NGUYỄN THỊ MINH TRÂM: ĐIÊN RỒ
ĐIÊN RỒ --- (Tác giả : Nguyễn Thị Minh Trâm)
Thật ra, tôi nghỉ hưu đã khá lâu nhưng chính thức rời bục giảng
mới chỉ 3 năm. Những đổi thay trong chương trình giáo dục với tôi không lạ
nhưng năm học 2021-2022 thì đúng nhiều chuyện lạ.
Từ chuyện bỏ môn lịch sử trong trương trình học chính đến bỏ
chữ P trong bảng chữ cái, tôi đã nhìn thấy một sự thật tha hóa trong ngành giáo
dục đến kinh hoàng.
Đúng là: khi quyền lực vào tay kẻ bất tài thì sẽ là đại họa
cho muôn dân.
Ngành giáo dục, nơi chứa nguyên khí của quốc gia, đã bao lần
cải tiến và thay đổi, nhưng xét cho cùng mọi sự thay đổi ấy không làm cho giáo
dục tốt hơn mà nó đang làm cho hệ thống giáo dục trở nên lụi tàn và băng hoại.
Giáo dục hôm nay không hình thành nhân cách người tử tế mà toàn gieo vào đầu trẻ lối sống mông lung, ảo tưởng, thực dụng, ngu đần. Cao hơn cả, mọi cải cách giáo dục không làm cho trẻ tiến bộ hơn về tri thức, trao cho trẻ tri thức thì ít mà giáo dục khoan vào túi tiền của cha mẹ chúng thì nhiều...
Những năm tôi còn đứng lớp, SGK các con tôi học chỉ mua một
lần. Bọn trẻ đứa trước học đứa sau học tiếp…, vậy mà 10 năm sau cháu nội tôi đi
học cha mẹ chúng mỗi năm mỗi mua vì có quá nhiều thay đổi bổ sung. Những thay đổi
bổ sung rất vẽ vời mà cô đứng lớp buộc mua nguyên combo trường bán, không dùng
cho học tập mà cho khoản thu tiền của trường.
Cũng bộ SGK ấy mua ở nhà sách phải bỏ vì thiếu mấy cuốn thực
hành. Một kiểu moi tiền bệnh hoạn!
Nội dung những thay đổi đó muốn gì?
Chắc chắn chúng chỉ muốn tiền, còn thực chất những đổi thay ấy
cực kỳ lếu láo. Nếu có thời gian, các vị hãy đọc những cải cách ở bậc tiểu học…
Rất nhiều lỗi sơ đẳng vừa thiếu văn hóa vừa vô giáo dục, vừa dạy trẻ bạo lực
ngông cuồng.
Viết sách kiểu gì mà một đứa trẻ được dạy dỗ trong gia đình
tử tế nó cũng nhận ra sách viết bậy bạ. Tôi thất vọng vô cùng bởi những đổi
thay băng hoại ấy.
Ở bài viết này, tôi không có ý đi tìm những điểm đen trong cải
cách giáo dục. Tôi chỉ muốn nói đến mục đích cuối cùng của cải cách giáo dục ở
VN là gì?
Xét cho cùng với thái độ nghiêm túc cho giáo dục VN trong
tương lai nhất định cần trách nhiệm và tiếng nói của chúng ta. Không thể im lặng
để chấp nhận những trò ngu xuẩn và điên đảo.
Những cải cách ngu dân và bần cùng hóa thực hiện mưu đồ
chính trị của giáo dục VN thật trần trụi, trơ trẽn…, nó thể hiện bản chất của nền
giáo dục bệnh hoạn.
Tại sao tôi nói vậy? Các bạn cùng nghe nhé.
1- Tại sao phải bỏ môn Lịch sử đưa vào tự chọn để làm gì?!
Có phải lịch sử VN từ 1945 -2022 đã viết sai nên giờ muốn viết lại?! Có phải họ
muốn con em chúng ta biết sử Tàu mà quên đi sử Việt?!
Kiến thức lịch sử dạy không đúng sự thật thì làm sao giáo dục
được tinh thần yêu nước, yêu dân tộc mình cho thế hệ trẻ?! Làm sao bọn trẻ ý thức
được niềm tự hào dân tộc về lịch sử đất nước mình?! Nếu không yêu lịch sử dân tộc
mình thì chỉ biết cúi đầu làm nô lệ.
Gần 100 năm dưới sự lãnh đạo của ĐCS, dân tộc VN đang đi về
đâu khi lịch sử VN không có thật và chứa đầy dối trá?!
Thật ra không học sử, dân VN sẽ trở lại thời kỳ trước 1945,
toàn dân làm nô lệ…, khác là trước 45 làm nô lệ tiếp cận văn minh phương Tây,
còn bây giờ cho bọn man ri mọi rợ! Thất vọng ê chề.
2- Chữ viết.
Từ khi tôi biết đọc viết làm người, tôi luôn cảm ơn người đã
tạo ra chữ viết Việt cho dân tôi. Một mẫu chữ cực kỳ văn minh và đẹp, nó vô
cùng thuận lợi cho tất cả những ai muốn học tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…
Sau gần thế kỷ dưới sự lãnh đạo của ĐCS đã không làm cho tiếng
Việt tốt hơn, tại sao lại cho học sinh bỏ dần đi chữ cái trong bảng chữ cái tiếng
Việt?!
Mục đích bỏ dần chữ cái tiếng Việt để làm gì?!
Có thể nói đây là một cải tiến ngu đần nhất mà tôi biết.
Không có dân tộc nào tự đâm vào thân xác mình để hủy hoại văn hóa dân tộc mình
như giáo dục VN.
Đến đây ai cũng thấy cải cách giáo dục ở VN đã hiện nguyên
hình sự điên rồ, ngu xuẩn của mình…, kể cả kẻ vô tâm nhất cũng phải nhìn thấy sự
tàn lụi của giáo dục với con em chúng ta. Nó sẽ gieo rắc nọc độc bệnh hoạn về
văn hóa Việt. Ăn tục, nói bậy, gian tham, quỷ quái, mưu mô thủ đoạn, ngu dốt
trong văn hóa ứng xử: “rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì!”.
Nó sẽ hình thành trong nhận thức và tư duy của con em chúng
ta một kiểu người bệnh hoạn. Tôi không lạ khi văn hóa Việt ngày càng tha hóa
ngay trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng và nhà nước VN, nói gì đến học trò.
Con đường tôi đi không còn dài nữa. Tôi chỉ muốn viết vài
hàng để mọi người suy ngẫm. Đã đến lúc chúng ta không thể phó thác con em chúng
ta cho giáo dục VN. Phải dạy lại cho con em mình từ chính nền nếp gia đình
mình.
Mất nước có thể 10 năm, 100 năm, nhưng văn hóa chữ viết Việt
không thể mất và muốn giữ gìn nó chỉ có thể là sự gìn giữ từ mỗi gia đình Việt.
Cám ơn các vị đã lắng nghe.
Nguyễn Thị Minh Trâm