728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    HỒI KÝ LÊ XUÂN NHUẬN: NỮ SĨ VI KHUÊ & NGUYỄN PHÚC VĨNH ĐƯƠNG: MỘT QUÃNG ĐỜI ĐÃ QUA

    1-Một Quãng Đời Đã Qua

    Nguyễn Phúc Vĩnh Đương

    2- NỮ-SĨ VI KHUÊ của LÊ XUÂN NHUẬN

     NỮ-SĨ VI KHUÊ

     TRỤ-SỞ Ðài Phát-Thanh Huế tọa-lạc ngay trên bờ Hữu-Ngạn của Sông Hương, cạnh mé Tây của đầu Cầu Trường-Tiền, đối-diện Đại-Khách-Sạn Morin bên kia Đường Lê-Lợi sát góc Đường Duy-Tân.

     Thuở ấy, chưa có các Ðài cấp Tỉnh, Ðài Huế là Tiếng Nói chung của cả Miền Trung, nên máy phát rất mạnh (không thua Ðài Quốc-Gia và Ðài Pháp-Á [Radio France-Asie] của Pháp ở Sài-Gòn), nghe được cả ở Miền Bắc lẫn Miền Nam Việt-Nam.

    Cả nước chưa có hệ-thống truyền-hình; cả Miền Trung chỉ có vài ba tờ nhật-báo ở Huế mà thời-sự thì dựa theo tin-tức-đọc-chậm của Ðài Sài-Gòn. Trong tình-hình đó, Ðài Huế là món ăn tinh-thần hằng ngày của đồng-bào Miền Trung, và của cả những người ở phiá Ngozi Tỉnh Thanh-Hoá và ở phiá trong Tỉnh Bình-Thuận mà có gốc-gác hoặc liên-hệ đời sống ở Miền Trung.

     Ngoài những tiếng hát của các nam+nữ ca-sĩ mà một số về sau vào Sài-Gòn thì trở thành danh-ca của toàn-dân, giọng bình và ngâm thơ của các thi+kịch-sĩ tên-tuổi một thời, tiếng hát của các danh-ca quốc-tế trong các chương-trình nhạc ngoại-quốc do thính-giả yêu-cầu, và giọng đọc xì-xồ của mấy người Pháp trong chương-trình vô-tuyến của Service d’Information, những ai đã từng nghe Ðài Huế cũng đều xác-nhận rằng người nữ-xướng-ngôn chính của Ðài này có một giọng đọc truyền-cảm vô-cùng. Giọng đọc của người con gái Huế ấy chẳng những dịu-dàng, ngọt-ngào, ấm-cúng, hấp-dẫn, mà còn trí-thức (vì không bao giờ vấp phạm lỗi-lầm khiến thính-giả khó chịu hoặc làm sai lạc ý-nghiã của câu văn).

    Những người hiếu-kỳ đi ngang qua Ðài Huế thường để ý thấy có một thiếu-nữ be-bé xinh-xinh, cư-ngụ trong một căn phòng khiêm-tốn ở tầng trên của một buồng-kho bên hông trụ-sở Ðài. Một cầu thang nhiều bậc xi-măng từ mặt đất bắc lên cửa phòng làm cho căn phòng có vẻ cao hơn, khiến các thanh-niên ái-mộ đặt cho người-đẹp và căn phòng ấy cái mỹ-danh “nàng bồ-câu trên chuồng bồ-câu”.  

    Ðó chính là cô xướng-ngôn nói trên...

     Sau ngày hồi-cư vào đầu năm 1947, tôi thường đến Ðài Huế để góp phần vào các chương-trình kịch vô-tuyến hằng tuần, kể cả việc trình-bày một số kịch thơ dã-sử và xã-hội của tôi, trong đó nhạc-sĩ Trịnh Văn Ngân là một trong những cây ngâm tuyệt-vời.

    Do đó, tôi quen biết “nàng bồ-câu trên chuồng bồ-câu”. Tên nàng là Trần Trinh Thuận, tức nữ-sĩ Vi Khuê, một biên-tập-viên chính-ngạch có giọng-nói-trời-cho nên kiêm luôn phần-vụ xướng-ngôn.

    Tuy Vi-Khuê làm việc ở một cơ-quan thông-tin tuyên-truyền đậm màu chính-trị, nhưng những bài thơ của nàng hồi đó chỉ là tâm-tình của bạn gái ở lứa tuổi hai mươi, dễ thương như “con nai vàng ngơ-ngác, đạp trên lá vàng khô”.

    *

    Tôi thì lăn xả vào giữa tình-hình rối-ren cuả Quê Hương.

    Dù đã từng bị giặc Pháp tù đày, tôi vẫn giao-du tuy không đồng-ý với Hồng Quang, chủ-nhiệm báo “Ý Dân”, là người chỉ chọn vũ-lực để chống chủ-nghiã thực-dân; và vẫn cộng-tác tuy không thuận-tình với Phạm Bá Nguyên, chủ-nhiệm báo “Công Lý,” là kẻ nhận Ðệ-Tứ thay cho Ðệ-Tam. Tôi lui+tới với Duy Sinh nhưng chưa yên tâm vì huyền-thoại văn-hoá điệp-báo của Nguyễn Bách Khoa. Tôi rất đau lòng vì đồng-bào đói khổ, nhưng chỉ hiệu-chính giùm thi-pháp chứ không tán-thành nội-dung khích-động giai-cấp đấu-tranh trong thi-tập “Tiếng Nói của Dân Nghèo” cuả Vân Sơn PMT [Phan Mỹ Trúc]. Tôi thân+thương Trụ Vũ và Quách Thoại nhưng không hợp tính với họ vì lối sống phóng-túng của hai nghệ-sĩ thân-nhân ấy của Vi Khuê. Tôi tiếp-xúc với tác-giả nhưng không khép mình trong triết-thuyết bi-quan trong “Con Thuyền Không Bến” cuả Nguyễn Vũ Ban. Tôi thả hồn lên cõi siêu-nhiên nhưng không bước vào nương nhờ Cửa Thiền trong “Không Bến Hạn” cuả Huyền Không.

    Tôi ủng-hộ cả hai đường-lối phục-hồi độc-lập quốc-gia: công-nghiệp kháng-chiến vũ-trang chân-chính của người dân, và nỗ-lực ngoại-vận ôn-hoà của các chính-trị-gia không-cộng-sản trong lòng Thế-Giới Tự-Do.

    Riêng ở phiá bên này lằn ranh, tôi nhận thấy Cựu-Hoàng Bảo Ðại thì quá yếu mềm mà Đế-Quốc Pháp thì còn luyến tiếc giấc mơ đô-hộ Việt Nam, nên viết cuốn truyện dã-sử “Trai Thời Loạn” để gửi gắm ý mình, và kết-quả là tôi bị cơ-quan An-Ninh Quốc-Gia bắt giam; sau nhờ có chính-khách Cao Văn Chiểu, Giám-Đốc Thông-Tin Lê Tảo, cùng nhiều nhân-sĩ khác, can-thiệp với Thủ-Hiến Phan Văn Giáo, tôi mới được thả ra.

     Ðể tạo một thế đứng vững-vàng hơn, tôi thành-lập Thi+Văn Ðoàn “Xây-Dựng”, xuất-bản các tác-phẩm của mình và của các bạn từ Bắc chí Nam. Mới bắt đầu thì Nhất Hiên [Phan Nhật Hiến] bỏ theo Việt Minh, và nửa chừng thì Như Trị [Bùi Chánh Thời] cũng nhảy lên chiến-khu.

    Tôi hướng về nền dân-chủ và lòng hào-hiệp cuả Hoa Kỳ như tia sáng ở cuối đường hầm.

    *

    Tháng 4 năm 1954, tôi vào phục-vụ tại Phòng 5 Bộ Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu với tư-cách văn-nghệ-sĩ & ký-giả bị/được động-viên chuyên-môn. Lê Ðình Thạch và Huy Vân thì kỳ-cựu, Tô Kiều Ngân gốc Nha Thông-Tin cũng đã thành quân-nhân. Tchya [Ðái Ðức Tuấn] và Nhất Lang thì được đồng-hoá sĩ-quan.

    Ngoài việc viết bài cho báo “Tiếng Kèn”, cho các đơn-vị Võ-Trang Tuyên-Truyền ở tuyến đầu, và cho chính tôi đi vận-động trong dân-nhân, tôi còn là phóng-viên chiến-tranh và biên-tập-viên chính cuả Ðài “Tiếng Nói Quân Ðội” tại Miền Trung.

    Do chương-trình phát-thanh này, mà tôi là giám-đốc, tôi mới đặt phòng-giấy ngay tại trụ-sở của Ðài Phát-Thanh Huế, và gặp mặt Vi Khuê thường-xuyên.

    Thay chỗ nhạc-sĩ Anh Chương, tôi cử Lâm Tuyền làm Trưởng Ban Tân-Nhạc; nhưng rồi tôi làm lơ cho Lâm Tuyền đào-ngũ vì anh quá chán chuyện đời.

    Tôi đưa Văn Giảng lên thay.

    Hà Thanh mới bắt đầu vào nghề.

    Những lần xe Jeep bị hư, tôi đạp xe-đạp qua chở Kim Tước từ cư-xá Nha Thông-Tin ở bên kia Cầu Trường-Tiền. Cặp Châu-Kỳ−Mộc-Lan của giới ca-nhạc, cũng như cặp Hoàng-Pha−Phương-Khanh của giới văn+thơ, cũng đã từng ở đây.

    *

    Rồi Thoả-Ước Geneva ra đời.

    Trong hội-nghị quốc-tế ấy, có ba nhân-vật Việt-Nam đã được thế-giới chú ý hàng đầu: Cô Thiên-Hương, con gái của nhà văn Hồ Hữu Tường, là nữ ký-giả duy-nhất, nói được nhiều ngoại-ngữ và trẻ đẹp nhất trong giới truyền thông; Cụ Võ-Thành-Minh, một lão-thi-sĩ, từ Huế đến, đã bí-mật vượt hàng rào Cảnh-Sát Thụy-Sĩ vào cắm trại trên Bờ Hồ Leman trước hội-đường, tuyệt-thực thổi sáo nói lên nỗi lòng của người dân Việt-Nam mong-muốn Thống-Nhất và khao-khát Tự-Do; và Ông Nguyễn-Quốc-Ðịnh, Ngoại-Trưởng cầm đầu Phái-Ðoàn Quốc-Gia Việt-Nam của chính-phủ Bảo Ðại, đã từ-chức để khỏi ký tên vào văn-bản thừa-nhận việc đất nước bị qua-phân.

    Thủ-Tướng Ngô Ðình Diệm cử Ông Trần-Văn-Ðỗ đến thay. Pháp và Việt-Minh thoả-thuận ngưng bắn, lấy vĩ-tuyến 17 ngang sông Bến Hai làm ranh-giới Bắc–Nam.

    *

    Ðại-Tá Trương Văn Xương, Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu, thuộc cánh Tổng-Tham-Mưu-Trưởng là Trung-Tướng Nguyễn Văn Hinh [con của cựu Thủ-Tướng Nguyễn Văn Tâm, thân-Pháp], mở một chiến-dịch đưa quân từ Huế vào tiếp-thu các Tỉnh phiá trong. Theo chương-trình chính-thức thì Thủ-Tướng Diệm sẽ từ Sài-Gòn ra chủ-toạ lễ thiết-lập Chính-Quyền Quốc-Gia tại vùng đất mới lấy lại này. Theo kế-hoạch riêng của cặp Hinh+Xương thì Diệm, trên đường đi từ Huế vào Quảng-Ngãi, sẽ bị lính và dân dàn chào bằng tiếng hô “Đả Đảo” cùng với trứng thối và cà chua. Câu hỏi nổi bật là “Mười vé phi-cơ cho gia-đình họ Ngô, hay là mạng sống cuả cả trăm ngàn binh sĩ Quốc-Gia?” Các bức tường vẽ khẩu-hiệu đã được xây lên; và biểu-ngữ, bích-chương, cùng truyền-đơn liên-hệ đã được chuẩn-bị sẵn dọc đường rồi.

    Phòng 5 Quân-Khu đương-nhiên đảm-trách công-tác Tác-Động Tinh-Thần này.

    Thành-Phố Huế ngẫu-nhiên được chia thành hai trận-tuyến. Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu thì đóng trong Ðại-Nội, phiá Bắc của Sông Hương; nhà Ông Ngô-Ðình-Cẩn, trung-tâm quy-tụ cuả gia-đình Họ Ngô, thì nằm trên Xóm Phú-Cam, phiá Nam của Sông Hương. Bộ-phận “Tiếng Nói Quân-Ðội” của tôi lại đặt trụ-sở tại Ðài Huế, trên bờ phiá Nam. Ðể biểu-dương lực-lượng, Quân-Khu phái đến hai chiếc xe-tăng, án-ngữ hai bên sân, trước Ðài Phát-Thanh. Các chương-trình vô-tuyến dân-chính chỉ có nội-dung lập-lờ, thông-tin hàng-hai.

