HOÀNG PHẠM: NHỮNG VĂN NGHỆ SĨ CAN TRƯỜNG
Nền văn học nghệ thuật nhân bản của đất nước trong nhiều năm
qua đã ghi nhận công lao đóng góp của biết bao văn thi sĩ can trường, sẵn sàng
xã thân cho quê hương, cho chính nghĩa, cho “Tự do - Dân chủ - Nhân quyền.”
Người còn sống, người đã khuất. Hằng ngàn hằng vạn tấm gương
đáng vinh danh, không sao kể hết trong phạm vi một bài viết ngắn.
Nơi đây chỉ xin nhắc đến vài tên tuổi tiêu biểu. Ước mong
quý độc giả cùng chia sẻ niềm vui khi biết rằng trên văn thi đàn đã và vẫn còn
lắm người ngày đêm mãi mê lo cho vận nước.
Nhà Văn Hoàng Hải Thủy lấy nhiều bút hiệu khác nhau: Hoàng Hải
Thủy, Công Tử Hà Đông, Con Trai Bà Cả Đọi...
Bị 8 năm tù vì tội gởi bài ra nước ngoài (?)
Sang Mỹ năm 1994 theo diện tù nhân chính trị.
"Viết để sống và sống để viết" từ 1951 đến
2017 - 66 năm. Có thể nói Ông viết lâu hơn bất cứ nhà văn, nhà thơ nào mà chúng
ta được biết.
Sáng tác nhiều thể loại: phóng tác - viết truyện: 60 tác phẩm, làm báo, dịch sách, hồi ký, tạp ghi - tự truyện - phiếm luận: hơn 700 bài...
Được coi là ngòi bút Phóng tác và Phiếm luận số 1 của Việt
Nam.
"Nếu Trường Kỳ có công giới thiệu nhạc trẻ Anh - Pháp với
tuổi trẻ miền Nam thập niên 60 thì Hoàng Hải Thủy có công giới thiệu tiểu thuyết
Anh - Mỹ với độc giả vào thời kỳ ít người Việt biết tiếng Anh, internet chưa có
và không thể mua tiểu thuyết Anh ngữ ở tiệm sách.
Về Phiếm luận, Hoàng Hải Thủy viết với giọng Bắc 54 cực kỳ
duyên dáng, dí dỏm, chen lẫn khôi hài, châm biếm, đọc xong người ta luôn có nụ
cười sảng khoái, thú vị.
Về Hồi ký, trí nhớ tỉ mỉ, chi tiết phi thường của ông về những
chuyện xảy ra từ 50, 60 năm trước khiến độc giả phải kinh ngạc.”
Từ Rừng Phong, khi tuổi đời đã "bảy bó lẻ mấy que,”
Hoàng Hải Thủy vẽ lại chân dung mình:
"Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh
chàng phóng viên lãng tử của nhật báo Saigon năm xưa - năm 1960 - chàng phóng
viên ăn dziện đúng 'mode Italie': sơ mi hai túi ngực, hai cây bút bi
Parker cắm ở túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ ‘internamatic’
mua ở Bangkok, quần ‘sanspli,’ giày ‘mocassin’ của Trinh's
Shoes Tự Do giá 500 đồng một đôi, trong túi áo có bao thuốc điếu ‘Lucky
Strike’ hay ‘Philip Morris’ Vàng, quẹt máy ‘Dupont’ trắng dắt
ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần.”
“Có nhiều nhà văn, nhà thơ mà khi diện kiến họ, bạn sẽ thất
vọng, nhưng với Hoàng Hải Thủy thì không. Ông nhìn đẹp trai, bảnh bao, lịch sự,
ăn diện nhất trong số các nhà văn Việt Nam.
Hoàng Hải Thủy là tấm gương lớn cho những người tự học. Tiếng
Pháp, tiếng Anh, tiếng Tàu đều tự học. Rồi dịch và phóng tác truyện Pháp, truyện
Anh, truyện Tàu.
Hoàng Hải Thủy đi lính trước 54, cấp bậc Trung sĩ coi tù ở
Phú Quốc. Từng viết thư giùm một tù binh cộng sản gởi vào đất liền cho vợ. Hơn
20 năm sau, anh này về làm chủ nhật báo Giải Phóng. Gặp lại Hoàng Hải Thủy, anh
bảo chôn hết tên Hoàng Hải Thủy đi rồi viết cho cách mạng.
- ‘Bút hiệu gắn liền với đời sống của tôi. Hoặc tôi viết ký
Hoàng Hải Thủy, hoặc tôi không bao giờ viết nữa.’
Đó là câu trả lời quyết liệt của Hoàng Hải Thủy trong tiệc
rượu tái ngộ cố nhân.”
“Ngày mới đến Mỹ, Hoàng Hải Thủy nói: ‘Tôi mang Saigon trong
trái tim tôi.’ Tôi muốn nói tôi yêu Saigon, tôi từng sống đến 40 năm trong lòng
thành phố Saigon thương yêu. Tôi đã vui buồn, đau khổ với Saigon.
Đi xa, ông viết nhiếu bài nói lên nỗi nhớ Saigon hơn Hà Nội
vì nơi đó đã tạo nên sự nghiệp cầm bút của ông và nhớ cả tháng ngày đen tối nhất
cuộc đời qua 8 năm tù tội. Ông nhớ thương Saigon đến vỡ tim, xé gan, cháy lòng,
đứt ruột như nhớ thương người đàn bà mình yêu, mình từng sống hạnh phúc bên
nàng mà nay phải xa cách.”
“- Qua tới Mỹ, Ông còn kiêng kỵ gì nữa không?
- Không, không kiêng kỵ gì cả, tôi muốn viết gì cũng được.
Tất nhiên là viết theo lẽ phải. Qua tới đây, tôi còn sợ gì nữa.
Tôi viết văn thơ, tôi phê bình những chuyện chướng tai gai mắt, chỉ trích những
ai ca tụng cộng sản, đòi bỏ qua tội ác của chúng hoặc về cọng tác với họ.
Theo tôi, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, tượng Lênin đã bị tròng cổ kéo ra bãi
rác, đảng viên ở các nước Đông Âu bị lôi cổ ra tát, nhổ nước bọt, đá đít đuổi
đi. Ở nước ta, bọn cộng sản không còn là cộng sản nữa, nhưng tôi vẫn gọi họ là
cộng sản bởi chế độ này giữ nguyên những sự ác ôn, ngu xuẩn, tàn bạo...Vì thế,
cộng sản là xấu, phải chống.”
