728x90 AdSpace

Smiley face
  • Latest News

    SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 8-2024 KÍNH GIỚI THIỆU TRANG TRUYỆN NGẮN NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA

         *KÍNH GIỚI THIỆU TRANG TRUYỆN NGẮN NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA

    *****

    Mời đọc "Đôi Bạn Đôi Đường: Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X" (Tháng Bảy 2024)

    Mời quý thân hữu đọc tập truyện Đôi Bạn Đôi Đường:  Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa X được ấn hành vào tháng Bảy 2024.  Tập truyện này gồm các truyện ngắn đã được phổ biến dưới tiêu đề "loạt truyện Ra Đứng Ngõ Sau" trong hơn một năm qua.


    Có ba cách để đọc online.  Một là đọc dưới dạng Flipbook.  Lợi thế đặc biệt của Flipbook là ta chỉ cần có cái link đã thiết lập sẵn là có thể đọc nguyên cả cuốn sách, không cần download hay lưu trữ bất cứ hồ sơ nào.  Và muốn chuyển cho người khác đọc, ta cũng chỉ cần chuyển cái link đó là xong, và có thể dùng như bản di động đọc trên iPhone.  Xin đọc tập truyện mới nhất của Nguyễn Ngọc Hoa bằng cách click vào link sau đây:

     Flipbook * Đôi Bạn Đôi Đường - Tập Truyện Nguyễn Ngoc Hoa X (2024)

    Tuy nhiên, nếu đọc Flipbook với máy điện toán có màn ảnh nhỏ có phần bất tiện thì dùng cách thứ hai là đọc bản .pdf.  Xin quý thân hữu download hồ sơ "Doi Ban Doi Duong - Tap Truyen Nguyen Ngoc Hoa X (July 2024)" đính kèm và save lại để lưu trữ và đọc.

    Cuối cùng, các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa, từ Tập I đến Tập X, đã phổ biến trước đây đều được post lên trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" dưới đây.  Xin báo trước, số truyện ngắn trong trang này khá lớn, quý thân hữu coi chừng . . . đi lạc.

     https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

    Mong quý thân hữu sẽ thích thú đọc tập truyện này.  Chúc quý thân hữu và gia đình dồi dào sức khỏe và mọi sự an lành.

    NNHoa

    *******

    Truyện ngắn mới: "Bản Lãnh Em Tôi" (Tháng năm 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

    Mời đọc truyện ngắn thứ sáu 

    của loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.  

    Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

     Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

                https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

                https://dconnect.co.jp/friend/

    Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

    ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

     6. Bản Lãnh Em Tôi

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

     Trọng em út sinh sau tôi một con giáp và cầm tinh con chuột như tôi, nhưng có lẽ thông minh hơn tôi . . . một chút.  Ngày nó lên ba, tôi thấy nó cầm cuốn sách học vần của Lâm (anh kế nó, năm tuổi) lật từng trang và đọc rạch ròi.  Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì không biết nó học đọc lúc nào.  Hỏi ra mới biết nó xem anh học bài rồi nhớ nằm lòng và theo hình trong sách mà nói lại y chang chứ không hề biết đọc.  Tôi là người duy nhất trong nhà nhận ra tài năng khác thường của nó vì anh em tôi đứa nào cũng cố thu mình trong chiếc vỏ ốc đóng kín và sống riêng một mình để khỏi bị cha để ý tới.  Chúng tôi chỉ có một điểm chung – sợ bị cha đánh đập.

    Trong đời, hai lần tôi phục Trọng sát đất vì đã làm chuyện tôi không làm nổi.  Lần đầu, năm em tôi 14 tuổi, khi cha đã về hưu trong tay không còn quyền hành hay tiền bạc, nhưng vẫn hay nổi cơn thịnh nộ bất chợt, thường ra lệnh vô lý, và đối xử với vợ con như thể là quân nhân dưới quyền.  Một buổi chiều tôi đi dạy về, mẹ đứng đón ở cửa và khóc kể Trọng bị cảnh sát bắt giam.

    Hồi trưa cha ăn cơm xong, nhưng không đi ngủ trưa như thường ngày mà đi ra đi vào nôn nóng chờ người tới mời đi đánh bạc.  Sau khi chờ hơn một tiếng đồng hồ và biết sòng bạc không thành, cha bày chuyện đóng đinh treo hình trên tường để giết thì giờ.  Chỉ có mẹ và Trọng ở nhà, cha biểu nó lấy đinh và búa trong thùng đồ nghề của tôi và chỉ chỗ cho nó đóng.  Cha không biết, và Trọng không thể biết, là tường nhà đúc bằng bê-tông, muốn đóng đinh phải dùng đinh thép; đinh sắt thường chỉ làm vỡ mặt bê-tông mà không xuyên vào.

    Nhà chúng tôi trong cư xá Bắc Hải, trước gọi là cư xá Sĩ quan Chí Hòa, đã được bộ Quốc phòng xây và bán trả góp cho cha.  Dù đó là căn nhà cuối cùng để sống đến hết đời, nhưng mỗi khi thua bạc cần tiền trả nợ, cha dụ ngon dụ ngọt mẹ bán đi rồi “ra ngoài thuê nhà có máy nước nóng ở cho sướng”; dĩ nhiên không đời nào mẹ chịu.  Khi Trọng đóng đinh vào tường, mặt bê-tông vỡ ra, đinh văng xuống sàn nhà, và cha tức giận chửi mắng khiến thằng bé luống cuống làm tường vỡ thêm.  Cha cáu tiết nắm tay lấy hết sức bình sinh cú mạnh vào đầu nó.  Đau thấu xương và trong một phút tức nước vỡ bờ, nó quay lại bặm miệng trợn mắt nhìn cha và giơ cây búa lên cao.  Không nói không rằng.

    Mẹ nói cha miệng hùm gan sứa, bất ngờ thấy phản ứng mạnh mẽ của Trọng liền lẳng lặng thối lui, hối hả kêu xe ra chi cảnh sát nằm trên đường Hòa Hưng đi vào khám Chí Hòa, và yêu cầu bắt giam nó.  Cảnh sát đến nhà đưa nó về bót “câu lưu.”  Theo lệnh mẹ, tôi đến xin gặp vị đại úy trưởng chi, xuất trình chứng minh thư là giảng viên trường Đại học Kỹ thuật viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, và xin lãnh Trọng về.  Ông ta cho biết nó chưa làm gì phạm pháp, cảnh sát chỉ tạm giữ nó để dằn mặt vì vị nể cấp bậc và chức vụ cũ của cha.  Mà dù nó phạm pháp đi nữa thì nó là trẻ vị thành niên, chính cha sẽ là người chịu trách nhiệm.