    Ở Quảng-Ngãi, cán-bộ Việt Minh gài lại xúi giục dân-chúng phản-kháng lực-lượng tiếp-thu, vì thấy vẫn có Cố-Vấn Pháp trong hàng-ngũ Quốc-Gia; súng nổ, người chết; Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát xen vào.

     Ðảng Cần-Lao, qua nhạc-sĩ Ngọc Linh, móc nối tôi.

    Tôi không theo đảng-phái nào hết, nhưng quyết-định ủng-hộ Thủ-Tướng Diệm, với chủ-trương “Ðả Thực, Bài Phong, Diệt Cộng”, để được sự giúp-đỡ cuả Hoa-Kỳ. Quốc-gia giàu mạnh nhất thế-giới này đã dìu-dắt Tây-Ðức, nâng-nhấc Nhật-Bản, và cứu-vớt Ðại-Hàn. Trung-Tá Nguyễn Văn Bông, Tư-Lệnh Mặt Trận Nam–Ngãi, đã phát-biểu với Trung-Tá Nguyễn Văn Tố, Phó Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu, trong khi Bông lái xe ra đón Tố vào:

    – Mình cộng-tác với thằng giàu thì hẳn sướng hơn phục-vụ cho thằng nghèo!

    Tôi thảo truyền-đơn, tài-liệu, viết bài tuyên-truyền cho chí-sĩ họ Ngô.

    Bộ Tham-Mưu của Xương không tin-tưởng ở tôi. Họ lập hẳn một Ðài Phát-Thanh riêng, trong Thành-Nộidân-chúng gọi là “Đài bí-mật”để tự mình phổ-biến lập-trường chống-Diệm và hô-hào dân-chúng nổi lên.

     Không còn bị Cấp Trên ràng buộc, tôi công-khai dùng “Tiếng Nói Quân Ðội” để hậu-thuẫn cho Diệm và Hoa-Kỳ.

     Hồi ấy, chỉ có một số trong giới Nho-học lớn-tuổi nghe danh Ông Ngô-Ðình-Khả, còn đa-số dân-chúng nói chung thì ít ai biết tên Ông Ngô-Ðình-Diệm, ngoại-trừ một nhóm trong giới Kitô-Giáo có đọc tờ báo “Tinh Thần” thời-gian gần đó.

    Chương-trình phát-thanh của tôi có ảnh-hưởng rất lớn trong quần-chúng, vì làn sóng của Ðài Huế phát đi rất mạnh và xa, trong lúc “Ðài bí-mật” thì nhỏ và yếu, chỉ lẩn-quẩn vùng gần, lại khi-có khi-không.

    Tôi đã lèo-lái để người dân xứ Huế, nghe Đài “của tôi” và trông thấy hai chiếc xe-tăng trấn đóng trước Ðài mà tưởng và tin là phe mạnh nhất trong Quân-Lực đã đứng hẳn qua phía Diệm, nên biệt-phái chiến-xa đến cho tôi để bảo-vệ Tiếng Nói của mình, chống lại phe yếu thế Hinh–Xương.

    Toàn-quốc, nhất là Sài-Gòn, hướng về xứ Huế, gốc-gác của họ Ngô, lấy đó làm chỉ-dấu mà lên tinh-thần.

    Từ đó, các phần-tử thân-Diệm mới dám đứng ra khỏi vòng giới-hạn của mình mà hoạt-động rộng-rãi trước mắt mọi người.

    *

    Trong những tháng ngày gay-cấn ấy, cứ mỗi lần từ các cuộc hành-quân hoặc từ các hoạt-vực bên ngoài trở về với phòng-giấy tại Ðài, tôi lại cảm thấy nhẹ-nhõm cả người, khi gặp mặt lại những nữ-nghệ-sĩ trẻ đẹp tươi vui, như bướm, như hoa, tô thắm cuộc đời. Trong vườn thanh+sắc ấy, Vi Khuê của giới thi+văn vẫn gần-gũi với tôi hơn các bạn bên giới cầm+ca. Nhưng “nàng bồ-câu” vẫn vô-tư-lự như mọi ngày, đâu biết đầu-óc tôi đã bỏng-rát những tính-toán mưu-mô, thân-xác tôi đã bầm-dập những gian-nan nguy-khốn, và chỉ trở về văn-phòng để thư-giãn cho những căng-thẳng thần-kinh.

    *

    Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm thắng phe Hinh+Xương.

    Hoa-Kỳ mở Phòng Thông-Tin tại Đại-Khách-Sạn Morin. Giám-Ðốc Thompson A. Grunwald là viên-chức dân-sự Mỹ đầu tiên đặt chân đến Miền Trung. Tôi tổ-chức dạy tiếng Anh trên Ðài, có Tôn Thất Ðát phụ-lực; tham-gia thường xuyên là Thompson, và bất-thường là bất-cứ người ngoại-quốc nào nói tiếng Anh mà tôi gặp được, bắt đầu từ Đại-Tá Richardson, Trưởng Phái-Ðoàn quân-sự Hoa-Kỳ T.R.I.M.

    Lớp dạy tiếng Anh của tôi là lớp đầu tiên trong lịch-sử dạy tiếng Anh qua làn sóng truyền-thanh cho thính-giả Việt-Nam.

     Nguyễn Cửu Tú (Phó Giám-Đốc Đài), Thompson và Nhuận

     Ðại-Tá Nguyễn Quang Hoành lên thay Trương Văn Xương, rồi vì bất-đồng chính-kiến nên lại nhường chỗ cho Thiếu-Tướng Lê Văn Nghiêm.

    Ðại-Úy Ngô Văn Hùng thay thế nhạc-sĩ Ngọc Linh, làm Trưởng Phòng 5. Văn Giảng ra đi, tôi cử Lê Trọng Nguyễn lên thay. Nguyễn vừa dịch tài-liệu vừa sáng-tác nhạc; bên cạnh giai-phẩm “Nắng Chiều” là “Hoan-Hô Lê Thiếu-Tướng” theo lệnh của Hùng  (bắt chước “Hoan Hô Ngô Thủ-Tướng”). Ðể giúp Tôn Thất Ðậu chọn nhạc ngoại-quốc do thính-giả yêu-cầu, tôi liên-lạc với hàng chục Toà Ðại-Sứ ở Sài-Gòn, viết lời mở đầu về nền âm-nhạc của mỗi nước, và đặc-tính của mỗi bản nhạc, để giới-thiệu trước khi trình-bày. Giáo-Sư Lê Hữu Mục có đến chơi đàn; nữ-sĩ Như Thu đến góp bài; thi-sĩ Hồ Ðình Phương đến ngâm thơ. Trình-bày “Mục Thi-Ca” của tôi là Trần Anh Tuấn, Ðinh Lợi, Lan Hương, và Tâm Thanh [Tôn Nữ Kim Ninh].

    *

    Ở các Tỉnh Cao-Nguyên và miền núi Tỉnh Quảng-Ngãi, phong-trào đòi tự-trị của người Thượng nổi lên. 

    Chính-Quyền Diệm gom các phần-tử chủ chốt “Thượng Tự-Trị” về tập-trung ở đầu Cầu Nam-Giao. Một Nha Chiến-Tranh Tâm-Lý được lập nên, đặt trụ-sở ở đầu Cầu Phú-Cam. Đại-Úy Hùng kiêm-nhiệm Nha này. Tôi cũng kiêm thêm một số phần-vụ ở cơ-quan này, nên dời bàn-giấy đến đây.

    Bộ Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu dời tổng-hành-dinh qua Hữu-Ngạn sông Hương.

    Nước Việt-Nam Cộng-Hoà, với sự hậu-thuẫn của Hiệp-Chủng Quốc Hoa-Kỳ,  được Thế-Giới Tự-Do nhìn-nhận.

    *

    Trong những năm trẻ-trung của Nền Ðệ-Nhất Cộng-Hòa ấy, Liên-Xô, Hoa-Cộng, và Cộng-Sản Bắc-Việt, là những bên chủ-trương chia đôi đất nước Việt-Nam, chưa sẵn-sàng thực-hiện vũ-trang xâm-lược Miền Nam, mà Hoa-Kỳ thì viện-trợ tối-đa cả tinh-thần lẫn vật-chất cho con bài của mình và cái tiền-đồn mới lập này của họ ở Ðông Nam Á, nên tình-hình an-ninh khả-quan, chế-độ bắt đầu vững-vàng.

    Thế là nhiều người liền tranh nhau mưu-quyền thủ-lợi riêng. Hầu hết chiến-công giữ nước, cũng như thành-tích dựng nước, được dùng để dâng lên Ngô Tổng-Thống, chỉ là những cử-chỉ qụy-lụy, những lời-lẽ tâng-bốc, những thái-độ tôn-thờ, dành cho toàn-thể gia-đình họ Ngô, được các tay+chân thân-tín của Cụ xét thấy êm tai đẹp mắt nên tường-trình lên mà thôi.

    Ông Ngô-Ðình-Khôi, bào-huynh của Diệm, từ-trần đâu cả chục năm trước kia, không ai biết đến; nay dời mộ-phần thì có cả tá cấp-cao chức-lớn gây lộn nhau để giành làm Trưởng Nam danh-dự hầu-cận bên quan-tài; nhiều năm về sau, hễ nhắc đến ông, nhiều kẻ còn khóc-lóc thảm-thương. Ông Ngô-Ðình-Luyện làm đại-sứ tận bên nước Anh, người dân không hề thấy mặt, thế mà khi nhắc đến ổng thì ai nấy đều vẽ-vời ra vô-vàn tài-cao đức-trọng, để ngợi-ca cho vừa lòng thế-gia. Huống chi các “Cố Vấn” hùng-cứ trong nước mà uy-quyền có khi lấn át cả ông anh. Dù không muốn nhập-cuộc, đa-số vẫn phải nhắc đi nhai lại, để được yên thân, những sáo-ngữ đã thành công-thức chót lưỡi đầu môi: “Nhờ ơn Ngô Tổng-Thống và các bào-huynh, bào-đệ cuả Người!” Thế là lắm kẻ được đặc-cách tiến-chức thăng-quan.

    Trung-Tướng Thái Quang Hoàng thay thế Thiếu-Tướng Lê Văn Nghiêm.

    Nhà văn Bùi Tuân trở thành Dân-Biểu, không còn viết thuê xã-luận cho Ðài của tôi, mà diện lễ-phục lái xe-hơi di diễu khắp phố-phường. Nhạc-sĩ Ngô Ganh không còn lập-dị, mặc bộ com-lê may bằng dạ chăn đi dưới nắng hè, bên trong là chiếc áo ngủ cổ kiềng mà mỗi lần đi đâu thì chỉ cần gài thêm vào đó một cái cổ áo trắng có đính sẵn ca-vát là khỏi phải tốn thêm nguyên cả chiếc áo sơ-mi; bây giờ ảnh làm Quản-Ðốc Ðài, kiêm Ðại-Diện Nhân-Dân Miền Trung, ngồi chung dãy ghế danh-dự với Ðại-Biểu Chính-Phủ, Tư-Lệnh Quân-Khu, v.v... trong những buổi lễ công-cộng trên khán-đài Phu Văn Lâu.

    Trong lúc đó, tôi bị cơ quan An-Ninh Quân-Ðội thẩm-vấn tới, điều-tra lui. Họ vin vào cớ tôi đã là Trưởng Ðài Quân-Ðội từ khi còn Hinh+Xương.

    Một hôm, Tổng-Thống Diệm ra Huế và ở lại đêm. Sáng sau, tôi nghe hàng-xóm kháo chuyện với nhau: “May mà bắt được, chứ không thì quân khủng-bố đã ám-hại Tổng Thống đêm qua rồi!” Ðến sở, tôi hỏi Đại-Úy Ngô Văn Hùng thực/hư thế nào; ổng liền gọi điện-thoại cho An-Ninh Quân-Đội, và cơ-quan này đến bắt tôi. Truy-cứu mới biết: chính-quyền sở-tại và thân-tộc có tổ-chức nhiều vòng đai an-ninh xung quanh nhà-thờ Phú Cam, nơi Diệm đến tiếp-xúc với giáo-dân; có một nhân-viên chìm, thuộc vòng-đai trong, vì đến trễ nên bị chận soát ở vòng-đai ngoài; thấy y có vũ-khí giấu trong người, đồng-bào tưởng lầm là Việt Minh. Chỉ có thế thôi, nhưng vì Diệm đã được thần-thánh-hoá, nên câu hỏi của tôi, dù là để phối-kiểm với mục-đích dùng Đài Quân-Đội mà trấn-an dư-luận đồng-bào, cũng đã bị xem là một sự xúc-phạm tày trời.

     Ngày xưa, phần lớn văn-nghệ-sĩ đều phục-vụ trong ngành truyền-thông, nên tôi đã từng mong được chuyển nghề qua làm việc trong cơ-quan Thông Tin, để được quần-chúng độc-giả khán+thính-giả trọng-vọng hơn. Bây giờ đã ở trong ngành Tác Ðộng Tinh Thần, dù của Quân Lực nhưng cũng là thông-tin tuyên-truyền, tôi mới thấy mặt trái của tấm huy-chương.