"Sống gần Bố Thủy mới biết Ông là người dễ mến, hiền
lành, dễ gần, thẳng tính, vui vẻ, hòa đồng, không kênh kiệu, không nói xấu ai,
sống rất thật với con người và bản chất của một văn nghệ sĩ chân chính, giữ được
khí tiết của người viết văn.”
“Hoàng Hải Thủy là nhà văn ‘đắt giá.’ Ông đã từng
và đang là nhà văn được các báo Việt Nam lấy làm may mắn khi Ông nhận lời gởi
bài. Lý do là Ông có nhiều độc giả. Họ phải trả nhuận bút mới có bài của Ông.”
Bà Lê Thị Huệ từng hỏi:
“Bây giờ ở trên blog Hoàng Hải Thủy.wordpress, Ông chống
Cộng và chống nhiều thứ kịch liệt. Ông nghĩ gì khi làm những chuyện như thế ở
thời điểm này? Để làm gì?
- Vì tôi thấy có bổn phận phải làm những việc đó.”
Ngoài viết văn, Hoàng Hải Thủy còn làm thơ. Xin trích một
bài tiêu biểu:
Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong
Anh rạt về đây, xóm hẹp, người đông
Nhà anh, nhà em cách hai thước ngõ
Những chiều mưa buồn nước ngập như sông
Anh đứng võ vàng sau khung cửa số
Như người tù nhìn trời qua trấn song
Anh đứng mỏi mòn bên dàn ván gỗ,
Như người chinh phụ ôm con đợi trông
Anh đứng trông mây, em đứng trông chồng
Mất chồng, con bế, con bồng em mang
Cái bống là cái bống bang
Mẹ bống yêu bống bống càng làm thơ
Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ,
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương
Đìu hiu cuối ngõ, cùng đường,
Bên anh tuyệt vọng, đoạn trường bên em
Ngày lại ngày, đêm lại đêm,
Ngày rơi tàn tạ, đêm chìm phôi pha
Buồn từ trong cửa buồn ra
Buồn từ ngã bảy, ngã ba buồn về
Ta đang sống, ta đang mê
Hay ta đang chết não nề, em ơi!
Trước 75, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ từng là Phó Xứ
các họ đạo ở miền Tây hơn 5 năm.
1976, bị bắt vì tội chống chế độ.
Linh Mục từng phát biểu:
"Tôi không chấp nhận sống trong chế độ cộng sản, vì chủ
trương vô thần và sự cai trị độc tài, tước đoạt hết các quyền căn bản của nhân
dân. Nếu có điều kiện, tôi sẽ chống lại, nếu yếu thế hơn, tôi sẽ trốn chạy,
nhưng dứt khoát không đầu hàng. Tôi tin rằng chế độ này không thể mang lại hạnh
phúc cho dân tộc.”
Bị đưa ra Bắc. Chủ mưu cướp Tàu Sông Hương trên hành trình từ
Tân Cảng ra Hải Phòng.
1977, bị đày lên trại Quyết Tiến, chỉ cách biên giới Trung
quốc 10 km. Bị cách ly ở khu kiên giam cùng 5 bạn tù khác. Trại này nổi danh với
tên là trại "Cổng Trời” vì nằm ở cao độ 2.500 m so với mực nước biển - cao
gần đụng trời. Thêm nữa, đây là trại trừng giới dành cho tù nhân thuộc diện bất
trị, chỉ cần lên đó một thời gian là phải... về trời. Ít ai sống sót vì sự giam
giữ khắc nghiệt của cán bộ, cùng với khí hậu lạnh thấu xương.
Tình huống này được diễn tả qua tâm trạng của một thi nhân gởi
cho người em gái ở quê nhà:
Phương ấy chẳng biết trời có lạnh
Anh ở phương này lạnh buốt xương
Tại đây, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đã gặp "Người
Tù Kiệt Xuất" - Đại Úy Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện.
Hai yếu tổ chính hành hạ tù nhân là đói và rét. Nhà giam xây
tường bằng đá. Về đêm hơi ẩm tỏa ra biến buồng giam thành tủ lạnh. Tù nhân phải
nằm co ro trong đó. Thêm nữa là đói. Không bao giờ được ăn no một bữa. Đói rét
như cặp bài trùng, như hai hung thần tranh nhau hành hạ cấu xé da thịt xanh xao
của đám tù khốn khổ.
Một bữa rời khu kiên giam đi gặp trại trưởng, tay chân Linh
Mục Lễ hoàn toàn tê cóng. Muốn đưa ra bưng chén trà nóng uống cho ấm bụng
nhưng không thể với tới vì cơn lạnh làm tay chân run rẩy, hai hàm răng đánh lập
cập chẳng nói nên lời. Cả ngày đêm lúc nào cũng quấn chăn vào người.
Mùa đông luôn luôn dưới 0°C, mặt nước hồ đóng váng, không ai
dám tắm, chỉ lau mình.
Trại Cổng Trời đúng là nơi chốn Tử Địa, Thần Chết chờ chực
tha đi bất cứ lúc nào.
May thay, giữa năm 1978, Trung quốc chuẩn bị gây chiến. Nhờ
vậy mà tù nhân được chuyển về Thanh Cẩm, Thanh Hóa.
Với ý chí vượt thoát. Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ quyết
tìm đường trốn trại với 4 bạn tù tâm giao khác. Chẳng may cơ sự bất
thành, bị bắt lại. Tất cả chịu những đòn thù. Hôm ấy, tên trật tự Bùi Đình Thi
nhảy chồm tới vồ lấy anh Tiếp (Thiếu Tá Phi Công), hắn dùng hai tay túm lấy một
tay anh kéo lên, rồi dùng gót chân dậm điên cuồng vùng ngực và bụng, giữa tiếng
chửi rủa cổ võ của đám đông cán bộ vây quanh.
Không chịu nổi cú đòn hiểm độc này, anh Tiếp kêu lên thật
to: "Chắc con chết mất Mẹ ơi!”
Anh Lâm Thành Văn (Phục Quốc) thì Thi bỏ đói cho đến chết.
Còn Đại Tá Trịnh Tiểu và Giáo Sư Nguyễn Sĩ Thuyên bị đánh đập tàn nhẫn.
Riêng Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ bị Thi và cán bộ thay
nhau đấm đá túi bụi khiến Ông ngã quỵ xuống đất, miệng lẩm bẩm khấn nguyện:
"Lạy Chúa, xin Người nhận lấy linh hồn con.”