    Tuy vậy, tôi làm đơn xin “bãi nại” nộp cho cảnh sát rồi về nhà giải thích với mẹ.  Mẹ năn nỉ ỉ ôi với cha, nhận lỗi con dại cái mang, và xin cha “tha tội” cho “thằng nhỏ trẻ người non dạ.”  Cha biết không có lối thoát nào khác hơn bèn làm bộ rộng lượng xiêu lòng và biểu tôi chở ra chi cảnh sát ký giấy “bãi nại.”  Trọng được “tha” về, không tỏ vẻ ngán sợ, và được tôi phục lăn.  Tôi không làm được như nó một phần vì sợ cha như sợ cọp và một phần vì những ràng buộc của văn hóa Khổng Mạnh, các bài học luân lý, và câu ca dao,

    Công cha như núi Thái sơn,

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

    Tôi khám phá ra trong nhiều tháng qua Trọng không hề đến trường.  Buổi sáng nó dậy sớm lấy xe Honda PC chở chị là Bình ra chỗ đón xe lô lên Thủ Đức học; Bình là giáo sinh ban Anh văn trường Đại học Giáo dục viện Đại học Bách khoa Thủ Đức.  Sau đó, nó tha hồ sử dụng chiếc xe gắn máy, đi đâu cả ngày không ai biết, và chiều ra đón Bình về nhà.  Ngoài ra, một hôm mẹ kéo tôi ra nói riêng nhờ đưa nó đến phòng mạch bác sĩ quen để chữa bệnh phong tình; lúc đó nó 15 tuổi.

    * * *

    Chiều ngày 28 tháng Tư năm 1975, khi tôi đề nghị cả gia đình theo tàu Hải quân di tản ra khỏi Sài gòn, cha giận dữ bác bỏ và mắng xối xả, “Mi mần [làm] tầm bậy không chết bỏ xác ngoài biển thì cũng tù rục xương!” và cương quyết không đi.  Tôi và các em khóc sụt sùi lạy sống cha mẹ để tạ ơn sinh thành rồi từ biệt.  Chúng tôi đến đảo Guam, sang trại tỵ nạn Trại Pendleton ở nam California, và cuối cùng được bảo trợ về Bismarck, North Dakota.  Ở nhà, trong hai ngày liền, cha tức tối không ngớt chửi rủa tôi đã “đành đoạn bỏ cha bỏ mẹ ra đi.”  Sáng ngày 30, Sài gòn thất thủ, cha mới chịu nghe lời mẹ chạy ra bến tàu, lên thương thuyền Viễn Đông, và sang Hương Cảng tạm trú ở trại tỵ nạn Cửu Long.

    Trong những ngày chờ đợi ở Trại Pendleton, tôi ra sức dạy Anh văn cho Lâm và Trọng để chuẩn bị cho hai em vào trường trung học Mỹ.  Hai đứa mê đi chơi hơn ngồi học; Lâm đá banh với bạn, còn Trọng làm gì không biết.  Khi bị tôi la rầy, Lâm biết lỗi im lặng, nhưng Trọng mím môi trả lời, tỏ ra là một thiếu niên có bản lãnh,

                “Anh khỏi lo cho em!  Em sẽ xin vào nhóm unaccompanied minors [trẻ vị thành niên không có người tháp tùng] là yên chuyện!”

    Trọng biết tôi sẽ không bao giờ dám để nó tách riêng như thế nên thách thức để tôi xuống nước năn nỉ.  Và tôi năn nỉ nó thật!  Xuất trại ra Bismarck, tôi và Sang em kế có việc đi làm, Bình học trường đại học cộng đồng, và Lâm và Trọng học trung học – đứa lớp 11, đứa lớp 10.  Cha mẹ từ Hương Cảng sang trại tỵ nạn Đồn Chaffee ở Arkansas, và cha một mực muốn đi Texas ở với Triết, em kế Sang sang Hoa kỳ du học từ đầu năm 1972.  May cho Triết, em chưa ra trường, phải nghỉ học làm thợ tiện sinh sống, thuê apartment ở chung với bạn, và không đủ điều kiện bảo trợ cha mẹ.  Cha bấm bụng lên North Dakota nhập chung với anh em tôi, nhưng lòng vẫn oán hận tôi.

    Trở lại địa vị chúa tể gia đình, cha xem tôi như kẻ hầu cận để cha sai sử và không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để hạ nhục.  Sáng mồng hai Tết Bính Thìn (1976), cha uống rượu say, đập phá đồ đạc trong nhà, và chửi bới “thằng con bất hiếu bất mục” đã “khinh cha chưởi tổ” và “đội con vợ lên tran mà thờ.”  Tôi và Quỳnh Châu sợ hãi, vội vàng thu dọn áo quần và vật dụng cá nhân, cho vào hai bao rác lớn và cái rổ đựng quần áo giặt, và mang chất lên xe.  Chúng tôi ra đi.

    Từ đó, các em tôi kiếm cách ra khỏi nhà vào cơ hội sớm nhất.  Lần lượt, Sang dọn ra ở riêng, Bình đi Austin, Texas học cử nhân điều dưỡng, và Lâm vào nội trú trường đại học, chỉ còn Trọng ở nhà với cha mẹ.   Nó học rất giỏi và tốt nghiệp trung học sớm hơn một lục cá nguyệt.  Rồi giận cha bỏ nhà ra đi.  Tôi không biết chuyện Trọng đi cho đến khi cha cho gọi đến và biểu báo cáo với sở xã hội là gia đình (“ăn welfare”) của cha không còn có đứa trẻ vị thành niên là Trọng.  Thấy cha chỉ quan tâm về trách nhiệm người lãnh trợ cấp mà không một lời quan hoài đến nó, tôi ngao ngán “dạ dạ” cho xong chuyện mà không báo cáo.

    Một năm rưỡi kế tiếp, nhiều người quen của gia đình gặp Trọng lang thang không cửa không nhà ở California, Texas, và Florida với thân tàn ma dại, đói khát, và nghiện ma túy.  Khi cuộc đời xuống tận đáy vực, Trọng tìm đến Bình ở Austin và tỏ ý muốn về North Dakota làm lại cuộc đời.  Là sinh viên nghèo xác xơ, Bình dốc túi tận dụng số tiền tối đa được phép mắc nợ trong thẻ tín dụng để mua vé máy bay cho nó.

    Đồng thời ở Bismarck, tôi và ông bảo trợ ra tòa án quận gặp ông chánh án, trình bày hoàn cảnh Trọng, và xin lệnh tòa bắt nó đi cai nghiện.  Máy bay đáp xuống, Trọng vừa bước khỏi cầu thang thì bị hai vị cảnh sát quận áp giải thẳng tới trung tâm cai nghiện.  Trong sáu tuần lễ sống cô lập trong trung tâm, hàng ngày Trọng đi học lớp cai nghiện do các vị cố vấn tâm lý chỉ dạy.  Trong thời gian này, họ đòi hỏi gia đình phải “học” cùng với resident (“người cư trú,” tức là người cai nghiện) một tuần lễ.  Tôi nghỉ làm và đưa mẹ đến dự “tuần lễ gia đình” này.