    Lần đó, nhà bác-học Bửu Hội, thân-thích của Cựu-Hoàng Bảo Đại, nhân dịp từ Pháp về thăm nhà, đến nói chuyện về y-học với đồng-bào Huế tại Rạp Chiếu Bóng Morin. Một số văn+thi-sĩ tùng-sự tại Nha Thông-Tin Trung-Phần đã nêu lên nhiều câu hỏi về thời-sự, mục-đích là để gài Hội phải phát-ngôn ủng-hộ Diệm, hoặc ngược lại thì có bằng-chứng để dễ ra tay. Mặc dù Hội đã nhấn mạnh rằng ông không về Việt Nam với mục-đích chính-trị, và xin miễn đề-cập đến các vấn-đề ngoài phạm-vi y-học, đồng-thời số đông trong cử-tọa cũng đã huýt gió phản-đối những câu hỏi lạc-đề, nhưng nhà văn Ðỗ Tấn [Đỗ Tấn Xuân] vẫn trơ-tráo đứng dậy đặt thêm cho được vài câu hỏi nữa.

    Bác-Sĩ Trần Văn Thọ, Tổng Giám-Ðốc Thông-Tin, mà còn tranh tài với Bác-Sĩ Trần Kim Tuyến (Giám-Ðốc Nha Nghiên-Cứu [tức cơ-quan Tình-Báo] thuộc Phủ Tổng-Thống), thảo nào mà nhà-văn này cũng không chịu lép vế các nhà-văn khác trong thành-tích bao vây những ai bị nghi là, bị cho là có thể đối-kháng chế-độ đương-quyền.

    Một số nhà-thơ giành nhau chức-vụ lãnh-đạo ngành Thông-Tin, khởi đầu bằng địa-vị Chủ-Tịch Hội Văn-Nghệ-Sĩ & Ký-Giả Miền Trung.

    Nhà-thơ Đỗ Tấn Xuân nhai lại cái bã Tố Hữu tán-tụng Staline, in hẳn cả một tập thơnhan đề “Mùa Hoa Sim Nở”trong đó có câu “Tiếng đầu lòng con gọi: Cụ Ngô!”

    Họ sợ vướng tôi nên tìm cách loại tôi, lùng thu thi-tập “Ánh Trời Mai” của tôi, v.v...

     Thế nhưng hầu hết các nam+nữ tân+cổ+nhạc thi+ca+kịch-sĩ cộng-tác với tôi thì chỉ thấy tôi là một nhà thơ trẻ trai, hiền-lành, hòa-đồng với họ trong từng bộ-môn, chứ không biết gì về những khó-khăn của tôi.

    Họ cũng không quan-tâm gì đến mục-đích chính-trị của Ðài, mà lại đinh-ninh rằng trọng-tâm hoạt-động và lý-do cùng ý-nghĩa của sự hiện-diện của Ðài chỉ là phần diễn-ngâm ca-tấu giải-trí văn-nghệ mà họ cống-hiến cho số thính-giả gần xa ái-mộ họ mà thôi.

     Vi Khuê thì trầm-lặng hơn họ và có một thế đứng riêng. Nàng không ca hát nhưng số khán+thính-giả địa-phương hằng ngày háo-hức đến xúm dán mũi vào cửa kính để xem tận mắt các nữ-danh-ca hát thật cũng như dượt bài, đều không bỏ lỡ cơ hội nhìn ngắm cô biên-tập-viên duyên-dáng của Ðài. Các người-đẹp trình-diễn thì chỉ xuất-hiện vào giờ có chương-trình liên-quan, còn Vi Khuê thì có mặt ở đó suốt ngày, để những lúc trở về Ðài tôi nhìn thấy nàng mà dịu-vợi ưu-tư...

    *

    Thế rồi tôi giã-từ quân-ngũ, rời khỏi Ðài, ra ngoài hoạt-động văn-nghệ nhiều hơn trong một môi-trường rộng-lớn và khoảng-khoát hơn.

     Ngoài các nỗ-lực tích-cực trong Quân-Ðội và sau đó là trong ngành Cảnh-Sát Công-An, tôi còn hăng say dùng hoạt-động văn-nghệ riêng tư để góp phần xây-dựng và củng-cố chế-độ Ðệ-Nhất Cộng-Hoà, thí-dụ: viết báo, đi thuyết-trình trong Cảnh-Sát & Công-An và ngoài dân-chúng; sáng-tác và trình-diễn khắp nhiều Tỉnh vở kịch thơ “Gươm Chính-Nghiã” của tôi đề-cao Tổng-Thống Ngô Ðình Diệm, kêu gọi sĩ-phu khắp nơi, đặc-biệt từ Miền Bắc, về với Chính-Nghiã Miền Nam; sáng-tác và xuất-bản tập thơ “Tuần Trăng Mật” vinh-danh tình yêu vợ+chồng, mà nguồn cảm-hứng sáng-tạo thì đi trước và sau đó lại phù-hợp với tinh-thần canh-tân trong Luật Gia-Ðình của Bà Ngô-Ðình Nhu...

    Tôi giữ Mục “Vườn Thơ” trên tuần-báo “Rạng Ðông” của Lê Hữu Mục, họp làm đặc-san với Tôn Thất Dương Tiềm, xuất-bản thơ của các bạn gần+xa và của chính mình, kết-thân với các nhóm như Hồ Mộng Thiệp, Thanh Phượng, Anh Ðộ, Tô Như, và Quốc Dân... ở Ðà-Nẵng; đồng nhóm Xây-Dựng là Xuân Huyền, Tường Vi, Huyền Chi, Hoài Minh, Bàng Bá Lân, v.v... ở Sài-Gòn. Trong đó, tôi giữ mục “Hội Thơ” (do Hồ Đình Phương trung-gian) trên tuần-báo Văn-Nghệ Tiền-Phong của Hồ Anh, và có nhạc-sĩ Lê Mộng Bảo giúp phần ấn-loát & phát-hành sách và đặc-san.

    Tôi tái-tổ-chức họp bạn hằng tuần; ngày xưa thì có Nhân Hậu, Vĩnh Thao, Hạnh Lang, Trúc Lang, Võ Ngọc Trác, Xuân Dưỡng, Giang Tuyền, Kiêm Minh, Lê Mộng Hoà, Nhân Nam, v.v...; bây giờ thì có Hoàng Hương Trang, Tuyết Lộc, Kim Lan, Nguyên Xuân Tứ, Hữu Ðỗ, Khang Lang, Hoài Tâm, Hương Thu, Xuân Nghị, Thanh Thuyền, Thế Viên, v.v...; có lần có cả Trần Minh Phú từ Hàng Me đến, Diên Nghị từ đơn-vị về, Hồ Ðình Phương từ Long-An ra...

    Ðại-Hội Văn-Hoá Toàn-Quốc dưới thời Ðệ-Nhất Cộng-Hoà (khai-mạc ngày 11 tháng 1 năm 1957) đã đem lại cho tôi một phần thưởng tinh-thần: “Xây-Dựng” cuả tôi được nhìn-nhận là một cành của Cây Ða Văn-Hiến Việt-Nam.

     Trong thời-gian đó, Vi Khuê lên xe hoa. Và đôi uyên-ương đưa nhau lên xây tổ ấm trên đồi núi Ðà-Lạt sương mù, bỏ lại “chuồng bồ câu” trống lạnh như nỗi thiếu vắng trong lòng của những ai ai...

    *

    Sau khi bản-thân tôi gặp nhiều khó-khăn vì không chịu cải-đạo; sau khi người ta giết chết cả hai vợ+chồng thầu-khoán Nguyễn Văn Yến; sau khi người ta dùng ngay phòng họp là nơi tôi hướng-dẫn học-tập “Ðạo-Ðức của Ngô Tổng-Thống” cho các cấp chỉ-huy Cảnh-Sát Huế trong các buổi “học-tập Chính-Trị và Công-Dân Giáo-Dục” hằng tuần, để làm nơi tra khảo và giết chết thầu-khoán Nguyễn Ðắc Phương rồi ném xác xuống sân tri-hô là Phương nhảy lầu tự tử; sau khi nhận được vô-số bài-vở của anh+chị+em Cảnh-Sát Công-An gửi về tôi để xin đăng lên tờ nội-san “Phục Vụ” do tôi chủ-biên, nội-dung tố-cáo nhiều, quá nhiều, hành-động tham-lam, tàn-bạo, kể cả giết người, dựa quyền cuả ông Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn; v.v...

    Do đó, tôi đã liều-lĩnh đứng lên công-khai nêu ra một số khuyết-điểm của chế-độ họ Ngô, trong một buổi học-tập tại cơ-quan vào ngày Lễ Hai Bà Trưng (3-3-1960).

     Biến-cố này đã gây chấn-động cả Miền Trung.

    Kết-qủa là tôi bị quản-thúc điều-tra ba tháng, gây tranh-cãi giữa hai ông Cố-Vấn Cẩn và Nhu...

    Rồi tôi bị đày lên Cao Nguyên “vùng nước độc và nguy-hiểm” với bụi đỏ mù trời.

    Đời sống chính-trị tạo thi-hứng cho tôi sáng-tác và đăng báo rời-rạc các bài thơ mà sau Cách-Mạng 1-11-1963 mới được gom lại ấn-hành thành tập “Với Thượng-Ðế”, tập thơ thứ bảy cuả mình.

    *

    Qua đến Ðệ-Nhị Cộng-Hoà, tôi cũng lại gặp rắc-rối, vì tôi công-khai phản-đối những sai trái, nhất là chiều-hướng quân-phiệt trong chế-độ Nguyễn Văn Thiệu, bằng một bức thư trần-tình gửi lên Cấp Trên**.

     Sau cùng tôi được (hay bị?) đưa về lại Miền Trung để giải-quyết giùm (và tôi đã giải-quyết được) những khó-khăn nội-bộ tại vùng đất này mà trước đó Trung-Ương hầu như bó tay...

     Giờ đây, tôi trở về Huế lại.

    Ngồi trên ghế đá công-viên trước Ðài Phát-Thanh Huế, tôi nhắm mắt mường-tượng những gì đã xảy ra tại đây vào buổi tối 8-5-1963―phản-ứng của giới Phật-Tử bị cấm treo cờ Phật-Giáo vào ngày lễ Phật, Phật-Giáo-Đồ tập-trung, chất nổ, người chết, sức mạnh quần-chúng...

     Rồi lịch-sử đã sang trang...

     Lắc đầu xua đi những ảnh-hình thế-sự, tôi thả hồn sống lại quãng đời thơ trẻ đã qua.

    Những khuôn mặt cuả Huế một thời, mà tôi nhớ thêm: các nhà văn Bửu Kế, Phan Khoang...; các nhà thơ Phan Văn Dật, Nguyễn Anh, Tô Kiều Ngân...; nhà khảo-cứu Bửu Cầm; hoạ-sĩ Phi Hùng; nhà dựng kịch Lê Hữu Khải; các kịch-sĩ Vũ Ðức Duy, Vĩnh Phan, Minh Mão, Hà Nguyên Chi...; các nhạc-sĩ Nguyễn Hữu Ba, Lê Quang Nhạc, Ưng Lang, Hoàng Thi Thơ, Lê Tất Vịnh, Hoàng Nguyên...; các ca-sĩ Minh Trang, Thanh Nhạn, Tôn Thất Niệm, Ngọc Cẩm–Nguyễn Hữu Thiết, Bạch Yến, Thiện Nhân, Hương Việt, Diệu Hương...

    Tôi không gặp lại Phương Như, Bằng Trình của Huế, Anh-Ðộ [Ðỗ Cẩm Khê] của Ðà-Nẵng, và mất liên-lạc với Huyền-Chi từ sau khi nàng lấy chồng. Trước đó, bóng người áo trắng Kiều-Ngọc đã vuột khỏi tầm tay tôi.

    Nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ buổi hoàng-hôn ấy tôi lái xe Lambretta-2-bánh chở Trần Dạ Từ từ khách-sạn Khê-Ký lên Bến-Ngự để anh gặp Nhã Ca; và buổi sáng chủ-nhật kia Hy Văn Mộng đến nhà tôi chơi bị cháu nhỏ tè ướt cả quần khi anh bế nó lên hôn.

    Có những bạn thân không còn, hoặc còn nhưng phai thân...

     Nhưng Vi-Khuê thì vẫn còn là một người bạn thân. Cuả vợ+chồng chúng tôi.

    Trong cuốn lưu-bút “Kỷ-Niệm Vàng” mà tôi giữ kỹ, bây giờ vẫn còn tờ giấy bạc “anh gánh dưa” một đồng mới toanh mà Vi-Khuê đã ký tặng mừng tuổi tôi vào dịp Tết năm nào.

    Hình-ảnh ấy càng đậm nét khi nàng đưa Vân-Anh, cả hai phất-phơ tà áo màu qua cánh đồng An-Cựu vàng rực mùa lúa gie, đến thăm tôi vào thuở ban đầu, để rồi sau đó thì nàng làm chứng-nhân cho cuộc lễ thành-hôn của tôi với người bạn thân ấy của nàng.