Linh Mục nằm chờ chết. Bỗng dưng bản năng sinh tồn trổi dậy
một cách mãnh liệt. Như có sức thiêng trợ giúp, Ông bật vùng dậy, nhào lên như
con sư tử bị thương, lấy hết tinh lực, húc mạnh vào Thi làm hắn té nhào. Rồi vụt
chạy vào buồng giam, nhanh như con thỏ, phóng lên bệ nằm, hai tay vồ lấy móng
cùm bằng sắt nặng hơn 1.5 kg, đứng trên bệ xi măng cao giơ lên thủ thể, quyết
thí mạng, Thi khựng lại ngay trước cửa cách chừng 2 m. Ngài trợn mắt hét to qua
hơi thở gần tắt nghẹn:
- Bùi Đình Thi! Mày đã dồn tao vào bước đường cùng. Bữa nay
tao đổi mạng với mày. Mày vô đây! Vô đây!
Dù đang điên tiết vì vồ hụt con mồi đã bị thương, nhưng
không dám bước tới. Hắn nghiến răng nghe ken két, giơ thẳng tay chỉ vào mặt
Linh Mục: "ĐM mầy Lễ! Tao gi-ế-ế-ế-ế-ế-t mầy!” May thay, chính cái móng
cùm đã cứu mạng Ngài. Viên cán bộ vừa đi tới, có vẻ hài lòng thấy
hai tên tù đang chực chờ giết nhau. Nếu anh ta biết hai tù nhân này là một giáo
dân và một linh mục, chắc anh càng vui sướng hơn. Y ra lệnh cho Thi:
- Cùm cổ nó lại!
Thấy Thi bước vào, Linh Mục nói:
- Báo cáo cán bộ. Tôi không vào cùm. Nếu bị cùm, anh Thi sẽ
đánh tôi chết.
- Tôi bảo anh vào cùm!
- Nhưng cán bộ có bảo đảm là anh Thi không đánh tôi?
- Tôi bảo đảm!
Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ nói:
“Lần đó tôi mới hiểu và cảm nhận được một loại sức mạnh của
ý chí mà người ta thường gọi là bản năng sinh tồn - vốn là một bí mật của sinh
vật, chỉ được khơi dậy khi sinh vật đó bó tay, không có phương cách gì khác để
bảo vệ sự sống còn.”
Sau 13 năm tù. Một hôm có viên sĩ quan an ninh hỏi:
- Anh Lễ, anh nghĩ thế nào về chủ nghĩa cộng sản?
- Nói thật lòng, tôi nghĩ là chế độ này không thể tồn tại
được ông ạ!
- Anh căn cứ vào đâu mà nghĩ như thế?
- Chủ nghĩa cộng sản chủ trương đi ngược lại với bản chất tự
nhiên của con người là nhu cầu chiếm hữu cũng đủ nói lên điều tôi khẳng định.
Viên sĩ quan trầm ngâm một lúc rồi nói vừa đủ hai người
nghe:
- Anh Lễ, anh hãy giữ suy nghĩ đó trong lòng và đừng nói ra.
Tôi cũng nghĩ như anh nhưng anh biết hoàn cảnh tôi, sinh ra và lớn lên trong chế
độ. Anh Lễ, vì quý anh, nên tôi thành thật khuyên anh là khi nào được về, anh
hãy tìm cách ra khỏi nước mà sống.
Ở tù càng lâu, Linh Mục càng tạo được mối dây liên lạc gần
gũi với một số cán bộ trại như Trung Úy T, nhờ Linh Mục dạy Anh Văn. Một người
nữa là cô KT, cán bộ tài vụ, người đã rơm rớm nước mắt vẫy tay từ biệt Ngài
nhân ngày được thả ra khỏi tù với lời nhắn nhủ trong giây phút chia ly:
"Đừng quên viết thư về cho em.” Linh Mục nhận thấy rõ rệt là khoảng cách lằn
ranh do ý thức hệ tạo ra càng lúc càng thu hẹp lại và lu mờ dần. Điều này càng
củng cố lý luận của Ông, chỉ vì chủ nghĩa ngoại lai mà dân tộc Việt Nam bị phân
ly, nhìn nhau như kẻ thù. Trong thực tế, dân tộc Việt Nam là một, chẳng vì lý
do gì phải chia rẽ, hờn căm, chém giết nhau.
Tháng 6.88 được tha về. Quay lại nhìn trại Nam Hà lần cuối,
Linh Mục buộc miệng: “Thời gian qua mau! Mới ngày nào mình ngỡ ngàng trên chuyến
xe từ Hải Phòng đến đây trong đêm sương mù giá lạnh, mà bây giờ đã gần 12 năm!
Đời người như một giấc chiêm bao!”
Kết thúc quãng đời tù, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đưa
ra nhận định: “Lòng nhân đạo của con người thì có giới hạn nhưng sự ác độc thì
vô tận! Nhất là khi sự ác độc đó được khuyến khích cổ vũ bởi chế độ phi nhân bạo
tàn như cộng sản Việt Nam.”
Năm 2003, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ phát hành bút ký
“Tôi Phải Sống,” với sự hoan hỷ giúp sức của hằng trăm thân hữu.
“Thụ phong Linh Mục năm 1970. Sau 75, bị cuốn vào vòng lao
lý. Lê gót chân hết nhà tù này đến trại giam khác từ Nam chí Bắc để chịu kiếp đọa
đày mà những người cộng sản nhẫn tâm áp đặt đối với đồng bào ruột thịt.
Một phần bút ký tả lại khung cảnh hãi hùng của 13 năm tù ngục.
Vì tiếp giáp với thần chết trong suốt thời gian cơ cực ấy nên tác giả đã nêu
quyết tâm phải tồn tại để làm nhân chứng sống cho một giai đoạn cực kỳ thảm
thương của đất nước, và để thay đổi quan điểm sai lầm của một phần dân tộc về
cái chủ nghĩa ngoại lai đã lỗi thời đáng vứt vào sọt rác của lịch sử.
- Bài viết của Nhà Văn Huy Phương nhân dịp tái bản “Tôi
Phải Sống” (Người Việt 19.11.13):
“ ‘Tôi Phải Sống’ được xem là một trong các cuốn sách
bán chạy nhất tại hải ngoại vào những năm 2002 - 2004 với hơn 17.000 ấn bản đã
bán sạch. Do nhu cầu muốn mua Bút Ký này của rất đông độc giả, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ
sẽ cho tái bản lần thứ ba vào cuối tháng 11.13 với phần bổ sung cho những thiếu
sót và lược bỏ vài chỗ không cần thiết.”