    Trọng được các vị cố vấn tâm lý tin tưởng, nồng nhiệt khen ngợi, và cho đặc ân về nhà ngủ một cuối tuần.  Ngay trong cuối tuần đó, nó đàn đúm với đám bạn giang hồ cũ và chơi ma túy vũ như cẩn.  Thì ra, nó có đủ mánh khóe để qua mặt các vị cố vấn tâm lý.  “Tốt nghiệp” khóa cai nghiện, nó về nhà cha mẹ ở ít lâu rồi ngựa quen đường cũ lại bỏ nhà ra đi.  Trước khi đi, nó lén lấy chi phiếu và giả chữ ký của cha rồi ra ngân hàng lấy tiền.  Khi cha khiếu nại, ngân hàng kiểm chứng đoạn phim chụp hình nó lấy tiền tại quầy và đồng ý trả lại tiền cho cha.

    Ngân hàng kiện Trọng về tội ăn cắp.  Nó bị bắt giam ở county jail (nhà giam quận) đợi ngày ra tòa.  Mấy đứa bạn giang hồ bèn dàn xếp cho nó vượt ngục; nó dùng drap trải giường nối lại làm dây thừng và chui qua cửa sổ leo từ lầu ba xuống đất.  Chân nó vừa chạm đất thì cảnh sát quận đã chờ sẵn.  Cuộc vượt ngục táo bạo được tờ Bismarck Tribune tường thuật, cùng với hình ảnh, trên trang nhất.

    Trọng bị tuyên án sáu tháng tù giam ở penitentiary (nhà lao tiểu bang) North Dakota.  May mắn thay, sáu tháng mất tự do đã hoàn toàn chuyển đổi cuộc đời em tôi.  Mãn hạn tù, nó đi học ở trường Đại học North Dakota (UND) ở Grand Forks, nơi Lâm đang học kỹ sư điện.  Trọng vừa đi học vừa làm đầu bếp cho nhà hàng Tàu và học một lèo lấy luôn hai bằng kỹ sư – một về cơ khí, và một về điện toán – cộng thêm bằng Cao học Cơ khí.  Trong thời gian này, cha mất vì chứng liệt tim, nó về dự đám tang và được mẹ cho món tài sản duy nhất cha để lại là chiếc xe Plymouth Volaré cũ.  Ngày nó lãnh bằng tốt nghiệp, tôi đưa mẹ lên Grand Forks dự lễ.  Mẹ lấy khăn chặm nước mắt cười rạng rỡ.  Đó là lần thứ hai tôi thấy mẹ cười rạng rỡ như thế, lần đầu là ngày mẹ dự lễ tốt nghiệp kỹ sư của tôi.

    Trọng đưa mẹ sang Goshen, Indiana làm lễ cưới Kiên Tính, cô bạn học chung trường tiểu học với nó ở Tuy Hòa.  Phía nhà trai chỉ có mẹ, vợ chồng tôi, và bé Mạc con đầu lòng.  Sau một lục cá nguyệt dạy lại ở UND, Trọng dời đi Fort Collins, Colorado làm kỹ sư cơ khí cho một công ty chế tạo bộ phận điều chỉnh tốc độ máy phát điện có công suất lớn.  Ngày Kiên Tính sinh con, mẹ về ở với vợ chồng nó để giúp nuôi đứa con đầu lòng, một cô bé xinh xắn.

    Con gái thứ nhì của Trọng chào đời ở Orlando, Florida vì nó dời về đây làm kỹ sư điện toán cho một công ty thầu cung cấp cho bộ Quốc phòng rất lớn.  Kiên Tính học nghề uốn tóc và sau vài năm hành nghề, mở tiệm làm chủ và làm ăn phát đạt.  Trọng mua đất hoang ở Chuluota thuộc ngoại ô Orlando, thuê ũi cây cối, phân lô và đặt hệ thống điện nước, bán lại cho bạn bè thân thuộc người Việt, và giữ lại một lô một mẫu Anh để xây căn nhà hơn 5,000 square feet (khoảng 470 mét vuông) cho mình.  Khu nhà Việt nam của nó nằm trên con đường ngắn mang tên “Vina Lane.”


     Khi đời sống vượt quá ngưỡng cửa mà người Mỹ gọi là American dream (“giấc mơ người Mỹ”), Trọng nghỉ việc và đi học tiến sĩ cơ khí tại Đại học Trung tâm Florida ở Orlando.  Chương trình PhD của đại học Hoa kỳ đòi hỏi sinh viên phải dành trọn thì giờ cho việc học và phải nghiên cứu tại khuôn viên đại học – cả hai điều đều quá tầm tay của tôi.  Hai năm sau, Trọng trở thành Dr. Nguyễn đầu tiên của dòng họ.  Đó là lần thứ hai tôi phục em tôi.

    Lần này, tôi phục Kiên Tính nhiều hơn.  Trong hai năm dài, gánh nặng gia đình con cái trút cả lên vai nàng.

    Nguyễn Ngọc Hoa

       Ngày 8 tháng Năm, 2024

     *****

     Món Quà Sinh Nhật Không Mong Đợi

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

     Trong bữa cơm chiều, tôi và Quỳnh Châu cho các con hay chương trình nghỉ hè cho mùa hè cuối cùng trước khi Mạc con trai đầu lòng đi học đại học xa nhà:  Chúng tôi sẽ dự cuộc họp mặt (đại) gia đình rồi nghỉ hè ở Orlando, Florida.  Vừa nghe xong, Diễm Lệ là bé út lên sáu hết hè sẽ vào trường tiểu học khoái chí la lên,

                A ha . . . anh Mạc phải đi roller coaster với em 15 lần!”

                “Diễm Lệ đi roller coaster với anh Mạc đi, Ân không thích đi đâu,” cu Ân, lớn hơn Diễm Lệ một tuổi, vội vàng nói trước.