    *

    Giờ đây Thành-Phố Huế đã bị giáng bậc xuống làm Thị-Xã, tước mất―ngoại-trừ về phần văn-hóa và lịch-sử― cái địa-vị thủ-phủ của Miền Trung; hoa-khôi Ðồng Khánh ngày càng hiếm-hoi; Ðài Huế xuống cấp làm Ðài Tỉnh nhỏ; các xướng-ngôn-viên và ca-sĩ chỉ gợi tiếc những giọng oanh vàng và hương sắc ngày xưa...

     Ðệ-Nhất Cộng-Hoà thế kia, Ðệ-Nhị Cộng-Hoà thế này. Mỗi chế-độ có những vấn-đề khác nhau, nhưng đều giống nhau ở vận nước chông-chênh.

     Liệu những biến-thiên của cuộc đời sẽ còn đem lại những đổi thay nào khác nữa cho Đồng-Bào, cho Quê-Hương?

    Huế vẫn còn đây, Ðài Huế vẫn còn đây, và tôi trở về ngồi đây.

     Nhưng tôi không còn tìm thấy lại được, sau mỗi chặng đường―cũng vẫn gian-nan một mình chống-chọi với ma-quỷ còn sót lại trong thời buổi mới―sự thanh-thản, dù trong chốc-lát, cho tâm-hồn mình, như những ngày nào xa xôi...

     LÊ XUÂN NHUẬN  

    Biến-Loạn Miền Trung

                                                               ***

       Người Đăng: TrandinhPhuoc - Feb 12, 2022 23:12

     Reply    Edit     Delete    Print  

    2-Một Quãng Đời Đã Qua

    Nguyễn Phúc Vĩnh Đương

    Sau khi đưa tờ giấy hẹn gặp Counselor cho người thư ký tại Văn phòng, tôi chọn một chỗ ngồi cuối dãy hành lang chờ đợi tên mình được gọi. Mấy hàng ghế đầu là một tốp sinh viên trẻ đang líu lo trò chuyện về việc chọn môn học cho mùa Fall này. Tôi nghĩ đến những môn mà tôi đã ghi danh để theo học không giống ai cả như lớp Máy lạnh xe hơi (Air Conditioning) lớp Chụp hình căn bản (Photo basic) lớp Pháp Văn căn bản (French 180). lớp ESL 1…Sở dĩ tôi chọn những môn học này đều không phải bỏ nhiều thì giờ để làm bài hoặc học bài, vì tôi phải còn đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình nữa. Về môn tiếng Pháp thì tôi ghi cho có lớp, chứ trước kia tôi đã học chương trình Pháp và đã đậu bằng Trung học Pháp (Brevet) rồi. Dù cho học hết các lớp của môn này đối với tôi cũng không khó khăn gì. Còn môn Anh Văn thì tôi cũng đã từng đi dạy ở các Trung Tâm ở Sài gòn hơn mười mấy năm sau khi đi tù cải tạo về.

     Tôi đang lo không biết ăn nói làm sao với Counselor  đây khi cô ta hỏi “Major” của tôi trong việc chọn lựa môn học cho mùa Fall này. Tôi ghi danh học không phải để tiến thân hoặc lấy cấp bằng mà mục đích duy nhất là lấy tiền trợ cấp (Financial Aid).

     Đang suy nghĩ miên man thì bà thư ký gọi tên, và chỉ tôi vào cái phòng trước bàn giấy của bà ta. Tôi gõ cửa bước vào, hơi mát của phòng máy lạnh làm tôi cảm thấy thoải mái dễ chịu. Counselor của tôi, cho đến lúc này, tôi mới biết là người Việt, vì trong giấy hẹn gặp Counselor, tôi chỉ biết rằng hôm nay, giờ này, tôi phải có mặt tại trường để gặp Ms.Vanessa.

     Tôi chưa kịp chào cô ta thì cô ta đã làm cho tôi thật ngỡ ngàng khi đứng lên nói :

    “ Chào thầy ! Thầy còn nhớ em không?”

    Tôi cố hết sức để nhớ lại, nhưng thật sự tôi không còn nhớ nỗi nữa, chỉ thấy quen quen…

     Sau những năm tháng trong các trại cải tạo, sau những ngày cơ cực, vật lộn với cuộc sống đã làm cho trí nhớ của tôi cùn đi, không còn được như xưa nữa. Có thể cô ta là một học sinh của tôi trước đây, mà học sinh trước hay sau 1975. Trước 75 trong thời gian dạy tại trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà lạt tôi cũng từng dạy nhiều trường tư như Trí Đức, Việt Anh, Văn Học, Quang Trung, còn sau khi đi tù cài tạo về, ngoài những trường công lập ở Sài gòn, tôi còn dạy cho các trung tâm Anh Văn của Hội Trí Thức Yêu Nước, của Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật.

     Học trò có thể nhớ thầy, nhưng thầy thì không thể nhớ hết học trò của mình trong suốt mấy chục năm đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen.

    Để đánh tan sư ngạc nhiên và bối rối của tôi, cô ta nói tiếp :

    “Em là Vân Huyền học trò thầy ở lớp 12 trường Văn Học ở Đà lạt.”

     Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi nghĩ rằng có thể nào cô học trò trước năm 75 đã một lần đi chơi với tổ hợp lâm sản và đã gặp tôi ở Nha Trang ngày nào, nay lại là Counselor của tôi ? Huyền đã khác xưa nhiều lắm, từ phong cách cho đến thể hình và cách ăn mặc, nên tôi không nhận ra, duy chỉ có đôi mắt đen, to và ươn ướt như hồi còn đi học.

     -“Chắc thầy ngạc nhiên lắm khi gặp lại em ở đây. Chuyện còn dài em sẽ kể cho thầy nghe sau.”

     Huyền nói tiếp :

    -“Khi bà thư ký đưa giấy hẹn của thầy, em thấy tên thầy, em nghĩ không biết có phải  là thầy hay không, cái tên hai chữ của thầy làm thế nào em quên được, cho nên em đã đi ra để nhận diện mà thầy không hay biết. Đúng là thầy ! Thầy già đi nhiều, không còn phong độ và đẹp trai như ngày xưa nữa.”

     Tôi mỉm cười :

    - “Già rồi ! mấy chục năm rồi còn gì !”

    Huyền nói :

    - “Thôi, bây giờ thầy và em ra ngoài này nói chuyện.”

    Huyền dẫn tôi ra khỏi phòng, đến ngay bàn bà thư ký, giới thiệu với bà ta, tôi là thầy cũ của Huyền ở Việt Nam. Bà ta bắt tay chào hỏi tôi một cách thân mật, rồi Huyền và bà ta trao đổi với nhau một vài câu gì đó mà tôi không nghe rõ. Huyền đưa tôi ra một tiệm McDonald’s phía bên kia đường. Vừa đi Huyền vừa hỏi về đời sống của tôi hiện tại :

     -“Thầy qua đây đã lâu chưa ? Hiện giờ thầy làm gì ? Em biết thầy đi học chỉ để lấy tiền ‘Financial Aid’ mà thôi. Ai qua đây, mới đầu cũng vậy hết. Thầy dạy Anh Văn mà lại ghi học ESL1”

     Tôi tình thiệt nói với Huyền là tôi đang làm Assembler cho một hãng điện tử, cái nghề tay chân, không cần bằng cấp và tay nghề, mà phần đông những người mới qua làm để kiếm tiền trong những ngày đầu định cư tại Mỹ, trong khi chờ kiếm được một công việc khá hơn. Lương tiền không đủ để trả tiền thuê apartment nên tôi phải ghi danh đi học vào những giờ nghỉ hay buổi tối để được tiền Financial Aid.

     Vào đến tiệm, Huyền chọn một cái bàn trong góc, mời tôi ngồi rồi đi ngay đến quầy hàng…                                                                          

      Những hoài niệm cũ ngày xưa phút chốc trở về…tràn ngập trong trí nhớ của tôi. Ngày đó, thời gian đó là những tháng năm nhàn nhã và đẹp nhất của tôi ở Đà lạt. Ngoài hai giờ dạy môn Luật và Kinh tế cho SVSQ trường VBQGVN mỗi ngày, thời gian còn lại chỉ đi uống cà phê, uống rượu, lang thang khu Hoà Bình. Đêm nào không ứng chiến hay trực  lại đánh bài, xoa mạt chược…có khi thức trắng hai đêm liền. Để bớt rong chơi và kiếm thêm thu nhập một số Sĩ Quan Giáo Sư đã xin phép để được đi dạy thêm ở các trường tư thục. Huyền lúc đó là học sinh của tôi ở lớp 12 trường Văn Học, một trường tư nổi tiếng ở Đà lạt. Tôi còn nhớ rất rõ Huyền ngồi ở bàn cuối lớp. Huyền có đôi mắt đen, to và ươn ướt, lúc nào cũng như muốn khóc, ít nói và trầm buồn... Huyền không đẹp lắm nhưng nhờ có mái tóc dài nên có nét quyến rũ liêu trai.

    Hằng ngày tôi đi dạy bằng chiếc xe jeep cũ mà tôi đã mua từ Nha Trang, nhưng đến năm 72 khi Hiệp Định Paris được ký kết, quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, vật giá bắt đầu gia tăng, nhất là nhiên liệu. Giá xăng lên vùn vụt, tôi không thể dùng xe đó để làm phương tiện di chuyển nữa. Khi một tổ hợp lâm sản có ý định thuê lại, tôi bằng lòng ngay. Hàng tháng họ trả tiền cho tôi sòng phẳng, ngoài ra họ thường rủ tôi đi ăn nhậu hoặc đi chơi xa trong những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ.

     Một buổi sáng Thứ Bảy, từ trường Võ Bị ra, tôi gặp Sơn, tổ trưởng tổ lâm sản, rủ tôi ra Nha Trang tắm biển, chiều Chủ Nhật về. Tôi nhận lời ngay, vì muốn thay đổi không khí và không muốn hai ngày nghỉ lại ngồi xoa mạt chược nữa.

     Chiều hôm đó Sơn đến đón tôi tại khách sạn Thủy Tiên 2, cư xá giáo sư độc thân của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam .

    Chúng tôi đến Nha Trang sau 4 giờ lái xe. Sơn đã đặt sẵn phòng cho tôi ở khách sạn Grand Hotel nằm trên đường Trần Quí Cáp. 

     Tối hôm đó Sơn đã đẩy Huyền vào phòng tôi. Vừa nhận ra tôi Huyền biến sắc tôi thấy ngay sự bối rối và tình huống khó xử của Huyền, lanh trí tôi trấn an Huyền trước :

     -“Em cũng quen anh Sơn à ? Em ra đây lúc nào vậy ?” Huyền như vớ được phao, lí nhí trả lời :

    -“Em ra đây với mấy người bạn của anh Sơn vào buổi sáng.”…

     Suốt đêm hôm đó Huyền đã thành thật kể cho tôi nghe hết những gì xảy ra cho Huyền trong những năm qua. Huyền cho tôi biết cha của Huyền cũng là một Sĩ Quan, xuất thân từ trường Bộ Binh Thủ Đức và đã hy sinh trong một cuộc giao tranh ác liệt khi Huyền mới 10 tuổi. Từ đó Huyền được bà Nội đem về nuôi dưỡng, để cho mẹ rảnh tay đi buôn bán kiếm sống qua ngày. Bốn năm sau, bà nội mất và mẹ của Huyền cũng tái giá với một thương gia người Hoa giàu có, Huyền lại về sống với mẹ. Người dượng ghẻ là một tay thu mua gạo ở các tỉnh miền Tây, ông ta xin cho mẹ Huyền một môn bài bán gạo ở chợ Bình Tây trong Chợ Lớn. Ông ta thường đi đây, đi đó, ít khi về nhà.

     Huyền kể: “Năm em 16 tuổi, một hôm mẹ phải đi nhận gạo ở tỉnh,  ông ta bất ngờ trở về nhà lúc nửa đêm và đã dùng vũ lực để cưỡng bức  em…Ấn tượng đó trong đời em không bao giờ có thể quên được. Em đã nói hết cho mẹ em nghe, mẹ em sợ tai tiếng nên không làm lớn chuyện, cắn răng chịu đựng, âm thầm đau khổ. Đến bây giờ em mới thấm thía khi nghe những lời người ta thường ru con ngủ:

      Trời mưa bong bóng phập phồng

    Mẹ đi lấy chồng con ở với ai

    Con đói thì con ăn khoai

      Đừng ở với dượng điếc tai láng giềng…

     Sau đó mẹ em gửi em lên Đà lạt ở với người dì, không chồng con, bán rau quả ở chợ để tiếp tục đi học lớp 10. Hàng tháng mẹ gửi tiền ăn học cho em. Nhưng một năm sau đó, trong một cuộc gây lộn kịch liệt với ông dượng quý hóa kia, và cũng vì bệnh cao áp huyết, thêm buồn phiền về chuyện của em, mẹ em đã bị tai biến mạch máu não rồi mất sau hai ngày hôn mê ở bệnh viện.