Tuy bận rộn vì công việc bộn bề, Linh Mục vẫn tiếp tục tranh
đấu cho quê hương. Một trong những thao thức của Ông là khởi xướng “Phong
Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Saigon.” Tại Đại Hội Thế Giới của Phong Trào này,
Linh Mục đã phát biểu (Việt Tân.org,
13.5.07):
“Kể từ ngày 2.7.76 u ám đó trong lịch sử Việt Nam, Saigon đã
bị cưỡng bức thay tên đổi họ, trở thành cái tên quái đản và đầy nhục nhã. Cái
tên dính đầy máu me của một kẻ sát nhân! Kẻ giết người không gớm tay trong cuộc
‘Cải Cách Ruộng Đất,’ kẻ chôn sống hằng ngàn đồng bào vô tội tại Cố Đô
Huế. Ôi đau thương và ngập tràn bi hận cho số phận của Saigon được mệnh danh là
Hòn Ngọc Viễn Đông!”
Trong tình cảnh uất nghẹn đó, Linh Mục ghi lại mấy lời thơ của
một người đã khóc thay cho Saigon:
Tên em "Hòn Ngọc Viễn Đông"
Bị ép duyên lấy thằng chồng bất lương
Đưa em vào thế cùng đường
Phải mang tên gọi thảm thương "Thành Hồ.”
"Anh hãy lo cho cuộc đời của Anh trước đã, đời anh đã
khổ nhiều rồi. Vả lại, dù anh có cặm cụi viết ra, rồi cũng chung số phận như
bao nhiêu tác phẩm khác của những người đi tù về viết lại. Người ta thờ ơ không
thèm đọc. Trên xứ người, lớp trẻ còn phải lo học hành, lớp lớn phải vật lộn với
cuộc sống hằng ngày và lo cho tương lai, họ đâu còn quan tâm đến những chuyện
đã qua của quê hương dân tộc. Anh nên đi tìm một công việc làm nào đó là thực tế
nhất.”
Nhưng rồi nhiều đêm nằm khắc khoải, tâm tư trĩu nặng, vơi đầy
với bao niềm quặn thắt vẫn thắt thỏm không yên về quê hương đất nước. Những tiếng
kẻng của nhà tù, đi theo gần hết cả cuộc đời, vẫn như ám ảnh Ông:
Thoảng nghe "phôn" réo bên tai,
Giật mình tưởng kẻng sớm mai nhà tù!
Cuốn sách dày 2000 trang chia thành 4 tập. Vì bận sinh kế
gia đình, tác giả phải mất 20 năm mới hoàn thành.
Sau khi phát hành, nhiều Văn Nghệ Sĩ đã nồng nhiệt nói lên cảm
tưởng chân thành về thiên hồi ký xuất sắc này.
Với trí nhớ phi thường, cùng lối hành văn giản dị trong
sáng, kể chuyện thật không hư cấu, Cuốn sách lôi cuốn độc giả theo dõi câu chuyện
từ đầu tới cuối say sưa.
Một lần bị gọi lên chấp cung, ông đã dùng thế võ học được để
khóa cổ tên cán bộ rồi trốn thoát khỏi nhà tù. Nhưng bị bắt lại, công an dùng
nòng súng đâm vào đầu ông làm bể sống mũi và gãy 3 cái răng.
“Thép Đen khủng khiếp hơn những điều Arthur Koestler
viết trong cuốn ‘Bóng Tối Giữa Trưa,’ kể lại cơn ác mộng của người tù ở
nhà giam thời cách mạng Liên Xô. Vì Thép Đen là câu chuyện thật mới xảy
ra gần đây, độc giả tin chắc là địa ngục có thật ở ngay trần gian chúng ta đang
sống.”
“Anh có biệt tài tả hình dáng và tính tình các nhân vật một
cách ngắn gọn, từ những tên cán bộ ác ôn cho đến người còn chút lương tri, từ
những bạn bè cùng cảnh ngộ và lý tưởng như anh cho đến người cộng sản còn chan
chứa tình người như cô y tá Vân. Cuộc tình vô vọng nhưng tuyệt đẹp giữa người
tù Đặng Chí Bình và cô y tá là một cao điểm của bộ hồi ký. Nó làm cho lòng tôi
xao xuyến lạ kỳ!”
* Lời của Trần Nam: “‘Thép Đen’ - Thiên hồi ký của một
điệp viên, một trong những chiến sĩ của bóng tối thuộc quân lực Việt Nam Cộng
Hòa hoạt động tại miền Bắc và đã sa vào tay giặc. Thép Đen phô bày tất cả
sự thực kinh khiếp vượt trí tưởng tượng của con người tại một vùng đất mịt mù hắc
ám của loài quỷ dữ mà người viết như đội mồ sống dậy kể cho ta nghe nỗi cơ cực
lầm than trong xã hội miền Bắc và cuộc đời tù đày bi thảm của những chiến sĩ vô
danh, những người đã kiên cường chiến đấu và gục ngã vì lý tưởng tự do và đại
cuộc dân tộc.
Rồi đi dò hỏi, tìm tòi, nghe ngóng khắp nơi. Cuối cùng nhận
thấy rằng sau này dù đánh thắng thực dân Pháp, thì người lãnh đạo cũng chỉ có
1,2 nhiệm kỳ. Cho nên anh ta đi theo Marx Lênin, để nếu thành công, thì sẽ ngồi
cái ghế hàng đầu cả nước mãi mãi, như một ông vua, cho đến chết mới thôi, như
trường hợp Lenine, Staline, Caucescu, Honecker, Castro, Mao Trạch Đông, Kim Nhật
Thành...
Đến đây ai cũng thấy hàng ngũ lãnh tụ cộng sản là những người
mang nặng chủ nghĩa cá nhân cao nhất, núp sau cái bình phong tập thể là nhân
dân.
Điều này lý giải tại sao họ phải thanh toán tất cả những cá
nhân, đoàn thể không phải là cộng sản. Vì vậy mà hằng chục năm qua, biết bao
nhiêu người con ưu tú của Tổ Quốc bị chúng hạ sát, thủ tiêu một cách tức tưởi
đau thương.
Hồ là người đánh mất trái tim, mất hết tình cảm. Không bao
giờ nhắc đến cha mẹ, anh chị em, bạn bè, vợ con hay nhân tình.
Còn nữa, anh ta tự lấy tên giả để viết ca tụng đạo đức tài
ba của chính mình như T.Lan, Trần Dân Tiên...
Con người như thế thì có thể làm bất cứ chuyện xấu xa nào. Lừa
lọc, lật lọng, gian trá, dâm loàn, giết người không gớm tay để đạt mục đích
thâm sâu. Sẵn sàng ăn cháo đá bát, quên ơn quên nghĩa như đấu tố chặt đầu bà
Cát Hanh Long.”
(Năm 1987: phát hành tập 1 và 2; 1992: tập 3; 2003: tập
4)
Suốt 15 năm, hơn 300 lá thư độc giả nói về “Thép Đen.”