    “Roller coaster,” người Pháp gọi là “núi Nga” (montagnes russes), là “xe lao dốc trên trục lăn” trong các giải trí trường.  Đó là đường xe lửa có các toa lộ thiên chở người chơi tìm cảm giác mạnh chạy lên “núi” xuống “núi” trên những đoạn đường rầy dốc đứng, ngoắt ngoéo, và có khi lộn ngược đầu.  Được sáng chế đầu tiên ở Nga vào đầu thế kỷ thứ 17, núi Nga gồm những bờ dốc bằng gỗ và được chơi vào mùa đông, khi trời lạnh giá.  Người ta đổ nước lên bờ dốc, nước đông thành đá khiến bờ dốc trơn láng, và người chơi ngồi trên xe trượt lao xuống dốc và lên dốc.  Đầu thế kỷ 19, người Pháp bắt chước làm núi Nga ở Paris, nhưng thời tiết ấm không thể làm nước đá nên họ phải cho chiếc xe lao dốc (coaster) trượt trên những trục lăn (roller).

    Mạc trót hứa với Diễm Lệ hè năm ngoái, lúc chúng tôi đi nghỉ hè ở tiểu bang Minnesota kế cận và để ra hai ngày vui chơi ở giải trí trường Valleyfair gần Minneapolis.  Đã được bạn trong lớp mẫu giáo mách nước, Diễm Lệ đòi đi cho bằng hết sáu núi Nga của Valleyfair.  Chiều lòng bé út, cả gia đình cùng đi.  Rồi bé xin đi lại núi Nga cao nhất, tôi phải đi cùng với bé vì chiều cao của bé chưa đủ để đi một mình.  Sau đó, bé đòi đi lần nữa – lần thứ ba – nhưng tôi từ chối.  Nước mắt lưng tròng, bé kéo áo Quỳnh Châu năn nỉ, nhưng vô hiệu.  Trước khi bé út bị rầy vì tật vòi dai, Mạc tình nguyện đi với bé.  Để hai anh em chơi núi Nga, tôi cùng Quỳnh Châu và cu Ân đi chơi chỗ khác.  Khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau, chúng tôi trở lại; Mạc và Diễm Lệ vẫn đi núi Nga hết lần này đến lần khác, Diễm Lệ khăng khăng đòi tiếp tục đi, và sau cùng Mạc chịu thua và hứa đại,

                “Anh Mạc mệt rồi, không đi nổi nữa.  Để lần sau ba má cho mình đi amusement park [giải trí trường], anh Mạc sẽ đi roller coaster với em 15 lần.”

     Trong nhà, Diễm Lệ có tiếng nhớ dai, và không ai có thể hứa cuội với bé.  Và từ dạo đi Valleyfair về, bé đâm ra mê đi núi Nga, càng cao càng dễ sợ bé càng thích.  Kỳ này đi Orlando, chúng tôi sẽ dành hầu hết thời gian nghỉ hè để các con vui chơi ở khu giải trí trường có chủ đề cách trung tâm thành phố khoảng 20 dặm về phía tây nam, trong đó lớn nhất là Walt Disney World and Universal Orlando.  Quỳnh Châu đã mua vé trọn mớ cho gia đình ở khách sạn và vào cửa hai giải trí trường này năm ngày.  Bé sẽ tha hồ đi núi Nga mệt nghỉ.  Chỉ khổ thân Mạc!

    * * *

    Chúng tôi bay xuống phi trường Quốc tế Orlando và thuê xe lái về nhà Trọng (em út tôi) ở Chuluota thuộc ngoại ô Orlando và cách trung tâm thành phố chừng 25 dặm về phía đông bắc, nghĩa là ở góc xa khu giải trí trường nhất.  Nhà Trọng có sáu phòng ngủ, đủ chỗ cho mẹ và cả sáu gia đình anh em tôi.  Mẹ đang ở chung với Trọng để giúp vợ chồng nó nuôi đứa con gái út.  Gia đình các em khác – Sang, Triết, Bình, và Lâm – lái xe từ Texas, Louisiana, và Oklahoma đến nhà Trọng gặp mặt và nghỉ lại đêm đầu tiên.  Mẹ và các em tôi không nói ra, nhưng ai cũng hiểu cuộc họp mặt năm nay tại Orlando một phần là để ăn mừng sự thành công về học vấn của Trọng:  Nó nghỉ làm hai năm, đi học toàn thời gian tại Đại học Trung tâm Florida ở Orlando, và đậu bằng PhD về cơ khí.  Bằng tiến sĩ đầu tiên của dòng họ, dễ gì mà được!

    Sáng hôm sau chúng tôi mang đồ tế nhuyễn, nồi niêu soong chảo, và thức ăn tươi để nấu ăn, và lái xe chừng một tiếng đồng hồ (khoảng 50 dặm Anh) đến thành phố ven biển Cocoa Beach.  Trọng đã đặt thuê mấy căn nhà trong một khu nghỉ dưỡng, căn lớn nhất dành cho mẹ và gia đình Trọng và dùng làm nơi nấu ăn và tụ họp đại gia đình.  Từ căn tôi ở, bước ra phía sau chừng 20 thước là tới bãi cát rộng nhìn ra Đại tây dương; sáng sớm còn mù sương, tôi và Quỳnh Châu đi bộ tập thể dục dọc theo mé nước và thưởng thức sự tĩnh lặng của đại dương.

    Hai ngày đầu, anh em tôi chia nhau đưa trẻ em ra bãi tắm biển, đưa các bà ra phố mua quà lưu niệm và đồ biển đặc sản địa phương về nấu ăn, và dẫn từng nhóm nhỏ đi thăm viện bảo tàng Lướt Sóng Florida và khu rừng duyên hải vô cùng ngoạn mục trong công viên Lori Wilson.

                     


            
    Ngày thứ ba, bọn đàn ông bảy người, kể cả Mạc và Giang 16 tuổi con trai lớn của Sang (em kế tôi), đi câu cá ngoài khơi.  Công ty đưa đi câu dùng tàu chở chúng tôi ra biển xa, cung cấp cần và mồi câu, và gần như cả quyết chúng tôi sẽ câu được cá lớn.  Chắc mẩm thế nào cũng sẽ có cá biển ăn, các bà sửa soạn gia vị và dao thớt làm cá để trổ tài nấu nướng cho bữa cơm chiều.  Nhưng trước khi chúng tôi rời khỏi nhà, mẹ đưa tay can,

                “Khoan khoan!  Tụi bây muốn có cá ăn thì phải bắt thằng Ba Hoa ở nhà.  Hắn không có số sát cá ; có hắn đi thì trốn hết cho mà coi!”