    Mẹ em mất không để lại gì, từ đó Dì em chỉ lo đủ cho em cơm ngày hai bữa, tiền học thì tháng có tháng không, nhiều lúc em phải tự xoay xở lấy. Lúc đó em đang theo học lớp 11, em tự nhủ là phải lấy cho bằng được bằng Tú Tài để đi tìm việc nuôi thân. Em tỏ ra bất cần đời, buông xuôi mọi thứ. Thỉnh thoảng em đi chơi xa với nhóm anh Sơn mà thôi…”

     Tôi cũng kể cho Huyền nghe về cuộc đời cơ cực, trôi nổi và tự lập của tôi từ nhỏ để an ủi và thông cảm với Huyền. Tôi khuyên Huyền cố học để thi cho đậu, nếu gặp khó khăn trong vấn đề học hành hay tài chánh thì cho tôi biết, tôi sẽ giúp Huyền trong khả năng của tôi.

             Tuần lễ kế tiếp, vào lớp dạy, tôi không thấy Huyền đi học. Tôi muốn hỏi hai nữ sinh ngồi cạnh Huyền, nhưng ái ngại. Sau khi viết đề bài lên bảng cho học sinh làm, tôi mở sổ điểm danh và sổ điểm để xem Huyền không đi học giờ của tôi hay tất cả các môn khác nữa. Huyền đã nghỉ học 2 ngày rồi.

     Chiều hôm đó, trong lúc lang thang trên khu phố Hòa Bình, tôi thấy Huyền từ dưới chợ đi lên. Gặp tôi quá bất ngờ Huyền không thể tránh được, miễn cưỡng gật đầu chào. Tôi nhìn thẳng mặt Huyền và hỏi ngay:

      -“Tại sao em nghỉ học ? chỉ còn 2 tháng nữa thôi em sẽ phải thi rồi, không thể bỏ ngang xương như vậy được. Trong mọi hoàn cảnh chứng tỏ khả năng. Hãy quên đi mọi chuyện, để nghĩ đến tương lai. Lời khuyên cuối cùng của tôi đó.”

    Huyền không dám nhìn thẳng mặt tôi, cúi đầu nói :

    -“Mấy hôm nay dì của em bệnh, em phải ở nhà để giúp cho dì, ngày mai em sẽ đi học lại. Cám ơn thầy đã khuyên bảo em.” rồi xin phép đi.

     Tôi biết Huyền nói dối vì chiều hôm qua tôi và một người bạn ghé sạp của dì Huyền mua một bắp sú để về xào trứng cho buổi ăn tối. Nhưng thôi, tôi biết Huyền đang bị khủng hoảng tinh thần, và mặc cảm vì người biết rõ chuyện thầm kín của Huyền chính là tôi. Hôm sau Huyền đi học lại, vào lớp Huyền cũng như tôi không còn được tự nhiên như trước. Tôi tránh  nhìn Huyền và Huyền cũng vậy.

                                                        *****

     Hai tuần sau kỳ thi Tú Tài, Huyền đã đến tìm tôi tại cư xá Thủy Tiên 2, báo cho tôi biết Huyền thi đậu và mời tôi đi ăn cơm tối. Thực sự tôi đã biết trước khi thầy Hiệu Trưởng lấy danh sách học sinh của trường thi đậu đem về, Huyền là một trong 3 học sinh của trường đậu hạng Bình thứ. Trường Văn Học có tỷ lệ đậu khá cao trong niên học này. Thầy Hiệu Trưởng có vẻ hài lòng, tỏ ra vui vẻ với giáo sư hơn các ngày thường.

     Huyền và tôi đi bộ xuống Chic Shangai, một tiệm ăn khá thanh lịch, ngay dưới dốc cư xá, cạnh khu phố Hòa Bình. Trong bữa ăn, Huyền cho tôi biết ý định muốn về Sài gòn tìm việc làm, và nếu có phương tiện, thì sẽ học thêm Anh ngữ. Huyền còn nói nhiều về “Thủy Tiên 2” cư xá của những Sĩ Quan Giáo Sư Văn Hóa Vụ, đối diện Ký Túc Xá của nữ sinh viên Viện Đại Học Đà lạt. Tôi thật không ngờ Huyền biết tên của nhiều người bạn của tôi ở cùng khách sạn và cả tên ông bạn già của tôi nữa. Thường đã cùng tôi đi mua Lan mỗi buổi sáng do người thượng đem ra bán ở khu Hòa Bình). Không những Huyền biết tên mà còn biết cả biệt danh (nickname) của từng người nữa.

      Huyền nói :

     -“Em biết các bạn thường gọi thầy là ‘Râu hay Nhím’ có đúng không vậy? ” Tôi mỉm cười hỏi lại :

    - “Sao em biết ?” Huyền không trả lời câu hỏi của tôi mà nói tiếp :

    -“Em có con bạn nó mết thầy lắm, nó khen thầy đẹp trai. Nó thích nhất là khi thầy mặc bộ Jaspé, bộ quân phục dạo phố mùa Đông mà vào lớp dạy, những lúc đó trông thầy giống Robert Taylor trong phim La valse dans l'ombre (Điệu Vũ Trong Bóng Mờ). Hôm ấy trông Huyền vui vẻ và nói hơi nhiều…

    Sau bữa cơm, trước khi từ giã Huyền, với những kinh nghiệm của riêng trong cuộc sống, tôi chân thành khuyên Huyền cố gắng quên đi những buồn phiền, những gì không tốt đẹp trong một quảng đời đã qua, để vươn lên. Tôi nói :

    -“Không ai thương mình bằng chính mình. Trong mọi hoàn cảnh chứng tỏ khả năng. Cuộc đời là một chuỗi ngày tháng tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân mình, trên con đường dài ấy có mấy ai chưa từng vấp ngã. Giá trị của con người không nằm trên sự vinh hiển thuận buồm xuôi gió, mà ở chỗ có vượt qua được những tai ương bất hạnh hay không. Nếu em muốn thành công , em sẽ thành công.” Huyền có vẻ bùi ngùi, trước khi về Huyền nắm chặt tay tôi. Rồi từ  đó tôi không gặp lại Huyền nữa.

    Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, quân Bắc Việt đã chiếm hầu hết các tỉnh miền Trung, và khi nghe Đà Nẵng thất thủ, tôi và nhiều SVSQ đã khóc. Vận nước nổi trôi, cái ngày đau thương nhất của Miền Nam Việt Nam đã đến -ngày 30 tháng 4 năm 1975- Tôi cùng với hàng trăm ngàn Quân, Cán, Chính khác đã khăn gói vào trại tập trung.

     Sau hơn 3 năm trong các trại cải tạo Trảng Lớn, Đồng Bang, Kà Tum, Bùi Gia Mập, Phước Long, tôi đã được thả. Về địa phương trình diện, chính quyền không cho tôi tạm trú mà chỉ định cho tôi vào một nông trường tận mãi Cà Mau. Hằng ngày phải ngâm mình trong các mương rạch để đốn cây đước đem về cất nhà cho cán bộ. Tôi quyết định trốn về Sài gòn, trong thâm tâm tôi nghĩ rằng nếu có bị bắt lại, đưa vào trại cải tạo một lần nữa vẫn còn dễ thở hơn ở đây.

     Về Sài gòn tôi không dám về nhà vì sợ liên lụy đến gia đình bên vợ, tôi lang thang đi xin việc làm tại một tổ hợp đóng thùng gỗ của một tư nhân trong Chợ Lớn cùng với một người bạn dạy Võ Bị vừa mới ra trại, và anh đã chết một năm sau đó. Ban đêm, với một tấm vải nhựa, có khi tôi ngủ tại nhà ga xe lửa ở đường Phạm Ngũ Lão (khi nhà ga chưa dời qua Bình Triệu), khi thì ngủ dưới mái hiên của những tiệm buôn dọc theo đường Lê Lợi, khi thì về tá túc nhà bạn thân (Khoa Nhân Văn) ở Phú Nhuận. Thỉnh thoảng tôi đến đưa mấy đứa con của một người bạn cùng Khoa Luật và Lãnh Đạo (đã chết vì đói trong trại cải tạo ở miền Bắc) đi sở thú. Tôi đã sống như vậy trong hơn hai năm trời…

      Cho mãi đến khi Thành Ủy ra quyết định những người có văn bằng Đại Học được ở lại thành phố, tôi ra trình diện và được chấp thuận cho tạm trú, sau hơn một giờ xét hỏi văn bằng, giấy tờ, hạch hỏi và đe dọa. Mấy ngày sau tôi ghi danh vào Hội “Trí Thức Yêu Nước” mà chúng tôi thường đùa khi thêm một chữ Ngoài sau chữ Nước, vì chính giáo sư Hội Trưởng Lê Văn Thới cũng đã vượt biên mà không lọt.

     Tôi được cho theo học một lớp “Bồi Dưỡng Trí Thức” để được đi dạy lại.

     Trong thời gian này tôi vừa đi học vừa đi bán rượu lậu để sinh sống. Ngày nào cũng vậy, tôi đi học với hai thùng rượu nếp than 40 lít sau xe đạp, học xong là “tranh thủ” đi bỏ mối ngay. Để được ra cổng bất cứ lúc nào tôi cũng phải “hối lộ” cho bảo vệ mỗi tuần một lít.

     Chỉ còn 2 tháng nữa thì mãn khóa học, một người bạn của tôi cũng là giáo sư Văn Hóa Vụ vừa được ra trại đến thăm và rủ tôi vượt biên bằng đường bộ khi nghe người bạn cùng khoá  với tôi là anh TĐH làm trưởng khoa Thể Chất của trường đi trót lọt. Không may tôi bị bắt và bị giam tại Campuchia. Hai tháng sau được đưa về khám Chí Hòa, tôi đã nghĩ tình trạng xấu nhất sẽ đến với tôi nên yên chí với số phận hẩm hiu của mình.

    Trong khi đó, ở lớp học bồi dưỡng, một người bạn thân cùng học không những điểm danh‘có mặt’cho tôi hàng ngày,mà còn làm bài thi cuối khóa cho tôi nữa! (Tôi thành thật biết ơn bạn Trần Đình Ph, một Sĩ Quan Không Quân hiện cư ngụ tại San José, vì tình bạn đã làm công việc táo bạo này. (A friend in need is a friend indeed)

     Tôi được bố trí dạy Anh Văn cho một trường Trung Học tại Quận 1, trong khi tôi còn đang nằm trong tù. May mắn thay, sáu tháng sau tôi được thả ra, có lẽ nhờ khai man lý lịch…

     Cầm quyết định bổ nhiệm của Sở Giáo Dục, tôi đến trình diện trường để nhận nhiệm sở. Nhờ có 3 tháng nghỉ Hè nên tôi chỉ trễ một tháng. Tôi lấy lý do bị bệnh thương hàn phải nằm bệnh viện, để chứng minh tôi lấy mũ ra cho ông Hiệu Trưởng thấy cái đầu vừa mới mọc tóc của tôi (thật sự tôi đã bị cạo trọc khi ngồi tù)

     Trong thời gian dạy ở trường công, lương giáo viên không đủ sống, tôi đầu quân vào Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật và Hội Trí Thức Yêu Nước để dạy các lớp luyện dịch ở Hội, trường Cao Đẳng Sư Phạm. Nói về khả năng Anh ngữ, tôi không thể so sánh được với các anh trong Khoa Anh Văn của TVBQGVN như anh NVS, TVT, và các giáo sư khác, nhưng các lớp luyện dịch của tôi học viên rất đông. Sở dĩ được như vậy vì học viên của tôi đậu khá nhiều trong các kỳ thi tuyển vào Đại Học, nhờ tôi đã dùng giáo trình của Bộ Giáo Dục Xã Hội Chủ Nghĩa.

    Tôi đã giúp học viên dịch thật nhiều đề tài thời sự nóng bỏng, liên quan đến chính trị, kinh tế, các bài diễn văn, lời phát biểu của các Tổng Bí Thư. của ‘Bác Hồ’ đúng vào trọng điểm lúc bấy giờ, với lối dịch và dùng từ khá đặc biệt của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Như muốn dịch “Đảng Cộng Sản Việt Nam” thay vì “The Vietnamese Communist Party” thì phải dịch “The Communist Party of Viet Nam”. Theo họ nước ta là một nước lớn, không được dùng tên nước làm tỉnh tự (adjective). Như câu “Việt Nam là một nước nhỏ nằm bên bờ Thái Bình Dương” thì chữ NHỎ phải dịch “đất không rộng, người không đông” chứ không được dùng chữ NHỎ.