Nhiều đài phát thanh diễn đọc, cả băng audio, video và đĩa CD. Trong đó có
người sửa cho tôi số nhà ở phố Hàng Bạc. Một cô nhận là vợ trung tá, cho tôi biết
rõ nhiều chi tiết của sự việc ngày ấy... Nhiều vị hỏi cô Vân bây giờ ra sao?
Nếu quý độc giả muốn biết về cô Vân một phần, thì tôi muốn
biết đến một trăm phần, và không phải chỉ có cô ấy mà là tất cả cảnh cũ người
xưa của 40 năm trước.
Tôi khát khao được nhìn thấy cô Vân để tìm xem cô còn có những
nét gì ngày xưa, và cô còn nhớ tôi không. Tôi cũng mong muốn được tay bắt mặt mừng
với những bạn tù, nếu họ còn sống, để ôn lại những ngày bị đọa đày.
Gần 20 năm, tôi chưa về được, nhưng rất may mắn, một vị linh
mục cùng độc giả trẻ đã lần theo giai đoạn của Thép Đen để đến tận nơi,
ghi lại bằng hình ảnh, và quý nhất, hai anh chị bạn đã gặp "người muôn
năm cũ" của đất Hưng Yên, còn thu vào băng hình video mang về cho tôi.
Xin quý vị tha lỗi, nếu tôi nói rằng, không ai có thể hiểu hết tôi sung sướng đến
mức độ nào! Suốt mấy tháng trời, tôi như sống trở lại những ngày xưa ấy, chỉ trừ
không có xà lim và cái cùm.
Để đền đáp sự đón nhận nhiệt thành của độc giả, tôi quyết định
cho tái bản với sự bổ sung một số hình ảnh mới có được.
Đặng Chí Bình chu du nhiều nơi để giới thiệu sách. Khi qua
Úc, một độc giả hỏi ông có hề liên lạc với cô Vân không. Ông chân thực trả lời:
- Tôi đã nói chuyện điện thoại với cô nhiều lần. Cả nhà đều
biết. Một bữa nọ, đứa con gái lớn trịnh trọng nói với tôi: Ba ạ! Mẹ cùng mấy chị
em con suy nghĩ kỹ rồi và chấp thuận cho Ba đi theo cô Vân. Nhưng Ông không thể
rủ áo rời xa vợ con được vì vẫn còn nặng nợ gia đình.
Kiều Mỹ Duyên có năng khiếu viết văn từ lúc 10 tuổi; được Cô
giáo khen ngợi rồi gởi đăng trên báo Thiếu Nhi ở Saigon, được trả tiền nhuận
bút hẳn hoi.
Từ 1964, làm phóng viên chuyên viết ký sự chiến trường qua mục
“Người Yêu của Lính.”
1990, xuất bản cuốn sách “Chinh Chiến Điêu Linh.” Chị
tâm sự:
"Trước 75, là phóng viên chiến trường, tôi có dịp theo
bước chân hành quân của các chiến sĩ miền Nam khắp bốn vùng chiến thuật. Hơn mười
năm làm báo, tôi đã viết về sự can đảm, hào hùng, gian khổ và hy sinh của người
lính. Ngày hôm nay, trong lòng tôi, những hình ảnh oai hùng của các anh vẫn
không bao giờ phai nhạt. Cuốn sách như một đóa hồng nhỏ gởi đến tất cả chiến sĩ
quân lực Việt Nam Cộng Hòa để tri ân và để tưởng niệm những người đã đi vào
lòng đất mẹ.”
Kiều Mỹ Duyên từng di hành qua nhiều địa danh nổi tiếng
trong suốt cuộc chiến. Trả lời ký giả Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do ngày
23.11.2008, Chị nói: “ ‘Chinh Chiến Điêu Linh’ kể về những trận đánh khốc
liệt trên khắp cả nước, hơn 20 bài viết thuật lại những hình ảnh thật, người thật,
việc thật của Mùa Hè Đỏ Lửa, chiến sự ở Cổ Thành Quảng Trị, Huế, An Lộc, Cao
Nguyên và vùng ba biên giới.”
Kiều Mỹ Duyên tâm tình:
"Tôi thương cái nghèo của miền Trung và kính phục sự
vương lên mãnh liệt của người dân ở vùng này. Mùa hè 1972, tôi có mặt tại tại
chiến trường Trị Thiên để chính mắt quan sát và ghi lại một số trận đánh lẫy lừng
của những chiến sĩ can trường đang trấn giữ vùng địa đầu.
"Xa xa về phía Bắc, gần cầu Bến Hải là Cổ Thành Quảng
Trị, nơi bị cộng quân bao vây mấy tháng trời. Quân đội miền Nam đang phản công
tái chiếm. Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, người anh Cả của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đảm
trách nhiệm vụ khó khăn này. Ông quyết định cho một toán cảm tử vào thành để lập
đầu cầu. 8 binh sĩ thiện chiến gan dạ được tuyển chọn. Ông mạnh dạn thăng trước
cho mỗi người hai cấp. Dù biết đó là ngoài quyền hạn của mình, nhưng Ông cũng
như mọi người đều hiểu rằng: những kẻ ra đi trong đêm nay, chỉ có mấy phần
trăm hy vọng sống sót trở về. Đêm 24.7.72, 8 chiến sĩ phải vượt qua đoạn đường
300 thước, từ điểm xuất phát đến chân bờ thành, đó là vòng đai của tử thần với
màng lưới hỏa lực dày đặc bao phủ, khiến người ta có cảm tưởng nếu một con thỏ
từ ngoài chạy vào, nó sẽ trúng đạn trước khi đụng đến bờ thành.
Trong bóng đêm, toán quyết tử lặng lẽ khởi hành. Họ ra đi
như Tráng sĩ Kinh Kha thuở nào. Sông Dịch Thủy dù có rộng nhưng vẫn dễ qua hơn
300 thước đất trống trước mặt. Chín bậc thuyền rồng của Tần vương tuy có cao
nhưng dễ lên hơn 5 mét tường thành cố.
Họ mất hút vào màn đêm rất nhanh. Đồng đội đằng sau dõi mắt
trông chờ. Thời gian như ngừng lại. Nỗi khắc khoải đợi chờ...
"Rồi bất chợt hiện ra, ngay hướng 8 người vừa tiến vào,
trên mặt thành, có cái gì chập chờn phất phới. Từ ngoài xa, một người tinh mắt
nhìn thấy rồi la lên: - Lá Cờ!
"Trong cái tĩnh mịch của màn đêm nơi chiến địa, bên tai
của những người đang ghìm chặt tay súng, bỗng nghe tiếng hô dõng dạc từ trên bờ
thành vang dội:
Nhảy Dù Cố Gắng!