    Mẹ nói căn cứ theo “thành tích” câu cá hồ của tôi trên North Dakota:  đi không lại về không, trăm lần như một.  Mấy em tôi cười mẹ tin dị đoan, và tôi không thể bỏ qua dịp đi câu ngoài khơi hiếm có này.  Chúng tôi ra tới chỗ hứa hẹn có nhiều cá, tàu thả neo, bảy chiếc cần câu thả mồi xuống nước gần hai tiếng đồng hồ, và Giang bị say sóng xụi lơ phải vào phòng lái ngồi nghỉ mà không có con cá nào chịu cắn câu.  Ông lái tàu người Mỹ hổ mặt biểu chúng tôi quay cuốn dây câu lên rồi chạy qua địa điểm câu khác.  Họ hàng nhà cá vẫn không chịu ra mặt.  Rồi đến địa điểm thứ ba, vũ như cẩn.  Chúng tôi về tay không như mẹ tiên đoán, mặt đứa nào đứa nấy đỏ gay vì dan nắng cả ngày.  Nhưng không ai tỏ vẻ thất vọng; trái lại, Sang thích chí hô lớn,

                “Lỗi tại anh Ba Hoa!  Tối nay anh phải đãi cả nhà đi ăn đồ biển.”

    Thị tộc của mẹ với con, cháu, và chắt cả thảy 31 người, mẹ nữa là 32, kéo ra nhà hàng nổi tiếng nhất Cocoa Beach nằm trên bãi biển và có giàn nhạc sống giúp vui.  Các cháu tôi hớn hở, “Bác Ba Hoa mình giàu, cứ ăn cho đã đời!”  Mọi người gọi thức uống đặc biệt của nhà hàng:  Trẻ em gọi nước trái cây, các bà gọi thức uống không có rượu, và đám đàn ông gọi rượu pha trộn uống thả giàn.  Hầu hết đều gọi món ngon nhất hay đắt tiền nhất trên thực đơn, và trẻ em ăn xong còn bảo nhau gọi thêm món bánh tráng miệng bỏ hộp mang về.  Tôi thầm vui vì xem bữa ăn tối nay là tiệc ăn khao Trọng đậu tiến sĩ và Mạc tốt nghiệp trung học và sắp học một trường nổi tiếng nhất Hoa kỳ là Học viện Kỹ thuật Massachusetts.

    Hôm sau, cả đại gia đình về nhà Trọng ăn cơm chiều và ngủ đêm trước khi chia tay.  Mẹ sung sướng thấy cuộc họp mặt diễn ra êm đẹp và các con hòa thuận với nhau.  Như mọi khi mẹ vui, mẹ kể lại chuyện ngày xưa ở Huế, thời mẹ một tay nuôi dạy đàn con trong lúc cha đóng đồn xa biền biệt,

                “Hồi nớ nhà mình ở gần cửa Mang Cá trên ngả Hàng Bè, tức là đường Huỳnh Thúc Kháng chạy ven bờ sông Đào tới Bao Vinh.  Dọc mé sông là mấy vựa lồ ô; người ta kết lồ ô thành bè và thả nổi trên sông.  Có khi bè lồ ô trải rộng ra tới nửa mặt sông.”

                “Lồ ô là gì hở mẹ?” Hồng Phúc vợ của Triết (em kế Sang) ngắt lời mẹ.

                “Lồ ô, trong Nam gọi là lồ ồ hay luổng, là thứ tre lớn, lóng dài, cây ngay, và cật mỏng.  Đó là vật liệu chính mà dân nghèo Thừa Thiên dùng để xây nhà tranh vách đất,” tôi trả lời giùm mẹ.

                “Đi trên sông Hương rẽ qua trái (phía tả ngạn) là lòn vô dưới cầu Gia Hội bắc ngang qua sông Đào,” mẹ kể tiếp, “Đi thêm một khoảng nữa là cầu Đông Ba.  Phía bờ phải (hữu ngạn) sông Đào là chùa Diệu Đế nổi tiếng mà người Huế có câu hát,

    Đông Ba, Gia Hội hai cầu,

    Ngó vô Diệu Đế bốn lầu hai chuông.”

    Nghe câu hát này, Sang bỗng bật cười hăng hắc khiến tôi tủm tỉm cười theo.  Năm nàng dâu và chàng rể không phải là dân Huế ngơ ngác nhìn Sang.  Mẹ hiểu ra, gí tay vào mặt Sang,

                Mi thiệt quá quắt, câu hát của người ta hay ho rứa mà không chịu ngậm mà nghe.  Cứ vặn vẹo nói lái thành tục tĩu!”

                “Con trai Huế là một cây nói lái,” Triết giải thích lại cho Hồng Phúc hiểu, “Bọn nhóc tì Huế thường giải trí bằng trò nói lái và thuộc nằm lòng những tiếng ghép với chữ ‘bốn’ như ‘bốn lầu’ hay ‘bốn lù’ để cười chơi.”

    Sang không dám cãi mẹ, nhưng không ngán đứa em kế,

                “Tao buồn miệng cười chơi một mình thì mắc mớ đến ai?  Đầu óc mày đen tối rồi đâm ra nghĩ tục, tao đây con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối, có ý gì đâu!”

                “Vậy anh nghĩ gì mà vén môi cười gian ác như vậy, nói thử tui nghe có lọt tai không?” Triết vênh váo thách thức.

                “Nghe mẹ nói chùa Diệu Đế, tao nhớ tới hồi tao học đệ lục [lớp 7] trường tư thục Nguyễn Du.  Trường này cũng như chùa Diệu Đế nằm giữa khu xóm Ngự Viên mà Nguyễn Bính nói tới trong bài thơ nổi tiếng ‘Xóm Ngự Viên’:

    . . . Hôm nay có một người du khách

    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.

    Mẹ mắng yêu Sang và Triết,

    “Tụi bây tra cấy trôốc [già cái đầu] rồi mà cãi nhau như con nít, không sợ con cháu cười cho thúi mũi,” và chỉ tay vào một toán hơn một chục mạng lớn nhỏ vừa đi vừa hát “Happy Birthday” từ từ tiến vào từ phòng ngoài, “Coi tề [xem kìa], bữa ni là sinh nhật con Thi Liên.”

    Thi Liên là con út của Trọng.  Trong gia đình, kể cả vai vế lẫn tuổi tác, dưới mẹ thì tôi lớn nhất, và hàng cháu thì Thi Liên nhỏ nhất.  Tay bưng ổ bánh sinh nhật lớn trên cắm ba ngọn nến đang cháy, Trọng dẫn đầu toán lóc nhóc, Kiên Tính vợ nó dắt tay Thi Liên đi sau nửa bước, và con nít hàng cháu hàng chắt theo sau.  Mọi người đồng thanh hát “Happy Birthday” một lần nữa trước khi cho Thi Liên thổi tắt nến.  Kiên Tính và Quỳnh Châu cắt bánh phân phát cho mọi người và sau đó, trao quà sinh nhật cho bé.

