tích và những hình ảnh về cuộc di tản và vượt biên của người Việt nam trong phim làm cho cô gái người Mỹ gốc Việt này băn khoăn, thao thức muốn tìm hiểu câu chuyện về những thuyền nhân Việt nam.

    Cô đọc đâu đó có một người ký giả Tây phương đã dí dỏm khi ví von nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng ra đi tìm tự do và để tránh chính sách khắc nghiệt của Cộng sản. Nhờ xem phim này, cô phân biệt được hai giai đoạn lịch sử, hai từ ngữ "di tản" và "vượt biên" một cách rõ ràng mà trước đây cô chỉ suy nghĩ một cách chung chung và mơ hồ. Gia đình cô là một trong hàng trăm ngàn người may mắn di tản an toàn bằng máy bay trước ngày ba mươi tháng tư. Nỗi gian khổ của gia đình cô trong những ngày đầu tiên lập nghiệp ở xứ Mỹ có thấm thía gì với những người vượt biên bằng đường biển và đường bộ. Không có thống kê, không có con số chính xác nhưng ước chừng có gần một triệu người, trong số đó cứ ba người bỏ nước ra đi, một người đến an toàn, một người bị bắt ở tù và một người chết.

    Có lúc cô nhìn lên ảnh dì Vân trên bàn thờ và nghĩ đến cái chết của dì Vân. Dì chết trong trường hợp nào, ở đâu ? Vì đói, khát hay vì bệnh hoạn ? Dì chết chìm, bị bắn chết hoặc bị hải tặc hãm hiếp ? Dì chết trên bờ, ngoài bãi, trong rừng hay ngoài biển khơi ? Dì Vân của Hạnh chỉ là con số một nhỏ nhoi trong hàng trăm ngàn người mất tích này. Hàng trăm ngàn người may mắn đến bến bờ tự do được Cao ủy Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước như Phi, Mã Lai, Thái Lan, Sigapore, Hồng Kong, Úc, Tân Tây Lan... đón nhận họ. Các hòn đảo nơi đó có những trại tị nạn một thời trở thành những địa danh thấm máu và nước mắt, ghi sâu trong ký ức những người vượt biên như Sikew, Songkhla (Thái Lan), Galang (Nam Dương), Pulan Bidong (Mã Lai), Bataan, Palawan (Phi).

    Hạnh nhớ có đọc đâu đó có người đặt cho các làn sóng vượt biên vĩ đại ở biển Đông kéo dài gần hai mươi năm của người Việt nam cái tên "Exodus". Exodus trong kinh Cựu Ước kể về cuộc ra đi kéo dài 40 năm của người Do Thái muốn thoát khỏi kiếp sống nô lệ ở Ai Cập. Exodus là tên chiếc tàu chở những người sống sót trong cuộc tàn sát người Do Thái đến hải cảng Haifa nhưng bị người Anh trục xuất. Những chuyến tàu vượt biên của người Việt nam sau này cũng như thế. Tàu của họ bị xua đuổi ra hải phận quốc tế trong tình trạng tan nát, thiếu nước, thiếu lương thực, thuốc men. Những người vượt biên đa số là phụ nữ và trẻ em nằm ngoắc ngoải chờ chết mặc dù họ đến được bến bờ tự do.

    Vào thời điểm đó, Cao ủy Liên hiệp Quốc đã mệt mỏi vì chương trình tị nạn kéo dài, một phần vì sự ra đi liên tục, ồ ạt của những thuyền nhân càng ngày càng nhiều và các trại tị nạn trở thành gánh nặng cho các nước láng giềng, họ đề ra chính sách thanh lọc các thành phần ra đi theo diện chính trị hoặc kinh tế để làm nản lòng và hạn chế số người vượt biên. Nhiều thuyền nhân bị từ chối định cư ở nước thứ ba vì không hội đủ quy chế tị nạn. Trại tị nạn cấm Whitehead ở Hongkong đã xảy ra các vụ biểu tình, treo cổ tự tử, tự thiêu để phản đối, gây tiếng vang và sự phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Họ thoát khỏi sự nguy hiểm của sóng to gió lớn ngoài biển khơi nhưng một lần nữa họ chết trong sự lênh đênh, tuyệt vọng trên bến bờ tự do.