     Một hôm, trong lớp luyện dịch 6 của tôi, khi học về “possessive case” dùng với “reciprocal pronouns” tôi đã viết một câu : “Những hoàn cảnh khắc nghiệt đã xô đẩy tôi vào tay người này đến tay người khác” lên bảng cho cả lớp dịch. Khi học viên đang chăm chú dịch, nhìn xuống lớp, tôi bắt gặp một đôi mắt nhìn tôi có vẻ trách móc, tôi nhận ra ngay chính là Huyền. Tôi đâu có ngờ gặp lại Huyền trong lớp của tôi 10 năm sau. Câu tôi cho học viên dịch không nhằm ám chỉ ai cả, và nếu biết có Huyền trong lớp thì tôi không bao giờ cho dịch một câu như vậy. Giờ giải lao, Huyền đến chào tôi nói chuyện, tôi xin lỗi Huyền vô tình đã khơi lại một quảng đời đã qua. Huyền cho tôi biết đã lấy chồng và đang làm việc cho một xí nghiệp nhà nước.

     Chồng của Huyền là con của một thương gia giàu có trước kia. Gia đình chồng phần đông đều ở Mỹ. Vợ chồng Huyền đang chờ đi theo diện bảo lãnh, trong thời gian chờ đợi cả hai vợ chồng đi học thêm Anh Văn. Huyền đang theo học một lớp đàm thoại và một lớp luyện dịch tại đây. Đó là lần thứ hai tôi gặp lại Huyền và mãi cho đến ngày tôi được qua Mỹ theo diện HO gặp lại Huyền trong một bối cảnh khác. Huyền nay là Counselor của tôi…Ngày xưa Huyền được đẩy vào phòng tôi tại khách sạn, hôm nay tôi lại phải trình diện Huyền tại một văn phòng cố vấn của một trường Đại Học Mỹ. Tôi nhớ đến mấy câu trong bài thơ “Nghe Em Vào Đại Học”của Giang Nam :

    Ngày xưa anh dạy em học chữ

    Bây giờ anh về, em lại dạy chữ cho anh

    Không phải bằng than đen vẽ gạch thềm đình

    Không phải phập phồng giữa vòng đai giặc                                          

    Trở lại bàn với hai khay thức ăn, Huyền nói :

    -“Em order trứng và chả lụa cho thầy, nhưng tiệm Mỹ không có chả nên thế bằng bacon, thầy dùng tạm vậy. Em biết thầy hay ăn món này vì hồi ở Đà lạt, em biết đêm nào đánh bài ăn là sáng hôm sau thầy và các bạn thường ra quán chị Sáu, ở dưới bến xe uống cà phê và ăn món này.”

     Tôi không hiểu sao mà Huyền biết được những chuyện như vậy. Trong buổi ăn sáng, Huyền nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa ở Đà lạt, thành phố đối với Huyền có rất nhiều sầu, nhiều luyến thương, thành phố với buổi sáng, buổi chiều mây bay sương phủ. Huyền cho biết một tháng sau khi gặp lại tôi trong lớp luyện dịch, hai vợ chồng Huyền đã nhận được giấy đi Mỹ. Vì gia đình chồng tương đối khá nên cả hai đã được đi học lại. Huyền đã lấy văn bằng Master về Counseling, còn chồng là một kỹ sư điện tử, đang làm cho một hãng computer. Vợ chồng đã có hai con, một trai một gái.

     Huyền nói :

    -“Em luôn nhớ lời khuyên và sự khích lệ của thầy để thực hiện những gì em muốn. Sự quả cảm đã giúp em ngẩng đầu cao để đối diện khó khăn và bất hạnh.”

    Huyền rút trong ví ra một danh thiếp đưa cho tôi và nói tiếp :

    -“Đây là địa chỉ của em, khi nào rảnh mời thầy đến nhà cho biết, thầy cho em số phone của thầy luôn. Em sẽ tìm cho thầy một việc thích hợp với khả năng của thầy hơn”

     Ăn xong Huyền đưa tôi đến bãi đậu xe của nhà trường, trước khi tôi vào xe, Huyền còn nhắc lại lời bài hát “Tạ Ơn Đời” của Phạm Duy : “…biết bao nhiêu lần gian dối, biết bao eo sèo nhân thế, đời vẫn ban cho ngọt bùi, thầy ạ !”

     Tôi phụ theo :

    -“Em nói đúng, nhưng điều đáng khâm phục nhất của đời người là biết vươn lên sau khi ngã”

    Huyền mỉm cười, nhìn tôi, cảm thông và đồng tình với ý tưởng tôi vừa nói.

     Một tuần sau Huyền gọi điện thoại hẹn tôi đến trường để đi xin việc với Huyền. Huyền đã xin được cho tôi làm “Teacher Aid” tại một trường Juvenile High School, trường quản chế những thanh thiếu niên phạm pháp (từ 12 đến 18 tuổi) của Tòa Án trên đường Yale ở thành phố Santa Ana.

     Tôi đến để bà Hiệu Trưởng interview, lương $10.75 một giờ (gấp 2 lần lương của tôi lúc bấy giờ) và đầy đủ benefit. Sau hơn 30 phút khảo sát, bà Hiệu Trưởng nhận tôi ngay, nhất là khi bà ta biết tôi trước đây đã dạy lính ( SVSQ/TVBQGVN)  Tôi cám ơn Huyền về sự quan tâm tìm việc cho tôi.

      Ngay tuần sau đó tôi nhận lớp, thành thật mà nói tôi đã dạy một trường có kỷ cương như trường VBQGVN nay phải đứng trước một lũ học trò “đầu trộm, đuôi cướp” thì tôi không chịu nổi, nên sau khi lãnh cái paycheck đầu tiên cũng là lúc tôi đưa đơn xin nghỉ việc.

     Một quảng đời đã đi qua, thành công hay thất bại đều do chính mình. Huyền cũng như tôi đều lấy câu của Dale Carnegie làm châm ngôn cho cuộc sống “Believe that you will succeed and you will”.

     Nguyễn Phúc Vĩnh Đương (K.17)                            

    (Cali mùa của Trời gửi tình cho Đất)

      Cách đây hơn 100 năm, vào cuối thế kỷ 19, khi đón thủ tướng nước Ý Giuseppe Zanardelli đến khách sạn của mình bên vịnh Napoli, thị trưởng của thành phố Sorrento là Guglielmo Tramontano đã nhờ 2 anh em Giambattista và Ernesto De Curtis viết một ca khúc trử tình ca ngợi Sorrento để tặng thủ tướng Ý. Ca khúc này tên là Torna a Surriento (Come Back to Sorrento), sau đó rất quen thuộc với người Việt mang tên Trở Về Mái Nhà Xưa với phần lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy. 

    Click để nghe Trần Thái Hòa – Ngọc Hạ hát Trở Về Mái Nhà Xưa

    https://www.youtube.com/watch?v=-ZqiZfZx7XU

    Lúc ấy thành phố Sorrento còn sơ sài với những mái nhà tường đất, những con đường lót đá và đầy bụi ven vực biển, người thưa thớt và dịch vụ nghèo nàn. Nhưng Sorrento lúc ấy phải rất đẹp trong nét hoang sơ và ngút ngàn của sóng biển ngàn khơi, những ngọn đồi cao chênh vênh cách mặt biển 50m như cánh cung nhìn ra vịnh Napoli tràn ngập trong ánh nắng miền Địa Trung Hải.

    Lẫn trong tầm nhìn xa tít biển xanh như ngọc, là hương cam, hương chanh từ những thửa vườn ven đồi. Những tiếng sóng vỗ trên ghềnh đá và sóng gió ngàn khơi, âm vang thầm thì đêm ngày như tiếng gọi quyến rũ đầy liêu trai của những nàng ngư nữ mermaids. Thân hình quyến rũ, mái tóc vàng óng như nắng lụa, ngồi bên ghềnh đá hát khúc hát làm đắm đuối những người thủy thủ, những kẻ lang bạt biển hồ phiêu lãng. Khúc hát mang tên Come Back to Sorrento ra đời với những lời ngợi ca quê nhà Sorrento thật đơn sơ mà tha thiết như một dạ khúc serenada, khúc hát như nhắc nhở, tâm tình với thủ tướng Ý làm chút gì đó cho thành phố ven biển này sung túc và đẹp đẽ hơn:

    Hãy nhìn biển đẹp biết bao, làm dậy lên bao cảm xúc
    như bạn đã làm khi nhìn mọi người
    Bạn đã làm cuộc đời mơ mộng hơn

    Hãy nhìn mảnh vườn này và những hương cam
    Mùi hương thơm ngát đi vào trái tim
    Và bạn nói “Ta đi! Tạm biệt.”

    Lìa xa tấm lòng này, xa mảnh đất tình ái
    Bạn đành lòng để không quay lại
    Nhưng xin đừng rời xa, đừng làm tôi đau buồn
    Hãy trở lại Sorrento. Để tôi được sống lại (với tình yêu)…

    Click để nghe Come Back to Sorrento với tiếng hát Dean Martin

    https://www.youtube.com/watch?v=lyWDs2tCFVY

    Hai anh em nghệ sỹ De Curtis khi sáng tác ca khúc này không ngờ rằng, họ đã làm rung động những cảm xúc dạt dào về nước Ý trong lòng thủ tướng và cả khắp thế giới nhiều năm sau.

    Come back to Sorrento! – Trở về Sorrento. Nghĩa là bạn đã từng ở, đã từng đến Sorrento và hãy trở lại. Sorrento như là chốn quê nhà, mà ai cũng có. Cho dẫu bạn là đứa trẻ mồ côi hay sinh ra từ miền đất nọ, mái nhà kia. Mái nhà xưa đó luôn ấm cúng chở che trong thuở ban sơ.


    Click để nghe phiên bản Torna a Surriento

    của danh ca huyền thoại Pavarotti

    https://www.youtube.com/watch?v=RtPCgv_TDMk

    Nơi chốn đó là khởi sự, bắt đầu một đời người, một kiếp nhân sinh hữu hạn. Bởi hữu hạn nên đầy tham vọng cho những cuộc ra đi thênh thang lang bạt, nhiều khi vô định. Những cuộc ra đi nhiều khi không ước vọng mà do dòng đời phận số đẩy đưa. Trong nỗi thống khổ trầm luân của tha nhân ắt phải đồng vọng những da diết muốn trở về cố quận, để được đắm mình hai lần trong dòng sông sóng biển ngày thơ ấy. Nên giai điệu Come back to Sorrento trở thành gần gũi với nhân gian mà vượt qua cách trở ngôn ngữ để đến với chúng ta bằng một ý niệm nhớ quê hương, trở về cội nguồn trong cùng giai điệu bất hủ nọ, qua lời Việt của nhạc sỹ Mạnh Phát và Phạm Duy. Cả hai nhạc sỹ đều có cùng tựa cho bài hát: Trở Về Mái Nhà Xưa.

    Lời của nhạc sỹ Mạnh Phát đơn giản, chân chất như làng quê xưa, với tiếng sáo diều qua đồng nội xanh, với cô thôn nử trên chiếc thuyền nan mắt nhung tóc huyền…

    “Chiều nay lê chân bước về quê xưa. 
    Tìm lại mái nhà êm đềm ấm cúng. 
    Ta e gió mưa phai mái lạnh lùng,

    Chân bước đi nhưng lòng ngập ngừng! 
    Nhớ những chiều vui ngóng chờ trăng lên. 
    Tiếng sáo diều lơ lửng trời xanh êm. 
    Lòng du khách tuy xa mà không quên, 
    ngàn muôn tiếng tơ trong nắng tàn!

    Nhớ cô nàng bơi chiếc thuyền nan xinh. 
    Mắt nhung huyền mái tóc còn xanh xanh. 
    Và say đắm trong đôi mắt dịu hiền. 
    Như chứa chan bao nhiêu mối tình!

    Quay gót về làng quê xưa. 
    Ngày thơ ấu reo vui cười đùa. 
    Trạnh lòng thương nhớ, ngóng trông phía trời xa..!”

    Trong khi đó, nhạc sỹ Phạm Duy đã nâng cảm xúc nostalgia lên một cung bậc rung động triết lý mà lãng mạn siêu thực, bằng những ngôn từ óng ả đầy sắc màu qua hình tượng của “mái nhà xưa” và “ly khách”, bằng cuộc trở về trong tâm linh tha thiết.


    Click để nghe phần lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy với phần trình bày của danh ca Anh Ngọc

    https://www.youtube.com/watch?v=HXn00e1cQUI

    Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.
    Về đây với mầu gió ngày lang thang
    Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.
    Ôi lãng du quay về điêu tàn.

    Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa?
    Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa?
    Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.

    Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
    Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
    Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn
    Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.

    Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
    Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
    Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
    Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn

    Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
    Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
    Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
    Đang khóc than trên đường não nề.

    Thôi nhé đừng hoài âm xưa
    Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
    Người ngồi im bóng
    Lắng nghe tháng ngày qua.

    Lời ca thật đẹp và buồn. Khi thuyền hồn đã cắm neo, người ngồi đó bóng in vào rêu xanh. Người không về theo bước chân mỏi vì đường trần xa ngái. Người không về khi mái tóc con xanh mà người về khi xác thân hắt hiu lạnh. Người không về khi tiếng cười còn tan vỡ hồn đêm thanh tân, mà người về bằng kiếp xưa nhè nhẹ. Người về lại mái nhà xưa bằng vọng tưởng, bằng hoài niệm, bằng khúc hát như lay lắt bóng chiều xưa trên tà huy đời mình. Khi mọi khát vọng tang bồng chỉ còn là tro tàn trên dòng kỷ niệm mãi xót xa.