Nhảy Dù Chiến Thắng!
Ngày hôm nay đọc lại trận tái chiếm này, bỗng dưng lòng dạt
dào, như có cái gì thôi thúc để hát bài "Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân
Yêu" mà Nhạc Sĩ Trần Chí Phúc cho biết do Tô Kiều Ngân và Trương Hoàng
Xuân sáng tác:
Cờ bay. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân
yêu.
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.
Cờ bay. Cờ bay tung trời ta về với quê hương
Từng ngóng đợi quân ta tiến về
Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu
Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng
Hồi sinh rồi này Mẹ này em
Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời
Đi lên. Đi lên trong hoang tàn ta xây dựng ngày mai
Nhà vươn lên người vươn lên
Quân bên dân xây tin yêu đời mới
Đón nhau về, anh bên em về Gio Linh, Cam Lộ, Đông
Hà
Sạch bóng thù, đồng ta xanh thẳm nắng mới
Vang câu hát tự do...
Hành nghề chuyên viên địa ốc tại California. Chủ Tịch công
ty “Ana Real Estate.” Bận rộn, làm việc 17 giờ mỗi ngày, từ 6 am đến 11
pm. Hằng tuần, Chị vẫn gởi bài đăng báo. Trong thời gian vài năm, riêng Việt
Báo đã đăng 130 bài của Chị. Qua đó, người đọc hiểu rằng tuy xa quê hương, nhà
văn nhà báo Kiều Mỹ Duyên vẫn luôn ôm ấp và cầu nguyện cho Việt Nam sớm có Tự
do, Dân chủ, Nhân quyền như hàng trăm nước văn minh tiến bộ trên khắp địa cầu.
Năm 2022, xuất bản thêm tác phẩm “Hoa Cỏ Bên Đường”
bao gồm những bút ký, tạp ghi về sinh hoạt cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ trong
thời gian qua. Trước khi phát hành, sách được cả tá văn thi sĩ viết bài giới
thiệu.
“Kiều Mỹ Duyên không ngồi tại văn phòng tiện nghi ở Saigon để
viết phóng sự. Chị mặc áo giáp, theo từng chuyến bay ra mặt trận. Những bài tưởng
thuật của Chị là nhân chứng hào hùng cho tuổi trẻ chúng tôi, trong trận chiến
bi thương, tàn khốc và bất công. Người lính Việt Nam Cộng Hòa hứng chịu mọi bất
công nhất của thế giới tự do. Họ chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản độc ác
mà cả thế giới xa lánh. Nhưng đám phóng viên báo chí, truyền thông Mỹ lại im
hơi lặng tiếng. Họ không như Tổng Thống Eisenhower vinh danh Việt Nam Cộng Hòa
là thành trì chống Cộng.
Trong nỗi cô đơn tội nghiệp đó, Kiều Mỹ Duyên đã trở thành
‘Tiếng nói cho những người không tiếng nói.’ ”
Với văn phong bình dị, không cầu kỳ hay hư cấu, tác phẩm của
Kiều Mỹ Duyên được đón nhận nồng nhiệt khắp nơi. Ngay cả một độc giả xa
xôi chưa hề diện kiến, cũng mạnh dạn bày tỏ cảm xúc khi đọc “Hoa Cỏ Bên Đường.”
Nơi đây xin trích lại mấy lời mộc mạc thô thiển đó:
“Vừa đọc xong ‘Hoa Cỏ Bên Đường’ với nỗi niềm xúc động
sâu xa về những dòng tâm sự, những hình ảnh thân thương cùng những chuyện kể
chân phương suốt dọc đường Chị đã đi qua. Cảm ơn Chị đem đến cho mọi người đoạn
phim dài mà nếu ai chưa kịp thưởng thức thì thật là uống phí.
Qua gần 500 trang giấy, Chị chia sẻ là cả nỗi lòng tâm huyết
của một người đã bày tỏ đầy đủ nhân nghĩa lễ trí tín với cha mẹ, gia đình, bạn
bè, đồng bào, quê hương đất nước cũng như các nhân vật nổi tiếng khắp thế giới
mà Chị may mắn có cơ duyên tri ngộ.
Biết bao người Chị nhắc nhở, hầu như ai cũng đẹp, cũng hiền
từ nhân hậu. Nhưng hình ảnh đáng trân trọng nhất chính là Người Mẹ thương yêu của
Chị. Ôi chao! Câu chuyện của Mẹ càng đọc càng muốn chảy nước mắt khiến ít
có ai tránh khỏi ngậm ngùi cho cuộc đời trầm luân gian khổ của Mẹ mình. Nhìn Mẹ
Chị nhỏ nhắn ốm o vẫn cố hết sức gồng gánh cả đời cho chồng cho con mà thương Mẹ
quá Mẹ Việt Nam ơi!
Tâm đắc nhất là triết lý của Bà Cụ: "Người ta ăn thì
còn, mình ăn thì hết" mà nhiều Bà Mẹ Việt Nam thường khuyên dạy con
trong cư xử với đời.
Mẹ Chị là Người Mẹ đảm đang biết liệu biết lo để cùng chồng
đưa đẩy đàn con vượt qua bao khó khăn trong thời chinh chiến.
Tấm hình Mẹ oằn lưng gánh nước cho tân binh quân dịch uống lẽ
ra nên đưa lên trang đầu tập sách, vì nhìn vào cho kỹ sẽ đánh động mọi người,
nhất là giới trẻ, về tình thương yêu Mẹ để rồi tự nhủ lòng phải làm gì xứng
đáng với công ơn cao dày như biển như trời của Mẹ. Chị cũng không quên phụ họa
Con Cò lặn lội bờ sông... làm tăng thêm cái cao cả hy sinh nhẫn nhục của Mẹ, cả
một đời thức khuya dậy sớm để bảo bọc cưu mang lũ con cháu dại khờ. Trời xanh
hiểu thấu, trời xanh có mắt nên đã cho Mẹ ra đi trong an bình thanh thản. Cầu
nguyện Mẫu Thân Chị thong dong nơi chốn Nước Trời.
Cuốn sách với nhiều hình ảnh phỏng vấn các nhà lãnh đạo
chính trị và tôn giáo khắp thế giới chắc chắn sẽ là tư liệu vô cùng quý giá cho
mọi người để hiểu rõ đường lối và suy nghĩ của những bậc danh tiếng quyền uy một
thời. Chị khéo léo đưa ra thắc mắc của hằng triệu người Việt Nam về viễn ảnh tự
do cho đất nước:
- Bao giờ Việt Nam thoát khỏi ách cộng sản?