    Thỉnh thoảng Hạnh vẫn nghe ông bà Hai nhắc đến các từ "học tập cải tạo". Bốn mươi năm về trước, ông Hai đã quyết định dứt khoát phải ra đi trong tiếng khóc sụt sùi của bà Hai. Ông biết rõ nếu ở lại Việt nam, ông sẽ là một trong hàng triệu người bị Cộng sản đầy ải. Nếu không chết trong các trại tù tập trung này, ông cũng chết trong rừng như Cường hay ngoài biển như Vân.

    Hạnh muốn cám ơn những người làm phim giúp cho Hạnh và những người trẻ lớn lên ở xứ Mỹ hiểu và chia sẻ lịch sử bi thảm của đất nước, dân tộc Việt nam trong cuộc di tản trước ngày ba mươi tháng tư và cuộc vượt biên kéo dài gần hai mươi năm. Những người làm phim đã nêu lên tình cảm tốt đẹp của những người lính Mỹ, những nhân viên tòa đại sứ khi họ không tuân lệnh cấp trên tìm cách giúp những người Việt nam như gia đình ông Hai di tản.

    Hạnh nghĩ có một hôm nào đó Hạnh sẽ đến ngồi gần Ba nói lời cám ơn Ba ngày đó Ba đã sáng suốt, dứt khoát ra đi để chị em Hạnh có được một tương lai tốt đẹp ở một đất nước tự do như xứ Mỹ. Hạnh muốn cám ơn đất nước Mỹ đã cưu mang gia đình Hạnh trong những ngày đầu tiên bơ vơ nơi xứ người. Ba má Hạnh, dì Vân, chú Cường, thế hệ thứ nhất đã hy sinh quá nhiều cho thế hệ các chị em Hạnh. Giờ đây, thế hệ này đã cắm những gốc rễ vững chãi tại quê hương thứ hai này để cho thế hệ thứ ba nở những hoa thơm trái ngọt.

    Thỉnh thoảng Hạnh thấy mẹ mặc chiếc áo tím đứng thắp nhang trước bàn thờ có di ảnh của dì Vân. Trước đây, tấm ảnh để thờ là tấm ảnh đen trắng dì Vân chụp hồi còn trẻ được phóng lớn đặt bên cạnh ảnh chú Cường và ông bà ngoại. Chiều nay, Hạnh mang về tấm ảnh màu. Người thợ hình đã tô vẽ và làm mới lại. Có một chút màu sắc, ảnh dì Vân trông đẹp hẳn lên. Hạnh ngắm nghía mãi tấm ảnh. Hai chị em giống nhau như khuôn đúc. Có lúc Hạnh bàng hoàng cứ ngỡ đó là bà Hai hồi còn trẻ.

    Điểm đặc biệt của tấm hình này là chiếc áo màu tím hoa cà. Theo lời yêu cầu của Hạnh, người thợ hình đã tô vẽ màu tím hoa cà trên chiếc áo bà ba trắng của Vân. Tấm ảnh đã có màu sắc mới, màu tím của chiếc áo ngày xưa, màu tím mà bà Hai và Vân đều thích khi còn trẻ. Chiếc áo bà ba màu tím ấy chỉ xuất hiện một lần trong cuốn phim "Những ngày cuối cùng ở Việt nam" nhưng trong tâm tư bà Hai và đứa con gái út hiểu người Mẹ nhất trong nhà, chiếc áo bà ba tím mãi mãi là một kỷ niệm buồn về một người thân không bao giờ gặp lại ./.

    Phùng Annie Kim

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: TRẦN TRUNG CHÍNH: CHƠI XẤU & CHƠI BẨN-Kỷ niệm về Nguyễn Mạnh Côn-SÀI GÒN ET MOI-CHIẾC ÁO BÀ BA MÀU TÍM Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top