    Mái nhà xưa thân yêu đó có thể là một gian nhà tranh xiêu vẹo bốn bề gió thốc, có thể là một mái ngói ba gian trong nội thành ngập đầy bóng lá, có thể là mặt tiền chợ búa xôn xao mỗi ngày, hay có thể là những con ngõ hẹp lầy lội mùa nước lên… Nơi đó bạn và tôi đã từng khóc tiếng khóc đầu đời và đi vào cuộc đời bằng những bước chân son hay bằng những bước chân lấm bụi.

    Mái nhà ấy dù lợp bằng tranh, tôn kẽm hay bê tông, thảy đều giòn tan tiếng khóc cười theo năm tháng nổi trôi và những kỷ niệm ngọt ngào đến nao lòng. Nơi đó đầm ấm sự đùm bọc, chăm sóc và bao dung của mẹ cha, của anh chị em. Nơi đó có bạn bè xóm giềng và trường lớp hồn nhiên thơm thảo. Và rồi chúng ta như con chim đủ lông cánh, chập chững yêu nhau, chập chững làm người lớn để rồi chắp cánh giang hồ bằng những mộng ước khát khao và bỏ quê nhà mà đi. Rồi đi xa mãi…

    Chúng ta yêu mến ca khúc Come Back To Sorrento, vì những hương vị chanh, cam nồng nàn trong limoncello, một loại rượu chanh đặc sản của Sorrento tràn ngập khắp phố biển; thoảng như có mùi dầu tràm ngan ngát làng chài Lăng Cô, như có mùi mằn mặn của muối biển trên hàng dương Phan Thiết, hay mùi cá khô phơi xao xuyến ven Bãi Trước, Bãi Sau. Chúng ta yêu ca khúc này vì mỗi người đều tìm thấy cho mình chút hương bồ kết, hương chanh, hương bưởi, hương sả trong mái tóc huyền ngày ấy, vương vấn như trầm hương sau lũy tre làng xưa.

    Tôi không có may mắn như bạn để lần trở về, nhìn mái nhà xưa của mình thay tên đổi chủ. Mái nhà xưa lạ lẫm đến vô tình. Con đường xưa chật hẹp đến xao lòng. Có phải vì tháng năm đã làm phôi pha những ký ức dư ảnh ngọt ngào. Có phải vì lòng người chật hẹp bởi những nghi ngờ đố kị. Hay người ngày càng đông nên lòng phố không đủ rộng cho tôi một chõ về được đứng dưới mái hiên xưa, nghe mưa chiều về muộn và thấy nắng khuya chưa lên bên thềm cũ…

    Quê nhà xa lắc xa lơ đó
    Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay (Nguyễn Bính)

    Chỉ từ Hà Nội vào Nam, Nguyễn Bính đã thấy quê nhà xa lắc xa lơ. Huống chi ở nơi này bên kia bờ đại hải, ngóng về mái nhà xưa, mây trắng nghìn trùng bay, miên man bay như ca khúc Trở Về Mái Nhà Xưa. Ca khúc làm thao thiết lòng ly khách mãi hơn 100 năm. Khi thuyền hồn chưa tìm ra bến đỗ, để cắm xuống một khúc nhạc buồn.

    Thôi nhé đừng hoài âm xưa
    Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

    Những cơn mưa tháng bảy đầu mùa đã về bên thềm nhà nơi miền đất lạ. Miền đất bao dung đầy tự do dù không có chùm khế ngọt để xôn xao những kỷ niệm xót xa. Nơi mảnh đất này tôi gọi Home sweet home! Mái nhà xứ xa.

    Người ngồi im bóng
    Lắng nghe tháng ngày qua.

    Tôi vẫn ngồi nhìn bóng mình trong chiều viễn xứ. Nghe tháng ngày đi qua bên song và nghe ca khúc Trở về mái nhà xưa hay đến chùng lòng. Nỗi nhớ nhà như một nỗi buồn nhè nhẹ, buồn lặng như một khúc serenade. Nỗi buồn bâng quơ bao giờ cũng đẹp và lâu phai. Như ca khúc Come Back to Sorrento mãi còn da diết. Chừng nào con người còn mãi Đi – Về. Chừng nào quê hương còn có tha nhân và chừng nào tiếng sóng giang hồ còn mãi vỗ về bên ghềnh thác cuộc đời những biến động không nguôi.

    Võ Doãn Mỹ

        3/;Danh ca Kim Tước – Giọng hát mẫu mực của dòng nhạc tiền chiến

    Những người yêu nhạc tiền chiến sẽ không thể quên được một giọng hát cao, trong, thanh nhã và hiếm quý của ca sĩ Kim Tước – Một ca sĩ của dòng nhạc tiền chiến, thính phòng đã đi hát từ thập niên 1950. 

     Bà tên thật là Nguyễn Kim Tước, sinh năm 1938 tại Nam Định trong một gia đình có sáu người con. Khi còn nhỏ, Kim Tước được theo học chương trình Pháp tại Hà Nội và Huế. Sau đó bà theo học trung học tại trường Lycée Français De Hue, rồi trường Marie Curie ở Sài Gòn và đậu tú tài Pháp năm 1957. 

     Có thể nói Kim Tước là người Giữ Màu Sắc Thính Phòng Cho Tân Nhạc Việt. Nếu nhìn lại những giọng ca kỳ cựu của nên tân nhạc Việt vẫn còn xuất hiện trên sân khấu, người ta không thể thiếu tên Kim Tước. Từ khi còn đi học, Kim Tước đã được học về âm nhạc và piano. Trong một cuộc thi tuyển ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội, Kim Tước ghi tên và đạt giải nhất của giọng ca nữ. Sau đó Kim Tước tiếp tục học thanh nhạc với một nữ giáo viên người Pháp trong Hội khuyến nhạc. Kim Tước đến với âm nhạc khi tuổi còn rất trẻ. 14 tuổi, bà bắt đầu bước vào ca hát chuyên nghiệp trở thành ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội vào năm 1952. 

     Kim Tước xuất thân từ một gia đình có nhiều người sinh hoạt nghệ thuật, với những tên tuổi lớn của đài phát thanh Hà Nội vào thập niên 50, trước ngày chia đôi đất nước như nữ danh ca Minh Đỗ, nhạc sĩ Vũ Thành… Bà theo Tây học từ nhỏ nên có cơ hội học thanh nhạc trong trường và đã được theo học piano với giáo sư Nguyễn Cầu. Kim Tước còn theo học lớp luyện thanh tại hội Khuyến Nhạc tại Hà Nội và sau này khi di cư vào nam còn học nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Phụng. 


    Kim Tước hát Giấc Mơ Hồi Hương của nhạc sĩ Vũ Thành

     https://www.youtube.com/watch?v=HAwSvdctqXM

     Năm 1954, Kim Tước cùng gia đình di cư vào Huế và tiếp tục hát cho đài phát thanh ở đây. Hơn một năm sau, gia đình chuyển vào Sài Gòn, Kim Tước hát trên đài Pháp Á và theo học tại trường Marie Curie. Bà cũng tham gia ban nhạc giao hưởng đầu tiên tại Sài Gòn do nhạc sĩ Nguyễn Phụng thành lập. Có thể nói từ sau khi định cư tại Sài Gòn, sự nghiệp ca hát của Kim Tước đã bước sang một bước ngoặt mới. Nhờ có kiến thức vững vàng về thanh nhạc cũng như về Pháp ngữ, nên Kim Tước đã trình bày một số nhạc phẩm cổ điển của Mozart trong một chương trình đại hòa tấu nhân dịp “Đại Hội Nhạc Mozart” tại dinh tổng thống vào năm 1956. Lần trình diễn này ca sĩ Kim Tước đã vinh dự được tổng thống Ngô Đình Diệm trao tặng hoa. 

    Năm 1958, ban nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Phụng giải tán. Một thời gian sau, Kim Tước tham gia cộng tác với nhiều ban nhạc trên đài phát thanh như Ban Đại Hòa Tấu của nhạc sĩ Vũ Thành, Ban Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc, Ban Tây Hồ – Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, hay Ban Đàn Dây của Hoàng Lang… Nhưng nhắc đến những thành tựu của giọng hát Kim Tước mà không nhắc đến ban tam ca nổi tiếng Mộc-Kim-Châu (Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà) thì sẽ là một thiếu sót. Ban tam ca này được sự hướng dẫn của nhạc sĩ Hoàng Trọng và đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt trong vườn hoa tân nhạc Việt Nam. 

     Ba giọng ca của 3 danh ca Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà mang 3 cá tính khác nhau nhưng khi hát chung thì lại hòa quyện vào nhau thành một nhờ vào cách hòa thanh độc đáo của người nhạc sĩ cũng như kỹ thuật hát bè điêu luyện của cả ba người. Bộ ba này đã hợp tác với nhau một thời gian dài trong những chương trình phát thanh và truyền hình – nhiều hơn cả là trong chương trình của các nhạc sĩ Hoàng Trọng và Văn Phụng – nhưng ít khi họ trình diễn trên sân khấu. Với khả năng vững vàng về nhạc, Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà đã giữ phần hát bè cho rất nhiều ca sĩ, trong số có Thái Thanh, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Thanh Vũ,… để thu âm. Tuy vậy ban tam ca Mộc Lan, Kim Tước và Châu chưa từng thu thanh chung với nhau trên một đĩa nhạc nào và riêng Kim Tước khi còn ở Việt Nam cũng chỉ thu thanh một vài nhạc phẩm. 

     Ca sĩ Kim Tước có một giọng hát cao vút. Bà có chất giọng khỏe, dày và vang rền nên vẫn có thể làm người nghe cảm thấy thoải mái khi ngân nga ở những nốt cao chót vót. Giọng hát đó khi xuống trầm lại dìu dặt tình tứ chứ không tắt lịm. Ca sĩ Kim Tước biết sử dụng kỹ thuật thanh nhạc để diễn tả cảm xúc của bài hát. Bà không có thói quen hát nũng nịu hay làm dáng bằng giọng hát của mình. Những ca khúc được bà chọn trình bày thường mang phong cách nhạc thính phòng và đòi hỏi một trình độ thanh nhạc nhất định để diễn tả thành công. 

    Từ thập niên 50s, “Vọng Ngày Xanh” của nhạc sĩ Khánh Băng đã là ca khúc làm nổi bật tên tuổi của Kim Tước tại các sân khấu đại nhạc hội. Kim Tước cũng được đánh giá là một trong những ca sĩ trình bày thành công những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành, Cung Tiến và sau này của nhạc sĩ Lê Văn Khoa tại hải ngoại. Nhiều người cho rằng cách hát của Kim Tước khô khan và nặng nề quá. Nhận xét như vậy không phải sai nhưng đó là vì người ta so sánh cách hát của bà với cách hát của các ca sĩ chuyên về nhạc phổ thông, đại chúng. Giọng hát của ca sĩ Kim Tước không phù hợp cho loai nhạc này và có lẽ chính bà cũng ý thức được điều này nên đã chọn để theo hướng đi riêng của mình. 

     Do chuyên trình bày các nhạc phẩm mang âm hưởng cổ điển với phần nặng về kỹ thuật, nên Kim Tước tự nhận xét là tên tuổi của mình không được biết tới nhiều trong tầng lớp khán giả ưa thích loại nhạc phổ thông: “Tôi nhận thấy ở Sài Gòn, tên tuổi tôi không được mến chuộng nhiều trong đại chúng tại vì lối hát của tôi hơi cứng quá và nhất là hơi nặng về vấn đề kỹ thuật. Về sau này những người sau tôi như Hà Thanh hay những người khác, họ hát uyển chuyển hơn cho nên dễ đi vào quần chúng nhiều hơn và dễ được thông cảm hơn.” 

     Ngoài phần cộng tác về nghệ thuật với các đài phát thanh Quân đội, Sài Gòn, Tiếng Nói Tự Do và Mẹ Việt Nam cho đến khi rời khỏi Việt Nam vào năm 1975, Kim Tước đã từng một thời gian làm biên tập viên cho đài Tiếng Nói Tự Do cùng thời kỳ với các nghệ sĩ nổi tiếng như Từ Công Phụng, Hồ Đăng Tín, Lê Gia Thẩm và Hoàng Quốc Bảo trong thời gian từ năm 1961 đến 1964. 

    Danh ca Kim Tước năm 2019. Ảnh: Jimmy Show

    Xin đăng dưới đây bài nói chuyện của danh ca Kim Tước với nữ ký giả Trịnh Thanh Thủy để bạn đọc hiểu rõ hơn về sinh hoạt âm nhạc miền Nam trước đây: 

    • Được biết chị đi hát từ khi còn bé và đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội. Xin chị kể lại chuyện ngày ấy.