    Trước khi tiệc tàn, tôi đưa mắt ra hiệu cho Quỳnh Châu.  Nàng lấy chai rượu uýt-ki Tô Cách Lan Johnnie Walker nhãn đen và một hộp sô-cô-la Bỉ Godiva đưa cho tôi.  Không biết tôi định làm gì, nhưng Sang không bỏ lỡ một dịp để chế nhạo,

                “Nếu anh Ba Hoa tính cho con Liên uống Johnnie Walker thì ‘ai can du.’  Vừa phí rượu lại vừa phạm tội làm hư hỏng con nít.”

                Tui biết Godiva là sô-cô-la hảo hạng ngon hết sẩy, nhưng một hộp làm sao đủ cho cả nhà?” Triết làm bộ ngây thơ bình luận.

                “Hai đứa bây đói ăn khát uống nên mờ mắt không thấy được ‘Nghịch lý Sinh nhật’ trong phép tính Xác suất [Probability],” tôi phản pháo và giải thích.

    Trong khoa Xác suất, người ta tính ra nếu 23 người tụ họp cầu âu ở một nơi thì xác suất để có hai người trong nhóm có cùng sinh nhật là 50 phần trăm – 50/50.  Nếu số người tăng lên thành 32, 42, và 70 thì xác suất lần lượt trở thành 75, 90, và 99.9 phần trăm.  Như thế, khi có 32 người tại một nơi, ta có đến 75 phần trăm chắc chắn là có hai người sẽ có cùng sinh nhật.  Tôi kết luận,

                “Một người đã là bé Liên.  Chưa biết người kia là ai nên tụi tao chuẩn bị hai món quà sinh nhật khác nhau để người đó chọn:  hộp sô-cô-la cho đàn bà hay trẻ em, và chai rượu cho đàn ông.”

                “Món quà còn lại anh tính làm gì?” Triết hỏi.

                “Tao sẽ tặng cho Trọng hay Kiên Tính để cám ơn vợ chồng tụi nó bỏ công sức để dàn xếp cuộc họp mặt gia đình hoàn hảo này.”

    Tôi không cần tìm đâu xa, người thứ hai chính là Hồng Phúc.  Nàng chọn chai Johnnie Walker và không đưa món quà sinh nhật không mong đợi này cho Triết mà tặng lại cho “chú Trọng.”

    Nguyễn Ngọc Hoa

                                                                                                    Ngày 22 tháng Năm, 2024

    *****

    Truyện ngắn mới: "Món Quà Sinh Nhật Không Mong Đợi" (Tháng Năm 2024) -- Nguyễn Ngọc Hoa

    Mời đọc truyện ngắn thứ bảy

    của loạt truyện "Cố Quốc Tha Hương," hay Tập Truyện Nguyễn Ngọc Hoa XI.

    Xin đọc bản text dưới đây hay bản .pdf đính kèm.

     Để đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa đã phổ biến trước đây, mời quý thân hữu vào trang "Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa" ở trong Trang Nhà "Thân hữu Điện lực":

    https://dconnect.co.jp/friend/tacbut/nv-hoa/TruyenNgan_NNHoa/index.html

    https://dconnect.co.jp/friend/

    Xin chúc quý thân hữu và quý quyến một cuối tuần vui vẻ và thân tâm thường an lạc.

    ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

    7. Món Quà Sinh Nhật Không Mong Đợi

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

     **

    Trong bữa cơm chiều, tôi và Quỳnh Châu cho các con hay chương trình nghỉ hè cho mùa hè cuối cùng trước khi Mạc con trai đầu lòng đi học đại học xa nhà:  Chúng tôi sẽ dự cuộc họp mặt (đại) gia đình rồi nghỉ hè ở Orlando, Florida.  Vừa nghe xong, Diễm Lệ là bé út lên sáu hết hè sẽ vào trường tiểu học khoái chí la lên,

    A ha . . . anh Mạc phải đi roller coaster với em 15 lần!”

    “Diễm Lệ đi roller coaster với anh Mạc đi, Ân không thích đi đâu,” cu Ân, lớn hơn Diễm Lệ một tuổi, vội vàng nói trước.

    “Roller coaster,” người Pháp gọi là “núi Nga” (montagnes russes), là “xe lao dốc trên trục lăn” trong các giải trí trường.  Đó là đường xe lửa có các toa lộ thiên chở người chơi tìm cảm giác mạnh chạy lên “núi” xuống “núi” trên những đoạn đường rầy dốc đứng, ngoắt ngoéo, và có khi lộn ngược đầu.  Được sáng chế đầu tiên ở Nga vào đầu thế kỷ thứ 17, núi Nga gồm những bờ dốc bằng gỗ và được chơi vào mùa đông, khi trời lạnh giá.  Người ta đổ nước lên bờ dốc, nước đông thành đá khiến bờ dốc trơn láng, và người chơi ngồi trên xe trượt lao xuống dốc và lên dốc.  Đầu thế kỷ 19, người Pháp bắt chước làm núi Nga ở Paris, nhưng thời tiết ấm không thể làm nước đá nên họ phải cho chiếc xe lao dốc (coaster) trượt trên những trục lăn (roller).

    Mạc trót hứa với Diễm Lệ hè năm ngoái, lúc chúng tôi đi nghỉ hè ở tiểu bang Minnesota kế cận và để ra hai ngày vui chơi ở giải trí trường Valleyfair gần Minneapolis.  Đã được bạn trong lớp mẫu giáo mách nước, Diễm Lệ đòi đi cho bằng hết sáu núi Nga của Valleyfair.  Chiều lòng bé út, cả gia đình cùng đi.  Rồi bé xin đi lại núi Nga cao nhất, tôi phải đi cùng với bé vì chiều cao của bé chưa đủ để đi một mình.  Sau đó, bé đòi đi lần nữa – lần thứ ba – nhưng tôi từ chối.  Nước mắt lưng tròng, bé kéo áo Quỳnh Châu năn nỉ, nhưng vô hiệu.  Trước khi bé út bị rầy vì tật vòi dai, Mạc tình nguyện đi với bé.  Để hai anh em chơi núi Nga, tôi cùng Quỳnh Châu và cu Ân đi chơi chỗ khác.  Khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau, chúng tôi trở lại; Mạc và Diễm Lệ vẫn đi núi Nga hết lần này đến lần khác, Diễm Lệ khăng khăng đòi tiếp tục đi, và sau cùng Mạc chịu thua và hứa đại,

    “Anh Mạc mệt rồi, không đi nổi nữa đâu.  Để lần sau ba má cho mình đi amusement park [giải trí trường], anh sẽ đi roller coaster với em 15 lần.”