Nhờ vậy mà chúng ta biết được câu trả lời của Cựu Tổng Bí
Thư Đảng Cộng Sân Liên Xô Gorbachev:
- "Chừng nào Trung Quốc có tự do thì Việt Nam mới có tự
do.”
Thương thay Linh Mục Nguyễn Hà Thanh đời thường ít nói nhưng
ở đâu có biểu tình chống Cộng là Cha xông xáo đi đầu. Tổng Thống Thiệu từng ao
ước giá chi mà miền Nam có nhiều vị lãnh đạo tinh thần như Cha Nguyễn Hà Thanh
thì quý hóa cho đất nước biết chừng nào.
Gần cả đời Chị đã đem công sức tâm huyết góp phần vào đại cuộc.
Phải chăng ở hiền gặp lành nên đi đâu Chị cũng được đón tiếp nồng hậu, đặc biệt
là đồng hương bên Phần Lan xa xôi lạnh lẽo vẫn vui vẻ mời cơm mời nước chẳng
chút quản ngại nhọc nhằn.
Cảm ơn Cô Giáo Trường Lý Thường Kiệt sáng suốt phát hiện tài
năng thiên phú nơi học trò Nguyễn Thị Ân ngay từ lớp 7 để đề cứ làm chủ nhiệm tờ
báo của trường. Nhờ vậy mà Chị tiến lên những bước dài mãi tận hôm nay.
Nói một cách tổng thể, về hình thức lẫn nội dung, “Hoa Cỏ
Bên Đường” đã mang lại món ăn tinh thần quý hiếm trong thời buổi vất vả đầu
tắt mặt tối cho việc mưu sinh hằng ngày hiện nay.
Sau nhiều ngày tham gia kháng chiến, chán ngán cảnh đấu đá
nhau, đứng giữa sân trụ sở làm việc, ông bẻ đôi chiếc bút, vứt vào sọt rác.
"Ông đếch làm việc với chúng mày nữa, bỏ về quê đi thồ đá bán lấy tiền
nuôi mười đứa con cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng."
"Sau hơn 50 năm xa cách, từ nước ngoài tôi cố vượt đường
xa tìm về thăm người anh kết nghĩa trong những năm kháng Pháp.
Người lái xe ôm đưa tôi đến trước cổng căn nhà rộng chừng 3
mét. Anh gọi to:
- Cụ Tú ơi! Ra có khách lạ ở xa đến thăm đây này.
- Ơ! Tôi ra ngay đây.
Một ông già cao lớn, tóc bạc trắng, dáng dấp khỏe mạnh,
nhanh nhẹn chạy ra. Ông cụ mở cánh cổng được buộc bằng dây thừng và đứng sững
nhìn anh em tôi ra vẻ ngạc nhiên, dò xét:
- Thưa các ông là ai, các ông muốn gặp tôi có việc gì
không? Tôi hiểu anh chịu quản thúc tại gia mấy chục năm nên bị cô lập, bây
giờ thấy người lạ là đâm ra nghi ngờ. Thấy thế, tôi vội chạy đến ôm anh.
- Em là Trịnh Hưng. Những năm kháng chiến, anh hay lại chơi,
uống rượu với anh rễ em. Có lần anh dẫn em và anh Quang Dũng vào Nông Cống thăm
mộ Chị Ninh.
Nhắc lại kỷ niệm xưa, anh mừng và nắm chặt tay tôi.
- Chú là Hưng đánh đàn guitar. Anh nhớ ra rồi. Chú ở đâu về
và làm gì mà tới bây giờ mới đến gặp anh?
- Sau 1952, bỏ kháng chiến, em theo anh Trần Chánh Thành về
Hà Nội rồi di cư vào Nam, sống với nghề sáng tác nhạc và dạy học. Năm 82, con
trai em bị bắt đi nghĩa vụ ở Cao Miên. Nó đào ngũ trốn được 3 năm rồi bị công
an bắt nhốt một đêm, tới sáng thì chết. Em uất ức nên sáng tác bài "Ta
Quyết Tâm Giết Lũ Hồ" nhằm lên án cộng sản tàn ác. Chúng đưa đi
"cải tạo” hết 8 năm.
Cùng uống cạn ly rượu bổ mừng tuổi, hơi men bốc lên, anh buộc
miệng chửi đổng:
- Mả cha thằng Hồ tặc, cái thằng hít địt đó chết rồi mà còn
giết hại bao nhiêu người vô tội và làm hại đất nước tổ tiên.
Nhìn quanh nhà, thấy cảnh đơn chiếc mà chạnh lòng. Mắt tôi
chạm phải hai câu thơ:
Chào người Màu Tím Hoa Sim
Chào chòm râu bạc đi tìm ban sơ
Hôm ấy anh kể lại chuyện xưa:
"Thuở còn bậc trung học, anh hay tới cửa hàng Bà Tham Kỳ
đọc sách. Rồi sau đó được Bà mời làm gia sư cho mấy đứa con. Ngày anh bước
chân vào thì Bà Kỳ sinh cô Ninh ở nhà hộ sinh. Anh xin phép vào thăm, bế lên
nâng niu. Cô bé mới ra đời hai ngày mà cứ nhìn anh cười.”
“Tròn tám tuổi, ngày đầu tiên bắt đầu đi học, cô Ninh khoanh
tay cúi đầu: ‘Em chào Thầy ạ!’ Lúc ấy cô bé mở to đôi mắt nhìn tôi. Đôi mắt to,
đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả
cuộc đời.
Một lần tôi kể chuyện em ‘nói năng như bà cụ non’ cho
hai người anh, em nghe được rồi phát giận, nằm lỳ trong buồng không chịu học.
Bà Tham dẫn tôi vào phòng nơi em đang thiếp đi. Thế là, ‘giận thì giận mà
thương thì thương,’ em ngồi dậy, ăn hết tô cháo gà. Rồi nằng nặc đòi tôi
đưa lên khu rừng thông. Sợ em lại giận, tôi xin Ông Bà Kỳ đưa em đi. Xe kéo chừng
một giờ mới chạm chân đồi. Em leo dốc nhanh như sóc. Lên tới đỉnh, em bảo tôi
ngồi nghỉ bên em. Bất chợt em hỏi:
- Thầy có thích ăn sim không?
Nhìn xuống dưới, tím ngắt một màu sim. Em đứng lên, đi xuống
sườn đồi. Còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp trên thảm cỏ. Tỉnh dậy, em đã nglồi
bên cạnh với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen nhánh, chín mọng.
- Thầy ăn đi!
Tôi cầm trái sim từ tay em đưa lên miệng và trầm trồ:
- Ngọt quá!
Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn em,
em cười. Hai hàm răng đỏ tím, đôi môi cũng đỏ tím, hai bên má thì... Tím đó một
màu sim.
“Sau lần đi chơi đồi sim, cô học trò luôn quấn quýt bên anh.
Nhưng vì tình hình đất nước, anh phải lên đường tòng quân, rời xa người em bé bỏng
thơ ngây. Ninh ngày càng xinh đẹp, vẫn khắc khoải đợi chờ. Đến lúc cô vừa tròn
16 tuổi, Hữu Loan về thăm, trai tài gái sắc, mừng mừng tủi tủi, quyến luyến bên
nhau. Ông Bà Kỳ lo tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ. Rất đơn giản dù gia đình giàu
có. Cô dâu không may áo cưới, còn chú rễ mặc quần áo nhà binh, đôi giày đinh bê
bết bụi đường.
Cưới nhau xong năm ngày là anh lại đi. Vài hôm sau, cô Ninh
ra sông Nông Cống giặt quần áo, không ngờ nước sông chảy xiết, cô trượt chân té
xuống nước, bị cuốn trôi đi. Chờ ba ngày, dân thuyền chài mới vớt được xác.
Mãi hai tháng sau, trong lúc đang ngồi uống trà tại một quán
nhỏ, anh mới hay tin người vợ trẻ ở nhà đã chết. Sa sầm nét mặt, da tái xanh,
người run rẩy làm đổ cả ly nước đang cầm trên tay. Anh vội vàng đạp xe về nhà,
thấy Bà Kỳ đang ngồi khóc bên mộ con gái. Chiếc bình hoa ngày cưới nay thành
bình hương trên mộ chí.”
Trở về đơn vị, như người mất hồn. Niềm đau tuôn trào, anh viết
một mạch bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” trong hai tiếng đồng hồ.
Nàng có ba người anh đi quân đội (?)
Những đứa em nàng, có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người chiến binh xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Cưới nhau xong là đi
Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi! giây phút cuối
Không được nghe em nói
Không nhìn trông thấy nhau một lần
Ngày xưa nàng thích hoa sim tím
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa
Một chiều rừng mưa
Ba người anh từ chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất trước tin em lấy chồng
Trời gió sớm thu về, gờn gợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng trông ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng quanh mộ chí
Nhưng chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi hoa sim
Tím cả chiều hoang ôi biền biệt
Nhìn áo rách vai, tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu…
* Báo Tuổi Trẻ 18.3.20: Sau khi được Nguyễn Bính cho đăng
trên Trăm Hoa, không ít ý kiến "quy kết" bài thơ là "thứ văn
chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản,” được xem là nguyên cớ để Hữu Loan bỏ
Hà Nội về quê.
* Trả lời phỏng vấn của BBC năm 2002, Hữu Loan cho biết vì
sao “Màu Tím Hoa Sim” bị “đánh”:
"Lúc bấy giờ làm thơ là phải nói về cộng sản, về bác Hồ
chứ không được khóc cái nỗi niềm riêng của mình... Tôi thấy đau xót, tôi làm
bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau
khổ của con người tại sao lại không được bày tỏ? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm
thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 56,
tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà đi cày. Họ không cho, bắt tôi phải làm đơn xin.
Tôi không xin. Tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được. Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi
cày đi bừa, đốn củi, đi xe đá để bán...”
“Nói chuyện với ông năm 2008, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên
vì thấy ông có trí nhớ rành rọt, và quan trọng hơn, ông vẫn là con người khẳng
khái cứng cỏi, yêu ghét phân minh, chính trực, không nề hà an nguy. Vẫn là người
dám sống với sự thật và những niềm tin lớn...
Khi ra về, lòng vừa ngậm ngùi vừa kính nể. Vì nhận thấy Ông
là viên kim cương không dễ gì hủy hoại.”
“Khoảng 1956 - 57, Hữu Loan tham gia ‘Nhân Văn Giai Phẩm,’
sáng tác những bài lên án thẳng thắn, quyết liệt với đám cán bộ nịnh hót, đố kỵ,
tham nhũng, hay ám hại lẫn nhau để thăng quan tiến chức. Ông bị cải tạo vài năm
rồi giam lỏng tại địa phương. Ông kiên cường chịu đựng nghèo khó mà không hề
cúi đầu trước thế lực của những người trước đây là đồng chí nhưng nay nhìn ông
với đôi mắt thù hằn ngờ vực.
Ông để lại một nhân cách trung thực, đáng làm tấm gương soi
cho trí thức trong nhiều giai đoạn. Hữu Loan sinh ra và lớn lên tại miền Bắc
nhưng tôn vinh và nhận thức cái hay trong thơ ông lại là dân chúng miền Nam. Gần
đây người dân miền Bắc biết đến Hữu Loan qua nhiều bài hát phổ từ thơ ông của
các nhạc sĩ Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh...”
* Nhà Báo Lưu Nhi Dũ (Người Lao Động, 21.3.10):
"Sau 75, nhân giai đoạn cởi mở, Hữu Loan rời quê nhà để
xuôi Nam. Năm 87, có Ông lão mang bị cói tới Hội Văn Nghệ Lâm Đồng. Khuôn mặt
khắc khổ như một lão nông nhưng toát lên khí phách của con người ngang tàng, ngạo
nghễ. Hữu Loan xuất hiện như một thi nhân tái thế.
Rồi tôi được theo hầu ông trong chuyến về miền Tây. 14 giờ
chiều, phà Cần Thơ nắng hừng hực, những mảng lục bình trôi lững lờ trên sông.
Một người đàn ông dắt cậu trẻ chừng 10 tuổi với cây đàn
guitar ca ngọt lịm bài ‘Màu Tím Hoa Sim.’ Những đồng tiền lẻ bỏ vào chiếc
mũ đen đúa của đứa nhỏ mỗi lúc một nhiều. Ông móc bị bỏ vào đó mấy đồng rồi
nói: ‘Thơ mình cũng làm ra tiền đấy nhỉ!’
Tới Kiên Giang, có vị giám đốc ái mộ, quay ‘cassette’
cho Ông nghe bài này qua tiếng hát Hoàng Oanh, Phương Dung. Ông gật gù: ‘Mấy cô
này hát đã thiệt.’ Đó là những ngày hạnh phúc nhất đời. Đi đến đâu cũng được
yêu cầu đọc bài thơ, mỗi lần đọc ông đều khóc.”
Năm 2004, công ty Cổ Phần Công Nghệ Việt (Vitex VTB) đã mua
bản quyền bài thơ với giá 100 triệu đồng Việt Nam.
Hữu Loan giả từ nhân thế năm 2010, hưởng thọ 94 tuổi.