    Kim Tước: Lúc đó tôi mới 11 tuổi, Bà Minh Đỗ – là dì ruột của tôi đang hát ở đài phát thanh Hà Nội. Tôi mới di cư về thì bà ấy dẫn đi học đàn piano với giáo sư Nguyễn Cầu. Nhà bà có cái đàn piano nên tôi cứ đến tập. Có một hôm bà ấy dẫn tôi lên đài phát thanh để xem bà ấy hát. Đúng vào ngày hôm đó có một cô ca sĩ bị đau nên bà ấy bảo cứ cầm bài mà hát đi. Vì từ nhỏ tôi đã biết xướng thanh nên cầm cái bài hát là hát luôn. 

     Một thời gian ngắn sau, đài phát thanh Hà Nội bắt đầu tổ chức những cuộc tuyển lựa ca sĩ và tôi đã ghi tên dự thi ngay trong lần thi hát đầu tiên. Tôi chiếm giải nhất về giọng ca nữ, còn Thanh Hiếu đoạt giải nhất dành cho giọng ca nam. 

    • Cảm tưởng của chị ra sao?

    Tôi không thấy gì hết ngoài sợ. Mà sợ lắm cơ, vì mấy ông giám khảo toàn những tay đại cổ thụ của âm nhạc và đài phát thanh khảo thí như Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Trần Văn Nhơn… Tôi phải qua đủ các vòng thi cho đến khi vào chung kết thì đã quá khiếp vì sợ. Mãi cho đến lúc sau này lớn lên gặp họ lại vẫn còn sợ. Đã vậy về đến nhà có thêm nỗi sợ bố la mắng, vì ông là người nệ cổ, không thích âm nhạc và theo quan niệm “xướng ca vô loại”. Do đó tôi không cảm thấy vui vẻ gì dù được đoạt giải. 

    • Tên bài hát đoạt giải của chị là gì? Xin kể một vài kỷ niệm đẹp thuở nhỏ.

    Đó là bài “Ngọc Lan” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ai cũng bảo bài đó khó hát tại sao lại chọn. Tôi chẳng biết tại sao. 

    Sau khi đoạt giải tôi bắt đầu đi hát ở các đài phát thanh để kiếm tiền giúp đỡ gia đình vì khi ấy gia đình mới di cư từ ngoài Bắc vào còn túng thiếu lắm. Tôi là chị cả trong gia đình 5 con và rất thương hai cụ, nhất là mẹ tôi. Tôi còn nhớ một kỷ niệm suốt đời không bao giờ quên. Khi ấy mẹ sinh cô em thứ ba, tôi khoảng 3, 4 tuổi, mẹ bị đau ngực vì cô em bú không hết nên sữa ứ. Cụ rất nhiều sữa, bà bắt tôi bú cho ngực đỡ đau, đỡ căng. Ối giời ơi, tôi không thể tưởng tượng được sao ngày ấy tôi có thể làm được. Bên Việt Nam thường sau một tuổi, đứa bé thường dứt sữa, tôi lớn rồi mà vẫn phải bú sữa ứ. 

     

    Mấy đứa sau cũng thế, do đó mỗi lần cụ sinh tôi sợ lắm, một nỗi sợ kinh hoàng xen lẫn mắc cỡ. Đã vậy sau khi sinh em, cụ thường đau tay chân, tôi hay ngồi giúp mẹ bóp tay chân cho đỡ mỏi. Khi lớn lên, lập gia đình và có con tôi mới hiểu và thương mẹ nhiều hơn. Trời sinh ra phụ nữ với thiên chức làm mẹ phải chịu nhiều đớn đau khi sinh con, vượt cạn, lại còn chăm sóc chúng, cho bú mớm, chịu biết bao đau đớn, nhọc nhằn. Ngày xưa các cụ còn sinh con ở nhà, nên tôi chứng kiến cái cảnh đau đẻ kinh khủng như thế nào. 

     Tôi cảm thấy may mắn và hãnh diện được trải nghiệm và sống qua những cảnh tượng rất hạnh phúc. Thuở ấy, mỗi mùa hè, mẹ cho về nhà bà ngoại ở Nam Định. Cụ ngoại có một trang trại (ấp) giống như đồn điền vậy. Cụ vừa làm ruộng vừa nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa, dê, heo… Trong trại có một villa lớn. Cụ bắt tôi đi chăn bò, cho bò ăn, vắt sữa bò. Khi ấy, tôi còn bé, sức thì yếu, bàn tay bé tẹo. Tôi nắm cái vú lớn con bò mà vắt, vừa vắt, tay vừa đau, mà con bò thấy khó chịu, đau, nó đá cho một phát. Tuy thế được học những cái ở nhà quê, tôi lấy làm sung sướng lắm. Cụ dạy nuôi tằm, dệt cửi, tự dệt quần áo để mặc. Sau khi dệt thành vải may quần đùi, tôi đem bùn và củ nâu giã nhỏ trét vào vải để nhộm nâu rồi đem phơi. Tôi còn được học cách làm trà sen. Mỗi sớm tinh sương, tôi chèo thuyền nan, thuyền thúng ra hồ sen. Men hai bên bờ hồ có trồng cây vối, tôi hái nụ vối về nấu nước pha trà. Rồi hái sen về, bóc hột đem phơi, và lấy những tia vàng của hoa, đem về ướp trà cho các cụ uống. 

    • Sở hữu một giọng Mezzo Soprano (Bán Kim), chị có thể lên cao và xuống thấp trong một âm vực rất rộng. Làn hơi dài giúp chị ngắt câu rất hợp cách. Có những ca sĩ hơi không đủ, mới hát được hai ba chữ đã hết hơi, nên hay ngắt câu tầm bậy, Duy Cường gọi những ca sĩ ấy là chẻ vụn ca khúc như thái rau diếp! Xin chị cho biết âm vực (quãng rộng) của giọng hát chị. Là một ca sĩ được nhạc sĩ Phạm Duy và Vũ Thành ngợi khen và quý trọng vì khi hát chị rất coi trọng kỹ thuật và cảm xúc của tác giả. Xin chị chia sẻ chút kiến thức và kinh nghiệm trong kỹ thuật luyện thanh.

    Giọng hát của tôi giúp tôi có thể lên cao và xuống thấp rất dễ dàng, nốt cao nhất tôi có thể lên là nốt Đô. Chuyện mấy ông ngợi khen, thật ra tại ngày xưa mấy ông nhạc trưởng hay nhạc sĩ chỉ muốn ca sĩ hát cho đúng kỹ thuật và bài bản mà thôi, không được nhét tình cảm vào. Trong khi họ sáng tác thì lại dựa trên tình cảm mà viết, nhưng nếu ca sĩ hát theo lối cảm xúc dạt dào thì họ không bằng lòng. 

      Riêng tôi, họ viết sao tôi hát theo làm vậy, không tự mình uốn éo, luyến láy thêm bớt. Ngoại trừ họ viết uốn éo thì tôi uốn éo theo. Một thời gian sau, theo thời thế, dĩ nhiên họ phải chịu sự thay đổi. Chính họ cũng cảm thấy hát cứng quá thiếu sự truyền cảm và khi viết nhạc họ cố viết sao cho có sự truyền cảm hơn. Giới ca sĩ những thế hệ sau này, tự họ tạo ra lối hát riêng của họ. Tôi thì tôi không thể bắt chước, cũng như người khác không thể bắt chước lối hát của tôi được. Thành ra các nhạc sĩ hiểu ra, người ca sĩ này sẽ hát theo lối này, người khác sẽ hát theo lối khác, tự họ sẽ phải mềm mại đi để theo những lối hát khác nhau của các ca sĩ. 

    • Vào thập niên 60, chị và Châu Hà, Mộc Lan, hợp thành một ban tam ca Mộc Kim Châu nổi tiếng. Xin cho biết phạm vi hoạt động của ban? Đầu thập niên ấy, ngoài ban tam ca nữ này còn có một ban tam ca nữ nào không? Sau khi ra hải ngoại, chị lại cùng Mai Hương và Quỳnh Giao thành lập ban Tiếng Tơ Đồng, ban này hoạt động bao lâu và tại sao lại tan rã?

    Ngày ấy tôi, Châu Hà, Mộc Lan hát trong các ban nhạc khác nhau và nhận thấy ba giọng hát hợp nhau (nhưng không giống nhau), nên đã gom lại thành ban tam ca Mộc Kim Châu. Không dám tự hào nhưng ba giọng hát chúng tôi rất hoà hợp. Thí dụ giọng của chị the thé, tôi có thể hát the thé. Nếu giọng của chị xuống trầm, tôi có thể làm theo như vậy được. Chúng tôi đã hiểu nhau đến độ theo nhau, nương nhau mà hát rất thoải mái. Vì thế nó thành một ban tam ca rất quyện nhau. 

     

    Chúng tôi hát với nhau sung sướng đến độ vừa hát xong một bài, cả ba cùng phá lên cười. Chúng tôi cùng tự hỏi, tại sao có thể hát giống nhau, hợp nhau như một cây đàn đến thế mà không ai ganh tị lẫn nhau. Hát hợp ca khó ở chỗ đó, không có người nào trổ giọng ra, để tỏ ra giọng mình hay hơn, nổi trội hơn người khác. 

     

    Chúng tôi được nhạc sĩ Hoàng Trọng hướng dẫn và viết hoà âm cho. Chúng tôi trình diễn ở các đài phát thanh, nhiều nhất là Đài Phát Thanh Sài Gòn. Chúng tôi cũng xuất hiện ở vài sân khấu xi nê trong phần phụ diễn trước khi chiếu. Ngày ấy 1 xuất xi nê chỉ dài độ 1 tiếng, phần phụ diễn thường là tân nhạc hoặc có khi là hài kịch. Ban tam ca ra trình diễn được xem là mới mẻ vì lúc ấy làm gì có tam ca. Chỉ có ban tam ca chúng tôi là độc nhất thôi. 

     

    Chúng tôi cũng hát phụ hoạ cho các ca sĩ thâu đĩa như Hà Thanh hay Khánh Ly nhưng chưa bao giờ chúng tôi thâu đĩa với nhau. Đôi khi chúng tôi gọi đùa nhau là “Les Trois Mousquetaires” (Ba chàng ngự lâm quân pháo thủ). 

    Sau 1975, Ban Tam ca Tiếng Tơ Ðồng do tôi và Mai Hương, Quỳnh Giao ra đời nhưng vì mỗi người định cư ở một nơi, lâu lâu mới họp lại hát rất bất tiện nên chỉ hoạt động được một thời gian. 

    • Nghe nói trong quá khứ, chị có điạ vị xã hội là phu nhân của một đại tá Hải Quân chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang. Vào những năm trước 75, chị hoạt động ca hát thường xuyên, chuyện này có ảnh hưởng hạnh phúc gia đình chị không?

    Ngày đó tôi đi làm và ca hát, nhà tôi thì đi lính, xa nhà hoài, đời sống cả hai thiếu sự gần gụi. Sau này chúng tôi xa nhau thật, vì thiếu sự vun đắp tình cảm đưa đến sự tan vỡ. Tuy nhiên khi còn ở với nhau, tôi vẫn làm tròn trách nhiệm, nghĩa là trong các buổi tiệc tùng như tiếp đón các quan chức trong nước cũng như ngoại quốc, tôi đều lo toan. Tỷ như trong vai trò tiếp đón ông Nguyễn Cao Kỳ, các hạm trưởng Hải Quân hay Chỉ Huy Trưởng Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ, mọi người đều giao lại cho tôi vì thời đó rất ít các phu nhân thạo ngoại ngữ, và tôi nói được cả tiếng Anh lẫn Pháp. Ngày ấy, tiếng Việt với tôi lại là ngôn ngữ thứ hai. Ngay từ nhỏ, tôi may mắn được các cụ cho đi học trường sơ Pháp, nói toàn tiếng Pháp. Bà sơ dạy tiếng Pháp lại gốc Ăng Lê nên tôi được học cả tiếng Anh, giọng Anh của tôi lai giọng Ăng Lê. 

    • Vậy chị là người thấm đẫm văn hoá Tây Âu từ bé, trong lối suy nghĩ, hành xử và sinh hoạt trong đời sống gia đình chị có bị Âu hoá không? thoáng hơn, cởi mở hơn, thậm chí nổi loạn?

    Tuy được giáo dục trường lớp Tây Âu nhưng nếp sống của tôi vẫn trong vòng lễ giáo vì bố tôi là người trọng Nho học nên làm gì thì làm tôi cũng phải khép vào khuôn khổ Việt Nam. Ước vọng của tôi vẫn là được tự do và phóng khoáng, nên một ngày nào đó nó bung ra. Khi qua đến Mỹ tôi hấp thụ được văn hoá và lối suy nghĩ của họ nên trong lối hành xử tôi thấy thoải mái và tự do hơn. 

    • Cầu chúc cho tiếng hát vượt thời gian của chị còn hoài cho khán thính giả ái mộ được thưởng thức mãi.

              ***

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: HỒI KÝ LÊ XUÂN NHUẬN: NỮ SĨ VI KHUÊ & NGUYỄN PHÚC VĨNH ĐƯƠNG: MỘT QUÃNG ĐỜI ĐÃ QUA Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