     

    Trong nhà, Diễm Lệ có tiếng nhớ dai, và không ai có thể hứa cuội với bé.  Và từ dạo đi Valleyfair về, bé đâm ra mê đi núi Nga, càng cao càng dễ sợ bé càng thích.  Kỳ này đi Orlando, chúng tôi sẽ dành hầu hết thời gian nghỉ hè để các con vui chơi ở khu giải trí trường có chủ đề cách trung tâm thành phố khoảng 20 dặm về phía tây nam, trong đó lớn nhất là Walt Disney World and Universal Orlando.  Quỳnh Châu đã mua vé trọn mớ cho gia đình ở khách sạn và vào cửa hai giải trí trường này năm ngày.  Bé sẽ tha hồ đi núi Nga mệt nghỉ.  Chỉ khổ thân Mạc!

    * * *

    Chúng tôi bay xuống phi trường Quốc tế Orlando và thuê xe lái về nhà Trọng (em út tôi) ở Chuluota thuộc ngoại ô Orlando và cách trung tâm thành phố chừng 25 dặm về phía đông bắc, nghĩa là ở góc xa khu giải trí trường nhất.  Nhà Trọng có sáu phòng ngủ, đủ chỗ cho mẹ và cả sáu gia đình anh em tôi.  Mẹ đang ở chung với Trọng để giúp vợ chồng nó nuôi đứa con gái út.  Gia đình các em khác – Sang, Triết, Bình, và Lâm – lái xe từ Texas, Louisiana, và Oklahoma đến nhà Trọng gặp mặt và nghỉ lại đêm đầu tiên.  Mẹ và các em tôi không nói ra, nhưng ai cũng hiểu cuộc họp mặt năm nay tại Orlando một phần là để ăn mừng sự thành công về học vấn của Trọng:  Nó nghỉ làm hai năm, đi học toàn thời gian tại Đại học Trung tâm Florida ở Orlando, và đậu bằng PhD về cơ khí.  Bằng tiến sĩ đầu tiên của dòng họ, dễ gì mà được!

    Sáng hôm sau chúng tôi mang đồ tế nhuyễn, nồi niêu soong chảo, và thức ăn tươi để nấu ăn, và lái xe chừng một tiếng đồng hồ (khoảng 50 dặm Anh) đến thành phố ven biển Cocoa Beach.  Trọng đã đặt thuê mấy căn nhà trong một khu nghỉ dưỡng, căn lớn nhất dành cho mẹ và gia đình Trọng và dùng làm nơi nấu ăn và tụ họp đại gia đình.  Từ căn tôi ở, bước ra phía sau chừng 20 thước là tới bãi cát rộng nhìn ra Đại tây dương; sáng sớm còn mù sương, tôi và Quỳnh Châu đi bộ tập thể dục dọc theo mé nước và thưởng thức sự tĩnh lặng của đại dương.

    Hai ngày đầu, anh em tôi chia nhau đưa trẻ em ra bãi tắm biển, đưa các bà ra phố mua quà lưu niệm và đồ biển đặc sản địa phương về nấu ăn, và dẫn từng nhóm nhỏ đi thăm viện bảo tàng Lướt Sóng Florida và khu rừng duyên hải vô cùng ngoạn mục trong công viên Lori Wilson.

    PIC 

    Ngày thứ ba, bọn đàn ông bảy người, kể cả Mạc và Giang 16 tuổi con trai lớn của Sang (em kế tôi), đi câu cá ngoài khơi.  Công ty đưa đi câu dùng tàu chở chúng tôi ra biển xa, cung cấp cần và mồi câu, và gần như cả quyết chúng tôi sẽ câu được cá lớn.  Chắc mẩm thế nào cũng sẽ có cá biển ăn, các bà sửa soạn gia vị và dao thớt làm cá để trổ tài nấu nướng cho bữa cơm chiều.  Nhưng trước khi chúng tôi rời khỏi nhà, mẹ đưa tay can,

    “Khoan khoan!  Tụi bây muốn có cá ăn thì phải bắt thằng Ba Hoa ở nhà.  Hắn không có số sát cá ; có hắn đi thì trốn hết cho mà coi!”

    Mẹ nói căn cứ theo “thành tích” câu cá hồ của tôi trên North Dakota:  đi không lại về không, trăm lần như một.  Mấy em tôi cười mẹ tin dị đoan, và tôi không thể bỏ qua dịp đi câu ngoài khơi hiếm có này.  Chúng tôi ra tới chỗ hứa hẹn có nhiều cá, tàu thả neo, bảy chiếc cần câu thả mồi xuống nước gần hai tiếng đồng hồ, và Giang bị say sóng xụi lơ phải vào phòng lái ngồi nghỉ mà không có con cá nào chịu cắn câu.  Ông lái tàu người Mỹ hổ mặt biểu chúng tôi quay cuốn dây câu lên rồi chạy qua địa điểm câu khác.  Họ hàng nhà cá vẫn không chịu ra mặt.  Rồi đến địa điểm thứ ba, vũ như cẩn.  Chúng tôi về tay không như mẹ tiên đoán, mặt đứa nào đứa nấy đỏ gay vì dan nắng cả ngày.  Nhưng không ai tỏ vẻ thất vọng; trái lại, Sang thích chí hô lớn,

    “Lỗi tại anh Ba Hoa!  Tối nay anh phải đãi cả nhà đi ăn đồ biển.”

    Thị tộc của mẹ với con, cháu, và chắt cả thảy 31 người, mẹ nữa là 32, kéo ra nhà hàng nổi tiếng nhất Cocoa Beach nằm trên bãi biển và có giàn nhạc sống giúp vui.  Các cháu tôi hớn hở, “Bác Ba Hoa mình giàu, cứ ăn cho đã đời!”  Mọi người gọi thức uống đặc biệt của nhà hàng:  Trẻ em gọi nước trái cây, các bà gọi thức uống không có rượu, và đám đàn ông gọi rượu pha trộn uống thả giàn.  Hầu hết đều gọi món ngon nhất hay đắt tiền nhất trên thực đơn, và trẻ em ăn xong còn bảo nhau gọi thêm món bánh tráng miệng bỏ hộp mang về.  Tôi thầm vui vì xem bữa ăn tối nay là tiệc ăn khao Trọng đậu tiến sĩ và Mạc tốt nghiệp trung học và sắp học một trường nổi tiếng nhất Hoa kỳ là Học viện Kỹ thuật Massachusetts.

    Hôm sau, cả đại gia đình về nhà Trọng ăn cơm chiều và ngủ đêm trước khi chia tay.  Mẹ sung sướng thấy cuộc họp mặt diễn ra êm đẹp và các con hòa thuận với nhau.  Như mọi khi mẹ vui, mẹ kể lại chuyện ngày xưa ở Huế, thời mẹ một tay nuôi dạy đàn con trong lúc cha đóng đồn xa biền biệt,

    “Hồi nớ nhà mình ở gần cửa Mang Cá trên ngả Hàng Bè, tức là đường Huỳnh Thúc Kháng chạy ven bờ sông Đào tới Bao Vinh.  Dọc mé sông là mấy vựa lồ ô; người ta kết lồ ô thành bè và thả nổi trên sông.  Có khi bè lồ ô trải rộng ra tới nửa mặt sông.”

    “Lồ ô là gì hở mẹ?” Hồng Phúc vợ của Triết (em kế Sang) ngắt lời mẹ.

    “Lồ ô, trong Nam gọi là lồ ồ hay luổng, là thứ tre lớn, lóng dài, cây ngay, và cật mỏng.  Đó là vật liệu chính mà dân nghèo Thừa Thiên dùng để xây nhà tranh vách đất,” tôi trả lời giùm mẹ.

    “Đi trên sông Hương rẽ qua trái (phía tả ngạn) là lòn vô dưới cầu Gia Hội bắc ngang qua sông Đào,” mẹ kể tiếp, “Đi thêm một khoảng nữa là cầu Đông Ba.  Phía bờ phải (hữu ngạn) sông Đào là chùa Diệu Đế nổi tiếng mà người Huế có câu hát,

    Đông Ba, Gia Hội hai cầu,

    Ngó vô Diệu Đế bốn lầu hai chuông.”

    Nghe câu hát này, Sang bỗng bật cười hăng hắc khiến tôi tủm tỉm cười theo.  Năm nàng dâu và chàng rể không phải là dân Huế ngơ ngác nhìn Sang.  Mẹ hiểu ra, gí tay vào mặt Sang,

    Mi thiệt quá quắt, câu hát của người ta hay ho rứa mà không chịu ngậm mà nghe.  Cứ vặn vẹo nói lái thành tục tĩu!”

    “Con trai Huế là một cây nói lái,” Triết giải thích lại cho Hồng Phúc hiểu, “Bọn nhóc tì Huế thường giải trí bằng trò nói lái và thuộc nằm lòng những tiếng ghép với chữ ‘bốn’ như ‘bốn lầu’ hay ‘bốn lù’ để cười chơi.”

    Sang không dám cãi mẹ, nhưng không ngán đứa em kế,

    “Tao buồn miệng cười chơi một mình thì mắc mớ đến ai?  Đầu óc mày đen tối rồi đâm ra nghĩ tục, tao đây con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối, có ý gì đâu!”

    “Vậy anh nghĩ gì mà vén môi cười gian ác như vậy, nói thử tui nghe có lọt tai không?” Triết vênh váo thách thức.

    “Nghe mẹ nói chùa Diệu Đế, tao nhớ tới hồi tao học đệ lục [lớp 7] trường tư thục Nguyễn Du.  Trường này cũng như chùa Diệu Đế nằm giữa khu xóm Ngự Viên mà Nguyễn Bính nói tới trong bài thơ nổi tiếng ‘Xóm Ngự Viên’:

    . . . Hôm nay có một người du khách

    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.

    Mẹ mắng yêu Sang và Triết,

    “Tụi bây tra cấy trôốc [già cái đầu] rồi mà cãi nhau như con nít, không sợ con cháu cười cho thúi mũi,” và chỉ tay vào một toán hơn một chục mạng lớn nhỏ vừa đi vừa hát “Happy Birthday” từ từ tiến vào từ phòng ngoài, “Coi tề [xem kìa], bữa ni là sinh nhật con Thi Liên.”

    Thi Liên là con út của Trọng.  Trong gia đình, kể cả vai vế lẫn tuổi tác, dưới mẹ thì tôi lớn nhất, và hàng cháu thì Thi Liên nhỏ nhất.  Tay bưng ổ bánh sinh nhật lớn trên cắm ba ngọn nến đang cháy, Trọng dẫn đầu toán lóc nhóc, Kiên Tính vợ nó dắt tay Thi Liên đi sau nửa bước, và con nít hàng cháu hàng chắt theo sau.  Mọi người đồng thanh hát “Happy Birthday” một lần nữa trước khi cho Thi Liên thổi tắt nến.  Kiên Tính và Quỳnh Châu cắt bánh phân phát cho mọi người và sau đó, trao quà sinh nhật cho bé.

    Trước khi tiệc tàn, tôi đưa mắt ra hiệu cho Quỳnh Châu.  Nàng lấy chai rượu uýt-ki Tô Cách Lan Johnnie Walker nhãn đen và một hộp sô-cô-la Bỉ Godiva đưa cho tôi.  Không biết tôi định làm gì, nhưng Sang không bỏ lỡ một dịp để chế nhạo,

    “Nếu anh Ba Hoa tính cho con Liên uống Johnnie Walker thì ‘ai can du.’  Vừa phí rượu lại vừa phạm tội làm hư hỏng con nít.”

    Tui biết Godiva là sô-cô-la hảo hạng ngon hết sẩy, nhưng một hộp làm sao đủ cho cả nhà?” Triết làm bộ ngây thơ bình luận.

    “Hai đứa bây đói ăn khát uống nên mờ mắt không thấy được ‘Nghịch lý Sinh nhật’ trong phép tính Xác suất [Probability],” tôi phản pháo và giải thích.

    Trong khoa Xác suất, người ta tính ra nếu 23 người tụ họp cầu âu ở một nơi thì xác suất để có hai người trong nhóm có cùng sinh nhật là 50 phần trăm – 50/50.  Nếu số người tăng lên thành 32, 42, và 70 thì xác suất lần lượt trở thành 75, 90, và 99.9 phần trăm.  Như thế, khi có 32 người tại một nơi, ta có đến 75 phần trăm chắc chắn là có hai người sẽ có cùng sinh nhật.  Tôi kết luận,

    “Một người đã là bé Liên.  Chưa biết người kia là ai nên tụi tao chuẩn bị hai món quà sinh nhật khác nhau để người đó chọn:  hộp sô-cô-la cho đàn bà hay trẻ em, và chai rượu cho đàn ông.”

    “Món quà còn lại anh tính làm gì?” Triết hỏi.

    “Tao sẽ tặng cho Trọng hay Kiên Tính để cám ơn vợ chồng tụi nó  bỏ công sức để dàn xếp cuộc họp mặt gia đình hoàn hảo này.”

    Tôi không cần tìm đâu xa, người thứ hai chính là Hồng Phúc.  Nàng chọn chai Johnnie Walker và không đưa món quà sinh nhật không mong đợi này cho Triết mà tặng lại cho “chú Trọng.”

    Nguyễn Ngọc Hoa

    Ngày 22 tháng Năm, 2024

     

    • Blogger Comments
    • Facebook Comments
    Item Reviewed: SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 8-2024 KÍNH GIỚI THIỆU TRANG TRUYỆN NGẮN NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA Rating: 5 Reviewed By: SA CHI LỆ
    Scroll to Top